e-Com forum

Post date: May 17, 2013 4:25:32 AM

Hội thảo Phát triển Thương mại điện tử ở Việt Nam

Đại học Điện lực, Hà nội, 15/05/2013

Hội thảo “Phát triển Thương mại điện tử ở Việt Nam“ được khoa Công nghệ Thông tin và khoa Quản trị Kinh doanh Trường Đại học Điện phối hợp tổ chức ngày 15 tháng 05 năm 2013 tại Hà nội. Chủ đề của sự kiện xoay quanh các xu hướng, đổi mới và những thách thức của ngành công nghiệp thương mại trực tuyến, hiện tại và tương lai.

Tim Berners-Lee đã phát minh ra trình duyệt web WorldWideWeb và chuyển mạng thông tin liên lạc giáo dục thành mạng toàn cầu Internet (www) năm 1990. 5 năm sau ra đời giao thức bảo mật mã hóa Secure Sockets Layer (SSL), trên trình duyệt Netscape và giao thức Digital Subscriber Line (DSL) cho phép kết nối Internet liên tục. Vào cuối năm 2000, nhiều công ty kinh doanh ở Mỹ và Châu Âu đã thiết lập các dịch vụ thông qua World Wide Web. Từ đó bắt đầu có từ "e-commerce – thương mại điện tử" thể hiện sự trao đổi hàng hóa thông qua Internet dùng các giao thức bảo mật và dịch vụ thanh toán điện tử.

Thương mại điện tử đã được triển khai ở Việt nam, tuy nhiên còn nhiều khó khăn và thách thức. TS Nguyễn Hữu Quỳnh, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Điện Lực, đã khai mạc hội thảo. TS. Nguyễn Mạnh Quyền – Phó cục trưởng cục Thương mại điện tử và CNTT, bộ Công thương đã có tham luận “Phát triển Thương mại điện tử VN hiện nay”. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phối hợp giữa các nhà thương mại và các nhà công nghệ để tạo ra sự thành công thương mại điện tử, bởi từ “e-commerce” được tạo ra bởi hai yếu tố: “commerce” và “electronic”. Sự phối hợp tổ chức hội thảo của khoa CNTT và khoa QTKD là ví dụ cụ thể về công thức đó.

Phân tích về Thanh toán điện tử ở Việt Nam, TS. Đặng Mạnh Phổ - Phó tổng giám đốc ngân hàng BIDV cho biết, thanh toán điện tử là cách thanh toán sử dụng các phương tiện điện tử như máy tính, điện thoại, máy ATM. Thanh toán điện tử không chỉ tiện lợi, tiết kiệm thời gian, còn giúp tiết kiệm tiền bạc. Tuy nhiên ở Việt nam, thanh toán điện tử còn ở mức khiêm tốn so với thanh toán bằng tiền mặt. Với sự phát triển đồng bộ hạ tầng thanh toán điện tử và hoàn thiện các cơ sở pháp lý, các khó khăn trong thanh toán điện tử sẽ được dần dần tháo gỡ.

Quan tâm đến vấn đề đào tạo Thương mại điện tử trong hướng ứng dụng thực tế, TS. Lê Anh Tuấn – Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Điện Lực cho biết: thương mại điện tử không chỉ dừng lại ở một chương trình web site mua bán qua mạng, mà phải có qui trình nghiệp vụ kinh doanh, như quản lý quan hệ khách hàng, giao hàng, xử lý hàng trả lại. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của e-logistics and e-fulfillment trong thương mại điện tử.

Quản lý và phát triển tài chính trong Thương mại điện tử là chủ đề được TS. Vũ Đức Nghĩa – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán WOORI CBV đề cập. Các dữ liệu về giao dịch chứng khoán quốc tế và khu vực được phân tích cho thấy thị trường giao dịch chứng khoán ở Việt nam còn ở mức độ khiêm tốn và cần có thời gian phát triển hơn nữa.

Tham luận cuối cùng về các dịch vụ thương mại điện tử trong ngân hàng do ông Âu Đức Chung, phòng phát triển kênh phân phối khôi bán lẻ, Techcombank thực hiện. Ngân hàng điện tử có thể có các chức năng như chuyển tiền trong và ngoài hệ thống, thanh toán dịch vụ hàng hóa, thanh toán tiền điện, thanh toán phí bảo hiểm, gửi tiết kiệm online, thanh toán thẻ tín dụng.

Hội thảo đã có cuộc trao đổi chuyên sâu giữa nhiều chuyên gia đa ngành, liên quan đến thương mại điện tử. Trong đó có PGS TS Ngô Quốc Tạo, TS Hoàng Đỗ Thanh Tùng đến từ Viện Công nghệ thông tin, Viện khoa học và công nghệ Việt nam, TS Vũ Tất Thắng, giám đốc ISOLAR, TS Dương Trung Kiên, Trưởng khoa Năng lượng trường Đại học Điện Lực, ông Nguyễn Hải Anh, Trưởng phòng Phòng tiêu chuẩn chất lượng 7 Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, ông Đặng Trung Hiếu, Phó giám đốc SmartLink Card, bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, cục Thương mại điện tử và CNTT, bộ Công thương.

Các chuyên gia, cũng như các giảng viên và sinh viên đã rất quan tâm đến thương mại điện tử. Trong đó sinh viên đặc biệt quan tâm đến tương lai ngành nghề liên quan đến thương mại điện tử. Trong phần thảo luận do TS Đào Nam Anh khoa Công nghệ thông tin chủ trì, nhiều câu hỏi đã được gửi đến các chuyên gia và nhận được những phân tích sâu sắc của các chuyên gia. Trả lời câu hỏi của em Lê Thị Hải Vân và Nguyễn Thị Quỳnh Thi, lớp D7, TMDT về triển vọng của ngành thương mại điện tử, PGS TS Đỗ Văn Thành, phó giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế, xã hội quốc gia cho biết: thương mại điện tử là hướng phát triển tất yếu.

Hội thảo đã được chuẩn bị bởi các giảng viên và sinh viên hai khoa CNTT và QTKD, đặc biệt là có sự đóng góp lớn của TS Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng khoa CNTT.

Về Khoa CNTT và Khoa QTKD Trường Đại học Điện lực

Khoa CNTT và Khoa QTKD là hai trong những khoa phát triển nhanh nhất tại Trường Đại học Điện lực với mạng lưới hơn 6.000 sinh viên và cựu sinh viên chuyên nghiệp.Mục tiêu chính của hai khoa là thiết lập mối quan hệ lâu dài với các nhà lãnh đạo ngành thương mại điện tử để đào tạo sinh viên những chuyên môn thương mại điện tử.

Với những mục tiêu này, Khoa CNTT và Khoa QTKD tổ chức các sự kiện để đào tạo chuyên ngành và tạo cơ hội thành lập mạng lưới giữa các sinh viên, cựu sinh viên và các chuyên gia thương mại điện tử.