Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động – nhiệm vụ trọng tâm tại Quảng Ninh

An toàn lao động, vệ sinh lao động từ lâu đã được Quảng Ninh xác định là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. “An toàn để sản xuất, sản xuất thì phải an toàn” không chỉ đơn thuần là những khẩu hiệu mà luôn là phương châm hành động tại tất cả các công trường, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

Trực tiếp đội mũ bảo hộ công trường, phó chủ tịch tỉnh kiểm tra hoạt động sản xuất khai thác than tại PVT

Trong thời gian qua, với đặc thù là một tỉnh công nghiệp, nơi tập trung của nhiều ngành công nghiệp phát triển như than, điện, sản xuất vật liệu xây dựng, đóng tàu… cộng với tốc độ phát triển kinh tế, doanh nghiệp tăng nhanh trong khi nguồn lực con người chưa đáp ứng kịp, tại Quảng Ninh đã xảy ra một số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) đáng tiếc. Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2006-2010, bình quân mỗi năm trên địa bàn tỉnh xảy ra 33 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm chết 42 người, giai đoạn 2011-2013 xảy ra 28 vụ làm chết 33 người, giảm 9 người chết so với giai đoạn trước.

Ngay sau khi xảy ra các vụ TNLĐ nghiêm trọng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương và cơ sở huy động mọi nguồn lực, tổ chức công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại; đồng thời, tổ chức điều tra kết luận, xử lý nghiêm các vụ TNLĐ chết người theo đúng quy định của pháp luật.

Cùng với đó, công tác ATLĐ-VSLĐ cũng đã được các cấp, ngành, địa phương và đơn vị quán triệt và triển khai nghiêm túc. Năm 2013, các đơn vị xây dựng kế hoạch ATLĐ, VSLĐ và thực hiện với tổng chi phí trên 1.180 tỷ đồng. Các doanh nghiệp, cơ sở đã tổ chức 135 cuộc thi tìm hiểu về ATVSLĐ-PCCN, thi an toàn vệ sinh viên giỏi thu hút trên 14.000 lượt người lao động tham gia; Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức 72 lớp tập huấn, huấn luyện 4.464 lượt người về ATLĐ, VSLĐ; các doanh nghiệp, cơ sở tổ chức huấn luyện cho trên 130.000 lượt người lao động; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho trên 143,5 nghìn người… Các sở, ban, ngành cũng đã tăng cường phối hợp, thanh kiểm tra 142 đơn vị, xử phạt vi phạm với tổng số tiền gần 101 triệu đồng.

Quán triệt Chỉ thị 29-CT/TW ngày 18-9-2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, ngày 5-12-2013, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/TU với mục tiêu cụ thể là trung bình hằng năm giảm 5% tần suất tai nạn lao động chết người trong các ngành, lĩnh vực khai khoáng, điện, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, kinh tế biển; trung bình hàng năm tăng 5% số cơ sở tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; tăng 5% số người lao động khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; tăng 3% số cơ sở được giám sát môi trường lao động; tăng thêm 10% doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý ATLĐ, VSLĐ.

Hàng năm, 100% người làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn – vệ sinh lao động, người làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được hỗ trợ huấn luyện về ATLĐ, VSLĐ. Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2015 có 100% làng nghề, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ được phổ biến thông tin phù hợp về an toàn lao động, vệ sinh lao động; 100% người lao động đã xác nhận bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng lao động; 100% số vụ tai nạn lao động chết người được điều tra xử lý.

Để hoàn thành được mục tiêu đề ra, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra 07 nhóm giải pháp gồm: tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và công tác quản lý của chính quyền các cấp, phát huy vai trò của các tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội trong việc đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động; đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chủ động đảm bảo ATLĐ, VSLĐ; quan tâm công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao hiểu biết, kỹ năng phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất, quan tâm cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho người lao động; tăng cường năng lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATLĐ, VSLĐ trên địa bàn; quan tâm thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện đảm bảo ATLĐ-VSLĐ; chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế về ATLĐ-VSLĐ.

Người lao động phải được trang bị đầy đủ quần áo công nhân cũng giầy bảo hộ mũi sắt khi làm việc.

Ngay sau khi Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh được ban hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, liên quan coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, xây dựng lộ trình thực hiện và triển khai các hoạt động thiết thực để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Trước mắt, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo và ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động của Tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động-Phòng chống cháy nổ lần thứ 16 (từ 16-22/3/2014) với chủ đề “Suy nghĩ và hành động vì mục tiêu không tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc”.

Với quyết tâm mạnh mẽ và các giải pháp thực hiện quyết liệt, Quảng Ninh đang từng bước nâng cao chất lượng công tác đảm bảo ATLĐ, VSLĐ cũng chính là đảm bảo sức khỏe cho người lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, tạo sự ổn định và phát triển trên địa bàn, góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu xây dựng tỉnh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại đến năm 2015./.