An toàn lao động trong xây dựng: Ý thức lạnh, tai nạn nóng

Quan sát tại một số công trình đang xây dựng tại khu đô thị Xa La-Hà Đông, Hà Nội có thể dễ dàng nhận thấy nhiều công nhân đang đổ bê tông tại các công trình xây dựng (nhất là các công trình xây dựng tư nhân )

Làm việc trên cao không quần áo bảo hộ, dây an toàn đang rất phổ biến hiện nay.

Theo khảo sát của phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống, tại nhiều công trình xây dựng, không khó để tìm thấy nhưng khẩu hiệu như: “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn", “an toàn là bạn, tai nạn là thù”, “an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và phòng chống cháy nổ (PCCN)”...tại các công trường xây dựng. Tuy nhiên, ngày càng nhiều vụ tai nạn thương tâm gây chết người, môi trường làm việc bị ô nhiễm nặng gây hại đến sức khỏe người lao động... diễn ra trong những năm gần đây khiến cho vấn đề an toàn vệ sinh lao động đang ngày càng "nóng"

Tâm lý tặc lưỡi bỏ qua

Quan sát tại một số công trình đang xây dựng tại khu đô thị Xa La-Hà Đông, Hà Nội có thể dễ dàng nhận thấy nhiều công nhân đang đổ bê tông tại các công trình xây dựng (nhất là các công trình xây dựng tư nhân) không đeo dụng cụ BHLĐ nhất là mũ nhựa bảo hộ lao động và dây đai an toàn. Anh Toàn-một công nhân xây dựng tâm sự, “cũng biết phải sử dụng các dụng cụ bảo hộ lao động để an toàn nhưng tùy từng hôm, trời nắng đội mũ BHLĐ rất nóng, mình thường hay dùng mũ kè cho mát.

Còn dây đai an toàn thì bọn mình hầu như không ai dùng, đứng đổ bê tông ở diện tích 120m2 trên tầng 4 cũng chẳng biết thắt dây đai an toàn vào đâu. Với lại mình là dân lao động thủ công làm thuê cho chủ thầu tư nhân nên cũng không đòi hỏi nhiều về vấn đề này, có việc làm là được rồi, còn trong lúc làm việc sẽ tự ý thức lấy thôi”. Cách đó không xa, tại một công trình xây dựng đang trong quá trình hoàn thiện, chứng kiến một công nhân thực hiện việc lăn sơn ở tầng 3 mà chúng tôi không khỏi giật mình, chỉ với một sợi dây thừng được buộc một đầu cố định ở phía trên, một đầu được buộc thắt nút rất “kỹ thuật” vào với những sợi nối từ tấm ván, bên cạnh là thùng sơn treo lơ lửng. Điều đáng nói đó là quấn quanh người công nhân này chỉ có một sợi dây mỏng manh, gọi là, buộc lấy sợi dây thừng cho thêm phần yên tâm làm việc.

Dây toàn thân đi cùng giày da bảo hộ lao động mũi sắt sẽ rất an toàn trong môi trường làm việc như thê này.

Tham khảo ý kiến một số công nhân tại các công trình xây dựng khu vực Trung Yên, Cầu Giấy,... hầu như ai cũng cho biết đã từng bị TNLĐ, nhẹ thì dẫm phải đinh, nặng thì trượt dàn giáo gãy chân tay. Tuy nhiên, những tai nạn này được nhiều công nhân cắn răng chịu đựng và tự giải quyết chứ không được hỗ trợ. Bởi cũng như hầu hết lao động xây dựng ở đây không được chủ sử dụng mua bảo hiểm tai nạn, không có hợp đồng. Họ chỉ làm việc theo thời vụ, lương trả theo ngày.

Cần một ý thức thường trực trong ATVSLĐ

ATVSLĐ năm nào cũng được nhắc tới, tuy nhiên đã nhiều năm nay việc giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hiện nay chưa thực sự bền vững, tình trạng hô hào rồi để đấy vẫn diễn ra tại nhiều công trường nhất là nhưng công trình xây dựng vừa và nhỏ. Đi tìm lời giải cho vấn đề này có thể thấy thực tế mặc dù đã có chuyển biến song không thể phủ nhận phần lớn nguyên nhân các vụ TNLĐ, TNLĐ gây chết người là do nhận thức và ý thức tự giác chấp hành các qui định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động ở cả các chủ doanh nghiệp lẫn người lao động còn kém. Bên cạnh đó, do người lao động chủ yếu thuộc diện hợp đồng thời vụ, không qua các trường lớp chính quy nên hay vi phạm quy định về an toàn lao động. Ngoài ra, do cơ chế thị trường cạnh tranh trong đấu thầu, các đơn vị trong ngành xây dựng phải bỏ thầu thấp để được trúng thầu. Khi trúng thầu sẽ thực hiện giảm chi phí bằng mọi cách, trong đó có việc giảm chi phí trang bị bảo hộ lao động cá nhân, lưới che chắn, sàn thao tác, hệ thống giàn giáo...điều này đã làm cho việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ không đảm bảo và là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ TNLĐ

Vấn đề ANVSLĐ đã được các cơ quan quản lý nhà nước cùng nhiều doanh nghiệp tích cực vào cuộc; tuần lễ quốc gia về ANVSLĐ lần thứ 12 đã được phát động, bức tranh về an toàn vệ sinh lao động trong năm qua đã có nhiều mảng sáng. Tuy nhiên để có sự bền vững trong vấn đề ATVSLĐ quan trọng hơn cả đó là phải tạo nên một ý thức "thường trực" và sâu rộng về an toàn vệ sinh lao động trong toàn xã hội.