Làm Thế Nào Để Xây Dựng Danh Tiếng Tác Giả Trên Website?

Một trong những thay đổi đáng lưu ý nhất của Quality Rater Guidelines phiên bản mới từ Google đó là xây dựng danh tiếng tác giả. Thay vì chỉ tập trung vào tiếng tăm của trang web thì Google chủ trương tập trung hơn vào danh tiếng của người viết nội dung.

Tác giả đó có nổi tiếng không? Có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực họ viết không? Có nhiều kinh nghiệm và đáng tin cậy trong lĩnh vực đó không?

Trước đây, Google chỉ quan tâm đến danh tiếng của trang web và chủ nhân trang web. Vì thế nhiều webmaster chủ trương tăng sức mạnh cho trang giới thiệu, đảm bảo thông tin liên hệ, FAQ cho trang web.

Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi, nhân tố quan trọng ở thì hiện tại chính là danh tiếng của tác giả. Bạn thử suy nghĩ, một website được xem là một thực thể entity thì tác giả có phải là một trong những yếu tốt tạo nên một entity cho website hay không? Một số trang chỉ có một tác giả cho toàn bộ nội dung. Với những trang này thì chỉ cần phần giới thiệu ngắn và link về trang giới thiệu đầy đủ, chứa thông tin về thành tựu, bằng cấp, kinh nghiệm của tác giả. Nhưng khi trang của bạn có nhiều tác giả thì cần hiển thị từng người riêng lẻ.

Điều đáng lưu tâm là nếu tác giả “lỡ” mang tiếng xấu, hoặc nội dung được viết bởi những tác giả không có tên tuổi thì Google sẽ xếp hạng thấp cho trang web đó. Hãy thử tìm thông tin tác giả trên trang của bạn xem. Bạn tìm thấy gì?

Google sẽ thay đổi thuật toán liên tục để đánh giá mức độ danh tiếng cùa tác giả cũng như trang web. Do đó, nếu trang của bạn có những đặc tính khiến Google muốn xếp hạng thấp thì bạn phải tìm hiểu xem trang đang thiếu sót gì và điều chỉnh ngay.

Thế nhưng mọi thứ không chỉ phụ thuộc vào mỗi Google mà chính độc giả cũng phải cảm thấy trang của bạn đáng tin cậy, biểu hiện qua việc chia sẻ bài viết của trang chẳng hạn.

Vậy chủ trang web nên làm gì để phô bày được kinh nghiệm, danh tiếng và độ tin cậy của tác giả? Và tác giả nên làm gì để độc giả tin tưởng vào những gì họ viết? Đơn Vị dạy digital marketing Foogleseo sẽ hướng dẫn từng bước:

Tạo danh tiếng cho chủ trang web

Chủ trang web cần khuyến khích tác giả tạo phần giới thiệu (bio) chi tiết, cho thấy trình độ và kinh nghiệm trong lĩnh vực họ viết. Hãy thử đặt các câu hỏi như:

Tác giả có giải thưởng, chứng chỉ hay bằng cấp nào về lĩnh vực họ viết không?”,

Họ có phải cấp dưới của nhân vật nổi tiếng nào đó?

Họ có tham gia khóa học hay hội nghị nổi tiếng nào có liên quan đến chủ đề họ viết không?

… Chung quy phải giải thích được tác giả đó nổi tiếng vì cái gì và tại sao phải tin những gì họ nói.

Thay đổi on-site

Phần bio tác giả nên có hình ảnh. Đôi khi độc giả không nhớ tác giả tên gì nhưng chỉ cần bức ảnh cận mặt là đủ gợi nhớ cho họ. Nếu bạn muốn phần bio trở nên hài hước quá mức, hoặc không màng tới chuyện nêu bật thành tựu của tác giả thì cần suy nghĩ lại. Phần bio ít ra phải có liên quan đến kỹ năng và chuyên môn của họ.

Với WordPress thì có thể tạo phần bio cho tất cả tài khoản. Có rất nhiều plug-in, cả trả phí lẫn miễn phí, cho phép tạo phần bio chuyên nghiệp hơn, có chèn link liên quan đến lĩnh vực chuyên môn và link profile từ social media, chèn ảnh tác giả…

Đừng lo lắng nếu độc giả thoát khỏi trang bạn và chuyển qua link của tác giả. Không chỉ Google muốn hiểu rõ hơn về tác giả mà cả độc giả cũng muốn vậy. Vì thế, đừng quá căng thẳng, điều này sẽ cũng có lợi cho chính độc giả.

Bios (giới thiệu ngắn)

Không cần quá dài dòng, chỉ cần độ dài vừa đủ để hiển thị trình độ chuyên môn của tác giả. Tuy nhiên cũng không nên rút gọn còn 1, 2 câu. Nhìn chung là không cần để ý đến độ dài mà chỉ nên quan tâm xem bạn đã thuyết phục được độc giả vì sao nên tin tưởng tác giả đó hay chưa thôi.

Mở rộng trang giới thiệu

Không cần phải làm một trang bio dài ngoằng. Bạn có thể cung cấp cho độc giả phiên bản mở rộng hơn. Bạn cũng nên mở rộng theo kiểu đa dạng link (Facebook, LinkedIn, Twitter, profile quan trọng trong lĩnh vực cụ thể) ở cuối trang giới thiệu.

Link trên mạng xã hội

Hãy đảm bảo tác giả có các link dẫn đến profile trên mạng xã hội. Bạn sẽ hiểu hơn về một nhân vật nào đó (tích cực hay tiêu cực) thông qua các tweet hoặc bài post họ chia sẻ. Vì thế, hãy đảm bảo nội dung tác giả chia sẻ trên mạng xã hội cũng phải mang giá trị tương tự như trên trang của bạn. Google sẽ để mắt đến chuyện này đấy.

Bio trên mạng xã hội

Mặc dù bio trên mạng xã hội bị giới hạn độ dài (Twitter chẳng hạn) nhưng bạn vẫn phải cung cấp đủ thông tin về bằng cấp, giải thưởng, kiến thức, kỹ năng.

Bio trên LinkedIn

LinkedIn là nơi một cá nhân có thể trình bày rất nhiều thông tin về bản thân. Hãy đảm bảo trang ở chế độ công khai, ai cũng xem được. Khuyến khích tác giả trình bày rõ kỹ năng, chứng chỉ, nền tảng giáo dục, giải thưởng hoặc những công việc họ đảm trách ở nơi làm việc. Chính những thông tin này sẽ tạo độ tin cậy cực kỳ cao cho người đọc.

Các trang khác

Nên tận dụng luôn profile tác giả trên những trang chuyên về lĩnh vực họ viết. Ví dụ, nếu bài viết liên quan chủ đề SEO thì một profile trên SearchEngineLand sẽ rất đáng giá vì giúp chia sẻ thông tin hữu ích đến cộng đồng yêu thích SEO.

Blog cá nhân

Lấy ví dụ trang web của bạn chuyên về du lịch. Nếu tác giả có trang blog cá nhân viết về du lịch, chia sẻ trải nghiệm cá nhân về những chuyến đi của họ thì cũng nên link về, bởi nó cho thấy được kinh nghiệm về du lịch của tác giả đó. Việc bạn cần nhớ là không nên chỉ tập trung vào bề nổi mà phải có chiều sâu về mặt thông tin cho bio tác giả.

Tạo danh tiếng cho tác giả

Với vai trò là tác giả, bạn sẽ ít nhiều gặp hạn chế trong việc trình bày về danh tiếng và chuyên môn bản thân.

Ví dụ, nếu trang bạn cộng tác không cho phép chia sẻ tài khoản Twitter hoặc trang cá nhân, bạn nên nói chuyện với chủ trang web để họ hiểu hơn tầm quan trọng của việc này. Bởi danh tiếng tác giả vẫn còn là khái niệm hoàn toàn mới nên nhiều người không biết.

Bios

Khi viết bio, đừng ngại ngùng nghĩ rằng đang phô trương bản thân. Khi ai đó đọc bài viết của bạn thì bạn phải khiến họ tin tưởng vào kiến thức bạn đưa ra. Điều đó được phản ánh qua thành tựu, kinh nghiệm, nền tảng giáo dục của bạn trong lĩnh vực đó.

Thế nhưng, đừng hài hước hóa bio của bạn (trừ khi đó là cách thật hiệu quả để liệt kê kinh nghiệm).

Hình đại diện

Hình đại diện rất quan trọng trong việc định hình thương hiệu cá nhân. Người đọc có thể không nhớ tên, nhưng họ lại nhớ mặt. Vì thế, nên sử dụng cùng một hình đại diện ở bất kì trang nào bạn viết để người dùng dễ nhận diện.

Bio trên mạng xã hội

Nếu gặp hạn chế về độ dài, không gian của bio trên mạng xã hội, bạn có thể chia sẻ đường link dẫn tới bio đầy đủ, hoặc sử dụng cú pháp “Contributor to @site” để thể hiện bạn là người nổi tiếng trong lĩnh vực đó.

LinkedIn

Hãy chắc chắn profile của bạn trên LinkedIn được cập nhật thường xuyên và trình bày đầy đủ về bản thân bạn. Dẫu bằng cấp của bạn không liên quan đến lĩnh vực đang viết, bạn cũng có thể liệt kê vào. Và phải đảm bảo người dùng có thể vào đọc profile của bạn mà không cần phải đăng nhập.

Trang giới thiệu cá nhân

Nếu bạn có trang cá nhân hoặc trang doanh nghiệp riêng thì cũng nên đưa bio vào đó. Khi có người phản hồi tốt về bạn, bạn có thể trích dẫn lời khen đó và link về nguồn của câu nói đó.

Đôi khi trang giới thiệu của một tác giả là điều đầu tiên mà độc giả nhìn vào khi họ tìm kiếm thông tin về tác giả đó. Vì vậy, hãy đầu tư cho nó diện mạo chuyên nghiệp và cung cấp mọi thông tin chi tiết về bản thân.

Và nên nhớ phải có thông tin liên lạc. Google sẽ đánh giá tác giả đó có danh tiếng tốt hay không dựa vào khả năng liên lạc với tác giả đó. Đồng thời bổ sung link dẫn tới bài viết của bạn đã được đăng tải trên các trang có độ uy tín cao. và thường xuyên cập nhật nếu có thông tin gì mới.

Sự tán dương

Hãy tưởng tượng một bìa sách, nơi người ta thường trích dẫn những câu nói hay và bình luận tốt về tác giả. Nếu bạn cũng được tán dương trong lĩnh vực đó thì nên trích dẫn chúng trong LinkedIn hoặc bio cá nhân. Khi tác giả thấy bạn được tán dương bởi nhân vật nào đó mà họ tin tưởng thì họ cũng sẽ tin tưởng bạn.

Giải thưởng

Bạn từng thắng giải thưởng nào trong lĩnh vực chuyên môn chưa? Bất kể giải thưởng lớn nhỏ, miễn nó chứng nhận được kiến thức của bạn bởi người/tổ chức nổi tiếng thì đều có giá trị. Hãy thêm vào ở trang giới thiệu, LinkedIn, hoặc bất kì nơi nào bạn cảm thấy thích hợp.

Chia sẻ nội dung

Bất kì thứ gì bạn chia sẻ trên mạng xã hội đều tác động đến danh tiếng của bạn. Có rất nhiều nhân vật phải lao đao khi ai đó “lội dòng lịch sử” trong Twitter và “bốc phốt” bạn nếu từng lỡ vạ miệng. Vì vậy, hãy cẩn thận khi chia sẻ bất kể thông tin gì, đặc biệt nếu thông tin đó có liên quan đến trang bạn cộng tác. Có thể thông tin bạn chia sẻ chỉ mang tính hài hước, nhưng không phải ai cũng nghĩ vậy đâu.

Kết luận

Nhìn chung, xây dựng danh tiếng tác giả đều có lợi cho chủ trang web, tác giả và cả độc giả. Điều quan trọng nhất của việc xây dựng danh tiếng của tác giả không phải là để đối phó với Google mà là tạo được lòng tin ở độc giả khi họ đặt chân đến trang web của bạn và khi họ muốn tìm hiểu về tác giả bài viết.