VỀ QUAN HỆ CÂN BẰNG GIỮA PHÁT TRIỂN VÀ

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Con người sử dụng tài nguyên thiên nhiên (TNTN) để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của mình. Chính việc này xác định mức tiêu xài vật chất của họ. Cường độ tiêu dùng TNTN càng cao thì càng nhiều sản phẩm được làm ra và quan hệ kinh tế-xã hội càng được cải thiện, mức sống của con người trong xã hội càng được nâng cao.

Tuy nhiên, khai thác, chế biến và sử dụng tài nguyên thiên nhiên diễn ra trong môi trường, thải vào môi trường phế liệu và năng lượng. Hệ quả là gia tăng áp lực lên môi trường. Khi cường độ phát thải ra môi trường đủ lớn, thế năng hấp thụ, chuyển hóa ô nhiễm của môi trường không đủ sức phục hồi trạng thái và chất lượng môi trường, sẽ nảy sinh nhu cầu chi phí nguồn lực xã hội để duy trì chất lượng môi trường.

Trong điều kiện này, gia tăng mức độ sử dụng tài nguyên không còn ý nghĩa tích cực nữa.

Có một số kịch bản Phát triển

Thứ nhất. Có thể vẫn giữ các công nghệ “bẩn” nhưng giảm nhịp độ sử dụng tài nguyên để giảm phát thải cho tới khi Tự nhiên có thể tự khắc phục được lượng phát thải sinh ra (nhịp độ phát triển kinh tế phù hợp với khả năng hấp thụ, chuyển hóa của Tự nhiên) và đảm bảo được chất lượng môi trường ở mức chấp nhận được đối với con người. Nhưng khi đó chúng ta phải quên đi việc phát triển nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu ngày một tăng của xã hội loài người.

Thứ nhì. Giữ nguyên nhịp độ sử dụng tài nguyên, có thể giảm phát thải bằng sử dụng công nghệ tiên tiến hơn. Khi đó có thể phát triển kinh tế ở mức nhất định nào đó, vì cuối cùng vẫn vấp phải vấn đề không đủ tài nguyên để sử dụng trong tương lai.

Thứ ba. Đạt được sự hài hòa trong nhịp độ phát triển kinh tế với nhịp độ phục hồi tài nguyên (hoặc tài nguyên thay thế) và phục hồi chất lượng môi trường. Sự cân bằng ảo được thiết lập, trong đó có nhiều vấn đề chưa được rõ ràng. Trước hết là nhịp độ phát triển kinh tế thế nào là phù hợp? Bắt đầu từ trạng thái môi trường nào cần phải áp dụng kịch bản phát triển cân bằng? Vai trò tác động của cơ chế chuyển hóa, hấp thụ tự nhiên trong động thái thay đổi chất lượng TNMT cũng chưa hoàn toàn rõ ràng.

Thứ tư. Là đạt được sự hài hòa, phù hợp giữa nhịp độ phát triển kinh tế với nhịp độ phục hồi tài nguyên (hoặc thay thế bằng tài nguyên mới) và chất lượng môi trường trong khuôn khổ dung tích thế năng chuyển hóa của Tự nhiên.

Kịch bản thứ tư này được coi là duy nhất thỏa mãn yêu cầu phát triển bền vững.

Vấn đề là ở chỗ: 

1/ Làm thế nào để xác định được tương quan cân bằng giữa Phát triển và Phục hồi TNTN ?;

2/ Làm thế nào xác định được dung tích thế năng chuyển hóa của môi trường đối với mỗi vùng lãnh thổ cụ thể để hoạch định tốc độ gia tăng tải lượng lên môi trường ?;

3/ Làm sao để sớm chuyển phát triển kinh tế sang áp dụng các công nghệ sản xuất không sử dụng TNTN hoặc chỉ sử dụng tài nguyên tái tạo.

4/ Thiết lập và mở rộng chu trình khép kín của mọi hoạt động nhân sinh.

Đây là những hướng nghiên cứu mới dẫn dắt phát triển bền vững văn minh nhân loại.


VỀ PHÁT TRIỂN CÂN BẰNG VỚI SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN


Theo các nghiên cứu của các nhà khoa học LB Nga, phát triển bền vững chỉ có thể trở thành hiện thực khi tuân thủ quy luật sử dụng cân bằng tài nguyên thiên nhiên (TNTN).

Nội dung quy luật có thể nêu như sau:

Trong điều kiện phát triển bền vững, nhịp độ tăng trưởng kinh tế phải cân bằng với nhịp độ phục hồi TNTN và phục hồi chất lượng môi trường trong khuôn khổ thế năng hấp thụ, chuyển hóa của Tự nhiên.

(Trong trường hợp không thể phục hồi TNTN thì phải tuân thủ điều kiện chi trả cho tài nguyên thay thế với những tính chất mới thỏa mãn yêu cầu công nghệ).

Như thế, kịch bản phát triển là đạt được sự hài hòa, phù hợp giữa phát triển kinh tế-xã hội với nhịp độ phục hồi TNTN (hay tài nguyên thay thế) và chất lượng môi trường trong khả năng hấp thụ, chuyển hóa vốn có của tự nhiên (thế năng chuyển hóa của môi trường - TNCHMT).

Theo quan hệ nêu trên (xem trong file đính kèm dưới đây), chúng ta thấy chỉ có tăng trưởng GDP 1% và chi phí một nửa, tức 0,5% cho PHTNTN và PHMT thì mới có hiệu quả kinh tế và giữ được TNCHMT ở mức thay đổi không đáng kể (~1,0). Cũng từ đây thấy rõ: Nếu sử dụng TNTN để sản xuất, tăng trưởng GDP từ 2% trở lên thì không bao giờ đủ bù chi cho phục hồi trạng thái và chất lượng môi trường, đồng thời đẩy TNCHMT xuống suy thoái.

Cũng từ quan hệ này, chúng ta thấy chỉ còn con đường phát triển không sử dụng TNTN hoặc chỉ dùng tài nguyên tái tạo.

Theo ước tính của tôi, nếu chấp nhận suy thoái môi trường thì với tăng trưởng GDP quãng 7% năm chúng ta phải chi trả cho phục hồi TNTN và môi trường quãng 5,7%. Hiệu quả kinh tế khi đó chỉ còn 1,3% và môi trường bị suy thoái chỉ còn 0,7 khả năng chuyển hóa tự nhiên.

Chúng ta nêu một số hệ quả của quy luật sử dụng cân bằng TNTN như sau:

Hệ quả thứ nhất: Phát triển kinh tế sử dụng tài nguyên không thể với nhịp độ tùy ý, mà phải thực thi cơ chế đền bù để phục hồi TNTN và Môi trường;

Hệ quả thứ hai: Tiêu chí cơ bản của phát triển bền vững là trạng thái TNTN và chất lượng môi trường khi giữ nguyên nhịp độ tăng trưởng kinh tế. Nói cách khác, chất lượng cuộc sống của dân cư không chỉ đo bằng tăng trưởng kinh tế, mà phải bằng cả mức độ phục hồi TNTN và phục hồi chất lượng môi trường với nhịp độ tăng trưởng kinh tế phù hợp.

Hệ quả thứ ba: Chi trả cho phục hồi TNTN và phục hồi chất lượng môi trường được luận cứ một cách chặt chẽ, khoa học. Điều này đòi hỏi sự công khai, minh bạch của các chính sách Nhà Nước liên quan tới Bảo vệ môi trường.

Hệ quả thứ tư: Hiệu quả kinh tế sử dụng TNTN chỉ có thể có trên cơ sở cân đối với hiệu quả phục hồi TNTN và chất lượng môi trường. Nói cách khác, không có hiệu quả kinh tế khi TNTN và môi trường bị suy thoái.  

Theo tôi, để có thể chuyển sang giai đoạn phát triển bền vững từ 2030, chúng ta phải chuẩn bị các tiền đề pháp lý, về cơ chế khuyến khích và thị trường nhằm thúc đẩy PTBV, trong đó một số ưu tiên có thể liệt kê như sau:

Thứ nhất: Xây dựng và ban hành các luật về sinh thái cho phép phát triển kinh tế - xã hội trong giới hạn tác động cho phép lên môi trường. Khuyến nghị không chỉ tuân thủ lượng phát thải cho phép (phát thải cho phép này chỉ an toàn đối với con người), mà còn tuân thủ mức phát thải sao cho môi trường có thể tự phục hồi trạng thái và chất lượng trong vòng quay vật chất tự nhiên;

Thứ nhì: Xây dựng cơ chế kinh tế đối với sản xuất và dịch vụ sử dụng TNTN theo hướng hợp lý, cân bằng và linh hoạt. Về nguyên tắc, sử dụng TNTN phải trả tiền chứ không phải trả phí;

Thứ ba: Xây dựng và ứng dụng các công nghệ tiết kiệm TNTN và công nghệ sản xuất sạch (bước đầu có thể mua công nghệ nước ngoài);

Thứ tư: Tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật môi trường trong tất cả các khâu từ lựa chọn công nghệ sản xuất, thiết kế, xây dựng, vận hành hay hủy bỏ sản xuất cũ đến toàn bộ chu trình vòng đời của sản phẩm làm ra;

Thứ năm: Sử dụng các cơ chế khuyến khích đầu tư và đảm bảo lợi nhuận trong giảm thiểu phế liệu thải và các chất thải dạng lỏng và dạng khí;

Thứ sáu: Tạo điều kiện khuyến khích về thuế suất, về vay vốn, về mở rộng quỹ doanh nghiệp nhằm phát triển sản xuất sạch, tạo sản phẩm sạch, sử lý và tái chế phế thải, phế liệu của chính doanh nghiệp mình hoặc của doanh nghiệp khác, tạo ra cấu trúc quảng bá, huấn luyện, tư vấn và các công ty chuyên ngành công nghệ môi trường phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.

Để giải quyết các nhiệm vụ nêu trên phải nghiên cứu đồng bộ, tháo gỡ nhiều vấn đề, trong đó có một số nhiệm vụ nên ưu tiên thực hiện sớm là:

1)  Xác định được gần đúng (!) thế năng chuyển hóa tự nhiên của môi trường đối với các vùng lãnh thổ để có căn cứ xác định tăng trưởng kinh tế hợp lý (không quá nóng) và đưa vào các khoản chi ngân sách phục hồi tài nguyên và môi trường một cách khoa học, công khai, minh bạch.

2)  Tiến hành quy hoạch kinh tế-môi trường vùng lãnh thổ trên cơ sở hoạch định và  khoanh vùng tác động lên MT. Giải tỏa các vùng lãnh thổ, các khu công nghiệp tập trung quá mức nguồn thải tác động lên môi trường. Xây dựng chương trình kinh tế-xã hội phù hợp cho quá trình giải tỏa và đưa hoạt động sản xuất kinh doanh xuống mức tải môi trường thấp hơn trước đây.

3)  Xác định được dung tích thế năng chuyển hóa tự nhiên của MT để qui hoạch phát triển các khu công nghiệp, các khu đô thị phù hợp. Xây dựng Chiến lược sử dụng thế năng chuyển hóa tự nhiên của MT, tiến hành cấp phép phát thải và hình thành cơ chế kinh tế  cho thị trường mua-bán, chuyển nhượng quyền phát thải (tức quyền sử dụng dung tích  thế  năng chuyển hóa tự nhiên của MT);

4)  Xác định hệ tiêu chí đánh giá về Phát triển bền vững của các chương trình phát triển kinh tế- xã hội qui mô vùng lãnh thổ. Nhịp độ phát triển kinh tế cần phải phù hợp đối với các vùng lãnh thổ và các vùng địa lý khác nhau. Vùng nào có mức độ tải lên môi trường càng cao, thì càng phải hạ bớt nhịp độ phát triển kinh tế, thậm chí ưu tiên thay đổi loại hình sản xuất, dịch vụ (ví dụ, sử dụng lợi thế tự nhiên để phát triển thương mại, dịch vụ du lịch trên cơ sở phục hồi môi trường, mà không phát triển các ngành công nghiệp tiêu tốn nguyên, nhiên liệu, gây độc hại, ô nhiễm).

PHÁT TRIỂN CÂN BẰNG KINH TẾ VỚI PHỤC HỒI TNTN.pdf