BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU - CẦN CÁI NHÌN TỈNH TÁO

Biến đổi khí hậu: Cần cái nhìn tỉnh táo

Vấn đề biến đổi khí hậu đang được sự chú ý của nhiều nhà hoạt động chính trị, hoạt động xã hội và các nhà khoa học ở hầu hết các ngành mà thực tiễn hoạt động của họ là tìm cách ngăn chặn những ảnh hưởng biến đổi của các quá trình khí hậu. Một mặt điều này như được khích lệ bởi tâm lý và nhu cầu ngày một rõ đối với chất lượng môi trường sống đang chịu ảnh hưởng tiêu cực của Phát triển hiện nay, mặt khác chính nó lại có thể gây ra nguy cơ làm giảm tốc độ Phát triển kinh tế, xã hội do phải chi phí không nhỏ cho cuộc “đấu tranh” với biến đổi khí hậu, mà về mặt khoa học chưa được nghiên cứu thấu đáo và khẳng định rõ rệt xu thế “ấm dần” lên của khí hậu toàn cầu nói chung.

Theo một số nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học CHLB Nga [1] có thể tiếp cận nghiên cứu vấn đề này từ góc độ đánh giá, so sánh dung tích môi trường của sinh quyển và phân tích các số liệu đo đạc, quan trắc nhiệt độ dẫn tới kết luận về hiện trạng ấm dần của khí hậu để từ đó nhìn thấy toàn cảnh cán cân năng lượng của các quá trình trao đổi và biến đổi khí hậu trước khi có nhận định và kết luận mang tính khoa học về bản chất sự vật, hiện tượng.

Thì ra sự cân bằng tự nhiên trong sinh quyển được đảm bảo bởi các quá trình trao đổi vật chất và năng lượng trong suốt lịch sử, bởi quán tính của các quá trình đó và hoạt động kinh tế, nhân sinh của loài người không có khả năng thay đổi chúng. “Nhiễu nhương” của nhân loại là ở chỗ, dưới tác động của các hoạt động nhân sinh thì các quá trình trao đổi tự nhiên vốn diễn ra rất chậm trở thành diễn ra nhanh do sự phân bố không đồng đều các cơ sở sản xuất (nguồn thải) ở quy mô vùng lãnh thổ dẫn đến tăng cục bộ nhiệt độ vỏ trái đất và lớp không khí sát mặt đất. Điều này được các nhà khoa học nhận thấy và theo dõi trong một khoảng thời gian khống lớn gần đây. Sự thay đổi khí hậu mang tính tuần hoàn và chu kỳ trong sinh quyển nói chung, phụ thuộc vào các dao động tự nhiên của độ ẩm, và chu kỳ hoạt động của cả hệ mặt trời nói chung, chứ không phải phụ thuộc vào sự thay đổi hiệu ứng nhà kính do lượng khí CO2  nào đó tích lũy bởi các hoạt động của con người. Thử hỏi, tới chu kỳ có sự lạnh dần của khí hậu thì để góp phần chống lại sự lạnh dần đó, chả nhẽ, chúng ta lại ra sức làm ấm bằng việc sử dụng các công nghệ xả nhiều khí nhà kính, trong đó bao gồm cả CO2 ?

Nếu không nghiên cứu phát hiện đúng bản chất vấn đề thì toàn bộ nỗ lực sau đó có thể kém, thậm chí không có hiệu quả. Chúng ta cũng không có cơ sở khẳng định là: nếu bỏ ra 5% hay 10% hay 40% giá trị GDP toàn cầu, thì “cuộc chiến” với biến đổi khí hậu sẽ thu được kết quả tương xứng.

Tất cả những bàn luận này phải được quan tâm thỏa đáng và trở thành đối tượng nghiên cứu tích hợp với thế giới và trở thành Chiến lược hành động của chúng ta. Điều này lại càng đáng chú ý khi nước ta còn lạc hậu, đang phát triển, lại không phải là “chủ thể” gây ra “biến đổi khí hậu”.

 

[1] Кокин А.В. Потепление климата: непонятая реальность.-Ростов-на-Дону: РТА, 2008г.