NHỮNG TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG CẦN NGHIÊN CỨU GIẢI QUYẾT TRONG PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG SẠCH, GÓP PHẦN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Khí hậu trái đất chịu ảnh hưởng chi phối của mặt trời và tương tác giữa các hành tinh với trái đất.

Khí hậu trái đất cũng chịu tác động của sinh quyển, trong đó có con người. Quá trình biến đổi thời tiết thì diễn ra nhanh chóng, biến đổi khí hậu thì diễn ra trong thời gian dài hơn nhiều – từ hàng ngàn đến hàng triệu năm.

Quan niệm được tuyên truyền và phổ biến hiện nay là hoạt động của con người có ảnh hưởng lớn đến quá trình biến đổi khí hậu thông qua phát thải khí nhà kính vào khí quyển. Cũng từ đây, nghị định thư Kyoto ngày 11 tháng 12 năm 1997 và có hiệu lực vào ngày 16 tháng 02 năm 2005 – thỏa thuận quốc tế về Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu – ràng buộc 37 nước công nghiệp phát triển và cộng đồng Châu Âu về giảm phát thải khí nhà kính với tốc độ 5% mỗi năm so với mức của năm 1990 trong giai đoạn 2008-2012. Điểm khác biệt chính giữa Nghị định thư và Công ước là Công ước thì khuyến khích các quốc gia công nghiệp cân bằng phát thải khí nhà kính, Nghị định thư thì họ tự cam kết  làm như vậy.

Cần thấy rằng, quan niệm này chưa có cơ sở khoa học chắc chắn [1,3,4,5].

Năng lượng sạch là thuật ngữ mới được dùng trong khoảng 50 năm gần đây. Nguồn năng lượng sạch được coi là nguồn không có chất thải hoặc chất thải thân thiện môi trường, không gây ô nhiễm, không ảnh hưởng tới môi trường sống của con người và hệ sinh thái. Gần với khái niệm này là các nguồn năng lượng gió, năng lượng mặt trời và một số nguồn năng lượng phi truyền thống khác như địa nhiệt, năng lượng các dòng chảy trong đại dương, năng lượng thủy triều, v.v.

Ban tổ chức Hội thảo đặt tôi tham luận với tên gọi là: “Phát triển năng lượng sạch góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu” với logic phát triển năng lượng sạch sẽ giảm hoặc không phát thải khí nhà kính và như vậy sẽ góp phần giảm căn nguyên của biến đổi khí hậu.

Quan điểm của tôi, với tư cách công dân của một nước không gây ra biến đổi khí hậu theo quan niệm được tuyên truyền và của một nhà nghiên cứu môi trường là: chúng ta phải chỉ đúng được nguyên nhân biến đổi khí hậu, từ đó tìm cách thích ứng (chứ không phải ứng phó) với nó. Biến đổi khí hậu là của tự nhiên, được chi phối bởi các quy luật tự nhiên trong vũ trụ, trong hệ mặt trời. Con người không có vai trò đáng kể ngay cả thúc đẩy hay làm chậm nó [1,3,5]. Biến đổi khí hậu không phải chỉ toàn những điều bất lợi. Thậm chí bất lợi có thể chỉ là thứ yếu - không bằng những mặt tích cực đối với toàn bộ sinh quyển và phát triển xã hội.

Có ba điểm đáng lưu ý là:

1. Phần tác động của con người lên khí hậu thông qua phát thải khí nhà kính, chủ yếu là CO2 chỉ chiếm không quá 1,2% tổng phát thải khí CO2 của trái đất [1,5]. Thế thì giảm hết 1,2% khí CO2 nguồn gốc nhân tạo này cũng không làm giảm biến đổi khí hậu. Làm sao để thích ứng hiệu quả với điều nhất định sẽ xảy ra thì vẫn cần phải tìm tòi, lựa chọn chiến lược hành động.

2. Năng lượng gọi là sạch, thực ra chưa sạch đúng như khái niệm mà vẫn có tác động bất lợi đến môi trường xung quanh;

3. Chưa có số liệu tin cậy về quan hệ giữa nồng độ khí CO2 với nền nhiệt độ của trái đất, cũng chưa có quan hệ đủ chặt để nói về quan hệ giữa giảm phát thải khí nhà kính nguồn gốc nhân tạo với các biểu hiện của biến đổi khí hậu. Chỉ có thể chắc chắn rằng phát triển năng lượng sạch, bảo vệ môi trường vẫn luôn luôn cần được ưu tiên không phụ thuộc vào việc có biến đổi khí hậu hay không.

Do vậy, thay vì viết theo đặt hàng của Ban tổ chức Hội thảo tôi xin trình bày tóm lược tác động đến môi trường xung quanh của một số nguồn năng lượng tái tạo, phi truyền thống – được coi là sạch hiện nay – để lưu ý giải quyết thấu đáo trong phát triển.

Đọc file đính kèm dưới đây !!!

Nhung van de MT can giai quyet trong phat trien nang luong sach-Tham luan HT Hoi ATVSLD 25-9-2013.docx