Phan Huy Ích

Phan Huy Ích 潘輝益 (1750-1822) vốn tên là Phan Công Hậu 潘公厚, tự Khiêm Thụ Phủ 謙受甫, Chi Hoà, hiệu Dụ Am 裕庵, Đức Hiên, tước Thuỵ Nham hầu 瑞岩侯, quê ở làng Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An, nay là xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. 

Năm 1771, ông đỗ đầu khoa thi hương trường thi Nghệ An. Năm 1775, đỗ đầu khoa thi hội, ông được bổ làm Hàn lâm thừa chỉ, rồi làm Đốc đồng tỉnh Thanh Hoá, trông coi việc an ninh. Năm 1777, ông được lệnh mang ấn kiếm, sắc phong tước Cung quận công của vua Lê ban cho Nguyễn Nhạc, nhưng khi vào đến Phú Xuân, tướng Phạm Ngô Cầu trấn giữ Phú Xuân cản giữ ông lại, sai Nguyễn Hữu Chỉnh đi vào Quảng Nam phong cho Nguyễn Nhạc. Sau đó, ông được thăng Hiến sát sứ Thanh Hoá, trông coi việc xét xử và luật pháp. Cuối năm 1787, quân Tây Sơn ra Bắc Hà lần thứ hai. Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc cầu cứu. Phan Huy Ích bỏ lên Sài Sơn (Sơn Tây), chấm dứt 14 năm làm quan với chính quyền vua Lê - chúa Trịnh.


Tháng 5 năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc, xuống chiếu cầu hiền. Phan Huy Ích cùng Ngô Thì Nhậm, Đoàn Nguyên Tuấn, Nguyễn Thế Lịch ra hợp tác với Tây Sơn. Phan Huy Ích được phong làm Tả thị lang Bộ Hộ. Sau cuộc hành quân phá quân Thanh, mùa xuân năm Kỷ Dậu, 1789, của Quang Trung, ông phụ trách công việc ngoại giao. Cuối tháng 2 năm 1790, Phan Huy Ích cùng với đại tư mã Ngô Văn Sở được cử trong phái đoàn do Phạm Công Trị đóng giả vua Quang Trung dẫn đầu sang Trung Quốc mừng vua Càn Long 80 tuổi. Năm 1792, về nước, được thăng Thị trung ngự sử ở toà Nội các rồi Thượng thư bộ Lễ.

Cũng trong năm này, vua Quang Trung mất. Ông cố gắng giúp đỡ vua trẻ Quang Toản, nhưng không ngăn nổi đà suy vi của Tây Sơn. Mùa hạ năm 1802, quân Nguyễn Ánh ra Bắc. Ông bị bắt cùng với Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Thế Lịch, cả ba đều bị đánh đòn trước Văn Miếu. Năm 1814 ông về quê làng Thu Hoạch dạy học và sau đó lại ra Sài Sơn an dưỡng và mất ở đó vào năm Nhâm Ngọ (1822). Theo các nhà nghiên cứu, trong thời gian này, ông hoàn chỉnh bản dịch Chinh phụ ngâm (tác giả Đặng Trần Côn), mà người diễn Nôm đầu tiên là Đoàn Thị Điểm.