Daminh Pham Trong Kham

English Version

Chánh Án (1780-1859)

Thánh Đa Minh Phạm Trọng Khảm sinh năm 1780 tại làng Quần Cống, xã Trà Lũ, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định, nay thuộc giáo phận Bùi Chu. Ngài là con trưởng của ông bà Phạm Tri Khiêm, một gia đình giầu có và danh tiếng trong làng. Ngài hấp thụ được nhiều đức tính tốt của cha và là một người con ngoan, hiếu thảo của gia đình họ Phạm. Gia đình ông Phạm Tri Khiêm là một gia đình Công giáo và ông đã giáo dục bảy người con của ông rất nghiêm túc theo tinh thần Công giáo, đạo đức và đức tin vững chắc.

Năm 18 tuổi, cậu Đa Minh Phạm Trọng Khảm đã lập gia đình với cô Agnès Phượng, một thiếu nữ đạo hạnh cũng là người làng Quần Cống. Hai người sống rất gương mẫu về lòng đạo đức, tốt lành. Gia đình đầm ấm, hoà thuận, yêu thương nhau, sinh con cái và đồng tâm nhất trí giáo dục con cái trở thành những người Công giáo đạo hạnh. Người con trai lớn của Ngài sau làm Chánh Tổng, được mọi người kính nể, đó là Chánh Tổng Phạm Trọng Thìn, sau cũng anh dũng làm chứng cho Chúa và được phúc tử đạo cùng với cha là thánh Đa Minh Phạm Trọng Khảm. Ngoài ông Tổng Thìn, Ngài còn ba người con gái tên là bà Nhiêu Côn, Nhiêu Trữ và Hậu Địch, cũng được học hành và nổi tiếng là hiền lành, khôn ngoan đạo đức.

Nhờ sự săn sóc hướng dẫn của cha là ông Phạm Trọng Khiêm nên cậu Khảm học hành thành đạt, sau làm tới quan Chánh Án. Mọi người trong làng xứ đều nhìn nhận cụ Án Khảm là người đạo đức, giầu lòng bác ái, và nhiệt tình trong mọi công việc cụ đã đảm nhận. Đối với mọi người trong xóm làng cụ hết tình bênh đỡ khi có việc phải cậy nhờ đến cụ. Riêng đối với Giáo Hội và những vị Thừa Sai lo việc truyền giáo thì cụ rất chú tâm giúp đỡ về mọi phương diện. Vì thế, lúc gặp khó khăn vì đạo bị cấm cách, cụ thường đón nhận các Giám mục, Linh mục Thừa Sai đến trú ngụ tại nhà cụ và cụ tìm mọi cách giúp các vị Thừa Sai này thi hành mục vụ trong những trường hợp kín đáo và khôn khéo.

Trước khi quân lính từ tỉnh Nam Định về vây làng Quần Cống, cụ Án Khảm đã khích lệ dân chúng hãy vững lòng bền chí trung thành với đạo Chúa. Cụ còn nói thêm với dân chúng rằng:

- Nếu có ai bước qua Thập Giá để chối đạo, thì khi quan rút rồi, làng sẽ không nhìn nhận người này khi còn sống cũng như khi chết sẽ không được chôn trong nghĩa địa của làng.

Khi quan quân tới vây làng và bắt tập trung mọi người trong đình làng, quan phủ nói với cụ án Khảm:

- Các Thừa Sai có người là ngoại quốc, có người là người bản xứ và Thầy Giảng nữa, Ông có chứa chấp không? Nếu không xưng mà ta bắt được thì mọi tài sản sẽ bị tịch thu và bị xử tử.

Cụ Án Khảm thưa:

- Đạo chúng tôi luôn có linh mục. Nhưng các Ngài ở đâu tôi không được biết. Nếu quan bắt được thì tùy ý, quan muốn xử thế nào thì xử.

Quan ra lệnh bắt mọi người phải bước qua Thập Giá, cụ Án Khảm thấy một cụ già run rẩy khi bước tới gần Thập Giá do dự chưa dám bước qua, cụ Án Khảm liền chặn lại. Quan phủ nổi giận quát lớn tiếng:

- Ta sẽ mất chức, nếu Phạm Trọng Khảm không bị giết và tịch thu tài sản.

Nói rồi quan ra lệnh bắt trói cụ Án Khảm và cho lính tới nhà tịch thu các đồ đạo và những đồ vật qúi báu trong nhà.

Cụ Án Khảm nói với quan phủ”

- Các ông lấy đồ gì của tôi thì lấy nhưng các đồ đạo của nhà thờ và của nhân dân thì đừng xâm phạm tới.

Sau đó, quan ra lệnh bắt trót tất cả những người không buớc qua Thập Giá và cả cụ Án Khảm giải về tỉnh Nam Định. Năm ấy cụ Án Khảm đã 80 tuổi.

Lên tới tỉnh thì cụ Án Khảm cùng đông đủ các anh hùng đức tin làng Quần Cống vui mừng gặp Đức Cha Sampedro Xuyên đã bị bắt ở Kiên Lao và đang bị giam giữ tại đó, cụ và mọi người hân hoan kính chào Đức Cha mà không ai sợ hãi các quan. Đức Cha khuyên mọi người hãy can đảm lên và kiên trì tới cùng để được hạnh phúc tử vì đạo. Thế rồi họ tống mọi người vào nhà giam, chỉ còn một mình cụ Án Khám được ở lại đối chất với các quan.

Quan tổng đốc tỉnh Nam Định hỏi:

- Ngươi nói là không chứa chấp đạo trưởng, sao khi vừa gặp Giám mục Sampedro các ngươi đã tỏ ra vui mừng, quen biết và cung kính?

Cụ Án Khảm trả lời:

- Chúng tôi vui mừng vì được gặp người Cha Chung. Trong đạo chúng tôi, chúng tôi rất kính trọng các đạo trưởng.

Quan còn hỏi cụ nhiều điều nữa nhưng nhất định cụ không khai báo tông tích bất cứ một người nào. Quan tổng đốc lại ngọt ngào khuyên cụ bước qua Thập Giá rồi quan sẽ cho cụ về và hoàn trả tất cả đồ đạc đã tịch thu. Nhưng cụ Án Khảm khiêm tốn cảm ơn mỹ ý của quan tổng đốc, còn việc chối đạo thì chắc chắn sẽ không bao giờ chấp nhận . Quan tổng đốc ra lệnh nhốt riêng cụ để không ảnh hưởng được những tù nhân khác. Nhưng bằng mọi cách, cụ vẫn liên hệ và khuyên bảo mọi người hãy can đảm, bền chí để Chúa thưởng công, Chúa sẽ tiếp sức, đừng sợ hãi.

Vì cụ đã 80 tuổi nên các quan không đánh đập cụ như những người khác, cũng không hành hạ cụ nhịn đói, nhịn khát và đeo xiềng xích khổ cực. Sau bốn tháng trời thuyết phục bị thất bại không làm cho cụ Án Khảm bước qua Thập Giá, các quan quyết định làm án tử hình.

Ngày 13 tháng 1 năm 1859, cụ bị giải ra pháp trường. Vì tuổi cụ đã cao và bị đày đọa trong nhà giam khá lâu nên sức khoẻ cụ bị kiệt quệ. Trước khi tiến ra pháp trường cụ đã được cha Lương và cha Duyệt cùng bị tù giải tội và chúc lành cho cụ.

Tới pháp trường cụ quì gối đọc kinh tạ ơn Chúa rồi nằm trên chiếc chiếu, lý hình tròng giây qua cổ rồi kéo hai đầu giây, cụ bị thắt cổ mà chết. Đứng vòng ngoài nhìn thấy cụ già 80 tuổi bị cuốn giây vào cổ rồi kéo hai đầu giây đến

tắt thở thì nhiều người kêu rú lên:

- Trời ơi! Cụ già chết rồi! Ngộp thở mà chết!

- Án tử hình gì mà độc ác đến thế! Thắt cổ người ta!

Mấy người con đứng xa xa kêu lên:

- Con phó dâng linh hồn bố chúng con cho Chúa.

Có nhiều tiếng khóc nức nở vọng lên giữa bầu trời âm u, thiếu ánh sáng mặt trời. Sau khi chết quân lính còn đốt cháy tay chân và mặt cụ nữa. Mọi việc đã hoàn tất, thân nhân và các tín hữu xin xác cụ về an táng. Hai anh Đa Minh Nhượng và Đa Minh Diên là những người đã nhận xác và đưa về an táng tại nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi ở giáo xứ Quần Cống, thuộc giáo phận Bùi Chu.

Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước ngày 29 tháng 4 năm 1851 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng tôn vinh Ngài lên hàng Hiển Thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988. Chúng ta cảm tạ Chúa thay cho Ngài và xin Ngài bầu cử cùng Chúa cho chúng ta nữa.