Chiêm ngưỡng các “ứng viên” kỳ quan mới

TTO giới thiệu đến bạn đọc hình ảnh và một số thông tin thú vị của 28 ứng viên trong cuộc đua bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.

Ảnh được chia sẻ trên trang picasaweb.com và new7wonders.com. Bạn dự đoán bảy ứng viên kỳ quan thiên nhiên mới nào sẽ chiến thắng? Vịnh Hạ Long của Việt Nam hay rừng Amazon của Nam Mỹ, biển Chết của Israel, Palestine và Jordan hay hẻm Núi Lớn (Mỹ)?…

Câu cá Piranha - loài cá "khát máu" tại rừng mưa lớn nhất thế giới Amazon (Nam Mỹ) thuộc chín quốc gia: Brazil, Colombia, Peru, Venezuela, Ecuador, Bolivia, Guyana, Suriname và Guiana thuộc Pháp - Ảnh: Htun Lin Oo, chụp năm 2008

Du khách trước thác Thiên Thần - thác nước nước cao nhất thế giới (1.002m), nằm trong công viên quốc gia Canaima, Venezuela - Ảnh: jrb, chụp năm 2009

Vịnh Fundy, Canada - nơi có thủy triều cao nhất trên hành tinh xanh (16,2m). Thủy triều cực điểm tại vịnh Fundy tạo ra một hệ sinh thái biển đa dạng - Ảnh: Bill Murton, chụp năm 2008

Rừng Đen nằm ở phía tây nam nước Đức. Đây là một dãy núi cây cối rậm rạp, trong đó Feldberg là đỉnh núi cao nhất khu vực này (1.493m) - Ảnh: Anna, chụp năm 2008

Bò biển tại đảo Bu Tinah, nằm ngoài khơi bờ biển phía tây của Abu Dhabi - thủ đô của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Đảo Bu Tinah là một kho báu thiên nhiên độc đáo, hoang dã và không bị ảnh hưởng bởi hoạt động của con người - Ảnh: new7wonders.com

Vách đá Moher với chủ yếu các thảm đá sa thạch, là một trong những kỳ quan thiên nhiên ấn tượng nhất của thế giới, nằm ở hạt Clare, Ireland - Ảnh: Jess Bartelmay, chụp năm 2001

Du khách thả nổi trên biển Chết - hồ nước mặn thấp nhất trên Trái đất, ở 420m dưới mặt nước biển. Biển Chết (thuộc Israel, Palestine và Jordan) dài 76km, chỗ rộng nhất tới 18 km và chỗ sâu nhất 400m. Với 30% độ mặn, biển Chết mặn hơn đại dương 8,6 lần - Ảnh: Ketan Bakhshi, chụp năm 2008

Rừng quốc gia El Yunque có diện tích 113.32 km², trước đây được biết với tên gọi rừng quốc gia Caribê, nằm trong vùng đông bắc Puerto Rico. El Toro là đỉnh núi cao nhất (1.065m) trong khu rừng mưa nhiệt đới này - Ảnh: Shannon Bourque, chụp năm 2009

Rùa khổng lồ trên đảo Santa Cruz, quần đảo Galapagos, Ecuador. Quần đảo Galapagos là một tập hợp gồm 13 đảo chính, 6 đảo nhỏ và 107 khối đá nằm ở phía tây Ecuador, trong Thái Bình Dương. Nơi đây nổi tiếng vì có hệ động vật hoang dã phong phú và đặc hữu - Ảnh: Wesley Lombardo, chụp năm 2008

Grand Canyon (còn gọi hẻm Núi Lớn) là một khe núi dốc được tạo ra bởi sông Colorado, bang Arizona, Mỹ. Hẻm núi dài 446 km, rộng 6-29 km, độ sâu nhất đạt hơn 1,6 km - Ảnh: Bill Crowe, chụp năm 2008

Rạn san hô Great Barrier (thuộc Úc và Papua New Guinea) là một hệ thống đá ngầm san hô lớn nhất thế giới, với khoảng 3.000 rạn đá ngầm riêng rẽ và 900 hòn đảo trải dài 2.600km trên diện tích khoảng 344.400 km2 - Ảnh: Emily, chụp năm 2008

Thác Iguazu - nằm ở biên giới Brazil và Argentina - là một trong những thác nước lớn nhất trên thế giới. Có khoảng 275 thác nước trải dài trên 2,7km của sông Iguazu - Ảnh: Uri Melzer, chụp năm 2010

Hang động Jeita, Libăng có tổng chiều dài hơn 9.000m và là nơi có một trong số những nhũ đá lớn nhất trên thế giới - Ảnh: Paul & Peg Whitmore, chụp năm 2010

Jeju - đảo lớn nhất Hàn Quốc (rộng 73 km và dài 41 km) là điểm đến lý tưởng cho tuần trăng mật của các đôi vợ chồng mới cưới, cũng là nơi nghỉ ngơi được ưa thích của du khách nước ngoài. Trong ảnh là bãi biển Pyeoseong thuộc đảo Jeju - Ảnh: shaddawn oz, chụp năm 2009

Núi Kilimanjaro, Tanzania. Trong ảnh là đoàn thám hiểm chụp ảnh lưu niệm khi chinh phục được đỉnh núi cao nhất châu Phi Uhuru (5.895 m), nằm trên chóp Kibo thuộc núi Kilimanjaro - Ảnh: Anthony, chụp năm 2007

Vườn quốc gia Komodo, Indonesia có diện tích 1.817 km2, được thành lập năm 1980 để bảo vệ loài rồng Komodo. Trong vườn quốc gia có 4.000 dân sinh sống. Năm 1991, vườn quốc gia này được UNESCO công nhận là di sản thế giới - Ảnh: James Chavez, chụp năm 2010

Quần đảo Maldives là một quốc đảo gồm nhóm các đảo san hô tại Ấn Độ Dương. Hai mươi sáu đảo san hô của Maldives bao vòng quanh một lãnh thổ gồm 1.192 đảo nhỏ, khoảng 200 đảo trong số này có các cộng đồng địa phương sinh sống - Ảnh: Vicky Hu, chụp năm 2008

Khu hồ Masurian với hơn 2.000 hồ nằm ở đông bắc Ba Lan. Trong ảnh là hồ Rusałka thuộc khu hồ Masurian - Ảnh: Kazimierz Skrodzki, chụp năm 2011

Núi Matterhorn (thuộc Ý và Thụy Sĩ) nằm trong dãy núi Alps, châu Âu. Đây là ngọn núi cao thứ 10 của Thụy Sĩ (4.478m). Đặc điểm nổi bật của núi Matterhorn là có bốn mặt, hướng về bốn hướng la bàn, tương ứng với các mặt phía bắc và phía nam tạo thành một rặng núi cao hướng đông tây - Ảnh: Steven Dorgelo, chụp năm 2008

Du khách trải nghiệm du lịch tại vịnh hẹp Milford Sound, nằm ở phía tây nam đảo Nam, New Zealand. Milford Sound kéo dài 15 km trong đất liền từ biển Tasman và được bao quanh bởi các vách đá cao 1.200m hoặc dài hơn từ hai bên - Ảnh: Nikhil, chụp năm 2010

Núi lửa bùn (thuộc Cộng hòa Azerbaijan) cơ bản được tạo nên bởi quá trình thải địa chất của chất lỏng và khí gas. Các nhà khoa học cho biết có khoảng 300 trong số 700 miệng núi lửa bùn được tìm thấy ở khu bảo tồn Gobustan thuộc Azerbaijan và biển Caspi - Ảnh: Richard Vivian, chụp năm 2009

Vườn quốc gia sông ngầm Puerto Princesa nằm cách thành phố Puerto Princesa khoảng 50 km về phía bắc, tỉnh Palawan (Philippines) với cảnh quan núi đá vôi và một sông ngầm có thể vào sâu đến 8,2 km. Ở đây có nhiều hang động với các thạch nhũ và măng đá - Ảnh: Gen, chụp năm 2007

Đồng bằng Sundarbans tại cửa sông Hằng là rừng ngập mặn lớn nhất trên thế giới, lan rộng khắp qua nhiều phần lãnh thổ của Bangladesh và Ấn Độ. Đồng bằng này là "ngôi nhà" của nhiều loài động vật hoang dã phong phú, trong đó có loài hổ Bengal, nai đốm, các loài chim, cá sấu và rắn - Ảnh: Tapan Kumar Sarma, chụp năm 2010

Núi Bàn, Nam Phi. Trải qua 6 triệu năm xói mòn đã hình thành nên phần chóp bằng phẳng độc đáo của núi Bàn với độ cao 1.086m so với mực nước biển, ngọn núi được xem là biểu tượng của Nam Phi. Khu vực núi Bàn còn sở hữu khoảng 1.470 loài thực vật và nhiều loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng - Ảnh: Paul Oostenbrug, chụp năm 2008

Khoảnh khắc đùa nghịch của du khách tại Uluru. Uluru còn được gọi là đá Ayers (Ayers Rock), có chiều cao 869m, là một khối kiến tạo sa thạch nằm ở miền trung nước Úc. Khu vực này có nhiều suối, vũng nước, hang động và các bức họa cổ - Ảnh: Yi Lin, chụp năm 2009

Từng phun trào 100 năm trước, Vesuvius (Ý) là ngọn núi lửa duy nhất trên lục địa châu Âu. Vesuvius được biết đến với lần phun trào nổi tiếng vào năm 79 sau Công nguyên, dẫn đến sự hủy diệt của thành phố Pompeii và Herculaneum thời La Mã - Ảnh: Dokken, chụp năm 2008

Núi Ngọc Sơn hay núi Ngọc (Đài Bắc, Trung Quốc) có chiều cao 3.952m trên mực nước biển thuộc công viên quốc gia Ngọc Sơn. Công viên này cũng nổi tiếng với hệ sinh thái động thực vật hoang dã đa dạng - Ảnh: Chester, chụp năm 2009

Du khách thích thú khi chèo thuyền kayak tại vịnh Hạ Long (Việt Nam). Vịnh Hạ Long có diện tích 1.553 km2. Các đảo trên vịnh có hai loại đảo đá vôi và đảo phiến thạch. Trong tổng số 1.969 đảo của vịnh Hạ Long có đến 1.921 đảo đá với nhiều đảo có độ cao khoảng 200m. Mỗi đảo có hình thù riêng, không giống bất kỳ hòn đảo nào ven biển Việt Nam và không đảo nào giống đảo nào - Ảnh: Dan Weld, chụp năm 2007

THIÊN NHIÊN