Người trao gửi ký ức

Bài viết được thực hiện bởi thành viên dự án Nguyễn Hồng Anh - Lớp 8A

Giây phút bắt đầu năm học 2022-2023 cũng là thời khắc khởi đầu cho một dự án mới của chúng tôi. Học kỳ này, chúng tôi có nhiệm vụ “Thúc đẩy nhận thức văn hóa và phát triển kinh tế tại địa phương (Thạch Thất)”. Sau những gian nan và khó khăn, qua nhiều bước thực hiện, dự án của chúng tôi đã được định hình. “Dự án bảo tồn kỹ thuật làm gối truyền thống của người Mường - gối mặt huyệt” là một dự án truyền thông, với mục tiêu quảng bá sản phẩm Google Site đến với công chúng và mục đích lưu giữ những giá trị cũng như kỹ thuật về loại gối đặc trưng này của dân tộc Mường.

Một khoảng thời gian rất dài đã trôi qua…

Đã có những khoảnh khắc vui vẻ, cùng cố gắng, cũng như đạt được thất bại và thành công.

Những cảm xúc ấy, tôi sẽ không bao giờ quên…

.

.

.

.

.

Đủ rồi, cắt. Thú thật thì tôi bịa ra gần hết đấy. Ít nhất là hai câu đầu sẽ đúng, nhưng vế cuối… ờ ừm thì mà là… phải nói tôi đã quên gần hết rồi. Chính vì thế, bài viết này ra đời trong tình trạng dở nhớ dở quên của tôi, coi như là để nhớ mãi, hoặc ít nhất cũng lưu lại đôi phần về những điều đáng nhớ trong quãng thời gian thực hiện dự án này.

Sao nhỉ…? Khi ngẫm nghĩ về hàng hà sa số triết lý cao xa vời vợi trong lúc gõ những dòng này, tôi chỉ suy ra những điều mình ấn tượng nhất là những điều đáng nhớ nhất.

Và khi nghĩ về những điều ấn tượng, như có những hiệu ứng flash giống trong phim hoạt hình đánh bên tai, tôi chợt nhớ tới một người. Một người cao tuổi, người đã cho nhóm thực hiện dự án chúng tôi cơ hội được hiểu biết thêm về gối mặt huyệt của người Mường. Đó chính là bà Lợi - nghệ nhân làm gối mặt huyệt, sống tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, trong địa phương nơi chúng tôi thực hiện dự án này.

Khoảng vài tháng trước, khi vừa xác định sẽ tập trung vào sản phẩm gối mặt huyệt, dự án nói riêng cùng tất cả các thành viên nói chung đã rơi vào tình trạng thiếu thông tin và kỹ thuật trầm trọng. Lúc đó, trong tâm trí tôi chỉ có một suy nghĩ: “Không thể để những nỗ lực từ trước đến giờ đổ sông đổ bể được”. Tuy không nhiều nhặn gì nhưng những nỗ lực ấy là thành quả bước đầu của chúng tôi. Chúng tôi quyết không để phí.

Dường như vận may đến nhanh một cách bất ngờ, chúng tôi đã tìm được cách liên lạc với một nghệ nhân làm gối mặt huyệt - bà Lợi. Không thể để phí cơ hội, các thành viên ngay lập tức dành thời gian chuẩn bị bảng hỏi, ghi hình làm phóng sự, tập phỏng vấn bà...

Cho đến khi ngày trọng đại ấy tới.

Phải nói là tôi đã rất hồi hộp. Dù đã thực hiện khá nhiều dự án trong suốt hai năm học tập tại khối THCS, đây vẫn là lần đầu tiên tôi đi phỏng vấn một người ngoài trường - một người xa lạ. Có thể bà sẽ không đủ kiên nhẫn chờ đợi tôi những lúc chẳng thể cất tiếng, không trả lời theo từng cột ngang cột dọc đều đặn như trong bảng hỏi...

Tuy hôm ấy có hai người vắng mặt, nhưng chúng tôi vẫn giữ nguyên lịch và tiếp tục lên đường. Những lo lắng, khúc mắc trên cũng được giải quyết, tôi được phân nhiệm vụ ghi chép mà không phải phỏng vấn.

Khi đến nhà bà, chúng tôi rẽ vào một ngõ nhỏ ngay trên đường đến trường. Kể ra thì cũng ngạc nhiên, bởi vì tôi chưa từng nghĩ nhà bà ở ngay gần ấy. Khi bước vào nhà, bà và mẹ chồng của bà đã ra đón. Cả bà và cụ đều diện một bộ trang phục Mường truyền thống rất đẹp, với áo trắng, cạp váy đen và những món trang sức bằng bạc. Chúng tôi chào hỏi hai người, và vào trong nhà để tiến hành phỏng vấn.

Qua từng câu hỏi, từng câu trả lời và những ghi chép, dường như tôi đã bớt căng thẳng hơn. Tôi nhận thấy bà Lợi trả lời những câu hỏi một cách ân cần và nhiệt tình.

Bạn có nhớ tôi đã nói gì trên kia không? Khi nhớ lại lúc mới thực hiện dự án ấy. Lúc đó, tôi đã nghĩ: “Không thể để những nỗ lực từ trước đến giờ đổ sông đổ bể được”. Hiện tại, dường như tôi nhận ra, việc có ý chí như thế cũng chỉ giúp được một phần trong thành công hiện giờ. Chính những hiểu biết mà bà mang lại cho chúng tôi đã bù đắp vào chỗ thiếu khuyết đó. Tôi tiếc vu vơ, rằng lần cuối gặp bà, sao không nói một câu cảm ơn nhỉ? Lúc ấy tôi đang bận nhai bỏng gạo rộp rộp bên vệ đường dưới nhà trong lúc chờ các em quay phóng sự. Chắc khi gặp lại bà lần tới, tôi sẽ nói lời cảm ơn mà bản thân chưa kịp nói, cũng như bày tỏ mong muốn rằng, dự án này thật sự rất may mắn khi gặp bà và được bà hỗ trợ.