Phân loại chữ viết

Có nhiều cách phân loại chữ viết. Cách phổ biến nhất là phân loại dựa trên giá trị của tự vị, còn gọi là phân loại theo chức năng. Như đã giới thiệu ở phần khái niệm, chữ viết có thể là kí hiệu của lời nói, ngôn ngữ hoặc hình ảnh. Nhưng vì ngôn ngữ là cái trừu tượng, không phải là một thực thể vật chất dễ mô tả nên rất ít hệ thống có thể biểu đạt độc lập thực thể này. Do vậy chữ viết được chia thành hai loại lớn: loại ghi lời nói và loại ghi hình ảnh.

- Loại ghi hình ảnh (logogramme): là chữ có đa số tự vị mang giá trị hình ảnh. Mỗi kí tự thuộc hệ này thường tương đương với một đơn vị ngôn ngữ (hình vị, khái niệm..). Trong đó

+ Chữ tượng hình (pictogramme): kí tự thuộc loại chữ này thường đại diện cho sự vật, trong đó tất cả các tự vị cấu thành đều mang giá trị hình ảnh

+ Chữ chỉ sự hay chữ biểu ý (idéogramme): kí tự thuộc loại chữ này thường dùng để biểu diễn một khái niệm, trong đó tất cả các tự vị cấu thành đều mang giá trị hình ảnh

- Loại ghi lời nói: là chữ là chữ có mỗi kí tự tương đương với một đơn vị ngữ âm (âm vị, âm tiết...). Trong đó:

+ Chữ âm vị (alphabet): là hệ chữ có đa số mỗi tự vị đại diện cho 1 âm vị. Các tự vị dù là đại diện cho nguyên âm hay phụ âm đều là tự vị cơ sở. Mỗi tự vị này gọi là 1 chữ cái

+ Chữ âm tiết (syllabaire): là chữ có mỗi tự vị cơ sở đại diện cho một âm tiết. Tự vị thứ cấp nếu có không đại diện cho nguyên âm hay âm vị nào khác.

- Chữ phụ âm (abjad và abugida): là chữ chỉ ghi phụ âm, không ghi nguyên âm (abjad), hoặc nếu có thì các tự vị ghi nguyên âm luôn là tự vị thứ cấp (dấu phụ, nét gạch, phẩy chân...) (abugida)

Vẫn còn nhiều tiểu loại ghi âm khác sử dụng nhiều phương pháp khác để ghi âm, nhưng chung qui vẫn là kết hợp từ các phương pháp kể trên. Ví dụ như chữ Hangul, mỗi tự vị ghi một âm vị nhưng mỗi kí tự lại ghi một âm tiết...

Chữ viết được phân loại như trên là bằng cách quan sát giá trị của tự vị khi nó không hành chức. Trên thực tế, vì tự vị khi hành chức có thể mang nhiều giá trị khác nhau cùng lúc nên một hệ chữ có thể có 2, 3 loại chữ. Hệ chữ hán là một ví dụ: nó vừa có chữ thuộc loại ghi hình (tượng hình), vừa có chữ thuộc loại ghi âm (giả tá) vừa có chữ ghi ý nghĩa và âm thanh cùng lúc (chữ hình-thanh). Trong đó, chữ hình thanh luôn có ít nhất hai tự vị với hai loại giá trị ngôn ngữ và lời nói (thường là âm tiết) cùng lúc. Ngoài chữ hán, chữ latinh trong nhiều ngôn ngữ cũng có thể ghi ý nghĩa và lời nói cùng lúc với cơ chế tương tự. Do vậy không thể xếp một hệ chữ nào vào hẳn loại ghi hình hay ghi âm, nghĩa là không thể nói “chữ hán thuộc loại ghi hình” hay “chữ latin thuộc loại ghi âm”...

Ngoài cách phân loại trên, người ta còn phân loại chữ viết theo hình chữ. Theo đó, chữ viết sẽ được chia làm 2 loại chính: chữ hình nét (linéaire, có người dịch là tuyến-tính) và chữ không-phải-hình nét (non- linéaire, có người dịch là phi-tuyến-tính), gồm chữ hình nêm, chữ nổi... Trong đó, tuỳ theo dụng cảnh, chữ hình nét có thể được chia thành các loại lớn:

- Chữ chân (真書): là chữ thể hiện rõ ràng nhất và chuẩn xác nhất hình dáng của các tự vị, thường được dùng trong in ấn. Loại này còn có các tên gọi khác là chữ in, chữ chuẩn, chữ khải...

- Chữ hành (行書): thực chất là chữ khải ở dạng viết tay. Chữ ở dạng này đặc trưng ở chỗ các tự vị thường được viết dính liền hoặc nối liền nhau nhưng nhìn qua vẫn có thể nhận biết được các tự vị riêng rẽ

- Chữ thảo: là chữ viết tay ở tốc độ nhanh, bút lực nhẹ. Chữ dạng này thường ít nét, các tự vị được viết đính liền nhau hoặc bị lược bỏ, nhìn vào rất khó xác định. Cách viết này thường dùng để ghi nháp, tốc kí hoặc kí tên

- Chữ triện: là chữ được viết bằng cách khắc lên vật cứng như đá, gỗ, đỉnh.. Dạng chữ này thường được dùng để làm con dấu, ghi cột mốc, bảng hiệu...

Trong văn tự học, người ta thường dùng cách phân loại theo chức năng. Còn trong thiết kế in ấn (typographie) người ta thường dùng cách phân loại theo tự thể.