Mối liên hệ giữa chữ viết với ngôn ngữ và lời nói

Chữ viết, cùng với lời nói, là những hệ thống kí hiệu của ngôn ngữ. Chúng thực hiện công việc này bằng cách phù hiệu hoá cái khái niệm và đại biểu cho sự vật khả kiến. Một số quan điểm cũ còn đồng nhất ngôn ngữ với lời nói và cho rằng chữ viết là hệ thống phái sinh của lời nói.

{từ “kí hiệu” trong các đoạn văn dưới đây là được dùng theo nghĩa là biểu vật (symbol/ signifiant) chứ không phải là dấu hiệu (signe)}

Ngày nay (thật ra là từ thời F.Saussure), trong khi việc định nghĩa khái niệm “ngôn ngữ” còn chưa ngã ngũ, chúng ta vẫn thống nhất được rằng ngôn ngữ tách biệt với lời nói, vì có một số ngôn ngữ không có tiếng nói mà sử dụng một (số) hệ thống kí hiệu vật chất khác làm phương tiện giao tiếp, trong đó có chữ viết. Ví dụ như Văn Ngôn – ngôn ngữ chung của cõi Đông Á xưa – là ngôn ngữ chỉ có chữ viết mà không có tiếng nói. Hay các ngôn ngữ của người câm điếc, không hề có tiếng nói, vẫn chưa có chữ viết mà chỉ lấy cử chỉ, điệu bộ làm hệ thống kí hiệu. Hay như ngôn ngữ của làng Kuskoy ở Thổ Nhĩ Kỳ, kí hiệu của nó không phải là hệ thống âm vị hay chữ viết mà là tiếng huýt sáo... Điều này minh chứng cho việc chữ viết không nhất thiết và không phải lúc nào cũng là hệ thống phái sinh từ lời nói

Ớ đây, tác giả cho rằng chữ viết là hệ thống kí hiệu bằng hình ảnh của 1 hoặc 2 trong 3 thực thể: lời nói, ý nghĩa hoặc ngôn ngữ. Trong đó, chữ viết là kí hiệu của

- lời nói (parole) khi nó ghi các thành tố của lời nói (ngữ âm): âm vị, âm tiết

- ngôn ngữ (langue) khi nó phù hiệu hoá các thành tố của ngôn ngữ: hình vị, từ,...

- ý nghĩa (sens) nếu nó là hình ảnh sao chép của sự vật-hiện tượng mà người sử dụng ngôn ngữ tham chiếu tới, hay nói cách khác, nó là hình ảnh hiện ra trong đầu của người truyền đạt và người tiếp nhận ngôn ngữ

Mỗi thực thể này là một hệ thống tương đối tách biệt nhau, mặc dù liên hệ nhau nhưng không gắn kết với nhau 1-1 “như 2 mặt của tờ giấy”. Mối liên hệ giữa chúng thực ra là do quy ước của con người kiến tạo nên chứ không có sự gắn kết tự nhiên nào giữa chúng. Nó khá giống với mối liên hệ giữa kí hiệu và cái được biểu đạt. Nghĩa là một đơn vị ở tầng này được biểu diễn ở tầng kia có khi bằng kí hiệu này, có khi bằng kí hiệu khác.

Trong khi mối quan hệ giữa ngôn ngữ và ý nghĩa vẫn đang là chủ đề nghiên cứu của bộ môn ngữ nghĩa học, “bằng mắt thường” ta có thể dễ dàng nhận ra sự tách biệt giữa các hệ thống tiếng nói, chữ viết và ngôn ngữ. Tiếng nói và chữ viết thì dễ phân biệt rồi, nhưng vẫn còn rất nhiều người (kể cả nhiều nhà ngôn ngữ học) vẫn thường đồng nhất tiếng nói với ngôn ngữ. Tiếng nói tách biệt với ngôn ngữ ở chỗ cũng một từ, một đơn vị ở tầng ngôn ngữ, có thể có nhiều cách phát âm khác nhau ở tầng lời nói. Khác nhau ở đây không phải chỉ là sự khác nhau do biến thể âm vị (mỗi người nói một giọng khác nhau) mà có khi chúng hoàn toàn là tổ hợp của những âm vị khác nhau (một người có thể phát âm một từ bằng những tổ hợp âm vị khác nhau, cũng như những phương ngôn khác nhau của cùng một ngôn ngữ có cách phát âm ngữ vựng đó khác nhau). Ví dụ như “phúc” với “phước” là hai cách phát âm của cùng một từ, “bổn” với “bản”, “nhựt” với “nhật”, “chân” với “chơn”, “chánh” với “chính”, “dung” với “dong”, “hoàn” với “huờn”; “thực”, “thật” với “thiệc”, “thì” với “thời”, “kiếm” với “gươm”... Chúng rõ ràng là tổ hợp của những âm vị hoàn toàn khác nhau. Một từ do vậy vẫn chỉ là một đơn vị ngôn ngữ chứ không bao gồm, không “liên quan gì” tới cách phát âm của nó ở tầng lời nói. Tương tự, giữa chữ viết với ngôn ngữ và lời nói cũng có sự cách biệt. Một âm vị /a/ có thể được kí hiệu bằng chữ <a>, cũng có thể được biểu diễn bằng <> hoặc <>, <א>, <أَ>...; một ngôn ngữ do vậy có thể được kí hiệu bằng nhiều hệ chữ viết và ngược lại, một hệ chữ viết có thể làm kí hiệu cho nhiều ngôn ngữ..

Tóm lại, khi nói đến một thứ tiếng, ví dụ tiếng Việt, thiết nghĩ người trình bày cần xác định rõ anh ta muốn nói tới hệ thống nào trong 3 hệ thống trên: hệ thống âm vị hay hệ thống từ vựng hay hệ thống ý nghĩa. Chữ viết không là ngôn ngữ, cũng không đại diện cho ngôn ngữ. Chữ viết có mối liên hệ với ngôn ngữ, đó là mối liên hệ giữa kí hiệu và nội dung mà nó biểu đạt.