3: Tín Lý & Bí Tích

1. TÍNH BẤT KHẢ PHÂN LY TRONG HÔN NHÂN

(Linh mục Mat. Nguyễn Khắc Hy P.S.S., tiến sĩ thần học tín lý đại học giáo hoàng Gregoriana, Roma, dạy đại chủng viện Thần Học (Washington DC), đại chủng viện và đại học giáo hoàng St. Mary’s (Baltimore), Học Viện Đại Kết (Baltimore), trường thần học Oblate School of Theology (San Antonio, TX), thành viên ban giám đốc đại chủng viện Assumption, San Antonio TX, tác giả hàng trăm bài viết, thuyết giảng nhiều đại hội giáo lý và đại học, cộng tác với nhiều tờ báo, đài phát thanh và truyền hình Công Giáo tại Hoa Kỳ.) 


I.  Giới thiệu

Gia đình là đơn vị căn bản của xã hội, là giáo hội thu nhỏ.[1]  Khi gia đình hạnh phúc thì xã hội bình an. Khi gia đình gặp khủng hoảng thì xã hội cũng gặp loạn lạc.[2] Nhận ra những khủng hoảng trầm trọng của hôn nhân và gia đình trong hiện tại, đức thánh cha Phanxicô đã triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục tại Roma từ ngày 4 đến 19 tháng 10 năm 2014 nhằm tìm ra một giải pháp mục vụ hữu hiệu cho tín hữu.[3]

Trong bài này, chúng ta tìm hiểu tính bất khả phân ly của hôn nhân. Và để làm sáng tỏ vấn đề, chúng ta cần hiểu một vài từ ngữ và ý tưởng trước khi đào sâu bài viết.

Cụm từ tính bất khả phân ly được dùng để chỉ ràng buộc hôn nhân không thể bị tiêu hủy hay chia cắt.[4] Khả năng này chỉ được áp dụng và hiểu cách đúng nghĩa cho những trường hợp tái hôn sau khi ly dị mà thôi: liệu hôn nhân với người đang còn sống (mà đã chia tay) có còn hiệu lực/ ràng buộc không? Nếu hôn nhân bất hạnh phải kết thúc trong ly dị (về mặt luật đời hay theo phong tục, tập quán địa phương) mà hai người không tái hôn, thì tính bất khả phân ly không là một vấn nạn. Với Giáo Hội, ly dị được chấp nhận theo luật xã hội không xoá đi tính bất khả phân ly của hôn nhân, và vì thế, mọi tái hôn đều bị coi là vô hiệu trước mặt Giáo Hội.[5]

Thứ hai, nếu theo đúng thần học và giáo luật Công Giáo, tính bất khả phân ly ở đây được áp dụng cho những bí tích hôn nhân có hiệu lực và thành sự mà thôi, nghĩa là, những hôn nhân đúng theo giáo luật giữa hai người đã chịu phép rửa tội (Công Giáo, hay một Công Giáo và một Tin Lành v.v….) đồng thuận và đã “trở nên một xương một thịt” (theo nghĩa là đã có giao hợp xác thịt với nhau). Nói theo ngôn ngữ của Giáo Hội là những hôn phối thành nhận và hoàn hợp - ratum et consummatum - thì bất khả phân ly.[6]

Tuy nhiên, khi bàn đến tính bất khả phân ly của hôn nhân trong bài này, tôi không chỉ nói đến giáo luật và giáo lý hiện tại áp dụng cho những hôn nhân Công Giáo từ sau công đồng Trent (thế kỷ 16) khi xác định hôn nhân là một  trong bảy bí  tích  (đã được  nói đến từ thời  thánh  Thomas Aquinas thế kỷ 13), mà còn truy tìm lịch sử của tính bất khả phân ly trong lịch sử Giáo Hội, tìm hiểu sự hình thành và biến thể của những giải thích về tính bất khả phân ly này. Tôi cũng sẽ nói đến lập luận của hai nhóm người (thuận và chống) lời dạy này, và kết thúc bài tìm hiểu với lời dạy hiện nay của Giáo Hội.

 

II.   Những Đoạn Kinh Thánh Đáng Chú Ý

Bài viết sẽ nhắc đi nhắc lại nhiều lần vài đoạn Thánh Kinh cần thiết tìm thấy trong Đệ Nhị Luật 24:1-4, Mark 10:2-12, Matthew 5:31-32, 19:3-12, Luke 16:18 và 1 Cor 7:10-16. Nhưng để giúp người đọc không phải mở Kinh Thánh nhiều lần, tôi xin trích một vài câu quan trọng để dễ đối chiếu:

Sách Đệ Nhị Luật: “Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà. (24:1)

Mark 10:2-12 “Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giêsu và hỏi rằng: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?” Họ hỏi thế là để thử Người. Người đáp: “Thế ông Môsê đã truyền dạy các ông điều gì?” Họ trả lời: “Ông Môsê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ.” Đức Giêsu nói với họ: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê mới viết điều răn đó cho các ông. Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy. Người nói: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.”

Matthew 19:9 “Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình.”

Matthew 5:32 “Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình.”

Luke 16:18 “Bất cứ ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị chồng rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình.”

1 Cor 7: 10-15 “Còn với những người đã kết hôn, tôi ra lệnh này, không phải tôi, mà là Chúa: vợ không được bỏ chồng, mà nếu đã bỏ chồng, thì phải ở độc thân hoặc phải làm hoà với chồng; và chồng cũng không được rẫy vợ.” Còn với những người khác, thì tôi nói -chính tôi chứ không phải Chúa-: nếu anh em nào có vợ ngoại đạo mà người này bằng lòng ở với người ấy, thì người ấy đừng rẫy vợ. Người vợ nào có chồng ngoại đạo mà người này bằng lòng ở với người ấy, thì người ấy đừng bỏ chồng..... Nếu người ngoại đạo muốn bỏ người kia, thì cứ bỏ; trong trường hợp đó, chồng hay vợ có đạo không bị luật hôn nhân ràng buộc: Thiên Chúa đã kêu gọi anh em sống bình an với nhau!”

 

III.   Nguồn Gốc Kinh Thánh

Kinh Thánh nói gì đến tính bất khả phân ly của hôn nhân và việc tái hôn? Trước hết, ta bàn đến tính bất khả phân ly. Sách Đệ Nhị Luật ghi lại trong thời Cựu Ước, ly dị và tái hôn được chấp nhận.[7] Khi li dị, người chồng trao cho vợ chứng thư li dị, và người vợ được tự do đi lấy chồng khác (Deut 24:1-4).[8] Chiếu theo luật này, chỉ người chồng mới có quyền li dị, và người vợ chỉ nhận chứng thư li dị chứ không có quyền ly dị người chồng.[9]

Sau khi Chúa Giêsu sống lại, Kitô hữu quen thuộc với lời dạy: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mk 10:9). Đọc Tin Mừng Luke 16:8, Mark 10:2-12, Matthew 5:32 và 19:3-9, các nhà kinh thánh đồng ý rằng Chúa Giêsu chắc hẳn đã đi ngược lại truyền thống của Do Thái lúc bấy giờ khi kêu gọi con người không được ly dị và tuyên bố tính bất phân ly của hôn nhân vợ chồng.

Tin Mừng Mark và Matthew kể khi những người Pharisiêu đến chất vấn Chúa Giêsu về việc luật Môsê cho phép ly dị và tái hôn (Mk 10:2-12; Mt 19:3-12), Ngài đã nhắc cho họ nhớ rằng ngay từ ban đầu Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ (Gen 1:27), và ý định của Thiên Chúa là kết hợp hai người nên một, mỗi người phải từ bỏ cha mẹ mình để đến với nhau (Gen 2:24). Việc Môsê cho phép rẫy vợ chỉ vì “các ông lòng chai dạ đá, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu” (Mt 19:8).

Không chỉ từ chối ly dị, Chúa Giêsu còn dạy thêm “ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngọai tình đối với vợ mình, và ai bỏ chồng đế lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình” (Mk 10:11-12).[10] Đây được xem là bằng chứng rõ ràng nhất, mà hầu hết các nhà chú thích Kinh Thánh đồng ý rằng Chúa Giêsu khẳng định tính bất khả phân ly của hôn nhân.

Dù biết luật Môsê cho ly dị hợp pháp, Chúa Giêsu cảnh cáo những ai ly dị vợ để lấy người khác là phạm tội ngoại tình, mà tội này chỉ có thể được hiểu khi ràng buộc hôn phối vẫn còn.[11] Nói cách khác, dù hợp pháp khi ly dị, luật đạo của Thiên Chúa vẫn không cho phép.[12] Việc Môsê cho phép rẫy vợ chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu mục vụ khi con người yếu đuối, nhưng không thể thay thế luật Thiên Chúa đã có ngay từ ban đầu, đó là “cả hai nên một… và không được phân ly(Mk 10:9; Mt 19:4-6).

Thêm vào đó, phản ứng rất ngạc nhiên của các môn đệ càng củng cố tính chính xác của những lời dạy quá nghiêm khẳc của Chúa Giêsu, nếu không nói là táo bạo, vì đi ngược với lối sống bấy giờ: “Các môn đệ thưa Người: “Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn” (Mt 19:10). Không trực tiếp trả lời câu hỏi các môn đệ, Chúa Giêsu nói đến ơn sống độc thân: “Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu. Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu” (Mt 19:11-12).

Thánh Phaolô cũng xác nhận lời Chúa Giêsu dạy qua thư gởi tín hữu Côrintô: “Còn với những người đã kết hôn, tôi ra lệnh này, không phải tôi, mà là Chúa: vợ không được bỏ chồng, mà nếu đã bỏ chồng, thì phải ở độc thân hoặc phải làm hoà với chồng; và chồng cũng không được rẫy vợ” (1Cor 7:10-11). Việc xác nhận này giúp các nhà chú thích Kinh Thánh và thần học quả quyết rằng chính Chúa Giêsu đã dạy tính bất khả phân ly trong hôn nhân.[13] Trong đoạn trích trên, thánh Phaolô không nói đến lý do ly dị, nhưng cho dù có lý do chính đáng, Ngài vẫn kêu gọi không tái hôn. Lời dạy này được nhắc một nữa trong thư gởi tín hữu Roma: “Vậy bao lâu chồng còn sống, mà vợ đi lấy người khác, thì sẽ bị gọi là kẻ ngoại tình. Nhưng nếu chồng chết, thì vợ được tự do không phải giữ luật đó nữa, và có đi lấy người khác, cũng không phải là ngoại tình” (Rm 7:3).

Tóm lại, các Tin Mừng Matthew, Mark, Luke và thư của Phaolô cho ta cơ sở vững chắc để tin rằng Chúa Giêsu đã dạy tính bất khả phân ly của hôn nhân.

Thứ hai, về việc tái hôn. Truyền thống Do Thái giáo cho phép tái hôn khi người phối ngẫu qua đời, hay ta thường nói “cho đến khi sự chết chia lìa chúng ta.” Tính bất khả phân ly được trân trọng không có nghĩa là sự gắn bó muôn đời với một người, mà chỉ bao lâu người đó còn sống mà thôi. Kitô hữu tin rằng cả Chúa Giêsu cũng không lên án việc các bà goá tái giá (trong câu chuyện một người đàn bà lấy 7 anh em làm chồng – Lk 20:29-31), nhưng Ngài chỉ nói đến con người sau khi sống lại trong nước Thiên Chúa thì sinh hoạt như thiên thần, và việc dựng vợ gã chồng không còn nữa (Mk

12:25). Thánh Phaolô cũng có cùng kết luận chấp nhận vợ lấy chồng khác khi người chồng chết (Rm 7:2-3; 1 Cor 7:8-9). Và khi giảng dạy về thời kỳ sau hết (tức thời kỳ thánh Phaolô tin là Ngài đang sống và đang chuẩn bị đón Đức Kitô trở lại lần thứ hai), thánh nhân nhắn nhủ con người ưu tiên chuyên tâm cầu nguyện, chay tịnh, sửa mình… hơn là lo dựng vợ gã chồng (điều này áp dụng cho người goá cũng như độc thân). Tuy nhiên, thánh Phaolô cũng rất thực tế khi chấp nhận việc dựng vợ gã chồng như một điều kiện bất đắc dĩ cho những ai “nếu không tiết dục được, họ cứ kết hôn, vì thà kết hôn còn hơn là bị thiêu đốt” (1 Cor 7:9).

Hiểu được tính yếu đuối của con người, trong thư gởi cho Timôtê,[14] thánh Phaolô đã có những lời khuyên hợp lý cho từng hoàn cảnh cá nhân (1Tim 5:11-16). Ngài cũng khuyên các goá phụ còn trẻ nên tái giá để tránh những dịp tội khác: “vậy tôi muốn các bà goá trẻ hãy tái giá, sinh con cái, lo việc cửa nhà; đừng để cho đối phương có dịp bới móc” (1 Tim 5:14).[15]

Điều đáng chú ý ở đây là dù tái hôn được phép, nhất là trường hợp người phối ngẫu đã chết, nhưng những cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên vẫn ưu tiên chọn những người không tái hôn làm lãnh đạo. Trong thư gởi cho Timôtê, tác giả đưa tiêu chuẩn cho người giám quản cộng đoàn (tương đương với giám mục ngày nay) là “người chỉ một đời vợ” (1 Tim 3:2), và những người tự nguyện phục vụ giáo hội (trong nhóm các bà goá) là những người “vợ của một chồng” (1 Tim 5:9). Thánh Phaolô thì cho rằng “nếu chồng chết rồi, thì vợ được tự do muốn lấy ai thì lấy… nhưng theo ý tôi, người ấy có phúc hơn nếu cứ ở vậy” (1 Cor 39-40).

 

IV.  Các Giáo Phụ Với Tính Bất Khả Phân Ly

Giáo huấn của Giáo Hội về tính bất khả phân ly trong hôn nhân được coi là rõ ràng và mang tính liên tục, nghĩa là, truyền thống Giáo Hội để lại cho thấy lời dạy về tính bất khả phân ly thật sự đến từ Chúa Giêsu, qua các tông đồ, và luôn được Giáo Hội gìn giữ tính xác thực của nó.

Với các giáo phụ trong những thế kỷ đầu, đã có nhiều ý kiến trái chiều khi diễn dịch ý tưởng này. Thánh Gregory chấp nhận tái hôn: “Hôn nhân đầu tiên là hợp hoàn toàn với luật, hôn nhân thứ hai được dung thứ bởi ân xá, hôn nhân thứ ba là nguy hiểm. Và hôn nhân thứ tư khiến con người như con heo.”[16]  Thần học gia Athenagoras (thế kỷ II) viết: “Ai mà bỏ vợ, ngay cả khi đã chết, để lấy vợ khác là ngoại tình trá hình vì vi phạm điều Thiên Chúa đã sắp xếp, vì từ đầu Thiên Chúa tạo dựng chỉ một nam một nữ.”[17]

Trong tập giáo huấn Vị Mục Tử Của Hermas (cuối thế kỷ I - đầu thế kỷ II), một tác phẩm được coi là tiêu chuẩn giáo lý và giáo luật cho Kitô hữu trong hai thế kỷ đầu của Giáo Hội, đã dạy: “Hãy để cho người chồng ly dị bà và để người chồng sống độc thân. Nếu chồng ly dị vợ và lấy người khác, người đó phạm tội ngoại tình”[18] Justin Martyr (100-165?) cũng dạy những lời tương tự.[19] Origen (184-254?) khi chú giải Tin Mừng Matthew viết: “Một người đàn bà ly dị và lấy chồng khác trong khi người chồng trước còn sống là người ngoại tình, và người đàn ông đến với người đàn bà ly dị này không phải là kết hôn, nhưng theo lời Chúa chúng ta, ông này đang phạm tội ngoại tình với bà kia”[20]

Công đồng miền Elvira (năm 300) dạy rằng những bà nào bỏ chồng và ở với người khác sẽ không được rước lễ ngay cả khi sắp chết (canon 8). Cả trong trường hợp người chồng ngoại tình, người vợ cũng không được tái hôn. Ai tái hôn thì không được phép Rước Lễ cho đến khi xa lìa người chồng mới này (canon 9). Và nếu một người chồng ngoại (không có rửa tội) bỏ vợ mình mà không có lý do chính đáng để lấy một Kitô hữu, người vợ Kitô hữu này không được phép lấy người đàn ông đó vì như thế là chia rẽ gia đình họ. Nếu Kitô hữu lấy người ngoại đó, người vợ Kitô hữu này không được Rước Lễ, ngay cả khi nguy tử (canon 10).

Công đồng miền Arles (năm 314) dạy: “Với những ai còn trẻ và trung thành nhưng phát hiện vợ mình ngoại tình, công đồng chỉ thị rằng họ không thể tái giá bao lâu người vợ còn sống, ngay cả khi vợ ngoại tình” (canon 11).[21]

Thánh Basil Cả (330-379) viết: “Một người cưới vợ của một người khác sau khi hai người không còn ở với nhau vẫn bị coi là phạm tội ngoại tình.”[22]

Thánh Ambrose thành Milan (337-397) nghiêm cấm ly dị, và nếu vì lý do chính đáng mà ly dị thì hai người không được tái hôn khi người bạn đời kia còn sống.[23] Ngài nhắc lại con người không được phân ly việc gì Thiên Chúa đã kết hợp.[24]

Thánh Jerome (347-420) cũng nhắc đến vợ chồng không được tái hôn sau khi chia tay nhau,[25] ngay cả khi vợ phạm tội ngoại tình, người chồng vẫn không được tái hôn khi vợ mình còn sống.[26]

Thánh Gioan Kim Khẩu (349-407), khi chú thích Tin Mừng Matthew đã khẳng định nguyên tắc nghiêm khắc của Chúa Giêsu về tính không phân ly trong hôn nhân, viết: “Theo nguyên tắc tạo dựng và theo luật được ban cho (con người), Đức Giêsu Kitô dạy rằng người nam phải ở với người nữ luôn, và không chia tay nàng.”[27] Ngài khuyên Kitô hữu giữ mình, không tái giá ngay cả khi chồng chết (và được phép) vì như thế họ bất trung với người đã qua đời.[28]

Đức giáo hoàng Innocent I (trị vì 401-417) trong thư viết năm 408 dạy: “Chúng ta coi một phụ nữ là ngoại tình nếu bà lấy chồng lần thứ hai trong khi người chồng kia còn sống, và sẽ không cho bà đó được hưởng ân xá đền tội cho đến khi một trong hai người đàn ông qua đời.”[29]

Đến cuối thế kỷ thứ tư, thánh Augustine (354-430) nói rằng khi người chồng rẫy vợ vì vợ ngoại tình, và lấy một người vợ khác thì không chỉ người vợ mang tội ngoại tình mà cả người chồng cũng mang tội ngoại tình nữa. Ngài còn đi xa hơn và nói rằng cả người (vợ sau) lấy người chồng này cũng mang tội ngoại tình. Với những người chồng, nếu họ ly dị vợ dù với lý do tội gian dâm chính đáng hay chỉ tìm cớ ly dị để lấy người khác, cả hai đều mang tội ngoại tình, nhưng người ly dị vợ vì gian dâm ít tội hơn mà thôi.[30] Ngài cũng cắt nghĩa rằng một phụ nữ sẽ không là vợ của một người đàn ông khác cho đến khi nàng chấm dứt làm vợ người chồng trước… và đó là khi “chồng chết chứ không phải khi chồng phạm tội gian dâm. Một người có thể bị chia lìa (ly thân) bởi tội gian dâm, nhưng ràng buộc hôn nhân vẫn còn.”[31]

Tóm lại, ta có thể thấy được rằng các giáo phụ trong những thế kỷ đầu của Giáo Hội lên án việc ly dị và tái hôn, và lời dạy các Ngài được củng cố qua lời dạy các công đồng và các giáo hoàng.[32] Điều nhiều người đặt câu hỏi ở đây là liệu các giáo phụ lên án tái hôn vì tính bất khả phân ly của hôn nhân hay vì yếu tố luân lý của hôn nhân? Nói cách khác, trong các bài viết, các giáo phụ không nói đến tính bất khả phân ly mà chỉ nói đến tội khi ly dị và tái hôn, vậy tội các ngài nói đến là tội từ cám dỗ xác thịt hay tội vi phạm ràng buộc tính bất phân ly của hôn nhân.[33]

 

V.  Tranh Luận Xét Lại Tính Bất Khả Phân Ly[34]

Từ ngày 5-19 tháng 10 năm 2014 vừa qua, Thượng Hội Đồng Giám Mục họp ở Roma về đề tài Hôn Nhân và Gia Đình nhằm tìm hiểu những khó khăn gia đình đang đối diện, và hy vọng tìm ra những đáp ứng mục vụ thích

hợp. Có nhiều ý kiến đối nghịch nhau được bàn luận trong cuộc họp đến nỗi sau cuộc họp, nhiều báo chí trên thế giới đã thổi phồng là Thượng Hội Đồng có sự chia rẽ giữa hai nhóm bảo thủ và cấp tiến.[35]

Điều đáng chú ý có liên quan đến bài viết này là khi đức hồng y Walter Kasper, người được đức thánh cha Phanxicô chọn để thuyết trình đề tài chính cho Thượng Hội Đồng, đưa ra đề nghị cho phép những người li dị và tái hôn được rước lễ. Lời đề nghị của Ngài được xem là quá cởi mở và đi ngược lại với lời dạy hiện tại của Giáo Hội, nên có nhiều chống đối cũng như ủng hộ, và cũng chính là trọng tâm của những khác biệt trong tranh luận.

Với nhóm (tạm đặt tên là bảo thủ) đề cao tính bất khả phân ly thì li dị và tái hôn vi phạm điều luật bí tích hôn phối, và theo lời dạy hiện hành thì họ sống trong tội. Nếu Giáo Hội cho phép họ rước lễ thì chứng tỏ chúng ta không còn tôn trọng tính bất khả phân ly trong hôn nhân.

Với nhóm (tạm đặt tên là cấp tiến) nhắm đến tinh thần mục vụ giúp đỡ người ly dị thì dù việc tái hôn vi phạm bí tích hôn phối (vì tái hôn mà không có phép tiêu hôn của Giáo Hội), nhưng họ thật sự sống trong yêu thương, trong cam kết và có trách nhiệm với con cái nên không thể xem họ là sống trong tội lỗi được.[36]

Vậy, căn cứ vào đâu mà đức hồng y Walter Kasper có những ý kiến đó? Liệu ý kiến đó có đi ngoài lời dạy Giáo Hội không? Hay đã có trong lịch sử Giáo Hội trước đây?

Trong phần này, chúng ta tìm hiểu lịch sử và lý do những người muốn xét lại tính bất khả phân ly.

1.  Giáo Hội Sơ Khai Với Ly Dị và Tái Hôn

Khác với những người tái hôn khi người phối ngẫu qua đời, trong phần này chúng ta nói đến những người ly dị và tái hôn khi người phối ngẫu còn sống. Những người bênh vực lý do tái hôn sau ly dị thường lấy trường hợp thánh Phaolô cho phép tín hữu Corintô như một ví dụ.

Thánh Phaolô đưa ra trường hợp những anh chị em trở thành Kitô hữu trong khi vợ hay chồng vẫn là người ngoại đạo, hay những Kitô hữu lấy người ngoại đạo, mà nếu người phối ngẫu (ngoại đạo) bằng lòng sống với Kitô hữu, thì họ không được phép ly dị. Trái lại, nếu người ngoại đạo muốn bỏ Kitô hữu, thánh Phaolô phán quyết là Kitô hữu được phép bỏ chồng hay vợ ngoại đạo: “Nếu người ngoại đạo muốn bỏ người kia, thì cứ bỏ; trong trường hợp đó, chồng hay vợ có đạo không bị luật hôn nhân ràng buộc” (1Cor 7:15). Lý do Ngài đưa ra là để Kitô hữu bảo vệ đức tin và được sống bình an trong Chúa.

Điều đáng chú ý ở đây là ta không thấy thánh Phaolô nói thêm về việc tái hôn trong trường hợp này (vì người phối ngẫu vẫn còn sống), nhưng sự im lặng của Ngài đã tạo ra nhiều diễn dịch đối nghịch nhau. Một số cho rằng Ngài không cho phép tái hôn khi vợ hay chồng kia vẫn còn sống (1 Cor 7:39). Một số khác cho rằng không thấy thánh Phaolô ngăn cấm những Kitô hữu ly dị người phối ngẫu ngoại đạo và muốn tái hôn, dù thánh nhân chỉ khuyên họ tốt hơn là không tái hôn mà thôi (1 Cor 7:8, 40).

Khi cộng đoàn Kitô hữu phát triển, và các sách Tin Mừng bắt đầu hình thành (từ những năm 70-90 AD), có hai điều ta nên chú ý. Thứ nhất, nếu chỉ dựa vào Thánh Kinh mà thôi, người ta có thể diễn dịch nhiều ý nghĩa khác nhau của những lời dạy về ly dị và tái hôn, hoặc của Chúa Giêsu, hoặc của Giáo Hội. Thứ hai, những lời dạy về ly dị và tái hôn được kiện toàn qua lịch sử của Giáo Hội khi Kitô giáo đến những vùng đất mới và phải đối thoại với những thử thách mới của văn hoá, tập tục địa phương.[37]  Ví dụ, thánh Matthew đã không ngần ngại thêm một cụm từ vào lời Chúa Giêsu dạy “không được ly dị ngoại trừ hôn nhân bất hợp pháp” (Mt 19:9). Cụm từ “ngoại trừ hôn nhân bất hợp pháp” này được thêm, theo các nhà Kinh Thánh, là vì nhu cầu mục vụ của cộng đoàn thánh Matthew với nhiều người gốc Do Thái nay trở thành Kitô hữu nhưng họ vẫn còn sùng mộ và giữ luật Do Thái bao gồm cả luật ly dị (Deut 24:1-4).[38] Hay khi Phaolô và Mark nói đến trường hợp người vợ ly dị chồng (Mk 10:11-12; 1 Cor 7:11), độc giả ngày nay biết rằng chuyện này không thể xảy ra trong Do Thái giáo nhưng có thể xảy ra trong vùng văn hoá Hi lạp và Roma (nơi vợ có thể ly dị chồng).[39]

Với các giáo phụ, phản ứng về ly dị và tái hôn không đồng nhất, và không có một hệ thống thần học hay luật pháp nào rõ rệt. Tái hôn ngay khi người phối ngẫu còn sống được chấp nhận cách bất đắc dĩ thời Origen.[40]

Luật khoản 8 của công đồng Nicea (năm 325) nói đến những người lấy vợ, lấy chồng lần thứ hai (digamoi) khi người phối ngẫu còn sống là phạm trọng tội, và họ cần làm một số những việc đền tội và hình phạt cần thiết trước khi được hoà giải lại với Giáo Hội.[41]

Thánh Basil Cả (330-379) khi viết thư cho giám mục vùng Caesarea, nhắc đến trường hợp một người đã ly dị vợ và lấy vợ khác, nhưng sau bảy năm thật lòng ăn năn, sám hối, ông đã được Giáo Hội tha thứ và cho phép trở lại sinh hoạt trong Giáo Hội mà không phải từ bỏ người vợ thứ hai này. Thánh Basil nói đến “đáng được tha thứ” và “sự tha thứ sẽ được ban cho ông để ông tái hội nhập với Giáo Hội.”[42]  Lý luận của thánh Basil Cả trở thành nền tảng cho những cắt nghĩa thần học của giáo hội Đông Phương khi họ chấp nhận cho việc ly dị và tái hôn như hiện nay.[43]

Vậy căn cứ vào đâu mà có những giải thích khác nhau về việc cho phép ly dị và tái hôn này?

2.  Chú Giải Lời Dạy Chúa Giêsu

Như đã nói trên, hầu hết các nhà Kinh Thánh đồng ý rằng Chúa Giêsu không chấp nhận ly dị, và dạy tính bất khả phân ly trong hôn nhân.[44]  Tuy nhiên Matthew nhắc đến hai lần “không được ly dị ngoại trừ porneia” (tiếng Việt dịch là “ngọai trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp” (Mt 5:32 và 19:9). Việc Matthew nhắc hai lần “ngoại trừ” này khiến các nhà chú thích Kinh Thánh đặt câu hỏi: liệu đây là những trường hợp “bất hợp pháp” hay “những trường hợp không giữ được lời hứa.”[45]

Với nhóm người có khuynh hướng xét lại tính bất khả phân ly, họ chú thích lời Chúa Giêsu với một phương thức khác. Họ tin rằng lời Ngài dạy cần được hiểu tường tận dựa theo bối cảnh Ngài giảng dạy, nghĩa là, chúng ta không thể trích một câu trong toàn bộ lời dạy của Chúa Giêsu để đem ra làm tiêu chuẩn cho luật cho tín lý hay luân lý vì như thế là “mù quáng theo nghĩa đen.”[46]

Lời Chúa Giêsu dạy trong Matthew được cắt nghĩa như sau: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình” (Mt 5:31-32). Lời dạy này nằm trong bối cảnh chương 5, khi Chúa Giêsu đang đưa ra những tiêu chuẩn lý tưởng trong đời sống Kitô hữu qua bài giảng Trên Núi (thường gọi là Tám Phúc Thật), như kim chỉ nam cho đời sống con người.[47] Nếu đem so sánh lời Chúa Giêsu dạy trong chương này, ta có thể tìm ra sáu tương phản giữa luật Môsê (M) và luật mới của Chúa Giêsu (G), điều mà họ cho là thực tế khác với lý tưởng.[48]

M. dạy (1) không giết người; G. dạy: không được giận; (2) M: không ngoại tình; G: không được ngay cả nhìn và ước muốn phạm tội (3) M: cho phép li dị; G: không được li dị (4) M: không được thề gian; G: không được thề gì cả (5) M: được trả thù; G: không được trả thù (6) M: yêu người thân, ghét kẻ thù; G: yêu cả kẻ thù (Mt 5:21-47).

Sự tương phản trên nói lên thực tế cuộc sống còn quá thấp so với đòi hỏi lý tưởng của Kitô hữu. Chìa khóa của những lời dạy này được đúc kết trong lời mời gọi: “Các con phải nên trọn lành như cha trên trời là đấng trọn lành” (Mt 5:48), dĩ nhiên một điều không ai có thể làm được.

Nhóm giải thích những đòi hỏi trên cho rằng nếu chúng ta chỉ trích câu nói và tách khỏi toàn bộ bối cảnh này để đặt thành luật (như không được giận người khác chẳng hạn...), thì không chỉ phiến diện mà không lột tả được ý Chúa Giêsu muốn dạy, hay nói đúng hơn, làm như thế chúng ta không phân biệt được đâu là lý tưởng (nên làm) đâu là tiêu chuẩn (cần làm).

Những người chú giải này còn muốn liên kết toàn bộ chương 5 của Matthew với những lời trong Matthew 18:6-9 (trong Luke 17:1-2 và Mark 9:42-50) khi Chúa Giêsu dạy ai làm cớ cho một người bé nhỏ vấp phạm thì cột cối đá vào cổ và ném xuống biển, hay nếu tay/ mắt làm cớ cho ta phạm tội thì thà chặt tay/ móc mắt mà được vào Nước Trời còn hơn. Câu hỏi đặt ra là: tại sao chúng ta không theo sát nghĩa đen của những lời dạy này? Liệu ta có hiểu “giận hờn” tương đương với “giết người”, hay “nhìn một người phụ nữ mà ước muốn phạm tội” tương đương với “ngoại tình” (Mt 5:21-42) không? Vậy tại sao ta chỉ áp dụng cách tuyệt đối câu “không được li dị” trong đời sống mà thôi? Như thế chúng ta có quá nghiêm khắc với những lời dạy này trong khi coi nhẹ những lời dạy khác không?[49]

Các nhà giải thích này cũng nói thêm rằng Chúa Giêsu rao giảng triều đại Thiên Chúa Đã Có và Sẽ Đến, nghĩa là không chỉ nhắm đến ngày cánh chung (sau hết) mà còn thời điểm Ngay Bây Giờ. Vì thế, Chúa Giêsu đòi hỏi mọi Kitô hữu phải sống trong hiện tại với những đòi hỏi của ngày cánh chung, điều mà họ cho là lý tưởng mà thôi. Nhóm giải thích này cũng nói thêm là những điều kiện sống trong triều đại Thiên Chúa (như không giận, yêu kẻ thù, không ly dị....) chỉ là những mời gọi lý tưởng (đòi hỏi tính tối đa), chứ không là luật (đòi hỏi tính tối thiểu).

Nói tóm lại, nếu những ai theo dõi bài nói chuyện của đức hồng y Walter Kasper phát biểu trong cuộc họp Thượng Hội Đồng Giám Mục về đề tài Hôn Nhân và Gia Đình (năm 2014) thì hiểu rằng (1) đức hồng y Kasper không hề kêu gọi cho những ai ly dị được phép tái hôn, nhưng (2) Ngài đề nghị cho những người đã ly dị và tái hôn mà chưa có phép tiêu hôn của Giáo Hội được rước lễ vì lập luận của Ngài dựa trên (nhưng dĩ nhiên không hoàn toàn giống với) lý luận của những người cho rằng những người này cần được tha thứ hơn là trừng phạt, vì họ không sống được “lý tưởng Kitô giáo” chứ không phải là họ không theo được những đòi hỏi tối thiểu (hay còn gọi là Luật) trong Kitô giáo.[50]

Giáo hội Đông Phương (Chính Thống giáo) và anh chị em Tin Lành cũng chấp nhận ly dị và tái hôn dựa trên những chú giải Kinh Thánh có tính cách mở rộng này. Vì thế, với những ai quen thuộc với chú giải thần học trong lịch sử thì biết được tư tưởng của đức hồng y Walter Kasper đến từ đâu, và tư tưởng đó không hoàn toàn mới (đối với Tin Lành và Chính Thống giáo) dù nghịch lại lời dạy Giáo Hội Công Giáo hiện tại.

 

VI.  Giáo Hội Công Giáo Với Tính Bất Khả Phân Ly

Tính bất khả phân ly chúng ta nói đến trong bài viết này nhắm đến những bí tích hôn nhân thành nhận và hoàn hợp. Chúng ta có thể bắt đầu với lời dạy của Giáo Hội trong giáo lý Công giáo số 1614: “Sự phối hợp hôn nhân là bất khả phân ly: chính Thiên Chúa đã quyết định như vậy: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19:6)” và số 1615: “Khi Ðức Kitô nhấn mạnh rõ ràng hôn nhân là bất khả phân ly…. [Ngài] đã không đặt cho các đôi vợ chồng một gánh quá nặng không thể mang nổi.”

Giáo luật số 1056 dạy: “những đặc tính căn bản của hôn phối là sự duy nhất và bất khả phân ly.”

Giáo huấn hiện tại của Giáo Hội về tính bất khả phân ly của hôn nhân là kết quả thừa kế trực tiếp lời Chúa Giêsu dạy, qua các tông đồ và được truyền lại cho đến ngày nay. Đây không là một tạo phẩm của Giáo Hội hiện đại mà bắt đầu từ Chúa Giêsu, dù có nhiều diễn dịch khác nhau qua nhiều thời kỳ nhưng trọng tâm lời dạy không thay đổi.

Giáo Hội Công Giáo khẳng định: “Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mk 10:9). Vậy đâu là lý do khiến Giáo Hội Công Giáo giải thích lời dạy về ly dị và tái hôn khác với Chính Thống giáo hay các giáo phái Tin Lành?

Có nhiều điểm đã được nói ở trên. Ở đây tôi chỉ nhắc lại một vài điểm tóm tắt.

Thứ nhất, hầu hết các nhà Kinh Thánh đều cho rằng lời dạy của Chúa Giêsu không cho phép ly dị (để tái hôn) được kể lại trong tin Mừng Mark vừa đơn giản, vừa trực tiếp: “sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mk 10:9). Cụm từ trừ trường hợp porneia được coi là sự hiệu đính của Matthew cho hợp với hoàn cảnh mục vụ, nhưng câu này không thấy trong Mark và Luke.

Thứ hai, thái độ sửng sốt của các môn đệ khi nghe Chúa Giêsu nói đến tính bất khả phân ly: “nếu như thế thà không kết hôn thì hơn” (Mt 19:10), nói lên lời dạy này hoàn toàn nghịch với những gì các ông đang sống và quan sát, và có thể quá lý tưởng đối với con người. Chính thái độ sửng sốt này càng làm ta tin hơn tính lịch sử của lời dạy Chúa Giêsu. Nói cách khác, nếu lời Chúa Giêsu không quá mới mẻ và táo bạo, thì các môn đệ đã không có những phản ứng đáng chú ý đó.

Thứ ba, thánh Phaolo khi dạy về ly dị cũng nói chính Chúa Giêsu không cho phép ly dị và tái hôn: “Còn với những người đã kết hôn, tôi ra lệnh này, không phải tôi, mà là Chúa: vợ không được bỏ chồng, mà nếu đã bỏ chồng, thì phải ở độc thân hoặc phải làm hoà với chồng; và chồng cũng không được rẫy vợ” (1 Cor 7:10-11).

Thứ tư, truyền thống của Giáo Hội ngay từ những ngày đầu tiên đã trân trọng tính bất khả phân ly của hôn nhân, và lên án những tái hôn sau khi ly dị khi người phối ngẫu còn sống. Điều này được các Kitô hữu coi như đòi hỏi của đời sống theo Chúa Kitô.[51]

Thứ năm, lịch sử của Giáo Hội chứng minh tính liên tục và đồng nhất qua giáo huấn của các công đồng (chung cũng như miền), và của các đức giáo hoàng. Ta không tìm thấy những lời dạy nghịch lại với quan điểm này.

Thứ sáu, điều đáng chú ý là công đồng Trent (1545-1563) dạy hôn nhân là một trong bảy bí tích, và Sắc Lệnh về Bí Tích Hôn Nhân (11-11- 1563) khẳng định rằng Thiên Chúa thiết lập hôn nhân có tính cách trường cửu, và không được phép ly dị (xem điều luật số 1, 5 và 7), cho dù công đồng Trent không dùng những từ ngữ để giải thích tính bất khả phân ly của hôn nhân cách tỏ tường như ta hiểu trong giáo luật hiện nay.

Sau cùng, công đồng Vatican II tái xác định lời dạy truyền thống này, và tất cả được đúc kết trong sách giáo lý Công Giáo (những lời dạy không sai lầm vì được các giám mục trên toàn thế giới hiệp nhất với giám mục Roma - đức giáo hoàng- cùng đồng nhất dạy): “Sự phối hợp hôn nhân là bất khả phân ly: chính Thiên Chúa đã quyết định như vậy: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19:6)” (số 1614).

 

VII.  Kết Luận

Tính bất khả phân ly trong hôn nhân là lời dạy của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chúng ta nghe nhiều giám mục, thần học gia, chuyên gia Kinh Thánh, giáo luật… bắt đầu lên tiếng muốn xét lại tính bất khả phân ly này. Chúng ta cần hiểu rằng những câu hỏi này không nhằm xét lại lời dạy của Chúa Giêsu, vì lời dạy của Ngài mang tính tuyệt đối, nhưng nhằm xét lại cách thức diễn dịch lời Chúa trong quá khứ và hiện tại khi áp dụng vào đời sống Kitô hữu. Câu hỏi là liệu những lời Giáo Hội dạy về hôn nhân có thể được thay đổi không? Và nếu có (hay không) thì căn cứ vào những bằng chứng nào? Và nếu con người sa ngã vì yếu đuối, không sống theo lý tưởng Chúa Giêsu kêu gọi, đâu là những đường lối mục vụ của Giáo Hội đối với “những con chiên lạc” này?

Chúng ta sẽ còn tiếp xúc nhiều với những tranh luận nóng bỏng này trong thời gian tới. Liệu có gì mới trong kết luận của Giáo Hội liên quan đến Năm Gia Đình sau cuộc họp Thượng Hội Đồng Giám Mục thường kỳ vào tháng 10 năm 2015?

Veni Sancte Spiritus!

---------------------------------

[1] Giáo lý Công Giáo số 2207.

[2] Khoa xã hội cho biết rằng con số ly dị của các gia đình ở Châu Âu và Bắc Mỹ trên 50%; và Giáo Hội Công Giáo cũng ghi nhận là con số ly dị của các gia đình Công Giáo cũng không khác biệt với con số chung của xã hội là bao nhiêu.

[3] Sẽ có một cuộc họp nữa của Thượng Hội Đồng Giám Mục tiếp tục đề tài về Gia Đình vào tháng 10 năm 2015. Sau cuộc họp này, đức giáo hoàng Phanxicô sẽ có một tông thư với những lời dạy cụ thể liên quan đến hôn nhân và gia đình được các giám mục bàn luận trong hai năm 2014 và 2015.

[4] Từ tính bất khả phân ly (indissolubility – indissolubilité) được nhiều người dịch khác nhau như “tính bất khả đoạn tiêu” hay “tính bất khả tiêu,” và lối dịch này sát nghĩa với thần học và giáo luật Công Giáo. Nhưng tôi vẫn muốn dùng từ tính bất khả phân ly để áp dụng không chỉ cho bí tích hôn nhân Kitô giáo, mà còn cho mọi hôn nhân nói chung.

[5] Đừng nhầm lẫn với những người đã được Giáo Hội cho phép tiêu hôn (annulment) và phán quyết là hôn nhân trước của họ đã không thành sự vì bất cứ lý do gì. Như thế, họ được lấy vợ - chồng lần sau, và được coi như lần đầu tiên (vì hôn nhân trước bất thành).

[6] Giáo luật 1061 gọi là Thành Nhận và Hoàn Hợp (ratum et consummatum). Nếu hai người đã đồng ý trao đổi lời thề hứa và cam kết lấy nhau theo đúng mọi nghi thức Kitô giáo, nhưng chưa giao hợp vợ chồng (non consummatum), thì hôn phối đó được phép phân ly (tiêu hôn).

[7] Sách Đệ Nhị Luật “Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà.” (Deut 24:1) Dù được ly dị, nhưng các tiên tri vẫn lên tiếng rằng Thiên Chúa không chấp nhân, như Malachi: “Các ngươi nói: Tại sao vậy? Bởi vì ĐỨC CHÚA là chứng nhân giữa ngươi và người đàn bà ngươi đã cưới trong tuổi thanh xuân. Chính ngươi đã phản bội nó, mặc dầu nó là bạn đường và là người vợ kết ước với ngươi. Người đã chẳng làm nên một hữu thể duy nhất có xác thịt và thần khí đó sao? Vậy hữu thể duy nhất này tìm cái gì? Một dòng dõi của Thiên Chúa. Các ngươi hãy coi chừng và chớ phản bội người đàn bà ngươi đã cưới trong tuổi thanh xuân. Quả thật, Ta ghét việc rẫy vợ, - ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa Ít- ra-en phán -, và kẻ lấy thói bạo tàn làm áo che thân, - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán. Hãy coi chừng và chớ phản bội” (Mal 2:14-16).

[8] Nếu không có chứng thư li dị này thì dù hai vợ chồng có sống xa nhau (ly thân) thì vẫn còn coi là vợ chồng. Giấy chứng nhận ly dị được viết dưới sự hướng dẫn và chứng giám của một Rabbi (thầy tư tế), và đúng theo thủ tục Do Thái giáo (như có người làm chứng…).

[9] Dù theo luật Do Thái, người chồng có thể li dị vợ nhưng luật cũng không cho phép người chồng li dị nếu (1) vu khống người vợ không còn trinh tiết trước khi lấy chồng (Deut 22:13 ff), và (2) chiếm đoạt người trinh tiết trước khi thực sự thành vợ chồng (Deut 22:28 ff). Thời Chúa Giêsu, có hai trường phái Rabbi diễn dịch truyền thống ly dị của Do Thái giáo khác nhau: nhóm bảo thủ theo Shammai (khoảng 50 BC – 30 AD) cho rằng chỉ với lý do nghiêm trọng như ngoại tình, gian dâm, hay tội hình sự (trộm cắp, hại người, mất đạo đức trầm trọng…) thì mới được ly dị; nhóm cởi mở theo trường phái của Hillel (khoảng 110 – 10 BC) cho rằng người chồng có thể ly dị vợ với bất cứ lý do gì như vợ nấu ăn kém, lười biếng, không còn vui vẻ…hay cả những lý do ngớ ngẩn khác. Xem thêm Gunter Stemberger và Hermann L. Strack, Introduction to the Talmud and Midrash, 2nd ed. trans and ed. by Markus Bockmeuhl (Edinburgh: T&T Clark, 1996) 66; Emil Schurer, The History of the Jewish People in the Age of Jesus Christ, vol. 2. rev. and ed. by Geza Vermes, Fergus Millar và Matthew Black (Edinburgh: T&T Clark, 1979) 363-367.

[10] Theo luật Do Thái, chỉ có đàn ông mới có quyền ly dị vợ. Trong khi Tin Mừng Matthew và Luke nói đến người chồng ly dị vợ và trao chứng từ ly dị, Tin Mừng Mark lại nói đến trường hợp người vợ có thể ly dị chồng, và thánh Phaolô cũng nhắc lại trong 1 Cor 7:10-11 là “vợ không được bỏ chồng.” Các nhà chú thích Kinh Thánh đều đồng ý rằng đây là điều không có trong Do Thái giáo bấy giờ, nhưng Mark và Phaolô thêm vào để thích nghi với đời sống mục vụ của công đoàn Kitô hữu ở Roma, nơi mà Kitô hữu quen thuộc với luật Roma và sống chung hằng ngày (và kết hôn) với dân ngoại (không là Do Thái). Xem R. H. Charles, The Teaching of the New Testament on Divorce (London: Williams and Norgate, 1921) 29-31; J. Schmid, The Regensburg New Testament: The Gospel According to Mark (Staten Island, NY: Alba, 1968) 184-185; E. Schweizer, The Good News According to Mark (Richmond: John Knox, 1970) 202; D. L. Dungan, The Sayings of Jesus in the Churches of Paul (Oxford: University Press, 1971) 11-12; và W. R. Farmer, The Synoptic Problem (Dillsboro, NC: Western North Carolina Press, 1976) 257.

[11] Tội ngoại tình trong đạo Do Thái được hiểu khác với ta ngày nay. Vì xã hội thời đó chấp nhận đa thê và còn chấp nhận người hầu, nên ăn ở với nô lệ hay người hầu với sự đồng ý của người vợ thì không bị coi là ngoại tình. Ngoại tình được hiểu là khi người chồng phản bội, không tôn trọng hay đánh lừa người vợ “tự do” ông ta đã chọn cưới mà thôi. Xem sách Lêvi 19:20 và trường hợp Abraham ở với bà Hagai Gen 16:1-16.

[12] Xem Walter W. Wessel, Mark: The Expositor’s Bible Commentary, vol. 8, ed. Frank E. Gaebelein (Grand Rapids, 1984) 711.

[13] Xem George W. MacRae, S.J., Studies in the New Testament and Gnosticism, ed. Daniel Harrington (Wilmington, 1987) 128. Và John Murray, Divorce (P & R Publishing,

[14] Dù trong Tân Ước thư gởi Timôtê mang tên của thánh Phaolô, nhưng các nhà Kinh Thánh ngày nay đều cho rằng thư này (cùng với thư 2 Timothy và thư cho Titus) được môn đệ hay giáo dân của thánh Phaolô viết dưới tên của Ngài, và phản ánh được những gì Phaolô muốn dạy. Thư được viết khoảng cuối thế kỷ I đến đầu thế kỷ II. Xem phần giới thiệu trong thư 1 Timothy trong New American Bible, revised edition (St. Benedict Press,  2011);  Raymond  F.  Collins,  1  &  2  Timothy  and  Titus:  A  Commentary (Westminster John Knox Press, 2004) ; Bart Ehrman, The New Testament: A Historical Introduction to the Early Christian Writings (Oxford University Press, 2003) 393.

[15] Thời kỳ đó, các bà goá được coi như một nhóm (đoàn thể) họp nhau có tổ chức với tôn chỉ dành thời gian chú tâm lo việc nhà Chúa. Nhóm được Giáo Hội quan tâm giúp đỡ về mặt vật chất (cơm, áo…), và họ giúp Giáo Hội qua việc giúp các nhà truyền giáo và những tổ chức sinh hoạt khác trong Giáo Hội. Thánh Phaolô muốn những bà goá được ghi tên vào Nhóm này là những người chỉ một đời chồng, ít nhất 60 tuổi, làm nhiều việc thiện, có nhiều đức tính (1 Tim 5:9-10). Với những bà goá trẻ, Phaolô khuyên họ tái giá nếu không giữ mình được (1 Tim 5:11-14).

[16] Câu  này được Paul  Evdokimov  trích  lại  trong tác phẩm  The Sacrament  of  Love (Crestwood, NY, 1985) 185-186.

[17] Athenagoras là người chịu ảnh hưởng triết học Plato, và nhìn vấn đề tính dục cách bi quan. Phần viết này được tìm thấy trong Supplication 33.

[18] Trích trong The Shepherd of Hermas 4:1:6.

[19] Trong First Apology 15 (khoảng năm 151).

[20] Xem Chú Giải Matthêu - Commentaries on Matthew 14:24 (khoảng năm 246-248).

[21] Xem J. Gaudemet, Concile gaulois du IVe siècle, S. Chr. 241 (Cerf, Paris 1977); bản tiếng Latin trang 50 và 52, bản dịch tiếng Pháp trang 51 và 53. Có thể đọc thêm lý do Gaudemet cắt nghĩa tại sao ông không đồng ý với việc sửa đổi lời dịch từ Latin của P. Nautin. Muốn đọc nguyên bản luật của công đồng Arles (năm 314) về tái hôn sau khi ly dị, xem Recherches de sciences religieuses số 61 (1973) 353-362.

[22] Xem Second Canonical Letter to Amphilochius 199:37 (khoảng năm 375).

[23] Xem chú giải Abraham 1:7:59 (khoảng năm 387).

[24] Xem chú giải Commentary on Luke 8:5 (khoảng năm 389).

[25] Xem thư Letters 55:3 (khoảng năm 396).

[26] Xem chú giải Commentaries on Matthew 3:19:9 (khoảng năm 398).

[27] Xem chú thích đoạn Mt 19:3-12 trong Tin Mừng Matthew, Bài Giảng 62.1.

[28] Xem Sally Dieger Shore,  John  Chrysostom on Virginity and Against Remarriage (Lewiston, NY, 1983) xxv.

[29] Xem Letters 2:13:15 (khoảng năm 408).

[30] Xem Những Hôn Nhân Ngoại Tình - Adulterous Marriages 1:9:9 (khoảng năm 419).

[31] Xem Những Hôn Nhân Ngoại Tình - Adulterous Marriages 2:4:4. Xem thêm lời giải  thích trong Marriage and Concupiscence 1:10:11.

[32] Nói như thế không có nghĩa là không có ly dị và tái hôn trong Giáo Hội (và ta sẽ bàn sau). Một số sử gia cho rằng những điều nghiêm khắc này xuất phát từ những luật áp dụng cho tu sỹ, đòi hỏi họ không được tái giá. Dần dần, nhưng luật này được áp dụng rộng rãi trong dân chúng. Để hiểu thêm sự hình thành và phát triển của những luật này, xem Alexandre Faivre, Les laïcs aux origines de l’Êglise (Le Centurion, Paris, 1984). Xem thêm Pierre Van Beneden, Aux origines d’une terminologie sacramentelle. Ordo, ordinare, ordinatio dans la littérature chrétienne avant 313, (Spicilegium Sacrum Lovaniense, Louvain 1974).

[33] Edward Schillebeeckx cho là các giáo phụ nói đến tội khi tái hôn là tội phạm đến luân lý trong đời sống, hay có thể xem là một loại tội gian dâm trá hình qua hình thức hôn nhân, nhưng không thấy các giáo phụ nói đến tính bất khả phân ly như ta bàn luận hiện nay. Giải thích chính thức của Giáo Hội được trích lại trong sách Giáo Lý Công Giáo lại cho là các giáo phụ biện minh chống tái hôn khi người phối ngẫu còn sống là vì các Ngài bảo vệ tính bất khả phân ly của hôn nhân. Xem sách của E. Schillebeeckx, Marriage: Human Reality and Saving Mystery, trans. N. D. Smith (New York: Sheed and Ward,1965) 141, 394. Có thể đọc thêm trong Theodore Mackin, Divorce and Remarriage (New York: Paulist, 1984) 112-165 và 187-223.

[34] Gần đây tại Hoa Kỳ có hai bài viết rất giá trị nói đến những tranh luận quanh tính bất khả phân ly của hôn nhân. Bài “The Indissolubility of Marriage: Reasons to Reconsider – Tính Bất Khả Phân Ly của Hôn Nhân: Những Lý Do Để Xét Lại” của Kenneth R. Himes, O.F.M và James A. Coriden đăng trên Theological Studies số 65 (năm 2004). Bài đáp lời “Indissoluble Marriage: A Reply to Kenneth Himes and James Coriden – Hôn Nhân Bất Khả Phân Ly: Trả Lời Kenneth Himes và James Coriden” của Peter F. Ryan, S.J. và Germain Grisez đăng trên Theological Studies số 72 (năm 2011). Hai bài viết được đánh giá cao bởi những nhà thần học và giáo luật xuất sắc đã cung cấp cho độc giả những lý luận vững chắc để bảo vệ luận điểm của mình.

[35] Những báo cáo phiến diện của tổng giám mục Bruno Forte của Ý đã bị truyền thông thế giới khai thác và cho là Thượng Hội Đồng đang mở cửa (dễ dàng) cho ly dị được tái hôn, cho hôn nhân đồng tính, cho những người sống thử trước hôn nhân… (nhà báo và quan sát viên John Thavis gọi đây là một trận động đất trong Giáo Hội). Bài báo cáo của đức hồng y Walter Kasper bị coi là nghịch lại truyền thống Giáo Hội, trong khi những phát biểu của đức hồng y Raymond Burke bị coi là cổ hủ, không thích nghi với thời đại. Thật ra, sau khi kết thúc Thượng Hội Đồng, bản báo cáo đầy đủ đã cho thấy Thượng Hội Đồng có những buổi thảo luận cởi mở, trung thực, và không hề có chuyện đi ngược lại truyền thống hay giáo lý hiện tại của Giáo Hội. Và cuộc họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục năm sau (tháng 10/2015) sẽ tiếp tục (và đúc kết) những gì đã được bàn luận trong dịp này (tháng 10/2014). Những ý kiến khác nhau nói lên sự trưởng thành và quan tâm sâu xa của hội đồng giám mục. Xem báo L’Osservatore Romano những số từ 15-25 tháng 10 năm 2014.

[36] Ở đây chúng ta nói đến những bí tích hôn nhân thành sự và hoàn hợp (ratum et consummatum) nhưng đã xin li dị và tái hôn ngoài đời (được xã hội / chính quyền công nhận) mà không có phép giải tiêu hôn của Giáo Hội.

[37] Michael  G.  Lawler,  Marriage  and  The  Catholic  Church  –  Disputed  Questions (Collegeville:  Liturgical  press,  2002) 95-97.  Lawler  cắt  nghĩa việc thánh  Phaolô  và Matthêu kết hợp lời dạy Chúa Giêsu với hoàn cảnh thực tế, và với những lời khuyên đến từ cá nhân mình. 

[38] Giới từ “ngoại trừ” này được chỉ tìm thấy trong tin mừng Matthew. Có hai lời giải thích cho câu này. Một số nhỏ cho rằng đây chính là lời Chúa Giêsu thực sự dạy nhưng Mark và Luke đã bỏ qua khi viết tin mừng. Nhưng nếu như thế cũng khó tin, vì không hiểu sao mà không chỉ Mark và Luke mà cả Phaolô cũng bỏ qua khi các Ngài là những người viết cho dân ngoại, đối tượng lẽ ra phải được nghe câu này. Vì thế, phần lớn các nhà Kinh Thánh đều tin là Chúa Giêsu không dạy đều “ngoại trừ” này mà đây là việc hiệu đính của Matthew.

[39] Xem chú thích Đệ Nhị Luật 24:1-4, và giải thích tương tự trước đây.

[40] Trong bài chú giải Tin Mừng Matthew (khoảng năm 250), Origen cũng nói đến sự kiện một số các giám mục đương thời đã cho phép một vài ông được phép tái hôn sau khi ly di vợ, nhưng kết luận là chắc hẳn các giám mục phải có lý do khi cho phép như thế. Xem chú giải trong Commentaries on Matthew XIV, 23, GCS. X, 340-341.

[41] Xem bản dịch trong J. D. Mansi, ed., Sacrorum Conciliorum Nova Collectio, vol. II (Paris: Welter, 1903-27) 672.

[42] Xem những luật lệ St. Basil viết được dịch bởi Monica Wagner, The Fathers of the Church 9 (New York: Fathers of the Church, 1950) 189-90. Phần biện minh cho người ly dị trở về với Giáo Hội được tìm thấy trong Epistola LXXVIII, PG 32.804-805.   

[43] Thánh Gioan Kim Khẩu, dù không nói đến tái hôn, nhưng coi việc ngoại tình là nguyên nhân khiến nhiều người ly dị. Ta có thể đọc thấy trong “Bài Giảng Thư 1 Côrintô”, và “Bài Giảng về Tin Mừng Matthew.”

[44] Một số những nhà Kinh Thánh Công Giáo hàng đầu của Hoa Kỳ đã viết về chủ đề Chúa Giêsu và vấn đề ly dị, trong đó đáng chú ý là Raymond Collins, Divorce in the New Testament (Collegeville: Liturgical, 1992); John Donahue, “Divorce - New Testament Perspectives,” in Marriage Studies: Reflection in Canon Law and Theology, vol. 2, ed. Thomas Doyle (Washington: Canon Law Society of America, 1982) 1-19; Joseph Fitzmyer, “The Matthean Divorce Texts and Some New Palestinian Evidence” trong Theological Studies 37 (1976) 197-226; George MacRae, “New Testament Perspectives on Marriage and Divorce,” in Divorce and Remarriage in the Catholic Church, ed. Lawrence Wrenn (New York: Paulist, 1973) 1-15; Jerome Murphy-O’Connor, “The First Letter to the Corinthians,” trong The New Jerome Biblical Commentary, ed. Raymond Brown, Joseph Fitzmyer, Roland Murphy (Englewood Cliffs, N.J.: Prentice-Hall, 1990) 798-815; Pheme Perkins, “Marriage in the New Testament and Its World,” trong Commitment to Partnership: Explorations of the Theology of Marriage, ed. William Roberts (New York: Paulist, 1987) 5-30.

[45] Trong nguyên bản Hy Lạp, thánh Matthew dùng từ “porneia” như nguyên nhân cho phép ly dị. Từ này được các nhà chú giải Kinh Thánh phân tích và bàn luận rất nhiều, và có thể dịch ra nhiều nghĩa: ngoại tình, bất trung, thiếu tư cách (về tính dục) nơi công cộng, mua bán dâm, hay nhưng việc làm xác thịt sai lầm. Một số khác cắt nghĩa từ porneia có nghĩa là những hôn nhân bị cấm trong luật Do thái do huyết tộc. Trong phạm vi hạn chế của bài viết, tôi theo cách hiểu chung của Công Giáo La Mã cho rằng “porneia” là những “hôn nhân bất hợp pháp”, được cắt nghĩa là những hôn nhân không được chấp nhận theo luật Do Thái nhưng lại được dân ngoại (người Roma, Hy Lạp, Ai cập…) chấp nhận, như trường hợp con trai lấy vợ kế của cha mình (1 Cor 5:1).   

[46] Xem “Dịch Kinh Thánh trong Giáo Hội – The Interpretation of the Bible in the Church” của Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng đệ trình đức giáo hoàng John Paul II ngày 23 tháng 4 năm 1993, trong đó trình bày những nguyên tắc cần thiết để làm công việc diễn dịch Kinh Thánh đúng đắn. Trong phần nói đến diễn dịch cực đoan (fundamentalist interpretation), Giáo Hội khuyên không nên tách lời Chúa ra khỏi bối cảnh sống vì như thế không thực sự phản ánh lời Chúa TRONG đời sống, mà ngược lại người dịch đã dùng lời Chúa NGOÀI đời sống (mà nguyên tắc sola scriptura là một ví dụ).

[47] Đoạn khác trong Matthew 19:9 cũng tương tự như Luke 16:18 “Bất cứ ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị chồng rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình”, và câu này được viết ngay sau khi Chúa Giêsu nói đến tầm quan trọng của việc giữ Luật, và không được vi phạm: “Trời đất qua đi còn dễ hơn là một cái phết của Lề Luật rụng mất” (Lk 16:17; xem Mt 5:17-18). Những câu này được trình bày để khẳng định ý Chúa Giêsu chống lại việc cho phép ly dị.

[48] Xem  John  Donahue,  “Divorce  -  New  Testament  Perspectives,”  trong  Marriage Studies: Reflection in Canon Law and Theology, vol. 2, ed. Thomas Doyle (Washington: Canon Law Society of America, 1982) 5.

[49] Những người không chấp nhận ly dị giải thích rằng những lời dạy của Chúa Giêsu về hôn nhân được Giáo Hội chú tâm đặc biệt không chỉ vì những lý do thần học cắt nghĩa căn tính con người với ơn thánh (hay nói cách khác là cắt nghĩa thực tế đời sống với lý tưởng sống) mà còn vì kinh nghiệm mục vụ cho thấy tầm quan trọng của mệnh lệnh này.

[50] Năm 2001, có ba giám mục ở Đức đề nghị Roma cho những người li dị và tái hôn được rước lễ, với lý luận là không thể xem hôn nhân lần sau (tái hôn) hoàn toàn vô hiệu hay tội lỗi khi những người này sống trong yêu thương và có gia đình con cái. Họ cũng đặt lại vấn đề: nếu cơ sở của hôn nhân là tình yêu hợp nhất, vậy nếu khi tình yêu đã thật sự chết rồi, liệu hôn nhân ấy có còn hay không? Nhưng lý luận của họ không được Roma chấp nhận. Thánh Bộ Tín Lý ra chỉ thị “Rước Lễ: Ly Dị và Tái Hôn Công Giáo” không cho phép những người ly dị và tái hôn (không có phép Giáo Hội) rước lễ. Thư này có thể xem tiếng Anh “Reception of Communion: Divorced and Remarried Catholics” trong Origins 24 (October 27, 1994) 337-41, đặc biệt xem số 339.

[51] Chanoine Nicolas Jung, Evolution de l’indissolubilité, remariage religieux des divorcé (Paris: Lethielleux, 1975) 41-47; Charles Munier “Le témoignage d’Origène en matière de remariage après séparation” trong Revue de droit canonique, XXVIII, 1 (1978) 15-29, đặc biệt trang 17. Robin Lane Fox trong cuốn Pagans and Christians (Alfred A. Knopf, Inc., New York, 1987) 336-374 cho rằng sở dĩ Kitô hữu khắt khe với lối sống tự chế (hy sinh không tái giá) vì bị ảnh hưởng của các tu sĩ khổ tu thời đó kêu gọi từ bỏ mọi sự để chiếm đoạt nước Thiên Chúa.

2. HÔN NHÂN LIÊN TÔN : BĂN KHOĂN VÀ HY VỌNG

(Lm. Nguyễn Thảo, S.J. là Tu sĩ Dòng Tên thuộc tỉnh dòng Oregon, chuyên nghiên cứu về đường hướng truyền giáo và mục vụ cũng như hội nhập văn hoá của Hội Đồng Giám Mục Á Châu. Ngoài ra, Cha thường đi giảng tĩnh tâm cho các xứ đạo ở nhiều nơi cũng như viết những truyện ngắn tâm linh như “Xe Lăn Và Hy Lễ Ban Chiều,” Tấm Áo Lễ Với Những Đường May Giang Giở, v.v…” Hiện nay Cha đang phục vụ và làm nghiên cứu tại trường Đại học Santa Clara, tiểu bang California. Đề tài nghiên cứu và giảng dạy hiện nay là “Chúa Giêsu Trong Các Nền Văn Hoá.”) 


Hôn nhân khác đạo đang là mối bận tâm của nhiều gia đình Công Giáo và cũng là mối bận tâm của Giáo Hội trong hoàn cảnh thay đổi của xã hội hôm nay. Linh Mục Vimal Trimanna, tổng thư ký của Uỷ Ban Thần Học của Hội Đồng Giám Mục Á Châu Giáo cho rằng, Giáo hội cần phải “trả số” nhanh hơn về công tác mục vụ gia đình để có thể theo đuổi vận tốc tăng nhanh của các cuộc hôn nhân với người khác đạo.[1] Hội Đồng Giám Mục Á Châu trong những thập niên qua đã trao đổi khá nhiều về đời sống gia đình tại Á Châu, trong đó hôn nhân không cùng tôn giáo là một trong những suy tư cho công việc mục vụ tại Á Châu.[2] Giáo Hội Á Châu nhận ra rằng, nhiều thành viên trong các gia đình Công Giáo tại Á Châu theo đạo khác. Hơn nữa, cũng có không ít Linh Mục, Tu Sĩ, và Kể cả Giám Mục có thân nhân của họ theo đạo khác, như Phật Giáo, Ấn Độ Giáo, hay Tin Lành. Trong bối cảnh này, nổ lực xây dựng một gia đình, hay một dòng tộc hòa hợp là sứ mạng không những của những thành viên gia đình khác đạo, nhưng còn là mục vụ quan trọng của Giáo Hội.

Tại Giáo Phận Sài Gòn trong những năm qua cũng đã có những cuộc trao đổi và học hỏi kinh nghiệm từ các gia đình khác đạo. Giáo Hội Hoa Kỳ cũng đã mở ra rất nhiều cuộc trao đổi để tìm hiểu, để đáp ứng nhu cầu mục vụ giữa các cuộc hôn nhân giữa người Công Giáo với anh chị em thuộc các giáo phái Tin Lành (mixed marriages hay ecumenical mariages), và hôn nhân giữa người Công Giáo với người thuộc các tôn giáo khác ngoài Kitô giáo (interfaith mariages).[3]

Ngày nay, nhiều người thích dùng cụm từ “emcumenical marriage” để thay thế cụm từ “mixed marriage,” vì hai lý do: từ “mixed marriage” nghe tương đối tiêu cực, và nó cũng dễ nhầm lẫn cụm từ này trong xã hội học khi bàn về hôn giữa những người khác chủng tộc. Cũng thế, người ta thấy trang web của Tổng Giáo Phận Sài Gòn đã dùng cụm từ “Hôn Nhân Liên Tôn,” khi bàn đến các cuộc hôn nhân với người không cùng tôn giáo, thay vì gọi là “hôn nhân dị giáo” như trước đây.[4] Còn Uỷ Ban Giám Mục Nghiên Cứu về Mục Vụ Gia Đình tại Mỹ đề nghị dùng cụm từ “ “Interreligious Marriages” hay “Hôn Nhân Liên Tôn” cho tất cả những cuộc hôn nhân với người ngoài Công Giáo.[5]

 

Bối Cảnh Chung

Theo một số thống kê tại Mỹ, trước thập niên sáu mươi, hôn nhân khác đạo có tỷ lệ khoảng 20%. Con số này đã gia tăng đáng kể trong những thập niên gần đây, lên đến 45%.[6] Con số này tính chung cho tất cả các tôn giáo tại Mỹ, và bao gồm các giáo phái Tin Lành với người Công Giáo. Đối với người Công Giáo tại Mỹ, trong những thập niên 1990s, có khoảng 40% lập gia đình với người ngoài Công Giáo.[7]

Hiện tượng này gia tăng là do hoàn cảnh xã hội thay đổi. Trước hết, những xung đột giữa Tin Lành và Công Giáo đã lắng dịu tại Mỹ trong những thập niên 60.[8] Rồi phong trào di dân tại Mỹ lại gia tăng đáng kể trong những thập niên qua. Người di dân đến Mỹ mang theo nền văn hóa và tôn giáo của họ, như Do Thái Giáo, Hồi Giáo, Ấn Độ Giáo, Phật Giáo, v…v. Chẳng hạn, Phật Giáo là một tôn giáo bắt nguồn từ Á Châu, nguồn gốc từ Ấn độ, phát triển mạnh ở các nước như Tích Lan (Sri-lanka), Thái Lan, Lào, Campuchia, Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, v.v… Thế nhưng, thành phố quy tụ nhiều truyền thống Phật Giáo nhất trên toàn thế giới lại là Los Angeles, nhờ sự đóng góp của mỗi nhóm di dân Phật Giáo khác nhau đến từ Á Châu.

Hiện tượng này không riêng gì Phật Giáo, nhưng cả các tôn giáo khác như Hồi Giáo, Ấn Độ Giáo, Do Thái Giáo, v.v… Nó cho thấy khung cảnh tôn giáo truyền thống tại Mỹ trước đây được xem là một nước Kitô Giáo nay đang dần dần thay đổi.[9] Nếu trước đây, hàng xóm và đồng nghiệp của người Mỹ là Tin Lành hay Công Giáo thì ngày nay nhiều hàng xóm và đồng nghiệp là Hồi Giáo, Phật Giáo, Do Thái Giáo, hay Ấn Độ Giáo. Ở California, Chùa Phật Giáo và Ấn Độ Giáo trở thành xóm giềng của nhiều khu dân cư.

Riêng tại các nước Á Châu, đời sống đô thị đang thu hút người trẻ từ miền quê, nơi mà những làng Công Giáo toàn tòng trước đây khá ổn định. Sự gặp gỡ trao đổi giữa các bạn trẻ không cùng tôn giáo trong môi trường thành phố ngày càng gia tăng. Sự cuốn hút trong tình yêu qua những gặp gỡ trong đời sống thành thị đang hình thành thêm nhiều gia đình không cùng tôn giáo. Hội Đồng Giám Mục Á Châu trong những thập niên qua đã trao đổi khá nhiều về đời sống gia đình tại Á Châu, trong đó hôn nhân không cùng tôn giáo là một trong những suy tư cho công việc mục vụ.[10] Ở các nước Á Châu, nơi mà tỷ lệ người Công Giáo chỉ chiếm khoảng hơn 100 triệu hoặc 2.9% so với tổng dân số hơn 3 tỷ, mà trong đó đại đa số theo các tôn giáo lớn giới như Phật Giáo, Ấn Độ Giáo, Hồi Giáo, Lão Giáo, v.v… Trong số tỷ lệ Công Giáo của toàn thể Á Châu, thì Phi Luật Tân đã chiếm khoảng 60%. Như vậy, phần còn lại hơn 1% rải rác ở các nước khác.[11] Việt Nam có tỷ lệ người Công Giáo cao hơn một số nước ở Á Châu, nhưng tỉ lệ Công Giáo cũng chỉ chiếm khoảng hơn 7%.[12] Theo L.m. Nguyễn Ngọc Sơn, từ năm 2001-2018, trung bình hàng năm có khoảng ba mươi lăm ngàn (35.000) người lớn gia nhập đạo Công Giáo, và trong số này 80%-90% gia nhập đạo để lập gia đình.

Như thế, các đôi tân hôn lập gia đình với người tân tòng tại nhà thờ đã có con số tương đối. Nhưng số còn lại có cử hành nghi thức hôn phối tại nhà thờ hoặc nhà xứ nhưng không gia nhập đạo, hoặc những trường hợp kết hôn không làm nghi thức hôn phối tại nhà thờ thì không rõ con số. Còn ở Malaysia, trong toàn thể các đôi tân hôn cử hành nghi lễ hôn phối ở nhà thờ, có đến 60%-70% thành hôn với người ngoài Công Giáo.[13] Ngay tại Phi Luật Tân, nơi mà tỷ lệ Công Giáo chiếm hơn 85%, giáo Hội Phi vẫn thấy hôn nhân với người ngoài Công Giáo cũng gia tăng đáng kể và các Giám Mục Phi đã đặt nhiều quan tâm đến mục vụ này.[14] Tại Hồng-Kông, tỉ lệ hôn nhân liên tôn chiếm 83%. Các nước Á Châu khác, tỉ lệ hôn nhân liên tôn chiếm từ 45-65%.[15]

Bối cảnh xã hội, văn hóa, và tôn giáo tại Á Châu, bối cảnh hoàn cầu hóa qua các cuộc di dân ở Châu Mỹ, và phương tiện giao lưu để quen biết nhau qua Internet đã đưa đến những cuộc gặp gỡ giữa những người không cùng tôn giáo, và hôn nhân bắt đầu từ đây. Sức hấp dẫn của những cuộc gặp gỡ với người không cùng tôn giáo có khi lại lôi cuốn hơn cả những người trong đạo, vì người ta gặp gỡ những con người thích hợp tính tình, sở thích, nghề nghiệp, và nhất là rất đáng yêu. Đây là nét đẹp của những gặp gỡ tình người, rồi dẫn đến yêu thương. Trong các trường học tại Mỹ, các bạn trẻ không những gặp gỡ những người không cùng tôn giáo, nhưng được học các môn học về tôn giáo thế giới, và hiểu thêm những giá trị tinh thần và đạo đức của các tôn giáo khác. Do đó, cái nhìn về tôn giáo của giới trẻ hôm nay có phần “thoáng” hơn so với các thế hệ trước đây.

Có lần tôi hỏi các bạn sinh viên về thái độ của các em đối với hôn nhân khác đạo, gần như cả lớp giơ tay tán thành! Nhìn chung, ranh giới tôn giáo giữa các bạn trẻ ngày hôm nay không nặng nề như những thế hệ trước. Sự nhận thức cởi mở của các bạn trẻ ngày nay về hôn nhân khác đạo gợi ý rằng, tỷ lệ hôn nhân với người không cùng tôn giáo sẽ tiếp tục gia tăng nhanh.


Quan Điểm Của Giáo Hội

Giáo hội sau Công Đồng Vatican II thật sự đã có một cái nhìn tích cực về hôn nhân khác đạo. Suy tư mục vụ về hôn nhân khác đạo bắt nguồn từ cái nhìn thần học của Công Đồng Vatican II về các tôn giáo và mối liên hệ giữa Giáo Hội với thế giới. Từ các Sắc Lệnh về Hiệp Nhất (Unitatis Redintegratio), Tuyên Ngôn Về Mối Tương Quan Giữa Giáo Hội Với Các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo (Nostra Aetate), Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo và Phẩm Giá Con Người (Dignitatis Humanae), Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Hôm Nay (Gaudium Et Spes), đều phản ánh một tinh thần mới của Công Đồng về thế giới và về con người. Chẳng hạn, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới hôm nay trình bày lòng ao ước tìm hiểu xã hội loài người chung quanh, để tới gần, tôn trọng, hội nhập, phục vụ và trao cho thế giới sứ điệp Tin Mừng của Đức Kitô.[16]

Tinh thần cởi mở tuyệt vời của Công Đồng Vatican II muốn tìm hiểu sâu hơn xã hội loại người để đến gần và yêu thương muốn xoá bỏ cái bức tuờng ngăn cách giữa giáo hội và thế giới vốn chia cách bao nhiêu thế kỷ. Trong cái xã hội loài người mà Công Đồng đề cập và muốn tìm hiểu, thật sự không thể hiểu hết nếu không suy tư về chiều kích tôn giáo trong xã hội đó. Cho nên, niềm khát khao tìm hiểu, tôn trọng để liên đới với con người đã diễn tả tinh thần hiệp nhất và tình bác ái giữa loài người, và Giáo hội không muốn thấy những chia rẽ trên hành trình tiến đến hiệp nhất, bởi vì tất cả đến từ Thiên Chúa.[17]

Một điểm quan trọng của Công đồng Vatican II đối vối hai tôn giáo lớn ở Á Châu là Ấn Độ Giáo và Phật Giáo, thì Giáo Hội xác tín rằng, “Giáo Hội không phủ nhận những gì chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó, nơi đó đôi khi cũng bao hàm một tia sáng chân lý.” [18]Sự nhìn nhận chân lý và sự thánh thiện trong các tôn giáo này cho ta thấy rằng ơn thánh hóa của Thiên Chúa đã thực sự tác động trong mỗi tôn giáo để làm thế giới này ngày càng trở nên thánh thiện như Chúa muốn.

Trong ánh sáng của Công Đồng Vatican II, chúng ta cũng có thể kiểm chứng trong kinh nghiệm sống khi liên đới với các anh chị em khác đạo và nhận ra sự thánh thiện đích thực nơi họ. Về khía cạnh này, Đức Giám Mục Francisco Claver đã trích lại lời của của Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu khi bình luận về chiều kích thánh thiện trong các tôn giáo tại Á Châu như sau: “ Chúng ta thường trình bày với anh chị em ngoài Kitô Giáo hình ảnh của một Giáo Hội cơ chế, trật tự, trổi bật về mục vụ xã hội, trường học, bệnh viện, v…v., Đó là một hình ảnh tích cực, nhưng thiếu một điều quan trọng, là chúng ta không đẩy mạnh đời sống thánh thiện và từ bỏ như trong các truyền thống tôn giáo tại Á Châu.”[19]

Trình bày điều này để thấy rằng Hội Đồng Giám Mục Á Châu và Công Đồng Vatican II thật sự nhìn thấy vẽ đẹp thánh thiện nơi những anh chị em ngoài Kitô Giáo để nhận ra sự hiện diện và hoạt động không ngừng của ơn Chúa trong các tôn giáo khác. Chính tinh thần này đã mở ra một chiều hướng tích cực trong mục vụ về gia đình cho những hôn nhân khác đạo.

Nhiều người Việt Nam, cả Công Giáo và ngoài Công Giáo vẫn nghĩ rằng lập gia đình với người Công giáo là phải theo đạo, hoặc phải làm lễ cưới ở nhà thờ. Điều này không còn đúng như xưa, vì không ai có quyền ép một người khác theo đạo của mình khi lương tâm họ không muốn. Câu nói chế diễu của một số người về chuyện theo đạo để lấy vợ như là, “Tôi quỳ lạy Chúa Ba Ngôi, tôi lấy được vợ tôi thôi nhà thờ,” diễn tả phần nào tiêu cực khi ép người khác theo đạo khi lương tâm họ không muốn. Để rồi sau khi hoàn tất những đòi hỏi từ phía Công Giáo là phải theo đạo, thì những anh chị em này có phản ứng ngược sau đó.

Giáo Hội ngày nay cởi mở hơn nhiều so với những luật lệ khắt khe trong quá khứ. Đây không chỉ là kết quả đến từ phía Giáo Hội mà cả từ phiá xã hội khi con người ngày càng ý thức hơn về sự dị biệt của nhau và tìm cách sống chung hoà bình với nhau. Hơn nữa, phương tiện thông tin và đi lại dễ dàng đã tạo điều kiện để con người gần gũi và hợp tác với nhau trong những công việc phúc lợi xã hội. Vì thế, trong khi Giáo Hội đòi hỏi mọi Kitô hữu phải cố gắng với hết sức mình làm trọn vai trò nhân chứng đức tin, nhất là trong hôn nhân liên tôn, Giáo Hội không bắt buộc Kitô hữu đó phải làm cho được điều mình không thể làm. Nói cách khác, những Kitô hữu này phải cố gắng sống đức tin sống động và đầy tính thuyết phục để người phối ngẫu cũng muốn trở thành Kitô hữu. Nhưng nếu với lý do chính đáng mà Kitô hữu không đạt điều mình muốn, thì Giáo Hội cũng cho phép những cho phép đạo ai nấy giữ, ngay cả không bắt buộc phải làm hôn phối tại nhà thờ công giáo, miễn là có phép của Giáo quyền.[20] Có nhiều trường hợp, đôi tân hôn được cử hành nghi thức hôn phối tại nhà thờ Tin Lành dưới sự chứng giám của các Mục sư.[21] Vì theo giáo luật, hôn phối giữa một người đã rửa tội và một nguời chưa rửa tội thì không phải là bí tích Kitô Giáo. Nhưng cũng nên ghi nhận rằng, nếu không có điều gì ngăn trở, thì hôn phối giữa một người chưa rửa tội và một người đã được rửa tội vẫn thành sự trước mặt Chúa, mặc dù không được xem là bí tích Kitô Giáo.

Thành sự, nhưng không là bí tích, nên làm nhiều gia đình băn khoăn khi con em mình lập gia đình với người chưa được rửa tội. Nếu đặt nặng cách giải thích về phương diện bí tích trong những trường hợp hôn nhân khác đạo theo nghĩa hẹp, thì sẽ gây nên nhiều băn khoăn cho các gia đình Công Giáo hơn là giúp họ có được sự bình an khi gặp những trường hợp này. Nên hiểu rằng, Bí Tích Hôn Nhân được Giáo Hội chính thức liệt kê vào 7 bí tích ở thế kỷ thứ 13.[22] Còn thời giáo hội sơ khai, các đôi tân hôn Công Giáo và không phải Công Giáo đều cử hành nghi thức như nhau, tùy nền văn hóa của họ.[23] Một trong những lý do hôn nhân không được xem là bí tích nhiều thế kỷ trước đó là do ảnh hưởng thần học của Thánh Augustine và một số Giáo Hoàng về tình dục. Vì cái nhìn tiêu cực về tình dục, không trong sáng trước mặt Chúa, nên hôn nhân không thể xem là bí tích.[24] Chẳng hạn, Giáo Hoàng Gregory Cả thế kỷ thứ 7 cấm các cặp vợ chồng vào nhà thờ sau khi làm chuyện ấy “một cách vui thú.”[25]

Dù không được xem là bí tích như những thế kỷ sau này, các Giáo phụ vẫn tin rằng hôn nhân được Chúa chúc phúc và ban ân sủng. Điều này giúp hiểu rằng, dù không được xem là bí tích theo giáo luật, không có nghĩa là gia đình này không có ơn Chúa. Thực tế cho thấy, có biết bao cuộc hôn nhân không được xem là bí tich, nhưng đã sống hạnh phúc và thánh thiện, nhờ Ơn Chúa tuôn đổ trong gia đình của họ. Hôn nhân đến từ tình yêu đích thực thì luôn có sự can thiệp của Thiên Chúa, dù ngay cả hôn nhân ấy không được đặt trong khung cảnh tôn giáo. Hiểu theo một nghĩa rộng, chính Chúa là tác giả nối kết đôi nam nữ thành vợ chồng để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại và qua tình yêu hôn nhân họ đóng góp xây dựng và biến đổi xã hội trở nên tốt đẹp và thánh thiện hơn. Chính trong viễn cảnh này, Giáo Hội tin rằng Chúa Thánh Thần đã hiện diện và hoạt động không ngừng trong các gia đình liên tôn. Niềm xác tín này mang đến một niềm hy vọng cho một hôn nhân liên tôn thành công khi người Công Giáo bước vào hôn nhân này.[26]

Bàn luận điều này không phải để làm giảm chiều kích bí tích hôn nhân, nhưng là trình bày giá trị của Ơn Thánh, ngay cả trong những trường hợp không được xem là bí tích. Tình yêu của Thiên Chúa khi muốn liên kết hai người với nhau trong đời sống gia đình, thì dù đó là khác tôn giáo, chúng ta vẫn có quyền tin rằng ơn thánh vẫn tuôn đổ để thánh hóa đời sống gia đình và phát triển tình yêu, một tình yêu nối dài của Thiên Chúa cho con người. Hiểu theo nghĩa rộng, thì chính tình yêu đích thực và lòng trung thành với nhau trong đời sống hôn nhân đã diễn tả chiều kích “bí tích” cho người bạn đời và cho con cái của họ.

Cũng nên bàn vắn tắt tại sao hôn nhân liên tôn không được xem là bí tích Kitô Giáo. Đó là vì bí tích hôn phối do chính đôi tân hôn cử hành. Do đó, một trong hai người chưa phải là Kitô hữu thì cử hành bí tích không thành. Cách giải thích này vẫn đang được bàn cãi, bởi vì phía người đã được rửa tội đã có đủ điều kiện hoàn toàn để lãnh nhật bí tích. Hơn nữa, cũng có trường hợp người chưa được rửa tội cũng có thể cử hành bí tích; chẳng hạn trong trường hợp khẩn cấp thì người chưa được rửa tội cũng có thể cử hành bí tích Rửa Tội.

Dù theo giáo luật, hôn nhân liên tôn không được xem là bí tích, nhưng Giáo hội Công Giáo ngày nay trân trọng đời sống hôn nhân liên tôn, và xem đó như là những dịp để nối nhịp cầu đối thoại tôn giáo và đối thoại đại kết với các anh chị em Tin Lành bắt đầu từ trong bầu khí gia đình. Viết cho thượng hội đồng Giám Mục Á Châu, Giám Mục Francisco Claver, S.J., đã trình bày sâu sắc về gia đình liên tôn trong tinh thần đối thoại của Công Đồng Vatican II, và xem đó như là những cơ hội hơn là những trở ngại.[27] Nhiều gia đình và dòng họ khác đạo đã đến gần với nhau và hiểu nhau hơn qua những cuộc hôn nhân liên tôn của con cái mình. Các Đức Giáo Hoàng như Phao Lô VI, Bêndictô XVI, Joan PhaoLô II đều đề cao giá trị của hôn nhân liên tôn như một cơ hội để đối thoại và xây dựng hiệp nhất giữa các cộng đồng nhân loại.


Thách Đố và Cơ Hội

Các bạn trẻ ngày nay khi mới gặp nhau, thì không quan tâm nhiều về khía cạnh tôn giáo. Đến khi yêu nhau và để đi đến hôn nhân, thì bắt đầu thấy có những thách đố. Chẳng hạn, gia đình và bà con có hậu thuẩn hay không khi kết hôn với một người không trở lại đạo? Nên làm lễ cưới ở nhà thờ hay ở chùa, hội đường Do Thái, hay đền thờ Hồi Giáo, hay nhà thờ Tin Lành? Cử hành nghi thức hôn phối trong Thánh Lễ, hay chỉ cử hành trong nhà thờ không có Thánh lễ? Khi đã thành hôn thì nên nuôi con trong truyền thống tôn giáo nào? Rồi những vấn đề khác biệt về luân lý có thể nảy sinh, như quan niệm về ly dị, phá thai, hay trợ tử từ người bạn đời ngoài Công Giáo nên các bạn trẻ cần phải cân nhắc kỹ lưỡng khi bước vào hôn nhân liên tôn. Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp khi người bạn đời của mình hoàn toàn chống đối niềm tin Kitô ngay từ ban đầu, và như thế chắc chắn rất khó cho người Công Giáo sống đạo cách bình yên. Hoặc có trường hợp kết hôn với người Hồi Giáo đạo đức thì người Công giáo được yêu cầu phải tuyên xưng đức tin Hồi giáo Shahàda: “Không có thần thánh nào ngoại trừ Đấng Thánh Allah và Muhammad là ngôn sứ của Ngài.” Nghi thức này là nghi thức tuyên thệ công khai để gia nhập vào cộng đoàn Hồi giáo, và trở nên tín đồ hồi giáo. Các gia đình Hồi giáo đạo đức xem lời tuyên xưng đức tin này từ phía người ngoài Hồi Giáo như một bằng chứng cho một hôn nhân hợp pháp theo quan điểm Hồi giáo.

Điều đáng quan tâm là không ít các bạn trẻ Công giáo đã tuyên thệ điều này trước khi liên lạc với linh mục Công Giáo để lo đám cưới, vì họ cứ nghĩ rằng đây là bước cần thiết để tiến đến hôn nhân với người bạn đời Hồi giáo theo luật tôn giáo của họ. Trong khi Giáo luật dạy rằng người Công Giáo phải ý thức những nguy hiểm có thể dẫn đến bỏ đạo hoặc đánh mất đức tin khi bước vào hôn nhân với một người không cùng tôn giáo. Trong trường hợp này, dù là lời tuyên thệ theo nghi thức, thì cũng nên gặp gỡ và trao đổi với linh Mục hoặc người có thẩm quyền trong Giáo Hội.

 

Một Vài Gợi Ý

Mặc dù trong khuôn khổ bài viết ngắn gọn này không thể bàn luận hết tất cả mọi khía cạnh của hôn nhân liên tôn, cũng như không có thể đưa ra một giải pháp tối ưu cho từng trường hợp, nên thiết tưởng chỉ gợi ý một số đề nghị và mong được tiếp tục đóng góp để đào sâu cho vấn đề mục vụ phức tạp nhưng lại ít được quan tâm và thảo luận.

Theo giáo luật 1917, Giáo hội cấm hôn nhân liên tôn. Giáo luật 1983 đã cho phép hôn nhân liên tôn, nhưng cần xin phép Đức Giám Mục. Như vậy, Giáo hội đã thay đổi thái độ và thực hành trong vấn đề hôn nhân liên tôn. Ngôn ngữ đối với các giáo phái tin lành trong bộ luật cũ như “ly khai, thệ phản” đã được xóa bỏ và thay thế bằng những ngôn từ hướng đến hiệp nhất trong tình anh chị em cùng chia sẻ một đức tin, một bí tích rửa tội, và một bí tích hôn nhân, nếu kết hôn với người Công Giáo. Còn hôn nhân với các đạo lớn của thế giới như Do Thái Giáo, Hồi Giáo, Ấn Độ Giáo, hay Phật Giáo, thì Giáo Hội không còn ép buộc họ trở lại đạo như ngày xưa, vì như thế sẽ trái với tự do tôn giáo của một con người, nhưng Giáo Hội vẫn luôn nhắc nhở con cái mình về trách nhiệm phải rao giảng Tin Mừng Đức Kitô và làm nhân chứng trong mọi hoàn cảnh, nghĩa là dù không “ép buộc” người bạn đời trở thành Công Giáo nhưng không có nghĩa là người Công Giáo coi thường hay ngay cả dửng dưng với vai trò nhân chứng của mình. Hiểu biết tinh thần và cách thực hành của Giáo hội trong vấn đề hôn nhân liên tôn sau Công Đồng Vatican II sẽ giúp các bậc cha mẹ bớt lo lắng và quá bận tâm khi con em mình bước vào hôn nhân liên tôn. Do vậy, thế hệ người Công Giáo sống đạo theo tinh thần trước Công Đồng Vatican II cũng cần có một thái độ lạc quan và hy vọng trong vấn đề hôn nhân liên tôn.

Trước đây, người ngoài Công Giáo phải tìm hiểu Đạo Công Giáo trước khi kết hôn, chứ ít khi người Công Giáo chịu tìm hiểu các đạo khác. Vấn đề này tạo nên nhiều căng thẳng, vì tại sao mình muốn người bạn đời hiểu đạo mình mà mình lại coi nhẹ tôn giáo của của bạn mình, trong khi các văn kiện của Giáo Hội đã khuyến khích học hỏi, đối thoại, và nhìn nhận giá trị linh thiêng trong các tôn giáo khác. Do đó, người Công Giáo, hơn bao giờ hết cần đi bước trước để học hỏi tôn giáo của người bạn đời của mình với lòng trân trọng. Về điểm này, đối thoại thành công trong gia đình liên tôn là khám phá những giá trị tôn giáo, chứ không bắt đầu chất vấn nhau về niềm tin. Vì có những tôn giáo rất khác nhau về niềm tin, nhưng lại chia sẻ nhiều giá trị giống nhau. Thí dụ, niềm tin Phật Giáo và Kitô giáo thì khác nhau, nhưng giá trị về lòng nhân từ, yêu thương, và xây dựng hòa bình thì lại gặp gỡ nhau trong cả hai tôn giáo.

Học hỏi tôn giáo của người bạn đời là chìa khóa để hiểu một con người, vì những giá trị nhân bản, luân lý, niềm vui, hy vọng, cách quyết định trong đời sống và cả kinh nghiệm tâm linh của một con người được hình thành từ tôn giáo của họ. Do đó, để hiểu và yêu thương bạn đời không cùng tôn giáo, thì không có cách nào hay hơn là học thêm những giá trị mà con người ấy được ấp ủ trong bầu khí tôn giáo của họ. Trong đối thoại này, nên tìm hiểu kinh nghiệm tôn giáo (spiritual experience) mà bạn đời của mình cảm nhận trong tôn giáo, nghi lễ, và nguyện cầu của chính họ.

Về vấn đề con cái sẽ theo đạo của ai? Con cái có khuynh hướng sẽ theo đạo của người nào sống đạo. Nói cách khác, chính đới sống tâm linh diễn tả qua yêu thương và chăm sóc trong gia đình sẽ lôi cuốn con cái của mình cũng như sẽ thu hút người khác. Mặc dù có những ý kiến nên để con mình trưởng thành rồi mới quyết định theo tôn giáo nào, ý kiến này hợp lý cho một số trường hợp. Nhưng theo nghiều nghiên cứu, thì không nên để con lớn khôn mới để cho đứa con quyết định nên theo đạo của bố hay của mẹ, bởi vì lúc đó đứa con sẽ giằng co nội tâm vì cảm thấy sẽ gây tổn thương cho một trong hai người: bố hoặc mẹ.[28] Do đó, giáo dục tôn giáo cho con cái là trách nhiệm của cả vợ chồng chứ không chỉ một bên. Nên trao đổi kỹ lượng vấn đề này trong thời gian chuẩn bị hôn nhân, chứ không chờ đến khi có con mới bàn chuyện này.

Cũng nên đề cập là năm 1970, Đức Giáo Hoàng Phao Lô VI đã miễn chuẩn cho người ngoài Công Giáo không phải ký giấy cam kết phải nuôi con trong đạo Công Giáo. Hơn nữa, ngày nay, chính ngay cả người Công Giáo cũng không phải ký giấy để nuôi con theo Công Giáo, nhưng chỉ hứa miệng, bằng mọi cách trong khả năng của mình để ảnh hưởng và giáo dục đức tin Công Giáo cho con cái của mình.[29] Đây là một quyết định quan trọng của Giáo Hội để tránh những xung khắc có thể dẫn đến sự đổ vỡ hôn nhân.

Trong hoàn cảnh văn hóa Mỹ Việt của người Việt Nam tại Mỹ hiện nay, nhiều gia đình muốn con em mình có một môi trường giáo dục tốt. Nhiều gia đình ngoài Công Giáo đã gởi con em họ đến các trường Công Giáo để học. Một số gửi con em đến các lớp Việt Ngữ tại nhà thờ để học tiếng việt và văn hóa Việt. Có khi đây cũng là cơ hội thuận tiện để người Công Giáo đối thoại với người bạn đời của mình trong việc gửi con vào môi trường đạo để được học hỏi về cả văn hóa và tôn giáo.

Thời gian chuẩn bị hôn nhân phải là thời gian ưu tiên cho một hôn nhân liên tôn. Cả hai bên nên tìm hiểu ý nghĩa hôn nhân của cả hai đạo, chứ không phải chỉ tìm hiểu một bên. Theo thống kê, những đôi hôn nhân đi qua thời gian dài chuẩn bị hôn nhân theo tôn giáo, thì giữ được hạnh phúc lâu bền hơn. Điều đáng tiếc hiện nay, là các chương trình dự bị hôn nhân hiện nay ít trình bày sâu sắc về vấn đề khác biệt tôn giáo và phương cách đối thoại tôn giáo ngay trong đời sống gia đình. Vấn đề này là sứ mạng và trách nhiệm của những cộng đoàn Công Giáo và của các mục tử để giúp các gia đình liên tôn sống hòa hợp và phát triển đời sống tâm linh. Nhiều anh chị em ngoài Công Giáo khi lập gia đình với người Công Giáo vẫn còn thấy mình sống bên lề của Giáo Hội. Do đó, sứ mạng của cộng đoàn Giáo Hội địa phương và ngay cả trong dòng tộc của người Công Giáo cần cởi mở, đón nhận, và nâng đỡ các gia đình này.

Hôn nhân liên tôn là dịp để đối thoại tôn giáo ngay trong môi trường gia đình trong ánh sáng của Công Đồng Vatican II. Giữa những khó khăn, Giáo Hội nhìn thấy đó cũng là những cơ hội để đối thoại, cơ hội để hiệp nhất, cơ hội để làm chứng đức tin Kitô giáo ngay trong môi trường gia đình với người khác đạo. Một trong những ý nghĩa căn bản của bí tích hôn nhân là trở nên chứng nhân cho sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống gia đình. Vậy người Công Giáo cần sống đời sống chứng nhân qua tình yêu thương, để người bạn đời cảm nghiệm được rằng, Công Giáo thực sự có một kho tàng quý giá để trao ban cho thế giới và cho gia đình. Chính tình yêu và cách sống của mình trong sự yêu thương và tôn trọng, chứ không phải chỉ việc đi lễ đọc kinh, sẽ giúp người bạn đời cảm kích giá trị của Đạo Công Giáo. Đã không ít những người đã xin được gia nhập đạo vì họ cảm nghiệm được sự yêu thương nơi người bạn đời và tình liên đới trong giới bạn bè Công Giáo.

Điều này mời gọi người Công Giáo cần học hỏi và đào sâu niềm tin và những giá trị của đạo mình. Hơn nữa người Công Giáo trong gia đình liên tôn cần gắn bó với cộng đoàn đức tin của mình như xứ đạo và đoàn thể để được nâng đỡ và phát triển niềm tin cũng như trổ sinh hoa trái thiêng liêng. Sống đạo thực sự và cầu nguyện là nguồn sức mạnh để một gia đình liên tôn đi qua thử thách. Nếu người Công Giáo thực sự muốn người bạn đời của mình gặp gỡ Thiên Chúa qua đạo Công Giáo thì cần một đời sống cầu nguyện. Nhiều anh chị em khác đạo cũng đã trở nên gắn bó với Thiên Chúa và Giáo hội nhờ đời sống cầu nguyện của người bạn đời Công Giáo. Hơn nữa, chính đời sống cầu nguyện là chìa khóa để giúp cho đời sống của mình được biến đổi, và sự biến đổi ấy sẽ ảnh hưởng đến con cái và người bạn đởi của mình.

Gợi ý cuối cùng là có thể học hỏi cách sống của những gia đình có cùng hoàn cảnh về hôn nhân liên tôn, nhưng đã gom góp kinh nghiệm sống và tìm được bí quyết để sống hạnh phúc trong những khác biệt về tôn giáo. Chẳng hạn, những câu chuyện hạnh phúc trong đời hôn nhân liên tôn giáo được chia sẻ tại Trung Tâm Mục Vụ Sài Gòn,[30] hay bao nhiêu câu chuyện thành công trong đời sống hôn nhân khác đạo của các anh chị em chung quanh. Chẳng hạn, có một đôi vợ chồng liên tôn đã kết hôn hơn ba mươi năm nay. Mỗi tuần, bác trai đưa bác gái đến chùa rồi bác lái xe về đi lễ. Sau đó, bác ghé qua chùa chở bác gái về nhà. Sự quan tâm cho nhu cầu tâm linh của người bạn đời của mình, dù không phải là cùng tôn giáo, đã giữ gìn hạnh phúc của gia đình họ qua nhiều thập kỷ. Trong tinh thần này, người Mỹ gần đây cũng chia sẽ kinh nghiệm này qua một số cuốn sách như Being Both: Embracing Two Religions in One Interfaith Family của Susan Katz Miller,[31] hoặc cuốn mới nhất của Dale McGowan, In Faith and In Doubt: How Religious Believers and Nonbelievers Can Create Strong Marriages and Loving Families.[32] Những sách này chia sẻ những kinh nghiệm tích cực và lạc quan về đời sống hôn nhân liên tôn và giúp những ai đang sống trong hoàn cảnh tương tự tìm được nhiều an ủi và phương thức sống đức tin cách hữu hiệu, vui tươi, và an bình.

---------------------------------

[1] Fr. Vimal Trimanna, CSsR., “ Inter-Faith Marriages in The Catholic Tradition.” FABC Papers, 118b. (FABC Papers là tổng hợp các bài nghiên cứu thần học cho các phiên họp của Hội Đồng Giáo Mục Á Châu trong suốt gần 40 năm qua. Qúy độc giả có thể đọc các bài viết này tại trang của Hội Đồng Giáo Mục Á Châu http://www.fabc.org/offices/csec/ocsec_fabc_papers.html. 

[2] Xem tại liệu Hội Đồng Giáo Mục Á Châu, For All Peoples of Asia 2002-2006, vol. 4. Franz-Josef Eilers ed. (Quezon: Claritian Publications, 2007); Xem Vimal Trimanna, “ A New Ethical Contours That Emerge From The FABC Teaching for An Asian Moral Theology” in Harvesting From The Asian Soil: Towards An Asian Theology. Vimal Tirimanna, CSsR., ed. (Bangalore: Asian Trading Corporation, 2011), 185. 

[3] Để biết những hoạt động mục vụ về gia đình của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, và mục vụ cho những gia đình liên tôn và đại kết, xin xem “National Pastoral Initiative on Marriage” tại trang web Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ http://www.usccb.org/issues-and-action/marriage-and-family/national-pastoral-intitiative-for-marriage.cfm. Cũng có thể xem tổng hợp các tại liệu về gia đình do Uỷ Ban Giám Mục Nghiên Cứu về Mục Vụ Gia Đình tại NCCB Committee for Pastoral Research and Practices Faithful to Each Other Forever :Marriage Is a Sacrament Series (United States Catholic Conference, 1990).

[4] Xem Thiên Ân, “Kinh Nghiệm Sống Đời Hôn Nhân Liên Tôn Giáo” tại http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20130323/20785

[5] NCCB Committee for Pastoral Research and Practices, Our Future Together (United States Catholic Conference, 1990), 51-53.

[6] Xem Kimberly Winston, “In mixed faith marriages, focus is on ‘values,’ not ‘beliefs.” National Catholic Reporter, June 9, 2014.

[7] NCCB Committee for Pastoral Research and Practices, Our Future Together, 51-53. 

[8] Muốn hiểu thêm tinh thần “ không đội trời chung giữa hôn nhân Công Giáo và Tin Lành tại Mỹ trước thập niên 60, xem Barbara D. Schiappa, Mixing Catholic-Protestant Mariages in the 1980s (Paulist Press 1982).

[9] Xem Diana L. Deck, A New Religious America (San Francisco, HarperSanFrancisco, 2002)

[10] Xem tại liệu Hội Đồng Giáo Mục Á Châu, For All Peoples of Asia 1974-1990, vol. 1. Franz-Josef Eilers ed. (Quezon: Claritian Publications, 1991). 

[11] Xem William Larousse, A Local Church Living for Dialogue: Muslim-Christian Relations in Mindanao-Sulu (Philippines) 1965-2000 (Interreligious and Intercultual Investigations, v.4), 389.

[12] Chi tiết về tỉ lệ người Công Giáo tại Việt Nam qua nhiều giai đoạn trong bài nghiên cứu của Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, “Nhìn Lại Sứ Mạng Truyền Giáo Trong 50 Năm Qua Và Hướng Ðến Tương Lai.” Có thê xem bài nghiên cứu tại trang web http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/09news/9news246.htm.

[13] Xem Rev. Clarence Devadass, STD, “The Pastoral Response of The Church to The Challenges of Inter-Faith Marriages.” FABC Papers, 115.

[14] Xem Bishop Francisco Claver, S.J., “Interfaith Marriage In Pluralistic Societies” (FABC Papers, 118).

[15] Xem Vimal Trimanna, “A New Ethical Contours That Emerge From The FABC Teaching for An Asian Moral Theology” in Harvesting From The Asian Soil: Towards An Asian Theology. Vimal Tirimanna, CSsR., ed. (Bangalore: Asian Trading Corporation, 2011), 185. 

[16] Xem Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Hôm Nay (Gaudium Et Spes). 

[17] Xem Tuyên Ngôn Về Tương Quan Của Giáo Hội Với Các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo (Nostra Aetate)

[18] Nostra Aetate.

[19] Xem Bishop Francisco Claver, S.J., “ Interfaith Marriage In Pluralistic Societies” (FABC Papers, 118). 

[20] Những thủ tục hôn phối luôn cung cấp đầy đủ ở các giáo xứ, nên không bàn chi tiết trong bài này. Tuy nhiên, muốn tham khảo thêm, xin xem John M. Huels, J.C.D, The Pastoral Companion: A Cannon Law Handbook for Catholic Ministry (Quincy University: Francisan Press, 1995).

[21] Bên cạnh tại liệu về giáo luật, nên tham khảo thêm những hướng dẫn chi tiến về việc cử hành hôn nhân khác đạo do Hội Đồng Giáo Hoàng biên soạn. United States Catholic Conference, Directory for the Application of Principles and Norms on Ecumenism (Pontifical Council for Promoting Christian Unity,1998). 

[22] Chính Thánh Thomas Aquinas và Thánh Albert Cả đã đưa Bí Tích Hôn Nhân vào trong 7 bí tích của Hội Thánh ở thề kỷ 13. Tham khảo về lịch sử bí tích hôn nhân, xin xem Michael G. Lawler, Marriage and Sacrament: A Theology of Christian Marriage (Minnesota, The Liturgical Press, 1993). 

[23] Xem Fr. Vimal Trimanna, CSsR, “Inter-Faith Marriages in The Catholic Tradition.” FABC Papers, 118b.

[24] Nếu muốn tham khảo về lịch sử bí tích hôn nhân, xin xem Michael G. Lawler, Marriage and Sacrament: A Theology of Christian Marriage (Minnesota, The Liturgical Press, 1993).

[25] Xem SDD, tr. 60. 

[26] Về đời sống tâm linh trong hôn nhân lien tôn, có thể xem bài viết sâu sắc của linh mục Dòng Tên, Paul J. Fitzgerald, S.J., “Married In the Eyes of God: A Spirituality for Inter-Faith Marriage” in Companion to Marital Spirituality. T. Knieps-Port le Roi and M. Sandor, ed. (Peeters Publishers, 2008) 

[27] Xem Bishop Francisco Claver, S.J., “Interfaith Marriage In Pluralistic Societies” (FABC Papers, 118). 

[28] Vấn đề này có thể xem Peter E. Fink, S.J., ed., The New Dictionary of Sacramental Worship (Collegeville: The Liturgical Press), 792-794. 

[29] Xem Michael G. Lawler, “Interchurch Marriages” in Marriage: Reading In Moral Theology. Charles E Curran & Julie Rubio, ed. (New York: Paulist Press, 2009), 253-275. 

[30] Xem Thiên Ân, “Kinh Nghiệm Sống Đời Hôn Nhân Liên Tôn Giáo” tại http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20130323/20785 

[31] Susan Katz Miller, Being Both: Embracing Two Religions in One Interfaith Family (Beacon Press, 2013) 

[32] Dale McGowan, In Faith and In Doubt: How Religious Believers and Nonbelievers Can Create Strong Marriages and Loving Families (AMACOM, 2014).  

3. BẢO VỆ HÔN NHÂN TRUYỀN THỐNG NAM – NỮ

(Linh mục Mat. Nguyễn Khắc Hy P.S.S., tiến sĩ thần học tín lý đại học giáo hoàng Gregoriana, Roma, dạy đại chủng viện Thần Học (Washington DC), đại chủng viện và đại học giáo hoàng St. Mary’s (Baltimore), Học Viện Đại Kết (Baltimore), trường thần học Oblate School of Theology (San Antonio, TX), thành viên ban giám đốc đại chủng viện Assumption, San Antonio TX, tác giả hàng trăm bài viết, thuyết giảng nhiều đại hội giáo lý và đại học, cộng tác với nhiều tờ báo, đài phát thanh và truyền hình Công Giáo tại Hoa Kỳ.) 


I. Giới Thiệu

Trong lời chúc mừng Giáng Sinh năm 2012, đức thánh cha Benedict XVI đã nhắc lại sự cần thiết của việc bảo vệ giá trị hôn nhân truyền thống (nam và nữ), và lên án quyết định của nhiều tổ chức chính trị đang vận động để hợp thức hoá hôn nhân đồng tính, nhất là tại Âu châu và Mỹ châu. Ngài nhắc lại lời của những nhà lãnh đạo tôn giáo khác để cảnh báo cho mọi người biết giá trị hôn nhân truyền thống đang bị thách thức ở một mức độ nghiêm trọng.[1]

Trong bài phát biểu tại Đại Hội Liên Hiệp Quốc Tế Gia Đình tại Sydney năm 2013, Ủy Viên Đặc Nhiệm của Liên Hiệp Quốc về Gia Đình và Người Già, tiến sĩ Farooq Hassan, đã mạnh mẽ lên tiếng kêu gọi xét lại chính sách của Liên Hợp Quốc và những quốc gia đang hợp thức hoá hôn nhân đồng tính và chấp nhận cho các cặp đồng tính được nhận con nuôi vì chính sách này trực tiếp gây hại cho sự trưởng thành tự nhiên của những trẻ được nhận nuôi, đe doạ sự ổn định của gia đình trong xã hội, và ảnh hưởng cả nền an ninh quốc gia trong chiến lược lâu dài.[2] Bài phát biểu nhắc lại phúc lợi chung (common good) của xã hội cần phải được bảo vệ, đó là, hôn nhân không còn là vấn đề riêng tư giữa hai người, mà là cơ sở trên đó đời sống và sự ổn định của xã hội được xây dựng.

Qua bao năm tháng, xã hội loài người tồn tại khắp nơi trên mặt đất đều công nhận hôn nhân giữa nam và nữ như đơn vị căn bản của xã hội. Giáo lý Công Giáo, dựa vào luật tự nhiên được Thiên Chúa viết sẵn trong mọi thụ tạo, đã cho “hôn nhân là một ơn gọi” khi cộng tác với Thiên Chúa trong chức năng con người của mình. Vì thế, hôn nhân không là một cơ sở cho những tranh giành lý tưởng chính trị, mà là một đáp trả đúng bản năng Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài có nam có nữ (Gen 1:27).

Trong bài này, chúng ta cùng tìm hiểu giá trị hôn nhân truyền thống trong Thánh Kinh, những lời dạy của Giáo Hội trong lịch sử, và tại sao chúng ta cần bảo vệ hôn nhân truyền thống.

 

II. Mục Đích Của Hôn Nhân Theo Thánh Kinh

Là những người có đức tin, câu đầu tiên ta hỏi: Thiên Chúa có ý định gì cho hôn nhân? Đọc lại sách Sáng Thế, từ chương 1-3, chúng ta có thể hiểu được được ý định này Thiên Chúa khi Ngài dựng nên có nam có nữ, khi Ngài khiến hai người bỏ cha mẹ để nên một xương một thịt với nhau, khi Ngài cho họ có khả năng sinh sản con cái (Gen 1-3).[3] Đây chính là sự thiết lập một gia đình mới. Sách Sáng Thế viết: “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó. ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế. Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng. ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra.” Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt. Con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau” (Gen 2:18-25).

Có hai điều đáng chú ý trong đoạn văn trên. Thứ nhất, chính Thiên Chúa đã lên tiếng lo lắng cho Adam cô đơn “một mình không tốt” ngay cả khi ta không nghe thấy Adam chia sẻ hay có yêu cầu gì. Điều quan tâm này được xem là yếu tố tích cực cắt nghĩa rằng chính Thiên Chúa là Đấng thiết lập hôn nhân nam nữ khi dựng nên Eve cho Adam. Nói cách khác, việc dựng vợ gã chồng đến từ Thiên Chúa chứ không từ đòi hỏi của con người.

Thứ hai, sau khi đưa đến cho Adam xem và đặt tên nhiều sinh vật, chính Thiên Chúa đã chủ động dựng nên một “trợ tá tương xứng” là Eve (Gen 2:18, 20).[4] Như thế, người đọc cũng hiểu được rằng chỉ có Eve là tương xứng, còn những thụ tạo khác đều không tương xứng. Nhiều nhà Kinh Thánh đã dùng câu “trợ tá tương xứng” này để cắt nghĩa quan hệ hôn nhân nam-nữ và chỉ một vợ một chồng. (Gen 1:27; 2:23ff).

Sau đó, Thiên Chúa chúc lành cho họ “nên một xương một thịt” (Gen 2:24), đặt họ làm chủ mọi loài: “Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất” (Gen 1:28).

Và Thiên Chúa đặt khả năng sinh sản qua sức mạnh tính dục. Là con người, dân Israel hiểu được những nguy hiểm của sức mạnh tính dục này, nên đã được hướng dẫn hình thành bộ luật nhằm bảo vệ định chế hôn nhân chống lại những thoái hoá vì tội lỗi con người lạm dụng tính dục (xem Lev 18; 20:8-20; Deut 5:16,18,21). Những hành vi tính dục không phục vụ cho mục đích truyền sinh đều bị lên án.

Trong Mười Giới Răn, những điều 4, 6 và 9 cũng nhằm bảo vệ giá trị gia đình và hôn nhân không bị lạm dụng. Hơn nữa, biểu tượng của hôn nhân còn được dùng để so sánh tương quan giữa Thiên Chúa và con người (Hos 1:2-3:3, Jer 2:2; 3:1; 6-12; Ezk 16). Điều này cũng được thánh Phaolô nhắc lại trong Tân Ước khi Ngài nói đến tình yêu vợ chồng là dấu hiệu của mầu nhiệm tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội Thánh (Eph 5:32). Và tính chất thánh của hôn nhân là trọng yếu của xã hội.

Nói chung, hôn nhân nam nữ được Thiên Chúa thiết lập nhằm mục đích truyền sinh và làm chủ mọi loài trên mặt đất. Nói theo thần học Công Giáo, hôn nhân còn phải là điều kiện Thiên Chúa thiết lập để kéo con người về gần với Thiên Chúa qua việc cộng tác với Ngài trong công trình tạo dựng vũ trụ.[5] Vậy con người không thể để hôn nhân trở thành nguyên nhân khiến họ xa lìa Thiên Chúa khi lạm dụng hôn nhân cho những thoả mãn ích kỷ con người (như đa thê, ly dị, gian dâm…) hay đi ngược lại mục đích đã được tiền định (như hôn nhân đồng tính).

Chúng ta cùng tìm hiểu những yếu tố khiến hôn nhân con người đi xa mục đích được tiền định.

 

III. Khi Hôn Nhân Xa Rời Mục Đích Nguyên Thủy

Lịch sử con người chứng minh rằng khi con người sa ngã, sống không đúng với lý tưởng hôn nhân Thiên Chúa tiền định, thì cuộc sống gặp nhiều khủng hoảng. Chúng ta có thể tìm hiểu qua bốn tình trạng biến chất trong hôn nhân: đa thê, ly dị, ngoại tình, và đồng tính.[6]

1/ Đa Thê: Trong sách Sáng Thế cho ta thấy không lâu sau khi Adam ra khỏi Vườn (thường được gọi là Vườn Địa Đàng), con người đã bắt đầu xáo trộn hôn nhân được Thiên Chúa thiết lập với chế độ đa thê khi “Lamech lấy 2 vợ” (Gen 4:19).[7] Nhưng ta cũng nên biết, chế độ đa thê không thật sự phổ biến trong dân Israel, mà thường xảy ra sau những cuộc chiến tranh, khi có quá nhiều người nam bị chết (xem Isa 3:25; 4:1). Ngoài ra, đa thê thường xảy ra (và gần như luôn luôn xảy ra) trong trường hợp không có con (Gen 16:1-4; 1 Sam 2), xảy ra với những người lãnh đạo như Gideon, Samson, David và Solomon là những người muốn bắt chước vua các nước lân bang (xem 1 Sam 8:5, 19-20), nhưng đã bị Thiên Chúa khiển trách: “Vua ấy cũng không được có nhiều vợ, kẻo tâm hồn bị lầm lạc” (Deut 17:17).[8]

Vì chế độ đa thê là một lối sống khiến con người xa rời kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa dành cho hôn nhân, nên đã có những lệnh cấm đa thê (Lev 18:18; Deut 17:17).[9] Nhiều bất hoà, tranh chấp cũng xuất phát từ sự đảo ngược trật tự hôn nhân này như trường hợp Jacob thương con của Rachel hơn Leah (Gen 29:30 – 30:22), ông Elkanah phân biệt giữa con của Penninah và con của Hannah (1 Sam 1:4-5), và Rehoboam yêu Maacah hơn những người vợ khác (2 Chron 11:21). Thêm vào đó, ghen tương xảy ra giữa Sarah và Hagar, hai người vợ của Abraham (Gen 21:9-10), giữa bà Rachel và Leah với Jacob (Gen 30:14-16), giữa bà Penninah và Hannah với ông Elkanah (1 Sam 1:6).

Dù đa thê được nhắc đến nhiều lần trong Cựu Ước như một việc được công nhận, nhưng ta không tìm thấy câu nào trong Kinh Thánh nói lên sự ưng thuận chế độ đa thê đến từ Thiên Chuá.[10] Tuy nhiên, ta có nhiều đoạn nói đến tiêu chuẩn mẫu mực một vợ một chồng là ý định Thiên Chúa (xem Châm Ngôn 12:4; 18:22; 19:14; 31:10-31; Thánh Vịnh 128:3; Ezek 16:8).[11]

2/ Ly dị: Như đã nói, Thiên Chúa thiết lập hôn nhân với ý định bất khả phân ly, con người ăn đời ở kiếp với nhau: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (Gen 2:24).[12]

Luật Môsê qui định rằng tư tế không cưới một người nữ đã ly dị (ngay cả khi nàng không là người có lỗi của việc ly dị đó: “Chúng không được lấy…một người đàn bà bị chồng bỏ, vì tư tế được thánh hiến cho Thiên Chúa của mình” (Lev 21:7; 14). Các nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng trong một cố gắng ngăn chặn những thiệt hại gây ra do ly dị, luật Môsê cấm người đàn ông cưới lại người đàn bà mà ông đã ly dị và người đó đã lấy chồng khác, ngay cả khi chồng sau này đã chết (Deut 24:1-4).[13] Dù trong Cựu Ước ghi lại nhiều ly dị được chấp nhận như một phần của cuộc sống (xem Ezra 9-10; Neh 13:23-31; Mal 2:14-16), nhưng lý tưởng vẫn là hôn nhân bất khả phân ly. Luật Môsê cấm ly dị nếu người vợ cưới là người còn trinh tiết khi lập gia đình (Deut 22:19, 29). Các tiên tri dùng biểu tượng hôn nhân vợ - chồng nói đến tương quan giữa Thiên Chúa và dân Israel, và tiên tri Malachi nói rõ: “Quả thật, Ta ghét việc rẫy vợ, - ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa Israel phán” (Mal 2:16)

3/ Ngoại Tình: Sau khi con người sa ngã, lịch sử trong Cựu Ước ghi lại là con người chiến đấu rất nhiều với sự chung thủy trong hôn nhân. Nổi bật nhất là câu chuyện vua David với bà Bathsheba, vợ tướng Uriah (2 Sam 11:2-5); câu chuyện ngoại tình của Gomer, vợ tiên tri Hosea (Hos 3:1), được dùng làm biểu tượng sự phản bội của dân Israel đối với Thiên Chúa khi dân bỏ Ngài đi thờ tà thần. Những chuyện ngoại tình này đã làm Thiên Chúa buồn giận (Jer 3:2; 5:7-8; 7:9-10; 23:10; Ezek 22:11; 33:26; Hos 4:2; 7:4).

Trong khi khuyên con phải biết giữ mình (giới răn 6): “chớ làm sự dâm dục” (Ex 20:14; Deut 5:18), luật còn khuyên không được ăn ở với vợ người khác (giới răn 9): “Ngươi không được giao hợp với vợ của một người lân cận, để khỏi ra ô uế vì người đàn bà ấy” (Lev 18:20). Luật cũng nói rõ hình phạt của tội ngoại tình là chết (Lev 20:10), nhưng trong Cựu Ước không thấy nói đến ai đã bị xử chết vì phạm tội ngoại tình?[14] Những đe doạ hình phạt vì ngoại tình luôn là một lời nhắc nhở đến lý tưởng chung thủy trong hôn nhân, vì đó là điều làm đẹp lòng Thiên Chúa.

4/ Đồng Tính: Câu chuyện ghi lại trong sách Sáng Thế (Gen 19:1-29) vẫn được trích dẫn để chứng minh rằng Thiên Chúa lên án những hành động tính dục đồng tính, và kết quả là hình phạt xảy ra cho thành Sodom và Gomorrah (Gn 18-19). Sách Lêvi cũng ghi rõ: “Ngươi không được nằm với đàn ông như nằm với đàn bà: đó là điều ghê tởm” (Lev 18:22), “Khi người đàn ông nào nằm với một người đàn ông như nằm với đàn bà, thì cả hai đã làm điều ghê tởm; chúng phải bị xử tử, máu chúng đổ xuống đầu chúng” (Lev 20:13).[15]

Những người chấp nhận đồng tính luyến ái không chấp nhận lối giải thích trên, và cho rằng không có phần nào trong Thánh Kinh thật sự lên án những hành động tính dục đồng tính. Bắt dầu với câu chuyện thành Sodom, khi những người dân làng đòi ông Lot phải đưa hai người khách nghỉ qua đêm ở nhà ông ra làm trò chơi cho họ (Gen 19:5).[16]

Họ có hai kết luận khác nhau. Một là Thiên Chúa trừng phạt thành Sodom không phải vì những hành động tính dục đồng tính, mà vì tội cưỡng hiếp tập thể (một nhóm đàn ông trong làng đòi ông Lot đưa hai người khách nam ra cho họ).[17] Hai là những người dân làng đã thiếu lòng hiếu khách và đối xử vô lễ với người lạ.[18]

Với những luật đặt ra trong sách Lêvi, những người chấp nhận tính dục đồng tính cắt nghĩa rằng những câu trên nói đến Luật Thanh Khiết (purity law) của người Do Thái, nghĩa là quan tâm đến nghi thức sạch sẽ hơn là những nguyên tắc luân lý (Lev 18:22; 20:13).[19]

Sang đến Tân Ước, thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Roma viết: “Bởi thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục tình đồi bại. Đàn bà không quan hệ theo lẽ tự nhiên, mà lại làm điều trái tự nhiên. Đàn ông cũng vậy, không quan hệ với đàn bà theo lẽ tự nhiên, mà lại đem lòng thèm muốn lẫn nhau: đàn ông bậy bạ với đàn ông. Như vậy là chuốc vào thân hình phạt xứng với sự lầm lạc của mình” (Rom 1: 26-27). Ở đây thánh Phaolô chỉ cho con người thấy điều “trái tự nhiên” trong quan hệ xác thịt giữa những người đồng tính là đi ngược lại ý định Thiên Chúa đã sắp xếp trong thụ tạo Ngài dựng nên nam và nữ. Cụm từ “Thiên Chúa để mặc họ” được nhắc 3 lần (Rom 1:24, 26, 28) nói lên hoàn cảnh con người đang sống sa đoạ là kết quả tự nhiên của việc rời xa Thiên Chúa. Thay vì hình phạt Thiên Chúa gởi đến cho họ, thì chính việc họ xa rời Thiên Chúa và sử dụng sai lạc chức năng tính dục đã biến đời sống sa đoạ của họ thành hình phạt cho chính mình.[20]

Nhưng những người chấp nhận tính dục đồng tính lại cắt nghĩa rằng sự “trái tự nhiên” đây là trường hợp những người muốn quan hệ đồng tính vì tò mò hay thoả mãn đòi hỏi xác thịt chứ không áp dụng cho những người thực sự đồng tính. Nói cách khác, nếu người sinh ra là đồng tính thì những hành động tính dục đồng tính được chấp nhận vì nó thuận theo căn tính chứ không nghịch lại tự nhiên như những người không là đồng tính mà tìm đến với những hành động xác thịt này[21] Giáo Hội không đồng ý với lý luận này, và cho rằng người có “khuynh hướng đồng tính luyến ái thâm căn… là một khuynh hướng vô trật tự” (GLCG số 2358) và họ được kêu gọi “sống khiết tịnh” (GLCG số 2359).

Nhìn lại lý luận của những người ủng hộ tính dục đồng tính, chúng ta không thấy có những cơ sở vững chắc trong Kinh Thánh dù những diễn dịch có vẻ thuyết phục người nghe của thời hiện đại.[22] Họ thường cho rằng những trường hợp hay những câu trích mà ta cắt nghĩa trên (Gen 18-19; Lev 18:22; 20:13, Rom 1: 18-32, 1 Cor 6:9-11, 1 Tim 1:8-11) thường xảy ra cách độc lập, không liên quan đến nhau. Giáo Hội Công Giáo không đồng ý với lối giải thích đó, mà nhìn mọi giáo huấn trong tổng thể bộ Thánh Kinh được liên kết với nhau bắt đầu với mục đích Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ và con người có nam có nữ.

Tóm lại, trọng tâm của phần II và III này là trình bày cho ta thấy đâu là mục đích của hôn nhân và tính dục trong kế hoạch tạo dựng của Thiên Chúa. Những trường hợp đa thê, ly dị, gian dâm hay tính dục đồng tính được kể lại trong Kinh Thánh đều là kết quả của việc con người xa rời lý tưởng và mục đích ban đầu Thiên Chúa tạo dựng nên họ, những cặp nam-nữ “tương xứng” gắn bó “nên một xương một thịt” với nhau trong một gia đình.

Ngay cả những người ủng hộ cho đồng tính luyến ái cũng phải thấy được rằng kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa dựng nên con người là lý tưởng mà con người phải cố gắng hết sức mình để theo đuổi. Vì thế, khi Chúa Giêsu được hỏi là liệu có được phép ly dị vợ mình như Môsê đã cho phép không, Ngài đã khẳng định là kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa không như thế, nhưng Môsê cho phép ly dị chỉ vì các ông lòng chai dạ đá mà thôi (Mk 10:2-9).

 

Kitô hữu phải làm gì với làn sóng hợp thức hoá hôn nhân đồng tính ngày càng cao? Trước hết, Giáo Hội muốn tái khẳng định giá trị hôn nhân truyền thống giữa nam - nữ vì tầm quan trọng của việc bảo đảm quyền của các thế hệ tương lai được lớn lên theo đúng căn tính tự nhiên được Thiên Chúa tạo dựng dưới sự bao bọc của cha và mẹ là môi trường lý tưởng. Mọi hình thức tái định nghĩa căn tính hôn nhân sẽ nguy hại đến tế bào căn bản của xã hội là gia đình.[23]

Giáo Hội muốn mọi người phải hiểu rằng tái khẳng định hôn nhân truyền thống nam - nữ không có nghĩa loại bỏ hay kỳ thị những người đồng tính, cũng không từ chối quyền căn bản làm người của họ, mà nhằm chỉ ra cho con người thấy đâu là kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa và đâu là những thoái hoá con người vi phạm, rồi con người dùng lý luận để biện minh cho sự yếu đuối của mình.

Trong sách giáo lý Công Giáo, chúng ta không đọc thấy lời nào trực tiếp nói đến hôn nhân đồng tính (vì vấn nạn này tương đối mới, và chắc chắn Giáo Hội sẽ cập nhật cho hợp mục vụ), nhưng rất nhiều lần giáo lý nhắc đến chức năng tính dục đúng đắn là giữa người nam và nữ với mục đích sinh sản (GLCG 2333, 2335), và lên án những lạm dụng tính dục.[24]

Giáo lý số 2357 dạy: “Các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là thác loạn… nghịch với luật tự nhiên… và không được chấp nhận trong bất cứ trường hợp nào.”

Năm 1986 thánh Bộ Tín Lý dạy trong thư “Săn Sóc Mục Vụ Những Người Đồng Tính” rằng“nếu coi những hoạt động đồng tính ngang hàng hay được chấp nhận như những hoạt động tính dục trong tình yêu hôn nhân khác phái tính sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến cách hiểu căn tính và quyền gia đình và gây những trở ngại lớn lao cho gia đình” (số 9). Năm 2003, Thánh Bộ Tín Lý lại viết thư “Những Quan Tâm Liên Quan Đến Đề Nghị Công Nhận Kết Hợp Giữa Hai Người Đồng Tính” khi nhiều quốc gia chấp nhận cho những cặp đồng tính được kết hợp dân sự (sống như vợ chồng với một vài quyền lợi về y tế, tài sản… nhưng không là hôn nhân). Thánh Bộ nhắc lại với lời lẽ mạnh mẽ hơn: “Hoàn toàn không có căn cứ cho việc chấp nhận kết hợp đồng tính ngay cả một chút tương tự với kế hoạch của Thiên Chúa cho hôn nhân và gia đình.” Thánh Bộ cũng nhắc nhở là “những kết hợp như thế là sai tự căn tính … thiếu những yếu tố sinh lý và thể lý cho hôn nhân và gia đình, mà những điều này là cơ bản lý luận để nó được công nhận. Những kết hợp như vậy không tạo nên sinh sản để nhân loại trường tồn cách đúng đắn” nên “hợp luật cho những người đồng tính được sống với nhau và chấp nhận cho luật đó là sai trái” (số 5).[25]

Và Bộ Tín Lý kết luận là “tất cả mọi người Công Giáo buộc có bổn phận chống lại việc hợp thức hoá công nhận kết hợp đồng tính” (số 10).

Điều cần phải biết là trong khi Giáo Hội lên án hành động đồng tính luyến ái, Giáo Hội kêu gọi mọi Kitô hữu phải “đón nhận họ [người đồng tính] với lòng tôn trọng, thông cảm và tế nhị, tránh đối xử bất công” (GLCG 2358).[26]

 

Biết được hôn nhân đồng tính đi ngược lại ý định nguyên thủy của Thiên Chúa dành cho con người, và sự hiện diện của hôn nhân đồng tính làm nguy hại đời sống con cái trong tương lai, và ảnh hưởng trầm trọng sự ổn định của gia đình trong xã hội, chúng ta được kêu gọi để chống lại những hợp thức hoá này. Nhưng đâu là cách thức chống đối hữu hiệu? Một vài đề nghị được nêu lên trong các thư chung và riêng của các giám mục tại Hoa Kỳ:

Thứ nhất, ta phải tiếp tục lên tiếng cổ võ cho hôn nhân truyền thống và phản đối những bộ luật hợp thức hoá hôn nhân đồng tính. Với những nơi chính quyền đã thông qua thành bộ luật, ta không ngừng cho những người khác biết rằng hôn nhân đồng tính nghịch lại đức tin chúng ta. Một số đề nghị Kitô hữu chấm dứt tranh đấu cho hôn nhân truyền thống và chỉ tập trung tranh đấu cho tự do tôn giáo mà thôi, hay họ kêu gọi Kitô hữu rút mình ra khỏi những đòi hỏi chính trị để trở về xây dựng cộng đoàn giáo xứ mình là đủ… Nhưng rõ ràng đây là một sự trốn tránh. Kitô hữu có bổn phận và trách nhiệm làm chứng cho sự thật về hôn nhân, và tìm cách bảo vệ sự thật cho con cháu tương lai nữa. Nên nhớ rằng việc đòi hỏi tự do lương tâm, tự do tôn giáo (nghĩa là dù chính quyền đặt thành luật chấp nhận hôn nhân đồng tính, các linh mục không bắt buộc phải làm phép “hôn phối” cho họ vì đi ngược lại đức tin của mình) là cần thiết, nhưng chưa đủ.

Thứ hai, Giáo Hội phải đóng vai trò phúc âm hoá xã hội, đặc biệt là khi xã hội đi ngược lại với Tin Mừng. Nếu không lên tiếng, xã hội sẽ tạo nên một cơ cấu sai lầm, trong đó con người sống sai lầm mà họ không biết. Muốn thế, Giáo Hội cũng cần cập nhật giáo huấn cho hợp với thời đại, và tăng cường chăm sóc mục vụ cho những người đồng tính hợp với lời kêu gọi yêu thương của Tin Mừng.

Thứ ba, cách thức tranh đấu hữu hiệu nhất là trở nên nhân chứng bằng chính lối sống của mình. Chính những gia đình vợ chồng sống không bình an, các cặp sống chung, sống thử, ngoại tình, bỏ rơi con cái, hình ảnh dâm ô được ca tục v.v… là những yếu tố làm suy yếu gia đình. Gia đình Kitô hữu thánh thiện sẽ thuyết phục người khác nhiều hơn là những lý luận mơ hồ.

Tóm lại, ta không chỉ được kêu gọi chống lại hôn nhân đồng tính, mà còn phải biết làm thế nào để lời dạy Phúc Âm được loan truyền có hiệu quả, và được xã hội công nhận việc mình làm ngay cả khi họ không đồng thuận với niềm tin chúng ta.

 

Khi thế giới đang ngày càng tìm cách hợp thức hoá hôn nhân đồng tính, thì chúng ta lại càng phải ý thức trách nhiệm chống lại quyết định này vì nó nghịch với ý định Thiên Chúa.[27] Kinh Thánh cho chúng những hướng dẫn cụ thể khi lên tiếng nghiêm cấm mọi hành vi đồng tính luyến ái. Vì thế, chấp nhận hôn nhân đồng tính là đồng loã với sai lầm.

Nhiều người trong xã hội dùng chiêu thức tình cảm, kêu gọi chúng ta phải tỏ lòng khoan dung, chấp nhận hôn nhân đồng tính, đánh động lòng thương xót của người nghe (mà đối tượng là chúng ta và con em chúng ta ngày nay). Phương thức tinh vi này đang rất thành công vì chiêu dụ được giới trẻ sống với Tình (con tim) nhiều hơn (luật của Chúa, của sự thật). Chúng ta không thể cảm thông và yêu thương mà lại thiếu khôn ngoan phân biệt đúng - sai trong đời sống luân lý và đức tin.

Điều tôi muốn nói ở đây là chúng ta cần đặt hôn nhân và khả năng tính dục vào đúng vị trí của nó, nghĩa là, nó chỉ là thứ yếu và tạm thời so với quyền được thừa hưởng gia nghiệp với Đức Giêsu Kitô, con Thiên Chúa (Rm 8:17), vì sẽ không còn hôn nhân hay sinh sản trên nước trời (Luke 20:27-40).

Kitô hữu có vai trò quan trọng trong môi trường chính trị khi nhắc nhở cho mọi người biết rằng “sự thật sẽ giải thoát chúng ta” (Jn 8:32). Tin Mừng chúng ta công bố không do tự chúng ta sáng tạo, cũng phải do hàng giáo phẩm là những con người quyết định, mà đến từ Đức Giêsu Kitô, “Đấng có lời ban sự sống đời đời” (Jn 6:68).

------------------------------

[1] Xem báo L’Osservatore Romano ngày 21 tháng 12 năm 2012. Có nhiều yếu tố đe doạ hôn nhân truyền thống như gian dâm, ly dị, tranh ảnh đồi trụy, buôn bán nô lệ tình dục, sống thử, sống chung v.v…, nhưng trong bài viết này, tôi chỉ muốn nói đến hôn nhân đồng tính là yếu tố đe doạ hôn nhân truyền thống mạnh mẽ nhất, dựa theo lời đức thánh cha Benedict XVI.

[2] Xem bài phát biểu của tiến sĩ Farooq Hassan, giáo sư luật tại đại học Harvard, Ủy Viên Đặc Nhiệm của Liên Hiệp Quốc cho Gia Đình và Người Già, đọc tại Đại Hội Liên Hiệp Quốc Tế Gia Đình (World Congress Family) lần VII họp tại Sydney, Australia từ 15-18 tháng 5 năm 2013. Bài phát biểu có thể tìm thấy trong trang web của World Congress Family, www.worldcongress.org. 

[3] Ở đây chúng ta không đọc câu chuyện tạo dựng trời đất, vũ trụ trong sách Sáng Thế theo nghĩa đen, nhưng chúng ta cắt nghĩa dựa theo câu chuyện được viết lại để chuyển tải đức tin mà thôi. Vì thế, hai câu chuyện sáng tạo trong chương 1 và 2 được hiểu cùng một mục đích, đó là, chính Thiên Chúa đã tạo dựng con người, đã thiết lập hôn nhân, và đã cho nó một mục đích rõ ràng qua khả năng tính dục và sinh sản. Ta sẽ hiểu rõ thêm ý nghĩa này trong phần còn lại của bài viết.

[4] Nhiều người khó chịu với từ “trợ tá” trong Kinh Thánh, vì cho là làm nhẹ vai trò của phụ nữ so với nam. Thực ra, nếu đọc Kinh Thánh, chức “trợ tá” (tiếng Do Thái ezer) được dùng chỉ chính Thiên Chúa là Đấng cứu giúp con người, và từ này được dung lặp đi lặp lại nhiều lần (Ex 18:4; Pss 20:2; 33:20; 70:5; 115:9-11; 121:1-2; 146:5). Xem thêm trong R. David Freedman, “Woman, A Power Equal to Man” trong Biblical Archaelogical Review 9, no. 1 (1983) 56-58.

[5] Xem Giáo Lý Công Giáo số 307, 323.

[6] Xem thêm phần “Những xúc phạm đến phẩm giá hôn nhân” trong Giáo Lý Công Giáo từ số 2380 đến 2391. Trong này, Giáo Lý có nhắc đến phần sống chung (sống thử) và loạn luân mà tôi không bàn ở đây. Riêng phần “sống chung”, xin xem bài của linh mục Đào Quang Chính về đề tài “Mục Vụ Cho Người Sống Chung” trong phần cuối của sách.

[7] Thế hệ thứ sáu, tính từ Adam, thì Lamech lấy hai vợ. Ở đây chúng ta không bàn luận lý do ông lấy hai vợ, nhưng một số chú giải Thánh Kinh cho rằng những người như Lamech tuân giữ lệnh Thiên Chúa “sinh đầy mặt đất” (Gen 1:28), nhưng thay vì tin vào Thiên Chúa là Đấng sẽ ban cho ta con cái là phúc lộc, những người như Lamech lại tin vào chính mình, và việc lấy hai vợ (đa thê) là một trả lời cho việc con người tin vào chính mình hơn là Thiên Chúa.

[8] Xem thêm phần giải thích những trường hợp đa thê trong Kinh Thánh trong David Instone-Brewer, Divorce and Remarriage in the Bible: The Social and Literary Context (Grand Rapids: Eerdmans, 2002) 59-60.

[9] Xem Gordon P. Hugenberger, Marriage as a Covenant: Biblical Law and Ethics as Developed from Malachi (Grand Rapids: Baker, 1998) 112; 115-118. Trong Đệ Nhị Luật có nhắc đến điều lệ cho hôn nhân đa thê: “Khi một người đàn ông có hai vợ, một vợ được yêu, một vợ không được yêu, và cả người được yêu lẫn người không được yêu đều sinh con cho người ấy, mà con trai trưởng lại là con của người không được yêu,16 thì khi chia gia tài cho các con, người đàn ông ấy không được dành quyền trưởng nam cho đứa con của người vợ mình yêu, khiến đứa con của người vợ không được yêu, là con trai trưởng, bị thiệt.17 Trái lại người đàn ông ấy phải nhìn nhận đứa con của người vợ không được yêu là trưởng nam, mà chia cho nó hai phần sản nghiệp: nó là hoa quả đầu đời trai tráng của người ấy, nên nó được quyền trưởng nam” (Deut 21:15-17).

[10] Có người cho rằng tục của người Do Thái và dân vùng Mesopotamia xưa là khi người anh chết mà chưa có con với vợ, thì em trai có thể tiếp tục lấy để sinh con nối dõi tông đường. Thói quen này được nói tới trong chuyện của Onan (Gen 38:8, 11), bà Ruth (Ruth 4:5). Có người cho rằng đây chính là nguyên nhân cổ động và hỗ trợ cho chế độ đa thê (nhiều vợ), nhưng dường như không có cơ sở vững chắc. Trong Tân Ước, câu hỏi người Pharisiêu đặt ra với Chúa Giêsu trong Matthew 22:24; Mark 12:19-23 và Luke 20:28 chỉ áp dụng cho những người thân cận trong dòng họ, và những người này không thấy nói gặp khó khăn gì trong việc lập gia đình. Vì thế, ta không thể coi tục lệ “em cưới vợ của anh - levirage marriage” giống như đa thê được. Xem Gordon P. Hugenberger, Marriage as a Covenant, 115-118.

[11] Xem thêm Louis M. Epstein, Marriage Law in the Bible and Talmud, Harvard Semitic Series 12 (Cambrige, MA: Harvard University Press, 1942) 4.

[12] Xem những câu Chúa Giêsu trích và diễn dịch Gen 2:24 trong Mat 19:4-6 và Mark 10:6-9.

[13] Xem Deut 24:1-4. Trong đoạn này, có người cắt nghĩa rằng sở dĩ người đàn ông trước không cưới lại được vì nàng “đã ra ô uế” nói lên những hôn nhân sau ly dị là nối giáo cho tội gian dâm.

[14] Xem thêm sách Dân Số 5:11-31; Đệ Nhị Luật 22:22. Dù sách Lêvi 20:10 nói đến hình phạt cho tội ngoại tình là án tử hình, nhưng không thấy Kinh Thánh ghi lại một án phạt nào được thi hành. Ví dụ gần nhất ta có thể đọc được là khi Thiên Chúa đe doạ giết Abimelech nếu ông ta phạm tội với Sarah và biến bà ta thành ô uế (Gen 20:7); rồi Abimelech đe doạ giết bất cứ ai phạm tội với Rebekah (26:11); và chuyện Judah chuẩn bị thiêu sống Tamar nhưng phát hiện ra tội lỗi mình bên bỏ án (Gen 38:24). Chúng ta cũng nên biết rằng tất cả những chuyện trên đây xảy ra trong sách Sáng Thế Ký, trước khi Thiên Chúa ban luật cho dân Israel qua Môsê.

[15] Ta có thể đọc được những chuyện liên quan đến đồng tính nam trong Lev 18:22; 20:13; Rom 1:27; 1 Cor 6:9-10; 1 Tim 1:9-10; và đồng tính nữ trong Rom 1: 26-27.

[16] Trong sách Sáng Thế: “Hai sứ thần đến thành Xơ-đôm vào buổi chiều…. Vừa thấy các ngài, ông Lót đứng lên ra đón các ngài…. Các ngài chưa đi nằm thì dân trong thành, tức là người Xơ-đôm, bao vây nhà, từ trẻ đến già, toàn dân không trừ ai. Chúng gọi ông Lót và bảo: “Những người vào nhà ông đêm nay đâu rồi? Hãy đưa họ ra cho chúng tôi chơi.” Ông Lót ra trước cửa gặp chúng, đóng cửa lại sau lưng, rồi nói: “Thưa anh em, tôi van anh em đừng làm bậy. Đây tôi có hai đứa con gái chưa ăn ở với đàn ông, tôi sẽ đưa chúng ra cho anh em; anh em muốn làm gì chúng thì làm, nhưng còn hai người này, xin anh em đừng làm gì họ, vì họ đã vào trọ dưới mái nhà tôi.” Chúng đáp: “Xê ra! Tên này là một ngoại kiều đến đây trú ngụ mà lại đòi xét xử à! Chúng tao sẽ làm dữ với mày hơn là với những tên kia! “ Họ xô mạnh ông Lót và xông vào để phá cửa.” (Gen 19:1-9)

[17] Xem Letha Scanzoni và Virginia Ramey Mollenkott, Is the Homosexual My Neighbor? Another Christian View (San Francisco: Harper & Row, 1978) 57-58. Một chuyện tương tự như xảy ra ở Sodom là người dân đòi hãm hiếp khách nam của một người trong vùng, nhưng ở đây, chủ nhà đã thay thế bằng nữ tỳ giúp việc để thoả mãn đòi hỏi của họ. “Đang lúc họ ăn uống vui vẻ như vậy, thì này có những người dân trong thành, những kẻ vô lại, bao vây nhà ấy, vừa đập cửa dồn dập, vừa nói với cụ già là gia chủ: “Hãy đưa người đàn ông đã vào nhà ông ra đây cho chúng tôi chơi! “ Cụ chủ nhà ra gặp chúng và nói: “Này anh em, tôi van anh em đừng làm chuyện ác đức! Một khi người đàn ông này đã vào nhà tôi rồi, thì xin các anh đừng làm điều bỉ ổi. Này tôi có đứa con gái còn trinh, và người tỳ thiếp của anh ta nữa. Tôi đưa họ ra cho các anh cưỡng hiếp và xử với họ thế nào tuỳ ý. Còn đối với người này thì đừng làm điều bỉ ổi ấy.” Nhưng đám người đó không thèm nghe. Bấy giờ người kia dẫn tỳ thiếp của mình ra ngoài cho chúng chơi. Chúng cưỡng hiếp nàng suốt đêm cho tới sáng, và lúc rạng đông mới buông tha” (Judg 19:22-25).

[18] Xem J. A. Loader, A Tale of Two Cities: Sodom and Gomorrah in the Old Testament, Early Jewish, and Early Christian Traditions (Kamper: Kok, 1992) 37, 110, 112; John McNeil S.J., The Church and the Homosexual (Kansas City, MO: Andrews and McMeel, 1976) 42-53; Anthony Kosnik et. al., Human Sexuality: New Directions in American Thought (New York: Paulist Press, 1977) 191-192; D. Sherwin Bailey, Homosexuality and the Western Christian Tradition (London: Longmans, Green, 1955) 4; Richard B. Hays, The Moral Vision of the New Testament: Contemporary Introduction to New Testament Ethics (HarperOne, 1996) 381.

[19] Xem phần III trong sách tác giả L. William Countryman, Dirt, Greed, and Sex: Sexual Ethics in the New Testament and Their Implications for Today, 2nd ed. (Minneapolis, Minn: Fortress Press, 2007).

[20] Xem C. E. B. Cranfield, The Epistle to the Romans, ICC (Edinburgh: T & T Clark, 1975), vol. 1, 126-127.

[21] Vài thần học gia luân lý Công Giáo tại Hoa Kỳ có ảnh hưởng rất lớn trong những bài viết của thập niên 1970s khi bênh vực cho ý tưởng này như Lisa S. Cahill, Philip S. Keane, Charles E. Curran, Richard A. McCormick. Giáo Hội không chấp nhận lối giải thích này.

[22] Nhóm cổ động cho đồng tính luyến ái thường nhắc đến lối sống đồng tính trong thời Dorian (thế kỷ 11 trước công nguyên) chiếm Hy Lạp. Theo Plutarch, đời sống đồng tính phổ biến trong các sân chơi, thể thao, nhà tắm công cộng, và ai có những thanh niên trẻ phục dịch (bên cạnh vợ họ) được coi là một “thời trang” cho những người có quyền thế, tiền bạc. Xem N. F. Cantor, The History of Popular Culture (New York: The Macmillan Company, 1968) 28. Nhưng điều cần biết là đại đa số xã hội không chấp nhận như một nguyên tắc chung cho mọi người, và luật chống lại quan hệ đồng tính có ghi lại trong thành Athens và những nơi khác của Hy Lạp. Xem W. Durant, The Life of Greece, (New York: Simon and Schuster, 1966) 301.

[23] Xem thư của đức hồng y Timothy M. Dolan, chủ tịch hội đồng giám mục Hoa Kỳ gởi cho tổng thống Barack Obama về việc kêu gọi bảo vệ hôn nhân truyền thống gia đình ngày 20 tháng 9 năm 2011, và tài liệu “A Family Perspective in Church and Society” của hội đồng giám mục Hoa Kỳ được xuất bản từ năm 1998. Cả hai có thể được tìm thấy trên trang mạng của hội đồng giám mục Hoa Kỳ www.usccb.org.

[24] Điều đáng buồn là trong nghiên cứu của National Opinion Research Center’s General Social Survey, tổng kết từ 1970-2009 cho thấy người Công Giáo ngày càng chấp nhận hôn nhân đồng tính cao hơn người Tin Lành, và trong 20 năm, số người ủng hộ đồng tính năm 2008 tăng gấp 5 lần so với năm 1988. Bài được D. Paul Sullins đăng trong The Catholic Social Science Review 15 (2010): 97-123. Có nhiều nguyên nhân khiến người Công Giáo ngày càng không lắng nghe giáo huấn của các giám mục, nhưng đây là một đề tài có thể được khai triển trong dịp khác.

[25] Xem “Considerations Regarding Proposals to Give Legal Recognition to Unions between Homosexual Persons,” June 3, 2003 trên trang web Vatican.

[26] Thư của Thánh Bộ Tín Lý “Letter to the Bishops of the Catholic Church on the Pastoral Care of Homosexual Persons” tháng 10 năm 1986, và thư của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ năm 1990 “Human Sexuality: A Catholic Perspective for Education and Lifelong Learning” số 5 cũng đều nói đến việc này.

[27] Tại Hoa Kỳ, tiểu bang Illinois là bang đầu tiên xoá lệnh lên án đồng tính năm 1961, và Hội Tâm Lý Hoa Kỳ (the American Psychiatric Association) xoá đồng tính khỏi danh sách “bất thường - disorder” trong sách chẩn đoán tâm lý sau cuộc thăm dò ý kiến của 10,000 thành viên (trong số 17.000) APA năm 1974. Và toà án tối cao Hoa Kỳ phán quyết rằng hành động tính dục là riêng tư cá nhân. Về mặt xã hội, việc ông Gene Robinson được phong giám mục Anh giáo cho New Hampshire và cưới người bạn trai vài tháng sau đó (năm 2003) là một thắng lợi cho giới đồng tính. Gene Robinson ly dị Mark Andrew tháng 5 năm 2014 sau 25 năm sống với nhau. Bản thân G. Robinson là người có vợ và 2 con trước khi ly dị và sống với Mark Andrew.