Tư Liệu Lòng Chúa Thương Xót
Quyển 1
NHỮNG BÍ QUYẾT VỀ SỨ ĐIỆP VÀ LÒNG SÙNG KÍNH
Tôi viết cuốn sách nhỏ này, nhằm giúp mọi người khám phá đầy đủ sứ điệp và việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót “gây sửng sốt” (ý tôi muốn nói là thật “đáng sửng sốt”). Điều này được gọi là “hoạt động nền tảng vĩ đại nhất trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo” [1], đã và đang thay đổi được hàng triệu cuộc sống.
Cuộc sống của bản thân tôi là một trong số đó.
Ban đầu, tôi đã học hỏi về Lòng Chúa Thương Xót trong trường, và Lòng Chúa Thương Xót đã tác động đến tâm hồn tôi thật sâu xa, đến nỗi tôi quyết định dâng hiến cả cuộc đời mình để phổ biến từ “Lòng Chúa Thương Xót”. Tôi còn nhớ, lúc đó tôi tự nhủ:
“Tại sao trước đây mình không nghe thấy từ “Lòng Chúa Thương Xót” ? Thật không thể tin nổi! Mọi người cần được nghe từ này!”.
Có lẽ bản thân bạn đã từng trải nghiệm điều gì đó về sứ điệp và việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót. Chẳng hạn, có thể bạn đã nhìn thấy Ảnh Lòng Chúa Thương Xót, được mô phỏng lại ở bìa sách. Hoặc có thể bạn vẫn cầu nguyện bằng Chuỗi Thương Xót, đã trở nên phổ biến trong rất nhiều gia đình và giáo xứ. Lại nữa, có thể bạn chưa từng có bất cứ kinh nghiệm nào về điều này, và bạn chỉ tò mò rằng “Lòng Chúa Thương Xót” hoàn toàn nói về điều gì.
Dù bạn bộc lộ bất cứ điều gì về sứ điệp và việc sùng kính, thì cuốn sách nhỏ này vẫn dành cho bạn, ngay cả đối với những người vẫn sùng kính Lòng Chúa Thương Xót suốt bao năm. Chẳng hạn, Vinny Flynn, bạn tôi, người đã từng trải qua vài thập niên toàn thời gian với công việc về Lòng Chúa Thương Xót, khi đọc bản thảo thô sơ này, anh ấy đã thốt lên: “Rốt cuộc, đây là một cách thức nhanh chóng, rõ rệt và dễ dàng để hiểu được Lòng Chúa Thương Xót !” Bạn tôi đã khuyến khích tôi xuất bản, vì thế, chúng ta có cuốn sách này.
Bây giờ, chính xác cuốn sách nhỏ này đem lại cho bãn điều gì? Về cơ bản, nó sắp mang lại cho bạn một lời giới thiệu thật ngắn gọn và dễ hiểu về Lòng Chúa Thương Xót. Cụ thể, bạn sẽ học hỏi được một số lịch sử, bối cảnh, tất cả những yếu tố chủ yếu về việc sùng kính, và cách làm thế nào để sống sứ điệp. Nói tóm lại, đây là tất cả những điều bạn cần biết! Đây là cuốn sách giải thích về Lòng Chúa Thương Xót.
Cuối cùng, như một điều hữu ích thêm, tôi còn bao gồm hai phụ lục hữu ích: Một phụ lục chứa đựng các kinh nguyện có giá trị, và phụ lục kia có những lời phát biểu với tác động mạnh về Lòng Chúa Thương Xót, từ hai vị Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI.
Tạ ơn Chúa, như vậy chúng ta hãy bắt đầu! Nhưng trước khi nhắm đến sứ điệp và việc sùng kính, chúng ta hãy xem xét tổng quát về Lòng Chúa Thương Xót.
Lòng Chúa Thương Xót là trung tâm của Kinh Thánh. Trên thực tế, như Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo dạy: “Tin Mừng là mạc khải nơi Đức Giêsu Kitô, về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với các tội nhân” [2]. Đúng vậy: Tin Mừng tóm tắt điều này. Lòng Chúa Thương Xót là Tin Mừng. Đây là tin vui. Và như vậy, Lòng Chúa Thương Xót ở chính trung tâm đức tin của chúng ta. Ngoài ra, theo lời Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI:
“Lòng Chúa Thương Xót không phải là một việc đạo đức thứ yếu, nhưng là một chiều kích quan trọng đối với đức tin Kitô giáo và việc cầu nguyện” [3].
Thậm chí Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI còn đi thật xa khi nói rằng:
“Lòng Chúa Thương Xót là thành phần trung tâm của sứ điệp Tin Mừng” [4]. (Xem thêm Phụ lục 2 về những trích dẫn từ hai vị Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI).
Vâng, như vậy Lòng Chúa Thương Xót là gì? Điều gì là trung tâm của Kinh Thánh và trung tâm đức tin của chúng ta?
Để bắt đầu, “lòng thương xót là tên gọi thứ hai của tình yêu” [5]. Đây là một loại tình yêu đặc biệt, một kiểu yêu thương khi bắt gặp nỗi đau khổ, nghèo nàn, suy sụp và tội lỗi. Lòng Chúa Thương Xót là khi tình yêu Thiên Chúa gặp gỡ chúng ta, và trợ giúp chúng ta giữa nỗi đau khổ và tội lỗi của chúng ta. Trên thực tế, khía cạnh này của sự thật là bất di bất dịch vì tất cả chúng ta đều tội lỗi, và đau khổ là số phận của chúng ta trong đời sống, cho nên tình yêu Thiên Chúa luôn luôn mang hình thức thương xót. Chúa vẫn luôn bước tới trong lòng thương xót, để trợ giúp chúng ta, các tội nhân nghèo nàn, yếu đuối và suy sụp. Như vậy, từ nhãn giới của mình, tất cả mọi điều tốt lành mà chúng ta nhận được đều là một cách diễn tả Lòng Chúa Thương Xót.
Sứ điệp Lòng Chúa Thương Xót là điều liên quan nhiều nhất đến một nữ tu người Ba Lan, đã qua đời năm 1938, khoảng một năm trước Thế Chiến II. Ngày nay, chị được biết đến như Thánh nữ Maria Faustina Kowalska. Hiện nay, Thánh nữ Faustina là một nhà thần bí. Nói cách khác, chị đã nhận được những cảm nghiệm về Chúa Giêsu trong khi cầu nguyện. Trên thực tế, Đức Giêsu đã từng hiện ra và nói chuyện với chị.
Tất nhiên, Đức Giêsu không mặc khải Tin Mừng nào đó mới mẻ, khi Người hiện ra với Thánh nữ Faustina. Tôi muốn nói rằng trước đây 2000 năm, Đức Giêsu đã từng mặc khải với các Tông Đồ và qua Kinh Thánh tất cả mọi điều Người cần nói. Như vậy, tại sao Đức Giêsu lại còn hiện ra với Thánh nữ Faustina? Tại sao Đức Giêsu lại hiện ra với các nhà thần bí để trao ban sứ điệp nào đó?
Thỉnh thoảng, Thiên Chúa từng hiện ra với các nhà thần bí, vì Người có một sứ điệp tiên tri dành cho một thời đại đặc trưng trong lịch sử, và Người sử dụng những người đặc biệt để chia sẻ sứ điệp của mình. Đôi khi, để nhắc nhở chúng ta về điều gì đó đã bị lãng quên. Đôi khi, đây là một cảnh báo. Những lúc khác, đây là một sứ điệp an ủi. Hoặc có thể đây chỉ là một lời kêu gọi hoán cải. Dù đây là bất cứ điều gì, thì vẫn không thay đổi được Kinh Thánh. Đúng hơn, sứ điệp này đưa chúng ta trở lại với một thời điểm nào đó trong lịch sử.
Như vậy thông qua Thánh nữ Faustina, trong thời hiện đại này, Thiên Chúa muốn mang lại cho chúng ta sứ điệp đặc biệt và quan trọng gì? Thật đơn giản. Thiên Chúa muốn nhắc nhở chúng ta về cốt lõi của Kinh Thánh, nghĩa là lòng thương xót của Người dành cho chúng ta, các tội nhân:
“Bây giờ là thời gian của lòng thương xót. Bây giờ là thời gian của lòng thương xót đặc biệt! Bây giờ là thời gian mà Ta muốn đặc biệt ban các ân huệ cao cả cho nhân loại. Ta muốn tuôn đổ lòng thương xót của Ta bằng một cách thức lớn lao”.
Tại sao Thiên Chúa nói điều này? Tại sao Người muốn ban các ân huệ cao cả cho thời đại chúng ta? Tôi nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã giải thích điều này rõ nhất. Thứ nhất, ngài vạch ra điều mà tất cả chúng ta đều biết: Nghĩa là trong xã hội đương thời của chúng ta, có đủ mọi loại may mắn.
Chẳng hạn, công nghệ hiện đại đã thực hiện được rất nhiều điều, nhằm làm cho đời sống dễ dàng hơn đối với chúng ta. Bạn chỉ cần nghĩ đến Email, điện thoại di động, điện thoại thông minh và máy điều hòa không khí… Tất cả đều là điều may mắn. Tuy nhiên, giữa những điều may mắn này, và bằng cách thức nào đó, vì chính những tiến bộ này mà công nghệ đã mang lại cho con người, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng sự dữ tiếp cận và có sức mạnh trong thời đại chúng ta, như chưa bao giờ trước đây. Đúng vậy, thật đáng buồn, thời đại chúng ta được đánh dấu bằng sự dữ chưa từng xảy ra. Bất kể tình trạng này, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng vẫn nói:
“Đừng sợ!”. Tại sao chúng ta không nên sợ? Vì Thánh Phaolô đã viết trong thư gửi các tín hữu Roma: “Ở đâu tội lỗi lan tràn, thì ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (5,20).
Nói cách khác, sự dữ không vượt trội được Thiên Chúa. Vì thế, trong một thời đại của sự dữ lớn lao, thậm chí Thiên Chúa lại càng muốn ban các ân huệ cao cả hơn, và trong thời đại chúng ta, các ân huệ thật lớn lao, chính xác vì có quá nhiều tội lỗi.
Như vậy, cơ bản điều tôi muốn chia sẻ trong phần còn lại về Lòng Chúa Thương Xót, giải thích về Lòng Chúa Thương Xót là chúng ta có thể làm thế nào để rút lấy những ân huệ đặc biệt trong thời đại chúng ta. Điều này rất có ý nghĩa. Tôi muốn nói rằng nếu có rất nhiều ân huệ cho chúng ta, thì tại sao chúng ta không biết rút lấy các ân huệ ấy.
Chúng ta phải làm thế nào để có được những ân huệ cao cả của Lòng Chúa Thương Xót trong thời đại chúng ta? Một cách thức quan trọng hầu đạt được ân huệ là sùng kính Lòng Chúa Thương Xót, và chúng ta thật dễ dàng học hỏi để làm được điều này. Toàn bộ điều bạn cần biết là một từ, một từ nhỏ bé – thật vậy, đó là một con chim nhỏ: finch (chim sẻ). F.I.N.C.H. Finch. Nếu bạn nhớ được từ này, thì bạn đã đạt được rồi đó. Nhưng bây giờ, tôi cần phải giải thích. Chúng ta hãy bắt đầu giải thích những chữ F.I.N.C.H., khởi đầu là chữ “F”:
F = Feast (Lễ). Lễ gì? Đó là Lễ kính Lòng Chúa Thương Xót, cũng được biết đến như Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót. Ngày Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót rơi vào Chúa Nhật II Phục Sinh, đây là ngày tôi thích nhất trong năm. Tôi hy vọng lúc tôi kết thúc giải thích về Chúa Nhật này, thì ngày này cũng sẽ ngày mà bạn thích nhất.
Điều rất cao quý về Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót là gì? Chúng ta hãy nhìn điều đó theo cách này: Ngày lễ quan trọng nhất trong năm là lễ gì? Lễ Phục Sinh, phải không? Và Lễ Phục Sinh có bao nhiêu ngày? Chúng ta mừng kính Lễ Phục Sinh suốt 8 ngày, đó là nguyên nhân tại sao chúng ta gọi là Tuần Bát Nhật Phục Sinh. Nhưng ngày cuối cùng, ngày thứ tám, lại là ngày quan trọng nhất trong số cả 8 ngày. Đây là tột đỉnh của toàn bộ lễ. Đúng, Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót là Ngày Thứ Tám Phục Sinh, tột đỉnh của toàn bộ việc cử hành Lễ Phục Sinh. Về mặt ý nghĩa, đây là ngày quan trọng nhất của ngày lễ quan trọng nhất [7].
Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót đã tồn tại từ lâu trước Thánh nữ Faustina. Trên thực tế, ngày lễ này có nguồn gốc từ các buổi cử hành Lễ Phục Sinh của Hội Thánh tiên khởi [8]. Khi Đức Giêsu bảo Thánh nữ Faustina rằng Người muốn lễ này được cử hành, chị đã hỏi một số vị linh mục và nhà thần học, thì các vị ấy đều nói với chị: “Đã có một ngày lễ như vậy rồi”. Do đó, Thánh nữ Faustina trở lại với Đức Giêsu và thưa với Người:
“Các vị ấy đều nói với con là đã có một ngày lễ như vậy rồi, vậy tại sao con nên nói về lễ này?”.
Đức Giêsu đáp lại:
“Có ai biết gì về ngày lễ này đâu? Chẳng một ai biết cả! Ngay cả những người lẽ ra phải rao giảng và dạy dỗ người khác về Lòng Thương Xót của Ta thì chính họ cũng chẳng biết gì…” [9].
Nói cách khác, lễ trọng kính Lòng Chúa Thương Xót đã bị lãng quên, và gần như hoàn toàn không được biết đến.
Vì thế, tôi vẫn hình dung Đức Giêsu nói với Thánh nữ Faustina: “Con hãy xem, Ta muốn mọi người đều biết và cử hành lễ này. Và để làm cho cuộc thỏa thuận trở nên ngọt ngào, Ta hứa ban các ân huệ cao cả trong Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót”.
Cụ thể, Người bảo chị:
"Trong ngày đó (Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót), chính những chiều sâu thuộc về lòng thương xót dịu hiền của Ta được mở ra. Ta tuôn đổ cả một đại dương ân huệ trên những linh hồn nào đến với suối nguồn thương xót của Ta… Trong ngày đó, tất cả mọi cánh cổng thần thánh đều mở ra, qua đó các ân huệ tuôn đổ xuống" [10].
Khi lần đầu tiên tôi đọc những lời hứa ban các ân huệ gắn bó với việc cử hành Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót, thì tôi quyết định thử nghiệm điều đó. Vì thế, khi tới ngày lễ, tôi đã cầu xin cho cha tôi đang cần đến ơn hoán cải. Ta ơn Chúa, cha tôi đã được ơn hoán cải trong chính ngày đó! Tất nhiên, hiện nay, không phải lúc nào cũng đạt hiệu quả như vậy, nhưng hàng ngàn, hàng ngàn người vẫn làm chứng cho sức mạnh siêu việt của lời cầu nguyện được dâng lên trong ngày Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót…
Về Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót, Đức Giêsu bảo Thánh nữ Faustina:
“Linh hồn nào Xưng tội và Rước lễ, đều sẽ nhận được ơn tha thứ trọn vẹn đối với các tội lỗi và hình phạt” [11].
Hiện nay, đây là một điều rất lớn lao. Điều này có nghĩa là nếu chúng ta chết ngay sau khi nhận được ơn này, thì chúng ta sẽ không phải vào luyện ngục!
Nói cách khác, cuộc đời chúng ta được rửa sạch. Trên thực tế, nhà thần học mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phân công để nghiên cứu câu hỏi:
“Ân huệ của Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót là gì?” đã so sánh ân huệ này với một Phép Rửa thứ hai [12].
Tất nhiên, ân huệ này giống như Phép Rửa, nhưng đây là một ân huệ đặc biệt, được thanh tẩy khỏi tội lỗi và hình phạt do tội lỗi.
Có nhiều người lẫn lộn ân huệ vĩ đại của Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót với ơn toàn xá. Không phải là cùng một ơn. Để đạt được ơn toàn xá, bạn cần phải thực hiện hành động tha thứ, cầu nguyện theo ý chỉ của Đức Thánh Cha, xưng tội, rước lễ và sạch tất cả mọi tội lỗi.
Điều cuối cùng mới có chuyện. Liệu chúng ta có được sạch tất cả mọi tội lỗi không? Tôi không biết. Nhưng có lần tôi đọc một câu chuyện, lúc Thánh Philip Neri đang nói với một đám đông thật lớn, bao gồm những người quy tụ trong sự kiện nào đó của Giáo Hội để nhận được ơn toàn xá, và Chúa Thánh Thần đã nói với Thánh Philip rằng chỉ có hai người trong cả đám đông sắp nhận được ơn toàn xá: chính Thánh Philip và một cậu bé 7 tuổi – có lẽ vì tất cả mọi người khác đều phạm tội.
Hiện nay, tin vui về ân huệ trong Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót là để nhận được ơn, thì bạn chỉ cần phải xưng tội trước hoặc trong ngày lễ – các chuyên gia nói là đôi khi, xưng tội trong Mùa Chay là đủ –, bạn ở trong trạng thái ân huệ (không phạm tội trọng), và Rước lễ với ý chỉ để nhận được ân huệ như đã hứa. Tất nhiên, chúng ta cũng nên thực hiện những hành vi thương xót, như tha thứ cho người khác, cầu nguyện cho người khác, và có ý định trở nên thương xót hơn đối với người lân cận.
Như vậy, điều trên đây giải thích cho ngày lễ. Bây giờ, chúng ta hãy xem xét chữ kế tiếp: chữ “I”, như trong F.I.…:
I = Image (Hình ảnh). Hình ảnh gì? Đó là Ảnh Lòng Chúa Thương Xót. Khi Đức Giêsu hiện ra với Thánh nữ Faustina, thì Người bảo chị hãy nhờ vẽ một tấm ảnh giống như Người. Thánh nữ vâng lời, và đã nhờ họa sĩ Eugene Kazimirowski, người Ba Lan, vẽ ảnh. Ông ấy phải vẽ thử 12 tấm ảnh, trước khi Thánh nữ Faustina vừa ý chấp nhận bản vẽ [13].
Như bạn có thể nhìn thấy, bàn tay phải của Đức Giêsu giơ lên ban phép lành. Người cũng tiến một bước về phía chúng ta, và hai chùm tia sáng phát xuất từ Trái Tim Người: một chùm tia sáng màu đỏ và một chùm tia sáng màu xanh nhạt, biểu hiện cho máu và nước tuôn trào từ cạnh sườn bị đâm thâu trên Thập Giá. Ở phần dưới cùng của tấm ảnh, Đức Giêsu muốn có một lời cầu nguyện được viết ra:
“Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”.
Người cũng hứa ban các ân huệ cao cả thông qua tấm ảnh này. Chẳng hạn, một lần Người nói:
'Ta đang ban cho mọi người một nguồn mạch mà qua đó, họ phải tiếp tục đến với các ân huệ … Nguồn mạch đó là tấm ảnh này, với dấu hiệu đặc trưng: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”. Nhờ phương tiện của tấm ảnh này, Ta sẽ ban nhiều ơn cho các linh hồn' [14].
Tôi đã gặp rất nhiều người từng trải nghiệm được các ân huệ đặc biệt, nhờ Ảnh Lòng Chúa Thương Xót. Một ân huệ đến thông qua tấm ảnh là thế này: Ân huệ chữa lành cách thức con người thường nhìn Thiên Chúa cách sai lầm. Đây là điều mà tôi muốn nói. Người ta rất thường có một hình ảnh sai lầm về Thiên Chúa. Họ sợ hãi Thiên Chúa, và họ coi Người như một kẻ hung ác, chỉ gắng sức phá hủy niềm vui của họ mà thôi. Ảnh Lòng Chúa Thương Xót giúp thay đổi cái nhìn sai lầm đó. Qua tấm ảnh này, chúng ta khám phá Đấng Cứu Độ đầy Lòng Thương Xót của chúng ta, chắc chắn kêu gọi chúng ta hoán cải, nhưng cũng chúc lành cho chúng ta, yêu thương chúng ta, và xứng đáng với toàn bộ niềm tín thác của chúng ta.
Kế tiếp, chúng ta đến với chữ “N”, như trong F.I.N…:
N = Novena (Tuần Chín Ngày). Tuần Chín Ngày gì? Đó là Tuần Chín Ngày kính Lòng Chúa Thương Xót. Tuần Chín Ngày cơ bản là 9 ngày cầu nguyện liên tục. Đức Giêsu dạy Thánh nữ Faustina một Tuần Chín Ngày mà Người muốn chị cầu nguyện, và tất cả chúng ta đều có thể cầu nguyện. Mỗi ngày, Đức Giêsu yêu cầu chúng ta phó thác cho Người một nhóm người khác nhau (chẳng hạn, cầu cho “tất cả các tội nhân” trong ngày thứ nhất, và cầu cho “tất cả các linh mục và tu sĩ” trong ngày thứ hai). Bạn có thể tìm được bản văn dành cho toàn bộ Tuần Chín Ngày trong Phụ lục 1, vì thế, tôi sẽ không nói về bản văn này ở đây.
Trước khi chuyển sang điểm kế tiếp, tôi chỉ muốn trả lời một câu hỏi mà người ta thường đặt ra về Tuần Chín Ngày: “Khi nào tôi nên bắt đầu?”. Bạn có thể cầu nguyện theo Tuần Chín Ngày bất cứ lúc nào [15], nhưng thời gian đặc biệt để cầu nguyện là khi chuẩn bị Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót. Thời điểm khởi đầu Tuần Chín Ngày, kết hợp với Chuỗi Thương Xót là Thứ Sáu Tuần Thánh, và kết thúc vào Thứ Bảy sau Chúa Nhật Phục Sinh, một ngày trước Lễ kính Lòng Chúa Thương Xót. (Tuần Chín Ngày tiêu biểu kết thúc trước ngày lễ). Mặc dù bạn không nhất thiết phải cầu nguyện theo Tuần Chín Ngày thì mới nhận được ân huệ của Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót, nhưng đây là một cách thức tốt để chuẩn bị, và Đức Giêsu đã hứa: “Qua Tuần Chín Ngày này, Ta sẽ ban cho các linh hồn mọi ân huệ có thể được” [16].
Bây giờ, chúng ta đến với chữ “C”, như trong F.I.N.C…:
C= Chaplet (Chuỗi). Chuỗi gì? Đó là Chuỗi Thương Xót. Đây là một cách cầu nguyện với Chuỗi Mân Côi thông thường, và cách này khá phổ biến ngày nay – có lẽ vì có thể cầu nguyện với một số lượng thời gian ngắn (khoảng 10 phút).
Tôi nghĩ một nguyên nhân khác khiến tại sao Chuỗi Thương Xót phổ biến như vậy, đó là vì đây là một cách cầu nguyện có tác động mạnh không thể tin nổi. Tại sao cách cầu nguyện này có tác động rất mạnh? Vì cách này rút lấy sức mạnh từ lời cầu nguyện thánh thiện nhất và mạnh mẽ nhất, đó là Thánh lễ. Nói cách khác, Chuỗi Thương Xót là một kiểu kéo dài lời cầu nguyện của Thánh lễ. Trên thực tế, đây là một kiểu kéo dài mà tôi gọi là “giây phút ‘tăng nạp’ của Thánh lễ”.
Ý tôi muốn nói là: Đây là một cách kéo dài giây phút vị linh mục trên bàn thờ cầm lấy Mình và Máu Thánh Đức Kitô trong tay, và dâng lên Chúa Cha với những lời này:
“Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi chúc tụng và vinh quang đều quy về Chúa, là Cha toàn năng, cùng với Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời. Amen”.
Thật là ‘tăng nạp’, vì trong Thánh lễ, Đức Giêsu đang tự hiến Mình, Máu Thánh, Linh hồn và Thần tính Người trong tay chúng ta, theo nghĩa đen ở trong tay vị linh mục, và theo nghĩa thiêng liêng ở trong tay tất cả mọi giáo dân đang kết hợp lễ hy sinh của họ với của lễ của vị linh mục trên bàn thờ. Cùng nhau, mỗi người theo cách thức riêng của mình, chúng ta dâng lên Chúa Cha hy tế tình yêu vô biên của Đức Giêsu. Đây chính là sức mạnh của Thánh lễ. Hy tế tình yêu của Đức Giêsu trong tay chúng ta, được dâng lên Chúa Cha, và Chúa Cha không thể từ chối một hy tế trọn hảo như vậy của tình yêu. Quả thật đây là lời cầu nguyện hoàn hảo.
Hiện nay, Chuỗi Thương Xót là một kiểu kéo dài lời cầu nguyện của Thánh lễ, vì thay cho “Kinh Lạy Cha” trong Chuỗi Mân Côi, chúng ta cầu nguyện:
“Lạy Cha Hằng hữu, con xin dâng lên Cha Mình và Máu, Linh hồn và Thần tính của Con rất yêu dấu Cha là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, để đền vì tội lỗi chúng con và (cái gì ?
…gia đình ? … thành phố ? … Không, không chỉ như vậy …) toàn thế giới”. Vì thế, đây là một lời cầu nguyện thật táo bạo: Cầu nguyện cho toàn thế giới! Và lời cầu nguyện thật táo bạo, vì trông cậy vào những công nghiệp vô biên: Hy tế tình yêu vô biên của Đức Kitô trên Thập Giá. Hoàn toàn đúng, vì thế, kinh này giải thích cho “Kinh Lạy Cha” trong Chuỗi Mân Côi.
Trong từng “Kinh Kính Mừng”, chúng ta đọc:
“Vì Cuộc Khổ Nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới”.
Nói cách khác, khi chúng ta dâng lên Chúa Cha hy tế tình yêu vô biên của Đức Giêsu, chúng ta tiếp tục lập đi lập lại:
“xin thương xót chúng con, xin thương xót chúng con, xin thương xót chúng con”. Cụ thể hơn, chúng ta tiếp tục cầu nguyện: “Xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới”.
Và điều này có tác động mạnh. Hãy tin tôi đi. Tôi đã từng nhận thấy sức mạnh của kinh này. Tôi đã từng được nghe những chứng từ. Và bạn biết điều này có tác động mạnh nhất cho ai không? Những người đang hấp hối. Cha trên Trời đã từng nói với Thánh nữ Faustina:
Khi con lần Chuỗi này bên cạnh giường của một người đang hấp hối … thì lòng thương xót khôn dò bao trùm linh hồn ấy, và tác động đến chính những chiều sâu lòng thương xót dịu hiền của Cha, vì Cuộc Khổ Nạn đau thương của Con Cha [17]p>
Cũng vậy, Đức Giêsu đã đưa ra một số lời hứa cho những ai cầu nguyện bằng Chuỗi Thương Xót:
Con hãy liên tục lần Chuỗi mà Ta đã dạy con. Bất cứ ai lần Chuỗi này, thì đều sẽ nhận được lòng thương xót cao cả trong giờ chết… Ngay cả nếu một tội nhân trầm trọng nhất lần Chuỗi này, dù chỉ một lần, thì họ sẽ nhận được ân huệ từ lòng thương xót vô biên của Ta [18].
Linh hồn nào lần Chuỗi này, thì sẽ được lòng thương xót của Ta ôm lấy họ trong suốt cuộc đời, và đặc biệt trong giờ chết [19].
Ôi! Thật là cao cả các ân huệ mà Ta sẽ ban cho các linh hồn nào lần Chuỗi này; chính những chiều sâu lòng thương xót dịu hiền của Ta xúc động vì những người lần Chuỗi này [20].
Hỡi con gái của Ta, hãy khuyến khích các linh hồn lần Chuỗi mà Ta đã ban cho con. Điều này làm vui lòng Ta, để ban tất cả các ơn mà họ cầu xin Ta, bằng cách lần Chuỗi. Khi các tội nhân trầm trọng lần Chuỗi, thì Ta sẽ đổ đầy vào linh hồn họ sự an bình, và giờ chết của họ sẽ là một giờ hạnh phúc [21].
Trên đây là chữ C dành cho Chuỗi Thương Xót. Để biết cách cầu nguyện bằng chuỗi thế nào, hãy xem Phụ lục 1. Bây giờ, chúng ta đến với chữ “H”, như trong F.I.N.C.H…:
H = Hour (Giờ). Giờ gì? đó là Giờ của Lòng Thương Xót Cao Cả. Vì Đức Giêsu đã chết trên Thập Giá lúc 3 giờ chiều, nên mỗi ngày, giữa 3 – 4 giờ chiều được biết đến như Giờ của Lòng Thương Xót Cao Cả. Trong giờ này, Đức Giêsu yêu cầu Thánh nữ Faustina hãy đi Đàng Thánh Giá, miễn là các bổn phận của chị cho phép [22]. Nhưng Người tiếp tục nói:
Nếu con không thể đi Đàng Thánh Giá, thì ít nhất, con hãy bước vào nhà nguyện một lát, và tôn thờ Trái Tim đầy lòng thương xót của Ta trong Bí Tích Cực Thánh; và nếu con không thể bước vào nhà nguyện, thì hãy tự nhận chìm mình trong lời cầu nguyện tại nơi nào con ở … và giá mà chỉ trong một lát ngắn ngủi, con hãy tự nhận chìm mình trong Cuộc Khổ Nạn của Ta, đặc biệt lúc Ta bị bỏ rơi trong giây phút đau đớn quằn quại [23].
Tôi thích điều đó, điều mà Đức Giêsu muốn trên đây, là chúng ta hãy có lòng thương xót đối với Đức Giêsu [24], qua việc đạo đức này! Nói cách khác, Người muốn chúng ta hãy nhớ lại hy tế tình yêu của Người. Người muốn chúng ta suy nghĩ về những việc Người đã làm cho chúng ta trên Thập Giá. Người chỉ muốn tình yêu của chúng ta thôi. Vì thế, chúng ta hãy “có được thói quen cầu nguyện lúc 3 giờ chiều”, và nhớ lại hy tế tình yêu mà Đức Giêsu đã dành cho chúng ta, ngay cả nếu chỉ một chốc lát thôi.
Ồ! Còn một điều khác nữa về Giờ của Lòng Thương Xót Cao Cả lúc 3 giờ chiều: Đức Giêsu hứa rằng đây là giờ của ân huệ lớn lao:
“Đây là Giờ của Lòng Thương Xót Cao Cả đối với toàn thế giới… Ta sẽ không từ chối ơn gì cho linh hồn nào cầu xin Ta vì Cuộc Khổ Nạn của Ta” [25].
Vì thế, tôi coi giờ này như một loại Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót-nhỏ bé, mà chúng ta nên có mỗi ngày.
Như vậy, đây cũng là lúc tuyệt vời để cầu nguyện cho những người thân yêu của chúng ta và lần Chuỗi Thương Xót, đặc biệt cho ơn hoán cải các tội nhân chưa sám hối. Về bản tóm tắt những cách thức chúng ta có thể tuân theo trong Giờ của Lòng Thương Xót Cao Cả, xin mời bạn xem phần ghi chú cuối cùng ở cuối sách [26].
Chúng ta đã giải thích về Lòng Chúa Thương Xót. Bây giờ, bạn có được tất cả những điều cần biết về việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót, và cách làm thế nào để rút lấy các ân huệ cao cả mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua việc này. Bạn chỉ cần nhớ từ FINCH, F-I-N-C-H, trong đó, F = Lễ kính Lòng Chúa Thương Xót; I = Ảnh Lòng Chúa Thương Xót; N = Tuần Chín ngày kính Lòng Chúa Thương Xót; C = Chuỗi Thương Xót; và H = Giờ của Lòng Thương Xót Cao Cả.
Tất nhiên, chúng ta chỉ đang nhắm đến lòng sùng kính. Chúng ta cũng học hỏi một số điều cơ bản trong sứ điệp Lòng Chúa Thương Xót. Nhưng chúng ta nên biết thêm một số điều liên quan đến cách làm sao để sống sứ điệp này.
Phương pháp “ABC về Lòng Chúa Thương Xót” của cha George Kosicki sẽ giúp chúng ta biết cách sống sứ điệp này.
Tôi muốn đề cập đến lòng sùng kính và cách sống sứ điệp Lòng Chúa Thương Xót, với hàm ý đầy đủ mà chúng ta tích cực tham dự trong các Bí tích. Vì các Bí tích là suối nguồn đích thực đối với lòng thương xót của Thiên Chúa:
A = Ask for Mercy (Cầu xin Lòng Thương Xót). Trong Kinh Thánh, Đức Giêsu bảo chúng ta:
“Anh em cứ xin thì sẽ được… Vì hễ ai xin thì nhận được” (Mt 7,7-8).
Trong Nhật ký của Thánh nữ Faustina, Đức Giêsu nhắc nhở chúng ta ý tưởng này:
Các linh hồn nào khẩn cầu lòng thương xót của Ta, thì đều làm vui lòng Ta. Thậm chí Ta còn ban cho các linh hồn này nhiều ân huệ hơn họ cầu xin. Ta không thể trừng phạt ngay cả đối với các tội nhân trầm trọng nhất, nếu họ khẩn cầu lòng thương xót của Ta [27]. Hãy khẩn cầu lòng thương xót cho toàn thế giới [28]. Không linh hồn nào khẩn cầu lòng thương xót của Ta mà bị thất vọng [29].
B = Be Merciful in Deeds, Word and Prayer (Trở nên Thương Xót bằng Hành vi, Lời nói, và Cầu nguyện). Như chúng ta đã học hỏi trước đây, lòng thương xót là tên gọi thứ hai của tình yêu. Đây là một loại tình yêu đặc biệt, một kiểu yêu thương đặc biệt, khi gặp phải nỗi đau khổ, nghèo nàn, suy sụp và tội lỗi.
Nhưng đây không chỉ là một động thái của trái tim. Đây không chỉ là cảm giác thương xót đối với người nào đó. Thật vậy, lòng thương xót cũng phải được thể hiện bằng hành động. Do đó, lòng thương xót thực sự là hai hoạt động: trái tim và cánh tay. Phần việc của “trái tim” là động thái của lòng trắc ẩn – đây là điều gì đó mà chúng ta cảm thấy được. Phần việc của “cánh tay” là động thái xoa dịu nỗi đau khổ của nhau – đây là việc mà chúng ta thực hiện. Và chúng ta nên làm gì? Đức Giêsu nói với chúng ta trong Nhật ký:
Ta ban cho con ba cách thức để thực thi lòng thương xót đối với người lân cận: thứ nhất – bằng hành vi, thứ hai – bằng lời nói, và thứ ba – bằng lời cầu nguyện. Trong ba mức độ này, đều chứa đựng đầy đủ lòng thương xót, và đây là một bằng chứng không thể bác bỏ về lòng yêu mến đối với Ta. Bằng phương tiện này, linh hồn tôn vinh Ta và bày tỏ lòng tôn kính đối với lòng thương xót của Ta [30].
Như vậy, thương xót bằng hành động là thương xót trong lời nói, hành vi và lời cầu nguyện. Và bất cứ khi nào tâm hồn chúng ta xúc động vì lòng trắc ẩn, dù ở bất cứ đâu, chúng ta đều có thể bày tỏ lòng trắc ẩn qua hành động, hoặc hành vi nào đó giúp xoa dịu nỗi đau khổ của người khác, bằng lời nói an ủi, hay giúp đỡ họ, hoặc bằng lời cầu nguyện. Như Thánh nữ Faustina đã viết:
“Nếu tôi không thể bày tỏ lòng thương xót bằng những hành vi hoặc lời nói, thì tôi vẫn luôn luôn có thể bày tỏ bằng lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện của tôi thậm chí còn vươn tới cả những nơi mà cơ thể tôi không thể vươn tới được” [31]
Tất nhiên, như chúng ta đã học hỏi trước đây, một trong những lời cầu nguyện cao cả nhất chính là Chuỗi Thương Xót.
C = Completely Trust (Hoàn toàn Tín Thác). Việc tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa giúp chúng ta nhập tâm sứ điệp Lòng Chúa Thương Xót, đây là nguyên nhân tại sao Ảnh Lòng Chúa Thương Xót có một lời cầu nguyện ở dưới cùng: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”.
Niềm tín thác không mang ý nghĩa là chúng ta được phép phạm tội tùy ý. Đúng hơn, niềm tín thác hàm ý là chúng ta sám hối các tội lỗi của mình. Dưới đây là một số trích dẫn thật hay, từ Nhật ký của Thánh nữ Faustina, liên quan đến niềm tín thác:
Con hãy khuyến khích các linh hồn mà con đến liên hệ, để họ tín thác vào lòng thương xót vô biên của Ta. Ôi! Ta yêu thương các linh hồn hoàn toàn tín thác vào Ta biết bao – Ta sẽ làm tất cả mọi sự cho họ [32].
Tại sao con khiếp hãi và run sợ khi được kết hiệp với Ta? Ta không vừa lòng khi một linh hồn đầu hàng nỗi sợ hãi không đâu. Ai dám đụng đến con, khi con đang ở với Ta? Linh hồn nào mạnh mẽ tin tưởng vào lòng nhân lành của Ta và hoàn toàn tín thác vào Ta, thì linh hồn ấy làm vui lòng Ta nhiều nhất. Ta đặt niềm tin nơi linh hồn đó và ban cho họ tất cả những gì họ cầu xin [33].
Ta mong ước cả thế giới đều nhận biết lòng thương xót vô biên của Ta. Ta mong ước ban các ân huệ không thể tưởng tượng nổi cho các linh hồn nào tín thác vào lòng thương xót của Ta [34].
Ta chính là Tình Yêu và Lòng Thương Xót. Khi một linh hồn đến với Ta trong niềm tín thác, Ta sẽ ban tràn đầy ân sủng đến nỗi họ không thể nén được trong mình mà phải giãi chiếu những ân sủng ấy cho các linh hồn khác [35].
Thà rằng trời đất này biến ra không, nhưng Lòng Thương Xót của Ta luôn ấp ủ mọi linh hồn tín thác [36].
Bây giờ, chúng ta đã biết phương pháp ABC và FINCH về lòng thương xót. Tất cả chúng ta đều được sắp xếp để sống trọn vẹn sứ điệp và việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót.
Tôi xin mời bạn ghé vào www.TheDivineMercy.org. Cũng vậy, nếu bạn có một điện thoại thông minh, thì bạn có thể tải xuống đầy đủ chương trình của Dòng Đức Maria, và chương trình ứng dụng miễn phí “Divine Mercy”, dành cho các thiết bị di động Apple và Android. Đối với những thông tin về việc nhận được Nhật ký của Thánh nữ Faustina, hoặc các nguồn cung cấp khác về Lòng Chúa Thương Xót, hãy xem các trang thông tin ở phần cuối sách này.
Cuối cùng, để học hỏi về cách làm thế nào để cử hành long trọng Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót trong giáo xứ, mời bạn ghé vào www.CelebrateMercySunday.org.
Cám ơn bạn đã đọc cuốn sách này, xin Thiên Chúa chúc lành cho bạn theo lòng thương xót của Người!
Nội Dung:
I. Chuỗi Thương Xót
II. Tuần Chín Ngày kính Lòng Chúa Thương Xót
III. Kinh cầu Kính Lòng Chúa Thương Xót của Thánh nữ Faustina
(Làm Dấu Thánh Giá)
Nhân Danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Amen.
1. Các Kinh Mở Đầu tùy chọn
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trút hơi thở cuối cùng, nhưng suối nguồn sự sống vẫn tuôn trào xuống các linh hồn, và đại dương thương xót vẫn mở ra cho toàn thế giới.
Ôi! Suối nguồn sự sống Lòng Thương Xót vô biên của Chúa, xin bao phủ thế giới và trút hết cho chúng con.
Kính lạy Máu và Nước đã tuôn trào từ Thánh Tâm Chúa Giêsu, như thác nguồn Thương Xót chúng con, con tín thác vào Chúa.
2. Kinh Lạy Cha:
Lạy Cha chúng con …
3. Kinh Kính Mừng:
Kính Mừng Maria …
4. Kinh Tin Kính:
Tôi tin kính …
5. Kinh Lạy Cha Hằng Hữu:
Lạy Cha Hằng Hữu, con xin dâng lên Cha, Mình và Máu, Linh hồn và Thần tính của Con rất yêu dấu Cha, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Để đền vì tội lỗi chúng con và toàn thế giới.
6. Đọc trong Mười Hạt Nhỏ của Mỗi Chục:
Vì Cuộc Khổ Nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới.
7. Lập lại trong bốn Chục còn lại:
Đọc “Lạy Cha Hằng Hữu …” trong phần [6] thay cho hạt “Kinh Lạy Cha”, rồi đọc 10 lần “Vì Cuộc Khổ Nạn …” trong phần [7] thay cho hạt “Kinh Kính Mừng”.
8. Chấm dứt bằng Kinh Lạy Đấng Chí Thánh (lập lại ba lần):
Lạy Đấng Chí Thánh là Thiên Chúa Toàn Năng Hằng Hữu, xin thương xót chúng con và toàn thế giới.
9. Kinh Kết Thúc tùy chọn:
Lạy Cha Hằng Hữu, trong Cha có lòng thương vô hạn và kho tàng nhân hậu vô biên, xin hãy đoái nhìn chúng con, và tăng thêm lòng thương xót nơi chúng con, để chúng con khỏi thất vọng và ngã lòng trong những lúc khó khăn, nhưng hết lòng tin tưởng và vâng phục theo Thánh ý Cha, Đấng chính là Tình Yêu và Lòng Thương Xót. Amen.
Kính Lòng Chúa Thương Xót (Nhật ký, 1209-1229)
(Những ý chỉ và kinh nguyện trong Tuần Chín ngày sau đây rất nên đọc chung với Chuỗi Lòng Thương Xót, vì Chúa chúng ta yêu cầu cụ thể phải lần chuỗi trong Tuần Chín Ngày, đặc biệt trước Lễ kính Lòng Chúa Thương Xót).
Hôm nay, con hãy dâng lên Ta TOÀN THỂ NHÂN LOẠI, ĐẶC BIỆT CÁC TỘI NHÂN và hãy nhận chìm họ trong đại dương Thương Xót của Ta. Bằng cách đó, con sẽ an ủi Ta trong nỗi đắng cay do sự hư mất của linh hồn tội lỗi.
Lạy Chúa Giêsu đầy Lòng Thương Xót, bản tính Chúa là trắc ẩn, yêu thương và tha thứ. Xin Chúa đừng nhìn đến tội lỗi chúng con, nhưng hãy nhìn xem chúng con tín thác vào lòng nhân hậu vô cùng của Chúa. Xin hãy đón nhận hết thảy chúng con vào Trái Tim từ bi lân tuất của Chúa, và đừng bao giờ để chúng con lìa khỏi nơi đó. Chúng con cầu xin nhân danh tình yêu kết hiệp Chúa, làm một cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.
Lạy Cha Hằng Hữu, xin Cha ghé mắt xót thương toàn thể nhân loại, cách riêng các tội nhân khốn khổ. Họ đang ẩn mình trong Trái Tim từ bi vô cùng lân tuất của Chúa Giêsu. Vì cuộc tử nạn của Người, xin Cha tỏ bày tình thương của Cha cho chúng con, để chúng con ngợi khen quyền năng Lòng Thương Xót của Cha đến muôn đời. Amen.
Hôm nay, con hãy dâng lên Ta LINH HỒN CỦA CÁC LINH MỤC VÀ TU SĨ và hãy nhận chìm các ngài vào Lòng Thương Xót hải hà của Ta. Chính các ngài là những người đem đến cho Ta nghị lực, để gánh chịu Cuộc Khổ Nạn cay đắng của Ta. Các ngài là những ống máng để Lòng Thương Xót của Ta qua đó tuôn đổ xuống nhân loại.
Lạy Chúa Giêsu đầy Lòng Thương Xót, căn nguyên mọi sự tốt lành, xin Chúa tăng thêm ơn thánh cho các linh mục và tu sĩ, hầu các ngài có đủ khả năng thực hiện các nghĩa cử từ bi bác ái cho xứng đáng, để mọi người xem thấy hành động của các ngài, mà tôn vinh Thiên Chúa là Cha đầy Lòng Thương Xót đang ngự trên trời.
Lạy Cha Hằng Hữu, xin Cha ghé mắt xót thương đến những môn đồ được chọn trong vườn nho của Cha, đó là các linh mục và tu sĩ. Xin Cha ban cho các ngài sức mạnh và phúc lành của Cha. Vì tình yêu của Trái Tim Cha, nơi náu thân cho các linh mục và tu sĩ, xin Cha thông ban cho các ngài có khả năng dẫn dắt kẻ khác trên đường cứu độ, và hợp lời hát mừng Lòng Thương Xót của Cha đến muôn đời. Amen.
…………………………………………
* Trong bản văn gốc, Thánh nữ Faustina sử dụng đại từ “chúng con”, vì chị đang dâng lên kinh nguyện này với tư cách là một nữ tu tận hiến. Cách diễn đạt thích nghi ở đây có ý định làm cho kinh nguyện phù hợp với cách sử dụng chung.
Hôm nay, con hãy dâng lên Ta TẤT CẢ NHỮNG LINH HỒN TRUNG THÀNH VÀ ĐẠO ĐỨC và hãy nhận chìm họ trong đại dương Thương Xót của Ta. Các linh hồn này đã đem đến cho Ta niềm an ủi trên đường thập giá. Chính họ là những giọt nước ủi an giữa biển cay đắng xót xa của Ta.
Lạy Chúa Giêsu đầy Lòng Thương Xót, từ kho tàng xót thương, Chúa đã đổ chan hòa các ân huệ trên từng người và mọi người. Xin hãy đón nhận chúng con vào Trái Tim từ bi lân tuất của Chúa, và đừng bao giờ để chúng con lìa khỏi đó. Chúng con cầu xin Chúa ơn này, vì tình yêu kỳ diệu của Trái Tim Chúa đối với Cha trên trời.
Lạy Cha Hằng Hữu, xin ghé mắt từ bi đoái thương đến các linh hồn trung nghĩa, họ là gia nghiệp của Con Chí Thánh Cha. Nhân vì Cuộc Khổ Nạn đau thương của Người, xin Cha chúc lành và che chở họ luôn mãi. Như vậy, họ sẽ không bị sa sút trong tình yêu, hoặc đánh mất kho tàng đức tin thánh thiện. Nhưng cùng với các thiên thần và các thánh, họ sẽ tôn vinh Lòng Thương Xót của Cha đến muôn đời. Amen.
Hôm nay, con hãy dâng lên Ta NHỮNG NGƯỜI NGOẠI GIÁO VÀ NHỮNG NGƯỜI CHƯA NHẬN BIẾT TA.
Ta đã nghĩ đến họ trong Cuộc Khổ Nạn đau thương của Ta. Lòng nhiệt thành tương lai của họ đã an ủi Trái Tim Ta. Hãy nhận chìm họ trong đại dương Thương Xót của Ta.
Lạy Chúa Giêsu đầy Lòng Thương Xót, Chúa là ánh sáng chiếu soi toàn thế giới. Xin hãy đón nhận vào Trái Tim vô cùng từ bi của Chúa linh hồn các người ngoại giáo và những người chưa nhận biết Chúa. Nguyện xin ánh sáng ân sủng của Chúa chiếu soi họ, để họ cũng được cùng với chúng con tôn vinh Lòng Thương Xót kỳ diệu của Chúa, và đừng để họ lìa xa Trái Tim vô cùng từ bi của Chúa.
Lạy Cha Hằng Hữu, xin đoái thương đến những linh hồn các người ngoại giáo và những người chưa nhận biết Cha, nhưng vẫn được ôm ấp trong Trái Tim vô cùng từ bi của Chúa Giêsu, xin Cha dẫn họ tới ánh sáng Phúc Âm. Những linh hồn này chưa biết rằng yêu mến Cha là hạnh phúc cao cả. Xin ban cho họ thấu hiểu tình thương bao la của Cha đến muôn đời. Amen.
………………………………………….
* Những lời gốc của Chúa chúng ta ở đây là “dân ngoại”. Từ Triều đại Giáo Hoàng của Đức Gioan Phaolô II, Giáo Hội nhận thấy phù hợp khi thay thế thuật ngữ này bằng thuật ngữ rõ rệt hơn và phù hợp hơn.
Hôm nay, con hãy dâng lên Ta LINH HỒN NHỮNG NGƯỜI ĐÃ TỰ LY KHAI KHỎI GIÁO HỘI và hãy nhận chìm họ trong đại dương Thương Xót của Ta. Trong Cuộc Khổ Nạn cay đắng của Ta, chính họ đã xé nát thân mình và Trái Tim Ta, tức Giáo Hội của Ta. Khi nào họ trở về hợp nhất với Giáo Hội, lúc đó các thương tích của Ta mới được lành, và nhờ đó, họ làm dịu bớt Cuộc Khổ Nạn của Ta.
Lạy Chúa Giêsu đầy Lòng Thương Xót, là chính sự lân ái, Chúa không hề từ chối những ai tìm kiếm ánh sáng của Chúa. Xin đón nhận vào Trái Tim vô cùng từ bi lân mẫn của Chúa linh hồn những người lạc giáo và ly giáo. Xin lấy ánh sáng của Chúa dẫn dắt họ về hiệp nhất với Giáo Hội, đừng để họ lìa khỏi Trái Tim từ bi lân ái Chúa, nhưng xin dẫn họ về, để họ cũng được tôn vinh lòng quảng đại xót thương của Chúa.
Lạy Cha Hằng Hữu, xin Cha ghé mắt nhìn đến linh hồn những người lạc giáo và ly giáo từng làm tổn thương đến phúc lành Cha ban, lạm dụng các ân huệ của Cha, vì họ cố chấp trong lầm lạc của mình. Xin Cha đừng xem các lỗi lầm của họ, nhưng nhìn đến tình yêu của Con Chí Thánh Cha, và Cuộc Khổ Nạn cay đắng của Người. Vì họ, Người đã gánh chịu đau khổ, bởi vì Trái Tim vô cùng từ bi của Người vẫn bao bọc lấy họ. Nguyện xin Cha làm cho họ sớm trở về, để họ cũng được tung hô Lòng Thương Xót của Cha đến muôn đời. Amen.
………………………………………………
* Những lời gốc của Chúa chúng ta ở đây là “lạc giáo” và “ly giáo”, vì Người nói với Thánh nữ Faustina trong bối cảnh thời đại của chị. Từ Công Đồng Vatican II, các vị có thẩm quyền trong Giáo Hội nhận thấy không phù hợp khi sử dụng những cách biểu thị đó, theo lời giải thích được đưa ra trong Sắc Lệnh về Đại Kết (số 3). Từ thời Công Đồng, các Đức Giáo Hoàng đều tái khẳng định cách sử dụng đó. Chắc hẳn chính Thánh nữ Faustina đồng ý, vì tâm hồn chị luôn hòa hợp với tinh thần Giáo Hội.
Hôm nay, con hãy dâng lên Ta LINH HỒN NHỮNG NGƯỜI HIỀN LÀNH, KHIÊM NHƯỜNG VÀ CÁC TRẺ THƠ và hãy nhận chìm họ trong đại dương Thương Xót của Ta. Những linh hồn này giống Trái Tim Ta hơn hết. Họ đã thêm nghị lực cho Ta trong Cuộc Khổ Nạn đắng cay. Ta nhìn họ như những thiên thần trần thế, họ sẽ canh thức trước bàn thờ của Ta. Ta sẽ tuôn hồng ân xuống cho họ. Chỉ những linh hồn khiêm nhường mới có thể nhận được hồng ân của Ta. Ta đặc biệt tín nhiệm ở những linh hồn ấy.
Lạy Chúa Giêsu đầy Lòng Thương Xót, Chúa đã phán:
“Các con hãy học nơi Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.
Xin Trái Tim từ bi của Chúa che chở các linh hồn trẻ thơ, cùng những linh hồn hiền lành và khiêm nhường. Các linh hồn ấy làm cho Thiên Đàng phải ngưỡng mộ, vì họ được Chúa Cha thương mến. Những linh hồn ấy như đóa hoa đầy hương thơm ngào ngạt dâng lên trước tòa Chúa. Lạy Chúa Giêsu, xin cho họ được ở trong Trái Tim từ bi Chúa luôn, để họ không ngừng ca ngợi tình yêu và lòng nhân hậu của Chúa.
Lạy Cha Hằng Hữu, xin Cha đoái thương các linh hồn hiền lành và khiêm nhường, các linh hồn trẻ thơ đã được che chở trong Trái Tim từ bi Chúa Giêsu. Họ khiêm nhường giống như Con Cha, và hương thơm nhân đức bay lên trước ngai tòa Cha. Lạy Cha nhân từ và lòng lành vô cùng, chúng con cậy vì tình yêu Cha dành cho họ, để nài xin Cha chúc lành cho toàn thế giới, hầu chúng con được ca tụng Lòng Thương Xót của Cha đến muôn đời. Amen.
Hôm nay, con hãy dâng lên Ta LINH HỒN NHỮNG NGƯỜI SÙNG KÍNH VÀ LÀM SÁNG DANH LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA TA và hãy nhận chìm họ trong Lòng Thương Xót của Ta. Các linh hồn này đã cảm nhận được sự đau khổ trong Cuộc Khổ Nạn của Ta. Họ là hình ảnh sống động của Trái Tim từ bi Ta. Họ sẽ sáng ngời đặc biệt ở đời sau. Không một ai bị rơi vào hỏa ngục. Ta sẽ bào chữa cách riêng cho từng người trong giờ lâm chung.
Lạy Chúa Giêsu đầy Lòng Thương Xót, Trái Tim là nguồn yêu mến. Xin Trái Tim từ bi Chúa che chở các linh hồn hằng ca ngợi và sùng kính lòng khoan nhân của Chúa, để nhờ chính quyền năng Chúa, họ mạnh sức và vững tiến giữa những cơn đau khổ và hoạn nạn. Những linh hồn này kết hợp với Chúa, để mang nhân loại trên vai họ. Khi giã từ đời này, họ sẽ không bị phán xét bằng sự công chính, trái lại, Lòng Thương Xót của Chúa sẽ bao trùm lấy họ.
Lạy Cha Hằng Hữu, xin Cha đoái thương những người sùng kính cùng làm sáng danh Lòng Thương Xót vô biên của Cha, họ đã được che chở trong Trái Tim từ bi Chúa Giêsu, họ là Phúc Âm sống động, bàn tay họ chứa đầy những nghĩa cử nhân hậu, và trí óc họ luôn đầy niềm hân hoan ca ngợi Lòng Thương Xót của Cha. Ôi! Lạy Đấng Tối Cao! con van nài Cha hãy dủ Lòng Thương Xót, vì họ đã trông cậy và tin tưởng nơi Cha. Xin Cha thực hiện lời hứa của Chúa Giêsu rằng: “Đích thân Ta sẽ bảo vệ họ, như bảo vệ vinh quang Ta trong suốt cuộc sống họ, và cách riêng trong giờ lâm chung”, bởi vì họ là những tâm hồn sùng kính Lòng Thương Xót bao la không cùng của Cha. Amen.
………………………………………………
* Bản văn đưa chúng ta đến kết luận rằng phần đầu của kinh nguyện hướng tới Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ, đang cầu nguyện cho các linh hồn “lễ vật” và chiêm niệm; nghĩa là những người đó tình nguyện hiến thân cho Thiên Chúa, hầu cứu độ người lân cận (xem Cl 1,24; 2 Cr 4,12). Điều này giải thích mối liên kết chặt chẽ của họ với Đấng Cứu Độ, và hiệu quả đặc biệt mà hoạt động vô hình của họ có đối với những người khác. Trong phần thứ hai của kinh nguyện hướng tới Chúa Cha, Đấng mà từ Người, phát xuất “mọi ân huệ xứng đáng và mọi ơn ích đích thực”, chúng ta phó thác các linh hồn “tích cực”, những người củng cố và thực hiện việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót, trong tất cả những công việc khác vốn dốc sức vào việc nâng cao các anh chị em mình về mặt tinh thần và vật chất.
Hôm nay, con hãy dâng lên Ta CÁC LINH HỒN BỊ GIAM CẦM TRONG LUYỆN NGỤC và hãy nhận chìm họ trong đại dương Thương Xót của Ta. Hãy để nguồn Máu Thánh Ta làm dịu bớt ngọn lửa hồng đang thiêu đốt họ. Tất cả các linh hồn này được Ta hết lòng hết dạ thương yêu. Họ đang đền trả trước sự công chính của Ta. Chỉ chúng con mới có khả năng đem lại sự giải thoát cho họ. Hãy lãnh nhận mọi ân xá từ kho tàng của Giáo Hội dâng cho các linh hồn đó. Ôi! Nếu con hiểu thấu được những cực hình mà họ phải chịu, chắc con không ngừng làm việc lành phúc đức dâng hiến thay cho họ, và giúp họ đền trả sự công chính của Ta.
Lạy Chúa Giêsu đầy Lòng Thương Xót, Chúa đã phán:
“Các con hãy xót thương như Cha các con trên trời hay thương xót”.
Xin Trái Tim từ bi Chúa che chở các linh hồn nơi luyện ngục, những linh hồn mà Chúa rất thương yêu, và họ phải ăn năn đền tội cho sự công bằng của Chúa. Nguyện xin Máu cùng Nước chảy ra từ Trái Tim Chúa dập tắt lửa luyện ngục, để các linh hồn đó cũng được ngợi khen Lòng Thương Xót của Chúa.
Lạy Cha Hằng Hữu, xin Cha đoái thương các linh hồn trong luyện ngục, vì họ được bao bọc trong tình yêu của Chúa Giêsu. Con nài xin Cha, vì Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, Con Một Cha, và vì mọi nỗi đắng cay ngập tràn trong linh hồn Chúa Chí thánh. Xin Cha thương xót những linh hồn đã trải qua cuộc phán xét nghiêm minh. Xin Cha đoái thương họ qua thương tích Chúa Giêsu, để chúng con tin tưởng vào lòng từ bi nhân lành của Cha tuyên xưng không ngơi. Amen.
Hôm nay, con hãy dâng lên Ta LINH HỒN NHỮNG NGƯỜI KHÔ KHAN, NGUỘI LẠNH và hãy nhận chìm họ vào vực thẳm Lòng Thương Xót của Ta. Những linh hồn này đã làm Ta đau đớn nhất. Linh hồn Ta tan nát khủng khiếp trong Vườn Cây Dầu cũng vì những linh hồn nguội lạnh này. Họ là lý do Ta phải kêu lên:
“Lạy Cha, xin cất chén đắng này cho Con, nhưng xin đừng theo ý Con, mà theo ý Cha”.
Hy vọng cuối cùng để họ được cứu vớt là biết chạy đến kêu xin Lòng Thương Xót của Ta.
Lạy Chúa Giêsu đầy Lòng Thương Xót, xin Trái Tim Chúa che chở các linh hồn nguội lạnh. Mặc dù họ đã làm cho Chúa ngao ngán, nhưng xin Chúa ban ơn cho họ trở nên ngọn lửa sốt mến. Ôi lạy Chúa Giêsu đầy nhân hậu, hãy dủ Lòng Thương Xót bao la, để lôi kéo họ trở về tình yêu nồng cháy của Chúa, và xin Chúa ban cho họ tình yêu thánh thiện, cậy vì công nghiệp của Chúa.
Lạy Cha Hằng Hữu, xin Cha đoái thương các linh hồn nguội lạnh. Dầu sao thì họ cũng được che chở bởi Trái Tim từ bi Chúa Giêsu. Lạy Cha đầy Lòng Thương Xót, cậy vì sự đắng cay thống khổ của Con Yêu Dấu Cha, và ba giờ Người hấp hối trên cây thập giá, chúng con nài xin Cha cho họ cũng được hát khen Lòng Thương Xót của Cha. Amen.
------------------------------------------------
* Để hiểu được các linh hồn nào được nhắc đến trong ngày hôm nay và trong Nhật ký bị gọi là “nguội lạnh”, nhưng cũng bị so sánh với băng giá và xác chết, thật tốt khi chúng ta ghi chú định nghĩa, mà có lần chính Đấng Cứu Độ đã đưa ra, khi Người nói với Thánh nữ Faustina về họ:
“Có những linh hồn cản trở những nỗ lực của Ta (1682). Những linh hồn không có lòng yêu mến hoặc sùng kính, những linh hồn đầy ích kỷ và cố chấp, tự hào và kiêu ngạo, những linh hồn đầy gian dối và đạo đức giả, những linh hồn nguội lạnh chỉ đủ sức nóng vừa phải để giữ cho họ sống. Trái Tim Ta không thể chịu đựng nổi tình trạng này. Tất cả các ân huệ mà Ta đổ xuống họ đều trôi tuột khỏi họ, như bề mặt của một tảng đá. Ta không thể chịu đựng nổi họ, vì họ không tốt cũng không xấu” (1702).
III. Kinh cầu Kính Lòng Chúa Thương Xót của Thánh nữ Faustina
Lòng Chúa Thương Xót tuôn trào từ lòng Chúa Cha.
Con tín thác vào Chúa. (Đáp sau mỗi câu)
Lòng Chúa Thương Xót là ưu phẩm cao cả nhất của Người.
Lòng Chúa Thương Xót là mầu nhiệm không hiểu thấu.
Lòng Chúa Thương Xót phát nguồn từ mầu nhiệm Ba Ngôi Cực Thánh.
Lòng Chúa Thương Xót mọi trí khôn nhân loại và Thiên Thần khôn dò được.
Lòng Chúa Thương Xót là nguồn ban mọi sự sống và phúc lành.
Lòng Chúa Thương Xót cao cả hơn các tầng trời.
Lòng Chúa Thương Xót là suối nguồn phép lạ và kỳ công.
Lòng Chúa Thương Xót xuống trong Ngôi Lời Nhập Thể.
Lòng Chúa Thương Xót phát xuất từ thương tích rộng mở của Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Lòng Chúa Thương Xót chứa trọn trong Thánh Tâm Chúa Giêsu, cho chúng con, và cách riêng cho kẻ có tội.
Lòng Chúa Thương Xót vô phương hiểu thấu trong việc thiết lập phép Thánh Thể.
Lòng Chúa Thương Xót trong việc thành lập Hội Thánh.
Lòng Chúa Thương Xót trong Bí Tích Thánh Tẩy.
Lòng Chúa Thương Xót trong việc thánh hóa chúng con được nên công chính qua Chúa Giêsu Kitô.
Lòng Chúa Thương Xót đồng hành với chúng con suốt đời.
Lòng Chúa Thương Xót ấp ủ chúng con, nhất là trong giờ lâm tử.
Lòng Chúa Thương Xót ban sự sống bất diệt cho chúng con.
Lòng Chúa Thương Xót đồng hành với chúng con mỗi giây phút của cuộc đời.
Lòng Chúa Thương Xót che chở chúng con khỏi lửa hỏa ngục.
Lòng Chúa Thương Xót trong việc hoán cải các tội nhân cứng lòng.
Lòng Chúa Thương Xót làm sửng sốt các Thiên Thần, và các Thánh vô phương hiểu thấu.
Lòng Chúa Thương Xót vô biên trong mọi mầu nhiệm của Thiên Chúa.
Lòng Chúa Thương Xót nâng đỡ chúng con khỏi mọi bất hạnh.
Lòng Chúa Thương Xót là suối nguồn hạnh phúc và niềm hân hoan của chúng con.
Lòng Chúa Thương Xót kêu gọi chúng con từ hư không thành hiện hữu.
Lòng Chúa Thương Xót ấp ủ mọi công trình của bàn tay Người.
Lòng Chúa Thương Xót là nơi tất cả chúng con được dìm trong đó.
Lòng Chúa Thương Xót là nơi nâng đỡ ngọt ngào cho những tâm hồn tan nát.
Lòng Chúa Thương Xót là nguồn hy vọng duy nhất của những linh hồn thất vọng.
Lòng Chúa Thương Xót là nơi các tâm hồn yên nghỉ và bình an giữa chốn hãi hùng.
Lòng Chúa Thương Xót là niềm vui ngây ngất của những linh hồn thánh thiện.
Lòng Chúa Thương Xót gợi lòng cậy trông khi tuyệt vọng.
Nội Dung
I. “Những trích dẫn hàng đầu về Lòng Chúa Thương Xót” từ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
II. “Những trích dẫn hàng đầu về Lòng Chúa Thương Xót” từ Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI
III. Các Định Nghĩa của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về Lòng Chúa Thương Xót
I. “Những trích dẫn hàng đầu về Lòng Chúa Thương Xót” từ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
1. Ngay từ khởi đầu sứ vụ của tôi tại Tòa Thánh Phêrô ở Roma, tôi đã coi như sứ điệp này (sứ điệp Lòng Chúa Thương Xót) là nhiệm vụ đặc biệt của mình. Chúa quan phòng đã giao phó cho tôi sứ điệp này, trong tình hình hiện nay của con người, Giáo Hội và thế giới. Có thể nói chính xác là tình hình hiện nay đã giao phó cho tôi sứ điệp này, như là nhiệm vụ của tôi trước mặt Thiên Chúa. (Diễn từ công khai tại Thánh Điện Tình Yêu Thương Xót ở Collevalenza, Ý ngày 22 Tháng 11, 1981)
2. Quả thật kỳ diệu biết bao, khi lòng sùng kính (của Thánh nữ Faustina) đối với Chúa Giêsu Thương Xót đang lan truyền trong thế giới đương thời của chúng ta, và thu phục được rất nhiều linh hồn! Chắc hẳn đây là một dấu chỉ của thời đại – một dấu chỉ trong thế kỷ XX của chúng ta. Hiện nay, sự quân bình của thế kỷ này đang kết thúc, ngoài những tiến bộ thường vượt quá những tiến bộ của các thời kỳ trước đó, cho thấy một nỗi thao thức sâu xa và sợ hãi đối với tương lai. Thế giới có thể tìm được ở đâu nơi nương náu và ánh sáng của niềm hy vọng, nếu không phải là trong Lòng Chúa Thương Xót? (Bài giảng Lễ phong Chân Phước cho Nữ tu Faustina, ngày 18 Tháng 4, 1993)
3. Trên thực tế, từ đây phổ biến sứ điệp Lòng Chúa Thương Xót, mà chính Đức Kitô đã chọn để chuyển cho thế hệ chúng ta, thông qua Chân phước Faustina. Đây là một sứ điệp thật rõ rệt và dễ hiểu đối với tất cả mọi người. Bất cứ ai đều có thể đến đây, ngắm nhìn tấm ảnh này của Chúa Giêsu Thương Xót, Trái Tim Người chiếu tỏa ân huệ, và nghe được trong chiều sâu linh hồn mình điều mà Chân phước Faustina đã từng nghe:
“Đừng sợ, Ta luôn luôn ở với con” (Nhật ký, II).
Và nếu người đó đáp lại bằng tâm hồn chân thành:
“Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”,
thì họ sẽ tìm được niềm an ủi trong tất cả những nỗi lo lắng và sợ hãi của mình. Trong cuộc đối thoại này về sự từ bỏ, một mối liên kết đặc biệt giữa Đức Kitô và con người được thiết lập, làm cho tình yêu được tự do. Và “tình yêu không biết đến sợ hãi; nhưng tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi” (1 Ga 4,18). (Nói với các Nữ tu Dòng Đức Bà Thương Xót, tại Thánh điện Lòng Thương Xót Chúa ở Krakow- Lagiewniki, Ba Lan, ngày 7 Tháng 6, 1997)
4. Tôi đến đây để giới thiệu những mối quan tâm của Giáo Hội và nhân loại đối với Đức Kitô đầy lòng thương xót. Trên ngưỡng cửa của Thiên Niên Kỷ III, tôi đến đây để một lần nữa phó thác cho Người sứ vụ của tôi tại Tòa Thánh Phêrô:
“Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”.
Đối với tôi, sứ điệp Lòng Chúa Thương Xót vẫn luôn gần gũi và thân yêu. Tôi mang theo sứ điệp này cùng tôi đến với Tòa Thánh Phêrô và… theo một ý nghĩa, sứ điệp này tạo nên hình ảnh Giáo Triều của tôi… Tôi vẫn liên lỉ cầu xin Thiên Chúa:
“Xin thương xót chúng con và toàn thế giới”. (Nói với các Nữ tu Dòng Đức Bà Thương Xót, tại Thánh Điện Lòng Chúa Thương Xót ở Krakow- Lagiewniki, Ba Lan, ngày 7 Tháng 6, 1997)
5. Ánh sáng của Lòng Chúa Thương Xót… sẽ soi sáng đường đi cho con người trong Thiên Niên Kỷ III… Việc phong thánh cho Nữ tu Faustina có một ngôn ngữ đặc biệt; qua việc này, hôm nay, tôi có ý định chuyển sứ điệp Lòng Chúa Thương Xót đến Thiên Niên Kỷ III. (Bài giảng Lễ phong thánh cho Thánh nữ Faustina ngày 30 Tháng 4, 2000)
6. “Đây là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi”. (Những lời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói với bác sĩ Valentin Fuster, (chuyên khoa tim mạch, người điều tra việc chữa lành bệnh tim cho cha Ron Pytel, nhờ lời cầu bầu của Thánh nữ Faustina), trong lễ phong thánh cho chị, ngày 30 Tháng 4, 2000. Đức Thánh Cha cũng làm cho “Chúa nhật kính Lòng Chúa Thương Xót” được Giáo Hội nhìn nhận trên toàn cầu)
7. Vì thế, hôm nay, trong Thánh Điện này, tôi muốn long trọng phó thác thế giới cho Lòng Chúa Thương Xót. Tôi làm như vậy với mong ước bùng cháy, rằng sứ điệp Tình Yêu Thương Xót của Thiên Chúa, được công bố ở đây thông qua Thánh nữ Faustina, có thể làm cho tất cả mọi người trên trái đất đều nhận biết, và tuôn đổ niềm hy vọng vào trong tâm hồn họ. Cầu mong sao sứ điệp này chiếu tỏa từ nơi đây, đến quê hương yêu dấu của chúng ta, và xuyên suốt toàn thế giới. Cầu mong sao lời hứa ràng buộc của Chúa Giêsu được thực hiện: từ đây, phải chiếu tỏa ra “ánh sáng sẽ chuẩn bị cho thế giới về ngày Chúa đến lần cuối” (xem Nhật ký, 1732). Ánh sáng này cần được ân huệ Thiên Chúa soi sáng. Ngọn lửa này của lòng thương xót cần được chuyển đến thế giới. Trong Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, thế giới sẽ tìm được sự an bình, và nhân loại sẽ tìm được niềm hạnh phúc! (Bài giảng ngày Cung Hiến Thánh điện Lòng Chúa Thương Xót ở Krakow-Lagiewniki, ngày 17 Tháng 8, 2002)
8. Hôm nay, chúng ta đặc biệt được mời gọi, để công bố ra trước thế giới sứ điệp về Lòng Chúa Thương Xót. Chúng ta không thể sao lãng nhiệm vụ, nếu chính Thiên Chúa mời gọi chúng ta đến với sứ điệp này, thông qua chứng từ của Thánh nữ Faustina. Vì mục đích đó, Thiên Chúa đã chọn thời đại chúng ta… Khi Đức Kitô sử dụng chứng từ của một nữ tu thấp kém, thì như thể Người đi vào thời đại chúng ta, hầu chỉ định rõ nguồn gốc của niềm hy vọng và ơn trợ giúp, được tìm thấy trong lòng thương xót vĩnh cửu của Thiên Chúa. Sứ điệp về Tình Yêu Thương Xót cần phải vang vọng lại một cách sinh động. Thế giới cần đến tình yêu này. Đã tới giờ mang sứ điệp của Đức Kitô đến với tất cả mọi người… Đã tới giờ sứ điệp Lòng Chúa Thương Xót có thể tuôn đổ vào các tâm hồn bằng niềm hy vọng, và trở thành ánh sáng cho một nền văn minh mới: nền văn minh tình yêu. (Bài giảng Lễ phong Chân Phước cho bốn người Ba Lan tại Ba Lan, ngày 18 Tháng 8, 2002)
9. Chúa Sống Lại ban tặng tình yêu của Người, ơn tha thứ, hòa giải và mở các tâm hồn ra với tình yêu, như một món quà cho nhân loại, mà đôi khi, dường như bị áp đảo và gây bối rối, do sức mạnh của ma quỷ, thói ích kỷ và sợ hãi. Đây là một tình yêu biến đổi tâm hồn và mang lại an bình. Thế giới cần phải hiểu và đón nhận Lòng Chúa Thương Xót biết bao! Lạy Chúa, Đấng mặc khải tình yêu Chúa Cha bằng Cái Chết và sự Sống Lại của Người, chúng con tín thác vào Chúa, và hôm nay chúng con tin tưởng lập lại với Chúa: Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa, xin thương xót chúng con và toàn thế giới. (Regina Caeli, sứ điệp dành cho Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót, do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chuẩn bị, nhưng được phổ biến làm bài giảng trong Thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn ngài an nghỉ, ngày 3 Tháng 4, 2005)
10. Con người không cần đến điều gì hơn là Lòng Chúa Thương Xót… Chúng ta có một nhu cầu lớn hơn bao giờ hết, về một kinh nghiệm phục hồi lòng thương xót… Ngoài Lòng Thương Xót của Thiên Chúa mà chúng ta loan truyền, không có nguồn hy vọng nào khác cho nhân loại… Thế giới ngày nay cần đến Lòng Thương Xót của Thiên Chúa biết bao!… Thế giới cần phải hiểu biết và đón nhận Lòng Thương Xót Chúa biết bao! (Sưu tập từ các Diễn Từ của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từ 1994 đến 2005)
II. “Những trích dẫn hàng đầu về Lòng Chúa Thương Xót” từ Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI
1. Lúc này, tôi nhận thấy hai cảm xúc tương phản nhau trong tâm hồn tôi. Một mặt, là cảm giác bất xứng và sợ hãi của con người, khi tôi đối diện với trách nhiệm đối với Giáo Hội toàn cầu, mà hôm qua tôi được giao phó, với tư cách kế vị Thánh Phêrô Tông Đồ trong Tòa Thánh Roma này. Mặt khác, tôi có được một cảm giác sống động, về lòng biết ơn sâu xa đối với Thiên Chúa, Đấng không bao giờ bỏ rơi không chăm sóc đàn chiên của Người, như phụng vụ giúp chúng ta hát lên như vậy, nhưng suốt bao thời, Người vẫn dẫn dắt đàn chiên, dưới sự hướng dẫn của các vị mà chính Người đã chọn, với tư cách Đại Diện cho Con của Người, và hình thành nên các mục tử đối với đàn chiên.
Anh chị em thân mến, bất kể mọi cảm giác, lòng biết ơn sâu xa này đối với ân huệ của Lòng Chúa Thương Xót vẫn chiếm vị trí cao nhất trong tâm hồn tôi. Và tôi coi như đây là một ân huệ đặc biệt, mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Vị Tiền Nhiệm của tôi, đã xin được cho tôi. Dường như tôi cảm thấy bàn tay mạnh mẽ của ngài đang nắm chặt tay tôi; dường như tôi nhìn thấy đôi mắt mỉm cười của ngài và nghe thấy những lời ngài, trong giây phút này, đã nói với tôi cách cụ thể:
“Đừng sợ!” (Thông điệp đầu tiên với tư cách Giáo Hoàng, ngày 20 Tháng 4, 2005).
2. Đức Gioan Phaolô II, Tôi Tớ Thiên Chúa,… muốn Chúa Nhật sau Lễ Phục Sinh được đặc biệt dâng hiến cho Lòng Chúa Thương Xót, và Chúa Quan Phòng đã sắp xếp để ngài lìa trần chính vào đêm vọng của ngày hôm đó (trong bàn tay của Lòng Chúa Thương Xót). Mầu nhiệm tình yêu thương xót của Thiên Chúa nằm ở trung tâm Giáo Triều của Vị Tiền Nhiệm đáng kính đối với tôi. Chúng ta hãy đặc biệt nhớ lại tông thư Dives in Misericordia năm 1980 của ngài, và việc thánh hiến thánh điện mới, kính Lòng Chúa Thương Xót, tại Krakow, năm 2002. Những lời ngài phát biểu trong dịp cuối cùng đó như một tổng hợp cho quyền giáo huấn của ngài, chứng tỏ rằng việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót không phải là một việc sùng kính thứ hai, nhưng là một chiều kích không thể thiếu, đối với đức tin và việc cầu nguyện của Kitô hữu. (Regina Caeli, Diễn từ Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót, ngày 23 Tháng 4, 2006 )
3. Nhân dịp này, chúng ta bắt gặp hai mầu nhiệm: mầu nhiệm về nỗi đau khổ của con người, và mầu nhiệm về Lòng Chúa Thương Xót. Thoạt nhìn, dường như hai mầu nhiệm này đối nghịch nhau. Nhưng khi chúng ta xem xét chúng sâu xa hơn, dưới ánh sáng đức tin, thì chúng ta nhận thấy chúng được sắp xếp trong sự hài hòa hỗ tương, nhờ mầu nhiệm thập giá Đức Kitô. Như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã từng nói tại nơi đây: “Thánh giá là cách cúi mình sâu xa nhất của Thiên Chúa đối với con người… Thánh giá giống như một sự đụng chạm của tình yêu vĩnh cửu vào những vết thương đau đớn nhất, trong sự hiện hữu của nhân loại trên trần thế”
(ngày 17 Tháng 8, 2002).
Anh chị em thân mến, những người đau yếu, biểu lộ qua nỗi đau khổ trong cơ thể hoặc tâm hồn, anh chị em là những người liên kết chặt chẽ nhất với Thập Giá Đức Kitô, đồng thời, anh chị em là những nhân chứng hùng hồn nhất về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Thông qua anh chị em và nỗi đau khổ của anh chị em, Thiên Chúa cúi xuống nhân loại với tình yêu thương. Anh chị em nào vẫn nói thầm:
“Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”,
thì đều dạy cho chúng tôi rằng không có niềm tin nào sâu xa hơn, không có lòng trông cậy nào sống động hơn, và không có lòng yêu mến nào nồng nàn hơn, so với đức tin, đức cậy và đức mến của người đang ở giữa nỗi đau khổ, nhưng vẫn tự đặt mình trong bàn tay Thiên Chúa. (Nói với các bệnh nhân tại Thánh Điện Lòng Chúa Thương Xót ở Krakow-Lagiewniki, ngày 27 Tháng 5, 2006 )
4. Việc tôi có mặt tại Thánh Điện Lòng Chúa Thương Xót ở Lagiewniki cho phép tôi nhấn mạnh rằng chỉ duy nhất Lòng Chúa Thương Xót soi sáng mầu nhiệm về con người. Khi Thánh nữ Faustina chiêm ngắm các vết thương sáng chói của Đức Kitô sống lại, trong nhà dòng gần thánh điện này, chị đã nhận được một sứ điệp về niềm tín thác dành cho nhân loại, sứ điệp Lòng Chúa Thương Xót, mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phản ánh, và ngài trở thành người giải thích sứ điệp này. Đây là một sứ điệp thực sự chủ yếu đối với thời đại chúng ta: Lòng Thương Xót là sức mạnh của Thiên Chúa, là cách hạn chế thần thánh chống lại sự dữ trong thế gian. (Cuộc tiếp kiến chung ngày 31 Tháng 5, 2006, sau chuyến hành hương của ĐTC đến Ba Lan, nơi ngài viếng Thánh Điện Lòng Chúa Thương Xót tại Krakow-Lagiewniki)
5. Một người vừa mới bị cướp bóc và đánh đập, người đó đang nằm bên vệ đường. Một tư tế và một thầy Lêvi bỏ qua bên kia đường. Liệu sẽ có bất cứ ai ngừng lại giúp đỡ nạn nhân chăng? Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI chọn bản tường thuật ở đây. Và bấy giờ, một người Samari đi tới. Người đó sẽ làm gì? (không giống như thầy thông luật chỉ chất vấn Đức Giêsu), người Samari này không hỏi những nghĩa vụ về tình đoàn kết kéo dài bao xa, cũng không hỏi về những phẩm chất xứng đáng cần có để được sự sống đời đời. Điều gì đó khác hẳn đã xảy ra: Tâm hồn người Samari rộng mở. Tin Mừng sử dụng một từ có nguồn gốc trong tiếng Hebrew, ám chỉ cung lòng bà mẹ và sự chăm sóc bằng tình mẫu tử. Việc nhìn thấy nạn nhân trong tình trạng như vậy là một cú tác động vào người Samari “theo bản năng”, tác động vào họ. “Người đó chạnh lòng thương” – đây là cách thức hiện nay chúng ta phiên dịch, giảm bớt sức mạnh nguyên thủy của nó. Khi được tia sáng đột ngột của lòng thương xót tác động vào tâm hồn, thì bấy giờ, chính người Samari lại trở thành một người lân cận, họ không chú ý đến bất cứ vấn đề hoặc hiểm nguy nào. Do đó, ở đây, gánh nặng của vấn đề thay đổi. Vấn đề không còn là người khác có phải là người lân cận đối với tôi hay không. Vấn đề là về phía tôi. Tôi phải trở thành người lân cận, và khi tôi làm như vậy, thì người khác coi tôi “như bản thân tôi”. (Trích dẫn từ cuốn Đức Giêsu Thành Nazarét, Doubleday, 2007, trang 197)
6. Chúa Giê-su đã mang lấy những thương tích của Người đến cõi vĩnh cửu. Người là một Thiên Chúa mang thương tích; Người đã tự để cho mình bị thương tích vì tình yêu thương đối với chúng ta. Những thương tích của Người là dấu chỉ rằng Người hiểu biết và tự để cho mình mang thương tích vì chúng ta. Lòng thương xót của Người thật chắc chắn, những thương tích của Người thật có ý nghĩa đối với chúng ta!…Và chúng thật là một nghĩa vụ đối với chúng ta, nghĩa vụ tự để cho mình mang lấy những thương tích vì Người! (Bài giảng Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót , ngày 15 Tháng 4, 2007)
7. Trong thời đại chúng ta, nhân loại cần đến lời loan truyền và chứng từ rõ rệt về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thân yêu, một vị tông đồ vĩ đại của Lòng Chúa Thương Xót, đã trực giác được nhu cầu mục vụ cấp bách này. Ngài dành hết Tông Thư thứ hai của mình cho nhu cầu mục vụ này, và trong suốt Giáo Triều của mình, ngài đã tự biến thành một nhà truyền giáo về tình yêu Thiên Chúa đối với tất cả mọi dân tộc.
Sau sự kiện bi thảm ngày 11 Tháng 9, 2001, vốn phủ bóng tối trên thiên niên kỷ III, Đức Gioan Phaolô II đã kêu gọi các Kitô hữu và những người thành tâm hãy tin rằng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa mạnh mẽ hơn mọi sự dữ, và ơn cứu độ của thế giới chỉ được tìm thấy nơi thập giá Đức Kitô. (Thông điệp Angelus, ngày 16 Tháng 9, 2007)
8. Quả thật lòng thương xót là bộ phận trung tâm chủ yếu của sứ điệp Tin Mừng; lòng thương xót chính là danh thánh Thiên Chúa, khuôn mặt mà chính Người đã mặc khải trong Cựu Ước và cách trọn vẹn nơi Đức Giêsu, việc nhập thể của tình yêu sáng tạo và cứu độ. Cầu mong sao Tình Yêu Thương Xót này cũng chiếu tỏa trên khuôn mặt Giáo Hội, và tự biểu lộ thông qua các bí tích, đặc biệt Bí Tích Hòa Giải, và qua những hành động của lòng bác ái, cả cá nhân lẫn cộng đoàn. Cầu mong sao tất cả những điều Giáo Hội nói và làm đều biểu thị lòng thương xót mà Thiên Chúa cảm dành cho con người, và do đó, dành cho cả chúng ta. Khi Giáo Hội cần phải gợi lại một chân lý không được nhận ra, hoặc một việc tốt đẹp bị phản bội, thì Giáo Hội luôn luôn buộc phải làm như vậy bằng tình yêu thương xót, hầu con người có thể sống và có được sự sống dồi dào (xem Ga 10,10). Từ Lòng Chúa Thương Xót, vốn mang lại sự an bình cho các tâm hồn, sự an bình đích thực tràn tới thế giới, sự an bình giữa các dân tộc, các nền văn hóa và các tôn giáo. (Thông điệp Regina Caeli, Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót, ngày 30 Tháng 3, 2008)
9. Như chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã từng nói, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa là một điều chủ yếu ưu tiên, để giải thích về Giáo Triều của ngài. Đức Thánh Cha muốn làm cho tất cả mọi người đều nhận biết sứ điệp Tình Yêu Thương Xót của Thiên Chúa, và ngài thôi thúc các tín hữu làm chứng cho sứ điệp này (xem Bài giảng tại Krakow-Lagiewniki, ngày 17 Tháng 8, 2002). Đây là nguyên nhân tại sao ngài tôn vinh trên bàn thờ Thánh nữ Faustina Kowalska, một nữ tu khiêm tốn, nhờ kế hoạch thần thánh mầu nhiệm, đã trở thành một sứ giả tiên tri của Lòng Chúa Thương Xót. Đức Gioan Phaolô II, Tôi Tớ Thiên Chúa, đã biết và cá nhân ngài từng trải nghiệm những bi thảm thật khủng khiếp của thế kỷ XX, và suốt một thời gian dài, ngài vẫn tự hỏi điều gì có thể nảy sinh xu hướng xấu xa đến thế; chỉ duy nhất tình yêu toàn năng của Thiên Chúa mới có thể đánh bại tình trạng bạo ngược do sức mạnh tàn ác và phá hoại của thói ích kỷ và hận thù. Vì thế, trong chuyến thăm viếng cuối cùng của Đức Thánh Cha tới Ba Lan, trên đường trở về quê hương mình, ngài đã nói: “Ngoài lòng thương xót của Thiên Chúa, không có nguồn hy vọng nào khác dành cho nhân loại” (Bài giảng Lễ Giỗ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lần thứ ba, ngày 2 Tháng 4, 2008)
10. Vâng, anh chị em thân mến, Cuộc Hội Nghị Thế Giới lần thứ nhất về Lòng Chúa Thương Xót đã kết thúc sáng nay, với việc cử hành thánh lễ ở Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Tôi xin cám ơn ban tổ chức, đặc biệt Giáo phận Roma, và tất cả mọi người tham dự. Tôi xin gửi lời chào thân ái của tôi, mà bây giờ, trở thành một nhiệm vụ ủy thác: Anh chị em hãy ra đi và trở thành nhân chứng cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, nguồn hy vọng cho mọi người và toàn thế giới. Cầu mong Chúa Sống Lại luôn ở cùng anh chị em! (Thông điệp Regina Caeli, sau khi kết thúc Hội Nghị Tông Đồ Thế Giới lần thứ nhất, ngày 6 Tháng 4, 2008).
1. Lòng Thương Xót Phục Hồi Giá Trị Lòng thương xót được biểu thị trong khía cạnh đích thực và xác thực của nó, khi lòng thương xót phục hồi giá trị, củng cố và rút ra được điều tốt đẹp, từ tất cả mọi hình thức của sự dữ đang hiện hữu trên thế giới và trong con người. Khi hiểu theo cách này, thì lòng thương xót hình thành nội dung chủ yếu trong sứ mạng cứu độ của Đức Kitô, và quyền năng hình thành sứ mạng của Người. Các môn đệ và những người theo Đức Kitô đều hiểu và thực hành lòng thương xót theo cùng cách thức. Lòng thương xót không bao giờ ngừng tự bộc lộ, trong tâm hồn và những hành động của họ, như một bằng chứng đặc biệt sáng tạo của tình yêu, vốn không tự để cho mình bị “sự dữ chinh phục”, nhưng chế ngự “sự dữ bằng điều tốt đẹp” (xem Rm 12,21). Khuôn mặt đích thực của lòng thương xót phải mãi mãi được bộc lộ lại. Bất kể nhiều thành kiến, dường như lòng thương xót vẫn đặc biệt cần thiết đối với thời đại chúng ta.
… Bản chất của tình yêu thương xót là một tình yêu sáng tạo (số 14).
2. Lòng Thương Xót Là Một Kiểu Đặc Biệt Của Tình Yêu, Khi Tình Yêu Gặp Phải Nỗi Đau Khổ Chân lý về Thiên Chúa, “Cha của lòng thương xót”, được mặc khải cho chúng ta trong Đức Kitô, tạo khả năng cho chúng ta “nhìn thấy” Người đặc biệt gần gũi với con người, đặc biệt khi con người đau khổ, khi con người ở dưới thế lực đe dọa, trong chính cốt lõi thuộc về sự hiện hữu và phẩm giá của họ (số 2). Tình yêu này đặc biệt chú ý khi gặp nỗi đau khổ, bất công và nghèo đói – trong tương quan với toàn bộ “tình trạng con người” trong lịch sử, biểu thị sự yếu đuối và giới hạn của con người, cả về mặt thể lý lẫn tinh thần. Theo ngôn ngữ Kinh Thánh, chính xác cách thức và lãnh vực mà qua đó tình yêu tự biểu thị được gọi là “lòng thương xót”.
… Đức Kitô là tình yêu nhập thể, được biểu thị bằng sức mạnh đặc biệt đối với những người đau khổ, kém may mắn và các tội nhân, tình yêu này làm cho hiện diện, và do đó, biểu lộ đầy đủ hơn về Chúa Cha, Đấng là Thiên Chúa “giàu lòng thương xót” (số 3).
Trong phần rao giảng của các ngôn sứ, lòng thương xót nghĩa là một sức mạnh đặc biệt của tình yêu, đánh bại tội lỗi và sự bất trung của dân được chọn (số 4).
Trong thời cánh chung, lòng thương xót kiện toàn sẽ được bộc lộ như tình yêu, mặc dù trong giai đoạn trần thế, trong lịch sử nhân loại, đồng thời là lịch sử của tội lỗi và cái chết, tình yêu phải được bộc lộ vượt trên tất cả, như lòng thương xót, và cũng phải được thể hiện như lòng thương xót (số 8).
Vì lòng thương xót là một chiều kích không thể thiếu của tình yêu; như thể đây là tên gọi thứ hai của tình yêu, và đồng thời, là cách thức cụ thể tình yêu được biểu lộ và tác động diện-đối- diện vào thực tại của sự dữ vốn ở trong thế gian, quấy nhiễu và ảnh hưởng đến con người, thậm chí sự dữ còn tự lẻn vào tâm hồn con người, và có khả năng khiến cho họ bị tàn lụi trong hỏa ngục (số 7).
3. Lòng Thương Xót là Hesed và Rahamim Khi mô tả lòng thương xót, các sách Cựu Ước sử dụng hai cách diễn tả đặc biệt, mỗi cách đều có một sắc thái ngữ nghĩa khác nhau. Thứ nhất là thuật ngữ hesed, biểu thị một thái độ sâu xa của “tấm lòng tốt”. Khi thái độ này được củng cố giữa hai cá nhân, thì họ không chỉ mong ước cho nhau điều tốt đẹp; nhưng họ còn trung thành với nhau, vì một cam kết trong tâm hồn, do đó, cũng vì lòng trung thành đối với chính mình.
Vì từ “hesed” cũng có nghĩa là “yêu thương” hoặc “trọng đãi”, nên lòng thương xót diễn ra chính xác dựa trên cơ sở của lòng trung thành này. Sự kiện cam kết đang được bàn đến không chỉ có đặc điểm tinh thần, nhưng hầu như còn có đặc điểm về pháp luật, không tạo ra sự khác biệt gì. Khi trong Cựu Ước, từ hesed được sử dụng để nói về Chúa, thì từ này luôn luôn xảy ra trong mối quan hệ với giao ước mà Thiên Chúa đã lập ra với dân Israel. Về phía Thiên Chúa, giao ước này là một món quà và ân huệ dành cho dân Israel. Tuy nhiên, từ đó, trong sự hài hòa với giao ước được đưa vào, Thiên Chúa đã thực hiện một cam kết phải tôn trọng giao ước, theo một ý nghĩa nào đó, hesed cũng có nội dung về mặt pháp lý. Cam kết mang tính cách pháp lý về phía Thiên Chúa không còn cưỡng bách, bất cứ khi nào dân Israel vi phạm giao ước và không tôn trọng những điều kiện trong giao ước. Nhưng chính xác tại điểm này, khi hesed không còn mang tính cách cưỡng bách về mặt pháp lý, thì từ này bộc lộ khía cạnh sâu xa nhất: tự thân hesed cho thấy bản chất của nó từ lúc đầu, nghĩa là khi tình yêu trao ban, thì tình yêu mạnh mẽ hơn sự phản bội, ân huệ mạnh mẽ hơn tội lỗi.
Nói tóm lại, khi lòng trung thành này đối diện với “con cái bất trung của dân Ta” (xem sách Ai Ca 4,3-6), thì về phía Thiên Chúa, vẫn là lòng trung thành với Chính Người. Điều này trở nên rõ rệt, qua việc hai thuật ngữ ân huệ và lòng trung thành thường xuyên cùng nhau trở lại, có thể được coi như một trường hợp của phép thế đôi (như Xh 34,6; 2Sm 2,6; 15,20; Tv 25 [24],10; 40 [39],11-12; 85 [84],11; 138 [137],2; Mk 7,20). “Ôi! Hỡi nhà Israel, không phải vì các ngươi mà Ta hành động, nhưng chính vì danh thánh Ta” (Ed 36,22). Do đó, mặc dù dân Israel mang nặng mặc cảm tội lỗi vì đã vi phạm giao ước, nhưng họ vẫn không thể đưa ra đòi hỏi đối với hesed của Thiên Chúa, dựa trên cơ sở của lẽ công bằng (về mặt pháp lý); tuy nhiên, họ có thể và phải tiếp tục hy vọng, và họ tin rằng mình vẫn đạt được điều đó, vì Thiên Chúa của giao ước thực sự “chịu trách nhiệm đối với tình yêu của Người”. Kết quả của tình yêu là ơn tha thứ và phục hồi ân huệ, tái lập giao ước bên trong.
Từ thứ hai trong thuật ngữ Cựu Ước được sử dụng để định nghĩa về lòng thương xót, đó là từ rahamim. Từ này có một sắc thái khác hẳn từ hesed. Trong khi từ hesed làm sáng tỏ những dấu hiệu của lòng trung thành với bản thân và “trách nhiệm đối với tình yêu của mình” (vốn mang đặc điểm nam giới, theo một ý nghĩa nào đó), thì trong chính nguồn gốc của nó, từ rahamim ám chỉ tình yêu của bà mẹ (rehem = cung lòng của bà mẹ). Từ mối liên kết sâu xa và nguyên thủy – quả thật là sự hợp nhất – nối kết bà mẹ với con mình, phát xuất một mối quan hệ đặc biệt đối với đứa con, một tình yêu đặc biệt. Về tình yêu này, chúng ta có thể nói rằng tình yêu hoàn toàn mang tính cách nhưng không, không hề dựa trên phẩm chất xứng đáng; về khía cạnh này, tình yêu hình thành một nhu cầu bên trong: một đòi hỏi của trái tim.
Có thể nói rằng đây là một tình yêu “mang tính cách nữ giới”, khác biệt với lòng trung thành với bản thân, mang tính cách nam giới, mà từ hesed diễn tả. Dựa trên cơ sở tâm lý này, từ rahamim mang lại hàng loạt những cảm giác, bao gồm lòng nhân hậu và dịu hiền, kiên nhẫn và hiểu biết, nghĩa là sẵn sàng tha thứ. Cựu Ước quy vào Chúa chính những đặc điểm này, khi Cựu Ước sử dụng từ rahamim để nói về Người. Chúng ta đọc trong sách ngôn sứ Isaia:
“Liệu một người mẹ có thể quên đứa con mà bà đang cho bú không, chẳng lẽ bà không thương xót đứa con của lòng mình sao? Ngay cả nếu bà có thể quên con mình, thì Ta sẽ không bao giờ quên các ngươi” (Is 49,15). Tình yêu này vẫn trung thành và thâm căn cố đế, nhờ sức mạnh bí ẩn của tình mẫu tử, được diễn tả trong các bản văn Cựu Ước bằng nhiều cách thức, như: cứu thoát khỏi những hiểm nguy, đặc biệt thoát khỏi những kẻ thù; cũng như tha thứ các tội lỗi – của cá nhân và cũng của toàn thể Israel; và cuối cùng, sẵn sàng thực hiện lời hứa và niềm hy vọng (cánh chung), bất kể sự bất trung của con người, như chúng ta đọc trong sách ngôn sứ Hôsê: “Ta sẽ chữa lành sự bất trung của họ, Ta sẽ rộng lòng yêu thương họ” (Hs 14,5) (Chú thích cuối, số 52).
[1] Lời phát biểu của cha Seraphim Michalenko, MIC, một chuyên gia nổi tiếng thế giới về sứ điệp và việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót, và phụ tá cho nhân viên thỉnh cầu, trong án phong thánh Nữ tu Faustina Kowalska.
[2] Sách Giáo lý, số 1849.
[3] Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, Diễn từ Regina Caeli, Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót, ngày 23 Tháng 4, 2006.
[4] Như trên, Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót, ngày 30 Tháng 3, 2008.
[5] Tông thư Dives in Misericordia, số 7.
[6] Tôi biết ơn cha Dan Cambra, MIC, qua việc chia sẻ với tôi về loại từ cấu tạo bằng những chữ đầu của một nhóm từ này.
[7] Xem chú thích kế tiếp.
[8] Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót phát xuất từ Tuần Bát Nhật Phục Sinh, đã từng được cử hành trong Hội Thánh tiên khởi. Thậm chí nhà thần học vĩ đại Gregory thành Nazianzen còn dạy một ý niệm khá táo bạo rằng Tuần Bát Nhật Phục Sinh là “Chúa Nhật mới”. Ông phân biệt Lễ Phục Sinh hoặc Lễ Vượt Qua với Tuần Bát Nhật, khi xác nhận rằng “Chúa Nhật đó (nghĩa là Lễ Phục Sinh) là ngày của ơn cứu độ, nhưng Chúa Nhật này (nghĩa là Tuần Bát Nhật Phục Sinh) là ngày sinh ra ơn cứu độ”. Nhà thần học này của Hội Thánh tiên khởi còn coi như Tuần Bát Nhật Phục Sinh “tối hậu hơn” và “tuyệt vời hơn”, nhưng vẫn không làm làm giảm giá trị của chính Chúa Nhật Phục Sinh bằng bất cứ cách nào.
Như vậy, không lạ gì trong các bài giảng của Thánh Augustinô, ngài đã gọi toàn bộ Tuần Bát Nhật Phục Sinh là “những ngày của lòng thương xót và ơn tha thứ”, và chính Tuần Bát Nhật là “tóm tắt những ngày của lòng thương xót”. Trong Summa Theologiae của Thánh Tôma Aquinô, ngài phản ánh các Giáo Phụ tiên khởi, khi ngài mô tả Ngày Trong Tuần Bát Nhật như là mục tiêu và sự hoàn thiện thứ hai của Lễ Phục Sinh. Đối với một cách phân tích dễ hiểu hơn về đề tài này, mời bạn xem “Một Đóng Góp vào Cuộc Thảo Luận về Lễ kính Lòng Chúa Thương Xót” của cha Seraphim Michalenko, MIC, trong “Lòng Chúa Thương Xót, Cốt Lõi của Tin Mừng” (Stockbridge: Nhà xuất bản Maria, 1999), trang 117, 133.
-----------------------
[9] Nhật ký, 341.
[10] Như trên, số 699.
[11] Như trên, số 699.
[12] Hãy xem phán quyết của nhân viên kiểm duyệt thần học, về các bài viết được cho là của Nữ tu Faustina Kowalska, Tôi Tớ Thiên Chúa, trong Congregatio Pro Causis Sanctorum P.n. 1123 Cracovien. Beaificationis et canonizationis servae Dei Faustinae Kowalska Instituti Sovorum B.M.V.A. Misericordia (1905-1938), các trang 429-430.
[13] Hiện nay, tấm ảnh gốc (về Lòng Chúa Thương Xót) được treo trong Nhà thờ Chúa Thánh Thần tại Vilnius, Lithuania. Tấm ảnh này cũng được mô phỏng lại ở phần bìa và bên trong bìa sau. Một sự kiện thú vị về tấm ảnh đặc biệt này, đó là nếu bạn đặt ảnh chồng lên tấm khăn liệm thành Turin (được cho là khăn liệm Đức Giêsu), thì gần như hoàn toàn phù hợp!
[14] Nhật ký, các số 327-742.
[15] Tại Thánh Điện Lòng Chúa Thương Xót Quốc Gia ở Stockbridge, chúng tôi cầu nguyện bằng Tuần Chín Ngày kính Lòng Chúa Thương Xót. Nói cách khác, chúng tôi liên tục cầu nguyện suốt các ngày trong Tuần Chín Ngày đó, sau khi kết thúc ngày thứ chín, chúng tôi bắt đầu lại ngày thứ nhất. Tập quán của chúng tôi tại Thánh Điện là thực hiện Tuần Chín Ngày này, trước khi bắt đầu đọc Chuỗi Thương Xót.
[16] Như trên, trang 796. Bạn có thể tìm được bản văn về Tuần Chín Ngày kính Lòng Chúa Thương Xót trong cuốn sách này.
[17] Như trên, trang 811.
[18] Như trên, trang 687.
[19] Như trên, trang 754.
[20] Như trên, trang 848.
[21] Như trên, trang 1541.
[22] Như trên, trang 1572.
[23] Như trên, trang1572, 1320.
Trong đoạn này, hãy chú ý rằng Đức Giêsu đặc biệt muốn chúng ta cầu nguyện bằng cách đi Đàng Thánh Giá trong Giờ kính Lòng Chúa Thương Xót, miễn là các bổn phận của chúng ta cho phép. Do đó, thật phù hợp khi các Linh mục Dòng Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội tại Thánh Điện Lòng Chúa Thương Xót Quốc Gia đã dựng lên các Chặng Đàng Thánh Giá to như người thật. Để biết thêm về các Chặng Đàng Thánh Giá bằng đồng thật đẹp này, mời bạn xem:
www.thedivinemercy.org/stations.
[24] Liệu chúng ta có được lòng thương xót đích thực đối với Đức Giêsu không? Trong một đoạn văn đặc biệt từ tông thư Dives in Misericordia, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dạy rằng chúng ta không chỉ có thể có được lòng thương xót đích thực đối với Đức Giêsu, nhưng chúng ta còn nên có:
Các sự kiện trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh và lời cầu nguyện trong Vườn Giếtsêmani, ngay cả trước đó, đều giới thiệu một sự thay đổi trong toàn bộ quá trình mặc khải về tình yêu và lòng thương xót, trong sứ mạng cứu độ của Đức Kitô, Đấng “đi khắp đó đây làm những việc thiện và chữa lành”, Người “chữa lành mọi kẻ đau yếu và bệnh tật”, bấy giờ, dường như chính Người xứng đáng được hưởng lòng thương xót nhiều nhất, và khẩn khoản kêu cầu lòng thương xót, khi Người bị bắt giữ, ngược đãi, kết án, đánh đập, đội mạo gai, khi Người chịu đóng đinh trên Thập Giá và chết giữa những tra tấn đau đớn quằn quại.
Chính lúc đó, Đức Giêsu đặc biệt xứng đáng được hưởng lòng thương xót từ những kẻ mà Người đã từng thực hiện các việc thiện, nhưng lại không nhận được… Thập Giá vẫn sẽ là điều được ám chỉ bằng những lời khác, cũng trong sách Khải Huyền của Thánh Gioan: “Này đây Ta đứng ngoài cửa và gõ, nếu kẻ nào nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ đến và cùng ăn uống với họ”. Bằng một cách thức đặc biệt, Thiên Chúa cũng mặc khải lòng thương xót của Người, khi Người kêu gọi nhân loại hãy có lòng thương xót đối với Con của Người, Đấng chịu đóng đinh.
… Đức Kitô, chính Đấng chịu đóng đinh, Ngôi Lời không bị chết đi, vẫn đứng ngoài cửa và gõ vào tâm hồn mọi người, mà không giới hạn sự tự do của họ, nhưng thay vào đó, Người còn tìm cách rút ra tình yêu từ chính sự tự do này, đây không chỉ là một hành động của tình liên đới với con người, nhưng cũng là một loại “lòng thương xót”, mà từng người chúng ta bày tỏ với Con của Chúa Cha hằng hữu. Trong toàn bộ chương trình cứu độ của Đức Kitô, trong toàn bộ mặc khải về lòng thương xót thông qua thập giá, phẩm giá con người càng được tôn trọng và trở nên cao quý, vì khi nhận được lòng thương xót, theo một ý nghĩa, thì Đức Kitô cũng đồng thời là Đấng “bày tỏ lòng thương xót” (các số 7-8).
[25] Nhật ký, 1320.
[26] Ba cách thức để tuân giữ Giờ Cầu Nguyện lúc 3 giờ chiều (Dựa trên Nhật ký, 1320, 1570):
a/ Chúng ta có thể tự nhận chìm trong Cuộc Khổ Nạn của Chúa, đặc biệt trong tình trạng Người bị bỏ rơi trên Thập Giá. Chúng ta có thể cầu nguyện ngắn gọn, ngay cả “trong chốc lát”, hoặc một lúc lâu. Chẳng hạn, chúng ta có thể chỉ ngắm nhìn một tượng chịu nạn, nghĩ đến Đức Giêsu trong Cuộc Khổ Nạn của Người, hoặc cầu nguyện lúc 3 giờ chiều:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trút hơi thở cuối cùng, nhưng suối nguồn sự sống vẫn tuôn trào xuống các linh hồn, và đại dương thương xót vẫn mở ra cho toàn thế giới. Ôi! Suối nguồn sự sống Lòng Thương Xót vô biên của Chúa, xin bao phủ thế giới và trút hết cho chúng con (số 84) … Kính lạy Máu và Nước đã tuôn trào từ Thánh Tâm Chúa Giêsu, như thác nguồn Thương Xót chúng con, con tín thác vào Chúa (số 1319).
Nếu có nhiều thì giờ hơn, chúng ta có thể cầu nguyện bằng các mầu nhiệm Mùa Thương trong Chuỗi Mân Côi, hoặc đi Đàng Thánh Giá.
b/ Chúng ta có thể trình bày những lời cầu xin của mình với Chúa Cha, nhờ Cuộc Khổ Nạn của Chúa Con. Những lời cầu xin của chúng ta nên được thực hiện với niềm tin rõ ràng, nhờ sức mạnh khôn tả trong Cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu và những lời hứa cao cả, được liên kết với Giờ kính Lòng Chúa Thương Xót. Tôi đề nghị bạn nên trình bày những lời cầu xin của mình trong bối cảnh cầu nguyện với Chuỗi Thương Xót. (Đừng quên cầu nguyện cho các tội nhân đang hấp hối nhưng chưa hối cải). c/ Giờ Cầu Nguyện lúc 3 giờ chiều là lúc thật tuyệt vời để viếng Đức Giêsu, thực sự hiện diện trước Bí tích Cực Thánh.
-----------------------
[27] Nhật ký, 1146.
[28] Như trên, số 570.
[29] Như trên, số 1541.
[30] Như trên, số 742.
[31] Như trên, số 163.
[32] Như trên, số 294.
[33] Như trên, số 453.
[34] Như trên, số 687.
[35] Như trên, số 1074.
[36] Như trên, số 1777.