2: Thần Học Kinh Thánh
1. THẢO KÍNH CHA MẸ LÀ LUẬT CHÚA TRONG CỰU ƯỚC
(Linh mục Đinh Minh Tiên O.P., S.T.D., Biblical Theology là tu sĩ Dòng Đa- minh, tốt nghiệp tiến sĩ Thần Học Kinh Thánh tại University of Saint Thomas, Rome. Hiện đang dạy Kinh Thánh và Thần Học cho giáo dân trong giáo phận Galveston, Houston. Tác giả cũng có một website, địa chỉ loinhapthe.com. Website này chuyên về chia sẻ Lời Chúa mỗi ngày)
DẪN NHẬP
Đạo Hiếu cũng là luật Thiên Chúa truyền trong Cựu Ước: giới răn thứ tư của Thập Giới truyền con cái phải hiếu thảo với cha mẹ. Trong bài khảo cứu này, trước tiên, chúng tôi sẽ xem xét cẩn thận giới răn này trong hai văn bản chính, Maroretic Text (Do-thái) và Bản Bảy Mươi (Hy-lạp), để tìm xem Thiên Chúa truyền dạy con người làm gì. Sau đó, chúng ta sẽ tìm ra những điểm đặc biệt đi kèm với giới răn này. Kế tiếp, chúng ta sẽ đề cập đến những hình phạt dành cho ai vi phạm và những tội phạm đến giới răn này. Cựu-ước cũng liệt kê một số nghĩa vụ con cái phải làm cho cha mẹ. Sau cùng, câu truyện nàng Ruth trong Cựu-ước dẫn chứng lòng hiếu thảo của một người con dâu người Mo-áp với bà mẹ chồng Nao-mi, người Do-thái. Chính lòng hiếu thảo của nàng Ruth đã được Thiên Chúa chúc lành, Ngài ban cho mẹ con bà có của ăn, và có con nối dõi tông đường. Tuy là dân ngoại, nàng Ruth đã được trở thành bà cố nội của vua David.
1/ Là giới răn thứ tư trong Thập Giới
Trước tiên và trên hết, hiếu thảo với cha mẹ là luật của Thiên Chúa truyền. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa ban 10 giới luật cho dân Do-thái qua trung gian của Moses trên núi Sinai. Luật của Thiên Chúa đã ban, không ai có quyền thay đổi. Có hai đoạn trong Ngũ Kinh tường thuật trọn vẹn Thập Giới, Xuất-hành 20:2-17 và Đệ-nhị-luật 5:6-22; và có hai câu trong hai đoạn này đề cập đến giới luật thảo hiếu cha và mẹ. Chúng ta hãy xem xét cẩn thận hai câu này.
(1) Xh 20:12:
Theo văn bản Do-thái: Chúng ta có thể dịch sang tiếng Việt như sau, “Ngươi phải hiếu thảo với cha và mẹ ngươi để những ngày đời của ngươi sẽ được kéo dài trong phần đất mà Chúa là Thiên Chúa ngươi sẽ ban cho ngươi.”
^ym,y” !WkrIa]y: ![;m;l ^M,ai-ta,w> ^ybia’-ta, dBeK; WTT Exodus 20:12
[1] %l’ !tenO ^yh,l{a/ hw”hy>-rv,a] hm’d”a]h’ l[;
Theo văn bản Hy-lạp: Câu này trong Bản Bảy Mươi có thể được dịch như sau, “Ngươi phải hiếu thảo với cha và mẹ ngươi để ngươi được hạnh phúc và để được sống lâu trong phần đất tốt mà Chúa là Thiên Chúa ngươi sẽ ban cho ngươi” (Xh 20:12).
LXT Exodus 20:12 ti,ma to.n pate,ra sou kai. th.n mhte,ra i[na eu= soi ge,nhtai kai. i[na makrocro,nioj ge,nh| evpi. th/j gh/j th/j avgaqh/j h-j ku,rioj o` qeo,j sou di,dwsi,n soi [2]
Nhận xét giữa hai văn bản: Cả hai đều dùng động từ “hiếu thảo” ở thời truyền lệnh và là nguyên nhân của việc “được sống lâu.” Văn bản Do- thái chỉ có một lời hứa được sống lâu; trong khi văn bản Hy-lạp có thêm lời hứa “được hạnh phúc.”
(2) Đnl 5:16:
Theo văn bản Do-thái: Chúng ta có thể chuyển dịch như sau: “Ngươi phải hiếu thảo với cha và mẹ ngươi như Chúa là Thiên Chúa đã truyền cho ngươi để những ngày đời của ngươi sẽ được kéo dài và để ngươi sẽ được hạnh phúc trong phần đất mà Chúa là Thiên Chúa ngươi sẽ ban cho ngươi.”
^W>ci rv,a]K; ^M,ai-ta,w> ^ybia’-ta, dBeK; WTT Deuteronomy 5:16
l[; %l’ bj;yyI ![;m;l.W ^ym,y” !kuyrIa]y: ![;m;l. ^yh,l{a/ hw”hy>
[3] %l’ !tenO ^yh,l{a/ hw”hy>-rv,a] hm’d”a]h’
Theo văn bản Hy-lạp: Câu này trong Bản Bảy Mươi có thể được dịch như sau, “Ngươi phải hiếu thảo với cha và mẹ ngươi theo cách thức mà Chúa là Thiên Chúa đã truyền cho ngươi để ngươi được hạnh phúc và để được sống lâu trong phần đất mà Chúa là Thiên Chúa ngươi sẽ ban cho ngươi.”
LXT Deuteronomy 5:16 ti,ma to.n pate,ra sou kai. th.n mhte,ra sou o]n tro,pon evnetei,lato, soi ku,rioj o` qeo,j sou i[na eu= soi ge,nhtai kai. i[na makrocro,nioj ge,nh| evpi. th/j gh/j h-j ku,rioj o` qeo,j sou di,dwsi,n soi [4]
Nhận xét giữa hai văn bản: Giống như trong Xuất-hành 20:12, cả hai văn bản của Đệ-nhị-luật 5:16 đều dùng động từ “hiếu thảo” ở thời truyền lệnh và là nguyên nhân của việc “được sống lâu.” Cả hai văn bản đều có lời hứa “được hạnh phúc.” Văn bản Do-thái nhấn mạnh hiếu thảo với cha mẹ “như Chúa là Thiên Chúa đã truyền cho ngươi;” trong khi văn bản nhấn mạnh “theo cách thức mà Chúa là Thiên Chúa đã truyền cho ngươi.”
2/ Những điểm đặc biệt của giới răn hiếu thảo với cha mẹ
- Đây là giới răn thứ tư, đứng đầu trong bảy giới răn liên hệ đến tha nhân, nó chỉ đứng sau ba giới răn liên hệ đến Thiên Chúa. Điều này có nghĩa sự liên hệ giữa chúng ta với cha mẹ chỉ đứng sau mối liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa mà thôi.
- Đây là giới răn duy nhất có kèm theo lời hứa (Eph 6:2-3)[5]: Theo văn bản của Do-thái và Hy-lạp bên trên, ai giữ giới răn này sẽ:
(1) Được sống lâu: Khi người Do-thái chưa có ý niệm rõ ràng về cuộc sống đời sau, phần thưởng được sống lâu là điều họ mong mỏi nhất.
(2) Được hạnh phúc: Có bản dịch là “được thịnh vượng hay được may lành trong cuộc sống.” Lý do chúng ta nên dịch là hạnh phúc để trùng hợp với toàn thể nội dung của Thập Giới (x/c Đnl 4:40).
- Sách Huấn-ca còn liệt kê thêm bốn phúc lành cho những ai thi hành giới răn này:
(1) Được tha thứ tội lỗi: Tác giả Sách Huấn-ca dạy: “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm” (Hc 3:2)[6] và “Lòng hiếu nghĩa với cha sẽ không bị quên lãng và sẽ đền bù tội lỗi cho con. Thiên Chúa sẽ nhớ đến con, ngày con gặp khốn khó, và các tội con sẽ biến tan như sương muối biến tan lúc đẹp trời” (Hc 3:14-15)[7].
(2) Được nhận lời khi cầu xin: Theo tác giả Sách Huấn-ca: “Ai hiếu thảo với cha mẹ, khi cầu xin họ sẽ được lắng nghe” (Hc 3:5b).
(3) Được con cái hiếu thảo với: Tác giả Sách Huấn-ca dạy: “Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái” (Hc 3:5a).
Ca dao Việt Nam cũng răn dạy điều này: “Sóng trước đổ đâu, sóng sau theo đấy.” Người bất hiếu với cha mẹ sẽ bị con cái đối xử tàn tệ hơn. Người có hiếu với cha mẹ cũng sẽ được con cái đối xử tốt đẹp.
(4) Được ơn lành tích trữ trong kho tàng:“Ai kính mẹ thì tích trữ kho báu” (Hc 3:4). Chỗ khác ông ví những phúc lành của cha mẹ như nền tảng của căn nhà. Nếu nền tảng của nhà vững chắc, nhà sẽ bền vững muôn năm: “Vì phúc lành của người cha làm cho cửa nhà con cái bền vững, lời nguyền rủa của người mẹ làm cho trốc rễ bật nền” (Hc 3:9).
- Người Việt-nam cũng tin tưởng, “Có đức mặc sức hái mà ăn.” Tất cả những gì tốt lành làm cho cha mẹ sẽ như báu vật cất giữ trong kho tàng; khi gặp vận hạn những điều tốt lành này sẽ giải thoát một người khỏi cơn nguy khốn.
3/ Hình phạt cho những ai vi phạm giới răn này
Ai vi phạm những điều sau đây phải lãnh án chết.
(1) Đánh cha mẹ: “Ai đánh cha hoặc mẹ thì phải bị giết chết” (Xh 21:15).
(2) Cãi lời cha mẹ: Sách Đệ-nhị-luật nêu lên một trường hợp tiêu biểu:
“Khi có đứa con ngỗ nghịch và bất trị, không nghe lời cha mẹ, cha mẹ có sửa dạy, nó cũng chẳng chịu nghe, cha mẹ nó sẽ bắt lấy nó, đưa ra cửa thành cho các kỳ mục địa phương và sẽ nói với các kỳ mục trong thành: “Con chúng tôi đây ngỗ nghịch và bất trị, không nghe lời chúng tôi, nó rượu chè phóng đãng.” Mọi người trong thành sẽ ném đá cho nó chết và nó phải chết. Anh em phải khử trừ sự gian ác, không cho tồn tại giữa anh em. Nghe chuyện ấy, toàn thể Ít-ra-en sẽ sợ” (Đnl 21:18-21).
(3) Giết cha mẹ: Chắc chắn sẽ lãnh án tử hình tức khắc vì vi phạm cả giới răn thứ bốn và thứ năm (Xh 20:12-13, Đnl 5:16-17).
4/ Những tội phạm đến giới răn thứ tư
(1) Không vâng lời: Sách Châm-ngôn khuyên con cái phải nghe lời cha mẹ: “Hãy lắng nghe cha con, đấng sinh thành ra con, đừng khinh dể mẹ con khi người già yếu.” (Cn 23:22)
(2) Khinh thường, chế giễu cha mẹ bị liệt kê là một trong các lời nguyền rủa; ai vi phạm sẽ phải bị nguyền rủa trước công chúng: “Đáng nguyền rủa thay kẻ khinh dể cha mẹ! Toàn dân sẽ thưa: A-men!” (Đnl 27:16). Tác giả Sách Châm-ngôn có lời nguyền rủa rất nặng cho ai khinh thường chế giễu cha mẹ: “Kẻ nào giương mắt chế giễu cha, và coi thường chuyện vâng lời mẹ, sẽ bị quạ ở lũng sâu móc mắt, và bị loài diều hâu rỉa thịt.” (Cn 30:17)
(3) Lấy của cha mẹ làm của mình: Nhiều người cho rằng của cha mẹ cũng là của mình, nên cứ việc tiêu xài phung phí. Tác giả Sách Huấn-ca phản đối điều này và đồng nhất ai làm điều này với phường trộm cướp: “Kẻ bóc lột mẹ cha, rồi bảo: “Đâu có tội vạ gì!,” chính hắn là bạn của quân ăn cướp.” (Cn 28:24)
(4) Bạc đãi và xua đuổi cha mẹ: “Kẻ bạc đãi cha và xua đuổi mẹ, là đứa con đốn mạt, nhuốc nhơ.” (Cn 19:26)
5/ Nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ:
(1) Vâng lời cha mẹ: Đây là nghĩa vụ nền tảng nhất trong mối liên hệ giữa con cái với cha mẹ. Nếu không có sự vâng lời, cha mẹ không thể nào dạy dỗ con theo luật của Thiên Chúa. Tuy nhiên, cha mẹ không thể bắt con làm ngược lại với luật lệ của Thiên Chúa và ngăn cản con khi chúng muốn dâng mình để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.
(2) Kính trọng cha mẹ: Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, mỗi người đều có cha mẹ để các ngài cộng tác với Thiên Chúa lo lắng và giúp đỡ con cái trong cuộc sống dương gian này, nhất là khi còn nhỏ. Tác giả Sách Huấn-ca dạy, “Người đó (con cái) phục vụ các bậc sinh thành như phục vụ chủ nhân” (Hc 3:7).
(3) Giúp đỡ cha mẹ: Tuy con cái chưa thể báo hiếu cha mẹ bằng những việc lớn lao, tác giả Sách Huấn-ca khuyên con cái trả ơn bằng những hành động nhỏ và cụ thể trong lời nói cũng như hành động:
“Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm, để nhờ người mà con được chúc phúc.” (Hc 3:8)
(4) Làm cho cha mẹ vui: Khi chưa làm được gì cho cha mẹ vui, tác giả Sách Huấn-ca khuyên con cái, “Bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi” (Hc 3:12b). Đối với tác giả, vinh quang hay tủi nhục của cha mẹ cũng là vinh quang hay tủi nhục của con cái: “Quả thật, người ta chỉ được vẻ vang lúc cha mình được tôn kính; và con cái phải ô nhục khi mẹ mình bị khinh chê.” (Hc 3:11)
Trong Sách Sáng Thế, có một câu truyện trong đó ông Nôê chúc dữ cho Canaan, đứa con nhỏ nhất, khi nó nhìn thấy chỗ kín của ông trong lúc ông say rượu; và chúc lành cho hai đứa con lớn vì chúng biết lấy chiếc áo choàng và đi giật lùi để che đậy chỗ kín cho ông (St 9:18-27).
(5) Phải săn sóc khi cha mẹ đến tuổi già:
- Tác giả Sách Huấn-ca truyền, “Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già” (Hc 3:12a). Đây là nghĩa vụ đặt trên sự công bằng. Nếu cha mẹ đã phải khổ cực hy sinh cho con cả hàng mấy chục năm trời, con cái phải công bằng trả lại bằng cách săn sóc cha mẹ khi các ngài không còn tự săn sóc mình được nữa. Tuy vậy, thánh Tô-ma A-qui-nô[8] vẫn gọi loại công bằng này là “thiếu sự tương xứng (lack of equity),” vì một người không thể hoàn toàn đáp trả những gì cha mẹ đã làm cho anh.
- Tục ngữ Việt-nam cũng khuyên răn, “Trẻ cậy cha, già cậy con.” Câu này có nghĩa: khi một người còn trẻ, anh trông chờ nơi cha mọi sự; khi anh về già, anh trông mong nơi các con, vì anh không thể tự mình sống được.
(6) Phải thông cảm khi cha mẹ lú lẫn: Một trong những bệnh tật của tuổi già là bị giảm thiểu trí nhớ nên rất mau quên. Con cái không thể đối xử với cha mẹ già như những người trẻ. Tác giả Sách Huấn-ca khuyên con cái: “Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người.” (Hc 3:13a)
6/ Gương hiếu thảo trong Cựu Ước của bà Ruth, con dâu bà Naomi và bà cố nội của vua David (Rut: 1-4)[9]
Truyện được tường thuật như sau:
“1:1 Vào thời các thủ lãnh cai trị, một nạn đói xảy ra trong xứ. Có một người cùng với vợ và hai con trai bỏ Bê-lem miền Giu-đa mà đến ở trong cánh đồng Mô-áp.2 Tên người đàn ông là Ê-li-me-léc, tên người vợ ấy là Na-o-mi và tên của hai con trai là Mác-lôn và Kin-giôn. Họ là người Ép-ra-tha thuộc xứ Bê-lem miền Giu-đa. Họ đến cánh đồng Mô-áp và ở lại đó.3 Rồi ông Ê-li-me-léc, chồng bà Na-o-mi, chết đi, còn lại bà Na-o-mi và hai đứa con.4 Hai người này lấy vợ Mô-áp, một người tên là Oóc-pa, người kia tên là Rút. Họ ở lại đó chừng mười năm.5 Rồi Mác-lôn và Kin-giôn cả hai đều chết, còn lại bà Na-o-mi mất chồng, mất con.6 Bà lên đường cùng với hai người con dâu, bỏ cánh đồng Mô-áp mà trở về quê hương, vì tại cánh đồng Mô-áp, bà nghe nói là ĐỨC CHÚA đã viếng thăm dân Người và cho họ có bánh ăn.7 Vậy bà cùng với hai con dâu ra khỏi nơi họ đã ở mà lên đường trở về xứ Giu-đa. 8 Bà Na-o-mi nói với hai con dâu: “Thôi, mỗi người chúng con hãy trở về nhà mẹ mình. Xin ĐỨC CHÚA tỏ lòng thương chúng con, như chúng con đã tỏ lòng thương những người quá cố và mẹ! 9 Xin ĐỨC CHÚA cho mỗi người chúng con tìm được cuộc sống an nhàn dưới mái nhà một người chồng!” Rồi bà ôm hôn hai con dâu. Họ oà lên khóc.10 Họ thưa: “Chúng con muốn cùng mẹ trở về với dân của mẹ.”11 Bà Na-o-mi nói: “Các con ơi, về đi, theo mẹ làm gì? Trong lòng mẹ còn con trai nào nữa đâu mà gả chồng cho các con.12 Về đi, các con ơi! Đi đi! Mẹ quá già rồi, không còn tái giá được nữa. Cho dù mẹ có nói được: mẹ còn hy vọng, ngay đêm nay sẽ lấy chồng và sinh được con trai,13 thì chẳng lẽ chúng con cứ đợi mãi cho đến khi chúng lớn lên? Chẳng lẽ chúng con cứ ở vậy, không chịu lấy chồng? Không, các con ơi! Tình cảnh chúng con làm mẹ cay đắng lắm, vì tay ĐỨC CHÚA giáng phạt mẹ.”14 Hai người con dâu lại oà lên khóc. Oóc-pa ôm hôn từ giã mẹ chồng, còn Rút thì cứ khắng khít theo bà. 15 Bà Na-o-mi nói: “Kìa chị dâu con trở về với dân tộc của nó và các thần của nó. Con cũng vậy, hãy theo chị dâu con mà về đi!”16 Rút đáp:
Xin mẹ đừng ép con bỏ mẹ mà trở về, không theo mẹ nữa, vì mẹ đi đâu, con đi đó, mẹ ở đâu, con ở đó, dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con. 17 Mẹ chết ở đâu, con chết ở đó, và nơi đó con sẽ được chôn cất. Xin ĐỨC CHÚA phạt con thế này và thêm thế kia nữa, nếu con lìa xa mẹ mà không phải vì cái chết! (Ruth 1:1-17)
“2:1 Bà Na-o-mi có một thân nhân bên họ nhà chồng, một người khá giàu, thuộc thị tộc Ê-li-me-léc. Người ấy tên là Bô-át.2 Rút, người Mô-áp, nói với bà Na-o-mi: “Xin mẹ để con đi ra ruộng mót lúa đằng sau người nào có lòng nhân từ đoái nhìn con.” Bà trả lời: “Con cứ đi đi.”3 Nàng đi và đến ruộng mót lúa đằng sau thợ gặt. Nàng may mắn gặp được một thửa ruộng của ông Bô-át, người trong thị tộc Ê-li-me-léc. 4 Và kìa ông Bô-át từ Bê-lem đến, nói với thợ gặt: "Xin ĐỨC CHÚA ở cùng các anh! " Họ nói: "Xin ĐỨC CHÚA giáng phúc cho ông! "5 Ông Bô-át nói với người tôi tớ trông coi thợ gặt: “Cô kia là người của ai thế?” 6 Người tôi tớ trông coi thợ gặt trả lời: “Đó là một thiếu phụ Mô-áp, người đã cùng với bà Na-o-mi từ cánh đồng Mô-áp trở về.”7 Cô đã nói: "Cho phép tôi mót và nhặt những bông lúa đằng sau thợ gặt. Cô ấy đã đến và ở lại từ sáng tới giờ: Cô ấy chẳng chịu nghỉ ngơi chút nào." 8 Ông Bô-át nói với Rút: “Này con, con có nghe không? Đừng đi mót ở ruộng nào khác, cũng đừng rời khỏi đây, nhưng cứ theo sát các tớ gái của ta. 9 Con nhìn thửa ruộng chúng gặt và cứ đi theo chúng. Nào ta đã chẳng ra lệnh cho các tôi tớ không được đụng tới con sao? Nếu khát, con cứ đến chỗ để bình mà uống nước các tôi tớ đã múc."10 Rút liền cúi rạp xuống đất mà lạy ông, rồi nói: “Sao con lại được ông lấy lòng nhân từ đoái nhìn và quan tâm đến, dù con là một người ngoại quốc?”11 Ông Bô-át đáp: “Người ta đã kể lại cho ta nghe tất cả những gì con đã làm cho mẹ chồng sau khi chồng con mất, cũng như chuyện con đã bỏ cả cha mẹ và quê hương, mà đến với một dân trước kia con không hề biết tới. 12 Xin ĐỨC CHÚA trả công cho con vì những gì con đã làm! Chớ gì ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Ít-ra-en, thưởng công bội hậu cho con, Người là Đấng cho con ẩn náu dưới cánh Người!” (Ruth 2:1-12)
Sau cùng, bà Naomi phác định một kế hoạch và ông Boaz cưới nàng Ruth làm vợ.
9“Ông Bô-át nói với các kỳ mục và toàn dân: “Hôm nay, xin quý vị làm chứng cho là tôi tậu từ tay bà Na-o-mi tất cả những gì thuộc về ông Ê-li-me-léc, tất cả những gì thuộc về Kin-giôn và Mác-lôn.10 Và cả Rút người Mô-áp, vợ của Mác-lôn nữa, tôi cũng lấy làm vợ, để gia nghiệp người quá cố mãi mãi mang tên người đó, và để người đó khỏi bị xoá tên trong đám bà con họ hàng, cũng như trong số dân cư tụ họp tại cửa thành. Hôm nay, quý vị làm chứng cho điều đó.”11 Toàn dân ở cửa thành và các kỳ mục đáp: “Chúng tôi xin làm chứng! Xin ĐỨC CHÚA cho người phụ nữ sắp vào nhà ông được nên giống như bà Ra-khen và bà Lê-a, cả hai bà này đã xây dựng nhà Ít-ra-en! 12 Chớ gì dòng dõi mà ĐỨC CHÚA sẽ ban cho ông, nhờ người thiếu phụ này, làm cho nhà của ông được nên giống như nhà của ông Pe-rét, là người con mà bà Ta-ma đã sinh cho ông Giu-đa!”
13 Vậy ông Bô-át lấy cô Rút, và nàng trở thành vợ ông. Ông đến với nàng. Nhờ ơn ĐỨC CHÚA, nàng đã thụ thai và sinh một con trai.14 Các phụ nữ nói với bà Na-o-mi: “Chúc tụng ĐỨC CHÚA, Đấng hôm nay đã không để cho bà phải thiếu người bảo tồn dòng dõi: tên tuổi con trẻ sẽ được tung hô tại Ít-ra-en!15 Nó sẽ giúp bà lấy lại sức sống, và sẽ là người nâng đỡ bà trong tuổi già, vì người con dâu biết yêu quý bà đã sinh ra nó, nàng quý giá hơn bảy đứa con trai.”16 Bà Na-o-mi bế đứa trẻ lên và ôm vào lòng. Chính bà nuôi nấng đứa trẻ đó.17 Các bà hàng xóm láng giềng đặt tên cho đứa trẻ và nói: “Bà Na-o-mi đã sinh được một cháu trai.” Họ đặt tên cho nó là Ô-vết. Đó là cha của ông Gie-sê, là ông nội vua Đa-vít.” (Ruth 4:9-17)
KẾT LUẬN
Hiếu thảo với cha mẹ là luật của Thiên Chúa truyền cho con người phải giữ trong Cựu-ước. Đây là giới răn đứng đầu trong các giới răn liên hệ với tha nhân và là giới răn duy nhất có kèm theo hai lời hứa được sống lâu và được hạnh phúc. Ai cãi lời cha mẹ, đánh và giết cha mẹ sẽ bị tử hình. Cựu-ước cũng liệt kê một số nghĩa vụ con cái phải làm cho cha mẹ như: vâng lời, tôn kính, giúp đỡ, làm cho cha mẹ vui, săn sóc cha mẹ khi về già và thông cảm cho sự lú lẫn của các ngài.
--------------------------------------
[1] K. Elliger and W. Rudolph (eds.), Biblia Hebraica Stuttgartensia (Stuttgart: Deutsche Bibelgeselleschaft, 5th edit. with emendation by A. Schenker, 1997), 119.
[2] A. Rahlf, LXX Septuaginta in BibleWorks 7 [CD-ROM] (Big Fork, MT: Hermeneutika 2002).
[3] Elliger and Rudolph, Biblia Hebraica Stuttgartensia, 295.
[4] Rahlf, LXX Septuaginta in BibleWorks 7 [CD-ROM] (Big Fork, MT: Hermeneutika 2002).
[5] Nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh, Kinh Thánh (Hà Nội, Việt Nam: Tôn Giáo, 2011), 2603.
[6] Ibid., 1440.
[7] Ibid., 1441.
[8] T. Aquinas, Summa Theologica IIa-IIae, Q. 80, A. 1, English trans. by Fathers of the English Dominican Province (Allen, TX: Christian Classics, 1981) 1521.
[9] Nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh, Kinh Thánh, 489-94.
2. HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH THEO THÁNH PHAOLÔ
(Linh mục Martin Trần Đức, S.T.D., Tiến sĩ thần học kinh thánh từ Đại Học Giáo Hoàng Grêgôriô, Rôma, đã từng dạy Kinh Thánh 5 năm trong Đại Chủng Viện–Đại Học thánh Patriciô, Menlo Park, San Francisco, đã xuất bản cuốn Dẫn Nhập Vào Kinh Thánh Cựu Ước, Quyển I, Ngũ Thư và Các Sách Lịch Sử, Santa Ana 2004. Hiện đang giúp giáo xứ Our Lady of Guadalupe khoảng 6,000 gia đình, phục vụ với 2 thứ tiếng Anh và Tây Ban Nha, phụ trách cộng đoàn Châu Mỹ La-tinh, và hy vọng sẽ viết xong cuốn Introduction to the New Testament, the Synoptic Gospels - Dẫn Nhập vào Kinh Thánh Tân Ước, Các Tin Mừng Nhất Lãm, song ngữ Anh-Việt vào mùa hè năm 2015 hầu giúp các cộng đoàn dân Chúa học hỏi, biết thêm về Kinh Thánh Tân Ước. Linh mục Phêrô Nguyễn Cao Sâm, S.V.D. (Dòng Ngôi Lời), tỉnh dòng Hoa Kỳ, tiến sĩ Thần Học Mục vụ (Tâm lý Tôn giáo) (Graduate Theological Union, Berkeley, CA), hiện đang được cắt cử làm Tuyên úy Cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại tổng giáo phận Seoul, và là giảng sư tại đại chủng viện Seoul, Hàn quốc và tại Sàigòn, Việt Nam.)
Thánh Phaolô sinh ra, lớn lên, sinh sống và đi lại trong xã hội Do thái cũng như Hy-La, cho nên tôi sẽ trình bày trong bài viết này quan niệm của ngài về hôn nhân và gia đình với 4 điểm chính sau đây: bối cảnh, hôn nhân, ly dị, gia đình và gia quy
1. BỐI CẢNH
1.1. Thế giới Hy-La (Hy Lạp – La Mã)
Hôn nhân trong xã hội La-mã vào thời thánh Phaolô được xem như là “nhất phu nhất phụ”/ một chồng một vợ và trọn đời, “một phối hợp suốt đời, một chia sẻ quyền lợi dân sự và tôn giáo” (xem Modestinus Digesta 23.2.1). Mặc dù hôn nhân thường kết thúc bởi cái chết, nhưng nó cũng có thể kết thúc bởi ý định của chồng hoặc vợ nếu họ không còn tình cảm vợ chồng với nhau nữa. Trong trường hợp này, người ta không đòi buộc thủ tục ly hôn hợp pháp, chỉ một khai báo giản dị là đủ rồi, vì trong đế quốc La-mã lúc đó, chồng vợ có quyền ly dị lẫn nhau.
Ngoại tình thường được định nghĩa khá hạn hẹp như một sự phối ngẫu giữa một người đàn bà có chồng với một người đàn ông khác không phải là chồng của mình. Đây là một tội nghiêm trọng, có lẽ vì nó được xem như là một sự xâm phạm trắng trợn quyền sở hữu của người chồng, bị nghiêm phạt với những hình phạt khắt khe, đôi khi với cái chết của người vợ và người phối ngẫu, hoặc thường hơn với việc hai người bị trục xuất khỏi gia đình và xã hội (xem Lex Iulia de adulteriis coercendis, khoảng tk. 18tr.CN).
1.2. Do thái giáo
Mặc dù thánh Phaolô sinh ra trong thế giới La-mã, nhưng ngài cũng sinh ra trong một gia đình Do thái gắn bó cứng nhắc với niềm tin và phong tục Do thái (Pl 3:5-6)[1] trong đó Luật là nguồn giáo dục căn bản. Ngài theo trường phái Hillel, học dưới trướng giáo sĩ Gamaliên (Cv 22:3) và gia nhập nhóm Pharisêu, nhóm tuân giữ nghiêm ngặt Luật Môsê (thk. Pl 3:5-6). Do đó mặc dù thánh Phaolô có vẻ quen thuộc với cái nhìn và cách sống của thế giới Hy-La mà ngài là một thành phần của nó, nhưng chắc chắn tư tưởng và cách sống của ngài được hình thành bởi Do thái giáo thấm nhuần trong Cựu Ước hơn là bởi các quan niệm/tư tưởng Hy-La.[2]
1.2.1. Hôn nhân
Các tác giả Cựu Ước rất xem trọng hôn nhân, bởi vì họ cho rằng hôn nhân là sự trường tồn căn bản của xã hội mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên khi Ngài dựng nên một người nam từ bụi cát và tạo thành một người nữ từ người nam để làm bạn đời độc nhất của người nam, trở nên “một xác thịt” với người nam (St 2:21-24; thk. 1:27-28). Thật sự mà nói, các phong tục tập quán được ghi chép lại trong Cựu Ước không đạt được lý tưởng này như tục đa thê, nàng hầu, vợ bị xem như là vật sở hữu của chồng, chồng được coi như là chủ của vợ. Thế nhưng những câu truyện hôn nhân nhất phu nhất phụ của những nhân vật quan trọng như Nôê, Isaác và Giuse, vô số câu truyện nói về những người chồng cư xử với vợ mình trong yêu thương, tôn kính, bình đẳng và trung thành, và rất nhiều lời phát biểu cho rằng hạnh phúc và thịnh vượng gia đình gắn liền với chế độ một vợ một chồng, lòng trung thành và tôn kính nói lên rõ ràng rằng lý tưởng này không bao giờ mất đi và có biết bao người trong dân Chúa cố gắng làm cho lý tưởng này trở thành một thực tế sống động (thk. 2 V 4:8-25: Êlisha và mẹ con Sunêm; Tv 128; Cn 31; Gv 9:9; Hc 25:1,8; 26:1-4, 13-18).
1.2.2. Ly dị và tái hôn
Dựa theo lý tưởng vừa nêu trên, ly dị được coi như là trái với thánh ý nguyên thủy của Thiên Chúa vì hạnh phúc của cộng đoàn giao ước và như là một hành động bị Thiên Chúa chán ghét (Ml 2:16). Tuy nhiên, Cựu Ước có thừa nhận sự bướng bỉnh của con người (thk. Mt 10:5); do đó cả ly dị và tái hôn đều được cho phép (Đnl 24:1-4).
1.2.3. Ngoại tình
Ngoại tình trong Cựu Ước, không như tư tưởng và thông lệ ngày nay, người ta cho ngoại tình là lý do để ly dị, là tử tội phải bị ném đá hoặc bị thiêu sống (Lv 20:10; St 38:24). Đây là kết quả của sự phản bội của cả người vợ ngoại tình và nhân tình của cô ấy (Đnl 22:22-24). Hình phạt này thật nghiêm khắc là vì ngoại tình chống lại “nền móng và quyền lợi cá nhân của hôn nhân và gia đình” và “đi ngược lại lề luật của Chúa” Xh 20, 14), đe dọa nền tảng hiện hữu của dân chúng như là dân giao ước của Thiên Chúa (xem Đnl 22:22).
1.3. Chúa Giêsu
Thánh Phaolô cũng quen thuộc về truyền thống của Chúa Giêsu. Do đó, những gì Chúa nói về hôn nhân, ly dị và ngoại tình được coi như là nền tảng của những phúc đáp của ông cho các giáo hội của ông.
1.3.1 Hôn nhân
Chúa Giêsu tái xác nhận lý tưởng về hôn nhân được sắp đặt từ ban đầu. Người dẫn dắt những người đặt câu hỏi cũng như những người nghe về lúc sáng tạo, “Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt” (Mc 10:6-7; thk. St 1:27; 2:24). Rồi chính Chúa thêm vào lệnh truyền của Người, “Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10:9). Như thế Chúa dạy rằng hôn nhân là một thần chế, do chính Thiên Chúa chúc phúc: nó là nhất phu nhất phụ, trọn đời và hợp nhất giữa 2 người -một nam và một nữ-, phối hợp bởi Thiên Chúa nên họ không còn là hai mà là một.
1.3.2. Độc thân.
Độc thân cũng là một chọn lựa đối với Chúa Giêsu. Chính Người đã chọn đời sống này: không bao giờ lập gia đình; Người còn dạy người khác là họ cũng có thể chọn đời sống độc thân vì Nước trời. Đời sống này là một đặc sủng (charisma) Chúa ban cho một số người nào đó (xem Mt 19:10-12).
1.3.3. Ngoại tình.
Chúa Giêsu đứng chung với Luật Môsê chống lại ngoại tình, “Chớ ngoại tình.” Nhưng Người còn đi xa hơn nữa trong 2 chiều hướng quan trọng: 1) Chúa dạy rằng nếu người nam nhìn người nữ với lòng thèm muốn thì trong lòng đã phạm tội ngoại tình với người ấy (Mt 5:27-28). Do đó đối với Chúa Giêsu, tội ngoại tình có thể phạm trong tư tưởng/trong lòng cũng như trên giường. 2) Chúa Giêsu còn dạy rằng bất cứ người chồng nào rẫy vợ mà cưới vợ khác hay bất cứ người vợ nào bỏ chồng mà lấy chồng khác cũng đều phạm tội ngoại tình (Mc 10:11). Tuy nhiên Chúa Giêsu cũng đề cập đến trường hợp ngoại lệ, “Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp…” (Mt 19:9) như loạn luân (xem Lv 18:6-8)... Ở đây có rất nhiều quan điểm khác nhau khi chú giải câu ngoại trừ này như bằng chứng hay lý do cho phép ly dị, tiêu hôn và tái hôn.[3]
Là một người quen thuộc với thế giới La-mã như một công dân, là một người Do thái do bẩm sinh và được huấn luyện, là một người hết lòng theo Chúa và là vị tông đồ của Chúa Giêsu, thánh Phaolô thừa hưởng tất cả những truyền thống này từ đó ngài rèn nên tư tưởng của ngài về hôn nhân và ly dị.
2. HÔN NHÂN
2.1. Hôn nhân như bất khả xâm phạm và trường cửu
Thánh Phaolô cho rằng hôn nhân là suốt đời và sự kết hợp này là bất khả phân ly: “Luật chỉ có hiệu lực đối với người ta, bao lâu người ta còn sống. Tỉ dụ như người đàn bà có chồng, thì luật buộc theo chồng bao lâu chồng còn sống. Nhưng nếu chồng chết, thì vợ được tự do không phải giữ luật đó nữa” (Rm 7: 1-3). Đây rõ ràng là thánh Phaolô lập lại và xác nhận luật của Chúa khi ngài đề cập đến các vấn đề trong cộng đoàn Côrintô: “Còn với những người đã kết hôn, tôi ra lệnh này, không phải tôi, mà là Chúa: vợ không được bỏ chồng, mà nếu đã bỏ chồng, thì phải ở độc thân hoặc phải làm hòa với chồng; và chồng cũng không được rẫy vợ” (1 Cr 7:10-11; th.k. Mc 10:11).[4]
2.2. Sự đứng đầu và hỗ tương trong hôn nhân
Theo thánh Phaolô, chồng là đầu của vợ trong tương quan hôn nhân (1 Cr 11:3).[5] Ở đây ngài phản ảnh về phong tục tập quán thời của ngài cũng như sự hiểu biết của ngài về mệnh lệnh của Chúa; nhưng ngài khước từ bất cứ quan niệm nào cho rằng chồng là chủ của vợ mình với quyền hạn muốn làm gì thì làm về vợ như ý mình muốn. Trái lại, ngài nhấn mạnh về quyền bình đẳng và trách nhiệm hỗ tương giữa 2 vợ chồng: “Chồng hãy làm tròn bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy. Vợ không có quyền trên thân xác mình, nhưng là chồng; cũng vậy, chồng không có quyền trên thân xác mình, nhưng là vợ” (1 Cr 7:3-4). Quan niệm hỗ tương này cũng được nói lên rõ ràng trong thư gởi tín hữu Êphêsô: chồng vợ nên phục tùng lẫn nhau vì tôn trọng và bổn phận đối với Chúa Kitô: vợ đối với chồng (Ep 5:21), chồng đối với vợ trong yêu thương (Ep 5:25).
Một mặt khác, chồng là “đầu của vợ” hầu vợ phục tùng chồng (xem Cl 3:18; Tt 2:5; 1 Pr 3:1) không có nghĩa là chồng có quyền cai trị vợ, nhưng là chồng được lệnh yêu thương vợ mình với tình yêu hy sinh như Chúa Giêsu đã yêu thương giáo hội. Trong ý nghĩa này, chồng cũng phải phục tùng vợ để phục vụ vợ như vợ phục tùng/phục vụ chồng. Do đó, theo thánh Phaolô, làm đầu bao giờ cũng phải được thể hiện qua sự hy sinh bản thân chớ không qua sự đòi hỏi quyền lợi cho chính mình.
2.3. Hôn nhân, Chúa Kitô và Giáo hội
Cựu Ước đã mạnh dạn diễn tả sự kết hợp giao ước giữa Thiên Chúa và Israel bằng ngôn từ hôn nhân (thk. Ed 16:8), báo trước sự linh thiêng và danh giá của hôn nhân. Theo truyền thống này, thánh Phaolô đã diễn tả mối quan hệ hôn nhân giữa vợ chồng qua mối quan hệ tương tự giữa Chúa Kitô và cộng đoàn tín hữu: “Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (Ep 5:32). Qua sự so sánh này, chúng ta thấy rằng thánh Phaolô đã thật coi trọng hôn nhân như ví dụ hoàn hảo về henōsis, sự hợp nhất của tình yêu vợ chồng.
2.4. Hôn nhân và giới lãnh đạo của Giáo hội
Giám mục “chỉ có một đời vợ” (tiếng Hy-lạp “mias gynaikos andra” (1 Tm 3:2; Tt 1:6; thk. 1 Tm 5:9) là một thành ngữ có thể được dịch ra từng chữ: “chồng của một vợ.” Đây là một thành ngữ rất khó, nên đã đưa đến nhiều cách dịch và chú giải khác nhau như: “chồng của một vợ” (giám mục phải là người có vợ), “chỉ có một đời vợ” (một người có nhiều vợ không thể làm giám mục), “chỉ cưới có một lần” (không có quyền tái hôn nếu vợ qua đời), “trung thành với một vợ của mình” (giám mục là mẫu mực như một người có vợ). Trong các cách dịch khác nhau này, tôi đồng ý với cách dịch của New American Bible: “chỉ cưới có một lần” (“married only once”).[6] Điều này có nghĩa là giám mục không thể có hơn một vợ sau khi vợ qua đời.
2.5. Sự lựa chọn độc thân
Như Chúa Giêsu, thánh Phaolô tin và dạy rằng độc thân thay vì hôn nhân là một sự lựa chọn chính đáng cho Kitô hữu, vì người sống độc thân có nhiều thuận lợi phục vụ Nước Chúa hơn người có vợ hay chồng ( 1Cr 7:32-35; thk. Mt 19:20-12). Chính thánh Phaolô là người độc thân như một tông đồ của Chúa, ngài rất quen thuộc với các lời của Chúa về điều này và luôn xem cuộc sống độc thân là một đặc sủng (charisma) của Chúa (1 Cr 7:7) không hẳn dành cho mọi người vì sứ mệnh bao la và thời gian ngắn hạn (1 Cr 7:26-35; thk. Mt 19:11).
3. LY DỊ
Thánh Phaolô nói rất ít về ly dị vì đối với ngài, hôn nhân là một quan hệ giao ước trọn đời giữa 2 vợ chồng mà căn bản của nó là ý Thiên Chúa khi Ngài tạo nên một người nam và một ngườ nữ trong sách Sáng Thế (St 2:24; thk. Rm 7:2-3).
3.1. Hôn nhân: lý tưởng và nhượng bộ
Như Chúa Giêsu, thánh Phaolô nhận thức rằng lý tưởng hôn nhân có thể không bao giờ đạt tới. Đặc biệt khi ngài đề cập về một khủng hoảng trước mắt trong cộng đoàn Côrintô: một trong các phụ nữ của cộng đoàn này “bỏ chồng” (1 Cr 7:11); ngài phản đối bằng cách dùng lệnh của Chúa Giêsu: “vợ không được bỏ chồng” (1 Cr 7:10; thk. Mc 10:12), nhưng nếu đã bỏ chồng thì phải ở độc thân (1Cr 7: 11).
Lời phát biểu nói trên của thánh Phaolô có thể được suy luận ra từ một thực tế xã hội vào thời của ngài: khi giáo hội sống giữa thế giới Hy-La, các phụ nữ Kitô giáo, cũng như các phụ nữ ngoại đạo, cảm thấy mình được tự do trong nền văn hóa Hy-La để ly dị chồng. Điều này không bao giờ có trong xã hội Do thái nơi phát sinh Kitô giáo, trong đó đặc quyền ly dị chỉ dành cho người chồng. Lời phát biểu này cũng nói lên rõ ràng là, mặc dù phụ nữ trong nền văn hóa Hy-La có quyền tự do ly dị chồng, nhưng phụ nữ Kitô giáo thì không có quyền này, theo lệnh của Chúa Giêsu! Lệnh này áp dụng cho cả chồng lẫn vợ (1 Cr 7:11). Tuy nhiên, khi ly dị đã thực sự xảy ra, thánh Phaolô cũng nhượng bộ như Chúa Giêsu và theo một tiêu chuẩn rõ ràng: nếu ly dị có xảy ra (được phép), thì không thể tái hôn (để tránh tội ngoại tình: thk. Mc 10:11-12; Mt 5:31; Lc 16:18). Người ly dị phải ở độc thân hoặc phải làm hòa với chồng hoặc ngược lại (1 Cr 7:11).
3.2. Những trường hợp ngoại lệ
Như trường hợp Chúa Giêsu đặt ra lý tưởng cho hôn nhân (thk. Mc 10:8-12) nhưng Người có thay đổi nó vì một trường hợp ngoại lệ, “hôn nhân bất hợp pháp” (th. k. Mt 5:31-32; 19:9), trong đó người chồng/vợ “vô tội” không còn bị ràng buộc bởi mối quan hệ hôn nhân, có lý do chính đáng để tái hôn, thì thánh Phaolô cũng thiết lập một trường hợp ngoại lệ cho các Kitô hữu Côrintô gặp trở ngại tương tự. Đó là chồng hay vợ có đạo có vợ hay chồng ngoại đạo thì nên cư xử làm sao? Câu trả lời của thánh Phaolô rất phù hợp với điều ngài đã nói trước đây: tín hữu không được thay đổi trong quan hệ hôn nhân của họ; tín hữu bị ràng buộc với người phối ngẫu cho đến khi mối ràng buộc này được tháo gở hay hủy bỏ bởi sự chết bao lâu người ngoại đạo đồng ý sống với người chồng hoặc vợ có đạo (1 Cr 7: 12-13). Nhưng nếu người chồng hay vợ ngoại đạo muốn bỏ hay ly dị tín hữu, tín hữu cứ để họ đi: trong trường hợp này, chồng hay vợ có đạo không bị ràng buộc bởi luật hôn nhân (1 Cr 7:15). Họ có quyền tái hôn. Đây phải nói là một trường hợp ngoại lệ cụ thể nơi cộng đoàn Côrintô, nhưng thánh Phaolô luôn giữ vững quan điểm của ngài là tín hữu không bao giờ tự mình đề xướng hay quyết định ly dị. Ngày nay còn có những trường hợp ngoại lệ tương tự khác như tàn bạo, ruồng bỏ, lạm dụng/hành hung thể lý, phá hủy có hệ thống tâm lý người phối ngẫu, v.v… tất cả những trường hợp này đều nằm ngoài sự đoán xét của thánh Phaolô; cho nên không một tín hữu nào có quyền tự quyết định về những vấn đề này nhưng phải qua thẩm quyền của giới lãnh đạo giáo hội.[7]
4. GIA ĐÌNH VÀ GIA QUY
4.1. Khái niệm về gia đình
Gia đình (oikia, oikos) là một đơn vị căn bản trong xã hội Hy-La thời thánh Phaolô. Nó bao gồm các thành viên của gia đình trực tiếp và thường nới rộng bao gồm cả các nô lệ, người tự do, đầy tớ và công nhân. Trên nguyên tắc, chủ gia đình có toàn quyền trên gia đình với các bổn phận và trách nhiệm pháp lý; nhưng mối ràng buộc thật sự của gia đình thường dựa trên lòng trung thành, bắt nguồn từ các yếu tố xã hội, kinh tế, tâm lý và tôn giáo. Chính gia đình là nơi cung cấp sự an toàn và căn tính cho mỗi thành viên. Dựa trên chỗ đứng quan trọng của khái niệm về gia đình vào thời của ngài, thánh Phaolô đã diễn tả hội thánh và các mối tương quan khác nhau trong hội thánh bằng những ngôn từ và khái niệm có liên quan đến gia đình.
Thánh Phaolô có nhắc đến rất nhiều về gia đình (hay “nhà”) thế tục trong các Thư của ngài (oikia: 1 Cr 11:22; 16:15; Pl 4:22; 1 Tm 5:13; 2 Tm 3:6; oikos: Rm 16:5; 1Cr 1:16; 11:34; 14:35; 16:19; Cl 4:15; 1 Tm 3:4, 5, 12; 5:4; 2 Tm 1:16; 4:19; Tt 1:11; Phm 2). Tuy nhiên, trong nhiều đoạn kinh thánh này, thánh Phaolô dùng chính danh từ gia đình hay nhà để nói về nơi các tín hữu gặp nhau để thờ phượng Chúa (Rm 16:5; 1 Cr 16:19; Cl 4:15; Phm 2)! Chính ngài đã biến đổi cái nhìn truyền thống về gia đình bằng cách nhìn vào cộng đoàn tín hữu như là một gia đình mới của Chúa.[8] Đặc biệt trong 1 Tm 3:15 ngài diễn tả cộng đoàn Êphêsô như là “nhà của Thiên Chúa.” Thay vì nói về tòa nhà hay nơi hội họp, thánh Phaolô dùng quan niệm gia đình hay nhà như một đơn vị xã hội bao gồm nhiều thành viên khác nhau, trong đó mỗi một thành viên đều có trách nhiệm đối với nhau và với chủ nhà, để nhấn mạnh cách cư xử thích hợp giữa các nhóm khác nhau trong giáo hội (1 Tm 2:1-7: giáo hội cách chung; 1 Tm 2:8-15: đàn ông và đàn bà; 1 Tm 3:1-7: các giám quản [overseers]; 1 Tm 3:8-13: các trợ tá nam và nữ [deacons and deaconesses]). Trong 2 Tm 2:20-21, giáo hội được so sánh như một “ngôi nhà lớn” trong đó có các đồ vật (“vessels”) quý giá và bình thường (tín hữu) nên được thanh tẩy chuẩn bị cho chủ nhà (Thiên Chúa) dùng đến.
Là một thành viên trong gia đình thì được bảo vệ, cảm thấy có an ninh trong ý nghĩa thuộc về. Thánh Phaolô diễn tả ý tưởng này khá rõ ràng khi ngài nói về các tín hữu gốc ngoại đạo như “người nhà của Thiên Chúa” (Ep 2:19) hay “gia đình đức tin” (Gl 6:10; thk. 1 Tm 5:8). Để gìn giữ gia đình Thiên Chúa trong trật tự và yêu thương, thánh Phaolô cò dùng đến ngôn từ “gia quy.”
4.2. Gia quy
Thánh Phaolô đề cập đến gia quy rõ ràng trong 2 đoạn kinh thánh Cl 3:18–4:1 và Ep 5:22-33 trong đó ngài nói về vai trò và địa vị của các thành viên trong giáo hội như chồng/vợ, cha mẹ/con cái, chủ/tớ với cách cư xử thích đáng như phục tùng hay vâng lời. Ngoài 2 đoạn này ra, còn những đoạn khác cũng nhắc đến gia quy với giọng điệu và thể thức tương tự: 1 Tm 2:1-15; 5:1-2; 6:1-2, 17-19; Tt 2:1-3:8; Pr 2:13-3:7; 1 Cr 14:33-35. Có rất nhiều ý kiến khác nhau về quan niệm gia quy của thánh Phaolô: một số học giả kinh thánh cho rằng gia quy của thánh Phaolô phản ảnh sự nhạy cảm của ngài về những kỳ vọng rộng lớn hơn của xã hội văn hóa Hy-La thời đó; một số học giả khác cho rằng thánh Phaolô có ý muốn cho gia quy của ngài thích ứng nhiều hơn với gia quy xã hội thời đó![9]
Khi đọc kỹ hơn gia quy của thánh Phaolô trong Ep 5:21–6:9, chúng ta thấy rằng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa chủ và tớ dựa trên một căn bản là cả chủ và tớ đều có một Chủ trên thiên đàng (Ep 6:9). Điều này cũng được nhắc đến trong Cl 3:18–4:1, các chủ phải đối xử “công bằng và đồng đều với các nô lệ, vì biết rằng cả anh em nữa cũng có một Chủ ở trên trời” (Cl 4:1). Tình trạng nô lệ thì bị hủy bỏ trong Thư gởi Philêmôn trong đó thánh Phaolô kêu gọi Philêmôn hãy chấp nhận Ônêximô lại không những là người em trong Chúa Kitô mà còn là người em trong quan hệ xã hội và là cộng sự viên (Phm 16-17).[10]
Tóm lại, theo thánh Phaolô, tất cả mối quan hệ trong gia đình của Chúa bao giờ cũng đặt trên nền tảng yêu thương, bác ái, phục vụ và bình đẳng, vì tất cả tín hữu đều là con cái của một Cha trên trời và là một trong Chúa Kitô qua phép bí tích rửa Tội: “Thật vậy, nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Kitô. Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô. Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3: 26-28).
---------------------------------
[1] Trong bài viết này, các trích dẫn kinh thánh đều được trích từ Kinh Thánh Trọn Bộ Cựu Ước và Tân Ước, do Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Tòa Tổng Giám Mục Thành Phố Hồ Chí Minh, 1988. Các chữ viết tắt: tk. có nghĩa là thế kỷ; tr. = trước; CN = Công Nguyên; thk. có nghĩa là tham khảo.
[2] Xem W. R. Stegner, “Jew, Paul The,” Dictionary of Jesus and the Gospels, A Commentary of Contemporary Biblical Scholarship, by Joel B. Green, Scot McKnight, I. Howard Marshall, InterVarsity Press, Downers Grove, Illinois, Leicester, England, 1992, 503-511.
[3] Xem Dictionary of Jesus and the Gospels, A Commentary of Contemporary Biblical Scholarship, by Joel B. Green, Scot McKnight, I. Howard Marshall, InterVarsity Press, Downers Grove, Illinois, Leicester, England, 1992, 192-199.
[4] Xem J. Murphy-O’Connor, “The Divorced Woman in 1 Corinthians 7:10-11,” JBL 100 (1981), 601-2.
[5] Xem C.S. Keener, “Man and Woman,” Dictionary of Paul and His Letters, A Compendium of Contemporary Biblical Scholarship, by Gerald F. Hawthorne, Ralph P. Martin, Daniel G. Reid, InterVarsity Press, Downers Grove, Illinois, Licester, England, 1993, 583-592.
[6] Xem Dictionary of Paul and His Letters, 597; The Catholic Study Bible: New American Bible, Oxford University Press, NY, 1991, 335; Xem Raymond Brown, An Introduction to the New Testament, Doubleday, NY, 1997, 647; Xem The New Interpreter’s Bible, A Commentary in Twelve Volumes, Vol. XI, 2 Corinthians, Galatians, Ephesians, Philippians, Colossians, 1 & 2 Thessalonians, 1 & 2 Timothy, Titus, Philemon, by Leander E. Keck et al., Abingdon Press, Nashville 2000, 803-806.
[7] Xem G.F. Hawthorne, “Marriage and Divorce, Adultery and Incest,” Dictionary of Paul and His Letters, 599.
[8] Xem Robert R. Wilson, “Family, The,” The HarperCollins Bible Dictionary, Harper San Francisco, 1996, 330.
[9] Xem P.H. Towner, “Household Codes in Paul,” Dictionary of Paul and His Letters, 418-419.
[10] Xem S.C. Mott, “Ethics,” Dictionary of Paul and His Letters, 269-274.
3. GIA ĐÌNH KITÔ HỮU GƯƠNG MẪU
(Linh mục Nguyễn vănThanh, S.V.D., S.Th.D, tiến sỹ thần học Kinh Thánh. Hiện là giáo sư Kinh Thánh Tân Ước, giáo sư hướng dẫn chương trình Cao Học Thần Học Mục Vụ tại Liên Trường Thần Học Công Giáo Chicago (Catholic Theological Union), là linh mục dòng Ngôi Lời, và phụ chủ bút cho Journal of the International Association of Mission Studies. Cha xuất bản cuốn Peter and Cornelius: A Story of Conversion and Mission (2012) và Stories of Early Christianity (2013), và cùng chủ biên cuốn God’s People on the Move: Biblical and Global Perspectives on Migration and Mission (2014). Linh mục Phêrô Nguyễn Cao Sâm, S.V.D. (Dòng Ngôi Lời), tỉnh dòng Hoa Kỳ, tiến sĩ Thần Học Mục vụ (Tâm lý Tôn giáo) (Graduate Theological Union, Berkeley, CA), hiện đang được cắt cử làm Tuyên úy Cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại tổng giáo phận Seoul, và là giảng sư tại đại chủng viện Seoul, Hàn quốc và tại Sàigòn, Việt Nam. )
Sách Tông Đồ Công Vụ tường thuật rất nhiều việc làm của Phêrô, Phaolô và những môn đệ khác, chẳng hạn như Stêphanô, Philiphê, Gioan, Barnaba, Timôthê, Silas. Những môn đệ này thuộc phái nam mà rất nhiều khi đã làm cho người ta lầm tưởng rằng phái nữ không có dự phần vào công việc gầy dựng và phát triển sự lớn mạnh của Giáo hội. Hơn nữa phần lớn những nam đồ đệ này lại là những người độc thân, còn những ai có gia đình lại càng thường không tham dự vào sứ mạng truyền giáo của Giáo hội. Cách suy nghĩ này sẽ khác cho tới khi chúng ta được biết đến mẫu gương của hai vợ chồng Priscilla và Aquila. Cặp vợ chồng truyền giáo di cư này đã không ngừng nghỉ mà liên tục đi đến và khai mào cũng như thành lập những giáo đoàn mới với tầm ảnh hưởng lớn mạnh trong thời sơ khai của Giáo hội Côrintô, Êphêsô, và Rôma. Mới đầu họ an cư lạc nghiệp ở Rôma nhưng đã buộc phải di tản đến Côrintô vì sắc lệnh bắt đạo của hoàng đế Clauđiô năm 49 sau Công Nguyên (CE). Họ trở lại Êphêsô vì mục đích truyền giáo và sau cùng được trở về lại Rôma sau khi Clauđiô đã băng hà vào năm 54 CE. Họ xây dựng lại nơi ăn chốn ở cũng như công ăn việc làm ít nhất là ba lần với ba địa điểm khác nhau. Tuy cuộc sống của họ lênh đênh cùng với những chiếc lều mà họ thường dệt, nhưng họ chẳng bao giờ xao lãng bổn phận rao giảng Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô. Hơn thế nữa, họ đã liều chính mạng sống mình vì đức tin mà họ đã được lãnh nhận và tuyên xưng.[1]
Sắc Lệnh của Hoàng Đế Claudius là gì?
§ Là một sắc lệnh bắt đạo của hoàng đế Claudius vào năm 49 sau Công Nguyên. Sắc lệnh này trục xuất những Kitô hữu gốc Do thái ra khỏi Rôma, trong đó có Priscilla và Aquila.
§ Những đoạn Kinh Thánh tường thuật về biến cố này được ghi trong sách Tông Đồ Công Vụ 18:1-2.
Priscilla và Aquila thật là mẫu gương của người Kitô hữu sống đời Gia Đình. Chính thánh Phaolô cho biết, họ được “tất cả cộng đoàn dân ngoại trân quý” (Rm 16:4). Cho nên chúng ta không lạ gì khi cặp vợ chồng khá đặc biệt này đều được nhắc nhớ lại và trân quý bởi hai thánh sử Luca (Cv 18:1-3, 18-19, 26-27), và Phaolô (1 Cr 16:19; Rm 16:3-5; 2 Tm 4:19). Để hiểu rõ và đánh giá đúng về tầm ảnh hưởng của cặp vợ chồng truyền giáo di cư này, chúng ta hãy nghiên cứu những đoạn Thánh Kinh đã nhắc đến họ.
Priscilla và Aquila là ai?
§ Priscilla (cũng được gọi là Prisca) là vợ của ông Aquila, nhưng tên của bà thường được ghi trước tên của chồng.
§ Cặp vợ chồng này đã bị trục xuất ra khỏi Rôma do sắc lệnh của hoàng đế Clauđiô năm 49 CE.
§ Họ làm nghề dệt lều (hoặc đồ da), là những người bạn cùng đồng hành và cộng sự viên trên sứ mạng truyền giáo của Phaolô và đã thành lập (hoặc cùng sáng lập) cộng đoàn Kitô hữu tại Côrintô và Êphêsô.
§ Priscilla và Aquila là những người giáo lý viên ưu tú vì đã giúp hướng dẫn ông Apôlô và rất nhiều người khác, và các tín hữu luôn hội họp nơi nhà của họ ở Côrintô, Êphêsô, và Rôma.
§ Priscilla và Aquila được tôn vinh là thánh trong Giáo hội Chính Thống Hy Lạp (ngày 13 tháng 2) và Giáo hội Lutheran (ngày 13 tháng 2).
§ Cặp vợ chồng khá đặc biệt này đều được nhắc nhớ lại và trân quý bởi thánh sử Luca (Cv 18:1-3, 18-19, 26-27), và Phaolô (1 Cr 16:19; Rm 16:3; 2 Tm 4:19).
Vợ Chồng Truyền Giáo Di Cư
Priscilla và Aquila được nhắc đến sáu lần trong Tân Ước: ba lần do thánh Luca (Cv 18:1-3, 18-19, 26-27); ba lần bởi Phaolô (1 Cr 16:19; Rm 16:3-5; 2 Tm 4:19). Luca luôn xưng bằng tên giễu dễ thương của bà là Priscilla. Tuy nhiên đối với Phaolô thì ngài vẫn muốn gọi đích danh là Prisca. Trong bài viết này tôi dùng tên dễ thương Priscilla như Luca vẫn thường gọi.
Trong sáu lần nhắc tên thì đã có bốn lần ghi tên bà Priscilla trước cả tên của chồng (Cv 18:18, 26; Rm 16:3; 2 Tm 4:19). Trong thời cổ đại lúc ấy khi gọi tên một phụ nữ trước tên của chồng kể là cũng hơi trái ngược với thông lệ thời đó. Có những nhà Thánh Kinh học đã nêu lên và đặt thành định đề giải thích do lý do gì đã đưa tới hiện tượng trái với thông lệ này. Có người cho rằng có thể vì bà là người giàu sang phú quý trong xã hội cho nên dùng danh xưng bằng tên riêng của bà để gọi.[2] Tuy nhiên, vì Priscilla cùng làm việc tay chân nặng nhọc sát cánh với chồng bà (Cv 18:3), như Murphy-O’Connor cho thấy rằng, bà ta chắc cũng không hơn gì chồng bà trong lãnh vực địa vị của xã hội cũng như sự giàu sang phú quý như có người nghĩ. Bởi vì một người đàn bà sinh ra trong một gia đình quý tộc thường không phải đụng tay vào những việc lam lũ, nặng nhọc của nghề dệt lều như vậy. Hơn nữa một người đàn bà có tiền của giàu có thì cũng chẳng cần phải lao lực như vậy, mà thường là có người hầu. Do đó, hầu hết các nhà Kinh Thánh học, kể cả Murphy-O’Connor cho rằng, tên Priscilla đã được dùng có thể là do sự uy tín nổi bật của bà được chân nhận trong Giáo Hội thời tiên khởi.[3] Hay nói cách khác, Priscilla đảm nhận một trong những vai trò lãnh đạo trọng trách trong công việc mục vụ của Giáo Hội sơ khai lúc ấy. Tuy nhiên, sự thay phiên giữa tên của chồng và vợ được ghi trước hoặc sau như: hai lần tên của chồng là Aquila được ghi trước cho chúng ta thấy sự liên kết chặt chẽ trong mối tình vợ chồng này.[4] Cho dù chúng ta có đưa ra những giả thuyết để phân bày cách gì đi nữa, một sự kiện không thể chối bỏ được đây là cặp vợ chồng với mẫu gương thật gắn bó cộng tác trong sứ mạng truyền giáo của họ, và họ không thể rời nhau được.
Chúng ta được Tân Ước cho biết rất nhiều khía cạnh về cặp vợ chồng di dân trong sứ vụ truyền giáo thật độc đáo này. Những gì được trình bày sau đây là những tài liệu mà Luca và Phaolô đã ghi lại. Vì Luca cung cấp cho chúng ta nhiều tài liệu hơn bởi thế chúng ta bắt đầu với sách Tông Đồ Công Vụ:
“Sau đó, [Phaolô] rời Athen đi Côrintô. Tại đây, ông gặp một người Do Thái tên là Aquila, quê ở Pontô, vừa mới từ Italia đến, cùng với vợ là Priscilla, vì hoàng đế Cơlauđiô (Claudius) đã ra lệnh cho mọi người Dothái phải rời Rôma. Ông Phaolô đến thăm hai ông bà, và vì cùng nghề, nên ông ở lại nhà họ và cùng làm việc: họ làm nghề dệt lều” (18:1-13);
“Ông Phaolô còn ở lại Côrintô khá lâu, sau đó từ giã các anh em và vượt biển sang miền Xyria, cùng với bà Priscilla và ông Aquila. Trước đó, tại Kenkhơrê, ông xuống tóc, vì có lời khấn. Khi đến Êphêxô, ông Phaolô từ biệt hai người kia. Phần ông, ông vào hội đường và thảo luận với người Dothái” (18:18-19);
“Ông bắt đầu mạnh dạn rao giảng trong hội đường. Sau khi nghe ông nói, bà Priscilla và ông Aquila mời ông về nhà trình bày Ðạo của Thiên Chúa cho ông chính xác hơn. Ông Apôlô muốn sang miền Akhaia thì các anh em khuyến khích ông và viết thư xin các môn đệ tiếp đón ông. Khi đến nơi, nhờ ơn Chúa, ông đã giúp ích nhiều cho các tín hữu” (18:26-27).
Luca ghi lại cho chúng ta ba đoạn riêng biệt nhắc đến cặp vợ chồng này. Đoạn đầu tiên diễn tả về bốn điều liên quan đến họ (Cv 18:1-3).[5] Điều thứ nhất, Aquila và Priscilla là cặp vợ chồng và có thể là những người du khách hành hương (chứ không phải dạng nô lệ). Họ là hai người đã lấy nhau theo tục lệ của thời Rôma bấy giờ, nghĩa là đám cưới giữa hai người công dân không phải là nô lệ.[6] Tuy nhiên, qua việc họ bị trục xuất khỏi Rôma mà không được xét xử hàm ý rằng, họ có thể không có được quyền công dân quốc tịch La-mã; mà chỉ là những người được tự do thuộc du khách hành hương mà thôi.[7] Luca còn cho chúng ta biết Aquila là người Dothái di tản ra hải ngoại, “là dân Pácthia (Pontus).”[8] Điều thứ hai, cặp vợ chồng này đã bị trục xuất ra khỏi Rôma do sắc lệnh của hoàng đế Claudius năm 49 CE. Điều thứ ba, họ đã di tản đến Côrintô và an cư lạc nghiệp ở đó với nghề dệt lều (và hoặc là nghề làm đồ da) vào mùa xuân của năm 50 CE.[9] Và điều thứ tư, Phaolô đã gặp họ ở Côrintô và đã cư ngụ tại nhà của họ, cả ba đều cùng kinh doanh trong nghề dệt lều. Chúng ta biết rằng Phaolô đã đến Côrintô vào khoảng giữa năm cho tới cuối năm 50 CE. Bối cảnh này rất phù hợp với thời điểm mà Phaolô đã bị đưa ra tòa thời ông Galion (Gallio) làm thống đốc tỉnh Achaia năm 51/52 CE mà Tông Đồ Công Vụ đã ghi lại trong đoạn 18:12. Cặp vợ chồng này dường như đã là những Kitô hữu trước khi họ rời Rôma. Cũng có thể vì họ đảm trách cương vị lãnh đạo có uy thế trong Giáo Hội thời tiên khởi đó, cho nên họ đã bị trục xuất khỏi Rôma.[10] Hơn nữa khi cặp vợ chồng này gặp Phaolô họ đã tìm ngay được tình liên đới, điền này làm cho chúng ta suy luận rằng, họ phải là người Kitô hữu rồi và cũng chính vì vậy mà họ đã bị trục xuất khỏi Rôma.[11] Nếu sự suy luận của chúng ta đúng thì Aquila và Priscilla chính là những người đã thành lập cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi ở Côrintô, bởi vì họ đến Côrintô trước Phaolô.[12]
Trong lần mô tả thứ hai (Cv 18:18-19), Luca cho chúng ta biết Priscilla và Aquila là những người bạn đồng hành và cộng sự viên trên sứ mạng truyền giáo của Phaolô và họ đã thành lập cộng đoàn Kitô hữu tại Êphêsô. Theo Luca, sau mười tám tháng (18:11) cùng cộng tác với Phaolô trong công việc gầy dựng cộng đoàn giáo hội ở Côrintô, hai ông bà lại một lần nữa hy sinh bỏ hết mọi sự nghiệp mà họ đã gầy dựng ở Côrintô để theo Phaolô di chuyển đi, với quãng đường biển từ Aegean dài khoảng 412 cây số để đến Êphêsô gầy dựng giáo đoàn ở đó. Luca ghi rằng, khi đến Êphêsô, Phaolô liền từ biệt họ để xuống tàu rời Êphêsô, tức là cặp vợ chồng di cư này phải là người sáng lập cộng đoàn Kitô hữu ở Êphêsô.[13]
Trong lần mô tả thứ ba của Luca, ngài tuyên dương Priscilla và Aquila là những giáo lý viên ưu tú vì đã giúp hướng dẫn ông Apôlô, người Dothái, quê ở Alêxanria, di cư đến Êphêxô (Cv 18:26-27). Apôlô không những là người đã gia nhập đạo lâu năm mà còn là một giảng thuyết gia xuất sắc, bởi vì ông là nguời có tài hùng biện và thông thạo Kinh Thánh (18:24). Tuy nhiên ông chỉ biết có phép rửa của ông Gioan. Vì thế với sự hướng dẫn tài tình của cặp vợ chồng này, chỉ trong thời gian ngắn đã giúp cho Apôlô thấu hiểu Đạo của Thiên Chúa chính xác hơn và đạt được tâm huyết là lên đường rao truyền Tin Mừng ở Achaia.
Phaolô ghi lại hai đoạn Tân Ước nói về cặp vợ chồng này như sau:
“Các Hội Thánh Axia gửi lời chào anh em. Aquila và Priscilla cùng với Hội Thánh họp tại nhà họ gửi lời chào anh em trong Chúa” (1 Cr 16:19);
“Tôi xin gửi lời thăm chị Priscilla và anh Aquila, những người cộng tác với tôi để phục vụ Ðức Kitô Giêsu; hai anh chị đã liều mất đầu để cứu mạng tôi. Không chỉ mình tôi, mà còn các Hội Thánh trong dân ngoại cũng phải mang ơn anh chị. Tôi cũng xin gửi lời thăm Hội Thánh vẫn họp tại nhà anh chị ấy” (Rm 16:3-5a).
Sự kiện thứ nhất này tìm thấy ở thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô (16:19). Có thể Phaolô đã viết thư này tại Êphêsô vào giữa thập niên 50 CE nơi Priscilla và Aquila đã tái lập sự nghiệp. Sau khi Phaolô đến từ Côrintô, ngài từ giã cặp vợ chồng này ở Êphêsô để lên đường đi thành lập các giáo đoàn ở Antioch, Galatia và Phrygia (Cv 18:21). Cho đến sau này ngài mới gặp lại họ, phỏng đoán vào hành trình truyền giáo lần thứ ba của ngài (Cv 19:1). Priscilla và Aquila ở lại tiếp tục công việc gầy dựng giáo đoàn ở Êphêsô. Họ tiếp tục rao giảng về Chúa Giêsu Kitô cho nhiều người, giống như họ đã hướng dẫn Apôlô. Ngoài ra, họ cũng tiếp đón nhiều Kitô hữu khác đến dùng bữa tại nhà họ. Điều Phaolô đã nhắc tới khi viết: “cùng với Hội Thánh họp tại nhà họ” (1 Cr 16:19) cho chúng ta thấy rất có thể Phaolô đã cư ngụ nơi nhà họ trong lúc ngài viết thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô. Lời chào thăm từ Priscilla và Aquila chắc rằng sẽ được nhiều người trong giáo đoàn Côrintô đón nhận bởi vì chính họ cũng đã từng chung vai sát cánh với giáo đoàn này.
Lần thứ hai Phaolô đề cập đến cặp vợ chồng này khi ông viết lời từ giã đến họ trong thư gởi tín hữu Rôma (16:3-5a). Thư này có thể đã được viết khoảng năm 56 hoặc 57 CE khi Priscilla và Aquila đã trở về lại Rôma.[14] Trong lời tường thuật vắn tắt của Phaolô, ngài đã làm nổi bật bốn đặc điểm về sứ mạng truyền giáo của cặp vợ chồng này. Đầu tiên, ngài coi họ là những “cộng sự viên” trong Chúa Giêsu Kitô. Thứ hai, họ là những người đã “liều mất đầu” để cứu Phaolô qua quá trình bênh đỡ và trung thành sống chết với Phaolô. Thứ ba, Phaolô và “tất cả các hội thánh trong dân ngoại” đều mang ơn cặp vợ chồng này. Và sau cùng, các tín hữu luôn hội họp nơi nhà của họ ở Rôma,[15] cũng giống như thời họ còn định cư tại Êphêsô (1 Cr 16:19) và ở Côrintô (Cv 18:1-3).
Đoạn thánh thư cuối cùng liên quan đến cặp vợ chồng giáo dân độc đáo này được ghi lại trong thư thứ hai gởi Timôthê: “Xin gửi lời thăm chị Priscilla và anh Aquila, và gia đình anh Ônêxiphôrô” (4:19). Thư này được coi là thư do chính đồ đệ của Phaolô viết chứ không do chính tay Phaolô. Trong thời đại ấy người ta dùng danh người khác mà viết thư là việc thường tình. Dù gì đi nữa, tác giả của thư này đã gởi lời chào thăm Priscilla và Aquila, những người được mô tả là “trung tín trong việc mục vụ với Timôthê tại Êphêsô.”16 Thư thứ nhất gởi Timôthê (1:3) cho chúng ta biết Timôthê cư ngụ tại Êphêsô.17 Từ điều tưởng chừng như không đáng kể này, chúng ta nhận ra thêm một chi tiết rõ hơn, đó là cặp vợ chồng truyền giáo này lại một lần nữa di cư đến Êphêsô. Hơn nữa, vì họ luôn được gởi lời chào thăm trước, điền này chứng tỏ rằng sự trân quý mà tác giả lá thư cũng như những Kitô hữu khác đã dành cho họ.
Với dữ kiện là có ba tác giả của Tân Ước ghi lại sáu lần về Pricilla và Aquila cho chúng ta thấy cặp vợ chồng này có tầm ảnh hưởng rất lớn trong đời sống của Giáo Hội tiên khởi. Họ là những Kitô hữu có tinh thần và nhiệt tâm truyền giáo thật phi thường, xứng đáng là mẫu gương cho chúng ta suy tư và noi theo. Để tóm tắt lại, sau đây là những dữ kiện chúng ta được biết về cặp vợ chồng này:
Họ là cặp vợ chồng trở nên Kitô hữu từ Dothái giáo
Bị trục xuất ra khỏi Rôma bởi vì họ theo Đức Kitô và vì lại là một trong những lãnh đạo “trùm sò” trong hội thánh
Họ làm nghề dệt lều (và/hoặc là nghề làm đồ da)
Là những người tỵ nạn sống xa quê ở Cônintô và Êphêsô
Họ là những nhà truyền giáo và “cộng sự viên” của Phaolô
Họ là hai người thành lập (cùng sáng lập) giáo hội ở Côrintô và Êphêsô
Là người huấn giáo và dạy giáo lý cho Apôllô người đã sẵn có tài hùng biện
Là những nhà giáo huấn, lãnh đạo, hiếu khách, đã dùng nhà mình làm nhà nguyện cho mọi người tại Côrintô, Êphêsô, và Rôma
Cộng sự viên của Timôthê ở Êphêsô
Được Phaolô, Timôthê, và toàn thể các giáo hội dân ngoại quý mến.
Mẫu Gương Của Đời Sống Hôn Nhân Vợ Chồng
Một đặc điểm đáng ghi nhớ ở phần kết thúc này đó là Priscilla và Aquila đã là một mẫu gương tuyệt vời của người di cư với sứ mạng truyền giáo, vì họ không ngại ngùng trong việc đem hạt giống đức tin của mình gieo bất cứ nơi nào họ đến. Aquila xuất thân từ Pontus và đã di cư đến Rôma, chính nơi đây có thể ông đã gặp và đính hôn với Priscilla. Đang khi ở Rôma họ lại bị buộc phải di cư tới Côrintô do sắc lệnh cấm đạo của hoàng đế Clauđiô (49 CE). Sau đó họ di chuyển đến Êphêsô (53 CE) để cùng đồng hành với Phaolô trong sứ mạng thành lập các giáo đoàn tiên khởi tại trung tâm của vùng Tiểu Á. Sau khi hoàng đế Clauđiô băng hà họ đã trở lại Rôma (58 CE). Theo thư thứ nhất gửi Timôthê, họ thực sự tự nguyện trở về lại Êphêsô (khoảng 64 CE) để tiệp tục công việc truyền giáo. Điều này cho chúng ta thấy cặp vợ chồng này cứ liên tục trên hành trình chứ không ngừng nghỉ. Với những vật dụng cùng di chuyển thường xuyên như dùi, đinh, kim, chỉ sợi, họ vẫn có thể thích ứng một cách dễ dàng nơi những vùng đất mới mà họ đặt chân đến. Trên hành trình đó đây của họ, dù tình nguyện hay miễn cưỡng, cặp vợ chồng di dân này thành lập một số giáo đoàn, ít nhất là trong ba thành phố. Họ còn cộng tác với tông đồ Phaolô và ông Timôthê, giáo huấn cho Apôlô và những người khác. Nhà của họ trở nên nhà nguyện và là trung tâm nơi đón tiếp nhiều Kitô hữu. Hoàn cảnh sống của Priscilla và Aquila cho chúng ta một mô hình của người di dân truyền giáo trong giáo hội tiên khởi cũng như trong hiện tại. Priscilla và Aquila cho chúng ta thấy mẫu gương của người Kitô hữu di cư, cho dù đó là do bởi sự bắt buộc hay tự nguyện, họ vẫn có thể cộng tác với chương trình truyền giáo vĩ đại và cao cả của Chúa để mở mang Giáo hội.[16]
Hơn nữa, cuộc đời và hành trình truyền giáo của Priscilla và Aquila còn giúp chúng ta nhận thức được rằng sự mở rộng và phát triển của công cuộc truyền giáo của Giáo Hội sẽ không thực sự thành công nếu không có sự cộng tác đắc lực của những cặp vợ chồng giáo dân giống như Priscilla và Aquila. Thật vậy, trong Tông Đồ Công Vụ có ghi rõ rằng, Phaolô không là một người độc hành trên hành trình truyền giáo của ngài, nhưng ngài có rất nhiều cộng sự viên đắc lực và thân tín.[17] Những người này có cả nam lẫn nữ, họ là: Barnaba, Luca, Gioan-Marcô, Titô, Timôthê, Sila, Lydia, Apollô, Phoebe, Priscilla và Aquila. Rõ ràng, Priscilla và Aquila là cặp vợ chồng trong những cộng sự viên đắc lực và thân tín đó. Vì thế chúng ta không ngạc nhiên khi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI gọi Priscilla và Aquila là cặp vợ chồng Kitô hữu nổi bật trong Tân Ước, họ chính là “mẫu gương của đời sống hôn nhân vợ chồng.”[18]
Barclay, John M. G. Jews in the Mediterranean Diaspora: From Alexander to Trajan (323 BCE – 117 CE). Edinburgh: T&T Clark, 1996.
Keller, Marie Noël. Priscilla and Aquila: Paul’s Coworkers in Christ Jesus. Collegeville, Minnesota: Liturgical Press, 2010.
Maloney, Robert P. “Priscilla and Aquila Set Out Again: A Profile of the Lay Catholic in the 21st Century.” America Magazine 188 (8.2003) 7–9.
Murphy-O’Connor, Jerome. “Prisca and Aquila: Traveling Tentmakers and Church Builders.” Bible Review 8 (1992) 40–51, 62.
Nguyen, vanThanh, SVD. “Migrants as Missionaries: The Case of Priscilla and Aquila.” Mission Studies 30 (2013) 192-205.
_________ Stories of Early Christianity: Creative Retellings of Faith and History. Liguori, MO: Liguori Publications, 2013.
Pope Benedict XVI. Address at the general audience on February 7, 2007. See http://www.ewtn.com/library/papaldoc/b16ChrstChrch49.htm [accessed on December 4, 2014].
Rutgers, Leonard V. “Roman Policy toward the Jews: Expulsions from the City of Rome during the First Century C.E.” In Judaism and Christianity in First-Century Rome, edited by Karl P. Donfried and Peter Richardson, 93–116. Grand Rapids, MI: William B. Eerdmans, 1998.
Walker, William O. “The Portrayal of Aquila and Priscilla in Acts: The Question of Sources.” New Testament Studies 54 (208) 479–495.
--------------------------------
[1] vanThanh Nguyen, SVD, Stories of Early Christianity: Creative Retellings of Faith and History (Liguori, MO: Liguori Publications, 2013), 95.
[2] Marie Noël Keller, Priscilla and Aquila: Paul’s Coworkers in Christ Jesus (Collegeville, MN: Liturgical Press, 2010), xiii.
[3] Jerome Murphy-O’Connor, “Prisca and Aquila: Traveling Tentmakers and Church Builders,” Bible Review 8 (1992), 40-51.
[4] Keller, Priscilla and Aquila, xv.
[5] William O. Walker, “The Portrayal of Aquila and Priscilla in Acts: The Question of Sources,” New Testament Studies 54 (2008), 479-495.
[6] Họ lấy nhau và tại sao lại đến ở Rôma thì lại là một chuyện suy đoán khác nữa. Một giả thuyết cho rằng Aquila là một tư thương gia-phiêu lưu (ông có thể là công dân, nô lệ, hoặc là người nô lệ đã được trả tự do bởi gia đình người Rôma Acilian, mà qua công việc làm đã đưa ông tới nhà của Priscilla, người phụ nữ không thuộc dạng nô lệ đã sống ở Rôma. Xem Keller, Priscilla and Aquila, 3-4.
[7] Để hiểu rõ hơn về những người Dothái sống ở Rôma trong thế kỷ thứ nhất, xem vanThanh Nguyen, SVD, “Migrants as Missionaries: The Case of Priscilla and Aquila,” Mission Studies 30 (2013), 193-197.
[8] Luca ghi trong Tông Đồ Công Vụ 2:9 rằng có những người là dân Pontus hiện diện trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Pentecost). Đây cũng có thể là những người đã hiện diện trong ngày Lễ Ngũ Tuần đã đem niềm tin đến Pontus. Cũng có thể Aquila đã có mặt trong ngày Lễ này và đã gia nhập đạo.
[9] Murphy-O’Connor (“Prisca and Aquila,” 50) gợi ý rằng Priscilla và Aquila bị trục xuất ra khỏi Rôma vào năm 41 CE và họ đã đến ở Côrintô khoảng mười năm.
[10] Những tài liệu lịch sử ghi nhận rằng không phải tất cả mọi người Dothái hoặc là người Dothái Kitô hữu bị trục xuất ra khỏi Rôma, nhưng chỉ trục xuất những người “đầu sỏ” và số người bị trục xuất rất nhỏ; chứ nếu là sự trục xuất “tất cả người Dothái” như Luca ghi lại thì con số này lên đến hai mươi tới ba mươi ngàn người. Một sự trục xuất như vậy sẽ gây rối loạn và gây những xáo trộn khủng khiếp. Vì vậy các nhà sử gia chỉ phỏng đoán rằng chỉ có một số nhỏ người Dothái Kitô hữu, hoặc là những người đứng đầu trong hàng ngũ lãnh đạo mà thôi chứ không phải tất cả. Xem John M. G. Barclay, Jews in the Mediterranean Diaspora: From Alexander to Trajan (323 BCE -117) (Edingurgh: T&T Clark, 1996), 305-6, và Leonard V. Rutgers, “Roman Policy toward the Jews: Expulsions from the City of Rome during the First Century C.E.,” in Judaism and Christianity in First-Century Rome, edited by Karl P. Donfried and Peter Richardson (Grand Rapids, MI: William B. Eerdmans, 1998), 106.
[11] Kelly gợi ý rằng có thể Aquila là người Pontus đã có mặt tại Giêrusalem trong những ngày Lễ Ngũ Tuần và từ đó đem Tin Mừng đến Rôma. Việc không nhắc lên việc họ lãnh nhận phép Thánh Tẩy có thể vì họ đã được Rửa Tội trước khi họ di cư đến Côrintô. Có người cho rằng họ đã được Thánh Tẩy ở thập niên 40. Xem Murphy-O’Connor, “Prisca and Aquila,” 47; Keller, Priscilla and Aquila, 12.
[12] Murphy-O’Connor cho rằng cặp vợ chồng này có thể đã di cư đến Côrintô khoảng năm 41 CE trong thời gian mà làn sóng trục xuất của sắc lệnh hoàng đế Claudius. Chứng minh cụ thể về giả thuyết này vẫn chưa hội đủ. Keller (Priscilla and Aquila, 27) tin chắc rằng cặp vợ chồng này đã có trách nhiệm thành lập cộng đoàn Kitô hữu ở Côrintô.
[13] Tuy nhiên, Luca vẫn giữ vững lập trường coi Phaolô là người khởi phát lên việc sáng lập cộng đoàn mới này như được ghi trong Tông Đồ Công Vụ 18:19. Xem Keller, Priscilla and Aquila, 23 và Robert P. Maloney, “Priscilla and Aquila Set Out Again: A Profile of the Lay Catholic in the 21st Century,” America Magazine 188 no.8 (2003) 8.
[14] Sau khi Claudius băng hà, cặp vợ chồng này cùng với những người Kitô hữu gốc Dothái có thể đã trở về lại Rôma sau sau biến cố của năm 54 CE.
[15] Nhà thờ của Priscilla và Aquila ở Rôma được coi là một nhà thờ được xây trên chốc “ngôi nhà” cổ xưa của cặp vợ chồng truyền giáo này; nơi mà họ vẫn thường tụ họp. Bên trong nhà thờ có một phông hình miêu tả quang cảnh Phêrô làm Phép Thánh Tẩy cho Priscilla. Xem http://www.mostholyname.org/stationchurches/sc42.htm (accessed on November 19, 2014).
[16] Nguyen, “Migrants as Missionaries,” 205-206.
[17] Nguyen, Stories of Early Christianity, 102-6.
[18] Muốn có bài diễn từ của Đức Thánh Cha Benedict XVI nói hôm mùng 7 tháng Hai, 2007, xem http://www.ewtn.com/library/papaldoc/b16ChrstChrch49.htm [accessed on December 4, 2014].