Gương Các Thánh
Nguồn: http://www.nguoitinhuu.org/
Tháng 1
1 Tháng Giêng: Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa
2 Tháng Giêng: Thánh Basil Cả (329 - 379)
3 Tháng Giêng: Thánh Grêgôry ở Nazianzus (329 - 390)
4 Tháng Giêng: Thánh Elizabeth Ann Seton (1774 - 1821)
5 Tháng Giêng: Thánh Gioan Neumann (1811 - 1860)
6 Tháng Giêng: Thánh Andre Bessette (1845 - 1937)
7 Tháng Giêng: Thánh Raymond ở Penafort (1175 - 1275)
8 Tháng Giêng: Chân Phước Angela ở Foligno (1248-1309)
9 Tháng Giêng: Thánh Thorfinn (c. 1285)
10 Tháng Giêng: Thánh Grêgôriô ở Nyssa (330 - 395)
11 Tháng Giêng: Chân Phước William Carter (c. 1584)
12 Tháng Giêng: Thánh Antôn Maria Pucci (1819 - 1892)
Thánh Marguerite Bourgeoys (1620-1700)
13 Tháng Giêng: Thánh Hilary ở Poitiers (315 - 368)
15 Tháng Giêng: Thánh Phaolô Ẩn Tu (233 - 345)
16 Tháng Giêng: Thánh Berard và Các Bạn(c. 1220)
17 Tháng Giêng: Thánh Antôn ở Ai Cập (251 - 356)
18 Tháng Giêng: Thánh Charles ở Sezze (1613 - 1670)
19 Tháng Giêng: Thánh Fabian(250)
20 Tháng Giêng: Thánh Sebastian (257? - 288?)
21 Tháng Giêng: Thánh Agnes (c. 258?)
22 Tháng Giêng: Thánh Vinh Sơn ở Saragossa (c. 304)
23 Tháng Giêng: Tôi Tớ Thiên Chúa Juan de Padilla (1492 - 1542)
24 Tháng Giêng: Thánh Phanxicô Sales (1567 - 1622)
25 Tháng Giêng: Sự Trở Lại của Thánh Phaolô
26 Tháng Giêng: Thánh Timôtê và Titô
27 Tháng Giêng: Thánh Angela Merici (1470 - 1540)
28 Tháng Giêng: Thánh Tôma Aquinas (1225 - 1274)
29 Tháng Giêng: Thánh Genevieve
30 Tháng Giêng: Thánh Hyacintha ở Mariscotti (1585 - 1640)
31 Tháng Giêng: Thánh Gioan Bosco (1815 - 1888)
========================
1 Tháng Giêng: Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa
Vai trò người mẹ siêu phàm của Ðức Maria đã triển khai tính cách đặc biệt của biến cố Giáng Sinh. Ðức Maria đóng một vai trò quan trọng trong sự Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa. Ngài chấp nhận lời mời của Thiên Chúa mà đã được sứ thần đưa tin (Luca 1:26-38). Bà Êlizabét đã phải xưng tụng: "Em có phúc hơn mọi người nữ, và phúc thay người con trong lòng em. Bởi đâu tôi được người mẹ của Chúa tôi đến thăm?" (Luca 1:42- 43). Vai trò làm mẹ Thiên Chúa của Ðức Maria đã đặt ngài vào một vị trí độc đáo trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa.
Tuy không nhắc đến tên Ðức Maria, Thánh Phaolô khẳng định rằng "Thiên Chúa đã sai Con Ngài, sinh bởi một phụ nữ, sinh ra dưới chế độ luật" (Galat 4:4). Thánh Phaolô còn nói thêm "Thiên Chúa đã sai thần khí Con Ngài đến trong tâm hồn chúng ta, để kêu lên 'Abba, Lạy Cha!'" giúp chúng ta nhận thức rằng Ðức Maria là mẹ của tất cả các người em Ðức Giêsu.
Một số thần học gia còn nhấn mạnh rằng vai trò làm mẹ Ðức Giêsu của Ðức Maria là một yếu tố quan trọng trong chương trình tạo dựng của Thiên Chúa. Ý tưởng "đầu tiên" của Thiên Chúa trong sự tạo dựng là Ðức Giêsu. Ðức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, là Ðấng có thể dâng lên Thiên Chúa tình yêu và sự thờ phượng tuyệt hảo nhất thay cho mọi tạo vật. Một khi Ðức Giêsu có trong tâm trí của Thiên Chúa "đầu tiên," thì "thứ đến" phải là Ðức Maria vì ngài đã được chọn từ thuở đời đời để làm mẹ Ðức Giêsu.
Danh hiệu "Mẹ Thiên Chúa" đã có từ thế kỷ thứ ba hay thứ tư. Từ tiếng Hy Lạp Theotokos (người mang Thiên Chúa), danh xưng ấy đã trở thành nền tảng cho giáo huấn của Giáo Hội về sự Nhập Thể. Công Ðồng Êphêsô năm 431 nhấn mạnh rằng các thánh Giáo Phụ đã có lý khi gọi đức trinh nữ rất thánh là Theotokos. Vào lúc cuối của công đồng đặc biệt này, đám đông dân chúng diễn hành trên đường phố, miệng hô lớn: "Ngợi khen đấng Theotokos!" Truyền thống ấy vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay. Trong chương về vai trò của Ðức Maria trong Giáo Hội, hiến chế Tín Lý về Giáo Hội của Công Ðồng Vatican II đã gọi Ðức Maria là "Mẹ Thiên Chúa" đến 12 lần.
Lời Bàn
Ngày lễ hôm nay còn bao gồm nhiều chủ đề khác. Ðó là Tuần Bát Nhật Lễ Giáng Sinh: Việc tưởng nhớ đến vai trò người mẹ siêu phàm của Ðức Maria đem lại một nhận thức khác về niềm vui Giáng Sinh. Ðó là ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới: Ðức Maria là mẹ của Hoàng Tử Hòa Bình. Ðó là ngày đầu của năm mới: Ðức Maria tiếp tục đem lại sự sống mới cho con cái của ngài - và cũng là con cái của Thiên Chúa.
Lời Trích
"Từ muôn đời, Ðức Trinh Nữ đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa, cùng với việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa. Theo chương trình của Chúa Quan Phòng, ngài trở nên người mẹ dấu yêu của Ðấng Cứu Chuộc, một cộng sự viên đặc biệt cao quý, và tôi tớ khiêm tốn của Chúa. Ngài đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Ðức Kitô" (Tín Lý về Giáo Hội, 61).
2 Tháng Giêng: Thánh Basil Cả (329 - 379)
Thánh Basil đang là một thầy giáo nổi tiếng thì ngài quyết định theo đuổi đời sống tu trì nghèo hèn của Phúc Âm. Sau khi tìm hiểu các phương thức tu trì, có thể nói ngài là người sáng lập đan viện đầu tiên ở Tiểu Á. Ngài nổi tiếng đối với các vị ẩn tu Ðông Phương cũng như Thánh Benedict nổi tiếng ở Tây Phương, và quy luật ngài viết đã ảnh hưởng đến đời sống đan viện Ðông Phương mãi cho đến ngày nay.
Sau khi thụ phong linh mục, ngài phụ tá cho Ðức Tổng Giám Mục của Caesarea (bây giờ là vùng đông nam Thổ Nhĩ Kỳ) và sau cùng chính ngài trở thành tổng giám mục, bất kể sự chống đối của các giám mục phó, có lẽ vì ngài đã nhìn thấy những canh tân cần thiết. Trong nhiệm vụ của một tổng giám mục, ngài siêng năng học hỏi và làm việc liên lỉ. Ðiều này giúp ngài được gọi là "Vĩ đại" ngay trong thời của ngài và là Tiến Sĩ Hội Thánh sau khi ngài chết.
Vào thời ấy, một trong những nguy hại nặng nề cho Giáo Hội là bè rối Arian, mà họ khước từ thiên tính của Ðức Kitô. Hoàng đế Valens bách hại đạo chính thống, và ép buộc Ðức Basil phải giữ im lặng và chấp nhận cho những người bè rối được rước lễ. Ðức Basil giữ vững lập trường, và Valens phải nhượng bộ. Nhưng khó khăn vẫn còn. Khi vị đại thánh Anthanasius từ trần, trách nhiệm che chở bảo vệ đức tin chống với bè rối Arian đổ xuống trên Ðức Basil. Ngài cố gắng khủng khiếp để kết hợp và phục hồi những người Công Giáo theo ngài đang bị tan nát vì sự bạo ngược và vì chia rẽ nội bộ. Có thể nói sự chiến thắng tà thuyết Arian trong Công Ðồng Nicene và việc lên án tà thuyết này trong Công Ðồng Constantinople năm 381-382, phần lớn là do công lao của ngài.
Ngài làm việc không biết mệt trong công việc mục vu, chống với nạn buôn thần bán thánh, giúp đỡ nạn nhân của hạn hán và đói kém, cố gắng thay đổi hàng giáo sĩ, nhấn mạnh đến tinh thần kỷ luật, ngài không sợ lên án những điều xấu xa một khi được nhận thấy, và ra vạ tuyệt thông những ai dính líu đến nạn mãi dâm ở Cappadocia.
Ðức Basil nổi tiếng là một nhà diễn thuyết. Các văn bản của ngài, dù thời ấy không nổi tiếng, đã đưa ngài lên hàng các bậc thầy của Giáo Hội. Bảy mươi hai năm sau khi ngài từ trần, Công Ðồng Chalcedon đã đề cập đến ngài là "Ðức Basil vĩ đại, người thừa tác ơn sủng đã dẫn giải chân lý cho toàn thể trái đất."
Lời Bàn
Như người Pháp thường nói, "Càng thay đổi bao nhiêu, họ càng giữ nguyên như vậy." Thánh Basil phải đối diện với các khó khăn giống như Kitô Hữu ngày nay. Bổn phận của một vị thánh là duy trì tinh thần Ðức Kitô trong những vấn đề thật đau khổ và phức tạp, như cải cách, tổ chức, chiến đấu cho người nghèo, duy trì sự quân bình và bình an khi bị hiểu lầm.
Lời Trích
Thánh Basil nói: "Thực phẩm mà bạn không dùng là thực phẩm của người đói; quần áo bạn treo trong tủ là quần áo của người trần truồng; giầy dép bạn không dùng là giầy dép của người chân không; tiền bạc bạn cất giữ là tiền bạc của người nghèo; hành động bác ái mà bạn không thi hành là những bất công mà bạn đã phạm."
3 Tháng Giêng: Thánh Grêgôry ở Nazianzus (329 - 390)
Thánh Grêgôry ở Nazianzus -- Tiến Sĩ Hội Thánh và là một trong ba vị Giáo Phụ Cappadocian (hai vị khác là Thánh Basil Cả và Thánh Grêgôry ở Nyssa) -- là con của đức giám mục ở Nazianzus thuộc Cappadocia. Ngài được học hỏi nhiều về các văn bản Kitô Giáo, nhất là của Origen, và triết Hy Lạp. Trong khi theo học ở Cappadocian Caesarea, ngài gặp Ðức Basil, và từ đó nẩy nở một tình bạn thắm thiết có ảnh hưởng tốt cũng như xấu đến cuộc đời ngài.
Theo lời mời của Ðức Basil, Grêgôry gia nhập một đan viện mới thành lập của Ðức Basil. Tuy nhiên, đời sống ẩn dật phải bỏ dở khi cha của ngài cần người trông coi địa phận và bất động sản. Và dưới áp lực của người cha, ngài chịu chức linh mục. Vì sự giằng co giữa đời sống ẩn dật và công khai, hơn một lần ngài phải trở về đan viện khi cộng đoàn cần đến ngài.
Ngài khéo léo tránh cuộc ly giáo đang đe dọa thời ấy, vì cha của ngài có thoả hiệp với bè rối Arian. Lúc 41 tuổi, Grêgôry được chọn làm Ðức Giám Mục Phó của Caesarea và ngay lập tức đụng độ với Hoàng Ðế Valens, là người hỗ trợ bè rối Arian. Kết quả không may của cuộc chiến chống với tà thuyết là sự lạnh nhạt tình bạn giữa hai người. Ðức Basil, là tổng giám mục, đã sai ngài đến một thành phố nghèo nàn và bệnh hoạn tiếp giáp với phần đất lấn chiếm cách bất công vào địa phận của ngài.
Khi việc chống đối bè rối Arian chấm dứt với cái chết của Valens, Ðức Grêgôry được gọi về xây dựng lại đức tin trong giáo phận lớn Constantinople đã bị ảnh hưởng bởi tà thuyết Arian trong ba thập niên. Mệt mỏi và bối rối, ngài bị lôi vào cơn lốc của sự thối nát và bạo loạn. Trong hoàn cảnh ấy ngài bắt đầu viết các bài giảng nổi tiếng về Thiên Chúa Ba Ngôi. Kịp thời, ngài tái xây dựng đức tin của thành phố, nhưng phải trả bằng một giá quá đắt của sự đau khổ, vu khống, sỉ nhục và ngay cả hành hung cá nhân ngài.
Những ngày cuối đời, ngài sống cô độc và khắc khổ. Ngài sáng tác thi ca tôn giáo, trong đó có một ít về tự truyện, thật sâu xa và mỹ miều. Ngài nghĩ rằng đức tin nơi Thiên Chúa không thể thấu hiểu được là nền tảng cho thần học chân chính. Tài hùng biện và việc bảo vệ lập trường đức tin của ngài trong Công Ðồng Nicea đã giúp ngài xứng đáng được gọi là "Thần học gia."
Lời Bàn
Sự xôn xao về những thay đổi trong Giáo Hội hiện nay, dù có chút lo lắng cũng chỉ là cơn bão nhỏ so với sự tàn phá do bè rối Arian gây nên, là một thảm kịch mà Giáo Hội không bao giờ quên. Ðức Kitô không hứa hẹn loại thanh bình mà chúng ta muốn được hưởng -- không có khó khăn, không có chống đối, không có đau khổ. Cách này hay cách khác, sự nên thánh luôn luôn là con đường thập giá.
Lời Trích
"Thiên Chúa chấp nhận những khao khát của chúng ta như thể chúng có giá trị lớn. Ngài nóng lòng mong ước chúng ta khao khát và yêu thương Ngài. Ngài chấp nhận những thỉnh cầu có lợi cho chúng ta như thể chúng ta đang làm ơn cho Ngài. Niềm vui của Ngài khi cho đi thì lớn hơn niềm vui của chúng ta khi được lãnh nhận. Do đó, chúng ta đừng thờ ơ khi cầu xin, cũng đừng giới hạn các thỉnh cầu; cũng đừng xin những điều phù phiếm bất xứng với sự cao trọng của Thiên Chúa" (Bài giảng Thánh Grêgôgy Nazianzus).
4 Tháng Giêng: Thánh Elizabeth Ann Seton (1774 - 1821)
Mẹ Seton là một trong những rường cột của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ. Ngài sáng lập tu hội đầu tiên dành cho phụ nữ Hoa Kỳ, Dòng Nữ Tu Bác Ái, mở trường học đầu tiên trong giáo xứ Hoa Kỳ và thiết lập cô nhi viện đầu tiên ở Hoa Kỳ. Tất cả những điều trên ngài thực hiện trong vòng 46 năm đồng thời vừa nuôi dưỡng năm người con.
Elizabeth Ann Bayley Seton quả thực là người của thế hệ Cách Mạng Hoa Kỳ, ngài sinh ngày 28 tháng Tám 1774, chỉ hai năm trước khi có bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập. Bởi dòng dõi và hôn nhân, ngài có liên hệ đến các thế hệ đầu tiên sống ở Nữu Ước và vui hưởng kết quả của một xã hội tiến bộ. Ðược nuôi nấng trong một gia đình nề nếp Anh Giáo, ngài biết được giá trị của sự cầu nguyện, Kinh Thánh và sự kiểm điểm lương tâm hàng đêm trước khi đi ngủ. Cha của ngài, Bác Sĩ Richard Bayley, không đóng góp nhiều cho nhà thờ nhưng ông là người rất nhân đạo, đã dạy được cho cô con gái bài học yêu thương và phục vụ tha nhân.
Sự chết sớm của người mẹ năm 1777 và của bà vú nuôi năm 1778 đã đem lại cho Elizabeth một cảm nhận về sự tạm bợ của trần gian và thúc giục ngài hướng về vĩnh cửu. Thay vì ủ rũ và chán chường, ngài đối diện với các biến cố mà ngài coi là sự "hủy hoại khủng khiếp" với một hy vọng đầy phấn khởi.
Vào năm 19 tuổi, Elizabeth là hoa khôi của Nữu Ước và kết hôn với một thương gia đẹp trai, giầu có là ông William Magee Seton. Họ được năm người con trước khi doanh nghiệp lụn bại và ông chết vì bệnh lao. Vào năm 30 tuổi, bà Elizabeth đã là một goá phụ, không một đồng xu và phải nuôi nấng năm đứa con.
Trong khi sống ở Ý, bà được chứng kiến phong trào Tông Ðồ Giáo Dân qua gia đình của những người bạn. Ba điểm căn bản sau đã đưa bà trở về đạo Công Giáo: tin tưởng sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, sùng kính Ðức Mẹ và tin rằng Giáo Hội Công Giáo là một giáo hội tông truyền do Ðức Kitô thành lập. Nhiều người trong chính gia đình bà cũng như bạn hữu đã tẩy chay bà khi trở lại Công Giáo vào tháng Ba 1805.
Ðể nuôi con, bà mở trường học ở Baltimore. Ngay từ ban đầu, nhóm giáo chức của bà đã theo khuôn khổ của một tu hội, mà sau đó được chính thức thành lập vào năm 1809.
Hàng ngàn lá thư của Mẹ Seton để lại cho thấy sự phát triển đời sống tâm linh của ngài, từ những việc tốt lành bình thường cho đến sự thánh thiện cách anh hùng. Ngài chịu đau khổ vì những thử thách như đau ốm, hiểu lầm, cái chết của những người thân yêu (chồng và hai con gái), cũng như sự lo lắng đến đứa con trai hoang đàng. Ngài từ trần ngày 4 tháng Giêng 1821, và vào ngày 17-3-1963, Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã tuyên xưng ngài là vị chân phước đầu tiên người Hoa Kỳ. Ngài được phong thánh ngày 24-9-1975.
Lời Bàn
Thánh Elizabeth Seton không có những khả năng phi thường. Ngài không phải là một vị thần bí hay được in năm dấu thánh. Ngài không được ơn tiên tri hay nói tiếng lạ. Ngài chỉ có hai điều thành tâm: từ bỏ ý riêng để theo thánh ý Thiên Chúa, và yêu quý Bí Tích Thánh Thể. Ngài viết thư cho người bạn là bà Julia Scott, rằng ngài muốn đổi cả thế gian để sống ẩn dật ở "trong hang hay sa mạc. Nhưng Thiên Chúa đã ban cho tôi nhiều việc phải làm, và tôi hằng cầu xin và luôn luôn hy vọng được vâng theo ý Chúa hơn là ý riêng tôi." Kiểu cách nên thánh của ngài là mở lòng cho mọi sự nếu chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thi hành thánh ý Ngài.
Lời Trích
Thánh Elizabeth Seton nói với các nữ tu, "Tôi thiết nghĩ mục đích trước nhất trong công việc hàng ngày của chúng ta là thi hành thánh ý Thiên Chúa; thứ đến, thi hành điều ấy trong phương cách mà Ngài muốn; và thứ ba, thi hành điều ấy vì đó là ý Chúa."
5 Tháng Giêng: Thánh Gioan Neumann (1811 - 1860)
Thánh Gioan Neumann sinh trưởng ở Bohemia. Vào năm 1835, ngài trông đợi để được thụ phong linh mục nhưng đức giám mục sở tại quyết định không phong chức thêm. Thật khó để ngày nay chúng ta tưởng tượng rằng Bohemia dư thừa linh mục, nhưng thực sự là như vậy. Gioan viết thư cho các giám mục khắp Âu Châu, nhưng câu trả lời ở đâu đâu cũng giống nhau. Tin rằng mình có ơn thiên triệu nhưng mọi cơ hội dẫn đến sứ vụ ấy dường như đều đóng kín.
Không nản chí, và nhờ biết tiếng Anh khi làm việc trong xưởng thợ của người Anh, ngài viết thư cho các giám mục ở Mỹ Châu. Sau cùng, vị giám mục ở Nữu Ước đồng ý truyền chức linh mục cho ngài. Ðể theo tiếng Chúa gọi, ngài phải từ giã quê nhà vĩnh viễn và vượt đại dương ngàn trùng để đến một vùng đất thật mới mẻ và xa lạ.
Ở Nữu Ước, Cha Gioan là một trong 36 linh mục trông coi 200,000 người Công Giáo. Giáo xứ của ngài ở phía tây Nữu Ước, kéo dài từ Hồ Ontario đến Pennsylvania. Nhà thờ của ngài không có tháp chuông nhưng điều đó không quan trọng, vì hầu như lúc nào Cha Gioan cũng di chuyển, từ làng này sang làng khác, lúc thì lên núi để thăm bệnh nhân, lúc thì trong quán trọ hoặc gác xếp để giảng dạy, và cử hành Thánh Lễ ngay trên bàn ăn.
Vì sự nặng nhọc của công việc và vì sự đơn độc của giáo xứ, Cha Gioan khao khát có một cộng đoàn, và đã ngài gia nhập dòng Chúa Cứu Thế, là một tu hội chuyên giúp người nghèo và những người bị bỏ rơi.
Vào năm 1852, Cha Gioan được bổ nhiệm làm giám mục Philadelphia. Việc đầu tiên khi làm giám mục là ngài tổ chức trường Công Giáo trong giáo phận. Là một nhà tiên phong trong việc giáo dục, ngài nâng số trường Công Giáo từ con số đơn vị lên đến 100 trường.
Ðức Giám Mục Gioan không bao giờ lãng quên dân chúng -- đó là điều làm giới trưởng giả ở Philadelphia khó chịu. Trong một chuyến thăm viếng giáo xứ ở thôn quê, cha xứ thấy ngài ngồi trên chiếc xe bò chở phân hôi hám. Ngất ngưởng ngồi trên mảnh ván bắc ngang trên xe, Ðức Gioan khôi hài, "Có bao giờ cha thấy đoàn tùy tùng của một giám mục như vậy chưa!"
Khả năng biết tiếng ngoại quốc đã đưa ngài đến Hoa Kỳ thì nay lại giúp Ðức Gioan học tiếng Tây Ban Nha, Pháp, Ý, và Ðức để nghe giải tội bằng sáu thứ tiếng. Khi phong trào di dân người Ái Nhĩ Lan bắt đầu, ngài lại học tiếng Gaelic và sành sõi đến nỗi một bà Ái Nhĩ Lan cũng phải lầm, "Thật tuyệt chừng nào khi chúng ta có được vị giám mục là người đồng hương!"
Trong chuyến công tác mục vụ sang nước Ðức, đến nơi ngài ướt đẫm dưới cơn mưa tầm tã. Khi gia chủ đề nghị ngài thay đôi giầy sũng nước, ngài trả lời, "Tôi chỉ có cách đổi giầy từ chân trái sang chân phải thôi. Chứ có một đôi giầy thì làm gì được."
Ðức Gioan từ trần ngày 5-1-1860 khi mới 48 tuổi. Ngài nổi tiếng về sự thánh thiện và sở học cũng như các trước tác tôn giáo và bài giảng, do đó ngài được phong chân phước ngày 13-10-1963, và ngày 19-6-1977 ngài được phong thánh.
Lời Bàn
Thánh Neumann coi trọng lời Chúa là "Hãy đi rao giảng cho muôn dân." Từ Ðức Kitô, ngài nhận được các huấn lệnh và cũng nhờ Ðức Kitô mà ngài có thể thi hành sứ mệnh ấy. Vì Ðức Kitô không chỉ trao cho chúng ta sứ mệnh mà còn cung cấp phương tiện để hoàn thành. Ơn sủng mà Thiên Chúa ban cho Thánh Gioan Neumann là biệt tài tổ chức của ngài để qua đó ngài loan truyền Tin Mừng.
Giáo Hội ngày nay rất cần đến sự hy sinh của mọi người trong công cuộc rao giảng Tin Mừng. Những trở ngại và những bất tiện thì có thật và tốn kém. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết chạy đến Ðức Kitô, Ngài sẽ cung cấp cho chúng ta những khả năng cần thiết để đáp ứng với các nhu cầu ngày nay. Thần Khí Ðức Kitô tiếp tục hoạt động qua các trung gian là sự quảng đại của Kitô Hữu.
Lời Trích
"Vì mọi người thuộc bất cứ chủng tộc nào, điều kiện nào và thế hệ nào đều có phẩm giá của một con người, nên họ có quyền được giáo dục tùy theo số phận của họ và thích hợp với khả năng bẩm sinh, với phái tính, với văn hóa và di sản của tổ tiên họ để lại. Ðồng thời, việc giáo dục này phải dẫn đến tình huynh đệ với các dân tộc khác, để sự bình an và sự hợp nhất đích thực có thể thực hiện được ở trần gian. Vì sự giáo dục đích thực nhắm đến việc đào tạo con người đối với lợi ích của xã hội mà trong đó họ là một phần tử, và họ phải chia sẻ trách nhiệm của phần tử ấy như một người trưởng thành" (Tuyên Ngôn Về Giáo Dục Kitô Giáo, 1).
6 Tháng Giêng: Thánh Andre Bessette (1845 - 1937)
Khi Alfred Bessette đến tu hội Các Thầy Thánh Giá vào năm 1870, anh mang theo tờ giấy giới thiệu của cha xứ viết rằng, "Tôi gửi đến các thầy một vị thánh." Thật khó để các thầy dòng ở đây tin nổi. Bệnh đau bao tử kinh niên đã khiến Alfred không thể đảm nhận được công việc nào lâu dài, ngay từ khi còn nhỏ Alfred đã lang thang từ nông trại này sang nông trại khác, tiệm này sang tiệm khác, ở ngay trên quê hương Gia Nã Ðại hoặc ở đất Hoa Kỳ, mà chỉ được có vài hôm là chủ nhân đã phải sa thải vì anh không thể làm được việc nặng nhọc. Công việc của các thầy dòng Thánh Giá là dạy học và dù đã 25 tuổi, Alfred vẫn chưa biết đọc biết viết. Dường như anh đến nhà dòng vì sự tuyệt vọng hơn là vì ơn gọi tu trì.
Alfred thật tuyệt vọng, nhưng anh cũng là người siêng năng cầu nguyện và rất thành tâm với Thiên Chúa cũng như sùng kính Thánh Giuse. Có lẽ anh chẳng còn nơi nào để nương tựa, nhưng anh tin rằng đây là nơi anh phải sống trong suốt cuộc đời.
Nhà dòng nhận anh vào đệ tử nhưng sau đó không lâu họ thấy đúng như những gì trong quá khứ -- dù Alfred, bây giờ là Thầy Andre, rất muốn làm việc, nhưng sức khỏe không cho phép. Họ yêu cầu thầy rời nhà dòng, nhưng trong sự tuyệt vọng, thầy đã xin đức giám mục sở tại can thiệp để được ở lại và được giao cho công việc khiêm tốn là gác cổng trường học Notre Dame ở Montreal, cùng với các nhiệm vụ phụ là dọn lễ, giặt giũ và đảm trách việc thư từ. Thầy Andre khôi hài rằng, "Khi tôi gia nhập cộng đoàn này, cha bề trên chỉ cho tôi cánh cửa ấy, và tôi ở đó suốt 40 năm."
Trong căn phòng nhỏ bé của ngài ở gần cổng trường, hầu như suốt đêm ngài quỳ gối cầu nguyện. Trên thành cửa sổ, trông ra đồi Royal, là bức tượng Thánh Giuse nhỏ, là người mà thầy hằng sùng kính ngay từ khi còn nhỏ. Khi được hỏi về điều ấy thầy trả lời, "Một ngày nào đó, Thánh Giuse sẽ được tôn kính một cách đặc biệt trên đồi Royal!"
Khi biết có ai bị đau yếu, ngài đến thăm để cổ võ tinh thần cũng như để cầu nguyện với họ. Ngài cũng thường thoa lên bệnh nhân chút dầu lấy từ chiếc đèn luôn cháy sáng trước tượng Thánh Giuse trong nguyện đường của trường học. Từ đó tiếng đồn về sức mạnh chữa lạnh bắt đầu lan tràn.
Khi bệnh dịch bùng nổ từ một trường kế cận, Thầy Andre đã xung phong đến đó chăm sóc bệnh nhân. Không một ai bị thiệt mạng. Số người bệnh đến với thầy ngày càng gia tăng. Cha bề trên cảm thấy bối rối; giới thẩm quyền địa phận nghi ngờ; các bác sĩ gọi ngài là lang băm. Thầy thường lập đi lập lại rằng "Ðâu có phải tôi chữa mà là Thánh Giuse đó." Sau cùng thầy phải cần đến bốn người thư ký để trả lời 80,000 lá thư ngài nhận được hàng năm.
Ðã nhiều năm Tu Hội Thánh Giá cố nài nỉ để mua lấy miếng đất trên ngọn đồi Royal nhưng không thành công. Thầy Andre và một vài người khác đã leo lên đó để đặt một tượng Thánh Giuse. Bỗng dưng, chủ đất đồng ý. Thầy Andre quyên góp được $200 để xây một nhà nguyện nhỏ và dùng làm nơi tiếp khách thập phương mà ở đó lúc nào thầy cũng tươi cười để thoa dầu Thánh Giuse trên bệnh nhân. Có người được khỏi bệnh, có người không. Số nạng, gậy chống cũng như xe lăn người ta bỏ lại để minh chứng cho sức mạnh chữa lành của Thánh Giuse ngày càng gia tăng.
Nguyện đường cũng cần được nới rộng thêm. Vào năm 1931, một thánh đường to lớn được khởi công xây cất, nhưng tài chánh bị thiếu hụt vì đó là thời kỳ kinh tế đại suy thoái. "Hãy đặt tượng Thánh Giuse vào trong ấy. Nếu ngài muốn có mái che trên đầu thì ngài sẽ giúp cho." Sau cùng, Vương Cung Thánh Ðường Thánh Giuse nguy nga trên đồi Royal đã hoàn thành sau 50 năm xây cất. Nhưng Thầy Andre đã không được chứng kiến ngày huy hoàng đó, và đã từ trần năm 1937 khi thầy 92 tuổi.
Lời Bàn
Thoa lên vết thương với dầu và ảnh tượng? Ðặt một ảnh tượng để mua được miếng đất? Ðó có phải dị đoan không? Ðó có phải là những gì chúng ta muốn quên đi không?
Người dị đoan chỉ trông nhờ vào "yêu thuật" của lời nói hay hành động. Dầu và ảnh tượng của Thầy Andre là những dấu tích đích thực của một đức tin đơn sơ, trọn vẹn nơi Thiên Chúa Cha là Ðấng đã giúp vị thánh của thầy chữa lành cho các con cái của Thiên Chúa.
Lời Trích
"Chính cây cọ nhỏ bé đã giúp nghệ nhân hoàn thành bức họa tuyệt mỹ."
7 Tháng Giêng: Thánh Raymond ở Penafort (1175 - 1275)
Ðược Thiên Chúa cho hưởng thọ đến 100 tuổi, Thánh Raymond có cơ hội để thực hiện được nhiều điều trong đời.
Là một phần tử của dòng dõi quý tộc Tây Ban Nha, ngài có đầy đủ tài nguyên và nền tảng giáo dục vững chắc để bước vào đời. Ngay từ khi còn nhỏ, ngài đã yêu quý và sùng kính Ðức Mẹ. Vào lúc 20 tuổi, ngài dạy triết. Trong khoảng 30, ngài đậu bằng tiến sĩ về giáo luật và dân luật. Tuy nhiên, ngài đã từ bỏ tất cả để gia nhập Dòng Thuyết Giáo (Ða Minh) và là một linh mục năm 47 tuổi. Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô IX gọi ngài về Rôma làm việc cho đức giáo hoàng và cũng là cha giải tội cho người. Môät trong những điều đức giáo hoàng yêu cầu ngài thi hành là thu thập tất cả các sắc lệnh của các giáo hoàng và công đồng trong 80 năm, kể từ lần sưu tập sau cùng của Gratianô. Cha Raymond biên soạn thành năm cuốn sách được gọi là "Bộ Giáo Lệnh" (Decretals). Những cuốn này được coi là bộ sưu tập giáo luật có giá trị nhất của Giáo Hội mãi cho đến năm 1917 khi giáo luật được hệ thống hóa.
Trước đó, Cha Raymond đã viết một cuốn sách dành cho các cha giải tội, được gọi là "Summa de Poenitentia et Matrimonio". Cuốn sách này không chỉ kể ra các tội và việc đền tội, mà còn thảo luận các luật lệ và học thuyết chính đáng của Giáo Hội liên hệ đến vấn đề hay trường hợp mà cha giải tội phải giải quyết.
Khi Cha Raymond được 60 tuổi, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục của Tarragona, thủ phủ của Aragon nằm về phía đông bắc Tây Ban Nha. Ngài không thích vinh dự này chút nào nên kết quả là ngài bị đau yếu và đã từ nhiệm sau đó hai năm.
Tuy nhiên, ngài không được hưởng sự an bình đó bao lâu, vì khi 63 tuổi ngài được anh em tu sĩ dòng chọn làm bề trên của toàn thể nhà dòng, chỉ sau Thánh Ða Minh. Cha Raymond phải vất vả trong các công việc như đi thăm các tu sĩ dòng, cải tổ lại hiến pháp dòng và cố đưa vào hiến pháp dòng điều khoản cho phép vị bề trên có thể từ chức. Khi bản hiến pháp mới được chấp nhận, Cha Raymond, lúc ấy 65 tuổi, đã xin từ nhiệm.
Nhưng ngài vẫn còn phải làm việc trong 35 năm nữa để chống với bè rối và hoán cải người Moor ở Tây Ban Nha. Và theo lời yêu cầu của ngài, Thánh Tôma Aquina đã viết cuốn "Summa Contra Gentes".
Mãi cho đến khi ngài được 100 tuổi thì Thiên Chúa mới cho ngài về hưu dưỡng. Năm 1601, Cha Raymond được Ðức Giáo Hoàng Clêmentê VIII tuyên xưng là thánh.
Lời Bàn
Thánh Raymond là một luật gia và là nhà giáo luật. Thói vụ luật (legalism) là một trong những điều mà Giáo Hội cố tránh trong Công Ðồng Vatican II. Có sự khác biệt lớn lao giữa các điều khoản với tinh thần và mục đích của luật lệ. Luật lệ tự nó có thể trở thành cùng đích, do đó giá trị mà luật lệ muốn nhắm đến đã bị quên lãng. Nhưng chúng ta cũng phải thận trọng đừng ngả về thái cực bên kia, coi luật lệ như vô ích hoặc cho đó là một điều tầm thường. Một cách lý tưởng, luật lệ được đặt ra là vì lợi ích của mọi người và phải đảm bảo quyền lợi của mọi người được tôn trọng. Qua Thánh Raymond, chúng ta học được sự tôn trọng luật lệ như một phương tiện phục vụ công ích.
Lời Trích
"Ai ghét bỏ luật lệ thì không khôn ngoan, và sẽ bị nghiêng ngả như con tàu giữa cơn phong ba" (Sách Huấn Ca 33:2).
sinh năm 1825 tại Nam Ðiền, Nam Ðịnh, Giáo dân, xử trảm ngày 07-01-1862 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 29-4-1951 do Ðức Piô XII, kính ngày 07-01.
sinh năm 1780 tại Nam Hào, Hưng Yên, Linh Mục, Dòng Ða Minh, xử trảm ngày 30-01-1860 tại Hưng Yên dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 29-4-1951 do Ðức Piô XII, kính ngày 30-01.
8 Tháng Giêng: Chân Phước Angela ở Foligno (1248-1309)
Một số vị thánh ngay từ nhỏ đã có dấu hiệu thánh thiện. Ðiều này không đúng với Chân Phước Angela. Ðược sinh trưởng trong một gia đình quyền thế ở Foligno, ngài chìm đắm trong việc kiếm tiền và tìm danh vọng xã hội. Ngay khi làm vợ và làm mẹ, ngài vẫn tiếp tục con đường sai lạc này.
Khoảng 40 tuổi, ngài được một thị kiến và sau đó ngài nhận ra sự trống rỗng của cuộc đời nên đã tìm đến sự trợ giúp của Thiên Chúa qua Bí Tích Hòa Giải. Cha giải tội của ngài đã giúp ngài thay đổi đời sống, tận hiến cho sự cầu nguyện và thi hành đức bác ái.
Sau khi bà Angela hoán cải được ít lâu thì chồng và con đều từ trần. Bà bán hết của cải và gia nhập dòng Ba Phanxicô. Bà miệt mài chiêm niệm trước tượng Ðức Kitô trên thập giá và phục vụ người nghèo ở Foligno như một y tá và sẵn sàng đi xin xỏ khi họ có nhu cầu. Các phụ nữ khác theo gương bà đã đến tiếp tay với công việc của bà trong hội dòng ba này.
Theo lời khuyên của cha giải tội, bà Angela đã viết lại cuốn Sách Thị Kiến và Huấn Thị. Trong sách ấy, bà viết lại những lần bị cám dỗ sau khi hoán cải; cũng như những lần được kết hợp cách bí nhiệm với Ðức Kitô và ơn mặc khải. Cuốn sách này và đời sống của bà đã giúp bà được gọi là "Thầy Các Thần Học Gia."
Bà từ trần năm 1309 và được chôn cất trong nhà thờ Thánh Phanxicô ở Foligno. Nhiều phép lạ được ghi nhận ở đây. Bà được tôn vinh chân phước năm 1693.
Lời Bàn
Những ai sống ở Hoa Kỳ ngày nay có thể hiểu được sự cám dỗ của Chân Phước Angela khi cố gia tăng giá trị của mình bằng cách tích lũy tiền của, danh vọng và quyền lực. Càng kiếm thêm cho mình bao nhiêu, ngài càng trở nên ích kỷ bấy nhiêu. Khi nhận ra sự vô giá của chính con người mình, vì được Thiên Chúa tạo dựng và yêu thương, ngài thực sự ăn năn sám hối và sống rất bác ái với người nghèo. Những gì trước đây ngài cho là điên khùng thì bây giờ đã trở nên thật quan trọng. Con đường từ bỏ chính mình mà ngài đã theo là con đường của mọi người thánh thiện.
Lời Trích
Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết: "Ðức Kitô, Ðấng Cứu Chuộc Trần Gian, thấu suốt sự bí ẩn của con người và đã đi vào 'tâm hồn' chúng ta một cách độc đáo vô song. Chính vì vậy mà Công Ðồng Vatican II đã dạy: 'Sự thật thì người ta chỉ có thể hiểu được bí ẩn của loài người trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể… Ðức Kitô là một Adong mới, qua chính sự tiết lộ nhiệm mầu của Thiên Chúa Cha và tình yêu của Người, Ðức Kitô đã bộc lộ trọn vẹn bản tính nhân loại và làm sáng tỏ ơn gọi cao trọng của loài người" (Redemtoris Hominis, 8).
9 Tháng Giêng: Thánh Thorfinn (c. 1285)
Sau khi Thánh Thorfinn từ trần khá lâu, người ta mới biết đến cuộc đời thánh thiện của ngài. Thánh Thorfinn từ trần năm 1285 trong một đan viện Xitô ở Bỉ. Năm mươi năm sau, ngôi mộ của ngài tình cờ bị khai quật trong một công trình xây cất, và mọi người đều kinh ngạc vì một mùi thơm nồng nàn phát ra từ quan tài của ngài. Do đó, vị đan viện trưởng bắt đầu cuộc điều tra.
Trong đan viện, chỉ còn người đan sĩ già tuổi nhất, Walter de Muda, là còn nhớ đến Ðức Giám Mục Thorfinn. Thật vậy, Cha Walter đã quá khâm phục đức tính nhân từ và kiên quyết của Ðức Thorfinn đến nỗi ông đã làm thơ về Ðức Thorfinn ngay khi ngài còn sống. Và khi Ðức Thorfinn từ trần, Cha Walter đã dán các bài thơ ấy trong mộ của Ðức Thorfinn. Khi các đan sĩ đến xem xét, họ ngạc nhiên khi thấy nét mực các bài thơ vẫn còn nguyên như mới. Chắc chắn đây là một dấu hiệu mà Thiên Chúa muốn Ðức Thorfinn được tưởng nhớ và được vinh danh. Dân chúng bắt đầu tuốn đến để xin Ðức Giám Mục Thorfinn cầu bầu cho họ, và các phép lạ bắt đầu xảy ra.
Theo bài viết của Cha Walter, Ðức GM Thorfinn đến từ Na Uy. Khi là linh mục ở Na Uy, có lẽ ngài phục vụ ở vương cung thánh đường Nidaros với chức vụ kinh sĩ. Dường như trong thời gian ở đây, ngài đã ký một văn kiện quan trọng. Ngài là một nhân chứng của Hiệp Ước Tonsberg năm 1277. Ðây là một hiệp ước giữa Vua Magnus VI và đức tổng giám mục nhằm giải thoát Giáo Hội khỏi sự khống chế của nhà cầm quyền. Nhưng vài năm sau, Vua Eric đã bãi bỏ hiệp ước này. Ông trở mặt và chống đối đức tổng giám mục cũng như hai giám mục phụ tá là Ðức Giám Mục Andrew của Oslow và Ðức Giám Mục Thorfinn của Hamar. Sau đó các giám mục phải ra nước ngoài lánh nạn.
Ðức Giám Mục Thorfinn khởi đầu một hành trình đầy cam go về đan viện TerDoest ở Flanders, mà người ta cho rằng trước đây ngài là một đan sĩ của đan viện này. Con tầu của ngài từng bị đắm. Sau cùng, ngài đã đến được đan viện và sống ở đây cho đến chết. Ngài từ trần ngày 8 tháng Giêng 1285.
10 Tháng Giêng: Thánh Grêgôriô ở Nyssa (330 - 395)
Thánh Grêgôgiô là con út của một gia đình đã góp phần rất lớn cho Giáo Hội và gia đình ấy có ít nhất năm vị thánh.
Sinh trưởng trong thành phố bây giờ là Thổ Nhĩ Kỳ, Grêgôriô là con của hai vị thánh Basil và Emmilia, và lớn lên trong sự dẫn dắt của người anh là Thánh Basil Cả, và người chị Macrina. Sự thành công trong việc học của Grêgôriô tiên đoán một tương lai rạng rỡ. Sau khi là giáo sư hùng biện, ngài được khuyến khích dâng hiến tài năng và hoạt động cho Giáo Hội, và ngài đã gia nhập đan viện của người anh là Basil Cả. Sau khi lập gia đình, Grêgôriô tiếp tục học làm linh mục và được phong chức (vấn đề độc thân thời bấy giờ không phải là điều kiện để làm linh mục).
Ngài được chọn làm Giám Mục của Nyssa năm 372, là giai đoạn nhiều căng thẳng về bè rối Arian, họ từ chối thiên tính của Ðức Kitô. Sau một thời gian giam cầm vì bị bè rối Arian vu oan là biển thủ ngân quỹ Giáo Hội, Ðức Grêgôgiô được phục hồi quyền bính năm 378.
Chính sau cái chết của người anh yêu quý là Thánh Basil mà Ðức Grêgôgiô mới thực sự chứng tỏ khả năng của ngài. Các học thuyết của ngài chống với Arian và các sai lầm khác lừng danh đến nỗi ngài được xưng tụng là người bảo vệ chính giáo. Ngài được sai đi trong các sứ vụ chống trả các bè rối, và giữ một vị thế quan trọng trong Công Ðồng Constantinople.
Danh tiếng của ngài kéo dài cho đến khi từ trần, nhưng qua nhiều thế kỷ, danh tiếng ấy lu mờ dần khi người ta không rõ ngài có phải là tác giả của các học thuyết ấy hay không. Tuy nhiên, chúng ta phải cám ơn công trình của các học giả trong thế kỷ 20, vì nhờ đó mà tầm vóc của Thánh Grêgôriô lại được phục hồi. Thật vậy, Thánh Grêgôriô ở Nyssa không chỉ được coi là một trụ cột của chính giáo, nhưng còn là người đóng góp quan trọng cho các truyền thống bí nhiệm trong linh đạo Kitô Giáo và cho hệ thống đan viện.
11 Tháng Giêng: Chân Phước William Carter (c. 1584)
Sinh ở Luân Ðôn, William Carter bước vào nghề in ngay từ khi còn nhỏ. Trong nhiều năm, ông phụ việc cho một người thợ in Công Giáo nổi tiếng, người này bị cầm tù vì kiên trì với đức tin Công Giáo. Chính ông William cũng bị tù vì "in những tài liệu bị cấm [Công Giáo]" cũng như cất giữ các sách vở có liên can đến đạo Công Giáo.
Hơn thế nữa, ông còn chống đối nhà cầm quyền bằng cách phát hành các truyền đơn nhằm duy trì đức tin của người Công Giáo. Nhà chức trách lục soát nhà ông còn tìm thấy các áo lễ và sách lễ, ngay cả họ còn tra tấn vợ ông để tra khảo. Trong 18 tháng tiếp đó ông bị cầm tù, bị tra tấn và thật đau khổ khi được biết vợ ông từ trần.
Hiển nhiên ông bị buộc tội in ấn và phát hành tập Luận Án về Ly Giáo mà chính quyền cho là do một người "phản quốc" viết để thúc giục người Công Giáo nổi loạn. Trong khi ông William bình thản phó thác vào Thiên Chúa, bồi thẩm đoàn chỉ họp có 15 phút trước khi kết luận là ông "có tội." Sau khi xưng tội với vị linh mục cùng bị bắt, ông William đã bị treo cổ và phân thây vào ngày 11-1-1584.
Ông được phong chân phước năm 1987.
Thánh Theodosius (c. 529)
Theodosius sinh ở Tiểu Á năm 423. Khi thanh niên, ngài thực hiện cuộc hành hương đến Ðất Thánh. Người ta nói rằng ngài được cảm hứng bởi hành trình đức tin của ông Abraham như được viết trong Sáng Thế Ký. Sau khi thăm viếng các linh địa, ngài quyết định theo đuổi một đời sống cầu nguyện. Ngài xin được hướng dẫn bởi một người thánh thiện tên Longinus. Không bao lâu, người ta nhận ra sự thánh thiện của chính Theodosius và nhiều người đã đến xin theo để trở thành đan sĩ.
Thánh Theodosius xây một đan viện lớn ở Cathismus, gần Bêlem. Chẳng bao lâu, đan viện này tràn ngập các đan sĩ từ Hy Lạp, Armenia, Arabia, Persia và các quốc gia vùng Slave. Dần dà, đan viện trở thành một "thành phố nhỏ." Ở đó có một trung tâm cho người bệnh, một trung tâm cho người già và một trung tâm cho người nghèo cũng như người vô gia cư.
Thánh Theodosius luôn luôn độ lượng. Ngài nuôi ăn không biết bao nhiêu người nghèo. Nhiều khi tưởng chừng không còn đủ thức ăn cho các đan sĩ. Nhưng thánh nhân luôn luôn tín thác vào Thiên Chúa. Theodosius không bao giờ làm ngơ trước nhu cầu của người khác. Ðan viện là nơi thật bình an, các đan sĩ sống hoà thuận với nhau trong tình huynh đệ đích thực. Việc điều hành đan viện quá tốt đẹp đến nỗi vị thượng phụ của Giêrusalem đã bổ nhiệm Theodosius làm đan viện trưởng của các đan sĩ đông phương.
Thánh Theodosius từ trần năm 529, hưởng thọ 106 tuổi. Ngài được chôn cất ở nơi đầu tiên ngài sống như một đan sĩ. Nơi đó được gọi là Hang Ðạo Sĩ, vì theo truyền thuyết, các Ðạo Sĩ đã trú ngụ ở đây khi trên đường tìm kiếm Hài Nhi Giêsu.
12 Tháng Giêng: Thánh Antôn Maria Pucci (1819 - 1892)
Eustacchio là người con thứ trong bảy người con của một gia đình nông dân ở Tuscany, không xa với thành phố Florence là bao. Mặc dù ông bố thường dọn lễ cho nhà thờ trong làng, nhưng ông không thích thú cho lắm khi thấy con mình có ý định đi tu. Tuy nhiên, vào năm 18 tuổi, Eustacchio đã gia nhập dòng Tôi Tớ Ðức Mẹ, và lấy tên là Antôn Maria.
Sau khi được học kinh điển và thần học, ngài được thụ phong linh mục năm 1843. Vào năm 28 tuổi, ngài được bài sai đi coi xứ đầu tiên -- và duy nhất -- ở thành phố Viareggio ven biển. Ngài ở đây trong suốt cuộc đời, tận tụy phục vụ trong 45 năm. Ngài được giáo dân mến mộ đặt cho ngài cái tên dễ mến là "il curatino" (cha sở bé nhỏ). Ngài đặc biệt lưu tâm đến người bệnh, người già và người nghèo, và tận tâm phục vụ họ, nhất là trong hai trận dịch tễ hoành hành ở đây.
Ngài là người biết nhìn xa trông rộng, đã thành lập nhà nuôi trẻ cạnh bờ biển và là người tiên phong của Tổ Chức Thời Thơ Ấu Thánh Thiện ở Ý. Từ 1883 đến 1890, ngài còn là bề trên tỉnh dòng Tôi Tớ Ðức Mẹ ở Tuscan.
Khi ngài từ trần ngày 12-1-1892 ở Viareggio, toàn thể thành phố đã thương tiếc ngài. Ngài được phong thánh năm 1962 trong khoá họp đầu tiên của Công Ðồng Vatican II.
Thánh Marguerite Bourgeoys (1620-1700)
"Chúa đóng cánh cửa lớn và mở ra cánh cửa nhỏ," đó là câu người ta thường an ủi chính mình hay người khác khi gặp những thất vọng. Ðiều này rất đúng với trường hợp của Thánh Marguerite.
Marguerite sinh ở Troyes, nước Pháp, nhưng tám mươi năm cuộc đời ngài sống ở Montréal, Canada. Thánh nữ là con thứ sáu trong gia đình mười hai người con. Cha mẹ ngài thật đạo đức. Ngài mồ côi mẹ khi lên chín và Marguerite thay mẹ chăm sóc các em. Khi ngài hai mươi bảy tuổi thì người cha từ trần. Bây giờ, mọi người trong gia đình đều đã lớn và Marguerite nghĩ rằng mình có ơn gọi đi tu. Nhưng việc xin gia nhập dòng Camêlô cũng như dòng Thánh Clara Hèn Mọn đều thất bại. Lúc ấy, Thống Ðốc của Montréal đang thăm viếng nước Pháp nhằm tìm kiếm giáo chức cho Tân Thế Giới. Ông đã mời Marguerite đến Montreal để dạy học cũng như dạy giáo lý, và ngài đã nhận lời.
Marguerite chia tài sản cho các anh chị em trong gia đình. Họ không tin rằng ngài dám từ bỏ một quốc gia văn minh để đến một nơi hoang vu cách xa cả đại dương. Nhưng ngài đã thực hiện điều đó và đã cập bến Canada vào giữa tháng Mười Một. Marguerite bắt đầu xây cất một nguyện đường vào năm 1657 để vinh danh Ðức Bà Hằng Cứu Giúp. Năm 1658, ngài mở trường học đầu tiên. Khi nhận ra nhu cầu giáo chức, ngài trở về Pháp năm 1670 và đem theo sáu người bạn khác đến Canada. Tất cả các phụ nữ can đảm này đã trở nên các nữ tu đầu tiên của Tu Hội Ðức Bà.
Sơ Marguerite và các nữ tu đã giúp đỡ dân chúng ở thuộc địa sống sót khi nạn đói xảy đến. Họ mở trường dạy nghề để chỉ cho các người trẻ biết xây cất nhà cửa và làm nông trại. Tu hội của Sơ Marguerite cũng phát triển. Vào năm 1681 có mười tám nữ tu. Bảy người gốc Canada. Họ mở thêm các trung tâm truyền giáo và hai nữ tu dạy học cho người thổ dân da đỏ. Chính Sơ Marguerite cũng đã nhận hai phụ nữ da đỏ đầu tiên gia nhập tu hội.
Vào năm 1693, Mẹ Marguerite trao tu hội lại cho người kế vị. Sơ bề trên mới là Marie Barbier, người Canada đầu tiên gia nhập tu hội. Năm 1698, quy luật tu hội được Giáo Hội chấp thuận. Trong những năm cuối đời, Sơ Marguerite dành để cầu nguyện và viết tự truyện. Vào ngày cuối năm 1699, một nữ tu trẻ tuổi đang hấp hối trên giường bệnh. Sơ Marguerite xin Chúa để được chết thay cho nữ tu ấy. Ðến sáng ngày 1 tháng Giêng 1700, nữ tu ấy được lành mạnh, nhưng Sơ Marguerite lại lên cơn sốt. Ngài chịu đau khổ trong mười hai ngày và từ trần ngày 12 tháng Giêng 1700. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh ngày 2 tháng Tư 1982.
Lời Bàn
Thật dễ nản chí khi các kế hoạch mà chúng ta nghĩ rằng Chúa phải tán thành thì bị thất bại. Marguerite không được kêu gọi để trở nên một nữ tu dòng kín nhưng lại là một người sáng lập dòng và một nhà giáo dục. Nói cho cùng, Thiên Chúa không quên thánh nữ.
Lời Trích
Trong bài giảng lễ phong thánh, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: "... một cách đặc biệt, Thánh Marguerite đã góp phần xây dựng quốc gia mới ấy [Canada], minh định vai trò của phụ nữ, và ngài cần cù tiến đến việc đào tạo một tâm linh Kitô Giáo sâu xa." Ðức thánh cha cũng nhận xét rằng thánh nữ đã trông coi các học sinh với lòng yêu mến và tin tưởng "để chuẩn bị cho các em trở nên các người vợ và người mẹ xứng đáng, là các người mẹ Kitô Hữu có văn hóa, chăm chỉ làm việc và có ảnh hưởng tốt đến người chung quanh."
13 Tháng Giêng: Thánh Hilary ở Poitiers (315 - 368)
Vị trung kiên bảo vệ thiên tính của Ðức Kitô này là một người hiền lành và can đảm, tận tụy sáng tác một số văn bản tuyệt vời về Ba Ngôi Thiên Chúa, và cũng giống như Thầy Kitô, ngài được coi là "người xáo trộn sự bình an." Trong giai đoạn cực kỳ khủng hoảng của Giáo Hội, sự thánh thiện của ngài nổi bật cả trong lãnh vực uyên bác và tranh luận.
Sinh trưởng trong một gia đình ngoại giáo, ngài trở lại Kitô Giáo khi tìm thấy Thiên Chúa qua Kinh Thánh. Sau khi lập gia đình và có được một người con gái là Apra, ngài được chọn làm Giám Mục của Poitiers nước Pháp trái với ý muốn của ngài. Không bao lâu ngài phải chiến đấu với một tai họa của thế kỷ thứ tư, là bè rối Arian, những người khước từ thiên tính của Ðức Kitô.
Tà thuyết này lan tràn nhanh chóng. Khi hoàng đế Constantius ra lệnh cho mọi giám mục Tây Phương phải ký vào bản kết án Ðức Athanasius, vị bảo vệ đức tin của Giáo Hội Ðông Phương, Ðức Hilary từ chối và bị trục xuất khỏi nước Pháp đến vùng Phrygia hẻo lánh (khi bị lưu đầy là khi ngài được mệnh danh là "Athanasius của Tây Phương"). Vị bảo vệ chính giáo một cách kiên cường này lại là người rất nhân từ khi hòa giải các giám mục của nước Pháp, là những người vì sợ mang tiếng là ngu dốt nên đã chấp nhận bản kinh tin kính của Arian. Và trong khi ngài viết bản cáo trạng sắc bén lên án hoàng đế về tội bao che tà thuyết, thì ngài lại ôn tồn giải thích rằng, đôi khi sự khác biêät giữa các học thuyết chính giáo và lạc giáo chỉ là nghĩa chữ hơn là tư tưởng. Do đó, ngài khuyên các giám mục Tây Phương đừng vội kết án. Chính vì vậy, ngài lại có thêm những kẻ thù mới.
Trong thời gian lưu đầy và viết lách, ngài được mời tham dự một công đồng do hoàng đế triệu tập để chống với Công Ðồng Nicea. Như chúng ta có thể tiên đoán, Ðức Hilary đã đứng lên bảo vệ Giáo Hội, và khi ngài thách thức tranh luận một cách công khai với vị giám mục đã đầy ải ngài, những người theo Arian, vì sợ buổi tranh luận ấy và những hậu quả của nó, đã xin hoàng đế tống cổ "người xáo trộn sự bình an" này về nhà. Nhưng thay vì về thẳng Poitiers, ngài đã sang Hy Lạp và Ý, rao giảng chống lại tà thuyết Arian.
Có lẽ một số người hiện nay nghĩ rằng tất cả những khó khăn ấy chỉ trên phương diện ngôn từ. Nhưng Thánh Hilary không chỉ tham dự cuộc chiến ngôn ngữ, mà còn chiến đấu cho sự sống vĩnh cửu của các linh hồn đã nghe theo tà thuyết Arian và không còn tin vào Con Thiên Chúa, là nguồn hy vọng cứu độ của họ.
Cái chết của hoàng đế Constantius năm 361 cũng chấm dứt việc bách hại Kitô Giáo chính thống. Ðức Hilary từ trần năm 367 hoặc 368, và được tuyên xưng là tiến sĩ Hội Thánh vào năm 1851.
Lời Bàn
Ðức Kitô đã nói Ngài đến thế gian không để đem lại sự bình an nhưng đem lại gươm giáo (x. Mátthêu 10:34). Nếu chúng ta nghĩ rằng sự thánh thiện chói lòa không đem lại nhiều khó khăn thì điều ấy không được thấy trong Phúc Âm. Ngay cả giây phút cuối cùng, Ðức Kitô cũng không thoát, mặc dù từ đó trở đi Ngài đã sống hạnh phúc -- sau một cuộc đời đầy tranh đấu, khó khăn, đau khổ và thất vọng. Ðức Hilary, như mọi vị thánh khác, cũng không khác gì hơn.
49. Ðaminh Phạm Viết KHẢM (Trọng),
sinh tại Quần Cống, Nam Ðịnh, Quan Án, Dòng Ba Ða Minh, xử giảo ngày 13-01-1859 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 29-4-1951 do Ðức Piô XII, kính ngày 13-01.
sinh năm 1800 tại Quần Cống, Nam Ðịnh, Cai tổng, xử giảo ngày 13-01-1859 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 29-4-1951 do Ðức Piô XII, kính ngày 13-01.
sinh năm 1819 tại Quần Cống, Nam Ðịnh, Cai Tổng, xử giảo ngày 13-01-1859 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 29-4-1951 do Ðức Piô XII, kính ngày 13-01.
14 Tháng Giêng: Thánh Macrina
Thánh Macrina là bà nội của Thánh Basil Cả mà chúng ta mừng kính vào ngày 2-1. Dường như Thánh Macrina đã nuôi dưỡng Thánh Basil Cả và khi lớn lên thánh nhân đã không ngớt lời ca tụng công việc lành phúc đức của bà nội. Ðặc biệt, thánh nhân đã nhắc đến việc giáo dục đức tin của bà khi thánh nhân còn nhỏ.
Thánh Macrina và chồng đã phải trả một giá rất đắt khi theo Ðức Kitô. Trong thời kỳ bách hại của các hoàng đế La Mã Galerius và Maximinus, hai ông bà đã phải đi trốn. Họ tìm thấy một nơi ẩn náu trong rừng gần nhà. Bằng cách nào đó, họ đã thoát khỏi sự bách hại. Họ luôn luôn bị đói khát và lo sợ nhưng không mất đức tin. Họ đã kiên nhẫn chờ đợi và cầu nguyện để chấm dứt sự bách hại. Và cuộc bách hại này đã chấm dứt sau bảy năm dài. Thánh Gregory Nazianzen có ghi lại các chi tiết này.
Trong một cuộc bách hại khác, Thánh Macrina và chồng bị mất tất cả tài sản. Họ không còn gì ngoại trừ đức tin và lòng tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
Người ta không biết chính xác Thánh Macrina từ trần năm nào, họ phỏng đoán năm 340, và cháu nội của thánh nữ là Thánh Basil Cả từ trần năm 379.
15 Tháng Giêng: Thánh Phaolô Ẩn Tu (233 - 345)
Những gì chúng ta thực sự biết về cuộc đời Thánh Phaolô Ẩn Tu thì không rõ đó có phải là dữ kiện hay truyền thuyết.
Ðược biết ngài sinh ở Ai Cập, là nơi ngài mồ côi cha mẹ khi 15 tuổi. Ngài còn là một thanh niên có học thức và đạo đức. Trong thời kỳ bách hại của vua Decius ở Ai Cập năm 250, ngài buộc phải trốn tránh trong nhà của một người bạn. Sau đó sợ rằng người anh rể của mình sẽ đi tố cáo, ngài trốn vào sa mạc và ở trong một cái hang. Dự định của ngài là sẽ trở về nhà sau khi việc bách hại chấm dứt, nhưng cái êm đềm của sự cô quạnh và cái sung sướng của sự chiêm niệm đã khiến ngài thay đổi ý định ban đầu.
Ngài tiếp tục sống ở đó trong 90 năm. Nước uống thì ngài lấy từ con suối gần đó, thức ăn và vải che thân ngài lấy từ cây chà là. Sau 21 năm sống trong cô độc có một con chim hằng ngày đem cho ngài nửa ổ bánh. Trong cuộc sống tĩnh mịch đó ngài cầu xin cho thêá giới được tốt đẹp hơn.
Thánh Antôn làm chứng cho cuộc đời và cái chết thánh thiện của Thánh Phaolô Ẩn Tu. Bị cám dỗ cho rằng mình là người đầu tiên phụng sự Thiên Chúa nơi hoang dã, Thánh Antôn xin Thiên Chúa soi sáng để được biết điều ấy và ngài đã tìm thấy Thánh Phaolô, và thú nhận rằng Thánh Phaolô còn tuyệt hảo hơn ngài. Và chính Thánh Antôn là người đã chôn cất Thánh Phaolô Ẩn Tu, lúc ấy ngài được 112 tuổi và được coi là vị Ẩn Tu Ðầu Tiên.
Ngày lễ kính nhớ ngài được cử hành trong Giáo Hội Ðông Phương và ngài còn được nhắc đến trong nghi thức phụng vụ của Giáo Hội Coptic và Armenia.
Lời Bàn
Thánh ý và đường hướng của Thiên Chúa được thấy trong mọi hoàn cảnh của đời sống. Ðược hướng dẫn bởi ơn sủng của Thiên Chúa, chúng ta có tự do để đáp lại lời mời gọi của Ngài qua những chọn lựa nhằm đưa chúng ta đến gần Chúa hơn, và giúp chúng ta lệ thuộc nhiều hơn vào Thiên Chúa, là Ðấng đã dựng nên chúng ta. Có khi những lựa chọn ấy dường như tách biệt chúng ta khỏi người thân quen. Nhưng thực sự, chúng lại đưa chúng ta gần với nhau trong lời cầu nguyện và trong tình bằng hữu.
16 Tháng Giêng: Thánh Berard và Các Bạn(c. 1220)
Rao giảng Tin Mừng thường là công việc nguy hiểm. Rời bỏ quê hương và thích ứng với các nền văn hóa mới, chính phủ mới và ngôn ngữ mới thì đã đủ khó khăn; nhưng đôi khi sự tử đạo còn vượt quá mọi hy sinh này.
Vào năm 1219 với chúc lành của Thánh Phanxicô, Cha Berard rời Ý với các tu sĩ Peter, Adjute, Accurs, Odo và Vitalis để đi rao giảng ở Morocco. Trên đường đến Tây Ban Nha thì Cha Vitalis bị đau nặng và ngài xin các linh mục khác cứ tiếp tục sứ mệnh truyền giáo mà đừng bận tâm đến ngài.
Các cha khác cố gắng đi rao giảng ở Seville nhưng không đạt được kết quả nào. Sau đó họ tiếp tục đến Morocco là nơi họ rao giảng ngay trên đường phố, trong khu thị tứ. Các ngài bị nhà cầm quyền Hồi Giáo khiển trách và ra lệnh cho họ phải rời bỏ nơi đó; nhưng họ từ chối. Khi các ngài lại tiếp tục rao giảng thì vua Thổ Nhĩ Kỳ tức giận đã ra lệnh xử tử họ. Sau khi bị đánh đập và khước từ những dụ dỗ để chối bỏ đức tin, các ngài đã bị chém đầu vào ngày 16 tháng Giêng, 1220.
Họ là các tu sĩ Phanxicô đầu tiên được tử đạo. Khi Thánh Phanxicô nghe tin về cái chết của họ, ngài đã thốt lên, "Bây giờ tôi có thể thực sự nói rằng tôi có được năm Tu Sĩ Dòng!" Di hài của họ được đưa về Bồ Ðào Nha, là nơi một giáo sĩ trẻ của dòng Augustine vì cảm kích trước cái chết anh hùng của họ, đã gia nhập dòng Phanxicô và sang truyền giáo ở Morocco vào năm kế tiếp. Giáo sĩ trẻ tuổi đó là Thánh Antôn ở Padua.
Năm vị tử đạo được phong thánh năm 1481.
Lời Bàn
Cái chết anh hùng của Thánh Berard và các bạn đã khơi dậy lòng khát khao truyền giáo của Thánh Antôn Padua và những người khác. Có rất nhiều tu sĩ Phanxicô đã đáp lại lời thách đố của Cha Thánh Phanxicô. Rao giảng Phúc Âm có thể nguy hại đến tính mạng, nhưng điều đó không thể ngăn cản các tu sĩ nam nữ của dòng Phanxicô ngày nay liều mạng sống đi rao giảng ở khắp nơi trên thế giới.
Lời Trích
Trước thời Thánh Phanxicô, Quy Luật của các dòng không nhắc đến việc rao giảng cho người Hồi Giáo. Trong Quy Luật năm 1223, Thánh Phanxicô viết: "Các tu sĩ, là những người được linh ứng để đi rao giảng cho người Saracen (Hồi Giáo và Ả Rập) và những người ngoại giáo khác, phải xin phép bề trên của họ. Nhưng các bề trên không được cho phép, trừ khi thấy người ấy thích hợp để được sai đi" (Chương 12).
17 Tháng Giêng: Thánh Antôn ở Ai Cập (251 - 356)
Cuộc đời Thánh Antôn nhắc nhở chúng ta nhiều điểm về cuộc đời Thánh Phanxicô Assisi. Khi 20 tuổi, ngài thật cảm kích trước câu Phúc Âm, "Hãy đi và bán những gì anh có, và phân phát cho người nghèo" (Máccô 10:21b), và Thánh Antôn đã thực sự thi hành đúng như vậy với gia tài kếch sù của ngài. Thánh Antôn khác với Thánh Phanxicô ở cuộc đời ẩn dật. Ngài nhìn thấy thế gian đầy những cạm bẫy và đã sống nhân chứng cho Giáo Hội cũng như thế gian qua cuộc đời khổ hạnh nơi ẩn dật, đầy hy sinh hãm mình và cầu nguyện. Nhưng không vị thánh nào thực sự xa lánh xã hội, và Thánh Antôn đã thu hút người ta đến với ngài để được hướng dẫn và chữa lành tâm linh.
Lúc 54 tuổi, theo lời thỉnh cầu của nhiều người, ngài đã sáng lập một loại đan viện với các phòng ở rải rác cách nhau. Lúc 60 tuổi, ngài hy vọng sẽ là vị tử đạo trong thời tái bách hại của Rôma năm 311, và ngài đã không sợ nguy hiểm khi hỗ trợ tinh thần và giảng dạy đạo lý cho những người trong tù. Năm 88 tuổi, ngài chống với bè rối Arian (từ chối thiên tính của Ðức Kitô), vết thương to lớn ấy đã khiến Giáo Hội phải mất nhiều thế kỷ mới phục hồi được.
Ảnh Thánh Antôn thường được vẽ với thập giá hình chữ T, một cuốn sách và một con heo. Thập giá và con heo tượng trưng cho cuộc chiến dũng cảm của ngài chống với ma quỷ -- thập giá luôn luôn là phương tiện quyền lực giúp ngài chế ngự ma quỷ, được tượng trưng là con heo. Cuốn sách nói lên sở thích của ngài là "học hỏi từ thiên nhiên" thay vì sách vở in ấn.
Thánh Antôn chết trong cô độc khi ngài 105 tuổi.
Lời Bàn
Trong thời đại mà người ta coi thường ma qủy và thiên thần, một người có sức mạnh chế ngự ma quỷ khiến chúng ta phải suy nghĩ. Và trong thời buổi người ta nói đến đời sống như cuộc chạy đua nước rút thì một người dành cả cuộc đời cho sự cô quạnh và cầu nguyện đã nói lên những căn bản quan trọng của đời sống Kitô Hữu. Ðời sống ẩn dật của Thánh Antôn nhắc nhở chúng ta về sự tuyệt đối cắt đứt tội lỗi và hoàn toàn tận hiến cho Ðức Kitô. Ngay cả trong thế giới tốt lành của Thiên Chúa cũng còn một thế giới khác mà giá trị giả dối của nó luôn cám dỗ chúng ta.
18 Tháng Giêng: Thánh Charles ở Sezze (1613 - 1670)
Thánh Charles nghĩ rằng Thiên Chúa gọi ngài đi truyền giáo ở Ấn Ðộ, nhưng ngài chưa bao giờ được đặt chân đến đó. Thiên Chúa đã có những hoạch định khác tốt đẹp hơn cho ngài.
John Charles Marchioni sinh ở làng Sezze, phía đông nam của Rôma trong một gia đình nghèo nàn. Khi niên thiếu, ngài đi chăn cừu và ao ước trở nên một linh mục. Nhưng ước mơ đó không thành tựu vì hoàn cảnh nghèo nàn nên thiếu học thức (ngài chỉ biết đọc và biết viết căn bản), do đó ngài trở nên một thầy dòng Phanxicô năm 1635. Trong cuốn nhật ký, Thầy Charles cho chúng ta biết, "Thiên Chúa đã gieo vào tâm hồn tôi ao ước muốn trở nên một thầy dòng, với khao khát sống nghèo hèn và đi xin ăn vì tình yêu Thiên Chúa."
Thầy Charles đã làm các công việc như nấu ăn, giữ cửa, dọn lễ, làm vườn và đi xin ăn cho nhiều tu viện ở nước Ý. Câu chuyện sau cho thấy tinh thần Phúc Âm của thầy. Khi là người giữ cửa, cha bề trên ra lệnh cho thầy chỉ được phân phát thực phẩm cho các tu sĩ di chuyển ngang qua vùng mà thôi. Thầy vâng lời theo cách đó, và đồng thời của bố thí cũng vơi dần. Thầy cố thuyết phục cha bề trên về sự liên hệ giữa hai yếu tố này. Khi nhà dòng trở lại truyền thống phân phát thực phẩm cho bất cứ ai đến với họ thì của bố thí lại gia tăng.
Theo chỉ thị của cha giải tội, Thầy Charles viết cuốn nhật ký, Sự Vĩ Ðại của Lòng Thương Xót Chúa. Ngài còn viết một vài cuốn sách khác về tâm linh. Trong nhiều năm trời, ngài biết tận dụng sự hướng dẫn tinh thần của các cha linh hướng khi họ giúp ngài phân biệt đâu là tư tưởng của thầy và đâu là tư tưởng của Thiên Chúa. Và chính thầy cũng được người ta tìm đến để xin hướng dẫn tinh thần. Khi Ðức Giáo Hoàng Clement IX hấp hối, ngài đã cho mời Thầy Charles đến để cầu nguyện và chúc lành cho đức giáo hoàng.
Thầy là người tin tưởng vững vàng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Cha Severino Gori đã nói, "Qua lời nói và hành động, thầy nhắc nhở cho chúng ta biết tất cả những gì chúng ta cần theo đuổi là sự vĩnh cửu" (Leonard Perotti, St. Charles of Sezze: An Autobiography, trang 215).
Ngài từ trần ở San Francesco a Ripa ở Rôma và được chôn cất ở đây. Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã phong thánh cho ngài vào năm 1959.
Lời Bàn
Ðời sống các thánh thì đầy những cuộc chiến nội tâm. Ðời sống Thánh Charles chỉ kỳ diệu khi ngài cộng tác với ơn sủng của Thiên Chúa. Ngài bị quyến rũ bởi vẻ huy hoàng của Thiên Chúa và lòng thương xót tất cả chúng ta.
Lời Trích
Cha Gori cho biết tự truyện của Thánh Charles "là một sự bác bẻ mạnh mẽ những ai cho rằng các thánh sinh ra đã là thánh, các ngài được những ưu tiên ngay khi xuất hiện trên mặt đất. Ðiều này không đúng như vậy. Các ngài trở nên thánh trong phương cách bình thường, nhờ bởi sự trung tín lớn lao khi đáp ứng với ơn sủng của Thiên Chúa. Các ngài cũng phải chiến đấu như chúng ta, và hơn thế nữa, chống với những đam mê, thế gian và ma quỷ" (St. Charles of Sezze: An Autobiography, trang viii).
19 Tháng Giêng: Thánh Fabian(250)
Fabian là một giáo dân bình thường ở Rôma từ quê lên tỉnh vào một ngày khi giáo sĩ và dân chúng chuẩn bị chọn vị tân giáo hoàng. Có lẽ ngài đến Rôma cũng giống như nhiều người ngày nay đến Rôma trong thời gian tuyển chọn giáo hoàng: lo lắng cho tương lai của đạo, tò mò muốn biết vị tân giáo hoàng, hoặc tỏ lòng luyến tiếc vị giáo hoàng vừa quá cố. Hơn nữa, được nhìn thấy tất cả các vị chức sắc trong Giáo Hội cùng quy tụ lại để có một quyết định quan trọng cũng là điều thích thú. Ai sẽ là tân giáo hoàng? Ðó là người nhiều quyền thế? Là người có tài hùng biện? Là người dũng cảm?
Theo sử gia Eusebius của Giáo Hội, bỗng dưng có một con chim bồ câu từ trần nhà bay xuống, nhưng không đậu trên "bất cứ ai nổi tiếng". Theo Eusebius, bồ câu "đậu trên đầu Fabian giống hệt như Chúa Thánh Thần ngự trên Ðấng Cứu Thế dưới hình chim bồ câu." Ðiều đó phải có một ý nghĩa gì liên quan đến sự hoạt động của Chúa Thánh Thần, và mọi người đồng thanh tuyên bố Fabian "xứng đáng" là giáo hoàng.
Ðối với chúng ta, bồ câu tượng trưng cho sự hòa bình, và chim bồ câu ấy là điềm báo trước. Bắt đầu từ gần ngày Fabian được tuyển chọn, việc bách hại và đau khôå của Giáo Hội cũng chấm dứt. Hoàng đế Philip, thân thiện với Kitô Hữu và không những ông ngừng bách hại mà còn chấp nhận các nghi lễ của Kitô Giáo.
Trong thời gian hòa bình, Ðức Fabian đã có thể xây dựng cơ cấu Giáo Hội Rôma, ngài chỉ định bảy phó tế và giúp thu thập các chứng thư tử đạo.
Nhưng như ở bất cứ thời gian nào, những người có quyền thường không vui khi thấy các kẻ lạ mặt gia tăng và phát đạt. Có nhiều lần người ngoại giáo đã tấn công Kitô Hữu, và khi hoàng đế Philip từ trần thì thời gian bình an cũng chấm dứt. Hoàng đế mới là Decius, ra lệnh cho mọi Kitô Hữu phải khước từ Ðức Kitô bằng cách thờ cúng tà thần, hoặc tham dự các nghi thức ngoại giáo khác.
Sau một vài năm bình an, Giáo Hội vẫn chưa đủ mạnh. Nhiều người đã không đủ can đảm để tử đạo. Nhưng Ðức Fabian, một biểu tượng hoà bình nổi bật, đã đứng lên để can đảm làm gương cho mọi người trong đàn chiên. Ngài chịu tử đạo năm 250 và được chôn cất trong Nghĩa Trang Calixtus, là nơi chính ngài giúp tân trang.
Trong Nghĩa Trang Calixtus, ngày nay vẫn còn có một bia đá dùng để đậy mồ Thánh Fabian, bị vỡ làm bốn mảnh, có mang dòng chữ Hy Lạp, "Fabian, giám mục, tử đạo."
Lời Bàn
Chúng ta chỉ có thể tin tưởng bước vào tương lai và chấp nhận những thay đổi cần thiết để phát triển nếu chúng ta bám rễ vào quá khứ của một truyền thống sống động. Một vài mảnh đá ở Rôma nhắc nhở rằng, chúng ta là những người của thế kỷ 20 tiếp tục truyền thống đức tin sống động và can đảm thay đổi cuộc đời giống như Ðức Kitô, và làm chứng cho Ngài trong thế gian. Chúng ta đã có các anh chị là những người "ra đi trước chúng ta được ghi dấu đức tin" để dẫn đường cho chúng ta.
Lời Trích
"Máu các vị tử đạo là hạt giống của Giáo Hội" (Tertullian).
20 Tháng Giêng: Thánh Sebastian (257? - 288?)
Về phương diện lịch sử, không có gì chắc chắn về Thánh Sebastian, ngoại trừ ngài là một vị tử đạo Rôma, được sùng kính ở Milan ngay trong thời của Thánh Ambrôsiô và được chôn cất ở Appian Way, có lẽ gần Ðền Thánh Sebastian ngày nay. Việc sùng kính ngài lan rộng nhanh chóng, và ngài được nhắc đến trong vài sổ tử đạo ngay từ năm 350.
Truyền thuyết về Thánh Sebastian góp phần quan trọng cho nghệ thuật, có rất nhiều tranh ảnh về thánh nhân. Chỉ có một truyền thuyết mà các học giả ngày nay đồng ý là việc thánh nhân gia nhập quân đội La Mã và được Hoàng Ðế Diocletian giao cho việc chỉ huy đội vệ binh, sau này khi Diocletian đi sang miền Ðông thì Hoàng Ðế Maximian kế vị cũng giao công việc này cho thánh nhân. Không một hoàng đế nào biết Thánh Sebastian là một Kitô Hữu và ngài đã bí mật giúp đỡ các vị tử đạo. Sau cùng, ngài bị bắt gặp, bị đánh đập trước mặt Hoàng Ðế Maximian và được giao cho các cung thủ của Mauritanian để hành hình. Thân thể ngài ghim đầy những mũi tên và bị bỏ mặc cho chết dần mòn. Nhưng khi bà quả phụ Castulus đến tìm xác ngài để đem chôn thì thấy ngài còn sống và bà đã săn sóc, giúp ngài bình phục. Sau khi khoẻ mạnh, thay vì hèn nhát trốn tránh, ngài đã đứng chờ ở chỗ hoàng đế hay đi qua và lớn tiếng lăng mạ ông vì sự tàn nhẫn đối với Kitô Hữu. Lần này thánh nhân bị kết án tử hình, và bị đánh đập bằng gậy cho đến chết.
21 Tháng Giêng: Thánh Agnes (c. 258?)
Hầu như chúng ta không biết gì nhiều về vị thánh nữ nổi tiếng này, ngoại trừ ngài rất trẻ -- khoảng 12 hay 13 tuổi khi ngài chịu tử đạo vào hậu bán thế kỷ thứ ba. Nhiều giả thuyết được đưa ra về cái chết của ngài như bị chém đầu, bị thiêu hoặc bị xiết cổ.
Truyền thuyết nói rằng Thánh Agnes là một thiếu nữ xinh đẹp mà nhiều thanh niên muốn kết hôn. Trong những người bị khước từ lời cầu hôn, có một người đã đi tố cáo ngài là Kitô Hữu với nhà chức trách. Ngài bị bắt và bị giam trong nhà gái điếm.
Truyền thuyết kể rằng có một người bị mù vì đã nhìn ngài với ước muốn dâm dục, và sau khi được ngài cầu nguyện cho, họ đã sáng mắt. Ngài bị kết án, bị xử tử và được chôn gần Rôma, trong một hang toại đạo mà sau này được mang tên của thánh nữ.
Vào thế kỷ thứ tư, Constantia, con gái của hoàng đế Constantine đã xây một đền thờ để tôn kính thánh nữ. Huy hiệu của ngài trong các tranh ảnh là hình con chiên, vì tên của ngài gần giống như chữ Latinh, agnus, có nghĩa là con chiên.
Lời Bàn
Cũng giống như Thánh Maria Goretti trong thế kỷ gần đây, sự tử đạo của các thiếu nữ đồng trinh là một ấn tượng mạnh mẽ đối với xã hội ngày nay đang nô lệ cho chủ nghĩa duy vật. Như Thánh Agatha, là người đã chết trong hoàn cảnh tương tự, Thánh Agnes tiêu biểu cho sự thánh thiện mà không lệ thuộc vào tuổi tác, tài năng hay sự cố gắng cá nhân. Ðó là món quà mà Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người.
Lời Trích
"Ðây là ngày sinh nhật của một trinh nữ; chúng ta hãy noi gương khiết tịnh của ngài. Ðây là ngày sinh nhật của một vị tử đạo; chúng ta hãy dâng lên những hy sinh; đây là ngày sinh nhật của Thánh Agnes: Các ông hãy cảm phục, các thiếu niên hãy hy vọng, các bà hãy kính sợ và các thiếu nữ hãy ganh đua. Ðối với tôi, người thiếu nữ này, dường như sự thánh thiện và sự can đảm vượt lên trên bản tính con người, được đặt tên là Agnes (Hy Lạp: tinh tuyền) không phải do trần thế quyết định, mà là một mặc khải từ Thiên Chúa về con người của thánh nữ" (Bài giảng của Thánh Ambrôsiô về vấn đề đồng trinh).
22 Tháng Giêng: Thánh Vinh Sơn ở Saragossa (c. 304)
Khi Ðức Giêsu có ý định bắt đầu "hành trình" của Người đến sự chết, Thánh Sử Luca viết Người "quyết tâm" đi về Giêrusalem. Ðây là sự can đảm không lay chuyển đặc biệt của các vị tử đạo.
Những gì chúng ta biết về Thánh Vinh Sơn là từ nhà thơ Prudentius. Các "hành vi" của thánh nhân đã được tự do tô điểm bởi trí tưởng tượng của người biên soạn. Nhưng Thánh Augustine, trong một bài giảng về Thánh Vinh Sơn, đã nói về sự tử đạo của ngài. Tối thiểu chúng ta được biết chắc chắn về tên của ngài, về chức vụ phó tế, về cái chết và nơi chôn cất ngài.
Theo truyền thuyết (và cũng như các vị tử đạo tiên khởi, điều ngài được tán tụng phải xuất phát từ đời sống anh hùng của ngài), Thánh Vinh Sơn được phong chức phó tế bởi một người bạn của ngài là Thánh Giám Mục Valerius ở Saragossa Tây Ban Nha. Vào năm 303, các hoàng đế Rôma ban chỉ dụ chống đối hàng giáo sĩ, và chống đối giáo dân vào năm kế tiếp. Phó Tế Vinh Sơn và Ðức Giám Mục Valerius bị giam ở Valencia. Sự đói khổ và tra tấn không làm gì được các ngài.
Ðức Valerius bị đi lưu đầy, và hoàng đế Dacian dồn mọi sự tức giận lên Phó Tế Vinh Sơn. Mọi hình thức tra tấn đều được sử dụng. Nhưng kết quả chỉ làm Dacian thêm rối trí. Chính ông ra lệnh đánh đập các lý hình vì sự thất bại của họ.
Sau cùng ông đề nghị nếu Phó Tế Vinh Sơn giao nộp sách thánh để đốt theo như chỉ dụ của hoàng đế thì ông sẽ tha cho. Nhưng thánh nhân cương quyết không nhượng bộ. Sự tra tấn tiếp tục, nhưng dù nằm trên vỉ sắt được nung nóng, người tù nhân vẫn can đảm chịu đựng, đến nỗi chính lý hình cũng phải nản chí. Sau cùng Phó Tế Vinh Sơn bị ném vào một xà lim dơ bẩn -- ở đây ngài đã hoán cải người cai tù. Dacian tức điên người, nhưng lạ lùng thay, ông lại ra lệnh cho tù nhân được tĩnh dưỡng đôi chút.
Các tín hữu đến thăm Phó Tế Vinh Sơn, nhưng ngài không còn thì giờ để nghỉ ngơi ở trần thế, khi họ đặt ngài lên chiếc giường êm ả thì ngài đã đi vào nơi an nghỉ đời đời.
Lời Bàn
Các vị tử đạo là gương mẫu anh hùng mà chỉ quyền năng Thiên Chúa mới có thể thực hiện được. Chúng ta biết sức người không thể chịu đựng nổi các tra tấn như Thánh Vinh Sơn mà vẫn trung tín với đức tin. Nếu chỉ cậy dựa vào sức con người thì quả thật không ai có thể trung tín với Thiên Chúa ngay cả khi không bị tra tấn hoặc bị đau khổ. Thiên Chúa không đến giải cứu chúng ta vào những giây phút cô đơn "đặc biệt". Ngài luôn luôn hỗ trợ người mạnh cũng như kẻ yếu.
2. Matthêu ALONSO LECINIANA Ðậu,
sinh năm 1702 tại Nava del Rey, Tây Ban Nha, Linh Mục Dòng Ða Minh, xử trảm ngày 22-01-1745 tại Thăng Long dưới đời chúa Trịnh Doanh, phong Chân Phúc ngày 15-4-1906 do Ðức Piô X, kính ngày 22-01.
35. Phanxicô GIL DE FEDERICH Teá,
sinh năm 1702 tại Tortosa, Catalunha, Tây Ban Nha, Linh Mục, Dòng Ða Minh, xử trảm ngày 22-01-1745 tại Thăng Long dưới đời chúa Trịnh Doanh, phong Chân Phúc ngày 15-4-1906 do Ðức Piô X, kính ngày 22-01.
23 Tháng Giêng: Tôi Tớ Thiên Chúa Juan de Padilla (1492 - 1542)
Khi rao giảng Tin Mừng của Ðức Kitô, Cha Juan không biết mình sẽ đến đâu, nhưng ngài tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ ban cho ngài sức mạnh để chu toàn ơn gọi của một nhà thừa sai. Ơn gọi của ngài đã dẫn đến cái chết vì đạo ở Kansas, là một phần của Tân Thế Giới được khám phá vào năm ngài chào đời.
Cha Juan xuất thân từ một thành phố thuộc phía nam Tây Ban Nha, là nơi ngài gia nhập dòng Phanxicô. Năm 1526, ngài đến Mễ Tây Cơ để hoạt động truyền giáo trong các tiểu bang Hidalgo và Jalisco. Năm 1540, ngài tháp tùng Coronado trong chuyến thám hiểm New Mexico. Năm kế đó, ngài đi với đoàn thám hiểm đến Kansas, ở đây ngài gặp gỡ người thổ dân Quivira. Sau khi đoàn thám hiểm trở về Mễ Tây Cơ, Cha Juan vẫn tiếp tục ở lại hoạt động. Ngài bị một vài người Quivira giết chết chỉ vì ngài muốn đến truyền giáo cho người Kaws, là kẻ thù truyền kiếp của người Quivira. Ngài là người đầu tiên trong số tối thiểu 79 tu sĩ Phanxicô tử vì đạo ở Hoa Kỳ.
Lời Bàn
Suy nghĩ về những người tử đạo vì đức tin đôi khi làm chúng ta bồn chồn. Làm sao họ có thể làm như vậy được? Họ có bình thường không? Ao ước loan truyền phúc âm của Cha Juan de Padilla thì lớn hơn nỗi lo sợ cái chết. Ngài nhắc nhở cho chúng ta biết không ai có thể lựa chọn cái chết, nhưng chúng ta có thể lựa chọn lối sống của chúng ta.
24 Tháng Giêng: Thánh Phanxicô Sales (1567 - 1622)
Cha của Phanxicô dự định cho chàng là một luật sư để có thể thế chỗ ông trong nghị viện tỉnh Savoy nước Pháp. Vì lý do đó Phanxicô được gửi đến Padua để học luật. Sau khi đậu bằng tiến sĩ, chàng trở về nhà, và đúng lúc ấy, chàng ngỏ ý muốn đi tu làm linh mục. Dĩ nhiên, cha mẹ chàng chống đối kịch liệt, và phải mất một thời gian khá lâu sau khi Phanxicô kiên trì thuyết phục thì ông bà mới đồng ý. Sau khi được thụ phong linh mục, Cha Phanxicô được bầu làm giáo trưởng của Ðịa Phận Geneva, sau này nơi đó là trung tâm phát xuất tà thuyết Calvin. Ngài được sai đi để hoán cải những người theo tà thuyết này, nhất là ở quận lỵ Chablais. Qua lời giảng và qua việc phân phát những tài liệu nhỏ do ngài viết để giải thích giáo lý thật của Công Giáo, ngài rất thành công.
Khi 35 tuổi, ngài là Giám Mục của Geneva. Trong khi điều hành giáo phận, ngài tiếp tục rao giảng, nghe xưng tội và dạy giáo lý cho trẻ em. Sự nhân từ của ngài đã đưa được nhiều linh hồn về với Chúa. Ngài thực hành câu châm ngôn của chính ngài là, "Một muỗng mật ong thì thu hút nhiều ruồi hơn một thùng dấm."
Ngoài hai tác phẩm nổi tiếng của ngài là "Khởi Ðầu Ðời Sống Ðạo Ðức" và "Luận Án về Tình Yêu Thiên Chúa", ngài còn viết nhiều cuốn sách nhỏ và rất nhiều bài báo. Vì những văn bản này mà ngài được đặt làm quan thầy của báo giới Công Giáo. Văn bản của ngài, đầy dẫy những nét nhân hậu, nhắm đến người giáo dân. Ngài muốn họ hiểu là họ cũng được mời gọi để trở nên thánh. Như ngài viết trong cuốn "Khởi Ðầu Ðời Sống Ðạo Ðức": "Ðó là điều sai lầm, hoặc đúng hơn là một tà thuyết, khi nói rằng việc đạo đức không thích hợp với đời sống của một binh sĩ, một thương gia, một thái tử hay một phụ nữ có chồng... Ðã có nhiều người mất sự trọn lành trong cái khô khan của thế gian."
Mặc dù sự bận rộn và cuộc đời ngắn ngủi của ngài, Cha Phanxicô đã cộng tác với một vị thánh khác, Jane Frances de Chantal, trong việc thành lập tu hội Nữ Tu Dòng Thăm Viếng. Các nữ tu này thi hành nhân đức mà Ðức Maria đã làm gương khi đến thăm người chị họ là bà Êligiabét: khiêm tốn, đạo đức và giúp đỡ lẫn nhau. Lúc đầu các nữ tu tiếp tay một cách giới hạn trong công việc bác ái đối với người nghèo và bệnh nhân. Ngày nay, trong khi một số nữ tu điều hành các trường học, một số nữ tu khác dành trọn cuộc đời để chiêm niệm.
Lời Bàn
Thánh Phanxicô de Sales đã coi trọng lời Ðức Kitô: "Hãy học cùng tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường thật." Như chính thánh nhân thú nhận, ngài phải mất 20 năm mới chiến thắng được tính tình nóng nẩy của ngài, nhưng không ai cho rằng ngài có tính xấu đó mà chỉ thấy trong lối đối xử của ngài tràn ngập sự ân cần và bản chất tốt lành của ngài. Vì bản tính hiền lành và vui vẻ ấy mà ngài được gọi là "Thánh Lịch Thiệp."
Lời Trích
Thánh Phanxicô dặn dò chúng ta: "Người có đức hiền lành Kitô Giáo thì thương yêu và dịu dàng với người khác: Họ có khuynh hướng tha thứ lỗi lầm của người khác; sự thiện hảo của tâm hồn họ được bộc lộ trong sự hoà nhã dịu dàng có ảnh hưởng đến lời nói cũng như hành động của họ, giúp họ nhìn bất cứ vấn đề gì trong đường hướng bác ái và đem lại sự thoải mái."
25 Tháng Giêng: Sự Trở Lại của Thánh Phaolô
Toàn thể cuộc đời của Thánh Phaolô có thể nói hệ tại ở một biến cố -- ngài được gặp Ðức Giêsu trên đường đi Damascus. Ngay khoảng khắc đó, mọi sự hăng say của một người nhiệt huyết như ngài đều trở nên vô ích, như quả đấm ngàn cân của một tay quyền anh bị hụt hẫng. Có lẽ ngài chưa bao giờ được gặp Ðức Giêsu, mặc dù chỉ lớn hơn Ðức Giêsu vài tuổi. Nhưng ngài ghét cay ghét đắng những gì Ðức Giêsu chủ trương khi ngài bắt đầu bắt bớ Giáo Hội: "... đi vào từng nhà và bắt bỏ tù những người đàn ông cũng như đàn bà" (CVTÐ 8:3b). Bây giờ, chính ngài được "đi vào", được chiếm ngự, mọi năng lực của ngài được khai thác cho một mục đích -- trở nên một nô lệ cho Ðức Kitô trong sứ vụ hòa giải, thành một khí cụ giúp người khác cảm nhận được Ðấng Cứu Thế.
Câu nói sau đã xác định lập trường đức tin của ngài: "Ta là Giêsu, người mà ngươi đang bách hại" (CVTÐ 9:5b). Một cách huyền nhiệm Ðức Giêsu đã đồng hóa với dân của Người -- là những người mà Thánh Phaolô trước đây đã từng săn đuổi như các tội nhân. Ngài nhìn thấy nơi Ðức Giêsu, sự hoàn tất một cách huyền nhiệm những gì ngài đang theo đuổi cách mù quáng.
Từ đó trở đi, công việc của ngài là "giúp mỗi người trở nên hoàn thiện trong Ðức Ki-tô. Vì đó mà tôi phải vất vả chiến đấu, nhờ sức lực của Người hoạt động mạnh mẽ trong tôi" (Colossê 1:28b-29). "Vì tin mừng được loan báo cho anh chị em không chỉ bằng lời nói, mà còn trong quyền năng và trong Thánh Thần và với niềm xác tín sâu xa" (1 Thess. 1-5a).
Cuộc đời Thánh Phaolô trở nên sự rao truyền không mệt mỏi và ngài sống sứ điệp thập giá: qua sự rửa tội, người Kitô chết cho tội lỗi và được mai táng với Ðức Kitô; họ là người chết đối với những gì sai trái và không giúp đưa đến sự cứu chuộc thế gian. Họ được tạo thành một tạo vật mới, được chia sẻ vinh quang của Ðức Kitô và một ngày nào đó họ sẽ được sống lại từ cõi chết như Người. Qua Ðức Kitô phục sinh, Thiên Chúa Cha tuôn đổ Thánh Thần trên họ, biến họ trở nên hoàn toàn mới.
Do đó thông điệp vĩ đại cho thế giới của Thánh Phaolô là: Bạn đã được Thiên Chúa cứu chuộc, không do bởi bất cứ gì bạn thi hành. Ðức tin cứu độ là quà tặng cho những ai tận hiến cho Ðức Kitô một cách tuyệt đối, tự nguyện và cá biệt, mà sự tận hiến ấy mang lại kết quả trong "việc làm" nhiều hơn là những gì Luật Lệ mơ tưởng.
Lời Bàn
Quả thật Thánh Phaolô là người khó hiểu. Lối văn của ngài phản ảnh kiểu cách tranh luận của một giáo sĩ Do Thái trong thời ấy, và tư tưởng của ngài đã vượt đến đỉnh núi trong khi chúng ta còn lẽo đẽo ở bên dưới. Nhưng có lẽ, sự khó khăn của chúng ta sẽ vơi bớt đi nếu chúng ta áp dụng lời khuyên của ngài vào đời sống hàng ngày.
Lời Trích
"Tình yêu thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả" (1 Côrintô 13:4-7).
26 Tháng Giêng: Thánh Timôtê và Titô
Thánh Timôtê (c. 97?): Qua Tân Ước, những gì chúng ta biết được về cuộc đời Thánh Timôtê thì giống như của một giám mục bận rộn ngày nay. Ngài được vinh dự tháp tùng Thánh Phaolô, và cả hai đều được ưu tiên rao giảng phúc âm và chịu đau khổ.
Thánh Timôtê có cha là người Hy Lạp và mẹ là người Do Thái tên là Eunice. Là kết quả của một hôn nhân "hỗn hợp", nên ngài bị người Do Thái coi là bất hợp pháp. Chính bà ngoại thánh nhân, bà Lois, là người đầu tiên trở lại Kitô Giáo. Sau đó, Timôtê được Thánh Phaolô rửa tội khoảng năm 47, và sau đó cùng tiếp tay với ngài trong công cuộc tông đồ. Chính ngài và Thánh Phalô cùng sáng lập Giáo Hội Côrintô. Trong 15 năm làm việc với Thánh Phaolô, Timôtê trở nên người bạn trung tín nhất của Phaolô. Ngài được Thánh Phaolô gửi đi truyền giáo -- thường phải đương đầu với những xáo trộn trong các giáo đoàn mà Thánh Phaolô thành lập.
Khi Timôtê đang ở với Phaolô thì bị bắt tại Rôma. Trong một thời gian, chính Timôtê cũng bị tù (Do Thái 13:23). Và Thánh Phaolô đã bổ nhiệm Timôtê làm đại diện cho ngài ở Êphêsô.
Timôtê quá trẻ so với trách nhiệm nặng nề phải đảm trách. ("Ðừng để ai coi thường anh vì sự trẻ trung," trong thư I Thánh Phaolô viết cho Timôtê 4:12a). Một vài đoạn khác cho chúng ta biết dường như Timôtê hay bẽn lẽn. Và một trong những câu của Thánh Phaolô thường được trích dẫn là câu viết cho Timôtê: "Ðừng chỉ uống nước lã, nhưng hãy dùng thêm chút rượu, vì anh đau dạ dày và ốm yếu luôn" (1 Tim 5:23).
Thánh Titô (c. 94?): Titô có nét đặc biệt là người bạn thân và là môn đệ của Thánh Phaolô cũng như tiếp tay trong công cuộc truyền giáo. Ngài là người Hy Lạp, hiển nhiên xuất thân từ Antiôkia. Mặc dù ngài là Dân Ngoại, Thánh Phaolô đã không để ngài phải chịu cắt bì ở Giêrusalem. Titô được coi như người hòa giải, người quản đốc, người bạn rất tốt. Trong lá thư thứ hai gửi giáo đoàn Côrintô, Thánh Phaolô cho chúng ta thấy tình bạn sâu đậm giữa ngài với Titô, và tình đồng đội giữa hai người khi rao giảng Tin Mừng: "Khi tôi đến Troas... Tinh thần tôi không được khuây khỏa vì không gặp được Titô, người anh em của tôi. Do đó tôi từ giã họ và tiếp tục đến Macedonia... Ngay cả khi đến Macedonia, thể xác chúng tôi cũng chưa được yên, mà phải chịu đau khổ đủ mọi cách -- xung đột bên ngoài, lo sợ bên trong. Nhưng Thiên Chúa, Ðấng an ủi những kẻ yếu hèn, đã an ủi chúng tôi bằng cách sai Ti-tô đến..." (2 Côrintô 2:12a, 13; 7:5-6).
Trong Thư Gửi Titô, lúc ấy Titô được coi như quản đốc của cộng đồng Kitô Giáo trên đảo Crete, có trách nhiệm tổ chức, chấn chỉnh những lạm dụng và bổ nhiệm các giám mục phụ tá.
Lời Bàn
Qua đời sống của Thánh Titô, chúng ta có được chút hiểu biết về đời sống Giáo Hội thời tiên khởi: hăng say trong việc tông đồ, kết hợp mật thiết với Ðức Kitô, triển nở tình bạn. Tuy nhiên, luôn luôn có những vấn đề của bản tính con người và những chi tiết không hấp dẫn chút nào trong đời sống hàng ngày: cần phải sống bác ái và kiên nhẫn trong "sự cãi cọ với người khác, lo sợ trong tâm hồn". Qua tất cả những điều ấy, tình yêu của Ðức Kitô đã gìn giữ họ.
27 Tháng Giêng: Thánh Angela Merici (1470 - 1540)
Vào lúc 56 tuổi, Angela Merici từ chối lời yêu cầu của Ðức Giáo Hoàng. Ngài biết Ðức Clêmentê VII muốn ban cho ngài một vinh dự lớn lao và một cơ hội vĩ đại để phục vụ khi đức giáo hoàng yêu cầu ngài nhận trách nhiệm lãnh đạo một dòng nữ tu chuyên về điều dưỡng. Nhưng Angela biết công việc điều dưỡng không phải là điều Thiên Chúa muốn mời gọi ngài thi hành.
Ngài mới từ Ðất Thánh trở về. Khi trên đường đến đó ngài bị bệnh nặng và bị mù. Tuy nhiên, ngài nhất quyết tiếp tục cuộc hành hương và thăm viếng các thánh địa với tất cả lòng sùng kính hơn là muốn chiêm ngưỡng bằng cặp mắt. Trên đường về ngài được chữa lành và được sáng mắt. Ðiều ấy chắc chắn đã nhắc nhở ngài rằng không thể nhắm mắt trước nhu cầu của những người chung quanh, và đừng đóng cửa lòng trước lời mời của Thiên Chúa.
Ở khắp nơi trong thành phố, đâu đâu ngài cũng thấy các em gái nghèo nàn, không có học vấn và cũng không có tương lai. Trong thế kỷ mười lăm và mười sáu của Thánh Angela, vấn đề giáo dục phụ nữ là dành cho người giầu và cho các nữ tu. Angela là người có học thức. Cha mẹ ngài chết sớm khi ngài mới mười tuổi và sau đó ngài phải sống với người chú. Ngài thực sự bối rối khi thấy chị của ngài từ trần mà không được lãnh nhận các bí tích. Trong một thị kiến ngài được đảm bảo là chị của ngài được an toàn trong bàn tay Thiên Chúa -- và cũng qua thị kiến ấy ngài tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa.
Khi chú ngài từ trần, trở về nhà ngài nhận thấy các em gái trong vùng không có một chút học vấn. Nhưng ai sẽ dạy các em? Thời ấy thật khác biệt. Phụ nữ không được phép làm nghề giáo và các cô chưa chồng thì không được tự ý đi ra ngoài -- dù để phục vụ người khác. Nữ tu là các phụ nữ có kiến thức nhưng họ không được phép bước chân ra khỏi tu viện. Thời đó không có dòng nữ tu chuyên về giáo dục như ngày nay.
Ðể giúp đỡ các em, Angela nghĩ ra một phương cách mới. Ngài quy tụ một nhóm các cô thuộc dòng Ba Phanxicô, đi ra đường phố và tụ tập các em gái lại để dạy học cho các em. Các cô không có tiền cũng như không có quyền thế, họ chỉ có tấm lòng tận tụy cho việc giáo dục và cho Ðức Kitô. Sống trong chính nhà của mình, họ gặp gỡ để cầu nguyện và dạy học. Họ thành công đến nỗi Angela được yêu cầu đưa sáng kiến ấy để thực hiện ở các thành phố khác, và đã làm nhiều người kinh ngạc, kể cả đức giáo hoàng.
Mặc dù ngài từ chối đức giáo hoàng, nhưng có lẽ thỉnh cầu của đức giáo hoàng đã gợi ý cho ngài thấy rằng cần phải chính thức hóa tổ chức của ngài. Mặc dù chưa bao giờ là một nữ tu, Hội Thánh Ursula của Angela là nhóm nữ tu đầu tiên hoạt động ngoài khuôn khổ nhà dòng và là dòng nữ đầu tiên chuyên lo giáo dục.
Thánh Angela Merici từ trần năm 1540, khi ngài khoảng bảy mươi tuổi.
Lời Bàn
Như với nhiều vị thánh khác, lịch sử hầu như chỉ lưu tâm đến hoạt động của các ngài. Nhưng chúng ta phải luôn nhớ rằng, đức tin và đức ái sâu xa của các ngài là động lực thúc đẩy và là nguồn can đảm giúp các ngài đáp ứng với nhu cầu không cùng của con người trong xã hội.
Lời Trích
Khi sự thay đổi trở nên khó khăn đối với nhiều người, có lẽ thật hữu ích khi nhớ lại lời của thánh nữ nói với các nữ tu: "Nếu theo thời gian và vì nhu cầu, các chị phải vâng theo các quy luật mới và thay đổi một vài điều, thì hãy thi hành với sự thận trọng và hãy để ý đến lời khuyên bảo."
28 Tháng Giêng: Thánh Tôma Aquinas (1225 - 1274)
Mọi người đều đồng ý rằng Thánh Tôma Aquinas là tiếng nói trổi vượt của truyền thống Công Giáo về lý lẽ và về sự mặc khải của Thiên Chúa. Ngài là một bậc thầy vĩ đại của Giáo Hội Công Giáo thời trung cổ, và được vinh danh với tước vị Tiến Sĩ Hội Thánh và Tiến Sĩ Thiên Thần.
Lúc năm tuổi, ngài được cha mẹ cho vào tu viện Biển Ðức ở Monte Cassino với hy vọng ngài sẽ thích lối sống ấy và trở nên một tu viện trưởng. Trong tu viện, các thầy giáo đều ngạc nhiên về sự tiến bộ của ngài, và mọi bạn cùng lớp đều thua kém ngài về việc học cũng như việc trau dồi nhân đức.
Khi đến tuổi khôn được lựa chọn con đường cho chính mình, Thánh Tôma đã khước từ mọi sự của thế gian và quyết tâm chọn Dòng Ða Minh trái với ý định của cha mẹ. Năm 1239, lúc mười bảy tuổi, ngài gia nhập Dòng Ða Minh ở Naples. Theo lệnh của bà mẹ, ngài bị các anh em bắt cóc và giam ở nhà trên một năm trời. Gia đình còn đi xa hơn nữa bằng cách dùng một cô gái điếm đến dụ dỗ ngài. Nhưng tất cả mọi cố gắng ấy đều vô hiệu, Thánh Tôma vẫn kiên trì với ơn gọi. Như một phần thưởng cho sự trung tín này, Thiên Chúa đã ban cho ngài ơn thanh sạch tuyệt đối, mà nhờ đó ngài xứng đáng với tước vị là "Tiến Sĩ Thiên Thần."
Sau khi tuyên khấn ở Naples, ngài theo học ở Cologne với vị thầy nổi tiếng là Thánh Albert Cả. Ở đây ngài có biệt danh là "bò câm", vì ngài to con và thường im lặng, nhưng thực sự ngài là một người rất giỏi. Vào năm hai mươi hai tuổi, ngài được bổ nhiệm để dạy học tại hai thành phố. Ðồng thời ngài cũng bắt đầu công bố các sáng tác của ngài. Bốn năm sau, ngài được gửi đến Balê. Vào năm ba mươi mốt tuổi, ngài đậu bằng tiến sĩ.
Ở Balê, ngài được vinh dự làm bạn với Vua Louis (sau này được phong thánh). Năm 1261, Ðức Urbanô IV gọi ngài về Rôma để dạy học, và ngài nhất quyết từ chối mọi vinh dự của một chức sắc trong giáo hội. Không những Thánh Tôma có tài viết, mà ngài còn có tài giảng thuyết với nhiều kết quả tốt đẹp.
Sự đóng góp lớn lao của ngài cho Giáo Hội Công Giáo là các trước tác. Sự đồng nhất, sự hài hòa và sự liên tục của đức tin và lý lẽ, của mặc khải và kiến thức loài người, được thấy đầy dẫy trong các văn bản của ngài.
Tập "Summa Theologica" là công trình sau cùng của ngài đề cập đến toàn thể thần học Công Giáo, nhưng không may chưa được hoàn tất. Ngài ngưng sáng tác sau khi cử hành Thánh Lễ vào ngày 6 tháng Mười Hai, 1273. Ðược hỏi lý do, ngài trả lời, "Tôi không thể tiếp tục... Tất cả những gì tôi viết, đối với tôi dường như chỉ là cọng rơm so với những gì tôi được thấy và những gì tôi được mặc khải." Ngài từ trần ngày 7 tháng Ba, 1274.
Thánh Tôma là một trong những thần học gia vĩ đại và ảnh hưởng đến mọi thời đại. Ngài được phong thánh năm 1323 và được Ðức Giáo Hoàng Piô V tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh.
Lời Bàn
Chúng ta có thể coi Thánh Tôma Aquinas như một gương mẫu xuất chúng của Công Giáo trong ý nghĩa sâu rộng, toàn bộ và bao quát. Một lần nữa chúng ta phải quyết tâm sử dụng đến lý lẽ, là món quà của Thiên Chúa, để học hỏi và hiểu biết. Ðồng thời, chúng ta cũng phải cảm tạ Thiên Chúa vì ơn ích do sự mặc khải của Ngài, nhất là qua Ðức Giêsu Kitô.
Lời Trích
"Do đó chúng ta phải nói rằng sự nhận biết bất cứ chân lý nào đều cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa, để sự hiểu biết đó được Ngài thúc đẩy đến hành động. Nhưng họ không cần một khai sáng mới ngoài sự khai sáng tự nhiên của họ, để hiểu biết chân lý trong mọi sự, ngoại trừ một vài chân lý vượt quá sự hiểu biết tự nhiên" (Summa Theologica, 1-2, 109, 1).
29 Tháng Giêng: Thánh Genevieve
Thánh Genevieve sinh khoảng năm 422 ở Nanterre, là ngôi làng nhỏ bé cách Balê chừng bốn dặm. Ngay khi còn nhỏ, thánh nữ đã tận hiến cuộc đời cho Ðức Giêsu. Sau khi cha mẹ từ trần, Genevieve sống với bà nội. Ngài dành nhiều thời giờ để cầu nguyện hàng ngày, do đó, ngài rất gần gũi với Ðức Giêsu và muốn đem Tin Mừng đến cho mọi người. Genevieve là một con người tử tế, độ lượng. Ngài giúp đỡ tha nhân theo kiểu cách riêng của ngài.
Lúc bấy giờ, dân chúng ở Balê đang trốn chạy vì một đạo quân ghê gớm sửa soạn đến tấn công họ. Thánh nữ bước ra can thiệp. Ngài khuyên dân chúng hãy tin tưởng vào Thiên Chúa. Ngài nói nếu họ ăn năn sám hối, họ sẽ được bảo vệ. Dân chúng thi hành như lời ngài bảo, và đạo quân hung dữ người Huns bỗng dưng quay bước. Thành phố không sứt mẻ một chút gì.
Thánh Genevieve thi hành đức bác ái và vâng phục ý Chúa mọi ngày trong đời sống, chứ không chỉ lúc nào có nhu cầu. Ngài không bao giờ bỏ cuộc khi cố gắng thi hành công việc tốt lành. Sự trung thành với Chúa Giêsu và sự can đảm là những chứng tích đặc biệt mà ngài để lại cho chúng ta.
Noi gương ngài, chúng ta hãy cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo. Xin Thiên Chúa dẫn dắt họ để đem lại ích lợi cho mọi người dân.
30 Tháng Giêng: Thánh Hyacintha ở Mariscotti (1585 - 1640)
Có thể nói Thánh Hyacintha chỉ sống theo đường lối của Chúa khi ngài đã lớn tuổi. Ðược sinh trưởng trong một gia đình quý phái gần Viterbo, ngài gia nhập dòng nữ tu sống theo quy luật Thánh Phanxicô. Tuy nhiên, ngài tự ban cho mình đầy đủ thực phẩm, quần áo và nhiều phương tiện khác của một đời sống xa hoa trong khi các nữ tu khác phải giữ lời khấn hãm mình phạt xác.
Trong một cơn bạo bệnh, vì bệnh tình nặng nề nên cha giải tội phải đem Mình Thánh vào phòng cho ngài. Thấy chướng tai gai mắt trước lối sống dễ dãi của ngài, cha giải tội khuyên ngài nên sống khó nghèo. Hyacintha vứt bỏ tất cả quần áo đẹp đẽ và thức ăn đặc biệt. Sau đó ngài ăn năn đền tội và sẵn sàng làm bất cứ công việc nào hèn hạ nhất trong tu viện. Ngài tự đặt ra cho mình một phương cách sùng kính đặc biệt những thương tích của Ðức Kitô, và sự ăn năn sám hối của ngài đã trở thành khuôn mẫu cho các nữ tu khác. Ngài được phong thánh năm 1807.
31 Tháng Giêng: Thánh Gioan Bosco (1815 - 1888)
Chính nguyên tắc giáo dục của Thánh Gioan Bosco đã được sử dụng rộng rãi trong các trường học ngày nay. Ðó là một hệ thống ngăn ngừa, loại bỏ các hình phạt thể xác và đưa các học sinh vào một môi trường lành mạnh ít có cơ hội phạm tội. Ngài cổ võ việc thường xuyên lãnh nhận bí tích Hòa Giải và Thánh Thể. Ngài pha trộn phương cách dạy giáo lý và sự hướng dẫn của một người cha, nhằm kết hợp đời sống tâm linh và công việc, việc học và việc chơi đùa.
Ðược khuyến khích đi tu để có thể giúp cho các trẻ em, Gioan thụ phong linh mục năm 1841. Công việc phục vụ giới trẻ của ngài khởi sự khi ngài gặp một em mồ côi và giúp em chuẩn bị Rước Lễ lần đầu. Sau đó ngài quy tụ các người trẻ lại và chỉ dạy họ về giáo lý.
Sau thời gian làm tuyên uý cho một trại tế bần của các thiếu nữ, Cha Gioan mở nhà trường Thánh Phanxicô "de Sales" cho các em trai. Một vài người bảo trợ giầu có và quyền thế đã giúp đỡ tài chánh, nên ngài có thể mở hai trường dạy nghề cho các em trai, trường dạy đóng giầy và dạy may quần áo.
Vào năm 1856, số các em theo học tại hai trường đã lên đến 150 em, và có thêm một máy in để xuất bản các tài liệu giáo lý. Sự quan tâm của ngài đến việc giáo dục và xuất bản khiến ngài xứng đáng là quan thầy của các người tập sự trẻ tuổi và các nhà xuất bản Công Giáo.
Tiếng tăm của Cha Gioan ngày càng lan rộng và, vào năm 1850, ngài phải tự huấn luyện các người trẻ muốn theo đuổi con đường của ngài vì lúc ấy thật khó để duy trì ơn thiên triệu. Năm 1854, một cách bán chính thức, Cha Gioan và những người theo ngài đồng ý đứng dưới tên tổ chức Thánh Phanxicô "de Sales".
Với sự hỗ trợ của Ðức Giáo Hoàng Piô IX, Cha Gioan quy tụ 17 người và thành lập dòng Salesian vào năm 1859. Hoạt động của dòng nhắm đến việc giáo dục và công cuộc truyền giáo. Sau này, ngài tổ chức dòng Salesian nữ để giúp đỡ các thiếu nữ.
Ngài từ trần năm 1888 lúc bảy mươi hai tuổi.
Lời Bàn
Thánh Gioan Bosco giáo dục toàn thể con người -- thể xác và linh hồn. Ngài tin rằng tình yêu Ðức Kitô và sự tin tưởng của chúng ta vào tình yêu ấy phải thấm nhập vào tất cả sinh hoạt của chúng ta -- học hành, chơi đùa, làm việc. Ðối với Thánh Gioan Bosco, là một Kitô Hữu có nghĩa phải luôn luôn nỗ lực, không chỉ một tuần một lần, xem lễ ngày Chúa Nhật là đủ. Chính khi tìm kiếm Thiên Chúa trong sinh hoạt hàng ngày, hãy để tình yêu ấy hướng dẫn chúng ta. Tuy nhiên, Thánh Gioan nhận ra được tầm quan trọng của sự huấn nghệ và giá trị con người cũng như sự tự trọng do bởi tài nghệ và khả năng làm việc, do đó ngài cũng huấn luyện các người trẻ trong các ngành nghề.
Lời Trích
"Mọi sự giáo dục đều dạy một triết lý sống; nếu không bởi lời nói thì bởi sự đề nghị, sự gợi ý, và bởi môi trường. Mỗi một phần của giáo dục đều có liên hệ với nhau. Nếu tất cả sự tổng hợp ấy không đem lại một cái nhìn tổng quát về đời sống, thì đó không phải là giáo dục" (G.K. Chesterton, The Common Man).
Nguồn: http://www.nguoitinhuu.org/
Tháng 2
1 Tháng Hai : Thánh Ansgar (801 - 865)
2 Tháng Hai : Dâng Hài Nhi Giêsu Vào Ðền Thánh
3 Tháng Hai : Thánh Blaise (c. 316)
4 Tháng Hai : Thánh Giuse ở Leonissa (1556 - 1612)
5 Tháng Hai : Thánh Agatha (c. 251?)
6 Tháng Hai : Thánh Phaolô Miki và Các Bạn (c. 1597)
7 Tháng Hai : Thánh Colette (1381 - 1447)
8 Tháng Hai : Thánh Giêrôme Emiliani (1481 - 1537)
9 Tháng Hai : Thánh Giles Mary của Thánh Giuse (1729 - 1812)
10 Tháng Hai : Thánh Scholastica (480 - 542?)
12 Tháng Hai : Thánh Phêrô Baptist và Các Bạn (c. 1597)
13 Tháng Hai : Thánh Ciryl và Thánh Methodius (c. 869, c. 884)
14 Tháng Hai : Thánh Valentine (c. 269)
15 Tháng Hai : Thánh Joan ở Valois (1464 - 1505)
16 Tháng Hai : Thánh Gilbert ở Sempringham (1083 - 1189)
17 Tháng Hai : Bảy Vị Sáng Lập Dòng Tôi Tớ Ðức Mẹ (thế kỷ 13)
18 Tháng Hai : Thánh Simêon (c. 107)
19 Tháng Hai : Thánh Conrad ở Piacenza (1290 - 1350)
20 Tháng Hai : Thánh Claude de la Combière (1641- 1682)
21 Tháng Hai : Thánh Phêrô Damian (1007 - 1072)
22 Tháng Hai : Ngai Tòa Thánh Phêrô Tông Ðồ
23 Tháng Hai : Thánh Polycarp (c. 156)
24 Tháng Hai : Chân Phước Luca Belludi (1200 - 1285)
25 Tháng Hai : Chân Phước Sebastian ở Aparicio (1502 - 1600)
26 Tháng Hai : Thánh Apollonia (c. 249)
27 Tháng Hai : Thánh Gabrien của Ðức Mẹ Sầu Bi (c. 1862)
28 Tháng 2: Thánh Grêgôriô II (c. 731)
========================
1 Tháng Hai : Thánh Ansgar (801 - 865)
Thánh Ansgar sinh trưởng trong một gia đình quý phái gần Amiens, sau đó trở thành một tu sĩ dòng Biển Ðức ở Corbie. Ba năm sau, ngài tháp tùng Vua Harold của Ðan Mạch trở về nước sau thời gian lưu đầy và ngài đã phát động công cuộc truyền giáo ở đây. Tuy nhiên không đạt được những thành quả đáng kể. Vua Bjorn của Thụy Ðiển xin các nhà truyền giáo đến hoạt động, và Thánh Ansgar đã đến đây, phải chịu đau khổ vì nạn hải tặc và những gian truân trên đường. Ngài thành lập Giáo Hội Kitô Giáo đầu tiên ở Thụy Ðiển. Chưa đầy hai năm sau, ngài được gọi về để làm tu viện trưởng ở New Corbie và là Ðức Giám Mục đầu tiên của Hamburg. Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô IV đặt ngài làm Ðại Diện Tòa Thánh ở các quốc gia Scandinavia. Sau khi hoàng đế Louis từ trần, ngân quỹ giúp đỡ cho công cuộc tông đồ miền bắc chấm dứt. Và sau 13 năm gầy dựng Hamburg, Thánh Ansgar phải chứng kiến cảnh tàn lụi của giáo phận khi giặc Northmen xâm lăng vào năm 845; nước Thụy Ðiển và Ðan Mạch lại trở về ngoại giáo.
Khoảng năm 848, ngài được bổ nhiệm là Ðức Tổng Giám Mục của Bremen, và Ðức Giáo Hoàng Nicôla I đã sát nhập Hamburg vào làm một với Bremen. Bởi đó, Thánh Ansgar lại trở lại Thụy Ðiển và Ðan mạch để phát động công cuộc truyền giáo khác và đã thành công trong việc hoán cải Erik, Vua của Jutland.
Nhật ký của Thánh Ansgar để lại cho thấy ngài là một người thuyết giảng phi thường, là một linh mục khiêm tốn và khổ hạnh. Ngài tận tuỵ với người nghèo và người đau yếu, noi gương Ðức Kitô trong việc rửa chân và phục vụ tha nhân. Ngài từ trần cách êm ái ở Bremen, nước Ðức, mà không đạt được ước nguyện là được tử đạo.
Sau khi ngài từ trần, cả vùng Scandinavia lại rơi vào tay ngoại giáo mãi cho đến hai thế kỷ sau. Tên của ngài có khi còn được viết là Anskar.
2 Tháng Hai : Dâng Hài Nhi Giêsu Vào Ðền Thánh
Vào cuối thế kỷ thứ tư, một phụ nữ tên Etheria đã hành hương đến Giêrusalem. Cuốn hồi ký của bà, được khám phá vào năm 1887, thật bất ngờ đã đem lại một nét đại cương về sinh hoạt phụng vụ ở đây. Trong các dịp lễ mà bà viết lại là lễ Hiển Linh, kỷ niệm ngày Ðức Giêsu giáng sinh, và một cuộc rước để kính nhớ việc Dâng Chúa Trong Ðền Thờ vào 40 ngày sau -- ngày 15 tháng Hai. (Trong luật Môisen, về phương diện lễ nghi, người phụ nữ được coi là "ô uế" sau khi sinh con, và bà phải "thanh tẩy" bằng cách đến trình diện với tư tế và dâng của lễ trong đền thờ. Tiếp xúc với bất cứ ai đã chạm đến bí ẩn của sự sinh nở và sự chết, đều bị loại trừ khỏi viêïc thờ phượng).
Ngày lễ này được lan tràn khắp Giáo Hội Tây Phương trong thế kỷ thứ năm và thứ sáu. Nhưng Giáo Hội Tây Phương mừng sinh nhật Ðức Giêsu vào ngày 25 tháng Mười Hai, do đó lễ Dâng Chúa Trong Ðền Thờ được dời sang ngày 2 tháng Hai -- 40 ngày sau Giáng Sinh.
Vào đầu thế kỷ thứ tám, Ðức Giáo Hoàng Sergius mở đầu buổi lễ bằng một cuộc rước nến; cho đến cuối thế kỷ ấy việc làm phép và phân phát nến đã trở thành một phần của việc cử hành, bởi đó, cho đến ngày nay, ngày lễ này thường được gọi là: Candlemas (Lễ Nến).
Lời Bàn
Theo phúc âm Thánh Luca, Hài Nhi Giêsu được tiếp đón vào đền thờ bởi hai người lớn tuổi, là ông Simeon và bà Anna. Họ biểu hiện cho dân Israel đang kiên nhẫn trông chờ; họ xác nhận Hài Nhi Giêsu là đấng Messiah họ trông đợi từ lâu.
Lời Trích
"Chính Ðức Kitô đã nói, 'Ta là sự sáng thế gian.' Và chúng ta là ánh sáng, chính chúng ta, nếu chúng ta tiếp nhận ánh sáng từ Ngài... Nhưng làm thế nào để chúng ta tiếp nhận ánh sáng ấy, làm thế nào để ánh sáng ấy bùng lên? ... Hình ảnh cây nến nói với chúng ta: qua sự cháy, và sự tàn lụi. Một ánh lửa, một tia đức ái, một hy sinh không thể tránh như cây nến tinh tuyền, thẳng tắp đang tuôn trào nguồn ánh sáng của nó, và đã tự tan biến trong sự hy sinh âm thầm" (Ðức Phaolô VI).
sinh năm 1829 tại St. Loup-sur-Thouet, Poitiers, Pháp, Linh Mục, Hội Thừa Sai Paris, xử trảm ngày 02-02-1861 tại Ô Cầu Giấy dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 11-4-1909 do Ðức Piô X, kính ngày 02-02.
3 Tháng Hai : Thánh Blaise (c. 316)
Chúng ta biết nhiều về sự sùng kính của Kitô Hữu đối với Thánh Blaise hơn là tiểu sử của ngài. Trong Giáo Hội Ðông Phương, ngày lễ kính ngài được coi là một ngày lễ lớn. Công Ðồng Oxford, vào năm 1222 đã cấm làm việc xác trong ngày lễ Thánh Blaise. Người Ðức và người Ðông Âu rất kính trọng thánh nhân, và trong nhiều thập niên, người Công Giáo Hoa Kỳ thường chạy đến với thánh nhân để xin chữa bệnh đau cổ họng.
Chúng ta được biết Ðức Giám Mục Blaise chịu tử đạo ngay trong giáo phận của ngài ở Sebastea, Armenia, năm 316. Mãi cho đến 400 năm sau mới có huyền thoại viết về ngài. Theo đó, Thánh Blaise là một giám mục tốt lành, làm việc vất vả để khuyến khích giáo dân sống lành mạnh về tinh thần cũng như thể xác.
Mặc dầu Chỉ Dụ Toleration, năm 311, đã cho phép tự do tôn giáo ở Ðế Quốc Rôma hơn năm năm, nhưng ở Armenia, việc bách hại vẫn còn dữ dội. Hiển nhiên là Thánh Blaise buộc phải rời bỏ giáo phận và sống trong rừng núi. Ở đó ngài sống trong cô độc và cầu nguyện, làm bạn với thú rừng.
Một ngày kia, có nhóm thợ săn đi tìm thú dữ để sử dụng trong đấu trường và tình cờ họ đã thấy hang động của Thánh Blaise. Từ kinh ngạc cho đến sợ hãi, họ thấy vị giám mục đi lại giữa đám thú dữ một cách điềm tĩnh để chữa bệnh cho chúng. Nhận ra ngài là giám mục, họ bắt ngài về để xét xử. Trên đường đi, ngài ra lệnh cho một con sói phải thả con heo nó đang cắn giữ vì đó là của người đàn bà nghèo. Khi Thánh Blaise bị giam trong tù và bị bỏ đói, người đàn bà này đã đền ơn ngài bằng cách lẻn vào tù cung cấp thức ăn cho thánh nhân.
Ngoài ra, truyền thuyết còn kể rằng, một bà mẹ có đứa con trai bị hóc xương đã chạy đến ngài xin cứu giúp. Và sau lời truyền của Thánh Blaise, đứa bé đã khạc được chiếc xương ra khỏi cổ.
Agricolaus, Thủ Hiến xứ Cappadocia, tìm mọi cách để dụ dỗ Thánh Blaise bỏ đạo mà thờ tà thần. Lần đầu tiên từ chối, ngài bị đánh đập. Lần kế tiếp, ngài bị treo trên cây và bị tra tấn bằng chiếc lược sắt cào vào thân thể. Sau cùng ngài bị chém đầu.
Lời Bàn
Bốn thế kỷ đủ để những điều tưởng tượng xen lẫn với những dữ kiện có thật. Ai dám đoan chắc tiểu sử Thánh Blaise là có thật? Nhưng chi tiết của một đời người thì không cần thiết. Thánh Blaise được coi là một thí dụ điển hình về quyền năng của những ai tận hiến cho Ðức Kitô. Như Ðức Kitô đã nói với các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly, "Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, hãy xin bất cứ gì anh em muốn thì sẽ được ban cho" (Gioan 15:7). Với đức tin, chúng ta có thể vâng theo sự dẫn dắt của Giáo Hội để được sự che chở của Thánh Blaise.
Lời Trích
"Qua lời cầu bầu của Thánh Blaise, là giám mục và là vị tử đạo, xin Thiên Chúa chữa con khỏi bệnh tật của cổ họng và khỏi mọi sự dữ. Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần" (Kinh cầu Thánh Blaise).
4 Tháng Hai : Thánh Giuse ở Leonissa (1556 - 1612)
Thánh Giuse sinh ở Leonissa thuộc Vương Quốc Naples, ngài gia nhập dòng Capuchin ở nơi ngài sinh trưởng năm 1573. Ngài rèn luyện bản thân bằng cách kiêng ăn thịt và khước từ những tiện nghi, chuẩn bị cho thiên chức linh mục và cuộc đời rao giảng.
Năm 1587 ngài đến Constantinople để chăm sóc các người Kitô Giáo đang làm nô dịch cho các chủ nhân người Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ. Ngài bị cầm tù vì công việc ấy, và được cảnh cáo là không được tái phạm sau khi được thả tự do. Nhưng ngài lại tiếp tục sứ vụ và lại bị cầm tù, lần này ngài bị kết án tử hình. Lạ lùng thay ngài được trả tự do và trở về Ý, là nơi ngài rao giảng cho người nghèo và hòa giải hận thù giữa các gia đình, cũng như sự tranh chấp giữa các thành phố đã kéo dài trong nhiều năm trời. Ngài được phong thánh năm 1746.
Lời Bàn
Các thánh thường làm chúng ta nhột nhạt vì đời sống các ngài như thách đố chúng ta hãy suy nghĩ về những gì chúng ta cho là cần thiết của "một đời sống thoải mái." Chúng ta nghĩ, "Tôi sẽ hạnh phúc khi...," và chúng ta tốn không biết bao nhiêu thời giờ để lo lắng cho cái bề ngoài của cuộc sống. Những người như Thánh Giuse ở Leonissa thách đố chúng ta hãy can đảm đối diện với cuộc đời và hãy nhìn vào tâm điểm của nó: đó là một đời sống với Thiên Chúa. Thánh Giuse quả thật là một người rao giảng đại tài vì ngài đã minh chứng lời ngài nói bằng chính cuộc đời của ngài.
Lời Trích
Trong một bài giảng, Thánh Giuse ở Leonissa nói:"Mỗi Kitô Hữu phải là một cuốn sách sống động mà người ta có thể đọc được sự giảng dạy của Phúc Âm. Ðây là điều mà Thánh Phaolô nói với tín hữu Côrintô, 'Hiển nhiên anh em là bức thư của Ðức Ki-tô mà tôi được giao phó, một bức thư không viết bằng mực, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng xương thịt trong tâm hồn con người.' (2 Côrintô 3:3). Tâm hồn chúng ta là những mảnh giấy da; qua sứ vụ của tôi Chúa Thánh Thần là người viết vì 'lưỡi tôi như cây bút của người viết' (TV 45:1)".
5 Tháng Hai : Thánh Agatha (c. 251?)
Cũng như trường hợp của Thánh Agnes, vị đồng trinh tử đạo thời Giáo Hội tiên khởi, chúng ta không có dữ kiện lịch sử chắc chắn về Thánh Agatha, ngoại trừ sự kiện ngài chịu tử đạo ở Sicily trong thời kỳ cấm đạo của hoàng đế Rôma là Decius năm 251.
Theo truyền thuyết, ngài sinh trưởng trong một gia đình giầu có. Khi còn trẻ, ngài đã tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa, và từ chối bất cứ lời cầu hôn nào. Một trong những người say mê ngài là Quintian, một người có địa vị cao trong xã hội nên ông nghĩ rằng có thể ép buộc thánh nữ. Biết ngài là Kitô Hữu nên ông ra lệnh bắt giữ và đưa ra xét xử -- bởi chính ông. Hy vọng rằng vì sợ hãi sự tra tấn và cái chết, thánh nữ sẽ đành phải trao thân cho ông. Nhưng ngài nhất quyết tin tưởng vào Thiên Chúa, và cầu nguyện rằng: "Lạy Ðức Giêsu Kitô, là Chúa mọi sự! Ngài đã thấy lòng con, Ngài biết con muốn gì. Xin hãy làm chủ toàn thể con người của con -- chỉ mình Chúa mà thôi. Con là chiên của Ngài; xin giúp con vượt qua sự dữ một cách xứng đáng."
Sau đó, Quintian tống Agatha vào nhà gái điếm với hy vọng ngài sẽ thay đổi ý định. Sau một tháng bị đánh đập và xỉ nhục, Quintian lại đưa ngài ra xét xử, nhưng Thánh Agatha vẫn không lay chuyển, vẫn can đảm tuyên xưng rằng chỉ một mình Chúa Giêsu mới có thể ban cho ngài sự tự do. Quintian lại tống ngài vào ngục thay vì nhà gái điếm. Và khi ngài tiếp tục tuyên xưng đức tin nơi Chúa Giêsu, Quintian ra lệnh tra tấn. Trước khi chết, ngài cầu nguyện: "Lạy Chúa, là Ðấng dựng nên con, Ngài đã gìn giữ con từ khi còn trong nôi. Bởi tình yêu thế gian Ngài đã dẫn dắt con và ban cho con sự kiên nhẫn để chịu đựng đau khổ. Xin hãy nhận lấy linh hồn con."
Ngài được coi là quan thầy của xứ Palermo và Catania.
6 Tháng Hai : Thánh Phaolô Miki và Các Bạn (c. 1597)
Thành phố Nagasaki, Nhật Bản, rất quen thuộc với mọi người vì đó là nơi trái bom nguyên tử thứ hai đã được thả xuống và giết hại hàng trăm ngàn người. Trước đó ba thế kỷ rưỡi, 26 vị tử đạo Nhật Bản đã bị treo trên thập giá ở một ngọn đồi nhìn xuống Nagasaki, bây giờ thường được gọi là Núi Thánh.
Thánh Phaolô Miki là con của một sĩ quan chỉ huy thuộc quân đội Nhật. Ngài sinh ở Tounucumanda và theo học trường dòng Tên ở Anziquiama, gia nhập dòng năm 1580, và trở nên nổi tiếng vì tài rao giảng.
Trong thời kỳ bách hại đạo Công Giáo dưới thời Taiko, Toyotomi Hideyoshi, vào ngày 5 tháng Hai, ngài bị treo trên thập giá cùng với hai mươi lăm người Công Giáo khác, trong đó có nhiều giáo dân, như: Phanxicô, một thợ mộc bị bắt trong khi theo dõi cuộc hành quyết và sau đó bị treo trên thập giá; Gabrien, mười chín tuổi là con trai của người gác cổng dòng Phanxicô; Leo Kinuya, hai mươi tám tuổi làm thợ mộc ở Miyako; Diego Kisai, phụ tá của các cha Dòng Tên; Joachim Sakakibara, người làm bếp cho các cha Phanxicô ở Osaka; Peter Sukejiro, được một linh mục dòng Tên sai đến giúp đỡ các tù nhân thì bị bắt; Cosmas Takeya quê Owari nhưng đi truyền giáo ở Osaka; và Ventura ở Miyako, lúc đầu được các cha dòng Tên rửa tội, sau đó khi thân phụ từ trần, ông trở nên một nhà sư, và sau cùng được các cha Phanxicô đưa trở lại Công Giáo
Trong khi bị treo trên thập giá, Thầy Phaolô Miki đã nói với những người đến xem cuộc hành quyết: "Bản án nói rằng những người này đến Nhật Bản từ Phi Luật Tân, nhưng tôi đâu có đến từ quốc gia nào. Tôi đích thực là người Nhật. Lý do duy nhất tôi bị giết là vì tôi rao giảng giáo lý Ðức Kitô. Quả thật tôi đã rao giảng giáo lý Ðức Kitô. Tôi tạ ơn Thiên Chúa vì lý do này mà tôi chết. Tôi tin rằng những lời trăn trối của tôi là sự thật. Tôi biết quý vị tin tôi và một lần nữa tôi muốn nói với quý vị: Hãy xin Ðức Kitô giúp cho quý vị có được hạnh phúc. Tôi vâng lời Ðức Kitô. Theo gương Ðức Kitô, tôi tha cho những người đã hành quyết tôi. Tôi không ghét họ. Tôi xin Thiên Chúa thương xót tất cả chúng ta, và tôi hy vọng máu của tôi sẽ đổ trên dân tôi như một cơn mưa nhiều kết quả."
Khi các nhà truyền giáo trở lại Nhật trong những năm 1860, lúc đầu họ không thấy một vết tích nào của Kitô Giáo. Nhưng sau một thời gian, họ tìm thấy hàng ngàn người Kitô đã sống chung quanh Nagasaki và họ sống đạo một cách lén lút.
Tất cả các vị tử đạo Nhật Bản được phong chân phước năm 1627, và phong thánh năm 1862.
Lời Bàn
Ngày nay, một thời đại mới đã đến với Giáo Hội Nhật. Mặc dù số người Công Giáo không nhiều, nhưng Giáo Hội được tôn trọng và được tự do tôn giáo. Việc phát triển Kitô Giáo ở Viễn Ðông thì chậm và khó khăn. Một đức tin như của 26 vị tử đạo thì rất cần thiết cho ngày nay cũng như trước đây, trong năm 1597.
Lời Trích
"Vì Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã thể hiện lòng bác ái của Người bằng cách hy sinh mạng sống cho chúng ta, không ai có tình yêu nào cao quý hơn người đã hy sinh mạng sống vì Ðức Kitô và anh chị em mình. Bởi đó, ngay từ thời sơ khai, một số Kitô Hữu đã được mời gọi -- và chắc chắn sẽ được mời gọi luôn -- để làm chứng cho tình yêu ấy cách hùng hồn trước muôn dân, nhất là những kẻ bách hại. Do đó, Giáo Hội coi sự tử đạo như một ơn huệ đặc biệt và là bằng chứng cao cả nhất của tình yêu.
"Mặc dù chỉ một ít người được ban cho cơ hội tử đạo, nhưng tất cả phải chuẩn bị để tuyên xưng Ðức Kitô trước mặt mọi người, và bước theo Người trên đường thập giá giữa những sự bách hại không bao giờ thiếu trong Giáo Hội" (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, 42).
7 Tháng Hai : Thánh Colette (1381 - 1447)
Thánh Colette không muốn được mọi người biết đến, nhưng trong khi thi hành thánh ý Thiên Chúa, ngài đã gây được sự chú ý của rất nhiều người.
Thánh Colette là con của người thợ mộc tên DeBoilet ở Tu Viện Corby trong thành phố Picardi, nước Pháp. Ngài sinh ngày 13 tháng Giêng, khi rửa tội lấy tên là Nicolette, và thường được gọi là Colette. Năm mười bảy tuổi ngài mồ côi cha mẹ, và đã chia bớt di sản cho người nghèo. Ngài gia nhập dòng Ba Phanxicô, và sống cô độc ở Corby trong một căn phòng mà lối mở ra thế giới bên ngoài chỉ là cánh cửa sổ sát vách với nhà thờ.
Sau bốn năm, với sự chấp thuận và khuyến khích của đức giáo hoàng, ngài từ bỏ cuộc sống cô độc, gia nhập dòng Thánh Clara Nghèo Hèn và cải tổ dòng theo như quy tắc ban đầu của Thánh Clara. Bất kể sự chống đối dữ dội, ngài kiên trì theo đuổi ý định, thành lập mười bảy tu viện sống theo quy tắc này và cải tổ một vài tu viện cũ. Các nữ tu của ngài nổi tiếng là nghèo hèn -- họ từ chối bất cứ lợi tức nào -- và thường xuyên chay tịnh.
Thánh Colette nổi tiếng vì sự thánh thiện, sự xuất thần, và các lần thị kiến sự Thương Khó, và ngài đã tiên đoán đúng về cái chết của ngài trong tu viện ở Ghent, nước Bỉ.
Phong trào cải cách của thánh nữ đã lan tràn sang các quốc gia khác. Cho đến ngày nay, một nhánh của dòng Thánh Clara Nghèo Hèn thường được gọi là các nữ tu Colette. Thánh nữ được phong thánh năm 1807.
Lời Bàn
Thánh Colette bắt đầu cuộc cải cách trong thời kỳ Ðại Ly Giáo Tây Phương (1378-1417), là thời kỳ có đến ba giáo hoàng và bởi đó đã chia cắt Giáo Hội Tây Phương. Một cách tổng quát, Giáo Hội phải trả một giá rất đắt cho sự nhũng lạm của các giáo sĩ trong thế kỷ 15; lời cầu nguyện và sự hy sinh của Thánh Colette và các nữ tu của ngài có lẽ đã vơi bớt những khốn khó cho Giáo Hội trong thời gian ấy. Trong bất cứ trường hợp nào, sự cải tổ của Thánh Colette cho thấy Giáo Hội luôn luôn cần theo sát Ðức Kitô.
Lời Trích
Trong chúc thư tinh thần, Thánh Colette viết cho các nữ tu:"Chúng ta phải trung tín với những gì đã hứa. Nếu vì sự yếu đuối con người mà chúng ta sa ngã, một cách mau mắn chúng ta phải chỗi dậy luôn qua sự thành tâm sám hối, và chú ý đến một đời sống tốt lành, cũng như một cái chết thánh thiện. Xin Thiên Chúa là Cha của lòng thương xót, xin Ðức Chúa Con qua sự thống khổ thánh thiện, và xin Chúa Thánh Thần, nguồn mạch của bình an, nhân hậu và tình yêu, luôn tràn lấp chúng ta với ơn an ủi của các Ngài. Amen."
8 Tháng Hai : Thánh Giêrôme Emiliani (1481 - 1537)
Khi còn là một sĩ quan đầy tự tin và khô đạo, chỉ huy một pháo đài của thành phố Venice, Giêrôme Emiliani bị bắt sau vụ tấn công của địch thủ là Liên Minh Cambrai và bị nhốt trong một tháp canh. Chính trong thời gian tù đầy này, Giêrôme đã có thời giờ suy nghĩ, và ngài quyết định thoát khỏi xiềng xích ràng buộc chính mình. Ngài khước từ mọi quyến luyến của thế gian và trở về với Thiên Chúa.
Sau khi vượt thoát ngục tù, ngài treo xiềng xích ở nhà thờ Treviso gần đó -- như để nói lên lòng biết ơn đã được tự do không những về phần xác mà còn được giải thoát phần tinh thần.
Sau một thời gian ngắn làm thị trưởng Treviso, ngài trở về Venice là nơi ngài theo học làm linh mục. Nhiều năm sau khi thụ phong, chiến tranh đã chấm dứt nhưng nhiều biến cố xảy đến đã khiến Cha Giêrôme thay đổi đời sống. Một trận dịch và nạn đói đã càn quét khắp cả miền bắc nước Ý. Cha Giêrôme lại xung phong trong việc chăm sóc bệnh nhân và nuôi người đói. Ngài cảm thấy có ơn gọi đặc biệt trong việc chăm sóc các trẻ em mồ côi. Bằng chính tài sản của mình, ngài sáng lập ba cô nhi viện, một trung tâm hoàn lương cho các cô gái điếm và một bệnh viện. Từ đó dẫn đến việc thành lập một tu hội cho các linh mục và các thầy mà tên của tu hội là tên nơi sáng lập: Tu Hội Somascha. Mặc dù tu hội dành toàn thời giờ để giáo dục thanh thiếu niên, công việc chính của họ vẫn là đam mê đầu tiên của Cha Giêrôme -- đó là chăm sóc các em cô nhi.
Xiềng xích cuối cùng của Cha Giêrôme được tháo bỏ là khi ngài lâm bệnh vì chăm sóc bệnh nhân. Ngài từ trần năm 1537 hưởng thọ 56 tuổi.
Ngài được phong thánh năm 1767, và năm 1928, Ðức Piô XI đặt ngài làm quan thầy các trẻ mồ côi và các em bị bỏ rơi.
Lời Bàn
Trong cuộc đời chúng ta, nhiều khi phải tự "giam hãm" mình để thoát khỏi xiềng xích của cái tôi. Khi chúng ta bị "kẹt" trong những trường hợp mà mình không muốn, lúc đó chúng ta mới nhận ra sức mạnh giải thoát của một Ðấng khác. Và chỉ lúc ấy chúng ta mới có thể trở nên một người khác cho những "kẻ tù đầy" và các "em cô nhi" chung quanh chúng ta.
Lời Trích
"'Cha của các em cô nhi và người bảo vệ các bà goá là Thiên Chúa trong sự hiện diện thánh thiêng của Ngài. Thiên Chúa ban nơi trú ngụ cho những kẻ bị bỏ rơi; Ngài dẫn các tù nhân đến chỗ thành công; chỉ kẻ phản loạn mới phải ở trong phần đất khô khan' (TV 68)& Chúng ta không thể quên đi số người ngày càng gia tăng vì bị gia đình và cộng đồng bỏ rơi: đó là người già, trẻ cô nhi, người đau yếu và những người bị tẩy chay& Chúng ta phải chuẩn bị để lãnh nhận nhiệm vụ mới và chức năng mới trong mọi sinh hoạt của con người, và nhất là trong tổ chức xã hội, nếu thực sự muốn thể hiện sự công bằng. Trên tất cả, hành động của chúng ta phải nhắm đến những người và những quốc gia mà, vì những hình thức đàn áp và vì yếu tính của xã hội, họ không có tiếng nói và là nạn nhân của sự bất công" (Sự Công Bằng Trong Thế Giới, Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới 1971).
9 Tháng Hai : Thánh Giles Mary của Thánh Giuse (1729 - 1812)
Chính trong năm Napoleon Bonaparte dẫn quân vào Nga thì Giles Mary của Thánh Giuse chấm dứt cuộc đời khiêm hạ phục vụ cộng đồng Phanxicô và người dân thành Naples.
Tên thật của ngài là Francesco, sinh ở Taranto trong gia đình rất nghèo, và mồi côi cha khi 18 tuổi. Ðể đảm bảo tương lai, ngài gia nhập dòng Phanxicô Khất Thực (Anh Em Hèn Mọn) ở Galatone năm 1754. Trong 53 năm, ngài phục vụ ở Nhà Tế Bần Thánh Paschal ở Naples trong nhiều vai trò, như nấu nướng, gác cửa hoặc thường xuyên nhất là đi khất thực cho cộng đồng.
"Mến yêu Thiên Chúa" là đặc tính của ngài trong khi góp nhặt thực phẩm cho các tu sĩ dòng và chia sẻ lòng quảng đại với người nghèo -- đồng thời an ủi những người gặp khó khăn và khuyến khích mọi người sám hối. Ðức tính mà ngài thể hiện trên đường phố ở Naples được phát sinh từ sự cầu nguyện và được nuôi dưỡng trong đời sống cộng đồng của anh em hèn mọn. Những người gặp ngài đi xin ăn thường gọi ngài là "Người an ủi của Naples". Ngài được phong thánh năm 1996.
Lời Bàn
Người ta thường trở nên kiêu ngạo và thèm khát quyền lực khi họ không thành thật trong lối sống, tỉ như, khi họ quên đi tội lỗi của mình và làm như không biết đến các ơn sủng mà Thiên Chúa ban cho người khác. Thánh Giles có một nhận thức lành mạnh về tội lỗi của chính mình -- không làm tê liệt cũng không quá hời hợt. Ngài mời gọi mọi người nhận ra ơn sủng của mình, và sống xứng đáng với phẩm giá của chúng ta là những người được tạo dựng trong hình ảnh của Thiên Chúa.
Lời Trích
Trong bài giảng nhân dịp lễ phong thánh, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng hành trình tâm linh của Thánh Giles phản ảnh"đức khiêm hạ của sự Nhập Thể và sự độ lượng của Thánh Thể" (L'Observatore Romano 1996, tập 23, số 1).
10 Tháng Hai : Thánh Scholastica (480 - 542?)
Anh em sinh đôi thường giống nhau về tính nết và tư tưởng cũng như nhiệt huyết. Do đó, người ta không ngạc nhiên khi Thánh Scholastica và người anh sinh đôi là Thánh Biển Ðức (Benedict), đều sáng lập các tu hội chỉ cách nhau có vài dặm.
Sinh trong một gia đình giầu có, Scholastica và Benedict cùng lớn lên cho đến khi Benedict xa nhà đi học ở Rôma. Chúng ta không biết nhiều về thời niên thiếu của Thánh Scholastica. Sau này, ngài sáng lập dòng nữ tu ở Ý gần rặng Cassino, thuộc Plombariola, cách tu viện của anh ngài chỉ có năm dặm.
Mỗi năm hai anh em chỉ gặp nhau có một lần, trong một nông trại, vì Scholastica không được phép vào tu viện. Cả hai dành thời giờ để thảo luận về các vấn đề tinh thần.
Theo cuốn Ðối Thoại của Thánh Grêgôriô Cả, trong lần sau cùng hai anh em gặp nhau để cầu nguyện và truyện trò, Thánh Scholastica cảm thấy cái chết của mình gần kề nên nài xin anh Benedict ở với ngài cho đến ngày hôm sau.
Thánh Benedict từ chối lời yêu cầu ấy vì ngài không muốn ở đêm bên ngoài tu viện, vì như thế chính ngài sẽ phá vỡ quy luật do ngài đặt ra. Thánh Scholastica xin Thiên Chúa cho phép anh mình ở lại, và một trận mưa lớn đổ xuống như thác khiến Benedict và các tu sĩ đi theo ngài không thể trở về tu viện.
Thánh Benedict kêu lên, "Xin Chúa tha tội cho em. Em làm cái gì vậy?" Thánh Scholastica trả lời, "Em xin anh một ơn huệ và anh từ chối. Em xin Chúa, và Chúa nhận lời."
Ba ngày sau, khi Thánh Benedict cầu nguyện trong tu viện thì ngài nhìn thấy linh hồn của em mình bay lên trời trong dạng chim bồ câu trắng. Thánh Benedict sai các tu sĩ đem xác của em mình về dòng và chôn trong chính ngôi mộ mà thánh nhân đã chuẩn bị cho mình.
Thánh Scholastica từ trần vào khoảng năm 543, và sau đó không lâu Thánh Benedict cũng từ giã cõi đời.
Lời Bàn
Thánh Scholastica và Benedict đã hiến mình trọn vẹn cho Thiên Chúa, và coi trọng việc kết giao bằng hữu với Chúa qua sự cầu nguyện. Các ngài đã hy sinh một số cơ hội sẵn có để cùng nhau thực hiện ơn gọi tu trì. Tuy nhiên, khi càng gần gũi với Ðức Kitô bao nhiêu, họ càng cảm thấy gần nhau hơn. Khi gia nhập cộng đồng tu sĩ, họ đã không quên và cũng không bỏ rơi gia đình mà trái lại họ có thêm các anh chị em mới.
Lời Trích
"Mọi tu sĩ đều có bổn phận, tùy theo ơn gọi thích hợp, để cộng tác cách nhiệt thành và siêng năng trong việc xây dựng và gia tăng Nhiệm Thể Ðức Kitô, và vì lợi ích tốt lành riêng của các cộng đồng… Họ có nhiệm vụ ấp ủ các mục tiêu này một cách chính yếu qua sự cầu nguyện, việc đền tội và sống gương mẫu" (Sắc Lệnh về các Giám Mục, 33).
11 Tháng Hai : Ðức Mẹ Lộ Ðức
Vào ngày 8 tháng Mười Hai 1854, Ðức Giáo Hoàng Piô IX tuyên bố tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội trong Hiến Chế Ineffabilis Deus. Khoảng hơn ba năm sau, vào ngày 11 tháng Hai 1858, một trinh nữ đã hiện ra với Bernadette Soubirous, mở đầu cho một chuỗi thị khải. Trong lần hiện ra ngày 24 tháng Ba, trinh nữ này tự xưng là: "Ðấng Vô Nhiễm Nguyên Tội."
Bernadette là một thiếu nữ yếu ớt, con của hai ông bà người nghèo và không có tham vọng. Việc sống đạo của họ cũng không có gì đáng nói. Bernadette chỉ biết đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng và kinh Tin Kính. Cô còn biết đọc kinh cầu Linh Ảnh(*): "Ôi Ðức Maria được thụ thai mà không mắc tội."
Trong những lần phỏng vấn, Bernadette cho biết những gì cô được nhìn thấy. Cô cho biết "cái gì đó mầu trắng trong hình dạng một thiếu nữ." Cô dùng chữ "Aquero," tiếng địa phương có nghĩa "cái này." Ðó là "một thiếu nữ xinh đẹp với chuỗi tràng hạt trên tay." Áo choàng trắng của ngài có viền xanh. Ngài đội khăn trắng. Trên mỗi bàn chân đều có hoa hồng màu vàng. Bernadette cũng ngạc nhiên ở sự kiện là trinh nữ này không gọi cô với danh xưng bình dân "tu", nhưng với ngôn từ rất lịch thiệp "vous". Người trinh nữ khiêm tốn ấy hiện ra với một cô gái bình dân và đã đối xử với cô như một người có phẩm giá.
Qua một cô gái bình dân, Ðức Maria đã làm hồi sinh và tiếp tục làm sống dậy đức tin của hàng triệu người. Dân chúng bắt đầu đổ về Lộ Ðức từ khắp nơi trong nước Pháp cũng như toàn thế giới. Vào năm 1862, giới thẩm quyền Giáo Hội công nhận tính cách xác thực của những lần hiện ra và cho phép sùng kính Ðức Mẹ Lộ Ðức. Năm 1907, lễ Ðức Mẹ Lộ Ðức được cử mừng khắp hoàn vũ.
Lời Bàn
Lộ Ðức đã trở nên trung tâm hành hương và chữa lành, nhưng nhất là đức tin. Giới thẩm quyền của Giáo Hội công nhận 64 phép lạ chữa lành, mặc dù trên thực tế có lẽ nhiều hơn thế. Ðối với những người có đức tin thì không có gì ngạc nhiên. Ðó là sứ vụ chữa lành của Chúa Giêsu được tiếp tục thể hiện qua sự can thiệp của mẹ Người.
Nhiều người cho rằng các phép lạ lớn lao hơn thì rất bàng bạc. Nhiều người đến Lộ Ðức và trở về với một đức tin được đổi mới, sẵn sàng phục vụ Thiên Chúa trong các nhu cầu của tha nhân. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người nghi ngờ việc hiện ra ở Lộ Ðức. Ðể nói với họ, có lẽ tốt hơn là dùng những lời mở đầu của cuốn phim "Song of Bernadette": "Với những ai tin vào Chúa thì không cần giải thích. Với những người không tin, thì chẳng sự giải thích nào đầy đủ."
12 Tháng Hai : Thánh Phêrô Baptist và Các Bạn (c. 1597)
Nagasaki nổi tiếng đối với chúng ta vì một trái bom nguyên tử đã thả xuống đây năm 1945. Thành phố ấy cũng nổi tiếng đối với dòng Phanxicô vì một số tu sĩ và anh chị em dòng ba đã được tử đạo ở đây năm 1597.
Cha Phêrô Baptist Blasquez sinh năm 1542 trong một gia đình quyền quý ở Tây Ban Nha; ngài gia nhập dòng Phanxicô ở quê nhà. Ngài làm việc vài năm ở quần đảo Phi Luật Tân, và năm 1592 ngài được cử làm đại diện cho Vua Philip II của Tây Ban Nha để thương thảo hòa bình với Hideyoshi, đang nắm quyền ở Nhật Bản.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Cha Phêrô Baptist và một vài tu sĩ ở lại Nhật để truyền bá tin mừng. Sự thành công của họ trong công cuộc truyền giáo, qua việc thành lập các tu viện, nhà thờ cũng như bệnh viện khiến Hideyoshi lo sợ. Vào tháng Mười Hai 1596, ông ra lệnh bắt giam Cha Phêrô Baptist, hai vị linh mục Phanxicô khác, hai thầy, một giáo sĩ, 17 người Nhật thuộc dòng Ba Phanxicô và ba vị linh mục dòng Tên.
Tất cả bị kết án tử hình vào đầu tháng Giêng ở Miyako, họ bị đưa về Nagasaki trong chuyến hành trình bằng đường thủy lâu đến bốn tuần lễ. Vào ngày 5 tháng Hai 1597, tất cả bị treo trên thập giá và bị đâm thâu qua bằng giáo. Tất cả được phong thánh năm 1862.
Lời Bàn
Sự "hy sinh" mà Thánh Phêrô Baptist đề cập đến đã sinh kết quả (xem Lời Trích bên dưới). Trong thập niên 1860, các nhà truyền giáo lại đến Nagasaki và họ tìm thấy một côäng đoàn Kitô Giáo tuy nhỏ nhưng thật vững mạnh, được khai sinh vào lúc các vị chịu tử đạo. Những người Công Giáo này, thường xuyên đến với nhau, đọc Sách Thánh và lần chuỗi mai khôi để giữ vững đức tin. Các nhà truyền giáo luôn tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ hoàn tất công trình của họ. Một công việc tốt lành - trong sứ vụ truyền giáo hoặc bất cứ nơi đâu - thì không bao giờ uổng phí.
Lời Trích
Ba ngày trước khi bị tử hình, Thánh Phêrô Baptist viết cho các bạn ở ngoài nước Nhật:"Vì tình yêu Thiên Chúa, ước mong sao nhân đức của các bạn sẽ phó thác chúng tôi cho Thiên Chúa, để Ngài chấp nhận hy lễ cuộc đời chúng tôi. Qua những gì tôi nghe được ở đây, tôi nghĩ chúng tôi sẽ bị treo trên thập giá vào thứ Sáu này, vì chính vào ngày thứ Sáu mà họ cắt tai mỗi người ở Miyako, là một biến cố chúng tôi chấp nhận như món quà của Thiên Chúa. Do đó, vì tình yêu Thiên Chúa, chúng tôi xin các bạn hãy tha thiết cầu nguyện cho chúng tôi."
13 Tháng Hai : Thánh Ciryl và Thánh Methodius (c. 869, c. 884)
Vì thân phụ của hai thánh nhân là một sĩ quan trong phần đất của Hy Lạp nhưng có nhiều người Slav chiếm ngụ, do đó hai anh em thánh nhân đã trở nên nhà truyền giáo, thầy dạy và quan thầy của người Slav.
Sau thời gian học tập, Cyril (thường được gọi là Constantine cho đến khi ngài trở thành tu sĩ ít lâu trước khi từ trần) đã từ chối địa vị trong chính quyền mà anh ngài đã chấp nhận làm việc cho những người nói tiếng Slav. Ngài gia nhập một đan viện là nơi anh ngài, Methodius, đã là một đan sĩ sau thời gian giữ chức vụ trong chính quyền.
Một quyết định đã thay đổi cuộc đời của các ngài khi Công Tước của Moravia xin Hoàng Ðế Micae của Ðông Phương cho được độc lập về chính trị với nhà cầm quyền Ðức, và được tự trị về phương diện tổ chức giáo hội (có giáo sĩ và phụng vụ riêng). Cyril và Methodius đã lãnh nhận công việc truyền giáo này.
Công việc đầu tiên của Cyril là sáng chế ra bản mẫu tự, giống như mẫu tự vẫn được dùng trong phụng vụ ở các phần của Nam Tư cũ. Những người theo ngài có lẽ đã hình thành mẫu tự Cyrillic từ các chữ cái của Hy Lạp. Ngày nay, họ dịch Phúc Âm, Thánh Thi, Thánh Thư và các sách phụng vụ sang tiếng Slav, và sáng tác phần phụng vụ bằng tiếng Slav rất đặc biệt.
Vì lý do đó và vì việc xử dụng tiếng mẹ đẻ đã dẫn đến việc chống đối của hàng giáo sĩ Ðức. Các giám mục Ðức từ chối việc tấn phong các giám mục và linh mục Slav, và Cyril buộc phải thỉnh cầu lên Rôma. Trong chuyến viếng thăm Rôma, hai anh em thánh nhân đã vui sướng khi thấy bản văn phụng vụ mới của họ được Ðức Giáo Hoàng Adrian II chấp thuận. Nhưng Cyril không bao giờ trở lại Moravia nữa, ngài từ trần ở Rôma sau 50 ngày nhận áo dòng.
Methodius tiếp tục công cuộc truyền giáo trên 16 năm nữa. Ngài là đại diện giáo hoàng đối với toàn thể người dân Slav, được tấn phong giám mục và được giao cho trông coi một giáo phận cũ (thuộc Nam Tư). Khi lãnh thổ trước đây thuộc về họ nay bị tước khỏi quyền tài phán, vị giám mục Bavaria đã trả thù với hàng loạt điều cáo buộc Ðức Methodius. Kết quả là Hoàng Ðế Louis của Ðức đã lưu đầy Ðức Methodius trong ba năm. Sau đó Ðức Giáo Hoàng Gioan VIII đã đảm bảo sự tự do cho ngài.
Hàng giáo sĩ người Frank vẫn còn ấm ức nên họ tiếp tục chụp mũ, và Ðức Methodius phải sang Rôma để bảo vệ ngài khỏi điều cáo buộc về tội lạc giáo và xin duy trì việc dùng bản văn phụng vụ Slav. Một lần nữa ngài lại thành công.
Truyền thuyết nói rằng, trong một giai đoạn cực kỳ hăng say, Ðức Methodius đã chuyển dịch toàn bộ Phúc Âm sang tiếng Salv chỉ trong vòng tám tháng. Ngài từ trần vào ngày thứ Ba Tuần Thánh, với các môn đệ tụ tập chung quanh. Sau khi ngài chết sự chống đối vẫn chưa dứt, và công trình của hai anh em thánh nhân ở Moravia đã đi vào chỗ tận tuyệt, các môn đệ của hai ngài phải phân tán khắp nơi. Nhưng sự trục xuất ấy đã có ảnh hưởng tốt đẹp trong việc phổ biến các công trình về phụng vụ, về tâm linh và văn hóa của hai anh em thánh nhân đến các vùng Bulgaria, Bohemia và nam Ba Lan.
Là quan thầy của Moravia, và được đặc biệt sùng kính bởi người Công Giáo Czech, Slovak, Croatia, Chính Thống Giáo Serb và người Bulgaria, Thánh Cyril và Methodius thật xứng đáng là người bảo vệ sự hiệp nhất Ðông và Tây, là điều được mọi người khao khát từ lâu.
Lời Bàn
Thánh thiện có nghĩa dùng tình yêu Thiên Chúa để đối xử với thói đời: đời sống con người lúc nào cũng vậy, luôn chằng chịt những vấn đề chính trị và văn hóa, sự mỹ miều cũng như sự xấu xa, sự ích kỷ cũng như sự thánh thiện. Với Thánh Cyril và Methodius, hầu như thập giá hàng ngày của các ngài là phải đương đầu với những khó khăn giống như của chúng ta ngày nay: vấn đề ngôn ngữ trong phụng vụ. Các ngài là thánh không phải vì đã đưa phụng vụ vào tiếng Slav, nhưng vì các ngài đã thi hành điều ấy với sự can đảm và khiêm tốn của Ðức Kitô.
Lời Trích
"Ngay cả trong phụng vụ, Giáo Hội không muốn áp đặt một sự đồng nhất cứng rắn nào trong các vấn đề không liên hệ đến đức tin hay không có lợi cho toàn thể cộng đoàn. Ðúng hơn, Giáo Hội tôn trọng và khuyến khích những tinh hoa và những đặc tính riêng của các chủng tộc và dòng giống... Miễn sao sự hợp nhất cốt yếu của nghi lễ Rôma vẫn được duy trì, việc tu chỉnh các sách phụng vụ phải được phép thay đổi và thích nghi với các tổ chức khác nhau, sự sùng bái và các dân tộc khác nhau, nhất là trong xứ truyền giáo" (Hiến Chế về Phụng Vụ, 37, 38).
Thánh tử Đạo Việt Nam
Laurensô Nguyễn Văn HƯỞNG, sinh năm 1802 tại Kẻ Sài, Hà Nội, Linh Mục, xử trảm ngày 13-02-1856 tại Ninh Bình dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 11-4-1909 do Ðức Piô X, kính ngày 13-02.
Phaolô Lê Văn LỘC, sinh năm 1830 tại An Nhơn, Gia Ðịnh, Linh Mục, xử trảm ngày 13-02-1859 tại Gia Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 11-4-1909 do Ðức Piô X, kính ngày 13-02.
14 Tháng Hai : Thánh Valentine (c. 269)
Người ta nghĩ rằng Thánh Valentine đã từng là linh mục ở Rôma cũng như là một y sĩ. Vì không chịu từ bỏ đức tin, ngài được tử đạo vào ngày 14 tháng Hai. Chúng ta không biết gì nhiều về ngài, nhưng ngay vào khoảng năm 350, một nhà thờ đã được xây cất nơi ngài tử đạo.
Truyền thuyết nói rằng ngài là một linh mục thánh thiện đã cùng với Thánh Marius giúp đỡ các vị tử đạo trong thời Claudius II. Ngài bị bắt, và bị gửi cho tổng trấn Rôma xét xử. Sau khi dụ dỗ mọi cách nhưng đều vô hiệu, quan tổng trấn đã ra lệnh cho lính dùng gậy đánh đập ngài, sau đó đưa đi chém đầu vào ngày 14 tháng Hai, khoảng năm 269. Người ta nói rằng Ðức Giáo Hoàng Julius I đã cho xây một nhà thờ gần Ponte Mole để kính nhớ ngài.
Nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc việc cử hành ngày Valentine. Một số cho rằng người Rôma có một tập tục vào giữa tháng Hai, trong ngày ấy các con trai tô điểm tên các cô con gái để tỏ lòng tôn kính nữ thần dâm dục là Februata Juno. Các tu sĩ thời ấy muốn dẹp bỏ tập tục này nên đã thay thế bằng tên các thánh tỉ như Thánh Valentine. Một số khác cho rằng thói quen gửi thiệp Valentine vào ngày 14 tháng Hai là vì người tin tin rằng các con chim bắt đầu sống thành cặp vào ngày này, là ngày Thánh Valentine bị chém đầu. Dường như chắc chắn hơn cả là vào năm 1477, người Anh thường liên kết các đôi uyên ương với ngày lễ Thánh Valentine, vì vào ngày này, 14 tháng Hai, "mọi chim đực đi tìm chim mái." Tục lệ này trở thành thói quen cho các đôi trai gái viết thư tình cho nhau vào ngày Valentine. Và ngày nay, các cánh thiệp, quà cáp và thư từ trao cho nhau là một phần của việc cử hành Ngày Valentine.
15 Tháng Hai : Thánh Joan ở Valois (1464 - 1505)
Thánh Joan là cô con gái thứ hai của Vua Louis XI nước Pháp. Khi mới sinh được hai tháng thì ngài đã được hứa gả cho Công Tước Louis ở Orleans, và hôn nhân của họ xảy ra vào năm 1476 khi ngài mới 12 tuổi. Dĩ nhiên đó là một hôn nhân không có giá trị, và Công Tước Louis lấy ngài cũng chỉ vì lo sợ cho tương lai không biết sẽ ra sao nếu không tuân lệnh của nhà vua.
Joan là một thiếu nữ tật nguyền, ngài bị gù lưng, đi khập khiễng và bị rỗ. Mặc dù ngài phải đau khổ vì tàn tật, nhưng ngài đã kiên nhẫn chấp nhận sự bất lực ấy và dành nhiều thời giờ để cầu nguyện và suy niệm.
Khi chồng của ngài lên ngôi vua, Louis XII, hành động đầu tiên của ông là xin đức giáo hoàng tuyên bố hôn nhân ấy vô hiệu và chưa thành. Do đó, Joan không được làm hoàng hậu của nước Pháp; ngài được ban cho tước hiệu Nữ Công Tước của Berry. Ðối với Joan đó là sự khuây khỏa khôn cùng và ngài đã đến Bouges. Ở đây ngài sống cuộc đời ẩn dật để cầu nguyện, và vào năm 1501, theo lời khuyên của vị linh hướng là Cha Gilbert Nicolas dòng Phanxicô, ngài sáng lập dòng nữ tu chiêm niệm - Nữ Tu Dòng Truyền Tin mà quy luật chính yếu là bắt chước các nhân đức của Ðức Maria như được kể trong Phúc Âm.
Thánh Joan từ trần ngày 4 tháng Hai năm 1505 khi 41 tuổi. Ngài được phong thánh vào năm 1950.
16 Tháng Hai : Thánh Gilbert ở Sempringham (1083 - 1189)
Thánh Gilbert sinh ở Sempringham, Anh Quốc, con của hiệp sĩ Jocelin người Norman nổi tiếng giầu có. Nhưng ngài lại theo đuổi một con đường khác hẳn với những gì mà gia đình ngài dành sẵn. Ðược gửi sang Pháp để tiếp tục học lên cao, nhưng ngài lại quyết định theo đuổi ơn gọi tu trì.
Ngài trở về Anh dù chưa là linh mục, và được thừa hưởng nhiều bất động sản của cha ngài để lại. Nhưng Gilbert không muốn một đời sống thoải mái như bất cứ lúc nào ngài cũng có thể. Thay vào đó, ngài sống một cuộc đời đơn giản tại một giáo xứ, và chia sẻ của cải với người nghèo bao nhiêu có thể. Sau khi được thụ phong linh mục, ngài phục vụ ở Sempringham.
Trong giáo xứ có bảy cô thanh nữ muốn sống đời tu trì và họ đã đến xin Cha Gilbert giúp đỡ. Ngài cho xây một căn nhà cạnh nhà thờ. Ở đó họ sống khắc khổ, nhưng lại thu hút nhiều người đến với họ; dần dà số nam nữ giáo dân đến giúp đỡ họ ngày càng đông. Sau khi một vài cơ sở được thành hình, Cha Gilbert đến Citaux để xin các tu sĩ ở đây tiếp tục trông coi Cộng Ðoàn. Khi các tu sĩ Xitô từ chối việc dẫn dắt nhóm phụ nữ này, với sự chấp thuận của Ðức Giáo Hoàng Eugene III, Cha Gilbert tiếp tục trông coi Cộng Ðoàn với quy luật riêng mà ngài là bề trên. Cộng đoàn được biết đến dưới tên Dòng Gilbertin, và là tu hội duy nhất được thành lập ở Anh trong thời Trung Cổ. Trước khi tu hội phải giải tán vì Vua Henri VIII ngăn cấm tất cả các tu viện Công Giáo ở Anh, Dòng Gilbertin có đến hai mươi sáu tu viện.
Quy luật của dòng rất nghiêm nhặt, nổi tiếng khắc khổ và lưu tâm đến người nghèo. Một thói quen đặc biệt dần dà xuất hiện trong các tu viện của Dòng Gilbertin được gọi là "đĩa của Chúa Giêsu." Trong đĩa đặc biệt ấy là các phần chia sẻ thức ăn của mỗi tu sĩ và sau đó họ chia sẻ thức ăn trong đĩa ấy cho người nghèo, nói lên sự lưu tâm đặc biệt của Cha Gilbert đối với những người kém may mắn.
Trong suốt cuộc đời, Cha Gilbert sống thật đơn giản, ăn rất ít và dành nhiều thời giờ ban đêm để cầu nguyện. Bất kể những khắc khổ của cuộc sống, ngài từ trần khi trên 100 tuổi. Ngài được phong thánh năm 1202.
17 Tháng Hai : Bảy Vị Sáng Lập Dòng Tôi Tớ Ðức Mẹ (thế kỷ 13)
Có thể nào bạn tưởng tượng được có bảy người nổi tiếng của thành phố Saigon hoặc Hoa Thịnh Ðốn cùng tụ nhau lại, từ giã gia đình sự nghiệp và sống cô độc trong một cuộc đời tận hiến cho Thiên Chúa không? Ðiều đó đã xảy ra trong thế kỷ XIII, ở thành phố Florence phồn thịnh và văn vật. Lúc ấy, thành phố này tan nát vì tranh chấp chính trị cũng như vì lạc giáo Cathari (trong những điều lầm lạc, họ cho rằng ma quỷ là chúa đối nghịch và Ðức Giêsu chỉ là một thiên thần). Ðời sống luân lý thời ấy thật thấp và tôn giáo dường như không có ý nghĩa gì.
Năm 1240, bảy người quý phái của Florence cùng quyết định ra khỏi thành phố đến một nơi cô quạnh để cầu nguyện và phục vụ Thiên Chúa. Sự khó khăn đầu tiên của họ là việc cấp dưỡng cho thân nhân, vì hai người vẫn còn lập gia đình và hai người nữa goá vợ.
Mục đích của họ là sống ăn năn đền tội và cầu nguyện, nhưng không bao lâu họ bị quấy rầy bởi những người hiếu kỳ đến từ Florence. Sau đó họ di chuyển đến một nơi vắng vẻ khác là sườn núi Senario.
Năm 1244, dưới sự linh hướng của Cha Phêrô ở Verona, O.P. (sau này được phong thánh), nhóm này theo thói quen đạo đức tương tự như của các cha Ða Minh, sống dưới quy luật của Thánh Augustine và lấy tên là Tôi Tớ Ðức Maria. Tu hội này có hình thức tổ chức giống như các tu sĩ khất thực hơn là các đan viện thời xưa.
Năm 1852, các thành viên của tu hội từ Áo đến Hoa Kỳ và định cư ở Nữu Ước, sau đó ở Philadelphia. Hai tỉnh dòng Hoa Kỳ được phát triển từ một tổ chức nhỏ bé của Cha Austin Morini được thành lập ở Wisconsin năm 1870.
Các thành viên của tu hội phối hợp giữa đời sống đan viện và sự hoạt động tích cực. Trong đan viện, họ sống đời cầu nguyện, làm việc và giữ thinh lặng nhưng trong công tác tông đồ họ tham dự các công việc của giáo xứ, dạy học, rao giảng và các sứ vụ khác.
Lời Bàn
Thời gian mà bảy vị sáng lập dòng Tôi Tớ Ðức Mẹ sinh sống cũng rất giống như hoàn cảnh mà chúng ta đang sống hiện nay. Ðó là "thời gian tốt nhất và xấu nhất." Có lẽ nhiều người cảm thấy như bị lôi cuốn đến một cuộc sống phi văn hóa, ngay cả phi tôn giáo. Trong một phương cách mới hơn và khẩn thiết hơn, tất cả chúng ta đều phải đối diện với những thử thách của một cuộc đời mà tâm điểm là Ðức Kitô.
Lời Trích
"Mọi tu hội hãy loan truyền tin mừng của Ðức Kitô trên toàn thế giới bằng đức tin chính trực, bằng tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, bằng sự thành tâm với Thánh Giá và qua niềm hy vọng vào sự vinh hiển tương lai... Do đó, với lời cầu bầu mạnh mẽ của Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, mà 'cuộc đời ngài là quy luật cho mọi đời sống,' các cộng đồng tôn giáo sẽ cảm nghiệm sự gia tăng về số lượng, và sẽ gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp mà từ đó dẫn đến sự cứu độ" (Sắc Lệnh về Ðời Sống Tu Trì, 25).
18 Tháng Hai : Thánh Simêon (c. 107)
Simêon, hoặc Simon, dường như là bà con với Ðức Giêsu. Người ta cho rằng cha của ngài là Clêopha, anh của Thánh Giuse và mẹ ngài là chị họ Ðức Maria. Có lẽ ngài là một trong những người "anh em của Ðức Giêsu" có mặt ở căn phòng bên trên vào ngày Ngũ Tuần. Ngài được chọn là Giám Mục thứ hai của Giêrusalem khi anh của ngài là Giacôbê Nhỏ tử vì đạo.
Vào năm 66, cuộc nội chiến bùng nổ ở Palestine như hậu quả việc người Do Thái chống đối đế quốc La Mã. Cộng đồng Kitô Hữu ở Giêrusalem được tiên báo là sẽ bị người Rôma tiêu diệt. Trong năm đó, trước khi Vespasian đưa quân vào Giuđêa, Thánh Simêon đã dẫn dắt cộng đoàn nhỏ bé đến nơi an toàn trong một thành phố nhỏ bé tên là Pella, ở bên kia sông Giođan.
Sau khi Giêrusalem bị đốt và chiếm đóng, người Kitô trở về và sống giữa những hoang tàn đổ nát cho đến khi Hoàng Ðế Hadrian sau đó đã san bằng Giêrusalem.
Thánh Epiphanius và Eusebius kể rằng giáo hội ở đây đã phát triển cách đáng kể, và nhiều người Do Thái đã tòng giáo sau những phép lạ của các thánh. Khi Vespasian và Domitian ra lệnh tiêu diệt tất cả những ai thuộc dòng dõi Ðavít, Thánh Simêon đã trốn thoát sự bắt bớ đó; nhưng đến thời Trajan cũng ra một lệnh tương tự, thì ngài đã bị bắt với tư cách không những là hậu duệ của Ðavít mà còn là một Kitô Hữu, và ngài đã bị đưa ra trước Atticus, quan tổng trấn Rôma. Ngài bị kết án tử hình và, sau khi bị tra tấn, ngài đã chết treo trên thập giá.
Mặc dù ngài thật cao tuổi - truyền thống nói rằng ngài sống đến 120 tuổi - nhưng sự can đảm chịu đựng tra tấn mà không chối bỏ đức tin của ngài đã khiến ngay cả Atticus cũng phải thán phục.
Blessed John of Fiesole
The patron of Christian artists was born around 1400 in a village overlooking Florence. He took up painting as a young boy and studied under the watchful eye of a local painting master. He joined the Dominicans at about age 20, taking the name Fra Giovanni. He eventually came to be known as Fra Angelico, perhaps a tribute to his own angelic qualities or maybe the devotional tone of his works.
He continued to study painting and perfect his own techniques, which included broad-brush strokes, vivid colors and generous, lifelike figures. Michelangelo once said of Fra Angelico: “One has to believe that this good monk has visited paradise and been allowed to choose his models there.” Whatever his subject matter, Fra Angelico sought to generate feelings of religious devotion in response to his paintings. Among his most famous works are the Annunciation and Descent from the Cross as well as frescoes in the monastery of San Marco in Florence.
He also served in leadership positions within the Dominican Order. At one point Pope Eugenius approached him about serving as archbishop of Florence. Fra Angelico declined, preferring a simpler life. He died in 1455.
19 Tháng Hai : Thánh Conrad ở Piacenza (1290 - 1350)
Sinh trong một gia đình giầu có thuộc miền bắc nước Ý, Conrad kết hôn với Euphrosyne, con gái của một người quý phái.
Một ngày kia, trong khi đi săn Conrad ra lệnh đốt một số bụi rậm để lùa thú ra ngoài. Lửa cháy lan ra cánh đồng kế cận và thiêu hủy cả một cánh rừng. Một nông dân vô tội bị cầm tù, bị đánh đập ép phải nhận tội và bị kết án tử hình. Tuy nhiên Conrad đã ra thú tội, cứu mạng người nông dân ấy và ông phải bồi thường thiệt hại.
Sau biến cố ấy không lâu, Conrad và vợ đồng ý ly thân: bà gia nhập tu viện Dòng Thánh Clara Nghèo Hèn và ông đến với một nhóm người sống ẩn dật theo quy luật Dòng Ba Phanxicô. Tuy nhiên, không bao lâu, sự thánh thiện nổi tiếng của ông lan tràn. Vì sự cô quạnh bị khuấy động bởi các khách thăm viếng, Conrad di chuyển đến một nơi hoang vắng ở Sicily và ông sống ẩn dật ở đây trong 36 năm, cầu nguyện cho chính mình cũng như cho thế gian.
Sự cầu nguyện và ăn năn đền tội là cách ông đáp trả với những cám dỗ cản trở ông nên thánh. Ông từ trần khi còn quỳ gối trước tượng thánh giá. Ông được phong thánh năm 1625.
Lời Bàn
Thánh Phanxicô Assisi vừa quý trọng sự chiêm niệm vừa yêu quý đời sống rao giảng; giai đoạn cầu nguyện mãnh liệt là để nuôi dưỡng sức mạnh rao giảng. Tuy nhiên, một số môn đệ đầu tiên của ngài cảm thấy được mời gọi đến đời sống chiêm niệm, và ngài chấp nhận điều đó. Mặc dù đời sống Thánh Conrad ở Piacenza không phải là một quy tắc trong Giáo Hội, nhưng ngài và các vị chiêm niệm khác nhắc nhở chúng ta về sự vĩ đại của Thiên Chúa và niềm vui của thiên đàng.
Lời Trích
Trong Huấn Thị về Ðời Sống Chiêm Niệm, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI có viết như sau:"Rút lui vào nơi vắng vẻ là để người Kitô kết hợp chính mình một cách mật thiết với sự thống khổ của Ðức Kitô, và trong một phương cách đặc biệt, giúp họ chia sẻ mầu nhiệm vượt qua và hành trình của Ðức Kitô từ trần thế đến quê trời" (#1).
20 Tháng Hai : Jacinta & Francisco Marto
Trong quãng thời gian từ 13 tháng Năm đến 13 tháng Mười 1917, ba trẻ chăn chiên người Bồ Ðào Nha ở Aljustrel đã được thấy Ðức Bà hiện ra ở Cova da Iria, gần Fatima, một thành phố cách thủ đô Lisbon 110 dặm về phía bắc. Vào lúc đó, Âu Châu đang can dự vào một cuộc chiến đẫm máu. Chính Bồ Ðào Nha, sau khi lật đổ chế độ quân chủ vào năm 1910, cũng đang trong sự rối loạn chính trị; sau đó không lâu nhà cầm quyền giải tán các tổ chức tôn giáo.
Trong lần hiện ra đầu tiên, Ðức Maria yêu cầu các trẻ trở lại nơi này vào ngày mười ba mỗi tháng trong sáu tháng kế tiếp. Người cũng yêu cầu các trẻ học hành để biết đọc biết viết, và lần chuỗi mai khôi “để thế giới được hòa bình và chấm dứt chiến tranh.” Các trẻ cũng được khuyên hãy cầu nguyện cho những người tội lỗi và xin cho nước Nga được hoán cải, mà lúc bấy giờ Nga Hoàng Nicholas II vừa mới bị lật đổ và sau đó không lâu nước Nga rơi vào sự thống trị của chế độ cộng sản. Vào lần thị kiến sau cùng, 13-10-1917, có đến 90,000 người tụ tập tại Cova da Iria.
Chưa đầy hai năm sau, Francisco từ trần vì bệnh cúm ở ngay quê nhà. Em được chôn cất trong nghĩa trang giáo xứ và sau đó được cải táng về vương cung thánh đường Fatima vào năm 1952. Jacinta cũng chết vì bệnh cúm ở Lisbon sau khi dâng hiến sự đau khổ của mình để hoán cải người tội lỗi, để xin bình an cho thế giới và cho Ðức Thánh Cha. Cô được cải táng về vương cung thánh đường Fatima năm 1951. Người bà con với hai em là Lucia dos Santos, đã trở thành một nữ tu dòng Camêlô và hiện còn sống khi Jacinta và Francisco được phong chân phước vào năm 2000. Hàng năm, có đến 20 triệu người đến viếng đền Ðức Mẹ Fatima ở Bồ Ðào Nha.
Một phép lạ khác được cho rằng nhờ sự can thiệp của hai đấng và phép lạ này đã được công nhận vào ngày 8 tháng Hai 2013. Vào ngày 13 tháng Năm 2017, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã long trọng tuyên thánh cho hai đấng trong ngày kỷ niệm 100 năm sau lần Đức Maria hiện ra đầu tiên. Hai đấng là các vị thánh trẻ nhất của Giáo Hội Công Giáo mà đã không chết vì tử đạo, T. Jacinta trẻ nhất.
Lời Bàn
Giáo Hội luôn luôn rất thận trọng khi phải chứng thực các việc hiện ra, nhưng Giáo Hội đã chứng kiến kết quả tốt đẹp của sứ điệp Ðức Bà Fatima khi người ta thay đổi đời sống. Cầu nguyện cho kẻ tội lỗi, tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Ðức Maria và lần chuỗi mai khôi - tất cả những điều này đã củng cố Tin Mừng mà Ðức Giêsu rao giảng.
Thánh Claude de la Combière (1641- 1682)
Thánh Claude sinh năm 1641 gần Lyons, nước Pháp, trong một gia đình đạo đức, giầu có. Ngài theo học trường của các cha dòng Tên về âm thanh và nghệ thuật.
Sau đó Claude vào trường đệ tử dòng Tên ở Avignon, là nơi ngài học xong triết học và bắt đầu dạy về nhân văn. Trong thời gian ngài dạy học ở Avignon là khi đạo quân của Louis XIV chiếm đóng, dù đó là nơi đức giáo hoàng cư ngụ. Khi hòa bình trở lại, thành phố Avignon cử mừng lễ Thánh Phanxicô Sales; mặc dù chưa được thụ phong linh mục, Claude là một trong những người được yêu cầu giảng thuyết. Ðể hoàn tất chương trình thần học ngài được gửi sang Balê là trung tâm văn hóa của nước Pháp, ở đó ngài được chọn làm thầy giáo tư cho các con của một bộ trưởng Pháp, là ông Colbert. Nhưng trong một bài viết, ông Colbert có những lời châm biếm tôn giáo mà Cha Claude không tán thành với ông bộ trưởng, do đó ngài bị gửi trả về Avignon và được bổ nhiệm việc thuyết giảng ở một nhà thờ thuộc trường đại học.
Trong các bài giảng, ngài thường tố cáo những sai lầm của lạc thuyết Jansen (1) mà ngài thấy đầy dẫy ở Balê. Cha Claude bài trừ tà thuyết bằng cách giảng dạy về việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Trong một cuộc tĩnh tâm ngài thề tận hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Hai tháng sau khi thề hứa, ngài được bổ nhiệm làm bề trên cho một trụ sở nhỏ của dòng Tên ở Paray. Chính ở đây mà ngài gặp Sơ Margaret Mary Alacoque (2), và là cha giải tội cho sơ và nhấn mạnh đến việc sùng kính Thánh Tâm Chúa.
Sau đó Cha Claude được sai đến nước Anh với công việc giải tội cho Nữ Công Tước của York. Ngài rao giảng không những bằng lời nói mà còn bằng hành động, và đã đưa nhiều người Tin Lành trở lại đạo. Trong thời gian ở đây, những chống đối người Công Giáo ngày càng gia tăng. Có tiếng đồn cho rằng người Công Giáo âm mưu giết vua để tái lập đạo Công Giáo tại Anh. Cha Claude bị bắt và bị cầm tù về tội tham dự vào âm mưu này trước khi thành công trong việc hoán cải nhà vua. Chính nhờ vua Louis XIV can thiệp mà Cha Claude không bị xử tử.
Cha Claude bị trục xuất, nhưng thời gian tù đầy đã ảnh hưởng tệ hại đến sức khỏe của ngài. Theo lời khuyên của Sơ Margaret Mary, ngài trở về Paray và từ trần tại đây năm 1682. Một ngày sau khi ngài chết, Sơ Margaret Mary được thị kiến siêu nhiên, đảm bảo rằng Cha Claude La Colombiere không cần được cầu nguyện, vì ngài đã ở trên thiên đàng.
Cha Claude được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh ngày 31 tháng Năm 1992.
(1) Cornelius Jansen - Giám Mục của Yprés - chủ trương rằng bản tính loài người quá hư hỏng vì tội nguyên tổ nên không có khả năng chống lại sự cám dỗ, không xứng đáng được rước lễ thường xuyên và Jansen chống lại sự thờ kính nhân tính của Chúa Giêsu được thể hiện qua việc sùng kính Thánh Tâm.
(2) Thánh Margaret Mary Alacoque là người đã được Chúa Giêsu hiện ra nhiều lần và sứ điệp đặc biệt là sùng kính Thánh Tâm Chúa. Thánh nữ được Chúa Giêsu gọi là "Người môn đệ yêu dấu của Thánh Tâm Ta."
21 Tháng Hai : Thánh Phêrô Damian (1007 - 1072)
Có lẽ vì là trẻ mồ côi và bị đối xử thật tệ hại khi còn nhỏ nên Thánh Phêrô Damian thật tốt với người nghèo. Trong bữa ăn, lúc nào cũng có một hay hai người nghèo ăn chung với ngài, và đích thân ngài lo lắng cho nhu cầu của họ.
Ngài sinh ở Ravenna, mồ côi cha mẹ khi còn nhỏ và sống với người anh ruột nhưng bị đối xử như người đầy tớ. Khi mới lớn một chút, ngài đã bị sai đi chăn heo. Một người anh khác, là giáo trưởng ở Ravena, thấy thương hại chú em bơ vơ nên đem ngài về nuôi nấng cho ăn học tử tế. Có lẽ vì nhớ ơn dưỡng dục của người anh mà Phêrô đã lấy tên người anh, là Damian, thành tên của mình.
Phêrô là một học sinh có năng khiếu và sau đó trở thành một giáo sư nổi tiếng. Trong thời gian này, Phêrô cố làm quen với sự chay tịnh, sự cầu nguyện và ngài mặc áo nhặm bên trong áo thường để chống với các cám dỗ của lạc thú và mưu chước ma quỷ.
Sau một thời gian, ngài quyết tâm từ bỏ thế gian để sống đời ẩn tu với các đan sĩ Biển Ðức thuộc nhánh cải cách của Thánh Rômuanđô ở Fonte Avellana. Các đan sĩ thường sống hai người một trong một cái am cách xa nhau, để cầu nguyện và đọc sách thiêng liêng, với cuộc sống rất khắc khổ. Vì quá hăng say trong sự cầu nguyện và ngủ quá ít nên không bao lâu Phêrô bị bệnh mất ngủ trầm trọng. Ngài phải thận trọng kềm chế và săn sóc chính mình. Vì lý do đó, ngài dành nhiều thời giờ để nghiên cứu Kinh Thánh, và trở nên một thi sĩ sáng tác thơ đạo cũng nổi tiếng như trong văn chương đời trước đây.
Do một quyết định của toàn thể các đan sĩ, ngài phải chịu trách nhiệm lãnh đạo Cộng Ðoàn khi vị bề trên qua đời. Do đó, sau khi vị đan viện trưởng từ trần khoảng năm 1043, Phêrô đã dẫn dắt gia đình thánh thiện này với sự khôn ngoan và đạo đức. Ngài cũng thành lập thêm năm đan viện khác. Ngài duy trì tinh thần cô độc, bác ái và khiêm nhường. Nhiều vị đan sĩ dưới sự dẫn dắt của ngài là các ngôi sao sáng của Giáo Hội, kể cả Thánh Ðaminh Loricatus, Thánh Gioan ở Lodi là người kế vị ngài trong chức vụ đan viện trưởng ở Holy Cross.
Trong nhiều năm, Thánh Phêrô Damian thường giúp các Giáo Hoàng trong công việc hòa giải giữa các tu hội kình chống nhau, hoặc giữa giáo sĩ, viên chức chính phủ và Tòa Thánh. Năm 1057, Ðức Giáo Hoàng Stephanô IX thuyết phục ngài từ bỏ đời ẩn dật và đặt ngài làm Giám Mục-Hồng Y của Ostia.
Ngài tích cực tẩy trừ nạn buôn bán chức vụ trong Giáo Hội, khuyến khích các linh mục sống độc thân, và thúc giục các linh mục triều sống thành cộng đoàn, giữ chương trình cầu nguyện. Ngài ao ước phục hồi tinh thần kỷ luật nguyên thủy của các tu sĩ và linh mục, cảnh cáo họ về việc di chuyển không cần thiết, vi phạm đức khó nghèo và sống quá thoải mái. Ngài viết thư khiển trách Ðức Giám Mục Florence về việc chơi cờ, và Ðức Giám Mục Besancon về việc để giáo sĩ ngồi khi đọc thánh vịnh trong Kinh Nhật Tụng.
Ngài viết rất nhiều thư. Khoảng 170 lá hiện vẫn còn. Chúng ta cũng còn 53 bài giảng của ngài và bảy tiểu sử ngài viết. Ngài thích viết về gương mẫu và chuyện thật hơn là lý thuyết. Các bản văn phụng vụ của ngài cho thấy ngài có phong cách của một nhà văn.
Ngài thường xin các giáo hoàng cho ngài từ chức Giám Mục-Hồng Y của Osia, và sau cùng Ðức Alexander II đồng ý với điều kiện là bất cứ khi nào cần ngài sẽ sẵn sàng làm việc trở lại. Khi trở lại công việc ở Ravenna, ngài bị sốt nặng. Ngài từ trần ngày 22 tháng Hai 1072 khi các đan sĩ đang vây quanh và đọc kinh Nhật Tụng.
Năm 1828 ngài được tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh.
Lời Bàn
Thánh Phêrô Damian là một người cải cách, và nếu ngài sống trong thời nay chắc chắn ngài sẽ thúc đẩy sự canh tân theo tinh thần Công Ðồng Vatican II. Ngài sẽ hoan nghênh việc nhấn mạnh đến cầu nguyện được tỏ lộ qua số buổi cầu nguyện ngày càng gia tăng của các linh mục, tu sĩ và giáo dân cũng như việc thành lập các nhà cầu nguyện của nhiều cộng đoàn tu sĩ ngày nay.
Lời Trích
"... Chúng ta hãy trung tín trao truyền lại cho thế hệ mai sau các gương mẫu nhân đức mà chúng ta đã lãnh nhận từ cha ông" (Thánh Phêrô Damian)
22 Tháng Hai : Ngai Tòa Thánh Phêrô Tông Ðồ
Hôm nay chúng ta tưởng nhớ việc Ðức Kitô chọn Phêrô là người thay thế Ngài trong việc cai quản Giáo Hội.
Sau một "cuối tuần mất mát" đầy đau khổ, hồ nghi và dằn vặt sau khi Ðức Kitô bị đóng đinh và đem đi chôn, Phêrô đã được nghe Tin Mừng. Thiên thần ở ngôi mộ nói với bà Maria Mađalêna, "Chúa đã sống lại! Hãy đi nói với các môn đệ và Phêrô." Gioan kể lại khi ngài và Phêrô chạy đến mộ, vị tông đồ trẻ đi nhanh hơn tông đồ lớn tuổi kia, nhưng ngài đứng đợi ở ngoài. Khi Phêrô bước vào, thấy các khăn liệm ở dưới đất, khăn che mặt được gói lại để ở đúng vị trí của nó. Gioan trông thấy và tin. Nhưng ngài viết thêm: "... Họ không hiểu rằng theo kinh thánh, Ngài phải sống lại từ cõi chết" (Gioan 20:9). Họ về nhà. Ðầu óc họ như nổ tung với một khám phá mới, điều bất khả đã trở thành hiện thực. Chúa Giêsu đã hiện ra với họ trong căn nhà khóa kín. Ngài nói, "Bình an cho anh em," và họ quá đỗi vui mừng (Gioan 20:21b).
Và biến cố trong ngày Ngũ Tuần đã giúp Phêrô cảm nhận được Ðức Kitô phục sinh một cách trọn vẹn. "... Tất cả đều tràn đầy Thánh Thần" (TVCÐ 2:4a) và họ bắt đầu rao giảng bằng các thứ tiếng khác nhau tùy theo Thánh Thần ban cho.
Chỉ khi ấy Phêrô mới chu toàn nhiệm vụ mà Chúa đã trao cho ngài: "... Một khi anh trở lại, hãy củng cố các anh em" (Luca 22:32) Từ lúc đó, ngài trở nên phát ngôn viên cho nhóm Mười Hai về những gì họ được cảm nghiệm qua Thánh Thần -- trước nhà cầm quyền muốn chặn đứng sự rao giảng, trước thượng hội đồng Giêrusalem, trước cộng đoàn về vấn đề của Ananias và Sapphira. Ngài là người đầu tiên rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại. Sức mạnh chữa lành của Ðức Kitô ở trong Phêrô được chứng tỏ: cho kẻ chết sống lại, chữa người ăn xin tàn tật. Dân chúng khiêng bệnh nhân ra đường phố để khi Phêrô đi ngang qua, bóng của ngài có thể chữa họ lành.
Ngay cả một vị thánh cũng gặp khó khăn của cuộc đời Kitô Hữu. Khi Phêrô không còn ăn uống với Dân Ngoại tòng giáo vì ngài tế nhị không muốn tổn thương đến người Kitô gốc Do Thái, Phaolô viết, "... Tôi chống đối ông ấy ra mặt vì rõ ràng là ông ấy sai... Các ông ấy không đi đúng với chân lý của phúc âm..." (Galat 2:11b, 14a).
Trong đoạn cuối Phúc Âm Thánh Gioan, Chúa Giêsu nói với Phêrô, "Thật, Thầy bảo thật cho anh biết, khi anh còn trẻ, anh muốn mặc quần áo nào và muốn đi đâu tùy ý; nhưng khi anh lớn tuổi, anh sẽ phải giang tay ra, và người khác sẽ mặc áo cho anh và dẫn anh đến nơi anh không muốn" (Gioan 21:18). Chúa Giêsu tiên đoán về cái chết mà Phêrô phải chịu để vinh danh Thiên Chúa. Trong thời gian cai trị của Nero, trên Ðồi Vatican ở Rôma, Phêrô đã vinh danh Chúa Giêsu với sự tử đạo, có lẽ cùng với nhiều Kitô Hữu khác.
Lời Trích
Trong Thơ Thứ Nhất, Thánh Phêrô diễn tả ơn gọi của người tín hữu Kitô:"Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để lãnh nhận niềm hy vọng sống động nhờ Ðức Giêsu Kitô đã sống lại từ cõi chết..." (1 Phêrô 1:3a).
23 Tháng Hai : Thánh Polycarp (c. 156)
Là môn đê của Thánh Gioan Tông Ðồ và là bạn của Thánh Ignatiô ở Antioch, Thánh Polycarp, Giám Mục của Smyrna (bây giờ là Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ), là một vị lãnh đạo đáng kính của Kitô Giáo trong tiền bán thế kỷ thứ hai.
Tuy nhiên các vị lãnh đạo Giáo Hội thuộc thế hệ thứ hai đã gặp những thử thách mà thế hệ trước không đề cập đến. Họ phải làm gì khi thế hệ chứng nhân thứ nhất ấy không còn nữa? Lời dạy dỗ xác thực của Chúa Giêsu phải truyền lại như thế nào? Phải trả lời thế nào với các câu hỏi chưa từng có?
Khi các tông đồ không còn ở trần gian nữa, các lạc thuyết bắt đầu xuất hiện ngụy trang chính giáo, sự bách hại lại mạnh mẽ và bắt đầu xuất hiện các tranh chấp về vấn đề phụng vụ mà Ðức Giêsu không bao giờ nói đến.
Polycarp, một người thánh thiện và là giám mục của Smyrna, chỉ thấy có một câu trả lời - trung thành với đời sống Ðức Giêsu và bắt chước đời sống ấy. Thánh Ignatiô nói với Thánh Polycarp "linh đạo của anh đặt nền móng nơi Thiên Chúa như trên một tảng đá không thể nào lay chuyển nổi."
Khi đối diện với lạc giáo, Thánh Polycarp có "bộ mặt bộc trực" đến nỗi Thánh Ignatiô phải thán phục, vì ngài đã bắt chước cách Ðức Giêsu trả lời người Pharisêu. Marcion, người lãnh đạo lạc thuyết nhị nguyên (*), khi đối chất với Ðức Polycarp đã yêu cầu ngài thừa nhận họ, "Polycarp, hãy thừa nhận chúng tôi." Ðức Polycarp trả lời, "Tôi thừa nhận ngài, phải, tôi thừa nhận ngài là đứa con của Satan."
Trái lại khi đối diện với các bất đồng của Kitô Hữu, ngài lại rất khoan dung và tôn trọng. Một trong những tương tranh thời ấy là việc cử hành lễ Phục Sinh. Ðông Phương, là xuất xứ của Thánh Polycarp, cử hành mầu nhiệm Vượt Qua như sự Thương Khó của Ðức Kitô tiếp theo sau bằng một Thánh Lễ vào ngày kế tiếp. Tây Phương cử hành lễ Phục Sinh vào ngày Chúa Nhật sau tuần lễ Vượt Qua. Khi Thánh Polycarp đến Rôma để thảo luận về vấn đề này với Ðức Giáo Hoàng Anicetus, họ bất đồng ý kiến. Nhưng các ngài cũng không thấy sự khác biệt trong đức tin Kitô Giáo. Và Ðức Anicetus đã yêu cầu Thánh Polycarp cử hành Thánh Lễ ngay trong nhà nguyện của đức giáo hoàng.
Thánh Polycarp đối diện với sự bách hại cũng như Ðức Kitô đã làm. Chính giáo đoàn của ngài phải thán phục ngài vì đã theo sát "gương phúc âm" - không tìm cách để tử đạo như một số người đã làm, nhưng trốn tránh sự bách hại cho đến khi thánh ý Chúa được thể hiện như Ðức Giêsu Kitô đã làm. Họ coi đó là "một dấu chỉ tình yêu nói lên sự khao khát không muốn chỉ cứu chuộc có một mình, nhưng còn cứu chuộc tất cả anh chị em Kitô Hữu."
Trong thời kỳ đẫm máu tử đạo Kitô Hữu trong đấu trường, dân chúng trở nên điên cuồng đòi hỏi phải tìm bắt Thánh Polycarp, vì ngài nổi tiếng thánh thiện. Thánh Polycarp thật điềm tĩnh nhưng giáo dân thúc giục ngài đi trốn trong một nông trại gần thành phố. Quân lính tìm ra ngài sau khi tra khảo hai đứa bé. Ngài thết đãi họ ăn và xin họ để ngài cầu nguyện trước khi điệu về đấu trường.
Thấy đức tin vững vàng không lay chuyển của Thánh Polycarp, quan thống đốc ra lệnh thiêu sống, và khi quân lính châm lửa, nhiều người chứng kể lại họ được nhìn thấy một phép lạ. Lửa cháy thành một vòng cung chung quanh thánh nhân, bao bọc ngài như các cánh buồm, và thay vì bị đốt cháy, ngài lại rực sáng như vàng đang chảy trong lò lửa. Khi quân lính thấy ngài không hề hấn gì, chúng đã lấy dao đâm ngài. Máu ngài chảy ra đã dập tắt ngọn lửa.
Quan thống đốc ra lệnh đốt xác thánh nhân mà không để giáo dân lấy xác, vì ông sợ họ sẽ thờ Thánh Polycarp mà không thờ tà thần của người Rôma. "Chứng từ" tử đạo của Thánh Polycarp là chứng từ được ghi nhận một cách xác thực về sự tử đạo của người tín hữu Kitô ngay từ thuở ban đầu. Ngài chết vào khoảng năm 156.
Trong nhiều lá thư của Thánh Polycarp, chỉ còn một lá ngài viết cho Giáo Hội Philippi, Macedonia là còn giữ được cho đến ngày nay.
Lời Bàn
Thánh Polycarp được công nhận là vị lãnh đạo Kitô Giáo bởi tất cả các Kitô Hữu thuộc Giáo Hội Tiểu Á - một thành trì đức tin vững mạnh và trung thành với Ðức Giêsu Kitô. Sức mạnh của ngài là bởi tín thác vào Thiên Chúa, ngay cả khi các biến động của đời sống mâu thuẫn với sự tin tưởng này. Sống giữa những người ngoại giáo và dưới chế độ đàn áp một tôn giáo mới, ngài đã chăn dẫn đàn chiên của ngài. Cũng như vị Mục Tử Tốt Lành, ngài đã hy sinh mạng sống vì đàn chiên và gìn giữ họ khỏi bị bách hại thêm nữa. Sự tín thác vào Thiên Chúa của ngài được tóm lược trong câu nói trước khi chết:"Lạy Chúa Cha... Con ca tụng Ngài, vì đã giúp con xứng đáng cho đến ngày giờ này..." (Sổ Tử Ðạo, Chương 14).
Lời Trích
"Hãy vững vàng trong cách ăn ở và noi gương Chúa, 'trung kiên trong đức tin, yêu thương anh chị em, đoàn kết trong chân lý,' giúp đỡ lẫn nhau với sự dịu dàng của Chúa, đừng khinh miệt một ai" (Thánh Polycarp, Thư Gửi Tín Hữu Philippi).
(*) Marcion chủ trương có hai Chúa. Một Chúa trong Cựu Ước thì khác với Chúa của Tân Ước, và Ðức Giêsu là Con của Thiên Chúa trong Tân Ước.
24 Tháng Hai : Chân Phước Luca Belludi (1200 - 1285)
Năm 1220, khi Thánh Antôn rao giảng cho cư dân ở Padua thì một thanh niên thuộc dòng dõi quý tộc, là Luca Belludi, đã đến với thánh nhân và xin được theo nếp sống của những môn đệ Thánh Phanxicô. Thánh Antôn rất mến mộ tài năng, kiến thức của Luca và đích thân giới thiệu anh với Thánh Phanxicô, sau đó chính thánh nhân đã nhận anh vào dòng.
Lúc ấy, Luca chỉ mới 20 tuổi, là bạn đồng hành của Thánh Antôn trong những công tác rao giảng, đã săn sóc thánh nhân vào những ngày cuối đời và sau khi Thánh Antôn từ trần, Luca đã thế chỗ của thánh nhân. Sau đó ngài được bổ nhiệm việc quản lý các tu sĩ Phanxicô ở Padua.
Vào năm 1239, thành phố rơi vào tay quân thù. Những người quý tộc bị tử hình, thị trưởng và hội đồng thành phố bị dẹp bỏ, trường đại học ở Padua từ từ bị đóng cửa và việc xây cất nhà thờ để kính nhớ Thánh Antôn phải bỏ dở. Chính Luca bị trục xuất ra khỏi thành phố nhưng ngài bí mật trở về. Hàng đêm, ngài và thầy quản lý xuống mộ Thánh Antôn trong nguyện đường đang xây cất dở dang để cầu xin sự trợ giúp. Một đêm kia, có tiếng nói vang lên từ ngôi mộ, đảm bảo với các ngài là thành phố sẽ thoát khỏi tay bạo chúa hung dữ.
Sau khi lời tiên đoán ấy thành sự thật, Luca được bầu làm bề trên tỉnh dòng và sau đó ngài hoàn tất vương cung thánh đường để kính nhớ Thánh Antôn, là thầy của ngài. Trong cuộc đời của Chân Phước Luca, ngài thành lập nhiều tu viện, và cũng như Thánh Antôn, ngài được ơn làm phép lạ. Sau khi từ trần, ngài được an nghỉ trong chính vương cung thánh đường mà ngài đã giúp hoàn tất và được tiếp tục sùng kính cho đến ngày nay.
25 Tháng Hai : Thánh Ethelbert
Vào năm 596, Đức Giáo hoàng Grêgôriô cử Augustine và 40 tu sĩ nước Anh truyền giáo. Lúc ấy, đế quốc La Mã không còn cai trị ở châu Âu, vì phần lớn ở Âu bắc tràn ngập những tên cướp man rợ.
Augustine hành trình đến thủ đô nước Pháp thì sợ hãi quay trở lại Rome, nhưng Đức Gregory không bỏ cuộc, ra lệnh buộc Augustine hoàn thành sứ mệnh truyền giáo về phía bắc.
Khi vua Ethelbert của Kent nghe tin Augustine và các tu sĩ của ông đổ bộ đến Kent, miền đông nam nước Anh vào năm 597, thì Vua Ethelbert cùng các đạo sĩ của ông quyết định không cho Augustine và các tu sĩ cập bến vì ông và các đạo sĩ sợ những người La Mã làm phép thuật bất lợi khi đến vùng nước Kent.
Nhưng rất bất ngờ, khi Augustine và các tu sĩ Rome cập bến, thì chính vua Ethelbert cưỡi ngựa ra đón họ và lắng nghe Augustine giải bài. Nhà vua có thiện cảm, liền cho phép họ vào thủ đô Canterbury truyền bá về Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết. Vua Ethelbert cũng cấp cho Augustine và các tu sĩ một nơi để sinh sống ở đó.
Bất ngờ thứ hai: Vợ của nhà vua, Nữ hoàng Bertha, đã là người đã tin vào Chúa Giêsu
và chịu phép rữa. Bà là người Pháp đã theo đạo Thiên Chúa Giáo trước khi kết hôn với vua Ethelbert và nhà vua đã cho phép Nữ hoàng Bertha xây cất nguyện đường ở Canterbury. Đây là cơ sở truyền giáo đầu tiên của Augustine tại Kent đến Angles.
Từ nguyện đường nhỏ đã trở thành Vương Cung Thánh Đường, nhà thờ Chánh Tòa Canterbury rất nổi tiếng ở Kent ngày nay. Và hàng năm có hàng triệu người đến hành hương tại Vương Cung Thánh Đường Canterbury.
Nhiều người tin vào Chúa Giêsu và đã chịu phép rửa, bao gồm cả chính Vua Ethelbert.
👆 Lawrence Nguyễn H Cường sưu tầm và chuyển dịch
Chân Phước Sebastian ở Aparicio (1502 - 1600)
Những con đường và nhịp cầu mà Chân Phước Sebastian xây dựng thì nối liền nhiều chỗ thật xa cách. Nhịp cầu sau cùng ngài hoàn tất là giúp người ta nhận biết phẩm giá và cùng đích mà Thiên Chúa đã ban cho loài người.
Cha mẹ của Sebastian là nông dân Tây Ban Nha. Vào năm 31 tuổi, ngài xuống tàu đi Mễ Tây Cơ, ở đây ngài làm việc đồng áng. Sau đó ngài xây đắp những con đường để thuận tiện cho việc trao đổi nông nghiệp và thương mãi. Con đường ngài xây từ Mexico City cho đến Zacatecas dài 466 dặm và phải mất 10 năm mới hoàn tất, và vừa phải khéo léo thương thuyết với những người thổ dân.
Sau cùng, Sebastian là một điền chủ giàu có. Khi 60 tuổi ngài lập gia đình với một trinh nữ. Ðộng lực chính mà người trinh nữ kết hôn với ngài có lẽ là số gia tài kếch sù; phần ngài thì muốn giúp đỡ người con gái nghèo nàn không có của hồi môn ấy một cuộc đời xứng đáng. Khi người vợ thứ nhất qua đời, ngài lấy một trinh nữ thứ hai cũng vì lý do như trước; và người vợ thứ hai cũng chết sớm.
Vào năm 72 tuổi, Sebastian phân phát tài sản cho người nghèo rồi gia nhập dòng Phanxicô với tư cách của một thầy trợ sĩ. Ðược giao cho công việc ẩm thực của tu viện rộng lớn ở Puebla de los Angeles (100 thành viên) nằm về phía nam của Mexico City, Thầy Sebastian đã chu toàn bổn phận đi khất thực trong 25 năm. Lòng bác ái của thầy đối với tất cả mọi người thật xứng với cái tên mà người ta đã đặt cho ngài, "Thiên Thần của Mễ Tây Cơ."
Thầy Sebastian được phong chân phước năm 1787 và là quan thầy của những người lữ hành.
Lời Bàn
Theo Quy Luật Thánh Phanxicô, các tu sĩ phải làm việc để có miếng ăn. Nhưng đôi khi công việc của họ không đủ cung cấp cho nhu cầu; thí dụ, họ chăm sóc người cùi là những người không có gì để đáp trả. Trong trường hợp ấy, các tu sĩ được phép đi xin, và luôn nhớ đến điều nhắc nhở của Thánh Phanxicô là hãy làm gương tốt để khuyến dụ dân chúng. Cuộc đời của Chân Phước Sebastian, dù tuổi già nhưng vẫn hăng say, chắc chắn đã đưa nhiều người đến gần Thiên Chúa hơn.
Lời Trích
Có lần Thánh Phanxicô nói với các môn sinh:"Giữa thế gian và tu sĩ có một giao kèo. Tu sĩ phải đem lại cho thế gian gương mẫu tốt lành; và thế gian phải cung ứng cho các nhu cầu của họ. Khi các tu sĩ hư hỏng đức tin và không còn làm gương tốt, thế gian sẽ rút tay lại như một sự khiển trách chính đáng" (2 Celano, #70).
26 Tháng Hai : Thánh Apollonia (c. 249)
Cuộc bách hại Kitô Hữu đầu tiên ở Alexandria xảy ra trong triều đại Hoàng Ðế Philip. Nạn nhân đầu tiên bị người ngoại giáo tấn công là một cụ già tên Metrius, cụ bị tra tấn và sau đó bị ném đá cho đến chết. Người thứ hai từ chối không chịu thờ tà thần là một phụ nữ Kitô Hữu tên Quinta. Lời nói của bà đã làm đám đông tức giận và bà đã bị đánh đập bằng gậy gộc và ném đá.
Trong khi hầu hết Kitô Hữu rời bỏ thành phố, để lại mọi của cải thế gian thì một nữ phó tế tên là Apollonia bị bắt. Thánh Dionysius, Giám Mục Antiôkia, kể cho chúng ta biết, đám đông đã đánh đập Apollonia, và bẻ gãy mọi cái răng của ngài. Sau đó họ đốt một đám lửa thật lớn và đe dọa nếu ngài không chịu nguyền rủa Thiên Chúa thì họ sẽ ném ngài vào lửa. Ngài xin đợi một vài giây phút như để suy nghĩ về điều họ yêu cầu. Nhưng thay vào đó, ngài đã tự ý nhảy vào lửa và được phúc tử đạo.
Có nhiều nhà thờ được dâng kính cho thánh nữ. Là quan thầy của các nha sĩ, Thánh Apollonia thường được cầu khẩn để chữa răng đau và các bệnh liên hệ đến răng. Ngài thường được vẽ với đôi kìm đang kẹp một cái răng hoặc một chiếc răng vàng đeo trên cổ. Thánh Augustine giải thích về sự tử đạo của ngài là do sự thúc giục đặc biệt của Chúa Thánh Thần, vì không ai được phép tự ý gây ra cái chết cho mình.
27 Tháng Hai : Thánh Gabrien của Ðức Mẹ Sầu Bi (c. 1862)
Phanxicô, sinh trưởng trong một gia đình có đến 12 người con, và ngài mồ côi mẹ khi mới bốn tuổi. Phanxicô được các cha dòng Tên dạy dỗ, và sau hai lần thoát khỏi bệnh nặng, anh tin rằng Thiên Chúa kêu gọi anh vào đời sống tu trì. Tuy nhiên, ước ao gia nhập dòng Tên của anh bị từ chối, có lẽ vì tuổi còn nhỏ, lúc ấy anh chưa đến 17 tuổi. Sau cái chết của người chị vì bệnh dịch tả, quyết tâm đi tu của anh lại càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết, và anh được các cha dòng Passionist chấp nhận. Khi bắt đầu cuộc sống đệ tử, Phanxicô lấy tên là Gabrien của Ðức Mẹ Sầu Bi.
Là một con người luôn luôn bình dị và vui tươi, không bao lâu Gabrien đã tập được cho mình một đức tính: trung thành trong mọi chuyện dù nhỏ bé. Anh khiến mọi người ngạc nhiên về tinh thần cầu nguyện của anh cũng như việc yêu thương người nghèo, quan tâm đến người khác, tuân giữ quy luật cách nghiêm nhặt và hãm mình phạt xác -- luôn luôn tùy theo tôn ý của bề trên.
Cha bề trên rất kỳ vọng nơi Gabrien khi anh đang chuẩn bị cho đời sống linh mục, nhưng chỉ sau bốn năm tu tập, các triệu chứng của bệnh lao bắt đầu xuất hiện. Luôn luôn vâng lời, anh kiên nhẫn chịu đựng sự đau đớn và những hạn chế mà cơn bệnh đòi hỏi, không muốn được lưu ý cách đặc biệt. Anh từ trần cách êm ái vào ngày 27 tháng Hai 1862, khi mới 24 tuổi, sau khi sống gương mẫu cho mọi người.
Gabrien của Ðức Mẹ Sầu Bi được phong thánh năm 1920.
28 Tháng 2: Thánh Grêgôriô II (c. 731)
Sinh ở Rôma, ngay từ khi còn trẻ Grêgôriô đã dính dáng đến công việc của Giáo Hội. Chính Thánh Giáo Hoàng Sergius I là người nhận thấy những đức tính cao quý nơi người trẻ tuổi này và đã tấn phong Grêgôriô làm trợ phó tế. Ngài phục vụ liên tiếp dưới bốn triều đại giáo hoàng với chức vụ thủ quỹ, và sau đó là quản thủ thư viện. Ngài được giao cho các nhiệm vụ quan trọng và tháp tùng Ðức Giáo Hoàng Constantine đến Constantinople để phản đối Hoàng Ðế Justinian II về các nghị định chống lại tây phương của Công Ðồng Trullan II (692). Sau khi Ðức Constantine từ trần, Grêgôriô được chọn làm giáo hoàng và được tấn phong năm 715.
Ðức Grêgôriô làm giáo hoàng trong 15 năm. Trong thời gian này, ngài tổ chức các thượng hội đồng để chấn chỉnh các nhũng lạm, ngăn chặn lạc giáo và cổ vũ tinh thần kỷ luật và luân lý. Ngài tái xây dựng một phần lớn các tường thành Rôma để bảo vệ thành phố này chống với các cuộc tấn công của quân Lombard. Ngài tái thiết nhiều nhà thờ, và đặc biệt rất quan tâm đến người đau yếu và người già. Ðan viện thật lớn gần nhà thờ Thánh Phaolô đã được tái thiết, cũng như tu viện của Monte Cassino mà quân Lombard đã phá hủy cách đó 150 năm. Ngài tấn phong Thánh Boniface và Thánh Corbinian làm giám mục để đi truyền giáo cho các sắc dân ở Ðức. Và cũng như Ðức Grêgôriô I, ngài biến dinh thự của gia đình ngài thành một đan viện.
Chính trong những cuộc thương thuyết với Hoàng Ðế Lêô III mà người ta mới thấy sức mạnh tinh thần cũng như sự kiên nhẫn của Ðức Grêgôriô. Hoàng Ðế Lêô đòi phải tiêu hủy tất cả các ảnh tượng thánh, và trừng phạt những ai không tuân lệnh. Khi các giám mục không thuyết phục được hoàng đế về sự sai lầm của ông, họ thỉnh cầu đến giáo hoàng. Một đàng, Ðức Grêgôriô cố gắng thay đổi ý nghĩ của hoàng đế. Ðàng khác, ngài khuyên dân chúng trung thành với hoàng tử, luôn luôn khuyến khích các giám mục chống với tà thuyết.
Ðức Grêgôriô II từ trần năm 731.
Nguồn: http://www.nguoitinhuu.org/
Tháng 3
1 Tháng Ba : Thánh Ðavít (c. 589)
2 Tháng Ba : Thánh Agnes ở Bohemia (1205 - 1282)
3 Tháng Ba : Thánh Katharine Drexel (1858 - 1955)
4 Tháng Ba : Thánh Casimir (1458 - 1483)
5 Tháng Ba : Thánh Gioan Giuse của Thánh Giá (1654 - 1734)
6 Tháng Ba : Tôi Tớ Thiên Chúa Sylvester ở Assisi (c. 1240)
7 Tháng Ba : Thánh Perpetua và Thánh Felicity (c. 203?)
8 Tháng Ba : Thánh Gioan của Thiên Chúa (1495 - 1550)
9 Tháng Ba : Thánh Frances ở Rôma (1384 - 1440)
10 Tháng Ba : Thánh Ðaminh Saviô (c. 1857)
11 Tháng Ba : Thánh Gioan Ogilvie (1579 - 1615)
12 Tháng Ba : Chân Phước Angela Salawa (1881 - 1922)
13 Tháng Ba : Thánh Nicôla Owen (c. 1606)
14 Tháng Ba : Thánh Maximilian (c. 295)
15 Tháng Ba : Thánh Louise de Marillac (c. 1660)
16 Tháng Ba : Thánh Clement Mary Hofbauer (1751 - 1820)
17 Tháng Ba : Thánh Patrick (389?-461?)
18 Tháng Ba : Thánh Cyril ở Giêrusalem (315? - 386)
20 Tháng Ba : Thánh Salvator ở Horta (1520 -1567)
21 Tháng Ba : Chân Phước Gioan ở Parma (1209 - 1289)
22 Tháng Ba : Thánh Benvenutus ở Osimo (c. 1282)
23 Tháng Ba : Thánh Turibius ở Mogrovejo (1538 - 1606)
24 Tháng Ba : Thánh Catarina ở Genoa (1447 - 1510)
26 Tháng Ba : Chân Phước Didacus ở Cadiz (c. 1801)
26 Tháng Ba : Thánh Magarét Clitherow
27 Tháng Ba : Chân Phước Phanxicô "di Bruno" (1825 - 1888)
28 Tháng Ba : Thánh Tutilo (c. 915)
29 Tháng Ba : Chân Phước Ludovico ở Casoria (1814-1885)
30 Tháng Ba : Thánh Benjamin (c. 424)
31 Tháng Ba : Thánh Benjamin (c. 424)
========================
1 Tháng Ba : Thánh Ðavít (c. 589)
Ðavít là thánh quan thầy của xứ Wales và có lẽ là vị thánh nổi tiếng nhất nước Anh. Nhưng không may, chúng ta không biết nhiều về ngài.
Ðược biết ngài là một linh mục, tham dự trong công cuộc truyền giáo và sáng lập nhiều đan viện, kể cả đan viện chính của ngài ở phía nam xứ Wales. Có nhiều truyền thuyết kể về ngài và các đan sĩ. Các ngài sống rất khắc khổ. Họ làm việc trong im lặng và cầy cấy bằng chân tay mà không dùng đến sức loài vật. Thực phẩm của các ngài chỉ giới hạn trong bánh mì, rau trái và nước lạnh.
Vào khoảng năm 550, thánh nhân tham dự một thượng hội đồng ở Brevi thuộc Cardiganshire. Sự đóng góp của ngài trong thượng hội đồng được coi là chủ yếu và các giáo sĩ đã chọn ngài làm giáo chủ của Giáo Hội Cambrian. Người ta nói ngài được tấn phong tổng giám mục bởi vị thượng phụ của Giêrusalem trong một chuyến hành hương Ðất Thánh. Ngài cũng được cho là đã triệu tập một công đồng để chấm dứt vết tích của lạc giáo Pelagiô (*). Thánh Ðavít từ trần ở tu viện của ngài ở Menevia khoảng 589. Việc sùng kính ngài được Ðức Giáo Hoàng Callistus II chấp thuận vào năm 1120. Ngài được tôn kính là vị quan thầy của xứ Wales.
Thánh Ðavít thường được vẽ đứng trên một gò đất với chim bồ câu ở trên vai. Truyền thuyết nói rằng có lần ngài đang rao giảng thì một con bồ câu đáp xuống đậu trên vai ngài, và mặt đất chỗ ngài đứng dâng lên cao để mọi người có thể nghe ngài giảng dạy. Trong thời kỳ tiền-Cải Cách, trên 50 nhà thờ ở South Wales được xây dựng để kính ngài.
(*) Pelagiô là một tu sĩ thuộc thế kỷ thứ năm, chủ trương rằng tự do ý muốn của con người là yếu tố quyết định về sự trọn lành của mỗi một người, và ông cho rằng con người không cần ơn của Thiên Chúa để được cứu rỗi.
2 Tháng Ba : Thánh Agnes ở Bohemia (1205 - 1282)
Tuy Thánh Agnes hiếm muộn nhưng ngài đã đem lại sức sống cho tất cả những ai biết đến ngài.
Agnes là con của Nữ Hoàng Constance và Vua Ottokar I của Bohemia. Lúc lên ba, ngài được hứa gả cho Công Tước xứ Silesia, nhưng ba năm sau đó ông này từ trần. Khi Agnes lớn lên, thánh nữ định tâm dâng mình cho Chúa trong đời sống tu trì.
Sau khi từ chối lời cầu hôn của Vua Henry VII của nước Ðức và Henry III của nước Anh, Agnes phải đương đầu với sự cầu hôn của Frederick II, là Thánh Ðế Rôma (Holy Roman Emperor). Thánh nữ cầu khẩn đến Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô IX để xin giúp đỡ. Ðức giáo hoàng đã nghe theo; một cách cao thượng Frederick trả lời rằng ông cũng không khó chịu khi Agnes yêu quý Vua Thiên Ðàng hơn ông.
Sau khi Agnes xây một bệnh viện cho người nghèo và một nơi cư ngụ cho các tu sĩ, ngài cung cấp tài chánh để xây cất tu viện Clara Nghèo Hèn ở Prague. Năm 1236, cùng với bảy phụ nữ quý tộc khác, ngài đã gia nhập tu viện này. Thánh Clara đã gửi năm nữ tu từ San Damiano đến tiếp tay với họ, và đã viết cho Agnes bốn lá thư khuyên bảo về ơn gọi mỹ miều của ngài và đặt ngài làm tu viện trưởng.
Sơ Agnes ngày càng nổi tiếng về sự cầu nguyện, đức vâng lời và hãm mình phạt xác. Ðức giáo hoàng làm áp lực để ngài nhận chức vụ tu viện trưởng; tuy nhiên, ngài thích được gọi là "sơ già" hơn là tu viện trưởng. Dù là tu viện trưởng, ngài cũng không quản ngại nấu nướng cho các nữ tu khác cũng như may vá quần áo cho người cùi. Các nữ tu trong dòng nhận thấy ngài rất tử tế nhưng rất nghiêm nhặt về đức khó nghèo; ngay cả người anh ruột của ngài muốn tặng cho nhà dòng ít của cải cũng bị ngài từ chối.
Sau khi ngài từ trần ngày 6 tháng Ba 1282, việc sùng kính ngài ngày càng lan rộng. Năm 1989, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong thánh cho ngài.
Lời Bàn
Thánh Agnes đã sống 45 năm trong tu viện Clara Nghèo Hèn. Một cuộc sống như vậy đòi hỏi sự kiên nhẫn và bác ái lớn lao. Những cám dỗ về sự ích kỷ chắc chắn không tan biến khi thánh nữ bước chân vào tu viện. Có lẽ chúng ta dễ nghĩ rằng các nữ tu dòng kín "sẵn có" sự thánh thiện. Nhưng con đường của họ cũng giống như của chúng ta: hàng ngày cố gắng thay đổi bản tính ích kỷ để đạt đến tiêu chuẩn độ lượng của Thiên Chúa.
Lời Trích
"Ðừng dính dáng với bất cứ ai cản đường bạn và tìm cách thay đổi lời thề mà bạn đã hứa với Ðấng Tối Cao, cũng như tách bạn ra khỏi cuộc sống tuyệt hảo mà Thần Khí Thiên Chúa đã mời gọi bạn" (Trích trong Thư II Thánh Clara gửi cho Agnes).
3 Tháng Ba : Thánh Katharine Drexel (1858 - 1955)
Nếu cha bạn là một ông chủ ngân hàng quốc tế và bạn có xe lửa riêng, có lẽ khó để bạn bị lôi cuốn đến những công việc tình nguyện cho người nghèo. Nhưng nếu hàng tuần mẹ bạn dành ba ngày để tiếp đón người nghèo, và cha bạn dành nửa giờ mỗi ngày để cầu nguyện, có lẽ không khó để bạn hy sinh cuộc đời cho người nghèo và cho đi 12 triệu đô la. Ðó là điều mà Thánh Katharine Drexel đã thực hiện.
Ngài sinh ở Philadelphia, Hoa Kỳ, năm 1858 và là cô con gái thứ hai của ông bà Drexel. Sau khi chào đời được hai năm thì người mẹ ruột từ trần. Hai năm sau, cha ngài tái hôn và họ có thêm một cô con gái nữa. Tất cả ba cô đều có một nền tảng giáo dục vững chắc và thường đi du lịch nhiều nơi. Khi Katharine hai mươi mốt tuổi, là con gái nhà giầu, ngài sẵn sàng có địa vị trong xã hội, nhưng khi chăm sóc người mẹ ghẻ trong ba năm bị bệnh ung thư, ngài thấy rằng mọi tài sản của dòng họ Drexel cũng không thể cứu được con người khỏi sự đau khổ và cái chết, từ đó cuộc đời ngài thay đổi đáng kể.
Vào năm 1885, ông Drexel từ trần để lại gia tài kếch sù cho ba cô con gái. Lúc bấy giờ, Katharine và hai chị em đều gia nhập tổ chức Tông Ðồ Giáo Dân. Họ thường để ý đến hoàn cảnh khó khăn của người da đỏ, và thường bàng hoàng khi đọc những câu truyện về người da đỏ Mỹ Châu. Trong chuyến du lịch Âu Châu, ngài được gặp Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII và xin Ðức Thánh Cha gửi thêm các nhà truyền giáo đến Wyoming để giúp đỡ bạn của ngài, là Ðức Giám Mục James O'Connor. Ðức giáo hoàng trả lời, "Tại sao chính con không trở nên nhà tryền giáo?" Câu trả lời ấy đã khích động ngài đến độ phải nằm bệnh trong vài ngày.
Trở về Hoa Kỳ, ngài đến thăm người da đỏ Dakota, gặp tù trưởng Red Cloud và bắt đầu giúp đỡ họ.
Việc lập gia đình đối với Katharine thì quá dễ dàng. Nhưng sau các cuộc thảo luận với Ðức Giám Mục O'Connor, Katharine viết trong nhật ký năm 1889, "Ngày lễ Thánh Giuse năm ấy đã đem lại cho tôi một ơn sủng lớn lao để có thể hy sinh quãng đời còn lại cho người da đỏ và da mầu." Vào ngày 7 tháng Mười Một 1889, ngài mặc áo dòng và lấy tên Sơ Mary Katharine. Năm ấy, các nhật báo lớn ở Hoa Kỳ đều chạy hàng chữ ngay , "Dám Bỏ 7 Triệu Ðôla!"
Sau ba năm rưỡi huấn luyện, Katharine và mười ba nữ tu đầu tiên của ngài (Sisters of the Blessed Sacrament for Indians and Colored - Nữ Tu Thánh Thể cho Người Da Ðỏ và Da Mầu) mở trường học ở Santa Fe. Tiếp đó các trường học nối đuôi nhau thành lập. Vào năm 1915, ngài thành lập Ðại Học Xavier ở New Orleans, là đại học đầu tiên ở Hoa Kỳ dành cho người da đen.
Cho đến năm 1942, ngài đã thiết lập xong hệ thống trường Công Giáo cho người da đen trong 13 tiểu bang, cộng thêm 40 trung tâm truyền giáo và 23 trường làng. Những người kỳ thị chủng tộc đã quấy phá công việc của ngài, họ đốt cả một trường học của ngài ở Pennsylvania. Tổng cộng, ngài đã thành lập 50 trung tâm truyền giáo cho người da đỏ trong 16 tiểu bang.
Khi 77 tuổi, ngài bị kích xúc tim nhưng vẫn tiếp tục đến các trung tâm truyền giáo để hướng dẫn các sơ trong dòng. Vào năm 1941, ngài cử mừng lễ kim khánh thành lập dòng, và Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã đề cập đến thành quả của ngài như "một trang sử huy hoàng trong biên niên sử của Giáo Hội."
Trong những năm cuối đời, Mẹ Katharine Drexel bị liệt, ngài sống âm thầm cầu nguyện trong căn phòng nhỏ nhìn về phía cung thánh. Nhiều mẩu giấy ghi lại các lời cầu nguyện của ngài, cũng như những suy niệm và những nguyện vọng vô tận. Ngài từ trần khi 96 tuổi. Tổng cộng ngài đã dùng 12 triệu đô la tài sản của ngài cho công cuộc truyền giáo cho người da đỏ và da đen ở Hoa Kỳ.
Vào tháng Mười Một 1988, ngài được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước. Và đầu tháng Mười năm 2000, ngài đã được phong thánh.
Lời Bàn
Các thánh luôn luôn có những lời khuyên giống nhau: Hãy cầu nguyện, sống khiêm tốn, chấp nhận thập giá, hãy yêu thương và tha thứ cho tha nhân. Nhưng khi được nghe những lời ấy từ một người, có tất cả những giầu sang của trần thế, được báo chí phỏng vấn, được du lịch trên các toa xe lửa hạng sang, thì đó là một nhắc nhở mạnh mẽ cho chúng ta biết, sự thánh thiện có thể thực hiện được trong thế giới hôm nay cũng như ở Giêrusalem hoặc Rôma thuở xưa.
Lời Trích
"Sự kiên nhẫn và khiêm tốn chịu đựng thập giá - dù bất cứ thập giá nào - là công việc cao cả nhất mà chúng ta phải thi hành.
"Ôi, dù đã 84 tuổi mà tôi vẫn còn xa vời với hình ảnh của Ðức Giêsu trong cuộc đời thánh thiện của Ngài ở trần thế!" (Mẹ Katherine Drexel)
4 Tháng Ba : Thánh Casimir (1458 - 1483)
Casimir lớn lên trong một thế giới mà đó không phải là cuộc đời ngài mong muốn. Là hoàng tử Ba Lan, con trai thứ hai của Vua Casimir IV và Hoàng Hậu Elizabeth của Áo, cuộc đời ngài được đặt định để nối tiếp quyền bính của vua cha và gia tăng quyền thế của Ba Lan.
Ngay từ nhỏ, Casimir đã cảm thấy cuộc đời mình thuộc về một người nào đó, mà vị Vua ấy cao cả hơn cha ngài nhiều. Bất kể những áp lực, nhục nhã và bị tẩy chay, ngài vẫn giữ sự trung tín ấy trong suốt cuộc đời.
Ngay từ nhỏ Casimir đã dâng mình cho Chúa. Một trong những động lực tận hiến ấy là nhờ người giám hộ, John Dlugosz, mà sự thánh thiện của ông đã khuyến khích Casimir trên hành trình cuộc đời.
Thật khó để chúng ta tưởng tượng rằng đời sống vương giả lại là một áp lực. Nhưng đối với Casimir, sự sang trọng chung quanh ngài là những cám dỗ để phản bội sự trung tín đích thực. Ðể chống đối những quần áo sang trọng, đắt tiền mà người ta cho rằng ngài sẽ vui thích, ngài mặc những quần áo bình dân nhất.
Khước từ ngay cả sự tiện nghi bình thường, ngài ngủ ít và dành thời giờ ban đêm để cầu nguyện. Và thay vì nằm trên giường nệm, ngài ngủ trên sàn nhà. Mặc dù ngài là hoàng tử, nhiều người chung quanh đã nhạo cười ngài về những điều ấy. Tuy nhiên, trước bất cứ áp lực nào, Casimir vẫn thản nhiên và thân thiện.
Chắc chắn cha ngài phải kinh ngạc về thái độ của con mình, nhưng có lẽ ông cũng nhìn thấy và thán phục sức khỏe của Casimir. Lầm tưởng về điều ấy nên ông đã sai Casimir dẫn một đạo quân sang xâm chiếm Hungary, theo như lời yêu cầu của một số nhà quý tộc ở đây. Mặc dù cảm thấy cuộc viễn chinh thật sai lầm, Casimir cũng đã vâng lời vua cha. Nhưng mỗi một bước tiến ngài linh cảm rằng đó là sự bất tuân Cha trên trời. Do đó khi binh lính bắt đầu bỏ trốn vì không được trả lương, ngài rất hân hoan nghe theo lời khuyên của các sĩ quan mà đưa quân trở về nhà. Khi được biết Ðức Giáo Hoàng Sixtus IV chống đối cuộc xâm lăng ấy, Casimir biết rằng linh cảm của mình là đúng.
Tuy nhiên, vua cha quá tức giận vì hoạch định của ông bị thất bại, nên ông đã trục xuất Casimir, lúc ấy mới 15 tuổi, đến một lâu đài ở Dobzki, hy vọng rằng sự tù đầy sẽ thay đổi ý định của Casimir. Nhưng trong thời gian lưu đầy, ý định ban đầu của Casimir mà ngài tin là đúng lại càng gia tăng mạnh mẽ hơn, và ngài từ chối cộng tác trong mọi hoạch định của vua cha bất kể bất cứ áp lực nào. Ngài từ chối cả cuộc hôn nhân do cha ngài sắp đặt. Ngài chỉ cộng tác với chương trình của vị Vua đích thực qua sự cầu nguyện, học hỏi và giúp đỡ người bất hạnh.
Ngài từ trần vì bệnh phổi khi mới 23 tuổi trong thời gian đến thăm Lithuania, mà ngài cũng là Ðại Công Tước của quốc gia này. Ngài được mai táng ở Vilna, Lithuania.
Ngài được đặt làm thánh quan thầy của Ba Lan và Lithuania.
Lời Bàn
Trong nhiều năm trời, các quốc gia Ba Lan và Lithuania đã mờ nhạt trong nhà tù vĩ đại bên kia Bức Màn Sắt. Bất kể những đàn áp, người Ba Lan và Lithuania vẫn kiên trì giữ vững đức tin mà đức tin ấy đã trở nên đồng hoá với tên của họ. Vị thánh quan thầy trẻ tuổi đã đem cho họ một hy vọng: Hòa bình không thể chiếm được bằng chiến tranh; đôi khi ngay cả nhân đức cũng không chiếm được sự an bình thoải mái, nhưng sự bình an của Ðức Kitô có thể thấm nhập vào cả các bức màn sắt.
Lời Trích
Thánh Casimir vô cùng quý mến Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa; đặc biệt là ngài yêu thích bài thánh ca Latinh về Ðức Mẹ, "Omni die dic Mariae" (Ca Ngợi Mẹ Hàng Ngày). Ngài đã yêu cầu bản nhạc ấy được chôn theo với ngài.
5 Tháng Ba : Thánh Gioan Giuse của Thánh Giá (1654 - 1734)
Sự khắc kỷ tự nó không phải là cùng đích nhưng chỉ là một trợ giúp để sống bác ái hơn -- như cuộc đời Thánh Gioan Giuse đã minh chứng.
Gioan Giuse sống rất khắc khổ ngay từ khi còn trẻ. Năm 16 tuổi, ngài gia nhập dòng Phanxicô ở Naples; ngài là người Ý đầu tiên theo phong trào cải cách của Thánh Phêrô Alcantara. Sự thánh thiện nổi tiếng của Gioan Giuse là động lực khiến cha bề trên giao cho ngài trách nhiệm thành lập một tu viện mới, ngay cả trước khi được thụ phong linh mục.
Với đức vâng lời, ngài chấp nhận mọi bổ nhiệm, từ giám đốc đệ tử, quản gia và, sau cùng là bề trên giám tỉnh. Những năm dài hãm mình phạt xác đã giúp ngài thi hành các nhiệm vụ trên với lòng bác ái cao cả. Khi là quản gia ngài không ngần ngại làm việc trong nhà bếp, hoặc gánh củi, gánh nước cho các tu sĩ. Khi thời gian làm giám tỉnh đã mãn, Cha Gioan Giuse tận tụy trong công việc giải tội và hãm mình phạt xác, là hai điều trái ngược với tinh thần ban đầu của Thời Khai Minh (*). Ngài cũng được ban cho nhiều ơn siêu nhiên, tỉ như ơn tiên tri và làm phép lạ. Ngài từ trần vào năm 80 tuổi ở tu viện Naples.
Cha Gioan Giuse được phong thánh năm 1839.
Lời Bàn
Sự hãm mình phạt xác của Thánh Gioan Giuse đã giúp ngài trở nên một bề trên đầy khoan dung mà Thánh Phanxicô đã nhắm đến. Sự khắc kỷ phải đưa chúng ta đến đức ái -- chứ không phải sự cay đắng; nó phải giúp chúng ta nhận ra đâu là những ưu tiên trong cuộc sống, và giúp chúng ta sống yêu thương hơn. Thánh Gioan Giuse là bằng chứng sống động của điều mà Chesterton nhận xét: "Ðể thời đại lôi cuốn thì quá dễ; sự khó khăn là giữ được lập trường của mình" (G.K. Chesterton, Orthodoxy, trang 101).
(*) Thời Khai Minh (Age of Enlightenment), là trào lưu tư tưởng trong thế kỷ 17 và 18, chủ trương dùng lý trí con người để chế ngự toàn thể văn hóa hay tư duy nhân loại.
6 Tháng Ba : Thánh Mary Ann của Chúa Giêsu ở Paredes
(31 tháng Mười, 1618 – 26 tháng Năm, 1645)
Thánh Mary Ann lớn dần vào sự gần gũi với Thiên Chúa và dân của Người trong cuộc đời ngắn ngủi.
Là con út trong gia đình tám người, Mary Ann sinh ở Quito, Ecuador, lúc ấy đang dưới sự điều khiển của Tây Ban Nha năm 1534. Người tham gia dòng Ba Phanxicô và sống cuộc đời cầu nguyện và khổ hạnh tại nhà, chỉ rời nhà khi đến nhà thờ và thi hành một số việc bác ái. Người thiết lập ở Quito một chẩn y viện và một trường học cho người Phi Châu và thổ dân Hoa Kỳ. Khi một trận dịch bùng nổ, người chăm sóc kẻ bệnh tật và từ trần sau đó không lâu.
Người được Đức Giáo Hoàng Piô XII tuyên thánh năm 1950. Lễ kính Thánh Mary Ann của Chúa Giêsu ở Paredes được cử hành ngày 28 tháng Năm.
Lời Bàn
Thánh Phanxicô ở Assisi đã chiến thắng bản thân và sự dạy dỗ của thời bấy giờ khi ôm hôn một người cùi. Nếu sự khước từ bản thân chúng ta không dẫn đến sự bác ái, sự khổ hạnh thì đang được thi hành vì lý do sai lầm. Những khổ hạnh của T. Mary Ann giúp thánh nữ ý thức hơn về nhu cầu của người khác và can đảm hơn khi cố gắng phục vụ những ai có nhu cầu.
Tôi Tớ Thiên Chúa Sylvester ở Assisi (c. 1240)
Sylvester là một trong 12 môn đệ đầu tiên của Thánh Phanxicô Assisi, và là tu sĩ đầu tiên của nhánh anh em hèn mọn.
Là con cháu của một dòng dõi quý tộc, có lần Sylvester bán gạch và đá cho Thánh Phanxicô để ngài xây dựng lại ngôi thánh đường. Và sau đó không lâu, khi Sylvester trông thấy Thánh Phanxicô và Bernard ở Quintavalle phân phát tài sản của Bernard cho người nghèo, Sylvester than phiền rằng ông không được trả xứng đáng với số gạch mà ông đã bán, và ông đòi hỏi xin thêm.
Mặc dù Thánh Phanxicô biết ơn và trao thêm cho Sylvester một số tiền, nhưng không bao lâu ông tràn ngập mặc cảm tội lỗi vì số tiền ấy. Ông bán hết tất cả tài sản, bắt đầu cuộc đời sám hối và đi theo Thánh Phanxicô. Sylvester trở nên một người thánh thiện và siêng năng cầu nguyện, và là một người được Thánh Phanxicô quý mến -- một bạn đồng hành, và là người mà có lần Thánh Phanxicô đã hỏi ý kiến. Chính Sylvester và Thánh Clara đã trả lời Thánh Phanxicô rằng ngài phải phục vụ Thiên Chúa bằng cách đi rao giảng hơn là tận hiến trong sự cầu nguyện.
Có lần trong thành phố kia là nơi cuộc nội chiến đang bùng nổ, Sylvester được Thánh Phanxicô ra lệnh đến xua đuổi ma quỷ. Ở cổng thành, Sylvester lớn tiếng kêu: "Nhân danh Thiên Chúa toàn năng và qua đức vâng lời tôi tớ Chúa là Phanxicô, tất cả ma quỷ phải ra khỏi đây." Ma quỷ đã ra khỏi thành và sự bình an trở lại với thành phố.
Sau cái chết của Thánh Phanxicô, Sylvester đã sống thêm 14 năm nữa và ngài được chôn cất gần thánh nhân trong Thánh Ðường Thánh Phanxicô ở Assisi.
7 Tháng Ba : Thánh Perpetua và Thánh Felicity (c. 203?)
Trong những truyền thuyết mù mờ về đời sống các vị tử đạo tiên khởi, may mắn chúng ta vẫn còn được tài liệu về sự can đảm của Thánh Perpetua và Felicity từ chính nhật ký của Thánh Perpetua, của giáo lý viên Saturus, và các chứng nhân. Văn bản này, thường được gọi là "Sự Tử Ðạo của Perpetua và Felicity," được nổi tiếng trong các thế kỷ đầu tiên đến nỗi văn bản ấy đã được đọc trong phụng vụ.
Vào năm 203, Vibia Perpetua quyết định trở nên một Kitô Hữu, mặc dù ngài biết điều đó có thể dẫn đến cái chết trong thời kỳ bách hại của Septimus. Một người em trai của ngài cũng noi gương và trở nên người dự tòng. Cha của ngài cuống cuồng lo âu và ông cố gắng thay đổi ý định của ngài. Sự lo âu của ông thì dễ hiểu, vì một phụ nữ 22 tuổi, hăng say và có học thức như Perpetua thì không có lý do gì lại muốn chết -- chưa kể ngài còn có một đứa con mới sinh.
Nhưng thái độ của Perpetua thì rất rõ ràng. Ngài chỉ tay vào một bình đựng nước, và hỏi cha ngài, "Cha có thấy cái bình đó không? Cha có thể gọi nó một cái tên nào khác với bản chất của nó không?" Người cha trả lời, "Dĩ nhiên là không." Và Perpetua thản nhiên tiếp lời, "Con cũng không thể gọi con bằng một cái tên nào khác hơn là bản chất của con -- một Kitô Hữu." Câu trả lời đã làm người cha bực mình và ông đã tấn công chính con mình. Nhật ký Perpetua kể cho chúng ta biết, sau biến cố ấy ngài phải sống tách biệt với cha ngài trong vài ngày, và sự tách biệt ấy đã đưa đến sự bắt bớ và tù đầy của chính ngài.
Perpetua bị bắt với bốn người dự tòng khác, kể cả hai người nô lệ là Felicity và Revocatus. Người dạy giáo lý cho các ngài là Saturus đã bị bắt trước đó.
Nhà tù đầy chật người đến nỗi họ ngộp thở vì nóng nực và không có một chút ánh sáng. Quân lính thì xô đẩy họ không một chút xót thương. Perpetua thật khiếp sợ, nhưng trong tất cả những sự ghê rợn ấy, điều đau khổ lớn lao nhất của ngài là phải xa cách đứa con thơ.
Người nô lệ trẻ tuổi là Felicity lại càng đáng thương hơn nữa, vì ngài đang mang thai tám tháng và phải sống trong cái nóng nực, chen chúc, và thô bạo ấy.
Hai phó tế phục vụ tù nhân đã đút lót lính canh để các ngài được ở chỗ tốt nhất trong nhà tù. Ở đó, mẹ và em của Perpetua đã đến thăm và đưa con đến cho ngài. Khi được phép giữ con trong tù, ngài cảm thấy "nhà tù trở nên như cung điện". Cha ngài lại nài nỉ ngài thay đổi ý định, ông hôn tay ngài và ngay cả quỳ dưới chân ngài. Perpetua nói với ông, "Chúng ta không thể dựa vào quyền thế của chúng ta, nhưng quyền thế của Thiên Chúa."
Trong khi ngài bị đưa ra xét xử, cha ngài cũng đi theo, nài nỉ quan tòa. Vì thương hại, quan tòa cũng cố thay đổi ý định của Perpetua, nhưng ngài vẫn cương quyết, và cùng với các người khác, ngài bị kết án tử hình bằng cách ném cho thú dữ ăn thịt trong đấu trường.
Trong khi đó Felicity cũng rất đau khổ. Theo luật lệ, giết người phụ nữ mang thai là điều trái phép. Giết hài nhi trong bụng mẹ là đổ máu người vô tội và linh thiêng. Trong khi đó, Felicity lại lo rằng ngài không kịp sinh con trước ngày tử đạo, và các bạn ngài sẽ bước vào vinh quang ấy mà không có ngài.
Hai ngày trước khi bị hành quyết, Felicity đau đớn chuyển bụng. Bọn lính canh chế diễu, nhục mạ ngài và nói, "Nếu đau đớn bây giờ mà còn chịu không nổi, thì làm sao đương đầu với thú dữ?" Felicity điềm tĩnh trả lời, "Bây giờ tôi là người phải chịu đau khổ, nhưng trong đấu trường, một Ðấng khác sẽ ở trong tôi, chịu đau khổ dùm tôi vì tôi đã chịu đau khổ vì Ngài." Felicity sinh hạ một bé gái kháu khỉnh và được một Kitô Hữu ở Carthage nhận làm con nuôi.
Vào ngày hành quyết, bốn bổn đạo mới và giáo lý viên bước vào đấu trường với niềm vui và sự bình thản. Khi dân chúng đòi hỏi Perpetua và các bạn ngài phải mặc y phục dành cho việc thờ cúng tà thần, Perpetua đã đối chất với các lý hình. "Chúng tôi tự ý chịu chết để được tự do thờ phượng Thiên Chúa của chúng tôi. Chúng tôi đã trao mạng sống cho các ông thì không có lý do gì chúng tôi phải thờ lạy thần thánh của các ông." Và các ngài đã được phép mặc quần áo của mình.
Những người đàn ông thì bị tấn công bởi gấu, beo và heo rừng. Các phụ nữ thì bị bò dại tấn công. Perpetua, dù bị tan nát và rối bời, ngài vẫn nghĩ đến các bạn và chạy đến giúp Felicity đứng dậy. Cả hai đã đứng cạnh nhau khi bọn lính cắt cổ tất cả năm vị tử đạo.
Lời Bàn
Không chỉ những Kitô Hữu thời xa xưa mới bị bách hại vì đức tin. Hãy nhìn đến trường hợp của cô Anne Frank, một thiếu nữ Do Thái, đã cùng với gia đình trốn tránh và sau cùng phải chết trong trại tử thần của Hitler thời Thế Chiến II. Cô Anne, cũng như Thánh Perpetua và Filicity, đã chịu thử thách và đau khổ, và sau cùng chịu chết vì tận hiến cho Thiên Chúa. Trong nhật ký, cô Anne viết, "Ðối với những người trẻ như chúng tôi, đó là sự khó khăn gấp bội khi phải giữ vững vị thế và lập trường của mình trong quãng thời gian mà mọi lý tưởng đều rạn vỡ và tiêu tan, khi con người lộ ra bộ mặt xấu xa nhất, và không biết có nên tin vào chân lý, sự chính trực và Thiên Chúa hay không."
Lời Trích
Lời sau cùng Perpetua nói với em mình là: "Hãy giữ vững đức tin và yêu thương tha nhân."
8 Tháng Ba : Thánh Gioan của Thiên Chúa (1495 - 1550)
Từ lúc tám tuổi cho đến khi chết, Thánh Gioan thường hành động hấp tấp. Sự thử thách là làm sao để biết đó là sự thúc giục của Chúa Thánh Thần, chứ không phải là những cám dỗ trần tục. Nhưng không giống như những người bốc đồng khác, một khi đã quyết định, dù hấp tấp đi nữa, thánh nhân trung thành với quyết định ấy dù có gian khổ cách mấy.
Khi lên tám tuổi, Gioan nghe một linh mục nói về cuộc phiêu lưu đi tìm thế giới mới. Ðêm hôm ấy, Gioan bỏ nhà đi theo vị linh mục này và không bao giờ gặp mặt cha mẹ nữa. Cả hai đi ăn xin từ làng này sang làng khác cho đến khi Gioan ngã bệnh nặng. May mắn, nhờ một người tá điền trong vùng chăm sóc và nhận làm con nuôi nên Gioan mới sống sót. Anh làm nghề chăn cừu cho đến khi 27 tuổi thì gia nhập quân đội Tây Ban Nha trong cuộc chiến chống với nước Pháp. Khi là quân nhân, Gioan bê bối không thể tưởng, anh đánh bài, uống rượu và cùng với đồng đội phá làng phá xóm. Một ngày kia, khi đang cưỡi con ngựa ăn cắp được, anh bị ngã ngựa gần ranh giới với nước Pháp. Hoảng sợ vì thoát chết, anh nhìn lại cuộc đời và vội vàng thề sẽ thay đổi.
Khi trở về đơn vị, anh giữ lời hứa và đi xưng tội, thay đổi lối sống. Các bạn đồng đội không bận tâm với việc sám hối của anh, nhưng họ chán ghét anh vì anh luôn thúc giục họ từ bỏ các thú vui trụy lạc. Bởi đó họ tìm cách đánh lừa để anh rời bỏ nhiệm sở, vi phạm kỷ luật và bị đuổi ra khỏi quân đội sau khi bị đánh đập và lột hết của cải. Anh phải đi xin ăn trên đường trở về nhà cha nuôi, trở lại nghề chăn cừu.
Khi chăn cừu, Gioan có nhiều thời giờ để suy niệm về ơn gọi của mình. Vào lúc 38 tuổi Gioan quyết định sang Phi Châu để chuộc những Kitô Hữu bị bắt. Nhưng trong khi chờ đợi ở bến tầu Gibraltar, vì cảm thương một gia đình quý tộc bị sa cơ thất thế sau biến động chính trị và phải lưu đầy, Gioan quên đi ý định ban đầu và tình nguyện làm gia nhân cho họ. Khi đến đất lưu đầy, gia đình này bệnh hoạn đến độ không những Gioan phải săn sóc họ mà còn phải đi làm để kiếm tiền nuôi sống họ. Công việc xây cất các thành lũy thật vất vả, thật bất nhân mà các nhân công thường bị đánh đập và đối xử tàn tệ bởi những người tự xưng là Công Giáo. Cảnh tượng ấy đã làm lung lay đức tin của Gioan. Một linh mục khuyên Gioan đừng đổ tội cho Giáo Hội vì những hành động của giáo dân, và nên về lại Tây Ban Nha.
Ở Tây Ban Nha, ban ngày Gioan làm phu khuân vác bến tầu, ban đêm ngài đến nhà thờ để cầu nguyện và đọc sách thiêng liêng. Việc đọc sách đem lại cho ngài niềm vui đến độ ngài quyết định phải chia sẻ niềm vui ấy với người khác. Gioan bỏ nghề khuân vác và đi bán sách dạo, lang thang từ phố này sang phố khác để bán sách thiêng liêng và ảnh các thánh. Khi 41 tuổi, Gioan sang Granada mở một tiệm bán sách nhỏ.
Sau khi nghe giảng về sự ăn năn sám hối của vị giảng thuyết nổi tiếng thời bấy giờ là Chân Phước Gioan Avila, Gioan trở về nhà, xé tất cả các sách đời, phân phát tiền của và các sách đạo cho mọi người. Gioan lang thang với quần áo rách nát, than khóc về tội lỗi của mình như một người điên, và bị trẻ con cũng như mọi người chế nhạo.
Bạn bè đưa Gioan vào dưỡng trí viện để chữa trị, là nơi ngài bị trói và bị đánh đập. Cho đến khi Chân Phước Gioan Avila đến thăm và cho biết là sự sám hối của ngài đã đủ 40 ngày, như Ðức Kitô xưa ăn chay trong sa mạc, thì Gioan trở lại bình thường và được đưa sang một khu vực khác, lành mạnh hơn. Ở đây, Gioan nhanh nhẹn giúp đỡ các bệnh nhân khác, và bệnh viện cũng không phiền hà khi có một người trợ tá làm việc không công. Cho đến khi ngài tuyên bố là sẽ mở một nhà thương khác thì họ cho ngài xuất viện.
Có thể Gioan tin rằng Thiên Chúa muốn ngài xây cất một bệnh viện cho người nghèo bị xã hội hắt hủi, nhưng ai nấy cũng đều cho đó là một người điên, vì làm sao có thể xây cất một bệnh viện với nguồn tài chánh duy nhất là việc bán củi. Ban đêm, ngài lấy những đồng tiền kiếm được mua thực phẩm và quần áo cho những người nghèo sống dưới gầm cầu hoặc trong các căn nhà hoang phế. Bởi thế, bệnh viện đầu tiên của ngài là các đường phố ở Granada. Cho đến khi có một người hảo tâm cho Gioan thuê lại một căn nhà với giá rẻ, "bệnh viện" của ngài mới bắt đầu thành hình mà tất cả phương tiện cũng như sự tài trợ là nhờ đi xin. Với kinh nghiệm xin ăn sẵn có, ngài đi khắp đường phố, miệng rao lớn, "Hãy làm việc lành cho chính mình! Vì tình yêu Thiên Chúa, hỡi anh chị em, hãy làm việc lành!" Ban ngày, ngài cõng các bệnh nhân về nhà như khuân đá, khuân củi, để tắm rửa, lau chùi các vết thương và cho họ ăn mặc tử tế. Ban đêm thì ngài cầu nguyện.
Cuộc sống của ngài đã bị chỉ trích bởi những người không thích hành động bác ái vội vàng hấp tấp. Có lần, khi gặp một gia đình đi xin ăn đang đói, ngài chạy vội vào một căn nhà gần đó, lấy cắp nồi cơm và đem cho họ. Lần khác, khi thấy các em bụi đời quần áo rách nát, ngài vào tiệm quần áo và mua quần áo mới cho chúng. Dĩ nhiên, là mua chịu!
Tuy nhiên sự vội vàng ấy đã giúp nhiều người sống sót trong một vụ hoả hoạn ở nhà thương mà ngài đã liều mình xông vào lửa, bế các bệnh nhân ra ngoài. Vào lúc ấy, nhà cầm quyền quyết định dùng súng đại bác để phá hủy một phần nhà thương nhằm ngăn chặn ngọn lửa khỏi cháy lan sang thì ngài đã ngăn cản họ, và vội vàng leo lên mái nhà dùng chiếc búa rìu tách rời phần bị cháy. Ngài thành công, nhưng đồng thời cũng rơi theo mái nhà hực lửa đang sụp đổ. Trong khi mọi người hồi hộp cho số phận vị anh hùng cứu tinh thì lạ lùng thay, Gioan bước ra khỏi đám lửa một cách bình an vô sự.
Khi thánh nhân lâm bệnh nặng thì ngài nghe tin cơn lũ lụt đang trôi dạt những cây gỗ quý về gần thành phố. Không bỏ lỡ cơ hội, ra khỏi giường bệnh, ngài đi vớt gỗ trên dòng sông đang chảy xiết. Và khi một trong những bạn đồng hành của ngài bị rớt xuống sông, ngài đã không nghĩ đến bệnh tình cũng như sự an toàn cho chính mình mà đã nhảy theo cứu vớt. Ngài thất bại không cứu được người ấy, và chính ngài thì bị sưng phổi. Ngài từ trần ngày 8 tháng Ba, ngày sinh nhật thứ năm mươi lăm của ngài, chỉ vì sự yêu thương vội vàng mà đó là động lực của toàn thể cuộc đời ngài.
Thánh Gioan của Thiên Chúa được đặt làm quan thầy của người bán sách, thợ in, bệnh nhân, bệnh viện, y tá, lính cứu hỏa và được coi là người sáng lập tổ chức Sư Huynh Bệnh Viện.
Lời Bàn
Sự khiêm hạ tuyệt đối của Thánh Gioan của Thiên Chúa là điều cảm phục nhất, được thể hiện qua sự vị tha hoàn toàn vì người khác. Thiên Chúa đã ban cho ngài các ơn khôn ngoan, kiên nhẫn, dũng cảm, nhiệt tình và khả năng ảnh hưởng đến người khác. Ngài nhìn thấy sự sai lầm của thời trai tráng, sống xa cách Thiên Chúa, và sau đó đã nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa để bắt đầu một đời sống mới, thực sự yêu thương tha nhân.
9 Tháng Ba : Thánh Frances ở Rôma (1384 - 1440)
Đời sống Thánh Frances bao gồm các khía cạnh của đời thường và đời tu trì. Là một người nội trợ tận tụy và duyên dáng, ngài ước ao một đời sống cầu nguyện và phục vụ, do đó ngài tổ chức một nhóm phụ nữ để chăm sóc người nghèo ở Rôma.
Sinh trong một gia đình giàu có, ngay từ thời niên thiếu Frances đã cảm thấy mình yêu mến đời sống tu trì. Nhưng cha mẹ ngài chống đối và một thanh niên quý tộc đã được chọn để làm vị hôn phu.
Khi bắt đầu quen biết với họ hàng nhà chồng, Frances khám phá rằng cô em dâu của mình cũng ước ao một đời sống phục vụ và cầu nguyện. Do đó, cả hai người, Frances và Vannozza, với sự ưng thuận của các ông chồng, họ bắt đầu luyện tập đời sống tâm linh bằng cách siêng năng tham dự Thánh Lễ, thăm viếng kẻ tù đầy, phục vụ trong các bệnh viện, giúp đỡ người nghèo và thành lập một nhà nguyện bí mật trong ngôi tháp bỏ hoang để cùng nhau cầu nguyện.
Nhiều năm trôi qua, bà Frances sinh hạ hai trai và một gái. Với trách nhiệm của một đời sống gia đình, bà đã dành nhiều thời giờ để lo cho chồng con. Gia đình bà trở nên phát đạt dưới sự quán xuyến của bà, nhưng chỉ được vài năm, trận dịch hạch đã càn quét cả nước Ý và cướp đi đứa con trai thứ hai của bà. Ðể giúp vơi bớt đau khổ của các nạn nhân trận dịch, bà dùng tiền của và tài sản để cung ứng cho các nhu cầu của bệnh nhân. Khi mọi nguồn tài chánh đều cạn kiệt, bà Frances và Vannozza đã đi xin từng nhà. Về sau, khi cô con gái qua đời, bà Frances đã biến một phần căn nhà thành bệnh viện.
Càng ngày bà Frances càng tin tưởng rằng một đời sống cho tha nhân thì cần thiết cho thế gian. Với sự hậu thuẫn của đức lang quân, bà Frances bắt đầu thành lập một tổ chức xã hội dành cho các phụ nữ, được gọi là Hiến Sĩ của Ðức Maria (không có lời khấn). Họ chỉ dâng mình cho Chúa và cho sự phục vụ người nghèo.
Khi tổ chức đã được thành lập, bà Frances không sống trong cơ sở của cộng đoàn mà sống ở nhà với chồng trong bảy năm. Cho đến khi người chồng từ trần, bà sống quãng đời còn lại với cộng đoàn để phục vụ những người bần cùng trong xã hội.
Lời Bàn
Nhìn vào đời sống gương mẫu -- trung tín với Thiên Chúa và tận tụy với tha nhân -- của Thánh Frances nhắc chúng ta nhớ đến Mẹ Têrêsa Calcutta. Ngài nhìn thấy Ðức Giêsu Kitô trong lời cầu nguyện cũng như trong người nghèo. Cuộc đời của Thánh Frances mời gọi chúng ta đừng chỉ tìm kiếm Thiên Chúa trong lời cầu nguyện, mà hãy tận tụy với Ðức Kitô đang sống động trong sự đau khổ của thế giới. Thánh Frances cho chúng ta thấy, một cuộc đời vì tha nhân không nhất thiết chỉ gò bó trong những giới hạn của lời khấn.
Lời Trích
Mẹ Têrêsa có lần nói về người nữ tu trong cộng đoàn của ngài: "Hãy để Ðức Kitô toả sáng và sống động trong và qua người nữ tu khi họ đến các khu tồi tàn. Hãy giúp người nghèo mỗi khi nhìn thấy các nữ tu thì họ được thu hút đến Ðức Kitô và mời Ngài vào trong nhà họ và cuộc đời họ." Thánh Frances ở Rôma nói: "Một phụ nữ đã lập gia đình mà còn đạo đức thì thật đáng khen ngợi, nhưng họ đừng bao giờ quên rằng mình là người nội trợ. Và đôi khi, họ phải để Thiên Chúa ở bàn thờ mà về với ông chồng trong công việc hàng ngày."
10 Tháng Ba : Thánh Ðaminh Saviô (c. 1857)
Nhiều người thánh thiện dường như lại chết yểu. Trong số đó có Thánh Ðaminh Saviô, quan thầy của các chú hội hát.
Sinh trong một gia đình nông dân ở Riva, Ý Ðại Lợi, ngay từ khi lên bốn, mẹ ngài đã thấy cậu con trai bé nhỏ quỳ cầu nguyện trong một góc nhà. Lúc năm tuổi, ngài là chú giúp lễ. Khi lên bẩy, ngài được Rước Lễ Lần Ðầu. Vào ngày trọng đại ấy, ngài đã chọn phương châm: "Thà chết chứ không phạm tội!" và ngài luôn luôn giữ điều ấy.
Quả thật, Ðaminh là một cậu bé bình thường nhưng lòng yêu mến Thiên Chúa của cậu thật phi thường.
Vào lúc 12 tuổi, Ðaminh theo học trường của Thánh Don Bosco. Qua cách cầu nguyện của Ðaminh, mọi người trong trường đều nhận thấy cậu thật khác biệt. Ðaminh yêu quý tất cả mọi người, và dù trẻ hơn họ, cậu cũng lo lắng để ý đến họ. Cậu sợ rằng họ sẽ mất ơn sủng của Thiên Chúa vì tội lỗi.
Có lần, chúng bạn đưa cho cậu xem hình ảnh đồi trụy. Vừa thoáng nhìn thấy, cậu đã cầm lấy tờ báo xé tan ra từng mảnh và hỏi, "Thiên Chúa ban cho chúng ta cặp mắt để nhìn những điều xấu xa như vậy hả? Các anh không thấy xấu hổ sao?"
Một lần khác, hai đứa con trai giận dữ lấy đá ném nhau. Thấy thế, Ðaminh đứng vào giữa, cầm tượng thánh giá nhỏ đưa lên cao, và nói, "Trước khi đánh nhau, mấy anh hãy nhìn vào thánh giá và nói, 'Ðức Giêsu Kitô vô tội khi Ngài chịu chết đã tha thứ cho kẻ giết mình. Tôi là kẻ tội lỗi, và tôi sẽ làm đau khổ Ngài khi không tha thứ cho kẻ thù.' Rồi sau đó mấy anh hãy bắt đầu -- và hãy ném đá tôi trước!"
Hai anh kia cảm thấy xấu hổ, xin lỗi nhau và hứa sẽ đi xưng tội.
Sức khoẻ của Ðaminh rất mỏng manh, thường hay đau yếu luôn và đưa đến biến chứng về phổi khiến cậu phải về nhà để tĩnh dưỡng. Tuy nhiên, khi ở nhà, bệnh tình lại càng gia tăng nên đã được chịu các Bí Tích sau cùng. Lúc ấy Ðaminh mới 15 tuổi, nhưng cậu không sợ chết. Thật vậy, cậu vô cùng sung sướng khi nghĩ đến lúc được lên thiên đàng. Ngay trước khi chết, cậu cố gượng ngồi dậy. Cậu nói thầm vào tai cha mình, "Giã biệt bố." Rồi bỗng dưng mặt cậu tươi sáng với nụ cười rạng rỡ. Cậu kêu lên, "Con đang nhìn thấy những điều kỳ diệu!" và trút hơi thở cuối cùng.
Chính Thánh Don Bosco là người viết lại tiểu sử của Ðaminh Saviô.
Ðaminh Saviô được phong thánh năm 1954. Trong buổi lễ phong thánh, Thánh Giáo Hoàng Piô X đã nói, "Một thiếu niên như Ðaminh, là người cố gắng giữ mình sạch tội từ khi rửa tội cho đến khi chết, quả thật là một vị thánh."
Lời Trích
Thánh Ðaminh Saviô thường nói, "Tôi không làm được những điều trọng đại. Nhưng tôi muốn tất cả những gì tôi làm, ngay cả những gì nhỏ nhặt nhất, là để vinh danh Thiên Chúa."
11 Tháng Ba : Thánh Gioan Ogilvie (1579 - 1615)
Thánh Gioan Ogilvie sinh trong một gia đình Tô Cách Lan mà nửa Công Giáo, nửa Tin Lành Presbyterian. Cha ngài theo phái Calvin (*) và cũng muốn Gioan trở thành người của giáo phái ấy nên đã gửi ngài vào đất liền để đi học. Ở đây Gioan thích thú theo dõi những cuộc tranh luận giữa các học giả Công Giáo và Calvin. Bị hoang mang về những tranh luận của các học giả Công Giáo, ngài tìm đến Kinh Thánh. Hai câu sau đây đã thức tỉnh ngài: "Thiên Chúa muốn mọi người được cứu chuộc, và nhận biết chân lý," và "Hãy đến cùng Ta những ai mệt mỏi và ê chề, Ta sẽ thêm sức cho ngươi."
Dần dà, Gioan hiểu rằng Giáo Hội Công Giáo yêu quý tất cả mọi người. Trong những người ấy, ngài nhận thấy có nhiều vị tử đạo. Ngài quyết định trở thành người Công Giáo và được đón nhận vào Giáo Hội tại Louvain, nước Bỉ, năm 1596 khi 17 tuổi.
Gioan tiếp tục việc học, đầu tiên với các cha dòng Biển Ðức, sau đó là một sinh viên của học viện Dòng Tên ở Olmutz. Ngài gia nhập dòng Tên và trong 10 năm kế tiếp, ngài chăm chỉ rèn luyện tâm linh cũng như kiến thức. Ðược thụ phong linh mục ở Pháp năm 1610, ngài gặp hai linh mục dòng Tên vừa mới từ Tô Cách Lan trở về, sau khi bị bắt và bị cầm tù. Các ngài thấy ít có hy vọng thành công trong việc rao giảng Tin Mừng dưới sự khắt khe của chính quyền nước ấy. Nhưng một ngọn lửa đã nhen nhúm trong lòng Cha Gioan. Trong hơn hai năm kế đó, ngài đã khẩn khoản xin đi truyền giáo ở Tô Cách Lan.
Ðược bề trên cho phép, ngài bí mật vào Tô Cách Lan giả dạng người buôn ngựa hoặc một quân nhân trở về từ cuộc chiến Âu Châu. Thấy không thể thi hành được việc gì đáng kể cho thiểu số Công Giáo ở Tô Cách Lan, Cha Gioan trở về Balê để hội ý bề trên. Bị khiển trách vì đã tự ý bỏ nhiệm vụ ở Tô Cách Lan, ngài được sai trở lại đó. Lần này, ngài hăng say hơn và có một vài thành công trong việc hoán cải cũng như kín đáo phục vụ người Công Giáo Tô Cách Lan. Nhưng không bao lâu, ngài bị phản bội, bị bắt và bị đưa ra toà.
Phiên xử ngài kéo dài đến 26 giờ đồng hồ mà ngài không được ăn uống gì. Ngài bị cầm tù và không cho ngủ. Trong tám ngày và đêm, ngài bị lôi đi như một con vật, bị đâm bằng cây vót nhọn, và tóc bị giật ra từng mảng. Tuy nhiên, ngài vẫn không chịu tiết lộ tên các người Công Giáo hoặc chấp nhận luật lệ của vua về vấn đề tôn giáo. Ngài trải qua phiên tòa lần thứ hai và thứ ba nhưng vẫn cương quyết giữ vững lập trường. Trong phiên tòa cuối cùng, ngài quả quyết với các quan tòa: "Trong tất cả những gì liên hệ đến vua, tôi sẽ vâng lời một cách mù quáng; nếu quyền lực trần thế của vua bị tấn công, tôi sẽ đổ giọt máu cuối cùng vì vua. Nhưng trong những luật lệ tôn giáo mà vua đã áp đặt cách bất công, tôi không thể và cũng không phải vâng theo."
Bị kết án tử hình về tội phản quốc, ngài đã trung tín cho đến cùng, ngay cả khi đứng trên đoạn đầu đài và được hứa sẽ trao trả tự do nếu từ chối đức tin. Ngài bị treo cổ ở Glasgow năm 1615 lúc ba mươi sáu tuổi.
Cha Gioan Ogilvie được phong thánh năm 1976, là vị thánh Tô Cách Lan đầu tiên kể từ năm 1250.
* Phái Calvin là một phương thức giải thích Phúc Âm theo John Calvin. Calvin sống ở Pháp trong thập niên 1500 đồng thời với Martin Luther, người phát động phong trào Cải Cách Tin Lành.
Phương thức Calvin bám vào các điểm cực đoan của phúc âm và tìm cách đưa ra các công thức thần học chỉ dựa trên lời Chúa. Họ nhắm đến sự tối thượng của Thiên Chúa, khẳng định rằng Thiên Chúa thì có thể và sẵn sàng thể hiện bất cứ điều gì Ngài muốn đối với tạo vật, vì Ngài thông suốt mọi sự, ở khắp mọi nơi và toàn năng. Họ cũng cho rằng trong Phúc Âm có các dạy dỗ sau: Thiên Chúa, qua ơn sủng tối cao, Ngài tiền định cho con người được ơn cứu độ; Ðức Giêsu chỉ chết cho những ai đã được tiền định; Thiên Chúa tái sinh những ai mà Ngài thấy họ có thể và muốn chọn theo Thiên Chúa; và những người đã được cứu độ không thể nào mất ơn ấy.
sinh tại Cẩm Chương, Bắc Ninh, Linh Mục, Dòng Ða Minh, xử trảm ngày 11-3-1859 tại Hưng Yên dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 29-4-1951 do Ðức Piô XII, kính ngày 11-3.
12 Tháng Ba : Chân Phước Angela Salawa (1881 - 1922)
Angela phục vụ Ðức Kitô và những người bé mọn của Ðức Kitô với tất cả sức mạnh của ngài.
Sinh ở Siepraw, gần Kraków, Ba Lan, ngài là người con thứ 11 của ông bà Bartlomiej và Ewa Salawa. Vào năm 1897, ngài đến Kraków để sống với người chị Têrêsa. Trong Thế Chiến I, ngài giúp đỡ các tù nhân chiến tranh bất kể quốc tịch hay tôn giáo. Ngài thích nghiền ngẫm các văn bản của Thánh Têrêsa Avila và Thánh Gioan Thánh Giá.
Cũng trong thời chiến, ngài đã hết mình chăm sóc các thương binh của Thế Chiến I. Sau năm 1918, vì lý do sức khoẻ ngài phải chấm dứt công việc tông đồ này. Trong nhật ký, ngài tâm sự với Ðức Kitô, "Con muốn Chúa được kính mến nhiều cũng như khi Chúa bị khinh miệt." Ở chỗ khác, ngài viết, "Lạy Chúa, con sống bởi thánh ý Chúa. Chết hay sống là tùy thuộc ý Chúa muốn; xin gìn giữ con vì Chúa có thể làm điều ấy."
Trong lễ phong chân phước năm 1991 ở Kraków, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: "Chính trong thành phố này mà ngài đã hoạt động, đã chịu đau khổ và đã nên thánh. Trong khi sống theo tinh thần của Thánh Phanxicô, ngài vẫn đáp ứng một cách phi thường với tác động của Chúa Thánh Thần" (Báo L'Observatore Romano, tập 34, số 4, 1991)
Lời Bàn
Ðừng bao giờ lầm tưởng sự khiêm hạ với thiếu tự tin, thiếu ý chí và không có hướng đi. Chân Phước Angela đã đem Tin Mừng và sự giúp đỡ vật chất cho một số người "bé mọn" của Ðức Kitô. Sự hy sinh này phải khích động chúng ta hành động tương tự.
Lời Trích
Cha Henri de Lubac, dòng Tên, đã viết: "Các Kitô Hữu tốt lành nhất và đầy sức sống nhất thì không thể tìm thấy trong những người khôn ngoan hay tài giỏi, người trí thức hay có đầu óc chính trị, hoặc những người có địa vị xã hội. Bởi đó, những gì họ nói thì không được báo chí để ý đến; những gì họ làm thì công chúng không ai biết. Ðời sống của họ ẩn khuất dưới con mắt thế gian, và nếu họ có được chút gì nổi tiếng, điều đó thường xảy đến cách muộn màng, và rất ngoại lệ, và luôn luôn kèm theo nguy cơ bị bóp méo" (The Splendor of the Church [Sự Huy Hoàng của Giáo Hội], trang 187).
13 Tháng Ba : Thánh Nicôla Owen (c. 1606)
Thánh Nicôla, thường gọi là "Tiểu Gioan", thân hình nhỏ nhắn nhưng lại vĩ đại về sự quý mến mà các linh mục dòng Tên dành cho ngài.
Sinh ở Oxford, ngài hành nghề thợ mộc và đã cứu được mạng sống của nhiều linh mục cũng như giáo dân ở Anh Quốc trong thời kỳ cấm cách (1559 - 1829), mà nhiều đạo luật đã được ban hành để trừng phạt người Công Giáo vì sống đức tin.
Trong khoảng thời gian 20 năm, Thánh Nicôla đã dùng tài năng của mình để thiết lập những nơi ẩn nấp kín đáo cho các linh mục trên toàn quốc. Công trình của ngài -- được thiết kế và dàn dựng bởi chính tay ngài -- quá kín đáo đến nỗi biết bao lần lục soát mà quan quân không thể nào tìm thấy các linh mục ẩn nấp trong đó. Ngài có tài tìm kiếm, và thiết lập những nơi an toàn như địa đạo ngầm dưới đất, khoảng cách giữa hai bức tường, và các ngõ ngách không cách chi vào được. Ngay cả có lần ngài sắp đặt kế hoạch để cứu thoát hai linh mục dòng Tên khỏi nhà tù ở Luân Ðôn.
Bất cứ khi nào Thánh Nicôla bắt đầu hoạch định những nơi ẩn nấp, ngài thường khởi sự bằng việc rước Mình Thánh Chúa, và trong suốt tiến trình dàn dựng đầy nguy hiểm ấy, ngài thường đến với Thiên Chúa qua sự cầu nguyện.
Sau nhiều năm phục vụ với công việc khác thường ấy, ngài đã gia nhập dòng Tên với tư cách thầy trợ sĩ, tuy nhiên sự liên hệ này đã được giữ bí mật với những lý do chính đáng.
Sau nhiều lần thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, ngài bị bắt năm 1594. Mặc dù bị tra tấn dã man, ngài vẫn không tiết lộ danh tính của các người Công Giáo. Sau khi được thả tự do với một số tiền hối lộ, "Tiểu Gioan" lại trở về với công việc cũ. Ngài bị bắt lại vào năm 1606. Lần này ngài bị tra tấn quá dã man và đã chết vì đau đớn. Quân cai ngục cố tuyên truyền rằng ngài đã thú nhận tội lỗi và tự tử, nhưng hành động anh hùng và sự thống khổ của ngài sau đó đã được lan truyền khắp nước.
Ngài được Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI phong thánh năm 1970 như một trong 40 vị Tử Ðạo của Anh Quốc và Wales.
14 Tháng Ba : Thánh Maximilian (c. 295)
Ngay từ thời Giáo Hội tiên khởi, chúng ta may mắn có được một tài liệu quý báu và hầu như không một chút thêm thắt trong bài tường thuật tử đạo của Thánh Maximilian ở Algeria ngày nay.
Bị điệu ra trước quan thống đốc Dion, Thánh Maximilian từ chối không chịu gia nhập đạo quân La Mã với lý luận như sau, "Tôi là Kitô Hữu, tôi không thể làm sự dữ, tôi không thể phục vụ trong quân đội."
Dion trả lời: "Ngươi phải phục vụ hoặc là chết."
Maximilian đáp lại: "Tôi không bao giờ phục vụ. Ông có thể chém đầu tôi, nhưng tôi sẽ không bao giờ là một người lính của thế giới này, vì tôi là một người lính của Ðức Kitô. Tôi thuộc về đạo binh của Thiên Chúa, và tôi không thể chiến đấu cho thế giới này. Tôi đã nói với ông, tôi là một Kitô Hữu."
Dion hỏi: "Dưới quyền của Diocletian và Maximian, Constantius và Galerius, cũng có những người lính là Kitô Hữu phục vụ thì sao."
Maximilian trả lời: "Ðó là vấn đề của họ. Tôi cũng là một Kitô Hữu, nhưng tôi không thể phục vụ."
Dion hỏi: "Nhưng làm lính thì có thiệt hại gì?"
Maximilian trả lời: "Ông biết rõ điều đó."
Dion nói: "Nếu ngươi không thi hành nghĩa vụ ta sẽ kết án tử hình vì sự khinh thường quân đội."
Thánh Maximilian trả lời: "Tôi sẽ không chết. Khi tôi từ giã cõi đời, linh hồn tôi sẽ sống với Ðức Kitô là Thiên Chúa của tôi."
Lúc ấy Thánh Maximilian 21 tuổi và ngài đã vui mừng dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa. Sau khi chứng kiến sự hành quyết, cha thánh nhân vui mừng trở về nhà, ông cảm tạ Thiên Chúa vì có được một món quà thật tốt đẹp để dâng lên Thiên Chúa.
15 Tháng Ba : Thánh Louise de Marillac (c. 1660)
Thánh Louise sinh ở Ferrieres-en-Brie gần Meux, nước Pháp, mồ côi mẹ khi còn nhỏ, và khi được 15 tuổi thì mồ côi cha. Ao ước của thánh nữ là trở nên một nữ tu nhưng cha giải tội đã ngăn cản, và sau đó ngài kết hôn với ông Antony LeGras. Trong hôn nhân này họ có được một đứa con trai. Nhưng sau đó không lâu, ông Antony đã từ giã cõi đời sau một thời gian đau yếu lâu dài.
Bà Louise may mắn có được các cha linh hướng khôn ngoan và dễ mến, đó là Thánh Francis de Sales, và người bạn của ngài là Ðức Giám Mục của Belley, nước Pháp. Bà Louise không gặp hai vị thường xuyên, nhưng tận trong thâm tâm, bà linh cảm thấy rằng mình sẽ đảm nhận một công việc nặng nề dưới sự hướng dẫn của một người chưa bao giờ quen biết. Ðó là vị linh mục thánh thiện Vincent, mà sau này là Thánh Vincent de Paul.
Lúc đầu, Cha Vincent do dự nhận lời làm cha giải tội cho bà Louise, vì sự bận rộn của ngài với tổ chức "Các Chị Em Bác Ái." Hội viên của tổ chức này là các bà quý tộc có lòng nhân từ, giúp đỡ cha chăm sóc người nghèo và các em bị bỏ rơi, là công việc rất cần thiết trong thời gian ấy. Nhưng các bà cũng phải bận rộn với nhiệm vụ và công việc gia đình. Trong khi công việc của cha thì cần rất nhiều người giúp đỡ, nhất là những nông dân vì họ gần gũi với người nghèo và dễ có cảm tình với họ. Ngài cũng cần ai đó có thể dạy cho họ biết đọc biết viết và tổ chức sinh hoạt hội đoàn cho họ.
Chỉ sau một thời gian khá lâu, khi Cha Vincent ngày càng quen biết với bà Louis, thì ngài mới nhận ra rằng bà là người mà Chúa đã gửi đến để đáp lại lời cầu xin của cha. Bà Louis thông minh, khiêm tốn và có sức chịu đựng bền bỉ. Sau một thời gian thi hành các công việc mà cha giao phó, bà tìm thêm được bốn phụ nữ bình dị khác đến tiếp tay. Căn nhà thuê của bà ở Balê đã trở thành trung tâm săn sóc người nghèo và người đau yếu. Và đó là khởi đầu của tu hội Nữ Tu Bác Ái của Thánh Vincent de Paul, (mặc dù Cha Vincent muốn gọi tổ chức này là "Nữ Tử" Bác Ái). Bà tuyên khấn năm 1634 và tu hội đã thu hút được nhiều người tham gia.
Cha Vincent thường từ tốn và khôn ngoan trong cách cư xử với bà Louis và tổ chức mới này. Ngài nói không bao giờ ngài muốn thành lập một cộng đoàn mới, mà chính là Thiên Chúa thi hành mọi sự. Cha nói, "Tu viện của con sẽ là nhà của người bệnh; phòng của con là phòng cho thuê mướn; nhà nguyện của con là nhà thờ của giáo xứ; khuôn viên nhà dòng là đường phố hay các khu vực nhà thương." Y phục của họ là y phục của phụ nữ nông dân. Mãi cho đến vài năm sau, Cha Vincent de Paul mới cho phép bốn phụ nữ khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Và phải mất nhiều năm hoạt động thì Tòa Thánh mới chính thức công nhận tu hội này và đặt dưới sự hướng dẫn của Cha Vincent và Tu Hội Truyền Giáo.
Bà Louis đi khắp nước Pháp, thành lập chi nhánh trong các bệnh viện, cô nhi viện và các tổ chức khác. Cho đến khi từ trần, ngày 15 tháng Ba 1660, tu hội của bà đã có trên 40 nhà ở nước Pháp. Kể từ đó họ đã phát triển trên toàn thế giới.
Bà Louise de Marillac được Ðức Giáo Hoàng Piô XI phong thánh năm 1934, và năm 1960 thánh nữ được Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đặt làm Quan Thầy các Cán Sự Xã Hội.
16 Tháng Ba : Thánh Clement Mary Hofbauer (1751 - 1820)
Có thể gọi Thánh Clement là vị sáng lập thứ hai của dòng Chúa Cứu Thế, vì chính ngài là người đã đem tu hội của Thánh Alphôngsô Liguori đến với người dân ở phía bắc rặng Alp.
Sinh trong một gia đình nghèo ở Moravia, ngài là con thứ chín trong mười hai người con, và tên rửa tội là Gioan. Mặc dù ngài ao ước trở nên một linh mục, nhưng vì không có tiền đi học, ngài phải học nghề làm bánh mì. Nhưng Thiên Chúa đã can thiệp để giúp ngài thể hiện ước mơ ấy.
Ngài được nhận vào làm bánh trong một đan viện, là nơi ngài có thể tham dự các lớp Latinh. Sau khi vị tu viện trưởng từ trần, Gioan thử sống đời ẩn tu nhưng lúc ấy Hoàng Ðế Joseph II ra lệnh hủy bỏ các đan viện, Gioan lại trở về Vienna hành nghề làm bánh. Một ngày kia, sau khi dự lễ tại vương cung thánh đường Thánh Stêphanô, trong cơn mưa tầm tã ngài đã giúp hai bà quý tộc gọi xe kéo. Qua cuộc đối thoại, hai bà được biết Gioan muốn đi tu nhưng không đủ tài chánh. Và họ đã rộng lượng giúp đỡ Gioan cũng như bạn của ngài là Tađêô, theo học trong chủng viện. Cả hai đến Rôma, là nơi họ được lôi cuốn bởi ý nghĩa đời sống tu trì của Thánh Alphôngsô. Và hai người đã thụ phong linh mục năm 1785 trong dòng Chúa Cứu Thế.
Sau khi mới chịu chức, lúc ấy đã 34 tuổi, Gioan được gọi là Clement Mary, cùng với Tađêô được sai trở về Vienna. Nhưng sự khó khăn tôn giáo ở đây đã khiến hai người phải bỏ lên miền bắc đến Warsaw, Ba Lan. Ở đây họ gặp rất nhiều người Công Giáo nói tiếng Ðức bơ vơ không có linh mục chăm sóc vì chính quyền đàn áp các cha dòng Tên. Ðầu tiên hai ngài phải sống rất khó nghèo và rao giảng ngoài trời. Sau đó các ngài được giao cho nhà thờ Thánh Benno để trông coi, và trong vòng chín năm kế tiếp, mỗi ngày hai ngài phải giảng năm lần, hai lần bằng tiếng Ðức và ba lần bằng tiếng Ba Lan, các ngài đã hoán cải được nhiều linh hồn về với Giáo Hội. Cả hai đều tích cực trong công việc xã hội giúp đỡ người nghèo, sáng lập cô nhi viện và mở một trường nam sinh.
Nhờ lôi cuốn được nhiều người đến dâng mình cho Chúa, các ngài đã có thể gửi các vị truyền giáo đến Ba Lan, Ðức và Thụy Ðiển. Tất cả các cơ sở truyền giáo này sau đó đều bị phá hủy vì những căng thẳng chính trị và tôn giáo thời đó. Sau 20 năm làm việc vất vả, chính Cha Clement bị bỏ tù và bị trục xuất khỏi nước. Và sau một lần bắt bớ khác ngài mới đến được Vienna, là nơi ngài sinh sống và hoạt động trong 12 năm cuối đời. Không bao lâu, ngài nổi tiếng là "vị tông đồ của Vienna", ngài nghe người giầu cũng như nghèo xưng tội, đi thăm kẻ liệt, cố vấn cho những người thế lực, chia sẻ sự thánh thiện của ngài với tất cả mọi người trong thành phố. Công trình đáng kể nhất của ngài là thành lập một trường đại học Công Giáo trong thành phố yêu dấu này.
Sự bách hại vẫn theo đuổi ngài, và nhà cầm quyền đã buộc ngài phải ngừng rao giảng. Có lần giới thẩm quyền cao cấp nhất cố gắng trục xuất ngài, nhưng sự thánh thiện và danh tiếng đã bảo vệ ngài cũng như sự phát triển của dòng Chúa Cứu Thế đã giữ chân ngài lại. Cho đến khi ngài qua đời vào năm 1820, các nỗ lực của ngài đã giúp cho dòng Chúa Cứu Thế được thiết lập vững bền ở mạn bắc rặng Alp.
Ngài được phong thánh năm 1909.
17 Tháng Ba : Thánh Patrick (389?-461?)
Truyền thuyết về Thánh Patrick thì quá nhiều; nhưng khi nhìn đến hai đức tính chắc chắn của ngài: khiêm tốn và dũng cảm thì điều đó có ích lợi cho chúng ta. Chính thái độ cương quyết khi chấp nhận đau khổ cũng như thành công đã hướng dẫn cuộc đời của Thánh Patrick, một khí cụ của Thiên Chúa, để chiến thắng cho Ðức Kitô hầu như tất cả tâm hồn người Ái Nhĩ Lan.
Chi tiết về đời ngài thì không chắc chắn. Về nơi sinh trưởng của Thánh Patrick, có người cho là ở Kilpatrick, Tô Cách Lan, có người nói ở Cumberland, Anh Quốc. Cha mẹ ngài là người Rôma sống ở Anh Quốc với nhiệm vụ cai quản các bán đảo.
Khoảng 14 tuổi, chính ngài và phần lớn các nô lệ cũng như các quần thần của cha ngài bị hải tặc Ái Nhĩ Lan bắt và bán làm nô lệ để chăn cừu. Trong thời gian này, Ái Nhĩ Lan là đất của người Druid và ngoại giáo. Ở đây, ngài học ngôn ngữ và phong tục của dân tộc đang bắt giữ ngài.
Sáu năm sau, Patrick vượt thoát, có lẽ đến nước Pháp, và sau đó trở về Anh đoàn tụ với gia đình. Trong thời gian bị bắt tinh thần ngài thay đổi hoàn toàn. Ngài bắt đầu học làm linh mục, và được chịu chức bởi Thánh Germanus, Ðức Giám Mục của Auxerre.
Sau đó, khi 43 tuổi ngài được tấn phong giám mục. Trong một thị kiến, dường như "mọi trẻ con ở Ái Nhĩ Lan từ trong lòng mẹ vươn cánh tay" đến ngài. Ngài hiểu thị kiến này là một lời mời gọi đi rao giảng Tin Mừng cho người ngoại giáo Ái Nhĩ Lan. Ngài đến phía tây và phía bắc, là nơi chưa bao giờ đức tin được rao giảng ở đây, và ngài đã được sự bảo vệ của các vua chúa trong vùng và đã hoán cải rất nhiều người.
Ngài tấn phong nhiều linh mục, chia quốc gia này thành các giáo phận, tổ chức các công đồng, thành lập vài đan viện và tiếp tục thúc giục dân chúng sống thánh thiện hơn.
Ngài chịu đau khổ vì bị các tăng sĩ ngoại giáo chống đối, và bị chỉ trích cả ở Anh và Ái Nhĩ Lan vì đường lối truyền giáo của ngài.
Trong 40 năm rao giảng và hoán cải, ngài đã làm nhiều phép lạ và đã viết Confessio nói về tình yêu của ngài dành cho Thiên Chúa. Ngài từ trần năm 461 ở Saul, là nơi ngài xây dựng nhà thờ đầu tiên.
Lời Bàn
Ðiểm đặc biệt của Thánh Patrick là sự bền bỉ trong các nỗ lực. Chỉ khi nghĩ đến tình trạng của Ái Nhĩ Lan lúc ngài mới bắt đầu truyền giáo, với phạm vi rộng lớn mà ngài phải lao nhọc và hạt giống đức tin mà ngài đã vun trồng hiện vẫn tiếp tục nẩy nở và phát triển, thì người ta mới thán phục con người của Thánh Patrick. Sự thánh thiện của một con người chỉ có thể nhận biết qua kết quả của họ.
Lời Trích
"Ðức Kitô che chở tôi hôm nay: Ðức Kitô ở với tôi, Ðức Kitô ở trước tôi, Ðức Kitô ở sau tôi, Ðức Kitô ở trong tôi, Ðức Kitô ở dưới tôi, Ðức Kitô ở trên tôi, Ðức Kitô ở bên phải tôi, Ðức Kitô ở bên trái tôi, Ðức Kitô ở với tôi khi nằm nghỉ, Ðức Kitô ở với tôi khi thức dậy, Ðức Kitô ở trong tâm hồn bất cứ ai khi nghĩ đến tôi, Ðức Kitô ở trong mắt những ai khi nhìn thấy tôi, Ðức Kitô ở trong tai những ai khi nghe lời tôi" (trích từ ca vịnh của Thánh Patrick).
18 Tháng Ba : Thánh Cyril ở Giêrusalem (315? - 386)
Những khó khăn trong Giáo Hội ngày nay chỉ là thiểu số so với các chấn động của lạc giáo Arian thời ấy khi họ từ chối thiên tính của Ðức Kitô. Thánh Cyril bị vướng vào vòng tranh luận, bị Thánh Giêrôme kết án là người theo tà thuyết Arian và sau cùng ngài đã được thanh minh bởi những người của thời ấy và được tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1822.
Chúng ta không biết nhiều về cuộc đời thơ ấu của Thánh Cyril. Các sử gia ước đoán ngài sinh trong khoảng năm 315, và lớn lên ở Giêrusalem. Về gia đình ngài, có lẽ cha mẹ ngài là Kitô Hữu và dường như ngài rất thảo kính cha mẹ. Ngài thúc giục các dự tòng kính trọng các bậc sinh thành "vì dù chúng ta có đền đáp thế nào đi nữa, cũng không thể nào bù đắp được công ơn sinh thành của cha mẹ." Chúng ta còn được biết ngài có một em gái và một cháu trai, Gelasius, sau này là giám mục và là thánh.
Qua các văn bút ngài để lại, dường như ngài thuộc về nhóm gọi là Solitary (Ðộc Thân). Họ là những người sống tại gia nhưng giữ đức khiết tịnh, khổ hạnh và phục vụ.
Sau khi được tấn phong là phó tế và sau đó là linh mục, đức giám mục Maximus đã giao cho ngài trách nhiệm dạy giáo lý cho dự tòng và tân tòng. Sách Giáo Lý ngài viết vẫn có giá trị như một thí dụ điển hình cho nền tảng thần học và phụng tự của Giáo Hội vào giữa thế kỷ thứ tư.
Khi Ðức Maximus từ trần, Cha Cyril được tấn phong làm giám mục của Giêrusalem. Vì ngài được sự hỗ trợ của giám mục Caesarea là Acacius, người theo lạc thuyết Arian, nên phe chính giáo chỉ trích việc bổ nhiệm này, và phe Arian lại nghĩ rằng họ có thêm một đồng minh. Cả hai phe đều sai lầm, và Ðức Cyril thì kẹt ở giữa.
Khi nạn đói càn quét Giêrusalem, dân chúng chạy đến Ðức Cyril xin giúp đỡ. Vì không có tiền, ngài phải bán một số đồ dùng của nhà thờ để giúp đỡ người đói. Nhưng có những lời dèm pha rằng một số áo lễ được dùng làm y phục cho kép hát.
Sự bất hòa giữa Acacius và Ðức Giám Mục Cyril bắt đầu là về vấn đề quản hạt chứ không phải vấn đề tín lý. Là giám mục của Caesarea, Acacius nghĩ rằng mình có toàn quyền trên các giám mục Palestine. Nhưng Ðức Giám Mục Cyril lý luận rằng thẩm quyền của Acacius không bao gồm Giêrusalem vì Giêrusalem là một "tông tòa" -- là ngai toà do các tông đồ thiết lập. Khi Ðức Cyril không hiện diện trong các công đồng mà Acacius triệu tập, Acacius và phe cánh đã kết án ngài là đã bán vật dụng của nhà thờ để kiếm tiền và trục xuất ngài.
Ðức Cyril phải lưu đầy ở Tarsus trong khi chờ đợi việc kháng cáo. Sau đó, ngài xuất hiện trong Công Ðồng Seleucia, trong đó phe bán-Arian (vừa theo chính giáo, vừa theo Arian) chiến thắng. Kết quả là Acacius bị truất phế và Ðức Cyril được trở về ngai toà cũ. Tuy nhiên, hoàng đế không hài lòng về kết quả này, và một lần nữa, Ðức Giám Mục Cyril lại bị trục xuất và chỉ trở về khi hoàng đế Julian lên ngôi. Ðược vài năm sau, một sắc lệnh của tân hoàng đế Valens trục xuất tất cả các giám mục được Julian hồi phục, và Ðức Cyril lại phải lưu đầy cho tới khi Valens qua đời.
Có thể nói một nửa nhiệm kỳ giám mục của Ðức Cyril là bị đầy ải. Sau cùng, ngài trở về Giêrusalem, lúc ấy đã tan nát vì lạc giáo, ly giáo và tranh giành, tàn lụi vì tội lỗi. Năm 381, ngài đến tham dự Công Ðồng Constantinople, là công đồng hoàn tất bản kinh Tin Kính Nicene và phe Arian bị kết án. Ðức Cyril được thanh minh và được tẩy sạch mọi tiếng xấu trước đây, các giám mục tham dự Công Ðồng đã ca ngợi ngài như vị quán quân chính thống chống với bè phái Arian.
Ðức Cyril sống an bình tám năm ở Giêrusalem và từ trần năm 386, khi ngài khoảng bảy mươi tuổi.
Lời Bàn
Những ai tưởng rằng đời sống các thánh thật đơn giản và êm đềm, không một chút tranh chấp trần tục, chắc phải kinh hoàng về cuộc đời Thánh Cyril. Tuy nhiên, mọi Kitô Hữu không thể thoát khỏi những khó khăn như chính Thầy mình đã trải qua. Theo đuổi chân lý là một con đường phức tạp và không cùng, và mọi người thiện tâm đều đau khổ vì sự tranh giành và lầm lạc. Những chướng ngại về tri thức, tình cảm và chính trị có thể trì trệ đôi chút những người như Thánh Cyril. Nhưng đời sống của họ, nhìn toàn bộ, sẽ là những mẫu mực của sự thành tâm và dũng cảm.
19 Tháng Ba : Thánh Giuse
Phúc Âm đã ca ngợi Thánh Giuse là người "công chính". Ý nghĩa của chữ "công chính" rất sâu xa.
Khi Phúc Âm nói Thiên Chúa "công chính hóa" người nào, điều đó có nghĩa Thiên Chúa, là Ðấng cực thánh và "chính trực", biến đổi người đó bằng cách cho họ được chia sẻ sự thánh thiện của Thiên Chúa, và bởi đó họ đáng được Thiên Chúa yêu mến.
Khi nói Thánh Giuse "công chính", Phúc Âm muốn nói rằng ngài hoàn toàn mở lòng cho tất cả những gì Thiên Chúa muốn làm cho ngài. Ngài trở nên thánh thiện vì tự mở lòng cho Thiên Chúa.
Với những gì còn lại chúng ta dễ phỏng đoán. Hãy suy nghĩ về tình yêu mà ngài đã theo đuổi và dành được con tim của Ðức Maria, và sự sâu xa của tình yêu mà hai người đã chia sẻ cho nhau trong cuộc hôn nhân.
Khi Thánh Giuse quyết định từ bỏ Ðức Maria khi thấy người có thai, điều này không trái với sự thánh thiện của Thánh Giuse. Phúc Âm có ghi lại một chữ quan trọng là ngài dự định thi hành việc này "cách âm thầm" vì ngài là "một người chính trực, nhưng không muốn tố giác bà để bị xấu hổ" (Mátthêu 1:19).
Người công chính thì đơn sơ, vui vẻ, hết lòng vâng lời Thiên Chúa -- khi kết hôn với Ðức Maria, khi đặt tên cho Hài Nhi Giêsu, khi săn sóc gia thất ở Ai Cập, khi đem gia thất về lại Nagiarét, khi sống âm thầm trong bao năm trường với đức tin và dũng cảm.
Vì Thánh Giuse không xuất hiện trong cuộc đời rao giảng công khai của Ðức Giêsu, nhiều sử gia tin rằng có lẽ Thánh Giuse đã từ trần trước khi Ðức Giêsu khởi đầu sứ vụ rao giảng.
Thánh Giuse là quan thầy của những người hấp hối, vì người ta cho rằng khi ngài từ trần có Ðức Giêsu và Ðức Maria ở bên cạnh, đó là điều mà tất cả chúng ta đều mong ước khi từ giã cõi đời.
Thánh Giuse còn là quan thầy của Giáo Hội hoàn vũ, của các người làm cha, các thợ mộc, và vấn đề công bằng xã hội.
Lời Bàn
Phúc Âm không nói gì nhiều về Thánh Giuse trong những năm sau khi trở về Nagiarét, ngoại trừ biến cố tìm thấy Ðức Giêsu trong Ðền Thờ (xem Luca 2:41-51). Ðiều này có thể hiểu Thiên Chúa muốn chúng ta biết rằng thánh gia cũng giống như mọi gia đình khác, những biến cố xảy ra cho thánh gia cũng xảy ra cho bất cứ gia đình nào, bởi đó khi bản tính bí ẩn của Ðức Giêsu bắt đầu lộ diện thì mọi người đều không tin là Ngài có thể xuất thân từ gia đình đó: "Ông ấy không phải là con bác thợ mộc hay sao? Mẹ của ông ấy không phải là bà Maria sao...? (Mt 13:55a). Và "Có gì hay ho xuất phát từ Nagiarét?" (Gioan 1:46b).
Lời Trích
"Thánh Giuse được Cha trên trời chọn để làm người bảo vệ đáng tin cậy, che chở những kho báu của Ngài, đó là Chúa Con và Ðức Maria, vị hôn thê của Thánh Giuse. Người đã thi hành nhiệm vụ này với sự trung tín cho đến khi Thiên Chúa gọi người, và nói: 'Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, hãy vào hưởng niềm vui của Thiên Chúa ngươi'" (Thánh Bernadine ở Siena viết về Thánh Giuse).
20 Tháng Ba : Thánh Salvator ở Horta (1520 -1567)
Sự nổi tiếng về thánh thiện cũng có một vài bất lợi. Ðược công chúng nhận biết đôi khi cũng phiền toán -- như các đồng nghiệp của Thánh Salvator nhận thấy.
Thánh Salvator sinh trong thời kỳ vàng son của Tây Ban Nha với sự hưng thịnh của nghệ thuật, chính trị, giầu sang cũng như tôn giáo. Chính trong thời kỳ này, Thánh Y Nhã đã sáng lập Dòng Tên năm 1540.
Cha mẹ của Salvator thì nghèo. Khi 21 tuổi, ngài gia nhập dòng Phanxicô với tính cách thầy trợ sĩ, và sau đó không lâu ngài nổi tiếng về sự khắc khổ, khiêm tốn và nếp sống đơn sơ.
Làm người nấu bếp, người giữ cửa và sau này là người đi ăn xin chính thức cho các anh em hèn mọn ở Tortosa, ngài nổi tiếng về lòng bác ái. Ngài chữa lành người bệnh với Dấu Thánh Giá. Khi đám đông dân chúng đổ về nhà dòng để gặp Thầy Salvator, cha bề trên phải di chuyển thầy sang Horta. Nhưng ở đây, nhà dòng cũng không tránh khỏi đám người đông đảo đến xin thầy bầu chữa; họ ước lượng rằng hàng tuần có đến hai ngàn người đến gặp Thầy Salvator. Ngài bảo họ hãy kiểm điểm lại lương tâm, đi xưng tội và rước Mình Thánh Chúa cho xứng đáng. Thầy từ chối không cầu nguyện cho những ai không chịu lãnh nhận các bí tích.
Ðám đông không ngừng bị thu hút đến với Thầy Salvator. Ðôi khi họ còn xé y phục của thầy để lưu trữ như một báu vật. Hai năm trước khi từ trần, thầy lại bị di chuyển một lần nữa, lần này đến thành phố Cagliari trên đảo Sardinia. Thầy từ trần ở đây sau khi thốt lên, "Lạy Chúa, con phó linh hồn con trong tay Chúa."
Thầy được phong thánh năm 1938.
Lời Bàn
Hiện nay y khoa đã nhìn thấy sự tương quan rõ ràng giữa một vài chứng bệnh và đời sống tình cảm cũng như tinh thần của bệnh nhân. Trong cuốn Healing Life's Hurts (Chữa Lành Những Ðau Khổ của Ðời Sống), ông Matthew và Dennis Linn cho biết, nhiều khi người ta chỉ được lành bệnh sau khi thực sự tha thứ cho người khác. Thánh Salvator cũng chữa lành theo phương cách này, và nhiều người đã được khỏi. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi chứng bệnh đều có thể chữa trị theo cách ấy; sự trợ giúp của y học là điều không thể bỏ qua. Nhưng chúng ta nên để ý rằng Thánh Salvator thường khuyên người bệnh hãy tái lập những ưu tiên của đời sống trước khi cầu xin được chữa lành.
Lời Trích
"Sau đó Ðức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, ban cho họ có quyền trên các thần ô uế, để trừ diệt chúng, và chữa lành mọi bệnh tật" (Mt 10:1)
21 Tháng Ba : Chân Phước Gioan ở Parma (1209 - 1289)
Là bề trên cả thứ bảy của Dòng Phanxicô, Chân Phước Gioan nổi tiếng về những cố gắng nhằm khôi phục linh đạo nguyên thủy của Dòng sau khi Thánh Phanxicô Assisi từ trần.
Gioan Buralli sinh ở Parma, nước Ý năm 1209. Khi là giáo sư triết mới hai mươi lăm tuổi, và nổi tiếng đạo đức thì Thiên Chúa đã gọi ngài từ giã thế tục để đi vào thế giới mới của Dòng Phanxicô. Ngài được gửi sang Balê để học thần học. Sau khi thụ phong linh mục, ngài được bổ nhiệm dạy thần học tại Bologna, Naples và Rôma.
Năm 1245, Ðức Giáo Hoàng Innocent IV triệu tập công đồng ở Lyons, nước Pháp. Vị bề trên Dòng Phanxicô lúc bấy giờ là Cha Crescentius đang đau nặng nên không thể tham dự. Ngài gửi Cha Gioan đi thế, và cha đã tạo được một ấn tượng tốt đẹp nơi các vị lãnh đạo Giáo Hội trong công đồng. Hai năm sau, chính vị giáo hoàng ấy đã chủ tọa buổi bầu cử vị bề trên của Dòng Phanxicô, ngài đã nhớ đến Cha Gioan và đã đề cử cha như người xứng đáng nhất nắm giữ chức vụ quan trọng này.
Do đó, năm 1247, Cha Gioan ở Parma được bầu làm bề trên tổng quyền. Các môn đệ chân chính của Thánh Phanxicô vui mừng với sự chọn lựa này, và họ trông đợi sự hồi phục tinh thần khó nghèo và khiêm tốn như những ngày tiên khởi của Dòng. Và họ đã không thất vọng. Theo tài liệu ghi lại, ngài là người cương quyết và cường tráng, do đó ngài luôn nhân từ và vui vẻ dù có mệt mỏi cách mấy. Ngài là Bề Trên đầu tiên đi thăm tất cả các chi nhánh của Dòng, và đi chân đất. Ngài khiêm tốn đến độ mỗi khi đến thăm tu viện nào, ngài đều phụ giúp các thầy rửa rau và chuẩn bị cơm nước. Ngài yêu quý sự thinh lặng để có thể nghĩ đến Thiên Chúa và không bao giờ nói chuyện tầm phào.
Ðức giáo hoàng đã nhờ Cha Gioan làm đại diện đến Constantinople, là nơi ngài hầu như hoàn toàn thành công trong việc đưa người Hy Lạp ly khai trở về với Giáo Hội. Sau đó ngài tiếp tục công việc khôi phục linh đạo nguyên thủy của Dòng. Nhiều biện pháp đã được thi hành để giúp các tu sĩ tuân giữ kỷ luật, nhưng dù có nỗ lực đến đâu, ngài luôn luôn bị chống đối một cách cay đắng. Sau cùng, vì tin rằng mình không có khả năng để thực hiện sự cải tổ cần thiết, ngài đã từ chức và đề cử Cha Bonaventura (sau này là thánh) lên kế vị. Phần Cha Gioan, ngài lui về đời sống ẩn dật ở Greccio.
Nhiều năm sau đó, Cha Gioan nghe biết những người Hy Lạp, đã từng hòa giải với Giáo Hội lúc trước, bây giờ lại đi theo ly giáo. Mặc dù đã 80 tuổi, Cha Gioan được phép của Ðức Giáo Hoàng Nicôla IV trở lại Ðông Phương trong nỗ lực khôi phục sự hiệp nhất một lần nữa. Trên đường đi, ngài đã ngã bệnh và từ trần ngày 19 tháng Ba 1289. Nhiều phép lạ được ghi nhận do sự cầu bầu của ngài.
Cha Gioan được phong chân phước năm 1781.
22 Tháng Ba : Thánh Benvenutus ở Osimo (c. 1282)
Thánh Benvenutus xuất phát từ dòng họ Scotivoli nổi tiếng ở Ancona, Ý Ðại Lợi. Sau khi học thần học và luật tại Ðại Học Bologna, ngài được thụ phong linh mục và được trở về Ancona để phụ giúp việc điều hành giáo phận.
Sau đó, ngài được bổ nhiệm làm giám quản Giáo Phận Osimo. Thành phố này từng trống ngôi giám mục trong 20 năm vì bị trừng phạt về tội ủng hộ Hoàng Ðế Frederick II trong cuộc chiến chống với đức giáo hoàng. Cha Benvenutus thành công trong việc thuyết phục dân chúng Osimo trở về tuân phục đức giáo hoàng. Năm 1264, đức giáo hoàng đặt Cha Benvenutus làm Giám Mục Osimo, nhưng cho phép ngài nhận áo dòng Phanxicô trước khi nhận nhiệm vụ mới.
Khi là giám mục, Ðức Benvenutus vẫn mặc y phục của Dòng và tuân giữ quy luật Thánh Phanxicô một cách nghiêm nhặt. Ngài thúc giục sự cải tổ trong giáo phận bằng cách triệu tập các công đồng và thiết lập các quy tắc thật khôn ngoan để chống với những lạm dụng thời bấy giờ. Nói tóm lại, Ðức Benvenutus đã đưa mọi người trong giáo phận về gần với Thiên Chúa hơn.
Năm 1282, ngài từ trần trong thánh đường của ngài giữa các linh mục giáo phận. Ba năm sau, ngài được Ðức Giáo Hoàng Martin IV tôn phong hiển thánh.
Lời Bàn
Dân chúng đủ mọi thành phần xã hội đã noi gương Thánh Phanxicô đi theo Ðức Kitô. Trong khi hầu hết các giám mục Phanxicô đều phục vụ trong công tác truyền giáo, nhưng cũng có nhiều vị như Thánh Benvenutus. Ðịa vị lãnh đạo của các ngài giúp họ ý thức rằng đời sống khiêm tốn và khó nghèo là dấu chỉ của Giáo Hội Ðức Kitô.
23 Tháng Ba : Thánh Turibius ở Mogrovejo (1538 - 1606)
Cùng với Thánh Rosa ở Lima, Thánh Turibius là vị thánh đầu tiên nổi tiếng ở Tân Thế Giới, phục vụ Thiên Chúa ở Peru, Nam Mỹ trong 26 năm.
Sinh ở Tây Ban Nha và theo học về luật, ngài trở thành một học giả sáng giá đến nỗi được làm giáo sư luật cho Ðại Học Salamanca, và sau đó trở thành chánh án Toà Thẩm Tra ở Granada dưới thời Vua Philip II. Ngài rất thành công, nhưng vẫn chưa phải là một luật sư có thể ngăn cản được những biến cố đột ngột xảy ra trong đời.
Khi toà giám mục Lima trong thuộc địa Peru của Tây Ban Nha trống ngôi, nhà vua quyết định Turibius phải là người giữ chức vụ đó: vì ngài cương quyết và có tinh thần đạo đức. Sau khi được thụ phong linh mục và tấn phong giám mục, ngài được gửi sang Peru năm 1581, là nơi ngài chứng kiến sự tồi tệ của chủ nghĩa thực dân. Ở đây, người Tây Ban Nha xâm lăng vi phạm đủ mọi loại tội lỗi đối với người địa phương. Các lạm dụng của hàng giáo sĩ cũng thật lộ liễu, và Ðức Turibius đã dồn mọi nỗ lực để cải tổ lãnh vực này trước hết.
Ngài bắt đầu các cuộc thăm viếng lâu dài và gian khổ đến tất cả các giáo xứ trong tổng giáo phận mênh mông. Ngài học tiếng địa phương, và trong các chuyến công tác, có khi phải ở đó đến hai ba ngày mà thường không có thực phẩm cũng như giường chiếu. Mỗi sáng ngài đều xưng tội với cha tuyên uý, và cử hành Thánh Lễ với sự sốt sắng tột độ. Trong những người được Thêm Sức từ tay ngài là Thánh Rosa ở Lima, và có lẽ cả Thánh Martin de Porres nữa.
Ngài giúp thiết lập các trường học, nhà thờ, và mở cửa chủng viện đầu tiên trong Tân Thế Giới. Ðể sinh hoạt mục vụ với những người thổ dân, ngài còn sành sõi một vài tiếng địa phương.
Ngài được phong thánh năm 1726.
Lời Bàn
Quả thật Thiên Chúa đã uốn thẳng các đường lối quanh co. Trái với ý định của Turibius, và lại phát xuất từ điểm không ai ngờ là Toà Thẩm Tra, con người này đã trở nên vị chủ chăn giống như Ðức Kitô của các người nghèo và người bị áp bức. Thiên Chúa đã ban cho ngài ơn biết yêu thương tha nhân như điều họ mong đợi.
24 Tháng Ba : Thánh Catarina ở Genoa (1447 - 1510)
Khi Thánh Catarina chào đời thì nhiều nhà quý tộc ở Ý lúc bấy giờ hỗ trợ các văn nghệ sĩ thuộc phong trào Phục Hưng. Các nhu cầu của người nghèo và người bệnh tật thường bị lu mờ bởi cái đói khát giầu sang và lạc thú.
Cha mẹ của Catarina thuộc dòng họ quý tộc ở Genoa. Lúc 13 tuổi, ngài muốn đi tu nhưng không được nhận vì còn quá trẻ. Năm 16 tuổi, bởi sự thúc giục của cha mẹ, Catarina kết hôn với ông Guiliano Adorno, một người quý tộc nhưng đó là một hôn nhân bất hạnh. Ông Guiliano là một người không có đức tin, cọc cằn, hoang phí và không chung thủy. Trong một thời gian, Catarina muốn quên đi những chán chường của đời sống bằng cách hòa đồng với xã hội.
Một ngày kia, khi đi xưng tội, ngài được ơn Chúa cho thấy tội lỗi của mình và tình thương của Thiên Chúa. Ngài thay đổi lối sống và làm gương cho chồng, mà không lâu sau đó, chính ông Giuliano cũng đã từ bỏ đời sống ích kỷ, hoang đàng. Cả hai quyết định sống trong khu nhà thương ở Genoa để chăm sóc bệnh nhân, thi hành đức bác ái. Sau khi ông Giuliano qua đời năm 1497, bà Catarina đứng trông coi bệnh viện.
Những thị kiến bà được cảm nghiệm từ khi hai mươi sáu tuổi cho đến lúc chết, được cha giải tội ghi nhận lại trong hai cuốn "Những Ðối Thoại của Linh Hồn và Thân Xác," và "Luận Về Luyện Ngục". Trong Luận Về Luyện Ngục, bà coi toàn thể cuộc đời Kitô Hữu là sự thanh luyện. Nếu sự thanh luyện ở đời này chưa hoàn tất thì sẽ phải tiếp tục sang đời sau. Những gì chúng ta phải đền bù vì tội lỗi của chúng ta ở đời này thì quá nhỏ so với những gì phải đền bù ở Luyện Tội. Ðời sống với Thiên Chúa ở thiên đàng là một tiếp nối của đời sống đã được hoàn thiện được khởi sự từ trần gian.
Kiệt quệ vì sự hy sinh, bà từ trần ngày 15 tháng Chín, 1510, và được Ðức Giáo Hoàng Clêmentê XII phong thánh năm 1737.
Lời Bàn
Xưng tội và rước lễ thường xuyên có thể giúp chúng ta nhìn thấy con đường hướng về Thiên Chúa. Những người có cảm nhận thực tế về tội lỗi của mình và sự cao cả của Thiên Chúa thường là những người sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của tha nhân. Thánh Catarina bắt đầu công việc ở bệnh viện với lòng nhiệt thành, và trung thành với công việc ấy qua những thời kỳ khó khăn bởi vì ngài được khích động bởi tình yêu Thiên Chúa, và tình yêu ấy được canh tân qua Kinh Thánh và các bí tích.
Lời Trích
Trước khi từ giã cõi đời, Thánh Catarina nói với cô con gái đỡ đầu: "Tomasina! Ðức Giêsu trong tâm hồn con! Vĩnh cửu trong tâm trí con! Thánh ý Thiên Chúa trong hành động của con! Nhưng trên hết mọi sự, hãy sống bác ái, Thiên Chúa là tình yêu, hoàn toàn tình yêu!"
25 Tháng Ba : Lễ Truyền Tin
Lễ Truyền Tin có từ thế kỷ thứ tư hoặc thứ năm. Ý nghĩa chính của lễ là sự Nhập Thể: Thiên Chúa trở nên một người trong chúng ta. Tự đời đời Thiên Chúa đã quyết định để Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Giờ đây, như Thánh Luca 1:26-38 kể cho chúng ta biết, quyết định ấy được thể hiện. Thần-Nhân ấy đã ôm lấy toàn thể nhân loại, đúng hơn toàn thể tạo vật, để đưa đến Thiên Chúa trong một nghĩa cử bác ái cao cả. Vì loài người đã chối từ Thiên Chúa, Ðức Giêsu chấp nhận sự thống khổ và cái chết đau đớn: "Không ai có tình yêu cao quý hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu" (Gioan 15:13)
Ðức Maria có vai trò quan trọng trong hoạch định của Thiên Chúa. Từ thuở đời đời, Thiên Chúa đã tiền định ngài làm mẹ của Ðức Giêsu và có liên hệ mật thiết với Người trong sự tạo dựng và cứu chuộc nhân loại. Chúng ta có thể nói quyết định tạo dựng và cứu chuộc của Thiên Chúa được tiếp nối trong quyết định Nhập Thể. Vì Ðức Maria là một công cụ của Thiên Chúa trong sự Nhập Thể, nên cùng với Ðức Giêsu ngài có một vai trò trong sự tạo dựng và cứu chuộc. Ðó là vai trò mà Thiên Chúa đã ban. Ðó là ơn sủng của Thiên Chúa từ khởi thủy cho đến tận cùng. Chính nhờ ơn Thiên Chúa mà Ðức Maria trở nên một nhân vật cao trọng.
Ngài là người mẹ-đồng-trinh đã hoàn tất lời tiên tri Isaiah 7:14 trong một phương cách mà tiên tri Isaiah không thể ngờ. Ngài được kết hợp với Con của ngài để thể hiện thánh ý Thiên Chúa (TV 40:8-9; Do Thái 10:7-9; Luca 1:38)
Cùng với Ðức Giêsu, Ðức Maria đầy ơn phúc là sợi dây liên kết giữa trời và đất. Sau Ðức Giêsu, ngài là một con người tuyệt hảo tiêu biểu cho mọi tiềm năng của loài người. Ngài đón nhận tình yêu vô cùng của Thiên Chúa vào sự hèn mọn của mình. Ngài chỉ cho chúng ta thấy phương cách mà một con người bình thường có thể phản ánh Thiên Chúa trong những hoàn cảnh bình thường của đời sống. Ngài là một gương mẫu mà Giáo Hội cũng như mọi phần tử của Giáo Hội phải noi theo. Ngài là sản phẩm đích thực của quyền năng tạo dựng và cứu chuộc của Thiên Chúa. Ngài biểu lộ những gì mà sự Nhập Thể phải hoàn tất cho tất cả mọi người chúng ta.
Lời Bàn
Ðôi khi các nhà văn của Giáo Hội bị kết án là đã nâng Ðức Maria lên bệ cao và như thế không khuyến khích loài người bắt chước ngài. Có lẽ nhận xét như vậy là lầm. Chính Thiên Chúa đã nâng Ðức Maria lên và Người đang đưa tất cả mọi người chúng ta lên. Ít khi chúng ta nhận ra sự cao trọng của ơn Chúa, sự kỳ diệu của tình yêu cho không của Người. Sự kỳ diệu của Ðức Maria -- ngay cả giữa những bình thường của đời ngài -- là lời Thiên Chúa thức tỉnh chúng ta về thân phận cao trọng của tạo vật mà tất cả chúng ta đều được hưởng trong hoạch định của Thiên Chúa.
Lời Trích
"Ðược phong phú hoá với sự thánh thiện cực kỳ độc đáo ngay từ giây phút thụ thai đầu tiên, người trinh nữ Nagiarét được thiên sứ, theo mệnh lệnh của Thiên Chúa, ca tụng là 'đầy ơn phước' (x. Luca 1:28). Trinh nữ đã trả lời thiên sứ ấy: 'Này tôi là tôi tớ Chúa; xin hãy thể hiện nơi tôi những gì ngài nói' (Luca 1:38). Do đó, người con gái của Adong, Ðức Maria, chấp nhận lời của Thiên Chúa, trở nên Mẹ Ðức Giêsu. Hoàn toàn phó thác cho ý định cứu chuộc của Thiên Chúa mà không tội lỗi nào có thể ngăn cản được, và như một nữ tì của Thiên Chúa, ngài đã tự hiến hoàn toàn cho con người và công trình của Con ngài, mà nhờ ơn sủng của Thiên Chúa Toàn Năng, ngài phục vụ mầu nhiệm cứu chuộc với Ðức Giêsu và dưới quyền Người" (Hiến Chương về Giáo Hội, 56).
26 Tháng Ba : Chân Phước Didacus ở Cadiz (c. 1801)
Sinh ở Cadiz, Tây Ban Nha, và tên rửa tội là Joseph Francis, người trẻ này thường hay lai vãng ở tu viện dòng Capuchin. Nhưng ao ước gia nhập Dòng Phanxicô của anh bị trì trệ vì anh gặp khó khăn trong việc học. Sau cùng, anh được nhận vào đệ tử viện dòng Capuchin ở Seville lấy tên là Thầy Didacus. Sau đó thầy được thụ phong linh mục và được sai đi rao giảng.
Không bao lâu người ta đã thấy Cha Didacus có tài giảng thuyết. Ngài di chuyển không biết mệt trên khắp lãnh thổ Andalusia của Tây Ban Nha và giảng thuyết ở các thành phố nhỏ cũng như lớn. Lời ngài giảng có sức đánh động đến tâm trí của mọi người, dù già hay trẻ, giầu hay nghèo, học sinh hay giáo sư. Và công việc giải tội của ngài là để hoàn tất sự hoán cải được khởi sự từ lời rao giảng.
Con người ít học này được gọi là "tông đồ của Ba Ngôi Cực Thánh" vì ngài rất sùng kính Thiên Chúa Ba Ngôi, và ngài giảng giải rất dễ dàng về mầu nhiệm siêu phàm này. Bí mật ấy một ngày kia được tiết lộ qua một em bé, khi em kêu lên: "Mẹ ơi mẹ. Mẹ coi có chim bồ câu đậu trên vai Cha Didacus kìa! Con cũng có thể giảng hay như thế nếu có chim bồ cầu chỉ cho con những gì phải nói."
Cha Didacus rất gần gũi với Thiên Chúa, ngài dành thời giờ hàng đêm để cầu nguyện và chuẩn bị bài giảng qua sự hãm mình khắc khổ. Ngài trả lời cho những ai chỉ trích ngài: "Tội lỗi của tôi và của dân chúng đã thúc giục tôi làm điều đó. Những ai có trách nhiệm hoán cải kẻ tội lỗi phải nhớ rằng, Thiên Chúa đã đặt trên vai họ tội lỗi của những người xưng tội."
Người ta nói rằng thỉnh thoảng, khi ngài giảng về tình yêu của Thiên Chúa, thân thể ngài như bay trên không. Ðám đông dân chúng trong các làng mạc, thành phố như mê hoặc bởi lời của ngài, và họ thường tìm cách xé một mẩu áo của ngài mỗi khi ngài đi ngang qua.
Ngài từ trần năm 1801 khi mới 58 tuổi. Là một người thánh thiện và đáng kính, ngài được phong chân phước năm 1894.
26 Tháng Ba : Thánh Magarét Clitherow
Thánh nữ Magarét sinh ở MiÇleton, Anh Quốc, năm 1555, trong một gia đình theo Tin Lành. Ðược thừa hưởng vẻ đẹp, trí thông minh và tính tình vui vẻ, ngài là một người duyên dáng. Năm 1571, ngài kết hôn với ông Gioan Clitherow, hành nghề buôn bán trâu bò, và một vài năm sau ngài trở lại đạo Công Giáo
Là một tín đồ ngoan đạo, ngài thường lén lút giúp đỡ các linh mục Công Giáo mà thời bấy giờ đang bị nhà cầm quyền Anh Giáo bắt bờ Cũng vì vậy, chính ngài bị bắt và bị giam cầm.
Sau biết bao lần khuyến dụ từ bỏ Ðức Tin, nhưng người phụ nữ này vẫn cương quyết. Sau cùng, ngài bị kết án tử hình vào ngày 25 tháng Ba, 1586. Ngài bị trói giang chân tay nằm trên đất với một tảng đá sắc bén để ở sau lưng. Và khi một tấm ván chất đầy sức nặng đè xuống trên thân thể ngài thì chỉ trong vòng mười lăm phút, ngài đã tắt thở sau khi xương sống gẫy vụn.
Sự thánh thiện của người tôi tớ Thiên Chúa này được tỏ rõ khi nghe biết bị kết án tử hình, ngài nói với một người bạn: "Quan tòa nói tôi sẽ chết vào thứ Sáu tới; và tôi cảm thấy thân thể rã rời khi nghe tin ấy, nhưng thần khí tôi vui mừng xiết kể. Vì tình yêu Thiên Chúa, xin bạn hãy cầu nguyện cho tôi và xin mọi người thiện tâm cũng cầu nguyện cho tôi."
27 Tháng Ba : Chân Phước Phanxicô "di Bruno" (1825 - 1888)
Phanxicô sinh ở miền bắc nước Ý, là người con út trong gia đình quý tộc có 12 người con. Ngài sống trong giai đoạn cực kỳ hỗn loạn của lịch sử, mà phong trào chống Công Giáo và chống đức giáo hoàng rất mạnh mẽ.
Sau khi hoàn tất khoá huấn luyện sĩ quan quân đội, Phanxicô được Vua Victor Emmanuel II để ý, vì ông cảm kích trước sự hiểu biết và tính tình của người thanh niên này. Ðược vua mời để làm thày giáo cho hai hoàng tử, Phanxicô đồng ý và chuẩn bị nhận nhiệm vụ. Nhưng vai trò của Giáo Hội trong lãnh vực giáo dục thời bấy giờ có nhiều điểm bất lợi, nên nhà vua buộc phải rút lại lời mời Phanxicô, thay vào đó, vua tìm một thày giáo thích hợp hơn với một quốc gia thế tục.
Sau đó không lâu, Phanxicô từ giã quân đội và theo đuổi việc học ở Balê về toán học và thiên văn học; ngài cũng đặc biệt chú ý đến tôn giáo và sự khổ hạnh. Mặc dù việc học là chính, Phanxicô dồn nhiều nỗ lực trong các sinh hoạt bác ái. Ngài sáng lập tu hội Thánh Zita cho những người đầy tớ, sau này bành trướng thêm để nhận cả các người mẹ không chồng. Ngài giúp thiết lập các ký túc xá cho người già và người nghèo. Ngài trông coi cả việc xây cất một nhà thờ ở Turin được dành để tưởng nhớ các chiến sĩ đã tử trận trong cuộc chiến thống nhất nước Ý.
Vì muốn nới rộng tầm hoạt động và tận tụy hơn cho người nghèo, Phanxicô, lúc bấy giờ là một tráng niên, bắt đầu đi tu làm linh mục. Nhưng đầu tiên, ngài phải được sự đồng ý của Ðức Giáo Hoàng Piô IX để chống lại quyết định của đức tổng giám mục địa phương đã không đồng ý cho ngài đi tu vì cao tuổi.
Khi 51 tuổi, Phanxicô được thụ phong linh mục. Ngài tiếp tục các công việc tốt lành, chia sẻ tài sản cũng như năng lực của ngài cho tha nhân. Ngài thiết lập một ký túc xá khác, lần này dành cho các cô gái điếm hoàn lương.
Ngài từ trần ở Turin ngày 27 tháng Ba 1888, và 100 năm sau, ngài được phong chân phước.
28 Tháng Ba : Thánh Tutilo (c. 915)
Tutilo sinh vào cuối thế kỷ thứ chín và đầu thế kỷ thứ mười. Ngài theo học ở đan viện Biển Ðức Thánh Gall. Hai người bạn học của ngài được phong "chân phước." Cả ba người sau này đều trở thành đan sĩ tại đan viện nơi họ theo học.
Thánh Tutilo là một người có nhiều tài. Ngài là một nhà thơ, một họa sĩ vẽ chân dung, một điêu khắc gia, một nhà giảng thuyết và nhà kiến trúc. Ngài còn là một chuyên viên cơ khí.
Tài năng trổi vượt nhất của ngài là âm nhạc. Ngài có thể sử dụng mọi nhạc khí của các đan sĩ để dùng trong phụng vụ. Cùng với người bạn là Chân Phước Notker, ngài sáng tác các giai điệu thánh vịnh đáp ca. Cho đến nay, chúng ta chỉ còn giữ được ba bài thơ và một bài thánh ca trong biết bao nhiêu sáng tác của ngài. Nhưng các bức họa và điêu khắc của ngài vẫn còn thấy rải rác trong các thành phố ở Âu Châu.
Nhưng Tutilo là thánh không chỉ vì các tài năng của ngài. Ngài là một người rất khiêm tốn, chỉ muốn sống cho Chúa. Ngài ca tụng Thiên Chúa với những gì ngài biết: qua hội họa, điêu khắc và âm nhạc. Tutilo được tuyên xưng là thánh vì ngài đã dùng cả cuộc đời để ca ngợi và yêu mến Thiên Chúa.
Thánh Tutilo từ trần năm 915.
Lời Bàn
Dù chúng ta có nhiều hay ít tài năng, dù chúng ta có thông minh hay không, điều quan trọng là tận tụy thi hành công việc của mình. Ðó là phương cách nói lên tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa.
29 Tháng Ba : Chân Phước Ludovico ở Casoria (1814-1885)
Sinh ở Casoria (gần Naples), Arcangelo Palmentieri là thợ đóng bàn ghế trước khi gia nhập dòng Anh Em Hèn Mọn năm 1832, và lấy tên là Ludovico. Năm năm sau đó ngài được chịu chức, và dạy hóa học, vật lý và toán cho các đệ tử trong tỉnh dòng.
Vào năm 1847, ngài được một cảm nghiệm huyền nhiệm mà sau này ngài diễn tả cảm nghiệm ấy như một sự thanh tẩy. Sau đó ngài dùng cả cuộc đời để phục vụ người nghèo và người đau yếu, thành lập một nhà phát chẩn cho người nghèo, hai trường học cho các trẻ em Phi Châu, một học viện cho các em nhà giầu, một trung tâm cho các em mồ côi, các em câm điếc, và các trung tâm khác cho người mù và người già. Ngoài một bệnh xá dành cho các tu sĩ dòng, ngài còn thành lập các trung tâm bác ái khác ở Naples, Florence và Assisi. Có lần ngài nói, "Tình yêu Ðức Kitô đã làm thương tích tâm hồn tôi." Tình yêu này đã thúc giục ngài thi hành nhiều công việc bác ái cao cả.
Ðể tiếp tục công việc bác ái, năm 1859 ngài thành lập tổ chức Các Thầy Áo Xám, là một tổ chức tôn giáo gồm những người trước đây thuộc về dòng Ba Phanxicô. Ba năm sau, ngài thành lập tổ chức Các Chị Áo Xám của Thánh Êligiabét, cũng cùng một mục đích ấy.
Trong những năm cuối đời, ngài bị đau yếu đến chín năm, và đã viết một chứng từ linh đạo mà trong đó ngài diễn tả đức tin như "ánh sáng trong tăm tối, sự trợ giúp khi đau yếu, một ân huệ khi khổ cực, nơi cực lạc khi bị đóng đinh và sự sống giữa cái chết." Sau khi ngài từ trần được năm tháng thì việc điều tra phong thánh đã được tiến hành. Ngài được phong chân phước năm 1993.
Lời Bàn
Những người thánh thiện không được Chúa che chở khỏi những đau khổ, nhưng Chúa đã giúp họ biết triển nở tình yêu từ sự đau khổ ấy. Khi đối diện với sự đau khổ của người khác, chúng ta có hai thái độ, hoặc hờ hững hoặc yêu quý giúp đỡ họ. Các thánh là những người chỉ cho chúng ta con đường tiến đến sự yêu quý giúp đỡ.
Lời Trích
Chứng từ linh đạo của Chân Phước Ludovico bắt đầu như sau: "Chúa đã gọi tôi đến với Ngài bằng một tình yêu thật dịu dàng, và với sự bác ái vô bờ Ngài đã hướng dẫn và chỉ bảo tôi trên đường đời."
30 Tháng Ba : Thánh Benjamin (c. 424)
Kitô Hữu ở Ba Tư vui hưởng thái bình trong 12 năm dưới sự cai trị của Isdegerd, con vua Sapor III, thì vào năm 420 quốc gia này bị khuấy động bởi sự hăng hái thiếu khôn ngoan của Abdas, vị giám mục Công Giáo đã đốt Ðền Thần Lửa, một đền thờ của người Ba Tư. Vua Isdegerd đe dọa sẽ thiêu hủy tất cả các nhà thờ Công Giáo, nếu đức giám mục không xây lại đền thờ ấy.
Khi Ðgm Abdas từ chối tuân hành, lời đe dọa đã trở thành sự thật; các nhà thờ trên toàn quốc bị thiêu hủy, chính Ðgm Abdas thì bị tử hình, và một cuộc bách hại toàn diện kéo dài đến bốn mươi năm. Vua Isdegerd từ trần năm 421, nhưng thái tử kế vị là Varanes, tiếp tục bách hại Kitô Hữu một cách dữ dội hơn. Các Kitô Hữu bị tra tấn thật dã man.
Trong những người chịu đau khổ là Benjamin, một phó tế, bị kết án tù một năm trời vì Ðức Tin. Vào cuối thời hạn tù, một đại sứ của Hoàng Ðế Constantinople đã xin cho Benjamin được trả tự do, với điều kiện là ngài không được rao giảng đức tin cho các cận thần trong triều đình.
Tuy nhiên, Benjamin tuyên bố rằng, rao giảng về Ðức Kitô là một nhiệm vụ mà ngài không thể im lặng. Mặc dù ngài đã đồng ý với vị đại sứ và nhà cầm quyền Ba Tư, nhưng ngài không thể tuân lệnh mà bỏ lỡ cơ hội rao giảng Tin Mừng. Một lần nữa ngài lại bị bắt và đưa ra trước nhà vua. Bạo chúa này ra lệnh lấy tre vót nhọn đóng vào các móng tay và thân thể ngài, sau đó lại rút tre ra để máu đổ. Sau khi cực hình này được thi hành vài lần, một cái cọc có nhiều đốt được đóng vào hậu môn để xé nát thân thể ngài. Vị tử đạo đã tắt thở trong sự đau đớn khủng khiếp này vào năm 424.
31 Tháng Ba : Thánh Benjamin (c. 424)
Kitô Hữu ở Ba Tư vui hưởng thái bình trong 12 năm dưới sự cai trị của Isdegerd, con vua Sapor III, thì vào năm 420 quốc gia này bị khuấy động bởi sự hăng hái thiếu khôn ngoan của Abdas, vị giám mục Công Giáo đã đốt Ðền Thần Lửa, một đền thờ của người Ba Tư. Vua Isdegerd đe dọa sẽ thiêu hủy tất cả các nhà thờ Công Giáo, nếu đức giám mục không xây lại đền thờ ấy.
Khi Ðgm Abdas từ chối tuân hành, lời đe dọa đã trở thành sự thật; các nhà thờ trên toàn quốc bị thiêu hủy, chính Ðgm Abdas thì bị tử hình, và một cuộc bách hại toàn diện kéo dài đến bốn mươi năm. Vua Isdegerd từ trần năm 421, nhưng thái tử kế vị là Varanes, tiếp tục bách hại Kitô Hữu một cách dữ dội hơn. Các Kitô Hữu bị tra tấn thật dã man.
Trong những người chịu đau khổ là Benjamin, một phó tế, bị kết án tù một năm trời vì Ðức Tin. Vào cuối thời hạn tù, một đại sứ của Hoàng Ðế Constantinople đã xin cho Benjamin được trả tự do, với điều kiện là ngài không được rao giảng đức tin cho các cận thần trong triều đình.
Tuy nhiên, Benjamin tuyên bố rằng, rao giảng về Ðức Kitô là một nhiệm vụ mà ngài không thể im lặng. Mặc dù ngài đã đồng ý với vị đại sứ và nhà cầm quyền Ba Tư, nhưng ngài không thể tuân lệnh mà bỏ lỡ cơ hội rao giảng Tin Mừng. Một lần nữa ngài lại bị bắt và đưa ra trước nhà vua. Bạo chúa này ra lệnh lấy tre vót nhọn đóng vào các móng tay và thân thể ngài, sau đó lại rút tre ra để máu đổ. Sau khi cực hình này được thi hành vài lần, một cái cọc có nhiều đốt được đóng vào hậu môn để xé nát thân thể ngài. Vị tử đạo đã tắt thở trong sự đau đớn khủng khiếp này vào năm 424.
Chân Phước Joan ở Toulouse
Vào năm 1240, một số tu sĩ dòng Carmel từ Palestine đến khởi sự một đan viện ở Toulouse, nước Pháp. Hai mươi lăm năm sau, vị linh mục nổi tiếng của dòng Carmel là Thánh Simon Stock đi ngang qua Toulouse. Một phụ nữ đạo đức đến xin gặp thánh nhân. Bà tự giới thiệu là Joan, và thành khẩn xin thánh nhân, "Có thể nào con trở nên một trợ sĩ của dòng Carmel không?" Thánh Simon Stock lúc ấy là bề trên dòng. Ngài có quyền cho phép và đã chấp thuận thỉnh cầu của bà Joan. Và bà đã trở thành người nữ trợ sĩ đầu tiên. Bà được mặc áo dòng, và dưới sự chứng kiến của Thánh Simon Stock, bà đã khấn khiết tịnh trọn đời.
Bà Joan tiếp tục một đời sống âm thầm và đơn giản ngay tại nhà của mình. Bà cố gắng trung thành với các quy luật của dòng. Bà tham dự Thánh Lễ hàng ngày và hoạt động tông đồ ở nhà thờ dòng Carmel. Công việc hàng ngày của bà là đi thăm người nghèo, người bệnh và người cô đơn. Bà huấn luyện các chú giúp lễ. Bà giúp đỡ người già yếu qua những công việc vặt hàng ngày. Bà cầu nguyện với họ và an ủi tinh thần họ.
Chân Phước Joan thường mang trong mình một tấm ảnh Chúa Giêsu chịu nạn. Ðó là cuốn "sách" của bà. Thỉnh thoảng, bà hay đem tấm hình ra để chiêm ngắm. Người ta nói rằng, mỗi lần bà nhìn ngắm ảnh Chúa Giêsu, bà đều có những tư tưởng thật hay để chia sẻ.
Khi bà từ trần, bà được chôn trong nhà thờ dòng Carmel ở địa phương. Vì khi còn sống, bà là một phần tử tích cực của giáo xứ.
Nguồn: http://www.nguoitinhuu.org/
Tháng 4
1 Tháng Tư : Chân Phước Elisabetta Vendramini (1790-1860)
2 Tháng Tư : Thánh Phanxicô ở Paola (1416-1507)
3 Tháng Tư : Thánh Biển Ðức Người Phi Châu (1526 - 1589)
Thánh Richard ở Chichester (1197-1253)
4 Tháng Tư : Thánh Isidore ở Seville (560? - 636)
5 Tháng Tư : Thánh Vinh Sơn Ferrer (1357 - 1419)
6 Tháng Tư : Chân Phước Crescentia Hoess (1682 - 1744)
7 Tháng Tư : Thánh Gioan La San (1615 - 1719)
8 Tháng Tư : Thánh Julie Billiart (1751 - 1816)
9 Tháng Tư : Chân Phước Innocent ở Berzo (c. 1890)
10 Tháng Tư : Chân Phước Giacôbê Oldo (1364 - 1404)
11 Tháng Tư : Thánh Stanislaus (1030 - 1079)
12 Tháng Tư : St. Teresa of Los Andes (1900-1920)
13 Tháng Tư : Thánh Giáo Hoàng Martin (c. 655)
14 Tháng Tư : Thánh Gemma Galgani (1878 - 1903)
15 Tháng Tư : Chân Phước Caesar de Bus (1544-1607)
16 Tháng Tư : Thánh Bernadette Soubirous (1844 - 1879)
17 Tháng Tư : Thánh Benedict Joseph Labré (1748 - 1783)
18 Tháng Tư : Chân Phước Pedro de San José Betancur (1626 - 1667)
19 Tháng Tư : Chân Phước Luchesio và Buonadonna (c. 1260)
20 Tháng Tư : Thánh Conrad ở Parzham (1818 - 1894)
21 Tháng Tư : Thánh Anselm (1033-1109)
22 Tháng Tư : Chân Phước Giles ở Assisi (1190 -- 1262)
23 Tháng Tư : Thánh George (c. 304)
24 Tháng Tư : Thánh Fidelis ở Sigmaringen (1578 -- 1622)
26 Tháng Tư : Thánh Giuse Cottolengo (1786 - 1842)
27 Tháng Tư : Thánh Zita ở Lucca (1218 -- 1278)
28 Tháng Tư : Thánh Phêrô Chanel (1803 - 1841)
29 Tháng Tư : Thánh Catarina ở Siena (1347 -- 1380)
30 Tháng Tư : Thánh Piô V, Giáo Hoàng (1504-1572)
========================
1 Tháng Tư : Chân Phước Elisabetta Vendramini (1790-1860)
Cuộc đời của chân phước Elisabetta đã được hướng dẫn bởi câu phúc âm "Tình yêu Ðức Kitô đã thúc giục chúng ta tiến bước" (2 Cor. 5:14).
Sinh ở Bassano del Grappa gần Treviso, khi 27 tuổi Elisabetta từ chối lời cầu hôn và nhất quyết giúp người nghèo bớt đau khổ về thể xác cũng như tinh thần. Năm 1820, ngài khởi sự làm việc trong một cô nhi viện ở tỉnh nhà và gia nhập dòng Ba Phanxicô vào năm sau đó.
Sau khi di chuyển đến Padua năm 1828, ngài tiếp tục phục vụ các trẻ em cô nhi. Vào năm 1830, ngài thành lập tu hội Các Chị Em Dòng Ba Phanxicô của Thánh Elizabeth Hung Gia Lợi. Cho đến khi từ trần, Elisabetta đã hướng dẫn tu hội này trong việc giáo dục cũng như chăm sóc người già, trẻ mồ côi và người đau yếu. Ngài luôn luôn kết hợp sự đau khổ của chính ngài với sự đau khổ của Ðức Kitô và Ðức Mẹ Sầu Bi.
Ngài được phong chân phước năm 1990.
Lời Bàn
Những người thánh thiện cho chúng ta thấy tình yêu Thiên Chúa và giúp đỡ tha nhân là hai mặt của một đồng tiền. Tình yêu Thiên Chúa nâng đỡ chúng ta khi chúng ta thi hành những việc nhỏ bé để nói lên lòng yêu mến tha nhân. Chúng ta thường bất lực khi phải thi hành những gì cần thiết, nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta thi hành những gì có thể làm được.
Lời Trích
Trong bài giảng lễ phong chân phước cho Elisabetta, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói sự cầu nguyện của Elisabetta đã đem lại "sức năng động của Ngôi Lời Nhập Thể, để ca ngợi và khâm phục Ðức Kitô Nghèo Hèn và Chịu Ðóng Ðinh, mà chân phước đã nhận ra và phục vụ Người trong các người nghèo." Sau đó, đức giáo hoàng nói thêm: "Chân Phước Elisabetta dạy chúng ta rằng khi đức tin vững mạnh và chắc chắn, chúng ta càng dám bác ái đối với tha nhân. Khi sự nhận biết về Ðức Kitô càng sắc sảo, chúng ta càng cảm nhận được nhu cầu của anh chị em chúng ta một cách chính xác và đúng đắn" (1990, tập 46, số 1)
2 Tháng Tư : Thánh Phanxicô ở Paola (1416-1507)
Thánh Phanxicô ở Paola là một người chân thành yêu quý sự chiêm niệm cô độc và ao ước duy nhất của ngài là trở nên "người thấp hèn nhất trong nhà Chúa." Tuy nhiên, khi Giáo Hội kêu gọi ngài làm việc phục vụ xã hội, ngài đã trở nên một nhà hoạt động phi thường và có ảnh hưởng đến đường hướng của nhiều quốc gia.
Sau khi tháp tùng cha mẹ trong chuyến hành hương đến Rôma và Assisi, Phanxicô bắt đầu cuộc sống ẩn tu trong một cái hang hẻo lánh ở ven biển gần Paola. Trước khi ngài 20 tuổi, đã có một môn đệ đầu tiên muốn theo lối sống của ngài. Mười bảy năm sau, khi số môn sinh ngày càng gia tăng, Phanxicô đặt ra một quy luật cho cộng đoàn khắc khổ của ngài và xin Giáo Hội chuẩn nhận. Từ đó phát sinh tổ chức các Ẩn Tu của Thánh Phanxicô Assisi, được Toà Thánh chấp thuận năm 1474.
Vào năm 1492, Phanxicô đổi tên cộng đoàn thành "Minims" vì ngài muốn họ trở nên những người bé mọn nhất trong nhà Chúa. Sự khiêm tốn là tiêu chuẩn của các tu sĩ này cũng như cuộc đời của Phanxicô. Ngoài các lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời, Phanxicô còn thêm một bó buộc thứ tư là luôn luôn ăn chay. Ngài tin rằng sự hãm mình quyết liệt rất cần thiết để phát triển tâm linh.
Ðó là ý muốn của Phanxicô khi trở nên một vị ẩn tu chiêm niệm, nhưng ngài tin rằng Thiên Chúa đã gọi ngài trong đời sống tông đồ. Ngài bắt đầu dùng các ơn sủng được Chúa ban, tỉ như ơn làm phép lạ và nói tiên tri, để giúp đỡ dân Chúa. Là một người bảo vệ người nghèo và người bị áp bức, Phanxicô chọc giận vua Ferdinand của Naples vì ngài khiển trách cả hoàng gia.
Theo lời yêu cầu của Ðức Giáo Hoàng Sixtus IV, Phanxicô đến Pháp để giúp vua Louis XI chuẩn bị từ trần. Trong thời gian giúp đỡ nhà vua, Phanxicô đã có cơ hội ảnh hưởng đến chiều hướng chính trị của quốc gia này. Ngài giúp vãn hồi nền hoà bình giữa Pháp và Anh qua sự khuyến khích cuộc hôn nhân giữa hai hoàng tộc, và giữa Pháp và Tây Ban Nha bằng cách thúc giục vua Louis XI trả lại một số đất chiếm đóng.
Phanxicô đã sống một cuộc đời lâu dài để ca ngợi và mến yêu Thiên Chúa. Ngài từ trần khi chín mươi mốt tuổi, vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1507.
Lời Bàn
Cuộc đời của Thánh Phanxicô ở Paola là câu trả lời rõ ràng cho thế giới quá sôi động. Ngài là một người chiêm niệm được kêu gọi để hoạt động xã hội và chắc rằng ngài phải cảm thấy sự căng thẳng giữa đời sống cầu nguyện và việc phục vụ xã hội. Tuy nhiên, sự căng thẳng này không làm mất đi hiệu quả của đời sống thánh nhân, vì ngài biết đưa kết quả của sự chiêm niệm vào trong hoạt động xã hội. Ngài đáp ứng lời mời gọi của Giáo Hội một cách sẵn sàng và tốt đẹp là nhờ có nền tảng vững chắc của sự cầu nguyện và hãm mình. Khi ngài đến trong thế gian, không phải ngài hoạt động nhưng chính Ðức Kitô hoạt động trong ngài -- là "người hèn mọn nhất trong nhà Thiên Chúa."
sinh năm 1775 tại Trung Lao, Bùi Chu, Linh Mục, Dòng Ða Minh, bị tra tấn đến chết ngày 02-4-1839 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 02-4.
3 Tháng Tư : Thánh Biển Ðức Người Phi Châu (1526 - 1589)
Thánh Biển Ðức giữ một chức vụ quan trọng trong Dòng Phanxicô và khi mãn nhiệm kỳ ngài thật vui vẻ để hòa mình vào một công việc khác.
Cha mẹ ngài là những nô lệ được đem từ Phi Châu sang Messina, Sicily. Ðược tự do vào năm 18 tuổi, Biển Ðức làm công trong một nông trại và không bao lâu ngài đã có đủ tiền để tậu một đôi bò và ngài rất hãnh diện về cặp bò này. Lúc ấy ngài tham gia vào một nhóm ẩn tu sống gần Palermo và sau đó được bầu làm người thủ lãnh. Vì những vị ẩn tu này sống theo Quy Luật của Thánh Phanxicô nên Ðức Giáo Hoàng Piô IV đã ra lệnh họ gia nhập dòng Nhất.
Sau đó Thầy Biển Ðức được giao cho công việc giám đốc đệ tử viện và tiếp đó là bề trên nhà dòng ở Palermo. Ðó là một chức vụ ít khi được giao cho một thầy. Thật vậy, thầy bị ép buộc phải nhận chức bề trên. Và khi mãn nhiệm kỳ, thầy vui vẻ trở về với công việc của một trợ sĩ trong nhà bếp.
Khi làm bề trên, Thầy Biển Ðức khiển trách các tu sĩ với sự khiêm tốn và bác ái. Có lần thầy khiển trách một đệ tử và giao cho việc đền tội nhưng ngay lúc ấy ngài mới biết đệ tử này không có lỗi lầm gì. Ngay lập tức, ngài quỳ xuống và xin người đệ tử này tha lỗi cho mình.
Trong quãng đời còn lại, Thầy Biển Ðức không giữ vật gì làm của riêng cho mình. Ngài không bao giờ gọi đồ vật đó là "của tôi" nhưng luôn luôn gọi là "của chúng ta." Ngài được ơn soi dẫn các linh hồn và do đó, toàn thể Sicily ai ai cũng biết đến sự thánh thiện của ngài. Theo gương Thánh Phanxicô, Thầy Biển Ðức giữ 40 ngày chay tịnh trong suốt một năm; thầy cũng ngủ rất ít, chỉ một vài giờ mỗi đêm.
Sau khi thầy từ trần, vua Philip III của Tây Ban Nha đã cho xây một ngôi mộ thật đặc biệt để kính nhớ người tu sĩ thánh thiện này. Ðược phong thánh năm 1807, Thánh Biển Ðức được đặt làm quan thầy của người Phi Châu ở Mỹ Châu.
Lời Bàn
Trong dòng Phanxicô, chức vụ lãnh đạo thì có giới hạn. Khi mãn nhiệm kỳ, người cựu lãnh đạo đôi khi gặp khó khăn khi phải đảm nhận một chức vụ mới. Giáo Hội cần những người có khả năng để hoạt động trong vai trò lãnh đạo, nhưng họ cũng là người sẵn sàng đảm trách công việc khác khi thời hạn lãnh đạo đã mãn.
Lời Trích
"Ðức Kitô đã nói: 'Tôi không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ' (x. Mt. 20:28). Những ai được đặt trên người khác phải coi vinh dự đó cũng như khi họ được giao cho công việc rửa chân anh em. Và khi mất chức vụ lãnh đạo, nếu họ càng bực mình bao nhiêu, so với việc rửa chân, thì họ càng hủy hoại linh hồn mình bấy nhiêu (x. Gioan 12:6)" (Lời Nhắn Nhủ IV của Thánh Phanxicô Assisi).
Thánh Richard ở Chichester (1197-1253)
Thánh Richard sinh ở Anh quốc năm 1197. Khi còn nhỏ, ngài và người anh đã phải mồ côi. Anh của ngài làm chủ một số nông trại. Richard đã phải bỏ dở việc học để giúp anh quản trị cơ sở khỏi bị lụn bại. Thấy Richard chăm chỉ làm việc, người anh muốn tặng cho ngài các nông trại ấy, nhưng ngài không nhận. Ngài cũng không muốn lập gia đình vì muốn đi học trước đã.
Richard vào Ðại Học Oxford và với sự chăm chỉ học hành, không lâu ngài đã có được một địa vị quan trọng trong trường. Sau đó, Thánh Edmund, lúc ấy và tổng giám mục của Canterbury, đã trao cho Richard trách nhiệm trông coi giáo phận. Khi Thánh Edmund từ trần, Richard gia nhập dòng Ða Minh ở Pháp. Sau khi được thụ phong linh mục, ngài được tấn phong làm giám mục của Chichester, nước Anh.
Vua Henry III không muốn Richard làm giám mục ở đây. Nhà vua có một người bạn, nhưng lại không đủ tư cách nên vua từ chối không để ÐGM Richard sử dụng vương cung thánh đường. Nhà vua còn đe dọa dân chúng ở Chichester không được tiếp rước Ðức Richard. Cho đến khi đức giáo hoàng dọa ra vạ tuyệt thông nhà vua thì lúc ấy ÐGM Richard mới được yên.
Ðức giám mục Richard rất nhân từ với người dân nhưng ngài kiên quyết đương đầu với các giáo dân xấu mà không biết hối lỗi.
Người ta kể rằng khi Ðức Richard lâm bệnh nặng, ngài đã được Chúa cho biết trước ngày giờ và nơi chết. Ngài từ trần năm 1253, khi năm mươi năm tuổi. Vào năm 1262, Ðức Giáo Hoàng Urbanô IV đã phong thánh cho ngài.
4 Tháng Tư : Thánh Isidore ở Seville (560? - 636)
Trong 76 năm cuộc đời của Thánh Isidore là thời kỳ tranh chấp cũng như phát triển của Giáo Hội Tây Ban Nha. Người Visigoth xâm lăng phần đất này trong một thế kỷ, và trước đó nửa thế kỷ trước khi Thánh Isidore chào đời thì họ đã thiết lập một thủ đô khác cho chính họ. Ðó là những người theo Arian -- họ cho rằng Ðức Kitô không phải là Thiên Chúa. Do đó, Tây Ban Nha bị chia làm đôi: Một dân tộc (người Công Giáo La Mã) phải chiến đấu với dân tộc khác (người Gô-tích Arian).
Thánh Isidore là người hợp nhất Tây Ban Nha, giúp quốc gia này trở nên một trung tâm văn hóa và học thuật cũng như một khuôn mẫu cho các quốc gia Âu Châu khác, mà các nền văn hóa ấy đang bị đe dọa bởi sự xâm lăng của những người man rợ.
Có thể nói Thánh Isidore sinh trong một gia đình thánh thiện của thế kỷ thứ sáu ở Tây Ban Nha. Hai người anh của ngài, Leander và Fulgentius, và người chị, Florentina, đều là các thánh được sùng kính ở Tây Ban Nha. Ðây cũng là một gia đình lãnh đạo và tài giỏi với các vị Leander và Fulgentius đều làm giám mục và Florentina làm mẹ bề trên.
Là một người tài giỏi về học thuật, đôi khi Thánh Isidore được gọi là "Sư Phụ của Thời Trung Cổ" vì cuốn bách khoa ngài viết, "Etymology" (Từ Nguyên Học) đã được dùng như sách giáo khoa trong chín thế kỷ. Ngài còn viết các sách về văn phạm, thiên văn, địa lý, sử ký, và tiểu sử cũng như thần học.
Kế vị anh mình là Ðức Leander, Isidore làm giám mục Seville trong 37 năm, ngài đặt ra các mẫu mực cho một đại diện chính phủ ở Âu Châu, đồng thời ngài tẩy chay các quyết định độc đoán và thành lập các thượng hội đồng để thảo luận về đường hướng của Giáo Hội Tây Ban Nha. Ngài yêu cầu mỗi một giáo phận đều phải có chủng viện, ngài viết quy luật cho các dòng tu và thành lập các môn học thuộc đủ mọi ngành. Thánh Isidore viết rất nhiều sách, kể cả một cuốn tự điển, một bộ bách khoa, một cuốn sử người Gô-tích và một cuốn sử thế giới bắt đầu từ khi Thiên Chúa tạo thành trời đất! Ngài hoàn thành bộ phụng tự Mozarabic mà ngày nay vẫn còn được sử dụng ở Toledo, Tây Ban Nha.
Ngay khi 80 tuổi, ngài vẫn sống khắc khổ. Trong sáu tháng sau cùng của cuộc đời, ngài gia tăng lòng bác ái đến độ, từ sáng đến tối, nhà của ngài lúc nào cũng đầy người nghèo. Ngài từ trần năm 636 và được Giáo Hội tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh.
Lời Bàn
Mọi người chúng ta phải bắt chước Thánh Isidore về học thức và sự thánh thiện. Lòng bác ái, sự hiểu biết có thể chữa lành và hòa giải những người đau khổ. Chúng ta không phải là những người man rợ như đã xâm lăng Tây Ban Nha thời Thánh Isidore. Nhưng những người sa lầy trong sự giầu sang và choáng ngợp bởi các tiến bộ khoa học và kỹ thuật có thể mất đi lòng bác ái đối với tha nhân.
5 Tháng Tư : Thánh Vinh Sơn Ferrer (1357 - 1419)
Sự phân hóa trong Giáo Hội ngày nay chỉ là cơn gió nhẹ so với trận cuồng phong đã xé Giáo Hội ra từng mảnh trong thời Thánh Vinh Sơn Ferrer. Ngài là quan thầy của những người xây cất vì ngài nổi tiếng đã "xây dựng" và kiên cường Giáo Hội qua công việc rao giảng, dạy dỗ của ngài.
Sinh ở Valencia, Tây Ban Nha năm 1357, khi lên 17 tuổi, bất kể sự chống đối của cha mẹ, ngài gia nhập Dòng Ða Minh trong thành phố gần nơi sinh trưởng. Sau khi hoàn tất việc học một cách tốt đẹp, ngài được thụ phong linh mục bởi Ðức Hồng Y Phêrô "de Luna" -- là người đã ảnh hưởng lớn đến cuộc đời ngài.
Với bản tính hăng say, ngài tận tụy thi hành nhân đức khắc khổ theo quy luật dòng. Sau khi được thụ phong linh mục không lâu, ngài được chọn làm bề trên tu viện Ða Minh ở Valencia.
Cuộc Ðại Ly Giáo Tây Phương đã chia cắt Kitô Giáo, lúc đầu với hai giáo hoàng, sau đó là ba giáo hoàng. Ðức Clêmentê ở Avignon nước Pháp, Ðức Urbanô ở Rôma. Cha Vinh Sơn tin rằng việc bầu cử Ðức Urbanô là vô giá trị (mặc dù Thánh Catarina ở Siena là người hỗ trợ đức giáo hoàng Rôma). Trong thời gian phục vụ Ðức Hồng Y "de Luna", Cha Vinh Sơn thuyết phục người Tây Ban Nha theo Ðức Clêmentê. Và khi Ðức Clêmentê từ trần, Ðức Hồng Y "de Luna" được bầu làm giáo hoàng ở Avignon và lấy tên là Bênêđictô XIII.
Cha Vinh Sơn được Ðức Bênêđictô triệu về làm việc trong Tòa Ân Giải Tối Cao và là Trưởng Ðiện Tông Tòa. Nhưng vị giáo hoàng ở Avignon không chịu từ chức trong khi tất cả các ứng viên trong mật nghị hồng y đều thề như vậy. Và Ðức Bênêđictô vẫn ngoan cố bất kể sự ruồng bỏ của vua nước Pháp và hầu hết các hồng y.
Cha Vinh Sơn vỡ mộng và lâm bệnh nặng, nhưng sau cùng ngài đã đảm nhận công việc "rao giảng Ðức Kitô cho thế giới," dù rằng bất cứ sự canh tân nào trong Giáo Hội thời ấy đều tùy thuộc vào việc hàn gắn sự ly giáo. Là một người có tài rao giảng và hăng say, Cha Vinh Sơn dành 20 năm sau cùng của cuộc đời để loan truyền Tin Mừng ở Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Ðiển, Hòa Lan và vùng Lombardy, ngài nhấn mạnh đến nhu cầu sám hối và khuyên nhủ mọi người hãy lo sợ ngày phán xét. (Ngài có tên là "Thiên Thần của Sự Phán Xét").
Vào những năm 1408 và 1415, ngài cố gắng nhưng không thành công trong việc thuyết phục người bạn cũ của ngài từ chức. Sau cùng, Cha Vinh Sơn phải kết luận rằng Ðức Bênêđictô không phải là giáo hoàng thật. Mặc dù đang bệnh nặng, Cha Vinh Sơn đã lên tòa giảng trước một giáo đoàn mà chính Ðức Bênêđictô chủ sự và mạnh mẽ tố giác người đã tấn phong chức linh mục cho ngài. Từ đó trở đi, Ðức Bênêđictô bỏ trốn, để lại sau lưng những người trước đây đã hỗ trợ mình.
Cha Vinh Sơn sống cho đến ngày được chứng kiến sự chấm dứt ly giáo, với việc bầu cử tân giáo hoàng là Ðức Martin V. Cha từ trần ngày 5 tháng Tư 1419 và được phong thánh năm 1455.
Lời Bàn
Sự chia cắt trong Giáo Hội thời Thánh Vinh Sơn Ferrer quả thật là một tai họa -- 36 năm trường với hai "thủ lãnh." Chúng ta không thể tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra cho Giáo Hội ngày nay nếu, trong một thời gian dài như vậy, một nửa theo các giáo hoàng ở Rôma, và một nửa khác theo số giáo hoàng "chính thức", tỉ như ở Rio de Janeiro. Quả thật đó là một phép lạ khi thời gian lụn bại ấy với những khối đá kiêu ngạo và ngu dốt, đầy tham vọng đã kéo dài không lâu. Chúng ta tin rằng "chân lý thì hùng mạnh, và sẽ thắng theá" -- mặc dù đôi khi phải mất một thời gian.
6 Tháng Tư : Chân Phước Crescentia Hoess (1682 - 1744)
Crescentia sinh trong một thành phố nhỏ gần Augsburg, là con gái của một người thợ dệt nghèo nàn. Khi còn nhỏ, thời giờ để chơi đùa cô đã dùng để cầu nguyện, giúp đỡ những người nghèo hơn mình, và cô hiểu biết về giáo lý nhiều đến độ được phép Rước Lễ lần đầu vào lúc bảy tuổi, sớm hơn những người cùng tuổi. Mọi người trong phố gọi cô là "thiên thần nhỏ."
Khi lớn lên, cô khao khát được gia nhập dòng Phanxicô. Nhưng tu viện thì nghèo và, Crescentia không có của hồi môn, nên các bề trên đã từ chối không nhận. Sau đó, trường hợp của cô được ông thị trưởng thành phố là một người Tin Lành can thiệp, vì nhà dòng có nặng ơn nghĩa với ông. Cả nhà dòng cảm thấy như bị ép buộc phải chấp nhận cô, bởi đó đời sống trong tu viện của cô thật khốn khổ. Cô bị coi là một gánh nặng và không được làm gì khác hơn là các công việc của người đầy tớ. Ngay cả tính tình vui vẻ của cô cũng bị cho là bợ đỡ hoặc đạo đức giả.
Bốn năm sau, tình trạng của Sơ Crescentia khá hơn khi bà bề trên mới nhận ra các nhân đức của sơ. Và Sơ Crescentia được bổ nhiệm là giám đốc đệ tử. Sơ được mọi người yêu mến và quý trọng đến nỗi, sau khi mẹ bề trên từ trần, Sơ Crescentia được mọi người tín nhiệm trong chức vụ ấy.
Dưới sự dẫn dắt của Sơ Crescentia, tình trạng kinh tế nhà dòng khấm khá hơn, và tinh thần đạo đức của Sơ Crescentia ngày càng lan rộng. Không bao lâu, Sơ Crescentia được các hoàng thân công chúa cũng như giám mục và hồng y đến xin ý kiến. Tuy nhiên, là một người con đích thực của Thánh Phanxicô, Sơ Crescentia vẫn hết mực khiêm tốn.
Tinh thần Sơ Crescentia thì vững mạnh nhưng thể xác của ngài thường đau yếu luôn. Sơ thường xuyên bị đau đầu và đau răng. Sau đó sơ không thể đi lại được, chân tay từ từ tê liệt, co quắp lại. Mặc dù đau đớn, sơ vẫn tràn đầy bình an và niềm vui khi sơ từ trần vào Chúa Nhật Phục Sinh năm 1744.
Sơ được phong chân phước năm 1900.
7 Tháng Tư : Thánh Gioan La San (1615 - 1719)
Cố gắng chu toàn những gì được coi là thánh ý Thiên Chúa, đó là cuộc đời của Thánh Gioan La San. Năm 1950, Ðức Giáo Hoàng Piô XII đặt ngài làm quan thầy của các bậc mô phạm vì nỗ lực của ngài trong việc giáo dục.
Là một người trẻ của thế kỷ 17, Gioan có tất cả mọi sự: năng khiếu học thuật, đẹp trai, gia đình quyền quý giầu có và được giáo dục tử tế. Nhưng khi mới 11 tuổi, ngài xuống tóc đi tu làm linh mục, và sau đó được chịu chức vào năm 27 tuổi. Dường như một cuộc đời dễ dàng với phẩm trật cao trọng trong Giáo Hội đang sẵn sàng chờ đón ngài.
Nhưng Thiên Chúa đã có những chương trình khác cho Cha Gioan, mà dần dà mới được tỏ lộ trong những năm sau đó. Trong một cơ hội gặp gỡ ông Nyel ở Raven, ngài cảm thấy muốn thiết lập một trường học dành cho các em trai nhà nghèo ở Raven, là nơi ngài đang sinh sống. Mặc dù công việc lúc đầu thật ghê tởm đối với ngài, nhưng sau đó, càng ngày ngài càng say mê hoạt động cho các thiếu niên nghèo túng.
Tin rằng đây là sứ vụ mà Thiên Chúa đã trao phó, Cha Gioan hết lòng lao mình vào công việc, bỏ nhà, bỏ gia đình, bỏ cả chức vụ kinh sĩ ở Rheims, bán hết tài sản để trở nên giống như các người nghèo mà ngài đã tận hiến cuộc đời để phục vụ họ.
Cuộc đời còn lại của Cha Gioan là sống sát với tu hội mà ngài đã thành lập, Các Thầy Trường Công Giáo (Sư Huynh La San). Tu hội này phát triển mau chóng và thành công trong việc giáo dục các nam thiếu niên của gia đình nghèo với phương pháp sư phạm mà Cha Gioan đề ra, đó là sự dạy dỗ cả lớp thay vì chỉ bảo cá nhân, và dùng tiếng bản xứ thay vì tiếng Latinh. Ðồng thời tu hội cũng còn mở trường huấn luyện các giáo chức và thiết lập trường nội trú cho các thiếu niên ngỗ nghịch của các gia đình giầu có. Yếu tố năng động đằng sau các nỗ lực này là mong muốn các thiếu niên trở nên một Kitô Hữu tốt lành.
Mặc dù rất thành công, Cha Gioan cũng không thoát khỏi những thử thách, đó là sự đau lòng khi các sư huynh bỏ dòng, sự chống đối cay đắng từ các hiệu trưởng ngoài đời khi họ bực bội với phương pháp giáo dục mới và hữu hiệu của ngài, cũng như thường xuyên bị phe Jansen (*) thời ấy chống đối mà Cha Gioan kịch liệt phản đối lý thuyết của phe này trong suốt cuộc đời.
Trong những năm cuối đời, vì bị bệnh suyễn và thấp khớp, ngài từ trần vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh khi được 68 tuổi, và được Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII phong thánh năm 1900.
Lời Bàn
Thật hiếm có ai hoàn toàn tận hiến cho ơn gọi của Thiên Chúa, bất kể ơn gọi đó là gì. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta "hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức lực của mình" (Mc 12:30b). Thánh Phaolô cũng có lời khuyên tương tự: "Bất cứ những gì anh chị em làm, hãy làm hết lòng..." (Colossians 3:23).
Lời Trích
"Còn gì cao quý hơn là uốn nắn tính tình của các người trẻ? Tôi tin rằng người biết uốn nắn tâm tính của giới trẻ thì cao trọng hơn mọi họa sĩ, điêu khắc gia và tất cả những người giống như vậy" (Thánh Gioan Chrysostom).
* Jansen xuất phát từ học thuyết của Cornelius Jansen (1585 - 1638), giám mục của Ypres. Trong cuốn Augustinus, Jansen đề xướng nền thần học dựa trên học thuyết của Augustine về định mệnh. Thần học này khẳng định rằng loài người hoàn toàn hư hỏng vì tội nguyên tổ và theo bản năng, loài người thích làm sự dữ hơn sự lành. Bởi bản tính suy đồi, loài người không thể làm gì khác để đáng được ơn cứu độ. Sự cứu chuộc là do ơn của Chúa mà Ngài chỉ ban cho những ai được chọn. Phần đông nhân loại là bị án phạt đời đời.
Sau khi xuất bản được hai năm, cuốn Augustinus đã bị Giáo Hội Công Giáo lên án và cấm phát hành bởi Ðức Giáo Hoàng Urbanô VIII.
sinh năm 1812 tại Gò Vấp, Gia Ðịnh, Linh Mục, xử trảm ngày 07-4-1861 tại Mỹ Tho dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 11-4-1909 do Ðức Piô X, kính ngày 07-4.
8 Tháng Tư : Thánh Julie Billiart (1751 - 1816)
Sinh ở Cuvilly, nước Pháp, trong một gia đình nông dân trung lưu, ngay từ nhỏ Marie Rose Julie Billiart đã có lòng đạo hạnh và muốn giúp đỡ người nghèo. Mặc dù những năm niên thiếu thật êm đềm và thanh thản, nhưng khi lớn lên Julie đã phải làm việc lao động để giúp đỡ tài chánh cho gia đình. Tuy nhiên, cô vẫn dành thời giờ để dạy giáo lý cho các trẻ em và các nông dân.
Khoảng 20 tuổi, sau khi tận mắt chứng kiến cảnh kẻ thù địch muốn giết hại cha mình, cô Julie đã bị chấn động đến độ bất toại và tàn phế. Trong thời gian này, khi chịu lễ hàng ngày, cô luyện tập đời sống tâm linh và dành bốn đến năm giờ đồng hồ trong sự chiêm niệm. Trong vòng hai thập niên kế đó, dù phải liệt giường nhưng cô vẫn tiếp tục dạy giáo lý, khuyên bảo và thu hút nhiều người đến với cô vì nghe tiếng thánh thiện của cô.
Khi cuộc Cách Mạng Pháp bùng nổ năm 1789, cô Julie dùng nhà mình làm nơi ẩn náu cho các linh mục đang bị lùng bắt. Do đó, chính cô trở thành nạn nhân bị săn đuổi. Với sự giúp đỡ của bạn bè, cô ẩn trong chiếc xe bò chở rơm trốn đến Cuvilly; trong một vài năm kế tiếp cô trốn ở Compeigne, di chuyển từ nhà này sang nhà khác bất kể sự đau đớn về thể xác. Có lần cô đau đớn đến độ mất cả tiếng nói.
Nhưng giai đoạn này là thời gian phát triển đời sống tâm linh của Julie. Chính trong thời gian này cô được nhìn thấy Chúa Giêsu trên đồi Canvê mà bao quanh là các phụ nữ mặc áo dòng, và cô nghe có tiếng nói, "Ðây là những người con tinh thần mà Ta trao cho con trong một tổ chức có dấu thập giá." Thời gian trôi qua và Julie quen biết với một phụ nữ quý tộc, cô Francoise Blin de Bourdon, là người cùng chia sẻ việc dạy giáo lý với cô. Vào năm 1803, hai người bắt đầu thành lập một tổ chức lấy tên là Hội Dòng Ðức Bà Namur, để giáo dục người nghèo cũng như các thiếu nữ Công Giáo và huấn luyện giáo lý viên. Năm 1804, cô Julie được bình phục và có thể đi lại bình thường sau 22 năm tàn phế. Vào năm 1805, Julie và ba người bạn là các nữ tu đầu tiên của Hội Dòng Ðức Bà Namur khấn trọn. Sơ Julie được bầu làm Mẹ Bề Trên của tu hội trẻ trung này.
Mặc dù Sơ Julie luôn luôn chú ý đến nhu cầu của người nghèo và đó vẫn là điều tiên quyết, nhưng sơ nhận thấy những người thuộc giai cấp khác của xã hội cũng cần được học hỏi về giáo lý Công Giáo. Từ lúc thành lập tu hội Các Nữ Tu của Ðức Bà cho đến khi từ trần, Sơ Julie luôn luôn di chuyển để mở các trường học khác nhau ở Pháp và Bỉ để phục vụ người nghèo cũng như giầu. Sau cùng, Sơ Julie và Sơ Francoise di chuyển nhà mẹ đến Namur, nước Bỉ.
Sơ Julie từ trần năm 1816, và được Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI phong thánh năm 1969.
9 Tháng Tư : Chân Phước Innocent ở Berzo (c. 1890)
Sinh năm 1844 ở gần Brescia thuộc phía bắc nước Ý, Innocent xin gia nhập dòng Capuchin Phanxicô khi 30 tuổi và đã là một linh mục triều. Ngài giữ chức vụ phó giám đốc đệ tử viện và sau đó là cha giám tập.
Cha Innocent có biệt tài giúp đỡ các người trẻ theo đuổi ơn gọi tu trì trong đời sống dòng Phanxicô. Ngài yêu mến họ và ngược lại họ rất quý trọng ngài. Ngài kêu gọi sự hãm mình phạt xác, nhất là gìn giữ miệng lưỡi, nhưng ngài biết sự kỷ luật bề ngoài chỉ là giả dối nếu không có sự hãm mình bên trong.
Vị tu sĩ khắc khổ này từ trần ngày 3 tháng Ba 1890, khi mới 45 tuổi, vì bị bệnh cúm khi trên hành trình rao giảng. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII phong chân phước năm 1961. Những phép lạ được ghi nhận trong tiến trình phong thánh đều là việc chữa lành các trẻ em bệnh tật.
10 Tháng Tư : Chân Phước Giacôbê Oldo (1364 - 1404)
Giacôbê, sinh năm 1364, là người gốc Lodi gần Milan. Nhờ buôn bán phát đạt, cả hai vợ chồng Giacôbê đắm mình trong mọi thú vui trần thế. Ngày kia, trong một đám tang của người bạn thân, khi nhìn vào huyệt sâu Giacôbê nhận thức rằng một ngày nào đó mình cũng sẽ chết. Ông tự hỏi linh hồn mình sẽ đi đâu, và sau đó ông quyết tâm thay đổi đời sống. Giacôbê ăn năn sám hối, đi xưng tội và sau đó gia nhập Dòng Ba Phanxicô.
Trong khi đó, bà mẹ ruột ông Giacôbê lại ngăn cản vợ ông thay đổi đời sống theo gương chồng. Nhưng một ngày kia, bà được thấy chính bà và con bà phải ra trước tòa Thiên Chúa. Thị kiến ấy đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nỗi bà thay đổi lối sống cũng như khuyên cô con dâu noi gương chồng. Và cả hai đã gia nhập dòng Ba Phanxicô. Dinh thự của họ trở thành nơi cầu nguyện và nơi luyện tập nhân đức.
Sau khi vợ chết, ông Giacôbê trở thành linh mục và gia tăng việc hãm mình đền tội. Nhiều khi mỗi tuần ông chỉ ăn có một lần, cũng như không ăn thịt và không uống rượu. Sau cùng, vị giám mục phải ra lệnh cho ông phải ăn uống tối thiểu ba lần một tuần.
Dân chúng cảm kích trước lời rao giảng ăn năn sám hối của Cha Giacôbê. Nhiều người từ bỏ lối sống trần tục, và ngay cả gia nhập đời sống tu trì.
Cha Giacôbê có ơn tiên tri, nhiều lần đã tiên đoán đúng các cuộc chiến xảy ra. Ngay cả cái chết của mình, ngài cũng tiên đoán đúng. Và bảy năm sau khi từ trần, người ta tìm thấy xác ngài còn nguyên vẹn.
11 Tháng Tư : Thánh Stanislaus (1030 - 1079)
Bất cứ ai đọc lịch sử Ðông Âu đều phải biết đến tên Stanislaus, vị giám mục thánh thiện nhưng bi thương của giáo phận Krakow. Cùng với các Thánh Tôma More và Tôma Becket, ngài thường được nhớ đến vì sự chống đối quyết liệt của ngài đối với một chính phủ hung bạo và bất chính thời ấy.
Thánh Stanislaus sinh trong một gia đình quý tộc ở Szczepanow gần Krakow. Ngài theo học các trường Công Giáo ở Gniezno, sau đó ở thủ đô Ba Lan, và ở Balê. Ngài thụ phong linh mục ở Gnesen và được bổ nhiệm làm tổng phó tế và người thuyết giáo của Ðức Giám Mục Krakow, là nơi tài hùng biện và gương mẫu của ngài đã giúp nhiều người thực sự hoán cải đời sống, trong đó có cả hàng giáo sĩ. Ngài trở thành giám mục của Krakow năm 1072.
Trong cuộc viễn chinh chống với Ðại Ðế Duchy của Kiev, Ðức Stanislaus bị dính líu đến tình hình chính trị ở Ba Lan. Nổi tiếng là người thẳng thắn, ngài tấn công những hành động xấu xa của vua và người dân, nhất là các cuộc chiến bất chính cũng như các hành động vô luân của Vua Boleslaus II vì ông đã cướp vợ của một nhà quý tộc.
Lúc đầu nhà vua tự ý xin lỗi và bày tỏ sự ăn năn sám hối, nhưng sau đó lại trở về con đường cũ. Ðức Stanislaus tiếp tục công khai chống đối bất kể những hăm dọa về tội phản quốc và tử hình. Sau cùng ngài đã ra vạ tuyệt thông nhà vua và từ chối cử hành Thánh Lễ mỗi khi có sự hiện diện của ông. Ðiên lên vì tức giận, nhà vua ra lệnh quân lính hạ sát vị giám mục. Khi binh lính từ chối không tuân phục, chính tay ông đã giết Ðức Stanislaus trong khi ngài cử hành Thánh Lễ trong một nhà nguyện ở ngoại ô thành phố.
Ðức Stanislaus là biểu hiệu của tinh thần dân tộc Ba Lan. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Innôcentê IV phong thánh năm 1253 và được đặt làm quan thầy chính thức của Krakow.
Lời Bàn
Thánh Gioan Tẩy Giả, Tôma Becket, Tôma More và Stanislaus là một vài ngôn sứ dám tố giác sự thối nát của những người có địa vị. Các ngài đã theo chân Ðức Giêsu Kitô, là người vạch ra sự sa đọa luân lý của các nhà lãnh đạo tôn giáo thời ấy. Ðó là một công việc đầy nguy hiểm đòi hỏi sự can đảm sống chứng nhân cho Tin Mừng.
Lời Trích
"Những người khao khát muốn có quyền bính để có thể áp đặt luật lệ, mệnh lệnh và kiểm soát người khác, thì chính họ là những người sống vô kỷ luật và không kiềm chế" (Thánh Tôma More, Một Ðối Thoại Về Sự Tiện Nghi).
sinh năm 1793 tại Trịnh Hà, Thanh Hóa, Linh Mục, xử trảm ngày 06-4-1857 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 11-4-1909 do Ðức Piô X, kính ngày 11-4.
12 Tháng Tư : St. Teresa of Los Andes (1900-1920)
One needn’t live a long life to leave a deep imprint. Teresa of Los Andes is proof of that.
As a young girl growing up in Santiago, Chile, in the early 1900s, she read an autobiography of a French-born saint—Therese, popularly known as the Little Flower. The experience deepened her desire to serve God and clarified the path she would follow. At age 19 she became a Carmelite nun, taking the name of Teresa.
The convent offered the simple lifestyle Teresa desired and the joy of living in a community of women completely devoted to God. She focused her days on prayer and sacrifice. “I am God’s, ” she wrote in her diary. “He created me and is my beginning and my end. ”
Toward the end of her short life, Teresa began an apostolate of letter-writing, sharing her thoughts on the spiritual life with many people. At age 20 she contracted typhus and quickly took her final vows. She died a short time later, during Holy Week.
Teresa remains popular with the estimated 100,000 pilgrims who visit her shrine in Los Andes each year. She is Chile’s first saint.
13 Tháng Tư : Thánh Giáo Hoàng Martin (c. 655)
Khi Ðức Martin I làm giáo hoàng năm 649, Constantinople là thủ đô của Ðế Quốc Byzantine và Ðức Thượng Phụ Constantinople là vị lãnh đạo Giáo Hội có thế lực nhất của Kitô Hữu Ðông Phương. Những tranh chấp hiện có trong Giáo Hội hoàn vũ thời bấy giờ lại càng thêm quyết liệt bởi sự cộng tác chặt chẽ giữa hoàng đế và đức thượng phụ.
Một giáo huấn được Giáo Hội Ðông Phương quyết liệt bảo vệ là cho rằng Ðức Kitô không có ý chí của loài người (*). Ðã hai lần, các hoàng đế chính thức lên tiếng bảo vệ lập trường này, lần đầu Hoàng Ðế Heraclius cho công bố bản tuyên xưng đức tin, và sau đó Hoàng Ðế Constant II ra lệnh bác bỏ vấn đề Ðức Kitô có một hoặc hai ý chí.
Trước khi được chọn làm giáo hoàng, Ðức Martin từng là người đọc sách và là phó tế. Và sau khi nhậm chức không lâu, Ðức Martin đã tổ chức một công đồng ở Latêranô mà trong đó các sắc lệnh của vua bị kiểm duyệt, và đức thượng phụ của Constantinople cũng như hai vị tiền nhiệm đều bị lên án là sai lạc. Ðể đối phó, Hoàng Ðế Constant II cố vận động các giám mục và dân chúng chống đối đức giáo hoàng.
Sau khi thất bại trong mưu toan này, hoàng đế sai Olympius, quan tổng trấn Ravenna, bắt đức giáo hoàng đưa về Constantinople xét xử. Nhưng Olympius thất bại, và đến năm 653, quan tổng trấn mới là Theodore Collipas đã xâm chiếm Rôma và bắt giam đức giáo hoàng ở Naxos trong một năm trời. Sau khi điệu về Constantinople, Ðức Martin bị kết tội phản loạn và bị tử hình. Mặc dù các tra tấn đã được thi hành, Ðức Martin được thoát án tử nhờ sự can thiệp của Ðức Phaolô II, vị thượng phụ của Constantinope, là người đã ăn năn sám hối về hành động của mình. Bản án tử hình được đổi thành khổ sai chung thân.
Vì hậu quả của các cuộc tra tấn và cực hình, Ðức Martin đã từ trần sau đó không lâu. Ngài là vị giáo hoàng sau cùng chịu tử đạo.
Lời Bàn
Ý nghĩa thực sự của chữ tử đạo không phải là sự chết, mà là sự làm chứng. Vị tử đạo sẵn sàng hy sinh mọi sự, quý giá nhất là sinh mạng của họ, và đặt đức tin lên trên hết. Tử đạo, chết vì đức tin, là một cao độ bất ngờ mà một số người phải trải qua để thể hiện đức tin của mình nơi Ðức Kitô. Một đức tin sống động, một cuộc đời theo gương Ðức Kitô bất kể những khó khăn, đó là sự đòi hỏi của tất cả Kitô Hữu.
(*) Lạc thuyết độc chí (monothelitism) cho rằng Ðức Kitô chỉ có một ý chí độc nhất là ý chí Thiên Chúa.
14 Tháng Tư : Thánh Gemma Galgani (1878 - 1903)
Thánh Gemma Galgani sinh ở Camigliano, nước Ý, và là thứ tư trong gia đình có tám người con. Cô là một người thông minh, thân thiện, hăng hái và dễ mến, nhưng tinh thần cầu nguyện và sự thâm trầm của cô thì không một người trẻ nào sánh được.
Mẹ của Gemma bị mắc bệnh lao và bà từ trần khi Gemma mới bảy tuổi. Mặc dù rất đau khổ khi phải mồ côi mẹ, Gemma đã biết an ủi các anh chị em mình rằng: "Mẹ chúng ta đã về trời, mẹ đã đau khổ nhiều -- nhưng bây giờ mẹ không còn đau khổ nữa."
Cha của Gemma là một dược sĩ và thường rất khá giả, nhưng bệnh tình lâu ngày trong gia đình đã làm kiệt quệ tài chánh. Dần dà, họ trở nên nghèo nàn. Thêm vào đó, cha của Gemma lại mắc bệnh ung thư cổ và cô phải chăm sóc ông cho đến khi ông từ trần lúc Gemma 19 tuổi. Như thế, trước khi hai mươi tuổi, Gemma đã được chứng kiến sự đau khổ của cha mẹ mình và đã thi hành tất cả những gì có thể để khuây khoả và an ủi các ngài.
Sau khi từ chối lời cầu hôn của hai thanh niên, Gemma ao ước đi tu, nhưng vì lý do sức khoẻ và vì nghèo nên cô bị từ chối. Cô chấp nhận sự thất vọng này như một hy sinh dâng lên cho Chúa. Trong thời gian ấy, Gemma tiên đoán rằng các tu sĩ dòng Thương Khó sẽ thành lập một tu viện ở Lucca, và điều này đã xảy ra sau khi cô từ trần được hai năm.
Vào năm 21 tuổi, một tiếng nói bên trong cho Gemma biết là cô sẽ được ơn lạ thường. Sau đó cô cảm thấy đau nhói ở chân tay và ngực, và có máu tiết ra ở những nơi ấy. Ðó là những thương tích như trên thân thể Chúa Giêsu xưa. Vào mỗi tối thứ Năm, Gemma rơi vào trạng thái ngây ngất và các dấu thánh bắt đầu xuất hiện. Mãi cho đến chiều thứ Sáu, các dấu thánh mới tan biến và đến sáng thứ Bảy thì máu mới ngưng chảy, các vết thương như đóng lại, chỉ còn một vệt trắng mờ trên da. Các dấu thánh tiếp tục xuất hiện cho đến khi cha giải tội cấm cô không được chấp nhận các dấu ấy. Qua lời cầu nguyện của cô, hiện tượng này chấm dứt, nhưng các vết sẹo trắng vẫn còn thấy ở trên da.
Vào tháng Giêng 1903, bác sĩ cho biết Gemma bị lao phổi, và ba tháng sau đó, vào ngày thứ Bảy Tuần Thánh, với sự chứng kiến của cha sở, cô từ giã cõi đời khi mới hai mươi lăm tuổi. Cha sở kể lại: "Cô ấy chết với nụ cười vẫn còn nở trên môi, nên tôi không tin là cô ấy thực sự đã chết."
Cô Gemma được Ðức Giáo Hoàng Piô XI phong chân phước năm 1933 và được Ðức Giáo Hoàng Piô XII phong thánh vào ngày 2 tháng Năm 1940, chỉ có ba mươi bảy năm sau khi từ trần.
15 Tháng Tư : Chân Phước Caesar de Bus (1544-1607)
Như nhiều người trong chúng ta, Caesar de Bus cũng phải vất vả lắm mới tìm thấy ơn gọi đích thực của mình. Sau khi tốt nghiệp ở trường dòng Tên, ngài gặp khó khăn khi phải quyết định giữa sự nghiệp của một quân nhân và một văn gia. Ngài có sáng tác một vài kịch bản nhưng sau cùng an phận trong quân đội và toà án.
Cũng có lúc cuộc đời thật êm xuôi cho một người lính thủy tài giỏi. Ngài tin đó là một chọn lựa đúng. Cho đến khi ngài chứng kiến thực tế của một cuộc chiến, kể cả cuộc thảm sát của người Tin Lành Pháp vào ngày Thánh Batôlômêo năm 1572.
Ngài lâm bệnh nặng và bỗng dưng nhìn lại những tiên quyết trong đời, kể cả đời sống tâm linh. Khi bình phục Caesar quyết tâm trở thành một linh mục. Sau khi được chịu chức vào năm 1582, ngài đảm nhận công việc mục vụ đặc biệt là dạy giáo lý cho người dân sống trong tình trạng bị quên lãng ở nông thôn, hoặc các nơi hẻo lánh. Nỗ lực của ngài quả thật cần thiết và được đón nhận cách nồng hậu.
Cùng với người bà con, Cha Caesar thiết lập một chương trình giáo lý cho gia đình. Mục đích là để chống với sự lạc giáo của người dân, và mục tiêu này được sự chấp thuận của đức giám mục địa phương. Từ những nỗ lực này phát sinh một tu hội mới: các Cha của Giáo Thuyết Kitô Giáo.
Một trong những công trình của Cha Caesar là Huấn Thị Các Gia Ðình về Giáo Lý Công Giáo, được ấn hành vào 60 năm sau khi ngài từ trần.
Ngài được phong chân phước năm 1975.
16 Tháng Tư : Thánh Bernadette Soubirous (1844 - 1879)
Thánh Bernadette Soubirous tên thật là Mary Bernard, con của một gia đình thật nghèo làm nghề xay bột ở Lộ Ðức, thuộc miền nam nước Pháp. Ngay từ khi còn nhỏ, cô bị bệnh suyễn thật nặng nên sức khỏe rất yếu kém.
Vào ngày 11 tháng Hai 1858, cô được Ðức Trinh Nữ Maria hiện ra với cô trong một cái hang nằm trên con đê của sông Gave, gần Lộ Ðức. Cô được thị kiến Ðức Trinh Nữ tất cả 18 lần, lần sau cùng vào ngày lễ Ðức Mẹ Núi Carmel, 16 tháng Bảy. Khi kể lại lần thị kiến đầu tiên, cô đã tự đặt mình vào tình trạng nguy hiểm đối với nhà chức trách. Nhưng Ðức Trinh Nữ hiện ra với cô hàng ngày đã khiến đám đông tuốn đến hang ngày càng đông. Nhà chức trách tìm cách đe dọa để cô công khai rút lui, nhưng cô vẫn trung thành với những gì được thấy.
Vào ngày 25 tháng Hai, một suối nước chảy ra từ hang mà cô Bernadette đã dùng tay đào xới khi vâng theo lời Ðức Trinh Nữ. Nước suối ấy đã chữa được nhiều người khỏi bệnh kể cả người tàn tật.
Vào ngày 25 tháng Ba, Bernadette cho biết trinh nữ hiện ra với cô tự xưng là Ðức Vô Nhiễm Nguyên Tội, và ngài muốn xây một nhà thờ ở đây. Nhiều giới chức dân sự tìm cách đóng suối nước lại và trì hoãn công việc xây cất nhà thờ, nhưng ảnh hưởng và tiếng vang đã thấu đến tai Hoàng Hậu Eugenie nước Pháp, vợ của Napoleon III, do đó việc xây cất được tiến hành tốt đẹp. Ðám đông lại quy tụ về Lộ Ðức, không bị phiền hà bởi các giới chức chống đối tôn giáo và hàng giáo sĩ.
Vào năm 1866, Bernadett được gửi vào dòng Nữ Tu Ðức Bà ở Nevers. Ở đây, sơ trở nên một phần tử của cộng đoàn, và bị sơ giám đốc đệ tử đối xử rất tệ hại. Sự bất nhẫn ấy chỉ chấm dứt khi họ khám phá rằng sơ Bernadette đang chịu đau khổ vì một căn bệnh bất trị. Sơ từ trần ở Nevers vào ngày 15 tháng Tư 1879, khi mới 35 tuổi.
Lộ Ðức đã trở nên trung tâm hành hương lớn nhất thế giới, và suối nước nhỏ bé ấy hàng ngày vẫn cung cấp nước cho khách thập phương từ khắp nơi trên thế giới.
Sơ Bernadette được phong chân phước năm 1925, và được Ðức Giáo Hoàng Piô XI phong thánh năm 1933.
17 Tháng Tư : Thánh Benedict Joseph Labré (1748 - 1783)
Thánh Benedict Joseph Labré thực sự là một con người lập dị, nhưng rất đặc biệt của Thiên Chúa. Là con cả trong gia đình 15 người con, Benedict Joseph Labré sinh ở Amettes thuộc miền bắc nước Pháp. Cha mẹ của cậu làm chủ một nông trại và có một tiệm buôn nhỏ nên đời sống của họ tương đối thoải mái.
Vào năm 12 tuổi, cậu được gửi đến sống với người chú là một linh mục triều ở Erin. Trong thời gian này, Benedict say mê đọc Kinh Thánh và gương thánh nhân đến nỗi người chú phải nhắc nhở cậu về việc học tiếng Latinh, là điều bắt buộc để trở nên một linh mục. Tuy nhiên, cậu nhận ra ơn gọi của Thiên Chúa trong sự hoàn toàn từ bỏ thế gian. Do đó, sau khi người chú từ trần vì chăm sóc các nạn nhân bệnh dịch tả, Benedict trở về nhà, và đi tìm dòng tu khắc khổ nhất.
Vì sức khoẻ yếu kém và vì thiếu nền tảng học vấn nên Benedict không được nhận vào đời sống tu trì. Sau đó, vào năm 18 tuổi, một thay đổi quan trọng có ảnh hưởng sâu xa đến cuộc đời. Benedict không muốn học hành và từ bỏ ý định đi tu. Ngài bỏ nhà và sống như một vị khổ tu, đi hành hương hết đền thánh này đến đền thánh khác. Ngài mặc quần áo rách rưới và ngủ ngay ngoài trời, thực phẩm của ngài chỉ là mẩu bánh hoặc ít rau trái nhờ vào lòng bác ái của người qua đường hoặc lượm nhặt được từ những nơi phế thải. Ngài không xin ăn và sẵn sàng chia sẻ thực phẩm dư dật với người nghèo. Ngài đặc biệt sùng kính Ðức Mẹ và bí tích Thánh Thể.
Bất cứ ai gặp ngài đều không thể quên được một người thật rách rưới nhưng biết tiếng Latinh, thông thạo Kinh Thánh, trông như người ăn xin nhưng không bao giờ xin xỏ. Họ bâng khuâng tự hỏi làm thế nào kẻ lang thang ấy lại có đôi mắt thật nhân từ và một lối sống có phẩm giá. Ðiều họ thắc mắc đã là một sứ điệp. Thiên Chúa biết loài người dễ đắm chìm trong sự ích kỷ và Ngài đã đặt trước mắt họ hình ảnh của một ngôn sứ, một phản ánh thực sự của tự do đích thực, không bị ràng buộc vào vật chất thế gian. Benedict là người soi dẫn của Thiên Chúa để cảnh giác những người lầm lạc, và là tia hy vọng cũng như sự an ủi cho những người vô gia cư chỉ vì sự tham lam của người đời.
Vào ngày 16 tháng Tư 1783, có thể nói vì đời sống quá cực khổ, ngài kiệt sức ngã quỵ trên bậc tam cấp của một nhà thờ ở Rôma. Vào chiều tối hôm ấy, khi tiếng chuông vang vọng báo hiệu giờ kinh Salve Regina, ngài đã trút hơi thở cuối cùng trong một căn nhà gần đó. Các trẻ em chạy khắp đường phố loan báo, "Ông Thánh chết rồi! Ông Thánh chết rồi!" Tin tức ấy được loan truyền trong khi chuông nhà thờ đang rộn rã liên hồi.
Ngài được Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII phong thánh năm 1859.
18 Tháng Tư : Chân Phước Pedro de San José Betancur (1626 - 1667)
Pedro sinh trong một gia đình nghèo ở Tenerife thuộc quần đảo Canary. Ngay từ nhỏ, cậu rất muốn trở thành một linh mục, nhưng Thiên Chúa đã có hoạch định khác cho cậu.
Pedro làm nghề chăn cừu cho đến khi 24 tuổi, anh thực hiện cuộc du hành sang Guatemala, hy vọng sẽ tìm được một người bà con đang làm việc cho chính phủ ở đây. Nhưng mới đến Havana, anh đã cạn hết tiền. Sau khi phải làm việc để kiếm thêm tài chánh, mãi một năm sau anh mới đến thủ đô Guatemala. Ðến nơi, anh quá túng thiếu đến độ phải sống nhờ vào nhà phát chẩn của dòng Phanxicô.
Sau đó không lâu, Pedro ghi tên theo học trường Dòng Tên với hy vọng sẽ trở thành một linh mục. Nhưng dù cố gắng đến đâu đi nữa, anh vẫn không thể tinh thông các môn học; do đó anh phải bỏ dở. Năm 1655 anh gia nhập Dòng Phanxicô Thế Tục. Ba năm sau thầy Pedro mở một chẩn y viện cho người nghèo; một trung tâm cho người vô gia cư và sau đó ít lâu, thầy mở một trường học cho các trẻ em nghèo. Cũng không quên đến người giầu có ở thủ đô Guatemala, thầy đi vào khu phố của họ, vừa rung chuông vừa kêu gọi họ ăn năn sám hối.
Dần dà nhiều người khác đến chia sẻ công việc của Pedro. Không bao lâu, họ thành lập Tu Hội Bêlem mà tu hội này đã được Tòa Thánh chính thức công nhận sau khi Thầy Pedro từ trần.
Thầy thường được coi là người khởi xướng hoạt cảnh Ðêm Giáng Sinh, trong đó Ðức Maria và Thánh Giuse đi từng nhà để tìm chỗ trọ. Truyền thống này lan ra tới Mễ Tây Cơ và các quốc gia Trung Mỹ cho đến ngày nay.
Thầy được phong chân phước năm 1980.
Lời Trích
Ðề cập đến Thầy Pedro và bốn vị khác cùng được phong chân phước với thầy, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: "Thiên Chúa rộng rãi ban phát cho họ sự nhân hậu và lòng thương xót của Ngài cũng như ban cho họ tràn đầy ơn sủng; Thiên Chúa yêu thương họ với tình yêu của một người cha, nhưng rất đòi hỏi, mà sự hứa hẹn chỉ là những khổ nhọc và đau thương. Thiên Chúa mời gọi họ sống cuộc đời thánh thiện cách anh hùng; Ngài lôi họ ra khỏi quê hương và gửi họ đến các phần đất xa lạ để loan truyền phúc âm, giữa những khó khăn và cực nhọc không thể diễn tả được" (L'Observatore Romano).
19 Tháng Tư : Chân Phước Luchesio và Buonadonna (c. 1260)
Ông Luchesio và bà Buonadonna là hai vợ chồng muốn sống theo gương Thánh Phanxicô. Do đó họ đã gia nhập Dòng Ba Phanxicô.
Hai ông bà sống ở Poggibonzi, nơi họ hành nghề thương mãi và là con buôn tham lam. Nhưng sau khi gặp Thánh Phanxicô -- có lẽ năm 1213 -- họ đã thay đổi đời sống. Ông Luchesio bắt đầu thi hành nhiều việc bác ái.
Lúc đầu, bà Buonadonna không nhiệt tình sống bác ái như ông Luchesio, và thường than phiền chồng là đã bố thí quá nhiều của cải cho các người lạ. Một ngày kia, khi có người gõ cửa xin được giúp đỡ, và ông Luchesio nhờ vợ lấy cho họ ít bánh mì. Bà nhăn mặt khó chịu nhưng cũng đi vào bếp, và lạ lùng thay, bà nhận thấy số bánh mì đang có thì nhiều hơn khi trước. Không bao lâu, bà cũng trở nên hăng say sống đời khó nghèo và thanh bạch như ông chồng. Cả hai bán cả tiệm buôn, chỉ giữ lại ít đất để cầy cấy trồng trọt đủ cho nhu cầu và phân phối đất đai còn lại cho các người nghèo.
Vào thế kỷ thứ 13, với sự ưng thuận và sự cho phép của Giáo Hội, một số vợ chồng sống ly thân để người chồng vào dòng tu nam và người vợ vào dòng tu nữ. Nhưng điều này chỉ có thể xảy ra nếu họ son sẻ hoặc con cái đã trưởng thành. Ông bà Luchesio lại muốn kiểu khác, họ muốn sống đời tu trì, nhưng bên ngoài tu viện.
Ðể đáp ứng nhu cầu này, Thánh Phanxicô đã lập Dòng Phanxicô Thế Tục. Ðầu tiên, thánh nhân viết một Quy Luật đơn giản cho Dòng Ba (Phanxicô Thế Tục), sau đó Ðức Giáo Hoàng Honorius III đã chấp thuận một quy luật chính thức vào năm 1221.
Công việc bác ái của hai ông bà Luchesio đã thu hút người nghèo đến với họ, và cũng như các vị thánh khác, dường như hai ông bà không bao giờ thiếu của cải để giúp đỡ tha nhân.
Một ngày kia, khi ông Luchesio đang cõng một người tàn tật mà ông bắt gặp bên vệ đường thì có một thanh niên đến hỏi ông, "Cái tên quỷ quái nào mà ông đang cõng trên lưng đó?" Ông Luchesio trả lời, "Tôi đang cõng Ðức Giêsu Kitô." Ngay lập tức người thanh niên ấy đã phải xin lỗi ông.
Hai ông bà Luchesio và Buonadonna đều từ trần vào ngày 28 tháng Tư 1260. Ông được phong chân phước năm 1273. Truyền thống địa phương cũng gọi bà Buonadonna là "chân phước" dù rằng Tòa Thánh chưa chính thức công bố.
Lời Bàn
Thật dễ để chế nhạo người nghèo, và chà đạp phẩm giá con người mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Mẹ Têrêsa Calcutta thường đề cập đến sự nghèo túng như "sự đau khổ tiềm ẩn" của Ðức Kitô. Chúng ta dễ khiến người khác cảm thấy là họ vô ích -- người nghèo, người bệnh hoạn, người tật nguyền thể xác cũng như tâm thần, người lớn tuổi, người thất nghiệp -- do đó, chống lại sự cám dỗ ấy đòi hỏi một mức độ đại lượng trong cuộc sống chúng ta. Nếu ai nấy cũng đều nhìn thấy Ðức Kitô trong người nghèo như hai ông bà Luchesio, họ sẽ phong phú hóa Giáo Hội và giữ được sự trung tín với Thiên Chúa.
Lời Trích
Thánh Phanxicô thường nói, "Bất cứ ai nguyền rủa người nghèo là tổn thương đến Ðức Kitô, vì họ đang mang hình ảnh của Người, hình ảnh của Ðấng đã trở nên nghèo hèn vì chúng ta" (1 Celano, #76).
20 Tháng Tư : Thánh Conrad ở Parzham (1818 - 1894)
Thánh Conrad không phải là vị sáng lập dòng hay ngay cả là một linh mục, nhưng tình yêu của ngài dành cho Thiên Chúa và sự sùng kính Ðức Maria đã biến ngài trở nên một anh hùng của Ðức Giêsu Kitô. Thánh Conrad trổi vượt về đức bác ái, được biểu lộ trong tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, trong sự sùng kính Thánh Thể và sự tín thác vào Ðức Mẹ như trẻ thơ.
Sinh trưởng ở Parzham, ngay từ nhỏ Conrad đã được cha mẹ dạy bảo giáo lý thật kỹ lưỡng. Dù phải làm việc đồng áng vất vả, Conrad vẫn dành nhiều thời giờ để cầu nguyện. Do đó người ta không ngạc nhiên khi thấy người trẻ này đã gia nhập dòng Capuchin sau khi các ngài đến đây truyền giáo.
Conrad gia nhập dòng Capuchin với tư cách thầy trợ sĩ. Ngài khấn trọn năm 1852 và được bài sai đến tu viện ở Altoetting với công việc giữ cửa trong 41 năm. Vì tu viện là trung tâm hành hương nên việc giữ cửa rất bận rộn, mỗi ngày có đến cả ngàn người thăm hỏi, và dù già hay trẻ, lịch thiệp hay thiếu lễ độ, Thầy Conrad đều ân cần và hoà nhã đón tiếp họ. Qua cách đối xử nhân từ ấy, thầy đã đưa nhiều người về với Thiên Chúa. Thầy ngủ ít, siêng năng làm việc và luôn luôn kết hợp với Ðức Kitô. Thầy rất quý trọng Thánh Thể, và sung sướng khi được giúp lễ. Bất cứ lúc nào có chút thời giờ rảnh rỗi, thầy đều dùng để cầu nguyện trước Thánh Thể.
Ngoài việc tôn thờ Thánh Thể và Chúa Giêsu Ðóng Ðinh, Thầy Conrad còn đặc biệt sùng kính Ðức Maria. Ngài là Nữ Vương và là Trạng Sư của thầy trong những khi thử thách. Thầy luôn luôn cổ võ lòng sùng kính Ðức Maria qua việc phân phát chuỗi Mai Khôi.
Vào ngày 18 tháng Tư 1894, thầy bị liệt. Ba ngày sau, khi các trẻ em mà thầy đã dạy chúng lần hạt, đang đọc kinh ngoài cửa sổ thì thầy trút hơi thở cuối cùng.
Với các nhân đức anh hùng và phép lạ của Thầy Conrad, Ðức Giáo Hoàng Piô XI đã tuyên phong chân phước vào năm 1930, và bốn năm sau, cũng chính Ðức Piô XI đã tuyên phong hiển thánh.
Lời Trích
"Thiên Chúa muốn tôi từ bỏ tất cả những gì ưa thích và gần gũi với tôi. Tôi cảm tạ Thiên Chúa đã gọi tôi vào đời sống tu trì, là nơi tôi tìm thấy sự bình an và niềm vui mà không thể nào tìm thấy trong thế gian. Những gì tôi muốn thực hiện trong cuộc đời, chính yếu là: sống bác ái và chịu đau khổ, luôn suy tưởng, tôn thờ và ngưỡng mộ tình yêu khôn tả của Thiên Chúa đã dành cho các tạo vật thấp hèn nhất của Ngài" (Thư của Thánh Conrad).
21 Tháng Tư : Thánh Anselm (1033-1109)
Là một thanh niên lãnh đạm với tôn giáo, Thánh Anselm đã trở nên một trong những nhà lãnh đạo và thần học gia vĩ đại của Giáo Hội. Ngài có danh xưng "Ông Tổ Phái Kinh Viện" vì những cố gắng phân tích và làm sáng tỏ các chân lý đức tin qua sự hỗ trợ của lý lẽ.
Thánh Anselm sinh trong một gia đình quyền quý ở Aoust, thuộc Piedmont. Ngài được người mẹ đạo đức chăm sóc và dạy dỗ về giáo lý, và ảnh hưởng tốt đẹp ấy đã kéo dài suốt cuộc đời ngài.
Khi 15 tuổi, Anselm muốn gia nhập một đan viện, nhưng bị từ chối vì người cha phản đối. Sau thời gian mười hai năm sống trong sự thờ ơ tôn giáo và theo thói đời, sau cùng ngài đã trở thành một đan sĩ như lòng mong ước. Ngài gia nhập đan viện Bec ở Normandy, ba năm sau ngài được bầu làm đan viện trưởng, và 15 năm sau ngài được bầu làm viện phụ.
Ðược coi là một nhà tư tưởng độc lập và độc đáo, Ðức Anselm được mọi người thán phục vì sự kiên nhẫn, hiền hòa và tài giảng dạy của ngài. Quả thật, ngài hiểu biết nhiều về thực chất và sự đam mê của con người đến độ dường như ngài đọc được tư tưởng và hành động của họ, bởi đó ngài nhìn thấy các nhân đức cũng như tật xấu của họ và khuyên bảo họ một cách thích hợp. Dưới sự lãnh đạo của ngài, Ðan Viện Bec trở nên trường đào tạo các đan sĩ, có ảnh hưởng đến các tư duy triết học và thần học thời ấy.
Trong những năm này, theo lời yêu cầu của cộng đoàn, Ðức Anselm bắt đầu công bố các công trình thần học của ngài, có thể sánh với các văn bản của Thánh Augustine. Công trình nổi tiếng nhất của ngài là cuốn Cur Deus Homo ("Tại Sao Thiên Chúa Làm Người").
Khi 60 tuổi, ngài được bổ nhiệm làm Ðức Tổng Giám Mục của Canterbury vào năm 1093, trái với ý muốn của ngài. Việc bổ nhiệm ngài, lúc đầu bị vua nước Anh là William Rufus chống đối nhưng sau đó phải chấp nhận. Rufus cố chấp từ chối cộng tác với các nỗ lực cải cách Giáo Hội.
Sau cùng Ðức Anselm phải đi lưu đầy cho đến khi Rufus từ trần năm 1100. Ngài được gọi về nước Anh bởi Henry I, là em và là người kế vị Rufus. Tuy nhiên, Ðức Anselm lại bất đồng với Henry về việc nhà vua nhúng tay vào các vấn đề của hàng giám mục, do đó ngài lại phải đi lưu đầy ba năm ở Rôma.
Không chỉ lưu tâm đến hàng quý tộc, Ðức Anselm còn để ý và lo lắng cho người nghèo. Ngài là người đầu tiên trong Giáo Hội chống đối việc buôn nô lệ. Và ngài đã được Hội Ðồng Quốc Gia Westminster thông qua đạo luật cấm buôn bán con người.
Ngài từ trần ở Canterbury, Anh Quốc năm 1109, và được phong thánh năm 1494.
Lời Bàn
Thánh Anselm, cũng như bất cứ môn đệ trung kiên nào khác của Ðức Kitô, đã phải vác thập giá của mình, nhất là dưới hình thức chống đối và xung đột với những người đang nắm quyền chính trị. Mặc dù bản tính là một người hiền hòa và yêu chuộng hòa bình, Thánh Anselm không nhượng bộ trước sự đàn áp và mâu thuẫn với các nguyên tắc đang bị đe dọa.
Lời Trích
"Trên thiên đàng không ai có sự khao khát nào hơn là thánh ý Thiên Chúa; và sự khao khát của một người sẽ là sự khao khát của mọi người; và sự khao khát của mọi người cũng như mỗi người sẽ là sự khao khát của Thiên Chúa" (Thánh Anselm, Opera Omnis, Thư 112).
22 Tháng Tư : Chân Phước Giles ở Assisi (1190 -- 1262)
Chân Phước Giles, một trong các môn đệ của Thánh Phanxicô, là người đơn giản và siêng năng cầu nguyện.
Vào ngày 23 tháng Tư, 1208, một người tá điền tên Giles đã phân phát tài sản cho người nghèo và đi theo Thánh Phanxicô. Trong phần giới thiệu ông Giles, Thánh Phanxicô nói: "Ðây là một người anh em tốt lành mà Thiên Chúa đã gửi đến cho chúng ta! Hãy ngồi vào bàn và ăn mừng."
Trong thời gian đầu sau khi là một tu sĩ dòng Phanxicô, Thầy Giles tháp tùng Thánh Phanxicô trong nhiều công tác truyền giáo ở chung quanh Assisi, cũng như hành hương đến Rôma, Ðất Thánh và đền nổi tiếng của Thánh Giacôbê ở Compostela, Tây Ban Nha. Vào năm 1219, ngài đến Tunis để rao giảng cho người Hồi Giáo, nhưng người Kitô Giáo ở đây, sợ rằng ngài sẽ gây khó khăn cho họ, nên đã đưa ngài lên thuyền trở về Ý. Sau đó, Thầy Giles làm việc lao động trong vài năm. Vào năm 1234, ngài di chuyển đến Monte Rapido gần Perugia để theo đuổi đời sống chiêm niệm. Thầy sống ở đây cho đến khi từ trần.
Thầy Giles luôn luôn làm việc để có miếng ăn hàng ngày ngay cả khi ngài là khách. Có lần khi đang ở nhà một vị hồng y, và buổi sáng hôm ấy trời mưa tầm tã. Vị hồng y vui mừng nghĩ rằng Thầy Giles sẽ không thể nào làm việc lao động được, và thầy sẽ phải nhận lòng bác ái của đức hồng y. Tuy nhiên, người tu sĩ khéo léo này đã đi vào bếp để lau chùi, quét dọn và giúp người đầu bếp chuẩn bị bữa ăn tối!
Khi Thánh Bonaventura đến Perugia, Thầy Giles hỏi ngài rằng, một người ngu dốt có thể yêu mến Thiên Chúa nhiều như một học giả không. Thánh Bonaventura, lúc ấy là một thần học gia nổi tiếng xuất thân từ Ðại Học Balê và là bề trên tổng quyền, trả lời: "Một bà già tầm thường có thể yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn là một bậc thầy về thần học." Ngay lập tức, Thầy Giles chạy đi gặp một bà già và nói, "Bà ơi, dù bà đơn sơ và không có học thức, nhưng nếu bà yêu mến Thiên Chúa thì bà có thể cao trọng hơn cả Bonaventura."
Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô IX, trước đây là Hồng Y Hugolinô và là một người ái mộ Thánh Phanxicô, đã có lần đưa Thầy Giles đến Viterbo để ngài có thể tận mắt chứng kiến sự thánh thiện của thầy. Cả hai bắt đầu nói chuyện về thiên đàng, và Thầy Giles đã hai lần rơi vào tình trạng ngất trí trong một thời gian khá lâu. Một lần khác, đức giáo hoàng yêu cầu thầy khuyên bảo về nhiệm vụ của một giáo hoàng. Thầy nói với đức giáo hoàng là ngài phải có hai đôi mắt trong linh hồn: một đôi để chiêm ngắm những sự trên trời, và một đôi để nhìn đến những sự dưới đất. Như đức giáo hoàng và Thánh Bonaventura đồng ý, Thầy Giles là một bậc thầy về đời sống tâm linh. Tập "Lời Vàng của Thầy Giles" đã ghi lại những lời nói đáng nhớ của thầy.
Là một trong những môn đệ tiên khởi của Thánh Phanxicô, Thầy Giles khước từ mọi dễ dãi về kỷ luật trong Quy Luật Thánh Phanxicô. Thầy được phong chân phước năm 1777.
Lời Bàn
Chúng ta được dựng nên với một mục đích. Chân Phước Giles biết rằng mục đích của đời sống chúng ta là sống với Thiên Chúa, và ngài đã vui vẻ chuẩn bị cho đời sống ấy.
Lời Trích
"Chim chóc trên trời, muông thú dưới đất và cá dưới biển đều thoả mãn khi chúng có đủ thức ăn. Nhưng con người thì không thỏa mãn với những sự trần thế và luôn luôn khao khát những điều khác, do đó hiển nhiên là con người được tạo dựng không chỉ cho chính mình mà còn cho tha nhân. Vì thân xác được tạo dựng là cho linh hồn, và thế giới này được tạo dựng là cho thế giới khác" (Lời Vàng).
23 Tháng Tư : Thánh George (c. 304)
Người ta thường vẽ hình Thánh George đang giết con rồng để cứu thoát một phụ nữ xinh đẹp. Con rồng tượng trưng cho sự dữ. Người phụ nữ tượng trưng cho chân lý thánh thiện của Thiên Chúa. Thánh George là vị tử đạo can đảm đã chiến thắng sự dữ.
Cuộc đời Thánh George thì đầy những huyền thoại đến nỗi thật khó để phân biệt thực hư. Người ta cho rằng Thánh George xuất thân từ Cappadocia thuộc Tiểu Á, là một sĩ quan trong đạo quân của Hoàng Ðế La Mã Diocletian (245 -- 313), và là người được Hoàng Ðế mến mộ.
Lúc bấy giờ, Diocletian là người ngoại đạo và thù ghét Kitô Giáo. Ông giết bất cứ Kitô Hữu nào mà ông gặp. Thánh George là một Kitô Hữu can đảm, một người lính đích thực của Ðức Kitô. Không sợ hãi, ngài đến gặp Hoàng Ðế và nghiêm nghị quở trách sự tàn ác của ông. Sau đó ngài từ bỏ địa vị trong quân đội La Mã. Vì lý do đó ngài bị tra tấn bằng mọi cách khủng khiếp nhất và sau cùng bị chém đầu.
Sự can đảm và hăng hái tuyên xưng đức tin của Thánh George đã đem lại niềm phấn khởi cho các Kitô Hữu thời ấy. Nhiều bài hát và bài thơ đã được sáng tác về vị tử đạo này. Ðặc biệt, các quân nhân là những người sùng kính ngài.
Ngài được phong thánh năm 494, Ðức Giáo Hoàng Gelasius tuyên xưng ngài là một trong những người "mà tên tuổi thật xứng đáng để người đời kính trọng, và chứng từ tử đạo của ngài đáng để dâng lên Thiên Chúa."
Thánh George được đặt làm quan thầy của nước Anh, Bồ Ðào Nha, Ðức, Aragon, Genoa và Venice.
Lời Bàn
Tất cả chúng ta đều có những "con rồng" để khuất phục. Nó có thể là sự kiêu ngạo, sự nóng giận, sự lười biếng, sự tham lam, hoặc bất cứ gì khác. Hãy biết rằng chúng ta chiến đấu những "con rồng" đó với sự trợ giúp của Thiên Chúa. Và rồi, chúng ta có thể tự hào mình là chiến sĩ đích thực của Ðức Kitô.
Lời Trích
"Mỗi khi nhìn đến đời sống của những người đã trung tín theo Ðức Kitô, chúng ta lại có thêm một lý do nữa để phấn khởi tìm kiếm Thành Thánh tương lai" (Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội, 50)
24 Tháng Tư : Thánh Fidelis ở Sigmaringen (1578 -- 1622)
Nếu có người nghèo cần đến quần áo, Thánh Fidelis thường lấy ngay quần áo của mình đang mặc mà chia sẻ cho họ. Sự hoàn toàn độ lượng là đặc tính của cuộc đời thánh nhân.
Sinh năm 1578 trong một gia đình giầu có ở Sigmaringen, Thánh Fidelis có tên gọi là Mark Rey, ngay từ nhỏ rõ ràng ngài đã có những khả năng đặc biệt. Sau khi được vinh dự nhận bằng tiến sĩ triết và luật tại Ðại Học Freeburgh, Mark Rey cùng với ba người bạn đi khắp Âu Châu trong vòng sáu năm. Ngài hành nghề luật sư, và các thân chủ đều mến mộ sự khôn ngoan và công chính của ngài. Nhưng dần dà ngài cảm thấy ghê tởm sự thối nát trong giới đồng nghiệp, và khi được hối lộ để kéo dài một vụ kiện ngài đã quyết định đi tu, gia nhập dòng Phanxicô và lấy tên Fidelis. Tài sản của ngài được chia cho người nghèo và nhà dòng.
Với quyết tâm rao giảng cho mọi người biết về đức tin chân thật, sau khi thụ phong linh mục, Cha Fidelis được phép hoạt động truyền giáo cho người Tin Lành, đó là một công việc đầy nguy hiểm trong thời ấy. Ngài chuẩn bị cho sứ vụ này bằng việc học hỏi, viết lách, cầu nguyện và hãm mình. Với những lời đầy nhiệt huyết ngài bài bác lạc thuyết của Calvin và Zwingli. Nhiều người Tin Lành cũng như người Công Giáo sa ngã đã trở về với đức tin Công Giáo.
Sau đó Cha Fidelis làm Giám Ðốc của một tu viện và là nguồn khai sáng cho các tu sĩ với tinh thần chiêm niệm luôn bao trùm nhà dòng. Chính ngài và các thầy chăm sóc các quân nhân về thể xác cũng như tinh thần khiến các sĩ quan Tin Lành tức giận.
Có lần ngài nói với một linh mục bạn về hai điều ước của ngài; một là được ơn không bao giờ phạm tội trọng, và hai là được chết vì Ðức Tin. Thiên Chúa đã nhận lời ngài.
Trong ba năm, ngài được Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô XV sai đến Thetia hoạt động và ngài hoán cải rất nhiều người. Các giáo sĩ theo phái Calvin(*) xách động dân chúng, và vào ngày 24 tháng Tư 1624, đó là lần rao giảng chót của Cha Fidelis. Khi ngài vừa lên toà giảng để nói về "Một Thiên Chúa, Một Ðức Tin, Một Phép Rửa", đám đông la ó phản đối, họ lôi ngài ra khỏi nhà thờ và dùng gậy gộc đánh đập và dùng gươm đâm ngài chết.
Lời Bàn
Sự liên lỉ cầu nguyện của Thánh Fidelis đã giữ ngài luôn trung thành với Thiên Chúa và không nhượng bộ sự lãnh đạm và thờ ơ. Người ta thường nghe ngài nói, "Khốn cho tôi, nếu tôi chỉ là một người lính thiếu tận tâm phục vụ vị Thủ Lãnh đội mão gai." Sự cầu nguyện đối với sự thờ ơ, và sự lưu tâm đối với người nghèo đã khiến thánh nhân trở nên một gương mẫu có giá trị cho ngày nay. Giáo Hội thường kêu gọi chúng ta hãy noi gương người "luật sư của người nghèo" này bằng cách chia sẻ tài năng chúng ta với những người kém may mắn, và hoạt động cho sự công bằng của thế giới.
Lời Trích
"Hành động vì sự công bằng và tham dự trong việc biến đổi thế gian thực sự là một yếu tố cơ bản trong việc rao giảng phúc âm hoặc, nói cách khác, trong sứ vụ của Giáo Hội để cứu chuộc loài người và giải thoát con người khỏi mọi áp bức" ("Sự Công Bằng Trong Thế Giới," Thượng Hội Ðồng Giám Mục, 1971).
25 Tháng Tư : Thánh Máccô
Những gì chúng ta biết về Thánh Máccô thì trực tiếp từ Kinh Thánh Tân Ước. Ngài thường được coi là nhân vật Máccô trong Tông Ðồ Công Vụ 12:12 (Khi Phêrô thoát khỏi ngục và đến nhà mẹ của Máccô).
Phaolô và Barnabas muốn đem theo Máccô trong chuyến truyền giáo đầu tiên, nhưng vì một vài lý do nào đó, Máccô đã ở lại Giêrusalem một mình. Trong cuộc hành trình thứ hai, Phaolô lại từ chối không muốn đem theo Máccô, bất kể sự nài nỉ của Barnabas, điều đó chứng tỏ Máccô đã làm phật lòng Phaolô. Sau này, Phaolô yêu cầu Máccô đến thăm ngài khi ở trong ngục, điều đó cho thấy sự bất hòa giữa hai người không còn nữa.
Là phúc âm đầu tiên và ngắn nhất trong bốn Phúc Âm, Máccô nhấn mạnh đến việc Ðức Giêsu bị loài người tẩy chay trong khi chính Người là Thiên Chúa. Phúc Âm Thánh Máccô có lẽ được viết cho Dân Ngoại tòng giáo ở Rôma -- sau cái chết của Thánh Phêrô và Phaolô khoảng giữa thập niên 60 và 70.
Cũng như các thánh sử khác, Máccô không phải là một trong 12 tông đồ. Chúng ta không rõ ngài có biết Ðức Kitô một cách cá biệt hay không. Một số sử gia cho rằng vị thánh sử này đã nói đến chính ngài trong đoạn Ðức Kitô bị bắt ở Giệtsimani: "Bấy giờ một người trẻ đi theo Người chỉ khoác vỏn vẹn một tấm vải gai. Họ túm lấy anh, nhưng anh tuột tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng" (Máccô 14:51-52).
Nhiều người khác cho rằng Máccô là giám mục đầu tiên của Alexandria, Ai Cập. Thành phố Venice, nổi tiếng với quảng trường San Marco, cho rằng Thánh Máccô là quan thầy của thành phố này; một vương cung thánh đường vĩ đại ở đây được coi là nơi chôn cất thánh nhân.
Dấu hiệu của Thánh Máccô là sư tử có cánh, do bởi đoạn Máccô diễn tả Gioan Tẩy Giả như một "tiếng kêu trong hoang địa" (Máccô 1:3), mà các nghệ nhân so sánh tiếng kêu ấy như tiếng sư tử gầm. Ðôi cánh của sư tử là vì người ta dùng thị kiến của Êgiêkien về bốn con vật có cánh mà áp dụng cho các thánh sử.
Lời Bàn
Cuộc đời Thánh Máccô đã hoàn tất những gì mà mọi Kitô Hữu được mời gọi để thi hành: rao truyền Tin Mừng cứu độ cho mọi người. Ðặc biệt, phương cách của Thánh Máccô là qua sự viết văn. Những người khác có thể loan truyền Tin Mừng qua âm nhạc, nghệ thuật sân khấu, thi văn hay giáo dục con em ngay trong gia đình.
Lời Trích
Hầu hết những gì Thánh Máccô viết đều có đề cập đến trong các Phúc Âm khác -- chỉ trừ bốn đoạn. Sau đây là một đoạn: "... Chuyện nước trời cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Ðêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Ðất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa" (Máccô 4:26-29).
26 Tháng Tư : Thánh Giuse Cottolengo (1786 - 1842)
Thánh Giuse Cottolengo là người con cả trong gia đình 12 người con. Sinh trưởng ở Bra, gần Turin, Ý Ðại Lợi, sau một thời gian vất vả vì sức khoẻ yếu kém và khó khăn trong việc học, ngài được thụ phong linh mục trong Ðịa Phận Turin năm 1811.
Trong quãng đời của Cha Giuse, nước Ý tan nát vì chiến tranh và người nghèo cũng như người bệnh tật thường bị quên lãng. Ðược khích động bởi cuộc đời Thánh Vinh Sơn Phaolô và xúc động trước sự đau khổ của những người chung quanh, Cha Giuse đã thuê phòng ốc để chăm sóc các bệnh nhân, và tuyển mộ các thiếu nữ để điều hành. Khi công việc ngày càng bành trướng và được nhiều người tham gia, Cha Giuse quy tụ những người thiện chí trong hai tổ chức là Tiểu Ðệ Thánh Vinh Sơn Phaolô và Tiểu Muội Thánh Vinh Sơn Phaolô.
Khi bệnh dịch tả lan tràn năm 1831, tổ chức của Cha Giuse phải đóng cửa và di chuyển ra ngoại ô thành phố, ở Voldocco, tiếp tục chăm sóc người bất hạnh. Tổ chức của ngài có tên Nhà Chúa Quan Phòng và phục vụ nhiều loại người khác nhau (người bệnh, người già, sinh viên nghèo, người bị bệnh tâm thần, người mù). Tất cả phần tài chánh đều nhờ vào lòng bác ái của mọi người.
Ðể phục vụ những người kém may mắn, ngài còn sáng lập các tổ chức Nữ Tử Ðấng Thương Xót, Nữ Tử Ðấng Chiên Lành, Ẩn Sĩ của Chuỗi Mai Khôi, và các Linh Mục của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Bị mắc bệnh thương hàn, ngài yếu dần và từ trần ở Chieri, nước Ý, và được phong thánh năm 1934.
Lời Bàn
Làm thế nào để chúng ta biết được thánh ý Thiên Chúa? Có phải thánh ý đó không thay đổi? Thánh Giuse Cottolengo chỉ bắt đầu thực hiện công việc bác ái nổi tiếng đó sau 21 năm làm linh mục. Những năm cầu nguyện và tìm kiếm đã giúp Thánh Giuse Cottolengo nhận ra lời mời gọi của Thiên Chúa. Trong quá khứ, dù chúng ta có đáp ứng thế nào với nhu cầu của tha nhân đi nữa, Thiên Chúa luôn luôn mời gọi chúng ta độ lượng hơn nữa.
27 Tháng Tư : Thánh Zita ở Lucca (1218 -- 1278)
Thánh Zita còn được gọi là Sitha hay Citha. Ngài sinh trong một gia đình nghèo nhưng rất đạo đức ở Lucca, nước Ý. Từ 12 tuổi cho đến chết, ngài làm đầy tớ cho gia đình Fatinelli ở Lucca. Vì không có địa vị trong xã hội nên ngài không có tên họ.
Ngay từ khi còn nhỏ, Zita đã lưu tâm đến những người nghèo và bơ vơ. Lòng thương người ấy ngày càng nổi tiếng, và họ tìm đến ngài. Ðiều ấy không phù hợp với hoàn cảnh của một đầy tớ cũng như khiến gia chủ phải khó chịu. Và Thiên Chúa đã can thiệp. Một ngày kia, Zita bỏ dở công việc nấu nướng để chăm sóc người nghèo và các đầy tớ khác đã lên mách với gia chủ. Khi xuống bếp điều tra, họ nhìn thấy các thiên thần đang làm công việc bếp núc thay cho Zita. Một lần khác, Zita đã phân phát cả một kho chứa đậu cho những người trong phố khi nạn đói hoành hành. Khả nghi, gia chủ xuống xem xét và lạ lùng thay họ thấy kho vẫn đầy những hạt đậu.
Ngày tháng dần trôi, ngài trở nên nổi tiếng trong việc giúp đỡ người nghèo, người đau yếu và kẻ tù đầy. Ngay sau khi chết, nhiều phép lạ đã xảy ra nhờ lời cầu bầu của ngài, người ta đã sùng kính ngài như một vị thánh; và danh xưng đó được chính thức trao ban cho ngài năm 1696. Thánh Zita là quan thầy của các người giúp việc trong nhà.
Lời Bàn
Chúng ta thường nói, "Bạn không thể đem theo của cải với mình khi chết." Nhưng người ta vẫn e ngại khi làm việc từ thiện vì họ sợ tài sản của họ sẽ tiêu tan, dù đó là thời giờ, tiền bạc hay sức lực. Thánh Zita được vinh danh là vì lòng bác ái của ngài. Ngài đã có thể so đo với những người giầu có và bào chữa cho sự ích kỷ của mình. Nhưng ngài đã sống lời Ðức Kitô trong câu truyện về người goá phụ nghèo (xem Luca 21:1-4).
Lời Trích
"Vì vậy chúng ta hãy bác ái và khiêm tốn; chúng ta hãy bố thí vì của bố thí sẽ tẩy sạch vết nhơ tội lỗi trong linh hồn chúng ta (xem Tobia 4:11; 12:9). Vì người ta sẽ mất tất cả những gì họ để lại trần gian mà chỉ đem theo được các phần thưởng của hành động bác ái và bố thí mà họ đã cho đi, vì đó mà họ sẽ được Chúa thưởng công và được đền đáp xứng đáng" (Thư Thánh Phanxicô Gửi Người Tín Hữu).
28 Tháng Tư : Thánh Phêrô Chanel (1803 - 1841)
Bất cứ ai từng làm việc trong cô độc, và cần phải thích ứng tối đa và rất ít cơ hội thành công, đều tìm thấy một tinh thần tương tự nơi Thánh Phêrô Chanel.
Thánh Phêrô Chanel sinh ở Clet trong giáo phận Belley, nước Pháp. Khi là học sinh tiểu học, ngài đã được thầy giáo chú ý vì sự thông minh và đạo đức. Khi gia nhập đại chủng viện, ngài được sự thương mến và quý trọng của các giáo sư cũng như đồng bạn. Khi là linh mục trẻ, ngài làm hồi sinh một giáo xứ trong khu "tồi tệ" của thành phố chỉ sau ba năm hoạt động. Tuy nhiên ngài vẫn muốn trở thành nhà truyền giáo, do đó lúc 28 tuổi ngài gia nhập Dòng Ðức Mẹ, là tu hội chú trọng đến công việc truyền giáo ở trong và ngoài nước. Nhưng, trái với điều mong ước, ngài lại được chỉ định công việc dạy học ở đại chủng viện Belley trong vòng năm năm kế đó, và ngài thi hành nhiệm vụ ấy với tất cả nhiệt thành.
Vào năm 1836, nhà dòng được giao cho vùng New Hebrides ở Thái Bình Dương để truyền giáo, và Cha Phêrô thật vui sướng được bổ nhiệm là bề trên của nhóm truyền giáo, tuy nhỏ nhưng hăng say rao giảng Ðức Tin cho dân cư trên đảo.
Sau mười tháng lênh đênh trên biển, họ đã cập bến và tách ra làm hai nhóm, và nhóm của Cha Phêrô thì đến Ðảo Futuna với hai người phụ tá, gồm một thầy dòng và một giáo dân người Anh. Khi ấy dân cư trên đảo còn trong tình trạng bán khai mà lệnh cấm ăn thịt người chỉ vừa mới được ban hành. Lúc đầu các vị truyền giáo được người bản xứ và tù trưởng Niuliki tiếp đón niềm nở. Tuy nhiên, khi các ngài càng ngày càng sành sõi tiếng địa phương và càng được dân chúng tin tưởng thì ông tù trưởng cảm thấy ghen tức và lo sợ; ông thấy rằng việc chấp nhận đức tin Công Giáo sẽ đưa đến sự bãi bỏ một số đặc quyền mà ông đang được hưởng, với tư cách của một thượng tế và vừa là người cầm quyền. Sau cùng, khi chính con trai ông bày tỏ lòng ước ao muốn được rửa tội, sự căm thù của ông bùng nổ và ông sai các chiến sĩ của ông đi bắt vị trưởng nhóm truyền giáo. Do đó, ngày 28 tháng Tư 1841, Cha Phêrô bị bắt và bị đánh đập cho đến chết bởi những người mà ngài muốn cứu vớt linh hồn họ.
Chỉ trong vòng hai năm sau cái chết của ngài, mọi người trên đảo đều theo đạo Công Giáo và vẫn trung thành với đức tin ấy cho đến ngày nay. Cha Phêrô Chanel là vị tử đạo đầu tiên ở Ðại Dương Châu và là quan thầy của châu này.
Lời Bàn
Chịu đau khổ vì Ðức Kitô có nghĩa sự đau khổ vì muốn trở nên giống như Ðức Kitô. Thường thường chúng ta bị chống đối là vì hậu quả của sự ích kỷ và thiếu khôn ngoan. Chúng ta không phải là người tử đạo khi bị "bạc đãi" bởi những người đã đối xử với chúng ta y như chúng ta đối xử với họ. Một vị tử đạo Kitô Giáo là người, giống như Ðức Kitô, chỉ đơn giản làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa, và sống thật với chính mình.
Lời Trích
"Không ai là vị tử đạo chỉ vì một quyết định, không ai là vị tử đạo vì một ý kiến; chính đức tin tạo nên vị tử đạo" (Ðức Hồng Y Newman, Bài Diễn Văn cho Các Giáo Ðoàn Hỗn Hợp)
sinh năm 1783 tại Ðồng Chuối, Ninh Bình, Thầy Giảng, xử trảm ngày 28-4-1840 tại Ninh Bình dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 28-4.
sinh năm 1771 tại Duyên Mậu, Ninh Bình, Linh Mục, xử trảm ngày 28-4-1840 tại Ninh Bình dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 28-4.
sinh năm 1796 tại Nộn Khê, Ninh Bình, Thầy giảng, xử trảm ngày 28-4-1840 tại Ninh Bình dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 28-4.
29 Tháng Tư : Thánh Catarina ở Siena (1347 -- 1380)
Trong cuộc đời ngắn ngủi, Thánh Catarina đặt trọng tâm vào việc hoàn toàn phó thác cho Ðức Kitô. Ðiều đáng khâm phục về thánh nữ là ngài coi việc phó thác cho Chúa như một mục đích phải đạt được qua thời gian.
Thánh Catarina, tên thật là Catarina Benincasa, sinh ở Siena và là người con út trong một gia đình có đến 23 người con. Ngay từ khi bảy tuổi, cô đã dâng hiến tâm hồn cho Ðức Kitô. Nơi cô sinh trưởng rất gần San Domenico, trung tâm truyền giáo của Dòng Ða Minh, và khi lớn lên cô bày tỏ ý muốn đi tu, nhưng gia đình lại muốn cô kết hôn. Ðể nói lên ý chí quyết liệt của mình, cô đã cắt tóc và sau cùng, với sự đồng ý của cha mẹ, Catarina gia nhập tổ chức Mantellate, là hội phụ nữ có liên hệ đến Dòng Ða Minh, họ mặc áo dòng nhưng sống ở nhà, phục vụ người nghèo và người đau yếu. Trong vòng hai năm liên tiếp cô không bao giờ rời phòng, trừ khi đi xem lễ và xưng tội, và cũng không nói chuyện với một ai ngoại trừ cha giải tội. Trong thời gian này, Catarina luyện tập tâm linh qua lối sống khắc khổ.
Sau đó, cô tự phá vỡ đời sống cô độc và bắt đầu hăng say chia sẻ công việc trong nhà, săn sóc người bệnh và giúp đỡ người nghèo. Tuy nhiên cô vẫn dành thời giờ trong thinh lặng và chiêm niệm.
Dần dà, người ta nhận thấy dường như Catarina đọc được tâm hồn của họ và dân chúng thuộc đủ mọi thành phần -- giầu và nghèo, tu sĩ và giáo dân, thợ thuyền và lính tráng - bắt đầu tuốn đến với cô để được khuyên bảo. Từ đó một tổ chức tông đồ giáo dân được thành hình. Các lá thư của cô, hầu hết là các lời khuyên bảo tinh thần và khuyến khích các người mến mộ, ngày càng được công chúng đón nhận.
Vì sự hòa đồng với người đời một cách không sợ sệt cũng như lời nói bộc trực và uy quyền của một người hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa, Catarina đã bị dị nghị và dèm pha. Nhưng mọi điều cáo buộc cô đã bị bác bỏ trong Tổng Công Hội Dòng Ða Minh năm 1374.
Cô có ảnh hưởng rất lớn vì sự thánh thiện hiển nhiên, cũng như vì ảnh hưởng sâu đậm đối với đức giáo hoàng. Cô làm việc không biết mệt trong cuộc thập tự chinh chống với người Thổ Nhĩ Kỳ và trong việc hòa giải thành phố Florence với đức giáo hoàng.
Cô thành công trong việc thuyết phục Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô XI trở về Rôma, nhưng không bao lâu đức giáo hoàng từ trần và Ðức Urbanô VI lên ngôi. Khi cuộc Ðại Ly Giáo bùng nổ, Ðức Urbanô VI mời Catarina đến Rôma, vì đức giáo hoàng cần sự hỗ trợ của cô. Năm 1378, cô đến Rôma và thường xuyên viết thư gửi các nhà lãnh đạo quốc gia và Giáo Hội để bảo vệ cho quyền giáo hoàng của Ðức Urbanô. Hàng ngày, cô đi bộ đến Ðền Thánh Phêrô và cầu nguyện cho sự hiệp nhất.
Một vài tuần trước khi chết, cô đang cầu nguyện trước một bức khảm ở Ðền Thánh Phêrô, cô trông thấy con thuyền của Thánh Phêrô dường như rời khỏi bức khảm và đậu trên vai của cô. Con thuyền xô cô ngã quỵ và người ta phải khiêng cô về nhà. Catarina hầu như bất toại cho đến khi từ trần, ngày 24 tháng Tư 1380, lúc ấy mới ba mươi ba tuổi.
Cô được Ðức Giáo Hoàng Piô II phong thánh năm 1461, và được coi là một trong những vị thần nghiệm và văn sĩ linh đạo của Giáo Hội. Vào năm 1970, Ðức Phaolô VI tuyên xưng thánh nữ là Tiến Sĩ Hội Thánh. Thánh Catarina là người phụ nữ thứ hai (sau Thánh Têrêsa ở Avila) được vinh dự này.
Trong khi các thư của Thánh Catarina thường được coi là cửa ngõ để biết đến con người của ngài, nhưng người ta thường nhắc đến tác phẩm "Ðối Thoại" mà ngài chỉ coi đó là "cuốn sách của tôi," gồm các lời giảng dạy của thánh nữ để lại cho các người mến mộ. Cha Raymond, vị linh hướng của thánh nữ cho biết tác phẩm này ghi lại những lời đối thoại với Thiên Chúa khi ngài ngất trí.
30 Tháng Tư : Thánh Piô V, Giáo Hoàng (1504-1572)
Thánh Piô V tên thật là Ghiliêri, sinh ngày 17/01/1504 tại làng Boscô (xứ Piémont) Alêsan. Thuở nhỏ, ngài phải đi chăn chiên, đến năm 13 tuổi mới được đi học. Ngài xin nhập dòng Ða Minh và được khấn trọng thể sau đó. Tốt nghiệp thần học ở đại học Bologne, ngài chịu chức linh mục và làm giáo sư ở đó suốt 15 năm. Ðời sống ngài chói ngời đức vâng lời và bác ái. Là một chiến sĩ Phúc Âm, ngài hết sức bệnh vực chân lý Giáo Hội chống lại các bè rối. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Phaolô IV đặt làm Bộ Trưởng thánh vụ, Giám Mục Népi và Sutri. Hai năm sau, ngài được phong lên Hồng Y. Ðức Piô IV lại trao ngài tòa Mondovi trong xứ Piémont. Với địa vị cao sang, ngài vẫn sống khắc khổ, ăn mặc thô sơ và từ chối mọi của cải cha mẹ chia cho. Năm 1566, ngài được bầu làm Giáo Hoàng. Lên ngôi, ngài để ý ngay đến việc thánh hóa hàng giáo sĩ. Khiêm tốn nhưng rất cương quyết, ngài mở rộng lãnh vực hoạt động và đem lại hòa bình cho nhiều quốc gia. Thương người nghèo và bệnh nhân là đức tính nổi bật của ngài: hằng tuần, ngài rửa chân cho các người nghèo. Với ý chí sắt đá, ngài cương quyết bảo vệ đức tin, và bằng mọi cách chống lại các trào lưu tư tưởng ngoại giáo, bè rối.
Với lòng sùng kính Ðức Mẹ đặc biệt, ngài làm mọi việc dưới sự bảo trợ của Mẹ. Ngài lưu tâm nhiều đến việc đào tạo hàng giáo sĩ, thận trọng khi cắt cử các Giám Mục và truyền chức cho các đại chủng sinh.
Ngài chết năm 1572 sau một cơn bệnh nặng, hưởng thọ 68 tuổi. Ðức Giáo Hoàng Clêmentê X đã cất ngài lên bậc Chân Phước.
Và năm 1712, Ðức Clêmentê XI đã tôn phong ngài lên bậc Hiển Thánh.
sinh năm 1821 Trân Xá, Hưng Yên, Linh Mục, Dòng Ða Minh, xử trảm ngày 30-4-1861 tại Hưng Yên dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 29-4-1951 do Ðức Piô XII, kính ngày 30-4.
Nguồn: http://www.nguoitinhuu.org/
Tháng 5
2 Tháng Năm : Thánh Athanasius (296? - 373)
3 Tháng Năm : Thánh Philípphê và Thánh Giacôbê
4 Tháng Năm : Thánh Peregrine (1265 -- 1345)
5 Tháng Năm : Chân Phước Ceferino Jiménez Malla (1861 -- 1936)
6 Tháng Năm : Chân Phước Gerard ở Lunel (thế kỷ 13)
Chân Phước Rose Venerini(1656 - 1728)
7 Tháng Năm : Thánh Rose Venerini(1656 - 1728)
8 Tháng Năm : Chân Phước Waldo (c. 1320)
9 Tháng Năm : Thánh Catarina ở Bôlônha (1413 - 1463)
10 Tháng Năm : Chân Phước Damien ở Molokai (1840 - 1889)
Thánh Ivo ở Kermartin (1253 - 1303)
11 Tháng Năm : Thánh Y-Nhã ở Laconi (1701 - 1781)
12 Tháng Năm : Thánh Nereus và Thánh Achilleus (thế kỷ I)
13 Tháng Năm : Thánh Pancratius (c. 304)
15 Tháng Năm : Thánh Isidore (1070 - 1130)
16 Tháng Năm : Thánh Simon Stock (1165 - 1265)
17 Tháng Năm : Thánh Paschal Baylon (1540 - 1592)
18 Tháng Năm : Thánh Giáo Hoàng Gioan I (c. 526)
19 Tháng Năm : Thánh Giáo Hoàng Celestine V (1215 -- 1296)
20 Tháng Năm : Thánh Bernardine ở Siena (1380 -- 1444)
21 Tháng Năm : Thánh Crispin ở Viterbo (1668 -- 1750)
22 Tháng Năm : Thánh Rita ở Cascia (1381 -- 1457)
23 Tháng Năm : Thánh Gioan Báptít Rossi (1698 -- 1764)
24 Tháng Năm : Thánh Maria Mađalêna Pazzi (1566 -- 1607)
25 Tháng Năm : Thánh Mađalêna Sôphi Barat (1779 -- 1865)
26 Tháng Năm : Thánh Philíp Nêri (1515-1595)
27 Tháng Năm : Thánh Augustine ở Canterbury (c. 605?)
28 Tháng Năm : Thánh Germain (496 - 576)
29 Tháng Năm : Thánh Maria Anna "de Paredes" (1618 -- 1645)
30 Tháng Năm : Thánh Jeanne d'Arc (1412 - 1431)
31 Tháng Năm : Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô VII (1020-1085)
*** Lễ Đức Mẹ Đi Viếng Thánh Elizabet ***
========================
1 Tháng Năm : Thánh Giuse Thợ
Hiển nhiên là để ứng phó với việc cử hành "Ngày Lao Ðộng" của Cộng Sản mà Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã thiết lập ngày lễ Thánh Giuse Thợ vào năm 1955. Nhưng sự liên hệ giữa Thánh Giuse và ý nghĩa lao động đã có từ lâu trong lịch sử.
Trong nỗ lực cần thiết để nói lên nhân tính của Ðức Giêsu trong đời sống thường nhật, ngay từ ban đầu Giáo Hội đã hãnh diện nhấn mạnh rằng Ðức Giêsu là một người thợ mộc, hiển nhiên là được cha nuôi của Người huấn luyện, một cách thành thạo và khó nhọc trong công việc ấy. Nhân loại giống Thiên Chúa không chỉ trong tư tưởng và lòng yêu thương, mà còn trong sự sáng tạo. Dù chúng ta chế tạo một cái bàn hay một vương cung thánh đường, chúng ta được mời gọi để phát sinh kết quả từ bàn tay và tâm trí chúng ta, nhất là trong việc xây đắp Nhiệm Thể Ðức Kitô.
Lời Bàn
"Sau đó Thiên Chúa đưa người đàn ông vào sống trong vườn Êđen, để cầy cấy và chăm sóc khu vườn" (Sáng Thế 2:15). Thiên Chúa Cha đã tạo dựng nên mọi sự và muốn con người tiếp tục công trình tạo dựng ấy. Con người có phẩm giá là qua công việc, qua sự nuôi nấng gia đình, qua sự tham dự vào đời sống sáng tạo của Chúa Cha. Thánh Giuse Thợ có thể giúp chúng ta tham dự một cách sâu xa vào mầu nhiệm tạo dựng ấy. Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã nhấn mạnh đến điều này khi nói, "Thần khí chan hòa trên bạn và mọi người phát xuất từ con tim của Ðấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người, Ðấng Cứu Ðộ trần gian, nhưng chắc chắn rằng, không người lao động nào được thấm nhuần thần khí ấy một cách trọn vẹn và sâu đậm cho bằng cha nuôi của Ðức Giêsu, là người sống với Ngài một cách mật thiết trong đời sống gia đình cũng như làm việc. Do đó, nếu bạn ao ước muốn đến gần Ðức Kitô, một lần nữa chúng tôi lập lại rằng, 'Hãy đến cùng Thánh Giuse''" (xem Sáng Thế 41:44).
sinh năm 1824 tại Saint Christo en Jarez, Pháp, Linh Mục, Hội Thừa Sai Paris, xử trảm ngày 01-5-1852 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 01-5.
79. Augustinô SCHOEFFLER Ðông,
sinh năm 1822 tại Mittelbonn, Nancy, Pháp, Linh Mục, Hội Thừa Sai Paris, xử trảm ngày 01-5-1851 tại Sơn Tây dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 01-5.
2 Tháng Năm : Thánh Athanasius (296? - 373)
Cuộc đời Thánh Athanasius đầy bôn ba vì tận tụy phục vụ Giáo Hội. Ngài là quán quân bảo vệ đức tin đối với sự lan tràn của lạc thuyết Arian. Sự nhiệt huyết của ngài được thể hiện trong các trước tác giúp ngài xứng đáng là Tiến Sĩ Hội Thánh.
Sinh trong một gia đình Kitô Giáo ở Alexandria và được giáo dục kinh điển, Athanasius gia nhập hàng giáo sĩ và là thư ký cho Ðức Alexander, Giám Mục của Alexandria, và sau đó chính ngài được nâng lên hàng giám mục. Vị tiền nhiệm của ngài, Ðức Alexander, từng là người lớn tiếng chỉ trích một phong trào mới đang bành trướng ở Ðông Phương thời bấy giờ, đó là lạc thuyết Arian, họ khước từ thiên tính của Ðức Kitô và không coi Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa.
Khi Ðức Athanasius đảm nhận vai trò Giám Mục của Alexandria, ngài tiếp tục chống với lạc thuyết Arian. Lúc đầu, cuộc chiến dường như dễ dàng chiến thắng và lạc thuyết Arian sẽ bị kết án. Nhưng thực tế thì trái ngược. Công Ðồng Tyre đã được triệu tập và vì một vài lý do không rõ ràng, Hoàng Ðế Constantine đã trục xuất Ðức Athanasius đến miền bắc nước Gaul. Ðây là chuyến đi đầu tiên trong một chuỗi hành trình và lưu đầy có nét phảng phất như cuộc đời Thánh Phaolô.
Khi Constantine từ trần, hoàng tử kế vị đã phục hồi quyền giám mục của Ðức Athanasius. Nhưng chỉ được có một năm, ngài lại bị truất phế vì sự liên hiệp của các giám mục theo phe Arian. Ðức Athanasius đã đệ đơn lên Rôma, và Ðức Giáo Hoàng Julius I đã triệu tập một công đồng để duyệt qua vấn đề và các khó khăn liên hệ.
Trong bốn mươi sáu năm làm giám mục, ngài đã phải lưu đầy mười bảy năm chỉ vì bảo vệ tín điều về thiên tính của Ðức Kitô. Trong một thời gian, ngài được an hưởng 10 năm tương đối bình an để đọc sách, viết lách và cổ võ lý tưởng của đời sống đan viện mà ngài hết lòng tận tụy.
Các văn bản và giáo lý của ngài hầu hết là các bài bút chiến, trực tiếp chống lại mọi góc cạnh của lạc thuyết Arian. Trong các văn bản của ngài về đời sống khổ hạnh, cuốn Ðời Sống Thánh Anthony được nhiều người biết đến và góp phần lớn trong việc thiết lập đời sống đan viện trên khắp thế giới Kitô Giáo Tây Phương.
Lời Bàn
Khi là Giám Mục của Alexandria, Thánh Athanasius đã phải đau khổ nhiều vì những thử thách. Ngài được Chúa kiên cường để chống lại một điều tưởng như không thể nào vượt qua được vào lúc bấy giờ. Thánh Athanasius đã sống trọn vẹn trách nhiệm của một vị giám mục. Ngài bảo vệ đức tin chân chính cho đàn chiên, bất kể giá phải trả. Trong thế giới ngày nay, chúng ta cũng được mời gọi để giữ vững đức tin chân chính với bất cứ giá nào.
Lời Trích
Những khó nhọc mà Thánh Athanasius đã phải đau khổ trong khi lưu đầy -- trốn tránh, bỏ chạy từ nơi này sang nơi khác -- nhắc nhở chúng ta về những gì mà Thánh Phaolô đã đề cập đến trong cuộc đời ngài: "Trong nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, ở sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em; trong vất vả mệt nhọc, qua những đêm không ngủ, qua sự đói khát, thường xuyên phải nhịn ăn uống, qua sự lạnh lẽo và trần truồng. Ngoài những điều này, hằng ngày tôi còn bị ray rứt vì sự ưu tư lo cho tất cả các giáo hội" (2 Corinthians 11:26-28).
58. Giuse Nguyễn Văn LỰU, sinh năm 1790 tại Cái Nhum, Vĩnh Long, Trùm họ, chết rũ tù ngày 02-5-1854 tại Vĩnh Long dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 11-4-1909 do Ðức Piô X, kính ngày 02-5.
3 Tháng Năm : Thánh Philípphê và Thánh Giacôbê
Thánh Giacôbê: Chúng ta không biết nhiều về thánh nhân ngoại trừ tên của ngài, và dĩ nhiên, Ðức Giêsu đã chọn ngài là một trong 12 cột trụ của Israel Mới, là Giáo Hội của Chúa. Thánh Giacôbê không phải là Giacôbê Hành Ðộng, con của Clopas, "anh em" với Ðức Giêsu và sau này là Giám Mục Giêrusalem và là tác giả Thư Thánh Giacôbê.
Thánh Philípphê: Ngài cùng quê với Thánh Phêrô và Anrê, ở Bétsaiđa vùng Galilê. Ðích thân Ðức Giêsu gọi ngài, và sau đó ngài tìm gặp ông Nathanaen và nói với ông về "Người mà Môisen đã đề cập đến" (Gioan 1:45).
Cũng như các tông đồ khác, phải mất một thời gian thì Thánh Philípphê mới nhận ra Ðức Giêsu là ai. Trong một dịp, khi Ðức Giêsu trông thấy đám đông theo Người và muốn cho họ ăn, Người hỏi ông Philípphê có thể mua thực phẩm ở đâu cho dân chúng dùng. Thánh Gioan nhận xét, "Ðức Giêsu nói như thế là để thử ông, vì Người biết những gì phải làm" (Gioan 6:6). Ông Philípphê thưa, "Dù có tiền lương hai trăm ngày làm việc mà mua thức ăn cho họ thì cũng không đủ mỗi người một chút" (Gioan 6:7).
Nhận định của Thánh Gioan không phải là sự khinh thường Thánh Philípphê, mà cốt để chúng ta thấy sự khác biệt giữa khả năng của loài người và quyền năng của Thiên Chúa.
Trong một dịp khác, chúng ta có thể cảm được sự bực tức trong lời nói của Ðức Giêsu. Sau khi ông Tôma than phiền là họ không biết Ðức Giêsu đi đâu, Người nói, "Thầy là đường... Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng sẽ biết Cha Thầy. Từ bây giờ trở đi anh em được biết Người và được thấy Người" (Gioan 14:6a, 7). Nhưng ông Philípphê lại hỏi tiếp: "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, và như thế là đã đủ cho chúng con" (Gioan 14:8). Thật quá quắt! Ðức Giêsu đáp lại, "Thầy từng ở với anh em bao nhiêu lâu mà anh vẫn chưa biết Thầy sao, hở Philípphê? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha" (Gioan 14:9a).
Có lẽ vì Thánh Philípphê có tên Hy Lạp hoặc vì ngài được coi là thân cận với Ðức Giêsu, nên một số người ngoại giáo muốn theo đạo đã đến với ngài và xin ngài giới thiệu với Ðức Giêsu. Ông Philípphê đến nói với ông Anrê, và ông Anrê nói với Ðức Giêsu. Câu trả lời của Ðức Giêsu trong Phúc Âm Thánh Gioan là câu trả lời gián tiếp; Ðức Giêsu nói "giờ" của Người đã đến, có nghĩa trong một thời gian ngắn Người sẽ hy sinh mạng sống cho người Do Thái cũng như Dân Ngoại (xem Gioan 12:21 -- 24).
Lời Bàn
Như trong trường hợp của các tông đồ khác, chúng ta thấy một con người rất bình thường đã trở nên nền tảng của Giáo Hội, và chúng ta cũng được nhắc nhở rằng sự thánh thiện và công cuộc tông đồ thì hoàn toàn do ơn của Chúa, không phải là sự thành đạt của con người. Mọi quyền năng là quyền năng của Thiên Chúa, ngay cả sự tự do của con người để đón nhận ơn sủng của Người. Ðức Giêsu nói với Thánh Philípphê "Con sẽ được mặc lấy sức mạnh từ trời". Nhiệm vụ đầu tiên của các ngài là trục xuất các thần ô uế, chữa lành bệnh tật, loan báo nước trời. Dần dà, các ngài hiểu rằng những dấu chỉ bên ngoài này là các bí tích của một mầu nhiệm cao cả hơn ở bên trong con người -- đó là sức mạnh thần thánh để yêu thương như Thiên Chúa.
Lời Trích
"Người sai họ... như những người được chia sẻ quyền năng của Người để họ có thể làm cho muôn dân trở thành môn đệ Người, thánh hóa và dẫn dắt dân chúng... Họ được giao cho sứ mệnh này trong ngày lễ Ngũ Tuần (x. TÐCV 2:1-26) phù hợp với lời Chúa hứa: 'Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em, và anh em sẽ là chứng nhân của Thầy... cho đến tận cùng trái đất' (TÐCV 1:8). Qua sự rao giảng phúc âm ở mọi nơi (x. Máccô 16:20), và được đón nhận bởi những người nghe nhờ tác động của Thánh Thần, các tông đồ cùng quy tụ lại thành Giáo Hội hoàn vũ, mà Chúa Giêsu đã thiết lập trên các tông đồ và được đặt trên Thánh Phêrô, người đứng đầu, chính Ðức Giêsu Kitô vẫn là đá góc tường tối cao..." (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, 19).
4 Tháng Năm : Thánh Peregrine (1265 -- 1345)
Thánh Peregrine sinh ở Forli, nước Ý, và là quan thầy của những người bị đau khổ vì bệnh ung thư, bệnh AIDS (SIDA) và các căn bệnh trầm trọng khác.
Lúc bấy giờ thành phố Forli dưới quyền cai quản của Ðức Giáo Hoàng và được coi là một phần của Quốc Gia Vatican. Peregrine sinh trong một gia đình có chân trong một đảng phái tích cực chống đối đức giáo hoàng. Vì Forli là nơi phát sinh đảng này nên thành phố ấy đang bị giáo hội cấm chế. Ðiều này có nghĩa không được cử hành Thánh Lễ và các Bí Tích ở đây. Thánh Philip Benizi, Bề Trên Dòng Tôi Tớ Ðức Maria được sai đến Forli để kêu gọi thành phố hòa giải và bãi bỏ hình phạt. Ông Peregrine lúc bấy giờ rất hăng say chính trị nên đã chất vấn Cha Philip trong khi ngài rao giảng, và ngay cả hành hung Cha Philip.
Giây phút tấn công Cha Philip dường như đã thay đổi con người Peregrine thật mãnh liệt. Ông bắt đầu chuyển đổi nhiệt huyết của mình vào các công việc tốt lành và ngay cả gia nhập Dòng Tôi Tớ Ðức Mẹ ở Siena, lúc ấy đã 30 tuổi.
Sau đó Peregrine trở về Forli. Truyền thống nói rằng ngài không phải là một linh mục, nhưng chỉ là một thầy trợ sĩ, đảm nhận công việc tông đồ cho dân chúng ở Forli. Ngài đặc biệt tận tụy chăm sóc người đau yếu, người nghèo và những người sống bên lề xã hội. Một trong những hãm mình đặc biệt của ngài là chỉ đứng bất cứ ở đâu nếu không cần thiết phải ngồi. Ðiều đó đưa đến bệnh giãn tĩnh mạch ở chân và biến chứng thành một vết thương có mủ, thật đau nhức và được chẩn đoán là ung thư. Vết thương ngày càng lan rộng, xông mùi hôi thối và không thể chữa trị được. Sau cùng các bác sĩ quyết định phải cắt chân của ngài.
Vào lúc 60 tuổi, ngài phải đối diện với một thập giá mới và khó khăn hơn. Truyền thống kể rằng vào đêm trước khi giải phẫu, Peregrine cầu nguyện rất lâu trước thập giá Ðức Giêsu, xin Chúa chữa lành nếu đó là thánh ý Chúa. Khi ngủ thiếp đi, Peregrine thấy Ðức Giêsu rời khỏi thập giá và chạm đến chân của ngài. Khi tỉnh dậy, vết thương đã lành lặn và không phải giải phẫu nữa.
Peregrine sống thêm 20 năm nữa, và từ trần ngày 1 tháng Năm 1345, hưởng thọ 80 tuổi. Ngài được phong thánh năm 1726. Người dân Forli chọn ngài làm Thánh Quan Thầy cho thành phố.
5 Tháng Năm : Chân Phước Ceferino Jiménez Malla (1861 -- 1936)
Chân Phước Ceferino Jimenez Malla, thường được gọi là "El Pele" sinh trong một gia đình thuộc dân du mục Gípsi (*) ở Tây Ban Nha năm 1861. Ông lập gia đình nhưng không có con nên đã nhận một đứa cháu vợ làm con nuôi. Mặc dù ít học, nhưng bản tính thông minh đã giúp ông thành công trong việc mua bán ngựa và có được một địa vị đáng kể trong xã hội để giúp đỡ người nghèo. Trái với thói quen của dân Gípsi, ông sống rất thành thật và siêng năng tham dự Thánh Lễ, rước lễ cũng như lần chuỗi Mai Khôi. Dân làng thường hay tìm đến ông để nhờ giải quyết các tranh chấp thường bùng nổ trong cuộc sống hàng ngày.
Tiếng tăm về lòng bác ái và đạo đức của ông ngày càng lan rộng, và dù ít học, dân chúng thuộc đủ mọi thành phần đều kính trọng ông vì sự khôn ngoan và thành thật của ông.
Lúc khởi đầu cuộc Nội Chiến Tây Ban Nha, vào tháng Bảy 1936, ông bị bắt về tội bảo vệ một linh mục đang bị kéo lê trên đường phố ở Barbastro, và vì ông đeo chuỗi Mai Khôi trên cổ. Ông được hứa trả tự do nếu ngừng lần chuỗi. Nhưng ông sẵn sàng chịu cảnh tù đầy và tử đạo. Vào tảng sáng ngày 8 tháng Tám 1936, ông bị hành quyết ở nghĩa trang Barbastro. Trước khi chết, tay ông cầm chuỗi Mai Khôi giơ cao và miệng hô to: "Vạn tuế Vua Kitô!"
Ông được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước ngày 4 tháng Năm 1997.
Lời Bàn
Chân Phước Ceferino cho chúng ta thấy tình yêu của Ðức Kitô không bị giới hạn bởi dòng giống hay văn hóa. Việc sống đạo hàng ngày của Chân Phước Ceferino đã giúp ngài chuẩn bị cho sự hy sinh sau cùng. Bất kể hậu quả như thế nào, những quyết định mà chúng ta thể hiện hôm nay sẽ giúp chuẩn bị cho các quyết định tương lai.
Lời Trích
Trong buổi lễ tuyên phong chân phước cho ông Ceferino, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: "Cuộc đời của ông cho thấy Ðức Kitô luôn hiện diện trong các dân tộc và các dòng giống khác nhau, và mọi người đều được mời gọi đến sự thánh thiện qua việc trung thành tuân giữ các giới răn của Người và luôn ở trong tình yêu của Người" (Trích báo L'Observatore Romano 1997, Tập 1, Số 6).
* Gypsy: là một giống dân du mục, nguyên thủy xuất phát từ Ấn Ðộ, sau đó lan tràn đến Âu Châu vào thế kỷ 14 hoặc 15. Hiện thời họ có mặt ở khắp các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Hung Gia Lợi, Tây Ban Nha, Anh Quốc, v.v., và sống bằng những nghề không được lành mạnh như ăn trộm, coi bói, nài ngựa, thợ hàn thiếc, v.v.
6 Tháng Năm : Chân Phước Gerard ở Lunel (thế kỷ 13)
Gerard sinh trong một gia đình quyền quý ở miền nam nước Pháp. Ngay từ nhỏ ngài rất đạo đức -- khi mới năm tuổi, ngài đã xin mặc áo dòng Ba Phanxicô. Khi 18 tuổi, Gerard cùng với người em là Effrenaud trốn trong một cái hang ở cạnh bờ sông và bắt đầu hai năm trường sống như các vị ẩn tu. Sau đó hai anh em quyết định đi hành hương, một phần là để ngăn cản những người hiếu kỳ đến thăm vì nghe tiếng thánh thiện của hai anh em. Sau khi đi chân đất đến Rôma, hai người sống ở đây trong hai năm, thăm viếng nhiều đền đài nổi tiếng.
Họ tiếp tục cuộc hành hương đến Giêrusalem, nhưng trên đường đi thì Gerard ngã bệnh. Effrenaud phải đưa Gerard tạm trú trong một lều tranh ở Montesano, nước Ý, để đi tìm thầy thuốc. Nhưng trước khi Effrenaud trở về thì Gerard đã trút hơi thở cuối cùng.
Nhiều phép lạ đã xảy ra ở mộ của Gerard, và nơi ấy trở nên trung tâm hành hương. Những người bị đau đầu kinh niên hoặc bị chứng động kinh đều được sự chữa lành đặc biệt qua lời cầu bầu của ngài. Từ lâu thành phố Montesano kính Chân Phước Gerard như vị quan thầy của mình. Ðôi khi ngài được gọi là Gery, Gerius hoặc Roger ở Lunel.
Chân Phước Rose Venerini(1656 - 1728)
Chân Phước Rose sinh ở Viterbo, Ý Ðại Lợi, năm 1656. Cha ngài là một bác sĩ. Sau cái chết của vị hôn phu, Rose gia nhập một tu viện nhưng chỉ được vài tháng cô đã phải về nhà để chăm sóc người mẹ goá sau khi cha cô từ trần.
Lúc bấy giờ cô Rose vẫn sống độc thân và mỗi tối cô thường quy tụ các thiếu nữ trong phố để lần chuỗi Mai Khôi. Cô được một linh mục dòng Tên linh hướng, là người tin rằng ơn gọi của cô là trở nên một giáo chức "ở ngoài đời" hơn là một nữ tu chiêm niệm trong dòng; do đó, với sự trợ giúp của hai người khác, cô mở trường học cho các thiếu nữ ở Viterbo mà chẳng bao lâu trường ấy rất nổi tiếng và thành công.
Cô Rose có tài ăn nói hoạt bát, có khả năng giáo dục và huấn luyện giáo chức. Cô không dễ bỏ cuộc khi gặp khó khăn trong việc phục vụ Thiên Chúa. Không bao lâu, cô được nổi tiếng và năm 1692, Ðức Hồng Y Barbarigo đã mời cô làm người cố vấn và giúp huấn luyện giáo chức cũng như mở các trường học trong địa phận. Chính ở đây cô trở nên một người bạn và là cô giáo của Lucia Filippini, là người sáng lập dòng và được phong thánh năm 1930.
Cô Rose còn mở trường ở nhiều nơi khác, đôi khi phải đương đầu với sự chống đối có lúc quyết liệt, tỉ như họ dùng cung tên mà bắn giáo chức và đốt trường. Nhờ sự kiên nhẫn và tín thác vào Thiên Chúa nên cô đã vượt qua mọi trở ngại. Năm 1713, cô sáng lập một tổ chức ở Rôma và được chính Ðức Giáo Hoàng Clêmentê XI khen ngợi.
Người giáo chức tận tụy này từ trần ở Rôma ngày 7 tháng Năm 1728, hưởng thọ bảy mươi hai tuổi. Sự thánh thiện của ngài được xác nhận qua các phép lạ, và năm 1952 ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô XII phong chân phước. Sau cái chết của ngài, các giáo chức trong các trường của ngài quy tụ thành một tu hội. Ngày nay, các Nữ Tu Venerini có mặt ở khắp nơi trên thế giới, hoạt động trong các cộng đồng di dân người Ý.
7 Tháng Năm : Thánh Rose Venerini(1656 - 1728)
Chân Phước Ceferino Jimenez Malla, thường được gọi là "El Pele" sinh trong một gia đình thuộc dân du mục Gípsi (*) ở Tây Ban Nha năm 1861. Ông lập gia đình nhưng không có con nên đã nhận một đứa cháu vợ làm con nuôi. Mặc dù ít học, nhưng bản tính thông minh đã giúp ông thành công trong việc mua bán ngựa và có được một địa vị đáng kể trong xã hội để giúp đỡ người nghèo. Trái với thói quen của dân Gípsi, ông sống rất thành thật và siêng năng tham dự Thánh Lễ, rước lễ cũng như lần chuỗi Mai Khôi. Dân làng thường hay tìm đến ông để nhờ giải quyết các tranh chấp thường bùng nổ trong cuộc sống hàng ngày.
Tiếng tăm về lòng bác ái và đạo đức của ông ngày càng lan rộng, và dù ít học, dân chúng thuộc đủ mọi thành phần đều kính trọng ông vì sự khôn ngoan và thành thật của ông.
Lúc khởi đầu cuộc Nội Chiến Tây Ban Nha, vào tháng Bảy 1936, ông bị bắt về tội bảo vệ một linh mục đang bị kéo lê trên đường phố ở Barbastro, và vì ông đeo chuỗi Mai Khôi trên cổ. Ông được hứa trả tự do nếu ngừng lần chuỗi. Nhưng ông sẵn sàng chịu cảnh tù đầy và tử đạo. Vào tảng sáng ngày 8 tháng Tám 1936, ông bị hành quyết ở nghĩa trang Barbastro. Trước khi chết, tay ông cầm chuỗi Mai Khôi giơ cao và miệng hô to: "Vạn tuế Vua Kitô!"
Ông được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước ngày 4 tháng Năm 1997.
Lời Bàn
Chân Phước Ceferino cho chúng ta thấy tình yêu của Ðức Kitô không bị giới hạn bởi dòng giống hay văn hóa. Việc sống đạo hàng ngày của Chân Phước Ceferino đã giúp ngài chuẩn bị cho sự hy sinh sau cùng. Bất kể hậu quả như thế nào, những quyết định mà chúng ta thể hiện hôm nay sẽ giúp chuẩn bị cho các quyết định tương lai.
Lời Trích
Trong buổi lễ tuyên phong chân phước cho ông Ceferino, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: "Cuộc đời của ông cho thấy Ðức Kitô luôn hiện diện trong các dân tộc và các dòng giống khác nhau, và mọi người đều được mời gọi đến sự thánh thiện qua việc trung thành tuân giữ các giới răn của Người và luôn ở trong tình yêu của Người" (Trích báo L'Observatore Romano 1997, Tập 1, Số 6).
* Gypsy: là một giống dân du mục, nguyên thủy xuất phát từ Ấn Ðộ, sau đó lan tràn đến Âu Châu vào thế kỷ 14 hoặc 15. Hiện thời họ có mặt ở khắp các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Hung Gia Lợi, Tây Ban Nha, Anh Quốc, v.v., và sống bằng những nghề không được lành mạnh như ăn trộm, coi bói, nài ngựa, thợ hàn thiếc, v.v.
8 Tháng Năm : Chân Phước Waldo (c. 1320)
Waldo, còn được gọi là Vivaldo hay Ubaldo, là môn đệ của một linh mục thánh thiện, Cha Bartolo, cả hai quê quán ở miền bắc nước Ý. Khi Cha Bartolo bị bệnh cùi và phải nằm bệnh viện, Waldo đã đi theo hầu hạ ngài cho đến khi chết trong vòng 20 năm. Ðổi lại, nền tảng đạo lý của Waldo được phong phú hơn nhờ sự chỉ dẫn của vị linh mục thánh thiện.
Sau cái chết của cha linh hướng, Waldo quyết định sống tách biệt khỏi thế gian để chỉ đối thoại với Thiên Chúa và hướng lòng đến những sự trên trời. Theo đó, ngài đi vào một khu rừng không xa nơi sinh trưởng là bao, và tìm thấy một cây dẻ lớn có chỗ lõm sâu, chỉ đủ để một người quỳ ở trong đó. Và ngài đã sống cuộc đời ẩn dật trong nhiều năm, hoàn toàn cô độc.
Người ta kể rằng, một ngày trong tháng Năm 1320, chuông nhà thờ ở ngôi làng gần đó tự nhiên vang lên từng hồi một cách lạ lùng. Khi dân làng đổ về nhà thờ để chứng kiến cảnh kỳ lạ ấy, thì một người thợ săn từ khu rừng đi ra. Ông cho biết trong khi đi săn, ông thấy một cây dẻ lớn có chỗ lõm sâu và các con chó của ông vừa quấn quít chung quanh cây ấy vừa cất tiếng sủa một cách vui mừng. Khi quan sát thân cây thì ông khám phá ra vị ẩn tu đã chết trong tư thế quỳ ở chỗ lõm của cây. Ngay khi ông ngừng kể thì tiếng chuông cũng im bặt.
Ðối với người dân trong làng, hiển nhiên vị ẩn tu ấy là một người thánh thiện. Họ vào rừng, đem thi thể Waldo về nhà thờ và chôn cất ngay dưới bàn thờ chính. Trong những năm kế đó, nhiều phép lạ đã xảy ra ở ngôi mộ của Chân Phước Waldo, và một nhà nguyện được xây cất ở nơi khu rừng ngài sinh sống để kính Ðức Maria.
9 Tháng Năm : Thánh Catarina ở Bôlônha (1413 - 1463)
Một số các thánh dòng Phanxicô có đời sống nổi nang, nhưng Thánh Catarina lại đại diện cho các thánh phục vụ Thiên Chúa trong âm thầm.
Catarina, sinh ở Bologna, và năm mười một tuổi được chọn làm nữ tì cho cô con gái vị hầu tước ở Ferrara và nhờ đó cũng được ăn học tử tế. Khi người con gái này đi lấy chồng, cô cũng muốn Catarina đi theo hầu, nhưng Catarina đã từ giã triều đình và gia nhập dòng Ba Phanxicô khi mười bốn tuổi.
Catarina quyết định theo đuổi một đời sống tuyệt hảo, và sự thánh thiện của ngài được mọi người khâm phục. Sau đó, cộng đoàn của ngài trở nên một phần của Dòng Thánh Clara và ngài phục vụ với công việc làm bếp và giữ cửa. Trong một thời gian ngài thường được thị kiến Ðức Kitô cũng như Satan. Một trong những thị kiến xảy ra vào dịp Giáng Sinh, ngài được thấy Ðức Trinh Nữ Maria bế Hài Nhi Giêsu. Ngài viết lại các cảm nghiệm này trong cuốn "Manifestations" (Những Sự Khải Hiện) bằng tiếng Latinh. Ngài còn sáng tác các thánh vịnh, thánh ca và có hoa tay về viết chữ đẹp và hội họa.
Nhờ sự vận động của ngài với Ðức Giáo Hoàng Nicôla V, tu viện Dòng Thánh Clara ở Ferrara được thành lập và Sơ Catarina được chỉ định làm Bề Trên. Tiếng tăm về sự thánh thiện và đời sống khắc khổ của Cộng Ðoàn ngày càng lan rộng. Sau đó Sơ Catarina được chỉ định làm Bề Trên một tu viện mới ở Bologna.
Vào mùa Chay 1463, Sơ Catarina lâm bệnh nặng và từ trần ngày 9 tháng Ba, ngài được chôn cất mà không có quan tài. Nhưng mười tám ngày sau đó, thi thể của ngài được khai quật vì có những việc chữa lành nhờ lời cầu bầu của ngài và vì mùi thơm bốc lên từ ngôi mộ. Người ta tìm thấy thi thể của ngài không bị rữa nát và vẫn nguyên vẹn cho đến ngày nay, hiện được cất giữ ở nguyện đường tu viện Thánh Clara ở Bologna. Ngài được phong thánh năm 1712.
Lời Bàn
Mặc dù có cơ hội để sống một cuộc đời sung sướng trong triều đình, Thánh Catarina đã hăng hái đáp lời mời gọi của Thiên Chúa mà gia nhập đời sống tu trì. Sự thánh thiện, lòng bác ái của ngài đã thu hút nhiều người trên con đường trọn lành. Noi gương đời sống và cái chết thánh thiện của ngài, chúng ta hãy quyết tâm sống bác ái như một cùng đích của cuộc đời.
Lời Trích
Thánh Catarina viết về bảy vũ khí tinh thần để chống lại các cám dỗ: "Ðức Giêsu Kitô đã hy sinh tính mạng để chúng ta được sống. Do đó, bất cứ ai muốn vác thập giá của mình vì Ðức Kitô phải có những vũ khí thích hợp cho cuộc chiến đấu này, nhất là những vũ khí sau đây. Thứ nhất, sự chuyên cần; thứ hai, đừng cậy vào sức mình; thứ ba, tín thác vào Chúa; thứ bốn, hãy nhớ đến sự Thương Khó Ðức Kitô; thứ năm, hãy nhớ đến cái chết của mình; thứ sáu, hãy nhớ đến sự vinh hiển của Thiên Chúa; thứ bảy, theo các huấn thị của Kinh Thánh mà noi gương Ðức Giêsu Kitô trong thời gian ở sa mạc" (Về Bảy Vũ Khí Tâm Linh).
40. Giuse Ðỗ Quang HIỂN, sinh năm 1775 tại Quần Anh, Nam Ðịnh, Linh Mục, Dòng Ða Minh, xử trảm ngày 09-5-1840 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 09-5.
10 Tháng Năm : Chân Phước Damien ở Molokai (1840 - 1889)
Chân Phước Damien, tên thật là Giuse "de Veuster", sinh ở Bỉ ngày 3 tháng Giêng 1840, trong một gia đình mà cha là một nông dân cần cù và bà mẹ tận tụy dạy dỗ đức tin cho tám người con.
Ngay từ nhỏ, cậu Giuse mạnh khoẻ và tráng kiện, đã phải thôi học để giúp cha trong công việc đồng áng. Cậu chăm chỉ giúp đỡ gia đình trong nhiều năm, nhưng tâm hồn cậu vẫn ở một nơi nào đó. Vào lúc 19 tuổi, theo gương anh mình, Giuse gia nhập Tu Hội Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria, và lấy tên là Damien. Vì nhất quyết theo đuổi việc học và để hết tâm hồn trong đời sống tu trì, chẳng bao lâu Damien đã bù đắp được sự thiếu hụt trong việc giáo dục trước đây.
Vào năm 1863, Cha Pamphile, anh ruột của Thầy Damien, chuẩn bị đến quần đảo Hạ Uy Di trong công tác truyền giáo. Nhưng cha lâm bệnh nặng, và Thầy Damien tình nguyện thế chỗ. Sau năm tháng dòng dã trên biển, thầy đến hải cảng Honolulu. Trong vòng hai tháng tiếp đó, thầy được thụ phong linh mục và được bổ nhiệm phục vụ ở Ðại Ðảo của Hạ Uy Di. Sự phục vụ của Cha Damien được ghi nhận là hăng say và tính tình dễ dãi của ngài thu hút được nhiều người. Sau khoảng một thập niên, ngài tình nguyện đến Molokai để phục vụ các người bị mắc bệnh Hansen, thường gọi là bệnh cùi. Vào lúc Cha Damien đến đây, những người mắc bệnh cùi bị đầy ra đảo này đã hơn mười năm qua.
Cha Damien, lúc ấy 33 tuổi, đến Molokai vào tháng Năm 1873 với hành trang là cuốn sách kinh và một ít quần áo. Theo dự định ban đầu của tu hội, ngài chỉ ở đây một vài tháng rồi sau đó có các linh mục khác lần lượt ra thay thế. Nhưng sau khi đến đây được ít lâu, ngài đã viết thư xin cha bề trên cho phép ngài vĩnh viễn ở lại Molokai.
Có thể nói, ngài sống với người cùi -- ăn uống với họ, đụng chạm đến họ, chào đón họ. Cha Damien được giao cho trông coi một cộng đồng Công Giáo. Hàng ngày, cha như chìm đắm trong sự cầu nguyện, suy gẫm và đọc sách thiêng liêng, do đó ngài lôi cuốn được hàng trăm người trở lại đạo. Nhưng tâm hồn của cha vẫn ở với tất cả các nạn nhân của bệnh Hansen, dù Công Giáo hay không Công Giáo. Ngài chăm sóc người bệnh, mai táng kẻ chết, lắng nghe những tâm sự đau lòng. Ngài giúp cải tiến hệ thống dẫn nước cũng như nơi ăn ở của họ. Ngài trông coi việc xây cất một trường học, một cô nhi viện và tổ chức sinh hoạt thiếu nhi cũng như ca đoàn. Ngài là người đào huyệt cũng như chủ sự lễ an táng.
Người ta không rõ khi nào thì Cha Damien bị lây bệnh cùi, nhưng chắc chắn là một ngày trong năm 1884 khi ngài bị phỏng ở chân mà không thấy đau. Căn bệnh tấn công ngài như bất cứ người nào khác: từ từ, chân tay và mặt mũi ngài biến dạng, tai ngài sưng to và méo mó. Vào ngày 15 tháng Tư 1889, ngày thứ Hai Tuần Thánh, căn bệnh đã chấm dứt cuộc đời Cha Damien, khi mới 49 tuổi. Lúc ấy được 16 năm sau khi ngài đến Molokai, và 25 năm kể từ khi ngài đến Hạ Uy Di để bắt đầu công việc truyền giáo.
Trong những ngày cuối đời, Cha Damien được Mẹ Bề Trên Marianne Cope chăm sóc, là người đã hứa sẽ tiếp tục công việc mà cha đã khởi sự. Và sơ đã thể hiện điều đó trong 30 năm kế tiếp với sự cộng tác của các sơ trong tu hội.
Theo lời yêu cầu, ngài được chôn cất ở Kalaupapa, nhưng vào năm 1936, chính phủ Bỉ đã thành công trong việc đưa thi hài của ngài về Bỉ. Một phần thân thể của Cha Damien được đưa về Hạ Uy Di sau lễ phong chân phước năm 1995.
Khi Hạ Uy Di trở thành một tiểng bang của Hoa Kỳ, tiểu bang này đã chọn Cha Damien là một trong hai đại diện của quốc gia có tượng đặt trong Statuary Hall ở trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ.
Lời Trích
Trong bài giảng lễ phong chân phước, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: "Sự thánh thiện không phải là sự tuyệt hảo theo tiêu chuẩn con người; sự thánh thiện cũng không dành riêng cho một ít người đặc biệt. Sự thánh thiện là cho mọi người; chính Chúa là người đưa chúng ta đến sự thánh thiện khi chúng ta sẵn sàng cộng tác trong công trình cứu độ thế giới vì sự vinh hiển của Thiên Chúa, bất kể tội lỗi của chúng ta hay tính khí bất thường của chúng ta."
Thánh Ivo ở Kermartin (1253 - 1303)
Chúng ta ít khi thấy vị thánh nào là quan tòa, nhưng Thánh Ivo, biệt danh là "trạng sư của người nghèo" có cả hai đặc tính này.
Thánh Ivo sinh ở Kermartin gần Tréguier, Brittany, là con của một huân tước người Anh. Khi 14 tuổi, ngài được sang Balê trong 10 năm để hoàn tất các môn triết học, thần học và giáo luật. Sau đó ngài sang Orléans để học luật dân sự. Trong lúc theo học, ngài đã ăn chay và dự lễ hàng ngày cũng như thăm viếng kẻ bệnh tật. Sau khi trở về Brittany, ngài được bổ nhiệm làm chánh án tòa giáo hội đồng thời ngài cũng là một thành viên của dòng Ba Phanxicô.
Việc tình nguyện biện hộ không công cho người nghèo giúp ngài có biệt danh "Trạng Sư của Người Nghèo." Thêm vào đó, ngài thường giúp đỡ họ về tiền án phí cũng như thăm viếng họ trong tù. Mặc dù việc hối lộ là một thói quen được chấp nhận thời bấy giờ, nhưng ngài không bao giờ chấp nhận "quà cáp". Ngài còn cố hòa giải giữa đôi bên trước khi đưa ra tòa để đỡ tốn kém cho họ tiền án phí.
Tuy là một người có đầy đủ phương tiện tài chánh, nhưng đời sống cá nhân của ngài thật khắc khổ: ăn chay, mặc áo nhặm, và thức ăn rất tầm thường.
Năm 1284, ngài được thụ phong linh mục trong Giáo Phận Tréquier. Năm 1287, ngài từ bỏ công việc luật sư để dành trọn thời giờ cho giáo dân trong các giáo xứ ngài phục vụ. Các bài giảng của ngài thật rõ ràng và đơn giản. Ngài thường được mời để xử kiện, và giáo dân thường nói về ngài như "một trạng sư thành thật."
Ngài xây nhà thương, chăm sóc người bệnh, và chia sẻ tài sản cho người nghèo. Có lần ngài để cho người ăn xin ngủ ở trên giường, trong khi ngài ngủ dưới đất. Sự khắc khổ của ngài ngày càng nghiêm nhặt theo thời gian.
Cha Ivo được phong thánh năm 1347.
Lời Bàn
"Chúng ta phải chuẩn bị để lãnh nhận các nhiệm vụ và chức năng mới trong mọi lãnh vực của sinh hoạt loài người, và nhất là trong lãnh vực xã hội quốc tế, nếu muốn thể hiện sự công bằng đích thực... Chúng ta không thể quên được con số ngày càng gia tăng của những người thường bị gia đình và xã hội bỏ rơi: người già, trẻ cô nhi, người đau yếu và tất cả những người bị xã hội bạc đãi" (Thượng Hội Ðồng Giám Mục 1971, Công Bằng Trong Thế Giới, #1).
Lời Trích
Thiên vị người giầu có hoặc người hoạt bát là điều dễ. G.K. Chesterton viết: "Các quy tắc của một đoàn hội thỉnh thoảng mới chú ý đến phần tử nghèo nhưng luôn luôn có xu hướng thiên vị người giầu" (Orthodoxy, t. 41). Cố đối xử công bằng với mọi người thì không phải dễ và đó là công việc không bao giờ cùng. Sự công bằng liên hệ đến tất cả chúng ta -- chứ không chỉ là công việc của luật sư hay quan toà.
11 Tháng Năm : Thánh Y-Nhã ở Laconi (1701 - 1781)
Thánh Y-Nhã là một thầy khất thực thánh thiện.
Ngài là con thứ hai trong một gia đình nông dân ở Sardinia và tên thật là Francis Ignatius Vincent Peis. Ngay từ nhỏ Vincent đã biết cái nghèo là gì, nhưng trong mái nhà đơn sơ ấy là bầu khí thánh thiện của một người cha siêng năng làm việc và người mẹ đạo đức, luôn dạy con cái trở nên xứng đáng là con Chúa.
Ngay từ nhỏ, Vincent đã thường đau yếu luôn, và khi 18 tuổi anh bệnh nặng đến nỗi phải nằm liệt giường trong nhiều tháng. Chạy đến với Ðức Trinh Nữ Maria, anh hứa sẽ trở thành một tu sĩ dòng Capuchin nếu Ðức Mẹ chữa khỏi. Và Vincent bắt đầu hồi phục, nhưng lại quên đi lời hứa ấy. Mãi cho đến một biến cố thứ hai, khi anh đang cưỡi ngựa thì con ngựa trở chứng chạy lồng lộn tưởng như muốn hất anh xuống đất nhưng bỗng nhiên nó thuần thục trở lại, và anh tin rằng Thiên Chúa đã can thiệp để nhắc lại lời hứa trước đây. Năm 1721, anh gia nhập tu viện Thánh Biển Ðức ở Cagliari, và sau khi mặc áo dòng, anh lấy tên là Thầy Y-Nhã.
Sau khi tuyên khấn, thầy được sai đến tu viện ở Buoncammino làm đầu bếp trong vòng hai năm. Và mười năm tiếp đó thầy đi khất thực cho tu viện ở Iglesias và sau lại trở về Buoncammino làm nghề dệt. Tuy nhiên, chỉ được vài năm, thầy lại trở về công việc khất thực cho nhà dòng. Có thể nói, "công việc" của thầy bao gồm việc lang thang trên đường phố Cagliari để xin thức ăn cho nhà dòng. Không bao lâu, thầy là khuôn mặt quen thuộc của dân chúng và họ gọi thầy là "Padre Santo" (Cha Thánh).
Thầy được sự yêu quý của người già cũng như sự tin tưởng của người trẻ. Trẻ con ở Cagliari lại càng quý mến "Padre Santo" là chừng nào khi thầy luôn kể cho chúng nghe các câu truyện hấp dẫn của các thánh, dạy bảo cho chúng biết về Thiên Chúa, cũng như chỉ vẽ chúng cách cầu nguyện cùng Thiên Chúa.
Lòng thương yêu tha nhân đã trở nên phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của thầy, và từ đó xuất phát sự khôn ngoan, lòng nhiệt thành có sức thu hút người khác.
Trong hai năm cuối của cuộc đời, thầy bị mù, và từ trần ngày 11 tháng Năm 1781. Thầy được phong thánh năm 1951.
Lời Bàn
Tại sao người dân ở Cagliari lại giúp đỡ các tu sĩ? Các môn đệ của Thánh Phanxicô là những người siêng năng làm việc nhưng đó là những công việc không đủ sống. Trong những điều kiện ấy, Thánh Phanxicô cho phép họ đi xin ăn. Cuộc đời Thánh Y-Nhã cho chúng ta thấy, những gì Thiên Chúa coi là giá trị thì không liên hệ đến đồng lương cao hay thấp.
Lời Trích
"Tôi thường làm việc với đôi bàn tay, và tôi vẫn muốn làm việc; tôi thực sự mong muốn tất cả các anh em đều tận tình làm việc. Những ai không biết cách làm việc hãy học làm việc, không phải vì muốn được trả lương nhưng vì sống gương mẫu và để tránh sự lười biếng. Và khi chúng ta không được trả lương, hãy trông nhờ vào bàn ăn của Thiên Chúa, mà đi ăn xin từng nhà" (Thánh Phanxicô, Bản Di Chúc).
33. Matthêu Lê Văn GẪM, sinh năm 1813 tại Gò Công, Biên Hòa, thương gia, xử trảm ngày 11-5-1847 tại Chợ Ðũi dưới đời vua Thiệu Trị, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 11-5.
12 Tháng Năm : Thánh Nereus và Thánh Achilleus (thế kỷ I)
Những gì chúng ta biết về hai vị tử đạo của thế kỷ thứ nhất là từ các lời chứng của Thánh Giáo Hoàng Damasus trong thế kỷ thứ tư, và được ghi khắc trên tấm bia để tưởng nhớ hai ngài. Nhưng điều dẫn giải này chỉ xảy ra sau cái chết của các ngài đến 300 năm.
Ðức Damasus kể rằng Nereus và Achilleus là binh lính của đạo quân Rôma và nhiệm vụ của họ là bách hại người Kitô Giáo. Có lẽ hai ngài chẳng có gì chống đối đạo và cũng không muốn đổ máu người vô tội, nhưng họ tuân lệnh chỉ vì sợ chết. Nói cho cùng, đó là nhiệm vụ của một người lính.
Chúng ta không rõ hai ngài đã trở lại đạo như thế nào, chỉ biết đó là một "phép lạ đức tin." Sau phép lạ này, hai ngài quăng vũ khí và trốn ra khỏi trại, vứt bỏ áo giáp và gươm đao để mặc lấy đời sống mới trong Ðức Kitô. Vì đã từng là những kẻ bách hại, có lẽ các ngài biết rõ hơn ai hết về sự đau khổ đang chờ đợi người Kitô. Tuy nhiên, đức tin đã chiến thắng sự sợ hãi cái chết, và sự chiến thắng của đức tin là sự ngọt ngào nhất mà các ngài chưa bao giờ được cảm nghiệm.
Chúng ta biết là các ngài đã tử đạo, nhưng Ðức Damasus không cho biết chi tiết như thế nào. Sau này, truyền thuyết nói rằng các ngài phục vụ dưới quyền bà Flavia Domitilla, là cháu gái của Hoàng Ðế Domitian, và đã bị lưu đầy và bị hành quyết cùng với bà khi chính bà này trở lại đạo. Truyền thuyết này có lẽ phát xuất từ sự kiện là hai ngài đã được chôn cất trong một hầm mộ được gọi là nghĩa trang Domitilla.
Lời Bàn
Như trong trường hợp của các vị tử đạo tiên khởi, Giáo Hội chỉ biết bám víu vào chút ký ức sơ sài giữa những dữ kiện mù mờ của lịch sử. Nhưng đó là một khích lệ lớn lao cho tất cả Kitô Hữu khi biết rằng chúng ta có một di sản quý báu. Những anh chị của chúng ta trong Ðức Kitô cũng đã sống ở một thế giới giống như chúng ta -- chủ nghĩa quân phiệt, chủ nghĩa vật chất, hung bạo và hoài nghi - tuy nhiên các ngài đã biến đổi tâm hồn nhờ sự hiện diện của Ðấng Hằng Sống. Sự can đảm của chúng ta cũng được phấn khích bởi các anh hùng liệt nữ, là những người đã ra đi trước chúng ta và đã được ghi dấu đức tin nhờ mang lấy thương tích của Ðức Kitô.
13 Tháng Năm : Thánh Pancratius (c. 304)
Thánh Pancratius là vị tử đạo thời tiên khởi mà chúng ta biết rất ít về ngài. Truyền thuyết nói rằng ngài sinh vào cuối thế kỷ thứ ba và được người chú ở Rôma nuôi dưỡng sau khi cha mẹ mất sớm. Sau đó, hai chú cháu theo Kitô Giáo. Trong thời gian cấm đạo của Hoàng Ðế Diocletian, Pancratius bị chặt đầu năm 304, lúc ấy ngài mới 14 tuổi.
Ngài được chôn trong một nghĩa địa mà sau này mang tên của ngài. Thánh Pancratius được nước Anh đặc biệt sùng kính vì Thánh Augustine ở Canterbury đã dâng hiến một nhà thờ ở đây cho Thánh Pancratius, và thánh tích của ngài được tặng cho vua xứ Northumberland.
Lời Trích
"Chúng sẽ bắt bớ và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và nhà tù, và chúng sẽ điệu anh em đến trước mặt vua quan vì danh Thầy. Ðó là cơ hội để anh em làm chứng. Hãy nhớ rằng, đừng lo nghĩ cách bào chữa, vì chính Thầy sẽ cho anh em tài ăn nói khôn ngoan khiến tất cả các địch thủ không tài nào chống đối hay bắt bẻ được" (Luca 21:12-15)
14 Tháng Năm : Thánh Matthias
Theo Tông Ðồ Công Vụ 1:15-26, sau khi Ðức Giêsu Lên Trời, các tông đồ cần phải tìm người thay thế cho Giuđa. Với tất cả những bàng hoàng chưa thông hiểu, những nguy hiểm đang phải đương đầu, tại sao các ngài lại chú ý đến việc tìm vị tông đồ thứ mười hai? Số mười hai là con số quan trọng cho Dân Ðược Chọn: mười hai là con số của mười hai chi tộc Israel. Nếu một Israel mới phát sinh từ các môn đệ của Ðức Kitô, thì cần phải có mười hai tông đồ. Nhưng biết ai để mà chọn?
Khi Thánh Phêrô đứng lên đề nghị phương cách chọn lựa, lúc ấy có một trăm hai mươi người đang tụ tập cầu nguyện. Thánh Phêrô biết rằng người được chọn phải là người đã theo Ðức Kitô từ ban đầu -- từ lúc Người chịu thanh tẩy bởi Gioan Tẩy Giả cho đến khi Lên Trời. Lý do thật dễ hiểu, tông đồ phải là người theo Ðức Kitô trước khi bất cứ ai biết đến, phải trung thành với Người dù có những khó khăn và đã chứng kiến sự phục sinh của Ðức Kitô.
Có hai vị hội đủ điều kiện -- Matthias và Giuse Barsabbas. Các tông đồ biết hai vị này đã từng ở với họ và ở với Ðức Kitô trong suốt thời gian Người thi hành sứ vụ. Nhưng ai thực sự quyết tâm làm nhân chứng cho sự phục sinh của Ðức Kitô. Chỉ có Thiên Chúa mới biết được điều đó. Và các tông đồ đã cầu nguyện và bỏ phiếu. Người được chọn là ông Matthias, là người được thêm vào nhóm Mười Một.
Ðó là tất cả những gì chúng ta được biết về Thánh Matthias.
Lời Bàn
Ðức Clêmentê ở Alexandria nói rằng Thánh Matthias, cũng như tất cả các tông đồ khác, được Ðức Kitô chọn không phải vì họ tốt lành, nhưng vì Ðức Kitô đã thấy trước con người tương lai của họ. Các ngài được chọn không phải vì sự xứng đáng nhưng vì các ngài sẽ trở nên người xứng đáng. Ðức Kitô cũng chọn chúng ta giống như vậy. Thử nghĩ xem Ðức Kitô muốn bạn trở nên một người như thế nào?
15 Tháng Năm : Thánh Isidore (1070 - 1130)
Thánh Isidore là quan thầy của các nông dân và làng quê. Ðặc biệt, ngài là quan thầy của Madrid, Tây Ban Nha, và của Hội Nghị Ðời Sống Công Giáo Thôn Quê Hoa Kỳ.
Khi lớn tuổi, ngài làm công cho gia đình ông Gioan de Vergas, một địa chủ giầu có ở Madrid, và trung thành làm việc cho đến mãn đời. Isidore kết hôn với một thiếu nữ đạo đức và chính trực mà sau này bà được tuyên xưng là thánh Maria de la Cabeza. Hai người có được một con trai nhưng chẳng may cậu chết sớm. Cả hai ông bà tin rằng ý Chúa không muốn hai người có con, do đó họ quyết định sống khiết tịnh cho đến suốt đời.
Isidore là người đạo đức thâm trầm bẩm sinh. Ngài thức dậy từ sáng sớm để đi lễ và dành thời giờ trong những dịp lễ lớn để đi viếng các nhà thờ ở Madrid và vùng phụ cận. Trong khi làm việc, ngài luôn chuyện trò với Thiên Chúa. Khi bị các đồng nghiệp cho rằng ngài trốn tránh nhiệm vụ qua việc tham dự Thánh Lễ hằng ngày, lấy nhiều thời giờ để cầu nguyện, v.v., Isidore trả lời rằng ngài không còn lựa chọn nào khác hơn là tuân theo Ông Chủ tối cao. Truyền thuyết kể rằng, một sáng kia khi ông chủ đến cánh đồng để bắt quả tang Isidore trốn việc đi nhà thờ, ông thấy các thiên thần đang cầy cấy nơi khu ruộng của Isidore.
Isidore còn nổi tiếng là thương người nghèo và cũng thường để ý đến việc chăm sóc loài vật.
Isidore từ trần ngày 15 tháng Năm 1130, và được phong thánh năm 1622, cùng với các Thánh I-nhã, Phanxicô Xaviê, Têrêsa và Philip Nêri.
Lời Bàn
Chúng ta có thể tìm thấy nhiều sự ứng dụng nơi vị lao công thánh thiện này: Công việc lao động có phẩm giá; sự thánh thiện không bắt nguồn từ địa vị xã hội; sự chiêm niệm không lệ thuộc vào học thức; đời sống thanh bạch là con đường dẫn đến sự thánh thiện và hạnh phúc.
16 Tháng Năm : Thánh Simon Stock (1165 - 1265)
Thánh Simon Stock sinh ở Kent, nước Anh năm 1165. Chúng ta không được biết gì nhiều về thời niên thiếu của thánh nhân, ngoại trừ một truyền thuyết nói rằng tên "Stock", có nghĩa "thân cây", do bởi ngay từ khi mười hai tuổi, thánh nhân đã sống ẩn dật trong chỗ lõm sâu của thân cây sồi. Và khi trưởng thành ngài hành hương đến Ðất Thánh là nơi ngài gia nhập nhóm tu sĩ Cát Minh (Camêlô) và sau đó theo họ về Âu Châu.
Thánh Simon Stock thành lập nhiều cộng đoàn Cát Minh, nhất là trong các khuôn viên Ðại Học như Cambridge, Oxford, Paris, và Bologna, và ngài là người đã giúp thay đổi dòng Cát Minh từ hình thức ẩn tu sang hình thức tu sĩ khất thực. Năm 1254, ngài được chọn làm Bề Trên Tổng Quyền của Dòng ở Luân Ðôn. Thánh Simon cai quản nhà dòng với sự thánh thiện và khôn ngoan, và đã phát triển dòng từ Anh Quốc ra khắp Âu Châu nhờ nhân đức của ngài cũng như ơn nói tiên tri và làm phép lạ.
Thánh Simon Stock thường được nhắc đến qua một thị kiến ngài được thấy ở Cambridge, Anh Quốc, ngày 16 tháng Bảy năm 1251, lúc đó Dòng Cát Minh đang bị đàn áp. Trong thị kiến ấy, Ðức Trinh Nữ Maria đã hiện ra với thánh nhân, tay cầm khăn choàng mầu nâu. Ðức Mẹ nói: "Hỡi con yêu dấu, hãy nhận lấy khăn choàng này của Dòng con; đó là dấu hiệu đặc biệt nói lên lòng quý mến của Mẹ đã dành cho con và con cái Dòng Cát Minh. Những ai từ trần khi mang khăn này sẽ không bị lửa đời đời. Ðó là phù hiệu của sự cứu chuộc, là khiên thuẫn khi gặp nguy hiểm, và là lời hứa được bảo vệ và sự bình an đặc biệt." Khăn choàng (do bởi tiếng Latinh, scapula, có nghĩa "xương bả vai") gồm hai mảnh vải, một mảnh ở trước ngực và mảnh kia ở đằng sau, được nối với nhau bằng dây vải bắt ngang qua vai. Trong một số dòng tu, các tu sĩ nam nữ mặc khăn choàng dài từ vai đến gót chân như áo khoác ngoài. Giáo dân thường mang khăn choàng bên trong quần áo thường; gồm hai mảnh vải chỉ độ vài phân vuông mà người Việt chúng ta thường gọi là "áo Ðức Bà."
Tuy bất cứ ai cũng có thể mặc "áo Ðức Bà" nhưng phải có một linh mục cử hành nghi thức này. Ngoài ra, phải mang "áo Ðức Bà" một cách xứng đáng, nếu quên không mang áo này trong một thời gian, lợi ích sẽ không còn. Giáo Hội Công Giáo cho phép sử dụng mười tám loại "áo Ðức Bà" khác nhau thường làm bằng nỉ mầu nâu.
Thánh Simon từ trần ở Bordeaux, nước Pháp ngày 16 tháng Năm 1265. Dù Thánh Simon Stock chưa bao giờ được chính thức phong thánh, nhưng ngài được sùng kính từ lâu và Tòa Thánh cho phép cử hành lễ kính.
17 Tháng Năm : Thánh Paschal Baylon (1540 - 1592)
Trong cuộc đời Thánh Paschal, đế quốc Tây Ban Nha cực kỳ có thế lực ở Tân Thế Giới, mặc dù sau đó không lâu, Pháp và Anh đã làm suy giảm thế lực này. Thế kỷ 16 thường được gọi là Thời Ðại Vàng Son của Giáo Hội Tây Ban Nha, vì đã phát sinh các vị thánh như Y-Nhã ở Loyola, Phanxicô Xaviê, Têrêsa ở Avila, Gioan Thánh Giá, Phêrô ở Alcantara, Phanxicô Sôlanô và Salvator ở Horta.
Thánh Paschal sinh ở Aragon, Tây Ban Nha trong một gia đình nghèo nhưng đạo đức. Trong khoảng thời gian từ bảy đến 24 tuổi, ngài làm nghề chăn cừu và bắt đầu một cuộc sống rất hãm mình. Ngài luôn luôn cầu nguyện, ngay cả khi làm việc và nhất là khi tiếng chuông nhà thờ báo hiệu lúc dâng Mình Thánh trong Thánh Lễ.
Năm 1564, Paschal gia nhập dòng Anh Em Hèn Mọn và tận tụy hiến thân cho cuộc đời ăn năn đền tội. Mặc dù ngài được khuyến khích học làm linh mục, nhưng ngài chọn làm thầy trợ sĩ. Trong những quãng thời gian khác nhau, thầy đảm trách các công việc giữ cửa, nấu ăn, làm vườn và chính yếu là đi khất thực.
Thầy Paschal rất thận trọng tuân giữ lời khấn khó nghèo. Thầy không bao giờ phí phạm thức ăn hay bất cứ gì được sử dụng trong nhà dòng. Khi là người giữ cửa và tiếp đón các người nghèo đến xin giúp đỡ, thầy nổi tiếng là độ lượng. Ðôi khi, các tu sĩ trong dòng phải ngăn cản sự phóng khoáng của thầy!
Một đặc tính của Thầy Paschal là sùng kính Thánh Thể. Ngoài những thời giờ bận rộn vì nhiệm vụ, bất cứ khi nào có cơ hội, thầy thường dành để cầu nguyện trước Thánh Thể. Cuộc đời thầy đầy dẫy những phép lạ chữa lành mà dân chúng được lãnh nhận qua sự cầu nguyện của thầy. Tuy là thầy trợ sĩ nhưng lúc bấy giờ rất nhiều người tìm đến thầy để xin cố vấn.
Ngay cả cái chết của thầy cũng được ghi dấu bằng một biến cố bất thường. Người ta kể rằng thầy trút hơi thở cuối cùng khi linh mục nâng Mình Thánh lên cao trong Lễ Hiện Xuống.
Thầy Paschal được phong thánh năm 1690, và năm 1897, ngài được đặt làm quan thầy của các tổ chức cũng như nghị hội về Thánh Thể.
Lời Bàn
Việc cầu nguyện trước Thánh Thể chiếm nhiều thời giờ và năng lực của Thánh Phanxicô. Hầu hết các lá thư của thánh nhân đều thúc giục sự sùng kính Thánh Thể. Thánh Paschal cũng noi gương đó. Một giờ cầu nguyện trước Thánh Thể có thể dạy bảo chúng ta rất nhiều điều. Một số người Công Giáo đạo đức ngày nay thấy rằng công việc của họ được phong phú hóa là nhờ những giây phút dành để cầu nguyện và chiêm niệm trước Thánh Thể.
Lời Trích
"Hãy suy nghĩ kỹ về điều này: Hãy tìm kiếm Thiên Chúa trên hết mọi sự. Thật đúng khi bạn tìm kiếm Thiên Chúa trước hết và trên hết mọi sự, bởi vì Thiên Chúa cao cả sẽ ban cho bạn những gì bạn cầu xin. Ðiều này cũng giúp bạn sẵn sàng phục vụ Thiên Chúa và kính mến Người cách tuyệt hảo hơn" (Thánh Paschal).
18 Tháng Năm : Thánh Giáo Hoàng Gioan I (c. 526)
Thánh Giáo Hoàng Gioan I, người xứ Tuscan, là tổng-phó-tế của hàng giáo sĩ Rôma, được chọn để kế vị Ðức Hormisdas mà lúc bấy giờ đã già yếu. Bất kể sự phản đối, ngài bị Theodoric -- là vua của Ý, người hăng hái bảo vệ phe lạc giáo Arian -- sai đi Constantinople để thuyết phục Hoàng Ðế Justin bớt khắt khe trong việc chống đối phe Arian mà một sắc lệnh của vua buộc phe này phải trao trả các nhà thờ cho người Công Giáo ở Ðông Phương. Theodoric đe dọa rằng nếu Ðức Gioan thất bại trong nhiệm vụ, thì người Công Giáo chính thống ở Tây Phương sẽ bị trả đũa.
Nhiệm vụ thật khó khăn nhưng chuyến đi thật vinh quang. Bất cứ đâu ngài đến đều được dân chúng vui mừng tiếp đón. Khi đến Constantinople, Hoàng Ðế Justin đã dành mọi vinh dự cho ngài. Vào Chúa Nhật Phục Sinh, 19-4-526, ngài đội vương miện tấn phong cho Hoàng Ðế Justin. Ngoài ra, các giám mục Ðông Phương cũng hăng say thề trung thành với Rôma.
Khi Ðức Gioan trở về Ravenna, thủ phủ của Theodoric, ngài khám phá rằng Theodoric đã giết chết người bạn tâm giao của ngài là triết gia vĩ đại Severinus Boethius, cũng như bố vợ của ông là Symmachus. Về phần Theodoric, vì nghi ngờ Ðức Gioan thông đồng với Hoàng Ðế Justin nên ngay khi ngài đặt chân lên đất Ý, Theodoric đã cho người bắt giam ngay lập tức.
Phần vì mệt mỏi sau cuộc hành trình, cộng thêm sự đau khổ vì đối xử tệ hại, ngài ở tù không lâu và đã từ trần ngày 18 tháng Năm 526. Ngài được chôn cất ở bên ngoài thành Ravenna, nhưng sau đó thi hài của ngài được đưa về Rôma và chôn cất trong Ðền Thánh Phêrô.
Lời Bàn
Chúng ta không thể chọn lựa những đau khổ mà chúng ta phải chịu. Thánh Giáo Hoàng Gioan I bị đau khổ vì một hoàng đế tham quyền. Ðức Giêsu đau khổ vì những nghi ngờ của những người cảm thấy bị đe dọa vì chân lý, vì sự thẳng thắn và vì sự bất lực của Ðức Giêsu. "Nếu thế gian ghét bỏ anh em, hãy biết rằng thế gian đã ghét bỏ Thầy trước."
19 Tháng Năm : Thánh Giáo Hoàng Celestine V (1215 -- 1296)
Thánh Celestine, tên thật là Phêrô Morrone, sinh trong một gia đình nghèo ở nước Ý và ngài là thứ mười một trong gia đình mười hai người con. Năm hai mươi tuổi, Phêrô từ giã mái trường và sống khổ hạnh trong một hầm nhỏ mà ngài đào ở dưới đất. Sau ba năm, ngài gia nhập dòng Biển Ðức và được thụ phong linh mục ở Rôma.
Ðến năm 1246, ngài trở về Abruzzi, và sống năm năm trong một cái hang ở Morrone, gần núi Sulmona. Ðể chống lại các cám dỗ, ngoài thời giờ cầu nguyện và đọc Kinh Thánh, ngài lao động thật cực nhọc hoặc sao chép lại các sách thiêng liêng. Ngài không bao giờ ăn thịt và giữ chay bốn lần trong một năm. Ngoài ra, ngài còn mặc áo nhặm, đeo giây lưng bằng sắt, ngủ trên mặt đất hoặc tấm ván thô và dùng củi hoặc đá để gối đầu. Thân xác ngài càng tiều tụy thì tinh thần ngài càng thăng tiến. Nhiều người đến với ngài và bắt chước lối sống khổ hạnh ấy. Sau cùng ngài phải thành lập một dòng tu và cho đến khi từ trần, trên toàn Âu Châu đã có ba mươi sáu đan viện và sáu trăm đan sĩ nam nữ sống theo quy luật của ngài.
Sau khi Ðức Giáo Hoàng Nicôla IV từ trần, Giáo Hội không có người kế vị trong hai năm và ba tháng, và vì nghe tiếng thánh thiện của Cha Phêrô, hồng y đoàn đã chọn ngài làm giáo hoàng, lúc ấy đã tám mươi bốn tuổi. Ngài đau khổ khi nghe tin ấy, nhưng phải chấp nhận và lấy tên là Celestine V. Quyết định ấy đã đưa đến nhiều thảm họa vì Ðức Celestine không thích hợp với vai trò giáo hoàng trong bất cứ khía cạnh nào khác, ngoại trừ sự thánh thiện.
Ngài làm giáo hoàng chỉ có năm tháng. Bởi vì ngài quá khiêm tốn và đơn sơ nên bị nhiều người lợi dụng. Ngài trở thành con cờ chính trị của Vua Charles II nước Naples. Không bao lâu nhiều vấn đề phức tạp đã xảy ra trong Giáo Hội. Sau cùng, ngài quyết định từ chức, và quỳ gối tạ tội trước Hồng Y Ðoàn vì đã không chu toàn nhiệm vụ cai quản Giáo Hội. Thật là một nghĩa cử khiêm tốn biết chừng nào!
Tưởng được yên thân để sống đời ẩn dật như trước, nhưng hậu quả của các quyết định trong thời gian ngài làm giáo hoàng đã để lại nhiều nghi vấn nơi vị tân giáo hoàng kế nhiệm, do đó, Ðức Boniface VIII đã giam ngài trong thành Fumone. Ở đây, ngài bị sỉ nhục và chịu gian khổ, nhưng không hề than thở một lời. Trái lại, ngài còn gửi thư cho Ðức Boniface cho biết ngài rất hài lòng và không còn muốn gì hơn. Ngài thường nói: "Tôi không mong muốn gì hơn ở thế gian này ngoài căn phòng nhỏ hẹp; và họ đã cho tôi toại nguyện."
Trong thời gian tù đầy, ngài thường hát thánh vịnh đêm ngày. Một ngày trong tháng Năm 1296, ngài báo trước với lính canh là ngài sẽ chết vào cuối tuần. Thật vậy, sau khi kết thúc bài thánh vịnh trong giờ kinh sáng ngày thứ Bảy 19-5, ngài trút hơi thở cuối cùng. Trong mười tháng tù đầy, ngài không bao giờ giảm bớt lối sống khắc khổ.
Nhờ lời cầu bầu của ngài, nhiều phép lạ đã được ghi nhận, và ngài được Ðức Clêmentê V phong thánh năm 1313.
20 Tháng Năm : Thánh Bernardine ở Siena (1380 -- 1444)
Nếu Thánh Phaolô Tông Ðồ nổi tiếng là người hăng say rao giảng thời tiên khởi, thì Thánh Bernardine là người thuyết giảng nhiệt thành của thế kỷ 15.
Thánh Bernardine sinh ở Massa Marittima (gần Siena) và là con của thống đốc tỉnh, nhưng khi lên bảy tuổi ngài đã mồ côi cha mẹ và được bà dì chăm sóc, dạy dỗ thật chu đáo.
Khi ngài 20 tuổi, trận dịch hạch lan tràn khắp thành phố Siena. Nhiều khi, ở bệnh viện có đến 20 người chết trong một ngày. Với sự tiếp tay của các thanh niên thiện chí khác, Bernardine tình nguyện điều hành toàn thể bệnh viện, tận tụy chăm sóc bệnh nhân trong bốn tháng.
Khi 22 tuổi, ngài gia nhập Dòng Phanxicô và hai năm sau đó được thụ phong linh mục. Các tu sĩ Phanxicô thường nổi tiếng là các nhà truyền giáo, nhưng Bernardine rao giảng rất ít vì giọng nói của ngài thật yếu và khàn khàn. Trong hai mươi năm ngài sống âm thầm trong bóng tối, dành thời giờ và năng lực để cầu nguyện và rèn luyện tâm linh. Vào lúc ấy, ngài được sai đi Milan trong công tác truyền giáo. Khi đứng lên rao giảng, giọng nói của ngài mạnh mẽ và có sức thuyết phục đến nỗi giáo đoàn không để ngài ra về nếu ngài không hứa sẽ trở lại.
Từ đó, ngài bắt đầu cuộc đời truyền giáo mà Ðức Giáo Hoàng Piô II gọi ngài là Thánh Phaolô thứ hai. Cũng như khi chăm sóc bệnh nhân trận dịch hạch, ngài nhiệt thành lăn xả vào hoạt động truyền giáo. Ngài ngang dọc khắp nước Ý, thường là đi bộ, rao giảng hai ba giờ đồng hồ và nhiều lần trong một ngày.
Ngài nổi tiếng là sùng kính Thánh Danh Ðức Giêsu, ngài nghĩ ra dấu hiệu -- IHS, là ba chữ đầu của tên Ðức Giêsu bằng tiếng Hy Lạp để thay cho những dấu hiệu dị đoan thời ấy. Việc sùng kính Thánh Danh lan dần, và dấu hiệu ấy bắt đầu xuất hiện trong các nhà thờ, tư gia và nơi công cộng. Nhiều người ghen tức đã vu khống ngài, cho rằng đó là sự đổi mới nguy hiểm và dị đoan. Họ đưa vấn đề lên đức giáo hoàng để chống đối ngài, nhưng sự thánh thiện, sự chính truyền và lời rao giảng là bằng cớ cho sự trung tín của ngài.
Năm 1427, Ðức Giáo Hoàng Martin V đề nghị ngài làm giám mục Siena nhưng ngài từ chối, sau đó ngài cũng từ chối làm giám mục của Ferrara và Urbino. Năm 1430, ngài làm bề trên một chi nhánh Dòng Phanxicô, các Tu Sĩ Sống Nghiêm Nhặt, ngài đặc biệt chú trọng đến kiến thức và nghiên cứu thần học cũng như giáo luật. Lúc đầu chi nhánh này chỉ có 300 tu sĩ; khi ngài từ trần số tu sĩ ấy lên đến 4,000 người.
Ngài cũng viết một số luận án thần học bằng tiếng Latinh và tiếng Ý đề cập đến các học thuyết căn bản của Kitô Giáo, cũng như luận án về Ðức Maria. Ngài thiết lập phân khoa thần học ở Perugia và Monteripido.
Trong hai năm cuối cuộc đời, ngài trở về đời sống rao giảng và đã từ trần "trên đường công tác," lúc ấy ngài gần 64 tuổi.
Ngôi mộ của ngài ở Aquila trở nên trung tâm hành hương. Ngài là người truyền giáo lỗi lạc của thế kỷ 15, và được Ðức Giáo Hoàng Nicôla V phong thánh năm 1450, chỉ có sáu năm sau khi ngài từ trần.
21 Tháng Năm : Thánh Crispin ở Viterbo (1668 -- 1750)
Thánh Crispin tên thật là Phêrô Fioretti, sinh ở Viterbo, nước Ý. Ngài mồ côi cha ngay khi còn nhỏ. Vì hay đau yếu mà nhà lại nghèo, nên bà mẹ đã dâng cậu con trai năm tuổi cho Ðức Mẹ. Biến cố đó không bao giờ phai nhạt trong đầu Phêrô mà sau này cậu thường coi Ðức Maria như mẹ ruột của mình.
Vì nghèo không đủ tiền đi học, Phêrô theo ông chú học nghề đóng giầy, cho đến khi 25 tuổi, Phêrô gia nhập dòng Capuchin với tư cách thầy trợ sĩ và lấy tên là Crispin.
Sau khi khấn trọn, ngài được giao cho công việc đầu bếp cho nhà dòng ở Tolfa. Như lúc còn ngoài đời, ngài luôn luôn sùng kính Ðức Mẹ và qua sự cầu nguyện của thầy, nhiều người đã được chữa lành về phần xác cũng như phần hồn. Có lần một nhà quý tộc vì sống trác táng nên bị đau nặng và đến xin Thầy Crispin cầu nguyện. Thầy hỏi, "Thưa ngài, ngài muốn Ðức Mẹ chữa ngài, nhưng nếu giả như có người xúc phạm đến Con của Mẹ thì người ấy có làm buồn lòng Ðức Mẹ không? Nếu thực sự sùng kính Ðức Mẹ thì không thể xúc phạm đến Con của Mẹ được." Nhà quý tộc đã ăn năn sám hối và thay đổi đời sống.
Cùng với công việc đầu bếp, y tá, làm vườn, Thầy Crispin là người khất thực chính cho nhà dòng trong gần 40 năm. Ngay từ khi mặc áo dòng cho đến khi từ trần, thầy được Chúa ban cho ơn chữa lành bệnh tật và bất cứ ai đến với thầy đều cảm thấy phấn khởi và được bình an trong tâm hồn. Trong thời gian khất thực ở Orvieto, ngài không chỉ xin cho nhà dòng, mà còn xin cho tất cả những người nghèo ở đây.
Ngài đích thực là con cái của Thánh Phanxicô, luôn luôn vui vẻ và hăng say phục vụ cho đến khi từ trần vào lúc tám mươi hai tuổi. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô VII phong chân phước năm 1806 và Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh cho ngài năm 1982
Lời Bàn
Cha Henri de Lubac, dòng Tên, đã viết, "Chúng ta phải yêu quý thời đại của chúng ta, nhưng không nhượng bộ tinh thần của thời đại, có như thế, mầu nhiệm Kitô Giáo trong chúng ta sẽ không bao giờ mất sức sống" (Sự Huy Hoàng của Giáo Hội, t. 183). Thánh Crispin quý trọng bất cứ ai mà Thiên Chúa đã đưa đến với ngài và trong bất cứ thời gian nào. Thánh Crispin đã trở nên cuốn phúc âm sống động cho anh em dòng và cho người dân ở Orvieto. Sự thánh thiện của ngài đã khuyến khích họ sống bí tích rửa tội một cách độ lượng hơn.
Lời Trích
Trong bài giảng lễ phong thánh cho Thầy Crispin, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng gia đình nhân loại thường bị "cám dỗ bởi quyền tự trị lầm lạc, vì từ chối các giá trị Phúc Âm, do đó, nhân loại cần đến các thánh, là những gương mẫu đã dùng đời sống cụ thể của mình để minh chứng tính cách xác thực của Ðấng Tối Cao, giá trị của sự Mặc Khải và sự Cứu Ðộ mà Ðức Kitô đã hoàn thành" (Báo L'Observatore Romano 1982, tập 26, số 1).
22 Tháng Năm : Thánh Rita ở Cascia (1381 -- 1457)
Trong nhiều thế kỷ, Thánh Rita ở Cascia là một trong những vị thánh nổi tiếng của Giáo Hội Công Giáo. Người ta thường gọi ngài là "Vị Thánh Bất Khả," vì bất cứ điều gì nhờ ngài cầu bầu đều được Thiên Chúa nhận lời.
Thánh Rita sinh ở Spoleto, nước Ý năm 1381. Ngay từ nhỏ ngài đã muốn dâng mình cho Chúa, nhưng vì vâng lời cha mẹ già, ngài phải kết hôn với một ông chồng thô bạo và nóng nẩy. Trong 18 năm, ngài kiên nhẫn dùng sự cầu nguyện và tử tế để đối xử với ông chồng luôn khinh thường và gian dâm. Sau cùng ông đã ăn năn hối lỗi và bị giết vì một mối thù truyền kiếp. Tưởng đã yên thân sau cái chết của chồng, ngài lại khổ tâm khi thấy hai người con trai thề quyết trả thù cho cha mình, và ngài đã cầu xin Thiên Chúa để cho họ chết còn hơn phạm tội giết người. Quả thật, cả hai lâm bệnh nặng, và ngài đã chăm sóc, khuyên giải hai con trở về với Thiên Chúa trong sự bình an trước khi lìa đời.
Bây giờ không chồng và không con, ngài xin gia nhập Dòng Augustine ở Cascia, nhưng bị từ chối vì không còn là trinh nữ. Với sự kiên trì và lòng tin mạnh mẽ, Thiên Chúa đã can thiệp để ngài được nhập dòng. Người ta kể rằng, một đêm kia Thiên Chúa đã đưa ngài vào trong khuôn viên của tu viện dù đã kín cổng cao tường. Thấy vậy, các nữ tu tin rằng ý Chúa muốn ngài được chấp nhận vào dòng.
Trong đời sống tu trì, ngài nổi tiếng về lòng bác ái và ăn chay hãm mình. Lời ngài cầu nguyện cho những kẻ đau yếu thường được Thiên Chúa nhận lời. Ngoài ra, qua sự khuyên bảo, ngài đã đưa nhiều người trở về với đời sống Công Giáo.
Vào năm 1441, ngài được đặc biệt chia sẻ sự thống khổ của Ðức Kitô bằng các vết mão gai trên đầu. Các vết thương ấy thật đau đớn và chảy máu, xông mùi khó chịu đến độ ngài phải sống tách biệt với mọi người, tuy nhiên ngài vẫn coi đó là ơn sủng đặc biệt và xin được sức mạnh để gánh chịu cho đến chết.
Ngài từ trần vì bệnh lao ngày 22 tháng Năm 1457 khi 76 tuổi. Ngài đặc biệt được tôn kính ở nước Ý ngày nay. Ngài được coi là quan thầy của những trường hợp khó khăn, nhất là có liên hệ đến hôn nhân.
Ngài được phong chân phước năm 1626 và được phong thánh năm 1900.
sinh năm 1808 tại Như Lâm, Thừa Thiên, Quan Thái Bộc, xử trảm ngày 22-5-1857 tại An Hòa dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 11-4-1909 do Ðức Piô X, kính ngày 22-5.
sinh tại Lục Thủy, Nam Ðịnh, Giáo dân, xử trảm ngày 22-5-1862 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 29-4-1951 do Ðức Piô XII, kính ngày 22-5.
23 Tháng Năm : Thánh Gioan Báptít Rossi (1698 -- 1764)
Vị linh mục tài giỏi và thánh thiện này sinh ở làng Voltaggio thuộc giáo phận Genoa nước Ý. Khi còn là thiếu niên, thấy ngài thông minh, hai vợ chồng người bạn của gia đình đưa ngài về Genoa cho ăn học. Trong thời gian ba năm ở đây, ngài được sự chú ý của hai vị tu sĩ Capuchin, là người thường đến thăm gia chủ và đã phúc trình nhận xét của họ lên bề trên tỉnh dòng Capuchin, mà sau đó bác của ngài, là một kinh sĩ của nhà dòng ở Rôma đã xin cho ngài vào một trường ở Rôma ăn học, lúc 13 tuổi.
Trong thời gian theo học ở trường Collegium Romanum ngoài gương mẫu về học vấn và nhân đức, ngài còn tập hãm mình phạt xác theo gương các vị khổ tu mà ngài đọc được ở trong sách. Sự khổ cực cộng thêm chương trình học nặng nề đã dẫn đến cơn động kinh mà sau đó ngài phải nghỉ học. Sau này, ngài phục hồi sức khoẻ và hoàn tất việc học ở Minerva, nhưng không thể nào khoẻ mạnh được như trước.
Sau thời gian tu tập, ngài được thụ phong linh mục năm 23 tuổi và tận tụy rao giảng cho những người nông dân, người chăn nuôi từ quê lên tỉnh buôn bán, và ngài tìm cách giúp đỡ những phụ nữ vô gia cư phải sống ngoài đường phố qua công việc ăn xin hay làm điếm. Tiền của ngài kiếm được chỉ nhờ bổng lễ, nhưng khi được chính quyền địa phương và đức giáo hoàng giúp đỡ, ngài đã dùng tiền ấy để thuê một căn nhà cho những người nghèo lên tỉnh tạm trú.
Ngài hăng say rao giảng mọi nơi, ở nhà thờ, nhà thương, tu viện cũng như nhà tù khiến ngài nổi danh là vị tông đồ của những người bị ruồng bỏ, không khác gì Thánh Philíp Nêri.
Năm 1763, ngài kiệt quệ vì sự lao nhọc và bệnh tật. Sau một vài cơn kích xúc tim khiến ngài bị tê liệt, ngài đã từ trần ở Pellegrini năm 66 tuổi.
Thiên Chúa đã vinh danh ngài qua những phép lạ. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII phong thánh năm 1881.
24 Tháng Năm : Thánh Maria Mađalêna Pazzi (1566 -- 1607)
Sự ngây ngất huyền bí là nâng tâm hồn lên đến Chúa trong một phương cách có ý thức về sự kết hợp này, đồng thời, các giác quan nội tại và ngoại vi đều tách biệt khỏi thế giới cảm xúc. Thánh Maria Mađalêna Pazzi được Chúa ban cho ơn đặc biệt này thật nhiều đến nỗi người ta gọi ngài là "thánh ngây ngất."
Ngài tên thật là Catarina "de' Pazzi", sinh trong một gia đình quyền quý ở Florence năm 1566. Bình thường, ngài đã có thể lấy một người chồng giầu sang và an hưởng cuộc đời nhàn hạ, nhưng ngài đã chọn một con đường đặc biệt cho chính mình. Ngay từ khi chín tuổi, ngài đã tập suy niệm qua sự chỉ bảo của cha giải tội cho gia đình. Lúc 10 tuổi ngài được rước lễ lần đầu và một tháng sau đó ngài thề giữ mình đồng trinh. Khi 16 tuổi, ngài gia nhập Dòng Camêlô ở Florence chỉ vì muốn rước Mình Thánh Chúa hằng ngày (là một điều ngoại lệ vào thời ấy).
Vào dòng, Catarina lấy tên là Maria Mađalêna và khi bị từ chối không cho khấn trọn vì còn nhỏ tuổi, ngài lâm bệnh nặng. Tưởng ngài sắp chết, mẹ bề trên cho ngài khấn trọn khi còn nằm trên giường bệnh trong một nghi thức đặc biệt. Nhưng ngay sau đó, ngài rơi vào trạng thái ngây ngất (xuất thần) và kéo dài khoảng hai giờ đồng hồ. Trong vòng 40 ngày kế tiếp, trạng thái này liên tục xảy ra sau mỗi lần rước Mình Thánh Chúa. Những lần ngây ngất này đầy dẫy những cảm nghiệm hợp nhất với Thiên Chúa và chứa đựng những hiểu biết lạ lùng về chân lý của Thiên Chúa.
Ðể khỏi bị lừa gạt và để giữ lại các điều mặc khải, cha giải tội yêu cầu ngài kể lại các điều được cảm nghiệm để các nữ tu thư ký ghi chép lại. Chỉ trong vòng sáu năm, các trang giấy ghi chép ấy đã tổng hợp thành năm bộ sách lớn.
Những gì chúng ta cho là phi thường thì đối với thánh nữ lại là điều bình thường. Ngài có thể đọc được tư tưởng của người khác, và tiên đoán các biến cố tương lai. Ngay khi còn sống, ngài đã xuất hiện với vài người ở cách xa nhau và đã chữa nhiều người khỏi bệnh.
Qua những ơn sủng kỳ lạ của thánh nữ, chúng ta tưởng rằng ngài luôn luôn sống trong trạng thái tinh thần cao độ. Sự thật thì khác hẳn. Dường như Thiên Chúa cho phép ngài được gần gũi với Chúa một cách đặc biệt là để chuẩn bị cho thời gian cô độc khi thánh nữ cảm thấy đời sống tâm linh khô khan một cách kỳ lạ. Vào năm mười chín tuổi ngài bắt đầu thời kỳ năm năm dài thật khô khan và lẻ loi, bị cám dỗ đủ mọi mặt. Tâm hồn ngài lúc ấy như một căn phòng tối đen với chút ánh sáng thật yếu ớt mà chỉ làm bóng đêm thêm dầy đặc. Ngài thật buồn sầu đến nỗi đã hai lần toan tự tử. Tất cả những gì ngài có thể làm để chống trả các cám dỗ là kiên trì cầu nguyện, hãm mình, phục vụ tha nhân dù rằng tất cả những điều ấy dường như vô nghĩa.
Vào năm 1604, bệnh nhức đầu và tê bại khiến ngài phải nằm liệt giường. Tất cả các giác quan của ngài thật nhạy ứng đến độ bất cứ đụng đến đâu, thân thể ngài đau khủng khiếp. Sau ba năm chịu đựng, ngài từ trần năm 1607 khi 41 tuổi, và được phong thánh năm 1669.
Lời Bàn
Sự kết hợp mật thiết, mà Chúa ban cho các vị thần nghiệm, là một nhắc nhở cho tất cả chúng ta về sự kết hợp vinh phúc đời đời mà Người muốn ban cho chúng ta. Trong cuộc đời trần thế, Chúa Thánh Thần là động lực tạo nên sự ngây ngất huyền nhiệm qua các ơn sủng thiêng liêng. Sự ngây ngất xảy ra là vì thân xác quá yếu đuối, không thể chịu đựng nổi sức khai minh thánh thiêng, nhưng khi thân xác được thanh tẩy và vững mạnh, sự ngây ngất không còn xảy ra nữa. (Muốn biết thêm về sự ngây ngất, tìm đọc cuốn Interior Castle [Thành Trì Nội Tâm] của Thánh Têrêsa Avila, và cuốn Dark Night of the Soul [Ðêm Tối của Linh Hồn] của Thánh Gioan Thánh Giá.)
Lời Trích
Nhiều người ngay nay không thấy giá trị của sự đau khổ. Thánh Maria Mađalêna Pazzi khám phá ra ơn cứu độ trong sự đau khổ. Khi đi tu, ngài ao ước chịu đau khổ vì Ðức Kitô trong suốt cuộc đời. Lời di chúc của thánh nữ để lại cho các nữ tu trong dòng là: "Ðiều sau cùng tôi muốn xin các chị -- và tôi xin vì danh Chúa Giêsu Kitô -- đó là các chị chỉ yêu thương một mình Người, hoàn toàn tín thác vào Người và khuyến khích lẫn nhau tiếp tục chịu đau khổ vì yêu thương Người."
25 Tháng Năm : Thánh Mađalêna Sôphi Barat (1779 -- 1865)
Sinh ở Burgundy, nước Pháp, trong một gia đình trồng nho, Thánh Mađalêna được sự hướng dẫn chu đáo và rất kỷ luật của người anh ruột, tên Louis, sau này là linh mục. Trong thời kỳ Cách Mạng, anh Louis bị cầm tù và sau đó cùng với cô em gái trốn lên Balê, là nơi thánh nữ được học hỏi về tôn giáo.
Mađalêna ao ước phục vụ Thiên Chúa qua tính cách của một trợ sĩ dòng Camêlô. Nhưng đó không phải là ý Chúa. Một nhóm linh mục người Pháp thuộc tu hội Thánh Tâm muốn thành lập một tu hội nữ để giáo dục các cô gái, và Cha Varin, người trưởng nhóm nghe biết về Mađalêna, do đó vào năm 1800, cha đã chấp nhận Mađalêna cùng với ba người khác như các nữ tu và giao cho họ công việc thiết lập một tu hội giáo dục. Nhà trường đầu tiên của Tu Hội Thánh Tâm Chúa Giêsu được thành lập ở Amiens năm 1801.
Sau một năm hoạt động, Mađalêna được chọn làm bề trên dù lúc ấy mới 23 tuổi -- trẻ hơn các nữ tu khác, và sơ đã điều hành tu hội trong vòng 63 năm kế tiếp.
Tu hội phát triển trên toàn nước Pháp, hấp thu các nữ tu thuộc tu hội Thăm Viếng ở Grenoble (trong số đó có Chân Phước Philippine Duchesne, là người đưa tu hội sang Hoa Kỳ năm 1818), và Tu Hội Thánh Tâm Chúa Giêsu đã được Ðức Giáo Hoàng Lêô XII chính thức công nhận vào năm 1826.
Năm 1830 đệ tử viện của Tu Hội ở Poitiers bị lực lượng cách mạng đóng cửa, và Sơ Mađalêna đã thành lập một đệ tử viện khác ở Tân Tây Lan.
Cho đến khi ngài từ trần, ngày 21 tháng Năm 1865 ở Balê, tu hội đã thành lập được 105 trường trong 12 quốc gia.
Ngài được phong thánh năm 1925.
Lời Trích
Thánh Mađalêna Barat thường nói với các nữ tu trong tu hội, "Sự cần cù làm việc, là kẻ thù của linh hồn bất toàn, đem lại kết quả dồi dào cho những ai yêu mến Thiên Chúa."
sinh năm 1780 tại Kẻ Bói, Hà Nam, Thầy Giảng, xử trảm ngày 25-5-1857 tại Sơn Tây dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 11-4-1909 do Ðức Piô X, kính ngày 25-5.
26 Tháng Năm : Thánh Philíp Nêri (1515-1595)
Thánh Philíp Nêri, vị "Tông Ðồ của Rôma", là một trong những khuôn mặt lớn của cuộc Cải Cách Công Giáo. Một trong những điều đáng kể của thánh nhân là ảnh hưởng của ngài, dù ngài không viết một cuốn sách, không đề nghị một học thuyết gì mới mẻ, và cũng không khởi xướng một phong trào linh đạo nào. Nhưng tinh thần vui tươi và thánh thiện của ngài đã làm sống dậy tinh thần đạo đức ở Rôma vào thời ấy.
Thánh Nêri sinh ở Florence, nước Ý năm 1515. Ngay từ khi còn trẻ, ngài đã khước từ cơ hội để trở thành một doanh gia và lên Rôma với ý định tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa. Trong vài năm, ngài sống thật đơn giản, ngoài thời giờ học hỏi, ngài còn đi dạy thêm để đủ sống. Ðây là quãng thời gian cầu nguyện và chuẩn bị cho một ơn gọi mà ngài chưa biết rõ.
Thành phố Rôma thời bấy giờ trong tình trạng thối nát về tâm linh và đạo đức. Các giáo hoàng thời Phục Hưng thường nổi tiếng về mưu đồ và tài năng chính trị hơn là đời sống gương mẫu. Việc tấn phong các hồng y nếu không được quyết định bởi lý do chính trị thì cũng vì lý do phe cánh. Cả thành phố đắm chìm trong tình trạng hoài nghi yếm thế đối với sứ điệp Kitô Giáo. Tuy nhiên, chính trong hoàn cảnh này, Philíp Nêri đã nhận ra ơn gọi của mình, đó là tái-phúc-âm-hoá Rôma.
Quả thật là một công việc táo bạo, nhưng với nhiệt huyết, Nêri đã khởi sự ngay ở các đường phố qua các cuộc đối thoại về tôn giáo với bất cứ ai ngài gặp, bất cứ đâu có cơ hội. Không bao lâu, những người quen biết ngài ngày càng đông và họ cảm mến sự thẳng thắn cũng như khả năng thấu suốt linh hồn của họ mà Chúa đã ban cho ngài.
Vào năm 1550, khi ngài ba mươi lăm tuổi, qua sự khuyến khích của cha giải tội, ngài chịu chức linh mục. Ngay sau đó, ngài trở thành cha giải tội nổi tiếng và ngài thường tổ chức các buổi học hỏi, nói chuyện ngay trong khuôn viên các đền thánh ở Rôma.
Ngay trên căn gác của ngài sinh sống, thường có các buổi hội thảo về đời sống tâm linh của những người theo ngài, gồm các giáo sĩ cũng như giáo dân. Ðây là khởi sự của Tu Hội Oratory mà đặc điểm là cầu nguyện và hát thánh vịnh bằng tiếng bản xứ cũng như mỗi ngày đều có bốn cuộc hội thảo bán chính thức.
Hình thức sinh hoạt "mới lạ" này đã bị Tòa Thẩm Tra nghi ngờ. Có phải Nêri toan tính một loại sinh hoạt thiên về Tin Lành ngay trong thủ đô Rôma hay chăng? Sau giai đoạn đau khổ vì bị cáo buộc là tụ tập những kẻ lạc giáo, mà trong đó giáo dân có thể giảng và hát thánh vịnh bằng tiếng bản xứ, cuối cùng Tu Hội Oratory đã được chấp thuận. Hiến pháp của tu hội phải ảnh tinh thần của Thánh Philíp Nêri, chú trọng vào ý chí cá nhân hơn là thẩm quyền pháp lý. Các linh mục không có lời khấn. Họ tự ràng buộc chính mình, vì như Cha Philíp Nêri đã nói, "Nếu bạn muốn vâng phục, thì không cần đến mệnh lệnh".
Ngay khi ngài còn sống, đã có nhiều phép lạ xảy ra nhờ lời cầu nguyện của ngài. Vào ngày lễ Hiện Xuống năm 1544, ngài được một cảm nghiệm siêu nhiên về tình yêu Thiên Chúa mà sau đó, mỗi khi dâng Thánh Lễ, khuôn mặt ngài tỏa sáng lạ thường. Dân chúng đều coi ngài là thánh, nhưng chính ngài lại giả điên giả khùng với khuôn mặt chỉ cạo râu có một nửa để khỏi bị dân chúng tôn sùng.
Vào những năm cuối đời, thánh nhân là tâm điểm đời sống tâm linh của Rôma trong nhiều phương cách. Không chỉ có các linh mục trong tu hội, mà cả các giám mục và hồng y đã tìm đến căn phòng nhỏ bé của ngài để xin hướng dẫn linh đạo. Người dân Rôma, ai ai cũng biết đến công việc bác ái của thánh nhân, đặc biệt là việc cung cấp linh mục tuyên uý cho các nhà thương thành phố. Sau cùng, vào ngày 25 tháng Năm 1595, sau khi nghe xưng tội và tiếp khách, trước khi về phòng nghỉ, ngài tuyên bố, "Rốt cục, chúng ta đều phải chết." Quả thật, đêm ấy ngài đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 80 tuổi.
Lời Trích
Khi được hỏi ngài cầu nguyện thế nào, Thánh Philíp Nêri trả lời: "Hãy khiêm tốn và phó thác, và Chúa Thánh Thần sẽ dạy bạn cầu nguyện."
26. Matthêu Nguyễn Văn ÐẮC (Phượng),
sinh tại Kẻ Lai, Trùm họ, xử trảm ngày 26-5-1861 tại Ðồng Hới dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 11-4-1909 do Ðức Piô X, kính ngày 26-5.
sinh năm 1798 tại Kim Long, Thừa Thiên, Linh Mục, xử trảm ngày 26-5-1861 tại Ðồng Hới dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 11-4-1909 do Ðức Piô X, kính ngày 26-5.
27 Tháng Năm : Thánh Augustine ở Canterbury (c. 605?)
Vào năm 596, một nhóm đan sĩ 30 người khởi hành từ Rôma đi truyền giáo cho người Anglo-Saxon ở Anh. Dẫn đầu là Augustine, bề trên đan viện Thánh Anrê ở Rôma. Nhưng khi đến Gaul (Pháp) họ nghe những câu chuyện dã man về người Anglo-Saxon cũng như sự nguy hiểm của các luồng nước ở eo biển, họ quay trở về Rôma và gặp vị giáo hoàng đã sai họ đi -- Thánh Grêgôriô Cả -- và đức giáo hoàng cho biết sự lo sợ của họ thì vô căn cứ.
Một lần nữa Augustine lại ra đi, và lần này cả nhóm đã vượt qua eo biển và cập bến đất Kent thuộc về Vua Ethelbert, là người ngoại giáo kết hôn với một Kitô Hữu, bà Bertha, công chúa nước Pháp. Vua Ethelbert tiếp đón họ nồng hậu, thiết lập cho họ nơi cư trú ở Canterbury và trong năm ấy, vào Chúa Nhật Hiện Xuống năm 597, chính nhà vua đã được rửa tội.
Sau khi được tấn phong làm giám mục ở Pháp, Ðức Augustine trở lại Canterbury, là nơi ngài thiết lập giáo phận và khởi công xây dựng vương cung thánh đường. Khi số tín hữu ngày càng gia tăng, các giáo phận khác được ngài mở thêm ở Luân Ðôn và Rochester.
Cuộc đời Ðức Augustine cũng gặp nhiều thất bại. Những cố gắng hòa giải giữa Kitô Hữu Anglo-Saxon và Kitô Hữu Briton bản xứ đã kết thúc trong thất bại đau buồn. Ðức Augustine cũng không thuyết phục được người Briton từ bỏ một số phong tục khác biệt với Rôma và quên đi những cay đắng để giúp ngài phúc âm hóa người Anglo-Saxon, là kẻ xâm lăng đã dồn người Briton về miền tây.
Sau những thất bại, Ðức Augustine đã khôn ngoan hơn để ý đến các nguyên tắc truyền giáo -- đối với thời bấy giờ thật sáng suốt mà Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả đề nghị: Hãy thanh tẩy thay vì tàn phá các đền thờ và các phong tục ngoại giáo; hãy du nhập các nghi thức và ngày lễ của người ngoại giáo vào ngày lễ Kitô Giáo; duy trì các truyền thống địa phương càng nhiều càng tốt.
Sau tám năm đến Anh, sự thành công của Ðức Augustine tuy hạn hẹp nhưng sau này đã đem lại kết quả tốt đẹp là cả nước Anh đã tòng giáo. Quả thật, Thánh Augustine đáng được gọi là "Tông Ðồ của Anh Quốc".
Lời Trích
Trong một lá thư gửi cho Thánh Augustine, Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả viết: "Ai muốn trèo ngọn núi cao thì phải đi từng bước, chứ đừng có nhảy."
28 Tháng Năm : Thánh Germain (496 - 576)
Thánh Germain là một đan viện trưởng với đặc tính thương người nghèo và chia sẻ của cải cho họ đến độ các đan sĩ phải phản đối, nếu không đan viện sẽ không còn gì để sống.
Ngài sinh ở Autun nước Pháp, theo học tại Avalon và Luzy dưới sự dẫn dắt của người chú là một linh mục. Sau khi làm đan viện trưởng của Ðan Viện Thánh Symphorien gần Autun, năm 555 ngài được Vua Childebert chọn làm giám mục Balê, sau khi Ðức Giám Mục Eusebius từ trần.
Trong thời gian làm giám mục, ngài vẫn giữ lối sống kham khổ của đan viện và luyện tập các nhân đức. Ngài tham dự các Công Ðồng Balê III và IV (557, 573) cũng như Công Ðồng Tour II (566). Ngài thúc giục nhà vua từ bỏ các thói quen ngoại giáo và cấm tiêu xài phung phí trong các buổi lễ Kitô Giáo.
Sau khi vua Childebert từ trần, nước Pháp tan hoang vì sự tranh giành và bị chia làm bốn cho bốn thái tử. Ðức Germain đã phải can thiệp, dùng thẩm quyền của Giáo Hội để ra vạ tuyệt thông một thái tử vì sự đồi trụy, và ngài cố gắng ngăn cản cuộc chiến giữa các thái tử khác.
Trước khi sự thái bình được vãn hồi, Ðức Germain đã từ trần ở Balê ngày 28-5-576. Thi hài của ngài được chôn trong nhà nguyện Thánh Symphorien nhưng sau đó, năm 754, đã được cung kính chôn cất trong thánh đường chính, trước sự hiện diện của Vua Pepin và thái tử Charlemagne. Từ đó trở đi, Thánh Germain thường được gọi là Thánh Germain-des-Prés.
Ngoài lá thư của Vua Childebert cảm tạ Thánh Germain vì đã cứu ông thoát chết một cách lạ lùng, ngày nay người ta còn giữ một luận án về bản phụng vụ cổ của Pháp mà họ cho rằng Thánh Germain đã sáng tác.
sinh năm 1826 tại Chợ Quán, Giáo dân, xử trảm ngày 28-5-1859 tại Nam Việt dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 11-4-1909 do Ðức Piô X, kính ngày 28-5.
29 Tháng Năm : Thánh Maria Anna "de Paredes" (1618 -- 1645)
Thánh Maria Anna, còn gọi là "Bông Huệ Quitô," có cuộc đời rất giống Thánh Rôsa ở Lima. Ngài cũng hãm mình, sống cô độc, được xuất thần và ơn nói tiên tri.
Sinh ở Quito, Ecuador, ngay từ khi còn nhỏ, Maria Anna rất sùng kính Ðức Mẹ và đã muốn đi tu. Lúc mười tuổi ngài thề sống khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Lúc đầu ngài muốn trở thành một nữ tu dòng Ða Minh, nhưng sau đó ngài gia nhập dòng Ba Phanxicô, trở nên một ẩn tu sống khắc khổ trong nhà người chị, dưới sự linh hướng của cha giải tội dòng Tên.
Cũng như Thánh Rôsa, Maria Anna thường tự cho mình là "Maria Anna của Chúa Giêsu", ngài chăm sóc người nghèo và dạy dỗ các trẻ em người thổ dân ngay tại nhà của mình. Về lối sống khắc khổ, ngài ăn rất ít và ngủ có ba giờ mỗi đêm. Ngài được ơn tiên tri, biết được tâm hồn người khác, chữa lành người bệnh tật qua dấu Thánh Giá hoặc rảy nước phép, và đã có lần làm cho người chết sống lại.
Sau trận động đất năm 1645 ở Quito, một trận dịch lan tràn và Maria Anna đã dâng hiến cuộc đời mình để hy sinh cho thành phố, và thật vậy, ngài đã từ trần ngay sau khi trận dịch bắt đầu giảm bớt.
Ngài được phong thánh năm 1950.
Lời Bàn
Thánh Phanxicô Assisi đã chiến thắng chính mình khi ngài ôm hôn một người cùi. Nếu sự từ bỏ mình không dẫn đến đức bác ái, thì việc ăn năn đền tội đã mất lý do chính đáng. Sự hy sinh hãm mình của Thánh Maria Anna đã giúp ngài nhậy cảm hơn với nhu cầu của tha nhân, và can đảm hơn khi phục vụ người nghèo.
Lời Trích
"Khi được thúc giục bởi tình yêu Thiên Chúa và đồng loại, thánh nữ đã tự hành hạ thân xác mình để đền bù tội lỗi cho tha nhân. Quên đi thế giới chung quanh và ngài đắm chìm trong sự ngây ngất, như được nếm trước hạnh phúc vĩnh cửu. Do đó, được biến đổi và phong phú bởi ơn Chúa, với tất cả khả năng, ngài thật hăng say lo lắng đến sự cứu độ không những cho chính mình mà còn cho người khác. Thánh nữ độ lượng giúp vơi bớt sự bất hạnh của người nghèo và xoa dịu sự đau khổ của người đau yếu. Khi các thiên tai như động đất và bệnh dịch làm kinh hãi người dân thành phố, thánh nữ đã phấn đấu qua sự cầu nguyện, sự đền tội và sau cùng, ngài đã dâng hiến cuộc đời để nài xin lòng thương xót của Chúa Cha mà thánh nữ không thể hoàn thành được bằng nỗ lực con người" (Ðức Giáo Hoàng Piô XII).
30 Tháng Năm : Thánh Jeanne d'Arc (1412 - 1431)
Thánh Jeanne d'Arc sinh trong một gia đình nông dân đạo đức người Pháp ở ngôi làng hẻo lánh Domremy, gần tỉnh Lorraine. Cô Jeanne không biết đọc và biết viết. Khi lên 13 hoặc 14 tuổi, cô được các cảm nghiệm siêu nhiên là nghe các tiếng nói mà cô nhận ra là của Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, Thánh Catarina ở Siena, và Thánh Margaret.
Lúc đầu việc thị kiến chỉ có tính cách riêng tư và tổng quát. Sau đó, vào tháng Năm 1428, các tiếng nói ấy bảo cô Jeanne đến với vua nước Pháp và giúp ông ta tái chiếm lại quốc gia. Vào lúc ấy, vua nước Anh đang tìm cách xâm chiếm nước Pháp, và Công Tước ở Burgundy, là đối thủ chính của vua Pháp cũng đứng về phe Anh để nuốt dần nước Pháp.
Sau khi trải qua các chống đối từ hàng giáo sĩ và các quan trong triều, người thiếu nữ mười bảy tuổi đã được giao cho một đạo quân mà cờ hiệu của cô có hàng chữ "Giêsu-Maria" và dấu hiệu Thiên Chúa Ba Ngôi với hai thiên thần cầm hoa huệ hai bên. Trong bộ giáp trắng và với tinh thần hăng say, cô đã khích động tinh thần yêu nước của dân Pháp và đã giải thoát thành Orleans ngày 8 tháng Năm 1429. Sau đó là một chuỗi chiến thắng mà vua Pháp có thể tiến vào Rheims để đăng quang với sự hiện diện của cô ở bên cạnh.
Vào tháng Năm 1430, khi cố gắng giải vây Compiegne, cô bị người Burgundi bắt và bán cho Anh, trong khi đó vua Charles và nước Pháp đã bỏ mặc cô trong tay quân địch. Sau nhiều tháng tù đầy, cô bị đưa ra tòa ở Rouen dưới quyền xét xử của Peter Cauchon, Ðức Giám Mục ở Beauvais, mà ông hy vọng rằng người Anh sẽ giúp ông lên chức tổng giám mục ở Rouen. Cô bị gạn hỏi về "các tiếng nói", về đức tin và tại sao cô lại mặc y phục đàn ông.
Không ai có thể chối bỏ sứ mạng và sự hy sinh của cô nên tòa tìm cách bôi nhọ tên tuổi của cô với các lời cáo buộc về tội lạc giáo và việc sử dụng ma thuật. Tuy nhiên, các câu trả lời thông minh và chân thật của cô chứng tỏ một đức tin vững mạnh và một tâm hồn thanh khiết đã khiến mọi người sửng sốt.
Sau cùng, khi cô không chịu rút lại lời khẳng định rằng chính các thánh của Thiên Chúa đã ra lệnh cho cô phải thi hành những gì trong quá khứ, cô đã bị kết án tử hình về tội lạc giáo, tội sử dụng ma thuật và bị thiêu sống ngày 30 tháng Năm 1431, và hài cốt của cô bị quăng xuống sông Seine. Lúc ấy, cô mới mười chín tuổi.
Vào năm 1456, người mẹ và hai em của cô kháng án xin mở lại hồ sơ, mà Ðức Giáo Hoàng Callistus III đã chấp thuận. Sau cuộc điều tra của giáo hội, cô được tuyên bố là vô tội đối với các lời cáo buộc trước đây. Cô được Ðức Giáo Hoàng Bênêđíc XV phong thánh năm 1920, và được tuyên xưng là quan thầy của nước Pháp năm 1922.
Lời Bàn
Cuộc đời Thánh Jeanne d'Arc tiêu biểu cho sự tương phản giữa tinh tuyền và thối nát quyền lực. Không giống như các thánh cổ điển, thánh nữ không dùng sự đạo đức để phục vụ giáo hội, nhưng để giải thoát quốc gia. Thánh nữ tượng trưng cho sự đạo đức chính trị, và sự can đảm của ngài khi đáp ứng "các tiếng mời gọi" là một gương mẫu thúc giục chúng ta lắng nghe tiếng gọi của lương tâm để hy sinh tranh đấu cho các nguyện vọng chính đáng.
Lời Trích
Trong một phiên toà, Thánh Jeanne d'Arc tuyên bố, "Về Ðức Kitô và Giáo Hội, tôi chỉ biết đó là một, và chúng ta đừng làm vấn đề thêm phức tạp."
31 Tháng Năm : Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô VII (1020-1085)
Thế kỷ thứ 10 và tiền bán thế kỷ 11 là những ngày u tối cho Giáo Hội, một phần là vì giáo triều chỉ là con cờ của một vài gia tộc ở Rôma. Vào năm 1049, mọi sự bắt đầu thay đổi khi Ðức Giáo Hoàng Lêô IX, một nhà cải cách, được bầu làm giáo hoàng. Ngài đem theo một đan sĩ trẻ tuổi tên là Hilderbrand đến Rôma làm cố vấn và đại diện đặc biệt cho ngài trong các sứ vụ quan trọng. Sau này, đan sĩ ấy trở thành Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô VII.
Thời ấy, ba tai họa quấy rối Giáo Hội là nạn buôn thần bán thánh (mua bán các chức vụ cũng như đồ vật thiêng liêng), nạn giáo sĩ kết hôn bất hợp pháp và nạn giáo dân tấn phong giáo sĩ (vua và các nhà quý tộc kiểm soát việc bài sai các viên chức Giáo Hội). Ðức Hildebrand đã trực tiếp chống đối các tệ đoan này qua lời khuyên nhủ đức giáo hoàng tiền nhiệm, cũng như trong thời ngài làm giáo hoàng (1073-1085).
Các tông thư của Ðức Grêgôriô nhấn mạnh đến vai trò của vị Giám Mục Rôma là Ðại Diện Ðức Kitô, và là điểm hợp nhất hữu hình của Giáo Hội. Ngài nổi tiếng về cuộc tranh luận lâu dài với Thánh Ðế Rôma Henry IV về vấn đề ai là người kiểm soát việc tuyển chọn các giám mục và tu viện trưởng.
Ðức Grêgôriô hăng hái chống trả mọi tấn công vào sự tự do của Giáo Hội. Vì lý do đó ngài phải đau khổ và sau cùng bị chết trong khi lưu đầy. Ngài nói, "Tôi yêu quý công bằng và ghét bỏ sự bất công; do đó tôi chết trong cảnh lưu đầy." Ba mươi năm sau, Giáo Hội mới thắng được cuộc chiến đấu chống với nạn giáo dân tấn phong giáo sĩ.
Lời Bàn
Cuộc Canh Tân Grêgôriô, một sự kiện quan trọng trong lịch sử Giáo Hội, được mang tên của một người đã cố gắng giải thoát giáo triều và toàn thể Giáo Hội khỏi sự kiểm soát của nhà cầm quyền thế tục. Chống với loại chủ nghĩa dân tộc không lành mạnh ở một số vùng, Ðức Grêgôriô đã tái khẳng định sự hiệp nhất của toàn thể Giáo Hội dựa trên Ðức Kitô và được diễn đạt qua Ðức Giám Mục Rôma, đấng kế vị Thánh Phêrô.
Lời Trích
Ðức Grêgôriô như đã nói với thời đại chúng ta mà trong đó nhà cầm quyền dân sự hay tôn giáo trong nước đang có những đòi hỏi ngấm ngầm: "Trong bất cứ quốc gia nào, ngay cả người phụ nữ nghèo hèn nhất cũng được kết hôn một cách hợp pháp theo luật lệ quốc gia và theo sự lựa chọn của họ; nhưng, qua những khát vọng và thói tục xấu xa của người độc ác, Giáo Hội Thánh Thiện, là nàng dâu của Thiên Chúa và là mẹ của tất cả chúng ta, không được phép bám víu lấy người hôn phu ở trái đất này theo như luật lệ của Thiên Chúa và ý muốn của Giáo Hội" (Lời Kêu Gọi Tín Hữu).
Đây là một ngày lễ được thiết lập trễ, trong khoảng thế kỷ 13 hay 14. Ngày lễ này được thiết lập trong toàn Giáo Hội để cầu nguyện cho sự hiệp nhất. Chỉ mới đây, ngày cử hành lễ được ấn định theo sau Lễ Truyền Tin vào tháng Ba và trước lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả vào tháng Sáu.
Cũng như mọi lễ khác về Ðức Maria, lễ này có liên hệ chặt chẽ với Ðức Giêsu và công trình cứu chuộc của Người. Các nhân vật chính trong cuộc thăm viếng (xem Luca 1:39-45) là Ðức Maria và bà Êlidabét. Tuy nhiên, tiềm ẩn ở đằng sau là Ðức Giêsu và Gioan Tẩy Giả. Ðức Giêsu đã làm Gioan Tẩy Giả nhẩy lên vì vui mừng -- niềm vui cứu độ của Ðấng Thiên Sai. Ngược lại, bà Êlidabét được tràn đầy Chúa Thánh Thần và cất lời ca tụng Ðức Maria -- mà những lời này còn vang vọng qua các thế hệ.
Cần biết rằng chúng ta không có tài liệu tường thuật chi tiết về cuộc gặp gỡ này. Ðúng hơn, Thánh Luca, lên tiếng thay cho Giáo Hội, đã dùng một bài thơ có tính cách cầu nguyện để diễn tả lại biến cố này. Lời bà Êlidabét ca tụng Ðức Maria là "mẹ của Chúa tôi" có thể coi như sự sùng kính của Giáo Hội thời tiên khởi đối với Ðức Maria. Như tất cả sự sùng kính Ðức Maria đích thực, những lời đầu tiên của bà Êlidabét (cũng như của Giáo Hội) là ca tụng Thiên Chúa vì những gì Người đã thể hiện nơi Ðức Maria. Kế đến, bà mới ca tụng Ðức Maria vì đã tín thác vào công trình của Thiên Chúa. Sau đó là kinh Ngợi Khen. Ở đây, chính Ðức Maria (cũng như Giáo Hội) đã nhận biết sự cao trọng của mình là do Thiên Chúa.
Lời Bàn
Trong Kinh Cầu Ðức Bà, có lời xưng tụng Ðức Maria là "Hòm Bia Giao Ước." Như Hòm Bia Giao Ước thời xa xưa, Ðức Maria đã giúp Thiên Chúa hiện diện trong đời sống của mọi người. Như Ðavít nhẩy múa trước Hòm Bia thì Gioan Tẩy Giả cũng nhẩy lên vì vui mừng. Như Hòm Bia giúp kết hợp 12 dòng họ Israel vì được đặt trong thủ phủ của Ðavít thì Ðức Maria cũng có sức mạnh kết hợp mọi Kitô Hữu trong Con của ngài. Hiện nay, việc sùng kính Ðức Maria đã có những chia cách, nhưng hy vọng rằng việc sùng kính đích thực sẽ dẫn đưa mọi người đến Ðức Kitô và từ đó đến với nhau.
Lời Trích
"Ðược thúc giục bởi lòng bác ái nên Ðức Maria đã đến nhà người bà con... Trong khi mọi lời của bà Êlidabét đều đầy ý nghĩa, lời sau cùng của bà dường như quan trọng hơn cả: 'Phúc cho ai tin rằng lời Chúa nói với họ sẽ được thể hiện' (Luca 1:45). Những lời này có thể liên hệ đến danh xưng 'đầy ơn phúc' mà thiên sứ đã chúc tụng. Cả hai đoạn này tiết lộ một nội dung căn bản về Thánh Mẫu Học, có thể nói là chân lý về Ðức Maria, là người đã trở nên thực sự hiện diện trong mầu nhiệm của Ðức Kitô chỉ vì ngài 'đã tin.' Ơn sủng đầy tràn mà thiên sứ loan báo có nghĩa là chính Thiên Chúa. Ðức tin của Ðức Maria, được bà Êlidabét xưng tụng trong cuộc thăm viếng, cho thấy Ðức Trinh Nữ Nagiarét đã đáp ứng thế nào với ơn sủng này" (Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, "Mẹ Ðấng Cứu Chuộc," 12).
Nguồn: http://www.nguoitinhuu.org/
31 Tháng 5 : ĐỨC MẸ THĂM VIẾNG BÀ ÊLISABÉT
Hôm nay chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội mừng kính lễ Đức Maria đi thăm Bà chị họ của mình là bà Êlisabét.
Hôm nay, cũng là ngày kết thúc tháng hoa Đức Mẹ cho nên dành một ít phút để nói về Đức Mẹ trong giờ phút đặc biệt này tôi tưởng cũng là một hết sức hợp tình hợp lý.
Bài Tin Mừng xét về phương diện trần thế có lẽ chẳng có gì phải nói. Đây là một câu truyện của đời thường. Việc thăm hỏi giúp đỡ lẫn nhau đâu có gì là độc đáo, đặc biệt. Thế nhưng nếu chúng ta đọc câu truyện với một lòng yêu mến Đức Mẹ thật sự thì chúng ta sẽ thấy câu truyện đem lại cho chúng ta những bài học rất quí giá.
Trong giờ phút này tôi chỉ muốn nói đến ba bài học này.
1. TRƯỚC HẾT LÀ BÀI HỌC VỀ NIỀM TIN.
Tin là gì? Đức Thánh Cha Gioan Phaolô I trong lá thư gửi cho ông Trilussa Ngài có viết một đoạn như thế này:
Ông Trilussa thân mến!
Tôi đã đọc lại bài thơ trong đó ông buồn rầu tự thuật và kể lại câu truyện ông bị lạc đường ban đêm giữa một khu rừng và ông gặp một bà lão đui mù nói với ông:
- Nếu ông không biết đường, tôi sẽ đưa ông đi vì tôi thuộc đường.
Và ông ngạc nhiên đáp:
-Tôi lấy làm lạ. Bà không thấy gì cả mà lại có thể đưa đường cho tôi sao?
Bà lão bé nhỏ ngắt lời, nắm lấy tay ông và ra lệnh:
- Tiến bước.
Và sau đó thì Ngài kết luận: Đó là đức tin.
Trong câu truyện hôm nay chúng ta thấy Mẹ Maria đã phải đối diện với một huyền nhiệm hoàn toàn vượt trên tầm hiểu biết của con người, huyền nhiệm Thiên Chúa là Chúa tể càn khôn lại hóa thân làm trẻ thơ bé bỏng, để được sinh ra làm một con người, một con người mà Mẹ thấy trước rằng tương lai chẳng có gì sáng sủa bởi vì Ngài là con của một bà Mẹ nghèo, quá nghèo.
Hơn nữa làm sao mà một thiếu nữ thôn dã nghèo như Mẹ lại được chọn làm Mẹ Thiên-Chúa-làm-người. Đối diện với huyền nhiệm đó, làm sao Mẹ có thể hiểu nổi. Quả là một huyền nhiệm, huyền nhiệm tuyển chọn. Huyền nhiệm này sẽ mãi mãi bao trùm cuộc đời của mẹ.
Như vậy từ lời “xin vâng” trong ngày truyền tin, Mẹ bắt đầu một cuộc sống trong một niềm tin, tin trong mọi hoàn cảnh, trước mọi biến cố, kể cả những giây phút bi thảm nhất.
Phải có một niềm tin thật kiên vững mới có thể không bị giao động, lung lay và bất an trong một cuộc sống như thế.
Chúng ta hay xin Chúa ban cho chúng ta một niềm tin như mẹ để chúng ta cũng có thể sống cuộc sống của chúng ta, một cuộc sống có rất nhiều cám dỗ, thách đố....để chúng ta luôn giữ vững được lòng trung thành quí giá của mình.
2. BÀI HỌC KHIÊM TỐN
Khiêm tốn là biết nhìn nhận và chấp nhận những giới hạn trong thân phận thụ tạo của mình.
Trong kho truyện cổ của nước Nga người ta đọc được một câu truyện này:
Một hôm kia có một học giả đang đi dạo dọc theo bờ hồ thì bỗng nghe thấy có tiếng cầu kinh của một ẩn sĩ vang lại từ một hòn đảo ở giữa hồ. Ông lắng nghe rồi lại tiếp tục cuộc đi dạo. Nhưng rồi một lúc sau thì ông không thể nhịn được nữa. Ông cảm thấy vô cùng khó chịu vì lời kinh của vị ẩn sĩ hoàn toàn sai lạc từ nội dung cho đến hình thức phát âm.
Ông học giả liền thuê một chiếc thuyền và chèo ra hòn đảo, cốt để cho vị ẩn sĩ thấy được những sai lầm của ông trong lúc cầu kinh.
Khi giáp mặt, ông học giả nói với vị ẩn sĩ:
- Này ông bạn, tôi nghĩ là ông bạn không chấp nhất khi tôi làm việc này với ông bạn chứ!
Nói xong ông đọc một hơi lời cầu kinh không sai một chữ và không ngắt bậy một chỗ nào và dĩ nhiên là đọc với một âm sắc rất điêu luyện và rất chuẩn mực đúng với phong cách của một học giả.
Trước khi trở lại thuyền, nhà học giả còn giải thích thêm: “Tôi chèo thuyền đến đây chỉ cốt để dạy ông bạn biết cầu kinh cho đúng cách mà thôi”.
Vị ẩn sĩ cám ơn ông học giả, nhưng khi ông học giả vừa chèo thuyền ra đến hồ thì ông bỗng nghe thấy có tiếng động trên mặt nước ở phía sau. Ngoài nhìn lại thì ông thấy vỉ ẩn sĩ đang đi trên mặt nước mà tiến về phía ông. Vẫn đứng trên mặt nước, vị ẩn sĩ nói với ông học giả:
- Xin ngài vui lòng chỉ dạy cho tôi một lần nữa, vì vừa mới nghe xong, tôi đã quên mất cả rồi.
Vị ẩn sĩ đã không ngần ngại xin một người trần tục dạy lại mình bài kinh mà mình chưa nhớ nổi. Chỉ có những ai có lòng khiêm nhường mới có thể có được thái độ như thế.
Chúng ta nhớ Satan trước kia là một thiên thần nhưng kiêu ngạo nên biến thành quỉ sứ.
Ông bà nguyên tổ của con người cũng như vậy. Vì kiêu ngạo nên cả loài người bị vạ lây. Loài người đã đã bị sa lầy bởi một người đàn bà kiêu ngạo. Chỉ là một con người, một thụ tạo nhưng lại tưởng muốn mình quyền năng ngang bằng với Thiên Chúa.
Mẹ Maria thì hoàn toàn ngược lại. Tuy được tuyển chọn làm Mẹ của Thiên-Chúa-làm-người, một chức vị vô cùng cao cả nhưng Mẹ chỉ xưng mình là “nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38) Còn gì khiêm nhường hơn.
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa.
Thần trí tôi hớn hở vui mừng,
Vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
Từ nay, hết mọi đời
Sẽ khen tôi diễm phúc”
(Lc 1,46-48)
Xin Mẹ cho chúng con cũng biết sống khiêm nhường như Mẹ.
3. MẸ CŨNG DẠY CHÚNG TA BÀI HỌC PHỤC VỤ TRONG YÊU THƯƠNG
Vua Henry thứ 4 của nước Pháp âm thầm đi dạo trong viện bảo tàng Louvre. Nhà vua bắt chuyện với một thanh niên, trông bộ điệu của anh ta giống như một người giúp việc cho một vương công quyền thế nào đó. Nhà vua hỏi:
- Anh đang giúp việc cho ai thế?
Không biết người hỏi mình là vua, nên người thanh niên đã ngẩng mặt kiêu hãnh đáp:
- Tôi sinh ra không thể phục vụ cho bất cứ người nào, nhưng cho chính bản thân tôi.
Nhà vua tiếp lời:
- Nếu vậy, chắc chắn anh đang phục vụ một người ngu xuẩn.
Bất bình, người thanh niên toan kiếm chuyện gây sự, nhưng anh đã nhận ra người đối diện mình chính là vua Henry. Kinh ngạc, sửng sờ khiến anh đứng trơ như bức tượng. Không để người thanh niên phản ứng, nhà vua vỗ vai anh vừa quay gót vừa nói:
- Nếu anh đảo ngược câu nói đó lại sẽ tốt hơn: “Tôi sinh ra không để phục vụ cho chính bản thân tôi, nhưng để cho bất cứ người nào”.
Trong cuộc thăm viếng bà Êlisabét hôm nay, Mẹ cũng đã cho chúng ta thấy tấm lòng bác ái bao dung của Mẹ. Mẹ đã sống bác ái yêu thương không phải ở đầu môi chóp lưỡi, nhưng bằng những việc làm hết sức cụ thể. Mẹ yêu thương không phải bằng những khẩu hiệu nhưng bằng chính việc phục vụ lao nhọc đổ mồ hôi của mình. Mẹ yêu thương bằng tất cả trái tim. Mẹ yêu thương bằng tất cả con người, không quản ngại hy sinh, không nề hà vất vả, không tiếc xót bản thân, không sợ hao phí thời giờ. Một lòng quảng đại bao dung như thế làm sao mà không làm cho bà Êlisabét phải cảm động.
Mừng lễ Mẹ thăm viếng hôm nay chúng ta cùng nguyện xin Chúa cho mỗi người chúng ta được bắt chước Mẹ sống một cuộc sống như Mẹ để mai mốt sau chúng ta được cùng với Mẹ hưởng vinh quang trên cõi vĩnh hằng.
Tháng 6
1 Tháng Sáu : Thánh Justin Tử Ðạo (c. 165)
2 Tháng Sáu : Thánh Marcellinus và Phêrô (c. 304)
3 Tháng Sáu : Thánh Charles Lwanga và Các Bạn (c. 1886)
4 Tháng Sáu : Thánh Phanxicô ở Caracciolo (1563-1608)
5 Tháng Sáu : Thánh Boniface (672-754)
6 Tháng Sáu : Thánh Norbert (1080-1134)
7 tháng 6 : Tôi Tớ Thiên Chúa Giuse Perez (1890-1928)
8 tháng 6 : Chân Phước Isabelle của Pháp (c. 1270)
9 Tháng Sáu : Thánh Ephrem (306-373)
10 Tháng Sáu : Chân Phước Joachima (1783-1854)
11 Tháng Sáu : Thánh Barnabas (thế kỷ thứ nhất)
12 Tháng Sáu : Thánh Giáo Hoàng Lêô III
13 Tháng Sáu : Thánh Antôn ở Padua (1195-1231)
14 Tháng Sáu : Thánh Albert Chmielowski (1845-1916)
15 Tháng Sáu : Thánh Germaine Cousin (1579-1601)
16 Tháng Sáu : Thánh Gioan Phanxicô Regis (1597-1640)
17 Tháng Sáu : Thánh Gioan Fisher (1469-1535)
18 Tháng Sáu : Ðấng Ðáng Kính Matt Talbot (1856-1925)
19 Tháng Sáu : Thánh Rômuanđô (950?-1027)
20 Tháng Sáu : Thánh Tôma More (1478-1535)
21 Tháng Sáu : Thánh Aloysius Gonzaga (1568-1591)
22 Tháng Sáu : Thánh Paulinus ở Nola (354?-431)
23 Tháng Sáu : Thánh Giuse Cafasso (1811-1860)
24 Tháng Sáu : Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả
25 Tháng Sáu : Chân Phước Jutta ở Thuringia (c. 1264?)
26 tháng 6 : Chân Phước Raymond Lull (1235-1315)
27 Tháng Sáu : Thánh Cyril ở Alexandria (376?-444)
28 Tháng Sáu : Thánh Irenaeus (130?-220)
29 Tháng Sáu : Thánh Phêrô và Phaolô (c. 64?)
30 tháng 6 : Các Vị Tử Ðạo Tiên Khởi ở Rôma (c. 68 A.D.)
========================
1 Tháng Sáu : Thánh Justin Tử Ðạo (c. 165)
Thánh Justin là một giáo dân và triết gia Kitô Giáo đầu tiên đã có những sáng tác vĩ đại bảo vệ đức tin Kitô Giáo. Nhờ các văn bản ấy, chúng ta biết về cuộc đời ngài.
Thánh Justin sinh ở Flavia Neapolis, Samaria khoảng năm 100, cha mẹ ngài là người ngoại giáo, gốc Hy Lạp. Ngài được giáo dục kỹ lưỡng và đặc biệt yêu thích khoa hùng biện, thi ca và sử học. Khi còn trai trẻ, ngài bị thu hút bởi triết thuyết Plato. Tuy nhiên, ngài nhận thấy chỉ có Kitô Giáo mới trả lời được những thắc mắc lớn lao về đời sống và sự hiện hữu.
Qua những tài liệu Kitô Giáo cũng như việc quan sát các gương anh hùng tử đạo, Thánh Justin đã trở lại Kitô Giáo khi ngài 30 tuổi. Ngài tiếp tục mặc áo choàng của các triết gia thời bấy giờ, và trở nên triết gia Kitô Giáo đầu tiên. Ngài tổng hợp Kitô Giáo với các yếu tính đặc sắc nhất trong triết lý Hy lạp. Theo quan điểm của ngài, triết lý là một nhà mô phạm của Ðức Kitô, một nhà giáo dục dẫn đưa người ta đến với Ðức Kitô.
Thánh Justin nổi tiếng là một người biện giáo thời bấy giờ. Ngài đi đây đó và tranh luận với các người ngoại giáo, lạc giáo và Do Thái Giáo. Khi người Kitô tiếp tục bị bách hại bởi nhà cầm quyền, ngài đã công khai bảo vệ Kitô Giáo qua lời giảng dạy cũng như văn bản. Trong các sáng tác của ngài, hiện nay chúng ta vẫn còn giữ được hai bản văn gửi cho hoàng đế Rôma và cho Thượng Viện.
Sau cùng ngài bị bắt và bị đưa ra trước quan tổng trấn Rôma là Rusticus. Khi được yêu cầu thờ cúng tà thần, Thánh Justin trả lời, "Người có suy nghĩ đúng đắn không vì sự giả trá mà chối bỏ sự thật."
Thánh Justin bị chém đầu ở Rôma năm 165.
Lời Bàn
Là quan thầy các triết gia, Thánh Justin khích động chúng ta hãy dùng các sức mạnh tự nhiên (nhất là sức mạnh của sự hiểu biết) để phục vụ Ðức Kitô, và để hình thành đời sống Kitô Giáo trong nội tâm chúng ta. Vì con người dễ bị sai lầm, nhất là đối với các vấn đề sâu xa của đời sống và sự hiện hữu, chúng ta cũng phải sẵn sàng sửa đổi và kiểm soát lại tư duy chúng ta trong sự soi dẫn của chân lý Kitô Giáo. Do đó, chúng ta mới có thể nói như các thánh nhân uyên bác của Giáo Hội: Tôi tin để có thể hiểu, và tôi hiểu để có thể tin.
Lời Trích
"Triết lý là sự am tường những gì hiện hữu, và là sự hiểu biết rõ ràng về chân lý; và hạnh phúc là phần thưởng của sự am tường và sự hiểu biết đó" (Thánh Justin, Ðối Thoại Với Trypho, 3)
sinh năm 1852 tại Hoàng Xá, Bắc Ninh, Giáo dân, xử trảm ngày 01-6-1862 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 29-4-1951 do Ðức Piô XII, kính ngày 01-6.
2 Tháng Sáu : Thánh Marcellinus và Phêrô (c. 304)
Mặc dù chúng không biết gì nhiều về hai vị tử đạo dưới thời Diocletian này, nhưng chắc chắn rằng giáo hội thời tiên khởi đã sùng kính hai vị. Chứng cớ của sự tôn kính ấy là đền thờ mà hoàng đế Constantine đã cho xây trên mộ của các ngài, và tên của các ngài được nhắc đến trong Lời Nguyện Thánh Thể I.
Thánh Giáo Hoàng Damasus nói rằng ngài nghe biết câu chuyện về hai vị tử đạo từ người đao phủ mà sau đó người này đã trở lại Kitô Giáo.
Marcellinus là một linh mục, còn Phêrô là người trừ tà, cả hai từ trần năm 304. Theo truyền thuyết về sự tử đạo của các ngài, cả hai là người Rôma và coi sự tù đầy như một cơ hội để rao giảng và hoán cải những lính canh tù và gia đình của họ. Truyền thuyết cũng nói rằng cả hai bị chặt đầu ở trong rừng để người Kitô không có cơ hội chôn cất và tôn kính thi thể của các ngài. Tuy nhiên, hai phụ nữ đã tìm thấy các thi thể ấy và họ đã chôn cất tử tế.
Lời Bàn
Tại sao các vị này được nhắc đến trong lời nguyện Thánh Thể và có ngày lễ tôn kính riêng, dù rằng hầu như chúng ta không biết gì về họ? Có lẽ vì Giáo Hội tôn trọng ký ức còn ghi nhận được trong lịch sử. Và đã một lần, các ngài là động lực khuyến khích toàn thể Giáo Hội. Họ đã thể hiện một bước đức tin tột bực.
Lời Trích
Giáo Hội luôn tin rằng các tông đồ, và các vị tử đạo của Ðức Kitô là những người đã đem lại bằng chứng đức tin và đức ái cao cả qua việc đổ máu của họ, thực sự kết hợp chặt chẽ với chúng ta trong Ðức Kitô" (Hiến Chương về Giáo Hội, 50).
sinh năm 1835 tại Trung Linh, Nam Ðịnh, Giáo dân, xử trảm ngày 02-6-1862 tại An Triêm dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 29-4-1951 do Ðức Piô XII, kính ngày 02-6.
3 Tháng Sáu : Thánh Charles Lwanga và Các Bạn (c. 1886)
Tổ Chức Truyền Giáo Phi Châu đến Uganda chỉ có 6 năm, tuy nhiên đức tin của cộng đồng Kitô Hữu ở đây thật đáng ca ngợi mà sự hăng say sống Tin Mừng của họ vượt cả các linh mục truyền giáo (Các Cha Da Trắng). Nhiều người tân tòng đã can đảm sống đức tin trong bộ lạc của tù trưởng Mwanga.
Tù trưởng Mwanga là nhà cai trị tàn ác và thích dâm dục với trẻ em và người cùng phái. Các Kitô Hữu làm việc trong triều cố gắng bảo vệ những người tiểu hầu này. Người quản lý các tiểu hầu là một thanh niên Công Giáo hai mươi lăm tuổi, Joseph Mkasa và anh cũng là người lãnh đạo cộng đồng Kitô Hữu.
Khi tù trưởng Mwanga giết các nhà truyền giáo Tin Lành, anh Joseph Mkasa đã chất vấn và lên án hành động của ông. Mwanga rất quý Joseph, nhưng vì anh dám đòi hỏi ông phải thay đổi lối sống, Mwanga đã quên đi tình bằng hữu ấy và đã tuyên án tử hình sau khi đâm anh bằng giáo. Trước khi bị chặt đầu và hoả thiêu, anh Joseph đã tha thứ cho nhà vua.
Anh Charles Lwanga thay thế vai trò lãnh đạo cộng đồng Kitô Giáo trong triều đình -- với trách nhiệm gìn giữ các tiểu hầu khỏi bàn tay dâm loạn của tù trưởng. Một ngày trong tháng Năm 1886, sau khi tù trưởng Mwanga biết tiểu hầu Mwafu đang được học giáo lý Công Giáo, ông nổi điên và đã dùng giáo đâm chết Denis Sebuggwago, là thầy dạy các tiểu hầu.
Ðêm hôm đó, anh Charles Lwanga rửa tội thêm năm tiểu hầu nữa. Sáng hôm sau, việc rửa tội được khám phá, Mwanga điên tiết, tụ họp tất cả các tiểu hầu và ra lệnh những ai là Kitô Hữu phải đứng tách sang một bên. Mười lăm người, tất cả đều dưới 25 tuổi, đồng loạt đứng sang một bên và sau đó có thêm hai người nữa trước đây đã bị bắt và có cả hai người lính. Khi được hỏi có muốn giữ đạo hay không, tất cả đều trả lời, "Giữ đạo cho đến chết." Tù trưởng Mwanga ra lệnh tử hình mọi Kitô Hữu sống trong triều.
Tất cả ba mươi hai người Công Giáo và Tin Lành được điệu đến một nơi cách đó 37 dặm để bị thiêu sống. Ba người bị giết trên đường đi. Những người còn lại bị giam giữ trong bảy ngày để chuẩn bị giàn hoả thiêu. Vào ngày lễ Thăng Thiên, tất cả các vị tử đạo nằm trên chiếu bằng sậy, được bó lại và cột chặt. Sau khi đổ dầu, tất cả đều bị thiêu sống.
Việc bắt đạo bắt đầu lan tràn. Dưới sự cai trị của tù trưởng Mwanga, khoảng 100 Kitô Hữu đã đổ máu đào làm chứng cho đức tin.
Sau khi Mwanga từ trần, các linh mục thừa sai trở lại đây, họ thấy số Kitô Hữu đã lên đến 500 người và một ngàn dự tòng đang đợi để được rửa tội.
Hai mươi hai vị tử đạo Công Giáo đã được Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI phong thánh ngày 18 tháng Mười 1964.
Lời Bàn
Cũng như Thánh Charles Lwanga, tất cả chúng ta là người rao giảng và chứng nhân cho đời sống Kitô Giáo. Chúng ta được mời gọi loan truyền lời Chúa, qua lời nói và hành động. Khi can đảm sống đức tin trong thời đại nhiều thử thách về luân lý, chúng ta đã sống như Ðức Kitô.
Lời Trích
Trong chuyến tông du Phi Châu năm 1969, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI nói với người Uganda, "trở nên một Kitô Hữu là điều tốt lành, nhưng không luôn luôn dễ dàng."
sinh năm 1792, Vực Ðường, Hưng Yên, Trùm họ, xử trảm ngày 03-6-1862 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 29-4-1951 do Ðức Piô XII, kính ngày 03-6.
4 Tháng Sáu : Thánh Phanxicô ở Caracciolo (1563-1608)
Thánh Phanxicô sinh ở Abruzzi, nước Ý, cha ngài có bà con với các hoàng tử xứ Caracciolo, và mẹ ngài có bà con với Thánh Tôma Aquina. Năm 22 tuổi, ngài bị bệnh ngoài da giống như phong cùi. Ngài thề rằng nếu được khỏi bệnh, ngài sẽ dâng mình cho Chúa. Và quả thật, ngài đã được lành lặn mau chóng. Giữ lời hứa, ngài lên Naples đi tu, và sau khi thụ phong linh mục, ngài gia nhập hội Bianchi della Giustizia, tận tụy chăm sóc tù nhân.
Vào năm 1588, Cha Gioan Augúttinô Adorno, người xứ Genoese, thành lập một tổ chức linh mục vừa tích cực hoạt động trong giáo xứ vừa sống đời chiêm niệm. Cha Adorno gửi thư mời Cha Ascanio Caracciolo gia nhập, nhưng lá thư lại đưa nhầm cho Cha Phanxicô. Cho đó là thánh ý của Thiên Chúa, Cha Phanxicô chấp nhận lời mời ấy và cùng với Cha Adorno tĩnh tâm trong 40 ngày để soạn thảo quy luật cho tổ chức. Vào ngày 1 tháng Sáu, 1588, tổ chức này được Ðức Giáo Hoàng Sixtus V tán thành, và lấy tên là Tiểu Giáo Sĩ Dòng.
Ngoài công việc truyền giáo và chăm sóc bệnh nhân cũng như tù nhân, nhà dòng còn cung cấp nơi ẩn dật cho những ai muốn sống cô độc. Một trong những nhiệm vụ của tu sĩ dòng là thay phiên nhau chầu Thánh Thể.
Sau khi Cha Adorno từ trần, Cha Phanxicô được bầu làm bề trên trái với ý muốn của ngài. Tuy là bề trên, ngài vẫn quét dọn phòng, giặt giũ như bao người khác. Nhiều lần ngài từ chối làm giám mục vì lời khấn thứ tư của dòng là: không bao giờ theo đuổi chức vụ hoặc danh giá bên trong hay bên ngoài nhà dòng.
Sau bảy năm làm bề trên, ngài được đức giáo hoàng cho phép từ chức và làm tu viện trưởng tu viện Santa Maria Maggiore và giám đốc đệ tử viện. Năm 1607, ngài từ bỏ mọi chức vụ chỉ để chiêm niệm chuẩn bị cho cái chết.
Năm 1608, khi Thánh Philíp Nêri tặng cho nhà dòng một căn nhà ở Agnone, Cha Phanxicô phải đến đó trông coi việc thành lập. Sau khi đến đó không lâu, ngài bị sốt và bệnh tình ngày càng nặng. Trong cơn mê sảng, ngài dặn dò anh em tu sĩ trung thành với quy luật và sau đó đã trút hơi thở cuối cùng ngày 4 tháng Sáu, khi mới 45 tuổi.
Ngài được phong thánh năm 1807.
5 Tháng Sáu : Thánh Boniface (672-754)
Thánh Boniface, vị tông đồ của người Ðức, là một đan sĩ người Anh thuộc Dòng Biển Ðức, đã hy sinh vinh dự khi được chọn làm đan viện trưởng để tận hiến cuộc đời trong việc hoán cải các sắc tộc ở Ðức. Ngài có hai đặc tính nổi bật: Kitô Giáo chính truyền và trung thành với đức giáo hoàng ở Rôma.
Thánh Boniface, tên thật là Wilfrith, sinh ở Anh Quốc. Ngay khi còn nhỏ, hình ảnh cao quý của các đan sĩ truyền giáo đã in sâu trong tâm khảm của ngài, do đó, khi bảy tuổi ngài đã nài nỉ xin theo học trường dòng, dù rằng cha ngài mong muốn cho con một sự nghiệp ở ngoài đời.
Lớn lên, ngài làm giám đốc một trường học ở Nursling, Winchester, tại đây ngài là người đầu tiên viết về văn phạm Latinh bằng tiếng Anh, cũng như sáng tác nhiều bài diễn giảng được nhiều người sao chép và phổ biến.
Năm ba mươi tuổi, ngài được thụ phong linh mục và đi rao giảng ở Friesland (thuộc Hòa Lan bây giờ), nhưng không bao lâu ngài phải trở về Nursling vì cuộc chiến giữa vua ngoại giáo của Friesland và Charles Martel của Pháp.
Sau cái chết của đan viện trưởng, các đan sĩ ở Nursling tìm cách giữ chân ngài bằng cách bầu ngài làm đan viện trưởng, nhưng ngài đã từ chối để tận hiến cho công cuộc truyền giáo.
Năm 718, ngài đến Rôma để gặp Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô II, là người sai ngài đi truyền giáo cho người Ðức ở Hesse và Bavaria.
Ở Hesse, trước sự hiện diện của đám đông người ngoại giáo rất tin dị đoan, ngài đã chặt cây Sồi Thần Linh ở Geismar to lớn và già nua, được dân ngoại dâng cúng cho thần Thor. Người ta kể chỉ sau vài nhát rìu, cây sồi đã lung lay và sụp đổ, tách ra làm bốn cho thấy sự mục nát bên trong. Ðó là khởi đầu của một công cuộc truyền giáo rất thành công của Thánh Boniface và cũng là hạt giống đức tin cho một giáo hội đầy sinh lực ở Ðức, mà sau này Thánh Boniface được tấn phong làm giám mục ở đây. Ngài xin các Kitô Hữu ở Anh hỗ trợ công cuộc truyền giáo của ngài và họ đã đáp ứng với tài chánh, sách vở, vật liệu, và nhất là thường xuyên cung cấp các đan sĩ để giúp đỡ ngài trong việc giảng dạy.
Thánh Boniface không chỉ hạn chế hoạt động ở nước Ðức. Ngài còn giúp hình thành sự tương giao giữa Ðức Giáo Hoàng và các vua ở Ý cũng như ở Pháp. Ngài thúc giục các thái tử kế vị vua Charles của Pháp triệu tập công đồng để cải tổ giáo hội trong các phần đất của họ, là nơi chức giám mục được bán cho những người trả giá cao nhất.
Ngài không bao giờ quên sự thất bại ở Friesland, do đó khi về già, ngài từ chức giám mục và trở về hoạt động ở đây với sự thành công đáng kể. Vào một ngày trong tháng Sáu năm 754, khi ngài đang chuẩn bị cho người Friesland chịu phép Thêm Sức thì tất cả bị tấn công và bị giết chết bởi các chiến sĩ ngoại giáo.
Lời Bàn
Thánh Boniface xác nhận một quy tắc của Kitô Giáo: Theo Ðức Kitô là theo con đường thập giá. Ðối với Thánh Boniface, con đường đó không chỉ là sự đau khổ phần xác hay cái chết, mà cả sự đau khổ vì bị sỉ nhục, vô ơn trong việc cải tổ Giáo Hội. Vinh dự của truyền giáo là đem người ngoại giáo trở về với Giáo Hội. Nhưng dường như, việc chấn chỉnh đức tin ngay trong lòng Giáo Hội, là một việc rất cần thiết, thì ít người lại cho đó là một vinh dự.
Lời Trích
Chúng ta phải bền vững trong những gì là chân lý và chuẩn bị linh hồn cho những thử thách... Ðừng là những con chó không dám sủa hay im lặng nhìn xem, và cũng đừng là người tôi tớ trốn chạy trước đàn sói. (Thánh Boniface).
sinh tại Ðông Thành, Thái Bình, Giáo dân, bị thiêu sống ngày 05-6-1862 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 29-4-1951 do Ðức Piô XII, kính ngày 05-6.
sinh tại Ðông Thành, Thái Bình, Giáo dân, bị thiêu sinh ngày 05-6-1862 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 29-4-1951 do Ðức Piô XII, kính ngày 05-6.
6 Tháng Sáu : Thánh Norbert (1080-1134)
Thánh Norbert sinh ở Xanten, Rhineland khoảng năm 1080. Khi là thanh niên, Norbert rất yêu chuộng thế gian và các vui thú của nó. Ðó là thói quen từ một gia đình quyền quý và được nối tiếp trong sinh hoạt của triều đình nước Ðức. Không một cuộc vui nào mà anh không có mặt. Ðể đảm bảo cho việc thăng quan tiến chức trong triều đình, anh không do dự chấp nhận chức kinh sĩ, là một chức thánh, và các lợi lộc tài chánh của chức vụ đó. Tuy nhiên, anh đã do dự khi trở thành một linh mục với tất cả các trách nhiệm của ơn gọi ấy.
Các biến cố xảy ra trong đời là để Thiên Chúa thức tỉnh con người. Một ngày kia, trong cơn bão Norbert đã ngã ngựa và bất tỉnh gần một giờ đồng hồ dưới cơn mưa tầm tã. Khi tỉnh dậy, câu đầu tiên anh tự hỏi là, "Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?" Và tận đáy tâm hồn, anh nghe như có câu trả lời, "Hãy tránh xa sự dữ và làm việc lành. Hãy tìm kiếm bình an và theo đuổi sự bình an ấy."
Anh bắt đầu một cuộc đời cầu nguyện và sám hối. Sau khi chịu chức linh mục năm 1115, Cha Norbert thay đổi hoàn toàn đến độ các bạn bè cũ trong triều đình đều cho là ngài giả hình. Ngài phản ứng bằng cách phân phát hết của cải cho người nghèo và đến xin đức giáo hoàng cho phép ngài đi rao giảng.
Với hai linh mục bạn, Cha Norbert đi khắp Âu Châu để truyền giáo. Và để ăn năn đền tội, ngài đi chân đất giữa mùa đông buốt giá. Không may, hai linh mục bạn đã lâm bệnh và từ trần. Tuy nhiên, ngài bắt đầu được cảm tình của các giáo sĩ trước đây từng khinh miệt ngài. Ðức giám mục của Laon muốn ngài canh tân các kinh sĩ trong giáo phận, nhưng các kinh sĩ lại không muốn thay đổi theo kiểu của Cha Norbert, họ cho là quá khắt khe. Vị giám mục không muốn mất con người thánh thiện này, nên đã tặng cho Cha Norbert một phần đất đai để ngài có thể khởi sự một cộng đoàn. Trong thung lũng cô tịch ở Premontre, ngài đã khởi sự một tu hội với mười ba kinh sĩ. Dù với quy luật khắt khe, càng ngày tu hội càng thu hút được nhiều người, kể cả các kinh sĩ trước đây từng chống đối ngài.
Dù được sự giúp đỡ của các nhân vật thế lực trong triều, Cha Norbert biết không sức mạnh nào có thế lực cho bằng uy quyền của Thiên Chúa, do đó, tu hội Premonstratensian đặc biệt sùng kính Thánh Thể, và các tu sĩ đã thành công trong việc hoán cải các người lạc giáo, hoà giải các kẻ chống đối Giáo Hội và kiên cường đức tin cho các tín hữu.
Trong tu hội, còn có các giáo dân thuộc hàng vương tước của triều đình, và khi tham dự lễ cưới của một bá tước, Cha Norbert được Hoàng Ðế Lothair để ý và chọn ngài làm giám mục của Magdebourg. Với nhiệt huyết canh tân giáo hội, ngài đã cải tổ giáo phận và gặp nhiều sự chống đối cũng như có lần bị ám sát hụt. Chán nản vì giáo dân không muốn cải tổ, ngài bỏ đi nhưng được hoàng đế và đức giáo hoàng gọi lại.
Khi hai vị giáo hoàng kình địch nhau sau cái chết của Ðức Honorius II, Ðức Norbert đã giúp hàn gắn Giáo Hội bằng cách thúc giục hoàng đế hậu thuẫn cho vị giáo hoàng được chọn đầu tiên, là Ðức Innôxentê II. Vào cuối đời, Ðức Norbert được chọn làm tổng giám mục, nhưng ngài đã từ trần sau đó không lâu, khi 53 tuổi.
Lời Bàn
Một thế giới khác biệt không thể hoàn thành bởi những người thờ ơ, lãnh đạm. Ðiều đó cũng đúng với Giáo Hội. Giáo Hội không thể nào thay đổi phù hợp với tinh thần của Công Ðồng Vatican II nếu hàng giáo sĩ và giáo dân không tha thiết với việc xây dựng đức tin. Noi gương Thánh Norbert, chúng ta phải trung thành với Giáo Hội, nhiệt tâm sùng kính Thánh Thể để có sức mạnh giúp chúng ta sống theo đường lối của Ðức Kitô.
Lời Trích
Trong dịp tấn phong linh mục của tu hội, Thánh Norbert giảng, "Ôi linh mục! Bạn không còn cho chính bạn vì bạn là tôi tớ và thừa tác viên của Ðức Kitô. Bạn không còn thuộc chính mình vì bạn là hôn phu của Giáo Hội. Bạn không còn là chính bạn vì bạn là người trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Bạn không có gì là của mình vì bạn là hư không. Vậy linh mục là gì? Là người không có gì cả và cũng là người có tất cả. Ôi linh mục! Hãy cẩn thận, đừng để những gì người ta nói về Ðức Kitô trên thập giá lại là điều nói với bạn: 'Hắn cứu được người khác, nhưng không cứu được chính mình!'"
sinh tại Ðông Hào, Thái Bình, Giáo dân, bị thiêu sinh ngày 06-6-1862 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 29-4-1951 do Ðức Piô XII, kính ngày 06-6.
sinh tại Doãn Trung, Thái Bình, Giáo dân, bị thiêu sinh ngày 06-6-1862 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 29-4-1951 do Ðức Piô XII, kính ngày 06-6.
sinh tại Ðông Phú, Thái Bình, Giáo dân, bị thiêu sinh ngày 06-6-1862 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 29-4-1951 do Ðức Piô XII, kính ngày 06-6.
7 tháng 6 : Tôi Tớ Thiên Chúa Giuse Perez (1890-1928)
Máu các vị tử đạo là hạt giống của Giáo Hội," lời của Tertullian trong thế kỷ thứ ba đã được thể hiện nơi Cha Giuse Perez.
Cha Giuse sinh ở Coroneo, Mễ Tây Cơ, và gia nhập dòng Phanxicô khi 17 tuổi. Vì cuộc nội chiến ở Mễ thời bấy giờ, ngài buộc phải học triết thần ở California.
Sau khi được thụ phong linh mục ở Santa Barbara, ngài trở về Mễ Tây Cơ và phục vụ tại Jerecuaro từ năm 1922 trở đi. Vì sự bách hại dưới thời tổng thống Plutarco Calles (1924-28), Cha Giuse phải ngụy trang dưới nhiều hình thức khi đi thăm người Công Giáo. Vào năm 1927, tài sản của Giáo Hội bị quốc hữu hóa, các trường Công Giáo phải đóng cửa, và các linh mục, nữ tu ngoại quốc bị trục xuất.
Một ngày kia Cha Giuse và vài người bị bắt sau khi cử hành Thánh Lễ một cách lén lút. Cha Giuse đã bị quân lính đâm chết vào ngày 2 tháng Sáu 1928.
Về sau, thi hài Cha Giuse được cung nghinh về Salvatierra để chôn cất giữa tiếng hô vang dậy, "Vạn tuế Vua Kitô!"
Lời Bàn
Giáo Hội Công Giáo ở Mễ Tây Cơ bây giờ thì tự do hơn thời thập niên 1920. Ngày nay, đạo Công Giáo đang phát triển mạnh ở Mễ, một phần cũng nhờ sự ấp ủ của các vị tử đạo như Cha Giuse.
8 tháng 6 : Chân Phước Isabelle của Pháp (c. 1270)
Isabelle sinh trong một gia đình nổi tiếng. Anh của ngài là Thánh Louis; cha ngài, Vua Louis VIII của nước Pháp; mẹ ngài là hoàng hậu thánh thiện Blanche ở Castile.
Chính ngài cũng được ban cho nhiều tài năng đặc biệt, ngay từ nhỏ Isabelle đã có khiếu học hành. Ngài xuất sắc về tiếng Latinh và dễ dàng thấu triệt văn bản của các Giáo Phụ bằng thứ ngôn ngữ khó khăn ấy. Trong khi theo đuổi những sở thích thông thường của phụ nữ như thêu đan, ngài còn đặc biệt lưu tâm đến việc thực hiện các phẩm phục của linh mục. Mặc dù ngài rất tận tụy với gia đình -- nhất là giúp đỡ anh Louis -- bất cứ lúc nào có thời giờ rảnh rỗi ngài đều dành để giúp người nghèo và người đau yếu.
Tuy sống trong cung điện sang trọng, Isabelle lại tự ý theo đuổi đời sống của một nữ tu. Ngài ăn chay ba ngày một tuần và trong những lần ăn chay, ngài lấy các thức ăn ngon miệng để đem cho những bệnh nhân. Mọi người trong triều đình đều coi ngài là một vị thánh, một phụ nữ trong trắng và một tấm gương hy sinh đền tội.
Ao ước tận hiến cho Thiên Chúa của Isabelle được thể hiện qua lời khấn giữ mình đồng trinh bất kể những thúc giục kết hôn của gia đình, cũng như của vị giáo hoàng. Sau cùng, Isabelle đã viết thư cho Ðức Giáo Hoàng Innôxentê IV cho biết ngài đã thề giữ mình đồng trinh, và đã thuyết phục được Ðức Thánh Cha tin rằng ngài được kêu gọi sống một cuộc đời khác biệt.
Sau cái chết của mẹ ngài, Isabelle sáng lập tu viện Phanxicô lấy tên là "Ðức Khiêm Tốn của Trinh Nữ Maria" ở Longchamps, Balê. Ngài sống ở đây trong chín năm trời khổ hạnh, dù rằng chính ngài chưa bao giờ là một nữ tu. Vì chỉ muốn là một tạo vật bé mọn của Thiên Chúa, ngài từ chối chức vụ bề trên tu viện.
Khi ngài từ trần ngày 23-2-1270, người ta nghe có tiếng thiên thần ca hát. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Lêô X phong chân phước năm 1520.
9 Tháng Sáu : Thánh Ephrem (306-373)
Là nhà thơ, nhà giáo, nhà hùng biện và bảo vệ đức tin, Thánh Ephrem là người Syria duy nhất được xưng tụng là Tiến Sĩ Giáo Hội. Ngài tự mặc cho mình một trọng trách là chống với các học thuyết lầm lạc đang lan tràn vào thời ấy, và luôn luôn là người bảo vệ đức tin Công Giáo mạnh mẽ.
Sinh ở Nisibis, Mesopotamia, Thánh Ephrem được rửa tội khi là thanh niên và nổi tiếng là một thầy giáo nơi quê của ngài. Khi hoàng đế nhượng lại phần đất Nisibis cho người Ba Tư, Ephrem cùng với các Kitô Hữu khác trốn sang Edessa (thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) để tị nạn. Ngài được cho là đã đem lại vinh dự lớn lao cho một trường kinh thánh ở đây. Ngài được phong chức phó tế nhưng không muốn làm linh mục.
Ngài có tài sáng tác văn chương và các tác phẩm phản ảnh sự thánh thiện của ngài. Mặc dù không phải là một học giả vĩ đại, các văn bản của ngài cho thấy sự hiểu biết sâu rộng về Kinh Thánh. Khi viết về mầu nhiệm của sự cứu độ loài người, Thánh Ephrem cho thấy một tâm linh nhân bản dễ mến và thiết thực cũng như sự sùng kính lớn lao đối với nhân tính Ðức Giêsu và Mẹ Maria.
Người ta nói rằng vào năm 325, ngài đã tháp tùng đức giám mục Giacôbê của Nisibis đi tham dự Công Ðồng Nicea. Chắc chắn rằng các văn bản của ngài là một bảo vệ hùng hồn cho thiên tính của Ðức Giêsu Kitô. Ngài còn sáng tác thi ca để chống với lạc giáo Gnostic. Ngài lấy những bài ca bình dân của người lạc giáo, và dùng chính âm điệu của họ, biến đổi thành những thi ca mang ý nghĩa chính truyền. Thánh Ephrem là người đầu tiên đưa thánh thi vào phụng vụ chung của Giáo Hội như một phương tiện để dạy dỗ người tín hữu. Ngài sáng tác thi ca nhiều đến nỗi được xưng tụng là "Ðàn Thụ Cầm của Chúa Thánh Thần."
Thánh Ephrem yêu quý một đời sống thanh bạch, khắc khổ trong một hang nhỏ ở ngoại ô thành phố Edessa. Ngài cũng thường vào phố để rao giảng. Trong thời kỳ nạn đói năm 372, ngài tiếp tay phân phối thực phẩm cho người đói, và tổ chức việc chữa trị người đau yếu. Ngài tận tụy trong công việc này đến nỗi kiệt sức, lâm bệnh và từ trần vào khoảng năm 373.
Lời Bàn
Nhiều người ngày nay vẫn khó chấp nhận việc ca hát trong nhà thờ. Tuy nhiên, ca hát là một truyền thống có từ thời Cựu Ước và Tân Ước. Ðó là một phương cách tuyệt vời để biểu lộ cũng như kết tạo tinh thần hợp nhất và niềm vui cho cộng đoàn. Thi ca của Thánh Ephrem được một sử gia thời xưa xác nhận là đã "đem đến vẻ lộng lẫy cho cộng đoàn Kitô Hữu." Ngày nay, chúng ta cũng cần có những người như Thánh Ephrem để cộng đoàn thêm thánh thiện trong lời ca tiếng hát.
10 Tháng Sáu : Chân Phước Joachima (1783-1854)
Sinh trong một gia đình quý tộc ở Barcelona, Tây Ban Nha, khi lên 12 tuổi Joachima đã muốn trở thành một nữ tu dòng Camêlô. Nhưng cuộc đời ngài thay đổi, khi 16 tuổi ngài kết hôn với một luật sư trẻ, Theodore de Mas. Cả hai rất đạo đức và đều gia nhập dòng Ba Phanxicô. Trong 17 năm thành hôn, họ có tất cả tám người con.
Ðời sống gia đình êm ả của họ bị khuấy động khi Napoleon xâm lăng Tây Ban Nha. Joachima phải đem các con đi lánh nạn; trong khi Theodore ở lại nhà và đã chết. Mặc dù Joachima lại mong muốn đi tu, nhưng bà phải chu toàn bổn phận của một người mẹ. Ðồng thời, người goá phụ trẻ này bắt đầu một cuộc sống khắc khổ và chiếc áo dòng Ba Phanxicô đã trở nên y phục thường ngày của ngài. Trong cuộc sống hy sinh hãm mình ấy, bà dành nhiều thời giờ để cầu nguyện và thăm viếng kẻ liệt.
Bốn năm sau, khi các con đã khôn lớn và đã thành gia thất, chỉ còn người con út vẫn độc thân, bà Joachima đã nói lên khao khát đi tu với cha giải tội. Do sự khuyến khích của cha, bà đã thành lập tu hội Camêlô Bác Ái. Giữa những cuộc chiến huynh đệ tương tàn vào thời ấy, bà Joachima đã bị cầm tù và sau này, bị đầy sang Pháp trong một vài năm.
Vì đau yếu bệnh hoạn, bà đã phải từ chức bề trên tu hội. Trong vòng bốn năm kế tiếp, từ từ bà bị tê liệt. Cho đến khi từ trần năm 1854 lúc 71 tuổi, bà là người nổi tiếng và được mọi người khâm phục về tinh thần cầu nguyện, sự tín thác sâu xa vào Chúa và lòng bác ái vô bờ.
11 Tháng Sáu : Thánh Barnabas (thế kỷ thứ nhất)
Thánh Barnabas, một trong những nhà truyền giáo tiên khởi của Giáo Hội, đóng vai trò chủ yếu trong việc loan truyền và chuyển dịch Phúc Âm cho dân ngoại. Qua sách Công Vụ Tông Ðồ, chúng ta được biết ngài là người Do Thái ở Cypriot tên thật là Giuse, và các tông đồ đã đặt tên cho ngài là Barnabas sau khi ngài bán của cải và giao cho các tông đồ cai quản.
Mặc dù Barnabas không phải là một người trong nhóm Mười Hai nguyên thủy, Thánh Luca coi ngài như vị tông đồ vì ngài được lãnh nhận nhiệm vụ đặc biệt từ Chúa Thánh Thần. Một trong những đóng góp quan trọng của Barnabas là ngài đã đảm bảo cho Saolô, một người mới tòng giáo mà ai ai cũng sợ hãi vì quá khứ bắt đạo của Saolô. Sau đó, Barnabas được sai đi rao giảng ở Antiôkia. Khi công việc ngày càng có kết quả, Barnabas đã xin Phaolô (tên cũ là Saolô) đến tiếp tay; cả hai đã xây dựng một giáo hội thật phát triển. Theo sách Công Vụ Tông Ðồ, chính ở Antiôkia mà "lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Kitô Hữu."
Chính trong cộng đoàn siêng năng cầu nguyện này mà "Thánh Thần phán bảo, 'Hãy dành riêng cho Ta Barnabas và Phaolô để lo cho công việc mà Ta đã kêu gọi hai người ấy." Sau đó họ ăn chay cầu nguyện, rồi đặt tay trên hai ông và tiễn đi." Do đó, Barnabas và Phaolô khởi hành chuyến đi truyền giáo đầu tiên thực sự ở nước ngoài, trước hết đến Cyprus (là nơi họ hoán cải một quan đầu tỉnh người Rôma) và sau đó đến lục địa Tiểu Á. Lúc đầu các ngài rao giảng cho người Do Thái, nhưng bị chống đối dữ dội nên họ quay sang rao giảng cho dân ngoại và đã thành công lớn. Trong một thành phố, người Hy Lạp quá mến mộ các ngài đến nỗi họ tôn thờ Barnabas và Phaolô như các thần Zeus và Hermes. Vất vả lắm thì các ngài mới ngăn cản được đám đông hiếu khách ấy đừng dâng của lễ mà tế các ngài.
Công cuộc truyền giáo cho dân ngoại nẩy sinh vấn đề là người tòng giáo có phải cắt bì theo luật Do Thái hay không. Phaolô và Barnabas đã chống đối tập tục này và lập trường của các ngài đã làm chủ tình hình trong Công Ðồng Giêrusalem.
Barnabas và Phaolô dự định tiếp tục công cuộc truyền giáo, nhưng ngay tối trước khi khởi hành, một bất đồng xảy ra là có nên đem theo một môn đệ nữa hay không, là ông Gioan Máccô. Vì vấn đề này mà hai tông đồ tách làm đôi. Phaolô đem Silas đi Syria, còn Barnabas đem Máccô đến Cyprus. Sau này, ba người: Phaolô, Barnabas và Máccô đã làm hòa với nhau.
Mặc dù không có những dữ kiện rõ ràng, dường như Barnabas, với sự tháp tùng của Gioan Máccô, đã trở về Cyprus. Ở đây, theo truyền thuyết, ngài đã chịu tử đạo vào năm 61.
Lời Bàn
Thánh Barnabas được đề cập như một người tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa. Ngài là người "đầy tràn Thánh Thần và đức tin. Do đó đã lôi cuốn một số đông người về với Chúa." Ngay cả khi ngài và Thánh Phaolô bị trục xuất khỏi Antiôkia, họ "tràn ngập niềm vui và Thánh Thần."
12 Tháng Sáu : Thánh Giáo Hoàng Lêô III
Sinh ở Rôma, nước Ý, Ðức Lêô là người thủ kho của tòa thánh và là linh mục trưởng ở Santa Suzanna khi ngài được chọn làm giáo hoàng năm 795 để kế vị Ðức Hadrian I, vừa mới từ trần.
Hai người cháu của Ðức Hadrian I đều mong muốn được làm giáo hoàng, do đó họ xúi giục các thanh niên quý tộc tấn công Ðức Lêô. Trong cuộc rước nhân ngày lễ Thánh Máccô, Ðức Lêô bị bọn côn đồ kéo xuống khỏi ngựa và chúng định cắt lưỡi và đâm mù mắt của ngài. Nhờ sự can thiệp kịp thời của công tước xứ Spotelo, ngài thoát chết và trốn trong tu viện Thánh Erasmus, sau đó ngài đã bình phục mau chóng một cách lạ lùng.
Ðức Lêô được cảm tình của người thế lực nhất thời bấy giờ, đó là Hoàng Ðế Charlemagne ở Paderborn, và ông đã cung cấp vệ binh để hộ tống đức giáo hoàng trở về Rôma giữa tiếng reo hò của mọi người.
Tuy nhiên, kẻ thù vẫn không để ngài yên. Họ tố cáo Ðức Lêô về tội thề gian và ngoại tình. Năm 800, Charlemagne đến Rôma và chỉ định một ủy ban điều tra để cứu xét điều cáo buộc Ðức Lêô. Uỷ ban không tìm thấy một chứng cớ nào, và Ðức Lêô đã thề trước hội đồng giám mục rằng ngài vô tội đối với các cáo buộc ấy.
Vào lễ Giáng Sinh, tại đền Thánh Phêrô, Ðức Lêô đã ban thưởng cho Charlemagne tước vị Thánh Ðế Rôma. Ðiều này là nguyên do hình thành Ðế Quốc Rôma Thánh Thiện -- là một cố gắng nhằm thể hiện lý tưởng Thành Phố Thiên Chúa của Thánh Augustine -- mà đã ảnh hưởng đến lịch sử Âu Châu trong nhiều thế kỷ.
Với sự giúp đỡ của Charlemagne, Ðức Lêô đã dẹp được lạc thuyết Thừa Tự (*) ở Tây Ban Nha, nhưng khi Charlemagne muốn thêm chữ Filioque ("và Ðức Chúa Con" *) vào kinh Tin Kinh Nicene thì Ðức Lêô đã từ chối, một phần vì ngài không cho phép giáo dân can thiệp vào nội bộ giáo hội, và một phần vì ngài không muốn chống đối Giáo Hội Byzantine.
Một cách tổng quát, đức giáo hoàng và hoàng đế hành động ăn khớp với nhau. Theo lời đề nghị của Charlemagne, Ðức Lêô còn thành lập một đạo quân để chống với giặc Saracen, lấy lại được một số tài sản của Giáo Hội ở Gaeta. Tính hào phóng của Charlemagne đã giúp Ðức Lêô canh tân nhiều nhà thờ ở Rôma và Ravenna, cũng như giúp đỡ người nghèo và bảo trợ các công trình nghệ thuật.
Khi Charlemagne từ trần năm 814 và Ðức Lêô không còn ai bảo vệ, quân thù lại nổi dậy chống đối ngài. Với tất cả uy thế và quyền bính cá nhân, ngài đã dẹp tan âm mưu nổi loạn của giới quý tộc ở Campagna. Tuy nhiên, ngài bị vẫn bị giới quý tộc khinh miệt vì ngài xuất thân từ giới bình dân. Ngài từ trần năm 816 và được phong thánh năm 1673.
(*) Thuyết Thừa Tự chủ trương Ðức Kitô chỉ là con nuôi của Thiên Chúa, do đó Người không phải Thiên Chúa thật.
Filioque: Cho đến ngày nay, Chính Thống Giáo Hy Lạp và một số Giáo Hội Ðông Phương vẫn cho rằng Chúa Thánh Thần chỉ bởi Chúa Cha mà ra, do đó, những ai chủ trương rằng Chúa Thánh Thần cũng bởi Chúa Con mà ra thì họ cho là lạc giáo.
sinh năm 1795 tại Hạ Linh, Bùi Chu, Binh Sĩ, xử lăng trì ngày 12-6-1839 tại Thừa Thiên dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 12-6.
sinh năm 1792 tại Kiên Trung, Bùi Chu, Binh sĩ, xử lăng trì ngày 12-6-1839 tại Thừa Thiên dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 12-6.
13 Tháng Sáu : Thánh Antôn ở Padua (1195-1231)
Quy tắc đời sống của Thánh Antôn là "từ bỏ mọi sự và theo Ðức Kitô," đúng như lời ghi trong Phúc Âm. Nhiều lần Thiên Chúa đã gọi thánh nhân đến các hoạch định mới và ngài đã đáp ứng một cách nhiệt thành và tận tụy hy sinh để phục vụ Ðức Giêsu Kitô cách trọn vẹn hơn.
Vị thánh rất nổi tiếng này sinh ở Bồ Ðào Nha, và tên rửa tội là "Ferdinand." Ngài được sự giáo dục kỹ lưỡng của các tu sĩ dòng Augustine và sau đó đã gia nhập Dòng. Khi hai mươi lăm tuổi, cuộc đời ngài chuyển hướng. Lúc bấy giờ, ngài nghe tin một số tu sĩ dòng Phanxicô bị bách hại bởi người Moor và được tử đạo ở Morocco -- đó là Thánh Bernard và các bạn. Ferdinand khao khát được chết vì Ðức Kitô nên ngài gia nhập dòng Phanxicô. Lúc bấy giờ, dòng này mới thành lập và Thánh Phanxicô vẫn còn sống. Ferdinand lấy tên là "Antôn" và đến Phi Châu để rao giảng cho người Moor. Nhưng ngay sau đó, ngài lâm bệnh nặng phải trở về Ý và sống trong một nơi hiu quạnh, chấp nhận công việc rửa chén trong nhà bếp và dành thời giờ để cầu nguyện, đọc Kinh Thánh.
Thầy Antôn không bao giờ nói về mình, nên không ai trong nhà dòng biết được sự thông minh và tài giỏi thực sự của ngài. Mãi cho đến khi có buổi lễ tấn phong, và vì không ai trong dòng kịp chuẩn bị nên Thầy Antôn đã được chọn để diễn giảng. Những năm tìm kiếm Ðức Kitô trong sự cầu nguyện, trong Kinh Thánh và phục vụ Chúa trong sự nghèo hèn, khiêm hạ đã chuẩn bị Thầy Antôn được sẵn sàng để Thần Khí dùng đến khả năng của thầy. Bài giảng của thầy đã làm mọi người kinh ngạc và từ đó trở đi, cho đến khi ngài từ trần vào chín năm sau đó, Thầy Antôn đã đi rao giảng khắp nước Ý. Ngài nổi tiếng đến nỗi dân chúng phải đóng cửa tiệm để đến nghe ngài giảng.
Ðược công nhận là một người siêng năng cầu nguyện, hiểu biết Kinh Thánh và thần học, Thầy Antôn là thầy dòng đầu tiên được dạy thần học cho các thầy khác. Kiến thức uyên thâm của thầy lại được Thiên Chúa dùng để rao giảng cho những người lạc giáo và hoán cải những kẻ lầm lạc.
Người thời ấy thường tìm đến Thầy Antôn để xin chữa lành hồn xác. Nhiều phép lạ đã xảy ra qua lời cầu bầu của thánh nhân ngay khi còn sống.
Thầy Antôn từ trần ở Arcella, gần Padua, nước Ý khi ngài ba mươi sáu tuổi. Chỉ một năm sau, ngài đã được Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô IX phong thánh.
Người ta thường vẽ Thánh Antôn bế Hài Nhi Giêsu vì Ðức Giêsu đã hiện ra với ngài. Thánh Antôn là người hiểu biết thâm sâu, nhất là về Kinh Thánh, do đó Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã tuyên xưng ngài là "Tiến Sĩ Tin Mừng," hoặc Tiến Sĩ Kinh Thánh.
Lời Bàn
Nhiều khi chúng ta muốn được người đời để ý đến những công việc tốt lành của chúng ta, nhưng ít ai muốn chú ý. Ðó là lúc chúng ta cầu xin Thánh Antôn giúp chúng ta vui lòng chấp nhận, và chú tâm đến những gì chúng ta có thể đem lại cho đời, hơn là nhận được từ người đời.
Lời Trích
Trong một bài giảng, Thánh Antôn nói: "Các thánh giống như các vì sao. Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, Ngài đã giấu họ nơi kín đáo để đừng chiếu tỏa trước mặt người khác dù đôi khi họ muốn như vậy. Tuy nhiên, họ phải sẵn sàng hy sinh đời sống chiêm niệm âm thầm để đổi lấy việc bác ái, một khi tâm hồn họ nhận ra đó là lời mời của Ðức Kitô."
14 Tháng Sáu : Thánh Albert Chmielowski (1845-1916)
Sinh ở Igolomia gần Krakow, Ba Lan, Thánh Albert là người con cả trong gia đình giầu có, và tên rửa tội là Adam. Trong cuộc cách mạng 1864 chống với Nga Hoàng Alexander III, Adam bị thương và bị cụt chân trái.
Với khả năng hội họa Adam đã theo học ở Warsaw, Munich và Balê. Sau khi trở về Krakow, Adam gia nhập dòng Phanxicô Thế Tục. Vào năm 1888, Adam lấy tên là Albert khi sáng lập tổ chức các Thầy Dòng Ba Phanxicô. Công việc chính yếu của tổ chức là giúp đỡ người nghèo và người vô gia cư, bất kể tuổi tác, tôn giáo hay chính kiến.
Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong chân phước cho Thầy Albert năm 1983 và phong thánh cho ngài sáu năm sau.
Lời Bàn
Trong cuốn sách kỷ niệm kim khánh linh mục năm 1996, khi chia sẻ về ơn thiên triệu của chính mình, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho biết Thầy Albert đã có một ảnh hưởng trong ơn gọi ấy "bởi vì tôi tìm thấy nơi ngài sự hỗ trợ tinh thần và một tấm gương khi từ bỏ thế giới nghệ thuật, văn chương và kịch nghệ, để nhất định chọn lựa ơn gọi linh mục". Khi là một linh mục trẻ, Ðức Giáo Hoàng đã viết một kịch bản về cuộc đời Thầy Albert để tỏ lòng biết ơn thánh nhân.
15 Tháng Sáu : Thánh Germaine Cousin (1579-1601)
Thánh Germaine là một thiếu nữ quê mùa ở làng Pibrac, gần Toulouse. Vì mẹ mất sớm nên ngài phải lớn lên trong hoàn cảnh đau khổ vì bị người cha ghét bỏ và người mẹ ghẻ thật tàn nhẫn. Vì không muốn Germaine chung đụng với con riêng của mình, bà mẹ ghẻ bắt Germaine phải ngủ trong chuồng súc vật hoặc dưới gầm cầu thang, lúc nào cũng phải làm việc trong khi ăn uống rất kham khổ. Ngay khi chín tuổi, Germaine đã phải đi chăn cừu.
Bất kể những lao nhọc và bất công trong đời sống, Germaine vui lòng chấp nhận mọi sỉ nhục. Cô thích đi chăn cừu, vì đó là cơ hội để cầu nguyện và truyện trò với Thiên Chúa.
Germaine rất đạo đức và siêng năng tham dự Thánh Lễ. Mỗi sáng nghe chuông đổ, dù đang chăn cừu, cô vội vã cắm cây gậy xuống đất và chạy đến nhà thờ, phó thác đàn cừu cho sự chăm sóc của các thiên thần. Chưa bao giờ đàn cừu bị nguy hại vì sói rừng khi vắng mặt cô, dù ở cạnh khu rừng. Người ta kể rằng, có lần cô đã đi trên mặt nước, chạy băng qua sông để kịp dự lễ.
Germaine quá nghèo để có thể chia sẻ vật chất cho người khác. Nhưng tình yêu tha nhân của cô luôn luôn được thể hiện qua sự giúp đỡ bất cứ ai cần đến cô, và nhất là các trẻ em trong làng, là những người được cô dạy họ biết kính sợ Thiên Chúa.
Vào lúc ấy, sự thánh thiện của Germaine bắt đầu được dân làng chú ý. Nhưng điều này cũng không giúp thay đổi gì tình trạng của cô trong gia đình. Thật vậy, cô bị trừng phạt vì đã chia sẻ thức ăn cho người ăn xin. Có lần vào mùa đông, bà mẹ ghẻ nghi ngờ cô giấu miếng bánh trong vạt áo, nhưng khi mở ra bà chỉ thấy những bông hoa thật đẹp của mùa hè rơi xuống. Gia đình bắt đầu nhận ra sự thánh thiện của cô và mời cô vào sống ở trong nhà, nhưng Germaine xin được tiếp tục cuộc sống như trước.
Năm cô 22 tuổi, người ta tìm thấy cô nằm chết trên đống rơm dưới gầm cầu thang. Thi hài của cô được chôn trong nhà thờ ở Pibrac. Bốn mươi ba năm sau, khi tân trang nhà thờ, các người thợ vô tình khai quật mộ của cô và người ta tìm thấy xác của cô vẫn còn nguyên vẹn. Sau khi được trưng bầy cho mọi người kính viếng trong một năm trời, thi hài của cô được chôn cất trong gian cung thánh. Nhiều phép lạ đã xảy ra nhờ lời cầu bầu của cô. Tiến trình phong thánh cho cô được khởi sự từ năm 1700, nhưng vì cuộc Cách Mạng Pháp, tiến trình này đã bị đình trệ, mãi cho đến năm 1849, cô được Ðức Giáo Hoàng Piô IX phong thánh và đặt làm quan thầy của các thiếu nữ ở thôn quê.
16 Tháng Sáu : Thánh Gioan Phanxicô Regis (1597-1640)
Sinh trong một gia đình giầu có ở Narbonne, Languedoc nước Pháp, ngay từ nhỏ, vì quá mến mộ các thầy giáo Dòng Tên nên Gioan Phanxicô luôn ao ước gia nhập dòng này. Và ngài đã thực hiện ý định ấy khi 18 tuổi. Trong thời gian tu tập, mặc dù học trình rất nghiêm nhặt nhưng ngài đã dành nhiều thì giờ cầu nguyện hàng đêm.
Sau khi được thụ phong linh mục, Cha Regis đi truyền giáo trong một vài thành phố ở Pháp. Ðặc biệt, ngài lưu tâm đến người nghèo và rất siêng năng thi hành mục vụ. Ngay từ sáng sớm ngài đã có mặt ở tòa giải tội sau khi cử hành Thánh Lễ; vào buổi chiều ngài đi thăm các bệnh nhân và tù nhân. Vào năm 1631, khi trận dịch hạch tấn công thành phố, ngài làm việc trong bệnh viện ở Toulouse với "những công việc tầm thường nhất ở trong bếp nhưng lúc nào cũng vui vẻ và sẵn sàng."
Vào thời bấy giờ, vì thiếu giám mục và các linh mục thì chểnh mảng, giáo dân không biết gì đến bí tích có trên 20 năm. Nhiều hình thức Tin Lành phát triển mau chóng trong khi hàng giáo sĩ vẫn giữ thái độ lãnh đạm trong nhiều lãnh vực. Trong ba năm trường, Cha Regis đã đi khắp địa phận, tổ chức các buổi học hỏi, xưng tội trước khi mời đức giám mục đến thăm. Ngài thành công trong việc hoán cải nhiều người và đã đưa họ trở về với đời sống đạo tốt lành.
Về đời sống cá nhân, ngài càng khó khăn với chính mình bao nhiêu thì ngài lại nhân từ với người khác bấy nhiêu. Thức ăn của ngài thường là rau trái và bánh thô, nhiều khi vì số người đến xưng tội quá đông đến độ ngài không còn thời giờ để ăn uống. Ðể hy sinh hãm mình, mỗi đêm, ngài ngủ không quá ba giờ đồng hồ.
Mặc dù Cha Regis ao ước đi truyền giáo cho người da đỏ Bắc Mỹ ở Gia Nã Ðại, nhưng suốt cuộc đời ngài đã tận tụy phục vụ Thiên Chúa trong những nơi hoang vu nhất ở ngay quê hương của ngài. Ở đó ngài phải chịu sự khắc nghiệt của thời tiết và nhiều thiệt thòi khác. Tuy nhiên, sự thánh thiện của ngài ngày càng gia tăng và được nhiều người biết đến.
Trong bốn năm cuối đời, ngài rao giảng và làm việc trong các tổ chức xã hội, nhất là cho người tù, người bệnh và người nghèo. Vào mùa thu năm 1640, dù cảm thấy cái chết đã gần kề, Cha Regis vẫn cố gắng trong công tác mục vụ, nhằm đưa các linh hồn về với Chúa. Sau khi làm việc cả ngày Giáng Sinh không ngừng nghỉ, vào ngày hôm sau, sau khi lên toà giảng ngài đã ngất xỉu vì kiệt sức. Bốn ngày sau đó, trước khi thở hơi cuối cùng, ngài đã thốt lên: "Lạy Chúa Giêsu, con phó linh hồn con trong tay Chúa." Lúc ấy ngài mới 43 tuổi.
Ngài được phong thánh năm 1737.
sinh tại Phú Yên, Ngọc Cục, Giáo dân, xử trảm ngày 16-6-1862 tại Làng Cốc dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 29-4-1951 do Ðức Piô XII, kính ngày 16-6.
sinh tại Ngọc Cục, Nam Ðịnh, Giáo dân, xử trảm ngày 16-6-1862 tại Làng Cốc dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 29-4-1951 do Ðức Piô XII, kính ngày 16-6.
sinh tại Ngọc Cục, Nam Ðịnh, Giáo dân, xử trảm ngày 16-6-1862 tại Làng Cốc dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 29-4-1951 do Ðức Piô XII, kính ngày 16-6.
sinh tại Ngọc Cục, Xuân Trường, Giáo dân, xử trảm ngày 16-6-1862 tại Làng Cốc dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 29-4-1951 do Ðức Piô XII, kính ngày 16-6.
sinh tại Phú Yên, Giáo dân, xử trảm ngày 16-6-1862 tại Làng Cốc dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 29-4-1951 do Ðức Piô XII, kính ngày 16-6.
17 Tháng Sáu : Thánh Gioan Fisher (1469-1535)
Thánh Gioan Fisher thường có liên hệ với Erasmus, Thomas More và những người thuộc phong trào nhân bản thời Phục Hưng. Bởi đó, cuộc đời ngài không có nét bề ngoài như đời sống các thánh khác. Ðúng hơn, ngài là một con người học thức, thân quen với giới trí thức và chính trị thời bấy giờ.
Gioan Fisher sinh ở Beverley, Yorkshire Anh Quốc, tốt nghiệp Ðại Học Cambridge, thụ phong linh mục năm 1491 và lấy bằng Tiến Sĩ Thần Học năm 1501. Ngài có tài quản trị nên được nhà trường lần lượt giao cho các chức vụ tổng giám thị, phó chưởng ấn và chưởng ấn. Trong thời gian này, ngài là cha giải tội của mẹ vua Henry VII và đã khuyên bảo bà dùng của cải một cách bác ái, cũng như đưa môn thuyết giảng vào hai đại học lớn ở Anh. Cũng chính thời gian này, ngài làm bạn với Erasmus và Thomas More.
Vào năm 1504, ngài được làm giám mục ở Rochester và cai quản giáo phận nghèo nàn này trong ba mươi năm; ngài đích thực là một giám mục, sống làm gương cho các linh mục và chú ý đến đời sống tâm linh của họ. Chính Ðức Giám Mục Fisher là một văn bút và vị giảng thuyết sáng giá. Các bài giảng của ngài về ăn năn sám hối được tái bản đến bảy lần trước khi ngài từ trần. Với sự tràn lan của giáo phái Luther, ngài đã tham dự vào các cuộc tranh luận. Tám cuốn sách ngài viết để chống với lạc giáo đã đem lại cho ngài địa vị hàng đầu của các thần học gia Âu Châu. Cần nhận xét ở đây là Ðức Gioan Fisher không bao giờ dùng lời lẽ hạ cấp để nhục mạ đối phương như trong các cuộc tranh luận thời bấy giờ, nhưng ngài dùng lý lẽ để khuyên bảo những người lầm đường lạc lối.
Vào năm 1527, ngài được yêu cầu xem xét vấn đề hôn nhân của vua Anh là Henry VIII. Nhà vua muốn li dị hoàng hậu hiện thời là bà Catherine ở Aragon vì bà không sinh được con trai nối dõi. Ðức Fisher đã làm vua Henry tức giận khi tuyên bố hôn nhân cũ của nhà vua vẫn còn giá trị, và sau này Ðức Fisher còn từ chối không chấp nhận Henry là thủ lãnh tối cao của Giáo Hội Anh Quốc như nhà vua tự xưng.
Trong mưu toan hãm hại Ðức Fisher, đầu tiên vua Henry buộc tội ngài là không phúc trình các "mặc khải" chống đối nhà vua của sơ Elizabeth Barton. Sau đó ngài bị triệu đến để thề chấp nhận Ðạo Luật Thừa Kế. Tất cả các quan trong triều đều tuyên thệ chấp nhận, ngoại trừ Ðức Giám Mục Fisher và Thomas More, cả hai từ chối vì Ðạo Luật này hợp pháp hóa sự li dị của Henry cũng như chấp nhận ông là thủ lãnh của Giáo Hội Anh. Cả hai người bị tống ngục Tower, khi ấy Ðức Fisher đã sáu mươi lăm tuổi và bệnh tật đang làm hao mòn sức khỏe của ngài.
Vào năm 1535, đức giáo hoàng tấn phong Ðức Gioan Fisher làm hồng y, nhà vua lại càng thêm tức giận và đã gài bẫy để đưa Ðức Gioan ra tòa về tội phản quốc. Ngài bị kết án và bị hành quyết, thi thể ngài bị để nằm nguyên ngày trên giàn chém và đầu của ngài bị treo trên cầu Luân Ðôn. Hai tuần sau, Thomas More cũng bị xử tử.
Ðức Gioan Fisher và Thomas More được phong thánh năm 1935.
Lời Bàn
Ngày nay, có nhiều vấn đề được nêu lên về việc tích cực tham gia sinh hoạt xã hội của linh mục và giáo dân. Ðức Gioan Fisher đã trung thành với ơn gọi giám mục của ngài. Ngài cương quyết duy trì giáo huấn của Giáo Hội; lý do ngài bị tử đạo là vì trung thành với Rôma. Ngài đã can dự đến các sinh hoạt văn hóa cũng như tranh chấp chính trị thời bấy giờ. Sự can dự này khiến ngài phải thắc mắc về tư cách đạo đức của người lãnh đạo quốc gia. "Giáo Hội có quyền, đúng hơn là nhiệm vụ, để đề cao sự công bằng trong lãnh vực xã hội, quốc gia và quốc tế, để lên án những bất công, khi các quyền căn bản của con người và sự cứu độ của họ đòi hỏi" (Công Bình Trong Thế Giới, Thượng Hội Ðồng Giám Mục 1971).
Lời Trích
Erasmus đã nói về Ðức Gioan Fisher như sau: "Ngài là con người mà thời bấy giờ không ai sánh được về sự chính trực của đời sống, về học thuật và về nét cao quý của linh hồn."
sinh tại Ngọc Cục, Xuân Trường, Giáo dân, bị thiêu sinh ngày 17-6-1862 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 29-4-1951 do Ðức Piô XII, kính ngày 17-6.
18 Tháng Sáu : Ðấng Ðáng Kính Matt Talbot (1856-1925)
Ông Matt có thể coi là quan thầy của những người đang chiến đấu với sự nghiện rượu.
Matt sinh ở Dublin, là nơi cha ông làm việc ở bến tầu và không có thời giờ nhiều cho gia đình. Sau một vài năm đi học, Matt kiếm được công việc giao thư từ cho các nhà buôn rượu; từ đó bắt đầu Matt uống rượu như hũ chìm.
Trong vòng 15 năm -- cho đến khi 30 tuổi -- Matt là người nghiện rượu. Một ngày kia, ông "tự hứa" không uống rượu trong vòng ba tháng, ông đi xưng tội và bắt đầu tham dự Thánh Lễ hàng ngày. Hiển nhiên là những năm đầu tiên sau khi thề hứa thật khó khăn. Chỉ cần tránh gặp các tay bạn nhậu không thôi cũng đã khó. Tuy nhiên, ông đã trông nhờ đến sự trợ giúp của Thiên Chúa. Trước đây ông uống rượu như thế nào thì bây giờ ông cũng cầu nguyện như vậy. Ðồng thời ông tìm cách trả lại tiền vay mượn hoặc ăn cắp của người khác trong thời gian nghiện ngập.
Hầu hết cuộc đời của ông là một người lao động nặng nhọc. Ông gia nhập dòng Ba Phanxicô và bắt đầu một đời sống khắc khổ sám hối; ông kiêng thịt đến chín tháng mỗi năm. Hàng đêm, ông dành nhiều thời giờ để đọc sách thiêng liêng cũng như hạnh các thánh. Ông lần chuỗi Mai Khôi một cách có ý thức. Mặc dù đồng lương của ông thật khiêm tốn, ông đã rộng lượng đóng góp cho công cuộc truyền giáo.
Vào năm 1925, sức khỏe ông sa sút đến độ phải nghỉ việc. Và vào ngày lễ Chúa Ba Ngôi, ông đã từ trần trên đường đến nhà thờ. Năm mươi năm sau, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã ban cho ông tước vị đáng kính.
Lời Bàn
Khi nhìn vào cuộc đời ông Matt Talbot, chúng ta thường để ý đến những năm sau khi ông đã chừa rượu và sống cuộc đời ăn năn sám hối. Nhưng chỉ những ai đã từng nghiện rượu mới thấy thật khó khăn chừng nào khi mới bắt đầu bỏ rượu. Ông Matt đã cố gắng hàng ngày. Và mọi người chúng ta cũng phải như vậy.
Lời Trích
Trên trang giấy của cuốn sách ông Matt để lại, người ta thấy có dòng chữ sau: "Thiên Chúa đã an ủi ngươi và biến ngươi nên thánh. Ðể đạt được sự khiêm tốn tuyệt đối, cần có bốn điều sau: khinh miệt thế gian, đừng khinh miệt ai, khinh miệt chính mình, hãy coi thường khi bị người khác khinh miệt."
19 Tháng Sáu : Thánh Rômuanđô (950?-1027)
Thánh Rômuanđô thuộc dòng họ quyền quý ở Ravenna, nước Ý và quãng đời thanh thiếu niên của ngài không có gì là đặc biệt. Một ngày kia, ngài chứng kiến cảnh người cha nóng tính của ngài đã giết chết người bà con trong cuộc tranh chấp về đất đai. Quá hoảng sợ, ngài trốn trong một đan viện gần Ravenna trong 40 ngày để ăn năn đền tội cho cha mình cũng như cho sự đồng lõa của chính ngài.
Lẽ ra ngài đã trở về cuộc sống bình thường như trước, nhưng thời gian 40 ngày ấy thực sự đã hoán cải con người của ngài. Do đó, thay vì trở về nhà, Rômuanđô đã xin gia nhập dòng Biển Ðức. Sau ba năm, ngài từ giã đan viện để đi tìm một đời sống khắc khổ hơn, và trở nên một môn đệ của vị ẩn sĩ Marinus gần Venice.
Ngài khao khát được tử đạo vì Ðức Kitô và đã được đức giáo hoàng cho phép để đi truyền giáo ở Hung Gia Lợi. Nhưng khi đến nơi ngài phải trở về vì lâm trọng bệnh và vì cao tuổi. Trong 30 năm tiếp đó, ngài đi khắp nước Ý để thành lập các đan viện và viện khổ tu ở miền bắc và trung nước Ý. Năm viện khổ tu ngài thành lập ở Camaldoli đã trở thành nhà mẹ của Dòng Camaldoli, có truyền thống tổng hợp giữa đời sống khổ tu giữa Ðông và Tây và dưới quy luật Biển Ðức đã được ngài biến cải.
Ngài từ trần ở Piceno, nước Ý năm 1027.
Lời Bàn
Ðức Kitô là vị lãnh đạo nhân từ, nhưng Ngài mời gọi chúng ta trở nên hoàn toàn thánh thiện. Thỉnh thoảng, trong lịch sử Giáo Hội, chúng ta vẫn được thách đố nên thánh bởi những người tận tụy hy sinh, với tinh thần hăng say, và thực sự thay đổi. Dĩ nhiên, chúng ta không thể trở nên hoàn toàn giống họ, nhưng điều đó không làm mất ý nghĩa lời kêu gọi của mỗi người chúng ta là hãy mở lòng cho Thiên Chúa tùy theo hoàn cảnh của từng người.
20 Tháng Sáu : Thánh Tôma More (1478-1535)
Thánh Tôma More sinh ở Luân Ðôn năm 1478. Sau khi thông thạo căn bản tôn giáo và kinh điển, ngài theo học luật ở Oxford. Sau đó, ngài là một luật sư và lập gia đình với bà Jane Colt có bốn người con. Ngài dành nhiều thời giờ cho việc giáo dục con cái. Chính ngài là một người trí thức và là bạn của hàng thức giả thời bấy giờ như Linacre, Fisher và Erasmus.
Tôma More thăng tiến mau chóng trong sự nghiệp. Ngài là một luật sư nổi tiếng và được chọn vào Nghi Viện khi mới 22 tuổi. Từ đó, ngài tiếp tục thăng quan tiến chức cho đến 47 tuổi, ngài được sự chú ý của vua Henry VIII và được chọn làm Quan Chưởng Ấn kế vị Ðức Hồng Y Wolsey.
Vào năm 1532, giữa lúc tột đỉnh danh vọng và sự nghiệp, Tôma More từ chức khi nhà vua nhất định duy trì lập trường của ông về vấn đề hôn nhân và uy quyền tối thượng của Ðức Giáo Hoàng. Vì vua Henry VIII muốn li dị bà Catherine ở Aragon, là người không sinh được con trai để nối dõi và muốn đặt các con người vợ lẽ làm thừa kế. Tôma More không đồng ý với hành động của nhà vua, và cũng không công nhận Henry là thủ lãnh tối cao của Giáo Hội Anh, như nhà vua đã tự xưng nhằm mục đích tách biệt khỏi Giáo Hội Rôma và khước từ quyền bính của đức giáo hoàng.
Tôma More bị tống giam ở Ngục Luân Ðôn. Mười lăm tháng sau, ngài được đưa ra tòa về tội phản quốc. Trước toà, ngài cho biết là không thể hành động trái với lương tâm, và cầu chúc các quan toà rằng "tất cả chúng ta sẽ gặp nhau ở đời sau trong hạnh phúc thiên đàng để được cứu chuộc đời đời." Trên đoạn đầu đài, ngài tuyên bố với đám đông rằng ngài chết như "một tôi trung của nhà vua -- nhưng trước hết là tôi trung của Thiên Chúa". Ngài bị chém đầu ngày 6 tháng Sáu năm 1535.
Năm 1935, ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô XI tuyên xưng là "Vị Tử Ðạo của Ðức Giáo Hoàng" và đặt làm quan thầy của các luật gia.
Lời Bàn
Là một quân sư và nhà ngoại giao hàng đầu, Tôma More không tương nhượng các quy tắc đạo lý của chính ngài để chiều theo nhà vua, vì biết rằng sự trung thành đích thực với quyền bính không có nghĩa mù quáng chấp nhận những gì người cầm quyền mong muốn. Tôma More đã can đảm trung thành với lý tưởng ấy cho đến giọt máu cuối cùng.
Lời Trích
"Mỗi ngày đều có các cơ hội xúc phạm đến Thiên Chúa, nên tôi phải trang bị cho mình trong cuộc chiến đấu ấy bằng việc rước Mình Thánh Chúa. Nếu tôi cần sự soi dẫn và khôn ngoan để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề, tôi phải đến với Ðấng Cứu Ðộ để tìm sự khuyên bảo và sáng suốt của Người." -- Thánh Tôma More
21 Tháng Sáu : Thánh Aloysius Gonzaga (1568-1591)
Thánh Aloysius là một người nổi tiếng thời bấy giờ vì ngài sinh trong một gia đình quý tộc, nhưng đời sống như thiên thần, và cái chết thật thánh thiện.
Aloysius là con cả của Hầu Tước Ferrante ở Castiglione nước Ý, phục vụ dưới triều Philip II của Tây Ban Nha. Cha ngài mong cho con mình trở nên một nhà lãnh đạo quân sự tài ba, do đó ngay từ khi bốn tuổi Aloysius đã được tự do tung tăng trong trại lính, làm quen với các vũ khí. Nhưng khi lên bảy, đời sống tâm linh Aloysius thay đổi lạ lùng và hàng ngày cậu đã đọc kinh sách, thánh vịnh và đặc biệt kính mến Ðức Maria. Lúc 13 tuổi, cùng với người em, Aloysius theo cha mẹ lên triều đình và cả hai giữ nhiệm vụ phục dịch cho Don Diego, thái tử người Asturias ở Tây Ban Nha. Càng nhìn thấy sinh hoạt triều đình bao nhiêu, Aloysius càng chán ngán bấy nhiêu và tìm cách khuây khỏa qua hạnh các thánh.
Chính trong thời gian này, khi nghe biết về công cuộc truyền giáo của các cha dòng Tên ở Ấn Ðộ, Aloysius đã có ý định đi tu và tập sống kham khổ cũng như tụ tập các trẻ em nghèo để dạy giáo lý cho chúng. Mơ ước đi tu của Aloysius phải trải qua bốn năm tranh đấu với chính người cha của mình cũng như sự dụ dỗ của rất nhiều chức sắc trong triều. Sau cùng, Aloysius đã chinh phục được tất cả và được nhận vào đệ tử viện dòng Tên lúc 17 tuổi.
Vì nhận thấy sức khỏe yếu kém của Aloysius, các cha giám đốc đã buộc Aloysius phải chấm dứt sự kham khổ, phải ăn nhiều hơn, phải sinh hoạt với các đệ tử khác và không được cầu nguyện ngoài những giờ ấn định. Aloysius được gửi lên Milan đi học, nhưng vì sức khỏe yếu kém nên đã phải trở về Rôma.
Vào năm 1587, Aloysius tuyên khấn. Ðược vài năm sau, trận dịch hạch tấn công Rôma. Các tu sĩ dòng Tên mở một bệnh viện của nhà dòng. Chính cha bề trên cũng như nhiều linh mục đích thân chăm sóc bệnh nhân. Dù sức khỏe yếu kém, Aloysius cũng tận tình phục vụ bệnh nhân và bị lây bệnh. Sau ba tháng bệnh hoạn, Aloysius đã từ trần ngày 21 tháng Sáu 1591, lúc ấy mới 23 tuổi.
Ðời sống thánh thiện của Aloysius được cha linh hướng Robert Bellarmine (sau này là thánh) minh xác. Và ngài được Ðức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIII phong thánh năm 1726 và được đặt làm quan thầy các học sinh Công Giáo.
Lời Bàn
Thánh Aloysius dường như không thích hợp là quan thầy của các người trẻ trong một xã hội mà sự khổ hạnh chỉ tìm thấy trong các đội thể thao hay võ thuật. Có thể nào một xã hội luôn dư thừa và đầy tiện nghi lại tự ý khép mình vào kỷ luật? Ðiều đó chỉ có thể xảy ra nếu nó tìm thấy một lý do, cũng như Thánh Aloysius trước đây. Ðộng lực để Thiên Chúa thanh luyện chúng ta là phải cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa qua sự cầu nguyện.
Lời Trích
"Anh em thân mến, khi cầu nguyện chúng ta phải tỉnh thức và tha thiết với tất cả tâm hồn, sốt sắng cầu nguyện. Hãy gạt bỏ tất cả những ý tưởng trần tục, cũng như đừng để linh hồn chúng ta lo lắng về bất cứ điều gì ngoại trừ đối tượng của sự cầu nguyện là Thiên Chúa" (Về Kinh Lạy Cha, Thánh Cyprian).
22 Tháng Sáu : Thánh Paulinus ở Nola (354?-431)
Qua thư từ của các thánh khác mà chúng ta biết được cuộc đời và đặc điểm của Thánh Paulinus mà ngài là bạn của các thánh Augútinô, Giêrôme, Martin, Grêgôriô và Ambrôsiô.
Sinh ở Bordeaux, nước Pháp, Paulinus thuộc dòng dõi quý tộc Rôma mà cha ngài là một pháp quan ở Gaul (Pháp). Gia đình ngài làm chủ không biết bao nhiêu ruộng đất ở Ý và Aquitaine. Paulinus được theo học ở trường Bordeaux về luật Rôma, thi văn, hùng biện, khoa học và triết. Sau đó ngài trở thành một luật sư có tiếng.
Sau khi cha mất sớm, Paulinus được Hoàng Ðế Gratian bổ nhiệm làm nghị sĩ Rôma khi mới 25 tuổi và một năm sau, ngài làm thống đốc Campania, cư ngụ ở vùng đồi núi Nola, ở phía đông Naples. Dường như Paulinus không thích sự phù hoa và danh vọng của chức quyền.
Sau khi được chứng kiến cảnh dân chúng được chữa lành ở mộ Thánh Felix, là quan thầy của Campania, Paulinus đã có ý định trở lại Kitô Giáo. Ngài hy sinh bộ râu cho Thánh Felix, từ chức thống đốc và trở về sống với người mẹ đang mong đợi ngài.
Sau khi du lịch đến Tây Ban Nha, Paulinus kết hôn với bà Therasia. Vào năm 36 tuổi, trước sự chứng kiến của người vợ, Paulinus (cùng với người em trai) được rửa tội bởi vị giám mục thánh thiện của Bordeaux là Thánh Delphinus.
Vào thời bấy giờ, Paulinus được gặp gỡ, chuyện trò với những người thánh thiện đương thời, tỉ như Thánh Martin ở Tours đã chữa lành con mắt thương tích của Paulinus một cách lạ lùng, và có lẽ sự hoán cải của người bạn tâm giao, Thánh Augustine, là động lực sau cùng thúc đẩy Paulinus theo Kitô Giáo.
Theo Ðức Kitô có nghĩa sống khó nghèo, do đó Paulinus đã bán tất cả tài sản ở Gaul và phân phát tiền bạc cho các người nghèo và những người làm công cho gia đình. Khi hai ông bà sang Tây Ban Nha, bà Therasia cũng bán tất cả đất đai của mình và dùng tiền của để chuộc các người nô lệ và các con nợ.
Hai ông bà có được một con trai, nhưng chỉ sau một tuần lễ, đứa bé đã từ trần cách đột ngột. Cho rằng cơ thể của bà Therasia không thích hợp để sinh con, Paulinus coi việc từ bỏ quyền làm chồng như một hành động bác ái, do đó hai người thề sống khiết tịnh và sống với nhau như anh em trong suốt cuộc đời.
Vì đời sống thánh thiện của hai ông bà, dân chúng ở Barcelona đã kiệu Paulinus đến trước mặt vị giám mục và yêu cầu tấn phong Paulinus làm linh mục, và ngài đã đồng ý với điều kiện của Paulinus là không bị ràng buộc vào một giáo xứ hay giáo phận. Sau đó Thánh Ambrôsiô là người đã chỉ dẫn cho Paulinus về nhiệm vụ linh mục.
Ðể sống lý tưởng của một chủ chăn, hai ông bà Paulinus và Therasia đã biến căn nhà của họ thành nơi tiếp đón người nghèo và người vô gia cư. Bà Therasia sống ở tầng trệt như một người quản lý, còn tầng trên là một đan viện mà Paulinus và các ẩn tu khác biến thành một trung tâm đan sĩ đầu tiên ở Tây Phương với lối sống cực kỳ kham khổ.
Vào năm 410, trước khi bà Therasia từ trần không lâu, dân chúng ở Nola đã chọn Paulinus làm giám mục. Quả thật ngài là vị giám mục tài giỏi vào thời ấy. Ðức Paulinus tiếp tục sống ở đan viện, ngài xây hệ thống thoát nước cho Nola cũng như các nhà thờ ở đây và ở Fondi.
Ðức Paulinus là một người hài hòa giữa con tim và trí óc. Các thư từ của ngài cho thấy sự khiêm tốn, tính tình dễ mến, thích khôi hài, trọng kỷ luật, và đời sống chiêm niệm của ngài. Những bút tích của ngài để lại chứng tỏ ngài là một thi sĩ Kitô Giáo và cũng là một tay viết văn xuôi có hạng.
Lời Trích
Thánh Paulinus thường đau yếu vì thể xác không được khỏe mạnh, nhưng ngài thản nhiên tuyên bố "sự yếu đuối của thân xác là một ích lợi cho tinh thần, khi xác thịt thiệt thòi thì tinh thần hoan hỉ."
23 Tháng Sáu : Thánh Giuse Cafasso (1811-1860)
Thánh Giuse Cafasso là một trong những linh mục thánh thiện có chân trong tổ chức Dòng Ba Phanxicô. Cha mẹ ngài là nông dân ở vùng Piedmont, nước Ý.
Ngay khi còn là một thanh niên, Giuse Cafasso đã yêu quý Thánh Lễ và nổi tiếng về sự khiêm tốn cũng như hăng say cầu nguyện. Sau khi thụ phong linh mục năm 1833, ngài được bổ nhiệm về một chủng viện ở Turin. Ở đây ngài hoạt động đặc biệt chống với ảnh hưởng của lạc thuyết Jansen và sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động của Giáo Hội. Cha Giuse dùng phương cách của Thánh Francis "de Sales" và Thánh Anphong Liguori để điều hòa sự khắc khổ quá đáng mà thời ấy rất phổ thông trong các chủng viện.
Cha Giuse đề nghị các linh mục tham dự vào Dòng Ba Phanxicô. Ngài thúc đẩy việc sùng kính Thánh Thể và khuyến khích rước lễ hàng ngày. Ngoài nhiệm vụ dạy học, Cha Giuse còn là một người giảng thuyết có tài, là cha giải tội nhân từ và là bậc thầy tổ chức tĩnh tâm. Nổi tiếng về hoạt động của ngài với các tử tù, Cha Giuse đã giúp nhiều tù nhân chết lành trong ơn nghĩa của Chúa.
Cha Gioan Bosco là một trong những học trò của Cha Giuse. Chính ngài khuyến khích Cha Gioan Bosco thành lập dòng Salesian để hoạt động cho giới trẻ ở Turin.
Cha Giuse từ trần ngày 23 tháng Sáu ở Turin và được phong thánh năm 1947.
Lời Bàn
Việc sùng kính Thánh Thể đã đem lại nhiệt huyết cho các hoạt động của Thánh Giuse Cafasso. Trong lịch sử Giáo Hội, sự sùng kính Thánh Thể là đặc tính của nhiều người Công Giáo gương mẫu, trong số đó có Thánh Phanxicô Assisi, Ðức Giám Mục Fulton Sheen, Ðức Hồng Y Joseph Bernardin và Mẹ Têrêsa Calcutta.
24 Tháng Sáu : Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả
Đức Giêsu gọi Gioan là người cao trọng nhất trong tất cả mọi người và là người đến trước Ngài: "Ta nói với các ngươi, trong những người sinh ra bởi phụ nữ, không ai cao trọng hơn Gioan..." Nhưng có lẽ Thánh Gioan sẽ hoàn toàn đồng ý với điều Ðức Giêsu nói thêm sau đó: "Tuy nhiên, người nhỏ nhất trong nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông ta" (Luca 7:28).
Có một thời gian Thánh Gioan sống trong sa mạc, là vị ẩn tu. Ngài loan báo nước trời đã gần đến, và mời gọi mọi người hoán cải đời sống.
Mục đích của ngài là chuẩn bị con đường cho Ðức Giêsu. Ngài nói, phép rửa của ngài là để ăn năn sám hối. Nhưng Ðấng sắp đến sẽ rửa với Thần Khí và lửa. Gioan không xứng đáng để xách dép cho Người. Thái độ của Thánh Gioan đối với Ðức Giêsu là: "Ngài phải nổi bật lên; tôi phải lu mờ đi" (Gioan 3:30).
Trong khi thanh tẩy những kẻ tội lỗi, Thánh Gioan đã khiêm tốn nhận ra Ðấng Thiên Sai và nói: "Tôi cần được thanh tẩy bởi Ngài" (Mt 3:14b). Nhưng Ðức Giêsu nhất định, "Hãy tiếp tục thi hành, vì như vậy chúng ta mới giữ trọn đức công chính" (Mt 3:15b). Ðức Giêsu, một con người đích thực và khiêm tốn cũng là Thiên Chúa hằng hữu, đã sẵn sàng thi hành bổn phận của bất cứ người Do Thái tốt lành nào. Thánh Gioan như vậy đã công khai đi vào tập thể của những người đang chờ đợi Ðấng Thiên Sai. Nhưng khi tự trở nên một phần tử của cộng đồng ấy, quả thực ngài thuộc về Ðấng Cứu Tinh.
Sự cao trọng của Thánh Gioan, một địa vị then chốt trong lịch sử cứu chuộc, được nhận thấy qua tường thuật của Thánh Luca về sự sinh hạ và các biến cố sau đó của Thánh Gioan -- cả hai yếu tố này đều xảy ra song song với cuộc đời của Ðức Giêsu. Thánh Gioan thu hút được rất nhiều người đến bờ sông Giođan, và một số người đã coi ngài như Ðấng Thiên Sai. Nhưng ngài luôn luôn chỉ đến Ðức Giêsu, ngay cả một số môn đệ của ngài cũng được sai đến để trở thành các môn đệ đầu tiên của Ðức Giêsu.
Có lẽ Thánh Gioan không nghĩ là Nước Trời được hoàn tất một cách tuyệt hảo trong sứ vụ rao giảng của Ðức Giêsu. Vì bất cứ lý do gì, (trong khi ở tù) ngài đã sai các môn đệ đến hỏi Ðức Giêsu xem có phải Người là Ðấng Thiên Sai hay không. Câu trả lời của Ðức Giêsu cho thấy Ðấng Thiên Sai mang hình ảnh Người Tôi Tớ Ðau Khổ trong sách tiên tri Isaia. Chính Thánh Gioan cũng đã chia sẻ trong sự đau khổ của Ðấng Cứu Tinh, ngài đã chết vì sự trả thù của Herodias.
Lời Bàn
Thánh Gioan thách đố mọi Kitô Hữu chúng ta hãy có lối sống xứng hợp của những người theo Ðức Kitô -- hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa Cha, qua Ðức Kitô. Ngoại trừ Mẹ Thiên Chúa, không ai có chức năng cao cả hơn trong việc khai mở ơn cứu độ. Tuy nhiên, Ðức Giêsu nói, người bé mọn nhất Nước Trời còn cao trọng hơn Thánh Gioan, vì chính ơn sủng tinh tuyền nhất mà Thiên Chúa Cha đã ban cho. Sự khắc khổ cũng như sự nổi tiếng của Thánh Gioan, khi ngài can đảm tố giác những điều xấu xa -- tất cả là bởi ngài tận hiến triệt để và hoàn toàn cuộc đời ngài cho thánh ý Thiên Chúa.
Lời Trích
"Và điều này không chỉ đúng có một lần từ lâu trong quá khứ. Nó luôn luôn đúng, vì điều ngài kêu gọi là sự sám hối và đó luôn luôn là con đường dẫn vào Nước Trời. Ngài không phải là một nhân vật mà chúng ta có thể quên đi vì Ðức Giêsu, sự sáng thật, đã xuất hiện. Thánh Gioan luôn luôn xứng hợp vì ngài kêu gọi sự chuẩn bị mà tất cả mọi người cần phải thi hành. Do đó, hàng năm có bốn tuần lễ trong lịch trình Giáo Hội để chúng ta lắng nghe tiếng gọi của Thánh Gioan Tẩy Giả. Ðó là các tuần Mùa Vọng" (Giáo Lý Công Giáo).
25 Tháng Sáu : Chân Phước Jutta ở Thuringia (c. 1264?)
Vị thánh quan thầy của nước Phổ sinh trong một gia đình giầu có và quyền thế nhưng từ trần cách đơn sơ như một người nghèo.
Sau khi kết hôn với một người quý tộc và đạo đức, Jutta và chồng sống rất đạo hạnh, cả hai quý trọng chân lý và cố gắng trau dồi nhân đức. Trong một cuộc hành hương đến các thánh địa ở Giêrusalem, người chồng lâm bệnh và từ trần. Bà quả phụ Jutta ở vậy nuôi con.
Sau khi con cái đã khôn lớn và có đủ nhu cầu cho đời sống, bà Jutta quyết định sống một cuộc đời chỉ để làm vui lòng Thiên Chúa. Bà bán mọi y phục, nữ trang, đồ đạc đắt tiền và gia nhập dòng Phanxicô Thế Tục, với chiếc áo dòng tầm thường.
Kể từ đó trở đi, cuộc đời bà tận tụy cho tha nhân: chăm sóc người đau yếu, nhất là người bị cùi; lo cho người nghèo ngay ở các lều tranh lụp xụp của họ; giúp đỡ người tàn tật và mù lòa mà bà cho họ sống ngay trong nhà. Nhiều người quý tộc thời ấy đã cười nhạo bà Jutta là không biết dùng thời giờ cho đúng. Nhưng bà Jutta đã nhìn thấy diện mạo của Thiên Chúa trong các người bất hạnh và cảm thấy vinh dự khi được phục vụ.
Vào khoảng năm 1260, trước khi từ trần không lâu, bà Jutta sống gần những người ngoại đạo ở miền đông nước Ðức. Ở đó, bà dựng một mái nhà đơn sơ và không ngừng cầu nguyện cho sự hoán cải của những người chung quanh. Trong nhiều thế kỷ, bà được sùng kính như vị quan thầy đặc biệt của nước Phổ.
sinh năm 1797 tại Trung Lễ, Liên Thủy, Nam Ðịnh, Thầy Giảng, xử trảm ngày 25-6-1838 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 25-6.
sinh năm 1765 tại Baena, Córdova, Tây Ban Nha, Giám Mục, Dòng Ða Minh, xử trảm ngày 25-6-1838 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 25-6.
26 tháng 6 : Chân Phước Raymond Lull (1235-1315)
Hầu hết cuộc đời của Chân Phước Raymond là để giúp đỡ công cuộc truyền giáo và ngài từ trần khi truyền giáo ở Bắc Phi.
Raymond là con của một viên tướng chỉ huy ở Palma, Majorca và được làm việc dưới triều của Vua James I xứ Aragon, với công việc đại quản gia của triều đình. Tuy đã lập gia đình, nhưng Raymond vẫn còn gian díu với các thê thiếp. Một hôm khi đang viết thư cho tình nhân thì Raymond được thị kiến Ðức Kitô, và năm lần tiếp đó. Sau cuộc hành hương đến Compostela và Rocamadour, ngài gia nhập dòng ba Phanxicô, chia tài sản cho vợ con và tận hiến cuộc đời còn lại cho việc hoán cải người Hồi Giáo.
Lui về đời sống ẩn dật, ngài sống như một vị ẩn tu. Trong thời gian chín năm, ngài viết về mọi loại kiến thức mà công trình ấy giúp ngài xứng với danh hiệu "Tiến Sĩ Khai Sáng." Sau đó, Raymond thực hiện nhiều cuộc hành trình đến Âu Châu để thuyết phục các giáo hoàng, các hoàng đế và thái tử trong việc thiết lập các trường đặc biệt nhằm chuẩn bị cho các nhà thừa sai trong công cuộc truyền giáo.
Sau nhiều lần thất bại, sau cùng vào năm 1311 ngài đã thành công khi Công Ðồng Vienne ra lệnh cho thành lập các phân khoa dạy tiếng Do Thái, Ả Rập và Canđê tại các trường đại học Bologna, Oxford, Balê và Salamanca.
Vào năm 79 tuổi, chính Raymond đến Bắc Phi để truyền giáo. Một đám đông người Hồi Giáo đã thịnh nộ ném đá ngài ở thành phố Bougie nhưng được các thủy thủ người Genoa cứu thoát. Trên con tầu trở về nước, ngài đã từ trần khi gần đến Majorca.
Chân Phước Raymond sáng tác rất nhiều. Ngài viết trên 300 luận án về triết học, âm nhạc, hàng hải, luật pháp, thiên văn, toán học, và thần học (hầu hết bằng tiếng Ả Rập). Ngài cũng sáng tác thi văn thần nghiệm và được coi là người tiên phong của Thánh Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá trong lãnh vực này.
Lời Bàn
Chân Phước Raymond đã tận tụy trong việc loan truyền Phúc Âm. Sự thờ ơ của các nhà lãnh đạo trong Giáo Hội cũng như sự chống đối ở Bắc Phi đã không làm ngài nản chí. Ba trăm năm sau, hoạt động của ngài bắt đầu có ảnh hưởng ở Mỹ Châu. Khi người Tây Ban Nha bắt đầu truyền giáo ở Tân Thế Giới, họ đã theo ý tưởng của ngài và thành lập các trường truyền giáo để chuẩn bị cho công cuộc này.
27 Tháng Sáu : Thánh Cyril ở Alexandria (376?-444)
Thánh Cyril sinh ở Alexandria, Ai Cập. Ngài là cháu của Ðức Theophilus, thượng phụ của Alexandria. Sau khi học xong kinh điển và thần học, ngài được chính bác của mình tấn phong linh mục và tháp tùng Ðức Theophilus đến Constantinople để tham dự Thượng Hội Ðồng Oak nhằm truất phế Ðức Gioan Kim Khẩu (sau này mới biết là bị kết tội oan).
Khi Ðức Theophilus từ trần vào năm 412, ngài lên kế vị bác của mình sau cuộc tranh đấu với phe ủng hộ người đối thủ là Timotheus. Ngay sau khi lên ngôi, Ðức Cyril bắt đầu tấn công lạc thuyết Novatianô với việc đóng cửa các nhà thờ; đuổi những người Do Thái ra khỏi thành phố; và phản bác một số hành động của quan đầu tỉnh Orestes là người theo phe Novatianô.
Vào năm 430, Ðức Cyril lại xung đột với Nestorius, thượng phụ của Constantinople, là người cho rằng Ðức Maria không phải là Mẹ Thiên Chúa vì Ðức Kitô là Thiên Chúa chứ không phải con người, hậu quả là không thể dùng chữ theotokos (người-mang-Thiên-Chúa) áp dụng cho Ðức Maria. Ðức Cyril thuyết phục được Ðức Giáo Hoàng Celestine I triệu tập một công đồng ở Rôma nhằm lên án Nestorius, và chính ngài cũng hành động tương tự trong công đồng Alexandria.
Vào năm 431, Ðức Giáo Hoàng Celestine ra lệnh cho Ðức Cyril truất phế Nestorius. Trong Ðại Công Ðồng Ephêsô lần thứ ba, với sự tham dự của hai trăm giám mục và dưới sự chủ tọa của Ðức Cyril, công đồng đã lên án mọi giáo thuyết của Nestorius là sai lầm trước khi Ðức Tổng Giám Mục Gioan ở Antiôkia và bốn mươi hai môn đệ ủng hộ giáo thuyết của Nestorius kịp đến tham dự. Khi thấy mọi sự đã lỡ, họ tổ chức một công đồng riêng để truất phế Ðức Cyril. Hoàng Ðế Theodosius II bắt giữ cả hai người, Ðức Cyril và Nestorius nhưng sau đó đã trả tự do cho Ðức Cyril khi các đại diện của đức giáo hoàng xác nhận các quyết định của công đồng.
Hai năm sau, Ðức Tổng Giám Mục Gioan, đại diện cho các giám mục ôn hòa ở Antiôkia, đã ký kết một thỏa ước với Ðức Cyril và cùng lên án Nestorius. Trong quãng đời còn lại, Ðức Cyril đã viết nhiều luận án làm sáng tỏ học thuyết về Thiên Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm Nhập Thể nhằm ngăn chặn lạc thuyết Nestorius và Pelagian khỏi ăn sâu vào cộng đồng Kitô Hữu.
Ngài là thần học gia sáng chói nhất của truyền thống Alexandria. Văn bút của ngài có đặc tính chính xác về tư tưởng, lập trường rõ ràng, và lý luận sắc bén. Các văn bản của ngài gồm các nhận định về Thánh Gioan, Thánh Luca, và ngày lễ Ngũ Tuần, các luận thuyết về thần học tín lý, cũng như các thư từ và bài giảng. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII tuyên xưng là tiến sĩ Giáo Hội vào năm 1882.
sinh năm 1767 tại Cần Phan, Nam Ðịnh, Thầy Giảng, Dòng Ba Ða Minh, chết rũ tù ngày 27-6-1840 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 27-6.
28 Tháng Sáu : Thánh Irenaeus (130?-220)
Các văn bản của Thánh Irenaeus giúp ngài có một địa vị cao trọng trong các giáo phụ của Giáo Hội, vì các tư tưởng ấy không những giúp hình thành nền tảng thần học Kitô Giáo mà còn phô bầy và bài bác các sai lầm của phe Gnostic, gìn giữ được đức tin Công Giáo khỏi những nguy hiểm của lạc thuyết.
Có lẽ ngài sinh vào khoảng năm 125, trong một vùng ven biển của Tiểu Á là nơi có đông người Kitô Giáo và ký ức về các tông đồ vẫn còn được trân quý. Ngài chịu ảnh hưởng rất nhiều của Thánh Polycarp là người đã từng được gặp các tông đồ hoặc các môn đệ trực tiếp của các ngài.
Khi các linh mục và nhà thừa sai người Á Châu đem tin mừng đến cho người Gaul và thiết lập một giáo hội địa phương ở Lyon, Thánh Irenaeus đã phục vụ ở giáo phận này dưới quyền vị giám mục đầu tiên là Thánh Pothinus. Vào năm 177, Irenaeus được sai đến Rôma, vì thế ngài không được phúc tử đạo như Ðức Pothinus trong thời kỳ bách hại ở Lyons. Khi trở về, ngài kế vị đức giám mục trông coi giáo phận.
Vào lúc ấy, tuy sự bách hại không còn nhưng lạc thuyết Gnostic tràn lan khắp xứ Gaul. Khi thấy các Kitô Hữu bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạc thuyết, ngài biết việc phải làm là phô bầy các lầm lạc của phe Gnostic. Ngài viết năm cuốn sách mà trong đó nêu ra các sai lầm nội tại của các lạc thuyết, đồng thời so sánh các thuyết ấy với Kinh Thánh và giáo huấn của các Tông Ðồ. Công trình này, được viết bằng tiếng Hy Lạp mà ngay sau đó được dịch sang tiếng La tinh, được lưu hành rộng rãi và rất thành công trong việc đối phó với phe Gnostic. Từ đó trở đi, ở bất cứ cấp độ nào, lạc thuyết Gnostic không còn là một đe dọa đối với đức tin Công Giáo.
Một nhóm Kitô Hữu ở Tiểu Á bị Ðức Giáo Hoàng Victor III ra vạ tuyệt thông vì họ không chấp nhận ngày tháng cử hành lễ Phục Sinh của Giáo Hội Tây Phương. Thánh Irenaeus đã can thiệp với đức giáo hoàng để rút lại hình phạt này, ngài cho thấy đó không phải là vấn đề quan trọng vì họ theo thói quen cũ mà Ðức Polycarp và Ðức Giáo Hoàng Anicetus không coi đó là sự chia cắt trong Giáo Hội. Ðức giáo hoàng đã phản ứng cách thuận lợi và hàn gắn được sự bất hòa.
Người ta không rõ Thánh Irenaeus từ trần vào lúc nào, nhưng tin là vào năm 202. Thi hài của ngài được chôn trong hầm mộ trong cung thánh của nhà thờ Thánh Gioan, và sau đó được đổi tên là Thánh Irenaeus. Vào năm 1562, nhà thờ và hầm mộ của ngài bị phe Calvin tiêu hủy, mọi thánh tích của ngài dường như cũng tiêu tan.
29 Tháng Sáu : Thánh Phêrô và Phaolô (c. 64?)
Thánh Phêrô: Thánh sử Máccô chấm dứt phần thứ nhất của Phúc Âm với một tuyệt đỉnh thắng lợi. Sau khi ghi lại nhiều sự hồ nghi, hiểu lầm và chống đối Ðức Giêsu, giờ đây Phêrô tuyên xưng đức tin: "Thầy là Ðấng Thiên Sai" (Máccô 8:29b). Ðó là một trong những giây phút huy hoàng của cuộc đời Thánh Phêrô, kể từ ngày ngài được kêu gọi ở Biển Galilê để trở thành kẻ lưới người.
Tân Ước rõ ràng cho thấy Phêrô là vị lãnh đạo các tông đồ, được Ðức Giêsu chọn với một tương giao đặc biệt. Cùng với Giacôbê và Gioan, Phêrô được đặc ân chứng kiến sự Biến Hình, sự sống lại của một đứa trẻ đã chết và sự thống khổ trong vườn Cây Dầu. Bà mẹ vợ của Phêrô bị Ðức Giêsu quở trách. Ngài được sai đi với Gioan để chuẩn bị cho lễ Vượt Qua trước khi Ðức Giêsu từ trần. Tên của ngài luôn luôn đứng đầu các vị tông đồ.
Và Phêrô là người duy nhất được Ðức Giêsu nói, "Này Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời. Bởi thế, Thầy bảo với anh: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy,và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời. Anh cầm buộc gì dưới đất, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; anh tháo cởi điều gì dưới đất, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy" (Mátthêu 16:17b-19).
Nhưng các chi tiết xác thực của Phúc Âm cho thấy các thánh sử không xu nịnh Phêrô. Hiển nhiên ngài là một người không biết giao tế. Và đó là sự an ủi lớn lao cho chúng ta khi thấy Phêrô cũng có những yếu đuối con người, ngay cả trước mặt Ðức Giêsu.
Phêrô đã độ lượng hy sinh mọi sự, tuy nhiên ngài vẫn có thể hỏi một câu thật nông cạn như trẻ con, "Chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy chúng con sẽ được gì?" (x. Mt 19:27). Ngài phải chịu sự tức giận vô cùng của Ðức Kitô khi chống đối ý tưởng của một Ðấng Thiên Sai đau khổ: "Satan, hãy lui ra sau Ta! Anh cản lối Ta. Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người" (Mt. 16:23b).
Phêrô sẵn sàng chấp nhận lý thuyết về sự tha thứ của Ðức Giêsu, nhưng dường như chỉ trong giới hạn bảy lần. Ngài đi trên mặt nước khi vững tin, nhưng bị chìm khi hồ nghi. Ngài không để Ðức Giêsu rửa chân cho mình, nhưng lại muốn toàn thân được sạch. Ngài thề không khi nào chối Chúa trong bữa Tiệc Ly, và sau đó lại thề với người tớ gái là ngài không biết người ấy. Ngài trung thành chống lại sự bắt giữ Ðức Giêsu bằng cách chém đứt tai tên Man-khô, nhưng sau cùng ngài lẩn trốn với các tông đồ khác. Trong sự phiền muộn vô cùng, Ðức Giêsu đã nhìn đến ngài và tha thứ cho ngài, và Phêrô đi ra ngoài khóc lóc thảm thiết.
Thánh Phaolô: Nếu giả như có nhà truyền giáo Hoa Kỳ kêu gọi phải chấp nhận chủ nghĩa Mác-xít chứ đừng tôn trọng Hiến Pháp, thì phản ứng tức giận sẽ giúp chúng ta hiểu cuộc đời Thánh Phaolô hơn khi ngài bắt đầu rao giảng là chỉ có Ðức Kitô mới cứu chuộc được chúng ta. Ngài từng là người Pharixiêu hơn ai hết, trung thành với luật Môisen hơn ai hết. Nhưng bây giờ bỗng dưng ngài xuất hiện trước các người Do Thái như một người lạc giáo của Dân Ngoại, một kẻ phản bội và chối đạo.
Tâm điểm đức tin của Phaolô thật đơn giản và tuyệt đối: chỉ Thiên Chúa mới có thể cứu chuộc nhân loại. Không một nỗ lực nào của con người -- ngay cả việc tuân giữ lề luật cặn kẽ nhất -- có thể tạo nên công trạng để chúng ta có thể dâng lên Thiên Chúa như của lễ đền tội và đền đáp các ơn sủng. Ðể được cứu chuộc khỏi tội lỗi, khỏi sự dữ và cái chết, nhân loại phải triệt để mở lòng cho quyền năng cứu độ của Ðức Giêsu Kitô.
Phaolô không bao giờ mất sự yêu quý dòng dõi Do Thái của ngài, mặc dù ngài tranh luận nhiều với họ về sự vô dụng của Luật mà không có Ðức Kitô. Ngài nhắc nhở cho Dân Ngoại biết rằng họ được tháp nhập vào tổ tiên của người Do Thái, là những người được Chúa chọn, là con cái của lời đã hứa.
Vào ngày 29-6, chúng ta tưởng nhớ sự tử đạo của hai vị tông đồ. Ngày tháng này có từ năm 258, dưới thời bách hại của Valerian, khi các tín hữu tìm cách lấy xác của hai ngài để khỏi rơi vào tay các kẻ bách hại.
Kinh Thánh không ghi lại cái chết của Thánh Phêrô và Phaolô, hoặc bất cứ vị Tông Ðồ nào, ngoại trừ Thánh Giacôbê con ông Giêbêđê (TVCÐ 12:2), nhưng qua các bài đọc và truyền thuyết có từ thời Giáo Hội tiên khởi, các ngài đã tử đạo ở Rôma dưới thời Hoàng Ðế Nêrô, và được chôn cất ở đây. Là một công dân Rôma, có lẽ Thánh Phaolô bị chặt đầu. Còn Thánh Phêrô, được biết ngài bị treo ngược đầu trên thập giá.
30 tháng 6 : Các Vị Tử Ðạo Tiên Khởi ở Rôma (c. 68 A.D.)
Nhiều năm sau khi Ðức Giêsu về trời, chỉ có khoảng một chục người Kitô Giáo ở Rôma, dù rằng họ không phải là những người tòng giáo của "vị tông đồ Dân Ngoại" (Rom 15:20). Khi Thánh Phaolô viết lá thư ấy vào khoảng 57-58 A.D. thì ngài chưa đến thăm họ.
Ở Rôma có nhiều người Do Thái. Có lẽ vì sự tranh chấp giữa những người Do Thái truyền thống và Do Thái theo Kitô Giáo mà Hoàng Ðế Claudius đã trục xuất tất cả người Do Thái ra khỏi Rôma trong những năm 49-50 A.D. Sử gia Suetonius nói rằng việc trục xuất là vì những xáo trộn trong thành phố "gây nên bởi một vài Kitô Hữu." Có lẽ sau khi Claudius từ trần, nhiều người đã trở lại đây vào năm 54, vì lá thư của Thánh Phaolô dường như viết cho một giáo đoàn Dân Ngoại đông đảo.
Vào tháng Bảy năm 64, hơn một nửa thành phố Rôma bị tiêu hủy vì hỏa hoạn. Người ta đồn rằng chính Hoàng Ðế Nero đã gây ra thảm kịch này vì muốn nới rộng cung điện của ông. Nero đã mưu mô đánh lạc hướng bằng cách kết tội người Kitô Giáo. Theo sử gia Tacitus, một "số đông" Kitô Hữu đã bị chết vì "sự thù hận của con người." Thánh Phêrô và Thánh Phaolô có lẽ cùng chung số phận với những người này.
Lời Bàn
Bất cứ đâu Tin Mừng của Ðức Giêsu được rao giảng, ở đó có sự chống đối như Ðức Giêsu đã từng gặp, và nhiều người theo Ngài đã chia sẻ sự đau khổ và sự chết của Ngài. Nhưng không một sức lực nào của loài người có thể ngăn chặn quyền năng của Thần Khí đang giải thoát thế giới. Máu của các vị tử đạo đã từng là, và sẽ luôn luôn là hạt giống đức tin.
Lời Trích
Ðức Giáo Hoàng Clêmentê I, người kế vị Thánh Phêrô đã viết: "Chính vì sự đố kỵ và ghen ghét mà các trụ cột vĩ đại và chính trực của Giáo Hội đã bị bách hại và đã chiến đấu cho tới chết... Trước nhất, Thánh Phêrô, vì sự ghen tương vô lý ngài phải đau khổ không chỉ một hoặc hai lần nhưng nhiều lần, và như thế ngài đã hy sinh làm chứng, đã đến nơi vinh hiển mà ngài đáng được. Vì sự đố kỵ và tranh chấp, Thánh Phaolô đã cho thấy cái giá của sự kiên trì. Ngài bị xiềng xích bảy lần, bị lưu đầy, và bị ném đá; là một sứ giả từ đông sang tây, ngài đáng được kính phục vì đức tin của ngài...
"Chung quanh các đấng ấy là một đám đông những người được tuyển chọn, mặc dù là nạn nhân của sự ghen ghét, họ đã đem cho chúng ta gương mẫu cao quý nhất về sự chịu đựng khi bị tra tấn và sỉ nhục. Vì sự đố kỵ mà các phụ nữ phải đau khổ, như bà Dirce hoặc các con gái của Danaus, họ phải đau đớn khủng khiếp vì các hành động thô bạo. Nhưng họ đã can đảm chu toàn đức tin bất kể sự yếu đuối của thân xác và đã chiếm được phần thưởng cao quý."
sinh năm 1764 tại Trà Lũ, Phú Nhai, Linh Mục, Dòng Ða Minh, xử trảm ngày 30-6-1838 tại Hải Dương dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 30-6.
Nguồn: http://www.nguoitinhuu.org/
Tháng 7
1 Tháng Bảy : Chân Phước Junipero Serra (1713-1784)
2 Tháng Bảy : Thánh Bernardino Realino (1530-1616)
3 Tháng Bảy : Thánh Tôma Tông Ðồ
4 Tháng Bảy : Thánh Elizabeth ở Bồ Ðào Nha (1271-1336)
5 Tháng Bảy : Thánh Antôn Zaccaria (1502-1539)
6 Tháng Bảy : Thánh Maria Goretti (1890-1902)
7 Tháng Bảy : Chân Phước Emmanuel Ruiz và Các Bạn (1804-1860)
8 Tháng Bảy : Chân Phước Gregory Grassi và Các Bạn (k. 1900)
9 Tháng Bảy : Thánh Nicôla Pieck và Các Bạn (c. 1572)
10 Tháng Bảy : Thánh Vêrônica Giuliani (1660-1727)
11 Tháng Bảy : Thánh Bênêđích (Biển Ðức) (480?-543)
12 Tháng Bảy : Thánh Gioan Gualbert (993-1073)
13 Tháng Bảy : Thánh Henry II (972-1024)
14 Tháng Bảy : Thánh Kateri Tekakwitha (1656-1680)
15 Tháng Bảy : Thánh Bônaventura (1221-1274)
16 Tháng Bảy : Ðức Bà Núi Camêlô
17 Tháng Bảy : Thánh Phanxicô Sôlanô (1549-1610)
18 Tháng Bảy : Chân Phước Angeline ở Marsciano (1374-1435)
19 Tháng Bảy : Tôi Tớ Thiên Chúa Phanxicô Garcés và Các Bạn (k. 1781)
20 Tháng Bảy : Thánh Kunigunde (1224-1292)
21 Tháng Bảy : Thánh Lawrence ở Brindisi (1559-1619)
22 Tháng Bảy : Thánh Maria Mađalêna
23 Tháng Bảy : Thánh Bridget ở Thụy Ðiển (1303?-1373)
24 Tháng Bảy : Thánh Christina
25 Tháng Bảy : Thánh Giacôbê Tông Ðồ
26 Tháng Bảy : Thánh Gioankim và Thánh Anna
27 Tháng Bảy : Chân Phước Antôniô Lucci (1682-1752)
28 Tháng Bảy : Thánh Leopold Mandic (1887-1942)
30 Tháng Bảy : Thánh Phêrô Chrysologus (406-450?)
31 Tháng Bảy : Thánh I-nha-xiô ở Loyola (Y Nhã) (1491-1556)
========================
1 Tháng Bảy : Chân Phước Junipero Serra (1713-1784)
Miguel Jose Serra sinh ở đảo Majorca Tây Ban Nha, và lấy tên Junipero khi gia nhập Dòng Phanxicô. Ðược thụ phong linh mục năm 1737, ngài dạy triết thần ở Ðại Học Lulliana cho đến năm 1749 thì ngài chuyển sang công việc truyền giáo ở Tân Thế Giới và được gửi sang Mễ Tây Cơ.
Vào năm 1768, Cha Serra tiếp quản công cuộc truyền giáo của các linh mục dòng Tên (là những người đã bị chính quyền trục xuất cách sai lầm) trong tỉnh California Hạ và Thượng, lúc bấy giờ California là một tỉnh của Mễ Tây Cơ. Là một tông đồ hoạt động không biết mệt, Cha Serra trách nhiệm phần lớn cho việc thành lập và phát triển Giáo Hội ở vùng ven biển phía Tây của Hoa Kỳ khi phần đất này vẫn còn là khu vực truyền giáo.
Cuộc đời truyền giáo của Cha Junipero là một cuộc chiến chống với giá lạnh và đói khát, với các nhà lãnh đạo quân sự không có cảm tình và ngay cả bị nguy hiểm đến tính mạng vì những người da đỏ. Ðể duy trì tinh thần truyền giáo hăng say ấy, ngài cầu nguyện hàng đêm, có khi từ nửa đêm cho đến sáng.
Tổng cộng ngài đã sáng lập hai mươi mốt trung tâm truyền giáo và hoán cải hàng ngàn người da đỏ. Những người tân tòng không những được học biết đức tin mà còn được dạy bảo cách trồng trọt, chăn nuôi cũng như thủ công nghệ.
Vì sự lao nhọc trong việc tông đồ, ngài từ trần ngày 28 tháng Tám 1784. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước năm 1988.
Lời Bàn
Lời trung thực nhất để diễn tả về Chân Phước Junipero là sự nhiệt huyết. Tinh thần đó xuất phát từ sự cầu nguyện chân thành và ý chí bất khuất. Châm ngôn của ngài là "luôn luôn tiến bước, đừng bao giờ lùi".
2 Tháng Bảy : Thánh Bernardino Realino (1530-1616)
Thánh Bernardino Realino sinh trong một gia đình quyền quý ở Capri, nước Ý. Sau khi được người mẹ chăm sóc, dạy bảo kỹ lưỡng về đạo giáo, lớn lên ngài theo học y khoa và học luật ở Ðại Học Bologna. Ngài lấy bằng tiến sĩ luật và làm thị trưởng Felizzano khi mới 26 tuổi. Ngài còn là chánh án của thành phố. Sau hai nhiệm kỳ, ngài được bổ nhiệm chức vụ trưởng ty quan thuế ở Alesandria, và sau đó làm thị trưởng của Cassine, và Castelleone.
Năm 32 tuổi, ngài được triệu về Naples để giữ chức phó toàn quyền. Ở đây ngài tham dự cuộc tĩnh tâm 8 ngày của các linh mục dòng Tên và đã xin gia nhập dòng này khi 34 tuổi. Ba năm sau, ngài được chỉ định làm Giám Ðốc Ðệ Tử Viện ở Naples.
Ngài làm việc cật lực ở Naples, tận tụy phục vụ người nghèo và giới trẻ. Sau đó, ngài được sai đến Lecce là nơi ngài sống bốn mươi năm cuối cùng của cuộc đời.
Ngài nổi tiếng vì công cuộc tông đồ không ngừng nghỉ. Ngài là một cha giải tội gương mẫu, một vị thuyết giảng lôi cuốn, một thầy giáo cần cù của Ðức Tin cho người trẻ, một chủ chiên tận tụy cho các linh hồn, cũng như là Giám Ðốc trường Dòng Tên ở Lecce và là cha sở ở đây. Lòng bác ái của ngài dành cho người nghèo và người đau yếu dường như vô bờ bến, và sự nhân hậu của ngài đã giúp chấm dứt các mối thù truyền kiếp của nhiều người trong thành phố.
Sự trân quý của người dân Lecce đối với ngài quá lớn lao đến độ vào năm 1616, khi ngài đang hấp hối trên giường thì vị đại diện thành phố đã chính thức xin ngài bảo vệ cho người dân sau khi ngài từ trần. Không thể nói nên lời, Thánh Bernardino chỉ gật đầu chấp thuận. Ngài từ trần với lời cầu khẩn danh thánh Ðức Giêsu và Ðức Maria.
Ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô XII phong thánh năm 1947.
3 Tháng Bảy : Thánh Tôma Tông Ðồ
Thật tội nghiệp cho Thánh Tôma! Chỉ có một câu nói của ngài mà bị gán cho cái tên "Tôma Hồ Nghi" trong suốt 20 thế kỷ. Nhưng nếu ngài nghi ngờ thì ngài cũng đã tin. Lời ngài tuyên xưng đã trở thành một phát biểu đức tin trong Tân Ước: "Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!" (x. Gioan 20:24-28), và lời ấy đã trở thành lời cầu nguyện được đọc cho đến tận thế. Cũng nhờ ngài mà Kitô Hữu chúng ta có được lời nhận định của Ðức Giêsu: "Anh tin là vì anh đã thấy Thầy. Phúc cho những người không thấy mà tin" (Gioan 20:29).
Thánh Tôma cũng nổi tiếng vì sự can đảm của ngài. Có thể điều ngài nói là do bốc đồng -- vì ngài cũng bỏ chạy như các tông đồ khác khi Ðức Giêsu bị bắt bớ -- nhưng chắc chắn ngài đã không giả dối khi nói lên ý muốn cùng chết với Ðức Giêsu. Ðó là khi Ðức Giêsu đề nghị đến Bêtania sau khi Lagiarô từ trần. Vì Bêtania rất gần với Giêrusalem, điều đó có nghĩa phải đi bộ ngang qua phần đất của kẻ thù và rất có thể sẽ bị giết chết. Nhận biết sự kiện này, Thánh Tôma nói với các tông đồ khác, "Chúng ta hãy cùng đi để chết với Thầy" (Gioan 11:16b). Thánh Tôma còn được nhắc đến khi Ðức Giêsu hiện ra sau Phục Sinh, tại Hồ Tibêria khi bắt được nhiều cá một cách lạ lùng. Truyền thống nói rằng, sau biến cố Hiện Xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần, các Tông Ðồ đi rao giảng khắp nơi, và Thánh Tôma đã loan truyền Tin Mừng cho người Parthi, Medes, và Ba Tư; sau cùng ngài đến Ấn Ðộ, đem Ðức Tin cho dân chúng ở vùng ven biển Malaba, mà giáo đoàn đông đảo ấy tự nhận họ là "Kitô Hữu của Thánh Tôma." Ngài đã chấm dứt cuộc đời qua sự đổ máu cho Thầy mình, đã bị đâm bằng giáo cho đến chết ở nơi gọi là Calamine.
Lời Bàn
Thánh Tôma chia sẻ số phận của Thánh Phêrô, Thánh Giacôbê và Gioan (những người "con của sấm sét") Thánh Philípphê và lời thỉnh cầu dại dột của ngài khi muốn được nhìn thấy Chúa Cha -- thật vậy mọi tông đồ đều có những khiếm khuyết và thiếu hiểu biết. Tuy nhiên, chúng ta không thể chỉ chú ý đến các khuyết điểm này, vì Ðức Kitô đã không chọn những người vô dụng. Sự yếu đuối của các ngài vì bản tính loài người cho thấy sự thánh thiện là quà tặng của Thiên Chúa, chứ không phải công sức của con người; món quà ấy được ban cho những con người bình thường đầy khiếm khuyết; chính Thiên Chúa là người từ từ biến đổi những khuyết điểm ấy trở thành hình ảnh của Ðức Kitô, can đảm, trung tín và nhân hậu.
Lời Trích
"... Ðược thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần, Giáo Hội phải bước đi cùng một con đường mà Ðức Kitô đã đi: con đường khó nghèo và vâng lời, phục vụ và hy sinh cho đến chết... Và vì thế các tông đồ đã bước đi trong hy vọng. Vì Nhiệm Thể của Ðức Kitô, là Giáo Hội, các ngài đã cung ứng những gì còn thiếu sót trong sự đau khổ của Ðức Kitô qua những thử thách và đau khổ của các ngài (x. Col 1:24)" (Sắc lệnh Về Hoạt Ðộng Truyền Giáo của Giáo Hội, số 5).
sinh năm 1815 tại Cái Mơn, Vĩnh Long, Linh Mục, xử trảm ngày 03-7-1853 tại Ðình Khao dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 03-7.
4 Tháng Bảy : Thánh Elizabeth ở Bồ Ðào Nha (1271-1336)
Thánh Elizabeth là một công chúa Tây Ban Nha được gả cho vua Denis Bồ Ðào Nha khi mới mười hai tuổi. Ngoài sắc đẹp và tính tình dễ thương, thánh nữ còn là một người sùng đạo, tham dự Thánh Lễ hàng ngày.
Elizabeth là một người vợ nết na thánh thiện, nhưng ông chồng, dù lúc ban đầu rất yêu mến vợ nhưng sau đó ông là người đã gây nhiều đau khổ cho bà. Tuy là một nhà cầm quyền tốt, nhưng ông không muốn bà siêng năng cầu nguyện cũng như luyện tập các nhân đức khác. Thật vậy, bà có lòng thương người cách đặc biệt. Bà giúp đỡ của hồi môn cho các cô gái nghèo khi đi lấy chồng và thành lập nhiều tổ chức từ thiện, gồm một bệnh viện ở Coimbra, các nhà vãng lai cho khách đi xa, một trung tâm hoàn lương ở Torres Novas, và một cô nhi viện. Chính bà cũng đích thân chăm sóc bệnh nhân. Ngoài ra, với sự kiên nhẫn, bà còn chịu đựng sự bất trung của chồng và ngay cả nuôi nấng các người con riêng của ông.
Có một lần, nhà vua tin lời nói dối của một tiểu hầu, vì ganh tị, đã dựng chuyện xấu xa về bà Elizabeth với các tiểu hầu khác. Tức giận, nhà vua sai tiểu hầu mà ông tin là có tội đi đến lò vôi. Người thợ nung vôi được lệnh là quăng vào lò bất cứ tiểu hầu nào đến đây đầu tiên. Chú tiểu hầu tốt lành vâng lệnh ra đi, không biết rằng cái chết đang chờ trước mặt. Trên đường đi, theo thói quen, chú dừng chân tại một nhà thờ để dự lễ, nhưng Thánh Lễ đã bắt đầu được một nửa, do đó chú ở lại dự Thánh Lễ thứ hai. Trong khi đó, nhà vua sai tên tiểu hầu độc ác đến lò vôi để xem xét tình hình. Và đó chính là tiểu hầu bị quăng vào lò lửa! Khi nhà vua biết rõ câu chuyện, ông nhận ra sự quan phòng của Thiên Chúa đã gìn giữ chú tiểu hầu tốt lành, trừng phạt kẻ gian dối, và chứng minh sự vô tội của Hoàng Hậu Elizabeth.
Biến cố này đã giúp nhà vua thay đổi lối sống tốt lành hơn. Ông xin lỗi vợ trước mặt mọi người và tỏ lòng hết sức tôn trọng bà. Trong những ngày cuối đời của nhà vua, bà không rời ông nửa bước, ngoại trừ khi đi lễ, cho đến khi ông được chết lành.
Sau đó, bà từ giã việc triều chính để xin gia nhập tu viện dòng Thánh Clara Nghèo Hèn ở Coimbra. Sau khi bị từ chối, bà gia nhập dòng Ba Phanxicô và dựng một mái nhà đơn sơ gần tu viện. Trong mười một năm sau cùng, bà thi hành công việc bác ái nhiều hơn và sống hãm mình đền tội.
Bà Elizabeth là gương mẫu tuyệt vời về sự tử tế đối với người nghèo và là người hòa giải thành công giữa các hoàng thân thái tử trong hoàng tộc và giữa các quốc gia.
sinh năm 1775 tại Ninh Cường, Nam Ðịnh, Thầy Giảng, Dòng Ba Ða Minh, chết rũ tù ngày 04-7-1838 tại Hưng Yên dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 04-7.
5 Tháng Bảy : Thánh Antôn Zaccaria (1502-1539)
Khi Martin Luther tấn công những lạm dụng trong Giáo Hội, lúc ấy một phong trào canh tân đang manh nha thành hình. Trong số những người của phong trào có Thánh Antôn Zaccaria
Thuộc dòng dõi quý tộc, cha của Antôn Zaccaria mất sớm khi ngài mới hai tuổi, và mẹ ngài, người goá phụ 18 tuổi, ở vậy nuôi con. Bà tận tụy dạy dỗ đạo lý cho con ngay từ nhỏ. Khi 22 tuổi, Antôn lấy bằng tiến sĩ y khoa và làm việc ở Cremona, giúp đỡ người nghèo và siêng năng hoạt động tông đồ. Ngoài phần xác của con bệnh, ngài còn lo lắng đến phần hồn của họ, ngài là một giáo lý viên và được thụ phong linh mục lúc 26 tuổi.
Ðược sai đến Milan trong một vài năm, Cha Antôn Zaccaria thành lập hai tu hội, một cho nam giới và một cho nữ giới. Mục đích của tu hội là canh tân xã hội đang sa sút vào thời ấy, bắt đầu từ hàng giáo sĩ và tu sĩ.
Vì rất cảm kích Thánh Phaolô, Cha Antôn Zaccaria đặt tên cho tu hội là Bácnabê -- tên bạn đồng hành của Thánh Phaolô -- và ngài hăng say rao giảng ở trong nhà thờ cũng như ngoài đường phố, tổ chức các nhóm truyền giáo và không xấu hổ khi công khai ăn năn sám hối. Ngài còn khuyến khích những hình thức sinh hoạt mới mẻ, như giáo dân cộng tác trong công việc tông đồ, siêng năng rước lễ, chầu Thánh Thể và rung chuông nhà thờ vào 3 giờ chiều thứ Sáu hàng tuần.
Sự thánh thiện của Cha Antôn đã khích lệ nhiều người thay đổi đời sống, và như tất cả các vị thánh khác, ngài cũng bị nhiều người chống đối. Hai lần, tu hội của ngài phải chịu sự điều tra của các giới chức trong Giáo Hội, và cả hai lần đều được miễn trừ.
Ðang khi trên đường công tác hòa giải, ngài bị bệnh nặng và được đưa về thăm người mẹ. Ngài từ trần ở Cremona khi mới 36 tuổi.
Lời Bàn
Sự hăng say canh tân của Thánh Antôn Zaccaria có lẽ khiến nhiều người ngày nay "thất vọng". Vào thời điểm mà nhiều người trong Giáo Hội lẫn lộn giữa thế quyền và thần quyền, thì lời rao giảng, lối sống của Thánh Antôn không khác gì một cản trở cần diệt trừ. Nhưng lối sống ấy đích thực là linh đạo của Ðức Kitô, một Ðấng bị đau khổ, bị đóng đinh. Chúng ta cũng không thể "cao trọng hơn Thầy", và con đường thập giá luôn luôn là con đường dẫn đến vinh quang.
6 Tháng Bảy : Thánh Maria Goretti (1890-1902)
Thánh Maria Goretti sống ở trần thế có 12 năm, nhưng câu chuyện cuộc đời của thánh nữ đã xúc động biết bao tâm hồn.
Maria Goretti là con gái của một gia đình nghèo người Ý, mà cha chết sớm, chỉ còn người mẹ tần tảo nuôi con. Cô không có cơ hội để đi học, do đó cũng không biết đọc và biết viết. Khi rước lễ lần đầu, cô là một thiếu nữ to con so với cả lớp.
Trong buổi trưa hè oi ả vào tháng Bảy, Maria một mình ngồi may vá trên các bậc thang trong căn nhà lụp xụp. Lúc ấy, cô chưa đến 12 tuổi, nhưng cơ thể cô đã phát triển đẫy đà. Một chiếc xe bò dừng ở bên ngoài, và người thanh niên hàng xóm là Alessandro, 18 tuổi, chạy vào nhà, bước vội lên cầu thang. Hắn tấn công Maria và lôi cô vào phòng ngủ để hãm hiếp. Cô kháng cự và kêu cứu, trong hơi thở dồn dập cô cho biết thà chết còn hơn là phạm tội. "Ðó là tội. Chúa không muốn như vậy. Anh sẽ xuống hỏa ngục vì tội này." Như một con thú điên, Alessandro rút dao đâm túi bụi vào người Maria Goretti.
Trong khi nằm ở bệnh viện, Maria đã tha thứ cho Alessandro trước khi từ trần.
Kẻ sát nhân bị án tù 30 năm. Trong một thời gian dài, hắn vẫn không ăn năn sám hối và hay bực tức. Một đêm kia hắn mơ thấy Maria, tay cầm một bông hoa và trao cho hắn. Kể từ đó, cuộc đời Alessandro thay đổi. Sau khi được trả tự do, hành động đầu tiên của Alessandro là đến xin người mẹ của Maria tha thứ cho mình.
Câu chuyện của Maria Goretti ngày càng lan rộng và lòng sùng mộ vị tử đạo trẻ tuổi ngày càng gia tăng, nhiều phép lạ đã được ghi nhận và chưa đầy nửa thế kỷ, Maria Goretti đã được tuyên xưng á thánh. Trong buổi lễ phong chân phước, mẹ của Maria Goretti (lúc ấy 82 tuổi), hai cô em gái và một em trai cùng xuất hiện với Ðức Giáo Hoàng Piô XII ở bao lơn Công Trường Thánh Phêrô. Ba năm sau, vào năm 1950, ngài được phong thánh. Trong đám đông những người dự lễ có Alessandro Serenelli, lúc ấy đã 66 tuổi, đang quỳ gối với hai hàng nước mắt sung sướng lăn dài trên gò má.
Thánh Maria Goretti được coi là vị tử đạo vì ngài đã chiến đấu chống trả hành động bạo lực của Alessandro. Tuy nhiên, khía cạnh quan trọng nhất của thánh nữ là sự tha thứ cho kẻ xúc phạm, mà ngài vẫn lưu tâm đến kẻ thù ngay cả sau khi chết. Thánh Maria Goretti được đặt làm quan thầy giới trẻ và các nạn nhân bị hãm hiếp.
Lời Bàn
Có lẽ Thánh Maria Goretti phải vất vả khi học giáo lý, nhưng ngài không trở ngại gì với đức tin. Thiên Chúa muốn chúng ta thánh thiện, đoan trang, tôn trọng thân xác con người, tuyệt đối vâng phục, hoàn toàn tín thác. Trong một thế giới phức tạp, đức tin của thánh nữ thật đơn giản: Ðiều tiên quyết là đẹp lòng Thiên Chúa, và yêu mến Người bằng mọi giá. Trong xã hội ngày nay, đức khiết tịnh hầu như đã chết, Thánh Maria Goretti như một đóa sen, toả hương thanh tú trong đám bùn lầy.
7 Tháng Bảy : Chân Phước Emmanuel Ruiz và Các Bạn (1804-1860)
Chúng ta không biết gì nhiều về cuộc đời thơ ấu của Chân Phước Emmanuel Ruiz, nhưng cái chết anh hùng của ngài để bảo vệ đức tin đã được lưu truyền cho hậu thế.
Sinh trong một gia đình thanh bạch, khiêm tốn ở Santander, Tây Ban Nha, ngài là một linh mục dòng Phanxicô và phục vụ trong công cuộc truyền giáo ở Damascus, Syria. Vào lúc ấy, nơi đây có các cuộc nổi loạn chống với Kitô Hữu và đã khiến hàng ngàn người phải thiệt mạng.
Trong số đó có Cha Emmanuel, bề trên tu viện dòng Phanxicô, bảy tu sĩ khác và ba giáo dân. Khi đám người hung bạo bắt được các vị này, các ngài cương quyết không chối bỏ đức tin để theo Hồi Giáo. Họ bị tra tấn dã man trước khi chết vì đạo.
Cha Emmanuel, các tu sĩ Phanxicô và ba giáo dân được Ðức Giáo Hoàng Piô XI phong chân phước năm 1926.
Lời Bàn
Thế giới mà Chân Phước Emmanuel và các bạn của ngài đã sống thì rất khác với thế giới của chúng ta. Chúng ta yêu quý sự tự do tôn giáo mà chúng ta lựa chọn. Không ai dùng sự tra tấn và cái chết đễ đe dọa chúng ta nếu chúng ta từ chối không theo con đường của họ. Sự nguy hiểm mà chúng ta đối diện thì tinh tế hơn: đó là sự quyến dũ của nền văn minh vật chất. Có thể nó không dẫn dụ chúng ta từ bỏ đức tin, nhưng nó cũng không khích lệ chúng ta sống đức tin ấy một cách trọn vẹn. Cũng như Chân Phước Emmanuel và các bạn của ngài đã độ lượng đổ máu đào, chúng ta cũng phải độ lượng hy sinh của cải và thời giờ của chúng ta trong công việc xây dựng Nước Trời ở trần gian.
8 Tháng Bảy : Chân Phước Gregory Grassi và Các Bạn (k. 1900)
Các nhà thừa sai Kitô Giáo thường bị bắt trong các cuộc chiến chống với chính quốc gia của mình. Khi các chính phủ Anh, Ðức, Nga và Pháp buộc nhà cầm quyền Trung Hoa phải nhượng bộ đất đai vào năm 1898, cả một phong trào chống người ngoại quốc nổi dậy ở Trung Hoa.
Gregory Grassi sinh ở Ý năm 1833, thụ phong linh mục năm 1856 và năm năm sau ngài được sai đến Trung Hoa Lục Ðịa. Sau đó Cha Gregory được tấn phong làm Giám Mục của giáo phận Bắc Shanxi. Vào năm 1900, trong cuộc nổi dậy của các võ sĩ, cùng với 14 nhà truyền giáo Âu Châu và 14 tu sĩ Trung Hoa, ngài chịu tử đạo vào thời kỳ bách hại ngắn ngủi nhưng đẫm máu ấy.
Hai mươi sáu vị tử đạo bị bắt theo lệnh của Yu Hsien, quan đầu tỉnh Shanxi. Tất cả bị chết chém vào ngày 9 tháng Bảy 1900. Năm vị thuộc dòng Phanxicô Hèn Mọn; bảy vị thuộc tu hội Phanxicô Truyền Giáo của Ðức Maria -- là các vị tử đạo tiên khởi của tu hội. Về phía người Trung Hoa có bảy chủng sinh và bốn giáo dân, tất cả đều thuộc dòng Ba Phanxicô. Ba giáo dân Trung Hoa khác bị giết ở Shanxi chỉ vì làm việc cho các tu sĩ Phanxicô và bị bắt cùng với các người khác. Ba tu sĩ Phanxicô người Ý cũng được tử đạo trong tuần đó ở tỉnh Hunan.
Tất cả các vị tử đạo được phong chân phước vào năm 1946.
Lời Bàn
Tử đạo là sự nguy hiểm nghề nghiệp của các nhà truyền giáo. Trong cuộc nổi dậy của các võ sĩ ở Trung Hoa Lục Ðịa, năm giám mục, 50 linh mục, hai trợ sĩ, 15 nữ tu và 40,000 Kitô Hữu Trung Hoa đã bị giết. Tuy nhiên, số giáo dân Công Giáo Trung Hoa vào năm 1906 là 146,575 đã tăng lên đến 303,760 vào năm 1924. Sự hy sinh lớn lao đã đem lại kết quả lớn lao.
Lời Trích
"Tử đạo là một phần của bản chất Giáo Hội, vì nó biểu lộ cái chết của Kitô Hữu trong hình thức tinh tuyền, là một cái chết vì đức tin không chịu kiềm chế. Qua sự tử đạo, sự thánh thiện của Giáo Hội, thay vì thuần tuý vẫn chỉ có tính cách không tưởng, đã thể hiện một diễn đạt tỏ tường cần thiết nhờ ơn sủng của Thiên Chúa. Ngay từ thế kỷ thứ hai, người chấp nhận cái chết vì đức tin Kitô Giáo hoặc luân lý Kitô Giáo được coi là một 'chứng nhân'" Danh từ này xuất phát từ Phúc Âm, vì Ðức Giêsu Kitô là 'chứng nhân trung tín' tuyệt đối (Khải Huyền 1:5; 3:14)" (Karl Rahner, Tự Ðiển Thần Học, tập 2, trang 108-109).
9 Tháng Bảy : Thánh Nicôla Pieck và Các Bạn (c. 1572)
Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể chọn phương cách và thời điểm để làm chứng cho đức tin.
Vào năm 1568, các quốc gia thuộc Hà Lan bây giờ nổi dậy chống với các thái tử Tây Ban Nha. Ở phương bắc, cuộc nổi dậy còn chống với đạo Công Giáo. Các binh lính theo phái Calvin và chống Tây Ban Nha quy tụ thành một đạo quân ô hợp, vô kỷ luật, lục lọi các làng ven biển để cướp bóc. Khi bị hàng giáo sĩ khiển trách, họ quay sang tấn công Giáo Hội và chiếm giữ thành phố Gorkum. Ðể trả thù, họ bắt các giáo sĩ ở Gorkum và nhốt tất cả trong một nhà tù thật tồi tệ.
Cha Nicôla và các bạn (gồm 11 linh mục dòng Phanxicô và tám linh mục triều) còn được gọi là các "vị tử đạo ở Gorcum," đã bị bắt, bị tra tấn, bị mọi loại sỉ nhục, và được hứa trả tự do nếu các ngài công khai từ bỏ giáo huấn Công Giáo về sự hiện diện thật sự của Ðức Kitô trong bí tích Thánh Thể và quyền tối thượng của đức giáo hoàng. Các ngài đã can đảm tuyên xưng đức tin. Sau nhiều lần tra tấn và bị nhục nhã, vào ngày 9 tháng Bảy 1572, các ngài bị lột trần truồng, để như Ðức Kitô, bị người đời "khinh miệt và ruồng bỏ", và bị treo cổ cho đến chết. Thân xác các ngài bị chặt ra từng mảnh và bị ném xuống cống.
Sau đó không lâu, nơi các ngài tử đạo đã trở nên trung tâm hành hương và đã có nhiều phép lạ xảy ra ở đây. Tất cả đã được phong thánh vào năm 1867.
Lời Bàn
Hãy để ý đến giáo huấn mà các vị tử đạo phải đối diện. Coi Thánh Thể chỉ là sự tưởng nhớ Ðức Kitô và từ chối quyền lãnh đạo của đấng kế vị Thánh Phêrô dường như có vẻ dễ dàng. Thánh Nicôla và đồng bạn biết rõ tín điều này nằm trong hoạch định của Thiên Chúa muốn ban cho dân của Người, do đó các ngài không từ chối đức tin. Bí tích Thánh Thể và người kế vị Thánh Phêrô sẽ là khí cụ trong việc khôi phục sự hợp nhất Kitô Hữu.
Lời Trích
"Cha Nicôla nói, 'Ðã đến lúc chúng ta được nhận lãnh từ Thiên Chúa phần thưởng cho sự tranh đấu mà chúng ta khao khát từ lâu, là triều thiên hạnh phúc vĩnh cửu.' Ngài khuyến khích các đồng bạn đừng sợ chết, cũng đừng hèn nhát mà mất triều thiên được chuẩn bị cho họ và sẵn sàng đặt trên trán họ. Sau cùng ngài cầu xin cho mọi người sẽ hân hoan bước theo con đường mà họ thấy ngài đang tiến bước. Với những lời ấy, ngài hân hoan bước lên đoạn đầu đài mà không ngừng khích lệ các đồng bạn cho đến khi nghẹt thở không còn nói được nữa" (Tường Thuật Tử Ðạo).
10 Tháng Bảy : Thánh Vêrônica Giuliani (1660-1727)
Ước ao của Thánh Vêrônica là được giống Ðức Kitô bị đóng đinh và mong ước ấy đã được nhận lời với năm dấu thánh.
Thánh Vêrônica tên thật là Ursula Giuliani, sinh trưởng ở Mercatello nước Ý. Người ta kể lại khi mẹ của ngài hấp hối, bà đã gọi năm cô con gái đến cạnh giường và phó thác mỗi người con cho một vết thương của Chúa Giêsu. Ursula được phó thác cho vết thương cạnh sườn bên dưới trái tim Chúa Giêsu.
Ngay từ khi còn nhỏ, Ursula đã được các cảm nghiệm thần bí. Ngài viết: "Tôi nhớ là khi bảy hay tám tuổi, Ðức Giêsu đã hiện ra với tôi hai lần trong Tuần Thánh." Từ đó trở đi, Ursula hãm mình phạt xác và bị chính Satan tấn công nhiều lần.
Vào năm 17 tuổi, sau khi thuyết phục được người cha không ép buộc đi lấy chồng, Ursula gia nhập dòng Thánh Clara Hèn Mọn do các tu sĩ Capuchin điều khiển và lấy tên là Vêrônica. Trong những năm đầu đệ tử viện, ngài làm việc trong nhà bếp, bệnh xá, phòng thánh và là người giữ cửa. Vào lúc 34 tuổi, ngài làm giám đốc đệ tử viện và đã giữ chức vụ này trong 22 năm.
Trong thời gian tu trì, Sơ Vêrônica thường bị Satan quấy phá. Nó xô ngài ngã xuống cầu thang, nó giả dạng làm sơ giám đốc và đánh đập ngài tàn nhẫn. Nhưng Ðức Giêsu đã tỏ lòng quý mến ngài đặc biệt qua nhiều lần hiện ra và dưới nhiều hình thức. Có những lúc tưởng như sơ đã bị dập mặt xuống đất, nhưng lại được bảo bọc trong sự chiêm niệm thần bí.
Ba mươi lăm năm cuối cuộc đời là thời gian Sơ Vêrônica hoàn toàn đắm chìm trong Ðức Kitô. Thiên Chúa đã thử thách để sơ phải trải qua sự khô khan khủng khiếp. Satan cũng lợi dụng cơ hội này để tấn công ngài dữ dội. Chính trong thời gian ấy, Ðức Giêsu đã trao vương miện mão gai của Chúa cho sơ. Và điều ấy đã hoàn tất việc chuyển trao tất cả năm dấu thánh của Chúa.
Giới chức quyền trong Giáo Hội ở Rôma muốn thử nghiệm các vết thương của Sơ Vêrônica và mở cuộc điều tra. Ngài tạm thời phải từ chức giám đốc đệ tử viện và không được phép tham dự Thánh Lễ hàng ngày, ngoại trừ ngày Chúa Nhật và ngày lễ buộc. Trong những điều kiện khắt khe ấy, Sơ Vêrônica vẫn không cay đắng, và sau đó cuộc điều tra đã phục hồi chức giám đốc cho ngài.
Vào năm 56 tuổi, mặc dù ngài phản đối, các nữ tu trong dòng đã chọn ngài làm bề trên và ngài đã giữ chức vụ ấy trong 11 năm cho đến khi từ trần.
Sơ Vêrônica rất sùng kính Thánh Thể và Thánh Tâm. Ngài dâng hiến những đau khổ của mình cho công cuộc truyền giáo. Sơ Vêrônica được phong thánh năm 1839.
Lời Bàn
Tại sao Thiên Chúa lại ban năm dấu thánh cho Thánh Phanxicô Assisi và cho Thánh Vêrônica? Chỉ có Thiên Chúa mới biết được các lý do sâu xa, nhưng như Tôma Celano giải thích, các dấu thánh bên ngoài là để xác nhận lòng quý mến thập giá hằng ngày của các thánh nhân. Các dấu thánh xuất hiện trên thân thể của Thánh Vêrônica đã bắt nguồn từ lâu trong tâm hồn ngài. Ðó là một kết quả xứng hợp với lòng yêu mến Thiên Chúa của thánh nữ cũng như sự bác ái của ngài đối với các nữ tu trong dòng.
Lời Trích
Tôma Celano nói về Thánh Phanxicô như sau: Mọi vui thú thế gian là thập giá cho ngài, vì ngài đã mang thập giá Ðức Kitô được ăn sâu trong tâm hồn. Và vì thế năm dấu thánh mới hiện ra bên ngoài thân thể, vì tự bên trong các dấu thánh ấy đã được phát sinh từ tâm trí của ngài" (2 Celano, #211).
78. Antôn Nguyễn Hữu QUỲNH (Năm),
sinh năm 1768 tại Mỹ Hương, Quảng Bình, Y sĩ, xử giảo ngày 10-7-1840 tại Ðồng Hới dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 10-7.
sinh năm 1811 tại Ninh Bình, Thầy Giảng, xử giảo ngày 10-7-1840 tại Ðồng Hới dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 10-7.
11 Tháng Bảy : Thánh Bênêđích (Biển Ðức) (480?-543)
Thật đáng tiếc là không ai viết nhiều về một vị đã thể hiện biết bao kỳ công ảnh hưởng đến nếp sống đan viện Tây Phương. Thánh Bênêđích được đề cập đến nhiều trong các Ðối Thoại của Thánh Grêgôriô Cả sau khi ngài chết khoảng năm mươi năm, nhưng đó chỉ là các sơ thảo của biết bao điều lạ lùng trong cuộc đời thánh nhân.
Ngài sinh trong một gia đình lỗi lạc ở Nursia, thuộc miền trung nước Ý, theo học tại Rôma và ngay từ khi còn trẻ, ngài đã thích đời sống đan viện. Lúc đầu, ngài là một vị ẩn tu sống trong một cái hang ở Subiaco, xa lánh thế giới nhiều chán nản mà lúc bấy giờ giặc ngoại giáo đang lan tràn, Giáo Hội bị phân chia bởi ly giáo, dân chúng đau khổ vì chiến tranh, đạo lý ở mức độ thấp nhất.
Sau đó không lâu, ngài thấy không thể sống cuộc đời ẩn dật ở gần thành phố, dù lớn hay nhỏ, do đó ngài đi lên núi cao, sống trong một cái hang và ở đó ba năm. Trong một thời gian, một số đan sĩ chọn ngài làm vị lãnh đạo, nhưng họ cảm thấy không thể theo được sự nghiêm nhặt của ngài. Tuy nhiên, đó cũng là lúc ngài chuyển từ đời sống ẩn tu sang đời sống cộng đoàn. Ngài có sáng kiến quy tụ các nhánh đan sĩ khác nhau thành một "Ðại Ðan Viện", đem lại cho họ lợi ích của sự hợp quần, tình huynh đệ, và luôn luôn thờ phượng dưới một mái nhà. Sau cùng, ngài khởi công xây dựng một đan viện nổi tiếng nhất thế giới ở núi Cassino, cũng là nơi phát sinh dòng Bênêđích.
Cũng từ đó, một quy luật từ từ được hình thành nói lên đời sống cầu nguyện phụng vụ, học hỏi, lao động chân tay và sống với nhau trong một cộng đoàn dưới một cha chung là đan viện trưởng. Sự khổ hạnh của Thánh Bênêđích được coi là chừng mực, và đời sống bác ái của ngài được thể hiện qua sự lưu tâm đến những người chung quanh. Trong thời Trung Cổ, tất cả các đan viện ở Tây Phương dần dà đều sống theo Quy Luật Thánh Bênêđích.
Lời Bàn
Giáo Hội được nhiều ơn ích qua sự tận tụy của dòng Thánh Bênêđích về phụng vụ, không những chỉ các nghi thức phong phú được cử hành hiện nay nhưng còn các nghiên cứu học thuật của các phần tử trong dòng. Ðôi khi phụng vụ bị lầm lẫn với nhạc đời, với trống đàn đầy nhịp điệu kích động. Chúng ta phải biết ơn những người đã duy trì và thích ứng truyền thống đích thực về thờ phượng trong Giáo Hội.
Lời Trích
"Nói cho đúng, phụng vụ phải được coi là một sùng bái chức tư tế của Ðức Giêsu Kitô. Trong phụng vụ, con người được thánh hóa qua các dấu hiệu có thể cảm nhận được bằng giác quan...; trong phụng vụ, sự thờ phượng đầy đủ được thi hành bởi Nhiệm Thể của Ðức Giêsu Kitô, đó là, bởi Ðầu và các chi thể của Ngài.
"Từ đó xuất phát mọi nghi thức phụng vụ, vì đó là một hành động của Linh Mục Kitô và Thân Thể của Ngài là Giáo Hội, là một hành động thiêng liêng, vượt quá mọi thứ khác" (Hiến Chế Tín Lý về Phụng Vụ, 7).
12 Tháng Bảy : Thánh Gioan Gualbert (993-1073)
Sinh trong dòng họ quý tộc Visdomini ở Florence, Tuscany nước Ý, ngay từ nhỏ Gioan đã được học hỏi về đạo lý nhưng tâm hồn người thanh niên ấy bị lôi cuốn bởi những phù vân của thế gian hơn là đời sống đạo đức. Qua một biến cố đau thương, Chúa đã mở mắt Gioan. Ðó là cái chết thảm thương của Hugo, người em duy nhất của Gioan bị kẻ thù sát hại. Càng đau đớn bao nhiêu, Gioan càng quyết chí trả thù bấy nhiêu.
Vào một ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Gioan bắt gặp kẻ thù trên con đường mòn dẫn đến Florence. Hắn chỉ có một mình và không cách chi trốn thoát được. Gioan rút gươm ra tiến đến tấn công, định đâm chết kẻ thù ngay tại chỗ, nhưng người này đã buông vũ khí, quỳ gối xuống một cách tuyệt vọng và hắn phó thác linh hồn cho Chúa, nhắm mắt chờ đợi. Hành động ấy đã khiến Gioan do dự. Anh nhìn xuống kẻ thù và bỗng nhớ đến lời Ðức Kitô trên thập giá đã tha thứ cho những kẻ giết Ngài. Anh ôm lấy kẻ thù, tha thứ cho hắn và đi đến một nhà thờ ở Florence cầu nguyện với hàng nước mắt tuôn rơi vì nhớ đến đời sống tội lỗi của mình.
Sau đó Gioan gia nhập đan viện San Miniato ở Florence để ăn năn sám hối và siêng năng luyện tập các nhân đức, hy vọng sẽ sống mãi ở đây; nhưng khi đan viện trưởng từ trần và một đan sĩ khác đã hối lộ để lên được chức vụ này, Gioan ghê tởm bỏ đi. Ngài muốn tìm một cuộc sống không bị ảnh hưởng bởi các thối nát trong Giáo Hội thời bấy giờ mà hàng giáo sĩ có thê thiếp, đầy dẫy nạn con ông cháu cha và buôn thần bán thánh. Trong một ít lâu, Gioan sống với các đan sĩ Camaldoli tại đan viện Thánh Rômuanđô, nhưng sau đó ngài quyết định thành lập một tổ chức hoàn toàn mới.
Sau khi được tặng cho một ít đất ở Vallombrosa, cùng với sự giúp đỡ của một vài đan sĩ, ngài xây một đan viện nhỏ thật khiêm tốn, tuân giữ các quy luật nguyên thủy của Thánh Bênêđích. Ở đây, ngài tận tụy sống khó nghèo và hèn mọn. Thật vậy, ngài chưa bao giờ nhận chức linh mục và ngay cả từ chối nhận các chức nhỏ.
Cộng đoàn Vallombrosa đã cảm kích các cộng đoàn khác trong việc chăm sóc người nghèo và người đau yếu. Sau đó, các cộng đoàn này trở thành một phần tử của Dòng Vallombrosa sống theo quy luật của Ðức Gioan. Qua phương cách này Ðức Gioan trở nên người canh tân Giáo Hội mà các giáo hoàng đã giao phó cho ngài.
Bất cứ đan viện nào được thiết lập, Ðức Gioan luôn nhắc nhở họ phải xây dựng một cách vừa phải với vật liệu rẻ tiền và số tiền còn dư phải dùng để giúp đỡ người nghèo. Thật vậy, lòng bác ái của ngài được thể hiện qua một quy luật, mà bất cứ người nào đến xin nhà dòng đều được cấp dưỡng.
Ngay khi còn sống, Ðức Gioan đã nổi tiếng về sự khôn ngoan cũng như ơn tiên tri và làm phép lạ. Các giáo hoàng như Ðức Lêô IX, Ðức Stêphanô X đều đến nói chuyện với ngài. Ðức Giáo Hoàng Alexander II cho rằng Ðức Gioan đã có công trong việc xoá bỏ nạn buôn thần bán thánh trong quốc gia của ngài. Mặc dù được sự quý trọng của các giáo hoàng, Ðức Gioan vẫn luôn luôn khiêm tốn. Ngài từ trần ngày 12 tháng Bảy 1073, hưởng thọ khoảng 80 tuổi.
14. Clêmentê Ignaxiô DELGADO Y,
sinh năm 1761 tại Villa Felice, Tây Ban Nha, Giám Mục, Dòng Ða Minh, chết rũ tù ngày 12-7-1838 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 12-7.
sinh năm 1780 tại Hòa Duệ, Nghệ An, Linh Mục, xử trảm ngày 12-7-1842 tại Hà Tĩnh dưới đời vua Thiệu Trị, phong Chân Phúc ngày 11-4-1909 do Ðức Piô X, kính ngày 12-7.
sinh năm 1781 tại Bái Ðền, Thanh Hóa, Giáo dân, chết rũ tù ngày 12-7-1841 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Thiệu Trị, phong Chân Phúc ngày 11-4-1909 do Ðức Piô X, kính ngày 12-7.
13 Tháng Bảy : Thánh Henry II (972-1024)
Thánh Henry thuộc dòng dõi nhà vua mà cha là Công Tước xứ Bavaria, mẹ là công chúa xứ Burgundy. Ngay từ nhỏ, ngài được sự dạy bảo kỹ lưỡng của Thánh Wolfgang, là Giám Mục của Ratisbon. Năm 995, ngài kế vị cha làm Công Tước xứ Bavaria và năm 1002, sau khi người bác là Vua Otto III từ trần, ngài lên ngôi hoàng đế nước Ðức.
Vua Henry rất để ý đến hạnh phúc của người dân. Ðể bảo vệ công chính, nhiều lần ngài phải dẫn quân đi chiến đấu với các kẻ thù ở trong cũng như ngoài nước. Các chiến thắng không làm ngài tự đắc trở nên vô tâm mà ngài rất độ lượng và khoan hồng với kẻ thù.
Khoảng năm 998, ngài lập gia đình với một phụ nữ thánh thiện là Cunegundes. Sau này bà cũng được tuyên xưng là thánh. Vào năm 1014, cả hai người được ban thưởng cho danh hiệu hoàng đế và hoàng hậu của Thánh Ðế Quốc Rôma. Ðây là một vinh dự lớn lao vì chính Ðức Giáo Hoàng Bênêđích VIII đã đội vương miện cho hai người.
Tuy thừa hưởng tất cả những giầu sang và quyền thế ở trong tay, Hoàng Ðế Henry luôn nhớ đến các chân lý vĩnh cửu và suy niệm trong lòng. Thay vì đi tìm các vinh dự chóng qua của trần thế, ngài để ý đến những công việc làm vinh danh Thiên Chúa, trong đó sự thịnh vượng của Giáo Hội cũng như duy trì kỷ luật trong hàng giáo sĩ là điều ngài lưu tâm. Có lần ngài ao ước được từ chức để sống như một đan sĩ, nhưng theo lời khuyên bảo của đan viện trưởng ở Verdun, ngài đã ở lại ngôi vị.
Trong thời gian trị vì, ngài thành lập rất nhiều đoàn thể đạo đức, xây dựng nhiều cơ sở sinh hoạt tâm linh cũng như các đan viện và nhà thờ mới.
Ngài từ trần năm 1024, khi mới năm mươi hai tuổi và được phong thánh năm 1146.
Lời Bàn
Gương mẫu đời sống của Thánh Henry khiến chúng ta phải nhìn lại sự bận rộn của đời sống chúng ta. Có ai bận rộn bằng một ông vua, nhưng Hoàng Ðế Henry vẫn dành thời giờ cho Thiên Chúa trong sự suy niệm và sinh hoạt đạo đức. Noi gương Thánh Henry, chúng ta nên sắp xếp thời giờ để hàng ngày trở về với nguồn sinh lực của chúng ta, là Thiên Chúa toàn năng.
14 Tháng Bảy : Thánh Kateri Tekakwitha (1656-1680)
Máu các vị tử đạo là hạt giống nẩy sinh các thánh. Chín năm sau khi các linh mục dòng Tên là Cha Isaac Jogues và Jean de Brebeuf bị các thổ dân da đỏ Huron và Iroquois tra tấn cho đến chết, một bé gái đã chào đời gần nơi các vị tử đạo, ở Auriesville, Nữu Ước. Cô là thổ dân da đỏ đầu tiên thuộc vùng Bắc Mỹ được phong chân phước. Mẹ cô là một Kitô Hữu người Algonquin, bà đã bị người Iroquois bắt và buộc phải làm vợ của tù trưởng bộ lạc Mohawk, là bộ lạc dũng cảm và tàn bạo nhất trong Ngũ Quốc.
Khi lên bốn tuổi, Kateri mất cha mẹ và cả đứa em trai trong trận dịch đậu mùa mà chính cô cũng bị gần như mù và khuôn mặt bị méo mó. Cô được một người chú đem về nuôi sau khi ông lên kế vị cha cô làm tù trưởng. Ông không thích các tu sĩ A¨o Ðen nhưng ông không thể làm gì được vì một thỏa ước ký kết với Pháp, buộc phải có sự hiện diện của tu sĩ trong các làng có người Kitô Giáo bị bắt giữ. Kateri rất thích nghe các vị tu sĩ A¨o Ðen giảng thuyết, nhưng chú cô lại sợ rằng cô sẽ theo đạo Công Giáo. Thật vậy, khi lên 19 tuổi, sau khi từ chối lời cầu hôn của một thanh niên Mohawk, vào Chúa Nhật Phục Sinh, cô đã được rửa tội và lấy tên thánh là Kateri (Catarina).
Bây giờ cô bị đối xử như một người nô lệ. Vì cô không làm việc ngày Chúa Nhật nên cô không được lãnh thực phẩm trong ngày ấy. Ðời sống ơn sủng của cô gia tăng mau chóng. Cô nói với một vị thừa sai rằng cô thường suy niệm về ơn cao trọng khi được rửa tội. Cô rất cảm kích bởi tình yêu mà Thiên Chúa dành cho loài người và cô nhìn thấy phẩm giá nơi mỗi một người dân. Cô luôn luôn trong tình trạng nguy hiểm, vì sự trở lại đạo và đời sống thánh thiện của cô đã tạo nên sự chống đối dữ dội. Theo lời khuyên của một linh mục, một đêm kia cô bỏ trốn và đi bộ 200 dặm đến một làng da đỏ Công Giáo ở Sault St. Louis, gần Montreal (Gia Nã Ðại).
Trong ba năm, Kateri ngày càng thánh thiện dưới sự dẫn dắt của một linh mục và một bà người Iroquois. Cô hiến mình cho Thiên Chúa qua những giờ cầu nguyện, làm việc bác ái và tích cực ăn chay hãm mình. Từ sáng sớm cô đã đứng chờ nơi cửa nhà thờ để dự lễ lúc 4 giờ sáng và ở lại đó cho đến Thánh Lễ cuối cùng. Cô đặc biệt sùng kính Thánh Thể và Ðức Giêsu trên Thánh Giá.
Vào năm 23 tuổi, Kateri thề giữ mình đồng trinh, đó là một hành động bất thường của một phụ nữ da đỏ, là người chỉ sống nhờ vào chồng. Cô lập một cái chòi trong rừng vắng để cầu nguyện hàng ngày và bị dèm pha là để gặp gỡ một người đàn ông! Việc cô thề giữ mình đồng trinh là một hành động theo bản năng, vì cô không biết trong Giáo Hội có đời sống tu trì dành cho nữ giới, mãi cho đến khi cô đến Montréal. Thấy vậy, cô phấn khởi cùng với hai người bạn định tâm thành lập một tu hội, nhưng vị linh mục địa phương đã ngăn cản cô. Rất khiêm tốn, cô chấp nhận một cuộc sống "bình thường" mà trong đó, cô ăn chay hãm mình một cách khắt khe như để đền tội cho dân tộc của cô.
Vào ngày 7 tháng Tư 1680, cô từ trần vào buổi tối trước Thứ Năm Tuần Thánh, mới hai mươi bốn tuổi. Các nhân chứng cho biết, lúc ấy khuôn mặt hốc hác của cô đổi màu và tươi tắn như một đứa trẻ khỏe mạnh. Các nếp nhăn, ngay cả các vết rỗ trên khuôn mặt cũng biến mất và một nụ cười hé nở trên môi cô.
Người da đỏ gọi cô là "Hoa huệ người Mohawk". Sự ngưỡng mộ Kateri đã giúp hình thành các trung tâm truyền giáo cho người da đỏ ở Hoa Kỳ và Gia Nã Ðại. Kateri được phong chân phước năm 1980.
Lời Bàn
Chúng ta thường nghĩ đời sống thánh thiện bị cản trở bởi hoàn cảnh, và ước chi chúng ta có thêm thời giờ riêng tư, ít bị quấy rầy hay chống đối và được khoẻ mạnh hơn. Chân Phước Kateri đã chứng minh cho thấy, sự thánh thiện triển nở trên thập giá, ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, ngài đã có những gì mà mọi Kitô Hữu phải cần, đó là sự hỗ trợ của một cộng đoàn.
Ngài có một người mẹ tốt lành, có các linh mục tận tình giúp đỡ và các bạn Kitô Hữu. Những điều kiện này được gọi là tiên khởi, và chỉ sinh kết quả nếu quyết tâm thi hành ba nguyên tắc cổ xưa của Kitô Giáo là cầu nguyện, ăn chay và bố thí: kết hợp với Thiên Chúa qua Ðức Giêsu Kitô và Chúa Thánh Thần, tự khắc phục con người của mình để vượt qua những đau khổ, và sống bác ái đối với anh chị em.
Lời Trích
"Tôi không cô đơn vì tôi đã tận hiến cho Ðức Giêsu. Ngài là tình yêu duy nhất của tôi. Tôi không sợ tình trạng bơ vơ nghèo nàn vì không lấy chồng. Tất cả những gì tôi cần là một chút thực phẩm và một vài quần áo. Với công việc tay tôi làm ra, tôi sẽ có những gì tôi cần, và những gì còn dư tôi sẽ cho người bà con và người nghèo. Nếu tôi bị bệnh và không thể làm việc được, tôi sẽ trở nên giống Chúa trên thập giá. Ngài sẽ thương xót tôi và giúp đỡ tôi. Tôi biết chắc như thế."
15 Tháng Bảy : Thánh Bônaventura (1221-1274)
Thánh Bônaventura -- một tu sĩ Phanxicô, một thần học gia, một Tiến Sĩ Hội Thánh --vừa uyên bác và vừa thánh thiện. Vì nét linh đạo luôn luôn thể hiện nơi con người và văn bản của ngài, nên lúc đầu ngài được gọi là Tiến Sĩ Ðạo Ðức; nhưng trong các thế kỷ gần đây ngài được gọi là Tiến Sĩ Thánh theo gương "Cha Thánh" là Thánh Phanxicô, vì ngài sống tinh thần đích thực của một tu sĩ Phanxicô
Vào năm 1257, ngài được chọn làm bề trên Dòng khi mới ba mươi lăm tuổi và đã thành công trong việc hòa dịu các xáo trộn trong Dòng vì những bất đồng nội bộ. Ngài rất có công với Dòng và đã viết lại tiểu sử của Thánh Phanxicô. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Clêmentê IV bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục của York, nhưng ngài xin đừng ép buộc phải chấp nhận vinh dự ấy. Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô X đã buộc ngài phải chấp nhận một vinh dự cao hơn, đó là chức Hồng Y và Giám Mục của Albanô.
Vào sáng ngày 15 tháng Bảy 1274, trong khi Công Ðồng Lyon II đang khai diễn, Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô X và các giáo phụ trong Công Ðồng đã phải bàng hoàng khi nghe tin Ðức Bônaventura từ trần. Một người chép sử vô danh đã ghi lại cảm tưởng về ngài: "Một người uyên bác có tài hùng biện, và thánh thiện ngoại hạng, ngài nổi tiếng về sự nhân từ, dễ làm quen, hòa nhã và giầu lòng thương người. Với tất cả các đức tính ấy, ngài được Thiên Chúa yêu dấu và thực sự là một con người. Trong tang lễ của ngài, nhiều người đã nhỏ lệ, vì Thiên Chúa đã ban cho ngài một ơn sủng, đó là bất cứ ai biết đến ngài đều quý mến ngài một cách chân thành."
Lời Trích
"Hạnh phúc thì không gì khác hơn là vui hưởng sự Toàn Thiện, và vì sự Toàn Thiện ở trên chúng ta, nên chúng ta không thể có hạnh phúc nếu không vượt lên trên chính mình. Tự sức mình, chúng ta không thể siêu thoát nếu không có sự trợ giúp của quyền lực siêu nhiên mà quyền lực ấy đã hạ xuống thấp để nâng chúng ta lên. Dù đời sống nội tâm của chúng ta có tiến bộ như thế nào, điều đó không ích gì cho chúng ta nếu nỗ lực ấy không được sự trợ giúp từ trên cao. Thiên Chúa sẵn sàng cứu giúp những ai tìm kiếm với tâm hồn khiêm tốn và thành khẩn; điều này thực hiện được qua sự chân thành cầu nguyện.
"Như vậy, cầu nguyện là nguồn gốc của mọi hành trình tiến đến Thiên Chúa. Do đó, mỗi người chúng ta hãy trở về với đời sống cầu nguyện và thưa với Chúa: 'Lạy Chúa, xin hãy dẫn dắt con trên con đường của Chúa, để con có thể bước đi trong chân lý của Ngài.'" (Thánh Bônaventura)
90. Anrê Nguyễn Kim THÔNG (Năm Thuông),
sinh năm 1790 tại Gò Thị, Bình Ðịnh, Thầy Giảng, chết rũ tù ngày 15-7-1855 tại Mỹ Tho dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 11-4-1909 do Ðức Piô X, kính ngày 15-7.
sinh năm 1766 tại Ngọc Ðồng, Hưng Yên, Linh Mục, chết rũ tù ngày 15-7-1838 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 15-7.
16 Tháng Bảy : Ðức Bà Núi Camêlô
Từ thế kỷ 12, ở núi Camêlô đã có các vị ẩn tu sống gần một suối nước mà Tiên Tri Elijah từng sinh sống ở đây. Họ xây một nguyện đường dâng kính Ðức Mẹ. Cho đến thế kỷ 13, họ được gọi là "Các Tiểu Ðệ của Ðức Bà Núi Camêlô." Sau đó, họ dành một ngày đặc biệt để mừng kính Ðức Maria. Vào năm 1726, ngày lễ ấy trở nên chính thức trong Giáo Hội hoàn vũ dưới tên Ðức Bà Núi Camêlô. Qua nhiều thế kỷ, các tu sĩ Camêlô tự coi mình có liên hệ đặc biệt với Ðức Maria. Các thần học gia và các thánh vĩ đại của dòng Camêlô thường cổ động lòng sùng kính Ðức Maria và bênh vực cho đặc tính Vô Nhiễm Nguyên Tội của Ðức Maria.
Thánh Têrêsa Avila gọi Dòng Camêlô là "Dòng của Ðức Trinh Nữ." Thánh Gioan Thánh Giá cho rằng Ðức Maria đã cứu ngài khỏi chết đuối khi còn nhỏ, đã dẫn dắt ngài đến dòng Camêlô và đã giúp ngài thoát khỏi tù ngục. Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu tin rằng Ðức Maria đã chữa ngài khỏi bệnh. Vào ngày Rước Lễ Lần Ðầu, ngài dâng mình cho Ðức Maria. Trong những ngày cuối đời, ngài thường nói về Ðức Maria.
Có một truyền thuyết nói rằng Ðức Maria đã hiện ra với Thánh Simon Stock, một bề trên Dòng Camêlô, và đã trao cho ngài một khăn choàng, bảo ngài hãy cổ động lòng sùng kính khăn ấy. Khăn choàng là một hình thức biến đổi của áo Ðức Bà. Nó tượng trưng cho sự bảo vệ đặc biệt của Ðức Maria và kêu gọi người mang khăn ấy hãy tận hiến cho ngài trong một phương cách đặc biệt. Hiển nhiên, điều này không có nghĩa được cứu chuộc một cách lạ lùng. Ðúng hơn, khăn choàng nhắc nhở chúng ta nhớ đến lời mời gọi của Phúc Âm là hãy siêng năng cầu nguyện và hãm mình đền tội -- là lời mời gọi mà Ðức Maria đã thể hiện một cách tốt đẹp nhất.
Lời Bàn
Ngay từ thuở ban đầu, các tu sĩ dòng Cát Minh thường được gọi là các "Tiểu Ðệ của Ðức Bà Camêlô." Danh xưng này có nghĩa, các ngài không chỉ coi Ðức Maria như một "người mẹ", mà còn là một "người chị". Chữ chị nói lên ý nghĩa Ðức Maria rất gần với chúng ta. Ngài là người con của Thiên Chúa và do đó có thể giúp chúng ta trở nên con cái xứng đáng của Thiên Chúa. Ngài còn giúp chúng ta quý trọng tha nhân như anh chị em mình. Ngài giúp chúng ta nhận thức rằng mọi người đều thuộc về một gia đình của Thiên Chúa. Chỉ khi nào mọi người đều tin tưởng như vậy thì nhân loại mới hy vọng tìm thấy con đường dẫn đến bình an.
Lời Trích
"Nhiều hình thức tôn sùng Mẹ Thiên Chúa mà Giáo Hội đã chấp nhận trong khuôn khổ giáo lý lành mạnh và chính thống, tùy theo khuynh hướng và sự hiểu biết của người tín hữu, để đảm bảo rằng, trong khi người mẹ được tôn vinh thì người Con cũng được nhận biết cách xứng hợp, được kính mến, được vinh danh và các giới răn của Người được tuân giữ, vì qua Người mà muôn vật được tạo thành (x. Col. 1:15-16) và trong Người mà Thiên Chúa Cha hài lòng vì tất cả được viên mãn nơi Người (x. Col. 1:19) (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, 66).
17 Tháng Bảy : Thánh Phanxicô Sôlanô (1549-1610)
Thánh Phanxicô Sôlanô sinh ở Andalusia, Tây Ban Nha, theo học trường của các cha dòng Tên, và năm 1569, ngài gia nhập dòng Phanxicô Hèn Mọn. Sau khi thụ phong linh mục, với tất cả nhiệt huyết ngài thi hành mục vụ ở phía nam Tây Ban Nha trong việc cứu vớt các linh hồn. Trong thời gian có trận dịch ở Granada, ngài tận tụy chăm sóc các bệnh nhân và chính ngài cũng bị lây bệnh nhưng đã bình phục mau chóng.
Sau đó, ngài được sai đi truyền giáo ở Peru, Nam Mỹ. Khi gần đến Peru, con tầu bị bão và mắc cạn. Trong khi giông bão đang phá vỡ con tầu ra từng mảnh, mọi người được lệnh phải bỏ tầu bơi vào bờ thì Cha Phanxicô Sôlanô đã can đảm ở lại, cứu vớt những người nô lệ da đen còn kẹt trong khoang tầu. Ngoài một số bị chìm, tất cả đã được cứu thoát và đưa đến Lima, Peru.
Trong hai mươi năm ở các vùng mà bây giờ là Á Căn Ðình, Bovilia và Paraguay, ngài làm việc không ngừng nghỉ cho người thổ dân và người thực dân Tây Ban Nha.
Người ta nói rằng Cha Phanxicô Sôlanô có tài học tiếng bản xứ rất mau chóng, và sau một vài phép lạ ngài được dân chúng gọi là "người kỳ diệu của Tân Thế Giới". Một trong những thói quen của ngài, rất giống Cha Thánh Phanxicô, là chơi vĩ cầm cho các bệnh nhân thưởng thức và thường hát các bài mừng kính Ðức Mẹ trước bàn thờ.
Khoảng năm 1601, ngài được gọi về Lima, Peru, là nơi ngài cố gắng kêu gọi người thực dân Tây Ban Nha sống đức tin của mình. Ngài còn cố gắng bảo vệ người thổ dân khỏi bị áp bức. Ngài từ trần ở Lima và được phong thánh năm 1726.
Lời Bàn
Qua kinh nghiệm bản thân, Thánh Phanxicô Sôlanô biết, nhiều khi đời sống Kitô Hữu là một trở ngại lớn cho việc truyền giáo. Chính thánh nhân đã sống làm gương, và thúc giục người đồng hương Tây Ban Nha sống xứng đáng với ơn gọi khi được rửa tội.
Lời Trích
"Khi Cha Phanxicô Sôlanô đang hấp hối, một thầy trợ sĩ nói với ngài, 'Thưa cha, khi Chúa đưa cha lên thiên đàng, xin cha hãy nhớ đến con trong vương quốc vĩnh cửu ấy.' Với sự hân hoan, Cha Phanxicô trả lời, 'Thật đúng như vậy, cha sẽ vào thiên đàng nhưng đó là nhờ sự thống khổ và cái chết của Ðức Giêsu Kitô; cha chỉ là một người rất tội lỗi. Khi cha đến quê trời, cha sẽ là người bạn tốt của con'."
18 Tháng Bảy : Chân Phước Angeline ở Marsciano (1374-1435)
Chân Phước Angeline là người sáng lập cộng đoàn nữ tu Phanxicô đầu tiên, nếu không kể dòng Thánh Clara Khó Nghèo.
Angeline là con của Công Tước xứ Marsciano. Khi 12 tuổi, ngài đã mồ côi mẹ. Ba năm sau, người thiếu nữ này thề giữ mình đồng trinh trọn đời. Tuy nhiên, cùng năm ấy, ngài vâng lời cha mà kết hôn với Công Tước xứ Civitella. Chồng ngài đồng ý tôn trọng lời thề của ngài.
Khi ông chồng từ trần vào hai năm sau, Angeline gia nhập dòng Phanxicô Thế Tục và cùng với các phụ nữ khác, ngài tận tụy trong việc chăm sóc người đau yếu, người nghèo, người goá phụ và trẻ mồ côi. Khi cộng đoàn của Angeline thu hút nhiều phụ nữ trẻ tuổi khác, thì một số người đã lên án ngài về tội phá hoại ơn gọi gia đình. Truyền thuyết kể rằng, khi phải trình diện vua xứ Naples để trả lời về sự cáo buộc ấy, ngài lấy chiếc áo khoác đang mặc mà bọc lấy mớ than cháy nóng. Khi ngài tuyên bố là mình vô tội và để chứng minh điều ấy, ngài mở áo khoác ra cho thấy mớ than nóng bỏng kia không gây thiệt hại gì cho ngài, và nhà vua đã bỏ qua vụ kiện.
Sau này Angeline và đồng bạn đã đến Foligno, là nơi cộng đoàn Dòng Ba của ngài được đức giáo hoàng chấp thuận vào năm 1397. Sau đó không lâu, ngài đã thành lập 15 cộng đoàn tương tự cho các phụ nữ ở các thành phố trong nước Ý.
Angeline từ trần ngày 14 tháng Bảy 1435 và được phong chân phước năm 1825.
Lời Bàn
Các linh mục và tu sĩ nam nữ không thể là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, nếu họ coi thường ơn gọi gia đình. Chân Phước Angeline tôn trọng hôn nhân nhưng cảm thấy được mời gọi theo một đường lối khác để sống Phúc Âm. Sự lựa chọn của ngài là hy sinh đời sống trong một phương cách độc đáo.
sinh năm 1803 tại Phú Nhai, Bùi Chu, Binh Sĩ, xử giảo ngày 18-7-1839 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 18-7.
19 Tháng Bảy : Tôi Tớ Thiên Chúa Phanxicô Garcés và Các Bạn (k. 1781)
Vì sự can thiệp của nhà cầm quyền trong các sứ vụ truyền giáo và vấn đề chiếm đất ở Tân Thế Giới đã khiến thổ dân da đỏ nổi dậy và Giáo Hội đã mất đi các nhà truyền giáo hăng say. Là người cùng thời với Chân Phước Junipero Serra và trong thời gian cuộc Cách Mạng Hoa Kỳ, Phanxicô Garcés sinh ở Tây Ban Nha năm 1738, và ngài gia nhập Dòng Phanxicô ở đây.
Sau khi thụ phong linh mục năm 1763, ngài được sai đến Mễ Tây Cơ. Năm năm sau ngài được bổ nhiệm về San Xavier del Bac gần Tucson, Hoa Kỳ, là một trong các trung tâm truyền giáo do các cha dòng Tên đã thành lập trước đây trong tiểu bang Arizona và New Mexico, mà sau đó, vào năm 1767, các cha dòng Tên đã bị trục xuất ra khỏi phần lãnh thổ thuộc quyền kiểm soát của vua Tây Ban Nha người Công Giáo.
Ở Arizona, Cha Phanxicô làm việc cho các thổ dân da đỏ người Papago, Yuma, Pima và Apache. Công cuộc truyền giáo đã đưa ngài vượt qua rặng Grand Canyon và đến tiểu bang California.
Cha Palou, người cùng thời với Cha Garcés, viết lại rằng Cha Garcés được người thổ dân rất quý mến, và ngài sống với họ trong một thời gian lâu mà không bị nguy hại gì. Họ thường đem thực phẩm cho ngài và mỗi khi gặp ngài, họ thường chào "Vạn Tuế Ðức Giêsu," là câu tung hô mà ngài đã dạy cho họ.
Ðể bảo vệ các thổ dân tân tòng, các nhà truyền giáo Tây Ban Nha dự định xây cất các trung tâm truyền giáo cách biệt với nơi trú đóng của binh lính và thực dân Tây Ban Nha. Nhưng quan chỉ huy ở Mễ Tây Cơ quyết định rằng hai trung tâm truyền giáo dọc theo sông Colorado, là Trung Tâm San Pedro y San Pablo và Trung Tâm La Purísima Concepcion, phải là nơi chung đụng giữa binh lính và thổ dân.
Một cuộc nổi dậy của người Yumas chống với binh lính Tây Ban Nha đã khiến các tu sĩ Juan Diaz và Matias Moreno từ trần ở Trung Tâm San Pedro y San Pablo. Các cha Phanxicô Garcés và Juan Barreneche bị giết ở Trung Tâm La Purísima Concepcion.
Lời Bàn
Trong thế kỷ 18, các thổ dân vùng Tây Nam Hoa Kỳ coi đạo Công Giáo và quyền lực Tây Ban Nha là một. Khi họ muốn loại bỏ quyền lực thì tôn giáo mới cũng phải ra đi. Chúng ta có dám chấp nhận những biến cải có thể chấp nhận được về đức tin Công Giáo của các dân tộc khác không? Chúng ta có bực mình về những phong tục của người Công Giáo trong các nền văn hóa khác không? Chúng ta có coi gương mẫu đời sống của chúng ta là một đóng góp cho công cuộc truyền giáo không?
Lời Trích
Trong chuyến tông du Phi Châu năm 1969, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI nói với 22 người Uganda tân tòng rằng "trở nên một Kitô Hữu là điều tốt nhưng không luôn luôn dễ dàng."
20 Tháng Bảy : Thánh Kunigunde (1224-1292)
Khi Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về quê hương Ba Lan vào tháng Sáu năm 1999, ngài đã thể hiện giấc mơ phong thánh cho Kunigunde, một công chúa người Ba Lan mà việc phong thánh đã bị đình trệ trong nhiều năm vì điều kiện chính trị. Cùng cử mừng biến cố quan trọng này với đức giáo hoàng là nửa triệu người dân Ba Lan trong một cánh đồng ở ngoại ô thành phố Stary Sacz
Kunigunde, hay còn gọi là Kinga, sinh trong thế kỷ 13 ở Hung Gia Lợi và thuộc về một hoàng tộc không những nổi tiếng về thế lực chính trị mà còn có nhiều phụ nữ thánh thiện. Những người dì của Kunigunde gồm Thánh Elizabeth ở Hung Gia Lợi, Thánh Hedwig và Chân Phước Agnes ở Prague; cũng được kể trong vòng bà con là Thánh Margaret dòng Ða Minh và Chân Phước Yolande.
Khi mới 15 tuổi, Kunigunde đã hứa hôn với một thanh niên mà sau này là Vua Boleslaus của Ba Lan. Khi kết hôn, trước mặt vị giám mục, cả hai đều thề giữ mình đồng trinh và họ đã trung thành với lời thề ấy trong 40 năm hôn nhân.
Trong thời gian đó, Hoàng Hậu Kunigunde chăm sóc các cô em và dành nhiều thời giờ để đi thăm bệnh nhân. Với tư cách là Ðệ Nhất Phu Nhân của Ba Lan, ngài lo lắng đến phúc lợi của người dân và các nhu cầu đặc biệt của họ. Ngài cho xây nhiều nhà thờ và bệnh viện cũng như chuộc người Công Giáo khỏi tay người Thổ Nhĩ Kỳ.
Khi Vua Boleslaus từ trần năm 1279, dân chúng thúc giục Hoàng Hậu Kunigunde lên nắm quyền cai trị, nhưng ngài ao ước tận hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa. Do đó, trong 13 năm, ngài sống cuộc đời đơn sơ của một nữ tu dòng Thánh Clara Nghèo Hèn, sống trong tu viện mà chính tay ngài đã thiết lập ở Stary Sacz. Sau đó, ngài được chọn làm bề trên, và đã cai quản dòng với sự khôn ngoan và bác ái.
Ngài từ trần ngày 24 tháng Bảy 1292 khi 58 tuổi. Nhiều phép lạ đã xảy ra tại ngôi mộ của ngài.
Vào năm 1715, Ðức Giáo Hoàng Clêmentê XI đặt ngài làm quan thầy đặc biệt của người Ba Lan và người Lithuania.
15. Giuse Maria DIAZ SANJURJO An,
sinh năm 1818 tại Santa Eulalia de Suegos, Tây Ban Nha, Giám Mục, Dòng Ða Minh, xử trảm ngày 20-7-1857 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 29-4-1951 do Ðức Piô XII, kính ngày 20-7.
21 Tháng Bảy : Thánh Lawrence ở Brindisi (1559-1619)
Thoạt nhìn qua tiểu sử, có lẽ đặc tính nổi bật của Thánh Lawrence ở Brindisi là ngài biết nhiều thứ tiếng. Ngoài kiến thức của tiếng mẹ đẻ là tiếng Ý, ngài còn có thể đọc và viết thông thạo tiếng Latinh, Do Thái, Hy Lạp, Ðức, Bohemia, Tây Ban Nha và tiếng Pháp
Ngài sinh ngày 22 tháng Bảy 1559, và từ trần đúng 60 năm sau cũng vào ngày sinh nhật năm 1619. Tên thật của ngài là Julius Caesare, sau khi cha mẹ mất sớm, ngài được người chú nuôi nấng và cho theo học trường Thánh Máccô ở Venice.
Khi mới 16 tuổi, ngài gia nhập dòng Phanxicô Capuchin ở Venice và lấy tên là Lawrence. Ngài học triết thần, Kinh Thánh, và các ngôn ngữ ở Ðại Học Padua và được thụ phong linh mục năm 23 tuổi.
Với khả năng ngôn ngữ trổi vượt, ngài có thể nghiên cứu Phúc Âm bằng tiếng nguyên thủy. Theo lời yêu cầu của Ðức Giáo Hoàng Clêmentê VIII, ngài dành nhiều thời giờ để rao giảng cho người Do Thái ở Ý. Ngài thông thạo tiếng Hebrew đến nỗi các giáo sĩ Do Thái tin rằng ngài là người Do Thái trở lại Kitô Giáo.
Ngài rất nhạy cảm trước nhu cầu của người khác -- đó là một đặc tính không ngờ nơi một học giả tài giỏi như vậy. Ngài được bầu làm bề trên tỉnh dòng Capuchin ở Tuscany khi mới 31 tuổi. Ngài là một con người tổng hợp của sự lỗi lạc, có lòng thương người và khả năng điều hành. Sau một loạt "thăng quan tiến chức", ngài được các tu sĩ Capuchin chọn làm bề trên toàn Dòng vào năm 1602. Với chức vụ này, ngài góp phần lớn trong việc phát triển Dòng về phương diện địa lý.
Sau khi từ chối việc tái bổ nhiệm chức vụ bề trên vào năm 1605, ngài được đức giáo hoàng chọn làm sứ thần và sứ giả hòa bình cho một vài tranh chấp giữa các hoàng gia. Vào năm 1616, ngài giã từ mọi sinh hoạt trần tục để về sống trong tu viện ở Caserta. Nhưng sau đó, thể theo lời yêu cầu của các nhà cầm quyền ở Naples, ngài đã đến Tây Ban Nha để can thiệp với Vua Philip. Cái nóng bức oi ả mùa hè trong chuyến đi ấy đã làm ngài kiệt sức, và vài ngày sau khi gặp gỡ nhà vua, ngài từ trần ở Lisbon ngày 22 tháng Bảy.
Vào năm 1956, Dòng Capuchin hoàn tất việc biên soạn 15 tuyển tập của ngài. Trong các tuyển tập ấy, mười một tập là các bài giảng, mỗi bài giảng được ngài dựa trên một câu Kinh Thánh để dẫn giải.
Ngài được phong thánh năm 1881 và được Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1959.
Lời Bàn
Ðặc điểm của Thánh Lawrence là tận tụy với Kinh Thánh và nhạy cảm trước nhu cầu của người khác, đó là một lối sống hấp dẫn đối với Kitô Hữu của thế kỷ 20. Thánh Lawrence đã quân bình đời sống qua việc hòa hợp giữa tinh thần kỷ luật và biết để ý đến nhu cầu của những người mà ngài được mời gọi để phục vụ.
Lời Trích
"Thiên Chúa là tình yêu, và mọi hoạt động của Người xuất phát từ tình yêu. Một khi Người muốn thể hiện sự tốt lành ấy bằng cách chia sẻ tình yêu của Người ra cho bên ngoài, thì sự Nhập Thể là một thể hiện vượt bực về sự tốt lành và tình yêu và vinh quang của Thiên Chúa. Như thế, Ðức Kitô đã được tiền định trước tất cả mọi tạo vật và cho chính Người. Vì Người mà muôn vật được tạo thành, và đối với Người mà muôn vật phải quy phục, và Thiên Chúa yêu quý mọi tạo vật trong Ðức Kitô và vì Ðức Kitô. Ðức Kitô là trưởng tử của mọi tạo vật, và toàn thể nhân loại cũng như thế giới vật chất tìm thấy nền tảng và ý nghĩa của nó trong Ðức Kitô. Hơn thế nữa, điều này cũng sẽ xảy ra nếu ngay cả Adong không phạm tội" (Thánh Lawrence ở Brindisi, Tiến Sĩ Hội Thánh).
22 Tháng Bảy : Thánh Maria Mađalêna
Trong Phúc Âm, ngoại trừ mẹ Ðức Giêsu, ít phụ nữ được vinh dự bằng Maria Mađalêna. Tuy nhiên, ngài rất thích hợp là quan thầy của những người bị phỉ báng, vì trong Giáo Hội, luôn luôn người ta cho rằng ngài là người phụ nữ tội lỗi đã lấy nước mắt rửa chân Ðức Giêsu trong Phúc Âm theo Thánh Luca 7:36-50.
Hầu hết các học giả ngày nay đều cho rằng sự lẫn lộn ấy không có căn bản Phúc Âm. Maria Mađalêna, chính là "Maria Mácđala", người được Ðức Kitô chữa khỏi "bảy quỷ" (Luca 8:2) -- đó là một biểu thị về sự quỷ ám nặng nề hoặc, có thể, bị bệnh nặng.
Cha W.J. Harrington, dòng Ða Minh, trong cuốn New Catholic Commentary (Chú Giải Mới của Công Giáo), ngài viết "bảy quỷ" "không có nghĩa là Maria sống một cuộc đời đồi bại -- đó là một kết luận do bởi nhầm lẫn Maria với người phụ nữ vô danh trong Phúc Âm theo Thánh Luca 7:36. Cha Edward Mally, dòng Tên, trong cuốn Jerome Biblical Commentary (Chú Giải Phúc Âm Thánh Giêrôm), cha đồng ý rằng Maria Mađalêna "không phải là người tội lỗi như được viết trong Luca 7:37, dù rằng sau này Tây Phương có truyền thống gán ghép điều ấy cho ngài."
Maria Mađalêna là một trong những người "đã giúp đỡ các ngài (Ðức Giêsu và Nhóm Mười Hai) bằng các phương tiện của họ." Maria Mađalêna là một trong những người đứng dưới chân thập giá Ðức Giêsu với Ðức Mẹ. Và, trong các nhân chứng "chính thức" đã được chọn để chứng kiến sự Phục Sinh, thì ngài là một trong những người được ưu tiên đó.
Có lẽ Thánh Maria Mađalêna từng mỉm cười khi bị "nhận diện sai lầm" trong 20 thế kỷ. Tuy nhiên, chắc chắn rằng ngài không cho đó là điều khác biệt. Tất cả chúng ta là kẻ có tội đều cần đến ơn cứu chuộc của Thiên Chúa, dù tội lỗi chúng ta có kinh khiếp hay không. Quan trọng hơn nữa, cùng với thánh nữ, tất cả chúng ta là các nhân chứng "bán chính thức" của sự Phục Sinh.
23 Tháng Bảy : Thánh Bridget ở Thụy Ðiển (1303?-1373)
Từ lúc bảy tuổi trở đi, Thánh Bridget đã được thị kiến Ðức Kitô trên thánh giá. Các thị kiến ấy làm nền tảng cho đời sống thánh nữ -- luôn luôn chú trọng đến đức ái hơn là trông đợi các ơn huệ thiêng liêng.
Thánh Bridget là một người trong hoàng gia Thụy Ðiển, được thừa hưởng sự đạo đức của cha mẹ, ngay từ nhỏ ngài đã yêu quý sự Thống Khổ của Ðức Kitô. Khi mười bốn tuổi, vâng lời cha, ngài kết hôn với vua Thụy Ðiển là Magnus II và có tám người con (người con thứ là Thánh Catarina ở Thụy Ðiển). Sau khi nhà vua từ trần ngài sống một cuộc đời rất khổ hạnh.
Trong thời gian hôn nhân, Thánh Bridget cố gắng ảnh hưởng tốt đến vua Magnus. Dù chưa hoàn toàn thay đổi, nhà vua cũng đã ban cho ngài đất đai và cơ sở để thiết lập một đan viện cho nam giới và nữ giới. Tổ chức này sau đó phát triển thành một tu hội, được gọi là Tu Hội Thánh Bridget (hiện vẫn còn).
Vào Năm Thánh 1350, Thánh Bridget bất chấp bệnh dịch đang lan tràn khắp Âu Châu, ngài thực hiện cuộc hành hương đến Rôma. Ngài không bao giờ trở về Thụy Ðiển và những năm ở Rôma thật không sung sướng chút nào vì bị chủ nợ săn đuổi và bị chống đối bởi sự thối nát trong Giáo Hội thời bấy giờ.
Chuyến hành hương sau cùng của ngài đến Ðất Thánh thì bị hỏng vì đắm tầu và cái chết của người con trai. Các biến cố ấy cũng dẫn đến cái chết của ngài vào năm 1373. Ngài là quan thầy của nước Thụy Ðiển.
Vào năm 1999, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên xưng Thánh Bridget là một trong ba thánh nữ làm quan thầy của Âu Châu, cùng với các Thánh Catarina ở Siena và Thánh Edith Stein. Ðức Thánh Cha nhận xét rằng Thánh Bridget đã hoạt động "không ngừng cho sự hiệp nhất giữa các Kitô Hữu" trong những cuộc du hành của ngài trên khắp Âu Châu. Thánh nữ được sự sùng kính của người Tin Lành Lutheran cũng như người Công Giáo.
Lời Bàn
Các thị kiến của Thánh Bridget, thay vì cô lập ngài khỏi các sinh hoạt của thế gian, đã đưa ngài can dự vào nhiều vấn đề đương thời, dù đó là chính sách của hoàng gia hay của giáo triều Avignon. Ngài không thấy sự mâu thuẫn giữa các cảm nghiệm thần bí và các sinh hoạt trần tục, và cuộc đời ngài chứng minh rằng sự thánh thiện có thể thực hiện được giữa nơi chính trường.
24 Tháng Bảy : Thánh Christina
Thánh Christina sinh trong thế kỷ thứ ba và là con gái của một quan tòa giầu có và thế lực tên Urbain. Cha của ngài, là người đắm chìm trong việc thờ cúng tà thần, có rất nhiều các tượng thần bằng vàng mà thánh nữ đã tiêu hủy và lấy vàng phân phát cho người nghèo
Tức giận vì hành động này, ông Urbain trở nên người hành hạ chính con gái mình. Ông ra lệnh dùng roi đánh con và ném con vào ngục tối. Christina vẫn không lay chuyển đức tin. Người cha ra lệnh dùng móc sắt để xé thân thể con gái mình và cột cô vào tấm vỉ mà bên dưới đang cháy lửa. Nhưng Thiên Chúa đã gìn giữ tôi tớ Người bằng cách khiến lửa bắn tung vào kẻ hành hình. Sau đó Christina bị quấn cổ bằng một tảng đá lớn và ném xuống hồ Balsena, nhưng ngài được thiên thần cứu sống, trong khi cha ngài, vì tức giận mà chết.
Quan toà kế vị Urbain cũng tàn nhẫn không kém. Ông ra lệnh thiêu sống Christina, nhưng ngài vẫn sống sót. Ngài bị ném vào chuồng đầy rắn, sau đó bị cắt lưỡi và sau cùng bị tên đâm thâu qua người. Ngài được triều thiên tử đạo ở Tyro. Di tích của thánh nữ hiện vẫn còn giữ ở Palermo thuộc Sicily.
Chân Phước Louise ở Savoy (1461-1503)
Vào ngày 28 tháng Mười Hai, ngày lễ các Thánh Anh Hài, một bé gái được sinh trong gia đình Công Tước ở Savoy và là em của vua Louis IX nước Pháp. Em bé được đặt tên là Louise, để nói lên sự ngây thơ và thánh thiện của em.
Khi còn trẻ Louise đã yêu quý sự cầu nguyện và cô độc. Trong các ngày lễ kính Ðức Mẹ, cô thường ăn chay, chỉ có bánh mì và nước lạnh. Mặc dù bề ngoài, cô cũng mặc các y phục đắt tiền và đeo nữ trang quý báu phù hợp với địa vị của cô, nhưng bên trong lớp nhung lụa đó là chiếc áo nhặm để nhắc nhở với cô rằng, linh hồn là điều cần được chăm sóc hơn cả.
Do sự dàn xếp của người chú, Louise kết hôn với Thái Tử xứ Chalon, một thanh niên đức hạnh biết quý trọng nếp sống thanh bạch của Louise. Trong cung điện của họ, không có những xa hoa phung phí. Ðôi vợ chồng này còn thuyết phục các tiểu thư, hoàng tử của triều đình sống sát với Phúc Âm hơn.
Vào năm 27 tuổi, Louise trở thành người goá bụa và sau đó bà lui về một đời sống đơn giản để cho phép bà tận tụy trong công việc bác ái và ăn chay đền tội. Vì không có con, bà gia nhập Dòng Thánh Clara Nghèo Hèn ở Orbe. Trong thời gian ấy, bà chứng tỏ là một gương mẫu xứng đáng của sự khiêm tốn và vâng phục.
Sau một cơn trọng bệnh, bà từ trần ngày 24 tháng Bảy 1503, khi mới 42 tuổi.
Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô XVI đã phong chân phước cho bà vào năm 1839.
sinh năm 1775 tại Ventosa de la Cueva, Tây Ban Nha, Linh Mục, Dòng Ða Minh, xử trảm ngày 24-7-1838 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 24-7.
25 Tháng Bảy : Thánh Giacôbê Tông Ðồ
Thánh Giacôbê là anh của Thánh Gioan Thánh Sử. Cả hai được Ðức Giêsu mời gọi khi họ đang trên thuyền đánh cá, làm việc với người cha ở biển Galilê. Trước đó, Ðức Giêsu đã gọi một đôi anh em khác cũng từ một hoàn cảnh tương tự, đó là Phêrô và Anrê. "Ði xa hơn một chút, Người thấy ông Giacôbê, con ông Zêbêđê, và người em là ông Gioan. Hai ông đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Zêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người" (Máccô 1:19-20).
Thánh Giacôbê là một trong ba người được ưu tiên chứng kiến Chúa Hiển Dung, được thấy con gái ông Giairút sống lại và có mặt trong giờ thống khổ của Ðức Giêsu trong vườn Giệtsimani.
Có hai biến cố trong Phúc Âm diễn tả tính khí của thánh nhân và người em. Thánh Mátthêu kể rằng mẹ của hai ông đến với Ðức Giêsu để xin cho hai ôngï được chỗ ngồi vinh dự trong vương quốc (một bên phải, một bên trái Ðức Giêsu). "Ðức Giê-su bảo: 'Các người không biết các người xin gì. Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?' Họ đáp: 'Thưa được'" (Mt 20:22). Sau đó Ðức Giêsu bảo, quả thật họ sẽ uống chén và chia sẻ sự thanh tẩy của Người trong sự đau khổ và cái chết, nhưng việc ngồi bên phải hay bên trái thì không phải là quyền của Ðức Giêsu -- chỗ đó "được dành cho những người đã được Cha Thầy chuẩn bị" (Mt 20:23b).
Các tông đồ khác phẫn nộ khi thấy tham vọng của Giacôbê và Gioan. Sau đó Ðức Giêsu dạy họ bài học về sự khiêm tốn phục vụ: Mục đích của quyền bính là để phục vụ. Họ không được áp đặt ý muốn của mình trên người khác, hay sai bảo người khác. Ðây là vị thế của chính Ðức Giêsu. Ngài là tôi tớ của tất cả; sự phục vụ được giao phó cho Ngài là tuyệt đối hy sinh tính mạng mình.
Trong một trường hợp khác, Giacôbê và Gioan chứng minh rằng biệt hiệu mà Ðức Giêsu đặt cho họ -- "con của sấm sét"- thì rất thích hợp với họ. Người Samaritanô không đón tiếp Ðức Giêsu vì Người đang trên đường đến Giêrusalem. "Thấy thế, hai môn đệ là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng: 'Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?' Nhưng Ðức Giê-su quay lại quở mắng các ông..." (Luca 9:54-55).
Hiển nhiên Thánh Giacôbê là vị tông đồ đầu tiên chịu tử đạo. "Vào thời kỳ ấy, vua Hêrôđê ra tay ngược đãi một số người trong Hội Thánh. Vua cho chém đầu ông Giacôbê, anh ông Gioan, và khi thấy việc đó làm vừa lòng người Do-thái, nhà vua lại cho bắt cả ông Phê-rô nữa" (CVTÐ 12:1-3a).
Chúng ta đừng nhầm lẫn Thánh Giacôbê với tác giả của Thư Thánh Giacôbê, hoặc vị lãnh đạo của cộng đồng Giêrusalem.
Lời Bàn
Phương cách mà Phúc Âm đề cập đến các tông đồ là một nhắc nhở tốt đẹp về ý nghĩa của sự thánh thiện. Trong Phúc Âm, chúng ta không thấy đề cập nhiều đến các đức tính của các ngài như những sở hữu cố định mà nhờ đó họ được phần thưởng thiên đàng. Thay vào đó, Phúc Âm nhấn mạnh đến Nước Trời, đến quyền năng rao giảng Tin Mừng mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Còn về phần đời sống cá nhân của các ngài, chúng ta thấy Ðức Giêsu đã thanh luyện họ khỏi những hẹp hòi, nhỏ nhen, bất nhất.
Lời Trích
"... Chúa Kitô, trong Người mà sự mặc khải trọn vẹn của Thiên Chúa tối cao được hoàn tất (x. 2 Cor. 1:20; 2:16; 4:6), truyền dạy các tông đồ rao giảng Phúc Âm cho muôn dân, đó là nguồn mạch của mọi chân lý cứu độ và lời luân lý, và vì thế thông ban cho họ ơn sủng của Thiên Chúa... Mệnh lệnh này được trung tín thực hiện bởi các tông đồ, là những người, qua lời giảng, qua gương mẫu, và qua các quy định, đã truyền lại những gì họ nhận được từ miệng Ðức Kitô, bởi sống với Người, và bởi những gì Người làm hoặc những gì các tông đồ học hỏi được qua sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần" (Hiến Chế về Mặc Khải của Thiên Chúa, 7).
26 Tháng Bảy : Thánh Gioankim và Thánh Anna
Trong Kinh Thánh, các thánh sử Mátthêu và Luca cung cấp cho chúng ta phả hệ của Ðức Giêsu. Các ngài đi ngược trở về tổ tiên dòng họ của Người chỉ để chứng minh rằng Ðức Giêsu là cực điểm của các lời hứa trọng đại. Nhưng bên ngoại của Ðức Giêsu thì bị lãng quên, chúng ta không có một dữ kiện gì về các đấng sinh thành ra Ðức Maria. Ngay cả tên Gioankim và Anna cũng xuất phát từ một truyền thuyết được viết lại sau khi Ðức Giêsu về trời khoảng hơn một thế kỷ.
Tuy nhiên, đức tính anh hùng và thánh thiện của các ngài được suy đoán từ bầu khí của toàn thể gia tộc Ðức Maria. Dù chúng ta dựa trên truyền thuyết về thời kỳ thơ ấu của Ðức Maria hoặc suy đoán từ các dữ kiện trong Phúc Âm, Ðức Maria là một thể hiện của biết bao thế hệ những người siêng năng cầu nguyện mà chính ngài là một người đắm chìm trong các truyền thống đạo đức của người Do Thái.
Các đức tính nổi bật của Ðức Maria khi ngài thi hành các quyết định, khi liên lỉ cầu nguyện, khi trung thành với quy luật tôn giáo, khi bình tĩnh trước những khủng hoảng và khi tận tâm với người bà con -- tất cả những điều này cho thấy một gia tộc khắng khít, yêu thương nhau biết nhìn đến các thệ hệ tương lai trong khi vẫn duy trì truyền thống tốt đẹp của quá khứ.
Thánh Gioankim và Thánh Anna -- dù những tên tuổi này có thật hay không -- đã đại diện cho một chuỗi thế hệ của những người trung tín thi hành bổn phận, kiên trì sống đức tin để tạo nên một bầu khí thuận tiện cho sự giáng trần của Ðấng Thiên Sai, nhưng họ vẫn âm thầm không ai biết đến.
Lời Bàn
Ðây là "ngày lễ của các ông bà". Nó nhắc nhở cho các ông bà về trách nhiệm của họ là phải thiết lập gia phong cho các thế hệ tương lai: Họ phải làm sống lại các truyền thống và trao truyền cho con cháu. Nhưng ngày lễ này cũng có ý nghĩa cho các thế hệ trẻ. Nó nhắc nhở người trẻ rằng cái nhìn chín chắn, giầu kinh nghiệm của người già là sự khôn ngoan không nên coi thường hoặc bỏ qua.
Lời Trích
"... Gia đình là nền tảng của xã hội. Trong đó, nhiều thế hệ đến với nhau để giúp đỡ nhau lớn lên trong sự khôn ngoan và để hòa hợp quyền lợi cá nhân với những đòi hỏi khác của đời sống xã hội" (Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, 52).
27 Tháng Bảy : Chân Phước Antôniô Lucci (1682-1752)
Antôniô cùng học chung và là người bạn của Thánh Francesco Antonio Fasani, là người đã ra tòa án Giáo Hội để làm chứng cho sự thánh thiện của Antôniô sau khi ngài từ trần.
Sinh ở Agnone miền nam nước Ý, đó là một thành phố nổi tiếng về sản xuất chuông và đồ đồng, Antôniô có tên rửa tội là Angelo. Ngài theo học trường của các tu sĩ Phanxicô và gia nhập cộng đoàn này khi 16 tuổi. Antôniô hoàn tất chương trình tu tập ở Assisi và thụ phong linh mục năm 1705. Sau đó, ngài lấy bằng tiến sĩ thần học và được bổ nhiệm làm giáo sư ở Agnone, Ravello và Naples. Ngài cũng là cha bề trên nhà dòng ở Naples.
Ðược bầu làm bề trên giám tỉnh năm 1718, và năm sau đó ngài được bổ nhiệm làm giáo sư trường Thánh Bônaventura ở Rôma. Ngài giữ chức vụ này cho đến năm 1729, ngài được Ðức Giáo Hoàng Bênêđíctô XIII chọn làm giám mục của Bovino (gần Foggia). Ðức giáo hoàng cho biết, "Tôi vừa chọn được một thần học gia xuất chúng và vị đại thánh làm giám mục Bovino."
Trong 23 năm làm giám mục, Ðức Lucci thường đến thăm các giáo xứ và canh tân đời sống phúc âm của giáo dân trong địa phận. Ngài dùng tiền lương của một giám mục để hỗ trợ cho công việc giáo dục và bác ái. Theo sự thúc giục của bề trên dòng, Ðức Giám Mục Lucci đã viết cuốn sách về các thánh và các chân phước của dòng Phanxicô trong 200 năm đầu tiên.
Ngài được phong chân phước năm 1989, ba năm sau khi người bạn của ngài là Cha Francesco Antonio Fasani được phong thánh.
Lời Bàn
Như Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã viết trong năm 1975, con người ngày nay "được cảm kích bởi các chứng nhân hơn là người giảng dạy, và nếu họ nghe những người này, đó là vì người giảng dạy cũng là các chứng nhân" (Phúc Âm Hóa Trong Thế Giới Ngày Nay, #41).
28 Tháng Bảy : Thánh Leopold Mandic (1887-1942)
Kitô Hữu Tây Phương đang nỗ lực hoạt động để thông cảm hơn với Kitô Hữu Chính Thống Giáo, có thể đó là nhờ lời cầu bầu của Thánh Leopold Mandic.
Thánh Leopold sinh ở Castelnuovo, một hải cảng nhỏ ở Croatia và là người con thứ mười hai trong gia đình. Khi rửa tội, cha mẹ đặt tên cho ngài là Bogdan, có nghĩa "con-Chúa-ban."
Mặc dù sức khỏe rất yếu kém và bị tật nguyền, ngay từ nhỏ ngài đã cho thấy một sức mạnh tâm linh và sự đoan chính. Vào năm 16 tuổi, Bogdan từ giã quê nhà để sang Ý là nơi ngài theo học với các tu sĩ Capuchin ở Udine với khao khát được gia nhập Dòng này.
Vào tháng Tư 1884, ngài được gia nhập đệ tử viện Dòng Capuchin ở Bassano del Grappa và lấy tên là Thầy Leopold. Bất kể sự khắc khổ của đời sống tu sĩ Capuchin, ngài vẫn can đảm theo đuổi và đắm chìm trong Linh Ðạo Thánh Phanxicô mà nhờ đó ngài trở nên một trong những gương mẫu tốt lành nhất.
Sau khi chịu chức linh mục, Cha Leopold muốn thể hiện giấc mơ từ nhỏ là đi truyền giáo ở Ðông Âu đang tan nát vì tranh chấp tôn giáo, nhưng bề trên từ chối vì sức khỏe yếu kém của ngài.
Từ 1890 đến 1906, Cha Leopold làm việc tại một vài nhà dòng trong tỉnh Venetian. Năm 1906, ngài được bổ nhiệm về Padua là nơi ngài sống cho đến suốt đời, ngoại trừ một năm phải ở tù trong thời Thế Chiến I, vì không chịu từ bỏ quốc tịch Croatia.
Chính ở Padua là nơi ngài đảm nhận việc Giải Tội và Linh Hướng, một công việc mà Thiên Chúa đã dùng đến người tôi tớ Chúa là Cha Leopold trong gần bốn mươi năm trời, và cũng nhờ đó mà cha nổi tiếng. Mỗi ngày ngài dành cho công việc mục vụ đó có đến 15 giờ đồng hồ. Một vài giám mục cũng tìm đến ngài để xin hướng dẫn tâm linh.
Vào tháng Chín 1940, Cha Leopold mừng Kim Khánh Linh Mục. Nhưng sau đó, sức khoẻ của ngài tàn tạ dần. Ngài từ trần ở Tu Viện Padua ngày 30 tháng Bảy 1942. Sau đó không lâu, sự mến mộ ngài ngày càng gia tăng và đã đưa đến việc phong chân phước cho ngài vào năm 1976 và sau cùng, ngài được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh năm 1983.
Lời Bàn
Thánh Phanxicô khuyên nhủ các môn đệ "hãy theo đuổi điều mà họ phải khao khát trên hết mọi sự, đó là có được Thần Khí Thiên Chúa và cách làm việc thánh thiện của Chúa" (Quy Luật 1223, Chương 10) -- đó là những lời mà Thánh Leopold đã sống. Khi bề trên tổng quyền dòng Capuchin viết thư cho các tu sĩ nhân dịp phong chân phước cho Cha Leopold, ngài nói đời sống của Cha Leopold đã chứng tỏ "sự tiên quyết của điều được coi là thiết yếu."
Lời Trích
Thánh Leopold thường hay tự nhủ: "Hãy nhớ rằng ngươi được sai đi là vì ơn cứu độ của nhân loại, không phải vì ngươi có công trạng gì, vì chính Chúa Giêsu chứ không phải ngươi đã chết để cứu chuộc các linh hồn... Tôi phải cộng tác với sự thiện hảo siêu phàm của Chúa là Người đã đoái hoài và chọn tôi, để qua sứ vụ của tôi, lời Chúa hứa sẽ được thể hiện, đó là: 'Sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên'" (Gioan 10:16).
34. Melchor GARCÍA-SAMPEDRO Xuyên,
sinh năm 1821 tại Cortes, Asturias, Tây Ban Nha, Giám Mục, Dòng Ða Minh, xử lăng trì ngày 28-7-1858 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 29-4-1951 do Ðức Piô XII, kính ngày 28-7.
29 Tháng Bảy : Thánh Mácta
Đức Giêsu yêu quý Mácta, Maria và Lagiarô." Câu nói độc đáo này trong Phúc Âm của Thánh Gioan cho chúng ta biết về sự tương giao đặc biệt giữa Ðức Giêsu và Mácta, người em Maria, và người anh Lagiarô của thánh nữ.
Hiển nhiên, Ðức Giêsu là người khách thường xuyên đến nhà Mácta ở Bêtania, một ngôi làng nhỏ bé cách Giêrusalem chừng hai dặm. Chúng ta thấy ba lần đến thăm của Ðức Giêsu được nhắc đến trong Phúc Âm Luca 10:38-42, Gioan 11:1-53, và Gioan 12:1-9.
Nhiều người dễ nhận ra Mácta qua câu chuyện của Thánh Luca. Khi ấy, Mácta chào đón Ðức Giêsu và các môn đệ vào nhà của mình, và ngay sau đó Mácta chuẩn bị cơm nước. Sự hiếu khách là điều rất quan trọng trong vùng Trung Ðông và Mácta là điển hình. Thử tưởng tượng xem ngài bực mình biết chừng nào khi cô em Maria không chịu lo giúp chị tiếp khách mà cứ ngồi nghe Ðức Giêsu. Thay vì nói với cô em, Mácta xin Ðức Giêsu can thiệp. Câu trả lời ôn tồn của Ðức Giêsu giúp chúng ta biết Người rất quý mến Mácta. Ðức Giêsu thấy Mácta lo lắng nhiều quá khiến cô không còn thực sự biết đến Người. Ðức Giêsu nhắc cho Mácta biết, chỉ có một điều thực sự quan trọng là lắng nghe Người. Và đó là điều Maria đã làm. Nơi Mácta, chúng ta nhận ra chính chúng ta -- thường lo lắng và bị sao nhãng bởi những gì của thế gian và quên dành thời giờ cho Ðức Giêsu. Tuy nhiên, thật an ủi khi thấy rằng Ðức Giêsu cũng yêu quý Mácta như Maria.
Lần thăm viếng thứ hai cho thấy Mácta đã thấm nhuần bài học trước. Khi ngài đang than khóc về cái chết của anh mình và nhà đang đầy khách đến chia buồn thì ngài nghe biết Ðức Giêsu đang có mặt ở trong vùng. Ngay lập tức, ngài bỏ những người khách ấy cũng như gạt đi mọi thương tiếc để chạy đến với Ðức Giêsu.
Cuộc đối thoại của ngài với Ðức Giêsu chứng tỏ đức tin và sự can đảm của ngài. Trong cuộc đối thoại, Mácta khẳng định rõ ràng là ngài tin vào quyền năng của Ðức Giêsu, tin vào sự phục sinh, và nhất là tin Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa. Và sau đó Ðức Giêsu đã cho Lagiarô sống lại từ cõi chết.
Hình ảnh sau cùng của Mácta trong Phúc Âm đã nói lên toàn thể con người của ngài. Lúc ấy, Ðức Giêsu trở lại Bêtania để ăn uống với các bạn thân của Người. Trong căn nhà ấy có ba người đặc biệt. Lagiarô là người mà ai cũng biết khi được sống lại. Còn Maria là người gây nên cuộc tranh luận trong bữa tiệc khi cô dùng dầu thơm đắt tiền mà xức lên chân Ðức Giêsu. Về phần Mácta, chúng ta chỉ được nghe một câu rất đơn giản: "Mácta lo hầu hạ." Ngài không nổi bật, ngài không thi hành những việc có tính cách phô trương, ngài không được hưởng phép lạ kỳ diệu. Ngài chỉ hầu hạ Ðức Giêsu.
Thánh Mácta được đặt làm quan thầy của các người hầu hạ và đầu bếp.
Lời Bàn
Các nhà chú giải Kinh Thánh nói rằng trong đoạn văn diễn tả việc Lagiarô sống lại, Thánh Gioan có ý nhắn nhủ chúng ta phải coi lời của Mácta nói với Maria (trước khi Lagiarô sống lại) như tóm lược những gì một Kitô Hữu phải vâng theo. "Thầy có mặt ở đây và đang hỏi đến em." Chúa Giêsu kêu gọi mọi người chúng ta đến sự phục sinh -- mà sự phục sinh ấy hiện có trong đức tin khi rửa tội, được chia sẻ vĩnh viễn sự chiến thắng của Người đối với sự chết. Và tất cả chúng ta, cũng như ba người bạn của Chúa Giêsu, được mời gọi kết tình bằng hữu với Chúa trong một phương cách độc đáo.
30 Tháng Bảy : Thánh Phêrô Chrysologus (406-450?)
Thánh Phêrô Chrysologus sinh ở Imola, nước Ý, ngài được rửa tội, được giáo dục và chịu chức phó tế bởi Ðức Cornelius, là Giám Mục của Imola.
Thánh Phêrô có biệt danh là "Chrysologus" (lời vàng) bởi tài hùng biện ngoại hạng của ngài. Vào năm 433, Ðức Giáo Hoàng Sixtus III tấn phong ngài làm giám mục của Ravenna. Ngài thi hành nhiều công việc bác ái về thể xác cũng như tinh thần, và chăn dắt đàn chiên với sự cần cù và thận trọng.
Ngài tẩy sạch mọi vết tích của việc sùng bái ngẫu tượng cũng như các lạm dụng khác được phát sinh trong giáo đoàn, ngài cũng cảnh giác họ về việc khiêu vũ thiếu đứng đắn. Ngài nhận xét, "Ai muốn đùa giỡn với ma quỷ thì không thể hoan hỉ với Ðức Kitô."
Thánh Phêrô Chrysologus từ trần ở Imola năm 450, và năm 1729 ngài được đặt làm Tiến Sĩ Hội Thánh vì các bài giảng đơn sơ, thực tiễn và rõ ràng của ngài hiện còn lưu truyền đến ngày nay.
Lời Bàn
Chắc chắn rằng thái độ của Thánh Phêrô Chrysologus đối với việc học đã đem lại cho ngài tài hùng biện. Theo quan điểm của thánh nhân, ngoài việc trau dồi đức tính, việc học hỏi là sự thăng tiến lớn lao cho trí óc con người và giúp hỗ trợ tôn giáo. Sự ngu dốt không phải là một đức tính, và cũng không giúp gì cho trí óc. Kiến thức là nguồn hãnh diện không khác gì khả năng của thể xác, về hành chánh hay tài chánh. Là một con người đích thực thì phải phát triển kiến thức -- dù kiến thức đạo hay đời -- theo khả năng và cơ hội của mỗi người.
Lời Trích
Eutyches, người lãnh đạo lạc giáo từ chối nhân tính của Ðức Kitô, sau khi bị Giáo Hội kết án, ông tìm sự hậu thuẫn của các nhà lãnh đạo trong Giáo Hội, trong đó có Thánh Phêrô Chrysologus. Thánh nhân thành thật nói với ông ta: "Vì lợi ích cho đức tin và sự bình an, chúng ta không thể phán xét vấn đề mà không có sự đồng ý của vị giám mục Rôma." Ngài thúc giục Eutyches hãy đơn sơ chấp nhận mầu nhiệm Nhập Thể và ngài nhắc cho ông biết rằng, nếu sự bình an trong Giáo Hội khiến thiên đàng vui mừng thì sự chia cắt chắc chắn sẽ đem đến lo buồn.
31 Tháng Bảy : Thánh I-nha-xiô ở Loyola (Y Nhã) (1491-1556)
Vị sáng lập dòng Tên này đang trên đà danh vọng và quyền thế của một sĩ quan trong quân đội Tây Ban Nha thì một trái đạn đại bác đã làm ngài bị thương ở chân. Trong thời kỳ dưỡng bệnh, vì không có sẵn các cuốn tiểu thuyết để giết thời giờ nên ngài đã biết đến cuộc đời Ðức Kitô và hạnh các thánh. Lương tâm ngài bị đánh động, và từ đó khởi đầu một hành trình lâu dài và đau khổ khi trở về với Ðức Kitô.
Vào năm 1522, được thấy Mẹ Thiên Chúa trong một thị kiến, ngài thực hiện cuộc hành hương đến đan viện dòng Biển Ðức ở Monserrat. Ở đây, ngài xưng thú tội lỗi, mặc áo nhặm và đặt thanh gươm trên bàn thờ Ðức Maria thề hứa sẽ trở nên một hiệp sĩ cho Ðức Mẹ.
Trong khoảng thời gian một năm, ngài sống gần Manresa, có khi thì ở với các tu sĩ Ða Minh, có khi thì ở nhà tế bần, nhưng lâu nhất là sống trong một cái hang ở trên đồi để cầu nguyện. Chính trong thời gian hoán cải này ngài bắt đầu một công trình mà sau đó rất nổi tiếng, cuốn Những Thao Luyện Tâm Linh.
Vào năm 1523, ngài rời Manresa đến Rôma và Giêrusalem, là nơi ngài sống nhờ việc khất thực và hăng say hoán cải người Hồi Giáo ở đây. Vì lo sợ cho tính mạng của ngài các tu sĩ Phanxicô khuyên ngài trở về Barcelona. Tin tưởng rằng kiến thức uyên bác sẽ giúp đỡ tha nhân cách thiết thực hơn, ngài dành 11 năm tiếp đó trong việc học ở Alcalá, Salamanca và Balê.
Vào năm 1534, lúc ấy đã 43 tuổi, cùng với sáu người khác (trong đó có Thánh Phanxicô Xaviê) ngài thề sống khó nghèo và khiết tịnh và tất cả cùng đến Ðất Thánh. Các ngài thề quyết rằng nếu không thể ở đây thì sẽ dâng mình cho công việc tông đồ của đức giáo hoàng. Và đó là điều đã xảy ra. Bốn năm sau, Thánh Y Nhã hợp thức hóa tổ chức của ngài. Tu Hội của Ðức Giêsu (Dòng Tên) được Ðức Giáo Hoàng Phaolô III chuẩn nhận và Thánh Y Nhã được bầu làm bề trên đầu tiên.
Trong khi các bạn đồng hành được đức giáo hoàng sai đi truyền giáo thì Thánh Y Nhã vẫn ở Rôma, chăm sóc tổ chức mới của ngài nhưng vẫn dành thời giờ để thành lập các nhà cho cô nhi, cho người tân tòng. Ngài thành lập Trường Roma (sau này là Ðại Học Grêgôriô), với mục đích là trường này sẽ trở nên khuôn mẫu cho các trường của Tu Hội.
Thánh Y Nhã đích thực là một vị thần bí. Ngài tập trung vào đời sống tâm linh dựa trên các nền tảng thiết yếu của Kitô Giáo -- Thiên Chúa Ba Ngôi, Ðức Kitô, Bí Tích Thánh Thể. Linh đạo của ngài được tỏ lộ trong châm ngôn của Dòng Tên, ad majorem Dei gloriam -- "để Thiên Chúa được vinh danh hơn." Trong quan niệm của ngài, sự tuân phục là một đức tính nổi bật nhằm đảm bảo cho thành quả và sự năng động của tu hội. Mọi hoạt động phải được hướng dẫn bởi lòng yêu mến Giáo Hội thực sự và tuân phục Ðức Thánh Cha vô điều kiện, vì lý do đó, mọi thành viên của dòng phải khấn lời thề thứ tư, đó là phải đến bất cứ đâu mà đức giáo hoàng đã sai đi để cứu rỗi các linh hồn.
Lời Bàn
Vào năm 1517, Luther đã niêm yết các đề án của ông lên cửa nhà thờ ở Wittenberg. Mười bảy năm sau, Thánh Y Nhã sáng lập một tu hội góp phần quan trọng trong việc chống lại sự cải cách Tin Lành. Ngài là một kẻ thù bất khả tiêu diệt của Tin Lành. Tuy nhiên, trong lời lẽ của ngài người ta vẫn thấy tiềm ẩn sự đại kết: "Phải rất thận trọng khi đưa ra các chân lý chính truyền để nếu người lạc giáo có mặt ở đó, họ sẽ cảm nhận được lòng bác ái và sự ôn hòa Kitô Giáo. Không được dùng lời lẽ cứng rắn và cũng không được khinh miệt những sai lầm của họ." Một trong những khuôn mặt vĩ đại của phong trào đại kết hiện nay là Ðức Hồng Y Bea, một linh mục dòng Tên.
Lời Trích
Thánh Y Nhã đề nghị lời nguyện sau đây cho các hối nhân: "Lạy Chúa, xin hãy chấp nhận mọi đặc quyền, mọi ký ức, mọi hiểu biết và toàn thể ý chí của con. Ngài đã ban cho con tất cả những gì con có, tất cả con người của con, và con xin phó thác chúng cho thánh ý của Ngài, để Ngài tùy ý sử dụng. Con chỉ xin Chúa ban cho con tình yêu và ơn sủng. Ðược như thế, con đã giàu sang đủ và không dám đòi hỏi gì nữa."
sinh năm 1796 tại Ðầu Nước, Cù Lao Giêng, Trùm họ, xử trảm ngày 31-7-1859 tại Châu Ðốc dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 11-4-1909 do Ðức Piô X, kính ngày 31-7.
sinh năm 1826 tại Búng, Gia Ðịnh, Linh Mục, xử trảm ngày 31-7-1859 tại Châu Ðốc dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 11-4-1909 do Ðức Piô X, kính ngày 31-7.
Nguồn: http://www.nguoitinhuu.org/
Tháng 8
1 Tháng Tám : Thánh Anphong Liguori (1696-1787)
2 Tháng Tám : Thánh Eusebius ở Vercelli (283?-371)
3 Tháng Tám : Vị Ðáng Kính Antôn Margil (1657-1726)
4 Tháng Tám : Thánh Gioan Baotixita Vianney (1786-1859)
5 Tháng Tám : Lễ Cung Hiến Ðền Ðức Bà Cả
7 Tháng Tám Thánh Cajetan (1480-1547)
8 Tháng Tám : Thánh Ða Minh (1170-1221)
9 Tháng Tám : Thánh Edith Stein (1891-1942)
10 Tháng Tám : Thánh Lôrensô (thế kỷ thứ ba)
11 Tháng Tám : Thánh Clara (1194-1253)
12 Tháng Tám : Thánh Porcarius và Các Bạn (k. 732)
12 Tháng Tám : Thánh Louis ở Toulouse (1274-1297)
13 Tháng Tám : Thánh Pontian và Thánh Hippolytus (k. 235)
14 Tháng Tám : Thánh Maximilian Mary Kolbe (1894-1941)
15 Tháng Tám : Lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
16 Tháng Tám : Thánh Stêphanô ở Hung Gia Lợi (975-1038)
17 Tháng Tám : Chân Phước Joan Delanoue (1666-1736)
18 Tháng Tám : Thánh Jeanne de Chantal (1572-1641)
19 Tháng Tám : Thánh Gioan Eudes (1601-1680)
20 Tháng Tám : Thánh Bernard ở Clairvaux (1091-1153)
21 Tháng Tám : Thánh Giáo Hoàng Piô X (1835-1914)
22 Tháng Tám : Ðức Maria Nữ Vương
23 Tháng Tám : Thánh Rôsa ở Lima (1586-1617)
24 Tháng Tám : Thánh Batôlômêô
25 Tháng Tám : Thánh Louis của Pháp (1226-1270)
26 Tháng Tám : Thánh Giuse Calasan (1556 -1648)
27 Tháng Tám : Thánh Monica (322?-387)
28 Tháng Tám : Thánh Augustine (354-430)
29 Tháng Tám : Thánh Gioan Tẩy Giả Bị Chém Ðầu
30 Tháng Tám : Tôi Tớ Thiên Chúa - Mẹ Marianne Molokai (1838-1918)
31 Tháng 8 : Tôi Tớ Thiên Chúa: Cha Martin Valencia (1470 - 1534)
========================
1 Tháng Tám : Thánh Anphong Liguori (1696-1787)
Công Ðồng Vatican II xác định rằng, thần học luân lý phải được nuôi dưỡng bởi Phúc Âm, và chứng tỏ được sự cao quý của ơn gọi người Kitô Hữu, và nhiệm vụ của họ là trưng ra kết quả ấy trong đời sống bác ái giữa trần gian. Vào năm 1950, Thánh Anphong được Ðức Piô XII tuyên xưng là quan thầy của các thần học gia luân lý, ngài thật xứng với danh hiệu ấy. Trong cuộc đời ngài, thánh nhân phải tranh đấu để giải thoát nền thần học luân lý khỏi sự khắt khe của chủ thuyết Jansen. Thần học luân lý của ngài, đã được tái bản 60 lần trong thế kỷ sau khi ngài từ trần, chú trọng đến các vấn đề thực tiễn và cụ thể của các cha xứ và cha giải tội. Nếu có thói vụ luật và giảm thiểu hóa luật lệ xen vào thần học luân lý, chắc chắn nó không thuộc về mô hình thần học tiết độ và nhân từ của Thánh Anphong.
Vào năm 16 tuổi, ngài lấy bằng tiến sĩ giáo luật và dân luật của Ðại Học Naples, nhưng sau đó đã bỏ nghề luật sư để hoạt động tông đồ. Ngài được thụ phong linh mục và dồn mọi nỗ lực trong việc tổ chức tuần đại phúc ở các giáo xứ, cũng như nghe xưng tội và thành lập các đoàn thể Kitô Giáo.
Ngài sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế năm 1732. Ðó là một tổ chức của các linh mục và tu sĩ sống chung với nhau, tận tụy theo gương Ðức Kitô và hoạt động chính yếu là tổ chức tuần đại phúc cho nông dân ở thôn quê. Như một điềm báo cho điều sẽ xảy ra sau này, sau một thời gian hoạt động, những người đồng hành với ngài ngay từ khi thành lập đã từ bỏ tu hội và chỉ còn lại có một thầy trợ sĩ. Nhưng tu hội cố gắng sống còn và được chính thức chấp nhận vào 17 năm sau, dù rằng khó khăn vẫn chưa hết.
Sự canh tân mục vụ lớn lao của Thánh Anphong là cách giảng thuyết và giải tội -- ngài thay thế kiểu hùng biện khoa trương, thùng rỗng kêu to, bằng sự giản dị dễ hiểu, và thay thế sự khắc nghiệt của thuyết Jansen bằng sự nhân từ. Tài viết văn nổi tiếng của ngài phần nào đã làm lu mờ công lao khó nhọc mà ngài đã ngang dọc vùng Naples trong 26 năm trường để tổ chức tuần đại phúc.
Ngài được tấn phong giám mục khi 66 tuổi và ngay sau khi nhậm chức, ngài đã cải tổ toàn diện giáo phận.
Vào năm 71 tuổi, ngài bị đau thấp khớp khủng khiếp. Ngài đau khổ trong 18 tháng sau cùng với "sự tăm tối" vì sự do dự, sợ hãi, bị cám dỗ đủ mọi khía cạnh đức tin và mọi đức tính.
Thánh Anphong nổi tiếng về nền tảng thần học luân lý, nhưng ngài cũng sáng tác nhiều trong lãnh vực tâm linh và thần học tín lý. Văn bản Các Vinh Dự của Ðức Maria là một trong những công trình vĩ đại về chủ đề này, và cuốn Viếng Thánh Thể được tái bản đến 40 lần trong đời ngài, đã ảnh hưởng nhiều đến sự sùng kính Thánh Thể trong Giáo Hội.
Ngài được phong thánh năm 1831, và được tuyên xưng Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1871.
Lời Bàn
Trên hết tất cả, Thánh Anphong nổi tiếng là một con người thực tế đối phó với các vấn đề cụ thể hơn là trừu tượng. Cuộc đời ngài quả thật là một gương mẫu "thực tiễn" cho Kitô Hữu ngày nay đang bị khó khăn để nhận chân giá trị của đời sống Kitô Giáo giữa cơn lốc khó khăn, đau khổ, hiểu lầm và thất bại. Thánh Anphong đã trải qua tất cả những đau khổ ấy. Ngài là thánh bởi vì ngài luôn duy trì sự liên hệ mật thiết với Ðức Kitô thống khổ qua tất cả những thử thách cuộc đời.
Lời Trích
Khi Thánh Anphong làm giám mục, một trong các linh mục của dòng có cuộc sống rất trần tục, và cưỡng lại mọi biện pháp nhằm thay đổi lối sống ấy. Vị linh mục được Thánh Anphong mời đến, và ngay ở lối vào phòng của ngài, thánh nhân cho đặt một tượng thánh giá thật lớn. Khi vị linh mục do dự không dám bước qua, Thánh Anphong ôn tồn nói, "Hãy bước vào đi, và nhớ đạp lên thánh giá. Ðây không phải lần đầu tiên mà cha đạp Chúa dưới chân mình."
sinh năm 1755 tại Quần Anh, Nam Ðịnh, Linh Mục, xử trảm ngày 01-8-1838 tại Ba Tòa dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 01-8.
sinh năm 1772 tại Năng A, Nghệ An, Linh Mục, Dòng Ða Minh, xử trảm ngày 01-8-1838 tại Ba Tòa dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 01-8.
2 Tháng Tám : Thánh Eusebius ở Vercelli (283?-371)
Có người nói nếu không có lạc giáo Arian có lẽ thật khó để viết về cuộc đời của nhiều vị thánh tiên khởi. (Nguyên lý căn bản của lạc thuyết Arian là từ chối thiên tính của Ðức Kitô và bởi đó, họ cũng từ chối thiên tính của Chúa Thánh Thần). Thánh Eusebius là một trong những vị bảo vệ Giáo Hội trong thời kỳ nhiều thử thách.
Sinh ở đảo Sardinia, ngài là một thành viên của giáo sĩ Rôma và là giám mục đầu tiên của Vercelli thuộc Piedmont. Ngài cũng là người đầu tiên kết hợp đời sống đan viện với đời sống giáo sĩ, qua sự thành lập một cộng đoàn các tu sĩ trong giáo phận với sự tin tưởng rằng phương cách tốt nhất để thánh hóa giáo dân là để họ nhìn thấy các giáo sĩ được đào tạo trong một cộng đoàn nhân đức và sống động.
Ngài được Ðức Giáo Hoàng Liberius sai đến gặp hoàng đế Constantius để thuyết phục nhà vua triệu tập một công đồng nhằm giải quyết các khó khăn giữa Công Giáo và Arian. Khi công đồng được triệu tập ở Milan, vì cảm thấy khối Arian đang thắng thế, mặc dù người Công Giáo đông hơn nên Ðức Eusebius không đến tham dự, mãi cho đến khi chính nhà vua ép buộc.
Khi nhà vua yêu cầu mọi giám mục phải ký vào bản án để buộc tội Ðức Athanasius -- là người cương quyết chống với lạc thuyết Arian -- Ðức Eusebius đã từ chối; thay vào đó, ngài đặt Kinh Tin Kính lên bàn hội nghị và yêu cầu mọi người ký tên vào đó trước khi bàn đến các vấn đề khác. Nhà vua dùng áp lực với Ðức Eusebius, nhưng ngài quả quyết rằng Ðức Athanasius vô tội, và nhắc nhở hoàng đế rằng không thể dùng thế lực ngoài đời để ảnh hưởng đến các quyết định của Giáo Hội. Lúc đầu nhà vua đe dọa giết ngài, nhưng sau đó lưu đầy ngài đến Palestine. Ở đây, phe Arian kéo ngài lê lết trên đường phố và giam ngài trong một căn phòng nhỏ, và sau bốn ngày ngài tuyệt thực để phản đối họ mới thả ngài ra, nhưng được một ít lâu, họ lại tiếp tục hành hạ ngài.
Ðức Eusebius phải tiếp tục cuộc sống lưu đầy ở Tiểu Á và Ai Cập, cho đến khi tân hoàng đế cho phép ngài trở lại giáo phận ở Vercelli. Ngài tham dự Công Ðồng Alexandria với Ðức Athanasius và chấp thuận khoan hồng cho các giám mục trước đây theo phe Arian. Ngài còn cộng tác với Thánh Hilary ở Poitiers để chống với lạc giáo Arian.
Lời Trích
"Ðể việc chăm sóc các linh hồn có hiệu quả, các linh mục được yêu cầu sống chung trong một cộng đoàn, nhất là những ai sinh hoạt trong cùng một giáo xứ. Nếp sống này không những khích lệ giáo dân hoạt động tông đồ, mà còn là một gương mẫu của lòng bác ái và sự hiệp nhất cho người tín hữu" (Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ của Giám Mục, 30).
3 Tháng Tám : Vị Ðáng Kính Antôn Margil (1657-1726)
Antôn sinh ở Valencia, Tây Ban Nha. Sau khi gia nhập dòng Phanxicô và được thụ phong linh mục, ngài quyết định trở thành nhà truyền giáo. Khi hội thừa sai Santa Cruz ở Querétaro, Mễ Tây Cơ, được thành lập, Cha Antôn tình nguyện đến làm việc. Khi ngài đến Vera Cruz vào năm 1683, thành phố ấy tiêu điều vì hải tặc tấn công. Ðời sống ở Tân Thế Giới không dễ dàng gì.
Trong 43 năm mục vụ, Cha Antôn ngang dọc khắp lãnh thổ rộng lớn ở Tân Tây Ban Nha. Ngài làm việc ở Costa Rica, Guatemala, Mễ Tây Cơ và Texas. Sau 13 năm làm giám đốc ở Querétaro, ngài thiết lập các hội thừa sai ở Guatemala City và ở Zacatecas, Mễ Tây Cơ.
Tuy Cha Antôn rất quen với sự hy sinh nhưng đời sống truyền giáo vẫn có nhiều cơ hội để hãm mình phạt xác. Ngài phải đi bộ hàng ngàn dặm và phải can trường đối phó với thái độ thù nghịch của người da đỏ.
Năm 1716, các nhà truyền giáo thuộc hội thừa sai Zacatecas thành lập trung tâm truyền giáo Guadalupe ở miền đông tiểu bang Texas. Còn Cha Antôn thì thiết lập các hội thừa sai ở Dolores và San Miguel cũng trong tiểu bang này. Khi cuộc chiến với Tây Ban Nha khiến người Pháp đổ bộ vào miền đông Texas năm 1719, Cha Antôn và các nhà thừa sai rút về Trung Tâm San Antonio (sau này gọi là Alamô), được thành lập vào năm trước đó. Vào năm 1720, ngài bắt đầu thành lập Trung Tâm San José ở San Antonio.
Cha Antôn từ trần ở Mexico City ngày 6 tháng Tám 1726. Năm 1836, ngài được tuyên xưng là đấng đáng kính.
Lời Bàn
Các nhà truyền giáo như Cha Antôn có cuộc sống rất vất vả. Công việc thì khổ cực mà kết quả thì chưa thấy đâu. Cũng như các nhà thừa sai trước đó và sau này, Cha Antôn tin tưởng rằng, Thiên Chúa mới là người sau cùng đem lại kết quả tốt đẹp cho những hy sinh ấy.
Lời Trích
"Nhưng trước khi tất cả các điều ấy xảy ra, thì người ta sẽ bắt bớ và ngược đãi anh em; họ sẽ nộp anh em cho các hội đường và nhà tù, và anh em sẽ bị điệu đến trước vua chúa quan quyền vì danh Thầy... Vậy anh em nhớ đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào; vì chính Thầy sẽ cho anh em tài ăn nói và sự khôn ngoan mà không đối thủ nào có thể chống lại hay phủ nhận được" (Luca 21:12, 14-15).
4 Tháng Tám : Thánh Gioan Baotixita Vianney (1786-1859)
Thật ít người có được sự quyết tâm mạnh mẽ để vượt qua các trở ngại và đạt được các kỳ công. Thánh Gioan Baotixita Vianney (còn được gọi là Cha Sở họ Ars) là một người có quyết tâm: Ngài muốn trở nên một linh mục. Nhưng trở ngại lớn nhất là ngài không có căn bản học vấn cần thiết.
Sau thời gian nhập ngũ và trở lại chủng viện, ngài không hiểu nổi các bài học bằng tiếng Latinh nên bị đuổi ra khỏi trường. Nhờ sự giúp đỡ kiên nhẫn của Cha Balley để dạy riêng ở nhà, sau cùng Gioan được nhận trở lại và được thụ phong linh mục với nhiều cay đắng.
Hầu như chẳng giám mục nào muốn có một linh mục như Gioan, do đó, họ đưa ngài về một giáo xứ hẻo lánh, chỉ có 40 gia đình nhưng có đến 4 quán rượu. Khi ngài đến tỉnh Ars nước Pháp, lúc ấy đã 31 tuổi, hầu như chẳng ai thèm lưu ý. Tỉnh này nổi tiếng là nơi đầy ải các linh mục. Giáo dân thì thờ ơ với việc đạo đức và thoải mái với nếp sống cố hữu của họ.
Không bao lâu họ thấy có những thay đổi. Khi nhìn trộm qua cửa sổ họ thấy cha sở gầy gò ốm yếu cầu nguyện suốt đêm. Có người thấy ngài vất bỏ các bàn ghế đắt tiền và thay chiếc giường nệm êm ấm bằng các khúc gỗ sần sùi. Cũng có người thấy ngài chia sẻ quần áo cho người ăn xin, và chính ngài chỉ ăn có hai củ khoai mỗi ngày. Một vài người tò mò đến nhà thờ nghe giảng, và họ thấy tiếng nói của ngài như xé vào tai nhưng có sức đánh động tâm hồn. Từ tò mò dẫn đến nghi vấn. Có thể nào đây là một linh mục đích thực? Và nhà thờ bắt đầu đông người trở lại.
Cha Gioan đã trở nên một phần tử của cộng đồng nhỏ bé ấy. Mỗi ngày ngài đi thăm các giáo dân và lắng nghe những ưu tư của họ. Ngài không hiểu tiếng Latinh nhưng ngài rất hiểu các nỗi khó khăn của đời sống người dân. Do đó, sau mười hai năm, hầu như mọi người trong tỉnh đều tham dự Thánh Lễ hàng ngày và các nông dân vừa lần chuỗi vừa cầy cấy nơi đồng áng.
Sự thay đổi không phải dễ dàng. Những dèm pha, đàm tiếu, chụp mũ Cha Gioan cũng không thiếu. Ðối phó với những người ấy, ngài chỉ im lặng và nhẫn nhục chịu đựng.
Công việc giải tội là thành quả đáng kể nhất của Cha Gioan. Khi mới chịu chức linh mục, ngài không được phép giải tội vì học lực quá kém. Nhưng ở họ đạo Ars, điều giáo dân lưu tâm là ngài có khả năng thấu suốt linh hồn họ, khuyên bảo họ một cách chân thành với tấm lòng quý mến.
Dân chúng từ khắp Âu Châu đổ về tỉnh nhỏ xíu ấy chỉ để xưng tội. Trong những tháng mùa đông, ngài phải mất từ 11 đến 12 tiếng đồng hồ để đưa người ta về với Thiên Chúa. Trong mùa hè, thời gian giải tội lên đến 16 tiếng. Ðó là chưa kể cảnh giáo dân, vì quá ái mộ ngài nên họ luôn rình rập để cắt áo, cắt tóc và lấy trộm mũ của ngài làm kỷ niệm. Nhưng các điều ấy không tệ hại cho bằng cứ phải nghe những câu chuyện đau lòng trong toà giải tội. Nếu một người không quyết tâm sống ơn gọi linh mục thì không thể nào chịu đựng nổi sự hy sinh bền bỉ như vậy.
Với thân hình mảnh khảnh nhưng gánh nặng quá lớn vì yêu quý các linh hồn, sức khoẻ của ngài ngày càng sa sút. Theo lời khuyên của các bác sĩ, ngài tìm cách trốn khỏi giáo xứ để có chút thời giờ tĩnh dưỡng, nhưng cả xứ biết tin đã tìm cách chặn đường ngài. Bất chấp điều ấy, ngài lên đường trở về quê nhà nhưng cả đoàn người hành hương lại theo ngài đến đó. Biết rằng không thể nào được yên thân, ngài trở về họ đạo.
Ngài từ trần ngày 4 tháng Tám 1859 sau cơn bệnh nặng, hưởng thọ 73 tuổi. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô XI phong thánh năm 1925 và năm 1929, ngài được đặt làm quan thầy chính thức của các cha xứ.
Lời Trích
Nhận xét về sự cầu nguyện chung trong phụng vụ, Thánh Gioan Vianney cho biết: "Cầu nguyện riêng giống như cọng rơm rải rác đó đây: Nếu bạn đốt lên nó chỉ tạo thành ngọn lửa nhỏ. Nhưng gom các cọng rơm ấy lại và đốt lên, bạn có được ngọn lửa lớn, vươn lên cao như một cột lửa đến tận trời xanh; cầu nguyện chung thì cũng giống như vậy."
5 Tháng Tám : Lễ Cung Hiến Ðền Ðức Bà Cả
Sau khi được xây cất lần đầu tiên theo lệnh của Ðức Giáo Hoàng Liberius vào giữa thế kỷ thứ tư, Ðền Liberius được Ðức Giáo Hoàng Sixtus III cho xây cất lại vào năm 431 một ít lâu sau khi Công Ðồng Êphêsô xác định danh xưng của Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Sau khi được tái cung hiến cho Mẹ Thiên Chúa, Ðền Ðức Bà Cả là nhà thờ lớn nhất thế giới để vinh danh Thiên Chúa qua Ðức Maria.
Tọa lạc trên một trong bảy ngọn đồi ở Rôma, đền đã trải qua nhiều lần tu bổ mà vẫn giữ được đặc tính của một vương cung thánh đường thời xa xưa. Bên trong vẫn chia làm ba gian được ngăn cách bởi các cột lớn với đường nét trạm trổ thời hoàng đế Constantine. Những tấm khảm từ thế kỷ thứ năm vẫn còn hiển hiện trên các bức tường là chứng tích cho sự cổ kính của đền.
Ðền Ðức Bà Cả là một trong bốn thánh đường ở Rôma nổi tiếng là các thánh đường chính được xây cất để kính nhớ các trung tâm đầu tiên của Giáo Hội. Ðền Thánh Gioan Latêranô tượng trưng cho ngai toà Thánh Phêrô, Toà Rôma; Ðền Thánh Phaolô Ngoại Thành, Toà Alexandria, nghe nói do Thánh Máccô đứng đầu; Ðền Thánh Phêrô, Tòa Constantinople; và Ðền Ðức Bà Cả, Tòa Antiôkia, là nơi người ta cho rằng Ðức Maria sống ở đây lâu nhất.
Một truyền thuyết có từ trước năm 1000, bây giờ không còn giá trị, đã khiến ngày lễ này có một tên khác: Ðức Bà Sương Tuyết. Theo truyền thuyết, một vợ chồng quý tộc người Rôma hứa dâng tặng tài sản kếch sù cho Ðức Maria. Ðể xác nhận điều ấy, ngài làm phép lạ tuyết đổ giữa mùa hè, và bảo họ xây một đền thờ ở chỗ ấy. Vào ngày 5 tháng Tám hàng năm, truyền thuyết này thường được cử hành bằng cách thả hoa hồng trắng như tuyết rơi từ vòm đền thờ xuống đất.
Lời Bàn
Cuộc tranh luận thần học về bản tính của Ðức Kitô, vừa là Chúa vừa là người, đạt đến cực điểm trong đầu thế kỷ thứ năm, thời Constantinople. Ðức Athanasius, giáo sĩ thuộc quyền Giám Mục Nestorius, phản đối danh xưng Theotokos, "Mẹ Thiên Chúa," ngài cả quyết rằng Ðức Trinh Nữ chỉ là mẹ của Ðức Giêsu về phương diện nhân tính. Ðức Giám Mục Nestorius đồng ý và ra lệnh rằng, từ nay về sau trong giáo phận của ngài, Ðức Maria được gọi là "Mẹ Ðức Kitô". Dân chúng thành Constantinople chính thức nổi dậy phản đối sắc lệnh của đức giám mục. Khi Công Ðồng Êphêsô bác bỏ quyết định của Ðức Nestorius, người tín hữu đã tuốn ra đường phố, phấn khởi hô to, "Theotokos! Theotokos!"
Lời Trích
"Ngay từ thời tiên khởi, Ðức Trinh Nữ đã được vinh danh với tước hiệu Mẹ Thiên Chúa, và các tín hữu đã cầu khẩn và ẩn náu dưới sự che chở của ngài trong lời cầu nguyện khi họ gặp gian nan khốn khó. Vì vậy, sau Công Ðồng Êphêsô, Dân Chúa đã gia tăng lòng sùng kính Ðức Maria cách lạ lùng, trong sự kính mến, trong sự cầu khẩn và noi gương..." (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, 66).
6 Tháng Tám : Lễ Hiển Dung
Cả ba Phúc Âm Nhất Lãm đều đề cập đến biến cố Hiển Dung (Mátthêu 17:1-8; Máccô 9:2-9; Luca 9:28-36). Với một sự tương đồng đáng chú ý, cả ba đều kể lại biến cố này sau khi Phêrô tuyên xưng đức tin Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Thế và sau lần đầu tiên Ðức Giêsu nói về sự thống khổ và cái chết của Người. Sự hăng hái của Phêrô trong việc dựng lều nơi hiển dung đưa ra giả sử rằng, biến cố đó xảy ra trong dịp Lễ Lều kéo dài một tuần lễ trong mùa thu.
Mặc dù cả ba văn bản đều rất giống nhau, theo các học giả Kinh Thánh, thật khó để diễn lại cảm nghiệm của các tông đồ, vì các Phúc Âm dựa rất nhiều vào Cựu Ước trong đoạn diễn tả cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa ở núi Sinai và những điều tiên tri về Con Người. Chắc chắn là Phêrô, Giacôbê và Gioan đã thoáng được nhìn thấy thiên tính của Ðức Giêsu, nhưng ấn tượng ấy đủ mạnh để tạo nên sự sợ hãi in sâu trong tâm hồn họ. Một cảm nghiệm như vậy không thể nào diễn tả được, do đó các ngài dùng cách diễn đạt thông thường trong kinh sách để diễn tả. Và tất nhiên, Ðức Giêsu đã cảnh cáo cho họ biết, sự vinh hiển và sự thống khổ của Người liên hệ với nhau một cách chặt chẽ -- đó là chủ đề mà Gioan lập đi lập lại trong Phúc Âm của ngài.
Truyền thống coi núi Tabor là nơi hiển dung. Ðầu tiên, trong thế kỷ thứ tư một nhà thờ được dựng nên ở nơi đây để cung hiến cho biến cố này vào ngày 6 tháng Tám. Một ngày lễ để tôn kính sự Hiển Dung được Giáo Hội Ðông Phương cử mừng bắt đầu từ khoảng thời gian đó. Sự mừng kính của một vài giáo hội Tây Phương bắt đầu vào khoảng thế kỷ thứ tám.
Vào ngày 22 tháng Bảy 1456, Thập Tự quân đánh bại quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Belgrade. Tin tức về cuộc chiến thắng được đưa về Rôma vào ngày 6 tháng Tám, và vào năm sau, Ðức Giáo Hoàng Callistus III đã đưa ngày lễ này vào niên lịch phụng vụ của Rôma.
Lời Bàn
Một trong những tường thuật về sự Hiển Dung được đọc vào Chúa Nhật II Mùa Chay hàng năm, để tuyên xưng thiên tính của Ðức Kitô cho các người dự tòng. Phúc Âm của Chúa Nhật I Mùa Chay, ngược lại, là câu chuyện Ðức Giêsu bị cám dỗ trong sa mạc -- xác nhận nhân tính của Ðức Kitô. Hai bản tính khác biệt nhưng không thể tách rời của Chúa Giêsu là một chủ đề gây nhiều tranh luận trong lịch sử Giáo Hội thời tiên khởi; ngày nay chủ đề ấy vẫn còn khó cho nhiều người thấu hiểu.
Lời Trích
Trong biến cố Hiển Dung, Ðức Kitô cho các môn đệ thấy sự huy hoàng mỹ miều của Người, mà qua đó Người sẽ uốn nắn và tô điểm những ai thuộc về Người: "Người sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người" (Philípphê 3:21) (Thánh Tôma Aquinas, Tổng Luận Thần Học).
7 Tháng Tám Thánh Cajetan (1480-1547)
Vào năm 1523, Giáo Hội trong tình trạng tiêu điều. Ðời sống tâm linh cần thiết của giáo dân không được chăm sóc bởi rất đông các mục tử thiếu học thức và thiếu đạo đức, họ chỉ biết đồng tiền mà không hoạt động gì cả. Khi các linh mục tốt lành và giáo dân chạy đến các đấng có quyền để xin giúp đỡ, họ cũng chỉ gặp sự thờ ơ lãnh đạm của các vị chủ chiên.
Một người Công Giáo tốt lành phải phản ứng thế nào trước hoàn cảnh này? Tất cả chúng ta đều biết Luther và một số người khác đã phản ứng bằng cách tách rời khỏi Giáo Hội Công Giáo khi thỉnh cầu của họ không được lắng nghe.
Thánh Cajetan lại theo một phương cách khác. Cũng như Luther, khi lưu tâm đến những gì họ được thấy trong đời sống Giáo Hội, ngài đến Rôma năm 1523 -- không phải để trình lên đức giáo hoàng hay đấng có quyền nhưng để gia nhập Hội A¨i Hữu Tình Yêu Thiên Chúa, là một tổ chức nhỏ bé, bán chính thức, tận tụy trong công việc bác ái. Họ chăm sóc người nghèo, người đau yếu, trẻ mồ côi và các tù nhân. Dần dà họ gây được ảnh hưởng khắp nước Y¨.
Sau khi chịu chức linh mục, năm 1518 Cajetan trở về quê nhà ở Vicenza khi mẹ ngài sắp từ trần. Ở đây, ngài gia nhập Hội Dòng Thánh Giêrôme. Sau khi mẹ chết, ngài dùng tất cả tài sản để cứu giúp người đau yếu, đồng thời sáng lập một hội dòng tương tự ở Venice, là nơi ngài cổ võ đời sống tâm linh và chăm sóc người nghèo, người đau yếu không chỉ bằng lời nói mà còn bằng gương mẫu anh hùng.
Năm 1523, ngài trở về Rôma, với sự tiếp tay của các bạn thân trong hàng giáo phẩm, ngài quyết định thành lập một tu hội dựa trên đời sống của các tông đồ, với hy vọng rằng đời sống của các thánh sẽ khích lệ họ và người khác cố gắng sống một cuộc đời thánh thiện vì Ðức Giêsu Kitô. Ðể hoàn thành mục đích này, họ nhắm đến đời sống luân lý, học hỏi Kinh Thánh, rao giảng và chăm sóc mục vụ, giúp đỡ người bệnh tật, và các nền tảng vững chắc của đời sống mục vụ. Tu hội mới này được gọi là Tu Sĩ Dòng Theatine.
Dĩ nhiên, các linh mục phóng túng và tham lam chẳng bao giờ đặt chân đến tu hội, nhưng Cajetan vẫn kiên trì chịu đựng sự chống đối từ các giáo sĩ và giáo dân không muốn cải tổ. Chính gương mẫu đời sống thánh thiện cũng như lời rao giảng của ngài mà nhiều người đã hoán cải.
Kiệt quệ vì các khó khăn trong Giáo Hội và ở quê nhà, Cajetan lâm trọng bệnh. Khi các y sĩ tìm cách khiêng ngài từ chiếc giường gỗ thô thiển lên chiếc giường nệm êm ấm, Cajetan thều thào, "Chúa Cứu Thế chết trên thập giá. Hãy để tôi được chết trên tấm gỗ này." Ngài từ trần ngày 7 tháng Tám 1547.
Ngài được Ðức Giáo Hoàng Clêmentê phong thánh năm 1671.
Lời Trích
Có lần Thánh Cajetan nói với các anh em trong dòng, "Chúng ta cố gắng phục vụ Thiên Chúa qua sự thờ phượng trong hội dòng này; nhưng trong bệnh viện, chúng ta mới có thể nói là thực sự tìm thấy Ngài."
8 Tháng Tám : Thánh Ða Minh (1170-1221)
Sinh trong một gia đình quyền quý và đạo hạnh ở Tây Ban Nha, ngay từ nhỏ Thánh Ða Minh đã có chí hướng đi tu. Ngài theo học ở Palencia, và có lẽ được thụ phong linh mục trong khi còn đi học, và được bổ nhiệm là kinh sĩ ở Osma năm 1199. Ở đây ngài làm bề trên của một tu nghị, nổi tiếng là theo sát quy luật của Thánh Bênêđíctô.
Năm 1203, ngài tháp tùng Ðức Giám Mục của Osma đến Languedoc, là nơi Thánh Ða Minh rao giảng chống với lạc thuyết Albigensian, và giúp cải tổ dòng Xitô. Thánh Ða Minh thành lập một tổ chức dành cho phụ nữ ở Prouille trong thuộc địa của phe Albigensian và giao cho một vài nữ tu trông coi với quy luật do chính ngài viết ra.
Khi vị đại diện đức giáo hoàng bị bè phái Albigensian sát hại năm 1208, Ðức Giáo Hoàng Innôxentê III đã phát động một cuộc thập tự chinh do Bá Tước Simon IV cầm đầu để chống với bè rối này. Thánh Ða Minh đi theo đạo quân để rao giảng cho những người lạc giáo, nhưng không thành công lắm. Vào năm 1214, Bá Tước Simon tặng cho Thánh Ða Minh một lâu đài ở Casseneuil, và cùng với sáu môn đệ, thánh nhân đã thành lập một tu hội tận tụy cho việc hoán cải người lạc giáo Albigensian.
Trong Công Ðồng Latêranô lần thứ tư năm 1215, Thánh Ða Minh thất bại trong việc xin phê chuẩn tu hội, nhưng được Ðức Giáo Hoàng Honorius III chuẩn y vào năm tiếp đó, và Dòng Thuyết Giảng (các tu sĩ dòng Ða Minh) được thành lập.
Thánh Ða Minh dùng quãng đời còn lại để tổ chức dòng, đi khắp nước Ý, Tây Ban Nha và Pháp để rao giảng và thu hút các thành viên mới, cũng như thiết lập các trung tâm của dòng. Dòng Thánh Ða Minh thành công trong việc hoán cải khi áp dụng quan niệm của thánh nhân là hài hòa giữa đời sống trí thức với nhu cầu của quần chúng.
Ngài triệu tập hội đồng chung trong dòng vào năm 1220 ở Bologna và từ trần ở đây vào năm tiếp đó, sau khi bị lâm bệnh và buộc phải trở về trong chuyến rao giảng ở Hung Gia Lợi.
Ngài được phong thánh năm 1234.
* Thuyết Albigensian dựa trên thuyết nhị nguyên về hai nguyên tắc đối nghịch nhau, sự thiện và sự dữ, mà mọi vật chất được coi là xấu xa và người tạo nên thế giới vật chất được coi là ma quỷ. Do đó, học thuyết Nhập Thể bị khước từ, và Cựu Ước cũng như các Bí Tích bị tẩy chay. Ðể trở nên tuyệt hảo hay "tinh tuyền", người theo thuyết này phải tránh tình dục và cực kỳ kiêng cữ ăn uống. Nhịn đói đến chết được coi là một hành động cao quý. Với hình thức thái quá này, thuyết Albigensian được coi là nguy hiểm cho xã hội.
9 Tháng Tám : Thánh Edith Stein (1891-1942)
Edith Stein, một nữ tu Camêlô thánh thiện, một triết gia uyên thâm và một văn sĩ sáng giá, không những ngài có ảnh hưởng lớn ở thời ấy mà ngày nay, ảnh hưởng ấy đang lan tràn trong giới triết gia và trí thức ở Ðức cũng như trên toàn thế giới. Ngài là nguồn cảm hứng cho tất cả những ai coi Thánh Giá là di sản, và cuộc đời ngài được dâng hiến cho sự đau khổ và bách hại của dân tộc Do Thái.
Sinh ngày 12 tháng Mười 1891 trong một gia đình Do Thái ở Breslau, nước Ðức, ngay từ nhỏ Edith Stein đã chứng tỏ năng lực học hỏi lạ thường, và vào lúc bắt đầu Thế Chiến I, ngài đã học xong triết và ngữ văn tại đại học Breslau và Goettingen.
Sau cuộc chiến, ngài tiếp tục cao học tại Ðại Học Freiburg và lấy bằng tiến sĩ ưu hạng về triết. Sau đó ngài là giáo sư phụ tá và là cộng tác viên của Giáo Sư Husserl, cha đẻ của hiện tượng học và cũng là người có ảnh hưởng lớn đến tư duy của thánh nữ.
Trong tất cả các ngành học hỏi, Edith Stein không chỉ tìm kiếm chân lý mà còn đi tìm chính Chân Lý và ngài đã tìm thấy ở Giáo Hội Công Giáo sau khi đọc tự truyện của Thánh Têrêsa Avila. Edith Stein được rửa tội vào ngày đầu năm 1922.
Sau khi trở lại đạo, Edith dùng toàn thời giờ để dạy học, diễn thuyết, viết lách và dịch sách, và không bao lâu ngài trở nên một triết gia và tác giả nổi tiếng, nhưng điều ngài khao khát là cuộc sống cô độc và tịnh niệm của dòng Camêlô, là nơi ngài tận hiến cho Thiên Chúa và người dân của ngài. Trước khi Ðức Quốc Xã bách hại người Do Thái khiến ngài phải ngưng mọi hoạt động thì cha linh hướng đã đồng ý để ngài gia nhập dòng Camêlô Hèn Mọn ở Cologne-Lindenthal vào tháng Mười năm 1933. Vào tháng Tư năm kế tiếp, ngài được mặc áo dòng và lấy tên là "Têrêsa Bênêđícta của Thánh Giá." Vào Chúa Nhật Phục Sinh năm 1935, ngài khấn trọn.
Khi sự bách hại người Do Thái gia tăng mãnh liệt và điên cuồng, Sơ Têrêsa Bênêđícta nhận thấy sự nguy hiểm khi có mặt tại nhà dòng Camêlô ở Cologne, và ngài đã xin phép bề trên để di chuyển đến một tu viện ở ngoại quốc. Vào đêm 31 tháng Mười Hai 1938, ngài bí mật vượt biên giới đến Hòa Lan là nơi ngài được tiếp đón một cách nồng nhiệt vào dòng Camêlô ở Echt. Ở đây ngài sáng tác văn bản sau cùng là Thánh Giá Học.
Chính Thánh Giá của ngài thì ngay ở trước mặt, vì lúc ấy Ðức Quốc Xã đã xâm lăng Hòa Lan, và khi các giám mục Hòa Lan công bố lá thư mục vụ phản đối việc trục xuất người Do Thái và đuổi các học sinh Do Thái ra khỏi trường Công Giáo, thì Ðức Quốc Xã ra lệnh bắt giữ mọi người Công Giáo thuộc gốc Do Thái ở Hòa Lan. Sơ Têrêsa Bênêđícta bị bắt vào ngày 2 tháng Tám 1942, và được chở đến trại tử thần Auschwitz. Ngài chết trong phòng hơi ngạt ở Auschwitz ngày 9 tháng Tám 1942.
Vào ngày 1 tháng Năm 1987, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước cho Sơ Têrêsa Bênêđícta, và sau cùng sơ được phong thánh ngày 11 tháng Mười 1998.
Lời Bàn
Các sáng tác của Sơ Têrêsa Bênêđícta có đến 17 tập, phần lớn đã được dịch sang Anh ngữ. Là một phụ nữ chính trực, ngài theo đuổi chân lý mà bất cứ đâu chân lý đưa đẩy đến. Sơ Josephine Koeppel, O.C.D., người đã dịch vài cuốn sách của Sơ Têrêsa Bênêđícta, nhận xét tổng quát về vị thánh này như sau, ngài "học biết cách sống trong bàn tay Thiên Chúa."
Lời Trích
Trong bài giảng lễ phong thánh, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: "Vì Edith Stein là người Do Thái nên cùng với người chị là Rosa và những người Công Giáo cũng như Do Thái khác bị đưa từ Hòa Lan đến trại tập trung Auschwitz, là nơi ngài chết vì hơi ngạt. Ngày nay, chúng ta tưởng nhớ ngài với lòng tôn trọng sâu xa. Một vài ngày trước khi bị trục xuất, người phụ nữ đạo đức này đã gạt bỏ vấn đề được cứu nguy: 'Ðừng làm như vậy! Tại sao tôi phải được miễn trừ? Không đúng sao khi tôi chẳng được ích gì từ bí tích Rửa Tội? Nếu tôi không thể chia sẻ số phận với anh chị em của tôi, đời sống của tôi chắc chắn bị tiêu diệt'."
Với những người trẻ có mặt trong buổi lễ, đức giáo hoàng nói: "Cuộc đời các con không phải là một chuỗi không cùng của những cánh cửa mở! Hãy lắng nghe tâm hồn mình! Ðừng dừng ở ngoài mặt nhưng đi sâu vào tâm điểm của mọi sự! Và khi đến giờ, hãy có can đảm quyết định! Thiên Chúa chờ đợi các con phó thác sự tự do của mình trong bàn tay nhân ái của Người."
10 Tháng Tám : Thánh Lôrensô (thế kỷ thứ ba)
Thánh Lôrensô là một trong bảy nô bộc (phó tế) của giáo hội chịu trách nhiệm giúp đỡ người nghèo túng và ngài được giao cho trách nhiệm "quản lý tài sản của giáo hội". Khi sự cấm đạo dưới thời hoàng đế Valerian bùng nổ, Thánh Giáo Hoàng Sixtus bị kết án tử hình cùng với sáu phó tế khác. Khi đức giáo hoàng bị điệu ra pháp trường, Lôrensô đi theo khóc lóc nức nở, ngài hỏi, "Cha ơi, cha đi đâu mà không cho nô bộc này theo?" Ðức giáo hoàng trả lời, "Con ơi, ta không bỏ con đâu. Trong ba ngày nữa, con sẽ theo ta." Nghe thấy thế, Lôrensô thật vui mừng, ngài về phân phát hết tiền của trong kho cho người nghèo, và còn bán cả các phẩm phục đắt tiền để có thêm của cải mà phân phát.
Quan Tổng Trấn Rôma, một người tham lam, nghĩ rằng Giáo Hội có giấu giếm nhiều của cải. Do đó, ông ra lệnh cho Lôrensô phải đem hết tài sản của Giáo Hội cho ông. Vị thánh trả lời, xin cho ba ngày. Thế là ngài đi khắp thành phố, quy tụ mọi người nghèo khổ, đau yếu được Giáo Hội giúp đỡ. Khi trình diện họ trước mặt quan, ngài nói: "Ðây là tài sản của Giáo Hội!"
Giận điên người, quan tổng trấn xử phạt Lôrensô phải chết cách thê thảm và chết dần mòn. Vị thánh bị cột trên một vỉ sắt lớn với lửa riu riu để từ từ thiêu đốt da thịt của ngài, nhưng thánh nhân đang bừng cháy với tình yêu Thiên Chúa nên hầu như ngài không cảm thấy gì. Thật vậy, Thiên Chúa còn ban cho ngài sức mạnh đến độ có thể đùa bỡn. Ngài nói với quan tòa, "Lật tôi đi chứ. Phía bên này chín rồi!" Và trước khi trút hơi thở cuối cùng, ngài nói, "Bây giờ thì đã chín hết rồi." Sau đó ngài cầu xin cho thành phố Rôma được trở lại với Ðức Kitô và cho Ðức Tin Công Giáo được lan tràn khắp thế giới. Và ngài tiến lên lãnh nhận triều thiên tử đạo.
11 Tháng Tám : Thánh Clara (1194-1253)
Thánh Clara là thiếu nữ xinh đẹp của một gia đình giầu có ở Assisi. Khi mười tám tuổi, được khích động bởi một bài giảng của Thánh Phanxicô Assisi, ngài cương quyết noi gương các tu sĩ Phanxicô, thề sống khó nghèo, tận hiến cho Thiên Chúa. Gia đình ngài hoảng sợ, dùng võ lực ép buộc ngài phải trở về nhà; nhưng một đêm kia, trong một hành động vừa có tính cách khôn khéo và vừa có ý nghĩa, ngài lẻn ra khỏi nhà qua "cánh cửa người chết" (cánh cửa nhỏ để khiêng người chết ra ngoài), và đến với các tu sĩ Phanxicô.
Trong một nhà nguyện nhỏ bé ở ngoại ô, Thánh Phanxicô đã cắt mái tóc của Clara và trao cho thánh nữ chiếc áo nâu thô kệch làm chiếc áo dòng. Sau đó, thánh nữ sống với các nữ tu dòng Bênêđíctô cho đến khi có thêm sự gia nhập của các phụ nữ khác, trong đó có cả người mẹ goá bụa của ngài và các phụ nữ thuộc gia đình quý tộc ở Florence.
Cộng đoàn nhỏ bé ấy dần dà được biết đến dưới tên Các Chị Em Hèn Mọn (các tu sĩ Phanxicô là Anh Em Hèn Mọn). Khi tu hội được thành lập, Thánh Phanxicô đề nghị Clara làm bề trên, nhưng ngài từ chối cho đến khi được hai mươi mốt tuổi. Các nữ tu trong dòng tận tụy trong việc cầu nguyện, chăm sóc bệnh nhân và thi hành việc bác ái cho người nghèo và người bị ruồng bỏ.
Họ sống theo một quy luật khắc khổ hơn bất cứ nữ tu hội nào khác trong thời ấy, và tuyệt đối khó nghèo, cả về phương diện cá nhân cũng như cộng đoàn. Họ đi chân đất, không có giường, mà nằm trên các khúc gỗ được kết lại và chăn mền là vỏ cây gai dệt thành. Gió mưa tha hồ lọt qua các vết nứt ở mái nhà cũng như vách gỗ. Họ ăn rất ít và không bao giờ ăn thịt. Thực phẩm của họ là tất cả những gì xin được. Bất kể sự khắc khổ của đời sống, những người theo Thánh Clara lại là những thiếu nữ xinh đẹp nhất Assisi và lúc nào họ cũng có niềm vui vì được sống gần Thiên Chúa.
Thật vậy, Thiên Chúa đã gìn giữ họ khỏi sự nguy hiểm khi bọn lính hung dữ đến tấn công Assisi và dự định bố ráp tu viện này trước hết. Lúc ấy, dù đang đau nặng, Thánh Clara đã gắng gượng quỳ xuống trước cổng, tay nâng Mình Thánh trong mặt nhật và ngài cầu xin, "Lạy Chúa, xin hãy gìn giữ các nữ tu mà con không thể nào bảo vệ nổi." Sau đó, dường như có tiếng trả lời: "Ta sẽ luôn gìn giữ họ," và đồng thời ngay lúc ấy, quân lính cảm thấy vô cùng sợ hãi và họ chạy tán loạn.
Thánh Clara làm bề trên tu viện trong bốn mươi năm mà hai mươi chín năm ngài luôn đau yếu. Nhưng lúc nào ngài cũng vui vẻ vì cho rằng đó là sự phục vụ Thiên Chúa. Nhiều người cho rằng các nữ tu đau yếu là vì quá khắc khổ. Ngài nói, "Họ nói chúng tôi quá nghèo khổ, nhưng một tâm hồn có được Thiên Chúa vĩnh cửu thì có thực sự nghèo hay không?"
Thánh Clara từ trần ngày 11 tháng Tám 1253. Chỉ hai năm sau, ngài đã được Ðức Giáo Hoàng Alexander IV phong thánh.
12 Tháng Tám : Thánh Porcarius và Các Bạn (k. 732)
Vào thế kỷ thứ năm, một đan viện thật lớn được xây cạnh bờ biển Provence, thuộc miền nam nước Pháp ngày nay. Ðan viện ấy được gọi là đan viện Lerins với nhiều đan sĩ thánh thiện. Vào thế kỷ thứ tám, cộng đồng Lerins gồm các đan sĩ, đệ tử sinh, sinh viên và thanh niên muốn đi tu trở thành đan sĩ. Tất cả có trên 500 người.
Khoảng 732, Ðan Viện Trưởng Porcarius được mặc khải cho biết trước một hiểm họa. Ðan viện sẽ bị tấn công bởi những người xâm lăng mọi rợ. Ðan Viện Trưởng Porcarius cho tất cả các sinh viên và ba mươi sáu đan sĩ lên một chiếc thuyền để thoát cảnh hiểm nghèo. Nhưng vì không còn chiếc thuyền nào nữa, ngài quy tụ tất cả những người còn lại trong cộng đoàn với nhau. Không ai than phiền là bị bỏ rơi. Nhưng, tất cả cùng cầu nguyện để xin sự can đảm. Họ cũng cầu xin Thiên Chúa ban cho họ được ơn tha thứ kẻ thù nghịch.
Không bao lâu, giặc Saracen từ Tây Ban Nha hoặc Bắc Phi đổ bộ lên đất liền. Họ tấn công các đan sĩ, đúng như vị đan viện trưởng đã tiên đoán. Các đan sĩ cầu nguyện và can đảm khuyến khích nhau chịu đau khổ và chịu chết vì Ðức Kitô. Kẻ xâm lăng xâu xé các nạn nhân và giết chết tất cả, ngoại trừ bốn người chúng bắt làm nô lệ.
Thánh Porcarius và các đan sĩ ở Lerins đã được phúc tử đạo vì Ðức Giêsu Kitô.
12 Tháng Tám : Thánh Louis ở Toulouse (1274-1297)
Khi từ trần vào năm 23 tuổi, Thánh Louis là một tu sĩ dòng Phanxicô, một vị giám mục và là một vị thánh!
Cha của thánh nhân là Charles II của xứ Naples và Sicily, mẹ của ngài là công chúa Mary, con của vua Hung Gia Lợi. Về họ nội, thánh nhân có liên hệ với Thánh Louis IX, và về họ ngoại, ngài có liên hệ với Thánh Elizabeth của Hung Gia Lợi.
Ngay từ nhỏ, Louis đã có những dấu hiệu cho thấy sự yêu quý việc cầu nguyện và lòng bác ái thương người. Cậu Louis thường lấy thực phẩm trong dinh để phân phát cho người nghèo. Khi 14 tuổi, Louis và hai người anh em phải làm con tin sống trong triều đình của vua Aragon theo như cuộc thương lượng chính trị có dính líu đến cha của Louis. Khi trong triều, Louis được các tu sĩ dòng Phanxicô chỉ dạy và nhờ đó Louis tiến bộ cả về việc học cũng như về đàng tinh thần. Noi gương Thánh Phanxicô, ngài đặc biệt yêu quý những người bị bệnh cùi.
Trong thời gian bị bắt làm con tin, Louis đã quyết định từ bỏ tước hiệu hoàng gia và trở thành một linh mục. Khi 20 tuổi, ngài được phép rời bỏ cung điện của vua Aragon. Không lâu sau đó, ngài được bổ nhiệm làm giám mục của Toulouse, nhưng theo lời yêu cầu, đức giáo hoàng đồng ý để ngài trở nên một tu sĩ Phanxicô trước đã.
Linh đạo Phanxicô thấm nhập Louis. Ngài luôn luôn lập lại rằng: "Ðức Kitô là mọi sự giầu sang của tôi; chỉ một mình Người đã đủ cho tôi." Ngay cả khi làm giám mục, ngài vẫn mặc tu phục dòng và đôi khi cũng đi ăn xin. Ngài chỉ định một tu sĩ làm công việc sửa sai ngài--ngay cả nơi công cộng nếu cầu.
Thời gian Ðức Louis phục vụ cho Giáo Phận Toulouse là thời gian đầy phúc lành. Lúc ấy mọi người đã coi ngài là vị thánh sống. Ðức Louis dành 75 phần trăm lợi tức của mình để nuôi ăn người nghèo và tu sửa các nhà thờ. Hàng ngày, ngài phục vụ 25 người nghèo nơi bàn ăn.
Ðức Louis được phong thánh năm 1317 bởi Ðức Giáo Hoàng Gioan XXII, là một trong những thầy dạy cũ của Ðức Louis.
Lời Bàn
Khi Ðức Hồng Y Hugolino, tương lai là Ðức Giáo Hoàng Gregory IX, đề nghị với Thánh Phanxicô rằng một số tu sĩ dòng sẽ là các giám mục tốt lành, Thánh Phanxicô đã phản đối điều ấy vì sợ rằng họ sẽ mất đi sự khiêm tốn và thanh bạch một khi được bổ nhiệm. Hai đức tính này đều cần thiết cho Giáo Hội ở bất cứ thời gian nào, và Thánh Louis đã cho chúng ta thấy, các giám mục có thể sống những đức tính ấy.
sinh tại Chi Long, Nam Ðịnh, Giáo dân, xử trảm ngày 12-8-1838 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 12-8.
sinh năm 1804 tại Kẻ Vĩnh, Hà Nội, Lý Trưởng, xử trảm ngày 12-8-1838 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 12-8.
sinh năm 1781 tại Ðông Biên, Thanh Hóa, Linh Mục, xử trảm ngày 12-8-1838 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạngphong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 12-8.
13 Tháng Tám : Thánh Pontian và Thánh Hippolytus (k. 235)
Vào năm 235, Maximinus làm hoàng đế Rôma và hầu như ngay sau khi lên ngôi, ông bắt đầu bách hại người Kitô Giáo. Một trong những hình phạt thông thường đối với các giám mục và linh mục là các ngài bị lưu đầy đến những quặng mỏ nguy hiểm ở Sardinia, nước Ý. Chính vì sự bách hại này mà ngày nay chúng ta mừng kính hai thánh tử đạo.
Thánh Pontian lên ngôi giáo hoàng sau khi Ðức Urban I từ trần năm 230. Khi Maximinus lên ngôi hoàng đế, Ðức Pontian cùng chung số phận với các Kitô Hữu khác và ngài phục vụ Giáo Hội trong sự đau khổ ở Sardinia.
Hippolytus là một linh mục và là học giả ở Rôma. Ngài có nhiều sáng tác về thần học và là bậc thầy tài giỏi. Hippolytus thất vọng với Ðức Giáo Hoàng Zephyrinus (được tử đạo năm 217) vì đức giáo hoàng không mau mắn ngăn chặn những người giảng dạy cách lầm lạc. Khi Ðức Callistus I được bầu làm giáo hoàng kế vị Ðức Zephyrinus, Hippolytus cũng không hài lòng. Lúc bấy giờ, rất đông người theo Hyppolytus và họ đồng lòng bầu Hippolytus lên làm giáo hoàng. Vị thần học gia tài giỏi này đã không chế ngự được tính kiêu ngạo và đã chấp nhận. Khi cuộc bách hại bùng nổ, Hyppolytus bị bắt và cũng bị lưu đầy đến Sardinia.
Trong hoàn cảnh đáng thương ấy, môät phép lạ hòa giải đã xảy ra giữa sự cười nhạo của kẻ thù. Ðức giáo hoàng Pontian gặp gỡ với Hippolytus trong hoàn cảnh lưu đầy và vị linh mục tài giỏi này đã cảm hóa trước sự khiêm tốn của vị giáo hoàng. Hippolytus trở về với Giáo Hội và mọi tức giận đều tiêu tan. Ðức giáo hoàng Pontian thông cảm với vị linh mục. Ngài nhận ra nhu cầu của mỗi người là phải giúp đỡ và khuyến khích lẫn nhau trong tình bác ái của Ðức Giêsu Kitô. Cả hai đã được phúc tử đạo và mãi mãi trở nên nhân chứng cho sự tha thứ và niềm hy vọng Kitô Giáo.
14 Tháng Tám : Thánh Maximilian Mary Kolbe (1894-1941)
Không hiểu tương lai của con sẽ ra sao!" Ðó là câu mà nhiều cha mẹ từng than thở với đứa con hay đau yếu. Nhưng với Thánh Maximilian Mary Kolbe thì khác. Ngay từ nhỏ, khi được cha mẹ hỏi, ngài trả lời, "Con tha thiết cầu xin với Ðức Mẹ để biết tương lai của con. Và Ðức Mẹ đã hiện ra, tay cầm hai triều thiên, một mầu trắng, một mầu đỏ. Ðức Mẹ hỏi con có muốn nhận các triều thiên ấy không -- mầu trắng là sự thanh khiết, mầu đỏ là sự tử đạo. Con trả lời, 'Con muốn cả hai.' Ðức Mẹ mỉm cười và biến mất." Sau biến cố đó, cuộc đời của Maximilian Kolbe không còn giống như trước.
Ngài gia nhập tiểu chủng viện của các cha Phanxicô ở Lwow, Ba Lan, gần nơi sinh trưởng, và lúc ấy mới 16 tuổi. Mặc dù sau này ngài đậu bằng tiến sĩ về triết học và thần học, nhưng ngài rất yêu thích khoa học, có lần ngài phác họa cả một phi thuyền không gian.
Sau khi thụ phong linh mục lúc 24 tuổi, ngài nhận thấy sự thờ ơ tôn giáo là căn bệnh nguy hiểm vào thời ấy. Nhiệm vụ của ngài là phải chiến đấu chống với căn bệnh này. Ngài sáng lập tổ chức Ðạo Binh của Ðức Vô Nhiễm mà mục đích là chống lại sự dữ qua đời sống tốt lành, siêng năng cầu nguyện, làm việc và chịu đau khổ. Ngài phát hành tờ Hiệp Sĩ của Ðức Vô Nhiễm, được đặt dưới sự phù hộ của Ðức Maria để rao giảng Phúc Âm cho mọi dân tộc. Ðể thực hiện công việc ấn loát, ngài thành lập "Thành Phố của Ðức Vô Nhiễm" - Niepolalanow -- mà trong đó có đến 700 tu sĩ Phanxicô làm việc. Sau này, ngài thành lập một thành phố khác ở Nagasaki, Nhật Bản. Cả tổ chức Ðạo Binh và tờ nguyệt san có đến 1 triệu hội viên cũng như độc giả. Tình yêu Thiên Chúa của ngài được thể hiện hằng ngày qua sự sùng kính Ðức Maria.
Năm 1939, Ðức Quốc Xã xâm lăng Ba Lan. Thành phố Niepolalanow bị dội bom. Cha Kolbe và các tu sĩ Phanxicô bị bắt, nhưng sau đó chưa đầy ba tháng, tất cả được trả tự do, vào đúng ngày lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Vào năm 1941, ngài bị bắt một lần nữa. Mục đích của Ðức Quốc Xã là thanh lọc những phần tử tuyển chọn, là các vị lãnh đạo. Cuộc đời Cha Kolbe kết thúc trong trại tập trung Auschwitz.
Vào ngày 31 tháng Bảy 1941, có một tù nhân trốn thoát. Sĩ quan chỉ huy trại bắt 10 người khác phải chết thay. Hắn khoái trá bước dọc theo dãy tù nhân đang run sợ chờ đợi sự chỉ định của hắn như tiếng gọi của tử thần. "Tên này." "Tên kia." Có những tiếng thở phào thoát nạn. Cũng có tiếng nức nở tuyệt vọng.
Trong khi 10 người xấu số lê bước về hầm bỏ đói, bỗng dưng tù nhân số 16670 bước ra khỏi hàng.
"Tôi muốn thế chỗ cho ông kia. Ông ấy có gia đình, vợ con."
Cả một sự im lặng nặng nề. Tên chỉ huy sững sờ, đây là lần đầu tiên trong đời hắn phải đối diện với một sự can đảm khôn cùng.
"Mày là ai?"
"Là một linh mục." Không cần xưng danh tính cũng không cần nêu công trạng.
Và Cha Kolbe được thế chỗ cho Trung Sĩ Francis Gajowniczek.
Trong "hầm tử thần" tất cả bị lột trần truồng và bị bỏ đói để chết dần mòn trong tăm tối. Nhưng thay vì tiếng rên xiết, người ta nghe các tù nhân hát thánh ca. Vào ngày lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15 tháng Tám) chỉ còn bốn tù nhân sống sót. Tên cai tù chấm dứt cuộc đời Cha Kolbe bằng một mũi thuốc độc chích vào cánh tay. Sau đó thân xác của ngài bị thiêu đốt cũng như bao người khác.
Cha được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh năm 1981.
Lời Bàn
Cái chết của Cha Kolbe không phải là một hành động anh hùng bất chợt, bốc đồng vào giây phút cuối. Cả cuộc đời ngài đã chuẩn bị cho giây phút đó. Sự thánh thiện của ngài được thể hiện qua niềm khát khao muốn hoán cải cả thế giới mà động lực là tình yêu của ngài dành cho Ðức Mẹ Vô Nhiễm.
Lời Trích
"Hãy can đảm lên các con. Các con không thấy chúng ta đang trên đường thi hành sứ vụ hay sao? Chúng ta phải trả một giá quá rẻ. Thật may mắn biết chừng nào! Ðiều bây giờ chúng ta phải làm là chú tâm cầu nguyện để chiếm đoạt càng nhiều linh hồn càng tốt. Và sau đó, chúng ta sẽ thưa với Ðức Trinh Nữ là chúng ta rất mãn nguyện để ngài muốn làm gì với chúng ta tùy ý" (Lời Thánh Maximilian Mary Kolbe trong lần bị bắt đầu tiên).
15 Tháng Tám : Lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
Vào ngày 1 tháng Mười Một 1950, Ðức Giáo Hoàng Piô XII xác định sự Thăng Thiên của Ðức Maria là một tín điều: "Chúng tôi tuyên bố, bày tỏ và xác định đó là một tín điều được Thiên Chúa mặc khải, là đức vô nhiễm nguyên tội Mẹ Thiên Chúa, Ðức Trinh Nữ Maria, sau khi hoàn tất chu trình cuộc đời trần thế, đã được lên trời cả hồn và xác để hưởng vinh phúc trên thiên đàng." Ðức giáo hoàng tuyên bố tín điều này sau khi hội ý các giám mục, các thần học gia cũng như giáo dân. Rất ít người chống đối. Ðiều mà đức giáo hoàng long trọng tuyên bố thì đã có từ lâu trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo.
Ngay từ thế kỷ thứ sáu, đã có các bài giảng về sự Thăng Thiên của Ðức Maria. Trong các thế kỷ tiếp đó, các Giáo Hội Ðông Phương kiên trì tin tưởng vào học thuyết này, trong khi một số học giả Tây Phương vẫn còn do dự. Tuy nhiên, vào thế kỷ 13 sự tin tưởng này đã trở thành phổ quát.
Kinh Thánh không nói gì về sự Thăng Thiên của Ðức Maria. Tuy nhiên, trong Khải Huyền chương 12, có nói về một người nữ bị vây hãm trong cuộc chiến giữa sự thiện và sự dữ. Nhiều người coi phụ nữ này tượng trưng cho dân Chúa. Vì Ðức Maria là hiện thân của cộng đồng Dân Chúa vừa trong Cựu Ước và Tân Ước, sự Thăng Thiên của ngài có thể coi như một thí dụ điển hình cho sự chiến thắng của người nữ. Ngoài ra, trong thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông Ðồ gửi tín hữu Côrintô 15:20, ngài nói về sự phục sinh của Ðức Kitô như hoa quả đầu mùa của những kẻ còn mê ngủ. Vì Ðức Maria liên hệ rất mật thiết với các mầu nhiệm cuộc đời Ðức Giêsu, nên không ngạc nhiên khi thấy Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn Giáo Hội để tin tưởng rằng Ðức Maria cũng được chia sẻ sự vinh hiển với Chúa Giêsu. Ở trần thế, Ðức Maria được gần gũi với Chúa Giêsu như thế nào thì ở trên trời ngài cũng phải được ở với Chúa cả hồn lẫn xác.
Lời Bàn
Trong ý nghĩa ngày lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, chúng ta dễ nhận ra một ý nghĩa mới trong kinh Magnificat. Trong sự vinh hiển, ngài tuyên xưng sự cao cả của Thiên Chúa và tìm thấy niềm vui trong Ðấng Cứu Chuộc của ngài. Thiên Chúa đã làm những điều trọng đại cho Ðức Maria và ngài giúp người khác nhận biết sự thánh thiện của Thiên Chúa. Ngài là nữ tì hèn mọn rất mực tôn kính Thiên Chúa và đã được tôn vinh lên bậc cao cả. Từ vị thế uy quyền của Ðức Maria, ngài sẽ giúp những người hèn mọn và nghèo khổ tìm thấy sự công chính nơi trần thế, và ngài khuyên bảo những người giầu có và quyền thế đừng coi tiền của và thế lực như nguồn hạnh phúc.
16 Tháng Tám : Thánh Stêphanô ở Hung Gia Lợi (975-1038)
Giáo Hội thì phổ quát, nhưng dáng vẻ bên ngoài thì luôn luôn bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa địa phương--dù tốt hay xấu. Không có Kitô Hữu nào được coi là "nguyên bản" cả; có người là Công Giáo Mễ Tây Cơ, hay Công Giáo Ba Lan, hay Công Giáo Việt Nam. Dữ kiện này được nhận thấy hiển nhiên trong cuộc đời Thánh Stêphanô, vị anh hùng dân tộc và quan thầy của nước Hung Gia Lợi.
Sinh trong một gia đình ngoại giáo, ngài được rửa tội khi lên 10 cùng với cha của mình là thủ lãnh nhóm Magyar, là những người khai phá đã đến Danube trong thế kỷ thứ chín. Khi 20 tuổi, ngài kết hôn với Gisela, người em của hoàng đế tương lai là Thánh Henry. Khi kế vị cha mình, Stêphanô theo chính sách của một quốc gia Kitô Giáo vì các lý do chính trị cũng như tôn giáo. Ngài triệt hạ được các cuộc nổi loạn của giới quý tộc ngoại giáo và thống nhất người Magyar thành một tổ chức lớn mạnh trong nước. Ngài đến Rôma để xin Giáo Hội phê chuẩn và cũng để xin đức giáo hoàng phong ban tước vua cho mình. Vào lễ Giáng Sinh 1001, ngài được đội vương miện.
Stêphanô đã thiết lập một hệ thống thuế thập phân để hỗ trợ các nhà thờ và cha xứ, cũng như giúp đỡ người nghèo. Cứ 10 thành phố thì một thành phố phải xây một nhà thờ và cấp dưỡng cho một linh mục. Ngài bãi bỏ các tục lệ ngoại giáo với ít nhiều sự ép buộc, và ra lệnh tất cả mọi người phải kết hôn, ngoại trừ giáo sĩ và tu sĩ. Ai ai cũng có thể đến với ngài, nhất là những người nghèo.
Vào năm 1031, con trai trưởng của ngài là thái tử Emeric từ trần và quãng thời gian kế đó đầy dẫy những tranh chấp quyền kế vị. Ngay cả người cháu cũng mưu toan ám sát ngài. Stêphanô từ trần năm 1038 và được phong thánh năm 1083.
Lời Bàn
Ðược trở nên thánh thiện là có được lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân giống như Ðức Kitô. Ðức ái nhiều khi phải mang bộ mặt lạnh lùng nghiêm khắc vì lợi ích của sự thiện. Ðức Kitô đã lên án sự giả hình của người Pharisêu, nhưng khi từ trần, Người đã tha thứ cho họ. Thánh Phaolô ra vạ tuyệt thông người loạn luân ở Côrintô "để có thể cứu rỗi linh hồn" ông ta. Một số Kitô Hữu đã chiến đấu trong các cuộc Thập Tự Chinh với một tinh thần cao thượng, bất kể các động lực bất chính của người khác. Ngày nay, sau các cuộc chiến tranh vô nghĩa, và với những hiểu biết sâu xa hơn về sự phức tạp của các động lực con người, chúng ta chùn bước trước bất cứ bạo lực nào, về hành động hay "im lặng" đồng lõa. Sự phát triển tốt đẹp này vẫn còn được tiếp tục khi người ta tranh luận rằng có thể nào một Kitô Hữu trở nên người yêu hoà bình tuyệt đối hay đôi khi sự dữ phải bị tiêu diệt bằng vũ lực.
Lời Trích
"Dù Giáo Hội đã góp phần rất nhiều trong việc phát triển văn hóa, kinh nghiệm cho thấy, vì hoàn cảnh, đôi khi thật khó để hài hòa văn hóa với giáo huấn của Giáo Hội.
"Những khó khăn này không nhất thiết gây thiệt hại cho đời sống đức tin. Thật vậy, chúng có thể khích lệ tâm trí để thấu hiểu đức tin cách chính xác hơn. Vì các cuộc nghiên cứu và khám phá mới đây của khoa học, lịch sử và triết học đã nêu lên các vấn đề mới có ảnh hưởng đến đời sống và đòi hỏi phải có các cuộc nghiên cứu mới về thần học" (Hiến Chế Tín lý về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, 62)
17 Tháng Tám : Chân Phước Joan Delanoue (1666-1736)
Goan Delanoue sinh năm 1666 và là con út trong gia đình mười hai người con. Gia đình ngài có một cơ sở thương mại nhỏ. Khi người mẹ goá bụa từ trần, bà đã để lại cơ sở cho Joan trông coi. Ngài không phải là một cô gái có tâm địa xấu xa, nhưng Joan chỉ nghĩ đến cách làm tiền. Và cũng chỉ vì thích làm tiền, ngài đã phạm nhiều lỗi lầm. Trước đây, ngài là một người ngoan đạo nhưng bây giờ tâm hồn ngài không có chút bác ái. Mẹ ngài thường rộng lượng với người ăn xin. Nhưng Joan, thường chỉ mua thực phẩm khi đến giờ ăn. Vì như vậy, ngài mới có thể nói với những người đến ăn xin rằng: "Tôi không có gì để cho cả."
Với lối sống đó, Joan không có hạnh phúc. Sau cùng, khi ngài hai mươi bảy tuổi, một linh mục thánh thiện đã giúp ngài khởi đầu cuộc sống đức tin một cách chân thành và hăng say. Dần dà, ngài thấy rằng cơ sở thương mại của ngài là để cho đi, chứ không phải để tích trữ. Joan bắt đầu chăm sóc các gia đình nghèo cũng như các trẻ mồ côi. Sau cùng, ngài phải đóng cửa tiệm để có thời giờ chăm sóc họ. Dân chúng gọi căn nhà đầy trẻ mồ côi của ngài là, "Nhà Ðấng Quan Phòng." Sau này, ngài thuyết phục các phụ nữ khác đến giúp đỡ. Cuối cùng, họ trở thành các Nư õ Tu của Thánh Anna của Ðấng Quan Phòng ở Saumur, nước Pháp.
Sơ Joan sống một cuộc đời rất hy sinh. Ngài thi hành nhiều việc đền tội nặng nhọc. Thánh Grignon de Montfort đến gặp sơ Joan. Lúc đầu thánh nhân nghĩ rằng sự kiêu ngạo đã khiến sơ Joan quá khó khăn với chính mình. Nhưng sau đó, thánh nhân nhận ra rằng tâm hồn sơ Joan thực sự ngập tràn tình yêu Thiên Chúa. Thánh nhân nói: "Hãy tiếp tục con đường mà con đã khởi sự. Thần Khí Chúa luôn ở với con. Hãy nghe theo tiếng Người và đừng sợ."
Sơ Joan từ trần ngày 17 tháng Tám 1736 lúc bảy mươi tuổi. Dân chúng ở Saumur nói rằng, "Bà chủ tiệm buôn nhỏ bé đó đã giúp đỡ người nghèo ở Saumur còn nhiều hơn tất cả các hội viên thành phố gọp lại. Thật là một phụ nữ phi thường! Thật là một người thánh thiện!"
Vào năm 1947, Sơ Joan được Ðức Giáo Hoàng Piô XII tuyên phong chân phước, cùng năm với Thánh Grignon de Montfort khi thánh nhân được tuyên phong hiển thánh.
18 Tháng Tám : Thánh Jeanne de Chantal (1572-1641)
Thật là một hôn nhân lạ đời! Ngay khi cô Jeanne về nhà chồng thì mới biết căn nhà ấy sắp sửa bị tịch thu. Chồng của cô, ông Christophe, không chỉ thừa hưởng chức nam tước mà còn làm chủ một đống nợ kếch sù.
Nhưng cô Jeanne không bước vào hôn nhân với hai bàn tay trắng. Cô còn đem theo một đức tin sâu đậm được khuôn đúc từ cha cô là người thảo luận đức tin với con cái hàng ngày và cho phép con cái đề cập đến bất cứ điều gì -- kể cả những điều mâu thuẫn. Cô còn có một tâm hồn từ bi mà bạn bè thường nói, "Ngay cả những chuyện khôi hài nhạt nhẽo cũng trở nên thú vị khi được cô kể lại."
Những đức tính này đã giúp cô Jeanne, người phụ nữ Pháp hai mươi tuổi, có đủ khả năng quản lý và trông coi mọi tài sản để thoát cảnh nợ nần và lại được sự quý mến của nhân viên. Bất kể những lo lắng về tài chánh, hai vợ chồng luôn luôn hoà thuận. Họ tận tụy cho nhau và có được bốn người con.
Một phương cách để bà Jeanne chia sẻ những ơn sủng của gia đình là chia sẻ thực phẩm cho những người nghèo đến xin ăn. Các người ăn xin sau khi nhận thực phẩm thường đi vòng sau nhà để xếp hàng xin ăn lần nữa. Khi được hỏi tại sao bà lại để những người này qua mặt như vậy, bà Jeanne trả lời, "Nếu Thiên Chúa cũng từ chối khi tôi trở lại với Ngài với cùng một lời cầu xin ấy thì sao?"
Hạnh phúc gia đình bà vụn vỡ khi ông Christopher bị giết chết trong một tai nạn săn bắn. Trước khi từ trần, ông đã tha thứ cho người giết ông. Tuy nhiên, phải mất một thời gian thì bà Jeanne mới cho thể tha thứ được. Lúc đầu bà cố gắng chào hỏi người này khi gặp ở đường phố. Khi không thể thực hiện được điều đó, bà tìm cách mời họ đến nhà. Sau cùng bà đã có thể hoàn toàn tha thứ cho người này đến độ nhận làm mẹ đỡ đầu cho đứa con của họ.
Tất cả những khó khăn ấy như đã thúc giục bà tìm kiếm Thiên Chúa trong sự cầu nguyện và một đời sống tâm linh sâu đậm hơn. Lòng trông cậy Thiên Chúa của bà khiến Thánh Phanxicô de Sales phải kinh ngạc, ngài là giám mục, là cha linh hướng và cũng là một người bạn tốt của bà.
Với sự hỗ trợ của Ðức Cha Phanxicô, bà Jeanne thành lập tu hội Thăm Viếng dành cho những người vì lý do sức khỏe hay tuổi tác đã bị các dòng khác hắt hủi. Bà tin rằng mọi người đều có cơ hội để sống ơn gọi của mình bất kể tình trạng sức khoẻ.
Thánh Vinhsơn Phaolô viết về bà như sau: "Bất kể những đau khổ của đời sống, khuôn mặt của bà không bao giờ mất vẻ bình an. Và bà luôn luôn trung thành với Thiên Chúa. Tôi coi bà như một trong những linh hồn thánh thiện nhất mà tôi đã từng gặp."
Bà từ trần ngày 13 tháng Mười Hai 1641. Hưởng thọ sáu mươi chín tuổi. Bà được Ðức Giáo Hoàng Clêmentê XIII phong thánh năm 1767.
19 Tháng Tám : Thánh Gioan Eudes (1601-1680)
Thánh Gioan Eudes sinh ở Normandy, nước Pháp năm 1601. Ngài là con trai trưởng của một gia đình sống về nghề nông. Ngay khi còn nhỏ, ngài đã noi gương Chúa Giêsu trong cách đối xử với gia đình, bạn hữu và láng giềng. Khi lên chín, Gioan bị một đứa hàng xóm tát vào mặt. Thật tức giận, cậu định trả đũa, nhưng Gioan nhớ lời Chúa trong Phúc Âm: "hãy đưa má bên kia," và cậu đã làm như vậy.
Cha mẹ của Gioan muốn ngài kết hôn lập gia đình. Nhưng Gioan từ tốn và cương quyết thuyết phục cha mẹ rằng ngài có ơn gọi đi tu. Ngài gia nhập cộng đoàn Oratory và học làm linh mục. Sau khi là linh mục, một trận dịch hạch lớn càn quét Normandy khiến nhiều người chết và đau khổ. Cha Gioan tình nguyện giúp đỡ người đau yếu, chăm sóc thể xác cũng như linh hồn của họ. Sau này, ngài trở thành nhà thuyết giảng nổi tiếng trong các tuần đại phúc giáo xứ. Thật vậy, suốt cuộc đời, tổng cộng ngài đã thực hiện 110 cuộc giảng phòng. Cha Gioan cũng góp phần quan trọng trong việc thành lập các dòng tu: các nữ tu của Ðức Bà Bác Ái và nữ tu Chúa Chiên Lành. Cha Gioan cũng thành lập Tu Hội của Ðức Giêsu và Ðức Maria dành cho nam giới. Tu hội này chuyên huấn luyện các linh mục tương lai cho giáo xứ.
Khi thi hành công việc giảng tuần đại phúc, Cha Gioan thấy lúng túng về điều kiện đáng buồn của những cô gái điếm đang tìm cách hoàn lương. Các trung tâm tạm trú được thành lập nhưng việc điều hành không được êm xuôi. Bà Madeleine Lamy, người chăm sóc các phụ nữ, có lần nói với Cha Gioan: "Bây giờ cha đi đâu? Con đoán là cha đến nhà thờ để chiêm ngắm các tượng ảnh và nghĩ rằng mình đạo đức. Tất cả những gì cần nơi cha là một căn nhà tươm tất cho những tạo vật đáng thương này." Lời nói này, và tiếng cười của những người hiện diện, đã đánh động Cha Gioan một cách sâu đậm. Kết quả là một tu hội mới được thành lập, mang tên các Nữ Tu Bác Ái của Nơi Ẩn Náu.
Cha Gioan Eudes rất yêu mến Thánh Tâm Chúa Giêsu và Thánh Tâm Ðức Maria. Ngài viết sách về sự sùng kính này. Trong một cuộc giảng phòng ngoài trời lạnh, Cha Gioan bị lâm bệnh nặng mà không bao giờ bình phục. Ngài từ trần năm 1680. Ðến năm 1908, ngài được Thánh Giáo Hoàng Piô X phong chân phước, và đến năm 1925, ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô XI phong thánh.
Lời Bàn
Thánh thiện là mở lòng cho tình yêu của Thiên Chúa. Nó được tỏ lộ dưới nhiều phương cách, nhưng tất cả đều có một đặc tính chung: lưu tâm đến nhu cầu của người khác. Trong trường hợp của Thánh Gioan, những người có nhu cầu là các bệnh nhân dịch hạch, các giáo dân, những chủng sinh, các cô gái điếm và mọi Kitô Hữu được mời gọi để noi gương bác ái của Chúa Giêsu và mẹ Người.
Lời Trích
"Lòng mong ước của chúng ta, mục đích của chúng ta, sự lưu tâm chính yếu của chúng ta phải là trở nên giống Chúa Giêsu, để thần khí của Người, sự tận tụy của Người, lòng yêu mến của Người, sự khao khát của Người và ý định của Người sống và ngự trị ở đó. Mọi luyện tập nhân đức phải hướng về cùng đích này. Ðó là công việc mà Thiên Chúa trao cho chúng ta để thi hành một cách không ngừng" (Thánh Gioan Eudes, Ðời Sống và sự Ngự Trị của Chúa Giêsu trong Linh Hồn Người Tín Hữu)
20 Tháng Tám : Thánh Bernard ở Clairvaux (1091-1153)
Nhân vật của thế kỷ! Phụ nữ của thế kỷ! Chúng ta nghe những câu xưng tụng này quá nhiều đến độ ngày nay câu ấy không còn nhiều ý nghĩa. Nhưng "người của thế kỷ 12" thì chắc chắn phải là Thánh Bernard ở Clairvaux. Vị cố vấn cho các giáo hoàng, tuyên uý đạo quân Thập Tự Chinh (lần II), người bảo vệ đức tin, người hàn gắn sự li giáo, người canh tân đời sống đan viện, học giả Kinh Thánh, thần học gia và hùng biện gia: bất cứ danh hiệu nào kể trên đều làm nổi nang một người bình thường. Tuy nhiên, Thánh Bernard có tất cả những danh hiệu ấy - nhưng ngài vẫn mong muốn trở về đời sống âm thầm của đan viện.
Vào năm 1111, khi 20 tuổi, Bernard từ giã quê nhà ở Burgundy, nước Pháp, để gia nhập cộng đồng đan sĩ ở Citeaux (Xitô). Năm người anh em, hai người chú của ngài và khoảng 30 người bạn theo ngài vào đan viện. Trong vòng bốn năm, một cộng đoàn đang tàn lụi đã phục hồi sinh lực đủ để khai sinh một đan viện mới trong thung lũng Wormwoods gần đó, với Bernard làm đan viện trưởng. Nhiệt huyết của người thanh niên trẻ tuổi này là một đòi hỏi thật khắt khe, nhưng đối với chính ngài hơn là với người khác. Một cơn bệnh nặng đã khiến ngài kiên nhẫn hơn và thông cảm hơn. Không bao lâu, thung lũng này được gọi là Clairvaux, thung lũng ánh sáng.
Ngài có tài phân xử và cố vấn. Do đó, càng ngày ngài càng phải xa đan viện để giải quyết các tranh chấp đã có từ lâu trong Giáo Hội. Trong một vài trường hợp, hiển nhiên ngài đã dẫm chân lên một vài chức sắc khó tính ở Rôma. Thánh Bernard hoàn toàn vâng phục tính cách ưu việt của Tòa Thánh. Tuy nhiên, để trả lời một lá thư cảnh cáo từ Rôma, ngài viết, các giáo phụ tốt lành ở Rôma có quá nhiều việc phải làm để duy trì sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Nếu có bất cứ vấn đề gì ảnh hưởng đến quyền lợi của họ thì ngài sẽ là người đầu tiên cho họ biết.
Sau đó không lâu, chính Thánh Bernard là người đã can thiệp vào một vụ li giáo đang bùng nổ mạnh và đã đứng về phía đức giáo hoàng ở Rôma để chống với phe ngụy giáo hoàng.
Trong cuộc Thập Tự Chinh II, Tòa Thánh thuyết phục được Thánh Bernard nhận làm tuyên uý cho cuộc viễn chinh này. Tài hùng biện của ngài đã giúp thành lập một đạo quân hùng mạnh và dường như đảm bảo cho sự chiến thắng. Tuy nhiên, tiêu chuẩn của các nhà lãnh đạo quân sự thì không giống như chủ trương của Thánh Bernard, và cuộc thập tự chinh đã kết thúc như một thảm họa về luân lý và quân sự.
Thánh Bernard cảm thấy phần nào có trách nhiệm trong sự suy sụp của thập tự chinh. Gánh nặng ấy có thể đã dẫn đến cái chết của ngài vào ngày 20 tháng Tám 1153.
Lời Bàn
Cuộc đời Thánh Bernard trong Giáo Hội thì tốt đẹp hơn chúng ta tưởng. Các nỗ lực của ngài tạo nên nhiều kết quả sâu rộng. Nhưng ngài biết, các kết quả ấy chỉ sinh nhiều ích lợi qua các giờ cầu nguyện và chiêm niệm để đem đến cho ngài sức mạnh và đường hướng khôn ngoan. Ðặc điểm cuộc đời ngài là sự sùng kính Ðức Maria. Các bài giảng và văn bản của ngài về Ðức Maria vẫn còn được coi là tiêu chuẩn của Thánh Mẫu học ngày nay.
Lời Trích
"Khi hiểm nguy, khi do dự, khi khó khăn, hãy nghĩ đến Ðức Maria, hãy kêu cầu Ðức Maria. Ðừng để danh ngài tắt ở trên môi bạn, đừng bị đau khổ vì danh ngài không còn trong tâm hồn bạn. Có như thế, bạn mới chắc chắn được sự trợ giúp của lời ngài cầu bầu, đừng sao nhãng theo bước chân ngài. Với sự dẫn dắt của ngài, bạn sẽ không bao giờ lạc lối; khi cầu khẩn ngài, bạn sẽ không bao giờ nhát đảm; một khi có ngài trong tâm trí, bạn sẽ không bị lừa dối; khi được ngài nắm tay, bạn sẽ không thể vấp ngã; với sự phù trì của ngài, bạn không còn gì để sợ hãi; nếu theo ngài, bạn sẽ không mệt mỏi; nếu được ngài ưu đãi, bạn sẽ đạt được mục đích" (Thánh Bernard)
21 Tháng Tám : Thánh Giáo Hoàng Piô X (1835-1914)
Thánh Giáo Hoàng Piô X có lẽ được nhiều người Công Giáo nhớ đến qua việc ngài khuyến khích chúng ta thường xuyên lãnh nhận bí tích Thánh Thể, nhất là trẻ em.
Tên thật của ngài là Joseph Sarto và là người con thứ trong 10 người con của một gia đình người Ý nghèo nàn. Ngài lên ngôi giáo hoàng khi 68 tuổi, lấy tên là Piô X, và là một trong những giáo hoàng vĩ đại của thế kỷ 20.
Luôn luôn nhớ đến gốc gác khiêm tốn của mình, ngài tuyên bố: "Tôi sinh ra nghèo nàn, tôi sống nghèo nàn và tôi sẽ chết nghèo nàn." Ngài cảm thấy khó chịu vì hình thức bề ngoài ở giáo triều, có lần ngài ngấn lệ nói với một bạn thân, "Hãy coi phẩm phục mà người ta khoác cho tôi đây." Với một người bạn khác, ngài nói: "Ðó là sự đền tội khi buộc phải chấp nhận các nghi thức này. Họ dẫn tôi đi với binh lính bao quanh như Ðức Giêsu khi bị bắt trong vườn Giệtsimani."
Vì rất lưu tâm đến chính trị, ngài khuyến khích người Công Giáo Ý tham dự vào sinh hoạt chính trị nhiều hơn. Một trong những hành động đầu tiên khi lên giáo hoàng là ngài chấm dứt sự can thiệp của các nhà cầm quyền vào việc bầu cử giáo hoàng -- là một thói quen đe dọa sự tự do của cơ mật viện khi chọn tân giáo hoàng.
Vào năm 1905, khi Pháp bất đồng với Tòa Thánh và đe dọa sẽ tịch thu tài sản của Giáo Hội nếu không cho phép chính quyền xen vào các vấn đề nội bộ của Giáo Hội, Ðức Piô X đã can đảm từ chối thỉnh cầu này.
Tuy ngài không ban bố các thông điệp xã hội nổi tiếng như vị tiền nhiệm, Ðức Piô X đã lên án việc đối xử tệ hại các thổ dân trong những đồn điền ở Peru, ngài cũng sai một ủy ban cứu trợ đến Messina sau trận động đất và xây dựng nơi tạm cư cho các người tị nạn mà chính ngài chịu sự tốn phí.
Vào ngày kỷ niệm ngài lên ngôi giáo hoàng năm thứ 11 thì Âu Châu rơi vào cuộc Thế Chiến I. Ðức Piô đã thấy trước điều đó, và viễn ảnh ấy đã giết ngài chết. "Ðây là sự đau khổ sau cùng mà Chúa gửi đến cho tôi. Tôi sẽ sung sướng hy sinh tính mạng để gìn giữ con cái đáng thương của tôi khỏi tai họa khủng khiếp này." Ngài từ trần sau khi cuộc chiến bắt đầu được vài tuần lễ.
Lời Bàn
Quá khứ khiêm tốn của Ðức Piô X không phải là một cản trợ cho sự tương giao với Thiên Chúa và với người dân mà ngài thực sự quý mến. Ngài có được sức mạnh, sự nhân từ và nhiệt tình đối với dân chúng do bởi nguồn gốc của mọi ơn sủng, đó là Thần Khí Ðức Giêsu. Trái lại, chúng ta thường cảm thấy khó chịu vì quá khứ của chúng ta. Sự tủi hổ khiến chúng ta xa rời những người hơn mình. Ngược lại, nếu ở địa vị cao sang, chúng ta thường khinh miệt những người mộc mạc. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng, "mọi sự phải quy phục Ðức Kitô," nhất là những người bị tổn thương của Thiên Chúa.
Lời Trích
Ðể diễn tả Ðức Piô X, một sử gia viết rằng ngài là "một người của Thiên Chúa biết sự bất hạnh của thế giới và sự khó khăn của đời sống, và với sự cao quý của tâm hồn, ngài
sinh năm 1787 tại Tiên Chu, Hưng Yên, Linh Mục, xử trảm ngày 21-8-1838 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 21-8.
22 Tháng Tám : Ðức Maria Nữ Vương
ào năm 1954, Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã thiết lập ngày lễ này. Nhưng tư cách nữ vương của Ðức Maria có nguồn gốc trong Phúc Âm. Vào lúc Truyền Tin, sứ thần Gabrien thông báo rằng Con của Ðức Maria sẽ nối ngôi Ðavít và cai trị đến muôn đời. Trong cuộc Thăm Viếng, bà Êlizabét gọi Ðức Maria là "mẹ của Chúa tôi." Cũng như trong tất cả mầu nhiệm cuộc đời của Ðức Maria, ngài rất gần gũi với Ðức Giêsu, do đó ngài được chia sẻ vương quyền của Ðức Giêsu. Chúng ta cũng có thể nhớ lại rằng, trong Cựu Ước, người mẹ của vua rất có thế lực trong triều đình
Vào thế kỷ thứ tư, Thánh Ephrem gọi Ðức Maria là Hoàng Hậu và sau đó các Giáo Phụ cũng như các Tiến Sĩ Hội Thánh tiếp tục dùng danh xưng này. Các thánh thi từ thế kỷ 11 cho đến 13 đề cập đến Ðức Maria như một hoàng hậu: "Kính mừng Hoàng Hậu Thánh Thiện," "Kính mừng Hoàng Hậu Thiên Ðàng." Tràng hạt dòng Ðaminh và dòng Phanxicô cũng như biết bao lời cầu khẩn Ðức Maria trong kinh nguyện đều mừng kính tư cách nữ vương của ngài.
Ngày lễ này rất thích hợp để theo sau lễ Ðức Mẹ Thăng Thiên, và bây giờ được cử mừng vào ngày thứ tám sau ngày lễ nói trên. Trong thông điệp Nữ Vương Thiên Ðàng, Ðức Piô XII nói rằng Ðức Maria xứng với danh hiệu này vì ngài là Mẹ Thiên Chúa, vì ngài cộng tác chặt chẽ trong công trình cứu chuộc của Ðức Giêsu như một Evà Mới, vì sự tuyệt hảo trổi vượt của ngài và vì sự can thiệp quyền thế của Ðức Maria.
Lời Bàn
Như Thánh Phaolô đã viết trong thư gửi tín hữu Rôma 8:28-30, tự thuở đời đời Thiên Chúa đã tiền định cho con người được chia sẻ hình ảnh của Con Thiên Chúa. Hơn thế nữa, Ðức Maria được tiền định làm mẹ của Ðức Giêsu. Như Ðức Giêsu là vua của muôn tạo vật, thì Ðức Maria là hoàng hậu, nhờ vào Ðức Giêsu. Tất cả mọi xưng tụng tư cách nữ vương này đều xuất phát từ ý định đời đời của Thiên Chúa. Như Ðức Giêsu hành sử vương quyền của Người trên mặt đất bằng cách phục vụ Chúa Cha và loài người, thì Ðức Maria cũng hành sử tư cách nữ vương của ngài. Như Ðức Giêsu vinh hiển vẫn ở với chúng ta như một vị vua cho đến tận thế (Mt. 28:20), thì Ðức Maria cũng vậy, ngài là người đã được đưa lên trời và được ban thưởng triều thiên hoàng hậu của thiên đàng và trần thế.
Lời Trích
"Tất cả mọi Kitô Hữu hãy tha thiết khẩn nguyện Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ loài người. Hãy nài xin ngài là đấng là trợ giúp Giáo Hội sơ khai bằng lời khẩn nguyện, và được tôn vinh trên trời trên tất cả thần thánh, để ngài có thể cầu bầu cùng Con ngài trong sự hiệp thông với toàn thể các thánh. Cầu mong sao ngài vẫn tiếp tục công việc ấy cho mọi dân tộc của gia đình nhân loại, dù họ được vinh dự mang danh Kitô Hữu hay chưa biết đến Ðấng Cứu Thế, đều được hân hoan cùng nhau quy tụ trong an bình và hòa thuận hợp thành một Dân Chúa, vì vinh hiển của Ba Ngôi Cực Thánh và Không Phân Chia" (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, 69).
23 Tháng Tám : Thánh Rôsa ở Lima (1586-1617)
Vị thánh đầu tiên của Tân Thế Giới này có cùng một đặc tính như tất cả các thánh khác -- đó là bị đau khổ vì sự chống đối -- và một đặc tính khác được khâm phục hơn là nên bắt chước -- đó là sự hãm mình đền tội cách quá đáng.
Thánh nữ sinh trong một gia đình Tây Ban Nha ở Lima, Peru, vào lúc Nam Mỹ đang trong thế kỷ truyền giáo đầu tiên. Dường như ngài muốn noi gương Thánh Catarina ở Siena, bất kể những chống đối và nhạo cười của cha mẹ, bạn hữu.
Vì lòng yêu mến Thiên Chúa mà các thánh có những hành động kỳ dị đối với chúng ta, và quả thật đôi khi thiếu khôn ngoan, nhưng đó chỉ để nói lên sự tin tưởng của các ngài là bất cứ điều gì làm nguy hại đến sự tương giao với Thiên Chúa đều bị tiêu trừ. Do đó, vì sắc đẹp của ngài được nhiều người ngưỡng mộ nên Thánh Rôsa đã dùng hạt tiêu chà sát lên mặt để tạo thành các vết sưng xấu xí. Sau này, ngài còn đội một vòng bạc dầy cộm trên đầu, bên trong nhét đinh giống như mão gai.
Khi cha mẹ ngài rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chánh, ban ngày Thánh Rôsa phải làm việc nơi đồng áng và ban đêm phải khâu vá để giúp đỡ gia đình. Mười năm dài tranh đấu với gia đình được khởi đầu khi cha mẹ ép buộc ngài phải kết hôn. Cha mẹ ngài không cho đi tu, và vì vâng lời ngài tiếp tục đời sống cô độc và ăn chay hãm mình ngay tại nhà như một thành viên của Dòng Ba Ðaminh. Vì lòng ước ao muốn được trở nên giống như Ðức Kitô nên hầu hết khi ở nhà, ngài sống trong cô độc.
Trong những năm cuối đời, Thánh Rôsa lập một căn phòng ngay trong nhà để chăm sóc các trẻ em bụi đời, người già yếu và bệnh tật. Ðây là khởi đầu của dịch vụ xã hội ở Peru. Mặc dù có cuộc sống và sinh hoạt tách biệt, ngài cũng bị đưa ra trước Toà Thẩm Tra, nhưng các người thẩm vấn không tìm thấy lý do gì khác hơn là ngài bị ảnh hưởng bởi ơn sủng.
Ðiều chúng ta lầm tưởng rằng đó chỉ là một cuộc sống lập dị thì thực sự đã được biến đổi tự bên trong. Nếu chúng ta nhớ đến cách ăn năn đền tội bất thường của ngài thì chúng ta cũng phải nhớ một điều vĩ đại của Thánh Rôsa: tình yêu Thiên Chúa của ngài quá nồng nhiệt đến nỗi ngài sẵn sàng chịu đựng sự nhạo cười của người đời, chịu cám dỗ mãnh liệt và chịu đau bệnh lâu dài. Khi ngài từ trần năm 31 tuổi, cả thành phố đã tham dự tang lễ của ngài và các chức sắc trong xã hội đã thay phiên nhau khiêng quan tài của ngài.
Lời Bàn
Thật dễ để cho rằng sự ăn năn đền tội quá đáng của các thánh là hình thức bề ngoài của một vài nền văn hóa hay tính khí nào đó. Nhưng hình ảnh một phụ nữ đội mão gai rất có thể đã khích động lương tâm của chúng ta. Chúng ta đang vui hưởng một đời sống đầy đủ tiện nghi nhất trong lịch sử loài người. Chúng ta ăn uống thừa thãi, sử dụng biết bao đồ vật và chất chứa trong tai mắt chúng ta đủ mọi thứ âm thanh và hình ảnh. Giới thương mại vội vã chế tạo các vật dụng không cần thiết để chúng ta tiêu xài. Dường như khi chúng ta ngày càng nô lệ cho các phương tiện vật chất thì lúc ấy sự "tự do" trở nên vấn đề lớn lao. Chúng ta có sẵn sàng rèn luyện tâm linh trong một môi trường như thế hay không?
Lời Trích
"Nếu tay hoặc chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; thà cụt tay cụt chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay hai chân mà bị ném vào lửa đời đời. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mắt mà ném đi; thà chột mắt mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào lửa hoả ngục" (Mt. 18:8-9).
24 Tháng Tám : Thánh Batôlômêô
Trong Tân Ước, Thánh Batôlômêô chỉ được nhắc đến trong danh sách các tông đồ. Một số học giả cho rằng ngài là Natanien, người Cana xứ Galilê được Philípphê mời đến gặp Ðức Giêsu. Và Ðức Giêsu đã khen ông: "Ðây đích thực là người Israel. Lòng dạ ngay thẳng" (Gioan 1:47b). Khi Natanien hỏi Ðức Giêsu làm sao Ngài biết ông, Ðức Giêsu trả lời "Tôi thấy anh ở dưới cây vả" (Gioan 1:48b). Ðiều tiết lộ kinh ngạc này đã khiến Natanien phải kêu lên, "Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa; chính Thầy là Vua Israel" (Gioan 1:49b). Nhưng Ðức Giêsu đã phản ứng lại, "Có phải anh tin vì tôi nói với anh là tôi thấy anh dưới cây vả? Anh sẽ được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa!" (Gioan 1:50)
Quả thật Natanien đã được nhìn thấy những điều trọng đại. Ngài là một trong những người được Ðức Giêsu hiện ra trên bờ biển Tiberia sau khi Phục Sinh (x. Gioan 21:1-14). Lúc ấy các ngài chài lưới cả đêm mà không được gì cả. Vào buổi sáng, họ thấy có người đứng trên bờ dù rằng không ai biết đó là Ðức Giêsu. Ngài bảo họ tiếp tục thả lưới, và họ bắt được nhiều cá đến nỗi không thể kéo lưới lên nổi. Sau đó Gioan nói với Phêrô, "Chính Thầy đó."
Khi họ dong thuyền vào bờ, họ thấy có đám lửa, với một ít cá đang nướng và một ít bánh. Ðức Giêsu bảo họ đem cho mấy con cá tươi, và mời họ đến dùng bữa. Thánh Gioan kể rằng mặc dù họ biết đó là Ðức Giêsu, nhưng không một tông đồ nào dám hỏi ngài là ai. Thánh Gioan cho biết, đó là lần thứ ba Ðức Giêsu hiện ra với các tông đồ.
Sổ Tử Ðạo Rôma viết rằng Thánh Batôlômêô đã rao giảng ở Ấn và Armenia, là nơi ngài bị lột da và bị chém đầu bởi vua Astyages.
Lời Bàn
Batôlômêô hay Natanien? Một lần nữa chúng ta phải đương đầu với sự kiện là hầu như chúng ta không biết gì về các tông đồ. Tuy vô danh nhưng các vị vẫn là nền tảng, là 12 cột trụ của Israel mới mà 12 chi tộc ấy đã tràn lan trên khắp mặt đất. Cá tính của các ngài chỉ là thứ yếu (nhưng không vì thế mà bị coi thường) so với nhiệm vụ trao truyền lại những gì các ngài được cảm nhận đầu tiên, được lên tiếng nhân danh Ðức Giêsu, được đưa Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể vào ngôn ngữ loài người để khai sáng thế gian. Sự thánh thiện của các ngài không phải là thái độ trầm ngâm về thân phận trước mặt Thiên Chúa. Ðó là một ơn sủng mà họ phải chia sẻ với tha nhân. Ðược gọi là Tin Mừng vì tất cả chúng ta được mời gọi trở nên thánh thiện khi là phần tử của Ðức Kitô, qua ơn sủng từ bi của Thiên Chúa.
Sự thật thì loài người hoàn toàn vô dụng trừ phi được Thiên Chúa lưu tâm. Do đó, vì được trở nên thánh thiện bởi chính sự thánh thiện của Thiên Chúa, nhân loại trở thành tạo vật quý báu nhất của Thiên Chúa.
Lời Trích
"Cũng như chính Ðức Kitô, các tông đồ không ngừng làm chứng cho chân lý của Thiên Chúa. Họ chứng tỏ sự can đảm khác thường khi 'mạnh dạn nói lời của Thiên Chúa' (TÐCV 4:31) trước dân chúng và nhà cầm quyền. Với đức tin mạnh mẽ, các ngài xác tín rằng chính phúc âm là sức mạnh của Thiên Chúa để cứu chuộc những người có lòng tin... Các ngài đã noi gương hiền lành và khiêm nhường của Ðức Kitô" (Tuyên Ngôn Về Tự Do Tôn Giáo, 11).
25 Tháng Tám : Thánh Louis của Pháp (1226-1270)
khi đăng quang làm vua nước Pháp, Louis thề hứa sẽ sống như một người được Thiên Chúa xức dầu, đối xử với người dân như một hiền phụ và là tướng công của Vua Hòa Bình. Dĩ nhiên, các vua khác cũng phải thi hành như vậy. Nhưng Thánh Louis khác biệt ở chỗ ngài thực sự nhìn đến bổn phận làm vua dưới con mắt đức tin. Sau những xáo trộn của hai triều đại trước, ngài đã đem lại hoà bình và công bằng trong nước.
Ngài được tôn vương lúc 12 tuổi, khi cha ngài từ trần. Mẹ ngài cầm quyền trong thời gian khi ngài còn nhỏ. Ðến lúc 19 tuổi, ngài kết hôn với Marguerite ở Provence. Ðó là một hôn nhân hạnh phúc, bất kể tính tình kiêu căng và náo động của bà hoàng hậu. Họ có đến 10 người con.
Khi 30 tuổi, vua Louis "vác thập giá" cho đoàn thập tự chinh. Ðạo quân của ngài chiếm Damietta ở sông Nile nhưng sau đó không lâu, vì bệnh kiết lị và thiếu tiếp viện, họ bị bao vây và bị bắt. Vua Louis và đạo quân được trả tự do bằng cách giao lại thành phố Damietta và nộp một số tiền chuộc. Ngài ở lại Syria trong bốn năm.
Mọi người thán phục ngài với tư cách của một thập tự quân, nhưng có lẽ công trạng lớn lao hơn của ngài là những lưu tâm về sự công bằng trong nền hành chính. Ngài đặt ra các quy tắc cho các viên chức chính quyền, mà sau đó trở thành những chuỗi luật cải tổ. Ngài thay thế hình thức xét xử đầy bạo lực bằng việc điều tra các nhân chứng, và nhờ ngài thúc giục, việc ghi chép lại các chi tiết trong toà được bắt đầu.
Vua Louis luôn luôn tôn trọng quyền bính của đức giáo hoàng, nhưng ngài bảo vệ quyền lợi của hoàng gia chống với các giáo hoàng và từ chối không công nhận bản án của Ðức Innôxentê IV chống với hoàng đế Frederick II.
Vua Louis là người tận tụy cho dân chúng, ngài thành lập các bệnh viện, thăm viếng người đau yếu, và cũng giống như quan thầy của ngài là Thánh Phanxicô, ngài chăm sóc ngay cả những người bị bệnh cùi. Bởi sự thánh thiện và cá tính của ngài, vua Louis đã đoàn kết nước Pháp thời bấy giờ, với đủ loại người -- tướng công, dân thành thị, nông dân, linh mục và các hiệp sĩ. Trong nhiều năm, quốc gia này sống trong an bình.
Vào năm 1267, lo lắng vì những cuộc tấn công mới của người Hồi Giáo vào Syria, vua Louis dẫn đầu cuộc thập tự chinh khác, khi ấy ngài đã 41 tuổi. Chỉ trong vòng một tháng, đạo quân bị tiêu hao nhiều vì bệnh tật, và chính vua Louis đã từ trần ở đất ngoại quốc khi 44 tuổi. Ngài được phong thánh vào 27 năm sau.
Lời Bàn
Thánh Louis là người có ý chí mạnh mẽ và kiên quyết. Lời của ngài thực sự đáng tin, và sự can trường của ngài thật đáng kể. Ðiều đặc biệt nhất là ngài tôn trọng bất cứ ai mà ngài gặp, nhất là những "người bé mọn của Thiên Chúa." Ðể chăm sóc dân chúng, ngài xây dựng nhà thờ, thư viện, nhà thương và cô nhi viện. Ngài cũng đối xử với các hoàng tử một cách thành thật và công bằng. Ngài hy vọng cũng sẽ được đối xử tương tự bởi Vua các vua, là Người mà ngài đã dâng hiến cuộc đời, gia đình và quê hương.
26 Tháng Tám : Thánh Giuse Calasan (1556 -1648)
Từ Aragon, là nơi ngài sinh trưởng năm 1556, đến Rôma, là nơi ngài chết lúc 92 tuổi, vận mệnh có lúc mỉm cười cũng có lúc chau mày với thành quả của Giuse Calasan (cũng thường được gọi là Giuse Calasanctius).
Là một linh mục tốt nghiệp đại học về giáo luật và thần học, với sự khôn ngoan và kinh nghiệm quản trị đáng kính nể, nhưng ngài không màng đến sự nghiệp ấy mà chỉ lưu tâm đến nhu cầu giáo dục của trẻ em nghèo. Vì không tìm được tổ chức nào có thể đảm trách công việc tông đồ này ở Rôma, chính ngài và một vài người bạn đã mở trường để dạy học cho các em nghèo. Kết quả thật không ngờ và nhu cầu ngày càng gia tăng nên cần có một trường sở rộng lớn hơn. Sau đó không lâu, Ðức Giáo Hoàng Clêmentê VIII đã giúp đỡ nhà trường, và sự giúp đỡ này được kéo dài cho đến thời Ðức Giáo Hoàng Phaolô V. Nhiều trường sở mới được mở thêm cũng như nhiều người thiện chí khác tiếp tay với công việc, và năm 1621 cộng đoàn này được công nhận là một tu hội (Tu Sĩ Dòng Calasan). Không lâu sau đó, cha Giuse được bổ nhiệm làm giám đốc cho đến mãn đời.
Những thành kiến pha lẫn với tham vọng chính trị và thủ đoạn đã đem lại nhiều xáo trộn cho tu hội. Một số người không thích giáo dục người nghèo, vì họ cho rằng sự giáo dục chỉ làm người nghèo thêm bất mãn vì thân phận thấp hèn của họ trong xã hội! Nhiều người khác căm phẫn khi thấy một số tu sĩ Calasan được gửi đi thụ giáo Galileo (một người bạn của cha Giuse), bởi thế các tu sĩ đã chia rẽ thành những nhóm kình chống nhau. Sau nhiều lần điều tra của ủy ban giáo hoàng, cha Giuse bị giáng chức; và khi sự tranh chấp trong tu hội vẫn còn tiếp tục, tu hội đã bị cấm hoạt động. Chỉ sau khi cha Giuse chết họ mới được phục hồi tình trạng của một tu hội.
Lời Bàn
Không ai biết rõ nhu cầu công việc mà cha Giuse đang làm hơn là chính ngài; không ai biết rõ tính cách vô căn cứ của những lời cáo buộc hơn là chính ngài. Tuy nhiên, nếu ngài muốn hoạt động trong lòng Giáo Hội, ngài biết phải tùng phục đấng có thẩm quyền, và ngài phải chấp nhận sự thất bại nếu không thể thuyết phục được các điều tra viên. Trong khi thành kiến, mưu đồ và sự ngu dốt của nhiều người thường che khuất sự thật trong một thời gian dài, cha Giuse tin rằng, dù dưới những áp lực, tổ chức của ngài sẽ được công nhận và được phép hoạt động. Với sự tin tưởng này ngài đã kiên nhẫn và sẵn sàng tha thứ.
Lời Trích
Ngay cả trong thời gian bị giáng chức, cha Giuse vẫn bảo vệ những người ngược đãi ngài khỏi bị nguy hiểm vì những người ủng hộ nóng tính của ngài; và khi tu hội bị cấm hoạt động, ngài coi như trường hợp của ông Job, là người mà ngài thường tự so sánh: "Thiên Chúa ban và Thiên Chúa lấy đi; chúc tụng danh Chúa!" (Job 1:21b).
27 Tháng Tám : Thánh Monica (322?-387)
Hoàn cảnh cuộc đời Thánh Monica đã có thể biến ngài thành một người vợ hay mè nheo, một nàng dâu nhiều cay đắng và một người mẹ tuyệt vọng, tuy nhiên ngài đã không chịu thua bất cứ cám dỗ nào. Mặc dù ngài là một Kitô Hữu, cha mẹ ngài đã gả cho một người ngoại giáo, ông Patricius, là người sống trong cùng tỉnh Tagaste ở Bắc Phi Châu. Patricius là người tốt nhưng ông vô cùng nóng nẩy và phóng túng. Ngoài ra Thánh Monica còn phải chịu đựng bà mẹ chồng hay gắt gỏng. Ông Patricius thường rầy la vợ vì bà hay thương người. Nhưng sự cầu nguyện và gương mẫu đời sống của Thánh Monica sau cùng đã chinh phục được người chồng cũng như mẹ chồng, ngài đã đưa họ trở về với đức tin Kitô Giáo. Ông Patricius chết năm 371, sau khi rửa tội được một năm để lại người vợ goá và ba con nhỏ.
Người con cả, Augustine Hippo, nổi tiếng nhất (sau này là thánh). Vào lúc cha chết, Augustine mới 17 tuổi và là sinh viên trường hùng biện ở Carthage. Thánh Monica thật đau buồn khi thấy con mình đi theo tà thuyết Manikê và sống cuộc đời phóng đãng. Có những lúc Thánh Monica không cho con được ăn ngủ ở trong nhà. Và rồi một đêm kia, ngài được thị kiến và được đảm bảo là Augustine sẽ trở về với đức tin. Từ đó trở đi ngài sống gần với con hơn để ăn chay và cầu nguyện cho con. Quả vậy, ngài ở gần đến nỗi Augustine cũng phải bực mình.
Khi 29 tuổi, Augustine quyết định đi Rôma để dạy về hùng biện. Một tối kia, Augustine nói với mẹ là anh ra bến tầu để từ giã bạn bè. Nhưng, anh lại lên tầu đi Rôma. Thánh Monica thật đau lòng khi biết mình bị lừa, nhưng ngài nhất định đi theo. Vừa đến Rôma thì ngài lại biết là Augustine đã đi Milan. Mặc dù việc di chuyển khó khăn, Thánh Monica vẫn nhất định bám sát.
Ở đây, Augustine bị ảnh hưởng bởi một giám mục, Ðức Ambrôsiô, là vị linh hướng sau này của Thánh Monica. Augustine chấp nhận mọi lời khuyên của đức giám mục và tập được đức khiêm tốn đến độ ngài có thể từ bỏ được nhiều tật xấu. Thánh Monica trở thành người lãnh đạo của nhóm phụ nữ đạo đức ở Milan cũng như khi ở Tagaste.
Ngài tiếp tục cầu nguyện cho Augustine trong những năm anh theo học với đức giám mục. Vào Phục Sinh năm 387, Ðức Ambrôsiô rửa tội cho Augustine và một vài người bạn của anh. Không lâu sau đó, cả nhóm đi Phi Châu. Lúc ấy, Thánh Monica biết cuộc đời ngài sắp chấm dứt, ngài nói với Augustine, "Con ơi, không có gì trên trần gian này làm mẹ vui lòng cả. Mẹ không biết có gì còn phải thi hành và tại sao mẹ lại ở đây, vì mọi hy vọng của mẹ ở trần gian này đều đã được hoàn tất." Sau đó không lâu ngài bị bệnh và chịu đau đớn trong chín ngày trước khi từ trần.
Tất cả những gì chúng ta biết về Thánh Monica là trong tác phẩm Tự Thú của Thánh Augustine.
Lời Bàn
Trong xã hội ngày nay, mọi thứ đều sẵn sàng, từ mì ăn liền, cà phê uống liền, đến việc tiêu xài liền (instant-credit) khiến chúng ta không còn kiên nhẫn. Tương tự như thế, chúng ta cũng muốn lời cầu xin của chúng ta được đáp trả ngay lập tức. Thánh Monica là gương mẫu của sự kiên nhẫn. Những năm trường cầu nguyện, cộng với đức tính kiên cường và kỷ luật, sau cùng đã đưa đến sự trở lại của người chồng nóng nẩy, người mẹ chồng ưa gắt gỏng và người con thông minh nhưng bướng bỉnh, là Augustine.
Lời Trích
Khi Thánh Monica từ Bắc Phi Châu sang Milan, ngài nghĩ ra những thói quen đạo đức mới cho ngài và cho những người thời ấy, tỉ như ăn chay ngày thứ Bảy, là điều không phổ thông ở Milan. Ngài hỏi Thánh Ambrôsiô là nên giữ những thói quen nào. Câu trả lời nổi tiếng của Thánh Ambrôsiô là: "Khi cha ở đây, cha không giữ chay ngày thứ Bảy, nhưng khi ở Rôma thì cha sẽ giữ chay; hãy làm theo những phong tục và huấn thị của Giáo Hội như đã được ban bố đặc biệt cho địa phương mà con đang sống."
28 Tháng Tám : Thánh Augustine (354-430)
Là Kitô Hữu lúc 33 tuổi, làm linh mục lúc 36 tuổi, được tấn phong giám mục lúc 41 tuổi: ai ai cũng quen thuộc với tiểu sử tóm lược của Thánh Augustine Hippo, một tội-nhân-trở-thành-thánh-nhân. Nhưng có thực sự biết về cuộc đời thánh nhân thì điều đó mới có giá trị.
Dù khi xa cách Thiên Chúa hay hướng về Thiên Chúa, đời sống của ngài mau chóng đạt đến mức độ mãnh liệt. Nước mắt của mẹ ngài, những lời huấn đức của Thánh Ambrôsiô và, trên hết mọi sự, chính Thiên Chúa nói với ngài qua Kinh Thánh đã thay đổi tính đam mê thế gian của Augustine thành một cuộc đời đầy bác ái.
Từng đắm chìm trong sự cao ngạo về cuộc đời mình trong thời niên thiếu và từng say sưa cặn bã cay đắng của cuộc đời, nên người ta không ngạc nhiên khi thấy Augustine, khi quay trở về, ngài đã phải chống trả với sự tấn công của ma quỷ bằng sự thánh thiện quyết liệt. Thời đại của ngài thực sự sa sút -- về chính trị, xã hội và luân lý. Người ta vừa sợ và vừa mến ngài, giống như Thầy Giêsu. Ngài bị chỉ trích không bao giờ cùng: là bản tính khắt khe của loài người.
Cuộc đời ngài, do thiên ý, ngài đã chu toàn nhiệm vụ của một ngôn sứ. Như ngôn sứ Giêrêmia và các vị đại ngôn sứ khác, ngài bị bó buộc nhưng không thể giữ im lặng. "Tôi tự nhủ, tôi sẽ không nhắc đến Người, tôi sẽ không nhân danh Người mà lên tiếng nữa. Nhưng rồi như lửa bừng cháy trong tim, giam hãm thân thể tôi; và tôi cầm hãm không nổi, chịu đựng không thấu" (Giêrêmia 20:9).
Lời Bàn
Trong thời đại chúng ta, Thánh Augustine vẫn còn được xưng tụng và vẫn còn bị kết án. Ngài là vị ngôn sứ của thời đại ngày nay, thúc giục chúng ta phải từ bỏ khuynh hướng thoát ly thực tế và can đảm đối diện với trách nhiệm và phẩm giá của mỗi một người.
Lời Trích
"Thật quá trễ để con yêu mến Ngài, ôi Ðấng Tuyệt Mỹ của ngày xa xưa ấy, nhưng mới lạ hơn bao giờ hết! Thật quá muộn để con yêu mến Ngài! Và đây, Ngài ở bên trong, con ở bên ngoài, và con đi tìm Ngài; con bị méo mó, đắm chìm trong những hình dáng đẹp đẽ mà Ngài đã dựng nên. Ngài ở với con, nhưng con không ở với Ngài. Nhiều thứ đã giữ con xa Ngài - những thứ mà nếu chúng không ở trong Ngài, thì chẳng là gì cả. Ngài kêu lớn và gào thét vào sự ngơ điếc của con. Ngài lấp lánh và chiếu sáng vào sự mù quáng của con. Ngài thở hương thơm và con bị lôi cuốn - và con khao khát Ngài. Con đã nếm thử, và con đói khát. Ngài chạm đến con, và con đã bừng cháy vì sự bình an của Ngài" (Tự Thú của Thánh Augustine).
29 Tháng Tám : Thánh Gioan Tẩy Giả Bị Chém Ðầu
Lời thề khi say sưa của một vị vua coi thường danh dự, một điệu vũ mê hoặc và một con tim hận thù của hoàng hậu đã đưa đến cái chết của Gioan Tẩy Giả. Vị ngôn sứ vĩ đại nhất đã chịu chung số phận như nhiều ngôn sứ khác trong Cựu Ước: bị tẩy chay và tử đạo. "Tiếng kêu trong sa mạc" không ngần ngại lên án kẻ có tội, và dám nói lên sự thật. Tại sao ngài làm như vậy? Ngài được gì khi hy sinh mạng sống mình?
Nhà cải cách tôn giáo này đã được Thiên Chúa sai đến để chuẩn bị dân chúng đón nhận Ðấng Thiên Sai. Ơn gọi của ngài là một hy sinh cách vị tha. Chỉ có một quyền năng mà ngài công bố là Thần Khí Thiên Chúa. "Tôi làm phép rửa cho các người với nước để giục lòng sám hối, nhưng Ðấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi. Tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các ngươi trong Thánh Thần và lửa" (Mátthêu 3:11). Phúc Âm kể cho chúng ta biết có nhiều người theo Gioan để tìm kiếm hy vọng, có lẽ vì nóng lòng chờ đợi Ðấng Thiên Sai. Gioan không bao giờ tự nhận cho mình cái vinh dự giả dối khi dân chúng tuốn đến với ngài. Ngài biết ơn gọi của mình là sự chuẩn bị. Khi đã đến lúc, ngài dẫn các môn đệ đến với Chúa Giêsu: "Hôm sau, ông Gioan lại có mặt ở đó với hai môn đệ của ông và khi thấy Ðức Giêsu đi ngang qua, ông nói: 'Ðây là Chiên Thiên Chúa.' Hai môn đệ nghe nói, liền đi theo Ðức Giêsu" (Gioan 1:35-37)
Chính Gioan Tẩy Giả là người đã chỉ đường đến Ðức Kitô. Ðời sống và cái chết của Gioan là để hy sinh cho Thiên Chúa và loài người. Lối sống đơn giản của ngài thực sự là lối sống tách biệt khỏi vật chất thế gian. Tâm hồn của ngài đặt trọng tâm ở Thiên Chúa và lời mời gọi ngài nghe được từ Thần Khí Thiên Chúa đã đánh động tâm hồn ngài. Tin tưởng ở ơn Chúa, ngài đã can đảm nói những lời kết tội hoặc kêu gọi sám hối, vì sự cứu độ.
Lời Bàn
Mỗi người đều có một ơn gọi mà họ phải lắng nghe. Không ai có thể lập lại sứ vụ của Thánh Gioan, và tất cả chúng ta đều được kêu gọi đến một sứ vụ riêng biệt. Ðó là vai trò làm chứng nhân cho Ðức Giêsu của mỗi một Kitô Hữu. Bất cứ hoàn cảnh nào trong đời sống, chúng ta được mời gọi để trở nên môn đệ của Ðức Kitô. Qua hành động và lời nói, người khác sẽ nhận thấy chúng ta đang sống trong niềm vui khi tin nhận Ðức Giêsu là Chúa chúng ta. Chúng ta không bị gò bó bởi sức mạnh hạn hẹp của chính chúng ta, nhưng chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh từ ơn cứu độ bao la của Ðức Kitô.
Lời Trích
"Họ đến gặp Gioan và nói: 'Thưa thầy, người đã ở với thầy bên kia sông Giođan, và được thầy chứng thực, bây giờ ông ấy đang làm phép rửa, và mọi người đều đến với ông ấy." Gioan trả lời: 'Không ai có thể nhận được gì mà không do trời ban. Chính anh em làm chứng là tôi đã nói: tôi không phải là Ðấng Thiên Sai, mà chỉ là kẻ được sai đến trước Người. Ai cưới cô dâu, người ấy là chàng rể; người phù rể đứng ở đó thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng rể. Như vậy niềm vui của tôi đã được trọn vẹn. Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi" (Gioan 3:26-30).
30 Tháng Tám : Tôi Tớ Thiên Chúa - Mẹ Marianne Molokai (1838-1918)
Mặc dù bệnh cùi đã làm kinh hãi nhiều người ở Hạ Uy Di trong thế kỷ 19, bệnh dịch đó đã khích động lòng độ lượng vô bờ của Mẹ Marianne. Mẹ đã can đảm tận tình giúp thăng tiến đời sống của những người cùi ở Hạ Uy Di.
Vào ngày 23 tháng Giêng, 1838, một cô gái được chào đời trong gia đình ông Peter và bà Barbara Cope ở Hessen-Darmstadt, nước Ðức. Tên của cô được đặt theo tên người mẹ. Hai năm sau, gia đình ông bà Cope di cư sang Hoa Kỳ và định cư ở Utica, Nữu Ước. Cô Barbara làm việc trong một nhà máy cho đến tháng Tám 1862, là lúc cô gia nhập Nữ Tu Dòng Thánh Phanxicô ở Syracuse, Nữu Ước. Sau khi khấn trọn vào tháng Mười Một vào năm kế đó, cô bắt đầu dạy học tại trường của giáo xứ Assumption.
Sơ Marianne giữ chức vụ hiệu trưởng ở một vài nơi và hai lần làm giám đốc đệ tử viện. Với bản tính lãnh đạo, đã ba lần sơ làm giám đốc bệnh viện Thánh Giuse ở Syracuse, là nơi sơ học được nhiều điều lợi ích cho những năm sau này ở Hạ Uy Di.
Ðược chọn làm bề trên năm 1877, Mẹ Marianne lại tái đắc cử chức vụ bề trên vào năm 1881. Hai năm sau, chính phủ Hạ Uy Di cần tìm những người điều hành trung tâm tiếp nhận người cùi ở Kakaako, và trên 50 tu hội ở Hoa Kỳ và Canada đã được hội ý. Khi lời thỉnh cầu đến tai các sơ ở Syracuse, ngay lập tức đã có đến 35 sơ tình nguyện. Vào ngày 22-10-1883, Mẹ Marianne và sáu sơ đến Hạ Uy Di để điều hành trung tâm người cùi Kakaako, ở ngoại ô Honolulu; và trên bán đảo Maui họ đã mở một bệnh viện và một trường nữ học sinh.
Vào năm 1888, Mẹ Marianne và hai sơ đến Molokai để mở một trung tâm cho "các thiếu nữ và phụ nữ cô thế". Chính phủ Hạ Uy Di rất do dự khi giao phó cho các phụ nữ một công việc rất khó khăn; nhưng với Mẹ Marianne họ không phải lo lắng gì! Ở Molokai, sơ đảm trách một trung tâm mà Chân Phước Damien Deveuster (chết năm 1889) đã thiết lập cho thanh niên và quý ông bị cùi. Mẹ Marianne đã thay đổi đời sống ở Molokai bằng cách du nhập sự sạch sẽ, sự hãnh diện và vui thích vào cộng đoàn này. Một trong những phương cách ấy là quần áo mầu mè cũng như khăn quàng cổ sặc sỡ.
Chính phủ Hạ Uy Di đã trao tặng cho Mẹ Marianne nhiều huy chương cao quý, và mẹ cũng đã được nhắc đến trong các tác phẩm của nhà thơ Robert Louis Stevenson, nhưng Mẹ Marianne vẫn tiếp tục làm việc một cách trung tín. Công việc của các sơ trong dòng đã thu hút được nhiều ơn gọi tu trì nơi người Hạ Uy Di và họ hiện đang làm việc ở Molokai.
Mẹ Marianne chết ngày 9 tháng Chín, 1918, và sự nghiệp của mẹ đã dẫn đến tiến trình phong thánh ở Rôma.
Lời Bàn
Nhà cầm quyền Hạ Uy Di đã do dự khi để Mẹ Marianne trở thành một bà mẹ ở Molokai. Ba mươi năm kiên trì làm việc đã chứng minh sự lo sợ của họ là vô căn cứ. Bất kể sự thiển cận của loài người, Thiên Chúa đã ban nhiều ơn sủng và cho phép những ơn sủng đó nở hoa vì Nước Trời.
Lời Trích
Sau khi Mẹ Marianne chết không lâu, Bà John F. Bowler đã viết trong tập san Honolulu Advertiser, "Không có nhiều thời cơ cho một phụ nữ mà bà đã dành từng chút giờ một trong 30 năm để săn sóc những người bị tách biệt khỏi thế giới vì lề luật. Bà đã hy sinh trong suốt thời gian đó, và đã chống trả với đủ mọi thứ một cách can đảm không nao núng và với nụ cười luôn tươi nở trên môi."
31 Tháng 8 : Tôi Tớ Thiên Chúa: Cha Martin Valencia (1470 - 1534)
Khi Martin chào đời thì Mỹ Châu chưa được khám phá. Khi ngài từ trần là khi Giáo Hội Công Giáo nỗ lực rao giảng phúc âm ở lục địa ấy.
Sinh trưởng ở một ngôi làng nhỏ bé ở Leon, Juan Martin de Boil gia nhập dòng Phanxicô ở Mayorga thuộc tỉnh Santiago, Tây Ban Nha. Sau khi chịu chức, ngài được bổ nhiệm về quê cũ. Vào năm 1517, khi Martin Luther nổi tiếng ở Ðức, Cha Martin de Boil làm bề trên Tỉnh Dòng St. Gabrien.
Trong thời gian đệ tử, Martin thường bắt chước Thánh Phanxicô, thay đổi đời sống theo gương Ðức Kitô. Nhưng ngài không nhận ra ước vọng truyền giáo đã nhen nhúm ngay từ thuở ban đầu mãi cho đến khi ngài 54 tuổi.
Vào năm 1524, theo lời yêu cầu của Hoàng Ðế Charles V, Cha Martin dẫn 11 tu sĩ sang Mễ Tây Cơ, là nơi họ được gọi là "12 Tông Ðồ của Mễ Tây Cơ." Tất cả các tu sĩ tiên khởi ở Mễ Tây Cơ đều rất nghèo và rất hãm mình. Thay mặt cho các người địa phương, các tu sĩ lên tiếng phản đối sự bất công của người thực dân Tây Ban Nha.
Bất kể sức khoẻ yếu kém, Cha Martin cũng đi đây đi đó khắp nơi và rao giảng đức tin cho bất cứ ai ngài gặp. Ngài từ trần trong một chuyến đi truyền giáo.
Lời Bàn
Qua bao năm, việc loan truyền Tin Mừng về Ðức Giêsu được coi là một công việc hầu như dành cho linh mục và tu sĩ. Nếu quả thật công việc truyền giáo là "căn tính sâu xa nhất của Giáo Hội" như lời Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói, thì công việc này cũng hệ tại phần nào nơi mọi phần tử của Giáo Hội. Nhiệm vụ của Cha Martin de Valencia đã hoàn tất, còn của chúng ta thì chưa.
Lời Trích
"Mục đích đặc biệt của hoạt động truyền giáo là rao giảng Phúc Âm và vun trồng Giáo Hội nơi các dân tộc và các tổ chức mà giáo hội chưa bén rễ. Các giáo hội bản xứ trên toàn thế giới phải lớn mạnh từ hạt giống Lời Chúa, các giáo hội nào được tổ chức đầy đủ thì sẽ làm chủ sức mạnh và sự trưởng thành của chính giáo hội ấy" (Công Ðồng Vatican II, Hoạt Ðộng Truyền Giáo của Giáo Hội, #6)
Nguồn: http://www.nguoitinhuu.org/
Tháng 9
1 Tháng Chín : Thánh Beatrice Silva (1424-1491)
2 Tháng Chín : Chân Phước John Francis Burté và Ðồng Bạn (k. 1792; d.1794)
3 Tháng Chín : Thánh Grêgôriô Cả (540?--604)
4 Tháng Chín : Thánh Rosa ở Viterbo (1233-1251)
5 Tháng Chín : Blessed Mother Teresa of Calcutta (1910-1997)
6 Tháng Chín : Chân Phước Claudio Granzotto (1900-1947)
7 Tháng Chín : Chân Phước Frederick Ozanam (1813 -1853)
8 Tháng Chín : Sinh Nhật Ðức Trinh Nữ Maria
9 Tháng Chín : Thánh Phêrô Claver (1581-1654)
10 Tháng Chín : Thánh Tôma ở Villanova (1488-1555)
12 tháng Chín : LỄ THÁNH DANH ĐỨC MẸ
-Thánh Pedro de Corpa và Các Bạn (k. 1597)
13 Tháng Chín : Thánh Gioan Chrysostom
14 Tháng Chín : Sự Chiến Thắng của Thánh Giá
16 Tháng Chín : Thánh Cornelius
17 Tháng Chín : Thánh Robert Bellarmine (1542-1621)
18 Tháng Chín : Thánh Giuse Cupertino (1603-1663)
19 Tháng Chín : Thánh Januarius
20 Tháng Chín : Thánh Anrê Kim Taegon, Phaolô Chong Hasang và Các Bạn
22 Tháng Chín : Thánh Lorenzo Ruiz và Các Bạn (1600?-1637)
23 Tháng Chín : Thánh Padre Piô (1887-1968)
24 Tháng Chín : Thánh Pacifio ở San Severino (1653 -- 1721)
25 Tháng Chín : Thánh Elzear và Chân Phước Delphina (1286-1323) (1283-1358)
26 Tháng Chín : Thánh Cosmas và Thánh Damian (c. 303?)
27 Tháng Chín : Thánh Vinh-sơn Phao-lô (1580?-1660)
28 Tháng Chín : Thánh Wenceslaus (907? - 929)
29 Tháng Chín : Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, Gabriel và Raphael
30 Tháng Chín : Thánh Giêrôme (345 - 420)
========================
1 Tháng Chín : Thánh Beatrice Silva (1424-1491)
Thánh Beatrice có một liên hệ sơ sài nhưng rõ ràng với phong trào Phanxicô. Dòng tu ngài sáng lập đã không được sát nhập vào dòng Phanxicô cho đến sau khi ngài chết, nhưng ngày nay dòng ấy là một nhánh chính yếu của gia đình Thánh Phanxicô.
Beatrice sinh trưởng ở Ceuta, Morocco. Ngài có liên hệ đến hoàng gia Bồ Ðào Nha và có lúc phục vụ như một thị tỳ cho nữ hoàng Castile. Sau khi từ bỏ công việc ấy, ngài gia nhập tu viện Ða Minh ở Toledo, là nơi ngài sống trong 37 năm (dù rằng ngài chưa bao giờ tuyên khấn lời hứa của dòng này).
Bảy năm trước khi từ trần, Thánh Beatrice thành lập một cộng đoàn chiêm niệm theo luật Dòng Xitô. Sau khi ngài chết được ba năm, Ðức Giáo Hoàng Alexander VI đặt cộng đoàn của thánh nữ trong hệ thống Anh Em Hèn Mọn Phanxicô và theo Luật Thánh Clara. Ngày nay những nữ tu này thường được gọi là Người Theo Linh Ðạo Thánh Clara Khó Nghèo, và vào năm 1968 các nữ tu này chiếm khoảng 20 phần trăm tổng số người trong Dòng Nhì. Sơ Beatrice được phong thánh năm 1976.
Lời Bàn
Nhiều người khiếp sợ sự cầu nguyện và hãm mình của các nữ tu dòng Thánh Clara Khó Nghèo. Những người khác lại được hứng khởi bởi lòng bác ái và hy sinh này, mà linh đạo ấy đã giữ cộng đoàn trung tín với mục đích của dòng: phục vụ Thiên Chúa và Giáo Hội với một tâm hồn ngày càng thanh khiết hơn.
Lời Trích
Celano viết về những người đầu tiên theo Thánh Phanxicô: "Trên tất cả mọi sự, trong cộng đoàn của họ nảy sinh một nhân đức ngoại hạng về lòng bác ái cộng đồng và liên tục, mà nhân đức này đã kết hợp họ thành một, mặc dù bốn năm chục người sống trong một mái nhà, và sự đồng tâm nhất trí của họ đã khuôn đúc thành một tinh thần trong nhiều tinh thần ngoại hạng khác" (I Celano, #19).
2 Tháng Chín : Chân Phước John Francis Burté và Ðồng Bạn (k. 1792; d.1794)
Các linh mục này là nạn nhân của cuộc Cách Mạng Pháp. Mặc dù họ tử đạo trong thời gian khác nhau, nhưng được Giáo Hội mừng kính cùng một lúc vì tất cả đã hy sinh mạng sống với cùng một lý do. Hiến Chương Dân Sự về Tu Sĩ (1791) của nhà cầm quyền buộc tất cả các linh mục phải tuyên thệ những điều chung qui là chối bỏ đức tin. Họ đã từ chối và đã bị hành quyết.
John Francis Burté gia nhập dòng Phanxicô lúc 16 tuổi và sau khi thụ phong linh mục ngài dạy thần học cho các đệ tử sinh. Sau này ngài là giám đốc tu viện lớn ở Balê cho đến khi ngài bị bắt và bị giam trong tu viện dòng Camêlô.
Appolinaris Posat sinh năm 1739 ở Thụy Ðiển. Ngài gia nhập dòng Capuchin và nổi tiếng là một người thuyết giảng, một cha giải tội và nhà giáo dục các tu sĩ. Ðược sai sang Ðông Phương để truyền giáo, ngài đến Balê để học các ngôn ngữ Ðông Phương khi cuộc Cách Mạng Pháp bắt đầu. Từ chối không chịu tuyên thệ, ngài bị bắt và bị giam trong tu viện Camêlô.
Severin Girault, một người Dòng Ba, là tuyên uý cho một số các nữ tu ở Balê. Bị cầm tù với những người khác, ngài là người đầu tiên bị chết trong cuộc tàn sát ở tu viện.
Ba vị này cùng với 182 người khác -- kể cả vài giám mục và nhiều linh mục dòng cũng như triều -- đã bị thảm sát tại tu viện Camêlô ở Balê ngày 2 tháng Chín, 1792. Tất cả được phong chân phước vào năm 1926.
John Baptist Triquerie, sinh năm 1737, gia nhập Ðan Viện Phanxicô. Ngài là tuyên uý và là cha giải tội cho các tu sĩ dòng Thánh Clara Khó Nghèo trong ba thành phố trước khi ngài bị bắt vì không chịu tuyên thệ. Cùng với 13 linh mục triều, ngài bị chém đầu ở Laval ngày 21 tháng Giêng 1794. Ngài được phong chân phước năm 1955.
Lời Bàn
"Tự Do, Bình Ðẳng, Huynh Ðệ" là châm ngôn của cuộc Cách Mạng Pháp. Nếu mỗi cá nhân có "các quyền lợi không thể thay đổi", như Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập khẳng định, thì những quyền này không thể xuất phát từ những thoả ước của xã hội (có thể rất mong manh) nhưng phải được phát xuất trực tiếp từ Thiên Chúa. Chúng ta có tin điều đó không? Chúng ta có hành động theo điều đó không?
Lời Trích
"Biến động xảy ra ở Pháp vào cuối thế kỷ 18 đã tàn phá mọi sự thiêng liêng và đã xúc phạm cũng như trút sự tức giận lên Giáo Hội và các mục tử. Những người vô đạo đức lên nắm quyền đã che đậy sự giận dữ Giáo Hội dưới chiêu bài triết lý lừa bịp... Dường như thời bách hại tiên khởi đã trở lại. Giáo Hội, nàng dâu không tì vết của Ðức Kitô, trở nên lộng lẫy với các triều thiên tử đạo" (Sử Liệu Tử Ðạo).
3 Tháng Chín : Thánh Grêgôriô Cả (540?--604)
Trong cuộc đời Thánh Grêgôriô Cả, sự nghiệp sau nổi tiếng hơn sự nghiệp trước. Ngài là trưởng thánh bộ Rôma trước khi 30 tuổi. Năm năm sau đó, ngài từ chức, sáng lập sáu đan viện trên các phần đất của ngài ở Sicilia và chính ngài là một tu sĩ dòng Biển Ðức (Benedictine) ở Rôma.
Sau khi thụ phong linh mục, ngài là một trong bảy phó tế của đức giáo hoàng, và ngài còn giữ chức vụ sứ thần tòa thánh ở Constantinople, Ðông Phương. Sau đó ngài được gọi về làm đan viện trưởng, và vào lúc 50 tuổi, ngài được chọn làm giáo hoàng bởi hàng giáo sĩ và giáo dân Rôma.
Ngài thẳng tính và kiên quyết. Ngài cách chức các linh mục bất xứng, cấm không được lấy tiền khi phục vụ, và ngài lấy tất cả quỹ riêng của đức giáo hoàng để chuộc các tù nhân bị phe Lombard bắt, săn sóc những người Do Thái bị bách hại và các nạn nhân của nạn dịch tễ cũng như nạn đói kém. Ngài rất lưu tâm đến việc trở lại của nước Anh nên đã sai 40 đan sĩ của ngài đến hoạt động ở đây. Ngài nổi tiếng vì những cải cách phụng vụ, và củng cố sự tôn trọng học thuyết. Người ta đang tranh luận xem có phải chính ngài là người chịu trách nhiệm phần lớn nhạc bình ca (Gregorian) hay không.
Thánh Grêgôriô sống trong giai đoạn luôn luôn có bất hòa vì sự xâm lăng của phe Lombard và vì những tương giao khó khăn với Giáo Hội Ðông Phương. Khi Rôma bị tấn công, chính ngài là người đến chất vấn vua Lombard.
Một sử gia Anh Giáo đã viết: "Không thể nào tưởng tượng được những gì sẽ xảy ra trong thời Trung Cổ--thật lộn xộn, vô trật tự--nếu không có triều đại giáo hoàng; và nói về giáo hoàng của thời trung cổ, vị cha chung đích thực là Ðức Grêgôriô Cả."
Cuốn sách của ngài, Cách Chăm Sóc Mục Vụ, nói về nhiệm vụ và đặc tính của môät giám mục, đã được đọc trong bao thế kỷ sau khi ngài chết. Ngài diễn tả vị giám mục chính yếu như một y sĩ mà nhiệm vụ chính là rao giảng và duy trì kỷ luật. Trong các bài giảng thực tế của ngài, Thánh Grêgôriô có tài áp dụng phúc âm hàng ngày vào nhu cầu đời sống của giáo dân. Ðược gọi là "Cả", Thánh Grêgôriô được nâng lên một vị trí ngang hàng với Thánh Augustine, Thánh Ambrôsiô và Thánh Giêrôme như một trong bốn vị tiến sĩ nòng cốt của Giáo Hội Tây Phương.
Lời Bàn
Thánh Grêgôriô thích là một đan sĩ, nhưng ngài sẵn sàng phục vụ Giáo Hội trong các phương cách khác khi được yêu cầu. Ngài đã hy sinh những sở thích của ngài trong nhiều phương cách, nhất là khi làm Giám Mục Rôma (Giáo Hoàng). Một khi được kêu gọi để phục vụ công ích, Thánh Grêgôriô đã dùng hết khả năng để chu toàn nhiệm vụ.
Lời Trích
"Nói cho cùng có lẽ không khó để người ta từ bỏ của cải, nhưng chắc chắn là thật khó để từ bỏ chính mình. Khước từ những gì mình có là chuyện nhỏ; nhưng khước từ cái tôi của mình, đó mới thật đáng kể" (Thánh Grêgôriô, Bài Giảng về Phúc Âm).
4 Tháng Chín : Thánh Rosa ở Viterbo (1233-1251)
Thánh Rosa đạt được sự thánh thiện trong cuộc đời ngắn ngủi 18 năm. Ngay từ khi còn nhỏ, Rosa đã ao ước thiết tha muốn cầu nguyện và giúp đỡ người nghèo. Khi còn trẻ, ngài đã bắt đầu hãm mình. Ngài độ lượng với người nghèo bao nhiêu thì lại khắt khe với chính bản thân bấy nhiêu. Vào lúc 10 tuổi, ngài gia nhập dòng Ba Phanxicô và không lâu sau đó, ngài đi rao giảng về vấn đề tội lỗi và sự đau khổ của Chúa Giêsu.
Thành phố Viterbo, nơi ngài sinh trưởng, đã nổi dậy chống đối đức giáo hoàng. Khi Rosa đứng về phía đức giáo hoàng chống với hoàng đế, ngài và gia đình bị đuổi ra khỏi thành phố. Cho đến khi phe bênh vực đức giáo hoàng chiến thắng ở Viterbo, Rosa mới được phép trở về. Vào năm 15 tuổi, ngài cố gắng thành lập một tu hội nhưng thất bại, sau đó ngài trở về với đời sống cầu nguyện và hãm mình tại nhà của vị thân sinh, cho đến khi lìa đời năm 1251. Rosa được phong thánh năm 1457.
Lời Bàn
Danh sách các thánh dòng Phanxicô dường như bao gồm một ít người không thành đạt được điều gì đáng kể. Thánh Rosa là một trong những người ấy. Ngài không có ảnh hưởng đến đức giáo hoàng hay các vị vua, chưa bao giờ làm phép lạ bánh hoá nhiều để nuôi người đói, và chưa bao giờ thành lập được tu hội như mơ ước. Nhưng ngài đã biến cuộc đời thành một nơi đầy ơn sủng của Thiên Chúa, và như Thánh Phanxicô, ngài coi cái chết như cửa ngõ dẫn đến sự sống mới.
Lời Trích
Di chúc mà Thánh Rosa để lại cho cha mẹ có viết: "Con chết với niềm vui, vì con khao khát được kết hợp với Thiên Chúa. Hãy sống sao để đừng sợ chết. Vì những ai sống tốt lành ở đời này thì không sợ chết, nhưng cái chết sẽ đáng quý và ngọt ngào."
5 Tháng Chín : Blessed Mother Teresa of Calcutta (1910-1997)
Mother Teresa of Calcutta, the tiny woman recognized throughout the world for her work among the poorest of the poor, was beatified October 19, 2003. Among those present were hundreds of Missionaries of Charity, the Order she founded in 1950 as a diocesan religious community. Today the congregation also includes contemplative sisters and brothers and an order of priests.
Speaking in a strained, weary voice at the beatification Mass, Pope John Paul II declared her blessed, prompting waves of applause before the 300,000 pilgrims in St. Peter's Square. In his homily, read by an aide for the aging pope, the Holy Father called Mother Teresa “one of the most relevant personalities of our age” and “an icon of the Good Samaritan.” Her life, he said, was “a bold proclamation of the gospel.”
Mother Teresa's beatification, just over six years after her death, was part of an expedited process put into effect by Pope John Paul II. Like so many others around the world, he found her love for the Eucharist, for prayer and for the poor a model for all to emulate.
Born to Albanian parents in what is now Skopje, Macedonia (then part of the Ottoman Empire), Gonxha (Agnes) Bojaxhiu was the youngest of the three children who survived. For a time, the family lived comfortably, and her father's construction business thrived. But life changed overnight following his unexpected death.
During her years in public school Agnes participated in a Catholic sodality and showed a strong interest in the foreign missions. At age 18 she entered the Loreto Sisters of Dublin. It was 1928 when she said goodbye to her mother for the final time and made her way to a new land and a new life. The following year she was sent to the Loreto novitiate in Darjeeling, India. There she chose the name Teresa and prepared for a life of service. She was assigned to a high school for girls in Calcutta, where she taught history and geography to the daughters of the wealthy. But she could not escape the realities around her—the poverty, the suffering, the overwhelming numbers of destitute people.
In 1946, while riding a train to Darjeeling to make a retreat, Sister Teresa heard what she later explained as “a call within a call. The message was clear. I was to leave the convent and help the poor while living among them.” She also heard a call to give up her life with the Sisters of Loreto and, instead, to “follow Christ into the slums to serve him among the poorest of the poor.”
After receiving permission to leave Loreto, establish a new religious community and undertake her new work, she took a nursing course for several months. She returned to Calcutta, where she lived in the slums and opened a school for poor children. Dressed in a white sari and sandals (the ordinary dress of an Indian woman) she soon began getting to know her neighbors—especially the poor and sick—and getting to know their needs through visits.
The work was exhausting, but she was not alone for long. Volunteers who came to join her in the work, some of them former students, became the core of the Missionaries of Charity. Other helped by donating food, clothing, supplies, the use of buildings. In 1952 the city of Calcutta gave Mother Teresa a former hostel, which became a home for the dying and the destitute. As the Order expanded, services were also offered to orphans, abandoned children, alcoholics, the aging and street people.
For the next four decades Mother Teresa worked tirelessly on behalf of the poor. Her love knew no bounds. Nor did her energy, as she crisscrossed the globe pleading for support and inviting others to see the face of Jesus in the poorest of the poor. In 1979 she was awarded the Nobel Peace Prize. On September 5, 1997, God called her home.
sinh năm 1763 tại Làng Ván, Bắc Giang, Y sĩ, Trùm Họ, Dòng Ba Ðaminh, xử trảm ngày 05-9-1838 tại Bắc Ninh dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 05-9
sinh năm 1796 tại Ninh Cường, Bùi Chu, Linh Mục, Dòng Ða Minh, xử trảm ngày 05-9-1838 tại Bắc Ninh dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 05-9.
6 Tháng Chín : Chân Phước Claudio Granzotto (1900-1947)
Tinh ở Santa Lucia del Piave gần Venice, nước Ý, Claudio là con út trong gia đình chín người con và họ quen với công việc đồng áng thật vất vả. Năm lên chín anh mồ côi cha. Sáu năm sau, anh bị động viên vào quân đội Ý, là nơi anh phục vụ trong ba năm.
Vì có tài trong lãnh vực nghệ thuật, nhất là điêu khắc, nên anh theo học tại Viện Nghệ Thuật Venice và tốt nghiệp năm 1929 với điểm cao nhất lớp. Sau đó, anh đặc biệt lưu ý đến nghệ thuật tôn giáo. Khi Claudio gia nhập dòng Anh Em Hèn Mọn vào bốn năm sau đó, cha sở của anh viết thư giới thiệu, "Nhà dòng không chỉ tiếp nhận một nghệ nhân mà còn là một vị thánh." Sự cầu nguyện, yêu thương người nghèo cũng như say mê nghệ thuật là đặc điểm cuộc đời Claudio, nhưng tiếc thay cuộc đời ấy không kéo dài được lâu vì bệnh ung thư não. Ngài từ trần vào ngày lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời và được phong chân phước năm 1994.
Lời Bàn
Claudio đã phát triển được tài điêu khắc tuyệt vời đến độ các tác phẩm của ngài vẫn còn giúp con người trở về với Thiên Chúa. Không xa lạ gì với các nghịch cảnh, ngài đã can đảm đối phó mọi trở ngại, phản ánh sự độ lượng, đức tin và niềm vui mà ngài học được từ Thánh Phanxicô Assisi.
Lời Trích
Trong bài giảng lễ phong chân phước, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng Claudio đã dùng tài điêu khắc "như một khí cụ đặc biệt" trong đời sống tông đồ và để phúc âm hóa. "Sự thánh thiện của ngài đặc biệt toả sáng khi chấp nhận đau khổ và cái chết để hiệp thông với Thập Giá Ðức Kitô. Do đó, bởi hiến thân hoàn toàn cho tình yêu Thiên Chúa, ngài trở nên gương mẫu cho các tu sĩ, nghệ sĩ trong việc tìm kiếm sự mỹ miều của Thiên Chúa, và gương mẫu cho người đau yếu qua lòng sùng kính Thánh Giá của ngài" (L'Observatore Romano, Tập 47, Số 1, 1994)
7 Tháng Chín : Chân Phước Frederick Ozanam (1813 -1853)
Vì tin tưởng ở giá trị vô cùng của mỗi một con người, Frederick đã phục vụ người nghèo ở Balê và đã lôi cuốn những người khác phục vụ người nghèo trên thế giới. Qua tổ chức St. Vincent de Paul, công việc của Chân Phước Frederick còn tiếp tục cho đến ngày nay.
Frederick là con thứ năm trong 14 người con của ông bà Jean và Marie Ozanam, và là một trong ba người còn sống cho đến tuổi trưởng thành. Khi là thiếu niên, anh nghi ngờ tôn giáo của mình. Việc đọc sách thánh và cầu nguyện dường như không giúp ích gì, nhưng sau những lần thảo luận với Cha Noirot của Ðại Học Lyons đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề.
Frederick muốn học về văn chương, mặc dù cha anh, một bác sĩ, muốn anh trở thành một luật sư. Frederick vâng theo ý cha và năm 1831 anh đến Balê học luật tại đại học Sorbonne. Khi một vài giáo sư chế nhạo giáo huấn Công Giáo trong các bài giảng, Frederick lên tiếng bảo vệ Giáo Hội.
Một câu lạc bộ về biện luận do Frederick thành lập đã thay đổi hướng đi cuộc đời anh. Trong câu lạc bộ này, người Công Giáo, người vô thần và người chủ trương bất-khả-tri tranh luận về những vấn đề xảy ra hàng ngày. Có một lần, sau khi Frederick nói về vai trò của Kitô Giáo trong nền văn minh, một hội viên lên tiếng: "Này ông Ozanam, chúng ta hãy thành thật với nhau và hãy thiết thực. Tôi hỏi ông, ngoài việc thảo luận ông còn làm gì để chứng tỏ đức tin của ông?"
Frederick đau điếng bởi câu hỏi ấy. Sau đó anh quyết tâm rằng lời nói phải đi đôi với hành động. Và cùng với một người bạn, anh đến thăm những người nghèo ở chung cư Balê và giúp đỡ bất cứ gì họ có thể. Không bao lâu một nhóm người thiện chí nhằm giúp đỡ những ai có nhu cầu được thành lập dưới sự bảo trợ của tổ chức St. Vincent de Paul do Frederick đứng đầu.
Nghĩ rằng đức tin Công Giáo cần phải được một nhà thuyết giảng nổi tiếng giải thích các giáo huấn, Frederick nài nỉ Ðức Tổng Giám Mục Balê chỉ định Cha Lacordaire, nhà thuyết giảng đại tài của Pháp thời ấy, đến giảng trong Tuần Thánh ở Vương Cung Thánh Ðường Notre Dame. Người ta tham dự rất đông và từ đó trở đi đã trở thành một truyền thống hàng năm ở Balê.
Sau khi tốt nghiệp đại học Sorbonne, Frederick dạy luật tại Ðại Học Lyons. Ngài cũng đậu bằng tiến sĩ văn chương. Sau đó, vào ngày 23-6-1841, ngài kết hôn với Amelie Soulacroix, và trở về Sorbonne dạy văn chương. Là một giảng viên đáng kính nể, Frederick đã đem lại nhiều lợi ích cho sinh viên. Trong khi đó, tổ chức St. Vincent de Paul lan tràn khắp Âu Châu. Riêng ở Balê có tới 25 chi nhánh.
Vào năm 1846, Frederick, Amelie và cô con gái Marie đến nước Ý; ở đây Frederick hy vọng sẽ phục hồi sức khỏe yếu kém của mình. Và họ đã trở lại Ý vào năm sau đó. Cuộc cách mạng 1848 đã khiến nhiều người ở Balê cần đến sự giúp đỡ của tổ chức St. Vincent de Paul. Số người thất nghiệp lên đến 275,000. Chính phủ yêu cầu Frederick và các cộng tác viên của ngài trông coi tổ chức giúp đỡ người nghèo của chính phủ. Các hội viên St. Vincent de Paul ở khắp Âu Châu tuốn đến Balê để giúp đỡ.
Sau đó Frederick thành lập tờ báo, Thời Ðại Mới, để bảo vệ sự công chính cho người nghèo và giới lao động. Nhiều người Công Giáo không vui với những bài viết của Frederick. Cho rằng người nghèo là "tư tế của dân tộc," Frederick nói rằng sự đói khát và mồ hôi của người nghèo tạo thành một hy lễ có thể đền bù tội lỗi nhân loại.
Vào năm 1852, sức khỏe yếu kém buộc Frederick phải trở về Ý với vợ và cô con gái. Ngài từ trần ngày 8-9-1853. Trong tang lễ của Frederick, Cha Lacordaire mô tả ngài như "một trong những tạo vật được đặc ân trực tiếp xuất phát từ bàn tay Thiên Chúa, mà trong con người ấy Thiên Chúa đã nối kết sự nhạy cảm với kỳ tài để khích động thế giới."
Frederick được phong chân phước năm 1997. Vì ngài có viết một tuyệt tác nhan đề Thơ Thánh Phanxicô Trong Thế Kỷ 13, và vì cảm nhận của ngài về phẩm giá của người nghèo rất gần với tư tưởng của Thánh Phanxicô, nên thật thích hợp để coi ngài là một trong những "vĩ nhân" của dòng Phanxicô.
Lời Bàn
"Ai chế nhạo người nghèo là xúc phạm đến Thiên Chúa" (Cách Ngôn 17:5). Frederick Ozanam không bao giờ coi thường người nghèo trong bất cứ sự phục vụ nào mà ngài có thể thi hành. Ðối với ngài, mỗi một người, dù là đàn ông, đàn bà hay trẻ em đều thật đáng quý. Sự phục vụ người nghèo đã dạy cho Frederick những điều về Thiên Chúa mà ngài không thể tìm thấy ở bất cứ đâu khác.
Lời Trích
Giáo sư Bailly, giám đốc linh hướng cho chi nhánh đầu tiên của tổ chức St. Vincent de Paul, nói với Frederick và các cộng sự viên về đức ái, "Cũng như Thánh Vinh Sơn, các bạn cũng sẽ nhận ra rằng người nghèo giúp các bạn nhiều hơn là các bạn giúp họ."
8 Tháng Chín : Sinh Nhật Ðức Trinh Nữ Maria
Giáo Hội mừng kính ngày sinh nhật Ðức Maria từ thế kỷ thứ sáu. Ngày sinh nhật được chọn trong tháng Chín vì Giáo Hội Ðông Phương bắt đầu niên lịch phụng vụ từ tháng Chín. Ngày mùng tám là vì lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội là ngày 8 tháng Mười Hai (chín tháng trước).
Kinh Thánh không đề cập gì đến việc sinh hạ Ðức Maria. Tuy nhiên, bản văn mà người ta cho là phúc âm nguyên thủy của Thánh Giacôbê có đề cập đến sự kiện này. Bản văn này không có giá trị lịch sử, nhưng nó cho thấy quá trình sùng đạo của Kitô Hữu. Theo bản văn, bà Anna và ông Gioankim vì hiếm muộn nên cầu xin cho được một đứa con. Họ được hứa cho một người con mà trẻ này sẽ giúp hình thành kế hoạch cứu chuộc trần gian của Thiên Chúa. Câu truyện trên (cũng như nhiều câu truyện khác trong phúc âm) cho thấy sự hiện diện quan trọng của Thiên Chúa trong cuộc đời Ðức Maria ngay từ đầu.
Thánh Augustine nối kết việc sinh hạ của Ðức Maria với công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu. Thánh nhân nói trái đất hãy vui mừng và bừng sáng vì việc sinh hạ Ðức Maria. "Ngài là bông hoa trong cánh đồng mà từ đó đã nẩy sinh hoa huệ quý nhất vùng châu thổ. Qua sự sinh hạ của ngài, bản chất mà chúng ta thừa hưởng từ cha mẹ đã thay đổi."
Lời Bàn
Chúng ta có thể xem việc sinh hạ của mỗi một người là lời mời gọi đem hy vọng đến cho thế gian. Qua tình yêu, hai cha mẹ đã cộng tác với Thiên Chúa trong công việc sáng tạo. Họ có thể đem lại hy vọng cho một thế giới lao nhọc. Vì mỗi một đứa con đều có thể trở nên máng chuyển tình yêu và bình an của Thiên Chúa đến cho thế giới.
Ðiều này thật đúng với Ðức Maria. Nếu Ðức Giêsu là sự biểu lộ tuyệt đối của tình yêu Thiên Chúa thì Ðức Maria là điềm báo của tình yêu ấy. Nếu Ðức Giêsu đã hoàn tất công trình cứu chuộc thì Ðức Maria là bình minh hé mở của công trình ấy.
Việc mừng sinh nhật đem lại niềm vui cho chính cá nhân cũng như gia đình, bạn hữu. Ngoài việc giáng trần của Ðức Giêsu, việc sinh hạ Ðức Maria đã đem lại niềm vui lớn lao nhất cho nhân trần. Mỗi khi chúng ta cử mừng sinh nhật của ngài, chúng ta có thể hy vọng chắc chắn là sự bình an trong tâm hồn chúng ta và trong thế giới sẽ gia tăng.
Lời Trích
"Ngày hôm nay bà Anna hiếm muộn vỗ tay reo mừng, trái đất bừng sáng, các vua hát mừng, các tư tế hân hoan chúc lành, toàn thể vũ trụ vui mừng, vì ngài là hoàng hậu và là nàng dâu tinh khiết của Chúa Cha đã nẩy sinh từ gốc Jesse" (phỏng theo Kinh Nhật Tụng của Ðông Phương).
9 Tháng Chín : Thánh Phêrô Claver (1581-1654)
Là người gốc Tây Ban Nha, Phêrô Claver -- một người trẻ thuộc dòng Tên -- đã từ bỏ quê nhà vĩnh viễn vào năm 1610 để trở nên nhà truyền giáo ở Tân Thế Giới. Ngài đi thuyền đến Cartagena (bây giờ thuộc Colombia), là một hải cảng sầm uất ở bờ biển Caribbean. Ngài thụ phong linh mục ở đây vào năm 1615.
Vào lúc đó, việc buôn bán nô lệ đã được thịnh hành ở Mỹ Châu khoảng 100 năm, và Cartagena là trung tâm. Hàng năm, có đến mười ngàn người nô lệ từ Tây Phi Châu đổ về hải cảng này sau khi vượt biển Atlantic trong những điều kiện tệ hại và bất nhân đến nỗi có đến một phần ba đã chết trong cuộc hành trình. Mặc dù việc buôn bán nô lệ bị Ðức Giáo Hoàng Phaolô III lên án và sau này Ðức Piô IX gọi là "hành động vô cùng ghê tởm", nhưng nó vẫn phát đạt.
Cha Alfonso de Sandoval, là một linh mục dòng Tên đã hy sinh cuộc đời để phục vụ người nô lệ ở đây trước khi Cha Phêrô Claver đến để tiếp tục công việc của ngài, và cha tự nhận mình là "người nô lệ muôn đời của người da đen."
Ngay sau khi thuyền chở người nô lệ cập bến, Cha Phêrô Claver đi xuống khoang thuyền hôi hám để giúp đỡ những người đau yếu và những hành khách khốn cùng. Sau khi người nô lệ bị lùa ra khỏi tầu và bị xích với nhau như đàn vật trong một khu đất có hàng rào để người ta chọn lựa, Cha Claver lại lẩn quẩn trong bọn họ để cung cấp thuốc men, thực phẩm, rượu, chanh và thuốc lá. Với sự giúp đỡ của thông dịch viên, ngài nói về giáo lý căn bản và đảm bảo các anh chị em của ngài về nhân phẩm và tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Trong 40 năm phục vụ, Cha Claver đã giảng dạy và rửa tội cho khoảng 300,000 người nô lệ.
Sứ vụ tông đồ của ngài không chỉ hạn hẹp trong việc săn sóc người nô lệ, ngài trở nên một người có uy quyền về luân lý, quả thật, ngài là tông đồ của Cartagena. Ngài rao giảng trong trung tâm thành phố, truyền giáo cho các thủy thủ và thương gia, và nếu có thể, ngài cố tránh né lòng quý mến của các nông gia và chủ nhân mà chỉ muốn sống trong các khu dành riêng cho người nô lệ.
Sau bốn năm bị bệnh khiến thánh nhân ngừng hoạt động và hầu như bị lãng quên, ngài chết ngày 8-9-1654. Ông toà của thành phố, trước đây rất khó chịu vì sự quan tâm của ngài đối với người da đen thấp hèn, đã ra lệnh chôn cất ngài với công quỹ và với nghi thức long trọng.
Ngài được phong thánh năm 1888, và Ðức Giáo Hoàng Leo XIII tuyên xưng ngài là quan thầy công việc truyền giáo cho người nô lệ da đen ở khắp nơi trên thế giới.
Lời Bàn
Quyền năng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần đã thể hiện trong hành động đáng khâm phục của Cha Phêrô Claver. Quyết định từ bỏ quê nhà không bao giờ trở lại cho thấy một ý chí phi thường thật khó cho người thời nay tưởng tượng nổi. Quyết tâm phục vụ những người bị bạc đãi, thấp hèn nhất trong xã hội là một hành động cực kỳ anh hùng của Thánh Phêrô Claver. Khi so sánh cuộc đời chúng ta với cuộc đời của một người như vậy, chúng ta mới thấy sự ích kỷ và sự hẹp hòi của chúng ta trước những nhu cầu của người khác, và chúng ta cần mở lòng ra cho sự tác động của quyền năng vô cùng của Thần Khí Ðức Giêsu.
Lời Trích
Thánh Phêrô Claver hiểu rằng việc phục vụ cụ thể như phân phát thuốc men, thực phẩm cho anh chị em da đen thì cũng hữu hiệu để loan truyền lời Chúa như rao giảng bằng lời nói. Như Thánh Phêrô Claver thường nói, "Chúng ta phải nói với họ bằng đôi tay trước khi nói với họ bằng miệng lưỡi của chúng ta."
10 Tháng Chín : Thánh Tôma ở Villanova (1488-1555)
Thánh Tôma sinh ở Castile Tây Ban Nha, và tên Villanova là thành phố nơi ngài lớn lên. Ngài được giáo dục rất chu đáo ở Ðại Học Alcala và trở nên một giáo sư triết của đại học này.
Sau khi gia nhập dòng Augustine ở Salamanca ngài được thụ phong linh mục và tiếp tục dạy học, mặc dù ngài hay đãng trí và kém trí nhớ. Ngài làm tu viện trưởng và bề trên tỉnh dòng, và là người đầu tiên gửi các cha Augustine đến Tân Thế Giới. Ngài được hoàng đế đề nghị làm tổng giám mục ở Granada, nhưng ngài từ chối. Và khi tòa giám mục trống ngôi thì ngài lại bị áp lực phải chấp nhận. Số tiền ngài được hưởng để sắm sửa cho tòa giám mục thì ngài đã tặng cho một bệnh viện. Ngài giải thích "Khi dùng tiền cho người nghèo ở bệnh viện thì đó là việc phục vụ Chúa tốt đẹp hơn. Một tu sĩ khó nghèo như tôi thì muốn bàn ghế để làm gì?"
Ngài vẫn mặc các bộ quần áo từ khi còn là đệ tử sinh, mà chính tay ngài khâu vá lại. Các giáo sĩ và người trong dòng xấu hổ vì ngài, nhưng họ không thể thuyết phục ngài thay đổi. Mỗi sáng có đến vài trăm người nghèo đến nhà ngài để được ăn uống và được cho tiền. Khi người ta chỉ trích là ngài bị lợi dụng, ngài trả lời, "Nếu có những người không chịu làm việc thì đó là phần của chính phủ và cảnh sát phải đối phó. Nhiệm vụ của tôi là giúp đỡ và an ủi những người đến với tôi." Ngài nhận nuôi các trẻ mồ côi và ngài thưởng tiền cho những ai đem các trẻ về cho ngài. Ngài khuyến khích những người giầu có hãy bắt chước ngài để trở nên giầu lòng thương xót và bác ái hơn là giầu của cải trần gian.
Ngài thường bị chỉ trích là không khắt khe và không mau chóng trừng phạt những kẻ có tội, ngài nói, "Hãy để họ (người chỉ trích) tìm hiểu xem Thánh Augustine và Thánh Gioan Kim Khẩu có rút phép thông công hay ra vạ tuyệt thông để ngăn chặn những người say sưa và phạm thượng, là những người mà các ngài đang săn sóc không."
Khi ngài sắp chết, Thánh Tôma ra lệnh lấy tất cả tiền của ngài có mà phân phát cho người nghèo. Các vật dụng của ngài thì được tặng cho văn phòng hiệu trưởng trường cũ của ngài. Thánh Lễ được cử hành và sau khi Truyền Phép, ngài thở hơi cuối cùng với những lời: "Lạy Chúa, con phó linh hồn con trong tay Chúa."
Ngay khi còn sống Thánh Tôma Villanova đã được gọi là "người bố thí" và "cha của người nghèo." Ngài được phong thánh năm 1658.
Ngài được phong thánh năm 1831, và được tuyên xưng Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1871.
11 Tháng Chín : Thánh Cyprian
Thánh Cyprian góp phần quan trọng trong sự phát triển tư duy và tập tục Kitô Giáo trong thế kỷ thứ ba, nhất là ở bắc Phi Châu.
Là một người được giáo dục rất kỹ lưỡng và có tài hùng biện, ngài trở lại Kitô Giáo khi đã trưởng thành. Ngài phân phát tài sản cho người nghèo, và trước khi chịu Rửa Tội ngài đã làm mọi người kinh ngạc khi thề giữ đức khiết tịnh. Trong vòng hai năm ngài được thụ phong linh mục và được chọn làm Giám Mục Carthage (gần Tunis bây giờ), trái với ý của ngài.
Thánh Cyprian than phiền rằng sự ổn định mà Giáo Hội đang được hưởng đã làm suy nhược tinh thần của nhiều Kitô Hữu, và đã mở cửa cho những người trở lại đạo mà không thực sự có đức tin. Khi cuộc bắt đạo dưới thời hoàng đế Decian bắt đầu, nhiều Kitô Hữu đã bỏ Giáo Hội cách dễ dàng. Chính sự kiện tái nhập đạo (sau khi từ chối đức tin) đã khuấy động nhiều tranh luận trong thế kỷ thứ ba, và đã giúp Giáo Hội hiểu biết hơn về Bí Tích Hòa Giải. Novatus, một linh mục từng chống đối việc tuyển chọn Cyprian làm giám mục, đã tự tấn phong y làm giám mục khi Cyprian vắng mặt và tiếp nhận tất cả những người bội giáo mà không bắt đền tội theo giáo luật. Hiển nhiên Novatus bị lên án. Cyprian có lập trường trung dung, ngài chủ trương rằng những người đã thực sự thờ tà thần thì chỉ được rước Mình Thánh khi sắp chết, trong khi những ai chỉ mua giấy xác nhận rằng họ đã thờ tà thần thì có thể được tiếp nhận lại sau một thời gian đền tội. Tuy nhiên lập trường này đã được nới lỏng trong thời kỳ bắt đạo sau này.
Khi thành phố Carthage bị bệnh dịch, Ðức Cyprian khuyến khích người Kitô giúp đỡ mọi người khác, kể cả những kẻ thù nghịch và bắt đạo.
Là bạn thân của Ðức Giáo Hoàng Cornelius, Ðức Cyprian chống đối vị giáo hoàng kế tiếp là Stephen. Ðức Cyprian và các giám mục Phi Châu khác không công nhận giá trị của bí tích Rửa Tội do những người lạc giáo và ly giáo cử hành. Ðây không phải là quan điểm chung của Giáo Hội, nhưng Ðức Cyprian không nao núng ngay cả khi Ðức Giáo Hoàng Stephen dọa tuyệt thông.
Ngài bị lưu đầy bởi lệnh của hoàng đế và sau đó được gọi về để xét xử. Ngài từ chối không chịu rời thành phố, nhất quyết để người dân chứng kiến việc tử đạo của ngài.
Ðức Cyprian là một tổng hợp của sự nhân từ và can đảm, của hăng hái và điềm tĩnh. Ngài vui vẻ nhưng nghiêm nghị nên dân chúng không biết là nên quý mến hay tôn trọng ngài hơn. Ngài nóng nẩy trong cuộc tranh luận về bí tích rửa tội; nhưng ngài đã suy nghĩ lại, vì đó chính là lúc ngài viết luận thuyết về sự kiên nhẫn. Thánh Augustine nhận xét rằng Ðức Cyprian đã đền tội nóng nẩy của ngài bằng sự tử đạo.
Lời Bàn
Những tương tranh về bí tích Rửa Tội và Hòa Giải trong thế kỷ thứ ba cho chúng ta thấy Giáo Hội tiên khởi không có những giải pháp có sẵn xuất phát từ Chúa Thánh Thần. Các vị lãnh đạo và giáo dân thời ấy đã phải đau khổ tiến dần qua các giai đoạn phán đoán tốt nhất mà họ có thể thi hành, để theo sát lời giảng dạy của Ðức Kitô mà không bị thiên lệch bên này hay bên kia.
Lời Trích
"Bạn không thể coi Thiên Chúa như người Cha của bạn nếu bạn không coi Giáo Hội như người mẹ của bạn& Thiên Chúa là một và Ðức Kitô là một, và Giáo Hội của Người là một; chỉ có một đức tin, và mọi người gắn bó với nhau là một qua sự hài hòa trong một thân thể được kết hợp chắc chắn& Nếu chúng ta là người thừa kế của Ðức Kitô, hãy kết hợp trong sự bình an của Ðức Kitô; nếu chúng ta là con cái Thiên Chúa, hãy trở nên người yêu chuộng hòa bình" (Thánh Cyprian, Sự Hợp Nhất của Giáo Hội Công Giáo).
12 tháng Chín : LỄ THÁNH DANH ĐỨC MẸ
This feast is a counterpart to the Feast of the Holy Name of Jesus (January 3); both have the possibility of uniting people easily divided on other matters.
The feast of the Most Holy Name of Mary began in Spain in 1513 and in 1671 was extended to all of Spain and the Kingdom of Naples. In 1683, John Sobieski, king of Poland, brought an army to the outskirts of Vienna to stop the advance of Muslim armies loyal to Mohammed IV in Constantinople. After Sobieski entrusted himself to the Blessed Virgin Mary, he and his soldiers thoroughly defeated the Muslims. Pope Innocent XI extended this feast to the entire Church.
Comment:
Mary always points us to God, reminding us of God's infinite goodness. She helps us to open our hearts to God's ways, wherever those may lead us. Honored under the title “Queen of Peace,” Mary encourages us to cooperate with Jesus in building a peace based on justice, a peace that respects the fundamental human rights (including religious rights) of all peoples.
Quote:
“Lord our God, when your Son was dying on the altar of the cross, he gave us as our mother the one he had chosen to be his own mother, the Blessed Virgin Mary; grant that we who call upon the holy name of Mary, our mother, with confidence in her protection may receive strength and comfort in all our needs” (Marian Sacramentary, Mass for the Holy Name of the Blessed Virgin Mary).
-Thánh Pedro de Corpa và Các Bạn (k. 1597)
Năm vị tu sĩ này bị tử đạo ở Georgia vì họ chống đối chế độ đa thê trong hôn nhân Kitô Giáo.
Vào năm 1565 Tây Ban Nha thiết lập một vị trí phòng thủ và khu quân sự ở St. Augustine, Florida. Cha Pedro de Corpa từ Tây Ban Nha đến Florida năm 1587 và trong cùng năm đó người đi truyền giáo cho người Guale ở Georgia.
Cha Pedro làm việc ở Tolomato (gần Darien hiện nay) là nơi người giúp nhiều người Guale trở lại đạo và giúp vị tù trưởng điều hành ngôi làng Kitô Giáo này. Juanillo, con trai vị tù trưởng, sa vào đường đa thê và được khuyên nên từ bỏ. Hắn từ chối và công khai khước từ cũng như bị tước quyền kế vị cha mình. Juanillo bỏ đi, nhưng thực ra là để tìm cách trả thù các tu sĩ. Vài ngày sau đó họ giết Cha Pedro vào ngày 13-9-1597.
Cha Blas de Rodriguez từ Tây Ban Nha đến Florida năm 1580. Người là bề trên của năm vị tử đạo. Juanillo và đồng bọn đã giết Cha Blas vào ngày 16-9 tại làng Tupiqui (gần Eulonia bây giờ).
Cha Miguel de Anon đến Georgia năm 1595; Thầy Antonio de Badajoz cũng đến đây năm 1587. Họ cùng làm việc ở bán đảo St. Catherine khi Juanillo và đồng bọn đã giết các đấng vào ngày 17-9.
Cha Francisco de Berascola đến Geogia từ 1595 và thành lập “Misión Santo Domingo de Asao” trên đảo St. Simon. Người bị Juanillo giết vào ngày 18-9.
Vào năm 1605 công cuộc truyền giáo cho người Guale được tái lập. Họ lại tiếp tục phát triển cho đến khi thực dân Anh đến và tiêu diệt họ vào năm 1702.
Lời Bàn
Ðiều gì sẽ xảy ra nếu Cha Pedro de Corpa và các linh mục không dạy giáo huấn một vợ một chồng trong hôn nhân Kitô Giáo? Họ sẽ phản bội chính Phúc Âm mà vì đó họ đến rao giảng. Theo Chúa Giêsu luôn luôn dẫn đến những lựa chọn khó khăn mà cuối cùng là thập giá.
Lời Trích
Vào năm 1612 quan toàn quyền của St. Helen (gồm Florida và Cuba) phúc trình về vua Tây Ban Nha: “Mặc dù người thổ dân không giết các linh mục vì đức tin, chắc chắn họ bị giết vì luật của Thiên Chúa mà tôn giáo dạy họ. Ðây chính là lý do mà các thổ dân từ bỏ đạo cũ và vẫn còn tuyên xưng... Người ta được biết ở phần đất này, kể từ sau cái chết của những người thánh thiện, dân này (thổ dân Guale) dễ bảo và hiền hòa hơn.”
(Quan toàn quyền không rõ thế nào là tử đạo nên đã viết như trên. Quả thật, các đấng đã bị chết vì tín điều mà họ rao giảng)
13 Tháng Chín : Thánh Gioan Chrysostom
Sự mơ hồ và mưu đồ trong thời đại Thánh Gioan Kim Khẩu, vị thuyết giáo đại tài của Antioch, là đặc tính của bất cứ ai có địa vị sống ở thành phố lớn trong thời ấy. Ðược đưa đến Constantinople sau mười hai năm sống đời linh mục ở Syria, bỗng dưng Thánh Gioan thấy mình là nạn nhân bất đắc dĩ của vị hoàng đế mưu mô muốn đưa ngài làm giám mục của thành phố lớn nhất triều đình. Là một người khổ tu, không bệ vệ nhưng có phẩm cách, và bị đau bao tử vì những ngày sống trong hoang địa như một ẩn sĩ, Thánh Gioan bắt đầu chức giám mục dưới mây mù chính trị của triều đình.
Nếu thân xác ngài yếu đuối thì miệng lưỡi của ngài lại mạnh dạn. Nội dung các bài giảng của ngài, điều ngài dẫn giải về Kinh Thánh, không bao giờ sai vấn đề. Có khi những quan điểm ấy chọc giận giới quyền cao chức trọng. Có khi một số bài giảng kéo dài đến hai giờ đồng hồ.
Lối sống của ngài ở triều đình không được một số cận thần ưa thích. Ngài đề nghị một chỗ ngồi khiêm tốn cho các kẻ bợ đỡ hàng giáo phẩm đang chầu chực để được hưởng ơn mưa móc của triều đình và giáo hội. Thánh Gioan phàn nàn về nghi thức triều đình đã đưa ngài lên địa vị cao hơn các viên chức chính phủ. Ngài không phải là người muốn được ưu quyền.
Vì nhiệt huyết nên ngài hành động. Những giám mục hối lộ để được quyền cao chức trọng đều bị truất phế. Nhiều bài giảng của ngài kêu gọi những hành động thực tiễn để chia sẻ của cải cho người nghèo. Người giầu không thích thú gì khi nghe thánh nhân nói rằng, sở dĩ có của cải trần gian là vì Adong phạm tội, cũng như các ông không thích nghe ngài nói về sự trung tín trong hôn nhân của người chồng cũng giống như người vợ. Ðối với vấn đề công bình và bác ái, Thánh Gioan không bao giờ chấp nhận thái độ kỳ thị trong việc áp dụng.
Vì lối sống tách biệt, vì tính khí thẳng thắn, nhất là khi trên tòa giảng, Thánh Gioan chắc chắn là mục tiêu để nhiều người chỉ trích và hục hặc cá nhân. Ngài bị kết tội tham ăn uống một cách lén lút. Vì trung thành trong công việc linh hướng cho một quả phụ giầu có, là bà Olympia, ngài đã bị cho là giả hình trong vấn đề của cải và bác ái. Hành động của ngài chống với các giám mục bất xứng ở Tiểu Á bị các giáo sĩ khác coi là hám danh, lạm dụng quyền thế trái với quy tắc giáo luật.
Hai nhân vật nổi tiếng thời ấy đã đích thân làm mất uy tín Thánh Gioan là Theophilus, là Tổng Giám Mục Alexandria, và Hoàng Hậu Eudoxia. Theophilus sợ rằng địa vị của Ðức Giám Mục Constantinople ngày càng quan trọng nên đã nhân cơ hội kết án Thánh Gioan là dung dưỡng tà thuyết. Ðứng sau Theophilus và các giám mục không ưa gì Thánh Gioan là hoàng hậu Eudoxia. Bà bực tức với bài giảng của thánh nhân về sự tương phản giữa giá trị phúc âm và cuộc sống xa hoa của triều đình. Không biết vô tình hay cố ý, một số bài giảng của ngài đề cập đến Jezebel* đáng ghê tởm và Herodias** vô đạo như những đồng minh của bà hoàng hậu, là người sau cùng đã xoay xở để Thánh Gioan phải lưu đầy. Ngài chết trong cảnh đầy ải năm 407.
________________________________________
* Jezebel là một cái tên đã trở thành biểu tượng, đồng nghĩa với xảo trá và tội lỗi và thường để gán cho những phụ nữ dối trá một cách trơ trẽn.
** Herodias là người đã dùng nhan sắc để lấy người em rể có quyền thế là vua Hêrôđê Antipas. Herodias là người đã mưu mô để giết Thánh Gioan Tẩy Giả.
14 Tháng Chín : Sự Chiến Thắng của Thánh Giá
Vào đầu thế kỷ thứ tư, Thánh Helena, mẹ của Hoàng Ðế La Mã Constantine, đến Giêrusalem để tìm kiếm các nơi linh thiêng mà Ðức Kitô đã từng đặt chân đến. Thánh nữ san bằng Ðền Aphrodite (thần Hy Lạp) mà truyền thống cho rằng được xây trên phần mộ của Ðấng Cứu Thế, và sau đó Constantine đã xây Ðền Mộ Thánh lên trên. Trong cuộc đào xới, các công nhân tìm thấy ba thập giá. Truyền thuyết nói rằng một thập giá được coi là của Ðức Giêsu khi thập giá ấy chữa lành một phụ nữ đang hấp hối khi thập giá chạm vào bà.
Ngay sau đó, thập giá ấy trở nên mục tiêu cho sự sùng kính. Vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh ở Giêrusalem, theo lời một nhân chứng, thập giá được lấy ra khỏi hộp đựng bằng bạc, và được đặt trên bàn cùng với tấm bảng nhỏ có ghi hàng chữ mà Philatô đã ra lệnh treo trên đầu Ðức Giêsu. Sau đó "từng người một đến kính viếng; tất cả đều cúi đầu; trước hết họ dùng trán sau đó dùng mắt để chạm đến thập giá và tấm bảng; và sau khi hôn kính thập giá họ mới lui bước."
Cho đến ngày nay, các Giáo Hội Ðông Phương, Công Giáo cũng như Chính Thống Giáo đều cử hành ngày Tôn Kính Thánh Giá vào tháng Chín để kỷ niệm ngày cung hiến Ðền Mộ Thánh. Ngày lễ này được du nhập vào niên lịch Tây Phương trong thế kỷ thứ bảy sau khi Hoàng Ðế Heraclius khôi phục được thập giá này khỏi tay người Ba Tư mà họ đã chiếm đoạt vào năm 614, trước đó 15 năm. Theo một truyện kể, vị hoàng đế định tự mình vác thập giá ấy vào Giêrusalem, nhưng không thể nào tiến bước được cho đến khi ông cởi bỏ phẩm phục sang trọng vua chúa và trở nên một người nghèo hèn đi chân đất.
Lời Bàn
Ngày nay thập giá là biểu tượng chung cho đức tin Kitô Hữu. Biết bao thế hệ các nghệ nhân đã biến thập giá thành một sản phẩm nghệ thuật để rước hoặc mang trên người như đồ trang sức. Ðối với con mắt của các Kitô Hữu tiên khởi, thập giá không đẹp đẽ gì. Nó được dựng bên ngoài các cổng thành, trên đó có treo xác chết như đe dọa bất cứ ai không tuân lệnh nhà cầm quyền La Mã -- kể cả các lạc giáo không chịu thờ cúng các tà thần của người La Mã. Mặc dù các tín hữu đề cập đến thập giá như một khí cụ trong sự cứu chuộc, ít khi thập giá xuất hiện trong nghệ thuật Kitô Giáo cho đến sau khi Constantine ban bố sắc lệnh khoan dung.
Lời Trích
"Thập giá Ðức Kitô thật tráng lệ là dường nào! Nó đem lại sự sống chứ không phải cái chết; sự sáng chứ không phải tối tăm; thiên đàng chứ không phải sự mất mát. Ðó là mảnh gỗ mà trên đó Chúa Giêsu, như một chiến sĩ cao cả, bị thương tích nơi chân tay và cạnh sườn, nhưng nhờ đó đã chữa lành các thương tích của chúng ta. Cây trái cấm đã tiêu hủy chúng ta, bây giờ một cây khác đem lại sự sống cho chúng ta" (Theodore Studios)
15 Tháng Chín : Ðức Mẹ Sầu Bi
Trong một thời kỳ có đến hai ngày lễ để tôn kính sự Sầu Bi của Ðức Mẹ: một ngày lễ xuất phát từ thế kỷ thứ 15, ngày lễ kia từ thế kỷ thứ 17. Trong một thời gian cả hai ngày lễ đều được Giáo Hội hoàn vũ cử hành: một lễ vào ngày thứ Sáu trước Chúa Nhật Lễ Lá, một lễ trong tháng Chín.
Những dữ kiện chính yếu trong phúc âm đề cập đến sự sầu muộn của Ðức Mẹ là trong các đoạn của Thánh Luca 2:35 và Gioan 19:26-27. Ðoạn phúc âm theo Thánh Luca là lời tiên đoán của cụ Simeon về một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Ðức Maria; đoạn của Thánh Gioan nói về lời trăn trối của Ðức Kitô với Ðức Maria và người môn đệ yêu dấu.
Nhiều học giả thời Giáo Hội tiên khởi giải thích lưỡi gươm như sự sầu muộn của Ðức Maria, nhất là khi nhìn Ðức Giêsu chết trên thập giá. Do đó, hai đoạn này có liên hệ với nhau, như điều tiên đoán đã được thể hiện.
Ðặc biệt Thánh Ambrôsiô coi Ðức Maria như một hình ảnh sầu muộn nhưng đầy uy quyền ở chân thánh giá. Ðức Maria đứng đó một cách không sợ hãi, trong khi những người khác lẩn trốn. Ðức Maria nhìn đến các thương tích của Con mình với lòng thương cảm, nhưng qua đó ngài nhìn thấy sự cứu chuộc nhân loại. Khi Ðức Giêsu bị treo trên thập giá, Ðức Maria không sợ bị chung số phận nhưng sẵn sàng nộp mình cho kẻ bách hại.
Lời Bàn
Tường thuật của Thánh Gioan về cái chết của Ðức Giêsu có nhiều ý nghĩa biểu tượng. Khi Ðức Giêsu trao người môn đệ thân yêu cho Ðức Maria, chúng ta được mời gọi kính trọng vai trò Ðức Maria trong Giáo Hội: Ngài tượng trưng cho Giáo Hội; người môn đệ đại diện cho mọi tín hữu. Khi Ðức Maria làm mẹ Ðức Giêsu, ngài là mẹ của tất cả những ai theo Ðức Kitô. Hơn thế nữa, khi Ðức Giêsu chết, Thần Khí của Người thoát ra. Ðức Maria và Thần Khí ấy cộng tác với nhau để sinh ra con cái mới của Thiên Chúa--rất giống như sự tường thuật của Thánh Luca về việc thụ thai Ðức Giêsu. Kitô Hữu có thể tin tưởng rằng họ sẽ tiếp tục cảm nghiệm được sự hiện diện yêu thương của Ðức Maria và Thần Khí Ðức Giêsu trong cuộc đời mình và qua lịch sử.
Lời Trích
"Dù dưới chân thập giá ngài vẫn giữ địa vị của mình, đứng ở đó như một người mẹ thê lương chan hòa nước mắt, để được gần Ðức Giêsu cho đến hơi thở cuối cùng. Qua tấm lòng của người mẹ, sự đau buồn của Ðức Giêsu như được chia sẻ, cũng như mọi thống khổ cay đắng Người phải gánh chịu. Giờ đây, lưỡi gươm đã thâu qua." (Stabat Mater)
16 Tháng Chín : Thánh Cornelius
Sau khi Thánh Fabian tử vì đạo thì Giáo Hội thời bấy giờ không có giáo hoàng trong vòng 14 tháng, vì sự bách hại quá mãnh liệt. Trong thời gian ấy, Giáo Hội được điều hành bởi một tập thể linh mục. Cyprian, một người bạn của Cornelius, viết lại rằng Cornelius được chọn làm giáo hoàng "bởi quyết định của Thiên Chúa và của Ðức Kitô, bởi sự chứng thực của hầu hết mọi giáo sĩ, bởi lá phiếu của người dân, với sự đồng ý của các linh mục lớn tuổi và những người thiện chí."
Trong thời gian hai năm Thánh Cornelius làm giáo hoàng, vấn đề lớn nhất thời bấy giờ có liên quan đến Bí Tích Hòa Giải và nhất là vấn đề tái gia nhập Giáo Hội của các Kitô Hữu đã chối đạo trong thời kỳ bị bách hại. Cả hai thái cực đều bị lên án. Ðức Cyprian, giám mục của Phi Châu, yêu cầu đức giáo hoàng xác định lập trường mà Ðức Cyprian chủ trương, đó là người bội giáo chỉ có thể hoà giải bởi quyết định của vị giám mục (trái với thông lệ thật dễ dãi của Novatus).
Tuy nhiên, ở Rôma, Ðức Cornelius lại gặp một quan điểm đối nghịch khác. Sau cuộc bầu giáo hoàng, một linh mục tên Novatian (một trong những người điều hành Giáo Hội) tự mình tấn phong làm Giám Mục Rôma -- giáo hoàng đối lập đầu tiên. Novatian chủ trương rằng, không những người bội giáo, mà ngay cả những người phạm tội sát nhân, tội ngoại tình, tội gian dâm hay người tái hôn thì Giáo Hội cũng không có quyền tha tội! Ðức Cornelius được sự hỗ trợ của hầu hết mọi người trong Giáo Hội (nhất là Ðức GM Cyprian ở Phi Châu) để lên án chủ thuyết của Novatian, dù rằng giáo phái này kéo dài trong vài thế kỷ. Vào năm 251, Ðức Cornelius triệu tập thượng hội đồng ở Rôma và ra lệnh những người "sa ngã" được hòa giải với Giáo Hội qua "bí tích hoà giải" thông thường.
Một tài liệu từ thời Ðức Cornelius cho thấy sự phát triển của Giáo Hội Rôma trong giữa thế kỷ thứ ba mà lúc ấy gồm 46 linh mục, bảy phó tế, bảy trợ phó tế. Số Kitô Hữu được ước lượng khoảng 50,000 người.
Thánh Cornelius từ trần vì hậu quả của sự lưu đầy ở phần đất bây giờ là Civita Vecchia.
Lời Bàn
Thật đúng để nói rằng trong lịch sử Giáo Hội, có nhiều giáo thuyết lầm lạc được đưa ra vào một thời điểm nào đó. Thế kỷ thứ ba đối diện với một vấn đề mà ít khi chúng ta để ý đến -- một khi đã phạm tội trọng thì phải sám hối trước khi giao hoà với Giáo Hội. Những người như Thánh Cornelius và Thánh Cyprian là công cụ của Thiên Chúa để giúp Giáo Hội tìm ra con đường khôn ngoan giữa hai thái cực của sự nghiêm khắc và sự lỏng lẻo. Họ là những phần tử của một Giáo Hội truyền thống đầy sinh động, nhằm đảm bảo tính cách liên tục của những gì đã được Ðức Kitô khởi sự, và lượng giá những cảm nghiệm mới qua sự khôn ngoan và kinh nghiệm của những người đi trước.
Lời Trích
"Chỉ có một Thiên Chúa và một Ðức Kitô và một ngôi tòa giám mục, được xây dựng đầu tiên trên Thánh Phêrô bởi quyền năng Thiên Chúa. Do đó, không thể nào đặt ra một bàn thờ khác hay một tư tế khác. Bất cứ gì người ta thiết lập ra trong khi tức giận hay hấp tấp, bất chấp quy luật của Thiên Chúa, chỉ là một quy tắc giả mạo, trần tục và phạm thượng" (Thánh Cyprian, Sự Hiệp Nhất của Giáo Hội Công Giáo)
17 Tháng Chín : Thánh Robert Bellarmine (1542-1621)
Khi Robert Bellarmine thụ phong linh mục năm 1570, vấn đề học hỏi lịch sử Giáo Hội và các Giáo Phụ bị lãng quên một cách đáng buồn. Ngay từ thời thanh niên ở Tuscany, ngài đã có triển vọng là một học giả nổi tiếng, vì ngài dành nhiều thời giờ nghiên cứu về những đề tài nói trên, cũng như Kinh Thánh, để hệ thống hóa học thuyết Công Giáo nhằm đương đầu với các cuộc tấn công của Tin Lành. Ngài là linh mục dòng Tên đầu tiên làm giáo sư ở Louvain.
Công trình nổi tiếng nhất của ngài là bộ sách Tranh Luận về Những Mâu Thuẫn trong đức tin Kitô Giáo. Ðặc biệt nhất là các đoạn nói về thế quyền của đức giáo hoàng và vai trò của giáo dân. Ngài chọc tức cả nước Anh và nước Pháp khi chủ trương rằng thần quyền của các vua chúa không thể tồn tại. Ngài khai thác học thuyết về thẩm quyền gián tiếp của đức giáo hoàng trong các giao tế nhân sự; mặc dù ngài bảo vệ đức giáo hoàng chống với triết gia Barclay, ngài cũng bị Ðức Giáo Hoàng Sixtus V tức giận.
Bellarmine được Ðức Giáo Hoàng Clement VIII tấn phong hồng y là vì "ngài chưa được những gì xứng với tài học." Trong khi sống ở Vatican, Bellarmine không thua gì các nhà tu khổ hạnh. Ngài giới hạn các chi tiêu cá nhân tới mức tối đa chỉ còn những gì thật cần thiết, ngài ăn các thực phẩm dành cho người nghèo. Ðược biết là ngài đã chuộc một người lính bị sa thải khỏi quân đội, và dùng các màn cửa trong dinh cơ của ngài để may quần áo cho người nghèo, vì theo ngài nói, "Các vách tường không thể bị cảm lạnh được."
Một trong những công việc của ngài là trở nên thần học gia của Ðức Giáo Hoàng Clement VIII, và chuẩn bị hai bộ giáo lý có ảnh hưởng rất lớn trong Giáo Hội.
Sự khó khăn sau cùng lớn nhất trong đời Bellarmine là năm 1616 khi ngài phải khiển trách người bạn của ngài là Galileo, người mà ngài rất khâm phục. Bellarmine đại diện cho Tòa Thánh chuyển trao văn thư cảnh cáo, mà trong đó quyết định rằng lý thuyết về thái dương hệ của Galileo thì trái với Phúc Âm. Sự khiển trách chung quy là một lời cảnh cáo đừng đề cao các lý thuyết chưa được hoàn toàn chứng minh -- khác với giả thuyết. Ðây là một thí dụ điển hình cho thấy các thánh vẫn có thể sai lầm.
Bellarmine từ trần ngày 17-9-1621. Tiến trình phong thánh cho ngài được bắt đầu năm 1627 nhưng bị đình hoãn cho đến năm 1930 vì lý do chính trị, phát xuất từ các văn bản của ngài. Vào năm 1931, Ðức Giáo Hoàng Piô XI tuyên xưng ngài là Tiến Sĩ Hội Thánh.
Lời Bàn
Sự canh tân Giáo Hội mà Công Ðồng Vatican II theo đuổi thì thật khó cho nhiều người Công Giáo. Trong sự thay đổi, nhiều người cảm thấy thiếu xót một hướng dẫn vững chắc từ giới có thẩm quyền. Họ mong muốn có những lý luận chính truyền vững như bàn thạch, và một mệnh lệnh cứng cỏi có xác định thẩm quyền hẳn hoi.
Trong văn kiện Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, Công Ðồng Vatican II đảm bảo chúng ta rằng, "Có nhiều thực thể không thay đổi và có nền tảng thực sự từ Ðức Kitô, Ðấng hôm qua cũng như hôm nay, và mãi mãi."
Thánh Robert Bellarmine đã hy sinh cuộc đời để nghiên cứu Kinh Thánh và học thuyết Công Giáo. Các văn bản của ngài giúp chúng ta hiểu rằng, không chỉ có nội dung đức tin là quan trọng, mà còn chính con người sống động của Ðức Giêsu Kitô--như được biểu lộ qua sự sống, sự chết và sự sống lại của Người--đó là nguồn gốc của ơn cứu độ.
Nguồn gốc thực sự của đức tin không chỉ là mớ lý thuyết nhưng đúng hơn là con người của Ðức Kitô hiện đang sống động trong Giáo Hội ngày nay.
Khi từ giã các tông đồ, Chúa Giêsu đảm bảo với họ về sự hiện diện sống động của Người: "Khi Thần Khí của chân lý đến, Ngài sẽ dẫn dắt anh em đến chân lý toàn vẹn" (x. Gioan 16:30).
Lời Trích
"Chia sẻ mối quan tâm với tất cả giáo hội, các giám mục hành xử quyền bính của mình, mà họ đã lãnh nhận qua lễ tấn phong, trong sự hiệp thông với Ðức Giáo Hoàng Tối Cao và dưới quyền của người. Tất cả kết hợp thành một tập thể hay thân thể để giảng dạy về Giáo Hội hoàn vũ của Thiên Chúa và để điều hành giáo hội như các mục tử" (Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ của Các Giám Mục, 3).
96. Emmanuel Nguyễn Văn TRIỆU,
sinh năm 1756 tại Thợ Ðúc, Phú Xuân, Huế, Linh Mục, xử trảm ngày 17-9-1798 tại Bãi Dâu dưới đời vua Cảnh Thịnh, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 17-9.
18 Tháng Chín : Thánh Giuse Cupertino (1603-1663)
Thánh Giuse Cupertino là người nổi tiếng bay bổng khi cầu nguyện
Ngay từ lúc nhỏ, Giuse đã ưa thích cầu nguyện. Sau một thời gian sống với các tu sĩ dòng Capuchin, ngài gia nhập dòng Conventual (một nhánh của dòng Phanxicô). Sau một thời gian ngắn trông coi lừa cho nhà dòng, Giuse được đi học để làm linh mục. Mặc dù việc học đối với ngài thật khó khăn, nhưng Giuse đã hiểu biết nhiều qua sự cầu nguyện. Ngài được thụ phong linh mục năm 1628.
Việc bay bổng khi cầu nguyện của Thánh Giuse đôi khi là thập giá cho ngài, vì nhiều người đến xem như đi xem xiệc. Tuy được ơn sủng đặc biệt này nhưng ngài thật khiêm tốn, kiên nhẫn và vâng phục, dù có nhiều khi bị thử thách nặng nề và cảm thấy như bị Thiên Chúa bỏ quên. Suốt cuộc đời, ngài ăn chay và đeo một giây xích sắt trong người.
Nhà dòng thuyên chuyển thánh nhân đến nhiều nơi vì ích lợi cho ngài cũng như cho toàn thể cộng đoàn. Ngài bị báo cáo lên Tòa Thẩm Tra và bị điều tra, nhưng cơ quan này không kết tội ngài.
Thánh Giuse Cupertino được phong thánh năm 1767. Trong cuộc điều tra để lập hồ sơ phong thánh, người ta ghi nhận có đến 70 lần ngài bay bổng.
Lời Bàn
Trong khi việc bay bổng là dấu hiệu bất thường của sự thánh thiện, Thánh Giuse cũng được người đời nhớ đến qua những dấu chỉ bình thường của ngài. Ngài cầu nguyện khi tâm hồn tăm tối, và ngài sống theo Tám Mối Phúc Thật. Ngài dùng "vật sở hữu độc đáo" là ý chí tự do của ngài để ca ngợi Thiên Chúa và phục vụ các tạo vật của Người.
Lời Trích
"Hiển nhiên điều mà Thiên Chúa mong muốn trên tất cả mọi sự là ý chí mà chúng ta được tự do lãnh nhận qua sự tạo dựng của Thiên Chúa, và chiếm hữu như của riêng mình. Khi một người tự rèn luyện sống theo các nhân đức, và đạt được điều đó là nhờ sự trợ giúp của Thiên Chúa, Ðấng phát sinh mọi điều thiện hảo. Ý chí là điều mà con người có được như một vật sở hữu độc đáo" (Thánh Giuse Cupertino, trích từ bài đọc ngày lễ kính trong sách nhật tụng của dòng Phanxicô).
sinh năm 1792 tại Ngoại Bồi, Nam Ðịnh, Linh Mục, Dòng Ða Minh, xử trảm ngày 18-9-1840 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng,phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 18-9.
19 Tháng Chín : Thánh Januarius
Ngài là giám mục và tử đạo, có khi còn được gọi là Gennaro, ngài nổi tiếng từ lâu vì máu của ngài hóa lỏng vào ngày lễ kính. Januarius là giám mục của Benevento, nước Ý, bị chặt đầu cùng với phó tế Festus; thầy đọc sách Desiderius; các phó tế Sosius và Proculus; và hai giáo dân, Eutyches và Acutius. Tất cả đều bị bắt khi đến thăm Sossus, là phó tế và đang bị tù ở Pozzuoli. Sau khi bị bắt, họ bị quăng vào đấu trường để gấu xé xác nhưng chúng không làm hại các ngài, bởi đó họ bị chém đầu.
Không ai có thể giải thích được sự kiện máu thánh nhân hóa lỏng xảy ra hàng năm khi ngày lễ này được cử mừng qua bao thế kỷ, và đã có từ bốn trăm năm nay.
Lời Bàn
Học thuyết Công Giáo xác định rằng phép lạ có thể xảy ra và có thể được công nhận -- thật không khó đối với những ai tin vào Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự khó khăn là khi chúng ta phải quyết định xem sự kiện ấy hoặc không thể giải thích theo nghĩa tự nhiên, hoặc không giải thích được. Chúng ta phải cố gắng tránh sự nhẹ dạ, là dấu chỉ của sự bấp bênh. Trái lại, khi các khoa học gia thích nói về "tính xác suất" hơn là "luật" tự nhiên, thì cũng không có gì quá đáng khi nghĩ rằng Thiên Chúa rất "khoa học" để làm những điều kỳ diệu nhằm thức tỉnh chúng ta với những phép lạ hàng ngày qua chim muông, hoa cỏ hay mưa tuyết.
Lời Trích
"Một khối lượng mầu đen chiếm nửa bình thủy tinh nhỏ được đậy kín, và được cất giữ trong một hộp đựng ở vương cung thánh đường Naples là máu của Thánh Januarius, đã hóa lỏng 18 lần trong năm... Hiện tượng này đã có từ thế kỷ 14... Truyền thuyết nói rằng Eusebia, là người đã cất giữ máu thánh nhân sau khi ngài bị tử đạo... Khi máu hóa lỏng, người ta đưa hộp thánh tích tới gần bàn thờ, là nơi được tin rằng đang chôn cất đầu của thánh nhân. Trong khi tín hữu cầu nguyện, thường rất huyên náo, vị linh mục xoay chiếc hộp vài lần trước sự chứng kiến của giáo đoàn cho đến khi máu hóa lỏng... Một vài cuộc thử nghiệm đã được thi hành, nhưng không thể giải thích hiện tượng này bằng luật tự nhiên. Tuy nhiên, cũng có những phép lạ tương tự với máu của các Thánh Gioan Tẩy Giả, Stephen, Pantaleon, Patricia, Nicholas Tolentino và Thánh Aloysius Gonzaga -- hầu hết trong vùng lân cận của Naples" (Sách Bách Khoa Công Giáo)
20 Tháng Chín : Thánh Anrê Kim Taegon, Phaolô Chong Hasang và Các Bạn
Anrê Kim Taegon là linh mục Ðại Hàn đầu tiên và là con của một người trở lại đạo. Cha của ngài, ông Ignatius Kim, được tử đạo trong thời cấm đạo năm 1839 và được phong thánh năm 1925. Sau khi được rửa tội vào lúc 15 tuổi, Anrê phải trải qua một hành trình dài 1,300 dặm để gia nhập chủng viện ở Macao, Trung Cộng. Sáu năm sau, ngài xoay sở để trở về quê hương qua ngả Mãn Châu. Cùng năm ấy ngài vượt qua eo biển Hoàng Sa đến Thượng Hải và thụ phong linh mục. Khi trở về quê, ngài có nhiệm vụ thu xếp cho các vị thừa sai vào Ðại Hàn qua ngã đường biển, nhằm tránh né sự kiểm soát biên phòng. Ngài bị bắt, bị tra tấn và sau cùng bị chặt đầu ở sông Han gần thủ đô Hán Thành.
Thánh Phaolô Chong Hasang là một chủng sinh, 45 tuổi.
Kitô Giáo được du nhập vào Ðại Hàn khi Nhật xâm lăng quốc gia này vào năm 1592, lúc ấy có một số người Ðại Hàn được rửa tội, có lẽ bởi các binh sĩ Công Giáo người Nhật. Việc truyền giáo rất khó khăn vì Ðại Hàn chủ trương bế quan tỏa cảng, ngoại trừ những hành trình đến Bắc Kinh để trả thuế. Một trong những chuyến đi này, khoảng năm 1777, sách vở tài liệu Công Giáo của các cha dòng Tên ở Trung Cộng được lén lút đem về để dạy bảo người tín hữu Kitô Ðại Hàn. Giáo Hội tại gia bắt đầu thành hình. Khoảng mười năm sau đó, khi một linh mục Trung Hoa lén lút đến Ðại Hàn, ngài thấy có đến 4,000 người Công Giáo mà chưa có ai được gặp một vị linh mục. Bảy năm sau, số người Công Giáo ấy lên đến khoảng 10,000 người. Sau cùng, tự do tôn giáo được ban hành vào năm 1883.
Khi Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến Nam Hàn năm 1984 để phong thánh, ngoài Thánh Anrê và Phaolô, còn 98 người Ðại Hàn và ba vị thừa sai người Pháp, tất cả đều tử đạo trong khoảng 1839 và 1867. Trong số đó có các giám mục và linh mục, nhưng hầu hết là giáo dân: 47 phụ nữ, 45 quý ông.
Trong những người tử đạo năm 1839 là Columba Kim, một phụ nữ 26 tuổi. Ngài bị cầm tù, bị tra tấn bằng vật dụng bằng sắt nung nóng và than. Ngài và người em là Agnes bị lột quần áo và bị giam chung với những tù nhân hình sự, nhưng họ không bị làm nhục. Sau khi Columba phàn nàn về sự sỉ nhục này, từ đó về sau không một phụ nữ nào bị nhục nhã như vậy nữa. Hai người bị chém đầu. Một em trai 13 tuổi, Phêrô Ryou, bị tra tấn dã man đến độ em có thể lấy da thịt của mình mà ném vào quan toà. Em bị xiết cổ cho đến chết. Protase Chong, một người quý tộc 41 tuổi, sau khi bị tra tấn ông đã chối đạo và được thả tự do. Sau đó, ông trở lại, tuyên xưng đức tin và bị tra tấn cho đến chết.
Lời Bàn
Chúng ta bàng hoàng khi thấy sau khi được thành lập, Giáo Hội Ðại Hàn hoàn toàn là một Giáo Hội của giáo dân khoảng hơn một chục năm. Làm thế nào mà giáo hội ấy sống còn khi không có bí tích Thánh Thể? Ðiều này cho thấy, không phải các bí tích không có giá trị, nhưng phải có một đức tin sống động trước khi thực sự được hưởng ơn ích của bí tích Thánh Thể. Bí tích là dấu chỉ của sự hoạt động và đáp ứng của Thiên Chúa đối với đức tin sẵn có. Bí tích làm gia tăng ơn sủng và đức tin, nhưng chỉ khi nào sẵn có một điều gì đó để được gia tăng.
Lời Trích
"Giáo Hội Ðại Hàn thì độc đáo vì được thành lập hoàn toàn bởi giáo dân. Giáo Hội còn non yếu, thật trẻ trung nhưng thật vững mạnh trong đức tin, và đã đứng vững sau những đợt sóng bách hại mãnh liệt. Do đó, chỉ trong vòng một thế kỷ, Giáo Hội đã kiêu hãnh với 10,000 vị tử đạo. Cái chết của các vị tử đạo này trở thành men cho Giáo Hội và đưa đến sự triển nở huy hoàng của Giáo Hội Ðại Hàn ngày nay. Ngay cả bây giờ, tinh thần bất khuất ấy vẫn còn trợ giúp cho người tín hữu của Giáo Hội thầm lặng ở miền bắc bên kia vĩ tuyến" (ÐGH Gioan Phaolô II, bài giảng trong lễ phong thánh).
sinh năm 1809 tại Loudun, Poitiers, Pháp, Linh Mục, Hội Thừa Sai Paris, xử lăng trì ngày 20-9-1837 tại Sơn Tây dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 20-9.
21 Tháng Chín : Thánh Mátthêu
Mátthêu là người Do Thái làm việc cho đạo quân xâm lăng La Mã, thu thuế của những người đồng hương Do Thái. Mặc dù người La Mã có lẽ không cho phép moi tiền của người chịu thuế một cách quá đáng, nhưng điều họ quan tâm vẫn là hầu bao của mình nên họ thường làm ngơ về những hành động của "người thầu thuế". Do đó sau này, những người thu thuế thường bị khinh miệt như người phản bội dân Do Thái. Người Pharisiêu coi họ là hạng "tội lỗi." Bởi thế, thật bàng hoàng khi Ðức Kitô gọi một người như vậy để trở nên môn đệ của Người.
Mátthêu lại làm Ðức Kitô thêm khó khăn khi tổ chức một bữa tiệc tiễn biệt tại nhà của ông. Phúc Âm kể cho chúng ta biết "nhiều người thu thuế" và "những người nổi tiếng tội lỗi" đã đến dự tiệc. Người Pharisiêu lại càng thêm khó chịu. Một người được cho là vị thầy vĩ đại lại có liên hệ gì với hạng người vô luân đó? Câu trả lời của Ðức Kitô là, "Người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu. Hãy tìm hiểu ý nghĩa của câu, 'Ta muốn lòng thương xót, chứ không phải của lễ.' Tôi không đến để kêu gọi người công chính, nhưng là người tội lỗi" (Mt. 9:12b-13). Ðức Kitô không gạt vấn đề thờ phượng và nghi lễ sang một bên; Người chỉ nói rằng việc yêu thương tha nhân thì quan trọng hơn.
Trong Tân Ước không còn đoạn nào nói về Mátthêu.
Lời Bàn
Trong hoàn cảnh bất thường, Ðức Kitô đã chọn một trong những người làm nền tảng cho Giáo Hội, mà qua công việc làm của ông, những người khác nghĩ rằng ông không đủ thánh thiện với chức vụ đó. Nhưng ông đã thành thật thú nhận mình là một người tội lỗi mà Ðức Kitô đã đến để kêu mời. Ông đã thật tình nhận biết chân lý khi ông nhìn thấy Người. "Và ông đã đứng dậy đi theo Người" (Mt. 9:9b).
Lời Trích
Chúng ta mường tượng ra Thánh Mátthêu, sau biến cố kinh khủng bao quanh cái chết của Ðức Kitô, cùng với các tông đồ đi đến nơi mà Ðức Kitô Phục Sinh đã triệu tập họ. "Khi họ trông thấy Người, họ đã thờ lậy, nhưng vẫn hồ nghi. Và Ðức Kitô đến gần và nói với họ [chúng ta nghĩ Ðức Kitô sẽ nhìn đến từng người, và Mátthêu lắng nghe một cách phấn khởi như các tông đồ khác], 'Mọi quyền năng trên trời và dưới đất đã được ban cho Thầy. Bởi thế, hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, hãy rửa tội cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần, hãy dạy bảo họ tuân giữ những gì mà Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy sẽ luôn ở với anh em, cho đến tận thế" (Mt. 28:17-20).
Thánh Mátthêu không bao giờ quên được ngày ấy. Ngài đã loan truyền Tin Mừng trong suốt cuộc đời. Ðức tin của chúng ta dựa vào chứng tá của ngài và các tông đồ.
sinh năm 1799 tại Onnion, Annecy, Pháp, Linh Mục, Hội Thừa Sai Paris, xử giảo ngày 21-9-1838 tại Nhan Biều dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 21-9.
sinh năm 1820 tại Trung Quán, Quảng Bình, Chủng Sinh, xử giảo ngày 21-9-1838 tại Nhan Biều dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 21-9.
22 Tháng Chín : Thánh Lorenzo Ruiz và Các Bạn (1600?-1637)
Lorenzo sinh trưởng ở Manila và bố là người Trung Hoa, mẹ là người Phi Luật Tân, cả hai đều là Kitô Hữu. Bởi thế ngài biết tiếng Tầu và tiếng Tagalog từ bố mẹ, và ngài còn biết tiếng Tây Ban Nha từ các cha Ða Minh mà ngài thường giúp lễ và dọn lễ cho các cha. Ngài sống về nghề chuyên môn viết chữ đẹp (calligrapher), biên chép lại các tài liệu trong một dạng tự tuyệt vời. Ngài là hội viên trung kiên của Hội Ái Hữu Mai Khôi dưới sự bảo trợ của các cha Ða Minh. Ngài lập gia đình và được hai trai một gái.
Cuộc đời Lorenzo thay đổi bất ngờ khi ngài bị kết tội sát nhân. Chúng ta không được biết gì hơn ngoài lời kể của hai cha Ða Minh là "Lorenzo bị nhà cầm quyền lùng bắt vì tội giết người mà ngài có mặt tại hiện trường hoặc họ ghép tội cho ngài."
Vào lúc đó, ba linh mục Ða Minh, Antonio Gonzalez, Guillermo Courtet và Miguel de Aozaraza, chuẩn bị dong buồm sang Nhật mặc dù ở đó đang bắt đạo dữ dội. Cùng đi với họ có một linh mục Nhật Bản, Vicente Shiwozuka de la Cruz, và một giáo dân tên Lazaro, bị phong cùi. Lorenzo, đang lẩn tránh nhà cầm quyền nên muốn được nhập bọn, và mãi cho đến khi ra tới biển thì Lorenzo mới biết là họ sang Nhật.
Họ đổ bộ ở Okinawa. Lorenzo có thể tiếp tục đến Formosa, nhưng, ngài viết, "Tôi quyết định ở lại với các cha, vì nếu đến đó người Tây Ban Nha sẽ treo cổ tôi." Họ ở Nhật không được bao lâu thì bị lộ tẩy, bị bắt và bị giải đến Nagasaki. Ðây là một nơi mà máu người Công Giáo đã chảy thành sông. Khoảng 50,000 người Công Giáo sống ở đây đã bị phân tán hay bị chết vì đạo.
Các linh mục thừa sai, cũng như Lazaro và Lorenzo bị tra tấn một cách dã man: sau khi bị đổ nước vào cổ họng, họ được đặt nằm ngửa trên mặt đất. Một tấm ván dài được đặt trên bụng nạn nhân, và các tên lính đạp lên tấm ván để nước ứa ra từ miệng, mũi và tai nạn nhân.
Vị bề trên của họ, Cha Antonio, đã chết trong cùng ngày. Vị linh mục người Nhật và Lazaro vì khiếp sợ khi bị tra tấn bằng tăm tre đâm vào đầu ngón tay, nên đã chối đạo. Nhưng cả hai đã lấy lại cản đảm khi được các bạn khuyến khích.
Khi đến phiên Lorenzo bị tra tấn, ngài hỏi người thông dịch, "Tôi muốn biết nếu bỏ đạo, họ có cho tôi sống không." Người thông dịch không hứa hẹn gì, và Lorenzo, trong những giờ sau đó đã cảm thấy đức tin mạnh mẽ hơn. Ngài trở nên dũng cảm, ngay cả gan dạ với các lý hình.
Cả năm người bi giết chết bằng cách treo ngược đầu trong một cái hố. Chung quanh bụng của họ bị đeo bàn gông và đá được chất lên các bàn gông để gia tăng sức ép. Họ bị trói chặt để máu luân chuyển chậm hơn và như thế cái chết sẽ kéo dài hơn. Họ bị treo như thế trong ba ngày. Vào lúc đó, Lorenzo và Lazaro đã chết. Ba vị linh mục Ða Minh vẫn còn sống, nên bị chặt đầu.
Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh cho sáu vị này và 10 người khác, là những người Á Châu và Âu Châu, nam cũng như nữ, là những người đã loan truyền đức tin ở Phi Luật Tân, Formosa và Nhật. Thánh Lorenzo Ruiz là người Phi Luật Tân đầu tiên tử đạo.
Lời Bàn
Là những Kitô Hữu ngày nay, chúng ta tự hỏi không biết làm thế nào để đứng vững trong hoàn cảnh như các vị tử đạo phải đối diện? Chúng ta thông cảm với hai vị đã có lần từ chối đức tin. Chúng ta hiểu giây phút thử thách hãi hùng của Lorenzo. Nhưng chúng ta cũng thấy sự can đảm--không thể giải thích bằng ngôn ngữ loài người--xuất phát từ kho tàng đức tin của họ. Sự tử đạo, giống như đời sống, là một phép lạ của ơn sủng.
Lời Trích
Quan án: "Nếu tao cho mày sống, mày có từ bỏ đức tin không?"
Lorenzo: "Tôi không bao giờ làm điều đó, vì tôi là một Kitô Hữu, và tôi sẽ chết cho Thiên Chúa, và nếu tôi có cả ngàn mạng sống tôi cũng sẽ dâng lên cho Thiên Chúa. Bởi thế, ông muốn làm gì thì làm."
23 Tháng Chín : Thánh Padre Piô (1887-1968)
Thánh Padre Piô tên thật là Francesco Forgione, thuộc một gia đình nông dân ở Pietrelcina, miền nam nước Ý. Ðã hai lần, cha của Francesco phải xa nhà, đi làm việc ở Jamaica, Nữu Ước để nuôi gia đình.
Khi được 15 tuổi, Francesco gia nhập dòng Capuchin và lấy tên Piô. Ngài được thụ phong linh mục năm 1910 và bị động viên trong Thế Chiến I. Sau khi bác sĩ thấy ngài bị ho lao, họ đã cho ngài giải ngũ. Vào năm 1917, ngài được bài sai đến làm việc ở tu viện San Giovanni Rotondo, cách thành phố Bari 75 dặm.
Vào ngày 20-9-1918, trong lúc cầu nguyện cảm tạ sau Thánh Lễ, Cha Piô được nhìn thấy Chúa Giêsu. Khi thị kiến ấy chấm dứt, ngài được in các dấu thánh ở tay, chân và cạnh sườn.
Sau biến cố ấy, cuộc đời ngài phức tạp hơn. Các bác sĩ y khoa, các giới chức của Giáo Hội và những người tò mò đến xem Cha Piô. Trong năm 1924 và một lần nữa vào năm 1931, vấn đề dấu thánh được đặt ra; Cha Piô không được phép cử hành Thánh Lễ nơi công cộng hay được giải tội. Ngài không than trách về sự cấm cách này, mà sau đó đã được bãi bỏ. Tuy nhiên, sau năm 1924 ngài không còn viết gì thêm nữa. Những tư liệu của ngài về sự thống khổ của Chúa Giêsu đều được viết trước năm 1924.
Sau khi được in dấu thánh, Cha Piô ít khi rời tu viện, nhưng biết bao người đã đến thăm ngài. Mỗi buổi sáng, sau Thánh Lễ 5 giờ đầy nghẹt người, ngài nghe xưng tội cho đến trưa. Ngài dùng thời gian nghỉ trưa để chúc lành cho người đau yếu và tất cả những ai đến gặp ngài. Sau đó ngài lại tiếp tục giải tội. Vào lúc ấy, việc giải tội của ngài thường kéo dài 10 tiếng một ngày; người muốn xưng tội phải lấy số chờ đợi. Nhiều người nói rằng Cha Piô biết rõ các chi tiết cuộc đời của họ mà chưa bao giờ họ tiết lộ.
Cha Piô nhìn thấy Chúa Giêsu trong tất cả sự bệnh hoạn và đau khổ. Theo sự đốc thúc của ngài, một bệnh viện xinh xắn được xây trên rặng Gargano gần đó. Ý tưởng xây cất bệnh viện được phát khởi vào năm 1940; một ủy ban gây quỹ được thành lập. Năm 1946, lễ vỡ đất được bắt đầu. Việc xây cất bệnh viện rất khó khăn về kỹ thuật vì khó kiếm được nước và phương tiện chuyên chở vật liệu xây cất. Sau cùng, "Nhà Chữa Trị Người Ðau Khổ" được hình thành với 350 giường bệnh.
Nhiều người tin rằng họ được chữa lành qua sự can thiệp của Cha Piô. Những ai được dự Thánh Lễ của ngài đều cảm thấy sốt sắng; còn những người tò mò thì rất xúc động. Như Thánh Phanxicô, đôi khi áo dòng của Cha Piô cũng bị người ta cắt xén để làm kỷ niệm.
Một trong những sự đau khổ của Cha Piô là vài lần những người thiếu đạo đức rêu rao những điều tiên tri mà họ gán cho là của ngài. Ngài không bao giờ nói tiên tri về các biến cố trên thế giới, và không bao giờ cho ý kiến về các vấn đề mà ngài cảm thấy thuộc về sự quyết định của các giới chức trong Giáo Hội. Ngài từ trần ngày 23-9-1968, và được phong thánh năm 2002.
Lời Bàn
Hơn bất cứ ai khác, có lẽ người Hoa Kỳ ngày nay rất thích những cuốn sách chỉ dẫn, cũng những chương trình truyền thanh, các bài báo có tính cách chỉ bảo. Chúng ta say mê với tiến bộ kỹ thuật và không ngừng tìm kiếm các lối tắt để tiết kiệm thời giờ và sức lực. Nhưng như Thánh Phanxicô và Cha Piô biết rất rõ, không có con đường nào ngắn hơn khi sống theo Phúc Âm, không có cách nào tránh được những "giáo huấn khó khăn" của Chúa Giêsu (x. Gioan 6:60). Rao giảng về Kitô Giáo mà không có sự hy sinh cá nhân, không có thập giá, thì cũng không khác gì người mãi võ sơn đông quảng cáo bán thuốc trị bá bệnh. Cha Piô coi sự đau khổ của ngài như đáp ứng với lời kêu gọi sống phúc âm.
Lời Trích
"Cuộc đời Kitô Hữu không gì khác hơn là cuộc chiến đấu dai dẳng với chính mình; không có sự thăng hoa của linh hồn để đạt đến sự tuyệt hảo mỹ miều nếu không phải trả giá sự đau khổ" (Lời của Cha Piô).
24 Tháng Chín : Thánh Pacifio ở San Severino (1653 -- 1721)
Pacifico sinh trưởng trong một gia đình đặc biệt ở San Severino trong vùng Ancona thuộc miền trung nước Ý. Sau khi gia nhập dòng Tiểu Ðệ, ngài được thụ phong linh mục. Ngài dạy triết học trong hai năm và sau đó bắt đầu sứ vụ rao giảng một cách thành công.
Pacifico là một người khổ hạnh. Ngài ăn chay trường, sống bằng bánh mì và nước hoặc xúp. "Áo nhặm" của ngài được làm bằng sắt. Sự khó nghèo và vâng phục là hai đức tính mà các anh em tu sĩ nhớ đến ngài nhiều nhất.
Vào năm 35 tuổi, Pacifico bị bệnh nặng khiến ngài bị điếc, bị mù và bị què. Ngài dâng sự đau khổ này để cầu nguyện cho người tội lỗi trở lại, và ngài đã chữa lành nhiều bệnh nhân đến với ngài. Pacifico cũng là bề trên tu viện San Severino. Ngài được phong thánh năm 1839.
Lời Bàn
Thánh Pacifico sống sát với những lời của Thánh Phanxicô. Lời ngài rao giảng và cuộc sống có liên hệ với sự hy sinh hãm mình đền tội.
Thánh Phanxicô khuyến khích các tu sĩ rao giảng Lời Chúa mà không phô trương ầm ĩ hoặc vì tư lợi. Và vì thế, lời của họ mới thực sự là lời của Chúa và hướng đến phúc lợi của người nghe. Ðời sống của Thánh Pacifico đã thể hiện lời ngài rao giảng, và người nghe nhận ra sức mạnh trong lời của ngài.
Lời Trích
"Ngoài ra, tôi khuyên bảo và nhắc nhở các tu sĩ rằng trong sự rao giảng, lời nói của họ phải được nghiên cứu và minh bạch. Họ phải nhắm đến ích lợi và sự thăng tiến tâm linh của người nghe, nói một cách ngắn gọn về tính tốt cũng như tính xấu, sự trừng phạt và sự vinh quang, vì chính Chúa chúng ta cũng nói ngắn gọn khi ở trần thế" (Thánh Phanxicô, Quy Luật 1223, Ch. 9).
25 Tháng Chín : Thánh Elzear và Chân Phước Delphina (1286-1323) (1283-1358)
Đây là cặp vợ chồng duy nhất của dòng Phanxicô được chính thức phong chân phước và phong thánh.
Ông Elzear xuất thân từ một gia đình quý tộc ở phía nam nước Pháp. Sau khi lấy bà Delphina thì ông mới biết vợ mình thề giữ đồng trinh trọn đời; chính đêm tân hôn ông cũng đã thề như vậy. Vào lúc đó ông Elzear, là Bá Tước của Ariano, và là cố vấn cho Công Tước Charles của Calabria ở phía nam nước Ý. Elzear cai quản lãnh thổ của mình trong vương quốc Naples và ở phía nam nước Pháp với sự công bằng.
Hai ông bà Elzear và Delphina gia nhập dòng Ba Phanxicô và tận hiến trong công việc bác ái cho người nghèo. Hàng ngày, có đến mười hai người cùng ăn với họ. Có một bức tượng Thánh Elzear diễn tả ngài đang chữa người cùi.
Lòng đạo đức của họ đã ảnh hưởng tất cả mọi gia nhân trong nhà. Hàng ngày họ đều tham dự Thánh Lễ, đi xưng tội hàng tuần và sẵn sàng tha thứ cho người khác.
Sau khi ông Elzear chết, bà Delphina tiếp tục công việc bác ái trong hơn 35 năm nữa. Ðặc biệt bà có công trong việc nâng cao trình độ luân lý của triều đình vua Sicily.
Hai ông bà Elzear và Delphina được mai táng ở Apt, nước Pháp. Ông được phong thánh năm 1369, và bà được phong chân phước năm 1694.
Lời Bàn
Giống như Thánh Phanxicô, hai ông bà Elzear và Delphina nhận biết nguồn gốc của các tạo vật. Do đó, họ không nhẫn tâm thống trị bất cứ tạo vật nào nhưng dùng tạo vật như một phương tiện để cảm tạ Thiên Chúa.
Dù hiếm muộn, hôn nhân của họ là một hy sinh cho người nghèo và người đau yếu ở chung quanh họ.
Lời Trích
Thánh Bonaventura viết: "Thánh Phanxicô tìm mọi cơ hội để yêu mến Thiên Chúa trong mọi sự. Ngài vui thích với mọi công trình của bàn tay Thiên Chúa, và từ cái nhìn hân hoan ở trần thế tâm trí ngài vươn cao đến nguồn ban sự sống và là cùng đích của mọi tạo vật. Trong bất cứ gì đẹp đẽ, ngài đều nhìn thấy Ðấng Toàn Mỹ, và ngài đi theo Tình Yêu của ngài ở bất cứ đâu mà chân dung ấy được lưu vết nơi các tạo vật; qua tạo vật ngài làm thành một cái thang để có thể trèo lên cao và âu yếm Ðấng là nguồn khao khát của mọi loài" (Legenda Major, IX, 1).
26 Tháng Chín : Thánh Cosmas và Thánh Damian (c. 303?)
Người ta không biết gì nhiều về cuộc đời của hai vị này, ngoài việc họ tử đạo ở Syria trong thời bắt đạo của Diocletian.
Một nhà thờ được dựng gần nơi chôn cất các ngài đã được hoàng đế Justinian trùng tu lại. Việc sùng kính hai thánh nhân đã lan truyền mau chóng cả ở Ðông Phương lẫn Tây Phương. Ngay ở Constantinople, một đền thờ nổi tiếng được xây cất để vinh danh hai vị. Tên của hai ngài được ghi vào Lễ quy, có lẽ từ thế kỷ thứ sáu.
Truyền thuyết nói rằng hai vị là anh em sinh đôi ở Arabia, và là các y sĩ giỏi. Họ được sùng kính ở Ðông Phương với biệt hiệu "người không lấy tiền" vì họ không tính tiền khi chữa bệnh. Không thể nào những người nổi tiếng như vậy mà không bị chú ý trong thời gian cấm đạo, do đó cả hai đã bị bắt và bị chém đầu.
Lời Bàn
Dường như từ lâu, chúng ta chỉ chú ý đến những phép lạ của Chúa Giêsu như để nói lên quyền năng Thiên Chúa của Người. Có điều chúng ta không để ý đến là sự khao khát của Chúa Giêsu muốn vơi bớt đau khổ của nhân loại. Sức mạnh "xuất ra từ Người" quả thật là dấu chứng tỏ Thiên Chúa đã đi vào lịch sử loài người để hoàn tất những điều Người đã hứa; nhưng tình yêu của Thiên Chúa cũng rõ rệt trong trái tim nhân loại khi Người lo lắng về sự đau khổ của người khác. Ðó là sự nhắc nhở cho mọi Kitô Hữu chúng ta rằng sự cứu độ liên can đến toàn thể con người, là một tổng thể độc đáo giữa thể xác và tinh thần.
Lời Trích
"Anh em không biết rằng thân xác anh em là Ðền Thờ của Thánh Thần đang ngự trong anh em, là Ðấng mà Thiên Chúa đã ban cho anh em, và như vậy anh em đâu có làm chủ chính mình? Vì anh em đã được chuộc với một giá rất đắt. Bởi thế hãy tôn vinh Thiên Chúa trong thân xác anh em" (1 Corinthians 6:19-20).
27 Tháng Chín : Thánh Vinh-sơn Phao-lô (1580?-1660)
Cảnh một người hầu hấp hối xưng tội trên giường bệnh như đã mở mắt Vinh-sơn để nhìn thấy nhu cầu tâm linh của vùng quê nước Pháp thời bấy giờ. Ðó là giây phút quan trọng trong cuộc đời của một người xuất thân từ nông trại nhỏ ở Gascony, nước Pháp, mà bấy giờ, việc đi tu làm linh mục không có gì lớn lao hơn là có được một cuộc sống tiện nghi.
Chính nữ Bá Tước de Gondi (có người đầy tớ được Vinh-sơn giúp đỡ) đã thúc giục chồng bà cung cấp tiền bạc và hỗ trợ một nhóm truyền giáo có khả năng và hăng say muốn hoạt động cho người nghèo, người hầu và tá điền. Lúc đầu Cha Vinh-sơn quá khiêm tốn nên không nhận làm người lãnh đạo cho nhóm này, nhưng sau một thời gian hoạt động cho các tù nhân khổ sai ở Balê, ngài trở nên nhà lãnh đạo thực sự của tổ chức mà bây giờ được gọi là Hội Thừa Sai, hay tu sĩ Dòng Thánh Vinh-sơn. Các linh mục này, với lời thề khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục và bền vững, tận tụy làm việc cho dân chúng ở các thành phố nhỏ hay làng mạc.
Sau này Cha Vinh-sơn tổ chức các nhóm bác ái để trợ giúp tinh thần cũng như thể chất của những người nghèo trong mỗi xứ đạo. Từ sinh hoạt này, với sự trợ giúp của Thánh Louis de Marillac, xuất phát tổ chức Nữ Tử Bác Ái, "mà tu viện là bệnh xá, nhà nguyện là nhà thờ của giáo xứ và khuôn viên là đường phố." Ngài huy động các bà giầu có ở Balê để quyên góp tài chánh cho chương trình truyền giáo, xây bệnh viện, giúp đỡ nạn nhân chiến tranh và chuộc lại khoảng 1,200 người nô lệ da đen. Ngài hăng hái tổ chức tĩnh tâm cho giới tu sĩ khi sự sao nhãng, lộng hành và ngu dốt lan tràn trong giới này. Ngài là người tiên phong trong việc huấn luyện tu sĩ và thúc đẩy sự thiết lập các chủng viện.
Ðáng để ý nhất, Vinh-sơn là một người hay cáu kỉnh -- ngay cả bạn hữu của ngài cũng công nhận điều ấy. Ngài cho biết, nếu không có ơn Chúa ngài sẽ "rất khó khăn và lạnh lùng, cộc cằn và gắt gỏng." Nhưng ngài trở nên một người dịu dàng và dễ mến, rất nhạy cảm trước nhu cầu của người khác.
Ðức Giáo Hoàng Leo XIII đã đặt ngài làm quan thầy của mọi tổ chức bác ái. Nổi bật nhất trong các tổ chức này, dĩ nhiên, là Dòng Thánh Vinh-sơn, được thành lập năm 1833 bởi Chân Phước Frederic Ozanam, là người rất ái mộ Thánh Vinh-sơn.
Lời Bàn
Giáo Hội là của mọi con cái Thiên Chúa, dù giầu hay nghèo, nông dân hay trí thức, thượng lưu hay bình dân. Nhưng hiển nhiên điều Giáo Hội lưu tâm nhất là những người cần sự giúp đỡ -- đó là những người trở nên cô thế bởi bệnh tật, nghèo đói, ngu dốt và sự tàn ác. Thánh Vinh-sơn Phao-lô rất thích hợp là quan thầy cho mọi Kitô Hữu ngày nay, khi người đói ngày càng nhiều, và lối sống xa hoa của người giầu ngày càng đối chọi với tình trạng sa sút về thể chất và tâm linh của con cái Thiên Chúa.
Lời Trích
"Hãy cố gắng vui lòng chấp nhận sống với những điều kiện khiến bạn bất mãn. Hãy giải thoát tâm trí mình khỏi những điều làm bạn phiền hà, Thiên Chúa sẽ lo lắng mọi sự. Khi bạn vội vàng lựa chọn bạn sẽ làm buồn lòng Thiên Chúa, vì Người thấy bạn không tôn kính Người đầy đủ với sự tin tưởng thánh thiêng. Hãy tin tưởng vào Người, tôi nài xin bạn, và bạn sẽ được no đầy những gì mà tâm hồn bạn khao khát" (Thánh Vinh-sơn Phao-lô, Thư Từ).
28 Tháng Chín : Thánh Wenceslaus (907? - 929)
Nếu Giáo Hội được mô tả một cách sai lầm như bao gồm những người "thuộc thế giới khác," thì cuộc đời Thánh Wenceslaus là một minh chứng cho sự khác biệt đó: Người bênh vực các giá trị Kitô Giáo giữa những mưu đồ chính trị mà đó là đặc điểm của Bohemia vào thế kỷ thứ 10.
Người sinh năm 907 gần Prague, con của Công Tước Bohemia. Bà nội thánh thiện của người là bà Ludmilla, đã nuôi nấng và dạy dỗ người với hy vọng người sẽ cầm quyền ở Bohemia thay cho mẹ của Wenceslaus, là người ưa thích các bè phái chống đối Kitô Giáo. Hiển nhiên là bà nội Ludmilla bị giết, nhưng các lực lượng Kitô Giáo mạnh thế đã chiến thắng, và Wenceslaus đã nắm giữ chức vụ lãnh đạo trong chính phủ.
Sự cai trị của Wenceslaus được ghi nhận qua các nỗ lực nhằm đoàn kết Bohemia, hỗ trợ Giáo Hội và các cuộc đàm phán hòa bình với nước Ðức, nhưng chính vì thế người đã gặp khó khăn với những người chống-Kitô Giáo. Em của người là Boleslav đã nhúng tay vào một âm mưu, và trong tháng Chín 929, ông mời Wenceslaus đến Alt Bunglou để dự lễ các Thánh Cosmas và Damian. Trên đường đi dự lễ, Boleslav đã tấn công chính anh mình, và trong cuộc ẩu đả, Wenceslaus đã bị giết bởi bộ hạ của Boleslav.
Mặc dù cái chết của người là hậu quả chính yếu của biến động chính trị, Thánh Wenceslaus được ca tụng như một vị tử đạo vì đức tin, và mộ của người trở nên trung tâm hành hương. Thánh nhân được xưng tụng là quan thầy của người Bohemia và người Tiệp Khăéc trước kia.
Lời Bàn
"Vua Wenceslaus Nhân Từ" đã cụ thể hóa Kitô Giáo trong một thế giới đầy xáo trộn chính trị. Trong khi chúng ta thường là nạn nhân của một loại bạo lực nào đó, chúng ta cũng có thể đồng hóa với sự tranh đấu của thánh nhân nhằm đem lại sự hài hoà cho xã hội. Mọi Kitô Hữu đều được mời gọi tham dự vào việc thay đổi xã hội và sinh hoạt chính trị, vì các giá trị phúc âm rất cần thiết cho thế giới ngày nay.
Lời Trích
"Trong khi công nhận thẩm quyền của các thực thể chính trị, Kitô Hữu nào tham gia sinh hoạt chính trị phải cố gắng có những quyết định phù hợp với phúc âm và, trong khuôn khổ của một tập thể chính đáng, phải làm chứng cho đức tin của mình bởi sự phục vụ hữu hiệu và vô vị lợi" (Ðức Giáo Hoàng Phao-lô VI, Lời Mời Gọi Hành Ðộng, 46)
29 Tháng Chín : Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, Gabriel và Raphael
Các Thiên Thần là những thiên sứ của Chúa xuất hiện nhiều trong Thánh Kinh, nhưng chỉ có thiên thần Micae, Gabriel và Raphael được nhắc đến tên mà thôi.
Thiên thần Micae xuất hiện trong thị kiến của tiên tri Danien như là "đại hoàng tử" để bảo vệ dân Israel khỏi những kẻ thù tấn công. Trong sách Khải Huyền, Thiên thần Micae dẫn đoàn quân của Chúa đến chiến thắng sau cùng trên quyền lực của ma quỷ. Lòng sùng kính thiên thần Micae đã có từ cổ xưa nhất, thịnh hành ở phương Ðông vào thế kỷ thứ 4. Giáo hội phương Tây bắt đầu lễ kính quan thầy thiên thần Micae và các thiên thần vào thế kỷ thứ 5.
Thiên thần Gabriel cũng xuất hiện trong thị kiến của tiên tri Danien, để công bố xứ mệnh của thiên thần Micae trong chương trình của Thiên Chúa. Sự xuất hiện nổi bật nhất của Thiên thần Gabriel là cuộc diện đàn với thiếu nữ Dothái tên là Maria (tức Ðức Mẹ Maria), Người vâng phục cưu mang Chúa Cứu Thế.
Những hoạt động của Thiên thần Raphael được thu gọn trong Cựu Ước của sách Tôbít. Thiên thần Raphael hiện ra để hướng dẫn con trai của Tôbít là Tôbia qua những đoạn trường mạo hiểm ly kỳ đưa đến kết thúc ba niềm vui, đó là: Tobia thành hôn với Sara, Tobia được chữa khỏi bệnh mù, và phục hồi gia sản của gia đình.
Lễ kính nhớ thiên thần Gabriel là ngày 24 tháng 3, thiên thần Raphael ngày 24 tháng 10 đã được ghi vào lịch Rôma vào năm 1921. Năm 1970, lịch được sửa đổi nhập chung hai ngày lễ kính này với ngày lễ kính thiên thần Micae.
Lời Bàn
Mỗi tổng lãnh thiên thần có những sứ mệnh khác nhau trong Thánh Kinh: thiên thần Micae bảo vệ, thiên thần Gabriel loan báo, thiên thần Raphael hướng dẫn. Ngày xưa người ta tin rằng những biến cố không thể giải thích được là do các việc làm của thần linh để tỏ lối cho cái nhìn của thế giới khoa học về một cảm nhận của nguyên nhân và ảnh hưởng khác. Tuy thế, những người có niềm tin vẫn kinh nghiệm về sự bảo vệ, liên lạc và hướng dẫn của Thiên Chúa trong những cách không diễn tả được. Chúng ta không thể coi nhẹ các thiên thần.
30 Tháng Chín : Thánh Giêrôme (345 - 420)
Hầu hết các thánh được nhớ đến là vì một vài nhân đức trổi vượt hay sự sùng kính đặc biệt của các ngài, nhưng Thánh Giêrôme được nhớ đến là vì tính nóng nẩy! Thật sự ngài rất nóng tính và có tài viết cay độc. Tình yêu của ngài dành cho Thiên Chúa và Ðức Kitô Giêsu thật mãnh liệt, nên bất cứ ai dạy bảo điều gì sai trái ngài đều coi là kẻ thù của Thiên Chúa và chân lý, và Thánh Giêrôme theo đuổi người ấy đến cùng với lối viết táo bạo và đôi khi châm biếm.
Trên tất cả ngài là một học giả Kinh Thánh, dịch bộ Cựu Ước từ tiếng Hy Lạp sang tiếng La Tinh. Ngài cũng viết những bài chú giải là nguồn cảm hứng về kinh thánh cho chúng ta ngày nay. Ngài là một sinh viên nhiều tham vọng, một học giả thông suốt, một văn sĩ phi thường và là cố vấn cho các tu sĩ, giám mục và giáo hoàng. Thánh Augustine nói về ngài, "Ðiều mà Thánh Giêrôme không biết, thì thần chết cũng không biết."
Thánh Giêrôme đặc biệt nổi tiếng trong việc chuyển dịch Kinh Thánh mà cuốn ngài dịch được gọi là Vulgate. Ðó không phải là bộ Kinh Thánh tuyệt hảo nhưng Giáo Hội công nhận đó là một kho tàng. Như các học giả ngày nay nhận xét, "Không ai trước thời Thánh Giêrôme hay cùng thời với ngài và rất ít người hậu sinh sau đó hàng thế kỷ cũng không đủ khả năng để thực hiện công trình đó." Công Ðồng Triđentinô đã tu sửa bản Vulgate và công bố đó là văn bản chính thức được dùng trong Giáo Hội.
Ðể thực hiện công trình đó, Thánh Giêrôme đã phải chuẩn bị rất kỹ. Ngài là bậc thầy về tiếng La Tinh, Hy Lạp, Cổ Do Thái và Canđê. Học vấn của ngài bắt đầu từ nơi sinh trưởng, ở Stridon thuộc Dalmatia (Nam Tư cũ). Sau giai đoạn giáo dục sơ khởi, ngài đến Rôma, là trung tâm học thuật thời ấy, và đến Trier, nước Ðức, là nơi quy tụ các học giả. Mỗi nơi ngài sống một vài năm, để theo học với những bậc thầy tài giỏi.
Sau phần chuẩn bị kiến thức ngài tung hoành ở Palestine cốt để ghi nhận những nơi đã in dấu Ðức Kitô với lòng sùng kính dạt dào. Ngài cũng là một nhà thần bí, đã sống trong sa mạc Chalcis 5 năm để hy sinh cầu nguyện, hãm mình và nghiên cứu. Sau cùng ngài dừng chân ở Bêlem, là nơi ngài sống trong một cái hang mà ngài tin rằng Ðức Kitô đã sinh hạ ở đấy. Vào ngày 30 tháng Chín năm 420 Thánh Giêrôme từ trần ở Bêlem. Thi hài của ngài hiện được chôn cất trong Ðền Ðức Bà Cả ở Rôma.
Lời Bàn
Thánh Giêrôme là một người thẳng tính, cương quyết. Ngài có nhân đức cũng như các tính xấu của một người ưa chỉ trích tất cả những vấn đề luân lý thường tình của con người. Như có người nhận xét, ngài là người không chấp nhận thái độ lưng chừng trong phẩm hạnh cũng như trong việc chống đối sự xấu xa. Ngài mau nóng, nhưng cũng mau hối hận, và rất nghiêm khắc với những khuyết điểm của chính mình. Người ta kể, khi nhìn thấy bức tranh vẽ Thánh Giêrôme đang cầm hòn đá đánh vào ngực, một giáo hoàng nói, "Ngài cầm hòn đá đó là phải, vì nếu không, Giáo Hội không bao giờ phong thánh cho ngài" (Ðời Sống Thánh Nhân của Butler).
Lời Trích
"Ở nơi xa xôi nhất của sa mạc hoang vu đầy đá sỏi, như thiêu đốt dưới cái nóng hực lửa của mặt trời đã khiến các tu sĩ cư ngụ nơi đây cũng phải khiếp sợ, tôi thấy mình như ở giữa những say mê và đàn đúm ở Rôma. Trong sự đầy ải và tù ngục mà tôi tự ý xử phạt mình vì sợ hỏa ngục, nhiều khi tôi thấy mình ở giữa đám thiếu nữ Rôma như tôi đã từng sống với họ: Trong cái cơ thể lạnh ngắt và trong da thịt nứt nẻ của tôi, dường như tôi đã chết trước khi thực sự chết, lại khao khát được sống. Cô đơn trước kẻ thù này, linh hồn tôi phủ phục dưới chân Ðức Giêsu, lấy nước mắt rửa chân Người, và tôi chế ngự xác thịt với những tuần lễ ăn chay. Tôi không xấu hổ để thố lộ những sự cám dỗ, nhưng tôi đau buồn vì trước đây tôi không được như bây giờ" (trích thư Thánh Giêrôme gửi Thánh Eustochium).
Nguồn: http://www.nguoitinhuu.org/
Tháng 10
1 Tháng Mười : Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu (1873-1897)
2 Tháng Mười : CÁC THIÊN THẦN HỘ THỦ (Mt 18,1-5.10)
3 Tháng Mười : Thánh Gioan Dukla (1414-1484)
4 Tháng Mười : Thánh Phanxicô Assisi (1182-1226)
5 Tháng Mười : Chân Phước Marie-Rose Durocher (1811-1849)
6 Tháng Mười : Thánh Brunô (1030? - 1101)
8 Tháng Mười : Thánh Gioan Leonardi (1541? - 1609)
9 Tháng Mười : Các Thánh Denis, Rusticus và Eleutherius (c. 258?)
10 Tháng Mười : Thánh Daniel và Các Bạn (c. 1227)
11 Tháng Mười : Chân Phước Mary Angela Truszkowska (1825-1899)
12 Tháng Mười : Thánh Seraphin ở Montegranaro (1540-1604)
13 Tháng Mười : Thánh Margaret Mary Alacoque (1647-1690)
14 Tháng Mười : Thánh Giáo Hoàng Callistus I (c. 223?)
15 Tháng Mười : Thánh Têrêsa Avila (1515-1582)
16 Tháng Mười : Thánh Marguerite d'Youville (1701-1771)
17 Tháng Mười : Thánh Ignatius ở Antioch (c. 107?)
19 Tháng Mười : Các Thánh Tử Ðạo Bắc Mỹ Châu
20 tháng 10 : Thánh Phaolô Thánh Giá (1694 – 1775)
Chân Phước James ở Strepar (c. 1409?)
21 Tháng Mười : Chân Phước Josephine Leroux (c. 1794)
22 Tháng Mười : Thánh Gioan Phaolô II (1920 – 2005)
22 Tháng Mười (old) : Thánh Phêrô ở Alcantara (1499-1562)
23 Tháng Mười : Thánh Gioan ở Capistrano (1385-1456)
24 Tháng Mười : Thánh Antôn Maria Claret (1807-1870)
25 Tháng Mười : Chân Phước Antôniô ở Sant'Anna Galvao (1739-1822)
26 Tháng Mười : Chân Phước Contardo Ferrini (1859-1902)
27 Tháng Mười : Tôi Tớ Thiên Chúa Alexander ở Hales (c. 1245)
28 Tháng Mười : Thánh Simon và Thánh Giu-đê (Jude)
29 Tháng Mười : Chân Phước Tôma ở Florence (c. 1447)
30 Tháng Mười : Thánh An-phông-sô Rodriguez (1532 -1617)
31 Tháng Mười : Thánh Wolfgang ở Regensburg (924-994)
========================
1 Tháng Mười : Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu (1873-1897)
"Tôi thích sự buồn tẻ của việc hy sinh âm thầm hơn là những trạng thái xuất thần. Nhặt một cây kim vì tình yêu cũng có thể hoán cải một linh hồn." Ðó là những lời của Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu, một nữ tu dòng Camêlô thường được gọi là "Bông Hoa Nhỏ," người đã sống một đời âm thầm trong tu viện ở Lisieux, nước Pháp. Và quả thật, những hy sinh âm thầm của ngài đã hoán cải các linh hồn. Không mấy vị thánh của Thiên Chúa nổi tiếng như vị thánh trẻ trung này. Cuốn tự truyện của ngài, Chuyện Một Linh Hồn, được cả thế giới đọc và yêu chuộng. Tên thật của ngài là Thérèse Martin, gia nhập tu viện năm 15 tuổi và từ trần năm 1897 lúc 24 tuổi.
Ðời sống tu viện dòng kín Camelô thật buồn tẻ và phần lớn chỉ gồm sự cầu nguyện và làm các công việc trong nhà. Nhưng Thánh Têrêsa có được sự hiểu biết sâu sắc thánh thiện để chuộc lại quãng thời gian ấy, bất kể có nhàm chán đến đâu. Ngài nhìn thấy sự đau khổ cứu chuộc trong sự đau khổ âm thầm, sự đau khổ là đời sống tông đồ của ngài. Thánh nữ nói ngài gia nhập tu viện Camêlô là "để cứu vớt các linh hồn và cầu nguyện cho các linh mục." Và không lâu trước khi chết, ngài viết: "Tôi muốn dùng thời gian ở thiên đàng để làm những điều tốt lành cho trần gian."
Vào ngày 19-10-1997, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II tuyên xưng ngài là Tiến Sĩ Hội Thánh, là người phụ nữ thứ ba trong Giáo Hội được công nhận về sự thánh thiện và về ảnh hưởng tinh thần của những gì ngài viết.
Lời Bàn
Thánh Têrêsa có nhiều điều để dạy chúng ta về quan niệm, về thể diện, về cái "tôi." Chúng ta bị nguy hiểm khi nghĩ nhiều về bản thân mình, bị đau khổ khi nhận thức những nhu cầu cần phải thỏa lấp, dù biết rằng không bao giờ chúng ta thỏa mãn. Thánh Têrêsa, cũng như bao vị thánh khác, đã tìm cách phục vụ người khác, thực hiện những gì không phải cho chính mình, và quên mình trong những hành động âm thầm của tình yêu. Ngài là một trong những thí dụ điển hình của sự mâu thuẫn trong phúc âm mà khi hiến thân là khi được nhận lãnh, khi chết đi là khi vui sống muôn đời.
Sự bận rộn với bản thân đã tách biệt con người thời nay với Thiên Chúa, với đồng loại và thực sự xa rời với bản thể. Chúng ta phải học cách quên mình, để suy niệm về một Thiên Chúa là Ðấng mời gọi chúng ta thoát ra khỏi sự ích kỷ để phục vụ người khác. Ðây là cái nhìn sáng suốt của Thánh Têrêsa Lisieux, và ngày nay cái nhìn ấy có giá trị hơn bao giờ hết.
Lời Trích
Thánh Têrêsa phải chịu đau khổ vì bệnh hoạn trong suốt cả cuộc đời. Khi còn nhỏ, ngài phải trải qua ba tháng đau từng cơn, mê sảng và ngất xỉu. Sau đó, dù yếu ớt nhưng ngài làm việc vất vả trong phòng giặt quần áo và phòng ăn của tu viện. Về phương diện tâm linh, ngài phải trải qua một thời kỳ tăm tối khi ánh sáng đức tin dường như tắt ngúm. Năm cuối cùng của cuộc đời, ngài chết dần vì ho lao. Tuy nhiên, không lâu trước khi chết vào ngày 30-9, ngài thì thào, "Tôi không muốn bớt đau khổ."
Thực sự ngài là một phụ nữ dũng cảm, không rên rỉ vì bệnh tật và lo âu. Ðây là một người nhìn thấy sức mạnh của tình yêu, mà sự biến đổi của Thiên Chúa có thể thay đổi mọi sự--kể cả sự yếu đuối và bệnh tật--thành sức mạnh phục vụ và cứu chuộc cho người khác. Không lạ gì ngài là quan thầy của công cuộc truyền giáo. Còn ai có thể thay đổi thế giới ngoài những người ôm ấp sự đau khổ của mình với tình yêu?
2 Tháng Mười : CÁC THIÊN THẦN HỘ THỦ (Mt 18,1-5.10)
Nếu sức mạnh của sự dữ và ma quỉ đông hàng hà sa số, đang ngày đêm bay lượn quanh nhân loại, xung quanh chúng ta để tìm cơ hội làm hại con người thì sung sướng và hạnh phúc, vững dạ thay khi Chúa gửi đến cho loài người một sức mạnh vô cùng hữu hiệu là các Thiên Thần. Sự trợ giúp này, Chúa và Giáo Hội gọi là các Thiên Thần Hộ Thủ hay Bản Mệnh. Các Thiên Thần Bản Mệnh gìn giữ con người khỏi hiểm nguy, khỏi mọi sự dữ quấy phá, đưa con người tránh xa dịp tội để con người kết hợp và tiến bước tới Chúa.
THIÊN THẦN BẢN MỆNH LÀ AI ?
Thiên Chúa thiết lập vũ trụ, tạo dựng con người. Sách khải nguyên ngay từ những đã thuật lại việc Thiên chúa tạo dựng Trời Đất, tạo nên Con người. Trong vũ trụ hỗn mang đan xen bóng tối và sự sáng. Lực của bóng tối,của ma quỉ mạnh mẽ vô cùng. Ma quỉ có số đông vô số kể lúc nào cũng lượn quanh con người, rình mò cắn xé. Ngay khởi nguyên, Kinh Thánh đã viết: " thần khí Chúa bay lượn là là trên mặt nước" và trong Tân Ước, trong đêm Giáng Sinh,Thiên Thần của Chúa với muôn cơ binh đàn ca, vinh tụng xướng hát, tôn vinh con Thiên Chúa là Đức Giêsu xuống thế làm người. Đây là các Thiên thần luôn túc trực để thờ phượng Chúa và nâng đỡ con người. Trong số này, có muôn vàn Thiên Thần Bản Mệnh, Chúa sai tới để nâng đỡ, gìn giữ từng người. Các ngài giúp con người tránh xa các dịp tội, thêm sức mạnh cho con người để con người thoát những cơn cám dỗ nguy hiểm, nâng đỡ và khuyến khích con người khi con người gặp những sự thất vọng ở trần gian, an ủi con người trong những cơn sầu muộn. Các Thiên Thần Bản Mệnh cũng giúp con người hồi tâm thống hối khi con người yếu đuối, sa ngã, cầu bầu cùng Chúa cho con người. Các Thiên thần Bản Mệnh cũng soi sáng, thêm sức mạnh cho con người khi con người đang hấp hối, nguy tử vv Các Thiên thần Bản Mệnh có sứ mạng lớn lao là luôn hiện diện bên cạnh con người để giữ gìn, an ủi và che chở con người. Nên, Thánh vịnh 137,1 đã viết: " Lạy Chúa giữa chư vị Thiên Thần, Con đàn ca kính Chúa " hoặc trong lời nguyện nhập lễ ngày 2/10, Giáo Hội đã cất tiếng nguyện xin : " Chúa sai các Thiên Thần đến gìn giữ chúng con. Xin ban cho chúng con đời này được các Ngài luôn bênh vực che chở, và đời sau được cùng các Ngài hưởng phúc vinh quang".
CÂU CHUYỆN MINH CHỨNG BÀN TAY THIÊN THẦN BẢN MỆNH HỘ PHÙ, CHỞ CHE
Một Cha sở miền quê bên Pháp thuật lại công chuyện nầy:
Khi đó ngài đang ở một xứ đạo hẻo lánh. Một đêm kia được tin một người đau nặng, đang hấp hối, muốn xin Ngài tới xức dầu. Trời về khuya, với bổn phận mục tử Ngài ra đi làm phận sự của mình. Từ nhà xứ tới nhà người đau, Ngài phải băng qua khu rừng vắng. Khi tới khu rừng, trời đã rất tối, Ngài ngập ngừng, nhưng nghĩ lại và nhớ tới Thiên Thần Bản Mệnh, Ngài cầu nguyện để Thiên Thần cùng đi với Ngài. Ngài mạnh dạn và đã tới xức dầu cho người bệnh kịp thời giờ hấp hối. Câu chuyện đã qua 10 năm rồi, nếu không có biến cố mới này thì nó đã rơi vào quên lãng:
Một tử tù sắp bị hành quyết, anh ta rất khó tính và không chịu nghe bất cử một ai. Người ta báo tin cho ngài: có người tử tù sắp bị hành quyết . Vì là Cha sở địa phương, ngài đến nhà tù thăm viếng . Nhưng vừa thấy bóng linh mục, người tử tù phản ứng và từ chối không muốn gặp ngài , nhưng bỗng anh ta ngừng lại và nói với ngài : " Có phải cha là cha sở họ X không ?". Vị linh mục ngạc nhiên trả lời: "Trước đây 10 năm tôi làm Cha sở ở họ đó, nhưng bây giờ tôi đã đi nơi khác".
Thì ra các đây 10 năm, người tử tù lúc đó là tên ăn cướp giết người bị tầm nã, đang lẩn trốn ở khu rừng mà ngài đi qua. Hắn dự định sẽ giết chết bất cứ khách bộ hành nào băng qua đoạn đường đó, để lấy quần áo của khổ chủ mà hóa trang, và đánh lừa lưới của pháp luật. Người tử tù kể lại: " Lúc đó y muốn giết vị linh mục, nhưng bên cạnh ngài có một thanh niên lực lưỡng. Thấy không thể thắng nổi, nên y đã để cho ngài và người thanh niên ấy đi bình an, vô sự ".
Vị linh mục kết luận:
"Nghe người tử tù thuật lại, tôi ngạc nhiên hết sức. Nhưng tôi chợt nhớ ra rằng, lúc đó, tôi có dừng lại một lúc để cầu nguyện xin Thiên thần Bản Mệnh giúp đỡ. Và như vậy, người thanh niên mà người tử tù thấy chính là Thiên Thần Bản Mệnh của tôi, đã giữ gìn, bão vệ tôi qua cơn nguy hiểm "
Câu chuyện trên minh chứng Thiên Thần Hộ Thủ luôn có mặt khi con người kêu cầu, xin ngài giúp đỡ, can thiệp.
"Lạy Chúa, nhân ngày lễ kính các Thiên Thần Hộ Thủ, xin cho các Ngài luôn ở gần chúng con để trông nom gìn giữ, nhờ đó chúng con sẽ thoát khỏi mọi nguy hiểm dưới thế và mai sau được hưởng hạnh phúc trên trời" (Lời nguyện tiến lễ ngày 2/10, lễ các Thiên Thần Hộ Thủ).
Xin cho mọi người chúng con luôn biết kính trọng, yêu mến và cậy trông vào sự che chở của các Thiên Thần Hộ Thủ, và luôn sẵn sàng tuân theo lời chỉ dậy của các Thiên Thần Bản Mệnh qua tiếng nói lương tâm.
3 Tháng Mười : Thánh Gioan Dukla (1414-1484)
Sinh trưởng ở Dukla (Ba Lan), Gioan là một nhà khổ tu trước khi gia nhập dòng Conventual (chi nhánh dòng Phanxicô) vào năm 1440. Sau khi thụ phong linh mục, sứ vụ rao giảng đã đưa ngài đến các nơi mà hiện nay là Ukraine, Moldavia và Belarus. Ðã vài lần ngài làm bề trên tu hội địa phương và có một lần ngài làm giám thị trung ương dòng Phanxicô ở Lviv (Ukraine).
Thánh Gioan Capistrano đến Ba Lan năm 1453 và thành lập các tu viện sống nghiêm nhặt theo Quy Luật Thánh Phanxicô. Mười năm sau, Gioan Dukla gia nhập tổ chức này, mà sau đó trở thành Tỉnh Dòng Ðức Mẹ Vô Nhiễm. Sự khó nghèo, tuân phục, khổ hạnh và sùng kính Ðức Mẹ là đặc điểm của đời sống Cha Gioan Dukla. Ngài tìm cách hòa giải những người ly khai với Giáo Hội Công Giáo. Mặc dù ngài bị mù năm 70 tuổi, ngài vẫn tích cực trong công việc rao giảng và giải tội.
Ngài được phong thánh ở Krosno (Ba Lan) năm 1997 trước một giáo đoàn khoảng 1 triệu người, đến từ Ba Lan, Bohemia, Slovakia, Ukraine và Hungary.
Lời Bàn
Trong bài giảng lễ phong thánh, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II đã nhắc nhở đến các người con của Thánh Phanxicô khi họ đặt chân đến Trung Âu Châu vào thế kỷ 13. "Sự hoạt động của dòng Phanxicô đã tìm thấy vùng đất mầu mỡ nơi quê hương chúng ta. Vùng đất ấy cũng phát sinh nhiều chân phước và các thánh, là những người theo gương Thánh Assisi Nghèo Hèn, làm sinh động Kitô Giáo ở Ba Lan với tinh thần khó nghèo và tình huynh đệ. Các ngài đã đưa kiến thức cũng như sự khôn ngoan vào truyền thống tinh thần nghèo hèn và lối sống đơn sơ, để từ đó có ảnh hưởng tốt đẹp trong công việc mục vụ." Khó nghèo, đơn giản, và hăng say tìm kiếm chân lý là đặc điểm của phương cách truyền giáo mà các tu sĩ Phanxicô theo đuổi trong gần tám thế kỷ qua. Họ sẽ giúp chúng ta hăng say làm chứng nhân cho Tin Mừng của Ðức Giêsu Kitô.
Lời Trích
Trong buổi lễ phong thánh cho Cha John Dukla, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II nói: "Ðức Giêus Kitô là vị thầy duy nhất của thánh nhân. Ngài không lùi bước trong việc noi gương Thầy và Chúa, nên trên hết mọi sự điều ngài ao ước là phục vụ. Trong đó bao gồm cả Phúc Âm của sự khôn ngoan, của tình yêu và bình an. Ngài đã thể hiện ý nghĩa này của Phúc Âm trong toàn thể cuộc đời ngài" (L'Observatore Romano, tập 27, số 6, 1997).
4 Tháng Mười : Thánh Phanxicô Assisi (1182-1226)
Thánh Phanxicô Assisi là một người nghèo hèn nhưng đã làm bàng hoàng và phấn chấn Giáo Hội bởi ngài sống sát với phúc âm--không trong ý nghĩa cực đoan, nhưng thực sự sống theo những gì Ðức Giêsu Kitô đã nói và hành động, một cách vui vẻ, không giới hạn và không một chút tự tôn.
Cơn trọng bệnh đã giúp chàng thanh niên Phanxicô nhận ra sự trống rỗng của một đời sống vui nhộn khi còn là người lãnh đạo nhóm trẻ ở Assisi. Sự cầu nguyện--thật lâu giờ và thật kham khổ--đã giúp ngài trút bỏ mọi sự để theo gương Ðức Kitô, đến độ ngài đã ôm lấy một người cùi mà ngài gặp trên đường. Ðiều đó nói lên sự tuân phục những gì ngài được thụ khải trong khi cầu nguyện: "Phanxicô! Mọi sự con yêu quý và khao khát qua thân xác thì đó chính là điều con phải khinh miệt và ghét bỏ, nếu con muốn biết ý định của Thầy. Và khi con bắt đầu thi hành điều này, tất cả những gì đối với con dường như ngọt ngào và đáng yêu sẽ trở nên quá quắt và cay đắng, nhưng tất cả những gì mà con thường hay tránh né sẽ trở nên thật ngọt ngào và cực kỳ vui sướng."
Từ thánh giá trong một nguyện đường bỏ hoang ở San Damiano, Ðức Kitô nói với ngài, "Phanxicô, hãy đi xây dựng nhà của Thầy, vì nó đã gần sụp đổ." Phanxicô trở nên một người hoàn toàn khó nghèo và là người lao động thấp hèn.
Chắc chắn ngài đã nghi ngờ ý nghĩa sâu xa của câu "xây dựng nhà của Thầy." Nhưng ngài không bằng lòng chấp nhận việc đi xin từng cục gạch về xây lại nguyện đường hoang phế ấy. Ngài từ bỏ tất cả những gì ngài có, ngay cả đống quần áo ngài cũng trao lại cho cha của mình (là người đòi Phanxicô bồi thường những gì ngài đã cho người nghèo), để ngài hoàn toàn thuộc về "Cha trên trời." Thời gian ấy, ngài bị coi là một người đạo đức "gàn dở", ngài đi ăn xin từng nhà khiến các bạn cũ phải buồn rầu và ghê tởm, và bị những người thiếu suy nghĩ nhạo cười.
Nhưng sự thực dần tỏ lộ. Người ta bắt đầu nhận ra rằng con người này đang cố gắng trở nên một Kitô Hữu đích thực. Ngài thực sự tin vào điều Ðức Kitô dạy: "Hãy đi công bố nước trời! Ðừng mang theo vàng bạc, tiền của trong túi, đừng mang theo bao bị, giầy dép, gậy gộc" (x. Luca 9:1-3).
Quy luật đầu tiên của Phanxicô cho những người muốn theo ngài là thu lượm tất cả những văn bản của Phúc Âm. Ngài không có ý thành lập một dòng tu, nhưng một khi tu hội thành hình, ngài đã bảo vệ và chấp nhận mọi hình thức tổ chức hợp lý cần thiết. Sự tận tụy và tuyệt đối trung thành với Giáo Hội của ngài quả thật là tấm gương sáng trong một thời đại mà nhiều phong trào cải cách dường như muốn phá vỡ sự hợp nhất của Giáo Hội.
Ngài bị giằng co giữa một đời sống tận hiến cho sự cầu nguyện và một đời sống tích cực rao giảng Tin Mừng. Và ngài đã quyết định theo đuổi đường lối sau, nhưng luôn luôn trở về sự tĩnh mịch bất cứ khi nào có cơ hội. Ngài muốn đến truyền giáo ở Syria và Phi Châu, nhưng trong cả hai trường hợp ngài đều bị đắm tầu và đau nặng. Ngài cũng cố gắng hoán cải các vua Hồi Giáo ở Ai Cập trong lần Thập Tự Chinh thứ năm.
Trong những năm cuối cùng của cuộc đời ngắn ngủi (ngài từ trần khi 44 tuổi) ngài gần như mù và đau nặng. Hai năm trước khi chết, ngài được in năm dấu thánh, là những vết thương thực sự của Ðức Kitô ở tay chân và cạnh sườn của ngài.
Trong giờ phút cuối cùng, ngài lập đi lập lại phần phụ thêm của Bài Ca Anh Mặt Trời, "Ôi lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì người Chị Tử Thần." Ngài hát Thánh Vịnh 141, và khi đã đến giờ lìa đời, ngài xin cha bề trên cho ngài cởi quần áo ra để nằm chết trần truồng trên mặt đất, giống như Ðức Giêsu Kitô.
Lời Bàn
Thánh Phanxicô Assisi trở nên nghèo hèn chỉ vì ngài muốn giống Ðức Kitô. Ngài yêu quý thiên nhiên vì đó là một công trình mỹ miều của Thiên Chúa. Ngài hãm mình phạt xác để có thể hoàn toàn phó thác cho thánh ý Chúa. Sự khó nghèo của ngài đi đôi với sự khiêm tốn, mà nhờ đó ngài hoàn toàn lệ thuộc vào lòng nhân từ của Thiên Chúa. Nhưng tất cả những điều ấy chỉ để dẫn vào tâm điểm của đời sống tâm linh của ngài: sống đời sống phúc âm, đã được tóm lược nơi lòng thương xót của Chúa Giêsu và được tỏ lộ cách tuyệt hảo nơi bí tích Thánh Thể.
Lời Trích
"Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con chúc tụng và ngợi khen Chúa, ở đây và trong toàn thể mọi nhà thờ trên toàn thế giới, vì qua thánh giá của Ngài, Chúa đã cứu chuộc nhân loại" (Thánh Phanxicô).
5 Tháng Mười : Chân Phước Marie-Rose Durocher (1811-1849)
Trong khoảng thời gian tám năm đầu của cuộc đời Chân Phước Marie-Rose Durocher, Gia Nã Ðại chỉ có một giáo phận trải rộng từ đông sang tây. Số dân Công Giáo lúc đó là nửa triệu và được thừa hưởng tự do tôn giáo cũng như quyền công dân từ Anh Quốc mới 44 năm trước đó. Khi Marie-Rose được 29 tuổi, Ðức Giám Mục Ignace Bourget làm Giám Mục Montréal. Ngài là người có ảnh hưởng đến cuộc đời của chân phước Marie-Rose.
Ðức giám mục phải đối phó với vấn đề thiếu linh mục và nữ tu, phần lớn số dân quê không có học vấn. Cũng như các giám mục ở Hoa Kỳ, ngài sục sạo khắp Âu Châu để tìm sự giúp đỡ và chính ngài thành lập bốn tu hội, một trong những tu hội ấy là các Nữ Tu của Danh Thánh Giêsu và Maria. Nữ tu đầu tiên và cũng là vị sáng lập là Marie-Rose.
Marie-Rose sinh năm 1811 tại một ngôi làng nhỏ bé gần Montréal, và là người con thứ 10 trong gia đình 11 người con. Ngài được giáo dục kỹ lưỡng, và tinh nghịch như con trai, biết cưỡi ngựa và cũng có thể dễ dàng lập gia đình. Khi lên 16 tuổi, ngài cảm thấy muốn đi tu nhưng buộc phải từ bỏ ý định này vì thể chất yếu ớt. Lúc 18 tuổi, mẹ ngài từ trần, người anh linh mục của ngài mời người cha và em mình đến sống trong giáo xứ của linh mục ở Beloeil, không xa Montréal là bao. Trong 13 năm, Marie-Rose phục vụ như một người quản gia, người chủ nhà và là nhân viên của giáo xứ. Ngài nổi tiếng vì sự tử tế, hay giúp đỡ, tế nhị và giỏi lãnh đạo; quả thật, ngài được gọi là "vị thánh của Beloeil."
Khi còn trẻ, Marie-Rose thường hy vọng là một ngày nào đó sẽ có tu hội của các sơ chuyên lo việc giáo dục trong mỗi giáo xứ, không ngờ chính ngài lại thành lập một cộng đồng như vậy. Cha linh hướng của ngài, Cha Pierre Telmon, O.M.I, sau khi tỉ mỉ (và khắt khe) hướng dẫn tinh thần của ngài, đã khuyên ngài thành lập một tu hội. Ðức Giám Mục Bourget tán thành, nhưng sơ Marie-Rose chùn bước trước viễn ảnh đó. Chưa một phụ nữ Gia Nã Ðại nào dám làm điều như vậy. Ngài thì yếu ớt, trong khi cha và anh ngài đang cần đến sự giúp đỡ của ngài.
Sau cùng ngài đồng ý, và với hai người bạn, Melodie Dufresne và Henriette Cere, di chuyển đến một căn nhà nhỏ ở Longueuil, đối diện với Montréal qua con sông St. Lawrence. Cùng với họ là 13 thiếu nữ đã sẵn sàng vào nội trú. Từ từ, tu hội phát triển đến Bethlehem, Nazareth và Gethsemane. Lúc ấy Marie-Rose 32 tuổi và chỉ còn sống thêm có sáu năm nữa -- đó là những năm ngập tràn thử thách, khó khăn, đau yếu và nhiều điều vu cáo. Những đức tính mà ngài ấp ủ trong thời gian "ẩn dật" đã lộ ra -- một ý chí mạnh mẽ, thông minh và có lương tri. Từ đó, phát sinh một tu hội có tầm vóc quốc tế gồm các nữ tu tận hiến cho việc giáo dục đức tin.
Ngài khắt khe với chính bản thân và cũng thật nghiêm khắc đối với các sơ trong dòng nếu dựa theo tiêu chuẩn ngày nay. Bên trong tất cả những điều ấy, dĩ nhiên, là điều phổ thông đối với các thánh: một tình yêu không lay chuyển dành cho Ðức Kitô trên thập giá.
Vào lúc lâm chung, lời cầu nguyện mà người ta thường nghe ngài thầm thĩ là "Giêsu, Maria, Giuse! Lạy Chúa Giêsu nhân lành, con yêu Chúa. Xin Chúa ở với con!" Trước khi chết, ngài mỉm cười và nói với các nữ tu, "Lời cầu xin của các chị đã giữ tôi ở đây - hãy để tôi đi."
Lời Bàn
Ba đặc tính Kitô Giáo luôn luôn đi với nhau là cầu nguyện, hãm mình và bác ái. Trong thời đại ngày nay, chúng ta thấy có những người nỗ lực sống bác ái, thực sự lưu tâm đến người nghèo. Biết bao Kitô Hữu đã cảm nghiệm được một hình thức cầu nguyện chân thành. Nhưng còn hãm mình thì sao? Chúng ta bối rối khi nghe thấy những hình thức hãm mình ghê gớm của các thánh, như Marie-Rose. Dĩ nhiên, không phải ai ai cũng được như vậy. Nhưng hấp lực của một nền văn hóa vật chất dẫn đến việc hưởng thụ và tiêu khiển thì không thể nào cưỡng chống được nếu không có một hình thức nào đó của sự chủ tâm và tiết chế vì Ðức Kitô. Ðó là một tiến trình trong việc đáp lời mời gọi của Ðức Kitô để sám hối và thực sự quay về với Thiên Chúa.
Lời Trích
Ðối với các nữ tu rời bỏ đời sống tu trì, chân phước Marie-Rose viết: "Ðừng bắt chước những người, mà sau khi một vài tháng sống trong nhà dòng, họ ăn mặc thật khác biệt, nhiều khi lố bịch. Các bạn trở về với tình trạng thế tục. Lời khuyên của tôi là, hãy sống như những ngày ở trong dòng, dù có ở xa đi nữa."
6 Tháng Mười : Thánh Brunô (1030? - 1101)
Thánh nhân được vinh dự là đã sáng lập một tu hội mà như người ta thường nói, không bao giờ phải cải cách vì dòng chưa bao giờ đi lạc đường. Chắc chắn là vị sáng lập cũng như các tu sĩ dòng sẽ từ chối lời khen ngợi này, nhưng đó là một kết quả của tình yêu mãnh liệt mà thánh nhân đã dành cả cuộc đời để hãm mình đền tội trong cô độc.
Ngài sinh ở Cologne, nước Ðức, và là thầy giáo nổi tiếng ở Rheims và được bổ nhiệm làm chưởng ấn của tổng giáo phận khi 45 tuổi. Ngài hỗ trợ Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô VII chôáng lại sự suy đồi của hàng giáo sĩ và tiếp tay trong việc cách chức vị tổng giám mục gây nhiều tiếng xấu là Manasses. Dân chúng muốn đưa ngài lên làm tổng giám mục nhưng ngài lại muốn sống ẩn dật.
Ngài là một ẩn tu dưới quyền tu viện trưởng là Thánh Robert Molesmes (sau này sáng lập dòng Xitô), nhưng sau đó, vào năm 1084 cùng với sáu người bạn ngài di chuyển đến Grenoble. Họ được vị giám mục của Grenoble là Thánh Hugh cấp cho một nơi để sinh sống trong một vùng cao nguyên hoang vắng, được gọi là La Grande Chartreuse.
Brunô và các bạn xây một nhà nguyện nhỏ với các phòng riêng cách xa nhau, sống sát với quy luật của Thánh Biển Ðức, và từ đó xuất phát Dòng Carthusian. Trong một ngày họ chỉ gặp nhau để đọc kinh sáng và tối, thời giờ còn lại họ sống trong cô độc, làm việc lao động, cầu nguyện và sao chép lại các văn bản Kinh Thánh. Ngay cả việc ăn uống, họ cũng chỉ ăn chung trong những ngày lễ lớn.
Ðức Giáo Hoàng Urbanô II nghe biết sự thánh thiện của Brunô, đã gọi ngài về Rôma để làm phụ tá trong việc cải cách hàng giáo sĩ. Sau khi khước từ chức tổng giám mục mà đức giáo hoàng ban cho, Bruno đã xin Ðức Urbanô cho phép ngài trở về đời sống ẩn dật, thành lập cộng đồng Thánh Maria ở La Torre trong vùng Calabria, và ngài sống ở đây cho đến khi lìa đời, ngày 6-10-1101.
Ngài chưa bao giờ được chính thánh phong thánh vì quy luật dòng Carthusian không chấp nhận những vinh dự công cộng, nhưng vào năm 1514, Ðức Giáo Hoàng Leo X đã cho phép dòng Carthusian mừng lễ kính ngài, và tên của ngài được xếp trong niên lịch Công Giáo Rôma từ năm 1623.
Lời Bàn
Nếu đời sống chiêm niệm là một lối sống không dễ thực hiện, thì chắc chắn sự hãm mình đền tội được thể hiện qua cuộc đời ẩn dật của các tu sĩ Carthusian lại càng khó khăn biết chừng nào.
Lời Trích
"Thành viên của các cộng đồng tận hiến cho sự chiêm niệm đã hy sinh chính mình cho Thiên Chúa trong sự cô độc và thinh lặng, liên lỉ cầu nguyện và hãm mình đền tội. Bất kể những nhu cầu của giáo hội có khẩn cấp đến đâu, những cộng đồng như thế luôn luôn góp phần độc đáo trong Nhiệm Thể Ðức Kitô..." (Sắc Lệnh về Canh Tân Ðời Sống Tu Trì, 7).
99. Phanxicô Trần Văn TRUNG, sinh năm 1825 tại Phan Xã, Quảng Trị, Cai Ðội, xử trảm ngày 06-10-1858 tại An Hòa dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 11-4-1909 do Ðức Piô X, kính ngày 06-10.
7 Tháng Mười : Ðức Mẹ Mân Côi
"Lần hạt Mân côi từ bao năm tháng đã là tỏ lòng kính mến Ðức Mẹ. Thực hành này đã có một chiều sâu mới trong thời chúng ta. Ngày 7 tháng 10 năm 1571, một thuyền đoàn Kitô Giáo gồm 206 chiếc thuyền với 80 ngàn người do thánh Giáo Hoàng Piô thứ V tổ chức, và do Don John của Áo Quốc lãnh đạo đã quyết thắng thuyền đoàn của Thổ Nhĩ Kỳ Hồi Giáo với 320 chiến thuyền và 120 ngàn binh sĩ và người chèo tù nhân Kitô giáo của Thổ Nhĩ Kỳ trong vịnh biển Hy Lạp. Một lần nữa, đoàn quân Thổ Nhĩ Kỳ Hồi Giáo không chế ngự được đoàn quân Kitô giáo Âu châu. Trong trận hải chiến này, nhóm Mân Côi Rôma đã lần chuỗi Mân Côi để cầu thắng cho Hải đội Kitô Giáo trong nhà thờ Ðức Bà. Khi tin đoàn thắng được loan ra, ai ai cũng nhìn nhận đó là sự bầu cử của Ðức Mẹ. Ðức Giáo Hoàng Piô thứ V thuộc dòng Ðaminh rất sùng kính Kinh Mân côi đã lập ra lễ Ðức Bà Toàn Thắng để đánh dấu sự chiến thắng nói trên. Về sau lễ này được đổi ra là lễ Ðức Mẹ Mân Côi mà Giáo hội vẫn giữ vào ngày 7/10 mỗi năm. Khi người ta lần hat ở các đám tang đêm trước ngày chôn cất, người chủ sự thường nhân cơ hội dể đọc hết 150 kinh Mân côi, các Sự Vui, Sự Thương, và Sự Mừng, với kinh mở đầu cho lễ Ðức Mẹ Mân Côi. Ðó là tóm tắt đầy đủ nhất của cuộc đời Mẹ Maria và Chúa Giêsu Con Mẹ. Mặc dù Ðức Mẹ trao chuỗi Mân Côi cho thánh Dômincô không được coi có tính cách lịch sử, nhưng sự phát triển của kinh nguyện này là nợ lớn đối với những đệ tử của thánh Ðôminicô.
Lạy Chúa xin đổ tràn tim chúng con với tình thương của Chúa. Chúa đã sai thiên thần báo cho chúng con, Con Chúa giáng trần làm người. Xin hãy đưa chúng con đến sự vinh quanh phục sinh nhờ cuộc khổn nạn và cái chết của con Chúa. Amen.
8 Tháng Mười : Thánh Gioan Leonardi (1541? - 1609)
"Tôi chỉ là một con người! Tại sao tôi phải làm mọi việc? Ðiều đó có ích gì cho tôi?" Ngày nay, cũng như bất cứ thời đại nào, người ta thường cảm thấy khó chịu khi rơi vào tình trạng khó xử vì bị liên lụy. Nhưng Thánh Gioan Leonardi đã trả lời những câu hỏi trên trong một phương cách độc đáo. Ngài chọn trở nên một linh mục.
Thánh Gioan Leonardi sinh ở Diecimo, nước Ý. Ngài làm phụ tá thầy thuốc ở Lucca, đi tu và thụ phong linh mục năm 1572. Sau khi chịu chức, ngài rất tích cực hoạt động tông đồ, nhất là ở bệnh viện và nhà tù. Sự tận tụy và gương mẫu đời sống của ngài đã thu hút vài người trẻ, và họ bắt đầu tiếp tay với ngài. Sau này chính họ cũng trở thành linh mục.
Phấn khởi với luồng gió cải cách mà Công Ðồng Triđentinô đề ra, Cha Gioan và các linh mục bạn đề nghị một tổ chức cho các linh mục triều. Ðề nghị này bị chống đối dữ dội, nhưng vào năm 1583, tổ chức của ngài được đức giám mục Lucca công nhận với sự phê chuẩn của Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô XIII (vào năm 1621, tổ chức này được chính thức đặt tên là Các Tu Sĩ Chuyên Nghiệp của Mẹ Thiên Chúa). Cha Gioan được sự trợ giúp của Thánh Philíp Nêri và Thánh Giuse Calasanctius, và vào năm 1595, tổ chức này được Ðức Giáo Hoàng Clêmentê VIII công nhận, và đức giáo hoàng đã giao cho Cha Gioan công việc chấn chỉnh các tu sĩ ở Vallombrosa và Monte Vergine.
Ngài chết khi mới 68 tuổi vì bị lây bệnh dịch khi chăm sóc các bệnh nhân ở Rôma. Ngài được sùng kính vì những phép lạ và lòng đạo đức nhiệt thành của ngài, và được coi là một trong những sáng lập viên của Thánh Bộ Truyền Bá Ðức Tin. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô XI phong thánh năm 1938.
Lời Bàn
Mỗi người có thể làm được những gì? Theo ý định và hoạch định của Thiên Chúa cho mỗi người, điều chúng ta có thể làm thì ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Mỗi người, như Thánh Gioan Leonardi, có một nhiệm vụ phải chu toàn trong hoạch định của Thiên Chúa cho thế gian. Mỗi người chúng ta thì độc đáo và được ban cho các khả năng để phục vụ anh chị em chúng ta trong việc xây dựng Nước Trời.
Lời Trích
"Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban nước trời cho anh em. Hãy bán của cải mình và bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không bao giờ mục nát và một kho tàng vô tận ở trên trời, là nơi kẻ trộm cắp không thể bén mảng, mối mọt không thể đục phá" (Luca 12:32-33).
9 Tháng Mười : Các Thánh Denis, Rusticus và Eleutherius (c. 258?)
Điều đầu tiên chúng ta được biết về ba vị này là họ được tử đạo khoảng năm 258, theo như văn bản của Thánh Grêgôriô ở Tours thuộc thế kỷ thứ sáu.
Thánh Denis (hay còn được gọi là Dionysius) là người nổi tiếng nhất trong ba vị. Ngài sinh trưởng ở Ý, và vào khoảng năm 250 ngài được sai đi truyền giáo ở Gaul (bây giờ là nước Pháp) bởi Ðức Giáo Hoàng Clêmentê cùng với năm vị giám mục khác.
Thánh Denis đặt địa bàn truyền giáo ở một hòn đảo trong vùng Seine gần thành phố Lutetia Parisorium -- sau này trở thành thủ đô Balê. Vì lý do đó ngài được coi là vị giám mục đầu tiên của Balê và là Tông Ðồ nước Pháp. Ở đây ngài bị bắt cùng với Rusticus và Eleutherius. Các học giả sau này đề cập đến Rusticus và Eleutherius như linh mục và thầy sáu của Ðức Giám Mục Denis, ngoài ra chúng ta không còn biết gì thêm.
Sau thời gian bị tù đầy và tra tấn, ba vị bị chém đầu và thân thể của họ bị ném xuống sông. Xác của Thánh Denis được những người tân tòng vớt lên và chôn cất. Một nhà nguyện được xây trên phần mộ của ngài mà sau này trở thành tu viện Thánh Denis.
Ðến thế kỷ thứ chín, tiểu sử của Thánh Denis bị lẫn lộn với Thánh Dionysius người Areopagite, nhưng sau này các học giả xác định ngài là một vị thánh riêng biệt.
Thánh Denis thường được vẽ khi ngài tử đạo -- không có đầu (với một cành nho vươn lên từ cổ) và tay ngài cầm chính đầu của ngài với nón giám mục.
Ðược coi là vị thánh đặc biệt của Balê, Thánh Denis là quan thầy của nước Pháp.
Lời Bàn
Ðây là trường hợp của một vị thánh mà chúng ta không biết gì nhiều, nhưng ngài là người được sùng kính trong lịch sử Giáo Hội qua nhiều thế kỷ. Chúng ta chỉ có thể kết luận là ảnh hưởng sâu đậm của thánh nhân đối với dân chúng trong thời đại của ngài chứng tỏ một đời sống thánh thiện khác thường. Trong những trường hợp như vậy, có hai sự kiện căn bản: Một người vĩ đại đã hy sinh cho Ðức Kitô, và Giáo Hội không bao giờ quên họ được -- đó là dấu chỉ về sự lưu tâm vĩnh viễn của Thiên Chúa.
Lời Trích
"Sự tử đạo là một phần bản chất Giáo Hội vì nó nói lên cái chết tinh tuyền của người Kitô, cái chết vì đức tin. Qua sự tử đạo, sự thánh thiện của Giáo Hội thay vì vẫn còn trong giả tưởng, đã được biểu lộ cách tỏ tường nhờ hồng ân của Thiên Chúa. Ngay từ thế kỷ thứ hai, một người chấp nhận cái chết vì đức tin hay luân lý Kitô Giáo đều được noi gương và tôn kính như một vị 'martus' (chứng nhân). Danh từ này có nguồn gốc từ Kinh Thánh mà Ðức Giêsu Kitô là 'chứng nhân trung tín' tuyệt đối (Khải Huyền 1:5; 3:14)" (Karl Rahner, Tự Ðiển Thần Học).
10 Tháng Mười : Thánh Daniel và Các Bạn (c. 1227)
Daniel, vị bề trên dòng Phanxicô ở Calabria, nước Ý, hướng dẫn một nhóm các tu sĩ Phanxicô, là những người theo gương Thánh Berard để đi rao giảng Phúc Âm ở Bắc Phi vào năm 1227. Sáu vị tu sĩ khác là Angelo, Domnus, Hugolino, Leo, Nicolas và Samuel. Họ đến Ceuta, Morocco, là nơi các thương gia Kitô Giáo đã cảnh giác họ về việc bách hại các thừa sai.
Tuy nhiên, vì quá hăng say, các tu sĩ đã rao giảng công khai, nên đã bị bắt ngay lập tức. Không sợ hãi trước những đe dọa hay mua chuộc, họ cương quyết không chối bỏ đức tin. Cũng như các Kitô Hữu thời tiên khởi ở Colosseum, Daniel và các bạn đã ca hát trên đường tử đạo. Sau khi bị chặt đầu, xác của các ngài được đưa về Tây Ban Nha.
Tất cả được phong thánh năm 1516.
Lời Bàn
Các thánh tử đạo nhắc nhở chúng ta về giá máu mà Chúa Giêsu đã phải trả khi loan truyền Tin Mừng. Chúng ta không có chọn lựa nào khác về việc làm chứng cho Ðức Kitô và Tin Mừng. Việc nhớ đến các vị tử đạo giúp chúng ta kiên trì sống phúc âm mà chúng ta đã được kêu gọi để tuân giữ.
Lời Trích
"Qua sự tử đạo người môn đệ được biến đổi nên giống hình ảnh của Thầy mình, là người đã tự chấp nhận cái chết để cứu chuộc thế gian; và họ cố đạt được hình ảnh ấy dù có phải đổ máu. Tuy không nhiều người được cơ hội ấy, nhưng tất cả phải sẵn sàng để tuyên xưng Ðức Kitô trước mặt người đời, và theo Người trên con đường thập giá qua những bách hại mà Giáo Hội từng bị đau khổ" (Hiến Chương về Giáo Hội, #71).
11 Tháng Mười : Chân Phước Mary Angela Truszkowska (1825-1899)
Sinh trưởng ở Kalisz, Ba Lan, sức khoẻ của Sophia Truszkowska trong tình trạng hiểm nghèo nên không hy vọng sống được lâu. Khi đến tuổi thiếu niên và được mạnh khoẻ hơn, cô quyết định dâng mình cho Thiên Chúa. Và trong khi còn đang phục hồi sau cơn bệnh lao thì Sophia đã khởi sự chăm sóc các trẻ mồ côi ở Warsaw.
Không bao lâu cô được người bà con là Clothilde cũng như các bạn khác tiếp tay. Họ gia nhập dòng Ba Phanxicô dưới sự hướng dẫn của các linh mục Capuchin và được mặc áo dòng. Năm 1855, Sophia, bây giờ là Mẹ Angela, thành lập một cộng đoàn Phanxicô mới, lấy tên Các Nữ Tu Thánh Felicia.
Khi công việc chăm sóc người vô gia cư của các nữ tu Thánh Felicia phát triển mạnh thì số người gia nhập cộng đoàn cũng gia tăng. Thật không dễ cho một người sáng lập như Mẹ Angela, vì ngài phải vạch ra một hướng đi rõ ràng cho cộng đoàn mà một số nữ tu khác lại muốn theo đuổi đời sống chiêm niệm. Nhưng Mẹ Angela có cái nhìn khác biệt, ngài thấy đây là một cộng đoàn nữ tu được Thiên Chúa mời gọi để cầu nguyện và làm việc ở ngoài khuôn khổ của tu viện. Bởi đó, các Nữ Tu Thánh Felicia chăm sóc bệnh nhân ngay trong nhà của họ cũng như phục vụ các người tàn tật, người già yếu, trẻ mồ côi và các người vô gia cư. Các nữ tu cũng xây cất các nhà dành riêng cho những người mắc bệnh hay lây ở làng mạc Ba Lan.
Vào năm 1863, khi người Ba Lan vùng lên chống lại sự đô hộ của người Nga, các nữ tu Thánh Felicia tiếp tục chăm sóc bệnh nhân bất kể quốc tịch nào. Lúc đó, Mẹ Angela ra lệnh cho các nữ tu "không được loại trừ ai" và hãy nhớ rằng "mọi người đều là người thân cận của mình."
Trong năm kế đó, vào tháng Mười Hai năm 1864, các nữ tu Thánh Felicia bị chính quyền Nga giải tán. Trong khi một số các nữ tu khác tập hợp lại thành cộng đoàn Nữ Tu Ba Lan, nhà cầm quyền Áo cho phép các nữ tu Thánh Felicia tái lập cộng đoàn trong phần đất của Áo ở Ba Lan. Mười năm sau các nữ tu Thánh Felicia đến Polonia, Wisconsin thuộc Hoa Kỳ, để đáp lời mời gọi của những người di dân Ba Lan. Sứ vụ của họ lan tràn cho tới bảy giáo phận.
Vào năm 1869, Mẹ Angela từ chức bề trên vì sức khoẻ yếu kém. Trong những năm cuối đời, ngài dành nhiều thời giờ để cầu nguyện và làm việc lao động. Ngài cũng được nhìn thấy cộng đoàn của ngài sáng lập đã được Tòa Thánh chuẩn nhận.
Lời Bàn
Sau khi Mẹ Angela chết không lâu, một trong các nữ tu đã nói về ngài như "một hiện thân của tình yêu tha nhân. Ðối với ngài, chỉ những gì không thể thiếu, thật cần thiết -- ngoài ra mọi sự là cho tha nhân, và đó là phương châm của ngài... không chỉ để phô trương, nhưng được thể hiện qua các công việc hàng ngày trong nhiều năm trường... Sự đau khổ, sự lo âu của người khác luôn âm vang trong tâm hồn ngài, nhưng đó không phải là một âm vang vô hiệu quả. Với một tiềm năng đáng khâm phục, dù sức khỏe mong manh, ngài đã đi tìm phương thuốc chữa trị và luôn luôn tìm thấy. Ngài thi hành viêïc ấy rất tự nhiên, như thể đó là một bổn phận của ngài."
Lời Trích
Mẹ Angela có lần khuyên các nữ tu, "Một kinh 'Sáng Danh' được cất lên khi gặp nghịch cảnh thì có giá trị gấp ngàn lần lời tạ ơn khi thành công."
sinh năm 1773 tại Bằng Sở, Hà Ðông, Linh Mục, xử trảm ngày 11-10-1833 tại Quan Ban dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 11-10.
12 Tháng Mười : Thánh Seraphin ở Montegranaro (1540-1604)
Sinh trong một gia đình nghèo ở Ý, khi còn nhỏ Seraphin phải đi chăn cừu và ngài dành nhiều thời giờ để cầu nguyện. Sau khi cha mẹ qua đời, ngài bị người anh đối xử cách tệ hại, Seraphin đã gia nhập dòng Capuchin lúc 16 tuổi và khiến nhiều người kinh ngạc vì sự khiêm tốn và độ lượng của ngài.
Phục vụ như một thầy trợ sĩ, Seraphin theo gương Thánh Phanxicô ăn chay, mặc áo nhặm và đối xử tử tế với mọi người. Ngài muốn theo gương Thánh Phanxicô cả về vấn đề truyền giáo, nhưng cha bề trên không chọn ngài trong công việc này.
Mỗi ngày, Seraphin trung thành dành ba giờ đồng hồ để cầu nguyện trước Thánh Thể. Những người nghèo đến gõ cửa tu viện đều được ngài ân cần tiếp đón. Mặc dù cuộc đời của ngài thật bình dị, ngài đã đạt được chiều kích tâm linh đáng kể và làm được nhiều phép lạ.
Thánh Seraphin từ trần ngày 12-10-1604, và được phong thánh năm 1767.
Lời Bàn
Ðối với nhiều người ngày nay, công việc làm không có ý nghĩa gì khác hơn là để kiếm tiền cho cuộc sống. Có bao người nghĩ rằng chúng ta phải cộng tác với Thiên Chúa trong việc chăm sóc trái đất này, như được viết trong sách Sáng Thế? Những công việc của Thánh Seraphin không có gì là kinh thiên động địa mà rất tầm thường, nhưng ngài đã thi hành với một tinh thần phi thường.
Lời Trích
Trong cuốn Brothers of Men, Rene Voillaume của tu hội Tiểu Ðệ Ðức Giêsu nói về công việc tầm thường và sự thánh thiện: "Giờ đây sự thánh thiện này [của Chúa Giêsu] được thể hiện trong mọi hoàn cảnh thông thường của đời sống, của công việc, của gia đình và xã hội làng mạc, và đó là một xác định rõ ràng rằng các sinh hoạt tẻ nhạt và không ai biết đến thì hoàn toàn thích hợp với sự tuyệt hảo của Con Thiên Chúa." Ngài viết, người Kitô tin tưởng rằng "sự thánh thiện của con cái Thiên Chúa thì có thể đạt được trong mọi hoàn cảnh bình thường của một người nghèo hèn và buộc phải làm việc để sinh sống."
13 Tháng Mười : Thánh Margaret Mary Alacoque (1647-1690)
Thánh Margaret Mary được Chúa chọn để dấy động trong Giáo Hội một nhận thức về tình yêu Thiên Chúa được biểu tượng qua trái tim Chúa Giêsu.
Ngài sinh trưởng ở L'Hautecour, Burgundy, nước Pháp. Sau khi cha chết vào lúc tám tuổi, ngài được gửi vào trường Nữ Tu Thánh Clara Khó Nghèo ở Charolles. Ngài phải nằm liệt giường vì bệnh thấp khớp cho đến năm mười lăm tuổi, và lúc ấy ngài đã có lòng sùng kính Thánh Thể đặc biệt.
Ngài từ chối việc lập gia đình và gia nhập dòng Thăm Viếng ở Paray-le-Monial và khấn trọn vào năm tiếp đó. Một nữ tu dòng Thăm Viếng "không cần phải trở nên phi thường," nhưng người nữ tu trẻ tuổi này thật khác lạ. Một chị đệ tử sinh (thích chỉ trích) cũng phải công nhận Margaret là người khiêm tốn, đơn sơ và thành thật, nhưng trên tất cả Margaret hiền lành và kiên nhẫn khi bị sửa sai và chỉ trích.
Khi hai mươi tuổi, ngài được thị kiến Ðức Kitô, và từ ngày 27 tháng Mười Hai 1673, cho đến một năm rưỡi sau đó, ngài nhận được một chuỗi những thụ khải. Qua đó, Ðức Kitô cho biết thánh nữ được chọn là khí cụ của Người để lan truyền việc sùng kính Thánh Tâm Chúa, và qua tình yêu của chính mình, thánh nữ sẽ đền bù cho sự lạnh nhạt và vô ơn của thế gian -- qua sự thường xuyên và quý trọng việc Rước Lễ, nhất là trong các thứ Sáu đầu tháng, và qua một giờ cầu nguyện mỗi tối thứ Năm để tưởng nhớ sự thống khổ và cô đơn của Chúa khi trong vườn Cây Dầu. Chúa cũng yêu cầu thiết lập một ngày lễ để kính Thánh Tâm Chúa.
Như tất cả các thánh khác, Margaret đã phải trả giá cho sự thánh thiện của mình. Một số các sơ trong dòng chống đối ra mặt. Các thần học gia được triệu tập để tuyên bố những gì ngài được thụ khải chỉ là ảo tưởng và họ đề nghị ngài ăn uống điều độ hơn. Sau này một cha giải tội của nhà dòng, Chân Phước Claude de la Colombiere, dòng Tên, nhận ra giá trị thực của điều thụ khải và đã hỗ trợ ngài. Bất kể sự chống đối mãnh liệt, Ðức Kitô kêu gọi ngài hãy hy sinh để đền bù cho những thiếu sót của các sơ trong dòng, và để sứ điệp của Chúa được lan rộng.
Cho đến năm 1683, sự chống đối chấm dứt khi Mẹ Melin được chọn làm Bề Trên và bổ nhiệm Sơ Margaret Mary làm phụ tá. Sau này sơ làm Giám Ðốc Ðệ Tử Viện, và được mục kích lễ Thánh Tâm Chúa được nhà dòng cử mừng một cách riêng tư vào năm 1686, và hai năm sau, một nhà nguyện được xây cất ở Paray-le-Monial để kính Thánh Tâm Chúa.
Sơ Margaret Mary từ trần ngày 17-10 và được phong thánh năm 1920. Chính ngài cũng như Thánh Gioan Eudes và Chân Phước Claude La Colombiere được gọi là "Các Thánh của Thánh Tâm"; bảy mươi lăm năm sau, năm 1765, việc sùng kính Thánh Tâm được chính thức công nhận và được chấp thuận bởi Ðức Giáo Hoàng Clêmentê XIII.
Lời Bàn
Thời đại vật chất-khoa học của chúng ta không thể "chứng minh" những thụ khải riêng tư. Các thần học gia, nếu bị ép buộc, cũng xác nhận là chúng ta không phải tin vào điều thụ khải. Nhưng không thể khước từ sứ điệp mà Thánh Margaret Mary đã loan báo: Thiên Chúa yêu thương chúng ta với một tình yêu nồng nàn. Thánh nữ luôn nhấn mạnh đến việc đền bù qua sự cầu nguyện, và nhắc đến sự phán xét sau cùng. Những điều ấy đủ để xoá tan tính cách dị đoan và hời hợt của việc sùng kính Thánh Tâm trong khi vẫn duy trì được ý nghĩa sâu xa của Kitô Giáo.
Lời Trích
Ðức Kitô nói với Thánh Margaret Mary: "Ðây là Trái Tim đã quá yêu thế gian đến nỗi không còn giữ lại chút gì, cho đến khi kiệt quệ và héo hon, để chứng minh tình yêu của trái tim Thầy. Ðền đáp lại, Thầy chỉ nhận được sự vô ơn bạc nghĩa, qua sự bất kính và phạm thượng của chúng, và qua sự lạnh nhạt và khinh miệt của chúng trong bí tích tình yêu này... Thầy đến trong trái tim mà Thầy đã ban cho con để qua sự nhiệt thành của con, con sẽ đền bù cho những xúc phạm đến Thầy vì những tâm hồn thờ ơ và lười biếng đã làm ô danh Thầy trong Bí Tích Thánh Thể" (lần thụ khải thứ ba).
14 Tháng Mười : Thánh Giáo Hoàng Callistus I (c. 223?)
Chúng ta có được những dữ kiện xác thực về vị thánh này là từ người thù địch với ngài, đó là Hippolytus, vị giáo hoàng đối lập đầu tiên, sau này đã tử đạo. Nguyên tắc phủ định được áp dụng: Nếu Callistus có làm điều gì sái quấy, chắc chắn Hippolytus sẽ nhắc đến.
Callistus là một nô lệ trong đám gia nhân của triều đình Rôma. Ðược giao cho công việc giữ tiền của chủ, ngài đánh mất tiền, bỏ trốn và bị bắt. Sau khi phục dịch một thời gian, ngài được thả ra để tìm lại số tiền. Vì quá hăng say, ngài lại bị bắt vì cãi nhau trong đền thờ người Do Thái. Lần này ngài bị đầy đi làm hầm mỏ ở Sardinia. Sau đó ngài được thả về nhờ sự can thiệp của bà vợ bé của hoàng đế, và sống ở Anzio.
Sau đó ngài được giao cho công việc quản lý nghĩa trang của người Kitô ở Rôma, có lẽ đây là phần đất đầu tiên do Giáo Hội làm chủ. Ðức giáo hoàng phong cho ngài làm phó tế, coi ngài là bạn và là người cố vấn.
Về sau chính ngài được bầu làm giáo hoàng với đa số phiếu của hàng giáo sĩ và giáo dân ở Rôma, và do đó bị tấn công bởi Hippolytus, người thất cử, là người tự đặt mình là giáo hoàng đối lập đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội. Sự phân ly này kéo dài 18 năm.
Hippolytus được kính trọng như một vị thánh. Ngài bị lưu đầy trong thời kỳ cấm cách năm 235, và đã hòa giải với Giáo Hội. Ngài chết vì sự tra tấn ở Sardinia. Hippolytus tấn công Callistus về hai điểm -- học thuyết và kỷ luật. Dường như Hippolytus đã quá đáng khi phân biệt giữa Chúa Cha và Chúa Con (hầu như hai chúa), có lẽ vì ngôn ngữ thần học thời ấy chưa được rõ ràng. Ngài cũng kết án Callistus là quá khoan dung, vì những lý do có thể khiến chúng ta ngạc nhiên: (1) Callistus cho phép những người đã công khai sám hối về tội giết người, dâm dục và ngoại tình được Rước Lễ; (2) ngài hợp thức hóa hôn nhân giữa người nô lệ và người tự do -- trái với luật Rôma; (3) ngài cho phép truyền chức cho các ông đã lập gia đình hai hay ba lần; (4) ngài chủ trương tội trọng không phải là lý do đầy đủ để cách chức một giám mục; (5) ngài chủ trương chính sách khoan dung đối với những người đã từng chối đạo trong thời kỳ bách hại.
Ðức Callistus bị tử đạo trong cuộc nổi loạn ở Trastevere, Rôma, và là vị giáo hoàng đầu tiên (ngoại trừ Thánh Phêrô) được coi là tử đạo trong danh sách tử đạo tiên khởi của Giáo Hội.
Lời Bàn
Ðời sống của thánh nhân cho thấy con đường lịch sử của Giáo Hội, cũng như của một tình yêu chân chính, không bao giờ êm ả. Giáo Hội đã và đang phải trải qua những phấn đấu cam go để xác định các mầu nhiệm đức tin trong một từ ngữ, mà tối thiểu, phân biệt được với sự sai lầm. Về phương diện kỷ luật, Giáo Hội phải giữ được lòng thương xót của Ðức Kitô đối với sự khắt khe, trong khi vẫn giữ được lý tưởng phúc âm khi nói đến sự sám hối và kỷ luật tự giác. Mỗi một giáo hoàng -- đúng hơn mỗi một Kitô Hữu -- phải đi trên con đường khó khăn giữa sự khoan hồng "hợp lý" và sự nghiêm khắc "vừa phải".
Lời Trích
Ðức Giê-su nói về những người thời ấy, "giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ nói với nhau, 'Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không than khóc'. Vì ông Gio-an [Tẩy Giả] đến, không ăn không uống, thì chúng bảo: 'Ông ta bị quỷ ám'. Con Người đến, ăn uống như mọi người, thì chúng lại bảo: 'Ðây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.'" (Matthew 11:16b-19a).
15 Tháng Mười : Thánh Têrêsa Avila (1515-1582)
"Thánh Têrêsa Avila sống trong thời kỳ nhiều khai phá cũng như nhiều biến động chính trị, xã hội và tôn giáo. Ðó là thế kỷ 16, thời của hỗn loạn và cải tổ. Cuộc đời của thánh nữ bắt đầu với sự cực thịnh của phong trào cải cách Tin Lành, và chấm dứt sau Công Ðồng Triđentinô ít lâu.
Ơn sủng mà Thiên Chúa ban cho Têrêsa mà qua đó ngài trở nên thánh thiện, để lại gương sáng cho Giáo Hội và hậu thế gồm có ba điểm: Ngài là một phụ nữ; ngài là người chiêm niệm; ngài là người tích cực sửa đổi.
Là một phụ nữ, nhưng Têrêsa giữ vững lập trường của mình trong một thế giới "trọng nam khinh nữ" vào thời đó. Ngài là người cương quyết, gia nhập dòng Camêlô bất kể sự chống đối kịch liệt của cha mình. Ngài không phải là một con người chìm trong sự thinh lặng cũng như sự huyền bí. Ðẹp, có tài, giỏi giao tế, dễ thích ứng, trìu mến, can đảm, hăng say, ngài thực sự là một con người. Cũng như Ðức Giêsu, ngài có những mâu thuẫn lạ lùng: khôn ngoan, nhưng thực tế; thông minh, nhưng đi đôi với kinh nghiệm; huyền bí, nhưng là người quyết liệt cải cách. Một phụ nữ thánh thiện, nhưng cũng đầy nữ tính.
Têrêsa là một phụ nữ "vì Chúa", một phụ nữ của cầu nguyện, kỷ luật và giầu lòng thương. Tâm hồn ngài thuộc về Chúa. Sự hoán cải của ngài không chỉ là một công việc tức thời, nhưng đó là một tranh đấu gian khổ suốt cả đời, bao gồm sự trường kỳ thanh luyện và đau đớn. Ngài bị hiểu lầm, bị đánh giá sai, bị chống đối khi ngài nỗ lực cải cách. Tuy nhiên ngài vẫn tiếp tục, vẫn can đảm và trung tín; ngài chống trả với chính bản thân, với bệnh tật. Và trong cuộc chiến đấu ấy, ngài luôn bám víu lấy Thiên Chúa trong lời cầu nguyện. Những văn bản của ngài về sự cầu nguyện và chiêm niệm là chính những kinh nghiệm bản thân của ngài: thật mạnh mẽ, thật thiết thực và thanh cao. Một phụ nữ của cầu nguyện, một phụ nữ vì Chúa.
Têrêsa cũng là một phụ nữ "vì tha nhân." Qua sự chiêm niệm, ngài dành nhiều thời giờ và sức lực để tìm cách thay đổi chính ngài và các nữ tu Camêlô, để đưa họ trở về với những quy tắc ban đầu của nhà dòng. Ngài sáng lập trên sáu tu viện mới. Ngài đi đây đó, viết lách, chiến đấu -- luôn luôn để canh tân, để cải tổ. Trong chính bản thân ngài, trong lời cầu nguyện, trong đời sống, trong nỗ lực cải tổ, trong tất cả mọi người ngài gặp, ngài là người phụ nữ vì tha nhân, người phụ nữ làm phấn khởi cuộc đời.
Vào năm 1970, Giáo Hội ban cho ngài một danh hiệu mà người đời đã nghĩ đến từ lâu: Tiến Sĩ Hội Thánh. Ngài là người phụ nữ đầu tiên được vinh dự này.
Lời Bàn
Ngày nay chúng ta sống trong một thời đại nhiều xáo trộn, thời đại cải tổ và thời đại giải phóng. Các phụ nữ thời đại có thể nhìn đến Thánh Têrêsa như một thách đố. Thúc giục canh tân, thúc giục cầu nguyện, tất cả đều có trong con người Thánh Têrêsa là người đáng khâm phục và noi gương.
Lời Trích
Thánh Têrêsa hiểu rõ giá trị của sự đau khổ liên tục (bệnh tật thể xác, không muốn cải tổ, khó khăn cầu nguyện), nhưng ngài đã luyện tập để có thể chịu đau khổ, ngay cả khao khát đau khổ: "Lạy Chúa, hoặc là đau khổ hoặc là chết." Cho đến gần cuối đời, ngài đã kêu lên: "Ôi lạy Chúa! Thật đúng là bất cứ ai làm việc cho Ngài đều được trả bằng những khó khăn! Và đó thật đáng giá cho những ai yêu mến Ngài nếu chúng con hiểu được giá trị của nó."
16 Tháng Mười : Thánh Marguerite d'Youville (1701-1771)
Chúng ta có thể học cách thương người khi để đời sống chúng ta chịu ảnh hưởng bởi những người đầy lòng nhân hậu, bởi nhìn vào đời sống qua quan điểm của họ và suy nghĩ lại những gì chúng ta coi là giá trị.
Sinh ở Varennes, Gia Nã Ðại, cô Marie Marguerite Dufrost de Lajemmerais phải thôi học vào lúc 12 tuổi để giúp đỡ người mẹ goá. Tám năm sau cô kết hôn với Francois d'Youville; họ có sáu người con, trong đó bốn người chết khi còn nhỏ. Mặc dù chồng bà thích cờ bạc và buôn bán rượu lậu cho người thổ dân Mỹ Châu và đối xử với bà cách tàn tệ, bà Marguerite vẫn chăm sóc chồng với lòng thương mến trong hai năm trước khi ông từ trần vào năm 1730.
Dù phải chăm sóc hai con nhỏ và trông coi tiệm tạp hóa để trả nợ cho chồng, bà Marguerite vẫn thường giúp đỡ người nghèo. Khi các con đã khôn lớn, bà và một vài người bạn đã cứu nguy cho một bệnh viện ở Quebec đang trên đà suy sụp. Bà đặt tên cho cộng đoàn của bà là Các Nữ Tu Bác Ái ở Montréal; dân chúng gọi họ là các "Nữ Tu Áo Xám" vì y phục họ mặc. Vào lúc ấy, những người nghèo ở Montréal thường nói với nhau, "Ðến với các Nữ Tu Áo Xám; họ không bao giờ bị từ chối giúp đỡ." Cho đến lúc bấy giờ, năm cộng đoàn tôn giáo khác được bắt nguồn từ các Nữ Tu Áo Xám.
Bệnh Viện Công ở Montréal trở nên Hotel Dieu (Nhà Chúa) và đã đề ra một quy tắc về chăm sóc y tế và lòng nhân hậu Kitô Giáo. Khi bệnh viện bị hỏa hoạn vào năm 1766, bà Marguerite đã quỳ trên đám tro tàn, xướng bài Te Deum ca ngợi sự quan phòng của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, và bắt đầu xây dựng lại. Bà đã chống trả với mưu toan của chính phủ nhằm giới hạn công việc bác ái của bà cũng như thiết lập cô nhi viện đầu tiên ở Bắc Mỹ Châu.
Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII, đã phong chân phước cho bà Marguerite vào năm 1959, và gọi bà là "Người Mẹ của Hội Từ Thiện Chung". Bà được phong thánh năm 1990.
Lời Bàn
Các thánh thường phải đương đầu với nhiều sự nản lòng, nhiều lý do để nói rằng "đời thật bất công" và tự hỏi xem Thiên Chúa ở đâu trong những vụn vỡ của cuộc đời. Chúng ta vinh danh các thánh như Marguerite vì họ cho chúng ta thấy, với ơn sủng của Thiên Chúa và sự cộng tác của họ, sự đau khổ có thể đưa đến lòng nhân hậu thay vì sự cay đắng.
Lời Trích
"Không chỉ một lần, công việc mà Thánh Marguerite thể hiện đã bị cản trở bởi thiên nhiên hay con người. Ðể có thể hoạt động nhằm đem lại một thế giới công chính và gần gũi hơn, thánh nữ đã phải đấu tranh trong nhiều cuộc chiến nặng nề và khó khăn" (Ðức Gioan Phaolô II, bài giảng lễ phong thánh).
17 Tháng Mười : Thánh Ignatius ở Antioch (c. 107?)
Sinh trưởng ở Syria, Ignatius trở lại Kitô Giáo và sau đó làm Giám Mục Antioch. Vào năm 107, hoàng đế Trajan ghé thăm Antioch và buộc các Kitô Hữu phải chối đạo hoặc chịu chết. Ignatius cương quyết không chối bỏ đức tin và do đó bị án tử hình ở Rôma.
Trên đường từ Antioch đến Rôma để chịu tử đạo, Ðức Giám Mục Ignatius đã viết bảy lá thư nổi tiếng. Năm lá thư cho các Giáo Hội ở Tiểu Á; khuyến khích các Kitô Hữu trung thành với Thiên Chúa và vâng lời bề trên. Ngài cảnh giác họ hãy đề phòng những giáo thuyết lầm lạc, và dạy bảo họ những chân lý vững chắc của đức tin Kitô Giáo.
Lá thư thứ sáu gửi cho Polycarp, Giám Mục ở Smyrna, là người sau này cũng tử đạo vì đức tin. Lá thư sau cùng ngài xin các Kitô Hữu ở Rôma đừng ngăn cản ngài chịu tử đạo. "Ðiều duy nhất tôi xin các bạn là hãy để tôi được tự do dâng hiến máu tôi cho Thiên Chúa. Tôi là hạt lúa của Thiên Chúa, ước chi tôi được nghiền nát dưới nanh thú dữ để trở nên bánh tinh tuyền của Ðức Kitô."
Lời ước của ngài đã được thể hiện, và Ðức Ignatius từ trần dưới nanh vuốt của sư tử ở Colosseum năm 107.
Lời Bàn
Ðiều quan tâm lớn lao của Thánh Ignatius là sự hiệp nhất và trật tự trong Giáo Hội. Lớn lao hơn nữa, là ngài ao ước được tử đạo hơn là chối bỏ Ðức Giêsu Kitô. Không phải vì sự đau khổ mà người ta chú ý đến Thánh Ignatius, nhưng là vì tình yêu Thiên Chúa đã giữ vững ngài. Ngài biết cái giá của sự trung tín và không chối bỏ Ðức Kitô, dù có phải mất mạng sống.
Lời Trích
"Cùng với các Giáo Hội của Thiên Chúa ở Smyrna, tôi chào mừng các bạn. Các giáo dân đã an ủi tôi trong mọi phương cách, cả về phần xác lẫn phần hồn. Xiềng xích tôi mang vì Ðức Giêsu Kitô, như nài xin tôi hãy hân hoan trên con đường tiến đến Thiên Chúa, và tôi thúc giục các bạn: hãy kiên trì trong sự hoà thuận với nhau và trong sự cầu nguyện chung" (Ignatius Antioch, Thư Gửi Giáo Ðoàn Tralles).
32. François-Isidore GAGELIN Kính,
sinh năm 1799 tại Montperreux, Besançon, Pháp, Linh Mục, Hội Thừa Sai Paris, xử giảo ngày 17-10-1833 tại Bãi Dâu dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 17-10.
18 Tháng Mười : Thánh Luca
Thánh Luca là người viết phần lớn bộ sách Tân Ước, gồm quyển Phúc Âm thứ ba và Công Vụ Tông Ðồ. Trong hai cuốn này, ngài cho thấy sự song hành giữa đời sống Ðức Kitô và của Giáo Hội. Trong các thánh sử, ngài là người duy nhất thuộc dân ngoại. Truyền thuyết cho rằng ngài sinh quán ở Antioch, và Thánh Phao-lô gọi ngài là "người thầy thuốc yêu quý của chúng ta" (Col. 4:14). Có lẽ ngài viết sách Phúc Âm trong khoảng từ năm 70 cho đến 85.
Ngài xuất hiện trong sách Công Vụ trong chuyến hành trình thứ hai của Thánh Phao-lô, và ở lại Philippe một vài năm cho đến khi Thánh Phao-lô trở về đó trong chuyến hành trình thứ ba, và ngài tháp tùng Thánh Phao-lô đến Giêrusalem và ở gần thánh nhân trong thời gian cầm tù ở Ceasarea. Trong hai năm này, Thánh Luca đã có thời giờ để tìm tòi thêm các chi tiết và phỏng vấn những người đã từng gặp Ðức Giêsu. Sau cùng ngài là người đồng hành trung tín đã tháp tùng Thánh Phao-lô trong chuyến đi đầy nguy hiểm đến Rôma. Trong thư gửi Timôthê, Thánh Phao-lô có nhắc, "Chỉ có Luca là ở với tôi" (2 Tim 4:11).
Lời Bàn
Thánh Luca viết cho Kitô Hữu dân ngoại với tư cách của một người dân ngoại. Cuốn Phúc Âm ngài viết chứng tỏ ngài là người giỏi về tiếng Hy Lạp, cũng như nguồn gốc của Do Thái.
Ðặc tính của Thánh Luca có thể được nhận thấy trong Phúc Âm của ngài qua những tiêu đề được nhấn mạnh: (1) Phúc Âm của Sự Nhân Từ: Thánh Luca nhấn mạnh đến lòng nhân từ và nhẫn nại của Ðức Giêsu đối với người tội lỗi và người đau khổ. Ngài thật cởi mở đối với mọi người, Ngài lưu tâm đến người Samaritan, người phong cùi, người thu thuế, người lính, người tội lỗi công khai, người mù chữ, người nghèo. Chỉ trong Phúc Âm Thánh Luca là có đề cập đến người phụ nữ tội lỗi, dụ ngôn con chiên lạc và đồng bạc bị mất, dụ ngôn người con hoang đàng, và người trộm lành. (2) Phúc Âm của Sự Cứu Chuộc Vạn Vật: Ðức Giêsu chết cho tất cả mọi loài. Ngài không chỉ là con vua Ðavít mà còn là con cháu A Dong, và người ngoại giáo là bạn của Ngài. (3) Phúc Âm của Người Nghèo: "Người bé mọn" thường nổi bật -- ông Zecharia và bà Elizabeth, Ðức Maria và Thánh Giuse, các mục đồng, cụ Simeon và bà Anna. Ngài cũng lưu tâm đến điều mà ngày nay chúng ta gọi là "sự nghèo khó phúc âm." (4) Phúc Âm của Sự Quên Mình Tuyệt Ðối: Thánh Luca nhấn mạnh đến nhu cầu hiến dâng hoàn toàn cho Ðức Kitô. (5) Phúc Âm của Sự Cầu Nguyện và Chúa Thánh Thần: Thánh Luca cho thấy Ðức Giêsu cầu nguyện trước mỗi biến cố quan trọng trong sứ vụ. Chúa Thánh Thần đưa Giáo Hội đến cùng đích tuyệt hảo. (6) Phúc Âm của Niềm Vui: Thánh Luca thành công trong việc trưng dẫn niềm vui cứu độ đã lan tràn trong Giáo Hội tiên khởi.
Lời Trích
Ðoạn kết của Phúc Âm Thánh Luca: "Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Các ông bái lạy Người, rồi trở về Giê-ru-sa-lem mà lòng tràn ngập niềm vui, và họ tiếp tục ở trong Ðền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa" (Luca 24:50-53).
19 Tháng Mười : Các Thánh Tử Ðạo Bắc Mỹ Châu
Isaac Jogues (1607-1646): Thánh Isaac Jogues và các bạn là những người tử đạo đầu tiên của Bắc Mỹ Châu. Khi còn là một linh mục dòng Tên trẻ tuổi, ngài là một người có học thức và văn hóa, dạy văn chương ở Pháp. Nhưng ngài đã từ bỏ công việc này để phục vụ người da đỏ Huron ở Tân Thế Giới, vào năm 1636 ngài và các bạn, dưới sự lãnh đạo của Cha Jean de Brebeuf, đã đến Québec. Thời ấy, người Huron thường hay giao chiến với người Iroquois, và chỉ sau vài năm Cha Jogues và các linh mục khác đã bị người Iroquois bắt và cầm tù trong 13 tháng. Các lá thư và nhật ký của ngài cho thấy các ngài đã bị đưa từ làng này sang làng khác, bị đánh đập, bị tra tấn và buộc phải nhìn thấy cảnh những người Huron trở lại đạo bị xẻo thịt và giết chết.
Một cơ hội bất ngờ đã giúp Cha Isaac Jogues vượt thoát đến Hòa Lan, và ngài trở về Pháp với những chứng tích của sự tra tấn. Những ngón tay bị cứa, bị bầm dập và bị cháy nám. Ðức Giáo Hoàng Urbanô VIII đã cho phép ngài cử hành Thánh Lễ với bàn tay tàn tật: "Thật hổ thẹn nếu một vị tử đạo của Ðức Kitô không được phép uống Máu Thánh Ðức Kitô." Sau khi được chào đón như một vị anh hùng, người ta nghĩ Cha Jogues có thể nghỉ ngơi và và sống an nhàn cho đến tuổi già. Nhưng nhiệt huyết rao giảng Tin Mừng lại thúc giục ngài trở về với ước mơ ban đầu. Trong một vài tháng sau, ngài lại dong buồm sang truyền giáo cho người Huron.
Vào năm 1646, Cha Jogues và Cha Jean de Lalande đến phần đất của người Iroquois với sự tin tưởng rằng người da đỏ sẽ tôn trọng hiệp ước hòa bình mới được ký kết. Nhưng ngay lập tức, các ngài đã bị phe gây chiến Mohawk bắt giữ, và vào ngày 18-10 Cha Jogues đã bị tra tấn bằng rìu và bị chặt đầu. Cha Jean de Lalande bị chết vào ngày hôm sau ở Ossernenon, một làng gần Albany, Nữu Ước.
Một trong các vị thừa sai dòng Tên tử đạo đầu tiên là Cha Rene Goupil, là người cùng với Cha Lalande đã hy sinh mạng sống như của tế lễ. Ngài bị tra tấn cùng với Cha Isaac Jogues, và bị chém bằng rìu vì đã làm dấu Thánh Giá trên trán các trẻ em.
Thánh Jean de Brebeuf (1593-1649): Jean de Brebeuf là một linh mục dòng Tên người Pháp, đến Gia Nã Ðại lúc 32 tuổi và làm việc ở đây trong vòng 24 năm. Khi nước Anh xâm chiếm Québec năm 1629 và trục xuất các linh mục dòng Tên thì ngài trở về Pháp, và bốn năm sau ngài trở lại hoạt động. Lúc ấy, người Huron bị dịch đậu mùa và người thầy thuốc của họ đổ lỗi cho các cha dòng Tên, nhưng Cha Jean vẫn ở lại đó.
Ngài đã soạn bộ giáo lý và tự điển tiếng Huron, và được nhìn thấy 7,000 người trở lại đạo trước khi ngài từ trần. Ngài bị người Iroquois bắt và sau bốn giờ tra tấn dã man, ngài đã trút hơi thở cuối cùng ở Sainte Marie, gần Georgian Bay, Gia Nã Ðại.
Cha Anthony Daniel, cũng phục vụ cho người Huron và bị người Iroquois giết chết vào ngày 4 tháng Bảy, 1648. Thi thể của ngài bị ném vào nhà nguyện và sau đó bị đốt cháy.
Thầy Gabrien Lalemant, sau khi chịu chức bốn cũng đã hy sinh mạng sống cho người da đỏ. Cùng với Cha Brebeuf, ngài bị tra tấn cho đến chết.
Cha Charles Garnier bị bắn chết khi ngài rửa tội cho các trẻ em và người dự tòng trong một cuộc tấn công của người Iroquois.
Cha Noel Chabanel bị giết trước khi được gọi về Pháp. Ngài thấy thật khó khăn để thích ứng với đời sống truyền giáo. Ngài không thể học được tiếng thổ âm, và ghê tởm thức ăn và đời sống của người da đỏ, và ngài cảm thấy tinh thần thật khô khan trong thời gian ở Gia Nã Ðại. Tuy nhiên ngài đã giữ lời hứa ở lại đây cho đến chết trong sứ vụ truyền giáo.
Tám vị linh mục dòng Tên tử đạo đầu tiên ở Bắc Mỹ Châu này đã được phong thánh vào năm 1930.
Lời Bàn
Ðức tin và đặc tính anh hùng đã in sâu niềm tin nơi thập giá Ðức Kitô trên quê hương Mỹ Châu. Giáo Hội Bắc Mỹ được phát sinh từ dòng máu tử đạo. Nhưng liệu chúng ta có còn hăng hái để giữ thập giá ấy vươn cao giữa chúng ta hay không? Chúng ta có còn can đảm để làm chứng cho đức tin đã ăn sâu nơi chúng ta, làm chứng cho Tin Mừng của thập giá cứu độ nơi gia đình, sở làm, và ngoài xã hội hay không?
Lời Trích
"Tôi tín thác vào Thiên Chúa là Ðấng không cần đến sự giúp đỡ của chúng ta để hoàn thành công trình của Người. Mỗi một nỗ lực của chúng ta là để giúp lập công và trung tín với Người, vậy chúng ta đừng làm hư hại công trình của Người bằng những khiếm khuyết của chúng ta" (trích từ lá thư Thánh Isaac Jogues gửi cho một linh mục bạn ở Pháp, ngày 12-9-1646, một tháng trước khi ngài tử vì đạo).
20 tháng 10 : Thánh Phaolô Thánh Giá (1694 – 1775)
Thánh Phaolô Thánh Giá sinh ở Ovada trong Cộng Hòa Genoa, ngày 3 tháng Giêng, 1694. Thời thơ ấu và thanh niên của người nổi tiếng là thật thà và đạo đức.
Sau khi chịu chức linh mục, người được linh ứng để thành lập một tu hội; trong một thị kiến người thấy tay cầm một tu phục mà sau đó trở thành tu phục của tu hội này.
Sau khi hội ý với vị giám đốc, là ĐGM Gastinara ở Alexandria trong vùng Piedmont, người đi đến kết luận rằng Thiên Chúa muốn người thiết lập một tu hội để vinh danh sự Thống Khổ của Chúa Giêsu Kitô. Vào ngày 22 tháng Mười Một, 1720, vị giám mục này đã khoác cho người tu phục mà người được thấy trong thị kiến, chính tu phục ấy mà các tu sĩ dòng Khổ Nạn (Passionist) mặc cho đến ngày nay.
Từ lúc đó trở đi, thánh nhân đã tự áp dụng cho mình Quy Luật của tu hội; và năm 1721 người đến Rôma để xin Tòa Thánh chấp nhận. Lúc đầu, người thất bại, nhưng sau cùng đã thành công khi Đức Bênêđích XIV phê chuẩn Quy Luật này vào năm 1741 và 1746.
Trong khi đó thánh nhân xây đan viện đầu tiên gần Obitello. Ít lâu sau người thành lập một cộng đoàn lớn hơn tại Nhà Thờ Thánh Gioan ở Rôma.
Trong năm mươi năm thánh nhân tiếp tục công cuộc truyền giáo không mệt mỏi ở nước Ý. Thiên Chúa đã ban cho người các ơn cao trọng về siêu nhiên, nhưng người vẫn giữ được nhiệt huyết hăng say, và tin rằng người chỉ là một đầy tớ vô dụng và một tội nhân.
Cái chết thánh thiện của người ở Rôma xảy ra vào năm 1775 khi người được tám mươi mốt tuổi. Người được tuyên thánh bởi ĐGH Piô IX năm 1867. Ngày lễ kính thánh nhân là 20 tháng Mười.
Chân Phước James ở Strepar (c. 1409?)
Chân Phước James sinh trưởng trong một gia đình quý tộc ở Ba Lan. Ngài gia nhập dòng Phanxicô từ khi còn nhỏ, giữ nhiệm vụ quản lý ở tu viện Lvov và đã hòa dịu sự căng thẳng giữa các tu sĩ dòng và giáo sĩ địa phận. Ngài rất thích hoạt động cho người Chính Thống Giáo, và đã phục vụ họ trong một thập niên. Ðược sai đến miền tây nước Nga, ngài giữ nhiệm vụ đại diện cho các tu sĩ Phanxicô ở đây, ngài rao giảng phúc âm và hoạt động để giữ vững đức tin của người tín hữu.
Khoảng năm 1360, ngài giữ một vai trò trong nhóm truyền giáo đặc biệt, có tên là Lữ Khách Vì Ðức Kitô, gồm các tu sĩ Phanxicô và Ðaminh. Công việc rao giảng và tổ chức của Chân Phước James được coi là thành công. Sau đó ngài giữ nhiệm vụ Tổng Giám Mục Galich, xây dựng một vài nhà thờ mới ở những nơi hẻo lánh và bổ nhiệm các linh mục kinh nghiệm từ Ba Lan đến hoạt động; ngài cũng thành lập các dòng tu, xây cất trường học, và bệnh viện. Ngài rất bén nhạy về nhu cầu của người dân, nên thường trực tiếp đưa đề nghị lên quốc hội Ba Lan; bởi đó ngài có tước vị là "người bảo vệ vương quốc."
Ngài là tổng giám mục nhưng không giống như các giám mục khác trong thời ấy. Ngài thích mang y phục dòng Phanxicô hơn là phô trương bề ngoài và đi chân đất.
Ngài có lòng sùng kính Ðức Mẹ một cách đặc biệt. Ảnh của Ðức Mẹ được khắc trên con dấu và trên nhẫn giám mục của ngài. Mỗi tối ngài đều cử hành nghi thức sùng kính Ðức Mẹ ở nhà thờ hoặc bất cứ đâu ngài đến.
Sau 19 năm làm giám mục, Chân Phước James đã được phần thưởng nước trời. Ngài được chôn cất trong nhà thờ Phanxicô ở Lvov.
21 Tháng Mười : Chân Phước Josephine Leroux (c. 1794)
Josephine là một nữ tu dòng Thánh Clara Khó Nghèo ở Valenciennes, nước Pháp, vào thời Cách Mạng Pháp bắt đầu. Ngài buộc phải trở về gia đình khi nhà dòng được lệnh giải tán. Trong thời gian đàn áp các cộng đồng tôn giáo, quân đội Áo chiếm được thành phố này. Vì tu viện bị phá hủy, nên ngài phải gia nhập cộng đoàn của các nữ tu Ursulines. Khi lực lượng cách mạng tái chiếm thành phố này, Josephine bị bắt về tội phản quốc.
Khi đối chất với những người lính đến bắt, ngài thật điềm tĩnh nói: "Ðể bắt một phụ nữ yếu đuối như tôi thì đâu cần phải mất nhiều công sức như vậy." Và ngài thản nhiên lấy nước, bánh trái mời họ ăn, sau đó theo họ đến nhà tù.
Quân cách mạng kết án tử hình ngài vì cho rằng ngài đã phạm luật khi vẫn tiếp tục đời sống tu trì dù có lệnh cấm. Sau khi được rước Mình Thánh, ngài đi theo tên lý hình trong khi miệng hát bài thánh ca. Ngài cất tiếng tha lỗi mọi người và hôn tay tên lý hình. Ngài được tử đạo ngày 23-10-1794.
22 Tháng Mười : Thánh Gioan Phaolô II (1920 – 2005)
Hãy mở rộng cửa cho Đức Kitô,” là lời thúc giục của Đức Gioan Phaolô II trong bài giảng Thánh Lễ khi người được tấn phong giáo hoàng năm 1978.
Sinh ở Wadowice, Ba Lan, Karol Jozef Wojtila mồ côi mẹ, mồ côi cha và mất người anh ruột trước khi 21 tuổi. Tương lai học viện đầy hứa hẹn của Karol tại Đại Học Jagiellonian của Krakow bị đứt đoạn khi thế chiến II xảy ra. Trong khi làm việc ở hầm mỏ và xưởng hóa học, anh ghi danh theo học một chủng viện “chui” ở Krakow. Sau khi được thụ phong linh mục năm 1946, ngay lập tức cha Karol được gửi sang Rôma để lấy bằng tiến sĩ thần học.
Trở về Ba Lan, một thời gian ngắn làm cha phó của một giáo xứ ở ngoại ô trước khi là tuyên úy sinh viên rất thành công. Không bao lâu ngài lấy bằng tiến sĩ triết và bắt đầu dậy môn này tại Đại Học Lublin ở Ba Lan.
Cộng sản Ba Lan cho phép ngài được bổ nhiệm làm giám mục phó của Krakow năm 1958, cho rằng ngài là một trí thức gia ngây thơ. Họ thật sai lầm!
Ngài tham dự bốn khóa họp của Công Đồng Vatican II và đặc biệt góp phần cho Hiến Chế Mục Vụ Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay. Năm 1964, ngài được bổ nhiệm là tổng giám mục của Krakow, ba năm sau ngài được chọn là hồng y.
Tháng Mười 1978, ngài được chọn làm giáo hoàng và lấy tên của vị giáo hoàng tiền nhiệm trong thời gian thật ngắn ngủi. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng đầu tiên không phải người Ý trong 455 năm. Ngài đã thực hiện các chuyến tông du mục vụ đến 124 quốc gia, kể cả một vài quốc gia rất ít Kitô Hữu.
Ngài cổ vũ sự đại kết và các sinh hoạt liên tôn giáo, đặc biệt là Ngày Cầu Cho Hòa Bình Thế Giới năm 1986 tại Assissi. Ngài đã đến thăm Hội Đường Do Thái ở Rôma và bức tường than khóc ở Giêrusalem; ngài còn thiết lập các quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Do Thái. Ngài cải thiện các tương quan Công Giáo – Hồi Giáo và vào năm 2001 ngài đã viếng ngôi đền Hồi giáo ở Damascus, Syria.
Năm Thánh 2000, một sinh hoạt then chốt trong tác vụ của Đức Gioan Phaolô II, được ghi dấu bởi những nghi thức long trọng ở Rôma và ở bất cứ đâu có người Công Giáo và các tín hữu Kitô khác. Các quan hệ với Chính Thống Giáo được cải tiến đáng kể trong thời gian ngài làm giáo hoàng.
“Đức Kitô là trung tâm của vũ trụ và của lịch sử nhân loại,” là câu mở đầu tông thư 1979, Đấng Cứu Chuộc Loài Người. Năm 1995, trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ngài tự cho mình là “một chứng nhân của niềm hy vọng.”
Chuyến thăm Ba Lan của ngài năm 1979 đã khích lệ phong trào Đoàn Kết lớn mạnh ở đây và 10 năm sau đưa đến sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở các vùng trung và đông Âu Châu. Ngài mở đầu Ngày Giới Trẻ Thế Giới và du hành đến một vài quốc gia để cử hành sinh hoạt này. Ngài rất muốn đến thăm Trung Cộng và Liên Bang Xô Viết nhưng các chính phủ ở đây đã ngăn cản điều đó.
Một trong những hình ảnh đáng nhớ của ngài là cuộc nói chuyện năm 1983 đối diện với Mehmet Ali Agca, người đã có ý định ám sát ngài hai năm trước đó.
Trong 27 năm làm giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô II đã viết 14 tông thư và năm cuốn sách, tuyên thánh cho 482 vị và tuyên chân phước cho 1,338 vị.
Trong những năm cuối đời, ngài bị bệnh Parkinson và buộc phải hủy bỏ một số hoạt động.
Đức Giáo Hoàng Bênêđích XVI đã tuyên chân phước cho Đức Gioan Phaolô II năm 2011, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên thánh cho ngài năm 2014.
Lời Bàn
Trước Thánh Lễ an táng Đức Gioan Phaolô II ở quảng trường Thánh Phêrô, hàng ngàn người đã kiên nhẫn chờ đợi để được cầu nguyện trước thi hài của ngài, được đặt cung kính trong đền Thánh Phêrô trong vài ngày. Các hãng truyền thông tường thuật về tang lễ của ngài thì chưa từng thấy.
Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, lúc bấy giờ là Trưởng Hồng Y Đoàn và sau này là Đức Giáo Hoàng Bênêđích XVI, đã chủ sự Thánh Lễ an táng và kết thúc bài giảng với lời nói: “Không ai trong chúng ta có thể quên được, làm thế nào trong Chúa Nhật Phục Sinh sau cùng của đời ngài, Đức Thánh Cha dù đau đớn, đã đến cửa sổ của Dinh Tông Đồ và chúc lành cho thành phố và toàn thế giới lần sau cùng.”
“Chúng ta có thể đoan quyết rằng đức giáo hoàng yêu dấu của chúng ta hôm nay đang đứng ở cửa sổ nhà Cha trên trời, ngài nhìn chúng ta và chúc lành cho chúng ta. Phải, hãy chúc lành cho chúng con, hỡi Đức Thánh Cha. Chúng con phó thác linh hồn yêu dấu của ngài cho Mẹ Maria, là Mẹ của ngài, là người đã dẫn dắt ngài hàng ngày và sẽ dẫn dắt ngài bây giờ đến sự vinh hiển của Con của Mẹ, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.”
Lời Trích
Trong Thư gửi Người Già năm 1999, ĐGH Gioan Phaolô II viết: “Ôi Thiên Chúa của sự sống… khi giây phút ‘vượt qua’ xảy đến, xin ban cho chúng con sự bình thản để đối diện mà không hối tiếc những gì để lại đằng sau. Vì khi được gặp Ngài, sau khi tìm kiếm Ngài quá lâu, chúng con sẽ lại tìm thấy mọi sự tốt lành đích thật mà chúng con từng được biết đến khi ở trần gian, cùng hợp đoàn với những người đã ra đi trước chúng con là những người được ghi dấu với đức tin và đức cậy… Amen.”
22 Tháng Mười (old) : Thánh Phêrô ở Alcantara (1499-1562)
Thánh Phêrô là một trong những vị thánh Tây Ban Nha nổi tiếng của thế kỷ 16, gồm có Thánh Ignatius ở Loyola và Thánh Gioan Thánh Giá. Thánh Phêrô là cha giải tội của Thánh Têrêsa Avila. Sự cải cách Giáo Hội thời đó là vấn đề chính yếu trong thời đại của ngài, và ngài dồn mọi nỗ lực cho công cuộc ấy. Ngài từ trần một năm trước khi Công Ðồng Triđentinô bế mạc.
Sinh trưởng trong một gia đình quý tộc (cha ngài là thủ hiến Alcantara, Tây Ban Nha), Thánh Phêrô học luật ở Ðại Học Salamanca và khi lên 16 tuổi, ngài gia nhập dòng Phanxicô Khó Nghèo. Trong thời gian tu tập, ngài chứng tỏ nhiều khả năng trổi vượt. Ngài được chọn là giám đốc một tu viện mới ngay cả trước khi chịu chức linh mục; và khi 39 tuổi, ngài được chọn làm bề trên tỉnh dòng; ngoài ra ngài là vị rao giảng nổi tiếng. Tuy nhiên, công việc hàng ngày của ngài vẫn là rửa chén, đốn củi cho nhà dòng. Ngài không muốn được người ta chú ý, thật vậy, ngài thích sự cô độc.
Về phương diện ăn chay đền tội, ngài trổi vượt về việc ăn uống kham khổ và mặc quần áo rất đơn sơ. Người ta nói ngài chỉ ngủ có 90 phút mỗi đêm. Trong khi những người khác chỉ nói về sự cải tổ, thì Thánh Phêrô đã bắt đầu cải tổ từ chính ngài. Ngài có được đức tính kiên nhẫn lớn lao đến độ sau này người ta có câu châm ngôn rằng: "Ðể chịu nổi sự xúc phạm ấy, phải có sự kiên nhẫn của Phêrô Alcantara."
Vào năm 1554, Thánh Phêrô, sau khi được phép, đã thành lập một nhóm tu sĩ Phanxicô sống nghiêm nhặt theo Quy Luật Thánh Phanxicô. Những vị này thường được gọi là tu sĩ Alcantarines. Một số tu sĩ Tây Ban Nha đến Bắc Mỹ và Nam Mỹ trong các thế kỷ 16, 17 và 18 là thành viên của tu hội nói trên. Vào cuối thế kỷ 19, các tu sĩ Alcantarines sát nhập với các tu sĩ Phanxicô Khó Nghèo để trở thành Dòng Tiểu Ðệ.
Là vị linh hướng cho Thánh Têrêsa Avila, Thánh Phêrô khuyến khích thánh nữ phát động sự cải cách trong dòng Camêlô. Lời rao giảng của Thánh Phêrô đã đưa nhiều người trở về với đời sống đạo đức, nhất là dòng Ba Phanxicô, và dòng Thánh Clara Hèn Mọn.
Ngài được phong thánh năm 1669.
Lời Bàn
Sự khó nghèo là một phương tiện chứ không phải cùng đích của Thánh Phêrô Alcantara. Mục đích là theo Chúa Kitô với một tâm hồn thật thanh khiết. Bất cứ gì cản trở con đường đó đều bị loại trừ mà không thực sự mất mát.
Triết lý thụ hưởng của thời đại chúng ta -- giá trị của một người tùy thuộc những gì họ có -- sẽ thấy rằng phương cách của Thánh Phêrô Alcantara thật khó khăn. Tuy nhiên, phương cách của ngài đã đem lại sự sống trong khi sự hưởng thụ chỉ đem lại sự hủy diệt.
Lời Trích
"Tôi không ca ngợi việc sống khó nghèo chỉ vì sự khó nghèo; tôi chỉ ca ngợi sự khó nghèo mà chúng ta kiên trì chịu đựng vì lòng yêu mến Ðấng Cứu Thế, và tôi coi đó là điều đáng khát khao hơn là sự khó nghèo mà chúng ta thi hành một cách máy móc; vì nếu tôi suy nghĩ hoặc tin tưởng ngược lại, thì dường như tôi không có căn bản đức tin" (Thư của Thánh Phêrô Alcantara gửi cho Thánh Têrêsa Avila).
23 Tháng Mười : Thánh Gioan ở Capistrano (1385-1456)
Người ta thường nói các thánh là những người lạc quan nhất thế giới. Các ngài không bị mù quáng bởi sự dữ hay hậu quả của nó, nhưng các ngài luôn đặt niềm tin vào quyền năng ơn cứu độ của Ðức Kitô. Sức mạnh hoán cải của Ðức Kitô không chỉ ảnh hưởng đến người có tội mà còn ảnh hưởng cả đến các tai họa.
Thế kỷ 14 là thời kỳ hỗn loạn về đạo cũng như đời. Một phần ba dân số và gần 40 phần trăm giáo sĩ bị tiêu diệt bởi bệnh dịch hạch. Cuộc Ðại Ly Giáo Tây Phương đã phân tán Giáo Hội đến độ Tòa Thánh không chỉ có một giáo hoàng mà đến hai, ba giáo hoàng một lúc. Nước Anh và nước Pháp đang giao chiến với nhau. Thủ đô nước Ý luôn luôn có tranh chấp. Hiển nhiên sự u ám đó đã bao trùm cả thời đại và khống chế tinh thần văn hóa.
Thánh Gioan sinh ở Capistrano, nước Ý năm 1385. Ngài là con của một cựu hiệp sĩ người Ðức sống trong thành phố. Ngài học luật ở Ðại Học Perugia và hành nghề luật sư ở các tòa án Naples. Khi 26 tuổi, ngài được Hoàng Ðế Ladislas của Naples bổ nhiệm làm thủ hiến xứ Perugia. Trong cuộc chiến tranh với người Malatestas ở lân cận, ngài bị phản bội và bị cầm tù. Sau khi được thả về, ngài quyết tâm thay đổi cuộc đời và gia nhập dòng Phanxicô ở Perugia năm ngài 31 tuổi.
Sau khi được thụ phong linh mục vào bốn năm sau, ngài đi rao giảng khắp các nước Ý, Ðức, Bohemia, Áo, Hung Gia Lợi, Ba Lan và Nga. Vào lúc người ta thờ ơ và nghi ngờ tôn giáo thì ngài đã lôi cuốn được nhiều người trở về với Giáo Hội. Các quốc gia miền trung Âu Châu đã tiếp đón ngài cùng với các tu sĩ Phanxicô như các thiên thần của Thiên Chúa. Họ là những khí cụ để hồi phục niềm tin đang dẫy chết.
Chính dòng Phanxicô cũng trong tình trạng xáo trộn về việc giải thích và tuân giữ quy luật của Thánh Phanxicô. Qua các nỗ lực không ngừng của Cha Gioan Capistrano và nhờ kinh nghiệm luật pháp của ngài, tà giáo Fraticelli bị cấm hoạt động và Linh Ðạo Thánh Phanxicô tinh tuyền lại được nêu cao.
Khi vua Hồi Giáo là Mohammed II đe dọa tấn công Vienna và Rôma, Cha Gioan Capistrano, dù đã bảy mươi tuổi, được Ðức Giáo Hoàng Callistus II giao cho công việc rao giảng và chỉ huy thập tự quân chống với sự xâm lăng của người Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng với đoàn quân bảy mươi ngàn Kitô Hữu, ngài đã chiến thắng người Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến sau cùng ở Belgrade năm 1456. Ba tháng sau ngài từ trần ở Illok, Hung Gia Lợi ngày 23-10-1456. Ngài được đặt làm quan thầy của các luật gia.
Lời Bàn
John Hofer, người viết tiểu sử Thánh Gioan Capistrano, nhắc lại một tổ chức ở Bỉ lâáy tên của thánh nhân, nhằm mục đích giải quyết các vấn đề của đời sống trong một tinh thần hoàn toàn Kitô Giáo. Châm ngôn của tổ chức ấy là: "Sáng Kiến, Tổ Chức, Hành Ðộng." Những lời này thực sự là đặc tính của cuộc đời Thánh Gioan. Ngài không phải là người ngồi không. Sự lạc quan Kitô Giáo đã thúc đẩy ngài chiến đấu với các vấn đề thuộc đủ mọi tầng lớp với niềm tin sâu xa nơi Ðức Kitô.
Lời Trích
Trên mộ của thánh nhân ở làng Villach, Hung Gia Lợi, quan đầu tỉnh đã cho khắc những hàng chữ sau: "Ngôi mộ này là nơi chôn cất Thánh Gioan, sinh ở Capistrano, một người đáng được ca tụng, người biện hộ và cổ võ đức tin, người bảo vệ Giáo Hội, người hăng say che chở nhà dòng, niềm vinh dự cho cả thế giới, người yêu quý sự thật và công bình, gương sáng cho đời sống, vững chắc trong giáo lý; được bao người đời ca tụng, ngài đang sung sướng ngự trên thiên đàng." Văn mộ chí ấy thật xứng đáng cho một người lạc quan chân chính và thành công.
sinh tại Phủ Cam, Huế, Quan Thị Vệ, xử trảm ngày 23-10-1833 tại Thợ Ðức dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 23-10.
24 Tháng Mười : Thánh Antôn Maria Claret (1807-1870)
Người cha tinh thần của Cuba" là một nhà truyền giáo, người sáng lập dòng, người cải cách xã hội, tuyên uý của hoàng hậu, nhà văn và nhà xuất bản, là đức tổng giám mục và cũng là người tị nạn. Ngài là người Tây Ban Nha mà vì công việc ngài đã đặt chân đến các nơi như quần đảo Canary, Cuba, Madrid, Paris và Công Ðồng Vatican I.
Thánh Antôn Claret sinh ở làng Salient, tỉnh Catalonia, nước Tây Ban Nha năm 1807. Ngài là con của một người thợ dệt. Trong khi làm thợ dệt cũng như vẽ kiểu cho một xưởng tơ sợi ở Barcelona, ngài dùng thời giờ rảnh rỗi để học tiếng Latinh và học cách in ấn: quả thật Chúa đang chuẩn bị ngài để trở nên một linh mục và nhà xuất bản tương lai. Ðược thụ phong linh mục lúc 28 tuổi, vì sức khỏe yếu kém nên ước mơ trở nên một tu sĩ dòng Tên hay dòng Thánh Brunô không thành tựu, ngài đã trở nên một linh mục triều nổi tiếng về rao giảng ở Tây Ban Nha. Ngài dành 10 năm để đi giảng tuần đại phúc, và luôn luôn nhấn mạnh đến bí tích Thánh Thể và sự sùng kính Trái Tim Mẹ Maria. Người ta nói, chuỗi mai khôi không bao giờ rời khỏi tay ngài. Khi 42 tuổi, cùng với năm linh mục trẻ, ngài thành lập tu hội truyền giáo, mà ngày nay được gọi là tu sĩ dòng Claret.
Từ năm 1850 đến 1857, ngài được bổ nhiệm về làm tổng giám mục của giáo phận bị quên lãng từ lâu là Tổng Giáo Phận Santiago ở Cuba. Ngài bắt đầu cải cách bằng việc rao giảng không ngừng và giải tội. Dĩ nhiên ngài phải chịu nhiều chống đối cay đắng -- phần lớn là vì ngài kịch liệt lên án vấn đề vợ lẽ và vì ngài dạy giáo lý cho các người nô lệ da đen. Một tù nhân mà Cha Antôn chuộc ra khỏi tù đã được thuê mướn để giết ngài, nhưng ngài thoát chết và chỉ bị thương ở mặt và tay. Cũng chính Cha Antôn giúp người này thoát án tử hình. Ngài giúp thay đổi sự nghèo nàn của dân Cuba bằng cách giúp họ trồng trọt những thực phẩm khác nhau, cần cho thị trường. Ðiều này khiến các điền chủ tức giận, vì họ chỉ muốn dân chúng trồng mía để thu hoa lợi. Trong các văn bản về tôn giáo của ngài còn có hai quyển ngài viết khi ở Cuba: Suy Tư về Canh Nông và Lợi Nhuận Quốc Gia.
Ngài được gọi về Tây Ban Nha với một công việc mà ngài không ưa thích gì -- làm tuyên uý cho nữ hoàng. Ngài đồng ý trở về với ba điều kiện: Ngài sẽ ở ngoài hoàng cung, ngài chỉ đến nghe nữ hoàng xưng tội và dạy giáo lý cho con cái họ, và ngài không bị dính líu gì đến sinh hoạt triều đình.
Cả cuộc đời Thánh Antôn, ngài chỉ mơ ước việc xuất bản sách báo Công Giáo. Ngài sáng lập Nhà In Công Giáo, một cơ sở xuất bản Công Giáo mạo hiểm kinh doanh ở Tây Ban Nha, và ngài đã viết cũng như xuất bản khoảng 200 cuốn sách lớn nhỏ.
Trong Công Ðồng Vatican I, ngài là người trung thành bảo vệ tín điều bất khả ngộ của đức giáo hoàng, ngài được sự thán phục của các giám mục bạn. Ðức Hồng Y Gibbons của Baltimore nhận xét về ngài, "Ðây thực sự là vị thánh." Ngài chết ở tu viện dòng Xitô lúc 63 tuổi.
Lời Bàn
Ðức Giêsu đã nói trước cho những ai muốn theo Người là họ sẽ bị bách hại như chính Chúa. Ngoài những cám dỗ trong đời, Thánh Antôn còn phải chịu đựng biết bao vu khống xấu xa đến độ tên Claret của ngài đồng nghĩa với nhục nhã và bất hạnh. Ma quỷ không dễ gì buông tha con mồi của chúng.
Chúng ta không cần phải đi tìm sự bách hại. Tất cả những gì chúng ta cần là sẵn sàng chịu đau khổ vì đức tin chân thật nơi Ðức Kitô, chứ không phải vì những bất cẩn và tính khí bất bình thường của chúng ta.
Lời Trích
Có lần Nữ Hoàng Isabella II nói với Thánh Antôn, "Không ai có thể nói cho tôi nghe một cách rõ ràng và thành thật như cha." Sau này hoàng hậu nói với ngài, "Mọi người đều xin tôi ban cho họ những ơn huệ này nọ, nhưng chưa bao giờ thấy cha làm như vậy. Cha có muốn xin điều gì không?" Ngài trả lời, "Thưa có, xin cho tôi từ chức." Từ đó trở đi hoàng hậu không còn đề nghị gì khác.
sinh năm 1825 tại Kẻ Văn, Quảng Trị, Cai Ðội, xử giảo ngày 24-10-1860 tại An Hòa dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 11-4-1909 do Ðức Piô X, kính ngày 24-10.
25 Tháng Mười : Chân Phước Antôniô ở Sant'Anna Galvao (1739-1822)
Hoạch định của Thiên Chúa trong cuộc đời của mỗi người thường có những thay đổi bất ngờ để trở nên hữu ích hơn qua sự cộng tác với ơn sủng của Thiên Chúa.
Sinh ở Guarantingueta gần Sao Paolo (Brazil), Antôniô gia nhập trường đệ tử dòng Tên ở Belem, nhưng sau đó ngài thay đổi ý định và muốn trở nên một tu sĩ dòng Phanxicô. Sau khi gia nhập được một năm, ngài khấn trọn vào năm 1761 và thụ phong linh mục năm 1762.
Ở São Paolo, ngài giữ các công việc rao giảng, giải tội và là người giữ cửa. Một vài năm sau, ngài được bổ nhiệm làm cha giải tội cho Dòng Têrêsa Cải Cách, là một nhóm nữ tu sống trong thành phố này. Chính ngài và Sơ Helena Maria cùng thành lập một cộng đoàn nữ tu mới dưới sự bảo trợ của Ðức Maria. Năm sau đó, Sơ Helena Maria từ trần nên một mình Cha Antôniô phải chịu trách nhiệm về tu hội mới này, nhất là việc xây cất tu viện và nhà thờ đủ cho con số nữ tu ngày càng gia tăng.
Ngài cũng là cha giám đốc đệ tử viện ở Macacu và là bề trên nhà dòng Thánh Phanxicô ở São Paolo. Ngài thành lập tu viện Thánh Clara ở Sorocaba. Với sự cho phép của cha bề trên và đức giám mục địa phận, ngài sống quãng đời còn lại ở nữ tu viện "Recolhimento de Nossa Senhora da Luz," mà ngài đã giúp thành lập.
Ngài được phong chân phước ngày 25-10-1998.
Lời Bàn
Những người thánh thiện không chỉ giúp chúng ta lưu ý đến Thiên Chúa, đến công trình sáng tạo của Người và tất cả những người mà Thiên Chúa yêu dấu. Ðời sống của những người thánh thiện luôn hướng về Thiên Chúa đến nỗi đối với họ đó là điều "bình thường." Người đời có thấy đời sống của bạn và của tôi như những dấu chỉ sống động của tình yêu vững bền của Thiên Chúa không? Chúng ta cần thay đổi gì để đạt được điều ấy?
Lời Trích
Trong bài giảng hôm lễ phong chân phước, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II đã trích Thư II của Thánh Phao-lô gửi cho Timôthê (4:17), "Chúa ở gần bên tôi và ban cho tôi sức mạnh để rao giảng lời Chúa cách trọn vẹn," và rồi đức giáo hoàng nói rằng Chân Phước Antôniô "đã hoàn tất lời khấn trọn của ngài qua tình yêu và sự tự hiến cho những người bị áp bức, bị đau khổ và những người nô lệ trong thời đại của ngài ở Brazil. Ðức tin chân chính của một tu sĩ Phanxicô như ngài, đã phúc âm hóa tha nhân và đưa họ về với Giáo Hội, sẽ là một khích lệ để chúng ta bắt chước 'con người của bình an và bác ái' này."
26 Tháng Mười : Chân Phước Contardo Ferrini (1859-1902)
Contardo Ferrini là con của một thầy giáo mà sau này chính ngài cũng trở nên một người có kiến thức, hiểu biết nhiều thứ tiếng khác nhau. Ngày nay, ngài là quan thầy của các đại học.
Sinh ở Milan, ngài có bằng tiến sĩ luật ở Ý và được học bổng để du học ở Bá Linh về luật Rôma-Byzantine. Là một chuyên gia nổi tiếng về luật, ngài dạy ở vài trường cao đẳng trước khi dạy ở Ðại Học Pavia, là nơi ngài được coi là một người có thẩm quyền hiểu biết về luật Rôma.
Contardo cũng học biết về đức tin mà ngài đã sống và quý trọng. Ngài nói, "Ðời sống chúng ta phải vươn đến Ðấng Vô Biên, và từ nguồn cội đó chúng ta mới có thể rút ra được bất cứ những gì được coi là công trạng và phẩm giá." Là một học giả, ngài nghiên cứu cổ ngữ trong Phúc Âm và Sách Thánh. Những bài giảng và văn từ của ngài cho thấy sự hiểu biết của ngài về đức tin và khoa học. Ngài tham dự Thánh Lễ hàng ngày và trở nên một người dòng Ba Phanxicô, trung thành tuân giữ quy luật. Ngài cũng phục vụ trong tổ chức Bác Ái Vincent de Paul.
Ngài từ trần năm 1902 lúc 43 tuổi với nhiều lá thư của các giáo sư đồng viện đã ca tụng ngài như một vị thánh; người dân Suma là nơi ngài sinh sống cũng cả quyết rằng ngài phải được tuyên xưng là một vị thánh.
Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã phong chân phước cho ngài năm 1947.
27 Tháng Mười : Tôi Tớ Thiên Chúa Alexander ở Hales (c. 1245)
Alexander là người gốc Anh, theo học tại một tu viện ở Hales. Khoảng năm 1210, ngài bắt đầu dạy thần học tại Ðại Học Paris, một học viện uyên bác và uy tín. Ngài nổi tiếng về sự thánh thiện cũng như sở học của ngài.
Ðể sùng kính Ðức Maria, ngài có lời hứa là sẽ không từ chối bất cứ ai nhân danh Ðức Maria mà yêu cầu ngài. Một ngày kia, trong lần đi xin ăn, một tu sĩ Phanxicô đã nhân danh Ðức Maria yêu cầu ngài gia nhập Dòng Phanxicô. Thật bối rối, nhưng ngài đã giữ lời hứa và gia nhập dòng. Trong thời gian tu luyện, ngài bị cám dỗ bỏ nhà dòng, nhưng trong một giấc mơ, ngài thấy Thánh Phanxicô vác thập giá thuyết phục ngài hãy kiên trì trong đời sống tu trì. Sau cùng, ngài không còn bị cám dỗ ấy nữa.
Khi là một tu sĩ Phanxicô, Alexander tiếp tục dạy đại học. Ngài giúp thiết lập những nền tảng căn bản cho phái Kinh Viện cũng như việc dẫn giải, bảo vệ chân lý đức tin của phái này. Ngài được vinh dự với những tước hiệu "Tiến Sĩ Bất Khả Bác Bẻ" và "Thầy Các Tiến Sĩ." Thánh Bonaventure và Thánh Tôma Aquinas là những người theo học với ngài. Có lần Thánh Tôma nói, "Chỉ có một thần học gia mà bạn cần vượt qua." Ðó là Alexander ở Hales.
Thánh Alexander luôn luôn là một tu sĩ khiêm tốn, việc sùng kính Ðức Maria đã dẫn đưa ngài đến đời sống tu trì. Ngài chết với thánh danh Mẹ Maria vẫn còn trên môi.
28 Tháng Mười : Thánh Simon và Thánh Giu-đê (Jude)
Thánh Giu-đê là một nhân vật được đề cập đến trong Phúc Âm theo Thánh Luca, cũng như trong Công Vụ Tông Ðổ Thánh Mátthêu và Thánh Máccô gọi ngài là Thadeus (Ta-đê-ô). Ngoài ra ngài không được nhắc đến ở chỗ nào khác trong các Phúc Âm, ngoại trừ, khi kể tên các tông đổ Các học giả cho rằng ngài không phải là tác giả của các thư Thánh Giu-đa. Thực ra, Giu-đê cùng tên với Giu-đa Ítcariốt (Judas Iscariot). Do đó, vì sự bất xứng của tên Giu-đa (bán Chúa), nên người ta đã gọi tắt là "Giu-đê".
Thánh Simon được tất cả bốn Phúc Âm nhắc đến. Trong hai Phúc Âm, ngài được gọi là "người Nhiệt Thành" (Zealot). Phái Zealot là một nhánh Do Thái Giáo đại diện cho chủ nghĩa dân tộc Do Thái. Ðối với họ, lời hứa cứu tinh trong Cựu Ước có nghĩa là người Do Thái sẽ được tự do và có được một quốc gia độc lập. Chỉ có Thiên Chúa là vua của họ, nên việc nộp thuế cho người La Mã -- là người đang đô hộ -- được coi là xúc phạm đến Thiên Chúå Chắc chắn rằng một số người Zealot là miêu duệ tinh thần của người Maccabee, muốn tiếp tục lý tưởng tôn giáo và tranh đấu cho độc lập. Nhưng nhiều người trong nhóm họ cũng giống như quân khủng bố ngày nay. Họ lùng bắt để giết những người ngoại quốc và người Do Thái "cộng tác với địch." Họ là những người chủ chốt trong vụ nổi loạn chống La Mã và kết thúc bằng việc tiêu hủy thành Giêrusalem vào năm 70.
Lời Bàn
Như mọi trường hợp các thánh tông đồ, ngoại trừ Thánh Phêrô, Gioan và Giacôbê, chúng ta đang đối diện với những người thực sự vô danh, và chúng ta bàng hoàng trước sự kiện là sự thánh thiện của họ hoàn toàn nhờ vào ơn ích của Ðức Kitô. Ngài chọn một số người mà chúng ta không bao giờ nghĩ đến: một đoàn viên Zealot, một chuyên viên thu thuế, một ngư dân nóng tính, hai "người con của sấm sét" và một Giuđa Iscariot.
Ðó là sự nhắc nhở cho chúng ta biết, không phải ai cũng được chọn. Sự thánh thiện không lệ thuộc ở công trạng, văn hóa, cá tính, sự cố gắng hay thành đạt của loài người. Nó hoàn toàn là ơn sủng của Thiên Chúa.
Thiên Chúa không cần đến nhóm Zealot để giúp Nước Trời ngự đến bằng bạo lực. Thánh Giu-đê, cũng như các thánh khác, là vị thánh không có khả năng: Chỉ có Thiên Chúa mới tạo được đời sống thánh thiêng trong con người. Và Chúa muốn như vậy, nơi tất cả mọi người chúng ta.
Lời Trích
"Cũng như Ðức Kitô được sai đến bởi Thiên Chúa Cha, thì Người cũng sai các tông đồ, được đầy tràn Chúa Thánh Thần, để rao giảng cho mọi tạo vật (xem Máccô 16:15), để họ loan truyền rằng Con Thiên Chúa, qua sự chết và sự sống lại, đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của Satan (xem CVTÐ 26:18), và khỏi sự chết, và đưa chúng ta vào vương quốc của Thiên Chúa Cha" (Hiến Chương về Phụng Vụ, 6).
sinh năm 1765 tại Ðồng Chuối, Thanh Hóa, Linh Mục, xử trảm ngày 28-10-1798 tại Chợ Rạ dưới đời vua Cảnh Thịnh, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 28-10.
29 Tháng Mười : Chân Phước Tôma ở Florence (c. 1447)
Là con của một người hàng thịt ở Florence, có một thời gian Tôma sống rất hoang đàng đến nỗi những người hàng xóm phải ngăn cấm con cái họ không được chơi với anh. Một người đàn ông giầu có trong tỉnh là bạn với Tôma đã đưa anh vào con đường đồi trụy hơn trước. Khi bị buộc vào một tội ác trầm trọng mà anh không phạm, Tôma chạy đến người bạn này để xin bảo vệ. Nhưng ông ta không thèm nhìn mặt và đuổi anh đi. Thật tan nát, Tôma lang thang trên đường phố cho đến khi anh gặp một linh mục, là người đã lắng nghe câu chuyện của Tôma và đưa anh về nhà của ngài. Sau đó, ngài đã giúp anh được vô tội.
Sau khi cắt đứt mọi liên lạc với bạn bè cũ, Tôma bắt đầu một cuộc đời cầu nguyện và sám hối. Ðược tràn đầy ơn Chúa, anh xin gia nhập dòng Phanxicô làm thầy trợ sĩ. Tôma trở nên một người gương mẫu trong dòng, sống khắc khổ, và giữ kỷ luật rất nghiêm nhặt. Thầy mặc những quần áo vất đi của các thầy khác. Và thầy thường đắm mình trong sự xuất thần. Mặc dù thầy chưa bao giờ được tấn phong linh mục và vui vẻ chấp nhận phục vụ với tư cách một trợ sĩ, Tôma được bổ nhiệm làm giám đốc đệ tử viện. Nhiều người trẻ đã noi gương con đường nên thánh của ngài.
Thầy Tôma đã sáng lập thêm nhiều trường đệ tử ở vùng nam nước Ý. Và Ðức Giáo Hoàng Martin V đã kêu gọi thầy rao giảng chống lại bè phái Fraticelli, là những linh mục Phanxicô lạc đạo. Thầy cũng được yêu cầu đến Orient để cổ võ sự hợp nhất giữa Giáo Hội Ðông Phương và Tây Phương. Ở đây thầy bị cầm tù và có thể được lãnh triều thiên tử đạo. Nhưng đức giáo hoàng đã chuộc ngài với số tiền rất lớn. Thầy Tôma trở về Ý và từ trần khi trên con đường đến Rôma, là nơi ngài hy vọng được phép trở lại Orient.
30 Tháng Mười : Thánh An-phông-sô Rodriguez (1532 -1617)
An-phông-sô sinh ở Segovia, Tây Ban Nha, con của một người buôn bán len sợi giầu có. Khi còn nhỏ, An-phông-sô thường gặp Cha Phêrô Favre (sau này là chân phước) và một linh mục dòng Tên khác, họ là những người thường tạm trú qua đêm ở nhà người cha ruột của An-phông-sô. Dần dà, chính Cha Phêrô Favre là người đã chuẩn bị cho An-phông-sô rước lễ lần đầu.
Vào lúc 14 tuổi, cùng với người anh, An-phông-sô được theo học với các linh mục dòng Tên, nhưng chưa được một năm sau, hai anh em được gọi về nhà để giúp trông coi cơ sở thương mại của gia đình sau cái chết bất ngờ của người cha. Vào lúc 23 tuổi, một mình An-phông-sô trông coi cơ sở buôn bán tơ sợi và, vài năm sau đó ngài lập gia đình và được một trai hai gái.
Khi kỹ nghệ tơ sợi xuống dốc thê thảm, nhiều thảm kịch cũng xảy đến cho An-phông-sô qua những cái chết bất ngờ của hai cô con gái, của vợ và của mẹ trong vòng ba năm liên tiếp. Sau khi bán hết cơ sở thương mại, An-phông-sô ngưng hoạt động, về sống với hai cô em gái và đứa con trai nhỏ. Chính trong quãng thời gian này An-phông-sô học được cách cầu nguyện và chiêm niệm từ hai cô em. Ngài thường xuyên lãnh nhận bí tích Hòa Giải và Thánh Thể, và sống một đời khổ hạnh. Khi đứa con trai từ trần, An-phông-sô, giờ đã gần 40 tuổi, quyết định gia nhập dòng Tên và tìm mọi cách để được thu nhận vào dòng ở Segovia. Vì cao tuổi, sức khỏe yếu kém và thiếu nền tảng học vấn nên khó cho ngài được thu nhận vào đời sống tu trì, nhưng An-phông-sô rất kiên nhẫn, ngài trở lại trường học tiếng Latinh. Sau cùng, cha bề trên đồng ý nhận An-phông-sô làm thầy trợ sĩ. Sáu tháng sau, ngài đến làm việc ở trường dòng Tên ở Majorca. Ở đây ngài giữ việc gác cửa.
Trong vòng 45 năm kế đó, thầy An-phông-sô trung thành với nhiệm vụ của mình trong khi dành thời giờ để cầu nguyện và chiêm niệm. Ngài nổi tiếng về sự vâng phục và hãm mình, cũng như sùng kính Ðức Mẹ Vô Nhiễm. Một linh mục dòng Tên phải kêu lên, "Thầy đó không phải là một người bình thường -- thầy là một thiên thần!" Các giáo sĩ, giới trưởng giả, giới chuyên nghiệp, giới thương mại cũng như người nghèo tìm đến ngài để xin hướng dẫn tâm linh. Một trong những người ấy là Cha Phêrô Claver, sau này được phong thánh và là vị Tông Ðồ của Người Nô Lệ Da Ðen.
Trong những năm cuối đời, thầy An-phông-sô bị đau khổ vì bệnh tật và sự khô khan tinh thần. Sau cùng, trước khi từ trần, ngài được rước Mình Thánh và bỗng dưng mọi đau khổ tâm thần cũng như thể xác tan biến. Sau khi trìu mến nhìn đến các tu sĩ đứng quanh giường, ngài hôn thánh giá và lớn tiếng kêu tên Chúa Giêsu, ngài trút hơi thở cuối cùng vào ngày 31 tháng Mười, 1617. Tang lễ của ngài có nhiều thành phần tham dự, ngoài những người nghèo và bệnh tật còn có phó vương Tây ban Nha, giới quý tộc và các giám mục. Ngài được phong thánh năm 1888, cùng lúc với Thánh Phêrô Claver.
31 Tháng Mười : Thánh Wolfgang ở Regensburg (924-994)
Thánh Wolfgang sinh ở Swabia, nước Ðức, và theo học tại một trường gần tu viện Reichenau. Ở đó ngài gặp Henry, một nhà quý tộc trẻ mà sau này là Ðức Tổng Giám Mục của Trier. Từ đó trở đi, Wolfgang tiếp tục liên lạc với đức tổng giám mục, dạy giáo lý trong trường của giáo phận và hỗ trợ đức tổng trong việc cải cách hàng giáo sĩ.
Khi Đức Tổng từ trần, Wolfgang quyết định trở thành một tu sĩ dòng Biển Ðức và di chuyển đến một tu viện ở Einsiedeln, bây giờ thuộc Thụy Ðiển. Ngài được bổ nhiệm làm giám đốc trường đệ tử của nhà dòng và sau khi thụ phong linh mục, cùng với một số tu sĩ, ngài sang Hung Gia Lợi để truyền giáo cho người Magyar, nhưng mới được một năm, Hoàng Ðế Otto II đã bổ nhiệm ngài làm Giám Mục của Regensburg (gần Munich). Ngay lập tức ngài bắt đầu việc cải tổ hàng giáo sĩ, hồi phục quy luật tu viện, cổ võ việc giáo dục, ngài hăng say rao giảng và đạt được nhiều kết quả khả quan, đặc biệt ngài nổi tiếng về lòng bác ái đối với người nghèo. Dù là giám mục, ngài vẫn mặc y phục của một tu sĩ dòng và sống khắc khổ.
Khao khát của ngài là sống thầm lặng trong tu viện để chiêm niệm, nhưng trách nhiệm của một giám mục đã không cho phép, ngoài ra ngài còn là thầy dạy tư của Hoàng Ðế Henry II khi còn nhỏ. Vào năm 994, sau một cuộc hành trình ngài bị lâm trọng bệnh và từ trần ở Puppingen, gần Linz, nước A¨o. Lễ giỗ của ngài được cử mừng một cách rộng rãi trong hầu hết các quốc gia trung Âu Châu. Ngài được phong thánh năm 1052.
Nguồn: http://www.nguoitinhuu.org/
Tháng 11
1 Tháng Mười Một : Lễ Các Thánh
2 Tháng Mười Một : Lễ Cầu Cho Các Linh Hồn
3 Tháng Mười Một : Thánh Martin Người Nghèo (1579-1639)
4 Tháng Mười Một : Thánh Charles Borromeo (1538-1584)
5 Tháng Mười Một : Vị Ðáng Kính Solanus Casey (1870-1957)
6 Tháng Mười Một : Thánh Nicholas Tavelic và Các Bạn (c. 1391)
7 Tháng Mười Một : Thánh Didacus (1400-1463)
8 Tháng Mười Một : Chân Phước John Duns Scotus (1266-1308)
9 Tháng Mười Một : Thánh John Lateran
10 Tháng Mười Một : Thánh Lêo Cả (c. 461)
11 Tháng Mười Một : Thánh Martin ở Tours (316?-397)
12 Tháng Mười Một : Thánh Josaphat (1580?-1623)
13 Tháng Mười Một : Thánh Frances Xavier Cabrini (1850-1917)
14 Tháng Mười Một : Thánh Gertrude (1256? - 1302)
15 Tháng Mười Một : Thánh Albert Cả (1206-1280)
16 Tháng Mười Một : Thánh Margaret ở Tô Cách Lan (1045-1093)
17 Tháng Mười Một : Thánh Elizabeth ở Hung Gia Lợi (1207-1231)
Ngày 18 tháng 11 : CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ
(Old calendar) 18 Tháng Mười Một : Thánh Rose Philippine Duchesne (1769-1852)
19 Tháng Mười Một : Thánh Agnes ở Assisi (1197-1253)
20 Tháng Mười Một : Thánh Bernward
21 Tháng Mười Một : Thánh Crispin ở Viterbo(1668 -- 1750)
22 Tháng Mười Một : Thánh Cecilia (Thế kỷ III)
23 Tháng Mười Một : Thánh Giáo Hoàng Clement I (c. 101)
24 Tháng Mười Một : Thánh Anrê Dũng Lạc và Các Bạn
25 Tháng Mười Một : Thánh Columban (543? - 615)
26 Tháng Mười Một : Thánh Leonard ở Cảng Maurice (1676-1751)
27 Tháng Mười Một : Thánh Francesco Antonio Fasani (1681-1742)
28 Tháng Mười Một : Thánh James ở Marche (1394-1476)
29 Tháng Mười Một : Thánh Gioan ở Monte Corvino (1247-1328)
30 Tháng Mười Một : Thánh Anrê
========================
1 Tháng Mười Một : Lễ Các Thánh
Ngày lễ đầu tiên trong lịch sử để vinh danh các thánh là ngày tưởng niệm "các vị tử đạo" được cử hành vào đầu thế kỷ thứ tư. Vào đầu thế kỷ thứ bảy, sau làn sóng trộm cắp đột nhập các hang toại đạo, Ðức Giáo Hoàng Boniface IV đã cho thu lượm khoảng 28 toa đầy những hài cốt và chôn cất lại bên trong đền Pantheon, là đền thờ các thần của người La Mã, và ngài thánh hiến đền thờ này như một đền thờ Kitô Giáo. Theo sử gia của Giáo Hội là Bede Ðáng Kính, đức giáo hoàng có ý định rằng "việc tưởng nhớ các thánh trong tương lai có thể thay cho việc thờ phượng mà trước đây không được dành cho thần thánh nhưng thờ ma quỷ" (Về Việc Tính Toán Thời Giờ)
Nhưng việc thánh hiến đền Pantheon, cũng như ngày kính nhớ đầu tiên các vị tử đạo xảy ra vào tháng Năm. Nhiều Giáo Hội Ðông Phương vẫn kính nhớ các thánh vào mùa xuân, hoặc trong mùa Phục Sinh hoặc ngay sau lễ Hiện Xuống.
Tại sao Giáo Hội Tây Phương cử hành lễ này vào tháng Mười Một thì không ai hiểu. Người ta chỉ biết vào năm 800, thần học gia Alcuin người Anglo-Saxon cử hành lễ này vào ngày 1 tháng Mười Một, và người bạn của ông là Arno, Giám Mục của Salzburg cũng theo như vậy. Sau cùng, trong thế kỷ chứ chín, Giáo Hội La Mã đã chấp thuận ngày lễ này.
Lời Bàn
Ðầu tiên lễ này để kính nhớ các vị tử đạo. Sau này, khi Kitô Hữu được tự do tín ngưỡng, Giáo Hội đã dùng ngày lễ này để tỏ lòng kính trọng những người thánh thiện. Vào các thế kỷ đầu tiên, được coi là thánh thì chỉ cần một tiêu chuẩn là được nhiều người công nhận, ngay cả việc chấp thuận của vị giám mục cũng được coi là bước sau cùng để đưa vào niên lịch Giáo Hội. Việc phong thánh bởi đức giáo hoàng lần đầu tiên xảy ra vào năm 973; ngày nay việc phong thánh đòi hỏi cả một tiến trình lâu dài để chứng minh các đức tính thánh thiện. Bây giờ, lễ các thánh để kính nhớ các vị thánh vô danh cũng như nổi danh.
Lời Trích
"Sau đó, tôi thấy một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế...
[Một trong các kỳ mục] bảo tôi: "Họ là những người sống sót sau thời gian thử thách lớn lao; họ đã giặt sạch và tẩy áo mình tinh nguyên trong máu Con Chiên.'" (Khải Huyền 7:9, 14).
______
sinh năm 1830 tại San Féliz Saserra, Tây Ban Nha, Linh Mục, Dòng Ða Minh, xử trảm ngày 01-11-1861 tại Hải Dương dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 15-4-1906 do Ðức Piô X, kính ngày 01-11.
2 Tháng Mười Một : Lễ Cầu Cho Các Linh Hồn
Ngay từ thời tiên khởi, Giáo Hội đã khuyến khích chúng ta cầu nguyện cho người chết như một nghĩa cử bác ái. Thánh Augustine viết, "Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ." Tuy nhiên, các nghi thức cầu cho người chết có tính cách dị đoan thời tiền-Kitô Giáo đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nỗi mãi cho đến đầu thời Trung Cổ, nhờ các dòng ẩn tu có thói quen cầu nguyện cho các tu sĩ đã qua đời hàng năm thì một nghi thức phụng vụ cầu cho người chết mới được thiết lập.
Vào giữa thế kỷ 11, Thánh Odilo, Tu Viện Trưởng dòng Cluny, ra lệnh rằng mọi tu viện dòng Cluny phải cầu nguyện đặc biệt và hát kinh Nhật Tụng cầu cho người chết vào ngày 2 tháng Mười Một, ngay sau lễ Các Thánh. Truyền thống này được lan rộng và sau cùng được Giáo Hội chấp nhận đưa vào niên lịch Công Giáo La Mã.
Ý nghĩa thần học làm nền tảng cho ngày lễ này là sự thừa nhận bản tính yếu đuối của con người. Vì ít có ai đạt được một đời sống trọn hảo, mà hầu hết đã chết đi với vết tích tội lỗi, do đó cần có thời gian thanh tẩy trước khi linh hồn ấy được đối diện với Thiên Chúa. Công Ðồng Triđentinô xác nhận có luyện tội và nhấn mạnh rằng lời cầu nguyện của người sống có thể rút bớt thời gian thanh luyện của linh hồn người chết.
Sự dị đoan vẫn còn dính dấp đến ngày lễ này. Thời trung cổ người ta tin rằng các linh hồn trong luyện tội có thể xuất hiện vào ngày lễ này dưới hình thức các phù thủy, con cóc hay ma trơi. Và họ đem thức ăn ra ngoài mộ để yên ủi người chết.
Tuy nhiên việc cử hành lễ với tính cách tôn giáo vẫn trổi vượt. Người ta tổ chức đọc kinh cầu nguyện ở nghĩa trang hay đi thăm mộ người thân yêu đã qua đời và quét dọn, trang hoàng với nến và hoa.
Lời Bàn
Có nên cầu nguyện cho người chết hay không là một tranh luận lớn khiến chia cắt Kitô Giáo. Vì sự lạm dụng ơn xá trong Giáo Hội thời ấy nên Luther đã tẩy chay quan niệm luyêän tội. Tuy nhiên, đối với chúng ta, cầu cho người thân yêu là một phương cách nối liền với người chết. Qua lời cầu nguyện, chúng ta cùng đứng với những người thân yêu, dù còn sống hay đã ra đi trước chúng ta, để dâng lời cầu xin lên Thiên Chúa.
Lời Trích
"Chúng ta không thể coi luyện tội là một nhà tù đầy lửa cận kề với hỏa ngục--hoặc ngay cả 'một thời gian ngắn của hỏa ngục.' Thật phạm thượng khi nghĩ rằng đó là một nơi chốn mà Thiên Chúa bủn xỉn đang bòn rút từng chút thân xác... Thánh Catherine ở Genoa, vị huyền nhiệm của thế kỷ 15, viết rằng 'lửa' luyện tội là tình yêu Thiên Chúa 'nung nấu' trong linh hồn đến nỗi, sau cùng, toàn thể linh hồn ấy bừng cháy lên. Ðó là sự đau khổ của lòng khao khát muốn được xứng đáng với Ðấng được coi là đáng yêu quý vô cùng, họ đau khổ vì nỗi mơ ước được kết hợp đã cầm chắc trong tay, nhưng lại chưa được hưởng thật trọn vẹn" (Leonard Foley, O.F.M., Tin Chúa Giêsu).
3. Valentinô BERRIO-OCHOA Vinh,
sinh năm 1827 tại Elorrio (Vizcaya), Tây Ban Nha, Giám Mục, Dòng Ða Minh, xử trảm ngày 01-11-1861 tại Hải Dương dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 15-4-1906 do Ðức Piô X, kính ngày 01-11.
sinh năm 1800 tại S. Domingo de la Calzadar, Tây Ban Nha, Giám Mục, Dòng Ða Minh, xử trảm ngày 01-11-1861 tại Hải Dương dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 15-4-1906 do Ðức Piô X, kính ngày 01-11.
3 Tháng Mười Một : Thánh Martin Người Nghèo (1579-1639)
Hàng chữ thật lạnh lùng "không có cha" được ghi trong hồ sơ rửa tội, và danh từ "con lai" hay "vết tích cuộc chiến" là cái tên ác nghiệt mà những người "thuần chủng" gán cho những người mang hai dòng máu. Như bao người khác, Martin đã có thể trở nên một người cay đắng, nhưng ngược lại, ngay từ còn nhỏ Martin đã có lòng thương người đặc biệt, nhất là những người nghèo và bị xã hội khinh miệt.
Ngài là đứa con bất hợp pháp của một nhà quý tộc Tây Ban Nha ở Lima, Peru và một phụ nữ Panama. Thánh Martin giống mẹ nên có nước da ngăm đen, và điều này làm cha ngài khó chịu, do đó mãi tám năm sau ông mới chịu nhận Martin là con. Sau khi sinh đứa thứ hai, ông bỏ rơi gia đình. Martin lớn lên trong cảnh nghèo nàn, thuộc giai cấp bần cùng của xã hội Lima.
Lúc 12 tuổi, mẹ ngài cho theo học nghề cắt tóc và giải phẫu, nên ngoài việc cắt tóc, ngài còn biết cách lấy máu (sự chữa trị rất phổ thông thời ấy), biết chăm sóc vết thương và biết chích thuốc.
Sau vài năm hành nghề, Martin xin vào dòng Ða Minh làm "người giúp việc," vì ngài cảm thấy không xứng đáng để làm thầy dòng. Sau chín năm, gương mẫu đời sống cầu nguyện và hãm mình, bác ái và khiêm nhường của ngài khiến cộng đoàn phải yêu cầu ngài khấn trọn. Ngài cầu nguyện hằng đêm và sống khắc khổ; công việc hàng ngày của ngài là chăm sóc bệnh nhân và người nghèo. Ngài coi mọi người như nhau, bất kể mầu da, sắc tộc hay địa vị xã hội. Ngài là cột trụ trong việc thành lập cô nhi viện, chăm sóc người nô lệ từ Phi Châu và trông coi việc bố thí của nhà dòng. Ngài trở nên nổi tiếng trong nhà dòng cũng như ngoài thành phố, dù đó là vấn đề "chăn màn, quần áo, đèn nến, bánh kẹo, phép lạ hay lời cầu nguyện!" Khi nhà dòng bị nợ quá nhiều, ngài nói với cha bề trên, "Con chỉ là một đứa con lai nghèo hèn. Cha hãy bán con đi. Con là sở hữu của nhà dòng. Hãy bán con đi để trả nợ."
Ngoài những công việc hàng ngày như nấu ăn, giặt giũ và chăm sóc bệnh nhân, Thiên Chúa còn ban cho ngài những ơn sủng đặc biệt: được xuất thần bay bổng trên không, căn phòng rực sáng khi ngài cầu nguyện, ơn lưỡng tại (ở hai nơi cùng một lúc), ơn hiểu biết cách lạ lùng, ơn chữa bệnh và chế ngự các thú vật cách tài tình. Lòng bác ái của ngài còn nới rộng đến các thú vật ở ngoài đồng hay chó mèo trong phố và ngay cả chuột bọ trong bếp.
Nhiều tu sĩ thời ấy coi ngài như vị linh hướng, nhưng ngài vẫn tự coi mình là "người nô lệ nghèo hèn." Ngài còn là bạn của Thánh Rosa ở Lima. Ngài từ trần ngày 3-11-1639.
Lời Bàn
Kỳ thị chủng tộc là cái tội mà hầu như không ai muốn thú nhận. Cũng như sự ô nhiễm, đó là "cái tội của thế giới", là trách nhiệm của mọi người nhưng không ai muốn nhận lỗi. Không ai xứng đáng là quan thầy của sự tha thứ và sự công bằng Kitô Giáo cho bằng Thánh Martin của Người Nghèo.
Lời Trích
Trong buổi lễ phong thánh (6-5-1962), Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã có lời nhận xét về Thánh Martin như sau: "Ngài đã tha thứ lỗi lầm của người khác. Ngài đã quên đi những xúc phạm thật cay đắng, vì cho rằng ngài đáng phải phạt vì những tội lỗi của chính mình. Ngài cố gắng hết sức để đền bù các lỗi lầm ấy; ngài an ủi bệnh nhân một cách trìu mến; ngài cung cấp thực phẩm, quần áo và thuốc men cho người nghèo; ngài giúp đỡ các nông dân và người da đen, cũng như những người mang hai dòng máu mà thời ấy thường coi là nô lệ: do đó ngài xứng đáng với cái tên mà người ta thường gọi là 'Martin Nhân Hậu.'"
______
sinh năm 1818 tại Bornay, Saint-Claude, Pháp, Linh Mục, Hội Thừa Sai Paris, xử trảm ngày 03-11-1860 tại Sơn Tây dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 11-4-1909 do Ðức Piô X, kính ngày 03-11.
4 Tháng Mười Một : Thánh Charles Borromeo (1538-1584)
Tên của Thánh Charles Borromeo đi liền với chữ cải cách. Ngài sống trong thời kỳ Cải Cách Tin Lành, và đã tiếp tay trong công cuộc cải cách toàn thể Giáo Hội trong những năm cuối của Công Ðồng Triđentinô.
Mặc dù ngài thuộc về một gia đình quý tộc ở Milan và có bà con với dòng họ Medici rất uy thế, nhưng ngài lại muốn tận hiến cho Giáo Hội. Khi người bác của ngài là Ðức Hồng Y de Medici được chọn làm giáo hoàng năm 1559 với tước hiệu là Piô IV, đức giáo hoàng đã chọn ngài làm trưởng phó tế và là quản lý của Tổng Giáo Phận Milan trong khi ngài chỉ là một sinh viên giáo dân. Vì sự thông minh xuất chúng nên ngài được giao cho nhiều chức vụ quan trọng có liên hệ đến Tòa Thánh, và sau này được bổ nhiệm làm bộ trưởng chịu trách nhiệm toàn thể ban hành chánh của tòa thánh. Cái chết đau đớn của người anh đã đưa ngài đến quyết định đi tu làm linh mục, mặc dù bao người thân nhân ngăn cản. Ngài được thụ phong linh mục năm 25 tuổi, và sau đó không lâu được tấn phong làm giám mục của Milan.
Chính thánh nhân là người đã thúc giục đức giáo hoàng phục hồi Công Ðồng Triđentinô vào năm 1562 sau 10 năm bị ngưng trệ. Ðứng ở đằng sau và âm thầm làm việc, thánh nhân là người có công trong việc duy trì sự liên tục của các khóa họp Công Ðồng mà nhiều khi tưởng đã đổ vỡ. Trong giai đoạn cuối của Công Ðồng, ngài là người chủ yếu trong việc hướng dẫn và thành hình các sắc lệnh của công đồng. Hiển nhiên ngài cũng được phép dành thời giờ để làm việc cho Tổng Giáo Phận Milan, là nơi mà tôn giáo và luân lý thật sáng tỏ.
Sự cải tổ cần phải thi hành trong mọi tầng lớp Công Giáo, dù là giáo sĩ hay giáo dân, và được khởi sự từ các công đồng địa phương với các giám mục phụ tá. Những quy luật rõ ràng được đặt ra cho các giám mục và tu sĩ: Nếu người ta thay đổi đời sống để trở nên tốt lành hơn, thì giáo sĩ phải là những người làm gương và phải canh tân tinh thần tông đồ của mình trước hết.
Chính Thánh Charles tiên phong trong việc làm gương. Ngài chia sẻ hầu hết phần lương của ngài cho công việc bác ái, tự ý từ bỏ đời sống sang trọng của một tổng giám mục, và ăn chay đền tội. Ngài hy sinh giầu sang, danh vọng, sự mến mộ và ảnh hưởng để trở nên nghèo hèn. Trong thời kỳ dịch tễ và đói kém năm 1576, ngài cố tìm cách để nuôi ăn 60,000 đến 70,000 người mỗi ngày. Ðể thực hiện điều này, ngài phải mượn một số tiền rất lớn mà nhiều năm sau mới trả hết. Khi nạn dịch hoành hành đến mức tối đa, các giới chức hành chánh dân sự bỏ trốn thì ngài vẫn ở lại thành phố để thi hành công việc mục vụ cho những người đau yếu, người hấp hối và những ai cần sự giúp đỡ.
Vào năm 1578, ngài thành lập một tổ chức cho các linh mục triều, Tu Sĩ của Thánh Ambrôsiô (bây giờ là Tu Sĩ của Thánh Charles), tích cực rao giảng, chống với sự xâm nhập của các tà thuyết, và đưa những người Công Giáo lầm lạc trở về với Giáo Hội.
Công việc và gánh nặng của chức vụ đã ảnh hưởng đến sức khỏe của ngài. Ngài từ trần khi mới 46 tuổi và được phong thánh năm 1610.
Lời Bàn
Thánh Charles đã sống theo lời Ðức Kitô: "... Khi ta đói con đã cho ta ăn, ta khát con đã cho ta uống, ta lạc lõng con đã tiếp đón, ta trần truồng con đã cho áo mặc, ta đau ốm con đã chăm sóc, ta tù đầy con đã thăm viếng" (Mt. 25:35-36). Thánh Charles đã nhận ra Ðức Kitô trong tha nhân, và ngài biết rằng công việc bác ái được thi hành cho những người bé mọn là được thi hành cho Ðức Kitô.
Lời Trích
"Trong cuộc lữ hành trần thế, Ðức Kitô luôn mời gọi Giáo Hội hãy cải tổ liên tục và đó là điều rất cần thiết, vì giáo hội là một tổ chức của con người. Do đó, nếu ảnh hưởng của các biến cố hay thời cuộc đã đưa đến những khiếm khuyết trong hành động, trong kỷ luật của Giáo Hội, hay ngay cả trong việc hình thành tín lý (cần thận trọng phân biệt với kho tàng đức tin), thì những khiếm khuyết ấy phải được chấn chỉnh một cách thích hợp và đúng lúc" (Sắc Lệnh về Ðại Kết, 6).
5 Tháng Mười Một : Vị Ðáng Kính Solanus Casey (1870-1957)
Barney Casey là một linh mục nổi tiếng ở Detroit, Hoa Kỳ, dù rằng ngài không được phép giảng và giải tội!
Barney xuất thân từ một gia đình ở Oak Grove, tiểu bang Wisconsin. Khi 21 tuổi, và sau khi đã trải qua các công việc sinh nhai như đốn củi, giúp việc ở bệnh viện, tài xế xe công cộng và cai tù, ngài gia nhập Chủng Viện Phanxicô ở Milwaukee -- nhưng không theo đuổi nổi vì việc học quá khó khăn đối với ngài. Ðến năm 1896, ngài gia nhập dòng Capuchin ở Detroit, lấy tên là Solanus. Một lần nữa, ngài phải vất vả với việc học.
Ngày 24-7-1904, ngài được thụ phong linh mục, nhưng vì kiến thức thần học được coi là quá yếu nên Cha Solanus không được phép giảng và nghe xưng tội. Một tu sĩ Capuchin biết rõ về ngài cho biết sự ngăn cấm khó chịu đó "đã khiến ngài trở nên cao cả và thánh thiện." Trong 14 năm làm người gác cổng và dọn lễ ở Yonkers, Nữu Ước, dân chúng nhận ra tài ăn nói của ngài.
James Derum, người viết tiểu sử của ngài cho biết, "Dù ngài bị cấm không được giảng dạy về tín lý, nhưng ngài có thể xuất khẩu những tư tưởng mà các cha Capuchin gọi là feverino". Nhiệt huyết tinh thần của ngài đã khiến người nghe phải kinh ngạc.
Cha Solanus phục vụ tại các giáo xứ ở Manhattan và Harlem trước khi trở về Detroit, là nơi ngài giữ việc gác cổng và dọn lễ trong vòng 20 năm ở Tu Viện Thánh Bonaventura. Mỗi chiều thứ Tư hàng tuần ngài thi hành công việc mục vụ cho các người bệnh. Một cộng tác viên cho biết, trung bình từ 150 đến 200 người chờ đợi Cha Solanus ở văn phòng. Hầu hết người ta đến để xin cha ban phép lành, và khoảng 40 đến 50 người xin lời khuyên bảo của cha. Nhiều người coi ngài là một khí cụ của Thiên Chúa trong việc chữa lành và nhiều ơn khác. Họ nhận thấy sức mạnh của sự cầu nguyện của ngài, một người có đức tin mạnh mẽ.
Những lời Cha Solanus chia sẻ về Thiên Chúa đã khích động các người nghe. Câu nói phổ thông của ngài là "Hãy chúc tụng Thiên Chúa vì tất cả những công trình của Người."
Nhiều bạn hữu của Cha Solanus đã giúp dòng Capuchin mở nhà phát chẩn cho người nghèo trong thời kỳ Ðại Khủng Hoảng. Và cho đến ngày nay sinh hoạt đó vẫn tiếp tục.
Vào năm 1946, vì sức khỏe yếu kém, Cha Solanus được thuyên chuyển về đệ tử viện Capuchin ở Huntington, bang Indiana, là nơi ngài sống cho đến năm 1956. Ngài từ trần ngày 31-7-1957 tại bệnh viện ở Detroit. Lời cuối cùng ngài thốt lên là: "Con phó linh hồn con cho Chúa." Người ta ước lượng khoảng 20,000 người đã đến viếng thi hài của ngài trước khi được mai táng trong nhà thờ Thánh Bonaventura ở Detroit.
Vào năm 1960, một tổ chức lấy tên Cha Solanus được thành lập ở Detroit để giúp đỡ chủng viện Capuchin. Vào năm 1967 tổ chức này có đến 5,000 hội viên - mà nhiều người đã từng được ngài khuyên bảo cũng như an ủi. Ngài được tuyên xưng Ðáng Kính vào năm 1995.
Lời Bàn
James Patrick Derum, người viết tiểu sử Cha Solanus nói rằng ngài kiệt quệ vì gánh nặng của những người ngài phục vụ. "Ðã từ lâu, ngài hiểu rõ chân lý của lời Ðức Kitô là tình yêu Thiên Chúa và tha nhân hệ tại ở hành động. Sống chân lý này một cách nhiệt thành và liên tục đã khiến ngài trở nên một con người tự do về tinh thần -- không bị nô lệ bởi những đam mê, bởi cái tôi, bởi lạc thú, và bởi sự than van -- để tự do phục vụ Thiên Chúa và đồng loại" (Người Giữ Cửa Nhà Thờ Thánh Bonaventura, trang 199).
Lời Trích
Trong một lá thư gửi cho người em là Cha Maurice Casey khi làm việc trong một bệnh xá gần Baltimore và cảm thấy khó chịu với vị tuyên uý nhà thương này, Cha Solanus viết: "Thiên Chúa đã có thể thiết lập Giáo Hội với sự trông coi của các thiên thần để không có gì sai trái hay khiếm khuyết. Nhưng Giáo Hội, như hiện nay, bao gồm và dưới sự trông coi của những người tội lỗi tầm thường -- kế vị 'người đánh cá tầm thường ở Galilê' -- thì ai có thể hồ nghi rằng, chính Giáo Hội là một phép lạ vĩ đại?"
_____
sinh tại Phú Nhai, Bùi Chu, Linh Mục, Dòng Ða Minh, xử trảm ngày 05-11-1858 tại Hưng Yên dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 29-4-1951 do Ðức Piô XII, kính ngày 05-11.
6 Tháng Mười Một : Thánh Nicholas Tavelic và Các Bạn (c. 1391)
Thánh Nicholas và các bạn là những người trong số 158 tu sĩ Phanxicô được tử đạo ở Ðất Thánh khi họ được giao cho nhiệm vụ trông coi các vương cung thánh đường ở đây vào năm 1335.
Nicholas sinh năm 1340 trong một gia đình giầu sang và quý phái ở Croatia. Ngài gia nhập dòng Phanxicô và được gửi đi rao giảng ở Bosnia với Deodat Rodez. Năm 1384, các ngài tình nguyện sang Ðất Thánh với nhiệm vụ trông coi các địa danh linh thiêng, chăm sóc các người hành hương và học tiếng Ả Rập.
Vào năm 1391, Nicholas, Deodat, Peter Narbonne và Stephen Cuneo quyết định thuyết phục người Hồi Giáo trở lại đạo một cách công khai. Ngày 11-11-1391, họ đến Ðền Omar ở Giêrusalem và xin được gặp Qadi (giáo sĩ Hồi Giáo). Từ một bản văn viết sẵn, họ nói mọi người phải chấp nhận phúc âm của Ðức Giêsu Kitô. Và khi được yêu cầu rút lại lời tuyên bố ấy, họ đã từ chối. Sau khi bị đánh đập và cầm tù, sau cùng họ bị chặt đầu trước đám đông.
Nicholas và các bạn được phong thánh năm 1970. Họ là các tu sĩ Phanxicô duy nhất được phong thánh vì tử đạo ở Ðất Thánh.
Lời Bàn
Thánh Phanxicô đưa ra hai đường lối truyền giáo cho các tu sĩ trong dòng. Trong nhiều năm trời, Nicholas và các bạn đã chọn đường lối thứ nhất (sống thầm lặng và làm chứng cho Ðức Kitô). Sau đó họ cảm thấy được mời gọi để đi theo đường lối thứ hai là rao giảng công khai. Các tu sĩ Phanxicô hiện vẫn hoạt động ở Ðất Thánh qua đời sống gương mẫu để nhiều người biết đến Ðức Kitô hơn.
Lời Trích
Trong Quy Luật 1221, Thánh Phanxicô viết cho các tu sĩ được sai đến Saracens (Hồi Giáo) "có thể tự đối xử trong hai phương cách. Một cách là tránh tranh luận hoặc cãi cọ, và 'vì Chúa, hãy tùng phục bất cứ ai' (1 Phêrô 2:13), để làm chứng rằng mình là Kitô Hữu. Một cách khác là công khai rao giảng lời Chúa, khi họ thấy đó là ý Chúa muốn mời gọi những người được rao giảng hãy tin vào Thiên Chúa toàn năng, là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần, Ðấng Tạo Dựng muôn loài, và qua Chúa Con, Ðấng Cứu Thế, hãy rửa tội cho họ để trở nên người Kitô đích thực và thánh thiện" (Ch. 16).
7 Tháng Mười Một : Thánh Didacus (1400-1463)
Thánh Didacus là một bằng chứng sống động của Thiên Chúa khi Người "chọn những gì là điên dại trong thế gian để làm xấu hổ những người khôn ngoan; những gì là yếu đuối để làm xấu hổ kẻ hùng mạnh" (1 Cor. 1:27).
Sinh trưởng trong gia đình nghèo nàn ở một tỉnh nhỏ thuộc giáo phận Seville, Tây Ban Nha, Didacus được cha mẹ đồng ý cho sống với một vị ẩn tu ở thành phố gần đó. Mặc dù còn trẻ, nhưng ngài đã cố bắt chước sự khắc khổ và lòng đạo hạnh của vị ẩn tu này. Họ trồng trọt và làm những dụng cụ bằng gỗ để mưu sinh.
Vài năm sau, ngài bị gọi trở về nhà nhưng sau đó không lâu, ngài gia nhập tu viện Phanxicô ở Arrizafa làm trợ sĩ. Sau khi khấn trọn, Didacus tình nguyện đi truyền giáo ở quần đảo Canary, và hăng say hoạt động, đem nhiều người về với Chúa. Dù là một trợ sĩ, nhưng ngài được chọn làm bề trên cả một tu viện chính ở quần đảo, là tu viện Fuerteventura. Sau đó bốn năm, ngài được gọi về Tây Ban Nha và sống trong nhiều tu viện gần Seville.
Vào năm 1450, nhiều tu sĩ Dòng Phanxicô quy tụ về Rôma để cử mừng năm thánh và dự lễ phong thánh cho Thánh Bernardine ở Siena. Didacus cũng đến đó và ngài phải ở lại Rôma ba tháng để chăm sóc các tu sĩ dòng lâm bệnh nặng.
Sau khi trở về Tây Ban Nha, ngài dành trọn thời giờ để theo đuổi đời sống chiêm niệm.
Vào năm 1463, ngài lâm trọng bệnh khi ở Alcala, và trong lúc hấp hối, Didacus nhìn vào thánh giá và nói: "Ôi mảnh gỗ trung tín, ôi đáng quý thay những cây đinh! Bay được sinh ra với một gánh nặng thật ngọt ngào, vì bay xứng đáng được đỡ lấy Ðức Kitô, là Thiên Chúa của thiên đàng" (Marion A. Habig, O.F.M., The Franciscan Book of Saints, t. 834)
Hoàng Ðế Philip II, vì nhớ ơn ngài đã cứu sống đứa con trai nên đã khẩn khoản xin phong thánh cho ngài. Nhiều phép lạ qua sự cầu nguyện của ngài khi còn sống cũng như sau khi chết được Giáo Hội công nhận. Ngài được phong thánh năm 1588.
Lời Bàn
Với những người thánh thiện thực sự, chúng ta không thể giữ thái độ trung dung. Hoặc chúng ta ngưỡng mộ họ, hoặc chúng ta coi họ là điên dại. Didacus là thánh vì ngài đã hiến dâng cuộc đời để phục vụ Thiên Chúa và cộng đồng dân Chúa. Có thể nào nhận xét ấy được áp dụng cho chính chúng ta hay không?
Lời Trích
"Ngài sinh ở Tây Ban Nha với học lực tầm thường, nhưng cũng như các vị thầy đầu tiên và các vị lãnh đạo mù chữ của chúng ta lại được coi là khôn ngoan. [Thiên Chúa chọn Didacus] để cho thấy ơn sủng dồi dào của Thiên Chúa sẽ dẫn đưa nhiều người đến con đường cứu chuộc, bởi đời sống và gương mẫu thánh thiện của ngài, và để chứng tỏ cho thế gian thấy rằng sự điên rồ của Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối của Người thì mạnh mẽ hơn loài người" (Sắc lệnh Phong Thánh).
_____
sinh năm 1743 tại Jávita, Tây Ban Nha, Linh Mục, Dòng Ða Minh, xử trảm ngày 07-11-1773 tại Ðồng Mơ dưới đời chúa Trịnh Sâm, phong Chân Phúc ngày 15-4-1906 do Ðức Piô X, kính ngày 07-11.
8 Tháng Mười Một : Chân Phước John Duns Scotus (1266-1308)
Chân Phước John Duns Scotus là một tu sĩ Phanxicô khiêm tốn, mà tư tưởng của ngài có ảnh hưởng trong nhiều thế kỷ.
Sinh ở Duns trong quận Berwick, Tô Cách Lan, John thuộc dòng dõi một gia đình giầu có. Trong những năm về sau, ngài được gọi là John Duns Scotus để ghi dấu nơi sinh trưởng. ("Scotus" là chữ Latinh thay cho "Scotland" [Tô Cách Lan]).
John mặc áo dòng Phanxicô ở Dumfries, mà bác của ngài là Cha Elias Duns làm bề trên. Sau thời kỳ tập viện, John theo học ở Oxford và Paris và thụ phong linh mục năm 1291. Sau đó ngài tiếp tục theo học ở Paris cho đến năm 1297, ngài trở về làm giáo sư ở Oxford và Cambridge. Bốn năm sau, ngài trở lại Paris để dạy học và hoàn tất luận án tiến sĩ.
Vào thời đại mà nhiều người chấp nhận các hệ tư tưởng không có giá trị, thì John đã vạch ra sự phong phú của truyền thống Phanxicô-Augustinô, quý trọng sự uyên thâm của Thánh Aquinas, của Aristotle và các triết gia Hồi Giáo -- nhưng ngài vẫn duy trì là một nhà tư tưởng độc lập. Ðiều đó được chứng tỏ khi Hoàng Ðế Philip, trong một tranh chấp với Ðức Giáo Hoàng Boniface VIII năm 1303, đã cố chiếm lấy Ðại Học Paris về phía mình. John Duns Scotus bất đồng ý và được lệnh phải rời Pháp trong vòng ba ngày.
Trong thời đại của John Duns Scotus, một số triết gia chủ trương rằng con người bị định đoạt bởi các động lực ở bên ngoài cá thể. Họ cho rằng sự tự do của ý muốn là một ảo tưởng. Là một người rất thực tế, John lý luận rằng nếu tôi đánh một người nào đó mà họ khước từ sự tự do của ý muốn, thì ngay lập tức người ấy bảo tôi ngừng tay. Nhưng nếu tôi thực sự không có tự do ý muốn, làm sao tôi có thể ngừng tay? John đã khéo léo đưa ra một thí dụ mà ai ai cũng dễ nhớ!
Sau một thời gian ở Oxford, ngài trở về Paris, là nơi ngài lấy bằng tiến sĩ năm 1305. Ngài tiếp tục dạy ở đây và vào năm 1307 ngài đã bảo vệ đặc tính Vô Nhiễm Nguyên Tội của Ðức Maria mà sau cùng đại học đã chính thức công nhận lập trường của ngài. Cùng năm đó, bề trên tổng quyền bổ nhiệm ngài về trông coi trường của dòng Phanxicô ở Cologne mà ngài đã từ trần ở đây năm 1308.
Dựa vào lý luận của John Duns Scotus, vào năm 1854 Ðức Giáo Hoàng Piô IX đã long trọng tuyên bố tín điều Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. John Duns Scotus, vị "Tiến Sĩ Khôn Ngoan", được phong chân phước năm 1993.
Lời Bàn
Cha Charles Balic, O.F.M., người có uy tín nhất của thế kỷ 20 về Chân Phước Scotus, đã viết: "Toàn bộ thần học của Scotus đều quy hướng về đức ái. Ðặc tính nổi bật của đức ái là sự tự do tuyệt đối. Khi đức ái ngày càng trở nên tuyệt hảo và sâu đậm, sự tự do trở nên cao quý và trọn vẹn hơn trong con người" (New Catholic Encyclopedia, Bộ. 4, tr. 1105).
Lời Trích
Sự thông thái ít khi đảm bảo sự thánh thiện. Nhưng John Duns Scotus không chỉ là một người tài giỏi mà ngài còn là một người khiêm tốn và siêng năng cầu nguyện -- đó chính là sự tổng hợp mà Thánh Phanxicô muốn nơi bất cứ tu sĩ nào có học thức. Vào lúc phong trào dân tộc chủ nghĩa ở Pháp đe dọa quyền lợi của đức giáo hoàng, John Duns Scotus đã đứng về phía giáo hội và phải gánh chịu mọi hậu quả. Ngài cũng bảo vệ sự tự do của con người đối với những ai thỏa hiệp sự tự do ấy với chủ thuyết tất định (determinism).
Tư tưởng thì quan trọng. John Duns Scotus đã dùng tư tưởng hay nhất của ngài để phục vụ gia đình nhân loại và Giáo Hội.
_____
sinh năm 1805 tại Kẻ Bàng, Nam Ðịnh, Lý Trưởng, xử trảm ngày 08-11-1840 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 08-11.
sinh năm 1771 tại Kẻ Bền, Thanh Hóa, Linh Mục, xử trảm ngày 08-11-1840 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 08-11.
sinh năm 1771 tại Kẻ Vồi, Hà Nội, Linh Mục, xử trảm ngày 08-11-1840 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 08-11.
sinh năm 1760 tại Kẻ Sặt, Hà Nội, Linh Mục, xử trảm ngày 08-11-1840 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 08-11.
sinh năm 1787 tại Kẻ Bàng, Nam Ðịnh, Trùm họ, xử trảm ngày 08-11-1840 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 08-11.
9 Tháng Mười Một : Thánh John Lateran
Hầu hết người Công giáo nghĩ Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô là nhà thờ chính của giáo hoàng, nhưng thực ra. St John Lateran là nhà thờ chính tòa của Giáo phận Roma, nơi các Giám mục Roma làm chủ và ở đó.
John Lateran cung hiến Vương Cung Thánh Đường đầu tiên vào thế kỷ Thứ IV khi Constantine hiến tặng đất mà ông đã nhận được từ gia đình giàu có Lateran. Vào Thế Kỷ Thứ XIV, khi giáo hoàng trở về tìm lại đền thờ và di tích của giáo hội thì đã không còn nữa vì chiến tranh tàn phá và bị cháy, hơn nữa là do sự động đất nên những cấu trúc của đền thờ và di tích của giáo hội hoàn toàn bị ủy diệt.
Giáo hoàng Innocent X cho xây cất lại vào năm 1646. Một trong các Vương Cung Thánh Đường ở Rome hùng vĩ, mặt tiền cao chót vót của Lateran là đăng quang với 15 bức tượng khổng lồ của Đức Kitô, Gioan Tẩy Giả, John the Evangelist và 12 tông đồ tiên khởi của Giáo Hội. Bên dưới Vương Cung Thánh Đường Thánh Latêranô là phần nhỏ của bàn thờ bảng gỗ còn lại, nơi đó St Peter đã thường dâng Thánh Lễ.
Lời Bàn
Không giống như các lễ kỷ niệm của các nhà thờ La Mã (St Mary Major, ngày 05 tháng tám;. St Peter và Paul, ngày 18 tháng 11), là để tưởng nhớ kỷ niệm cống hiến nhà thờ như bữa tiệc cho tất cả các giáo dân của mình. Ý nghĩa duy nhất, St John Lateran là đền thờ giáo xứ của tất cả người Công giáo trong Giáo hội, bởi vì nó là đền thờ của giáo hoàng. Đền thờ này là nhà tinh thần của mọi người, là Giáo Hội.
10 Tháng Mười Một : Thánh Lêo Cả (c. 461)
Ý thức được tầm quan trọng của vị Giám Mục Rôma, và của Giáo Hội lữ hành như dấu chỉ sự hiện diện của Ðức Kitô trong trần thế, Thánh Lêo Cả đã hết sức tận tụy trong vai trò của một giáo hoàng. Ðược chọn làm "đấng kế vị Thánh Phêrô" vào năm 440, ngài làm việc không ngừng, hướng dẫn các giám mục dưới quyền như "những người ngang hàng về quyền bính cũng như sự yếu đuối con người."
Thánh Lêô nổi tiếng là một trong các giáo hoàng giỏi về quản trị trong thời Giáo Hội xưa. Sự nghiệp của ngài được chia ra làm bốn lãnh vực chính, chứng tỏ ngài có cái nhìn chính xác về trách nhiệm tổng quát của một giáo hoàng đối với đàn chiên của Ðức Kitô. Thứ nhất, ngài kiên trì chống với bè rối Pelagian, Manichae và các bè rối khác, ngoài ra ngài cũng áp đặt các quy luật để duy trì sự chân thực của đức tin Kitô Giáo. Lãnh vực thứ hai mà ngài lưu tâm là sự mâu thuẫn với Giáo Hội Ðông Phương về bản tính của Ðức Kitô mà ngài đã giải quyết bằng thư từ. Thứ ba, với đức tin mạnh mẽ, ngài còn lãnh đạo Rôma chống lại sự tấn công của quân man rợ, xứng đáng với vai trò bảo vệ hòa bình.
Sự nghiệp của Ðức Giáo Hoàng Lêô luôn được đề cao trong ba lãnh vực này. Ngoài ra, sự thánh thiện của ngài dựa trên nền tảng tâm linh sâu xa mà qua đó ngài thi hành công tác mục vụ cho đoàn chiên là lãnh vực thứ tư mà ngài hằng lưu tâm. Ngài nổi tiếng về những bài giảng thật sâu xắc. Là một khí cụ mời gọi mọi người nên thánh, được thấm nhuần Phúc Âm và luôn ý thức đến Giáo Hội, Ðức Lêô đã đáp ứng được những nhu cầu tâm linh của các tín hữu thời ấy.
Ngài từ trần năm 461, để lại nhiều văn bản và thư từ có giá trị lịch sử.
Lời Bàn
Khi có những chỉ trích về cơ cấu Giáo Hội, thì chúng ta cũng được nghe nói rằng các giám mục, linh mục -- có thể nói, tất cả chúng ta -- đã quá bận tâm với kiểu cách hành chánh theo thói đời. Ðức Giáo Hoàng Lêô là gương mẫu của một người quản trị biết dùng tài năng của mình trong các lãnh vực mà cơ cấu và tinh thần không thể tách biệt: đó là vấn đề giáo lý, công việc mục vụ và sự hài hòa. Ngài tránh cảnh "đi trên mây," sống mà không có thân xác, nhưng ngài cũng như tránh cảnh "quá thực tế," chỉ lo cho những sự bề ngoài.
11 Tháng Mười Một : Thánh Martin ở Tours (316?-397)
Một người chống đối hành động vô lương tâm muốn trở nên một tu sĩ; một tu sĩ bị gài ép để trở nên một giám mục; một giám mục chống đối những người vô tôn giáo nhưng cũng xin tha thứ cho những người lạc giáo -- đó là Thánh Martin ở Tours, một trong những vị thánh nổi tiếng.
Ngài sinh trong một gia đình vô tôn giáo ở chỗ bây giờ là Hungary và được lớn lên ở Ý. Là con của một cựu chiến binh, ngài bị ép buộc phải gia nhập quân đội vào lúc 16 tuổi. Ngài theo học đạo và được rửa tội lúc 18 tuổi. Người ta kể rằng ngài sống như một tu sĩ hơn là một binh sĩ. Năm 23 tuổi, ngài từ chối tham dự cuộc chiến của Hoàng Ðế Julian Caesar chống với thế giới bằng lập luận sau: "Tôi đã phục vụ ngài như một người lính; bây giờ hãy để tôi phục vụ Ðức Kitô. Hãy thưởng cho những người muốn chiến đấu. Nhưng tôi là một người lính của Ðức Kitô, và thật sai lầm nếu tôi đi đánh nhau." Sau nhiều khó khăn, ngài được giải ngũ và trở thành môn đệ của Ðức Giám Mục Hilary ở Poitiers.
Martin được tấn phong làm người trừ quỷ và hoạt động tích cực chống với bè rối Arian. Ngài trở thành vị ẩn tu, trước hết sống ở Milan và sau đó sống ở một đảo nhỏ. Khi Ðức Hilary được phục hồi quyền bính sau thời gian lưu đầy, Martin trở về Pháp và thành lập tu viện có thể nói đầu tiên ở Pháp, gần Poitiers. Ngài sống ở đó trong 10 năm, đào tạo các môn đệ và đi rao giảng khắp nước.
Dân chúng ở Tours đòi hỏi ngài làm giám mục cho họ. Và ngài bị lừa đến thành phố này và được đưa đến nhà thờ, là nơi ngài lưỡng lự nhận chức giám mục. Một vài giám mục tấn phong nghĩ rằng ngài không xứng đáng làm giám mục vì cái bề ngoài xuề xòa và mái tóc thiếu chải chuốt của ngài.
Cùng với Ðức Ambrôsiô, Ðức Giám Mục Martin chống với Ðức Giám Mục Ithacius về đề nghị xử tử những người lạc giáo -- cũng như sự can thiệp của hoàng đế vào vấn đề này. Ngài còn thuyết phục được hoàng đế tha chết cho Priscillian (người chủ trương những điều sai lạc về nhân tính của Ðức Kitô). Vì những nỗ lực này, Ðức Giám Mục Martin bị cho là cùng phía với bọn lạc giáo, và sau cùng Priscillian bị xử tử. Sau đó Ðức Giám Mục Martin xin chấm dứt việc bách hại những người ở Tây Ban Nha theo tà thuyết của Priscillian. Ngài còn muốn cộng tác với Ðức Giám Mục Ithacius về một vài lãnh vực, nhưng vì lương tâm không thấy ổn thỏa nên ngài đã bỏ dở ý định ấy.
Khi đến giờ chết, các môn đệ xin ngài đừng bỏ họ. Ngài cầu nguyện, "Lạy Chúa, nếu dân của Ngài vẫn còn cần đến con, con sẽ không từ chối làm việc. Nhưng con xin vâng theo ý Chúa."
Lời Bàn
Ðiều Thánh Martin quan tâm về sự cộng tác nhắc nhở cho chúng ta biết hầu như không có gì hoàn toàn trắng hoặc hoàn toàn đen. Các thánh cũng là những tạo vật ở trần gian: Họ cũng phải do dự khi quyết định như chúng ta. Bất cứ quyết định nào của lương tâm đều ít nhiều có sự liều lĩnh. Nếu chúng ta chọn đi hướng bắc, có thể chúng ta không biết được những gì xảy ra ở hướng đông, hướng tây hay hướng nam. Tuy nhiên, quá thận trọng không dám quyết định thì cũng không phải là nhân đức khôn ngoan, thật vậy, nếu cho rằng "không quyết định là sự quyết định" thì đó là một quyết định sai lầm.
12 Tháng Mười Một : Thánh Josaphat (1580?-1623)
Thánh Josaphat, vị giám mục theo lễ điển Ðông Phương, được coi là vị tử đạo cho sự hợp nhất giáo hội vì ngài cố gắng đưa Chính Thống Giáo về hợp nhất với Rôma.
Vào năm 1054, một sự chia cắt chính thức được gọi là đại ly giáo đã xảy ra giữa Giáo Hội Ðông Phương ở Constantinople và Giáo Hội Tây Phương ở Rôma vì những bất đồng về thần học và đời sống độc thân của giáo sĩ. Cho đến năm thế kỷ sau, một giáo chủ Chính Thống Giáo ở Kiev và năm giám mục Chính Thống Giáo quyết định đưa hàng triệu người Chính Thống Giáo dưới quyền về hợp nhất với Rôma. Khi Thượng Hội Ðồng ở Brest Litovsk khai mạc vào năm 1595 thì Thánh Josaphat Kunsevich lúc ấy chỉ là một cậu bé trai, nhưng đã được chứng kiến các kết quả tích cực cũng như tiêu cực của thượng hội đồng.
Hàng triệu Kitô Hữu đã không đồng ý với các giám mục về sự hiệp thông với Công Giáo, và cả đôi bên đều tìm cách giải quyết sự bất đồng, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng vũ lực. Do đó cả hai phía đều có nhiều người đã tử vì đạo. Giữa những xáo trộn ấy, Thánh Josaphat là một tiếng nói hòa bình.
Khi còn niên thiếu, nhờ sự khuyến khích của hai vị linh mục dòng Tên nên ngài đã gia nhập tu viện Holy Trinity ở Vilna năm 1604. Trong thời gian này, ngài quen thân với Joseph Benjamin Rutsky, là người trở lại Kitô Giáo sau một thời gian theo phái Calvin. Cả hai đều muốn sự hợp nhất trong giáo hội và cải tổ đời sống tu trì.
Sau đó, Josaphat được gửi đi trông coi một cơ sở ở Rôma, còn Rutsky được làm tu viện trưởng ở Vilna. Khi Rutsky được làm giáo chủ của Kiev, thì Josaphat lại được thế chỗ Rutsky làm tu viện trưởng. Nhân cơ hội này, Josaphat thi hành kế hoạch cải tổ, nhưng đường hướng cải tổ phản ảnh một đời sống nghiêm nhặt và khắc khổ của ngài, nên không mấy ai hưởng ứng. Ngay cả một tu hội còn dọa ném ngài xuống sông!
Khi là vị giám mục đầu tiên ở Vitebsk và sau đó ở Polotsk vào năm 1617, Ðức Giám Mục Josaphat phải đối diện với nhiều khó khăn. Có thể nói giáo hội lúc ấy thật thối nát, giáo sĩ tái hôn đến hai ba lần, và họ không lo lắng gì đến việc mục vụ hoặc đời sống gương mẫu. Trong vòng ba năm, Ðức Giám Mục Josaphat phải chấn chỉnh lại giáo hội qua các thượng hội đồng, phân phát sách giáo lý khắp nơi, và áp đặt những quy luật cho hàng giáo sĩ. Nhưng đáng kể hơn cả là chính đời sống của ngài mà hầu như lúc nào cũng đi rao giảng, giáo dục đức tin, thăm viếng những kẻ đau ốm.
Bất kể công việc và tiếng tăm của Ðức Giám Mục Josaphat, những người Chính Thống Giáo ly khai đã bầu một tổng giám mục của họ ngay ở cùng một thành phố. Thật đau lòng cho Ðức Giám Mục Josaphat khi thấy những người ngài phục vụ bị phân ly trong những cuộc bạo loạn. Ngay cả giáo phận cũ của ngài ở Vitebsk cũng chống đối sự hợp nhất và chống chính ngài. Ðau khổ hơn cả, là chính người Công Giáo mà ngài tìm cách hợp nhất cũng chống đối ngài, chỉ vì họ không thích lễ điển Byzantine mà ngài chủ trương thay vì lễ điển Rôma. Vì sợ hãi hoặc vì ngu dốt, vị chưởng ấn của Lithuania, tin lời đồn đãi rằng ngài xúi giục dân chúng nổi loạn, nên thay vì giúp đỡ thì lại lên án Ðức Giám Mục Josaphat. Thực sự ngài chỉ dùng đến quyền lực khi các người ly khai chiếm nhà thờ Mogilev và ngài xin nhà cầm quyền giúp phục hồi lại quyền bính.
Vào tháng Mười 1623, Ðức Giám Mục Josaphat quyết định trở về Vitebsk để đích thân lắng dịu vấn đề. Ngài biết rất nguy hiểm nhưng cho biết, "Nếu tôi xứng đáng được phúc tử đạo, thì tôi không sợ chết."
Những người ly khai coi đây là cơ hội để trừ khử Josaphat và làm ngài mất uy tín nếu họ xúi giục được phe của ngài nổi loạn trước và coi đó là cái cớ để chống lại. Sự đe dọa tính mạng của ngài quá lộ liễu đến nỗi ngài phải lên tiếng, "Quý vị muốn giết tôi sao. Quý vị phục kích tôi trên đường phố, trên cầu cống, trong chợ búa, ở khắp mọi nơi. Chính tôi đây. Tôi đến với quý vị như một mục tử. Quý vị biết là tôi rất vui mừng để hy sinh cho quý vị. Tôi sẵn sàng chết cho sự hợp nhất của Giáo Hội dưới quyền Thánh Phêrô và các giáo hoàng kế vị."
Khi người ly khai thấy kế hoạch thất bại, họ lập mưu bằng cách đưa một linh mục tên Elias đến nơi tụ họp của phe đức giám mục để lên tiếng sỉ vả bất cứ ai đi ngang qua, nhất là vu khống Ðức Giám Mục Josaphat và Giáo Hội Công Giáo, cốt để chọc tức.
Biết được thâm ý của họ, Ðức Giám Mục Josaphat giữ im lặng và cầu nguyện nguyên ngày. Qua ngày hôm sau, Elias lại đến nữa và các người phục dịch của đức giám mục đã bắt nhốt Elias trong một căn phòng khi ngài đi vắng. Trở về nhà, thấy vậy ngài đã mở cửa phòng cho Elias trốn đi. Nhưng đã quá trễ. Ðám ly khai chỉ chờ có thế để báo động cả thành phố đến bao vây với gậy gộc trên tay.
Khi bước ra sau vườn, ngài thấy đám du côn đánh đập các người phục dịch và các linh mục khác, ngài lớn tiếng kêu: "Này các con, các con làm gì những người đó vậy? Nếu các con muốn chống đối cha, thì có cha đây, đừng đụng đến những người ấy!" Sau tiếng hô to, "Hãy giết tên theo giáo hoàng," bọn họ đánh đập Ðức Giám Mục Josaphat với gậy gộc, sau đó họ dùng rìu và cuối cùng bắn vào đầu ngài. Thi thể đầy máu của ngài bị họ kéo lê ra sông và quăng xuống đó cùng với xác con chó của ngài.
Những anh hùng vô danh trong thảm kịch này là các người Do Thái ở Vitebsk. Họ đã liều mạng xông vào toà giám mục để can gián và cứu những người trong toà giám mục khỏi bị sát hại. Nhờ sự can đảm của họ, nhiều người đã được cứu sống. Cũng chính những người Do Thái này đã công khai lên án các tên sát nhân và thương tiếc Ðức Giám Mục Josaphat, trong khi người Công Giáo ở thành phố lại trốn chui trốn nhủi vì sợ hãi.
Thông thường, sự bạo động luôn luôn có hậu quả trái ngược. Vì hối hận và kinh hoàng về cuộc bạo động khiến họ mất đi một vị giám mục thánh thiện nên công chúng lại hướng về sự hợp nhất với Rôma. Và sau cùng, đức tổng giám mục mà phe ly khai dựng lên là Meletius Smotritsky cũng đã hoà giải với Rôma.
Vào năm 1867, Ðức Giám Mục Josaphat là vị thánh đầu tiên của Giáo Hội Ðông Phương được Rôma tuyên phong hiển thánh.
Lời Bàn
Mầm mống chia rẽ được bắt đầu vào thế kỷ thứ tư, khi Ðế Quốc La Mã bị chia cắt làm hai phần Ðông và Tây. Không một lý do nào có thêå biện minh cho sự phân ly hiện nay trong Kitô Giáo, mà trong đó 64 phần trăm là Công Giáo Rôma, 13 phần trăm là các Giáo Hội Ðông Phương (hầu hết là Chính Thống Giáo) và 23 phần trăm Tin Lành, trong khi 71 phần trăm dân số thế giới chưa được biết đến Ðức Kitô thì họ phải là những người được mục kích sự hợp nhất Kitô Giáo và đức bác ái của những người mệnh danh là Kitô Hữu!
13 Tháng Mười Một : Thánh Frances Xavier Cabrini (1850-1917)
Thánh Frances Xavier Cabrini là công dân Hoa Kỳ đầu tiên được phong thánh. Chính lòng tin tưởng mãnh liệt vào sự chăm sóc yêu thương của Thiên Chúa đã ban cho thánh nữ sức mạnh để trở nên một phụ nữ dũng cảm làm việc cho Ðức Kitô.
Thánh Frances sinh ở Lombardi, nước Ý vào năm 1850, trong một gia đình có đến 13 người con. Khi 18 tuổi, ngài ao ước trở thành một nữ tu nơi ngài theo học sư phạm, nhưng vì sức khỏe yếu kém nên bị từ chối. Sau đó thánh nữ làm việc bác ái ở Cô Nhi Viện Ðấng Quan Phòng ở Cadogne, nước Ý. Vào tháng Chín 1877, ngài tuyên khấn và mặc áo dòng.
Khi đức giám mục đóng cửa cô nhi viện vào năm 1880, ngài đặt sơ Frances làm tu viện trưởng tu hội Nữ Tu Thánh Tâm Truyền Giáo và bảy phụ nữ khác làm việc ở cô nhi viện cũng đã gia nhập tu hội này.
Ngay từ khi còn nhỏ, Thánh Frances đã có ý định đi truyền giáo ở Trung Cộng, nhưng theo sự khuyên bảo của Ðức Giáo Hoàng Lêo XIII, cùng với sáu nữ tu khác, ngài đến thành phố Nữu Ước để phục vụ hàng ngàn người Ý di dân đang sinh sống ở đây.
Ngài gặp nhiều chán nản và khó khăn trên bước hành trình. Khi đến thành phố Nữu Ước, căn nhà được hứa để làm cô nhi viện đầu tiên ở Hoa Kỳ thì lại không có. Ðức tổng giám mục khuyên ngài trở về Ý. Nhưng Frances, một phụ nữ can đảm có thừa, đã rời bỏ tư dinh của đức tổng và tự tay gầy dựng cô nhi viện. Và ngài đã thành công.
Trong 35 năm, Thánh Frances Xavier Cabrini đã thành lập 67 trung tâm để chăm sóc người nghèo, trẻ mồ côi, người ít học và bệnh nhân. Nhận thấy nhu cầu cần thiết của người di dân Ý trước viễn ảnh bị mất đức tin, ngài mở trường học và các lớp dạy giáo lý cho người lớn.
Cho đến ngày ngài qua đời ở Chicago, tiểu bang Illinois ngày 22-12-1917, tu hội của ngài đã có mặt tại các nước Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ và Nam Mỹ.
Vào năm 1946, ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô XII tuyên phong hiển thánh và đặt làm quan thầy của người di dân.
Lời Bàn
Lòng thương người và sự tận tụy của Mẹ Cabrini vẫn còn được nhận thấy qua hàng trăm ngàn nữ tu của ngài, họ chăm sóc bệnh nhân ở bệnh viện, viện dưỡng lão và các trung tâm quốc gia. Chúng ta than phiền về sự tốn kém y tế trong một xã hội giầu có, nhưng tin tức hàng ngày cho thấy hàng triệu người khác trên thế giới không có một chút gì được gọi là y tế, và họ đang mời gọi những người noi gương Mẹ Cabrini đến để phục vụ người dân trên đất nước của họ.
Lời Trích
Trong nghi lễ phong thánh cho Mẹ Cabrini ngày 7-7-1946, Ðức Giáo Hoàng Piô XII tuyên bố: "Mặc dù hiến pháp của tu hội ngài rất đơn sơ, nhưng ngài được ban cho một tinh thần phi thường đến nỗi, một khi tin rằng đó là ý Chúa, ngài không để bất cứ điều gì cản trở việc thực hiện mà những công trình ấy vượt quá sức lực của một phụ nữ."
14 Tháng Mười Một : Thánh Gertrude (1256? - 1302)
Thánh Gertrude là một trong những vị thần bí nổi tiếng của thế kỷ 13. Cùng với Thánh Mechtild, thánh nữ tập luyện một đời sống tâm linh gọi là "hôn nhân huyền nhiệm", đó là ngài trở nên vị hôn thê của Ðức Kitô. Ðời sống của ngài kết hợp mật thiết với Ðức Giêsu và Thánh Tâm, từ đó dẫn đến đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Thánh Gertrude sinh ở Eisleben thuộc Saxony. Khi lên năm tuổi, ngài được giao cho các nữ tu Benedictine ở Rodalsdorf chăm sóc, sau này ngài trở thành một nữ tu, và vào năm 1251 ngài làm tu viện trưởng của chính tu viện ấy.
Thánh Gertrude rất thích học hỏi. Ngài giỏi tiếng Latinh và sáng tác thơ phú dựa vào Phụng Vụ Thánh. Cuộc đời của thánh nữ, dù không có những biến động sôi nổi hay những hành động đáng kinh ngạc, nhưng sinh hoạt tinh thần của ngài thật đáng khâm phục. Ngài sống cuộc đời bí nhiệm trong tu viện, cuộc đời ẩn giấu với Ðức Kitô. Ngài nổi tiếng là người sùng kính Nhân Tính Thiêng Liêng của Ðức Giêsu trong sự Thống Khổ và trong bí tích Thánh Thể, và ngài cũng yêu mến Ðức Trinh Nữ Maria một cách đặc biệt. Thánh nữ từ trần năm 1302.
Lời Bàn
Ðời sống của Thánh Gertrude là một nhắc nhở cho chúng ta thấy tâm điểm của cuộc đời Kitô Hữu là cầu nguyện: một cách riêng tư và trong phụng vụ, một cách bình thường hay huyền nhiệm, luôn luôn có tính cách cá nhân.
_______
13. Étienn-Théodore CUÉNOT Thể,
sinh năm 1802 tại Bélieu, Besancon, Pháp, Giám Mục, Hội Thừa Sai Paris, chết rũ tù ngày 14-11-1861 tại Bình Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 11-4-1909 do Ðức Piô X, kính ngày 14-11.
15 Tháng Mười Một : Thánh Albert Cả (1206-1280)
Thánh Albert Cả là linh mục Ða Minh người Ðức có ảnh hưởng đến lập trường dứt khoát của Giáo Hội đối với triết lý của Aristotle được du nhập vào Âu Châu do sự phát triển của Hồi Giáo.
Các sinh viên triết biết đến ngài như vị thầy của Thánh Tôma Aquinas. Sự hiểu biết về triết Aristotle của Thánh Albert tạo môi trường thích hợp cho Thánh Tôma Aquinas phát triển quan niệm tổng hợp của ngài về văn hóa Hy Lạp và thần học Kitô Giáo. Nhưng Thánh Albert vẫn xứng đáng là một học giả am tường, trung thực và cần cù.
Ngài là con cả của một lãnh chúa quyền thế và giầu có ở Ðức. Ngay từ nhỏ ngài đã nổi tiếng thông minh. Lớn lên, ngài vào trường đại học ở Padua, nước Ý, và chính ở đây ngài gia nhập dòng Ða Minh khiến gia đình thật khó chịu.
Sự lưu tâm vô bờ của ngài đến các lãnh vực khác nhau đã thúc giục ngài viết các tổng lược về: khoa học tự nhiên, hùng biện, toán học, thiên văn, luân lý, kinh tế, chính trị và siêu hình học. Công trình này phải mất 20 năm mới hoàn tất. Ngài nói, "Mục đích của chúng tôi là đưa ra tất cả những học thuật trước đây để Giáo Hội Tây Phương có thể lĩnh hội được."
Ngài đạt được mục đích ấy trong khi vừa giảng dạy tại Paris và Cologne, vừa làm bề trên dòng Ða Minh và ngay cả khi là giám mục của Regensburg. Ngài bảo vệ các dòng Ða Minh và Phanxicô chống với sự tấn công của William ở St. Amour, và giúp Thánh Tôma chống với tà thuyết Averroist.
Ngài từ trần ở Cologne ngày 15-11-1280. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô XI phong thánh và được tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1931.
Lời Bàn
Kitô Hữu ngày nay phải đối diện với sự tràn ngập kiến thức trong mọi lãnh vực. Họ cần đọc báo chí Công Giáo ngày nay để biết được phản ứng của Giáo Hội trước những khám phá mới về khoa học xã hội, về lối sống người Kitô Hữu cũng như thần học Kitô Giáo. Khi phong thánh cho Thánh Albert, Giáo Hội đã coi sự quý trọng chân lý, bất cứ tìm thấy ở đâu, như đặc tính thánh thiện của ngài. Tính hiếu kỳ của thánh nhân đã khiến ngài đào xới trong kho tàng khôn ngoan của triết học mà Giáo Hội thời ấy đang sôi nổi với những khó khăn.
Lời Trích
"Có những người muốn hiểu biết chỉ để hiểu biết; đó là sự tò mò đáng hổ thẹn. Có những người muốn hiểu biết để nhờ đó họ được nổi tiếng; đó cũng là sự phù hoa và nhục nhã. Những người khác lại muốn hiểu biết để kiếm tiền hay thăng quan tiến chức; đó cũng là điều mất thể diện. Nhưng cũng có những người muốn hiểu biết để họ có thể sinh lợi cho chính linh hồn họ và linh hồn người khác; đó là lòng bác ái. Trong những loại hiểu biết kể trên, chỉ có loại sau cùng là biết sử dụng kiến thức cách xứng hợp" (Thánh Bernard, Bài Giảng Về Diễm Ca)
16 Tháng Mười Một : Thánh Margaret ở Tô Cách Lan (1045-1093)
Thánh Margaret ở Tô Cách Lan quả thật là một phụ nữ tự do--trong ý nghĩa tự do để trở nên con người đích thực. Ðối với ngài, điều đó có nghĩa được tự do để yêu mến Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.
Margaret không phải là người Tô Cách Lan. Ngài là con gái của Công Chúa Agatha Hung Gia Lợi và Thái Tử Edward Atheling của Anglo-Saxon. Thời niên thiếu, ngài sống trong triều đình của người bác là Edward, vua nước Anh, người bảo vệ đức tin. Khi bị William xâm chiếm, trên đường chạy trốn, gia tộc ngài bị đắm tầu ở bờ biển Tô Cách Lan. Vua Malcolm của Tô Cách Lan làm quen với hoàng tộc này và ông đã say mê sự duyên dáng cũng như vẻ đẹp của Margaret. Và họ đã kết hôn ở lâu đài Dunfermline năm 1070.
Vua Malcolm là người tốt bụng, nhưng cộc cằn và không có học thức, cũng giống như quê hương của ông. Vì tình yêu của Malcolm dành cho Margaret mà bà có thể thay đổi tính tình nóng nẩy của ông, cũng như chỉ bảo cách đối xử và giúp ông trở nên một vị vua nhân đức. Bà đã biến triều đình thành một nơi lịch thiệp và mỹ miều. Ông đã để mọi việc trong nước cho bà quản trị và thường hỏi ý của bà khi có vấn đề quốc sự.
Margaret là một ơn huệ Chúa ban cho người dân Tô Cách Lan. Trước khi bà đến đây, có rất nhiều người dốt nát và nhiều hủ tục trong nước. Bà tìm cách cải tiến quê hương chồng bằng cách cổ võ việc giáo dục và nghệ thuật. Về cải cách tôn giáo, bà khích lệ tổ chức các thượng hội đồng và đích thân tham dự các buổi thảo luận nhằm chấn chỉnh những tệ đoan tôn giáo rất phổ thông thời ấy của tu sĩ cũng như giáo dân, tỉ như vấn đề buôn thần bán thánh, cho vay lời cắt cổ và loạn luân. Cùng với đức lang quân, bà xây dựng nhiều nhà thờ trong nước và chính tay bà thêu áo lễ cho các linh mục.
Margaret không chỉ là một hoàng hậu mà còn là một người mẹ gương mẫu. Thiên Chúa đã ban cho ông bà sáu con trai và hai con gái. Ðích thân bà trông coi việc giáo dục cũng như dạy giáo lý cho con. Người con út của bà sau này là Thánh David.
Mặc dù rất bận rộn với công việc nhà cũng như việc nước, bà cố giữ mình khỏi bị ảnh hưởng của thế gian. Ðời sống riêng tư của bà rất khắc khổ. Bà dành thời giờ để cầu nguyện và đọc Kinh Thánh. Bà ăn uống thanh cảnh và ngủ rất ít để có thời giờ suy niệm. Hàng năm, hai ông bà tuân giữ hai mùa Chay, một lần trước Phục sinh và một lần trước Giáng Sinh. Trong thời gian này bà thường thức giấc vào nửa đêm để đi dự Thánh Lễ. Trên đường về, bà rửa chân cho sáu người nghèo và bố thí cho họ. Mỗi khi bà xuất hiện nơi công cộng là bị những người ăn xin vây quanh và không bao giờ bà từ chối họ. Người ta kể rằng, trước khi bà ngồi xuống dùng bữa tối, bà thường dọn thức ăn cho chín trẻ mồ côi và 24 người nghèo.
Năm 1093, Vua William Rufus bất ngờ tấn công vào thành Alnwick. Vua Malcolm và người con cả là Edward bị giết chết. Bà Margaret, cũng bị thương nặng, và bốn ngày sau khi chồng bà từ trần thì bà cũng trút hơi thở cuối cùng.
Lời Bàn
Có hai cách thi hành việc bác ái: cách "sạch sẽ" và cách "bẩn thỉu." Cách "sạch sẽ" là tặng tiền bạc, quần áo cho các tổ chức phục vụ người nghèo. Cách "bẩn thỉu" là dùng chính bàn tay của mình để phục vụ mà không sợ dơ bẩn. Nhân đức trổi vượt của Thánh Margaret là lòng thương người nghèo. Mặc dù rất giầu sang, nhưng ngài đã đích thân thăm viếng người bệnh hoạn và chăm sóc họ với chính đôi tay của mình. Trong mùa Vọng và mùa Chay, hai ông bà đã quỳ xuống để phục vụ các trẻ em mồ côi và người nghèo hèn. Giống như Ðức Kitô, bà đã thi hành bác ái trong phương cách "bẩn thỉu."
Lời Trích
"Khi bà lên tiếng, trong lời nói đầy sự khôn ngoan ấy có sức thay đổi lòng người. Khi bà im lặng, sự thinh lặng đầy suy tư. Toàn thể bề ngoài của bà phù hợp với tính tình trầm lặng mà dường như bà được sinh ra với một cuộc đời nhân đức" (Turgot, cha giải tội của Thánh Margaret).
17 Tháng Mười Một : Thánh Elizabeth ở Hung Gia Lợi (1207-1231)
Tuy cuộc đời của Thánh Elizabeth thật ngắn ngủi, nhưng lòng thương yêu ngài dành cho người nghèo và người đau khổ thật lớn lao đến nỗi ngài được Giáo Hội đặt làm quan thầy của các tổ chức bác ái Công Giáo và của Dòng Ba Phanxicô. Là con gái của vua Hung Gia Lợi, thay vì chọn một đời sống xa hoa nhàn hạ, Thánh Elizabeth đã đi theo con đường khổ hạnh và hãm mình. Quyết định đó đã để lại trong tâm khảm của bao người dân Âu Châu niềm cảm mến sâu xa.
Khi lên 14 tuổi, ngài kết hôn với ông Louis ở Thuringia (một quận chúa của Ðức), là người mà ngài rất yêu mến, và có được ba mặt con. Dưới sự linh hướng của các tu sĩ Phanxicô, ngài sống đời cầu nguyện, hy sinh và phục vụ người nghèo cũng như người đau yếu. Không những thế, ngài còn muốn trở nên một người nghèo thực sự qua cách ăn mặc thật đơn sơ. Mỗi ngày, ngài phân phát thực phẩm cho hàng trăm người nghèo trong vùng mà lúc nào cũng đầy nghẹt trước cửa nhà.
Sau sáu năm thành hôn, ngài thật đau khổ khi nghe tin chồng tử trận trong cuộc Thập Tự Chinh. Buồn hơn nữa, gia đình nhà chồng lại coi ngài là người hoang phí tiền bạc của hoàng gia nên đã đối xử với ngài thật thậm tệ, và sau cùng họ đã tống ngài ra khỏi hoàng cung. Nhưng sau cuộc thập tự chinh, những người thân thuộc bên chồng trở về đã phục hồi quyền lợi cho ngài, vì con trai của ngài là người thừa kế chính thức.
Vào năm 1229, ngài gia nhập dòng Ba Phanxicô, và dùng quãng đời còn lại để chăm sóc người nghèo trong một bệnh viện mà ngài đã thiết lập để vinh danh Thánh Phanxicô. Sức khỏe của ngài ngày càng sa sút, và sau cùng ngài đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày sinh nhật thứ 24, năm 1231. Vì sự nổi tiếng về nhân đức của ngài nên chỉ bốn năm sau ngài đã được phong thánh.
Lời Bàn
Thánh Elizabeth hiểu rất rõ bài học của Ðức Kitô khi Người rửa chân cho các môn đệ trong bữa Tiệc Ly: người Kitô phải là người phục vụ những nhu cầu cần thiết của tha nhân, dù người phục vụ có địa vị cao trọng. Là một người trong hoàng tộc, Thánh Elizabeth đã có thể sai khiến người dân, nhưng ngài đã phục vụ họ với một tâm hồn thật đại lượng đến nỗi trong cuộc đời ngắn ngủi ấy ngài đã được sự quý mến của rất nhiều người. Thánh Elizabeth còn là gương mẫu cho chúng ta về sự tuân phục vị linh hướng. Thăng tiến đời sống tâm linh là một tiến trình thật khó khăn. Chúng ta rất dễ tương nhượng nếu không có ai khích lệ hay chia sẻ những kinh nghiệm để giúp chúng ta tránh được các cạm bẫy.
Lời Trích
"Trong thời đại ngày nay, chúng ta có trách nhiệm đặc biệt là trở nên người thân cận đối với mọi người, và tích cực giúp đỡ họ khi chúng ta gặp trên đường đời, dù đó là người già cả bị hắt hủi, người lao công ngoại quốc bị khinh miệt, người tị nạn, trẻ sơ sinh của một mối tình vụng trộm mà bất đắc dĩ em phải chịu đau khổ, hay một người đói ăn; những người ấy đã làm lương tâm chúng ta phải bối rối khi nhớ lời Ðức Kitô: 'Khi anh em giúp đỡ một người bé mọn này là giúp đỡ chính Thầy' (Mt. 15:40)" (Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, 27).
Ngày 18 tháng 11 : CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ
1. Đôi nét về lịch sử.
Vương cung Thánh đường Phêrô ở Roma là một ngôi thánh đường danh tiếng nhất của Giáo Hội Công giáo. Đó là một ngôi thánh đường vĩ đại và là một bảo tàng viện về nghệ thuật và kiến trúc, được xây cất trên ngọn đồi Vatican trước kia là một nghĩa địa có di tích của Thánh Phêrô, nơi mà nhiều tín hữu thường đến đó để cầu nguyện.
Năm 319 Hoàng đế Constantin đã cho xây cất trên đó một ngôi thánh đường thật đồ sộ. Ngôi thánh đường này đã đứng vững trên một ngàn năm. Mặc dầu được tu bổ nhiều lần, nhưng cuối cùng đã lung lay và muốn sụp đổ. Đến năm 1506 thì Đức Giáo Hoàng Julius II quyết định san bằng và xây dựng lại một thánh đường mới nhưng đã kéo dài hơn hai trăm năm mới hoàn tất và sau đó được làm phép tận hiến.
Thánh đường Thánh Phaolô ở ngoại thành Vatican gần Abazia delle Tre Fontane, nơi thánh Phaolô bị chặt đầu là ngôi thánh đường lớn nhất trong thành Rome cho đến khi ngôi Thánh đường Phêrô được xây cất lại trên địa điểm đã được Hoàng đế Constantin xây cất lúc ban đầu. Vương cung thánh đường Phêrô hiện tại được xây lại sau cơn đại hỏa hoạn năm 1823.
Hai ngôi thánh đường Phêrô và Phaolô tuy xa cách nhau hơn một dặm nhưng được nối liền với nhau bởi một dãy hành lang có cột bằng đá cẩm thạch. Không phải vì uy thế và tinh thần của Thánh Phêrô, cũng như di cốt của ngài mà Giáo đô được đặt tại Roma. Đó là cơ duyên của lịch sử cũng như ân sủng mầu nhiệm của Thiên Chúa theo câu La ngữ được in khắc trên đỉnh vòm cao 400 mét của thánh đường: “Ngươi là đá, trên viên đá này Ta sẽ xây Giáo Hội của Ta và Ta sẽ ban cho ngươi chìa khóa của nước Thiên đàng.”
Vua Constantino Cả là hoàng đế cai trị nước Rôma từ năm 274 đến 337. Sau khi thắng vua Maxence, hoàng đế Constantinô Cả cho phép người Công giáo được tự đền thờ giữ đạo, và chính hoàng đế Constantinô cũng xin gia nhập công giáo vào năm 313. Nhưng mãi tới năm 323, hoàng đế Constantino Cả mới chịu phép rửa tội đền thờ tay đức giáo hoàng Sylvester. Hôm ấy bước chân vào nhà thờ, thấy nhà thờ trang hoàng tốt đẹp, vua Constantinô mới hỏi đức giáo hoàng Sylvester: “Tâu đức thánh cha, đây có phải là thiên đàng mà Thiên Chúa hứa cho những người giữ đạo không ? Bấy giờ đức giáo hoàng Sylvester trả lời rằng: Tâu đức vua, nhà thờ nay là nhà của Thiên Chúa, là hình bóng nước thiên đàng, là cửa đưa vào nước thiên đàng, chứ chưa phải là thiên đàng thực sự.
Hôm nay tôi cũng mượn lời đức giáo hoàng Sylvester để nhắc anh chị em: nhà thờ của chúng ta là cửa đưa chúng ta vào nước thiên đàng, nên anh chị em hãy siêng năng đến nhà thờ để thờ phượng Chúa nhất là các ngày chủ nhật, để Chúa đưa chúng ta vào nước thiên đàng sau này. Nếu đứng xa tuốt ngoài sân, thì sao được gọi là đã vào cửa thiên đàng. Mà chưa vào cửa thiên đàng, thì làm sao vào thiên đàng được. (mạng vietcatholic)
2. Đi tìm một ý nghĩa cho việc mừng kính hôm nay.
Xin mượn bài suy niệm của thánh Cesario giám mục Ác-lơ.
Anh em thân mến, hôm nay nhờ lòng khoan nhân của Đức Ki-tô, chúng ta hân hoan mừng rỡ cử hành ngày kỷ niệm khánh thành ngôi đền thờ này. Nhưng chính chúng ta phải là đền thờ đích thực và sống động của Thiên Chúa. Dân Ki-tô hữu quả có lý khi trung thành mừng kính ngày trọng đại của Mẹ Hội Thánh, vì họ biết nhờ Mẹ Hội Thánh mà họ được tái sinh vào cuộc sống thiêng liêng. Bởi vì khi sinh ra lần đầu, chúng ta là những kẻ đáng hứng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, nhưng lần sau, chúng ta đã được trở nên những kẻ được Người xót thương. Lần sinh thứ nhất dẫn chúng ta đến cõi chết, còn lần sinh thứ hai lại đưa chúng ta về cõi sống.
Thưa anh em, trước khi được thanh tẩy, mọi người chúng ta là miếu thờ ma quỷ, nhưng sau khi được thanh tẩy, chúng ta thành đền thờ của Đức Ki-tô. Nếu chúng ta để tâm suy nghĩ nhiều hơn về ơn cứu độ linh hồn, chúng ta sẽ biết chúng ta là đền thờ đích thực và sống động của Thiên Chúa. Thiên Chúa không chỉ ngự trong những đền do tay con người làm ra, cũng không chỉ ngự trong những ngôi đền bằng gỗ bằng đá, nhưng đặc biệt Người ngự trong linh hồn đã được dựng nên giống hình ảnh Người và do chính tay Người xây lên. Vì thế, thánh Phao-lô tông đồ đã nói: Đền thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và đền thờ ấy chính là anh em.
Và vì khi Đức Ki-tô đến, Người trục xuất ma quỷ ra khỏi lòng chúng ta để chuẩn bị ngôi đền thờ cho chính Người trong chúng ta, nên với sự trợ giúp của Người, chúng ta hãy cố gắng hết sức mình, để nơi chúng ta, Người không còn phải chịu sỉ nhục vì các việc làm xấu xa của chúng ta nữa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì sỉ nhục Đức Ki-tô. Như tôi đã nói: trước khi Đức Ki-tô cứu chuộc chúng ta, chúng ta là đền đài của ma quỷ, về sau chúng ta lại được nên ngôi nhà của Thiên Chúa: chính Thiên Chúa đã đoái thương làm cho chúng ta trở thành ngôi nhà cho Người ngự.
Vì thế, thưa anh em, nếu chúng ta muốn hân hoan mừng ngày cung hiến đền thờ, chúng ta không được dùng những hành động xấu xa để phá huỷ đền thờ sống động của Thiên Chúa nơi chúng ta. Sở dĩ tôi nói như vậy là để ai nấy có thể hiểu rằng: mỗi khi đến nhà thờ, chúng ta muốn thấy nhà thờ đó thế nào, thì chúng ta cũng phải chuẩn bị chính tâm hồn chúng ta như thế.
Bạn muốn thấy ngôi thánh đường sạch sẽ ư ? Bạn đừng làm cho linh hồn bạn ra ô uế vì những nhơ bẩn của tội lỗi. Nếu bạn muốn ngôi thánh đường rực sáng, thì Thiên Chúa cũng muốn bạn không được để cho linh hồn ra tối tăm, nhưng lời Chúa nói phải được thực hiện: ấy là ánh sáng của các việc lành chiếu sáng trong chúng ta và như thế, Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời, được tôn vinh. Bạn muốn vào ngôi thánh đường kia như thế nào, thì Thiên Chúa cũng muốn vào linh hồn bạn như thế, theo lời Người đã hứa: Ta sẽ ngự giữa họ và sẽ đi đi lại lại giữa họ.
Một vị mục sư đi ngang một tiệm bán đồ cổ Đại Hàn ở Los Angeles, ông chú ý đến cái tô bằng đồng rất đẹp. Ông bước vào tiệm hỏi:
- Ông chủ ơi, cái tô súp đó giá bao nhiêu tiền ?
Người chủ tức giận:
-Tôi cấm ông gọi cái đó là cái tô súp.
Vị mục sư xin lỗi:
- Nếu tôi có xúc phạm ông điều gì thì xin tha lỗi, tôi tưởng nó cũng là cái tô súp như những cái khác.
Người chủ trả lời:
- Đó không phải là tô súp, nhưng là cái tô được chế tạo cách đặc biệt, chỉ chứa đựng một loại rượu đặc biệt, trong một buổi lễ đặc biệt, đó là lễ cưới của hoàng gia Đại Hàn, và chỉ một mình vua Đại Hàn mới có quyền uống rượu từ chén đó thôi.
Đời sống chúng ta cũng vậy, đã được Chúa Cứu Thế Giêsu đổ máu ra mua chuộc, biệt riêng ra thánh, và còn để làm chỗ Chúa Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự mà thôi Cuộc đời chúng ta không thể chứa điều gì khác ngoài Chúa Thánh Thần là Đấng đang ngự trị trong đền thờ thân thể chúng ta. (ĐM)…
Trích: https://tgpsaigon.net/
(Old calendar) 18 Tháng Mười Một : Thánh Rose Philippine Duchesne (1769-1852)
Sinh ở Grenoble, nước Pháp, trong một gia đình giầu có, Philippine hấp thụ năng khiếu chính trị từ người cha và nơi người mẹ ngài học được sự thương yêu người nghèo. Về tính tình, chính yếu ngài là một người cương quyết với ý chí bất khuất, mà sau này tính khí ấy đã giúp ngài trở nên thánh thiện. Ngài gia nhập tu viện năm 19 tuổi mà không nói với cha mẹ một lời, và dù gia đình có chống đối, ngài vẫn cương quyết đi tu. Khi cuộc Cách Mạng Pháp bùng nổ, tu viện phải đóng cửa, ngài quay sang chăm sóc người nghèo và người đau yếu, mở lớp dạy các trẻ bụi đời và liều mình giúp đỡ các linh mục đang hoạt động âm thầm.
Khi tình thế lắng dịu, chính ngài thuê lại tu viện cũ, đã đổ nát vì chiến tranh, cốt để làm sống lại sinh hoạt nhà dòng. Chiến tranh đã tàn phá không chỉ vật chất mà còn ảnh hưởng đến đời sống tâm linh. Nhà dòng chỉ còn lại bốn nữ tu. Sau đó họ gia nhập Tu Hội Thánh Tâm mới được thành lập, mà vị bề trên trẻ tuổi, Thánh Madeleine Sophie Barat, trở nên một người bạn trong suốt cuộc đời của sơ Philippine. Một thời gian ngắn sau đó, sơ Philippine làm bề trên nhà dòng và làm hiệu trưởng một trường học. Nhưng mơ ước của ngài ngay từ khi còn nhỏ, lúc được nghe biết về công cuộc truyền giáo ở Louisiana, là sang Hoa Kỳ phục vụ người da đỏ. Ngài thực hiện tham vọng này khi 49 tuổi.
Cùng với bốn nữ tu, ngài lênh đênh trên biển 11 tuần lễ để đến New Orleans, và sau đó họ phải xuôi giòng Mississippi thêm bảy tuần lễ nữa để đến St. Louis. Ðến nơi, ngài chỉ gặp toàn thất vọng. Ðức giám mục địa phương không có chỗ cho các sơ tá túc để hoạt động cho người thổ dân Hoa Kỳ. Thay vào đó, đức cha lại sai các sơ đến một nơi mà ngài gọi là "làng hẻo lánh nhất Hoa Kỳ," đó là St. Charles, Missouri. Tuy nhiên, với bản tính dũng cảm sơ Philippine đã thiết lập trường học miễn phí đầu tiên cho các thiếu nữ ở vùng tả ngạn sông Mississippi.
Nhưng đó là một sai lầm. Mặc dù các ngài làm việc quần quật như bất cứ người phụ nữ nào trong thời kỳ khẩn hoang phải rong ruổi trên các toa xe ngựa viễn tây, sự đói khát và lạnh giá đã đẩy các ngài ra khỏi vùng, lưu lạc đến Florissant, Missouri, là nơi ngài thiết lập trường Công Giáo Da Ðỏ đầu tiên. Phải là một nữ anh thư như Mẹ Philippine Duchesne mới kinh qua được những hành trình khủng khiếp trong thời gian truyền giáo. Louis E. Callan, người tìm hiểu về Mẹ Duchesne đã viết: "Trong thập niên đầu khi Mẹ Duchesne đến Hoa Kỳ, trên thực tế ngài đã phải chịu đựng mọi gian khổ của một người khẩn hoang, ngoại trừ sự đe dọa của người da đỏ -- không có chỗ ở, thiếu thốn thực phẩm, nước uống, dầu đốt, tiền bạc, thời tiết thay đổi thất thường, thiếu thốn mọi tiện nghi, và sự ngỗ nghịch của các trẻ em vì sống trong môi trường thô bạo và ít được giáo dục".
Sau cùng, vào lúc 71 tuổi, với sức khoẻ yếu kém và mệt mỏi, ngài đã hoàn thành ước mơ. Một xứ đạo được thành hình ở Sugar Creek, Kansas, giữa những người thổ dân Potawatomi. Mặc dù ngài không thể học được tiếng bản xứ, nhưng người thổ dân gọi ngài là "Bà Luôn Cầu Nguyện". Trong khi người khác học hỏi thì ngài cầu nguyện. Người ta kể rằng các trẻ em da đỏ nghịch ngợm, lén ra đằng sau lưng ngài khi đang cầu nguyện để ném lên áo những mẩu giấy, và vài tiếng đồng hồ sau chúng trở lại, các mẩu giấy ấy vẫn còn dính trên áo.
Ngài từ trần năm 1852 lúc 83 tuổi, và được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II phong thánh năm 1988.
Lời Bàn
Ơn Chúa đã trui rèn ý chí sắt đá và sự quyết tâm của Mẹ Duchesne để trở thành một người khiêm tốn và vị tha, không muốn sự an nhàn của một đấng bề trên. Tuy nhiên, người ta chỉ nên thánh bởi sự trau dồi theo thời gian. Truyện kể rằng trong một cuộc tranh luận với vị linh mục về sự thay đổi nơi cung thánh, ngài cứng đầu đến nỗi vị linh mục phải đe dọa lấy đi nhà tạm thì ngài mới thôi. Nhưng ngài đã kiên nhẫn chịu đựng sự chỉ trích của các nữ tu trẻ cho rằng ngài thiếu cấp tiến. Qua tất cả các biến cố trong quãng đời 31 năm ấy, ngài có được một tình yêu bất khuất và đã trung thành tuân giữ lời khấn của ngài.
Lời Trích
"Chúng tôi chỉ làm được những điều rất nhỏ trong cánh đồng truyền giáo cho Ðức Kitô, nhưng chúng tôi yêu quý điều ấy, vì biết rằng Thiên Chúa không đòi hỏi phải thành đạt những công trình lớn lao, nhưng Người muốn một con tim dâng hiến tất cả, không giữ lại chút gì cho mình... Thập giá đích thực là thập giá mà chúng ta không tự chọn cho mình... Người có được Ðức Giêsu là có được tất cả" (Thánh Rose Philippine Duchesne)
19 Tháng Mười Một : Thánh Agnes ở Assisi (1197-1253)
Thánh Agnes là em ruột và là người đầu tiên theo Thánh Clara. Sau khi Clara bỏ nhà đi tu thì hai tuần sau, Agnes cũng bỏ nhà đi theo chị mình. Gia đình các ngài tìm cách ép buộc đưa Agnes về. Họ cố lôi ngài ra khỏi tu viện, nhưng thật lạ lùng thân thể của ngài bỗng dưng nặng chĩu khiến vài người đàn ông cũng không thể nhấc nổi. Người chú của ngài là Monaldo định đánh ngài nhưng bỗng dưng ông bị tê liệt. Sau đó họ phải để cho các ngài yên.
Agnes không thua gì người chị của mình trong việc cầu nguyện và hy sinh hãm mình trong thời gian ở San Damiano. Năm 1221, một nhóm nữ tu dòng Biển Ðức ở Monticelli (gần Florence) xin được trở thành các nữ tu Clara Nghèo Hèn. Thánh Phanxicô gửi Agnes đến làm tu viện trưởng của tu viện này. Sau khi thiết lập các tu viện Clara Nghèo Hèn ở vùng bắc nước Ý, Agnes được gọi về San Damiano năm 1253, khi Clara sắp sửa từ trần.
Ba tháng sau khi Clara từ trần, Agnes cũng đi theo chị mình.
Thánh Agnes được phong thánh năm 1753.
Lời Bàn
Thiên Chúa chắc hẳn phải ưa thích cảnh trớ trêu, vì thế giới đầy dẫy những điều ngược đời. Vào năm 1212, ở Assisi chắc hẳn nhiều người nghĩ rằng Thánh Clara và Agnes đã uổng phí cuộc đời khi các ngài quay lưng lại thế gian. Trên thực tế, cuộc đời của các ngài thực sự đã đem lại sức sống dồi dào, và thế giới được phong phú hơn nhờ gương mẫu của các vị tu sĩ nghèo hèn ấy.
Lời Trích
Charles de Foucald, sáng lập tu hội Tiểu Ðệ và Tiểu Muội của Chúa Giêsu, có viết: "Người ta phải trải qua sự cô độc và thực sự sống ở đó để nhận được ơn sủng của Thiên Chúa. Chính ở đó mà họ từ bỏ tất cả, gạt bỏ tất cả những gì không thuộc về Thiên Chúa, có như thế họ mới dọn được căn nhà linh hồn chỉ để một mình Chúa ngự. Khi làm như vậy, đừng sợ phản bội loài người. Ngược lại, đó là phương cách duy nhất mà bạn có thể phục vụ họ cách hữu hiệu" (Raphaen Brown, Franciscan Mystic, t. 126).
20 Tháng Mười Một : Thánh Bernward
Thánh Bernward sinh trong một gia đình thuộc sắc tộc Saxon, và được người chú là Ðức Giám Mục Volkmar của Utretch nuôi dưỡng khi ngài mồ côi cha mẹ từ nhỏ.
Ngài theo học trường địa phận ở Heidelburg và ở Mainz, là nơi ngài được thụ phong linh mục năm 987. Sau đó ngài làm tuyên uý cho hoàng tộc và là thầy giáo tư cho các con của hoàng đế Otto III.
Năm 993 ngài được chọn làm giám mục của Hildesheim, và đã xây dựng một tu viện và nhà thờ Thánh Micae ở đây. Ngài đặc biệt yêu chuộng kiến trúc, nghệ thuật và đã hoàn thành một vài tác phẩm đáng kể. Trong nhiều năm, ngài bất đồng ý kiến với Ðức Tổng Giám Mục Willigis của Mainz về các quyền giám mục đối với tu viện Gandersheim, nhưng sau đó Rôma đã tán thành ý kiến của ngài.
Trong những năm cuối đời, ngài là một tu sĩ dòng Biển Ðức và từ trần ngày 20 tháng 11. Ngài được phong thánh năm 1193.
______
sinh năm 1803 tại Sơn Miêng, Hà Ðông, Thầy Giảng, xử giảo ngày 20-11-1837 tại Ô Cầu Giấy dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 20-11.
21 Tháng Mười Một : Thánh Crispin ở Viterbo(1668 -- 1750)
Thánh Crispin tên thật là Phêrô Fioretti, sinh ở Viterbo, nước Ý. Ngài mồ côi cha ngay khi còn nhỏ. Vì hay đau yếu mà nhà lại nghèo, nên bà mẹ đã dâng cậu con trai năm tuổi cho Ðức Mẹ. Biến cố đó không bao giờ phai nhạt trong đầu Phêrô mà sau này cậu thường coi Ðức Maria như mẹ ruột của mình.
Vì nghèo không đủ tiền đi học, Phêrô theo ông chú học nghề đóng giầy, cho đến khi 25 tuổi, Phêrô gia nhập dòng Capuchin với tư cách thầy trợ sĩ và lấy tên là Crispin.
Sau khi khấn trọn, ngài được giao cho công việc đầu bếp cho nhà dòng ở Tolfa. Như lúc còn ngoài đời, ngài luôn luôn sùng kính Ðức Mẹ và qua sự cầu nguyện của thầy, nhiều người đã được chữa lành về phần xác cũng như phần hồn. Có lần một nhà quý tộc vì sống trác táng nên bị đau nặng và đến xin Thầy Crispin cầu nguyện. Thầy hỏi, "Thưa ngài, ngài muốn Ðức Mẹ chữa ngài, nhưng nếu giả như có người xúc phạm đến Con của Mẹ thì người ấy có làm buồn lòng Ðức Mẹ không? Nếu thực sự sùng kính Ðức Mẹ thì không thể xúc phạm đến Con của Mẹ được." Nhà quý tộc đã ăn năn sám hối và thay đổi đời sống.
Cùng với công việc đầu bếp, y tá, làm vườn, Thầy Crispin là người khất thực chính cho nhà dòng trong gần 40 năm. Ngay từ khi mặc áo dòng cho đến khi từ trần, thầy được Chúa ban cho ơn chữa lành bệnh tật và bất cứ ai đến với thầy đều cảm thấy phấn khởi và được bình an trong tâm hồn. Trong thời gian khất thực ở Orvieto, ngài không chỉ xin cho nhà dòng, mà còn xin cho tất cả những người nghèo ở đây.
Ngài đích thực là con cái của Thánh Phanxicô, luôn luôn vui vẻ và hăng say phục vụ cho đến khi từ trần vào lúc tám mươi hai tuổi. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô VII phong chân phước năm 1806 và Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh cho ngài năm 1982
Lời Bàn
Cha Henri de Lubac, dòng Tên, đã viết, "Chúng ta phải yêu quý thời đại của chúng ta, nhưng không nhượng bộ tinh thần của thời đại, có như thế, mầu nhiệm Kitô Giáo trong chúng ta sẽ không bao giờ mất sức sống" (Sự Huy Hoàng của Giáo Hội, t. 183). Thánh Crispin quý trọng bất cứ ai mà Thiên Chúa đã đưa đến với ngài và trong bất cứ thời gian nào. Thánh Crispin đã trở nên cuốn phúc âm sống động cho anh em dòng và cho người dân ở Orvieto. Sự thánh thiện của ngài đã khuyến khích họ sống bí tích rửa tội một cách độ lượng hơn.
Lời Trích
Trong bài giảng lễ phong thánh cho Thầy Crispin, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng gia đình nhân loại thường bị "cám dỗ bởi quyền tự trị lầm lạc, vì từ chối các giá trị Phúc Âm, do đó, nhân loại cần đến các thánh, là những gương mẫu đã dùng đời sống cụ thể của mình để minh chứng tính cách xác thực của Ðấng Tối Cao, giá trị của sự Mặc Khải và sự Cứu Ðộ mà Ðức Kitô đã hoàn thành" (Báo L'Observatore Romano 1982, tập 26, số 1).
22 Tháng Mười Một : Thánh Cecilia (Thế kỷ III)
Mặc dù Thánh Cecilia là vị tử đạo thời danh trong Giáo Hội Rôma, những câu chuyện quen thuộc về thánh nữ thì không thấy ghi chép trong văn bản chính thức. Vào thời tiên khởi cũng không thấy dấu vết của sự tôn kính ngài. Chỉ có một mảnh đá thời thế kỷ thứ tư có ghi khắc tên của một nhà thờ mang tên thánh nữ, và ngày lễ kính được cử hành vào khoảng năm 545.
Theo truyền thuyết, Cecilia là một thiếu nữ Kitô Giáo của giai cấp quyền quý kết hôn với một người La Mã tên là Valerian. Cecilia mặc áo nhặm, ăn chay, và thường cầu khẩn các thánh, các thiên thần, các trinh nữ xin họ gìn giữ sự trinh tiết của ngài. Và thánh nữ nói với đức lang quân, "Em sẽ tiết lộ cho anh một sự thật, nhưng anh phải hứa đừng nói với ai." Và khi ông hứa, ngài nói: "Có một thiên thần luôn trông chừng em, và gìn giữ em khỏi bị ai đụng chạm đến." Ông nói, "Em yêu dấu, nếu đó là sự thật, hãy cho anh thấy vị thiên thần ấy," và ngài trả lời, "Anh chỉ có thể thấy nếu anh tin vào Thiên Chúa, và được rửa tội."
Ngài gửi đức lang quân đến gặp Thánh Giáo Hoàng Urbanô để được rửa tội; và khi ông trở về nhà, ông thấy Cecilia đang cầu nguyện trong phòng, và cạnh đó là một thiên thần với đôi cánh rực lửa, tay cầm hai triều thiên bằng hoa hồng và hoa huệ đặt trên đầu của hai người, và biến đi. Sau đó, Tibertius, người em của Valerian, bước vào phòng và ông ngạc nhiên khi ngửi thấy mùi hoa nồng nàn cũng như vẻ mỹ miều của các bông hoa.
Khi ông này được kể cho biết các chi tiết của câu chuyện, ông cũng muốn được rửa tội. Sau đó, cả hai anh em ông tận tụy hy sinh chôn cất các vị tử đạo mà thời ấy xảy ra hàng ngày, dưới quyền tổng trấn Turcius Almachius. [Không có tổng trấn nào mang tên này cả]. Họ bị bắt và bị đưa ra trước quan tổng trấn, và khi họ từ chối thờ cúng các tà thần họ đã bị chém đầu.
Trong khi đó, Thánh Cecilia, qua lời rao giảng ngài đã đưa bốn trăm người trở lại đạo và được Ðức Giáo Hoàng Urbanô rửa tội. Sau đó thánh nữ bị bắt, và bị xử tử bằng cách trấn nước cho đến chết. Ngài bị dìm trong bồn nước một ngày một đêm, sau đó quan cho nổi lửa đun sôi bồn nước, nhưng thánh nữ không hề hấn gì. Khi tổng trấn Almachius nghe biết điều này, ông sai người đến chặt đầu thánh nữ ngay trong bồn nước. Lý hình chém đến ba lần mà đầu thánh nữ vẫn chưa đứt. Hắn để mặc cho máu tuôn đổ. Ðám đông đổ xô đến để thấm máu trong khi ngài vẫn rao giảng cho họ. Ba ngày sau, ngài trút hơi thở cuối cùng, và được Ðức Giáo Hoàng Urbanô và các phó tế chôn cất.
Vào thời Phục Hưng, người ta thường vẽ ngài với đàn vĩ cầm và phong cầm nhỏ.
Lời Bàn
Như bất cứ Kitô Hữu tốt lành nào khác, Thánh Cecilia dùng miệng lưỡi để ca ngợi Thiên Chúa với tất cả tấm lòng. Ngài tiêu biểu cho sự tin tưởng của Giáo Hội rằng thánh nhạc là một phần căn bản trong phụng vụ, có giá trị lớn lao hơn bất cứ nghệ thuật nào khác. Trong thời đại hỗn độn của âm nhạc ngày nay, có lẽ chúng ta cần đọc lại những lời của Công Ðồng Vatican II dưới đây.
Lời Trích
"Hành động phụng vụ thêm cao quý khi các nghi thức thánh được âm nhạc trang trọng hóa, với sự phụ giúp của các thừa tác viên chức thánh và sự tham dự của giáo đoàn... Phải luôn luôn khuyến khích các ca đoàn, nhưng các giám mục và cha sở phải để ý rằng, bất cứ lúc nào phụng vụ được cử hành với thánh nhạc, toàn thể giáo đoàn phải có thể góp phần tham dự cách tích cực vì đó là quyền lợi của họ... Bình ca phải có vị trí xứng đáng trong các nghi lễ, so với các loại nhạc khác. Nhưng điều đó không có nghĩa gạt bỏ các loại thánh nhạc khác, nhất là loại đa âm điệu... Thánh ca dành cho giáo dân phải khéo léo chọn lựa, để trong việc phụng tự và nghi lễ, họ có thể cùng góp tiếng hát" (Sắc Lệnh Về Phụng Vụ, 112-118).
23 Tháng Mười Một : Thánh Giáo Hoàng Clement I (c. 101)
Ðức Clement của giáo phận Rôma là người thứ ba kế vị Thánh Phêrô, và cai quản Giáo Hội trong thập niên cuối cùng của thế kỷ thứ nhất. Lịch sử cho chúng ta biết ngài tử đạo năm 101. Tuy nhiên, chi tiết về sự tử đạo của ngài đều là truyền thuyết, được góp nhặt trong khoảng thế kỷ thứ tư hay thứ năm. Có lẽ Ðền Thánh Clement ở Rôma, là một trong những giáo đường đầu tiên ở thành phố này, được xây trên khu đất xưa là nơi cư ngụ của Thánh Clement. Thư đầu tiên của Thánh Clement gửi cho giáo đoàn Côrintô được giữ gìn cẩn thận, và bức thư này được phổ biến rộng rãi trong thời tiên khởi. Ðó là lá thư của Giáo Hội Rôma, tác giả là Ðức Clement, gửi cho Giáo Hội ở Côrintô về sự chia rẽ đã làm tách biệt giáo dân với giáo sĩ. Ðức Clement phàn nàn về sự chia rẽ trái phép và vô lý ấy trong Giáo Hội Côrintô, và ngài khuyên hãy đoàn kết lại. Ngài coi lý do của sự tranh chấp ấy là vì "đố kỵ và ganh ghét."
Lời Bàn
Ðức Clement đã chủ trương dùng đức ái để hàn gắn chia cắt trong Giáo Hội Côrintô, vì "nếu không có đức ái, không có gì làm hài lòng Thiên Chúa." Sau Công Ðồng Vatican II, toàn thể Giáo Hội cảm nhận được sự tách biệt giữa mới và cũ. Cầu mong sao mọi Kitô Hữu ngày nay hãy nhớ đến sự cổ vũ của Thánh Clement mà thể hiện lời Thánh Phao-lô: "Và trên tất cả những điều ấy hãy có đức yêu thương, đó là giây ràng buộc mọi điều toàn thiện" (Colossê 3:14).
Lời Trích
"Ðức ái kết hợp chúng ta với Thiên Chúa& Trong đức ái không có gì là xấu hổ, không có gì là ngạo mạn. Ðức ái không đi với ly giáo, không nổi loạn, nhưng hài hòa mọi sự. Trong đức ái, những người được Thiên Chúa tuyển chọn sẽ trở nên tuyệt hảo" (Thư Thứ Nhất Gửi Giáo Ðoàn Corinto).
24 Tháng Mười Một : Thánh Anrê Dũng Lạc và Các Bạn
Thánh Anrê Dũng Lạc là một trong 117 vị tử đạo ở Việt Nam trong những năm từ 1820 đến 1862. Các ngài được phong chân phước làm bốn đợt, từ 1900 đến 1951. Sau cùng, các ngài được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh vào năm 1988.
Kitô Giáo được người Bồ Ðào Nha đưa vào Việt Nam qua ba triều đại. Vào năm 1615, các linh mục dòng Tên mở khu hội truyền giáo đầu tiên ở Ðà Nẵng. Ở đây các cha coi sóc các người Công Giáo Nhật Bản bị tống ra khỏi nước.
Vua chúa thời ấy cấm các nhà truyền giáo ngoại quốc không được du nhập vào Việt Nam và họ dụ dỗ người Việt chối đạo bằng cách bước qua thập giá. Giống như thời kỳ cấm đạo ở bên Anh, các linh mục ở Việt Nam cũng phải trốn tránh trong nhà của giáo dân.
Có đến ba lần bắt đạo cực kỳ khủng khiếp trong thế kỷ 19. Kể từ năm 1820, trong sáu thập niên, có khoảng 100,000 đến 300,000 người Công Giáo đã bị giết hoặc bi đầy ải. Trong đợt bách hại đầu tiên các nhà truyền giáo ngoại quốc gồm các linh mục của Tu Hội Thừa Sai Ba Lê, cũng như các linh mục Ða Minh người Tây Ban Nha và các người dòng ba.
Vào năm 1847 xảy ra cuộc bách hại lần thứ hai, khi nhà vua nghi ngờ các vị thừa sai và giáo dân Việt Nam đồng loã với lực lượng phản loạn để giết các con trai của vua.
Các vị tử đạo sau cùng là 17 giáo dân, trong đó có một em 9 tuổi, được tử đạo năm 1862. Chính năm đó một hiệp ước được Việt Nam ký kết với Pháp nhằm đảm bảo sự tự do tôn giáo cho người dân, nhưng hiệp ước đó không được tôn trọng.
Vào năm 1954, có khoảng một triệu rưỡi người Công Giáo -- khoảng bảy phần trăm dân số -- sống ở miền Bắc. Người Phật Giáo chiếm khoảng 60 phần trăm dân số. Vỉ sự tàn ác của chế độ cộng sản, 670,000 người Công Giáo đã từ bỏ đất đai, nhà cửa và tài sản để di cư vào miền Nam. Sau cuộc chiến Việt Nam, vào năm 1975 cộng sản đã làm chủ toàn thể lãnh thổ quốc gia này.
Lời Bàn
Lịch sử tử đạo của dân tộc Việt giúp cho những ai chỉ biết đến Việt Nam qua cuộc chiến giữa tự do và cộng sản thấy rằng, ngay tự xa xưa, thập giá đã là một phần của đời sống người Việt. Trong khi lý do của sự can thiệp hoặc bỏ rơi của Hoa Kỳ vào vấn đề Việt Nam chưa được giải đáp thỏa đáng, thì chính đức tin Kitô Giáo từng ăn sâu vào lòng đất Việt đã chứng tỏ sự can trường hơn bất cứ sức lực nào muốn tiêu diệt đức tin ấy.
Lời Trích
"Giáo Hội Việt Nam thì sống động và đầy sinh lực, với nhiều giám mục trung tín và hăng hái, và nhiều giáo dân tận tụy và can đảm& Giáo Hội Việt Nam đang sống phúc âm trong một hoàn cảnh khó khăn và phức tạp với một sức mạnh đáng kể" (nhận định của ba vị tổng giám mục Hoa Kỳ sau chuyến thăm viếng Việt Nam vào tháng Giêng 1989).
______
sinh năm 1808 tại Beynat, Tulle, Pháp, Giám Mục, Hội Thừa Sai Paris, xử trảm ngày 24-11-1838 tại Ðồng Hới dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 24-11.
sinh năm 1761 tại Ân Ðô, Quảng Trị, Linh Mục, xử giảo ngày 24-11-1838 tại Ðồng Hới dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 24-11.
sinh năm 1790 tại Thượng Hải, Nghệ An, Linh Mục, xử giảo ngày 24-11-1838 tại Ðồng Hới dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 24-11.
25 Tháng Mười Một : Thánh Columban (543? - 615)
Thánh Columban là nhà truyền giáo nổi tiếng người Ái Nhĩ Lan, hoạt động ở Âu Châu. Khi còn là thanh niên, ngài bị đau khổ dữ dội vì sự cám dỗ của xác thịt, ngài phải xin sự cố vấn của một bà đạo đức sống ẩn tu lâu năm. Qua lời khuyên bảo của bà, ngài nhìn thấy ơn gọi của mình. Ðầu tiên ngài là một tu sĩ trên đảo Lough Erne, sau đó ngài theo học tại tu viện Bangor.
Sau nhiều năm sống tách biệt để cầu nguyện, ngài đến xứ Gaul (nước Pháp bây giờ) để truyền giáo cùng với 12 người bạn. Các ngài được dân chúng quý trọng vì sự hăng say rao giảng, làm việc tông đồ, và luôn tuân giữ lời khấn bác ái, trong khi tu sĩ thời ấy thì lười biếng và dân chúng luôn luôn xung đột. Thánh Columban thiết lập vài tu viện ở Âu Châu mà sau này trở thành các trung tâm tôn giáo và văn hóa.
Như mọi vị thánh khác, ngài cũng bị chống đối. Cuối cùng ngài phải cầu khẩn đến đức giáo hoàng để chống với cáo buộc của các giám mục người Pháp, nhằm minh xác điều ngài giảng dạy là chân thật và chấp thuận các tục lệ của Ái Nhĩ Lan. Ngài khiển trách nhà vua về đời sống dâm loạn của ông dù đã thành hôn. Do đó, thánh nhân đã bị trục xuất trở về Ái Nhĩ Lan. Vì bão lớn, tầu của ngài bị mắc cạn, và ngài lại tiếp tục công việc truyền giáo ở Âu Châu, sau cùng ngài đến nước Ý, là nơi ngài được tiếp đón ân cần bởi ông vua của người Lombard. Trong những năm cuối đời, ngài thiết lập một tu viện nổi tiếng ở Bobbio, và cũng là nơi ngài từ trần. Các văn tự ngài để lại gồm một luận án về sự ăn năn sám hối và các văn bản chống với bè rối Arian, các bài giảng, thi ca và quy luật tu viện.
Lời Bàn
Sự phóng túng tình dục ngày nay đã đến mức quá độ, chúng ta cần nhớ đến gương mẫu sống động của những thanh niên sống khiết tịnh như Thánh Columban. Và cuộc sống an nhàn của thế giới Tây Phương ngày nay trái ngược với hình ảnh bi thảm của hàng triệu người đang chết đói, chúng ta phải chịu khó sống khắc khổ và có kỷ luật như các tu sĩ Ái Nhĩ Lan. Chúng ta cho rằng, họ quá nghiêm khắc, họ đi quá xa. Nhưng chúng ta sẽ đi được tới đâu?
Lời Trích
Trong thư gửi cho đức giáo hoàng nói về sự tương tranh ở Lombardy, Thánh Columban viết: "Chúng con là người Ái Nhĩ Lan, sống ở bên kia quả địa cầu, là những người theo Thánh Phêrô và Phao-lô và các môn đệ đã viết ra những quy tắc thiêng liêng dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúng con không chấp nhận những gì khác hơn là giáo huấn và truyền thống tông đồ này... Con thú nhận là con rất đau lòng vì điều tiếng xấu về ngai tòa Thánh Phêrô ở quốc gia này... Mặc dù Rôma thật xa cách, nhưng chúng con rất tôn trọng chỉ vì ngai tòa này... Xin Ðức Thánh Cha hãy để ý đến sự bình an của Giáo Hội, xin ngài đứng giữa đàn chiên và bầy sói."
26 Tháng Mười Một : Thánh Leonard ở Cảng Maurice (1676-1751)
Thánh Leonard, người được Thánh Alphonsus Liguori gọi là "nhà truyền giáo vĩ đại của thế kỷ 18", cũng là một tu sĩ Phanxicô cố gắng đến truyền giáo ở Trung Cộng nhưng thất bại, và ngài đã thành công lớn trong một số công việc khác. Cha của Leonard là một thuyền trưởng mà gia đình sinh sống ở cảng Maurice nằm về phía đông bắc của bờ biển nước Ý. Vào lúc 13 tuổi, Leonard đến Rôma sống với người chú là Agostino và học tại trường Roman College. Leonard là một sinh viên giỏi mà cha mẹ muốn ngài theo đuổi ngành y khoa. Tuy nhiên, vào năm 1697, ngài gia nhập dòng Phanxicô, trái với sự chống đối quyết liệt của người chú. Sau khi thụ phong linh mục, Leonard bị mắc bệnh lao và được gửi về nhà để tĩnh dưỡng hoặc chờ chết. Ngài hứa rằng nếu được khỏi bệnh ngài sẽ tận hiến cho việc truyền giáo và hoán cải kẻ tội lỗi. Không bao lâu, ngài được lành bệnh và bắt đầu quãng đời 40 năm tận tụy rao giảng trong các cuộc tĩnh tâm, trong mùa Chay và trong các cuộc canh tân giáo xứ (tuần đại phúc) trên toàn nước Ý. Cuộc tĩnh tâm thường kéo dài từ 15 đến 18 ngày và ngài thường ở lại thêm một tuần nữa để giải tội. Sau những lần tổ chức tĩnh tâm, để duy trì lòng đạo đức sốt sắng của giáo dân, Cha Leonard thường cổ võ việc Ngắm Ðàng Thánh Giá, mà thời ấy rất ít người tham dự. Ngài cũng thường rao giảng về Thánh Danh Giêsu. Cha Leonard được phong thánh vào năm 1867; vào năm 1923, ngài được đặt làm quan thầy cho những ai chuyên đi giảng về tuần đại phúc.
Lời Bàn
Sự thành công của một người đến rao giảng trong buổi tĩnh tâm thì tùy thuộc vào lòng nhiệt thành của họ có bền bỉ với thời gian hay không. Ðiều khác biệt là sự hoán cải của người tham dự. Ðối với Thánh Leonard, việc Ngắm Ðàng Thánh Giá và xưng tội thường xuyên sẽ giúp giáo dân giữ được lòng đạo đức mà ngài đã khơi dậy qua lời rao giảng. Lần sau cùng bạn Ngắm Ðàng Thánh Giá là khi nào?
Lời Trích
Có lần Thánh Leonard nói, "Nếu vào lúc tôi chết, Thiên Chúa khiển trách tôi vì quá nhân từ với kẻ tội lỗi, tôi sẽ thưa, 'Lạy Chúa Giêsu, nếu nhân từ với kẻ tội lỗi là một sai lầm thì đó là sự sai lầm con học được từ Ngài, vì Chúa không bao giờ khiển trách bất cứ ai đến với Ngài để xin được thương xót" (Trích trong cuốn Thánh Leonard ở Cảng Maurice, t. 9, của Leonard Foley, O.F.M.).
_____
sinh năm 1783 tại Phú Nhai, Nam Ðịnh, Linh Mục, Dòng Ða Minh, xử trảm ngày 26-11-1839 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 26-11.
sinh năm 1786 tại Hưng Lập, Nam Ðịnh, Linh Mục, Dòng Ða Minh, xử trảm ngày 26-11-1839 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 26-11.
27 Tháng Mười Một : Thánh Francesco Antonio Fasani (1681-1742)
Sinh ở Lucera (miền nam nước Ý), Francesco gia nhập dòng Phanxicô năm 1695. Mười năm sau khi được chịu chức linh mục, ngài dạy triết cho các đệ tử, làm quản lý nhà dòng và sau đó làm bề trên. Khi nhiệm kỳ chấm dứt, ngài làm giám đốc đệ tử viện và sau cùng trông coi một giáo xứ trong vùng.
Trong các công việc, ngài là một người nhân từ, đạo đức và hãm mình. Ngài được người ta tìm đến để xưng tội và nghe giảng. Một trong những nhân chứng cho việc phong thánh của ngài xác nhận, "Trong bài giảng, ngài nói một cách bình thường, nhưng tâm hồn tràn ngập tình yêu Thiên Chúa và tha nhân; như được Chúa Thánh Thần nung đốt, ngài đưa ra các lời lẽ cũng như hành động trong Phúc Âm, khích động người nghe và thúc giục họ ăn năn sám hối." Thánh Francesco còn là người bạn tốt của người nghèo, ngài không bao giờ do dự tìm đến các ân nhân một khi có nhu cầu cho người nghèo.
Khi ngài từ trần ở Lucera, các trẻ em chạy khắp đường phố và la lớn, "Ông thánh chết rồi! Ông thánh chết rồi!"
Francesco được phong thánh năm 1986.
Lời Bàn
Cuộc đời mỗi người là tùy thuộc chúng ta lựa chọn. Nếu chúng ta keo kiệt, chúng ta sẽ trở nên người bủn xỉn. Nếu chúng ta sống yêu thương, chúng ta sẽ trở nên người nhân hậu. Sự thánh thiện của Thánh Francesco Antonio Fasani là kết quả của những lựa chọn nhỏ bé để cộng tác với ơn sủng của Thiên Chúa.
Lời Trích
Trong bài giảng nhân dịp phong thánh cho Thánh Francesco, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II chia sẻ về đoạn phúc âm Gioan 21:15, trong đó Ðức Giêsu hỏi Thánh Phêrô có yêu Ngài hơn các tông đồ khác không, và sau đó Chúa nói với Thánh Phêrô, "Hãy chăm sóc đàn chiên của Thầy." Ðức giáo hoàng nhận xét yếu tố quyết định sự thánh thiện của một người là tình yêu. "Thánh nhân là người đã biến tình yêu được Ðức Kitô dạy bảo trở thành đức tính căn bản của đời sống, là tiêu chuẩn cho sự suy nghĩ và hoạt động, là đích tối cao cho những khát vọng của ngài" (Trích trong tờ L'Observatore Romano, tập 16, số 3, 1986).
28 Tháng Mười Một : Thánh James ở Marche (1394-1476)
Thánh James sinh ở Marche thuộc tỉnh Ancona miền trung nước Ý, dọc theo bờ biển Adriatic. Sau khi lấy tiến sĩ giáo luật và dân luật tại Ðại Học Perugia, ngài gia nhập dòng Phanxicô và bắt đầu một cuộc sống thật khắc khổ. Ngài ăn chay chín tháng trong một năm, và mỗi đêm chỉ ngủ có ba tiếng. Ngài hãm mình đến độ Thánh Bernardine ở Siena phải bảo ngài giảm bớt lại.
Thánh James học thần học với Thánh John ở Capistrano. Ðược thụ phong linh mục năm 1420, Thánh James bắt đầu cuộc đời rao giảng và bởi đó ngài đã đi khắp nước Ý cũng như đến 13 quốc gia thuộc Trung và Ðông Âu Châu. Sự hăng say của ngài đã giúp nhiều người trở lại đạo (người ta ước lượng khoảng 250,000 người), và giúp lan tràn việc sùng kính Thánh Danh Chúa Giêsu. Bài giảng của ngài thúc giục giáo dân cải thiện đời sống, và nhiều thanh niên gia nhập dòng Phanxicô vì sự ảnh hưởng của ngài.
Cùng với Thánh John ở Capistrano, Thánh Albert ở Sarteano và Thánh Bernardine ở Siena, Thánh James được coi là một trong "bốn cột trụ" của phong trào Nghiêm Thủ (Observant) của dòng Phanxicô. Các ngài nổi tiếng vì sự rao giảng.
Ðể chống với tệ nạn xã hội về số phân lời quá cao, Thánh James thiết lập một tổ chức gọi là "montes pietatis" (núi bác ái) -- đó là một tổ chức bất vụ lợi để cầm đồ với lãi suất thật thấp. Dĩ nhiên, các tay cầm đồ ác đức không hài lòng với tổ chức này, nên đã hai lần họ thuê người đến giết ngài, nhưng cứ mỗi lần đối diện với ngài là các hung thủ đều quên hết dự tính ở trong đầu.
Ngài từ trần ở Naples ngày 28-11-1476 và được phong thánh năm 1726.
Lời Bàn
Thánh James muốn lời Chúa ăn sâu trong tâm hồn của người nghe. Lời giảng của ngài là để chuẩn bị mảnh đất tâm hồn, bằng cách lấy đi những sỏi đá và lầm mềm lòng những cuộc đời đã khô cằn vì tội lỗi. Chúa muốn lời của Người bén rễ trong đời sống chúng ta, nhưng để được như thế, không những chúng ta cần người rao giảng đầy sùng tín, nhưng chính chúng ta cũng phải tích cực lắng nghe.
Lời Trích
"Lời Chúa thật thánh thiện và đáng yêu quý dường nào! Chỉ có lời Chúa mới soi tỏ mọi tâm hồn tín hữu, làm thoả mãn người đói khát, an ủi kẻ đau khổ; lời Chúa giúp linh hồn tạo được công nghiệp và giúp mọi nhân đức phát triển; lời Chúa gìn giữ linh hồn khỏi nanh vuốt ma quỷ, giúp người độc ác nên thánh thiện, và mọi người trên mặt đất trở thành công dân nước trời" (Trích Bài giảng của Thánh James).
______
sinh năm 1808 tại Kim Long, Huế, Binh Sĩ, xử trảm ngày 28-11-1835 tại An Hòa dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 28-11.
29 Tháng Mười Một : Thánh Gioan ở Monte Corvino (1247-1328)
Vào lúc Giáo Hội dính líu vào những cuộc xung đột giữa các quốc gia ở Âu Châu, thì đó cũng là lúc Giáo Hội đến với Á Châu để loan truyền Tin Mừng của Ðức Kitô cho người Mông Cổ. Thánh Gioan ở Monte Corvino đến Trung Cộng vào khoảng thời gian khi Marco Polo chuẩn bị rời khỏi đây.
Trước khi là một tu sĩ, Thánh Gioan đã từng là một quân nhân, một quan tòa và một bác sĩ. Vào năm 1278, trước khi đến Tabriz, Persio (ngày nay là Iran), ngài đã nổi tiếng về rao giảng và giáo dục. Năm 1291, ngài là đại diện cho Ðức Giáo Hoàng Nicholas IV để đến Mông Cổ bệ kiến vua Kublai Khan. Trong chuyến đi ấy, cùng đi với ngài còn có một thương gia người Ý và một linh mục Ðaminh. Khi phái đoàn đến được phía tây Ấn Ðộ thì vị linh mục Ða Minh từ trần. Còn lại Cha Gioan và người thương gia Ý, họ đến Trung Cộng vào năm 1291 thì vừa lúc ấy Kublai Khan từ trần.
Các Kitô Hữu theo phái Nestoria, là con cháu của những người bất đồng quan điểm với Công Ðồng Ephêsô, đã từng cư ngụ ở Trung Cộng từ thế kỷ thứ bảy. Cha Gioan đã giúp họ trở lại với Giáo Hội, cũng như giúp một số người Trung Hoa ở đây đón nhận đức tin Kitô Giáo, kể cả Thái Tử George của tỉnh Tenduk, nằm về phía tây bắc của Bắc Kinh. Sau này, Thái Tử George đặt tên cho con trai của ông theo tên vị linh mục thánh thiện này.
Cha Gioan thành lập trụ sở truyền giáo ở Khanbalik (bây giờ là Bắc Kinh), là nơi ngài xây cất hai nhà thờ; đó là những nhà thờ truyền giáo đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo ở Trung Cộng. Vào năm 1304, ngài chuyển dịch Thánh Vịnh và Kinh Thánh Tân Ước sang tiếng Tatar.
Ðể đáp ứng với thỉnh cầu của Cha Gioan, vào năm 1307, Ðức Giáo Hoàng Clement V đã đặt ngài làm Tổng Giám Mục của Khanbalik, và bài sai bảy giám mục Âu Châu đến trông coi các giáo phận lân cận. Một trong bảy vị này chưa bao giờ rời khỏi Âu Châu. Ba vị khác từ trần trên đường đến Trung Cộng; ba vị giám mục còn lại và các tu sĩ khác đến Trung Cộng vào năm 1308.
Khi Cha Gioan từ trần năm 1328, ngài được người Kitô Hữu cũng như người không có đạo vô cùng thương tiếc. Sau đó không lâu, ngôi mộ của ngài trở thành nơi hành hương. Vào năm 1368, Kitô Giáo bị cấm ở Trung Cộng khi người Mông Cổ bị trục xuất và triều đại nhà Minh bắt đầu.
Lời Bàn
Khi Thánh Gioan đến Trung Cộng, ngài tượng trưng cho niềm khao khát của Giáo Hội muốn loan truyền Tin Mừng đến một nền văn hóa mới và sẽ được phong phú bởi nền văn hóa ấy. Các chuyến tông du của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II cho thấy tính cách hoàn vũ của Tin Mừng, và nhu cầu cần phải tiếp tục các công cuộc đầy thử thách để Tin Mừng bén rễ vào các nền văn hóa khác biệt.
Lời Trích
Năm 1975, Ðức Giáo Hoàng Phao-lô VI viết, "Qua sức mạnh thần thánh của Tin Mừng mà Giáo Hội rao giảng, hoạt động truyền giáo là để tìm cách thay đổi lương tâm con người về phương diện cá nhân cũng như tập thể, thay đổi các sinh hoạt họ tham dự, và đời sống cũng như môi trường cụ thể của họ" (Truyền Giáo trong Thế Giới Ngày Nay, #18)
30 Tháng Mười Một : Thánh Anrê
Thánh Anrê là anh của Thánh Phêrô, và cả hai được Chúa Giêsu gọi cùng một lúc. "Khi Ðức Giêsu đi trên bờ biển Galilee, Người trông thấy hai anh em, ông Simon mà bây giờ gọi là Phêrô, và anh của ông là Anrê, đang quăng lưới xuống biển; họ là các ngư dân. Người nói với họ, 'Hãy đến theo tôi, và tôi sẽ làm cho các anh trở thành kẻ lưới người.' Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người" (Mt 4:18-20).
Thánh Sử Gioan mô tả Thánh Anrê như một môn đệ của Thánh Gioan Tẩy Giả. Một ngày kia, khi Ðức Giêsu đi ngang qua, Gioan Tẩy Giả nói, "Ðây là Chiên Thiên Chúa." Anrê và các môn đệ khác đi theo Ðức Giêsu. "Ðức Giêsu quay lại và thấy họ đi theo mình, Người hỏi, 'Các anh muốn tìm gì?' Họ trả lời, 'Thưa Thầy, Thầy ở đâu?' Ngài nói, 'Hãy đến, và các anh sẽ thấy.' Bởi đó họ đi theo và đã thấy nơi Người cư ngụ, và họ ở với Người cả ngày hôm ấy" (Gioan 1:38-39a).
Trong Phúc Âm không nói nhiều về Thánh Anrê. Trong phép lạ bánh hoá nhiều, chính Anrê là người cho biết về đứa bé trai có một ít bánh và cá (x. Gioan 6:8-9). Khi dân ngoại muốn đến gặp Ðức Giêsu, họ đến với ông Philíp trước, nhưng ông Philíp lại bàn hỏi với ông Anrê (x. Gioan 12:20-22).
Truyền thuyết nói rằng chính Thánh Anrê đã rao giảng Tin Mừng ở những nơi mà bây giờ là Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, và bị chết trên thập giá ở Patras.
Lời Bàn
Cũng như các thánh tông đồ khác, ngoại trừ Thánh Phêrô và Gioan, Phúc Âm không cho chúng ta biết gì nhiều về sự thánh thiện của Thánh Anrê. Ngài là tông đồ. Như vậy là đủ. Ngài được đích thân Ðức Giêsu mời gọi để loan truyền Tin Mừng, để chữa lành nhờ quyền năng của Ðức Giêsu cũng như để chia sẻ sự sống và sự chết của Người. Ngày nay, sự thánh thiện cũng không có gì khác biệt. Ðó là một món quà bao gồm lời mời gọi hãy lưu tâm đến Nước Trời, và một thái độ dấn thân với lòng ao ước không muốn gì khác hơn là chia sẻ sự giầu có của Ðức Kitô cho tất cả mọi người.
Lời Trích
"Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: 'Thật không đúng nếu chúng tôi bỏ việc rao giảng lời Chúa để lo việc ăn uống. Vậy, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người tốt lành, đầy Thần Khí và khôn ngoan, để chúng tôi cắt đặt họ làm công việc đó, còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ lời Chúa." (CVTÐ 6:2-4).
_____
sinh năm 1803 tại Passavaut, Besancon, Pháp, Linh Mục, Hội Thừa Sai Paris, xử bá đao ngày 30-11-1835 tại Thợ Ðúc dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 30-11.
Nguồn: http://www.nguoitinhuu.org/
Tháng 12
1 Tháng Mười Hai : Thánh Charles de Foucauld (15/09/1858 – 1/12/1916)
1 Tháng Mười Hai : Thánh Mary Joseph Rosello (1811-1880)
1 Tháng Mười Hai : Thánh Edmund Campion (c. 1581)
2 Tháng Mười Hai : Chân Phước Rafal Chylin'ski (1694-1741)
3 Tháng Mười Hai : Thánh Phanxicô Xaviê (1506-1552)
4 Tháng Mười Hai : Thánh Gioan ở Damascus (676?-749)
5 Tháng Mười Hai : Thánh Sabas (s. 439)
6 Tháng Mười Hai : Thánh Nicholas (c. 350?)
7 Tháng Mười Hai : Thánh Ambrôsiô (340?-397)
8 Tháng Mười Hai : Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội Lc 1, 26-38
9 Tháng Mười Hai : Chân Phước Gabriel Ferretti (1385 - 1456)
9 Tháng Mười Hai : Chân Phước Juan Diego (1474-1548)
10 Tháng Mười Hai : Chân Phước Honoratus Kosminski (1829 - 1916)
11 Tháng Mười Hai : Thánh Giáo Hoàng Damasus I (305? - 384)
12 Tháng Mười Hai : Lễ Ðức Mẹ Guadalupe
13 Tháng Mười Hai : Thánh Lucia (c. 304)
14 Tháng Mười Hai : Thánh Gioan Thánh Giá (1541 - 1591)
15 Tháng Mười Hai : Chân Phước Mary Frances Schervier (1819 - 1876)
16 Tháng Mười Hai : Chân Phước Philip Siphong và Các Bạn (c. 1940)
17 Tháng Mười Hai : Thánh Lagiarô
18 Tháng Mười Hai : Chân Phước Anthony Grassi (1592-1671)
19 Tháng Mười Hai : Tôi Tớ Thiên Chúa Berthold ở Ratisbon (c. 1272)
20 Tháng Mười Hai : Thánh Elizabeth ở Áo (1554 - 1592)
20 Tháng Mười Hai : Thánh Ðaminh ở Silos (c. 1073)
21 Tháng Mười Hai : Thánh Phêrô Canisius (1521- 1597)
22 Tháng Mười Hai : Chân Phước Jacopone ở Tadi (c. 1306)
23 Tháng Mười Hai : Thánh Gioan ở Kanty (1390 - 1473)
24 Tháng Mười Hai : Thánh Charbel (1828-1898)
25 Tháng Mười Hai : Ngày Sinh Nhật Ðức Giêsu
26 Tháng Mười Hai : Thánh Stêphanô (c. 36?)
27 Tháng Mười Hai : Thánh Gioan Tông Ðồ
28 Tháng Mười Hai : Lễ Các Thánh Anh Hài
29 Tháng Mười Hai : Thánh Tôma Becket (1118 - 1170)
30 Tháng Mười Hai : Thánh Anysia (c. 304)
========================
1 Tháng Mười Hai : Thánh Charles de Foucauld (15/09/1858 – 1/12/1916)
Sinh trong một gia đình quý tộc ở Strasbourg, Pháp, Charles mồ côi cha mẹ khi lên 6 tuổi và được nuôi dưỡng bởi ông nội đạo đức, nhưng khi là thanh niên Charles từ bỏ đức tin Công Giáo và gia nhập quân đội Pháp. Được thừa hưởng một số tiền kếch sù từ ông nội, Charles đến Algeria với trung đoàn của mình, nhưng không quên đem theo cô tình nhân, Mimi.
Khi anh từ chối không chịu từ bỏ Mimi, anh bị sa thải khỏi quân đội. Sau khi từ bỏ Mimi, anh vẫn ở Algeria và lại xin nhập ngũ. Bị từ chối không cho phép làm cuộc thám hiểm về khoa học trong vùng gần Morocco, anh giải ngũ. Với sự giúp đỡ của một giáo sĩ Do Thái, Charles cải trang là một người Do Thái, và năm 1883 anh bắt đầu một năm thám hiểm mà anh đã ghi lại trong một cuốn sách được hân hoan đón nhận.
Được cảm hứng bởi những người Do Thái và Hồi Giáo anh gặp, Charles trở lại sống đức tin Công Giáo khi trở về Pháp năm 1886. Anh gia nhập đan viện Trappist ở Ardeche, Pháp, và sau này được chuyển sang một đan viện ở Akbes, Syria. Từ giã đời sống đan viện vào năm 1897, Charles làm việc như một người làm vườn và người dọn lễ cho các nữ tu Thánh Clara ở Nazareth và sau này ở Giêrusalem. Năm 1901, anh trở về Pháp và được thụ phong linh mục.
Cuối năm đó Cha Charles hành trình đến Beni-Abbes, Morocco, với ý định thành lập một cộng đoàn tôn giáo ẩn tu ở Bắc Phi Châu, tiếp đón người Kitô Giáo, Hồi Giáo, Do Thái Giáo hoặc không tôn giáo. Cha sống một cuộc đời bình thản, ẩn dật nhưng không thu hút các người đồng chí hướng.
Một cựu quân nhân mời Cha Foucauld sống giữa những người Tuareg ở Algeria. Cha học ngôn ngữ của họ thành thạo đến độ soạn được một cuốn tự điển Tuareg-Pháp và Pháp-Tuareg, và chuyển dịch các Phúc Âm sang tiếng Tuareg. Năm 1905, cha đến Tamanrasset, và sống ở đây cho đến cuối đời. Một bộ hai cuốn thơ tiếng Tuareg của Cha Foucauld được ấn hành sau khi người từ trần.
Vào đầu năm 1909, cha đến nước Pháp và thành lập một tổ chức giáo dân, họ thề hứa sống Phúc Âm. Cha trở lại Tamanrasset và được chào đón bởi người Tuareg. Năm 1915, cha viết cho Louis Massignon: “Yêu mến Thiên Chúa, yêu mến tha nhân… Tất cả tôn giáo được tìm thấy ở đó… Làm thế nào để đến được điểm đó? Không phải trong một ngày, vì chính nó là sự tuyệt hảo: đó là mục đích chúng ta phải luôn nhắm đến, chúng ta phải cố gắng không ngừng để đạt được và chỉ đạt điều đó ở thiên đường.”
Sự bùng nổ của Thế Chiến I đưa đến các cuộc tấn công người Pháp ở Algeria. Bị bắt trong một cuộc đột kích của một bộ lạc khác, Cha Foucauld và hai người lính Pháp đến thăm cha đã bị bắn chết vào ngày 1 tháng Mười Hai, 1916.
Năm tu hội, tổ chức, và các viện tâm linh – Tiểu Đệ Chúa Giêsu, Tiểu Muội Thánh Tâm, Tiểu Muội Chúa Giêsu, Tiểu Đệ Phúc Âm, và Tiểu Muội Phúc Âm – được linh hứng từ cuộc đời bình thản, phần lớn ẩn dật, nhưng hiếu khách của Cha Foucauld. Người được tuyên chân phước năm 2005 và tuyên thánh năm 2022.
Lời Bàn
Cuộc đời của Thánh Charles de Foucauld cuối cùng đã tập trung vào Thiên Chúa và được sinh động bởi sự cầu nguyện và khiêm tốn phục vụ, mà người hy vọng sẽ lôi cuốn được người Hồi Giáo đến với Chúa Kitô. Những ai được cảm hứng bởi gương mẫu của thánh nhân, dù sống ở đâu, họ cố gắng sống đức tin một cách khiêm tốn nhưng với niềm tin tôn giáo sâu xa.
1 Tháng Mười Hai : Thánh Mary Joseph Rosello (1811-1880)
Thánh Mary Joseph sinh ở làng ven biển Albissola, nước Ý, trong một gia đình Công Giáo đông con. Ngay từ khi còn nhỏ, ngài đã có ý định đi tu, nhưng dù lòng khao khát ấy mãnh liệt đến đâu đi nữa, ngài đã bị từ chối chỉ vì quá nghèo, không có của hồi môn. Ðôi vợ chồng đạo đức nhưng hiếm muộn mà ngài giúp việc trong bảy năm, lẽ ra đã có thể giúp ngài thể hiện giấc mơ ấy, nhưng họ không muốn làm như vậy chỉ vì quá yêu quý thánh nữ và họ muốn nhận ngài làm con nuôi.
Nhưng Thiên Chúa Quan Phòng đã can thiệp qua vị giám mục địa phương, là người biết đến tài dạy giáo lý của thánh nữ, nên đã cung cấp cho ngài và các cô dạy giáo lý một ngôi nhà để làm lớp học. Từ một khởi đầu khiêm tốn ấy đã phát triển thành tu hội Nữ Tử của Ðấng Nhân Hậu vào năm 1837.
Vài năm sau, nhóm phụ nữ đạo đức ấy tuyên khấn, và Mary Joseph làm bề trên của tu hội ấy trong 40 năm, ngài đặt cộng đoàn dưới sự bảo trợ của Ðức Mẹ Từ Bi và Thánh Giuse. Câu nói thời danh của thánh nữ là, "Ðôi tay để làm việc, trái tim để dâng cho Chúa."
Ngài muốn cảm nghiệm cay đắng của ngài khi còn nhỏ sẽ không cản trở các thiếu nữ muốn dâng mình cho Chúa. Do đó, bất cứ thiếu nữ nào cũng được nhận vào cộng đoàn của ngài mà không cần của hồi môn.
Các nữ tu nào bị đau yếu đều cảm nhận sự chăm sóc đặc biệt của ngài, như được bày tỏ trong lời nói sau đây: "Qua sự kiên nhẫn, sự đau khổ và lời cầu nguyện của họ, toàn thể cộng đoàn này đã sống còn cho đến ngày nay, nhờ bởi họ luôn luôn tìm kiếm và đạt được những ơn sủng cho chúng ta từ Cha Nhân Lành."
Sơ Mary Joseph từ trần vào tháng Mười Hai năm 1880 và được phong thánh năm 1949.
1 Tháng Mười Hai : Thánh Edmund Campion (c. 1581)
Thánh Edmund sống trong thế kỷ mười sáu. Ngài là một sinh viên người Anh rất nổi tiếng về khoa hùng biện. Thật vậy, Edmund được chọn làm người đọc diễn văn chào mừng Nữ Hoàng Elizabeth khi bà đến thăm trường. Các sinh viên vì mến mộ tài năng cũng như tư cách của ngài nên bầu ngài làm thủ lãnh. Ngay cả nữ hoàng và tổng trưởng nội các cũng yêu quý người thanh niên duyên dáng này. Nhưng Edmund gặp khó khăn về vấn đề tôn giáo. Ngài luôn nghĩ rằng Giáo Hội Công Giáo là một giáo hội đích thật và ngài không giấu giếm tâm tình này. Bởi đó, nhà cầm quyền, hiện đang bách hại người Công Giáo, rất nghi ngờ ngài. Edmund biết rằng ngài sẽ mất sự yêu quý của nữ hoàng cũng như mọi cơ hội để có một sự nghiệp vĩ đại nếu trở lại Công Giáo. Tuy vậy, sau thời gian cầu nguyện ngài đã trở thành người Công Giáo.
Sau khi trốn khỏi nước Anh, Edmund học làm linh mục. Ngài gia nhập dòng Tên. Khi Ðức Thánh Cha quyết định gửi một số linh mục dòng Tên sang nước Anh, Cha Edmund Campion là một trong những người đầu tiên ra đi. Ðêm trước khi lên đường, một trong những linh mục bạn cảm thấy có sựï thôi thúc để viết lên cửa phòng ngài hàng chữ: "Cha Edmund Campion, tử đạo." Mặc dù ngài biết sự nguy hiểm đang chờ trước mặt, vị linh mục thánh thiện này đã vui vẻ ra đi. Thật vậy, ngài đã khiến nhiều người mỉm cười khi giả làm người buôn bán nữ trang. Ở Anh, ngài đã thành công khi rao giảng cách bí mật cho những người Công Giáo. Trong khi đó, các mật vụ của nữ hoàng ở khắp nơi để rình bắt ngài. Cha Campion viết: "Tôi không thể trốn thoát họ lâu hơn nữa. Ðôi khi tôi đọc được lá thư viết rằng 'Campion đã bị bắt!'" Sau cùng, chính vì một kẻ phản bội mà cha đã bị bắt. Khi ở tù, ngài được các viên chức chính phủ đến thăm vì sự mến mộ ngài trước đây. Dường như ngay cả Nữ Hoàng Elizabeth cũng đến. Nhưng không một lời đe dọa nào hay dụ dỗ nào có thể làm ngài chối bỏ đức tin Công Giáo. Ngay cả sự tra tấn cũng không lay chuyển lòng tin của ngài. Bất kể sự đau khổ, ngài vẫn bảo vệ ngài và các linh mục bạn bằng những lời lẽ mà không ai có thể bắt bẻ được. Sau cùng, ngài bị kết án tử hình. Trước khi chết, ngài đã tha thứ cho kẻ phản bội ngài. Cha Edmund Campion từ trần năm 1581, lúc ấy khoảng bốn mươi mốt tuổi.
2 Tháng Mười Hai : Chân Phước Rafal Chylin'ski (1694-1741)
Sinh ở Buk trong tỉnh Poznan, Ba Lan, ngay từ nhỏ cậu Melchior đã cho thấy những dấu hiệu thánh thiện, và mọi người trong gia đình thường gọi cậu là “thầy nhỏ.” Sau khi học xong ở trường của các cha Dòng Tên ở Poznan, Melchior gia nhập đoàn kỵ binh, và chỉ trong vòng ba năm, người đã được lên chức chỉ huy.
Vào năm 1715, trái với sự khuyên lơn của các sĩ quan đồng đội, Melchior gia nhập dòng Phanxicô ở Krakow, lấy tên là Rafal, và hai năm sau đó người được thụ phong linh mục. Sau khi thi hành mục vụ trong chín thành phố, người trở về Lagiewniki (thuộc miền trung Ba Lan), là nơi người sống 13 năm còn lại trong quãng đời ngắn ngủi, không kể đến 20 tháng chăm sóc nạn nhân lũ lụt và bệnh dịch ở Warsaw. Ở những nơi đặt chân đến, người đều nổi tiếng về sự đơn sơ, các bài giảng bộc trực, sự độ lượng cũng như sự siêng năng giải tội. Người dân thuộc mọi tầng lớp xã hội đều bị thu hút bởi lối sống đầy hy sinh trong thiên chức linh mục của người.
Cha Rafal có tài chơi đàn thụ cầm, đàn “lute” và “mandolin” để phụ họa cho các bài thánh vịnh. Khi ở Lagiewniki, người phân phát thực phẩm, đồ tiếp tế và quần áo cho người nghèo. Sau khi cha từ trần, nhà thờ dòng Phanxicô ở thành phố ấy trở nên địa điểm hành hương của mọi người dân trên khắp nước Ba Lan. Người được phong chân phước ở Warsaw vào năm 1991.
Lời Bàn
Bài giảng của Thánh Rafal có sức thu hút là vì người đã sống những gì người rao giảng. Bí tích Hòa Giải có thể giúp chúng ta sống phù hợp với những lời của Ðức Kitô đã ảnh hưởng đến đời sống chúng ta.
Lời Trích
Trong bài giảng lễ phong chân phước, Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II nguyện rằng: “Cầu mong sao Chân Phước Rafal luôn nhắc nhở chúng ta rằng mỗi một người chúng ta, dù là kẻ tội lỗi, cũng được mời gọi để nên thánh và sống bác ái” (Trích trong tờ L'Observatore Romano, 1991, tập 25, số 19).
3 Tháng Mười Hai : Thánh Phanxicô Xaviê (1506-1552)
Đức Kitô hỏi, "Có lợi ích gì nếu được cả thế gian mà mất sự sống?" (Mt. 16:26a). Câu hỏi trên đã trở thành lời tâm niệm của một giáo sư triết trẻ tuổi, với một tương lai đầy hứa hẹn trong giới kinh viện mà sự thành công, uy tín và vinh dự đang chờ đón.
Vào lúc đó, Phanxicô Xaviê mới 24 tuổi, đang sinh sống và giảng dạy ở kinh thành Balê. Ngài không thay đổi ngay lập tức khi nghe những lời ấy, nhưng tất cả là nhờ ở người bạn tốt, Cha Ignatius ở Loyola, đã liên lỉ thuyết phục và sau cùng đã chiếm được người thanh niên ấy cho Ðức Kitô. Sau đó, Phanxicô tập luyện đời sống tâm linh dưới sự hướng dẫn của Cha Ignatius, và năm 1534 ngài gia nhập cộng đoàn nhỏ bé của Cha Ignatius (là Dòng Tên thời tiên khởi). Tại Montmartre, các ngài khấn sống khó nghèo, khiết tịnh và hoạt động tông đồ dưới sự hướng dẫn của đức giáo hoàng.
Từ Venice, là nơi ngài thụ phong linh mục năm 1537, Cha Phanxicô Xaviê đến Lisbon và từ đó ngài dong buồm đến Ấn Ðộ, cập bến làng Goa ở bờ biển phía tây nước Ấn. Trong vòng 10 năm tiếp đó, ngài đã tích cực hoạt động để đem đức tin đến cho rất nhiều dân tộc, trong đó có người Ấn Ðộ, Mã Lai và Nhật Bản.
Bất cứ chỗ nào ngài đến, ngài đều sống với người nghèo, chia sẻ thức ăn và các phương tiện thô sơ với họ. Ngài dành rất nhiều thời giờ để chăm sóc người đau yếu, nghèo khổ, nhất là người cùi. Rất nhiều khi ngài không có thời giờ để ngủ hoặc ngay cả để đọc kinh nhật tụng, nhưng, qua các thư từ ngài để lại chúng ta được biết, ngài luôn luôn tràn ngập niềm vui.
Cha Phanxicô đến các quần đảo ở Mã Lai, và Nhật Bản. Ngài học tiếng Nhật và rao giảng cho các người dân chất phác, dạy giáo lý và rửa tội cho họ, cũng như thành lập các trụ sở truyền giáo cho những người muốn giúp đỡ công cuộc của ngài. Từ Nhật Bản, ngài mơ ước đến Trung Hoa, nhưng dự tính này không bao giờ thực hiện được. Ngài đã từ trần trước khi đặt chân đến phần đất này.
Năm 1622, ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô X phong thánh và đặt làm quan thầy các công cuộc truyền giáo nước ngoài.
Lời Bàn
Tất cả mọi người chúng ta đều được mời gọi để "ra đi và rao giảng cho muôn dân" (x. Mátthêu 28:19). Chúng ta không nhất thiết phải đi đến những nơi xa xôi để rao giảng, mà hãy rao giảng ngay trong gia đình, cho con cái, vợ chồng, và những người cùng làm việc với chúng ta. Và sự rao giảng không chỉ bằng lời nói, nhưng còn qua đời sống hàng ngày. Chính nhờ sự hy sinh, từ bỏ tất cả những gì của riêng mình, mà Thánh Phanxicô mới có tự do để đem Tin Mừng đến cho người khác. Hy sinh là quên đi cái tôi của mình vì lợi ích cao cả hơn, lợi ích của sự cầu nguyện, lợi ích khi giúp đỡ người có nhu cầu, lợi ích khi lắng nghe người khác. Món quà lớn nhất của chúng ta là thời giờ, và Thánh Phanxicô đã hy sinh thời giờ của ngài cho người khác.
4 Tháng Mười Hai : Thánh Gioan ở Damascus (676?-749)
Hầu như toàn thể cuộc đời của Thánh Gioan là sống trong tu viện St. Sabas, gần Giêrusalem, và dưới chế độ của Hồi Giáo. Theo các sử gia, khi Damascus rơi vào tay người Ả Rập, thì tổ tiên của Thánh Gioan là những người duy nhất còn trung thành với đức tin Kitô Giáo và họ được làm việc trong toà án để giúp vua Hồi Giáo áp dụng luật lệ Kitô Giáo đối với các Kitô Hữu. Sau khi được giáo dục về thần học và kinh điển, Thánh Gioan theo cha ngài giữ một chức vụ trong chính quyền của người Ả Rập. Vài năm sau, ngài từ chức và gia nhập tu viện St. Sabas.
Ngài nổi tiếng trong ba lãnh vực. Thứ nhất, về các văn bản của ngài chống với những người không muốn tôn kính ảnh tượng thánh (iconoclast). Thật ngược đời, chính hoàng đế Leo của người Kitô Giáo Ðông Phương đã cấm việc tôn kính này, và vì Thánh Gioan sống trong lãnh thổ của người Hồi Giáo nên không ai làm gì được. Thứ hai, ngài nổi tiếng về luận án, Luận Về Ðức Tin Chính Thống, một tổng hợp các văn bản của Giáo Phụ Hy Lạp (mà ngài là người sau cùng). Người ta nói quyển sách này làm nền tảng cho tư tưởng Ðông Phương cũng giống như cuốn Tổng Luận (Summa) của Thánh Aquinas làm nền tảng cho Tây Phương. Thứ ba, ngài là một thi sĩ nổi tiếng, là một trong hai đại thi hào của Giáo Hội Ðông Phương. Ngài rất sùng kính Ðức Mẹ và các bài giảng của ngài về Ðức Mẹ cũng rất nổi tiếng.
Lời Bàn
Thánh Gioan bảo vệ Giáo Hội về việc tôn kính ảnh tượng thánh và giải thích đức tin Kitô Giáo trong một vài sự tương tranh. Trên 30 năm ngài sống đời cầu nguyện cũng như sáng tác. Sự thánh thiện của ngài được tỏ lộ qua các bài giảng cũng như văn bản nhằm phục vụ Thiên Chúa.
Lời Trích
"Các thánh phải được tôn vinh như những người bạn của Ðức Kitô và là miêu duệ của Thiên Chúa, như Thánh Sử Gioan đã viết: 'Càng nhận được nhiều bao nhiêu, Ðức Kitô lại càng ban cho họ bấy nhiêu để họ trở nên con cái Thiên Chúa&' Chúng ta hãy thận trọng quan sát đời sống của các tông đồ, các vị tử đạo, các vị khổ tu và người công chính, họ là những người loan truyền về Ðức Kitô. Và chúng ta phải ganh đua với các ngài về đức tin, đức cậy, đức ái, sự hăng say, sự sống, sự kiên nhẫn trong đau khổ, và kiên trì cho tới chết, để chúng ta có thể chia sẻ triều thiên vinh hiển của họ trên thiên đàng" (Luận về Ðức Tin Chính Thống).
5 Tháng Mười Hai : Thánh Sabas (s. 439)
Sinh ở Cappadocia (ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ), Thánh Sabas là một trong những thượng phụ đáng kính của các đan sĩ Palestine và được coi là một trong các vị sáng lập lối sống ẩn tu của Ðông Phương.
Sau thời thơ ấu thiếu hạnh phúc mà ngài thường bị đánh đập và bỏ nhà một vài lần, sau cùng Sabas đã đến trú ẩn trong một tu viện. Mặc dù gia đình đã nhiều lần dụ dỗ trở về nhà, người thiếu niên ấy cảm thấy bị thu hút bởi đời sống đan viện. Và mặc dù là một đan sĩ trẻ nhất trong cộng đoàn, ngài trổi vượt về nhân đức.
Vào năm 18 tuổi, ngài đến Giêrusalem, tìm hiểu biết thêm về lối sống cô độc. Không bao lâu, ngài xin được làm đệ tử của một vị ẩn tu nổi tiếng ở địa phương, dù rằng lúc đầu ngài được coi là quá trẻ để có thể theo được lối sống khắc khổ. Trong thời gian ở tu viện, vào ban ngày ngài làm việc quần quật và ban đêm ngài dành nhiều thời giờ để cầu nguyện. Vào lúc 30 tuổi, ngài được phép dành năm ngày mỗi tuần để sống trong một hang động thật xa vắng, để cầu nguyện và lao động chân tay dưới hình thức đan rổ rá.
Sau khi vị linh hướng là Thánh Euthymius từ trần, Sabas đi sâu vào sa mạc hơn nữa, gần Jericho. Ở đây ngài sống trong một hang động gần con suối Cedron mà lối ra vào chỉ là sợi dây thừng, còn thức ăn là rau cỏ dại mọc trên đá sỏi. Thỉnh thoảng có người đem cho ngài các thực phẩm và đồ gia dụng cần thiết, trong khi ngài phải tự đi tìm nước uống.
Một số người đến với ngài để xin gia nhập đời sống ẩn dật. Lúc đầu ngài từ chối. Nhưng không lâu sau khi ngài cho phép, những người theo ngài lên đến trên 150 người, tất cả đều sống trong các túp lều tranh riêng rẽ quây quần thành một cộng đoàn, gọi là laura.
Trong thời gian ngài khoảng 50 tuổi, đức giám mục thuyết phục Sabas chuẩn bị chịu chức linh mục để ngài có thể phục vụ cộng đoàn đan viện của ngài tốt đẹp hơn trong vai trò lãnh đạo. Mặc dù điều khiển một cộng đoàn đan sĩ với tư cách tu viện trưởng, ngài vẫn cảm thấy ơn gọi sống đời ẩn dật. Hàng năm -- thường vào mùa Chay -- ngài bỏ cộng đoàn trong một thời gian khá lâu khiến các đan sĩ thật lo lắng. Một nhóm khoảng 60 người rời bỏ tu viện, thành lập một cộng đoàn ở gần đó mà không có phương tiện cần thiết. Khi Sabas nghe biết về các khó khăn họ phải gánh chịu, ngài đã rộng lượng cấp dưỡng cho họ và giúp đỡ xây dựng cộng đoàn.
Trong nhiều năm trời, Sabas đi khắp Palestine, rao giảng đức tin chân chính và đem được nhiều người về với Giáo Hội. Vào lúc 91 tuổi, theo lời thỉnh cầu của Ðức Thượng Phụ Giêrusalem, Sabas thực hiện cuộc hành trình đến Constantinople cùng lúc với cuộc nổi loạn của người Samaritan và sự đàn áp đầy võ lực. Ngài cảm thấy đau yếu và, sau khi trở về nhà không lâu, ngài từ trần tại tu viện Mar Saba. Ngày nay tu viện này vẫn còn các đan sĩ của Giáo Hội Chính Thống Giáo, và Thánh Sabas được coi là một trong những nhân vật sáng giá của đời sống ẩn tu thời tiên khởi.
6 Tháng Mười Hai : Thánh Nicholas (c. 350?)
Việc thiếu những dữ kiện "xác thực" của lịch sử không ảnh hưởng đến sự nổi tiếng của các thánh, như trường hợp của Thánh Nicholas cho thấy. Cả hai giáo hội Ðông Phương và Tây Phương đều vinh danh ngài, có thể nói, sau Ðức Mẹ, ngài là vị thánh thường được các nghệ sĩ Kitô Giáo mô tả. Tuy nhiên, về phương diện lịch sử, chúng ta chỉ biết một dữ kiện, Thánh Nicholas là giám mục ở Myra vào thế kỷ thứ tư -- Myra là một thành phố nằm trong Lycia, một tỉnh của Tiểu Á.
Tuy nhiên, như nhiều vị thánh khác, chúng ta có thể biết được mối quan hệ giữa thánh nhân và Thiên Chúa qua sự ngưỡng mộ mà các Kitô Hữu dành cho ngài -- sự ngưỡng mộ được diễn tả qua các câu truyện đầy màu sắc và thường được kể đi kể lại trong nhiều thế kỷ.
Có lẽ câu truyện nổi tiếng nhất về Thánh Nicholas là lòng bác ái của ngài đối với một gia đình nghèo khổ mà ông bố không có của cải để cho ba cô con gái làm của hồi môn. Vì không muốn trông thấy họ phải lâm vào cảnh đĩ điếm, Thánh Nicholas đã bí mật ném ba gói vàng qua cửa sổ nhà ông này vào ba trường hợp khác nhau, để giúp các cô con gái ấy đi lấy chồng. Qua các thế kỷ, huyền thoại này trở thành thói quen tặng quà nhân ngày lễ kính thánh nhân. Trong thế giới nói tiếng Anh, Thánh Nicholas trở thành Santa Claus và người Việt thường gọi là ông già Noel. Ông già Noel ngày nay đã bị xã hội tục hóa quá nhiều khiến lu mờ đi ý nghĩa chính của câu truyện, đó là tấm gương quảng đại của vị giám mục thánh thiện này.
Lời Bàn
Cái nhìn có tính cách phê phán của lịch sử hiện đại giúp chúng ta nhận ra ý nghĩa sâu xa hơn của các huyền thoại về Thánh Nicholas. Có lẽ, bài học thiết thực nhất của ngài là lòng bác ái. Hãy nhìn đến thái độ của chúng ta đối với vật chất trong mùa Giáng Sinh, và hãy tìm ra các phương cách để chia sẻ của cải ấy cho những người có nhu cầu.
Lời Trích
"Ðể có thể nhận ra các nhu cầu phúc lợi thích hợp cho tín hữu tùy theo hoàn cảnh của mỗi người, vị giám mục phải cố gắng quen thuộc với nhu cầu của họ trong các hoàn cảnh xã hội mà họ sinh sống... Ngài phải bày tỏ sự lưu tâm đến tất cả mọi người, bất kể tuổi tác, tình trạng, hay quốc tịch, dù họ là người bản xứ, người xa lạ, hay người nước ngoài" (Sắc Lệnh về Văn Phòng Mục Vụ của các Giám Mục, 16).
---------
sinh năm 1832 tại Trà Vi, Nam Ðịnh, Thầy Giảng, Dòng Ba Ða Minh, xử trảm ngày 06-12-1861 tại Hải Dương dưới đời vua Tự Ðức, phong Chân Phúc ngày 11-4-1909 do Ðức Piô X, kính ngày 06-12.
7 Tháng Mười Hai : Thánh Ambrôsiô (340?-397)
Một trong các người viết tiểu sử về Thánh Ambrôsiô nói rằng: vào ngày Phán Xét Chung sẽ vẫn còn sự tách biệt giữa những người thích thánh nhân và những người cực kỳ ghét bỏ ngài. Thánh Ambrôsiô nổi tiếng là một người có những quyết định táo bạo ảnh hưởng đến đời sống của những người cùng thời.
Vào năm 33 tuổi, Thánh Ambrôsiô đã có tất cả mọi sự -- một sự nghiệp đầy hứa hẹn là luật sư, một vị thế quan trọng trong chính trường là tổng trấn Milan, ngoài ra ngài còn là người bạn và đồng chí với hoàng đế, cùng với một gia tài kếch sù.
Và rồi vị giám mục của Milan từ trần. Vào lúc ấy, khoảng năm 374, nhiều tà giáo muốn tiêu diệt Giáo Hội. Vị cố giám mục Milan từng hậu thuẫn cho lạc giáo Arian chống lại giáo huấn về thiên tính của Ðức Kitô. Vậy ai sẽ là người kế vị -- người Công Giáo hay người của phe Arian? Cả hai phe đụng độ nhau ở vương cung thánh đường và một cuộc bạo động xảy ra.
Duy trì trật tự công cộng là trách nhiệm của quan tổng trấn Ambrôsiô, nên ngài vội vã chạy đến nhà thờ và hùng hồn lên tiếng, không ủng hộ phe phái nào cả, nhưng ủng hộ sự hoà bình. Ngài xin dân chúng hãy bình tĩnh, kềm chế sự nóng nẩy và chọn lựa giám mục mà không cần phải xô xát.
Trong khi ngài đang nói, bỗng dưng có người hô to, "Bầu Ambrôsiô làm giám mục!" Thế là tất cả mọi người đều đồng thanh, "Ambrôsiô là giám mục!"
Các vị giám mục khác của tỉnh thì quá vui mừng khi được phủi tay trước vấn đề khó khăn này. Nhưng Ambrôsiô không dễ hy sinh một sự nghiệp đầy hứa hẹn để chấp nhận công việc của một giám mục đầy nguy hiểm -- một công việc ảnh hưởng đến tính mạng trong thời lạc giáo. Bởi thế Ambrôsiô bỏ trốn. Khi ngài cầu viện đến hoàng đế để thay đổi quyết định nói trên với lý do là ngài chưa rửa tội, vị hoàng đế lại tuyên bố rằng ông rất vui mừng khi chọn được quan tổng trấn thích hợp với chức giám mục. Ambrôsiô trốn tránh trong nhà của một nghị sĩ, nhưng ông này đã đem nộp Ambrôsiô khi ông biết quyết định của hoàng đế.
Không còn biết trốn vào đâu nữa, Ambrôsiô ra đầu hàng. Vì ngài bị ép buộc phải chấp nhận chức giám mục, nên sẽ không ai ngạc nhiên nếu ngài vẫn tiếp tục lối sống cũ, như trước khi được tấn phong. Tuy nhiên, ngay sau đó Ambrôsiô đã phân phát tài sản cho người nghèo và tự đặt mình dưới sự chỉ dẫn của Thánh Simplician để học thần học và Kinh Thánh.
Phe Arian tưởng rằng Ambrôsiô sẽ là giám mục "của họ" vì ngài từng là một viên chức của triều đình, và nhiều người trong chính quyền đều thuộc phe Arian. Nhưng Ambrôsiô đã dùng sở trường của một luật sư và tài hùng biện để chống lại phe Arian bất cứ nơi nào, dù ở nhà thờ, triều đình, thượng viện, hay ngay cả trong hoàng tộc. Tính ngoan cố của ngài khi không chấp nhận chức giám mục lúc đầu, nay lại trở thành vũ khí trong cuộc chiến chống lại lạc giáo và giúp ngài quyết tâm theo đuổi sự thánh thiện.
Khi người Goth xâm chiếm đế quốc và bắt nhiều người làm con tin, Ðức Giám Mục Ambrôsiô đã phải dùng chính tài sản của mình để chuộc. Ngài nói sự bác ái có giá trị nhất là chuộc kẻ tù đầy. Ngay cả các bình vàng của Giáo Hội, ngài cũng đem bán để lấy tiền chuộc. Ngài nói, "Cứu vớt các linh hồn cho Chúa thì tốt hơn là duy trì tài sản. Ðức Kitô đã sai các tông đồ đi rao giảng mà không có vàng bạc, và cũng không cần vàng bạc để thành lập Giáo Hội của Người. Giáo Hội làm chủ vàng bạc, không phải để tích trữ, nhưng để phân phối và giúp đỡ những người kém may mắn."
"Chắc chắn Chúa sẽ hỏi chúng ta: 'Tại sao con lại để quá nhiều người nghèo đói? Vì con có vàng bạc, con phải cấp dưỡng cho họ'& Có thể nào chúng ta trả lời rằng: 'Vì con không muốn để đền thờ của Chúa không được trang hoàng.' Nhưng những gì không mua được bởi vàng bạc thì cũng không có giá trị bởi vàng bạc. Phương cách tốt nhất để sử dụng vàng bạc của Ðấng Cứu Thế và hãy cứu vớt những người lâm cảnh hoạn nạn."
Ðức Giám Mục Ambrôsiô luôn luôn lưu tâm đến người nghèo hơn là quyền lực. Ngài thường khiển trách người giầu khi lãng quên người nghèo: "Thiên Chúa tạo nên vũ trụ trong một phương cách để tất cả những gì là của chung sẽ đem lại no ấm cho con người, và trái đất là sở hữu chung của tất cả mọi người. Tại sao bạn lại từ chối một người cũng có quyền đối với thiên nhiên như bạn? Của cải bạn cho người ăn xin không phải của chính bạn, nhưng đó là phần của người ấy mà bạn phải hoàn trả cho họ. Trái đất thuộc về tất cả mọi người. Bởi thế, bạn đang trả nợ mà lại nghĩ đang ban bố một ơn huệ."
Khi hoàng đế từ trần, Hoàng Hậu Justina, một người phe Arian, trở thành nhiếp chính cho đứa con trai bốn tuổi. Maximus, một cựu sĩ quan Rôma, biết rằng cái chết của hoàng đế sẽ làm suy yếu đế quốc nên dự định tấn công. Justina xin Ambrôsiô thương lượng với tên này. Mặc dù Justina là một kẻ thù, Ambrôsiô đã lên đường thi hành nhiệm vụ và đã thuyết phục được Maxima ngừng xâm lăng.
Thay vì biết ơn Ambrôsiô, Hoàng Hậu Justina lại yêu cầu Ðức Giám Mục Ambrôsiô trao lại vương cung thánh đường cho phe Arian. Thánh nhân trả lời rằng ngài không bao giờ nhường đền thờ của Thiên Chúa.
Dân chúng đứng về phe Ðức Giám Mục Ambrôsiô. Ngài thừa khả năng để thực hiện cuộc đảo chánh lật đổ Justina. Nhưng ngài thận trọng không dùng bất cứ lời nói hay hành động nào để khích động dân chúng.
Khi một số người Công Giáo bắt giữ một linh mục phe Arian và kết án tử hình, Ðức Giám Mục Ambrôsiô đã nhân danh hòa bình xin tha cho vị linh mục này và nói rằng: Thiên Chúa sẽ phải đau khổ khi thấy cảnh máu chảy thịt rơi. Ðức Ambrôsiô gửi các linh mục và phó tế của ngài đến giải thoát cho vị linh mục Arian này.
Sau đó Hoàng Hậu Justina thuyết phục con mình ban bố luật lệ để hợp pháp hóa lạc giáo Arian và cấm người Công Giáo không được chống đối người Arian. Không ai có thể đệ trình một thỉnh cầu chống với một tổ chức tôn giáo đang có thế lực.
Vào Chúa Nhật Lễ Lá, trong bài giảng, Ðức Giám Mục Ambrôsiô tuyên bố không nhường lại các nhà thờ. Cả giáo đoàn, vì lo sợ cho tính mạng, đã phòng thủ trong nhà thờ với vị chủ chăn là Ðức Giám Mục Ambrôsiô. Quân triều đình bao vây chung quanh ngăn chặn mọi đường tiếp tế, để dân chúng vì đói mà phải ra đầu hàng. Cho đến ngày Chúa Nhật Phục Sinh, tất cả mọi người vẫn kiên trì phòng thủ.
Khi chạm trán với lực lượng bao vây, Ðức Giám Mục Ambrôsiô nói, "Vũ khí của tôi chỉ là nước mắt. Tôi không muốn từ bỏ nơi đây, nhưng tôi không chống cự bằng võ lực."
Ðể trấn an dân chúng đang khiếp sợ, Ðức Giám Mục Ambrôsiô dạy họ hát thánh vịnh do chính ngài sáng tác. Ngài chia cộng đoàn làm hai bên để đối đáp. Ðây là lần đầu tiên việc hát đáp ca được ghi nhận trong lịch sử Giáo Hội.
Tiếng nhạc và lời kinh vượt ra ngoài bốn bức tường của thánh đường và làm rúng động tâm hồn các binh lính. Không bao lâu, chính họ cũng cất tiếng phụ họa. Sự vây hãm chấm dứt.
Vì biết quân triều đình đang tập trung vào việc chống đối người Công Giáo, Maximus một lần nữa lại quyết định tấn công Rôma. Justina và hoàng tộc thật kinh hãi. Không biết trông vào ai, sau cùng họ lại quay về với người mà họ từng tấn công và đe dọa. Họ xin Ðức Giám Mục Ambrôsiô đến gặp Maximus và ngăn chặn sự tấn công.
Trong một hành động tha thứ có thể nói lạ lùng, Ðức Giám Mục Ambrôsiô lại thi hành nhiệm vụ cho kẻ thù. Khi Maximus từ chối thoả hiệp, ngài vội vã trở về để chuẩn bị. Justina và hoàng tộc trốn sang Hy Lạp, trong khi Ðức Giám Mục Ambrôsiô ở lại chống đỡ. May mắn thay, vị hoàng đế đông phương là Theodosius đã can thiệp và đánh bại Maximus. Tuy nhiên, sau đó Theodosius đã chiếm quyền kiểm soát toàn thể đế quốc Rôma. Theodosius là người Công Giáo và sau này trở thành người bạn chí thiết của Ðức Giám Mục Ambrôsiô.
Ðức Giám Mục Ambrôsiô từ trần năm 397, khoảng 57 tuổi. Lễ kính được đặt vào ngày 7 tháng Mười Hai, là ngày ngài "bị" tấn phong giám mục.
8 Tháng Mười Hai : Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội Lc 1, 26-38
Mỗi người chúng ta đều có một bà mẹ trần thế. Mẹ là người sinh ra ta, cho ta bú mớm vỗ về, an ủi ta. Mẹ là người dậy ta tiếng nói đầu đời. Mẹ đưa ta tới trường ,mở rộng chân trời cho ta tiến bước. Mẹ dậy ta biết vượt thắng gian nan, đẩy lui thử thách, biết quí trọng thời gian. Mẹ làm gương cho ta về lòng bao dung, chia sẻ, nhân ái. Mẹ dậy ta phải sống công bằng bác ái. Mẹ giúp ta ham sống và tìm ra ý nghĩa cuộc đời. Mẹ là niềm an ủi, là hạnh phúc và là sức mạnh để ta lướt thắng gian nguy .Vâng, Chúa đã trao cho mỗi người một bà Mẹ đáng yêu, đáng quí trọng, Chúa lại ban tặng cho nhân loại một bà Mẹ vượt trổi trên mọi bà Mẹ thế trần. Mẹ có tên tuyệt vời không tên nào dưới thế có thể diễn tả hết như Mẹ đã được gọi : MARIA .
-Maria là ai ?
-Tại sao Mẹ lại vô nhiễm nguyên tội ?
-Đặc ân vô nhiễm nguyên tội giúp ích gì ta ?
I. MARIA LÀ AI ?
Ở đây , ta chỉ nói lướt qua về Maria qua đoạn suy niệm này vì bài này không phải là một nghiên cứu về tiểu sử của Mẹ theo nhãn giới Kinh Thánh hay suy tư thần học mà người viết chỉ phác hoạ đôi nét cơ bản để người đọc dễ nhận ra Maria là ai. Maria là Mẹ Đấng cứu thế, đã sinh ra Chúa Giêsu. Maria được sinh ra trong một gia đình đạo đức, thánh thiện. Cha Người là thánh Gioankim và mẹ Người là bà thánh Anna. Maria được sinh ra vào lúc hai ông bà Gioankim và Anna đã già nua, tuổi tác .Maria sống ở làng quê Nazarét, miền Bắc nước Palestina. Lớn lên như mọi người con gái thời đó, Maria đã đính hôn với Giuse, làm nghề thợ mộc ở làng Nagiarét, thuộc dòng dõi vua Đavít.
Tuy đã đính hôn với Giuse, nhưng Maria đã khấn giữ mình đồng trinh để đời đời dành riêng cho Thiên Chúa, nên chính trong thời điểm này, ý định của Thiên Chúa đã đổ xuống trên trinh nữ Maria. Thiên Chúa đã sai Thiên sứ Gabrien đến gặp trinh nữ Maria và nói lên ý định tuyệt vời của Thiên Chúa, chọn Maria làm Mẹ Đấng Cứu Thế . "...và này đây bà sẽ thụ thai,sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu "(Lc 1, 31 )
Maria bối rối, hoang mang, thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xẩy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng !"(Lc 1,34 ). Thiên sứ đã giải thích cho Maria rằng: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà,và quyền năng Đấng tối cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa "(Lc 1, 35 ) Sau khi được giải thích về việc thụ thai mà vẫn giữ mình thuộc trọn Thiên Chúa, Maria dứt khoát nói lời xin vâng: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói "(Lc 1,38 ) . Và Ngôi Hai là Chúa Giêsu đã ngự trị trong lòng Đức Trinh nữ Maria .
Rồi lúc đến ngày sinh con, Mẹ Maria đã hạ sinh Chúa Giêsu nơi hang đá Bêlem(Lc 2,7 ), khi hai ông bà Giuse và Maria phải trở về quê quán để khai hộ khẩu theo lệnh của hoàng đế Au-gút-tô (Lc 2,1 ) . Sau đó hai ông bà Giuse và Maria lại phải đem Chúa Giêsu lánh qua nước Aicập để tránh việc tàn sát con trẻ của hoàng đế Hêrôđê cho tới khi Hêrôđê băng hà; hai ông bà Giuse và Maria lại bồng bế Hài nhi Giêsu trở về Nazarét quê nhà.
Mẹ Maria đã sống một cuộc đời hết sức âm thầm với Chúa Giêsu và thánh Giuse suốt 30 năm Chúa ở với hai ông ba. Trong ba năm Chúa đi rao giảng và kết nạp các môn đệ, chúng ta chỉ gặp Đức Mẹ một lần ở tiệc cưới Cana. Lần khác nữa khi Mẹ Maria và vài người bà con đi tìm Chúa Giêsu, Chúa đã trả lời : "...Những người nghe và giữ lời Ta giảng dậy, đó là Mẹ và anh em của Ta " (Mc 3,31-35 ) . Một lần nữa , chúng ta bắt gặp Mẹ Maria đứng dưới chân Thập Giá Chúa Giêsu trên đồi Canvê(Ga 19,25 ). Lần cuối cùng,chúng ta thấy Mẹ Maria và các môn đệ cầu nguyện chung trong nhà tiệc ly để chờ đợi Chúa Thánh Thần (Cv 1,14 ). Rồi sau đó, có lẽ Đức Mẹ đã theo thánh Gioan đi rao giảng Tin Mừng ở Tiểu Á và đã qua đời ở Êphêsô .
Maria đã sống ẩn dật, âm thầm nhưng vì Mẹ là Mẹ Đấng cứu thế , nên muôn đời mọi thế hệ đều ngợi khen, tung hô Mẹ .
II. TẠI SAO MẸ LẠI VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI ?
Tội nguyên tổ do hai ông bà tổ tiên Adong và Eva đã truyền lại cho con cháu muôn đời. Riêng Mẹ Maria vì là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đấng cứu Thế, Thiên Chúa đã dành cho Người đặc ân vô cùng quí giá ngay khi Người còn đang trong cung lòng bà thánh Anna, vì công nghiệp của Chúa Giêsu Con Mẹ sẽ sinh ra sau này, Thiên Chúa đã gìn giữ Mẹ Maria nguyên tuyền, trinh trắng,không hề mang tì vết : đó là đặc ân vô nhiễm nguyên tội Thiên Chúa dành riêng cho mình Mẹ mà thôi .
Chính vì thế, không một phút, một giây nào trong đời sống, Đức Mẹ đã phải khuất phục ma quỉ, đã ở trong tình trạng tội lỗi. Dù khi thụ thai, dù lúc sinh con, Mẹ Maria luôn thuộc trọn về Chúa, nghĩa là lúc nào Mẹ cũng đầy tràn ân sủng của Chúa Thánh Thần, lúc nào Mẹ cũng đầy tràn ân phúc. Mẹ không hề mắc tội dù tội riêng mình làm vì Thiên Chúa đã tuyển chọn Mẹ, Mẹ phải là Đấng hoàn toàn nhất để xứng đáng làm Mẹ Ngôi Hai làm người. Mẹ là "Evà mới " như Giáo Hội đã ca tụng Mẹ "Thiên Chúa đã dọn cho con Ngài một chỗ ở xứng đáng nhờ đặc ân vô nhiễm nguyên tội của Đức Trinh Nữ" . "Mẹ được giữ sạch không vương chút tội lỗi nhờ vào ân sủng do cuộc tử nạn của Chúa Giêsu ".
Đức thánh Cha Piô IX đã long trọng tuyên bố tín điều Mẹ vô nhiễm nguyên tội ngày 8 tháng 12 năm 1854 và chỉ bốn năm sau đó chính Đức Mẹ đã hiện ra với Bernadetta tại Lộ Đức ngày 25 tháng 3 năm 1858 đã xác nhận: "Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội".
III. ĐẶC ÂN VÔ NHIỄM GIÚP GÌ CHO TA ?
Chúng ta là con cái Đức Mẹ,Một người Mẹ hoàn hảo nhất, tốt đẹp nhất vì Mẹ luôn trong trắng, luôn tươi xinh, không một vết tì ố nào có thể làm ô nhiễm tâm hồn Mẹ .
Với đặc ân vô nhiễm nguyên tội, đặc ân được gìn giữ hồn xác vẹn toàn , Mẹ Maria là "Evà mới ", Evà mang sự sống, chứ không mang cái chết, chỉ có tội mới đem lại sự dữ, mang lại cái chết cho con người , còn Mẹ vì là người vẹn toàn được Thiên Chúa ấp ủ, bao bọc như Chúa gìn giữ con ngươi mắt Chúa, nên Maria đã trở nên mẫu gương trung thành tuyệt đối cho ta về đức trinh khiết Mẹ dành trọn vẹn cho Thiên Chúa. Mẹ trở thành sao mai dẫn lối nhân loại vượt qua cuộc hải hành trần gian đầy cam go thử thách nhờ lòng tin kiên vững không hề lay chuyển qua lời thưa Xin Vâng của Mẹ. Maria đã cho ta hiểu qua đặc ân vô nhiễm nguyên tội , Mẹ bắt nguồn từ chính Thiên Chúa, Đấng nguyên vẹn, ngàn trùng chí Thánh , Đấng vô cùng chung thủy đối với nhân loại này .
Lạy Mẹ Maria vô nhiễm nguyên tội ,xin cho chúng con hiểu được rằng Chúa đã yêu thương Mẹ, yêu thương mọi người chúng con và không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được .
Xin Mẹ giúp chúng con luôn biết ngước nhìn lên Mẹ dù cuộc đời chúng con có muôn ngàn vấp ngã , để chúng con luôn chỗi dậy và được Mẹ dắt tay chỗi dậy.
Xin Mẹ giúp chúng con và nhân loại biết bước đi trong vâng phục, tin tưởng và cậy trông như Mẹ đã luôn tuân phục ý Chúa, làm theo ý Chúa và thực thi Lời Chúa.
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
9 Tháng Mười Hai : Chân Phước Gabriel Ferretti (1385 - 1456)
Gabrien sinh trưởng trong một gia đình giầu có, đạo đức nên ngài được thừa hưởng nền giáo dục tôn giáo vững chắc. Vào năm 18 tuổi, ngài gia nhập dòng Phanxicô và được thụ phong linh mục năm 25 tuổi. Sau đó không lâu, ngài đi giảng phòng trong các giáo xứ trên toàn nước Ý, và đó là một công việc ngài đã thi hành trong 25 năm một cách thành công.
Ngài có nhiều nhân đức cũng như nhiều chức vụ mà ngài được giao phó. Ngài không bao giờ né tránh việc lao động, hoặc ngần ngại đương đầu với những vấn đề giao tế cá nhân. Là một người đạo đức và khiêm tốn, có lần trên đường đến Assissi, khi dừng chân cầu nguyện tại nhà thờ ở Foligno, ngài bị tưởng lầm là một thầy dòng Phanxicô nên bị thầy dọn lễ gọi lên giúp lễ cho một linh mục. Cha Gabrien khiêm tốn vâng lời. Thánh Lễ cử hành một cách tốt đẹp, cho đến khi có một linh mục nhận ra ngài là vị bề trên tỉnh dòng thì đã quá trễ, và thầy phụ trách việc dọn lễ bị khiển trách. Cha Gabrien đã bênh vực thầy, và nói, "Ðược giúp lễ là một đặc ân cao trọng. Các thiên thần cũng muốn được như thế. Do đó đừng khiển trách thầy ấy vì đã cho tôi vinh dự này!"
Tình yêu Thiên Chúa và Ðức Trinh Nữ Maria của Cha Gabrien được biểu lộ trong các bài giảng. Tình yêu ấy đã được đáp trả bằng cách Thiên Chúa cho ngài được thị kiến Ðức Kitô cũng như Mẹ Maria.
Ngài từ trần năm 1456 giữa sự luyến tiếc của các anh em tu sĩ dòng.
9 Tháng Mười Hai : Chân Phước Juan Diego (1474-1548)
Lúc đầu người ta gọi ngài là Cuauhtlatohuac ("Con đại bàng cất tiếng"), tên Juan Diego thì mãi mãi đi liền với Ðức Mẹ Guadalupe vì chính ngài là người được Ðức Mẹ hiện ra ở đồi Tepeyac lần đầu tiên vào ngày 9-12-1531.
Ông là một thổ dân nghèo hèn, 57 tuổi, goá vợ, tên thật là Cuatitlatoatzin và sau khi rửa tội có tên là Juan Diego. Vào buổi sáng thứ Bảy, 9 tháng Mười Hai 1531, ông đến nhà nguyện gần đó để tham dự lễ kính Ðức Mẹ. Khi đang đi trên ngọn đồi gọi là Tepeyac thì ông nghe có tiếng nhạc du dương như tiếng chim hót. Sau đó một đám mây sáng chói xuất hiện, đứng trên đám mây là một trinh nữ người thổ dân mặc y phục như công chúa của bộ lạc Aztec. Trinh nữ nói chuyện với ông bằng tiếng bản xứ và sai ông đến với Ðức Giám Mục của Mexico, là một tu sĩ dòng Phanxicô tên Juan de Zumarraga, và yêu cầu đức giám mục xây cất một nguyện đường nơi Trinh Nữ hiện ra.
Dĩ nhiên vị giám mục không tin, và bảo Juan Diego xin Trinh Nữ cho một dấu chỉ. Trong thời gian này, người chú của ông bị bệnh nặng. Ðiều đó khiến ông cố tránh né không muốn gặp Trinh Nữ. Tuy nhiên, đức trinh nữ tìm ông, đảm bảo với ông là người chú sẽ khỏi bệnh, và bảo ông hái các bông hồng quanh đó để làm bằng chứng với vị giám mục. Lúc ấy là mùa đông thì không thể có bông hoa nào mọc được, nhưng lạ lùng thay, gần chỗ Trinh Nữ hiện ra lại đầy dẫy những hoa hồng tuyệt đẹp. Và ông đã dùng chiếc áo tơi của mình để bọc lấy các bông hồng đem cho vị giám mục.
Trước sự hiện diện của đức giám mục, ông Juan Diego mở áo tơi ra và bông hồng đổ xuống tràn ngập khiến vị giám mục phải quỳ gối trước dấu chỉ lạ lùng ấy. Lạ lùng hơn nữa, trên chiếc áo tơi lại có in hình Ðức Trinh Nữ như ngài đã hiện ra với ông ở đồi Tepeyac. Ðó là ngày 12 tháng Mười Hai 1531.
Sau đó, người ta không đề cập gì nhiều đến Juan Diego. Có lúc ông sống gần một ngôi đền được dựng ở Tepeyac, được mọi người kính trọng như một giáo lý viên thánh thiện, vô vị lợi và đầy lòng nhân ái qua lời nói cũng như gương mẫu.
Trong chuyến tông du năm 1990 đến Mễ Tây Cơ, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã xác nhận một nghi thức có từ lâu đời nhằm vinh danh Juan Diego qua việc phong chân phước cho ông.
Lời Bàn
Thiên Chúa mong đợi Juan Diego đóng một vai trò khiêm tốn nhưng bao la trong việc đem Tin Mừng cho người dân Mễ Tây Cơ. Cố vượt qua sự lo sợ cũng như sự hồ nghi của Ðức Giám Mục Juan de Zumarraga, chân phước Juan Diego đã cộng tác với ơn sủng của Thiên Chúa khi ông cho dân chúng thấy rằng Tin Mừng của Chúa Giêsu thì không riêng cho một ai. Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng nhân cơ hội phong chân phước này để thúc giục người Mễ Tây Cơ hãy nhận lấy trách nhiệm rao truyền cũng như làm chứng cho Tin Mừng.
Lời Trích
"Cũng như các nhân vật trong phúc âm xưa đại diện chung cho mọi dân tộc, chúng ta cũng có thể nói rằng Juan Diego đại diện cho những người thổ dân đã chấp nhận Tin Mừng của Ðức Giêsu, nhờ sự trợ giúp của Mẹ Maria, là người luôn luôn sát cánh với hành động của Con Mẹ và sự phát triển của Giáo Hội, như khi ngài hiện diện với các Tông Ðồ trong ngày Hiện Xuống" (Bài giảng lễ phong chân phước của ÐGH Gioan Phaolô II).
10 Tháng Mười Hai : Chân Phước Honoratus Kosminski (1829 - 1916)
Ngài sinh ở Biala Podlaska (Ba Lan), và học về kiến trúc tại trường Nghệ Thuật ở Warsaw. Khi Wenceslau lên 16 tuổi thì mồ côi cha. Vì bị tình nghi là có tham gia trong nhóm phản loạn, ngài bị bắt và bị cầm tù từ tháng Tư 1846 đến tháng Ba năm sau. Năm 1848, ngài gia nhập dòng Phanxicô và lấy tên Honoratus Kosminski. Năm 1855 ngài giúp Chân Phước Mary Angela Truszkowska thành lập dòng Nữ Tu Felix.
Năm 1860, Cha Honoratus làm giám đốc một tu viện ở Warsaw. Ngài dành mọi nỗ lực trong việc rao giảng, hướng dẫn tinh thần các đệ tử sinh và giải tội. Ngoài ra ngài còn làm việc không biết mệt cho dòng Ba Phanxicô.
Cuộc cách mạng năm 1864, nhằm lật đổ Nga hoàng Alexander III, đã bất thành đưa đến việc đàn áp các dòng tu ở Ba Lan. Các tu sĩ Capuchin bị đẩy ra khỏi Warsaw và buộc phải sống ở Zakroczym, là nơi Cha Honoratus tiếp tục sứ vụ của ngài và thành lập 16 tu hội nam cũng như nữ, mà các thành viên không phải mặc áo tu sĩ cũng như không phải sống trong khuôn viên của tu hội. Họ sinh hoạt giống như các tổ chức dòng ba bây giờ. Cho đến nay, vẫn còn mười bảy tu hội ấy hoạt động.
Các văn bản của Cha Honoratus thì vô số kể: 42 tập bài giảng, 21 tập thư tín và 52 ấn bản thần học về sự khổ hạnh, sự sùng kính Ðức Maria, về lịch sử, về mục vụ -- chưa kể các thư từ ngài viết cho các tu hội mà ngài sáng lập.
Vào năm 1906, một vài giám mục tìm cách đưa các tu hội ấy dưới thẩm quyền của họ; Cha Honoratus chống lại quyết định đó để bảo vệ sự độc lập của các tu hội, và ngài bị cách chức giám đốc vào năm 1908. Sau đó, ngài khuyên các thành viên của các tu hội hãy vâng phục quyết định của Giáo Hội dù tương lai có ra sao.
Một người đương thời với ngài cho biết, Cha Honoratus "luôn luôn bước đi trong con đường của Thiên Chúa." Vào năm 1895, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Ðại Diện cho các tu sĩ Capuchin ở Ba Lan.
Ngài được phong chân phước năm 1988.
Lời Bàn
Chân Phước Honoratus đã làm việc hăng say để phục vụ Giáo Hội, một phần qua việc thiết lập các tu hội nhằm đáp ứng với hoàn cảnh đặc biệt của Ba Lan thời bấy giờ. Ngài đã có thể rút lui một cách cay đắng và oán hờn khi đường hướng các tu hội ấy bị tước đoạt khỏi tầm tay; nhưng ngài đã coi đó là những "niềm vui tuyệt đối." Ngài khuyên các thành viên hãy sẵn sàng và vui vẻ vâng phục, đem khả năng của mình để phục vụ Tin Mừng của Ðức Giêsu Kitô.
Lời Trích
Khi Giáo Hội lấy đi quyền điều khiển các tu hội của ngài và thay đổi đường hướng các tu hội ấy, Chân Phước Honoratus viết: "Ðấng Ðại Diện Ðức Kitô đã cho chúng ta biết thánh ý của Thiên Chúa, và tôi lãnh nhận mệnh lệnh này với đức tin& Anh chị em thân mến, hãy nhớ rằng đây là cơ hội để anh chị em chứng tỏ sự tuân phục một cách quả cảm đối với Giáo Hội."
11 Tháng Mười Hai : Thánh Giáo Hoàng Damasus I (305? - 384)
Theo chứng từ của người thư ký là Thánh Giêrôme, Thánh Damasus là "một người không ai sánh bằng, rất hiểu biết Phúc Âm, một tiến sĩ trinh trắng của một Giáo Hội trinh trắng, rất yêu quý sự khiết tịnh."
Thánh Damasus có khi nào được nghe những lời tán dương đó. Những tranh giành nội bộ có tính cách chính trị, các tà thuyết, các tương giao căng thẳng với chính các giám mục của ngài và của Giáo Hội Ðông Phương đã làm lu mờ sự bình an trong triều đại giáo hoàng của ngài.
Là con của một tư tế Rôma, có lẽ thuộc gốc Tây Ban Nha, Damasus khởi sự là một phó tế trong nhà thờ của cha mình, sau đó ngài là tư tế (linh mục) của một đền thờ mà sau này là vương cung thánh đường San Lorenzo ở Rôma. Ngài phục vụ Ðức Giáo Hoàng Liberius (352-366) và đi theo đức giáo hoàng khi bị lưu đầy.
Khi Ðức Liberius từ trần, Damasus được bầu làm Giám Mục Rôma; nhưng một thiểu số khác lại chọn và tấn phong một phó tế khác là Ursinus làm giáo hoàng. Cuộc tranh luận giữa Damasus và giáo hoàng đối lập gây nên nhiều xung đột trong hai nhà thờ lớn, gây tiếng xấu cho các giám mục Ý. Trong một thượng hội đồng do Damasus triệu tập nhân ngày sinh nhật của ngài, Ðức Damasus yêu cầu các giám mục tán thành các hành động của ngài. Nhưng câu trả lời của các giám mục thật cộc lốc: "Chúng tôi quy tụ để mừng sinh nhật, chứ không để kết án một người chưa bao giờ nghe biết." Khoảng năm 378, những người ủng hộ vị giáo hoàng đối lập còn tìm cách đưa Ðức Damasus ra toà về một tội phạm -- có lẽ tội dâm dục. Ngài đã phải thanh minh trước toà dân sự cũng như trước một thượng hội đồng của Giáo Hội.
Khi là giáo hoàng, ngài có lối sống thật đơn giản trái ngược với các giáo sĩ ở Rôma, và ngài rất hăng say chống lại tà thuyết Arian và các tà thuyết khác. Một sự hiểu lầm trong văn từ về Ba Ngôi Thiên Chúa đã đe dọa mối giao hảo thân thiện với Giáo Hội Ðông Phương, và Ðức Damasus là người ôn hoà đã dàn xếp cách tốt đẹp.
Chính trong thời giáo hoàng của ngài (380) mà Kitô Giáo được tuyên bố là tôn giáo chính thức của Rôma, và tiếng Latinh trở nên ngôn ngữ chính thức trong phụng vụ nhờ sự cải cách của đức giáo hoàng. Cũng nhờ ngài khuyến khích Thánh Giêrôme học hỏi kinh thánh mà bộ Vulgate được chào đời, đó là bộ Kinh Thánh bằng tiếng Latinh mà Công Ðồng Triđentinô (11 thế kỷ sau) tuyên bố là "có giá trị để đọc giữa công chúng, được dùng để tranh luận, và để rao giảng."
Lời Bàn
Lịch sử của triều đại giáo hoàng và lịch sử Giáo Hội đã bị pha trộn với tiểu sử của Ðức Damasus. Trong một giai đoạn then chốt và nhiều khó khăn của Giáo Hội, ngài đã xuất hiện như một người bảo vệ đức tin đầy nhiệt huyết, biết khi nào phải tiến và khi nào phải thủ. Thánh Damasus giúp chúng ta ý thức hai đức tính của một người lãnh đạo xứng đáng: luôn nhận ra sự thôi thúc của Thần Khí và phục vụ. Cuộc chiến đấu của ngài nhắc cho chúng ta biết rằng Ðức Kitô không bao giờ hứa che chở Ðá Tảng của Người khỏi cơn phong ba, bão táp hay những người theo Người không gặp các khó khăn. Người chỉ đảm bảo sự chiến thắng sau cùng.
Lời Trích
"Ngài là đấng đi trên biển đã làm câm nín các ngọn sóng ác liệt, là đấng ban sự sống cho những hạt mầm tàn tạ của thế gian; Ngài là đấng tháo gỡ xiềng xích tử thần, và đã đưa về cho Martha người anh của cô sau ba ngày trong mộ tối. Tôi tin rằng, Ngài sẽ đưa Damasus chỗi dậy từ tro bụi" (văn mộ chí mà Ðức Damasus đã viết cho chính ngài).
12 Tháng Mười Hai : Lễ Ðức Mẹ Guadalupe
(Bổn Mạng Châu Mỹ Latin và Philipine)
Một Thánh Lễ để vinh danh Ðức Mẹ Guadalupe đã có từ thế kỷ 16. Niên sử của thời đại đó kể cho chúng ta biết câu chuyện sau đây.
Một người thổ dân nghèo hèn tên Cuatitlatoatzin được rửa tội và lấy tên là Juan Diego. Ông 57 tuổi, goá vợ và sống trong một làng nhỏ gần Mexico City. Vào buổi sáng thứ Bảy, 9 tháng Mười Hai 1531, ông đến nhà nguyện gần đó để tham dự lễ kính Ðức Mẹ.
Khi đang đi trên ngọn đồi gọi là Tepeyac thì ông nghe có tiếng nhạc du dương như tiếng chim hót. Sau đó một đám mây sáng chói xuất hiện, đứng trên đám mây là một trinh nữ người thổ dân mặc y phục như công chúa của bộ lạc Aztec. Trinh nữ nói chuyện với ông bằng tiếng bản xứ và sai ông đến với Ðức Giám Mục của Mexico, là một tu sĩ dòng Phanxicô tên Juan de Zumarraga, và yêu cầu đức giám mục xây cất một nguyện đường nơi Trinh Nữ hiện ra.
Dĩ nhiên vị giám mục không tin, và bảo Juan Diego xin Trinh Nữ cho một dấu chỉ. Trong thời gian này, người chú của ông bị bệnh nặng. Ðiều đó khiến ông cố tránh né không muốn gặp Trinh Nữ. Tuy nhiên, đức trinh nữ tìm ông, đảm bảo với ông là người chú sẽ khỏi bệnh, và bảo ông hái các bông hồng quanh đó để làm bằng chứng với vị giám mục. Lúc ấy là mùa đông thì không thể có bông hoa nào mọc được, nhưng lạ lùng thay, gần chỗ Trinh Nữ hiện ra lại đầy dẫy những hoa hồng tuyệt đẹp. Và ông đã dùng chiếc áo tơi của mình để bọc lấy các bông hồng đem cho vị giám mục.
Trước sự hiện diện của đức giám mục, ông Juan Diego mở áo tơi ra và bông hồng đổ xuống tràn ngập khiến vị giám mục phải quỳ gối trước dấu chỉ lạ lùng ấy. Lạ lùng hơn nữa, trên chiếc áo tơi lại có in hình Ðức Trinh Nữ như ngài đã hiện ra với ông ở đồi Tepeyac. Ðó là ngày 12 tháng Mười Hai 1531.
Lời Bàn
Việc Ðức Maria hiện ra với Juan Diego dưới hình thức một người đồng hương của ông nhắc nhở cho chúng ta thấy, Ðức Maria và Thiên Chúa, là Ðấng đã sai ngài đến, chấp nhận mọi dân tộc. Trong hoàn cảnh thời bấy giờ, khi người Tây Ban Nha đối xử tệ hại và dã man với người thổ dân, việc hiện ra là lời khiển trách người Tây Ban Nha cũng như một biến cố trọng đại đối với người thổ dân Mỹ Châu. Trước khi có biến cố này, việc trở lại Kitô Giáo chỉ thưa thớt, nhưng sau đó họ trở lại cả đoàn. Theo một sử gia đương thời, có đến chín triệu người thổ dân trở lại đạo Công Giáo trong một thời gian rất ngắn. Ngày nay, chúng ta thường nghe là Thiên Chúa ưu đãi người nghèo, và Ðức Mẹ Guadalupe minh chứng rằng tình yêu Thiên Chúa dành cho người nghèo, và chính Mẹ đồng hóa với người nghèo là một chân lý đã có tự ngàn xưa, được phát xuất từ Phúc Âm.
Lời Trích
Ðức Maria nói với Juan Diego: "Hỡi con rất yêu dấu của Mẹ, ta là Trinh Nữ Maria, là Mẹ của Thiên Chúa thật, Người là Tác Giả của Sự Sống, là Tạo Hóa của muôn loài và là Chúa của Thiên Ðàng cũng như Trái Ðất... và điều ta mong muốn là một nhà thờ sẽ được xây cất ở đây cho ta, là nơi ta sẽ chứng tỏ lòng khoan dung và nhân hậu của ta đối với người thổ dân, và tất cả những ai yêu mến và tìm đến ta, như một người Mẹ đầy lòng thương xót của con và của mọi người dân của con..." (trích từ niên sử cổ).
---------
Sinh năm 1787 tại Mai Vĩnh, Thừa Thiên, Y sĩ, xử trảm ngày 12-12-1840 tại An Hòa dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, tuyên thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988, Roma bởi Giáo hoàng Gioan Phaolô II, kính ngày 12-12.
13 Tháng Mười Hai : Thánh Lucia (c. 304)
Các thiếu nữ có tên thánh là Lucia chắc phải thất vọng khi muốn tìm hiểu về vị thánh quan thầy của mình. Các sách cổ viết dài dòng nhưng rất ít chi tiết liên hệ đến truyền thuyết. Các sách mới đây cũng dài dòng dẫn chứng một sự kiện là những truyền thuyết này không có trong lịch sử. Chỉ có một chi tiết về Thánh Lucia còn sót lại đến ngày nay, đó là người cầu hôn với thánh nữ vì bị từ chối nên đã tố cáo ngài là Kitô Hữu, do đó ngài bị xử tử ở Syracuse thuộc Sicily vào năm 304. Nhưng cũng đúng là tên của thánh nữ đã được nhắc đến trong lời cầu nguyện Rước Lễ Lần Ðầu, có những địa danh và một bài dân ca mang tên thánh nữ, và qua bao thế kỷ, hàng chục ngàn thiếu nữ đã hãnh diện chọn ngài làm quan thầy.
Cũng dễ để hiểu những khó khăn của một thiếu nữ Kitô Giáo khi phải chiến đấu trong một xã hội trần tục như ở Sicily vào năm 300. Cũng tương tự như xã hội ngày nay, nhiều thói tục của xã hội đã ngăn cản chúng ta sống xứng đáng là người theo Ðức Kitô.
Các bạn bè của Lucia có lẽ cũng ngạc nhiên về Ðấng mà Lucia yêu quý, đó là một người đi rao giảng khắp nơi, sống trong một dân tộc nô lệ và đã bị tiêu diệt cách đó 200 năm. Người từng là một người thợ mộc, từng bị chính dân của Người kết án và chết trên thập giá. Với tất cả tâm hồn, Lucia tin tưởng rằng chính Người đã sống lại từ cõi chết. Thiên Chúa đã minh chứng tất cả những gì Người nói và hành động. Ðể làm chứng cho đức tin ấy, thánh nữ đã thề giữ mình đồng trinh.
Thật là một điều khôi hài đối với các bạn ngoại giáo của thánh nữ! Giữ mình trong trắng trước khi thành hôn là một lý tưởng cổ hủ của người Rôma, ít người còn giữ nhưng không ai kết án lý tưởng ấy. Tuy nhiên, ngay cả cô ta không muốn kết hôn thì điều đó thật quá đáng. Chắc cô ta phải có điều gì xấu xa cần giấu diếm, như miệng lưỡi thế gian thường đồn đãi.
Chắc chắn Thánh Lucia đã nghe biết về nhân đức anh hùng của các vị đồng trinh tử đạo. Ngài muốn trung thành với tấm gương của các đấng ấy, cũng như theo gương của người thợ mộc, là Người mà ngài tin là Con Thiên Chúa.
Lời Bàn
Nếu bạn chọn Thánh Lucia làm quan thầy thì đừng thất vọng. Vị quan thầy của bạn thực sự là một nữ anh thư, hơn hẳn mọi người, là một hứng khởi vô tận cho bạn và cho mọi Kitô Hữu. Sự can đảm sống luân lý của người thiếu nữ Sicilian tử đạo ấy đã tỏa sáng như để soi dẫn giới trẻ ngày nay cũng như giới trẻ trong thời đại ấy.
14 Tháng Mười Hai : Thánh Gioan Thánh Giá (1541 - 1591)
Gioan là thánh vì cuộc đời ngài là một nỗ lực quả cảm dám sống trọn vẹn với tên của ngài: "Gioan của Thánh Giá". Sự điên rồ của thập giá cuối cùng đã được thể hiện. Câu nói bất hủ của Ðức Kitô: "Ai muốn theo ta hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo ta" (Máccô 8:34b) là câu chuyện cuộc đời Thánh Gioan. Mầu Nhiệm Vượt Qua -- từ sự chết đến sự sống -- đã được thể hiện trong cuộc đời Thánh Gioan như một người cải cách, một nhà thơ thần bí và là một linh mục thần học.
Sinh ở Tây Ban Nha năm 1542, Gioan hiểu được sự quan trọng của tình yêu tự hiến là nhờ cha mẹ. Cha ngài đã hy sinh của cải, danh vọng và sự an nhàn khi kết hôn với cô con gái của người thợ dệt và vì lý do đó đã bị gia đình từ bỏ. Sau khi cha ngài từ trần, mẹ ngài cố gắng đùm bọc gia đình trong khi họ lang thang đầu đường xó chợ để kiếm việc làm. Những tấm gương hy sinh ấy đã giúp Gioan theo đuổi tình yêu vĩ đại của chính ngài dành cho Thiên Chúa.
Dù gia đình đã tìm được việc làm, nhưng vẫn không đủ ăn nên Gioan phải lang thang giữa thành phố giầu có nhất Tây Ban Nha. Năm mười bốn tuổi, Gioan được nhận vào làm việc trong bệnh viện với nhiệm vụ trông coi các bệnh nhân bị chứng bệnh bất trị hoặc bị điên dại. Chính trong sự đau khổ và nghèo nàn này, Gioan đã nhận biết và đã đi tìm hạnh phúc không ở nơi trần gian, nhưng ở nơi Thiên Chúa.
Sau khi Gioan gia nhập dòng Camêlô, Sơ Têrêsa Avila nhờ Gioan tiếp tay trong công việc cải cách. Cả hai đều tin rằng nhà dòng phải trở về với đời sống cầu nguyện. Nhiều tu sĩ Camêlô cảm thấy bị đe dọa bởi sự cải tổ này nên một số tu sĩ đã bắt cóc thánh nhân. Ngài bị nhốt trong một xà lim nhỏ hẹp và bị tra tấn ba lần một tuần bởi chính các tu sĩ dòng. Trong cái tăm tối, lạnh lẽo, và cô quạnh của xà lim, tình yêu và đức tin của ngài bừng lên như lửa. Ngài mất hết tất cả ngoại trừ Thiên Chúa -- và Thiên Chúa đã đem cho ngài niềm vui vĩ đại trong cái xà lim nhỏ bé đó.
Sau chín tháng tù đầy, Cha Gioan vượt ngục bằng lối cửa sổ duy nhất của xà lim mà ngài đã leo lên đó bằng sợi dây được kết bằng tấm vải trải giường, và đem theo tất cả các bài thơ huyền nhiệm mà ngài sáng tác trong thời gian tù đầy. Vì không biết mình đang ở đâu, ngài phải theo một con chó để đi vào thành phố. Ngài trốn trong bệnh xá của một tu viện và ở đây ngài đọc thơ cho các nữ tu nghe. Từ đó, cuộc đời ngài tận tụy cho việc chia sẻ và dẫn giải tình yêu Thiên Chúa.
Lẽ ra cuộc đời nghèo khổ và tù đầy đã biến ngài thành một con người yếm thế cay đắng. Nhưng ngược lại, ngài đã trở thành một người đam mê bí ẩn, sống với sự tin tưởng rằng "Có ai thấy người ta yêu mến Thiên Chúa bởi sự tàn nhẫn đâu?" và "Ở đâu không có tình yêu, hãy đem lại tình yêu -- và bạn sẽ tìm thấy tình yêu."
Vì niềm vui chỉ xuất phát từ Thiên Chúa nên Thánh Gioan tin rằng những ai tìm kiếm hạnh phúc ở trần gian này thì giống như "một người đang chết đói mà há miệng đớp lấy không khí." Ngài dạy rằng chỉ khi nào chúng ta dám cắt bỏ sợi dây dục vọng thì chúng ta mới có thể bay lên cùng Thiên Chúa.
Là một tu sĩ dòng Camêlô, ngài cảm nghiệm sự thanh luyện tâm linh; là vị linh hướng, ngài cảm được cuộc chiến đấu tinh thần nơi người khác; là một thần học-tâm lý gia, ngài diễn tả và phân tích giá trị của sự đau khổ trong các văn bản của ngài. Hầu hết các văn bản của ngài đều nhấn mạnh đến cái giá phải trả của tinh thần kỷ luật, con đường hiệp nhất với Thiên Chúa là: sống kỷ luật, từ bỏ mình, thanh luyện. Một cách độc đáo và mạnh mẽ, Thánh Gioan nhấn mạnh đến sự mâu thuẫn của Phúc Âm: Thập giá dẫn đến sự cứu chuộc, đau khổ dẫn đến sự ngất ngây, tăm tối dẫn đến sự sáng, khi từ bỏ là lúc làm sở hữu, hy sinh bản thân để kết hợp với Thiên Chúa. Nếu bạn muốn giữ mạng sống mình thì bạn sẽ mất. Thánh Gioan quả thật là người "của Thánh Giá." Ngài từ trần năm 49 tuổi -- cuộc đời thật ngắn ngủi, nhưng trọn vẹn.
Lời Bàn
Qua cuộc đời và văn bản, Thánh Gioan đã để lại cho chúng ta những lời quan trọng. Chúng ta muốn giầu có, an nhàn, thoải mái. Chúng ta không muốn nghe những chữ như hy sinh, hãm mình, thanh luyện, khắc khổ, kỷ luật. Chúng ta chạy trốn thập giá. Thông điệp của Thánh Gioan -- cũng như trong Phúc Âm -- thì thật rõ ràng: Ðừng chạy trốn -- nếu bạn thực sự muốn có sự sống!
Lời Trích
Thomas Merton nói về Thánh Gioan như sau: "Cũng như chúng ta không thể tách rời sự khắc khổ với sự huyền bí thì nơi Thánh Gioan Thánh Giá, chúng ta tìm thấy sự tăm tối và ánh sáng, sự đau khổ và niềm vui, sự hy vinh và tình yêu kết hợp với nhau thật chặt chẽ đến nỗi dường như lúc nào cũng chỉ là một."
15 Tháng Mười Hai : Chân Phước Mary Frances Schervier (1819 - 1876)
Người phụ nữ này từng ao ước trở nên một nữ tu dòng Trappist, nhưng Thiên Chúa đã dẫn dắt ngài đến việc thành lập một tu hội cho các nữ tu chuyên lo việc chăm sóc bệnh nhân và người già ở Hoa Kỳ và khắp nơi trên thế giới.
Sinh trưởng trong một gia đình có thế giá ở Aix-la-Chapelle, nước Pháp, sau khi người mẹ từ trần cô Frances coi sóc gia đình, và nổi tiếng là người độ lượng với người nghèo. Vào năm 1844, cô gia nhập dòng Ba Phanxicô. Ðến năm kế tiếp, cùng với bốn người cộng sự, cô thành lập một tu hội chuyên chăm sóc người nghèo. Năm 1851, tu hội Nữ Tu Nghèo Hèn của Thánh Phanxicô được đức giám mục địa phương chấp thuận thành lập; không bao lâu tu hội phát triển mau chóng. Tại Hoa Kỳ, tu hội được thành lập đầu tiên vào năm 1858.
Vào năm 1863, Mẹ Frances sang Hoa Kỳ để giúp các nữ tu chăm sóc các thương binh của cuộc Nội Chiến. Năm 1868, ngài lại sang Hoa Kỳ một lần nữa. Khi thầy Philip Hoever thiết lập tu hội Anh Em Nghèo Hèn của Thánh Phanxicô, thì đó là nhờ Mẹ Frances khuyến khích.
Khi Mẹ Frances từ trần, lúc ấy đã có khoảng 2,500 thành viên của tu hội trên khắp thế giới. Con số ngày càng gia tăng. Họ vẫn còn hoạt động trong các bệnh viện và trung tâm dưỡng lão ngày nay. Mẹ Frances được phong chân phước năm 1974.
Lời Bàn
Người đau yếu, nghèo khổ và già nua thường bị nguy hiểm vì bị coi là thành phần "vô dụng" của xã hội, do đó họ bị quên lãng. Chúng ta cần noi gương Mẹ Frances nếu chúng ta tôn trọng phẩm giá và định mệnh của con người mà Thiên Chúa đã ban cho.
Lời Trích
Năm 1868, Mẹ Frances viết cho các nữ tu, nhắc nhở họ về lời của Ðức Kitô: "Các con là bạn hữu của Thầy nếu các con thi hành những gì Thầy truyền cho các con... Thầy ban các giới răn này là để các con yêu thương nhau" (Gioan 15:14,17).
Mẹ Frances viết tiếp: "Nếu chúng ta trung thành và hăng say thi hành điều này, chúng ta sẽ cảm nghiệm được chân lý của lời cha Thánh Phanxicô, là người đã nói rằng tình yêu làm vơi bớt mọi khó khăn và làm dịu ngọt mọi cay đắng. Cũng thế, chúng ta sẽ được hưởng những ơn lành mà Thánh Phanxicô đã hứa ban cho con cái của người, trong hiện tại cũng như tương lai, sau khi nhắc nhở họ hãy yêu thương nhau như người đã và đang yêu thương họ."
16 Tháng Mười Hai : Chân Phước Philip Siphong và Các Bạn (c. 1940)
Trong nhiều thế kỷ, các nhà truyền giáo ở Xiêm (bây giờ là Thái Lan) không những được nhân nhượng nhưng còn được tiếp đón niềm nở bởi quốc gia đa số theo Phật Giáo. Các quốc gia khác ở vùng Viễn Ðông không được như vậy, và nhiều nhà truyền giáo đã chịu tử đạo.
Tuy nhiên, vào giữa thập niên 1930, sự ổn định chính trị từ xưa ở Xiêm bắt đầu mất dần. Ảnh hưởng Âu Châu đang trên đà suy thoái, và sự đe dọa xâm lăng của người Nhật đã đưa đẩy nước Xiêm đến một thái độ thiếu thân thiện đối với các thế lực Tây Phương. Vài vụ bạo động đã xảy ra cho người ngoại quốc, kể cả các Kitô Hữu. Nhiều nhà truyền giáo bị tù đầy. Tài sản của Giáo Hội bị tịch thu. Những người Thái Lan tòng giáo bị ép buộc phải công khai bỏ đạo.
Vào năm 1940, áp lực lại càng mạnh mẽ hơn khi Thế Chiến II càn quét Âu Châu và người Nhật xâm lăng dần vào Ðông Dương (bây giờ là Việt Nam). Ở Songkhon, gần biên giới Ðông Dương, một tiểu đội cảnh sát võ trang bao vây một ngôi làng và ra lệnh cho mọi Kitô Hữu trong làng phải chối bỏ đức tin. Một nhà truyền giáo bị đuổi ra khỏi làng. Ông Philip Siphong Ouphitah là giáo lý viên cư ngụ gần đó đã lên tiếng phản đối sự ngược đãi này. Ông được bảo rằng phải lên trung tâm cảnh sát để làm đơn khiếu nại, trên đường đi ông đã bị mai phục vào ngày 16 tháng Mười Hai. Sau này, được biết ông đã bị tra tấn trước khi bị bắn chết.
Trong khi đó, các sơ Agnes Phila và Lucia Khambang tiếp tục giảng dạy trong trung tâm truyền giáo. Hai sơ nói với các em rằng ông Philip là vị tử đạo, điều này khiến các viên chức địa phương đã ra lệnh ngăn cấm hai sơ không được dạy giáo lý và phải mặc y phục bình thường của người Thái. Hai sơ đã làm đơn phản đối; cùng ký tên trong tờ đơn có chữ ký của bốn học sinh và người phụ bếp. Vào ngày 26 tháng Mười Hai, tất cả bị điệu ra nghĩa trang là nơi họ bị bắn chết trong khi đang quỳ gối cầu nguyện.
Sau đó, bảy vị tử đạo này được chôn chung với ông Philip Siphong. Tất cả được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II phong chân phước vào ngày Chúa Nhật Truyền Giáo, 22 tháng Mười 1989.
17 Tháng Mười Hai : Thánh Lagiarô
Lagiarô, người bạn của Ðức Giêsu, là anh em của bà Mácta và Maria, được các người Do Thái thời ấy nói rằng, "Kìa xem ngài quý mến ông là chừng nào." Và trước sự chứng kiến của họ, Ðức Giêsu đã cho Lagiarô sống lại sau ba ngày nằm trong mộ.
Sau khi Ðức Giêsu chết và sống lại, có nhiều truyền thuyết về cuộc đời Thánh Lagiarô. Người ta nói rằng ngài đã viết lại những gì được thấy ở bên kia thế giới trước khi được Ðức Giêsu cho sống lại. Có truyền thuyết cho rằng ngài theo Thánh Phêrô đến Syria. Truyền thuyết khác lại nói rằng mặc dù người Do Thái ở Jaffa đã ép buộc ngài và các chị em của ngài lên một chiếc thuyền bị đâm thủng, nhưng họ đã cập Cyrus một cách an toàn. Ở đây, sau khi làm giám mục trong 30 năm, ngài đã từ trần cách bình an.
Một nhà thờ được xây cất để tôn kính ngài ở Constantinople và một số thánh tích được đưa về từ Cyrus vào năm 890. Truyền thuyết Tây Phương lại nói rằng có một chiếc thuyền không mái chèo cập bến nước Gaul (nước Pháp bây giờ). Ở đây, ngài làm giám mục của Marseilles, bị tử đạo sau khi đã hoán cải nhiều người, và được chôn cất trong một cái hang. Thánh tích của ngài được đưa về một vương cung thánh đường mới ở Autun năm 1146.
Có một điều chắc chắn là trước đây người ta đã sùng kính thánh nhân. Khoảng năm 390, vào thứ Bảy trước Chúa Nhật Lễ Lá, người ta thường rước kiệu ngay tại ngôi mộ mà Lagiarô đã được sống lại từ cõi chết. Ở Tây Phương, Chúa Nhật Thương Khó trước đây được gọi là "Dominica de Lazaro" (Chúa Nhật Lagiarô), và Thánh Augustine cho chúng ta biết ở Phi Châu, phúc âm về đoạn Lagiarô sống lại được đọc trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá.
18 Tháng Mười Hai : Chân Phước Anthony Grassi (1592-1671)
Anthony mồ côi cha khi lên 10 tuổi, nhưng ngài đã học được nơi người cha sự sùng kính Ðức Mẹ Loreto. Khi còn là học sinh trung học, ngài thường đến nhà thờ của các cha Oratorian, và gia nhập dòng này khi mới 17 tuổi.
Từng nổi tiếng là một học sinh giỏi, nên không bao lâu ngài được mệnh danh là "cuốn tự điển sống" trong cộng đồng tu sĩ, ngài có thể hiểu Kinh thánh và thần học cách mau chóng. Trong một thời gian, ngài bị dằn vặt bởi sự quá đắn đo cân nhắc, nhưng cho đến khi cử hành Thánh Lễ đầu tiên, sự bình thản đã chiếm ngự toàn thể con người ngài.
Vào năm 1621, khi 29 tuổi, Anthony bị sét đánh khi đang cầu nguyện trong nhà thờ ở Loreto. Ngài được đưa vào bệnh viện, và ai cũng nghĩ là ngài sẽ chết. Một vài ngày sau, khi tỉnh dậy, ngài nhận ra rằng căn bệnh đau bao tử dai dẳng của ngài đã biến mất. Quần áo cháy nám của ngài được tặng cho nhà thờ Loreto như một kỷ niệm biến cố lớn trong đời.
Quan trọng hơn nữa, ngài cảm thấy cuộc đời mình lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa. Sau đó, hàng năm ngài đều hành hương đến Loreto để dâng lời cảm tạ.
Ngài cũng nổi tiếng là cha giải tội đơn sơ và thẳng thắn, lắng nghe người xưng tội, và chỉ bảo họ sống phù hợp với lương tâm. Năm 1635, ngài được chọn làm bề trên Tu Viện Fermo, và được tái đắc cử nhiều nhiệm kỳ cho đến khi ngài qua đời. Ngài là vị bề trên trầm lặng và hiền từ không biết thế nào là khắt khe. Nhưng quy luật của dòng luôn được ngài duy trì và buộc mọi tu sĩ phải tôn trọng.
Ngài từ chối các chức vụ dân sự ở ngoài xã hội, và dùng thời giờ để đi thăm người đau yếu, người hấp hối hay bất cứ ai cần đến sự giúp đỡ của ngài. Khi về già, ngài được Chúa ban cho ơn nhận biết tương lai, là một ơn sủng ngài dùng để cảnh giác hay khuyên bảo người khác. Nhưng tuổi tác cũng đem lại nhiều thử thách. Ngài phải chấp nhận sự mất mát các khả năng bên ngoài. Trước hết là khả năng rao giảng, là điều đương nhiên xảy đến khi ngài bị rụng răng. Sau đó, ngài không còn nghe xưng tội được nữa. Sau cùng, sau một lần bị ngã, ngài phải nằm liệt giường. Chính đức tổng giám mục phải đến ban Mình Thánh cho ngài hằng ngày. Một trong những công việc sau cùng của ngài là hoà giải được sự tranh cãi kịch liệt giữa hai thầy dòng.
---------
30. Phêrô Nguyễn Văn ÐƯỜNG,
sinh năm 1808 tại Kẻ Sở, Hà Nam, Thầy Giảng, xử giảo ngày 18-12-1838 tại Sơn Tây dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 18-12.
67. Nguyễn Văn MỸ,
sinh năm 1798 tại Kẻ Non, Hà Nam, Thầy giảng, xử giảo ngày 18-12-1838 tại Sơn Tây dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 18-12.
98. Phêrô Vũ Văn TRUẬT,
sinh năm 1816 tại Kẻ Thiếc, Hà Nam, Thầy Giảng, xử giảo ngày 18-12-1838 tại Sơn Tây dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 18-12.
19 Tháng Mười Hai : Tôi Tớ Thiên Chúa Berthold ở Ratisbon (c. 1272)
Sinh ở Ðức vào khoảng năm 1220, ngay từ khi còn trẻ, Berthold người xứ Ratisbon đã gia nhập dòng Phanxicô khi mới được thành lập. Ngài đạo đức, chịu khó sống kham khổ, và được hướng dẫn bởi vị linh hướng nổi tiếng là cha David người xứ Augsburg. Nhận thấy Berthold có khoa ăn nói nên cha David đã khuyến khích và giúp vị linh mục trẻ tuổi này trau dồi thêm khả năng đó.
Không bao lâu khắp Ðế Quốc Ðức, ai ai cũng biết tiếng Cha Berthold là một người rao giảng đại tài. Qua sự rao giảng của cha, lời Chúa đánh động những tâm hồn chai đá. Hàng ngàn người đổ về để nghe ngài giảng. Có khi, số người lên đến hơn 100,000, và ngài phải leo lên toà giảng được dựng trên một cái cây cao để mọi người có thể nghe được. Ngày nay, một cánh đồng thật lớn ở Bohemia vẫn còn được gọi là Cánh Ðồng Cha Berthold, vì ngài đã giảng thuyết ở đây. Nhiều người được ơn trở lại, thay đổi đời sống, sám hối tội lỗi. Và họ xây một tu viện và một nguyện đường ở Ratisbon để dâng kính Thánh Maria Mađalêna. Ngày nay tu viện và nhà thờ này vẫn còn đó và do các Nữ Tu Dòng Thánh Clara Nghèo Hèn trông coi.
Cha Berthold có ơn tiên tri và đã tiên đoán đúng nhiều thiên tai và biến cố trong thời ấy. Sau khi ngài từ trần ở Ratisbon năm 1272, ngôi mộ ngài trở nên trung tâm hành hương. Tinh thần của ngài vẫn sống động trong các bài giảng, mà nhiều bài ấy vẫn thích hợp trong thời đại chúng ta.
---------
sinh năm 1810 tại Bồ Trang, Nam Ðịnh, Giáo dân, Dòng Ba Ðaminh, xử giảo ngày 19-12-1839 tại Cổ Mê dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 19-12.
63. Phanxicô Xavie Hà Trọng MẬU,
sinh năm 1794 tại Kẻ Ðiều, Thầy giảng, Dòng Ba Ða Minh, xử giảo ngày 19-12-1839 tại Cổ Mê dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 19-12.
sinh năm 1806 tại Phù Trang, Nam Ðịnh, Giáo dân, Dòng Ba Ða Minh, xử giảo ngày 19-12-1839 tại Cổ Mê dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 19-12.
sinh năm 1801 tại Tiên Môn, Thái Bình, Thầy Giảng, Dòng Ba Ða Minh, xử giảo ngày 19-12-1839 tại Cổ Mê dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 19-12.
115. Stêphanô Nguyễn Văn VINH,
sinh năm 1814 tại Phù Trang, Nam Ðịnh, Linh Mục, Dòng Ða Minh, xử giảo ngày 19-12-1839 tại Cổ Mê dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 19-12.
20 Tháng Mười Hai : Thánh Elizabeth ở Áo (1554 - 1592)
Là con gái của Hoàng Ðế Maximilian II nước Ðức, Elizabeth kết hôn với Vua Charles IX của Pháp khi mới 15 tuổi. Bốn năm sau ngài đã thành góa phụ, trở về Vienna, nhất định không tái hôn.
Thánh nữ là một gương mẫu cho tất cả mọi người. Ðời sống của ngài thật đơn giản, luôn cầu nguyện, siêng đến nhà thờ, tham dự các buổi nguyện ngắm. Trong khi cố tránh con mắt dòm ngó của công chúng, ngài gia nhập Dòng Ba Phanxicô, phục vụ bệnh nhân trong các nhà thương hoặc ở nhà, tiếp tế thuốc men cho những người có nhu cầu. Nhiều ngày thứ Năm, ngài mời những người nghèo đến ăn cùng bàn với ngài để tưởng nhớ bữa Tiệc Ly.
Ngài thường thi hành những công việc hèn mọn ở tu viện Thánh Clara Nghèo Hèn mà ngài giúp thành lập, ở đó ngài nấu ăn cho người nghèo. Cũng như Cha Thánh Phanxicô, ngài lo lắng đến việc duy trì giáo hội. Ngài giúp đỡ cho việc giáo dục người trẻ trong ơn gọi tu trì để phục vụ Giáo Hội.
Thánh Elizabeth từ trần khi ngài khoảng 38 tuổi, sau khi đã hoàn tất quá nhiều công việc để vinh danh Thiên Chúa và vì lợi ích cho người dân. Nhiều phép lạ đã xảy ra tại ngôi mộ của ngài.
20 Tháng Mười Hai : Thánh Ðaminh ở Silos (c. 1073)
Ðaminh sinh vào đầu thế kỷ mười một và là cậu bé chăn cừu Tây Ban Nha ở dưới chân rặng Pyrênê. Chính trong thời gian này Ðaminh dần dà yêu quý việc cầu nguyện. Không bao lâu ngài trở thành một tu sĩ thật tốt lành. Ðaminh được bầu làm tu viện trưởng và đã đem lại nhiều thay đổi tốt đẹp.
Tuy nhiên, một ngày kia, quốc vương Garcia III của Navarre, Tây Ban Nha, cho rằng một số đất đai tu viện là của ông ta, nhưng tu viện trưởng Ðaminh từ chối không trao lại cho nhà vua. Ngài nghĩ rằng, thật không đúng để trao cho nhà vua những gì thuộc về Giáo Hội. Quyết định này đã làm nhà vua tức giận. Ông ra lệnh Thánh Ðaminh phải rời bỏ vương quốc của ông. May mắn thay, Thánh Ðaminh và các tu sĩ lại được đón nhận bởi một ông vua khác, là Ferdinand I của Castile. Ông này để cho thánh nhân sử dụng một tu viện cũ, là tu viện St. Sebastian ở Silos. Tu viện này ở một chỗ rất lẻ loi và trong tình trạng thật xiêu vẹo. Nhưng với bàn tay của các tu sĩ, không bao lâu, tu viện đã mang một khuôn mặt mới. Thật vậy, thánh nhân đã biến tu viện này thành một trong những tu viện nổi tiếng nhất ở Tây Ban Nha.
Thánh Ðaminh làm nhiều phép lạ chữa lành ngay khi còn sống và ngài cũng cứu thoát người tín hữu Kitô khỏi tay người Moor. Nhiều năm sau khi từ trần, thánh nhân hiện ra với một bà mẹ, tên là Joan (bây giờ là Chân Phước Joan ở Aza) khi bà đến đền kính thánh nhân để cầu xin một đứa con. Thánh Ðaminh nói với bà rằng Thiên Chúa sẽ gửi cho bà một đứa con trai. Khi người con ấy chào đời, bà đặt tên con là Ðaminh de Guzman. Và người con này trở thành vị đại thánh sáng lập dòng Ðaminh ngày nay.
Thánh Ðaminh ở Silos từ trần ngày 20-12-1073.
21 Tháng Mười Hai : Thánh Phêrô Canisius (1521- 1597)
Cuộc đời đầy năng lực của Thánh Phêrô Canisius phải đánh đổ bất cứ ấn tượng nào cho rằng cuộc đời của các thánh thì nhàm chán. Thánh nhân đã sống 76 năm với một nhịp độ không thể nói gì khác hơn là phi thường, ngay cả trong thời đại thay đổi mau chóng của chúng ta. Là một người được Thiên Chúa ban cho nhiều tài năng, thánh nhân là gương mẫu tuyệt hảo của một người sống cho phúc âm đã phát triển tài năng vì Thiên Chúa.
Ngài là một trong những khuôn mặt quan trọng trong giai đoạn cải cách của Giáo Hội Công Giáo ở nước Ðức. Vai trò của ngài thật quan trọng đến nỗi ngài thường được gọi là "vị tông đồ thứ hai của nước Ðức" mà cuộc đời của ngài thường được sánh với cuộc đời của Thánh Boniface trước đây.
Mặc dù thánh nhân thường cho mình là lười biếng khi còn trẻ, nhưng sự biếng nhác đó không được lâu, vì khi 19 tuổi ngài đã lấy bằng cử nhân của một đại học ở Cologne. Sau đó không lâu, ngài gặp Cha Peter Faber, người môn đệ đầu tiên của Thánh Ignatius Loyola (Y Nhã), và cha đã ảnh hưởng ngài nhiều đến nỗi ngài đã gia nhập Dòng Tên khi vừa mới được thành lập.
Trong giai đoạn này ngài đã tập luyện được một thói quen mà sau này trở thành nếp sống của cuộc đời ngài -- không ngừng học hỏi, suy niệm, cầu nguyện và sáng tác. Sau khi thụ phong linh mục năm 1546, ngài nổi tiếng qua công trình soạn thảo các văn bản của Thánh Cyril Alexandria và Thánh Leo Cả. Ngoài khuynh hướng suy tư về văn chương, thánh nhân còn hăng say trong việc tông đồ. Người ta thường thấy ngài đi thăm bệnh nhân và người bị tù đầy, ngay cả khi ngài được giao cho các trách nhiệm khác mà đối với nhiều người để chu toàn công việc ấy cũng đã hết thì giờ.
Năm 1547, thánh nhân được tham dự vài khoá họp của Công Ðồng Triđentinô, mà sau này các sắc lêänh của công đồng ấy được giao cho ngài hiện thực hóa. Sau một thời gian được bài sai việc giảng dạy ở trường Messina của Dòng Tên, thánh nhân được giao cho sứ vụ truyền giáo ở Ðức -- cho đến mãn đời. Ngài dạy tại một vài trường đại học và góp phần chính yếu trong việc thiết lập nhiều trường học và chủng viện. Ngài viết sách giáo lý giải thích đức tin Công Giáo cho những người bình dân để họ dễ hiểu -- một công việc rất cần thiết trong thời ấy.
Nổi tiếng là vị rao giảng, thánh nhân thường lôi cuốn giáo dân đến chật cả nhà thờ qua tài hùng biện của ngài về Phúc Âm. Ngài còn có tài ngoại giao, và thường làm người hòa giải giữa các bè phái tranh chấp. Trong các thư từ ngài để lại (tất cả đến tám bộ) người ta thấy các lời lẽ khôn ngoan của ngài khi khuyên nhủ người dân thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội.
Trong thời gian ấy, ngài cũng viết các lá thư bất thường chỉ trích các vị lãnh đạo trong Giáo Hội -- tuy nhiên luôn luôn với một tâm tình đầy yêu thương, và thông cảm.
Năm 70 tuổi, thánh nhân bị liệt, nhưng ngài vẫn tiếp tục rao giảng và viết lách với sự trợ giúp của một thư ký cho đến khi ngài từ trần vào sáu năm sau đó, ngày 21-12-1597.
Lời Bàn
Nỗ lực không mệt mỏi của Thánh Phêrô Canisius là một gương mẫu thích hợp cho những ai muôán góp phần canh tân Giáo Hội hay cho sự thăng tiến ý thức luân lý trong chính phủ hay trong thương trường. Ngài được coi là một trong các vị sáng lập ngành báo chí Công Giáo, và rất có thể là gương mẫu cho các ký giả hay thông tín viên Công Giáo. Các người trong lãnh vực sư phạm có thể nhìn thấy ngài như một đam mê muốn truyền lại chân lý cho thế hệ mai sau. Dù chúng ta có nhiều khả năng để cho đi, như Thánh Phêrô Canisius đã từng làm, hoặc không có tài cán gì để đóng góp, như bà goá trong Phúc Âm (x. Luca 21:1-4), điều quan trọng là cho đi tất cả những gì chúng ta có. Chính trong phương cách ấy mà thánh nhân đã trở nên gương mẫu cho mọi Kitô Hữu trong thời đại thay đổi nhanh chóng này mà chúng ta được kêu gọi đến trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian.
Lời Trích
Khi được hỏi là ngài có làm việc quá sức hay không, Thánh Phêrô Canisius trả lời, "Nếu bạn có nhiều việc phải làm thì với sự trợ giúp của Thiên Chúa bạn sẽ có thì giờ để thi hành tất cả những điều ấy.
---------
sinh năm 1795 tại Bắc Ninh, Linh Mục, xử trảm ngày 21-12-1839 tại Ô Cầu Giấy dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 21-12.
sinh năm 1763 tại Kẻ Sở, Hà Nội, Linh Mục, xử trảm ngày 21-12-1839 tại Ô Cầu Giấy dưới đời vua Minh Mạng, phong Chân Phúc ngày 27-5-1900 do Ðức Lêô XIII, kính ngày 21-12.
22 Tháng Mười Hai : Chân Phước Jacopone ở Tadi (c. 1306)
Jacomo, hoặc James (Giacôbê), sinh trong một gia đình quyền quý thuộc dòng họ Benedetti ở thành phố Todi thuộc phía bắc nước Ý. Ông trở nên một luật sư thành công và kết hôn với một phụ nữ đạo đức, độ lượng tên là Vanna.
Người vợ trẻ của ông đã tự ý hy sinh hãm mình một cách kín đáo để đền bù cho những thói tục thế gian quá đáng của chồng. Một ngày kia, do sự nài nỉ của ông Jacomo, bà Vanna đã theo chồng đến tham dự một cuộc tranh giải thể thao. Chẳng may phần khán đài chỗ bà ngồi cùng với các phụ nữ quý tộc khác bị sâïp, và bà bị tử thương. Ðang rúng động trước cái chết thảm khốc của vợ, ông Jacomo lại còn bối rối hơn nữa khi biết cái giây lưng đền tội mà bà đeo trong mình là vì tội lỗi của ông. Ngay lúc ấy, ông thề thay đổi đời sống.
Ông chia bớt tài sản cho người nghèo và gia nhập dòng Ba Phanxicô. Vì ông luôn mặc áo nhặm để đền tội nên ông bị chế nhạo là điên khùng, và bị chúng bạn cũ gọi là Jacopone, hay tên "Giacôbê khùng". Cái tên ấy đã gắn liền với cuộc đời ông.
Sau 10 năm chịu nhục nhã, ông xin được trở thành một tu sĩ Dòng Phanxicô. Vì sự nổi tiếng của ông, nên lúc đầu ông bị từ chối. Ông đã sáng tác một bài thơ thật hay về sự phù hoa của thế gian, và hành động ấy đã giúp ông được nhận vào Dòng năm 1278. Ông tiếp tục một cuộc đời kham khổ, hy sinh đền tội của một thầy dòng và từ chối không nhận chức linh mục. Trong khi đó ông vẫn tiếp tục sáng tác nhiều bài thánh ca bằng tiếng bản xứ.
Thầy Jacopone bỗng dưng trở nên nhà lãnh đạo của phong trào linh đạo đang gây nhiều xáo trộn trong dòng Phanxicô. Phong trào này được gọi là "Linh Ðạo", muốn trở về lối sống nghèo hèn đích thực của Thánh Phanxicô. Họ được sự hậu thuẫn của hai đức hồng y và Ðức Giáo Hoàng Celestine V. Tuy nhiên, hai vị hồng y lại chống đối đấng kế vị Ðức Celestine, là Ðức Giáo Hoàng Boniface VIII. Vào lúc 68 tuổi, Thầy Jacopone bị phạt vạ tuyệt thông và bị cầm tù. Mặc dù thầy nhìn nhận lỗi lầm, nhưng không được tha mãi cho đến năm năm sau, khi Ðức Benedict XI lên ngôi giáo hoàng. Thầy Jacopone chấp nhận thời gian tù đầy như để đền tội. Thầy sống ba năm còn lại một cách thánh thiện, than khóc về lỗi lầm của mình. Trong thời gian này, thầy đã sáng tác bài thánh ca nổi tiếng bằng tiếng Latinh, bài Stabat Mater.
Vào Ðêm Giáng Sinh 1306, Thầy Jacopone cảm thấy đã đến lúc từ giã cõi đời. Lúc ấy thầy ở trong tu viện của Dòng Thánh Clara Nghèo Hèn với một người bạn, sau này là Chân Phước Gioan ở xứ La Verna. Noi gương Thánh Phanxicô, Thầy Jacopone đã chào đón "Chị Tử Thần" với một bài ca nổi tiếng của thầy. Người ta kể rằng khi thầy chấm dứt bài hát và trút hơi thở cuối cùng thì ở nhà thờ, vị linh mục cũng vừa cất bài Vinh Danh trong Thánh Lễ Ðêm Giáng Sinh. Từ lúc từ trần cho đến nay, Thầy Jacopone vẫn được tôn kính như một vị thánh.
23 Tháng Mười Hai : Thánh Gioan ở Kanty (1390 - 1473)
Thánh Gioan là một người sinh trưởng ở thôn quê nhưng biết lợi dụng thị thành cũng như Ðại Học Krakow ở Ba Lan để trau dồi thêm kiến thức. Sau khi hoàn tất việc học, ngài được thụ phong linh mục và là giáo sư thần học. Không may, vấn đề phe cánh thời ấy còn rất nặng nề nên những người ganh tị sự nổi tiếng của ngài đã lập mưu để đẩy ngài ra khỏi chức giáo sư. Ngay cả ngài không được phép lên tiếng và dẫn chứng để bào chữa. Bởi thế, vào lúc 41 tuổi, ngài bị đẩy về giáo xứ Olkusz, để học làm cha xứ.
Người dân ở Olkusz, Bohemia có đủ lý do để nghi ngờ vị cha xứ mới. Họ biết một giáo sư đại học nghĩ gì về cái thành phố quê mùa nhỏ bé của họ. Tệ hơn nữa, thành phố của họ đã từng được coi là nơi chứa chấp các linh mục bị "thất sủng."
Chắc chắn rằng nếu ngài nổi cơn thịnh nộ trước sự bất công ấy, có lẽ không một người giáo dân nào đổ lỗi cho ngài. Nhưng vì không muốn họ phải gánh chịu những hậu quả của hành động mình nên ngài đã im lặng.
Cuộc sống ở Olkusz cũng không dễ dàng gì. Ngài lo sợ trách nhiệm của một cha xứ. Bất kể ngài có cố gắng đến đâu, giáo dân vẫn giữ một thái độ lạnh lùng, xa cách. Nhưng hoạch định của Cha Gioan rất đơn giản, và hoạch định ấy xuất phát từ con tim chứ không phải trí óc. Trong bất cứ chương trình nào thực hiện, ngài đều cho họ thấy ngài thực sự lưu tâm đến người dân. Mặc dù sau nhiều năm vẫn chưa thấy dấu hiệu của sự thành công, ngài thận trọng không lộ vẻ tức giận hay thiếu kiên nhẫn. Ngài biết, người ta không thể bị ép buộc sống bác ái, bởi thế ngài đã cho họ những gì tốt đẹp nhất mà ngài hy vọng một ngày nào đó họ sẽ tìm thấy.
Sau tám năm trường, ngài được miễn tội và được trở về Krakow. Lúc ấy, ngài đã thu phục được lòng dân ở Olkusz, nên những người từng là thù nghịch trước đây đã tiễn chân ngài đến vài dặm để năn nỉ xin ngài ở lại với họ.
Trong quãng đời còn lại, ngài là giáo sư Kinh Thánh của trường đại học. Ngài được người ta mến chuộng đến nỗi thường được giới quý tộc mời ăn uống. Có lần, ngài bị người gác cửa từ chối không cho vào dự tiệc chỉ vì chiếc áo chùng thâm bạc phếch của ngài. Cha Gioan cũng không cãi lại mà trở về nhà, thay chiếc áo mới rồi trở lại. Trong bữa tiệc, người hầu bàn sơ ý làm đổ thức ăn trên chiếc áo mới của ngài. Thay vì khó chịu, ngài lại pha trò, "Không có gì. Chiếc áo của tôi cũng được ăn uống chứ. Nếu không vì lý do đó thì tôi đâu có đến đây."
Có lần Cha Gioan đang ngồi ăn và thấy người ăn xin đi qua trước cửa, ngài đứng dậy, đi theo, và cho họ tất cả những thức ăn ngài có. Không hỏi một lời, cũng không yêu cầu gì, khi nhận thấy nhu cầu của người khác ngài lập tức giúp đỡ họ với bất cứ gì ngài có.
Cha Gioan luôn lập đi lập lại cho các sinh viên về triết lý này, "Chiến đấu với mọi sai lầm, nhưng hãy thi hành với sự vui vẻ, kiên nhẫn, ân cần, và bác ái. Sự khắc nghiệt chỉ làm hại chính linh hồn bạn và phá đổ mục đích tốt đẹp nhất."
Lời Bàn
Thánh Gioan ở Kanty là một vị thánh tiêu biểu: nhân từ, khiêm tốn và độ lượng; bị chống đối và sống kham khổ để ăn năn đền tội. Hầu hết mọi Kitô Hữu trong một xã hội giầu sang có thể hiểu được tất cả những đức tính trên, ngoại trừ đức tính sau cùng: bất cứ điều gì đòi hỏi sự rèn luyện dường như người ta cho rằng chỉ dành cho các lực sĩ. Giáng Sinh là thời gian tốt để bỏ bớt những đam mê vật chất.
24 Tháng Mười Hai : Thánh Charbel (1828-1898)
Thánh Charbel tên thật là Youssef Makhlouf, sinh ngày 8 tháng Năm 1828 ở một làng vùng cao nguyên Lebanon. Cuộc đời Youssef rất bình thường, cũng đi học, đi nhà thờ như bất cứ ai khác. Ngài yêu quý Ðức Mẹ và siêng năng cầu nguyện. Ngài có hai người chú là đan sĩ. Ngài âm thầm cầu xin Ðức Mẹ giúp ngài trở thành một đan sĩ. Khi gia đình muốn ngài kết hôn vì họ thấy có một thiếu nữ rất xinh đẹp trong làng mà họ tin sẽ là người vợ lý tưởng của ngài thì Youssef lại tin rằng đã đến lúc phải theo đuổi ơn gọi làm đan sĩ. Ngài gia nhập đan viện Ðức Mẹ ở Mayfuq khi hai mươi ba tuổi, lấy tên Charbel của vị tử đạo người Syria. Ngài khấn trọn năm 1853 khi hai mươi lăm tuổi. Charbel học làm linh mục và được thụ phong năm 1858. Ngài ở tu viện St. Maron trong mười sáu năm tiếp đó.
Cha Charbel là một người thâm trầm mà sự yêu quý cầu nguyện là đặc tính nổi bật của ngài. Thỉnh thoảng ngài lui vào nơi ẩn dật của dòng để cầu nguyện. Và trong hai mươi ba năm cuối đời, Cha Charbel sống rất kham khổ. Ăn ít, ngủ trên đất, và cầu nguyện lâu giờ. Nhiều khi, Cha Charbel bay bổng trên không khi cầu nguyện, và ngài rất yêu quý Thánh Thể.
Vào ngày 16-12-1898, trong khi cử hành Thánh Lễ, ngài bị tai biến mạch máu não và tám ngày sau ngài đã thở hơi cuối cùng vào ngày 24-12-1898.
Phép lạ bắt đầu xảy ra tại ngôi mộ của vị đan sĩ thánh thiện này. Ngài được phong chân phước năm 1965 và sau cùng, Cha Charbel được Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI tuyên xưng hiển thánh ngày 9-10-1977. Ðức giáo hoàng giải thích rằng, bằng chính đời sống của mình, Thánh Charbel đã dạy chúng ta con đường đích thực đến với Thiên Chúa. Trong khi xã hội chúng ta tuyên dương sự giầu sang và tiện nghi, Thánh Charbel, qua gương mẫu đời sống, ngài đã dạy chúng ta các giá trị khi trở nên nghèo khó, hy sinh và siêng năng cầu nguyện.
25 Tháng Mười Hai : Ngày Sinh Nhật Ðức Giêsu
Ðã đến lúc Con Thiên Chúa làm người vì yêu thương chúng ta. Mẹ Người là Ðức Maria và Thánh Giuse phải rời bỏ căn nhà yêu dấu ở Nagiarét để đến Bêlem. Lý do là vì hoàng đế Rôma muốn kiểm tra dân số. Vì Ðức Maria và Thánh Giuse thuộc về dòng họ vua Ðavít nên các ngài phải về Bêlem. Hoàng đế ra lệnh, nhưng lệnh ấy lại hoàn thành hoạch định của Thiên Chúa. Kinh Thánh nói rằng Ðấng Cứu Thế sẽ sinh ra ở Bêlem.
Ðó là một hành trình khó khăn cho Ðức Maria vì núi đồi hiểm trở. Nhưng ngài cảm thấy bình an vì biết rằng đang thi hành ý Chúa. Ngài vui mừng khi nghĩ đến người con sắp chào đời. Khi các ngài đến Bêlem, họ không tìm ra được chỗ trọ. Sau cùng, họ tìm thấy nơi trú ngụ trong một cái hang. Ở đó, trong một cái chuồng thô sơ và Con Thiên Chúa đã giáng sinh. Ðức Maria bọc Hài Nhi trong tấm vải và đặt nằm trong máng cỏ. Chúa chúng ta đã chọn sinh ra trong cảnh nghèo hèn để chúng ta đừng ao ước sự giầu sang và tiện nghi. Chính đêm Hài Nhi Giêsu giáng trần, Thiên Chúa đã sai các thiên thần loan báo tin vui. Các thiên sứ không được sai đến với vua chúa. Họ cũng không được sai đến với các học giả hay các thầy thượng tế. Họ được sai đến với các mục đồng nghèo hèn, đang chăm sóc súc vật ở mé đồi gần Bêlem. Sau khi được các thiên thần báo tin, các mục đồng đã vội vã đến thờ lạy Ðấng Cứu Tinh của nhân loại. Sau đó họ ra về trong niềm tạ ơn và chúc tụng Thiên Chúa.
Các ngôn sứ và thượng phụ của Cựu Ước được an ủi khi biết rằng sẽ có ngày Ðấng Cứu Thế đến với nhân loại. Giờ đây, Người đã sinh ra giữa chúng ta. Ðức Kitô đã đến vì tất cả mọi người chúng ta. Kinh Thánh viết: "Thiên Chúa đã quá yêu thương thế gian đến nỗi Người đã ban Con một của Người."
Giáng Sinh là thời điểm giúp chúng ta ý thức hơn bao giờ hết là Thiên Chúa yêu thương chúng ta.
26 Tháng Mười Hai : Thánh Stêphanô (c. 36?)
Những gì chúng ta biết về Thánh Stêphanô thì được viết trong sách Công Vụ Tông Ðồ 6 và 7. Ðiều đó đã đủ để biết về con người của ngài.
"Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do-thái theo văn hoá Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên. Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: 'Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Vậy, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy thần khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa.' Ðề nghị trên được mọi người tán thành. Họ chọn ông Stêphanô, một người đầy lòng tin và đầy Thánh Thần,..." (CVTÐ 6:1-5)
Sách Công Vụ kể tiếp Stêphanô là một người đầy ơn sủng và sức mạnh, đã làm nhiều việc phi thường trong dân chúng. Một vài người Do Thái thời ấy, là thành viên của hội đường nhóm nô lệ được giải phóng, tranh luận với Stêphanô nhưng không thể địch nổi sự khôn ngoan và thần khí của ngài. Họ xúi giục người khác lên án ngài là lộng ngôn, xúc phạm đến Thiên Chúa. Ngài bị bắt và bị đưa ra trước Thượng Hội Ðồng.
Trong phần trình bày, ngài nhắc lại sự dẫn dắt của Thiên Chúa trong lịch sử dân Do Thái, cũng như việc thờ tà thần và bất tuân phục Thiên Chúa của dân này. Sau đó ngài cho rằng những người bách hại ngài cũng giống như vậy. "Cha ông các ông thế nào, thì các ông cũng vậy" (CVTÐ 7:51b).
Lời ngài nói đã làm họ tức giận. "Nhưng [Stêphanô], tràn đầy Thánh Thần, đăm đăm nhìn lên trời và thấy vinh hiển của Thiên Chúa và Ðức Giêsu Kitô đứng bên hữu Thiên Chúa, và thánh nhân nói, 'Kìa, tôi nhìn thấy thiên đàng mở ra và Con Người đang đứng bên hữu Thiên Chúa.'... Họ đưa ngài ra ngoài thành và bắt đầu ném đá ngài... Trong khi họ ném đá ngài, thánh nhân kêu lớn, 'Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con... Lạy Chúa, xin đừng nhớ tội của họ'" (CVTÐ 7:55-56, 58a, 59, 60b).
Lời Bàn
Thánh Stêphanô đã chết như Ðức Kitô: bị kết tội cách sai lầm, bị kết án cách bất công vì ngài dám nói lên sự thật. Ngài chết trong khi mắt nhìn lên Thiên Chúa, và với lời xin tha thứ cho kẻ xúc phạm. Một cái chết "sung sướng" lúc nào cũng giống nhau, dù chết âm thầm như Thánh Giuse hay chết đau khổ như Thánh Stêphanô, đó là cái chết với sự can đảm, sự tín thác hoàn toàn và với tình yêu tha thứ.
27 Tháng Mười Hai : Thánh Gioan Tông Ðồ
Chính Thiên Chúa là người mời gọi, và nhân loại đáp lời. Trong Phúc Âm, lời mời gọi ông Gioan và ông Giacôbê (James), người anh của ông, được bắt đầu rất đơn giản, cũng như lời mời gọi ông Phêrô và Anrê: Ðức Giêsu gọi họ; và họ theo Ngài. Sự đáp ứng mau mắn được miêu tả rõ ràng. Các ông Giacôbê và Gioan "đang ở trên thuyền, cùng với người cha là ông Zêbêđê vá lưới. Ðức Kitô gọi họ, và ngay lập tức họ bỏ thuyền và từ giã người cha mà theo Ngài" (Mátthêu 4:21b-22).
Ðức tin của ba ngư dân -- Phêrô, Giacôbê và Gioan -- đã được phần thưởng, đó là được làm bạn với Ðức Giêsu. Chỉ ba vị này được đặc ân là chứng kiến sự Biến Hình, sự sống lại của con gái ông Giairút, và sự thống khổ trong vườn Giệtsimani của Ðức Giêsu. Nhưng tình bằng hữu của ông Gioan còn đặc biệt hơn nữa. Truyền thống coi ngài là tác giả cuốn Phúc Âm Thứ Tư, dù rằng hầu hết các học giả Kinh Thánh thời nay không cho rằng vị thánh sử và tông đồ này là một.
Phúc Âm Thánh Gioan đề cập đến ngài như "người môn đệ được Ðức Giêsu yêu quý" (x. Gioan 13:23; 19:26; 20:2), là người được ngồi cạnh Ðức Giêsu trong bữa Tiệc Ly, và là người được Ðức Giêsu ban cho một vinh dự độc đáo khi đứng dưới chân thánh giá, là được chăm sóc mẹ của Ngài. "Thưa bà, đây là con bà... Ðây là mẹ con" (Gioan 19:26b, 27b).
Vì ý tưởng thâm thuý trong Phúc Âm của ngài, Thánh Gioan thường được coi như con đại bàng thần học, cất cánh bay cao trong một vùng mà các thánh sử khác không đề cập đến. Nhưng các cuốn Phúc Âm thật bộc trực ấy cũng tiết lộ một vài nét rất nhân bản. Ðức Giêsu đặt biệt hiệu cho ông Gioan và Giacôbê là "con của sấm sét." Thật khó để hiểu được ý nghĩa chính xác của biệt hiệu này, nhưng chúng ta có thể tìm thấy chút manh mối trong hai biến cố sau.
Biến cố thứ nhất, như được Thánh Mátthêu kể lại, bà mẹ của hai ông Giacôbê và Gioan xin cho hai con của bà được ngồi chỗ danh dự trong vương quốc của Ðức Giêsu -- một người bên trái, một người bên phải. Khi Ðức Giêsu hỏi họ có uống được chén mà Ngài sẽ uống và chịu thanh tẩy trong sự đau khổ mà Ngài sẽ phải chịu không, cả hai ông đều vô tư trả lời, "Thưa có!" Ðức Giêsu nói quả thật họ sẽ được chia sẻ chén của Ngài, nhưng việc ngồi bên tả hay bên hữu thì Ngài không có quyền. Ðó là chỗ của những người đã được Chúa Cha dành cho. Các tông đồ khác đã phẫn nộ trước tham vọng sai lầm của người anh em, và trong một dịp khác Ðức Giêsu đã dạy họ về bản chất thực sự của thẩm quyền: "Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người" (Mt 20:27-28).
Một dịp khác, những "người con của sấm sét" hỏi Ðức Giêsu rằng họ có thể khiến lửa từ trời xuống thiêu đốt những người Samaritan lạnh nhạt không, vì họ không đón tiếp Ðức Giêsu đang trên đường đến Giêrusalem. Nhưng Ðức Giêsu đã "quay lại và khiển trách họ" (x. Luca 9:51-55).
Vào ngày đầu tiên của biến cố Phục Sinh, bà Mađalêna "chạy đến ông Simon Phêrô và người môn đệ mà Ðức Giêsu yêu dấu, và bà bảo họ, 'Người ta đã đem Chúa ra khỏi trong mộ; và chúng tôi không biết họ để Người ở đâu?" (Gioan 20:2). Gioan nhớ rằng, chính ngài và Phêrô cùng đi cạnh nhau, nhưng "người môn đệ kia chạy nhanh hơn ông Phêrô nên đến mộ trước nhất" (Gioan 20:4b). Ông không bước vào mộ, nhưng đợi ông Phêrô và để ông này vào trước. "Sau đó người môn đệ kia mới bước vào, và ông đã thấy và đã tin" (Gioan 20:8).
Sau biến cố Sống Lại, ông Gioan đang ở với ông Phêrô thì phép lạ đầu tiên xảy ra -- chữa một người bị tật từ bẩm sinh -- và việc đó đã khiến hai ông bị cầm tù. Cảm nghiệm kỳ diệu của biến cố Sống Lại có lẽ được diễn tả hay nhất trong sách Công Vụ Tông Ðồ: "Nhận thấy sự dũng cảm của ông Phê-rô và ông Gio-an và biết rằng hai ông là những người bình dân, không có học thức, nên họ rất ngạc nhiên, và họ nhận ra rằng hai ông là những người theo Ðức Giêsu" (CVTÐ 4:13).
Thánh Sử Gioan đã viết cuốn Phúc Âm vĩ đại, cũng như các lá thư và Sách Khải Huyền. Cuốn Phúc Âm của ngài là một công trình độc đáo. Ngài nhìn thấy sự vinh hiển và thần thánh của Ðức Giêsu ngay trong các biến cố ở trần gian. Trong bữa Tiệc Ly, ngài diễn tả Ðức Giêsu với những lời phát biểu như thể Ðức Giêsu đã ở thiên đàng. Ðó là cuốn Phúc Âm về sự vinh hiển của Ðức Giêsu.
Lời Bàn
Quả thật, đó là một hành trình thật dài để thay đổi từ một người khao khát muốn có uy quyền và muốn sai lửa từ trời xuống thiêu đốt, cho đến một người đã viết những dòng chữ sau: "Phương cách để chúng ta biết được tình yêu là Ngài đã hy sinh mạng sống vì chúng ta; do đó, chúng ta cũng phải hy sinh mạng sống mình vì anh em" (1 Gioan 3:16).
Lời Trích
Có câu chuyện người ta thường kể, là "các giáo dân" của Thánh Gioan quá chán chường với bài giảng của ngài vì ngài luôn luôn nhấn mạnh rằng: "Hãy yêu thương nhau." Dù câu chuyện này có thật hay không, đó là nền tảng của văn bút Thánh Gioan. Những gì ngài viết có thể được coi là tóm lược của Phúc Âm: "Chúng ta đã biết và đã tin vào tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Thiên Chúa là tình yêu, và ai ở trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong họ" (1 Gioan 4:16).
28 Tháng Mười Hai : Lễ Các Thánh Anh Hài
Hêrôđê "Ðại Ðế", là vua xứ Giuđêa nhưng không được dân chúng mến chuộng vì ông làm việc cho đế quốc La Mã và ông rất dửng dưng đối với tôn giáo. Vì lý do đó ông luôn cảm thấy bất an và lo sợ bất cứ đe dọa nào đối với ngai vàng của ông. Ông là một chính trị gia giỏi và là một bạo chúa dám thi hành những việc tàn bạo. Ông giết chính vợ ông, anh của ông và hai người chồng của cô em, đó chỉ là sơ khởi.
Phúc Âm theo Thánh Mátthêu 2:1-18 kể cho chúng ta câu chuyện sau: Hêrôđê "thật bối rối" khi các nhà chiêm tinh đến từ đông phương hỏi về "vị vua mới sinh của người Do Thái," mà họ đã thấy ngôi sao của người. Và các vị chiêm tinh được cho biết trong Sách Thánh Do Thái có đề cập đến Bêlem, là nơi Ðấng Cứu Tinh sẽ chào đời. Một cách xảo quyệt, Hêrôđê dặn họ là hãy báo cho ông biết sau khi tìm thấy vị vua ấy để ông cũng "đến thần phục." Các nhà chiêm tinh đã tìm thấy Hài Nhi Giêsu, họ dâng Ngài các lễ vật, và được thiên thần báo mộng về ý định thâm độc của Hêrôđê và khuyên họ hãy thay đổi lộ trình trên đường về. Sau đó Thánh Gia trốn sang Ai Cập.
Hêrôđê vô cùng tức giận và "ra lệnh tàn sát tất cả các con trai từ hai tuổi trở xuống ở Bêlem và vùng phụ cận." Vì Bêlem là một thành phố nhỏ, số trẻ bị giết có lẽ khoảng 20 hay 25. Sự kinh hoàng của việc thảm sát và sự tuyệt vọng của các cha mẹ đã khiến Thánh Mátthêu trích dẫn lời tiên tri Giêrêmia: "Ở Rama, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Raken khóc thương con mình..." (Mt 2:18). Bà Raken là vợ của ông Giacóp. Bà than khóc ở Rama là nơi người Do Thái bị tập trung lại sau khi bị người Assyria bắt làm tù binh.
Lời Bàn
Hai mươi trẻ em thì chỉ là số ít, so với sự diệt chủng và sự phá thai trong thời đại chúng ta. Nhưng dù đó chỉ là một người, chúng ta cũng phải nhớ đến tạo vật quý trọng nhất mà Thiên Chúa đã dựng trên mặt đất -- đó là con người, được tiền định để sống đời đời và được chúc phúc nhờ sự chết và sự sống lại của Ðức Giêsu.
Lời Trích
"Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự sống ngay cả trước khi chúng con có thể hiểu biết" (Lời Nguyện Trên Lễ Vật, Lễ Các Thánh Anh Hài).
29 Tháng Mười Hai : Thánh Tôma Becket (1118 - 1170)
Là một người kiên quyết dù có đôi lúc giao động, nhưng sau đó biết rằng không thể hòa giải với tội lỗi, ngài trở nên một giáo sĩ hăng say, bị tử đạo và được tuyên xưng là thánh -- đó là cuộc đời Thánh Tôma Becket, Tổng Giám Mục của Canterbury, bị giết ngay trong vương cung thánh đường của ngài vào ngày 29-12-1170.
Thánh Tôma sinh ở Luân Ðôn. Ngài theo học ở cả hai trường đại học Luân Ðôn và Ba lê. Sau cái chết của người cha, ngài bị khánh tận, Ðức Tổng Giám Mục Canterbury, là người đã từng sai ngài đến Rôma một vài lần, đã cấp dưỡng và cho ngài theo học giáo luật.
Trong khi làm tổng phó tế cho giáo phận Canterbury, vào lúc 36 tuổi ngài được Vua Henry II, là bạn của ngài, chọn làm thủ tướng Anh, là nhân vật quyền thế thứ nhì trong nước, chỉ sau vua. Ngài nổi tiếng vì lối sống xa hoa và phung phí, nhưng khi Vua Henry chọn ngài làm giám mục chính tòa Canterbury thì cuộc đời ngài thay đổi hoàn toàn. Ngài được thụ phong linh mục chỉ một ngày trước khi được tấn phong giám mục. Và ngài quyết liệt thay đổi đời sống bằng sự khổ hạnh. Không bao lâu, ngài đụng độ với vua về vấn đề quyền lợi của Giáo Hội và hàng giáo sĩ.
Vua Henry nhất quyết nắm lấy quyền điều khiển Giáo Hội. Có khi, vì cố giữ hòa khí, Ðức Tổng Tôma phải nhượng bộ. Ngài tạm thời chấp nhận Hiến Chương Clarendon, không cho phép giáo sĩ được xét xử bởi một toà án của Giáo Hội và ngăn cản họ không được trực tiếp kháng án lên Rôma. Nhưng sau cùng Ðức Tổng Giám Mục Tôma tẩy chay Hiến Chương này, ngài trốn sang Pháp và sống ở đó trong bảy năm. Khi trở về Anh ngài biết mình sẽ bị chết. Vì ngài từ chối không miễn tội cho các giám mục được vua sủng ái, vua Henry đã tức giận kêu lên, "Không có ai đưa tên giáo sĩ rắc rối này khuất mắt ta hay sao!" Bốn hiệp sĩ đã thể hiện lời nguyện ước của vua, và đã hạ sát Ðức Tổng Giám Mục Tôma ngay trong vương cung thánh đường Canterbury.
Chỉ trong vòng ba năm sau, Ðức Tôma được phong thánh và ngôi mộ của ngài trở nên nơi hành hương. Chính Vua Henry II đã ăn năn sám hối tại ngôi mộ Thánh Tôma, nhưng người kế vị là Henry VIII đã chiếm đoạt ngôi mộ ấy và tẩu tán các thánh tích của ngài. Tuy nhiên, Ðức Tôma Becket vẫn là một thánh nhân anh hùng trong lịch sử Giáo Hội cho đến ngày nay.
Lời Bàn
Không ai có thể trở nên thánh mà không phải chiến đấu, nhất là với chính bản thân. Thánh Tôma biết ngài phải giữ vững lập trường khi bảo vệ đức tin và quyền lợi Giáo Hội, dù có phải hy sinh mạng sống. Chúng ta cũng phải giữ vững lập trường khi đối diện với những áp lực -- chống với sự bất lương, gian dối, hủy diệt sự sống -- mà hy sinh tham vọng muốn nổi tiếng, muốn đầy đủ tiện nghi, muốn được thăng quan tiến chức và ngay cả muốn giầu của cải.
30 Tháng Mười Hai : Thánh Anysia (c. 304)
Thánh Anysia sống ở Thessalonica vào cuối thế kỷ thứ hai. Thessalonica là một thành phố cổ mà chính Thánh Phaolô là người đầu tiên đem tin mừng Chúa Giêsu đến đây. Anysia là một tín hữu Kitô và sau khi cha mẹ ngài từ trần, ngài đã dùng tài sản để giúp đỡ người nghèo. Vào thời ấy, có sự bách hại người Kitô Giáo ở Thessalonica. Nhà cầm quyền nhất định ngăn chặn mọi tín hữu không cho tụ tập cử hành Thánh Lễ. Một ngày kia Anysia tìm cách đến nơi tụ họp. Khi đi qua cửa thành Cassandra, ngài bị người lính canh để ý. Hắn bước ra chặn đường, hỏi ngài đi đâu. Vì sợ hãi, Anysia bước lùi lại và làm dấu trên trán. Lúc ấy, tên lính túm lấy ngài và lay mạnh. Hắn la lớn, "Mày là ai? Ði đâu vậy?" Anysia hít một hơi dài và trả lời, "Tôi là tôi tớ của Ðức Giêsu Kitô. Tôi đến nơi hội họp của Chúa."
Tên lính mỉa mai: "Vậy hả? Vậy tao sẽ bắt mày để tế thần. Hôm nay chúng tao thờ thần mặt trời." Cùng lúc ấy, hắn xé áo của Anysia. Ngài càng chống cự bao nhiêu, tên lính càng điên cuồng bấy nhiêu. Sau cùng, trong cơn tức giận, hắn rút gươm đâm thâu qua người Anysia. Thánh nữ gục chết trên vũng máu. Khi cuộc bách hại chấm dứt, các tín hữu thành Thessalonica đã xây một nhà thờ ngay trên chỗ ngài tử đạo. Thánh Anysia từ trần khoảng năm 304.
Nguồn: http://www.nguoitinhuu.org/