10 Lời Khuyên Mùa Chay 2023
Đức Thánh Cha Phanxicô
Mười lời khuyên để sống 40 ngày Mùa Chay 2023 của Đức Phanxicô
Thứ Tư Lễ Tro mở ra Mùa Chay, một hành trình vừa đòi hỏi vừa tràn đầy hy vọng để trở về với Thiên Chúa. Dưới đây là mười lời khuyên mà Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra để trải qua bốn mươi ngày này – một chọn lọc được thực hiện từ các buổi tiếp kiến và các bài giảng của Thứ Tư Lễ Tro.
Thời gian Mùa Chay có thể được so sánh với điều gì?[1] Với một “hành trình trở về với Thiên Chúa”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. Mùa Chay “bao hàm toàn bộ cuộc sống của chúng ta, toàn bộ con người chúng ta”. Đó là “thời gian thuận lợi để trở về với điều cốt yếu, để cởi bỏ những gì cản trở chúng ta, để hòa giải với Thiên Chúa, để thắp lại ngọn lửa của Chúa Thánh Thần vốn vẫn còn ẩn giấu trong đống tro tàn của nhân loại mong manh của chúng ta”.
Đó là một cơ hội quý báu để “kiểm chứng những con đường chúng ta đang trải qua, để tìm lại con đường dẫn chúng ta về nhà, để tái khám phá mối liên hệ cơ bản với Thiên Chúa, Đấng mà mọi sự tùy thuộc vào”.
Đức Thánh Cha nói thêm, hành trình này chỉ khả thi bởi vì “cuộc hành trình của Thiên Chúa đến với chúng ta đã diễn ra”. Nếu không, cuộc hành trình của chúng ta sẽ “không thể khả thi” vì hành trình này “không dựa trên sức mạnh của chúng ta; không ai có thể được giao hòa với Thiên Chúa bằng sức riêng của mình”. Cuộc hành trình này “chắc chắn rất đòi hỏi”, nhưng nhất là “tràn đầy hy vọng”. “Cuộc xuất hành của Mùa Chay là hành trình mà chính niềm hy vọng được hình thành”.
Niềm hy vọng này được hình thành từ một nhận thức. Vâng, Đức Thánh Cha nói, chúng ta là cát bụi, “yếu đuối, mong manh, hay chết”. Chúng ta “nhỏ bé” so với hàng thế kỷ và thiên niên kỷ, các thiên hà và không gian vô tận. Nhưng, ngài nhấn mạnh, “chúng ta là cát bụi được Thiên Chúa yêu thương”.
Việc xức tro trên trán dẫn chúng ta đến “chân lý cơ bản của cuộc sống: chỉ một mình Chúa là Thiên Chúa và chúng ta là công trình do bởi tay Ngài”. Chúng ta có sự sống “trong khi Ngài là sự sống”. Và Đức Thánh Cha nói tiếp: “Chúng ta đến từ đất và cần Trời, cần Ngài; với Thiên Chúa chúng ta sẽ tái sinh từ tro bụi của chúng ta, nhưng không có Ngài chúng ta là cát bụi”.
Cuộc hành trình trở về với Chúa Kitô này chọn theo “ba con đường lớn”: bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Đức Phanxicô cảnh báo: “Vấn đề không phải là những nghi thức bên ngoài, nhưng là những cử chỉ phải thể hiện sự đổi mới tâm hồn”.
Bố thí không phải là “một cử chỉ nhanh chóng để mang lại cho mình một lương tâm tốt lành, nhưng đó là việc chạm đến nỗi đau khổ của người nghèo bằng đôi bàn tay và nước mắt của mình”; cầu nguyện không phải là “một nghi thức, nhưng là một cuộc đối thoại trong chân lý và tình yêu với Chúa Cha”; ăn chay không phải là “một sự từ bỏ đơn giản, nhưng là một cử chỉ mạnh mẽ để nhắc nhở tâm hồn chúng ta về những gì quan trọng và những gì đang qua đi».
Nói cách khác, “bố thí, bác ái, sẽ biểu hiện lòng trắc ẩn của chúng ta đối với những ai đang khốn khó, sẽ giúp chúng ta trở về với người khác”; cầu nguyện “sẽ nói lên ước muốn sâu xa của chúng ta là gặp gỡ Chúa Cha, bằng cách làm cho chúng ta trở về với Ngài”; ăn chay “sẽ là phòng tập thể dục thiêng liêng để hân hoan từ bỏ những gì dư thừa và cản trở chúng ta, để trở nên tự do nội tâm hơn và trở về với sự thật của chính chúng ta”.
1. Hãy để cho tâm hồn được chạm đến
“Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta”, ngôn sứ Giôen nói (2, 12). Trong cuộc sống, “chúng ta sẽ luôn có nhiều việc phải làm”, chúng ta sẽ luôn có “những lời xin lỗi phải thể hiện”, nhưng “hôm nay là lúc trở về với Thiên Chúa”, Đức Phanxicô nhấn mạnh và cho thấy thực tại đáng ngạc nhiên này: “Với tư cách là Chúa Cha dịu dàng và giàu lòng thương xót, Ngài cũng sống Mùa Chay, bởi vì Ngài ao ước chúng ta, chờ đợi chúng ta, chờ đợi sự trở về của chúng ta”.
Trở về với Ngài, đó là dấn thân vào “con đường hoán cải không hời hợt và nhất thời”, nhưng là một “hành trình thiêng liêng” chạm đến “nơi thâm sâu nhất” của con người chúng ta. Quả thế, “trái tim là trụ sở của những cảm xúc của chúng ta, là trung tâm trong đó những chọn lựa, những hành xử của chúng ta được trưởng thành”.
Mùa Chay không phải là “một thu thập các việc lành”, đó là “phân định tâm hồn chúng ta đang hướng về đâu”. “Hoa tiêu của đời tôi” dẫn đến đâu, “hướng đến Thiên Chúa hay hướng đến cái tôi của tôi? (…) Tôi có một trái tim “nhảy múa”, tiến một bước và lùi một bước, yêu mến Chúa một chút và thế gian một chút, hay một trái tim kiên vững trong Thiên Chúa?” Và chúng ta chợt phát hiện mình có một trái tim “khép kín”, “rỉ sét”, “lạnh lùng”, “bị gây mê”…
Và Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Chúng ta cần đến sự chữa lành của Chúa Giêsu, chúng ta cần phải đặt những vết thương của chúng ta trước mặt Ngài và nói với Ngài: “Lạy Chúa Giêsu, con ở đây trước nhan Ngài, với tội lỗi của con, với sự khốn khổ của con. Chúa là thầy thuốc, Chúa có thể giải thoát con. Xin Chúa chữa lành tâm hồn con”“.
2. Ngừng náo động
Đức Phanxicô kêu gọi hãy “làm chậm lại cuộc sống của chúng ta, một cuộc sống luôn chạy vội, nhưng thường không biết rõ đi về đâu”. Ngài nói: “Bạn hãy dừng lại một chút. Hãy rời bỏ sự náo động và sự chạy vội điên rồ này vốn lấp đầy tâm hồn với cảm giác cay đắng rằng chúng ta không bao giờ đạt được gì”.
Ngài nói tiếp: “Bạn hãy dừng lại, hãy rời bỏ mệnh lệnh sống vội này, vốn phân tán, chia rẽ và cuối cùng phá hủy thời gian của gia đình, thời gian của tình bạn, thời gian của con cái, thời gian của ông bà, thời gian của sự tặng không…thời gian của Thiên Chúa”.
3. Tìm kiếm sự thinh lặng
Đức Phanxicô tâm sự: “Bạn hãy dừng lại một chút trước tiếng ồn đinh tai nhức óc và khiến chúng ta quên đi sức mạnh có tính hiệu quả và sáng tạo của sự thinh lặng”.
Đức Thánh Cha tố giác sự ô nhiễm tiếng ồn. “Chúng ta bị tràn ngập bởi những lời nói sáo rỗng, những quảng cáo, những thông điệp lừa lọc. Chúng ta đã quen với việc nghe mọi thứ về mọi người và chúng ta có nguy cơ chìm đắm trong tính trần tục làm hao mòn tâm hồn chúng ta và không có cầu nối nào để chữa trị điều đó, nhưng chỉ sự thinh lặng”.
Ngài nói tiếp: “Không dễ để giữ thinh lặng trong tâm hồn, vì chúng ta luôn tìm cách nói một chút, luôn tìm cách ở với người khác”. Tuy nhiên, “sự hoán cải đích thực” phải trả giá bằng sự thinh lặng này. Nhờ nó, người tín hữu có thể trở về với chính mình và “lắng nghe Lời Chúa”.
Cuộc đối thoại nội tâm với Lời này có sức mạnh “làm sống lại mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và người khác”, bằng cách mở chúng ta ra “trong sự thinh lặng cầu nguyện” và bằng cách đưa chúng ta ra khỏi “pháo đài của cái tôi khép kín của chúng ta”; bằng cách phá vỡ “những xích xiềng của chủ nghĩa cá nhân” và tái khám phá “qua việc gặp gỡ và lắng nghe, những người bước đi hằng ngày bên cạnh chúng ta”, và như thế học biết “yêu thương họ như anh em hay chị em”.
4. Siêu thoát với điện thoại thông minh
Đi vào sa mạc, trong Mùa Chay, đó là “siêu thoát với điện thoại di động” để “kết nối với Tin Mừng”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh, ăn chay, “đó là viết từ bỏ những thứ phù vân, sự thừa thãi, để đi đến điều cốt lõi”.
Đó là từ bỏ việc sùng bái sự “selfie” (chụp ảnh tự sướng). “Bạn hãy dừng lại một chút trước nhu cầu xuất hiện và được mọi người nhìn thấy, nhu cầu liên tục được “phô bày”, điều khiến bạn quên đi giá trị của sự sâu kín và hồi tâm”.
Đức Thánh Cha chỉ ra “căn bệnh của vẻ bề ngoài, ngày nay đang thống trị”. Đó là “một sự lừa bịp vĩ đại” bởi vì vẻ bề ngoài “như một ngọn lửa: một khi đốt xong chỉ còn lại đống tro tàn”. Ngài cho thấy, chúng ta hãy “chẩn đoán những vẻ bề ngoài mà chúng ta đang tìm kiếm, hãy cố gắng vạch mặt chúng. Điều đó sẽ giúp ích cho chúng ta”.
Tránh xa điện thoại, đó cũng có nghĩa là chấm dứt “những lời nói vô bổ, những lời ngôi lê đôi mách, những lời đồn nhảm, những lời nói xấu”, chấm dứt “bạo lực bằng lời nói”, “những lời gây tổn thương và độc hại, mà mạng xã hội khuếch đại”.
Đó cũng là từ chối “những lời chỉ trích thô bạo và nhanh chóng” và “những phân tích đơn giản hóa không nắm bắt được tính phức tạp của các vấn đề nhân sinh, đặc biệt những vấn đề của tất cả những người đau khổ nhất”. Việc “làm sạch” này là cần thiết để đạt được một “hệ sinh thái tâm hồn lành mạnh”.
5. Ngừng coi thường người khác
Đức Thánh Cha nói: “Bạn hãy dừng lại một chút trước cái nhìn kiêu kỳ, trước lời nhận xét thoáng qua và khinh thường vốn nảy sinh từ việc quên đi sự dịu dàng, lòng trắc ẩn và sự tôn trọng trong cuộc gặp gỡ với tha nhân”, đặc biệt đối với những người “dễ bị tổn thương, bị thương tổn và thậm chí là những người đang vướng vào tội lỗi và lỗi lầm”.
Vấn đề là thay đổi quan điểm bằng cách hướng nhìn “lên trời cao”, với lời cầu nguyện “giải thoát khỏi một cuộc sống theo chiều ngang, bằng phẳng, nơi chúng ta tìm thấy thời gian cho “cái tôi” nhưng lại quên đi Thiên Chúa”.
Nhìn “vào bên trong”, nhờ việc ăn chay, điều “giải thoát chúng ta khỏi sự dính bén với sự vật, khỏi tính trần tục vốn làm tê liệt tâm hồn”. Hướng nhìn “về người khác” với “đức ái giải thoát khỏi sự phù vân của của cải, khỏi việc nghĩ rằng mọi sự sẽ tốt đẹp nếu chúng đang diễn ra tốt đẹp đối với tôi”.
6. Chấm dứt đạo đức giả
Đối với Mùa Chay, Đức Phanxicô yêu cầu chúng ta nhìn “vào bên trong, trong tâm hồn”, cách can đảm và không giả vờ.
Ngài nói: “Có bao nhiều điều tiêu khiển và hời hợt khiến chúng ta sao lãng những gì là quan trọng, bao nhiêu lần chúng ta tập trung vào những thèm muốn của mình hay những gì chúng ta thiếu, làm chúng ta xa rời trung tâm của trái tim mình, quên đi ý nghĩa của việc chúng ta hiện hữu trong thế giới”.
Và những gì có thể nói về thái độ của chúng ta ít nhất là nghịch lý và hàm hồ… Đức Thánh Cha nói tiếp: “Bao nhiêu lần chúng ta làm điều gì đó để được tán thưởng, vì hình ảnh của chúng ta, vì cái tôi của chúng ta! Bao nhiêu lần chúng ta tự xưng là Kitô hữu và trong tâm hồn chúng ta dễ dàng nhượng bộ cho những đam mê đang nô lệ hóa chúng ta! Bao nhiêu lần chúng ta rao giảng một đàng làm một nẻo! Bao nhiêu lần chúng ta tỏ ra tốt lành bên ngoài và nuôi dưỡng lòng hận thù bên trong! Bao nhiêu tính hai mặt mà chúng ta có trong tâm hồn… Đó là cát bụi làm cho hoen bẩn, là tro tàn dập tắt ngọn lửa tình yêu”.
Nếu chúng ta lắng nghe tâm hồn mình cách chú ý và chân thành, chúng ta sẽ đo được sự hàm hồ của mình. “Khi chúng ta làm điều gì tốt, thì hầu như cách bản năng nảy sinh nơi chúng ta ước muốn được đánh giá cao và ngưỡng mộ về việc tốt này, để được thỏa mãn từ đó. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thực hiện những công việc này mà không có bất kỳ sự phô trương nào, và chỉ hy vọng vào phần thưởng của Chúa Cha, Đấng thấu suốt nơi kín đáo” (Mt 6, 4.6.18).
Chúa Kitô yêu cầu thực hiện “những công việc bác ái, cầu nguyện, ăn chay, nhưng làm tất cả những điều đó mà không giả vờ, không hai mặt, không đạo đức giả” (x. Mt 6, 2.5.16).
7. Đừng quen với Sự dữ
Đức Thánh Cha thường xuyên tố giác “nền văn hóa” và “vực thẳm” của sự dửng dưng. Ngài nhắc lại rằng Mùa Chay là “thời gian để nói không với sự ngột ngạt phát sinh từ những tâm tình loại trừ, muốn đến với Thiên Chúa bằng cách trốn tránh những vết thương của Chúa Kitô hiện diện nơi những vết thương của anh chị em: những tinh thần này giảm thiểu đức tin thành một nền văn hóa khép kín và loại trừ”.
Bốn mươi ngày này giúp chúng ta “ra khỏi những tập quán mệt mỏi và thói quen lười biếng đối với sự dữ đang đe dọa chúng ta”. Vấn đề là “chúng ta đừng quen với những hoàn cảnh xuống cấp và khốn khổ mà chúng ta gặp phải khi bước đi trên các đường phố của các thành phố và đất nước của chúng ta”.
Có một rủi ro thực sự khi chấp nhận “cách thụ động một số hành xử và không ngạc nhiên trước những thực tại đáng buồn xung quanh chúng ta”. Chúng ta đã quen với bạo lực, “như thể đó là một tin tức đương nhiên hằng ngày; chúng ta đã quen với những anh chị em ngủ ngoài đường, không có mái nhà che chở mình. Chúng ta đã quen với những người tỵ nạn đang tìm kiếm tự do và phẩm giá, những người không được đón tiếp như họ phải được như thế”.
Cuối cùng, chúng ta đã quen với việc “sống trong một xã hội muốn thoát khỏi Thiên Chúa”, trong đó “các bậc cha mẹ không còn dạy cho con cái mình cầu nguyện” với Kinh Lạy Chay hay Kinh Kính Mừng, “không còn làm dấu thánh giá nữa”.
8. Xin ơn nước mắt
Đức Thánh Cha chất vấn: “Thưa anh chị em, hãy biết rằng những kẻ đạo đức giả không biết khóc, họ đã quên làm thế nào chúng ta khóc, họ không xin ơn nước mắt”. Ngài giải thích: xin ơn nước mắt là một cách để “làm cho lời cầu nguyện và con đường hoán cải của chúng ta ngày càng trở nên chân thực hơn”.
Và Đức Thánh Cha hỏi chúng ta: “Tôi có khóc không? Giáo hoàng có khóc không? Các Hồng y có khóc không? Các Giám mục có khóc không? Những người thánh hiến có khóc không? Các Linh mục có khóc không? Nước mắt có hiện diện trong lời cầu nguyện của chúng ta không?”
Chấp nhận khóc, đó là trở về với Thiên Chúa bằng một “trái tim mới, được thanh tẩy khỏi sự dữ, được thánh tẩy bằng nước mắt, để tham dự vào niềm vui của Ngài”. Một niềm vui bén rễ trong niềm xác tín rằng “chúng ta có thể thay đổi, nếu chúng ta đón nhận ân sủng của Thiên Chúa và chúng ta không để cho thời gian thuận lợi này trôi qua cách vô hiệu”. Ngài nói: “Làm ơn, chúng ta hãy dừng lại, chúng ta hãy dừng lại một chút và chúng ta hãy giao hòa với Thiên Chúa”.
9. Cầu nguyện
Những trở ngại đối với việc cầu nguyện được biểu hiện cách đặc biệt trong Mùa Chay, thời gian đầy cám dỗ. “Chúng ta khó phân biệt được tiếng Chúa nói với chúng ta, tiếng của lương tâm, tiếng của sự thiện. Khi mời gọi chúng ta vào sa mạc, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta chú ý đến những gì là quan trọng, đến điều quan trọng, điều thiết yếu”.
Vì lời cầu nguyện là lương thực không thể thiếu. Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta cần Lời Chúa. Chúng ta phải nói với Thiên Chúa: chúng ta phải cầu nguyện. Vì chỉ trước nhan Thiên Chúa mà những khuynh hướng của tâm hồn mới lộ ra và những tính hai mặt của tâm hồn mới biến mất”. Cần phải hướng đến Chúa Thánh Thần bằng cách tái khám phá “ngọn lửa ngợi khen, đốt cháy tro than van và cam chịu”.
10. Chiêm ngắm những khuôn mặt xung quanh chúng ta
Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mỗi người dừng lại để chiêm ngắm khuôn mặt của những người xung quanh chúng ta:
Những khuôn mặt của các gia đình chúng ta, những gia đình vốn tiếp tục “đặt cược ngày qua ngày, với nhiều nỗ lực, để tiến bước trong cuộc sống” và “giữa những khó khăn ngặt nghèo, không ngừng cố gắng bằng mọi cách để biến ngôi nhà của mình thành một ngôi trường yêu thương”.
Những khuôn mặt của các trẻ em và thanh niên “những người mang theo một ngày mai và một tiềm năng đòi hỏi sự cống hiến và bảo vệ” và “luôn vượt qua những tính toán nhỏ nhen và ích kỷ của chúng ta”.
Những khuôn mặt của các cụ già, được ghi dấu bởi “sự trôi qua của thời gian”; những khuôn mặt “mang ký ức sống động của các dân tộc của chúng ta” và là những khuôn mặt của “sự khôn ngoan công hiệu của Thiên Chúa”.
Những khuôn mặt của các bệnh nhân và tất cả những ai đang chăm sóc họ; những khuôn mặt mà “trong sự dễ bị tổn thương và trong sự phục vụ của họ, nhắc nhở chúng ta rằng giá trị của mỗi người không bao giờ được giảm thiểu thành một vấn đề tính toán hay tiện ích”.
Những khuôn mặt “ăn năn của tất cả những ai tìm cách sửa chữa những lỗi lầm và khiếm khuyết của họ” và “trong sự khốn khổ và bệnh tật của họ” đấu tranh để “biến đổi hoàn cảnh và tiến tới”.
Khuôn mặt của Chúa Kitô, “Tình Yêu chịu đóng đinh”, Đấng “ngày nay, trên thập giá, tiếp tục là người mang hy vọng”, “bàn tay dang ra cho những ai cảm thấy mình bị đóng đinh, những ai cảm nghiệm được trong cuộc sống của mình sức nặng của những thất bại, những vỡ mộng và những thất vọng của họ”.
Gilles Donada; Chuyển ngữ: Tý Linh
Chuyển ngữ từ: la-croix.com (21.02.2023
Nguồn: xuanbichvietnam.net (25.02.2023)