SỰ CÁCH BIỆT GIỮA CÁC THẾ HỆ

Post date: Mar 3, 2018 12:03:20 PM

Trong đời sống thường nhật, tiếp xúc với nhau trong cuộc sống ta bắt gặp nhiều thế hệ khác nhau. Khi nói đến từ “thế hệ”, ta thấy từ này dùng để chỉ sự đo lường thời gian một khoảng 10 năm, 20 năm, 30 năm,... Với khoảng thời gian nhất định với con người đó là 30 năm. Một người cần có để đạt được sự chín chắn, ở tuổi mà như luật thông thường, đứa con đầu sanh ra. Khoảng cách biệt lớn giữa một hay nhiều thế hệ thường được nói đến là ‘khác biệt thế hệ’.

Trong bất cứ thời đại và xã hội nào cũng gặp phải khoảng cách giữa các thế hệ. Giữa thế hệ già và trẻ có khoảng cách nhưng trong các gia đình người Việt hải ngoại có tính chất mãnh liệt hơn vì bắt nguồn từ sự va chạm giữa hai nền văn hóa: cổ truyền Á Đông và Tây Phương.

Theo văn hóa cổ truyền Á Đông, cha mẹ có toàn quyền trên con cái. Ta thấy nền giáo dục cổ truyền Á Đông dựa trên căn bản quyền uy ‘con cãi cha mẹ trăm đường con hư’ đã trở thành chân lý bất biến, khỏi tranh luận, nêu bằng chứng, lý giải gì cả. Chính từ quan niệm như thế này, một số cha mẹ đã can thiệp cứng rắn vào mọi quyết định của con cái từ cách ăn, nếp nghĩ đến việc học hành và giao tế.

Từ quan niệm thế hệ như thế nên có thể cho rằng, người từ những thế hệ khác nhau có sự khác biệt về đường lối suy nghĩ, thái độ, cách sống và giá trị, cho nên không đồng ý với nhau về hầu hết mọi vấn đề. Do sự khác biệt về tuổi tác, nhóm người già giữ quan điểm ngược lại đường lối của thế hệ trẻ. Những sự dị biệt trong quan điểm phát xuất và dẫn đến sự hiểu nhầm trong gia đình.

Sự cách biệt về quan niệm giữa những bậc cha mẹ bảo thủ và thế hệ trẻ là nguyên nhân thường gây mâu thuẫn trong phạm vi gia đình ngày nay. Điều đó không có nghĩa là bậc cha mẹ e sợ trong việc cố vấn và hướng dẫn con cái nếu chúng đi lạc đường do một số giá trị sai lầm.

Sự cách biệt giữa thế hệ, với những bi kịch, các vai anh hùng và kẻ không phục thiện đã trở nên rắc rối và phức tạp. Ở Phương Tây, nay người ta đã chấp nhận là thường tình hầu hết mọi người có rất ít quan hệ xã hội ngoài người đồng tuế. Sự khởi đầu tốt lành hay ít nhất vô hại, nhưng nay những yếu tố nuôi dưỡng những dị biệt giữa các thế hệ bây giờ trở nên đen tối và đe dọa hơn, do đó, khoảng cách đang phát triển thành ‘vực thẳm ngăn cách’.

Sự khác biệt giữa hai thế hệ còn biểu lộ qua quan niệm về mục tiêu sống cũng như nội dung sống được mỗi thế hệ quan tâm. Với thế hệ lớn tuổi, với thói quen từ xưa để lại, và vẫn thấm nhuần tinh thần gắn bó gia đình, và với quán tính thương yêu, luôn có xu hướng muốn tiếp tục kiểm soát, bao bọc như khi con cháu còn thơ ấu. Họ luôn mang tâm trạng có nghĩa vụ giáo huấn, truyền đạt, hướng dẫn con cháu làm điều hay, tránh điều dở theo quan niệm của mình, nhằm giúp chúng vào đời thuận lợi nhất. Bên cạnh đó, tâm lý kế tục danh dự gia đình, dòng họ cũng khiến thế hệ trước lo lắng, chú tâm rèn giũa cháu con, mong chúng noi gương mình mà thành đạt vẹn toàn.

Thiếu hiểu biết giữa cha mẹ và con cái hiện nay là nguyên nhân làm cha mẹ và con cái cách xa nhau. Nên tạo nhiều cơ hội hơn nữa giúp cho con cái trưởng thành và làm chúng tự có ý thức trao đổi tâm sự với cha mẹ.

Đứng trước vấn nạn như thế, người trẻ đừng luôn luôn có thành kiến cha mẹ là người hủ lậu, bảo thủ không thức thời, thích chứng tỏ uy quyền mà lắng nghe những lời khuyên bảo, nhắc nhở của cha mẹ vì được đúc kết kinh nghiệm từ thành công cho đến thất bại trong cả cuộc đời. Đừng có thái độ, suy nghĩ “nghe rồi, nói mãi, chán quá!” mà cách xa cha mẹ ngày càng hơn. Các em thử nghĩ, nhìn lại những việc mới làm năm qua mà nay cảm thấy buồn cười, ngớ ngẩn, thậm chí sợ giật mình, nghĩa là mình đang khôn lớn. Nhưng chính trong giai đoạn, lứa tuổi trưởng thành khôn lớn thì lại là thời điểm các em cần đến sự hướng dẫn, chỉ bảo của cha mẹ vì cuộc sống hiện đại ngày nay không đơn giản như trong gia đình. Biết bao mặt trái của cuộc đời, phức tạp không rõ ràng đen trắng để rồi vô tình phạm tội hình sự, bị lừa đảo, dính vào đường dây ma túy công khai lẫn trá hình,…

Các bậc làm con hãy hết sức cảm thông với cha mẹ vì cũng chịu biết bao áp lực từ xã hội, công việc làm, tài chính, trong đó có cả áp lực làm sao nuôi dạy con cái nên người để các em gần gũi trò chuyện, chia sẻ, lắng nghe cha mẹ. Không những ngày càng giúp giữa hai thế hệ nhận hiểu nhau hơn, không khí gia đình cởi mở, êm ấm, đồng thời kết hợp sự khôn ngoan thấu đáo, cùng kinh nghiệm của mẹ cha để kiến thức, bản lĩnh sống của mình đạt nhiều kết quả tốt đẹp thành công.

Và rồi, ta thấy ở bất cứ thời đại và xã hội nào cũng đều có khoảng cách giữa thế hệ già và trẻ, do vậy giữa cha mẹ và con cái luôn luôn có một khoảng cách nhất định. Tuy vậy, khoảng cách này trong các gia đình người Việt lại có tính chất mãnh liệt hơn do sự va chạm giữa hai nền văn hóa là cổ truyền Á Đông và Tây Phương cùng những yếu tố khác như tuổi tác, môi trường sinh sống, và tâm sinh lý cũng ảnh hưởng không ít. Muốn có thể hóa giải, hàn gắn hay thu ngắn khoảng cách giữa hai thế hệ, thiết nghĩ cả cha mẹ lẫn con cái cố gắng tìm hiểu từng nguyên nhân tạo ra, cùng học hỏi, kiên nhẫn giải quyết sao cho ngày càng dung hòa hơn. Và yếu tố căn bản để cha mẹ và con cái, dù gì đi chăng nữa vẫn có thể gần nhau sống êm ấm hạnh phúc, đó là tình yêu thương. Chỉ có tình yêu thương mới chấp nhận, cảm thông, đối thoại, và tự thay đổi chính mình để dần thích ứng, chan hòa sống vui.

Trong đời sống hằng ngày, ta thấy các bậc cha mẹ thường khuyên các con làm điều này và không làm điều kia. Chính vì bồng bột, chính vì non dạ để rồi người trẻ cẩu thả không nghe lời khuyên của người già, người trẻ làm nhiều điều theo đường lối suy nghĩ riêng tư của mình. Kết quả khó khăn xảy ra, họ mới nhớ đến người già, đến các bậc đạo sư để được giúp đỡ và yêu cầu các vị đạo sư tôn giáo cầu nguyện cho họ.

Muốn rút ngắn được khoảng cách này chỉ có một con đường duy nhất là tình thương. Tình thương đưa đến sự chấp nhận và khi nào con người biết chấp nhận những khác biệt của nhau thì xung đột mới có thể chấm dứt được. Thiếu tình thương là thiếu sự cảm thông giữa cha mẹ và con cái. Hãy đừng chỉ nhìn vào những khác biệt, sai trái, bạn hãy mở lòng và nghĩ đến cha mẹ nhiều hơn để hòa nhập được cùng suy nghĩ của thế hệ đi trước…

Lm. Vô Thường