20160605.Chúa nhật X Thường niên, năm C

Chúa Nhật X - TN – C

Đức Giê-su: Chúa của sự sống.

Cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria đã kéo dài được 5 năm. Theo báo cáo của một tổ chức xã hội tại Luân Đôn, cuộc chiếc này đã cướp đi sinh mạng của hơn 11.000 trẻ em, trong đó có nhiều em thiệt mạng vì bị tra tấn và hành hình.

Chúng ta hãy nghe tổ chức nghiên cứu The Oxford Research Group thông báo, rằng: hầu hết trong số 11.420 trẻ em thiệt mạng là do nổ bom, và rất nhiều em khác bị bắn chết. Các trẻ em nam là mục tiêu chính của những kẻ giết người, theo tiết lộ của báo cáo mang tên "Stolen Futures: The Hidden Toll of Child Casualties in Syria." (tạm dịch: “Tương lai bị đánh cắp: Con số chưa kể về trẻ em thiệt mạng tại Syria”).

Không chỉ con số thương vong trong bản báo cáo làm mọi người ghê sợ, mà còn là cách mà những trẻ em này mất mạng trong cuộc xung đột này”, tác giả Hana Salama chia sẻ trong một bài phát biểu.

Theo như báo cáo, có hơn 1.000 trẻ em bị hành hình (764 em) hoặc bị bắn tỉa (389 em). Khoảng 112 em khác thậm chí phải chịu tra tấn dã man trước khi bị giết. (nguồn: internet).

Đứng trước thảm trạng này, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo, ĐTC Phanxicô không thể không chạnh lòng thương xót. Thế nên, ngài đã kêu gọi mọi tín hữu hãy cùng nhau cầu nguyện cho trẻ em Syria cách đặc biệt vào thứ Tư sắp tới, ngày Quốc tế Thiếu nhi (01/06). ĐTC đã đưa ra lời mời gọi này sau khi ngài đọc Kinh Truyền Tin chung với khách hành hương tại quảng trường thánh Phê-rô hôm Chúa Nhật vừa rồi, 29/05/2016.

Nói tới trẻ em, có thể nói rằng, đó là thành phần luôn được Đức Giê-su bày tỏ tình yêu thương và lòng thương xót của Ngài một cách đặc biệt.

Thật vậy, chuyện kể rằng, một lần nọ, khi có người dẫn trẻ em đến với Ðức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ đã la rầy chúng. Nhưng Ðức Giêsu nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng.” Rồi Ngài đã đặt tay trên chúng.

Và một câu chuyện khác, một câu chuyện sống động về lòng thương xót của Đức Giê-su đối với trẻ em, đó là câu chuyện Ngài đã “cho con trai một bà góa thành Nain sống lại”, như một điển hình.

**

Vâng, câu chuyện đã được thánh sử Luca kể như sau: Hôm đó, Đức Giêsu cùng với các môn đệ đi đến một thành có tên là Nain. Ngoài các môn đệ, còn có “một đám rất đông cùng đi với Người” (Lc 7,11).

Khi Đức Giê-su đến gần cửa thành, thì cũng là lúc “người ta khiêng một người chết đi chôn”. Người chết là “con trai duy nhất” của một người đàn bà, và nghiệt ngã thay, người đàn bà đó lại là “một bà góa”.

Một bà góa, có nghĩa là chồng bà ta đã chết, lại thêm hôm nay người con duy nhất cũng chết thì quả là thật đắng cay. Cuộc đời bà ta, giờ đây coi như “chỉ thấy một chân trời tím ngắt… chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất… và nước mắt”.

Thật vậy, vào thời đó, đối với các góa phụ, đa số họ đều có một cuộc sống rất khó khăn, khó khăn là bởi quan niệm trọng nam khinh nữ, cho nên, họ có rất ít cơ hội để tìm kiếm việc làm. Thế nên, hỏi sao tương lai bà góa này không “đầy nước mắt”!

Trở lại câu chuyện bà góa. Xin hỏi, nếu là bạn, bạn sẽ làm gì trước tình cảnh này? “Ignore – phớt tỉnh Ăng-lê”! Hay bạn sẽ thực hiện lời Kinh Thánh đã dạy, rằng: “Đừng ngoảnh mặt không nhìn những ai đang than khóc, với những người sầu khổ, con hãy biết chia buồn” (x.Hc 7,34)

Tạ ơn Chúa. Đức Giê-su đã cho chúng ta câu trả lời. Vâng, Đức Giê-su đã không làm ngơ. Trái lại, Ngài đã đem lại cho người đàn bà góa một sự “bất ngờ” không tưởng.

Thật vậy, ngay khi “trông thấy bà”, chuyện kể tiếp rằng: “Chúa chạnh lòng thương xót”.

Và, không đợi bà góa đó cất lời xin xỏ, Đức Giêsu đã nói với người đàn bà góa, rằng: “Bà đừng khóc nữa!”.

Đừng khóc nữa! Nếu lời nói này thốt ra từ miệng của một ai đó, chắc hẳn, đó chỉ là một lời an ủi, mà thôi. Nhưng, nó được thốt ra từ miệng một người từng tuyên bố: “Tôi đến là để chiên được sống và sống sung mãn”, thế nên, nó đã mang đến một niềm hy vọng.

Và quả thật niềm hy vọng đó đã “vươn lên trong màn đêm, trong u sầu”.

Hôm đó, trong khung cảnh u sầu, Đức Giê-su, “Người lại gần, sờ vào quan tài… và nói “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy”. Kinh ngạc thay! mọi người hiện diện nơi đó đều thấy “Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói”.

Và thật xúc động làm sao khi Đức Giê-su “trao anh ta cho bà mẹ”.

Khép lại câu chuyện, thánh sử Luca cho biết: nhiều người khác đã lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng: "Một vị ngôn sứ đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân người".

***

Câu chuyện này đã xảy ra hơn hai ngàn năm.

Có lẽ, hôm nay, sẽ chẳng bao giờ xảy ra chuyện Đức Giê-su hiện đến tái thực hiện những gì Ngài đã thực hiện tại Nain, năm xưa.

Có lẽ, hôm nay, sẽ chẳng bao giờ xảy ra chuyện Đức Giê-su hiện đến một đám tang của một tín hữu Công Giáo nào đó, “sờ vào quan tài”, và nói với người đã chết, “này bạn, tôi bảo anh, hãy chỗi dậy” v.v…

Thế nhưng, có một chuyện, dù đã qua hơn hai ngàn năm, nó vẫn tiếp tục xảy ra, xảy ra cho đến ngày tận thế, đó là Thiên Chúa vẫn tiếp tục “viếng thăm dân người.”

Ngài vẫn tiếp tục đi đến thành kia, có thể là Saigon, có thể là Hà Nội, có thể là Huế, có thể là một thành phố nào đó trên khắp thế giới này… để “viếng thăm dân Ngài”. Viếng thăm, không phải để “sờ vào quan tài” của ai đó, nhưng là để “sờ vào tâm hồn” mỗi chúng ta.

Người con của bà góa tại Xarepta, con gái của ông trưởng hội đường tên là Gia-ia, người bạn thân thiết của Đức Giê-su là anh Lazarô và chàng thanh niên con bà góa ở Nain, những người này đã chết và được cho sống lại, nhưng hôm nay họ cũng đã chết.

Cho nên, điều hôm nay chúng ta cần nhớ, đó là: tất cả những gì Thiên Chúa, qua ngôn sứ Êlia, đã thực hiện tại Xarépta và sau này Chúa Giêsu thực hiện tại Nain, không chỉ là để gửi đến mọi người một thông điệp: Thiên Chúa là “Chúa của sự sống” mà còn là để “Mặc Khải Con của Người” và để “loan báo Tin Mừng về Con của Người” một Tin Mừng rằng “Ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống đời đời” (x.Ga 3, 16).

Cuộc “viếng thăm” của Đức Giê-su hôm nay, nếu Ngài có “sờ và chạm” thì đó là sờ và chạm vào tâm hồn chúng ta. Nếu có nâng chúng ta ra khỏi cái chết, nói theo cách nói của Lm Charles E. Miller, thì Đức Giê-su sẽ “nâng ta dậy từ cái chết do tội lỗi gây ra”

Nói về cuộc viếng thăm này, thánh Phao-lô khẳng định, đó chính là “ân sủng của Người – Người đã đoái thương” (x.Gl 1, 15-16)

****

Vâng, chúng ta đang sống trong một xã hội cổ vũ cho một nền “văn hóa sự chết”. Có lẽ không cần mất nhiều thì giờ để diễn giải nền văn hóa sự chết là nền văn hóa như thế nào. Chỉ cần nói tắt một lời, đó là một nền văn hóa chối bỏ việc “Thiên Chúa vẫn viếng thăm dân Người”.

Chối bỏ việc “Thiên Chúa vẫn viếng thăm dân Người”, xã hội hôm nay nhận được gì? Thưa, “sự chết”. Chết-lương-tâm, chết-công-bằng, chết-nhân-hậu, chết-từ-tâm, chết-trung-tín, chết-hiền-hòa, chết-tiết-độ, v.v…

Thì đây, có mỉa mai không, khi hôm nay, đi đâu cũng nghe người ta nói: “Nhân phẩm ngày nay xuống giá rồi. Chỉ còn thực phẩm giá cao thôi. Lương tâm còn rẻ hơn lương thực. Chân lý, chân giò cũng thế thôi”!!!

Là một Ki-tô hữu, chúng ta phải làm gì để thoát khỏi những cái chết nêu trên? Thưa, đừng rời xa “người mẹ thiêng liêng”, một người mẹ đã được Đức Giê-su ban cho, đó chính là “Giáo Hội”.

Vâng, Giáo Hội, Lm Charles E. Miller chia sẻ, chính là “một bà mẹ hiền nuôi dưỡng chúng ta bằng lời Kinh Thánh và Mình Máu Thánh Đức Ki-tô”.

Được nuôi dưỡng bằng “Kinh Thánh và Mình Máu Thánh Đức Ki-tô”, chúng ta còn được hưởng một đặc ân từ Thiên Chúa vào ngày sau hết, ngày mà hết thảy mọi người trên trái đất này “phải chết”. Vâng, ngày đó, cũng theo lời Lm Charles E. Miller chia sẻ, “Chúa Giê-su sẽ không sờ vào quan tài của chúng ta, cũng chẳng bảo những người khiêng dừng lại, mà sẽ vươn ra với đôi tay đầy uy lực của Người, để nâng ta dậy từ cõi chết trong ngày sống lại”.

Thưa Bạn, bạn có tin như thế không? Câu trả lời, hẳn là, dành riêng cho mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên, đã có nhiều người tin, và họ đã “loan truyền khắp cả Giu-đê và vùng lân cận”.

Thế nên, có gì ngăn cản chúng ta tin, tin Đức Giê-su chính là “Chúa của sự sống”.

Petrus.tran

Nguồn hình ảnh: tgpsaigon