CHA MẸ: CỘI RỄ VÀ LÀ NGƯỜI THẦY CỦA CON CÁI

Post date: Mar 3, 2018 12:07:59 PM

Trong hành trình đời sống của con người, người dạy ta từng nét chữ, từng con số được gọi là 'thầy'. Còn cha mẹ, người sinh ra chúng ta là người thầy đầu tiên và suốt đời.

Là cha là mẹ, ai ai cũng luôn đau đáu hai chữ 'dạy con', làm sao để con sau này có cuộc sống no đủ, vẹn tròn, dù có lớn đến đâu, con cái vẫn cần được cha mẹ ở bên chỉ bảo, răn dạy, học không bao giờ là thừa và học từ mẹ cha cũng không bao giờ là đủ. Cha mẹ chính là người thầy suốt đời của con cái.

Để có một con người, mẹ cha vất vả mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày, đó là cả một sự hy sinh to lớn để chúng ta có mặt trên cõi đời này.

Hẳn ta nhớ rằng ngay từ những bước đi chập chững đầu tiên là nhờ bàn tay dìu dắt của mẹ, của cha. Bàn tay mẹ cha chậm rãi theo từng bước chân nhích dần đến đích. Họ cũng chính là những người đã dạy ta phải biết dũng cảm, không bao giờ được đánh mất niềm tin mỗi khi vấp ngã, mà phải tự đứng lên bằng đôi chân của mình, để ngày hôm nay ta có thể đứng vững trong cuộc đời đầy sóng gió.

Để lớn lên làm người, không ai có thể bỏ qua giai đoạn tuổi ấu thơ. Ở giai đoạn tuổi ấu thơ mọi lời ăn, tiếng nói, cử chỉ, cách cư xử của trẻ đều học theo người lớn trong nhà, trẻ được dạy bảo uốn nắn từ chính môi trường gia đình.

Và dĩ nhiên, với mỗi người, cha mẹ sẽ là người thầy đầu tiên của trẻ, dạy cho trẻ những bước đi đầu tiên, ý niệm sơ khai về mối quan hệ của trẻ với các thành viên khác trong gia đình, điều gì được khuyến khích và những gì không được làm, từ đó hình thành ý niệm về cách cư xử.

Trong thực tế cuộc sống, ta thấy rõ nhiều gia đình rất quan tâm đến vấn đề giáo dục và đã thành công trong lĩnh vực nuôi dạy con cái, song cũng có không ít gia đình còn thiếu sót trong cách giáo dục con. Giữa cha mẹ có sự khác nhau về quan niệm và cách giáo dục con cái. Nhiều bậc cha mẹ quá nghiêm khắc, không quan tâm đến nhu cầu được vui chơi, kết bạn của con em mình; còn nhiều trường hợp quá dễ dãi nuông chiều, thỏa mãn mọi nhu cầu, ý thích của trẻ kể cả những sở thích không phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi. Nếu cha mẹ quá khắt khe, luôn yêu cầu con cái thực hiện mọi việc theo ý mình sẽ khiến trẻ thiếu tự tin, trở nên yếu đuối, thụ động, lệ thuộc hoặc nảy sinh tư tưởng chống đối vì bị cấm đoán mà không được giải thích.

Vấn đề giáo dục phải nói rằng cực khó để rồi giáo dục gia đình cần dựa trên tình cảm yêu thương và sự nghiêm khắc của cha mẹ. Yêu thương là thể hiện sự quan tâm, chăm lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ, dạy lời ăn tiếng nói, việc học hành, luôn mong mỏi cho con được an toàn, hạnh phúc. Còn nghiêm khắc là thương nhưng không thái quá, không nuông chiều những đòi hỏi thiếu lành mạnh của con. Chính sự nghiêm khắc ấy là cần thiết, là giới hạn để trẻ biết được những gì nên và không nên làm, vì vậy ông bà ta xưa có câu “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, hay hình ảnh thầy đồ với cây roi để rèn học trò song sự rèn giũa, dạy bảo ấy đã giáo dục nên bao nhiêu con người có ích, vì vậy bao thế hệ học trò mãi kính trọng sự nghiêm khắc của thầy đồ.

Giáo dục rất cần sự nghiêm khắc. Sự nghiêm khắc này bắt nguồn từ tình yêu thương, là cần thiết, chứ không phải là sự trừng phạt, ngược đãi đến tinh thần, thể chất con người. Nếu cha mẹ chỉ yêu thương mà không nghiêm khắc với con sẽ làm cho trẻ hư, vòi vĩnh những điều không lành mạnh, không hiểu được bổn phận của con cái, sẽ nảy sinh những đòi hỏi thái quá mà điều kiện của cha mẹ không thể đáp ứng. Ngược lại, sự nuông chiều, bảo bọc thái quá sẽ khiến trẻ yếu đuối, thiếu tự lập, chỉ muốn dựa dẫm vào người khác.

Cơ bản nhất, ta thấy cha mẹ là những người dạy cho ta những câu nói bi bô đầu tiên: 'Ba ơi, mẹ ơi,…', uốn nắn từng câu từng chữ, dạy ta phải biết vâng, dạ với người lớn, dịu dàng với em nhỏ, dạy ta nói 'xin lỗi' mỗi khi làm sai và 'cảm ơn' mỗi khi nhận được sự giúp đỡ. Những bài học làm người đầu tiên, nếu không có cha mẹ, sẽ chẳng ai dạy ta điều đó, cha mẹ chính là người thầy đầu tiên của mỗi con người.

Rồi dần dần lớn khôn, cha mẹ chính là người dạy cho ta biết thế nào là thiện - ác qua những câu chuyện cổ tích, họ dạy phải yêu thương những người có hoàn cảnh khó khăn, không xa lánh những người có bệnh hiểm nghèo, đùm bọc những người thiệt thòi trong cuộc sống, biết tự phân biệt đâu là đúng, là sai, biết đứng ra bảo vệ lẽ phải, luôn sống hết mình vì mơ ước và đam mê và tránh xa những cám dỗ của cuộc đời.

Ta thấy cha mẹ cũng chính là những người dạy ta phải biết khiêm tốn, phải biết kiên trì chờ đợi thời cơ, biết khi nào cần phải 'nhịn' để nhận 'điều lành' nhưng cũng phải biết vùng lên khi cần, không được vội vàng hấp tấp nhưng cũng không được lề mề, chậm chạp. Cha mẹ dạy phải lấy chữ 'nhẫn' làm đầu, chữ 'tâm' làm gốc để ta có thể sống tốt trong cuộc sống về sau.

Giáo dục gia đình phụ thuộc vào bầu không khí tâm lý, chuẩn mực đạo đức, cách sinh hoạt, lối sống của các thành viên trong gia đình. Vì vậy, gia phong hay nếp nhà là nét văn hóa được các gia đình Việt Nam luôn coi trọng, giữ gìn. Cha mẹ mẫu mực mới mong có con thảo hiền. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò, trách nhiệm, ảnh hưởng của mình đến việc giáo dục con, phải là tấm gương sáng trên mọi phương diện để con cái học tập.

Cha mẹ đã sinh ra và nuôi nấng chúng ta trưởng thành, chính họ là những người lái đò chèo lái con thuyền đưa ta đến bến bờ của tri thức, của tình người, không chỉ dạy kiến thức mà còn dạy cách sống sao cho phải đạo. Họ cũng chính là người luôn dang rộng vòng tay, bao dung cho mọi lỗi lầm, nâng đỡ khi ta vấp ngã, cha mẹ xứng đáng được gọi là 'thầy' hơn ai hết.

Lm. Vô Thường