Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) và những bước đầu của văn-học chữ quốc-ngữ

Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) và những bước đầu của văn-học chữ quốc-ngữ

Nguyễn Văn Vĩnh là một nhà báo và nhà văn lớn của miền Bắc, đã có những đóng góp đáng kể cho nền văn hóa Việt Nam nói chung và nền báo chí nói riêng những năm đầu thế kỷ XX. Dù được đào tạo trong môi trường Pháp và thân Pháp, ông đã tỏ ra có những công trình tích cực cho dân tộc. Ông học Trường Thông ngôn, rồi làm thư-ký ở các Tòa Công sứ Lào Cai, Kiến An, Bắc Ninh cùng lúc làm cộng tác viên cho hai tờ báo tiếng Pháp Courrier de Hai Phong và Tribune Indochinoise của François-Henri Schneider và cuối cùng làm ở Tòa Đốc-lý Hà Nội. Năm 1906, ông được cử đi dự hội chợ đấu xảo ở Marseille, được dịp tiếp xúc với kỹ nghệ in ấn và báo chí (thăm tòa báo Revue de Paris, nhà xuất bản Hachette và NXB Từ điển Larousse). Trở về với quyết tâm truyền bá chữ quốc ngữ, ông xin thôi việc công chức thuộc địa, mở nhà in, làm chủ bút nhiều tờ báo và viết báo, dịch thuật văn thơ.

Năm 1907, ông cùng với Dufour mở nhà in đầu tiên ở Hà Nội và làm biên tập viên phần chữ quốc-ngữ cho tờ Đăng Cổ Tùng Báo (1907-1909) do Schneider sáng lập, tờ báo đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ tại miền Bắc (trong khi Nam-kỳ đã có nhiều tờ báo chữ quốc-ngữ đã xuất hiện trong suốt gần 40 năm trước đó : Gia Định Báo 1865, Phan Yên Báo 1868, Nam-Kỳ Địa Phận 1883, Nông Cổ Mín Đàn 1900, Lục Tỉnh Tân Văn 1907,... ). Đăng Cổ Tùng Báo vốn là ấn bản tiếp tục tờ Đại-Nam Đồng Văn Nhật Báo chữ Hán có từ năm 1892, được xem như công-báo và sống được hơn 2 năm. Với Nguyễn Văn Vĩnh, tờ Đăng Cổ Tùng Báo đã là bước đầu của ông đóng góp trong việc phổ biến tiếng Việt và mở đầu cho một nền văn-học mới, rời bỏ ảnh-hưởng Bắc-thuộc của chữ Hán. Trên tờ này đã xuất hiện những bài viết tài hoa và thực tế của ông ký dưới các bút hiệu Tân Nam Tử, Đào Thị Loan.

Sau khi tờ Đăng Cổ Tùng Báo đình bản, Nguyễn Văn Vĩnh đảm nhiệm hai tờ báo tiếng Pháp Notre Journal (19-10-1908), Notre Revue (1910) ngoài Bắc và làm chủ bút tờ Lục Tỉnh Tân Văn ở Sài-Gòn. Tờ Notre Journal làm cơ quan liên lạc cho viên chức Việt Nam phục vụ trong guồng máy bảo-hộ đồng thời giúp người Pháp hiểu biết hơn về Việt Nam. Notre Revue chỉ ra được 12 số.

Đăng Cổ Tùng Báo đóng cửa vì lý do chính-trị thì cũng vì tình hình chính-trị mà ngày 15-5-1913 người Pháp cho ra mắt tờ Đông-Dương tạp-chí mà số đầu đã có bài viết 'Vụ một trái phá' lên án người Việt Nam yêu nước đã tổ chức vụ ám sát do Việt Nam Quang Phục Hội tổ chức tại Hôtel Hanoi ngày 22-4-1913. Tờ Đông-Dương tạp-chí lúc đầu được xem như là một phụ bản của tờ Lục Tỉnh Tân Văn trong Nam và cho đến số 85 (31-12-1914) tờ báo chủ yếu nhắm chính-trị và thương mại. Từ số 86 (10-1-1915) đến số 102 (31-12-1916) tạp-chí thiên về văn-học nhiều hơn với những trang văn-học, với những truyện dịch, biên khảo về lịch-sử, giáo dục, phong tục, văn-hóa, v.v. và đây là phần đóng góp tích cực cho văn-học nước nhà. Vẫn François-Henri Schneider làm chủ nhiệm, Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút. Cùng lúc phụ trách chủ bút Đông-Dương tạp-chí, Nguyễn Văn Vĩnh quản nhiệm thêm tờ Trung Bắc Tân Văn cũng của Schneider. Năm 1919, Schneider rút lui vì già yếu, Nguyễn Văn Vĩnh toàn quyền quản lý, đã biến thành nhật báo và mua lại nhà in. Năm 1919, Đông-Dương tạp-chí trở thành Học Báo song ngữ Pháp-Việt, bài soạn theo chương trình của Nha tiểu học Bắc-kỳ, mở đường cho những tờ báo có tính sư phạm và luyện thi sau này. Cùng năm này, với Emile Vayrac, Nguyễn Văn Vĩnh mở ban tu-thư 'Âu-Tây Tư Tưởng/La pensée de l’Occident' chuyên xuất bản các tác-phẩm Pháp dịch ra Việt văn chủ yếu là của Nguyễn Văn Vĩnh. Tờ Đông-Dương tạp-chíHọc Báo qui tụ được nhiều trí thức và khoa bảng của Bắc-kỳ như Trần Trọng Kim, Nguyễn Đỗ Mục, Phan Kế Bính, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Trạc, Tản Đà, Nguyễn Hữu Tiến, Thân Trọng Huề, v.v. Dù người Pháp lúc thành lập tờ Đông-Dương tạp-chí đã có mục đích chính-trị nhưng vô tình tờ báo đã đi những bước đầu đóng góp phổ biến tư tưởng, học thuật Âu-tây và cổ truyền Đông-phương, và đã tích cực truyền bá chữ quốc-ngữ khiến sẽ được sử-dụng rộng rãi bởi các trí thức tân-học cũng như cựu-học.

Tờ Trung Bắc Tân Văn (1913-) từ 1919 biến thành nhật báo 4 trang sống đến năm 1945, với phụ trang Trung Bắc Chủ Nhật chuyên về văn-chương. Các ông Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Bá Trạc chuyên về xã luận, Nguyễn Đỗ Mục dịch tiểu-thuyết Tàu và Nguyễn Văn Vĩnh bao sân phần còn lại. Năm 1931, Nguyễn Văn Vĩnh cho ra tờ L'Annam Nouveau để làm cơ quan ngôn-luận đối đầu với tờ Nam-Phong tạp-chí trong cuộc tranh luận chính-trị với Phạm Quỳnh 'Chế độ trực trị và chế độ quân chủ lập hiến'. Nguyễn Văn Vĩnh tư tưởng duy tân cấp tiến đã đề ra chủ thuyết trực trị, trái ngược với chủ trương quân chủ lập hiến của Phạm Quỳnh, chủ trương sau này sẽ đưa họ Phạm vào Huế làm thượng thư.

Thật vậy, Nguyễn Văn Vĩnh còn là một nhà chính-trị. Ông là người luôn lên tiếng phản đối chính sách hà khắc của Pháp đối với thuộc địa, là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đã hai lần từ chối huân chương Bắc đẩu bội tinh của chính phủ Pháp ban tặng, và cũng là người đã cùng với bốn người Pháp viết đơn gửi chính quyền đông Dương phản đối việc bắt giữ cụ Phan Chu Trinh. Ông còn là người Việt Nam đầu tiên gia nhập hội Nhân quyền Pháp năm 1907, cũng là năm ông dạy ở Đông-Kinh Nghĩa Thục (Nguyễn Văn Vĩnh là người thảo điều lệ và viết đơn xin thành lập, đồng thời là giáo sư dạy tiếng Pháp, dạy viết văn và diễn thuyết), sau đó ông còn đắc cử vào Hội đồng Tư-vấn Bắc-kỳ. Vì thế cuối cùng chính quyền thuộc địa của Pháp ở Đông-Dương đã bỏ rơi ông.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, tuy vậy đã không thể kiếm sống bằng nghề báo của mình. Tòa báo và nhà in của ông vỡ nợ. Gia sản của ông bị tịch biên. Ông bỏ đi đào vàng ở Lào và mất ở đó ngày 1-5-1936 vì sốt rét, trong con thuyền độc mộc trên dòng sông Sêpôn, một tay vẫn nắm chặt cây bút còn tay kia là tập giấy đang viết dở phóng sự "Một tháng với những người đi tìm vàng". Báo giới miền Bắc bấy giờ đã phong tặng ông danh hiệu “Thủy Tổ Nhà Báo Bắc Kỳ”.

Văn viết của Nguyễn Văn Vĩnh giản dị, bình thường, có tính phổ thông, đại chúng, hay dùng thành ngữ và tục ngữ dân gian Việt Nam, tỏ ra ít ảnh-hưởng văn biền ngẫu và dùng điển tích Hán văn, và cú pháp gọn gàng, sáng sủa theo tiếng Pháp. Tự nhận mình là "Người Man di hiện đại", nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh đã có những cách nhìn mới trong những vấn đề lớn-nhỏ của đời sống xã hội, chính-trị cũng như văn-hóa. Phẩm chất "Tân Nam tử" của ông tỏ rõ cả trong việc mở chuyên mục "Nhời đàn bà" trên tờ Đăng Cổ Tùng Báo, tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Bắc kỳ và lấy bút hiệu Đào Thị Loan.

Sự cố gắng kiên trì của Nguyễn Văn Vĩnh đã góp phần rất quan trọng trong việc truyền bá kiến thức và văn hoá phương Tây trong dân Việt, và cổ võ việc dùng tiếng Việt để viết báo, viết văn. Nguyễn Văn Vĩnh là một nhà báo đa dạng : viết tin tức, xã luận, làm thơ, khảo cứu, và dịch tiểu thuyết, kịch và cả phóng sự ("Từ triều đình Huế trở về" và "Một tháng với những người đi tìm vàng" đăng trên tờ L'Annam nouveau). Ở bất cứ lãnh vực nào ông cũng đều chứng tỏ tầm nhìn xa, trình độ học thức cao rộng và nét sắc sảo như các bài viết nghị luận của ông dù tương đối ngắn nhưng nội dung phong phú đề cập đến đủ mọi vấn đề.

Một số thơ dịch của Nguyễn Văn Vĩnh rất cách tân về hình thức, có thể đã là nguồn gốc của Thơ Mới sau này. Trên Đông-Dương tạp-chí số 40 (1913), Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch thơ ngụ ngôn của La Fontaine, dịch giả đã cẩn thận báo ông dịch theo lối gieo vận của Pháp:

"Ve sầu kêu ve ve,

Suốt mùa hè.

Đến kỳ gió bấc thổi,

Nguồn cơn thật bối-rối.

Một miếng cũng chẳng còn,

Ruồi bọ không một con.

Vác miệng chịu khúm-núm

Sang chị Kiến hàng-xóm,

Xin cùng chị cho vay,

Giăm ba hạt qua ngày.

- Từ nay sang tháng hạ,

Em lại xin đem trả.

Trước thu, thề Đất Trời!

Xin đủ cả vốn lời.

Tính Kiến ghét vay cậy;

Thói ấy chẳng hề chị

- Nắng ráo chú làm gì?

Kiến hỏi Ve như vậy.

Ve rằng:

- Luôn đêm ngày,

Tôi hát, thiệt gì bác.

Kiến rằng:

- Xưa chú hát!

Nay thử múa coi đây.

(Đông Dương Tạp Chí, 1914)"

Thơ có vần ôm và số chữ đã thoát qui luật thơ Đường, đã được xem như là một cách mạng về hình thức, gần 20 năm trước khi xuất hiện bài Tình Già của Phan Khôi.

Nguyễn Văn Vĩnh đã lập ra Hội dịch sách "để dịch ra tiếng bản-quốc các sách hay của Đại pháp và của nước Tầu…. chúng tôi tin rằng: sự dịch sách có ích lợi cho dân ta lắm..." (Đăng Cổ Tùng Báo, 810, 25–7–1907). Ông còn là dịch giả tiên phong. Lúc đầu ông thường dịch các tác phẩm học thuật tư tưởng của các bậc danh sĩ nổi tiếng nước Pháp như Pascal. Về sau, ông dịch thơ, tiểu thuyết và hài kịch như thơ ngụ ngôn La Fontaine, truyện cổ tích Perrault (Truyện Trẻ Con), hài kịch của Molière (Trưởng Giả Học Làm Sang, Người Biển Lận, Giả Đạo Đức, Bệnh Tưởng), tiểu-thuyết của Emile Vayrac, của Balzac (Miếng Da Lừa), Victor Hugo (Những kẻ khốn nạn), Alexandre Dumas (Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ), Mai Nương Lệ Cốt của Abbé Prévost, Tê-Lê-Mác Phiêu Lưu Ký của Fénélon, Qui-li-ve Du Ký của J. Swift, v.v. từ tiếng Pháp sang tiếng Việt và cả chữ Hán, chữ Nôm, và dịch Nôm ra Pháp. Ông là người Việt-Nam đầu tiên dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp (trước ông đã có bản dịch của Abel del Michels - Kim Vân Kiều Tân Truyện xuất-bản năm 1884); đăng trên Đông-Dương tạp-chí trước khi in thành sách. Bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh khá đặc biệt vì ngoài việc dịch cả câu, ông còn dịch nghĩa từng chữ và chú thích rõ các điển-tích liên hệ.

Các tác-phẩm dịch thuật của Nguyễn Văn Vĩnh đã giúp cho người dân Việt Nam tiếp xúc với những tư tưởng mới, hay, của Tây phương (Luận Lý Học, Triết Học Yếu Lược, Chuyện Các Bậc Danh Nhân Hy Lạp) và cả biết đến những nét đặc sắc của văn hóa của chính dân tộc và của á-đông. Về điểm này, ông đã là một trong những người đầu tiên bắc chiếc cầu nối giữa hai nền văn hóa Đông-Tây. Văn học dịch thuật đã đóng một vai trò quan trọng và lót đường trong quá trình hiện đại hóa văn-học Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Thật vậy, phong trào dịch truyện Tàu mạnh lên từ khoảng năm 1904 với đóng góp của các truyện dịch Chinh Đông Chinh Tây, Thuyết Đường, Phong Thần, các truyện võ hiệp, ở Bắc thì có Tam Quốc Chí là tiểu thuyết dịch đầu tiên bằng chữ quốc ngữ xuất bản ở Hà Nội (Phan Kế Bính, 1907), rồi những Đông Chu Liệt Quốc, Tây Sương Ký của Nguyễn Đỗ Mục đăng trên Đông Dương tạp chí và Trung Bắc Tân-văn, các bản dịch và phiên âm truyện Hán Nôm của ta như Vũ Trung Tùy Bút, Lĩnh Nam Chích Quái, Truyền Kỳ Mạn Lục, Việt Lam Xuân Thu. Các dịch giả khác đã diễn dịch tác phẩm tiếng Pháp ra chữ quốc ngữ: Trương Minh Ký là người đi tiên phong với Truyện Phan Sa Diễn Ra Quốc Ngữ (1884) gồm truyện và thơ ngụ ngôn La Fontaine; Tê-Lê-Mác Phiêu Lưu Ký,... Trần Chánh Chiếu ký Kỳ Lân Các dịch Tiền Căn Báo Hầu (Le Comte de Monte-Cristo của Alexandre Dumas, đăng Lục-Tỉnh Tân-Văn. Ở ngoài Bắc, những tác phẩm dịch đầu tiên là của Nguyễn Văn Vĩnh và xuất hiện trên Đông Dương tạp chí; tuy nhiên, với Phạm Quỳnh và Nam Phong tạp-chí thì sự tiếp nhận văn học Pháp mới trở thành thực sự và có ý hướng, đường lối rõ ràng, nhất là về thể-loại tiểu-thuyết.

Trước Phạm Quỳnh thì đã có Nguyễn Văn Vĩnh nhưng các nhà văn-học sử thường không đánh giá đúng mức công trình của những người đi những bước tiền phong như ông. Nguyễn Văn Vĩnh không là người có công khai sáng chữ quốc ngữ nhưng là người đã cổ võ cho chữ quốc-ngữ và đóng góp rất lớn cho việc thành lập nền văn-học mới. Các tờ Đông-Dương tạp-chí, Học Báo, Trung Bắc Tân Văn đã thu hút được nhiều trí thức, nhà giáo và nhà văn và đã tạo ra được một phong trào theo đuổi làm mạnh nền văn-học chữ quốc-ngữ từ phôi thai đến vững mạnh, tự tin. Đầu thế kỷ XX, khi tờ Gia-Định Báo ra những số chót thì Nho giáo và văn học Hán-Nôm đã bắt đầu tàn tạ : Chu Mạnh Trinh mất năm 1905, Trần Tế Xương mất 1906 và Nguyễn Khuyến mất năm 1909,... đã là những đại diện cuối cùng. Văn học chữ quốc ngữ mở một chân trời mới mà những bước tiền phong, vận động, đã khởi đầu từ miền Nam 35 năm trước đó. Đến khi hai đất "ngàn năm văn vật" và thần kinh gia nhập dòng quốc ngữ, Việt Nam đã tiến đến một nền văn học mới ngày càng trưởng thành, vững vàng, với nhiều hiện tượng và biến cố hơn cả những thế kỷ văn học chữ Hán-Nôm trước đó. Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ, ảnh hưởng Pháp ngày càng mạnh và ảnh hưởng Hoa Hán ngày càng xa dần.

Với chính sách thuộc địa buộc học chữ quốc ngữ này, nếu lúc đầu đã có những người trốn tránh hoặc thuê mướn người đi học thế thì từ nay chữ quốc ngữ đã phổ cập hơn, thì đến đầu thế kỷ XX, chính người Việt dùng chữ quốc ngữ để phổ biến văn chương, văn hóa Việt Nam để giáo dục, mở mang dân trí để canh tân theo thời đại và thế giới. Và phổ biến một cách tích cực cho văn học dân tộc. Nhờ đó mà tác-phẩm thơ văn chữ Nôm được quốc ngữ hóa: truyện Kiều, Lục Vân Tiên, truyện Hoa Tiên, Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca,... từ 1903 đến 1912. Những công trình này là một đóng góp rất đáng kể, khiến người miền đất bị ngoại bang cai trị vẫn gần với kho tàng văn hóa dân tộc. Vừa bảo tồn văn hóa chung, các nhà văn hóa này còn giúp canh tân đất nước qua phương tiện tân thời của chữ quốc ngữ và các tác phẩm dịch thuật làm nhịp cầu đến gần với văn hóa và tư tưởng nhân loại. Dĩ nhiên ở giai đoạn đầu, các sách dịnh thuật đã chiếm phần quan trọng, nhất là về phần tiểu thuyết, truyện Tàu. Từ năm 1901 đến 1932, 30 dịch giả khác nhau trong Nam đã xuất bản 70 bộ truyện Tàu. Năm 1907, truyện Tam Quốc Chí do Phan Kế Bính dịch được xuất bản ở Hà Nội, đã được Phạm Thế Ngũ xem là "cuốn sách đầu tiên của văn học quốc ngữ", thật ra chỉ đúng cho miền Bắc vì chính cuốn Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký in năm 1866 mới là ấn phẩm văn xuôi đầu tiên 74 trang bằng chữ quốc ngữ được xuất bản! Giai đoạn văn học phôi thai này cũng đã có những tác phẩm nghị luận thời sự hoặc lý luận: lời sắc bén mà nội dung yêu nước cũng quyến rủ không kém, nhắm cổ động lòng yêu nước và chống thực dân. Hãy đọc đôi dòng trích từ Văn Minh Tân Học Sách (1906), một tác phẩm vô danh xuất phát từ phong trào "nghĩa thục": "Trầm ngâm suy nghĩ cho cùng, để tìm kế mở mang dân trí giữa muôn nghìn khó khăn, thì ta thấy có sáu đường: một là dùng văn tự nước nhà ...".

Từ năm 1913, người Pháp chuyển nền cai trị thực dân ra Hà Nội, lập phủ Toàn quyền, hội Khai Trí Tiến Đức (1919) mà Phạm Quỳnh là tổng thư ký, trường Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) và viện đại học, vì người Pháp đã hiểu người Nam-kỳ tuy học tiếng Pháp và có vẻ chịu đồng hóa nhưng trong thực tế người Nam-kỳ rất thủ cựu dân tộc chủ nghĩa và có thể hết còn những người trí thức và tai mắt dễ thao túng như những Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, v.v. Nguyễn Văn Vĩnh là hội viên năng động của hai học hội Trí Tri, và Khai Trí Tiến Đức. Người Pháp cho ra Đông Dương tạp-chí (15-5-1913-) rồi Nam-Phong tạp-chí (1-7-1917 đến 12-1934). Từ khi chế độ khoa cử lịch triều bị bãi bỏ năm 1915 ở Bắc và 1919 ở Trung, giới Nho học bị giao động lớn. Chữ quốc ngữ và chế độ cai trị thực dân thắng thế. Lúc đầu chế độ thực dân ép dùng chữ quốc ngữ để dễ đồng hóa dân ta bằng ngôn ngữ, bỏ thi chữ Hán cũng với thâm ý bóp nghẹt tư tưởng cần vương phục quốc trong giới sĩ phu mà lúc bấy giờ phương cách Văn thân cũng đã lỗi thời. Về giáo dục, người Pháp ra nghị định bắt dùng tiếng Pháp làm chuyển ngữ, tiếng Việt trở thành phụ, nhưng những phong trào Minh tân, Duy tân, Đông Kinh nghĩa-thục hổ trợ, vận động cho chữ quốc ngữ đồng thời gây lòng yêu nước, ảnh hưởng sâu đậm trong quốc dân và giới trí thức khiến thực dân phải cấm đoán. Những bậc sĩ phu này chỉ thu nhận những cái hay của người và liên tục nhiều thế hệ tìm cách cứu quốc và kiến quốc. Họ chủ trương dùng "giáo dục quần chúng để canh tân xứ sở" khiến thực dân Pháp bị "gậy ông đập lưng ông" bèn đóng cửa nghĩa-thục và bắt tù đày các nhà giáo! Nếu ở miền Nam từ 1865, những người cộng tác với Pháp có đầu óc khai-phóng, thức thời, đã lợi dụng để đặt nền móng cho "văn học chữ quốc ngữ", thì ở ngoài Bắc, người Pháp đã dùng báo chí Đông-Dương tạp chí, Nam-Phong tạp-chí để thực thi "sứ mạng khai-hóa" mà toàn quyền Albert Sarraut đã rêu rao - nhưng trong thực tế, ông ta biết ảnh hưởng văn hóa Trung-Hoa qua tân-thư, tân-văn nguy hiểm không thua gì hiểm nguy nước Đức, ông ta muốn trí thức Việt Nam chỉ hướng về Pháp như cứu rỗi duy nhất! Từ đây ảnh hưởng của thực dân Pháp mới thật sự xâm nhập vào nếp sống và văn chương Việt Nam! Chính sách "tầm thực" và "chia để trị" cũng bắt đầu gặp đất dụng võ! Nguyễn Văn Vĩnh khởi xướng tổng hợp Đông tây với chiêu bài "Pháp Việt đề huề", phỏng dịch văn chương Pháp ra tiếng Việt và Việt ra tiếng Pháp như Kim Vân Kiều, để lại câu bất hủ "Nước ta sau này hay dở là nhờ ở chữ quốc ngữ" (Lời tựa của cuốn Truyện Kiều). Phạm Quỳnh tiếp nối con đường của Nguyễn Văn Vĩnh, chủ trương dung hòa Đông-Tây, thu nhận hết của Tây phương về khoa học kỹ thuật, phương pháp, về tổ chức và cả triết lý, nhưng được cái ông nghĩ "hồn Việt Nam" thì riêng tư và nền giáo dục mới sẽ đào tạo người trẻ hướng về Tây phương. Cái nguy cho việc tồn vong dân tộc là mất cái hồn Việt Nam đó. Do đó ông chủ trương đồng thời bảo tồn cổ học và quốc túy. Sau nhiều năm chống Pháp bằng vũ khí, lập chiến khu như Hoàng Hoa Thám, bằng văn hóa như Đông Kinh Nghĩa Thục, ... không thành công, Phạm Quỳnh quan niệm : "Vận mệnh nước Nam là liền với nước Pháp" và chủ nghĩa quốc gia của ông trước nhất là bảo tồn tiếng Việt một cách đơn giản : "Truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn".

Nguyễn Văn Vĩnh và nhóm Đông Dương tạp chí đã sớm nhận thấy ở chữ Quốc ngữ là một thứ vũ khí lợi hại cần thiết cho dân tộc ta trong sự nghiệp phục hưng nước nhà. Trong bài "Người An-nam nên viết chữ An-nam" trên Đăng Cổ Tùng Báo số ra mắt ngày 28/3/1907, có thể xem là bài báo tiếng Việt đầu tiên của ông, Nguyễn Văn Vĩnh đã cổ võ việc dùng chữ quốc-ngữ:

“Nước Nam xưa nay vẫn có tiếng nói, mà tiếng An-nam lại hay được một điều là cả nước nói có một thứ tiếng, chữ Mán, Mọi ở nơi rừng rú không kể. Nhưng vốn chỉ có một tiếng nói, không có chữ viết; đến khi học chữ tầu, rồi mới lấy chữ tầu ghép ra thành một lối tiếng, gọi là chữ nôm. Chữ nôm tuy viết quấy quá cũng thành ra dạng chữ, nhưng không có mẹo mực gì, ai muốn viết thế nào thì viết, thường phải cao đoán mới đọc được thông. Vả, vốn trước khi có chữ nho, thì nước mình văn-chương không có, hóa cho nên vẫn gọi chữ mới ấy là nôm na, người nào có tài thường không thèm dùng đến. Học hành, luận lý, vẫn phải dùng chữ tầu; luật phép trong nước, giấy má việc quan đều dùnh chữ tầu cả. Ai không biết chữ tầu nghe như vịt nghe xấm. Một người chỉ học được một mình mà thôi. Và học được thông chữ nho thì thật là khó lắm : chữ là như dấu bịa đặt ra để viết ý nghĩ người ta, mà từ xưa nay An-nam bao nhiêu người học chữ nho, dễ hồ đã mấy người, bụng nghĩ thế nào lại viết ngay ra được thành chữ như thế? Thế ra chỉ học để ngâm-nga mà thôi. Nói cho phải, thì là chỉ học để đi thi đỗ làm quan là mãn nguyện. Than ôi! Tiếc thay! Khi nước ta mới trông thấy chữ tầu, cả nước chẳng ai có tài mà bắt chước đặt ra chữ mình theo như tiếng nói : lại phải làm ngay sự dản tiện : mượn chữ người làm chữ nhà. Rõ ra lối làm biến (sic) chỉ đợi người làm sẵn mà dùng! Thôi cũng may! Bây giờ nhờ có người phương tây đến, bầy ra chữ quốc ngữ, chắp vần theo như chữ các nước Phương Tây; có mẹo mực, ba là ba, bốn là bốn, không thể sai được mà học dễ biết là bao nhiêu! Sáng ý thì chỉ vài ngày, ngu đần thì trong một tháng cũng phải thông. Chữ quốc-ngữ có đã non một thế kỷ mà vẫn ít dùng, vì văn-chương từ trát, vẫn cứ theo lệ cổ dùng chữ nho (. ..) Nay ở Chương-trình Tân-học, nhà-nước đã định ai cũng phải học chữ quốc-ngữ, thế là một cái ơn to nhà-nước làm cho nước Nam đấy. Chữ nho hay, cũng nên học, nhưng trước hết phải thông chữ nhà. Còn chữ người học thêm cho rộng, như thể người Âu-châu, học phụ thêm chữ Hi-lạp, chữ Latin. Ông nào có tài, làm sách, làm chuyện hay bây giờ, nên làm bằng chữ quốc-ngữ. Có nhiều sách hay tất tiếng nôm cũng hóa ra hay. Ngẫm mà xem! Thơ phú đời sau dùng điển Thúy-Kiều, Nhị độ-Mai, hay là điển trong các sách hay khác, sắp làm ra, kém chi sâu-sắc bằng điển lấy trong Tứ-thư, Ngũ-kinh ". Nguyễn Văn Vĩnh lại đưa vấn đề này lên báo Đông-Dương tạp-chí năm1913: "Bản quán định đem hết những bài luận hay về các công nghệ, về việc buôn bán, dịch ra quốc văn cho người Annam được tận hưởng". Trên số 2 của cùng tạp chí, ông đã cổ động người Việt Nam học chữ Quốc ngữ để thay thế chữ Hán và chữ Nôm:

"Mở ngay tờ nhật báo này ra mà ngẫm xem bấy nhiêu điều luận trong báo, thử nghĩ: giá thử luận bằng chữ Nho thì có mấy người đọc được, mà trong những người đọc được, thì có mấy người hiểu cho hết nghĩa. Thế mà chữ Quốc ngữ, thì không những là người biết chữ Quốc ngữ đọc được, hiểu được, một người đọc cả nhà nghe cùng hiểu được, từ đàn ông cho đến các bà (không dám nói đàn bà sợ các bà quở) trẻ con cũng nghe được mà chỉ với chúng ta trong cuộc luận bàn thế sự thì có phải nó vui việc ra là bao nhiêu". Rồi trên Đông-Dương Tạp Chí số 40, trong bài “ Tiếng Annam “ một lần nữa Nguyễn Văn Vĩnh đã cổ động kêu gọi xây dựng một nền tảng quốc văn học thuật mới, với căn bản chữ quốc ngữ được xem là chữ viết của tương lai : “... Nay muốn cho văn tự nước Nam có kinh điển thì bao nhiêu những bậc tài hoa, những người có học thức trong nước phải chuyên về nghề văn quốc ngữ. Các bậc danh nho thì nên bỏ quách cái tài ngâm hộ cho người đi, chỉ học cho biết để mà nhân cái hay của người làm cái hay của mình mà thôi. Các bậc có Pháp học thì tuy rằng cái ngoại tài ấy phải chuyên làm cách tranh cạnh, làm mồi kiếm ăn, nhưng nếu muốn nhân việc lập thân mà lại có ích cho đồng bào mình thì phàm luyện được chúc tài nào của người thì cũng nên dùng quốc văn mà phát đạt nó ra cho cả người đồng bang được hưởng. Nào báo quốc ngữ, nào sách học quốc ngữ, nào thơ quốc ngữ, văn chương quốc ngữ, án ký hành trình, tiểu thuyết nghị luận, tờ bồi việc quan, đơn từ kiện tụng, nên làm toàn bằng văn chữ quốc ngữ hết cả. Cả đến những cách cao hứng vịnh đề, tình hay cảnh đẹp, câu đối dán nhà, tứ bình treo vách, câu phúng bà con, lời mừng bạn hữu, đều nên dùng quốc văn hết thảy, mà cốt nhất là phải tập lấy lối văn xuôi, diễn dịch như in lời nói cho rõ ràng, cho nhất định, phải khiến cho lời văn chương theo lời mẹ ru con, vú ấp trẻ, lời anh nói với em, vợ nói với chồng chớ đừng để cho văn chương thành ra một cách nói lối, mà tiếng nói vẫn cho là nôm na. Văn chương phải như ảnh tiếng nói và tiếng nói phải nhờ văn chương hay mà rõ thêm, đủ thêm ra. Lại còn một điều khẩn yếu nửa ra muốn cho văn quốc ngữ thành văn chương hay khỏi thành một tiếng nôm na mách qué, thì cách đặt câu, cách viết, cách chấm câu phải dần dần cho có lệ có phép, mà lệ phép thì phải theo ý nhiều người đã thuận, chớ đừng ai tự đắc lối của mình đem ý riêng ra sửa đổi thói quen”. Ngoài việc cổ võ việc dùng chữ quốc-ngữ, khi có dịp là Nguyễn Văn Vĩnh tấn công thứ văn-chương lệ thuộc chữ Hán, như khi bàn về cái hay của văn chương bằng chữ Hán, ông đã cho đó là cái “hay vô dụng” : “bất quá câu văn thú, chỉ đến rung đùi là cùng, chớ chẳng động được lòng ai, vì người đọc biết hay, mà người nghe như vịt nghe sấm vậy” (ĐDTC số 9).

Khi kết luận về Nguyễn Văn Vĩnh và nhóm Đông Dương Tạp Chí, Vũ Ngọc Phan trong bộ Nhà Văn Hiện Đại đã viết như sau : “Nguyễn Văn Vĩnh là một người rất có công với quốc văn ... là vì ông đã đứng chủ trương một cơ quan văn học vào buổi mà đối với văn chương, mọi người còn bỡ ngỡ. Ông lại hội họp được những cây bút có tiếng, gây nên được phong-trào yêu mến quốc văn trong đám thanh niên trí thức đương thời ... (về Đông-Dương Tạp-Chí) Người Tây học có thể thấy trong đó những tinh-hoa của nền cổ-học Trung-Hoa mà nước ta đã chịu ảnh-hưởng tự lâu đời; người Hán học có thể thấy trong đó những tư tưởng mới của Tây phương là những tư tưởng mà người Việt-Nam ta cần phải biết rõ để mà thâu thái. Những bài bình luận, những bài tham-khảo về Đông-phương và về Tây-phương đăng liên tiếp trong Đông-Dương Tạp-Chí, ngày nay giở đến, người ta vẫn còn thấy là những bài có thể dựng thành những bộ sách biên tập rất vững vàng và có thể giúp ích cho nền văn học Việt-Nam hiện đại và tương-lai “ (Bản Thăng Long Sài-Gòn 1961, Tập I, tr. 169).

* * *

Sau hơn ngàn năm (bốn lần) Bắc-thuộc, nước Việt Nam đã chìm đắm trong văn-hóa Bắc-thuộc, từ tổ chức chính trị, luật pháp, xã hội đến ngôn-ngữ và sinh hoạt văn-học nghệ-thuật. Hãy gọi giai đoạn này là Bắc-thuộc để phân biệt với thực dân Pháp, dù cả hai đều là thực-dân với mục đích 'cao đẹp' là 'khai hóa' (hay 'bảo hộ') toàn là mỹ từ nhưng thực ra họ đều muốn làm chủ, thống trị và chi phối quốc-gia thua kém. Mỗi thực dân (Trung-Hoa, Pháp) có những mưu đồ khác nhau do nguồn xuất phát địa lý và văn-hóa. Người Hán (rồi Hoa) và Pháp cuối cùng đều rút quân đội và guồng máy cai trị khỏi Việt Nam nhưng thực-dân văn-hóa vẫn ở lại qua nhiều hình thức và quá sâu đậm khiến nay thế kỷ XXI đã là thời của hiện đại Âu-Mỹ (với những hình thức thực-dân mới !) mà phần lớn trí thức và sĩ phu vẫn không thoát-ly được và hơn nữa, vẫn thần phục và 'cõng rắn cắn gà nhà' (biên giới Lạng Sơn và các đảo Hoàng Sa!). Dưới thời Bắc-thuộc, đã có những nỗ lực vươn lên chứng tỏ thực lực dân tộc với những Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, v.v. nhưng vẫn chưa vượt thoát được sự lệ thuộc Bắc-thuộc đó, qua ngôn-ngữ sử-dụng, điển tích, tứ, ý và thể-loại văn thơ, v.v. Ngay từ đầu thời thuộc địa Cochinchine, ở miền Nam lục-tỉnh đã có những nỗ lực canh tân, hiện đại hóa đất nước. Khác với thời 'văn-hóa chung' Nho giáo (và Phật giáo) trước đó, văn-hóa (và phó sán văn-học, văn minh vật chất, ..) nay khác hẳn, như là một đoạn tuyệt với thế giới cũ lịch-triều. Như vậy có thể xem những nhà văn hóa tiên phong này đã mở một kỷ nguyên Hậu Bắc-thuộc, nhưng không phải dễ vì ảnh-hưởng Bắc-thuộc hãy còn quá nặng và có thể xem như xã hội Việt Nam khi người Pháp đến, đã là một chư hầu về văn-hóa của Trung quốc hay nói cách khác, Ta và Người đã nhập làm một. Nhiều nhà văn đã sử dụng chữ quốc ngữ và phương tiện tiểu-thuyết, thể-loại của Âu-tây để tiếp tục một thứ văn-hóa Bắc thuộc nhưng cũng có những nhà văn như Hồ Biểu-Chánh tiến xa hơn, làm một tổng hợp văn-hóa (syncrétisme) qua tác-phẩm của mình, có thể xem như là một nỗ lực vươn ra ngoài khuôn khổ văn-hóa Tây thuộc? Sĩ phu và trí thức Việt-Nam khi mở trường Đông-kinh nghĩa thục và khơi động các phong trào Duy tân đầu thế kỷ XX, một trong những mục đích hàng đầu là về văn hóa, là làm sao hiện đại hóa đất nước song hành và hỗ trợ công cuộc chống thực dân Pháp. Đối mặt với sự xâm nhập và bành trướng của chủ nghĩa thực dân, tân thư và giáo dục đã được đề cao đúng mức, chữ quốc ngữ đã được sử dụng như một phương tiện để hiện đại hóa đất nước. Nhưng tư tưởng nền tảng vẫn là chống đuổi thực dân, muốn một Hậu Tây-thuộc dân chủ, hiện đại. Từ đầu thế kỷ XX, Phan Bội-Châu, Trần Chánh Chiếu và các sĩ phu Duy tân, Đông-du (sau những Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trường Tộ, v.v. của thế kỷ trước) đã thất vọng về những cái gọi là 'truyền thống', là ảnh-hưởng Nho học đều là những tàn tích Bắc-thuộc, do đó đã nỗ lực hiện-đại, Âu-hóa đất nước và con người qua Tân thư và con đường Nhật-bản, nhờ vì ý thức dân tộc ngày càng rõ với giới sĩ phu. Nguyễn Văn Vĩnh là một trong những bậc sĩ phu đó!

Mặt khác, ngôn-ngữ (Hán, Anh, Pháp, v.v.) đã là phương tiện của quyền lực của các đế quốc, thực dân đặt lên đầu lên cổ dân thuộc-địa hay bị trị. Do đó các dân tộc cựu thuộc địa phải biết tận dụng ngôn-ngữ của đế quốc (và tiếng Anh của đế quốc Internet) để hội nhập/đáp ứng với điều kiện của quốc-gia mình và để kiến dựng một nền văn-học quốc-gia độc lập như Hoa-kỳ, Úc, Gia-nã-đại, Ấn, ... đã làm. Phóng tác, phỏng dịch, dịch thuật nói chung là một nghệ thuật, một công trình văn-hóa. Dịch khởi từ văn-hóa, của cả hai văn-hóa - gốc và dịch. Dù sao thì các nền văn-hóa đều mang tính lai căng vì từng nhận chịu nhiều ảnh-hưởng, đồng hóa, trao đổi, do đó cần một chuyển đổi liên tục mới lột trần được tình cảm và phụ thuộc văn-hóa. Từ đó dễ hiểu tính tổng hợp và pha trộn (syncrétisme) mà các nền văn hóa đều có.

Chữ quốc-ngữ đã tác động đến tư duy và ảnh hưởng lên đời sống văn hóa! Chữ quốc-ngữ, một trớ trêu của lịch sử, đã là phương tiện để phát triển văn hóa, khai mở một nền văn học mới, mà còn chứng tỏ là khí-cụ thống-nhất ngôn ngữ và văn tự, từ ải Bắc đến mũi cực Nam. Sự hình thành và sự sử-dụng của chữ quốc-ngữ như là ngôn-ngữ hành chánh đã trở thành văn tự của Việt Nam và đã đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành một nền văn-học mới từ nửa cuối thế kỷ XIX bắt đầu từ miền Nam. Đây là điểm quan trọng vì trước đó Việt Nam ta qua bao thế kỷ đã không thoát được tình trạng Bắc thuộc về văn-hóa và không có một văn tự riêng có tính quốc gia và phổ quát - vì ngay cả chữ Nôm cũng chỉ có một thiểu số sử-dụng được và cũng không là một văn tự thống nhất. Trong khi đó, nước Nhật và các quốc-gia Âu-tây xuất phát từ chữ la-tinh đã hình thành được văn tự riêng và từ đó bước những bước nhảy vọt. Hãy thử tưởng tượng nếu không có chữ quốc-ngữ thì Việt Nam ta đang ở đâu?

Nguyễn Vy Khanh (27-2-2009)

Nguyễn Vy Khanh

