Thơ văn Bạch Đào

12-7-2017

Riêng tặng Hồng Nhung cùng những ai đã và đang còn có mẹ!

*****

Mẹ Hồng Nhung vừa qua đời . Tin báo trên fb, trên đt. Những dòng tin nhắn chia buồn tiếp nối. Cho người ra đi siêu thoát. Cho người ở lại bình tâm. Tất cả rồi sẽ qua đi... Chỉ duy nhất một thứ còn đọng lại . Với Hồng Nhung. Và với những ai không còn mẹ : Sắc trắng của hoa hồng! Mỗi mùa vu lan từ đây sẽ không còn được cài hoa đỏ trên ngực áo...

Mùa vu lan rồi bạn cài màu hoa nào?

Có cảm thấy se lòng, cay mắt khi màu hoa trắng làm bạn nhớ màu tóc thưa ngày xưa của mẹ? Có cảm thấy thiếu thốn không gì bù đắp khi không còn ai để chăm sóc, nâng niu? Có cảm thấy trống trải tột cùng khi bất chợt gặp món ăn ngày xưa mẹ thích, giờ không biết mua cho ai?..

Có khi nào bạn chợt nhận ra mình là kẻ vô tâm, khi đã từng không trân trọng màu hoa đỏ? Bạn đã thấy phiền lòng vì chứng than vãn của người già? Bạn đã bực bội vì phải trả lời những mươi lần cho một câu hỏi không đâu của mẹ? Bạn đã cằn nhằn khi mẹ làm rơi vãi thức ăn? Bạn đã từng thấy "ghê ghê" khi mẹ đi vệ sinh không tự chủ?... Rồi sẽ có lúc bạn cũng như mình. Hối tiếc vì đã để vuột mất niềm hạnh phúc lớn lao : còn có mẹ! Để chăm sóc. Để thương yêu. Đơn giản hơn, chỉ để được gọi tiếng "mẹ", tiếng "má"... Tiếng gọi đầu tiên khi mình còn bâp bẹ học nói. Tiếng gọi cầu cứu khi mình đớn đau. Tiếng gọi chia sẻ khi mình hạnh phúc...

Màu hoa đỏ không chỉ thắm sắc ngoài ngực áo. Nó còn là màu của sự luân chuyển yêu thương. Hạnh phúc biết bao khi nhịp tim bên trong hòa ca cùng màu hoa đỏ bên ngoài. Và đau xót làm sao khi tim mình vẫn đập mà không làm thắm nổi sắc hoa ngoài ngực áo!...

Không thể giữ màu hoa đỏ thành vĩnh cửu, bạn hãy cùng mình nhuộm thắm màu hoa ấy ở mỗi ngày trong hiện tại. Bằng tất cả tình thương yêu, sự trân quý dành cho cả hai đấng sinh thành, bạn nhé!

-------------------------------------------------

6 Jan 2017

Mừng Ngọc Khiết "xuống núi"!

"Sống là một hành trình đi dần đến cái chết".

Không nhớ mình đã đọc câu này ở đâu. Đơn giản nhưng chí lý vô cùng!

Có lẽ đây là hành trình duy nhất mà khách lữ hành không đợi mong chặng cuối.

Dù các bậc trí giả có vỗ về rằng chặng cuối là "nhà", rằng "sinh ký, tử quy" thì đích đến của hành trình độc nhất vô nhị này vẫn khiến người ta e dè, khiếp sợ. Có niềm vui "trở về" nào lại được chào đón bằng hoa không màu và nụ cười thì vắng bóng?... Cho nên, thuốc trường sinh bất tử, thuật cải lão hoàn đồng đâu phải ngẫu nhiên mà nằm trong danh sách "ưu tiên một" của con người. Từ bậc đế vương đến kẻ dân thường có ai không băn khoăn: ăn gì để sống lâu, uống gì để trẻ mãi...

Và "mỗi sớm mai", khi nói lời "cảm ơn" cuộc đời vì "có thêm ngày nữa để yêu thương", chắc hẳn ai đó cũng có nỗi phập phồng vì ngày vui qua mau, vì mỗi thời khắc của hành trình đều có thể là chặng cuối!

Có lẽ đấng tạo hóa cũng muốn an ủi loài người, nên trên hành trình đó, ngài đã sắp sẵn cho họ các cuộc hội ngộ? Vì có những gắn bó giữa người này với người khác chỉ có thể lý giải bằng thiên định. Nếu không phải vậy thì sao trong hằng hà số người, mình chỉ "phải lòng" có một. Nếu không phải vậy thì sao một người cứ lặng lẽ lướt qua chính mình đến gần nửa cuộc đời, mới chịu ồn ào dừng lại bên cạnh môt người, chỉ sau khoảnh khắc tương tri. Nếu không phải vậy thì sao những tâm hồn tri kỷ vẫn tìm thấy nhau, dù góc biển chân trời...

Nhưng con người còn thông minh (hay tham lam) hơn cả tạo hóa. Họ không chỉ thụ động chờ đợi các cuộc hội ngộ thiên định. Họ còn chủ động bày ra những cuộc tao phùng, với hoa đủ màu và nụ cười đủ kiểu... Hoa ngát hương trên bàn tiệc, hoa thắm sắc trên váy áo. Phong phú hơn cả là các kiểu cười. Người nhu mì cười nhẹ. Người hoạt bát cười to. Người rụt rè cười mỉm. Người năng động cười giòn. Ngạc nhiên là người đạo mạo lại cười kha khả. Và đáng mừng là người âm thầm như "mặt trời đêm" cũng góp nụ cười sáng trưng như ban ngày...

Trên các chặng đường đi dần đến trạm cuối không mong đợi đó, mỗi cuộc tao phùng như môt trạm dừng chân dưỡng sức, tiếp thêm "nhiên liệu". Năng lượng được nạp đầy từ những mẩu chuyện không đầu không đuôi. Bộ mặt của con gián Tân Thắng. Lời giải đối Kê Gà. Công dụng làm đẹp của trái khổ qua. Bí quyết nấu chè môn cung đình. Cuộc "thi" tìm "giong ải giọng ai" ..."Pin" còn được "sạc" từ một cái ôm choàng, một cái siết tay, một ánh mắt rưng rưng hay một nụ cười rạng rỡ... Tất thảy đều chứa đựng một sự thấu cảm mà chỉ người trong cuộc mới nhận ra.

Không phải người thích rượu nhưng mình thích cách người ta so sánh " tình thâm giao như rượu quý, càng cổ xưa càng dịu ngọt". Cũng không biết rượu lâu năm quý như thế nào, nhưng mình biết tình thâm giao được đem ví von với nó dịu ngọt ra sao, khi bạn siết chặt mình trong tay ngày hội ngộ!...

Vậy thì bạn mình ơi, hoan nghênh bạn " xuống núi"! Và ở lại luôn "dưới này" để mỗi ban mai mình còn tính chuyện "hẹn hò" nhé bạn!

BĐ.

--------------------------------------------------------------------------------

18 dec 2016

Thưa cô Huyên, cùng các bạn,

Kỷ niệm một thời cắp sách, đối với nhiều người, luôn gắn liền với hình ảnh người thầy (cô) đầu cấp một. Người đầu tiên cầm tay mình nắn nót những chữ cái đầu tiên...

Em thì không nhớ chút gì về cô (thầy?) giáo đầu tiên của thời tiểu học. (Cũng không hiểu tại sao mình lại "vô ơn" vậy!). Nhưng lại không quên chút gì về cô giáo đầu tiên của thời đại học.

Đó là cô. Ấn tượng sâu đậm về cô, chính là sự dịu dàng, mẫu mực. Dịu dàng từ ánh mắt, nụ cười, giọng nói, dáng đi. Biết cô từ đó đến giờ, cũng không phải là học trò ngoan giỏi, nhưng em chưa bao giờ nghe cô cao giọng rầy la, cũng chưa bao giờ thấy cô nhíu mày trách cứ... Về sự mẫu mực của nhà giáo, cô mãi mãi là "tượng đài" trong lòng em ( và chắc cũng là vậy trong lòng nhiều học trò khác nữa!).Từ ngôn phong đến tác phong, lúc nào cô cũng thể hiện sự chỉn chu đến tuyệt đối. Ai đã từng nhìn thấy nét chữ của cô , dù là viết trên bảng hay trên gíấy, cũng không thể không ồ lên ngạc nhiên thán phục, vì sự vuông vức đều đặn như máy in của từng con chữ.

Trang phục lên lớp nghiêm túc đã đành, những lần đến thăm cô ở nhà mới thấy kinh ngạc, khi 1 đứa học trò nhỏ như em lại được cô đón tiếp trong bộ quần tây, áo chemise dài tay, cài luôn manchette. Lúc nào cô cũng hết sức cẩn trọng trong giao tiếp ứng xử với mọi người. Đây là điều em học mãi ở cô, từ lúc mới ra trường cho đến khi là cô giáo đã về hưu mà vẫn chưa học được. Theo lẽ thường, người ta hay tự cho phép mình được "xuề xoà" một chút với những người quen thân. Cô thì không như vậy!...

Cũng theo lẽ thường, người ta hay ái ngại khi tiếp xúc với một người quá mẫu mực, nghiêm túc .Vì e rằng bên cạnh người đó, mình sẽ không tránh khỏi những sơ suất, lỗi lầm; cho nên phải "gồng mình" lên cho hoàn hảo để rồi cuối cùng, mệt mỏi vì sự "gồng mình" đó. Nhưng sự mẫu mực, nghiêm túc ở cô không gây cho em cảm giác đó.

Từ trong cô luôn toát ra được sự chân tình, sự tận tụy với người và với nghề. Tiếp xúc với cô, người ta không chỉ thấy mình được tôn trọng mà còn thấy mình được yêu thương.

Như cách cô chăm chút cho kế hoạch họp mặt lần này đến từng chi tiết. Từ việc lựa chọn không gian điểm hẹn, cách thức bày trí bàn tiệc, phân công thực đơn, đề xuất trò chơi đổi quà (tiếc là không thực hiện được), lên kế hoạch trong âm thầm cho sinh nhật của K .Hoàn lẫn N. Hương... cho đến việc chuẩn bị phương thức di chuyển bằng taxi cho các bạn nữ và thậm chí còn sắp xếp nơi ở lại lẫn đi về của T.Trang...

Đó là việc cô chuẩn bị từ khi chưa về VN. Vào tiệc, càng thấy ngưỡng mộ sự chu đáo của cô. Không chỉ tỉ mẫn bày trí món ăn, cô còn chuẩn bị luôn cả vật dụng để đựng thức ăn mang về khi tàn tiệc, từ hộp xốp cho đến túi nylon..

Kể cả lúc H. Nhung thích chụp hình hết chỗ này rồi chỗ kia, cô cũng kiên nhẫn "thích chỗ nào để cô chụp cho". Nhìn cô lúc đó giống hệt người mẹ đang nuông chìu đứa con nhỏ của mình vậy. Tràn đầy bao dung lẫn yêu thương! Mà tình yêu thương vốn dĩ là chất keo gắn bó người với người bền chặt lắm! Cho nên ngày gặp lại nhau, dường như không có sự bỡ ngỡ của cuộc chia xa mấy chục năm giữa cô và trò...

Cuộc họp mặt lần này với tụi em có một chút khác biệt so với các bạn ở bên kia đại dương. Tụi em không có món quà vật chất nào để mọi người cùng ký tên vào đó làm kỷ niệm với cô. Món quà tinh thần mà tụi em lúc nào cũng muốn trân trọng trao tặng cô, đó là lòng biết ơn , sự kính trọng và tình yêu thương của những đứa học trò, đã có diễm phúc được gọi cô là cô giáo!

Cô giáo chủ nhiệm của tụi em! Cô của tụi mình , phải không các bạn?

Thương kính,

Em, Bạch Đào.

-----------------------------------------------------------------------------

Em có bài thơ "con cóc" xin đươc tặng cô Huyên và các bạn!

TÌNH ĐẦU ?

Tụi em có phải "tình đầu"

Mà sao cô nhớ "làu làu" cô ơi?

Nhớ từ kiểu tóc, nụ cười

Nhớ tên bài hát, nhớ lời dịch văn

Nhớ câu từ biệt ân cần

(Tiễn người" thượng lộ bình an" năm nào)

Da ai trắng, dáng ai cao

Sôi nổi, trầm tính người nào tên chi...

Thời gian, khoảng cách sá gì

Mươi năm ngoảnh lại, tức thì hôm qua

"Tình đầu" đâu dễ phôi pha

Duyên nay hạnh ngộ đậm đà duyên xưa!

8-8-2016

-------------------------------------

Thưa cô Huyên, cô Mai Anh cùng các bạn,

Mấy hôm nay nghe cô Huyên và các bạn hào hứng chuẩn bị cho buổi họp mặt làm em nôn nao quá, nên dù rất "timide" cũng xin tham gia "từ xa".

Thưa cô Mai Anh, em là Bạch Đào (không dám mong cô còn nhớ, vì em không có gì đặc biệt).Em rất vui khi được biết tin cô, được nhìn thấy cô vẫn khỏe và trẻ như ngày xưa. Vui nhất là được nghe lại giọng nói của cô! ( Em đã rất "mê" giọng cô trong những giờ E. de texte!). Em mong cô vẫn mãi như vậy, "trẻ mãi không già"!

Lần trước, cô Huyên có hỏi 5 chú lùn còn lại là ai. Hôm nay, em xin trả lời. (Em xin lỗi về sự muộn màng này, nhưng vì em lỡ bị phân vai 'Timide"rồi!). Ngoài hai bạn T.Nhã, Mai Khôi, còn có T.Nguyệt, H.Nhung, 2 bạn nữa (hình như là N.Dung và N.Khiết thì phải) và em.

Nhớ lại ngày đó thật vui. Không biết ai là đạo diễn của vở kịch, phân cho em đóng một vai và vai này đi theo em luôn đến giờ: Timide. Có một kỷ niệm mà mỗi khi nhớ lại, em càng thấy thương thầy Tiến (đã qua đời). Cuối vở kịch, có màn khiêu vũ để mừng đám cưới của B.Tuyết và hoàng tử. Những người chưa biết điệu Valse như em và vài bạn khác được thầy dạy cho vào những lúc rảnh. Khi được "tiếp cận" thầy, mới thấy thầy cực khổ như thế nào với mấy đứa "nhà quê" như em, lần đầu học "nhảy đầm". Lưng áo thầy ướt đẫm , mặt thì từ đỏ bừng vì trưa nắng chuyển sang tái xanh vì mệt và đói. Vậy mà tụi em thì bước phải, bước trái vẫn chưa xong. Cho nên lúc diễn đến màn cuối, trong khi mọi người mềm mại lướt valse thì em lại móc khuỷu tay một bạn (giờ không nhớ bạn nào) và cả hai cùng nhảy...lò cò!

Ngày họp mặt của hai cô và các bạn vẫn chưa tới. Vậy mà em chỉ tưởng tượng thôi cũng đủ thấy vui rồi!

Chúc cô Huyên, cô Mai Anh, anh chị Cường và các bạn thật nhiều sức khỏe để cười thật nhiều!

8-8-2016