Hội thảo khoa học lần 2 khoa CKCT- "Công nghệ chế tạo vật liệu trong môi trường siêu tới hạn"

Post date: Dec 07, 2013 4:14:39 PM

Chiều ngày 02/12/2013, Khoa Cơ khí Chế tạo đã tổ chức Hội thảo khoa học lần thứ 2 với chủ đề "Công nghệ chế tạo vật liệu trong môi trường siêu tới hạn". Hội thảo nhằm thống kê, tổng hợp, đánh giá các kết quả đã đạt được từ năm 2002 đến nay về khả năng ứng dụng công nghệ siêu tới hạn để chế tạo vật liệu.

Hội thảo được tổ chức tại Hội trường khoa Cơ khí Động lực. Về dự hội thảo, đại biểu khách mời gồm:

TS. Dương Công Hiệp – P. Hiệu trưởng Trường ĐH SPKT Vinh

PGS.TS Lê Thế Vinh – Trưởng phòng Đào tạo

TS. Lương Thanh Bình – Trưởng Khoa Điện

TS. Lê Thái Sơn – Trưởng phòng HCTH-QT

ThS. Phạm Hữu Truyền – Trưởng Khoa Cơ khí động lực

Về phía đơn vị chủ trì, Khoa Cơ khí chế tạo có Ban chủ nhiệm khoa cùng toàn thể các giáo viên trong toàn khoa tham dự hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Th.S Đậu Phi Hải – Trưởng Khoa Cơ khí chế tạo đã nêu bật được tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học đối với mỗi giảng viên và những khó khăn gặp phải khi tham gia nghiên cứu khoa học. Trong phần phát biểu ý kiến chỉ đạo, TS. Dương Công Hiệp đã có những ý kiến định hướng phát động phong trào nghiên cứu khoa học của nhà trường, tăng cường các hoạt động có chiều rộng và chiều sâu.

Trên vai trò là người báo cáo T.S Nguyễn Văn Cường – P. Trưởng khoa Cơ khí chế tạo đã giới thiệu về công nghệ siêu tới hạn CO2 và phát minh ứng dụng công nghệ này để chế tạo vật liệu. Theo đó, công nghệ siêu tới hạn CO2 được giáo sư người Nhật bản, Masato Sone, Viện công nghệ Tokyo phát minh năm 2002. Bước đầu, các kết quả nghiên cứu về công nghệ mạ trong môi trường siêu tới hạn CO2 đã chứng minh tính ưu việt của nó. Kết quả lớp mạ có độ cứng tế vi lên đến gần 800HV, cao gấp đôi độ cứng của lớp mạ truyền thống. Lớp bề mặt nhẵn bóng, chịu mài mòn/ăn mòn cao, ứng suất bền tới hạn cao, khả năng thâm nhập vào các khe hở khi mạ cao,.. là các đặc điểm ưu việc khác của sản phẩm mạ từ công nghệ này. Cho đến nay, đang có 5 nhóm các nhà khoa học trên thế giới tập trung nghiên cứu công nghệ siêu việt này, các quá trình thực nghiệm đang chú trọng vào các quá trình mạ Vàng, Đồng và Nickel. Đến tháng 11/2013 đã có hơn 20 bài báo SCI đã được đăng tải, các kết quả nghiên cứu đều được công bố trên các tạp chí hàng đầu thế giới.

Nghiên cứu ứng dụng phát minh về công nghê sau siêu tới hạn CO2 vào các quá trình mạ, phun phủ, MQL là chủ đề thứ 2 báo cáo trong Hội thảo lần này. Theo đó, bằng việc ứng dụng dung dịch sau siêu tới hạn CO2, nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Công nghệ quốc gia Đài bắc, Đài loan đã chế tạo được lớp vật liệu mạ nickel có lớp bề mặt phẳng, nhẵn, độ cứng lên đến 650HV ở điều kiện áp suất khí quyển. Kết quả này đạt được chỉ bằng việc sử dụng dung dịch mạ Watts (gồm NiSO4.6H2O, NiCl2.6H2O, H3BO3) tinh khiết, không sử dụng thêm bất kỳ phụ gia nào. Với điều kiện này, công nghệ mạ sau siêu tới hạn hứa hẹn sẽ chế tạo được các loại vật liệu mạ cho các sản phẩm làm việc trong các môi trường khắc nghiệt vì tính bền nhiệt của chúng.

Sau phần báo cáo khoa học là phần chia sẻ kinh nghiệm của PGS.TS Lê Thế Vinh, TS. Nguyễn Văn Cường về bố cục và cách trình bày một bài báo khoa học cũng như cách đánh giá, xếp loại một công trình khoa học (SCI, SCIE).

Các ý kiến tham luận trong phần thảo luận của hội thảo đều tập trung vào cách tổ chức một hội thảo khoa học có hiệu quả, tính thực tiễn của đề tài khoa học được báo cáo trong hội thảo, các phương pháp nghiên cứu khoa học, thành lập nhóm nghiên cứu khoa học của nhà trường, …

Phát biểu kết luận hội thảo, Th.S Trần Văn Cách – P. Trưởng khoa Cơ khí Chế tạo một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học, sự cần thiết phải tổ chức các cuộc hội thảo khoa học một cách thường xuyên để kích thích phong trào nghiên cứu khoa học trong toàn khoa và trong toàn trường, đặc biệt là sự tham gia của các giảng viên trẻ trong công tác nghiên cứu khoa học. Hy vọng qua cuộc hội thảo khoa học do Khoa Cơ khí chế tạo tổ chức sẽ truyền được cảm hứng, tinh thần say mê nghiên cứu khoa học trong Khoa nói riêng và trong toàn trường nói chung.