Lãnh đạo cấp độ 5, điều kiện đủ cho bước phát triển nhảy vọt "good to great"

Post date: Nov 2, 2012 7:14:05 AM

Người lãnh đạo dù ở cấp độ nào cũng có những đóng góp quan trọng và là đầu tàu kéo cả công ty tiến về phía trước. Trong tác phẩm kinh điển về quản trị Từ tốt đến vĩ đại (Good to Great), tác giả Jim Collins đã trình bày một cách rõ ràng và súc tích những cấp độ năng lực mà một nhà lãnh đạo cần đạt đến, để qua đó, không chỉ giúp tổ chức của mình phát triển “tốt” mà còn nhảy vọt lên tầm “vĩ đại”.

Darwin E. Smith, hình mẫu điển hình của nhà lãnh đạo cấp độ 5

Năm 1971, công ty Kimberly-Clark bất ngờ bổ nhiệm Darwin E. Smith vào vị trí Tổng Giám đốc. Đây là quyết định bất ngờ đối với cả các thành viên trong hội đồng quản trị của công ty bởi Kimberly-Clark thời đó là một công ty giấy già nua và nặng nề, giá cổ phiếu của công ty đã giảm 36% trong suốt 20 năm trước đó trong khi Smith lại chỉ là một vị luật sư điềm đạm, khiêm tốn, ít khi bộc lộ năng lực lãnh đạo ra bên ngoài. Thế nhưng, không chỉ trụ vững ở chiếc “ghế nóng” Tổng giám đốc trong suốt 20 năm sau đó mà dưới sự lãnh đạo của Smith, Kimberly-Clark tăng trưởng vượt bậc, trở thành công ty sản xuất giấy tiêu dùng hàng đầu thế giới với giá cổ phiếu tăng gấp 4,1 lần so với những cổ phiếu tên tuổi trên thị trường như Hewlett-Packard, 3M, Coca-Cola và General Electric.

Những ai từng nhìn vào vẻ ngoài điềm đạm của Smith mà cho rằng ông là mẫu lãnh đạo yếu đuối đã mắc sai lầm nghiêm trọng. Đằng sau sự khiêm nhường ấy là một quyết tâm sắc đá và một ý chí vô cùng mạnh mẽ, sẵn sàng chinh phục bất kỳ khó khăn gian khổ nào trong cuộc sống.

Smith lớn lên ở một nông trại vùng Indiana, ông tham gia lớp học ban đêm tại Đại học Indiana bằng tiền kiếm được việc làm vào ban ngày. Một ngày nọ, dù bị mất một ngón tay khi đang làm việc, ông vẫn đến lớp học vào tối hôm đó và tiếp tục đi làm vào sáng hôm sau. Cuối cùng, Smith được nhận vào trường luật Harvard. Hai tháng sau khi trở thành tổng giám đốc, bác sĩ chẩn đoán ông bị ung thư mũi họng và chỉ có thể sống thêm được không tới 1 năm. Ông đã thông báo với hội đồng quản trị về căn bệnh của mình nhưng kèm theo đó, ông nói mình chưa có ý định chết sớm. Smith vẫn tuân thủ lịch làm việc dày đặt trong khi hằng tuần vẫn vượt qua khoảng 1.500 km từ Wisconsin tới Houston để xạ trị. Và ông đã sống thêm được 25 năm.

Trong vai trò lãnh đạo Kimberly-Clark, ông kiên quyết bán các nhà máy sản xuất giấy phủ (do giá trị kinh tế thấp và khả năng cạnh tranh kém) và dồn mọi nỗ lực vào hàng tiêu dùng (đầu tư cho nhãn hàng tã giấy Huggies và khăn giấy Kleenex) mặc cho các hãng truyền thông gọi bước đi này là ngu ngốc và các nhà phân tích chứng khoán Phố Wall đánh giá thấp cổ phiếu của Kimberly-Clark. Sau cùng, đây chính là quyết định ấn tượng nhất trong lịch sử Công ty và 25 năm sau, Kimberly-Clark đã sở hữu Scott Paper và đánh bại Procter & Gamble ở 6 trong số 8 mặt hàng giấy tiên dùng.

Nhận xét về hình mẫu nhà lãnh đạo cấp độ 5, tác giả Jim Collins cho biết: “Những nhà lãnh đạo cấp độ 5 hướng cái tôi ra khỏi cá nhân họ, đi vào mục đích lớn hơn là xây dựng công ty vĩ đại. Không phải những nhà lãnh đạo này không có cái tôi hay quan tâm đến bản thân mình, trên thực tế, họ cực kỳ tham vọng, nhưng tham vọng của họ trước hết là vì công ty, chứ không phải vì bản thân.

Phác họa chân dung nhà lãnh đạo cấp độ 5

Một lãnh đạo đưa công ty trở thành công ty vĩ đại nhưng khi ông ta ra đi thì công ty dần sụp đổ thì sẽ là người lãnh đạo cấp độ 4. Người lãnh đạo cấp 5 biết đặt quyền lợi của công ty lên trên hết, lo lắng đưa công ty lên vĩ đại và tiếp tục vĩ đại ngay cả khi ông ta không còn làm ở đó nữa. Những người kế nhiệm một nhà lãnh đạo cấp độ 5 sẽ tận hưởng được rất nhiều lợi thế.

Nhà lãnh đạo cấp độ 5 là sự kết hợp của sự khiêm tốn và ý chí. Người lãnh đạo cấp độ 5 giúp một công ty từ sắp phá sản trở thành một công ty đứng đầu nhưng rất ngại nói về mình, không coi mình là người giúp công ty trở lên vĩ đại. Mô hình “Cửa sổ và gương soi” là minh họa rõ nhất cho đặc điểm này. Những nhà lãnh đạo cấp độ 5, vốn khiêm nhường, nhìn ra cửa sổ để lý giải cho sự thành công của mình. Họ lý giải sự thành công của mình là do may mắn, do các yếu tố bên ngoài tạo ra. Đồng thời, họ nhìn trong gương để nhận trách nhiệm, không bao giờ viện dẫn lý do không may mắn hay yếu tố bên ngoài khi mọi việc trở nên tồi tệ. Ngược lại, các giám đốc điều hành ở các công ty thường nhìn ra cửa sổ tìm kiếm các yếu tố để đổ lỗi nhưng lại tô vẽ thêm trong gương để tin tưởng vào chính mình khi mọi thứ tiến triển tốt.

Một nhà lãnh đạo cấp độ 5 có quyết tâm tới cao độ gần như là khắc khổ để đưa công ty tới vĩ đại. Họ ghét sự tầm thường, luôn muốn một công việc phải được thực hiện một cách vĩ đại, họ không chấp nhận những cá nhân chỉ chấp nhận tốt là được. Họ sẵn sàng đuổi việc cả anh em mình, bán mọi thứ miễn là biến công ty trở thành vĩ đại.

Theo tác giả Jim Collins: “Rất ít khi nhà lãnh đạo cấp độ 5 xuất hiện trên vị trí cao nhất của các tổ chức bởi quy trình tuyển dụng hiện tại không đủ sức phát hiện ra những tố chất tiềm ẩn trong những con người này. Phát hiện và bồi dưỡng nhân tài để họ đạt đến cấp độ này là điều không thể đảm bảo nhưng ít nhất, niềm cảm hứng khi nhìn vào những nhà lãnh đạo cấp độ 5 như Darwin Smith cho ta một cái đích cụ thể để khởi đầu.”

(Nguồn: Sách “Từ tốt đến vĩ đại” của tác giả Jim Collins)