Vincent Liem

English Version

THÁNH VINH SƠN LIÊM

Linh Mục Dòng Đa Minh, Tử Đạo (1773)

Quan Thầy Phụ Tỉnh

Ngày lễ: 07 tháng 11

Cậu Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm sinh năm 1732 tại Thôn Ðông, làng Trà Lũ, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Ðịnh. Cậu vào tu trong nhà Ðức Chúa Trời tại địa phương do các cha Dòng Ða Minh coi sóc. Sau vài năm, cậu được gửi đi du học tại Phi-líp-pin và theo học tại trường Gio-an La-tê-ra-nô tại tỉnh Ma-ni-la. Sau năm học hành thành công xuất sắc, thầy Liêm xin nhập Dòng Ða Minh và lãnh tu phục ngày 9-9-1753. Năm sau, thầy tuyên khấn trọng thể tại dòng. Tiếp đó, thầy học thêm 4 năm thần học và lãnh tác vụ linh mục năm 1758. Thụ phong linh mục rồi, cha Liêm chuẩn bị trở về phục vụ quê hương. Ngày 20-1-1759, cha về đến Việt Nam và được bổ nhiệm làm giáo sư chủng viện Trung Linh. Cha đem hết tài trí và nhiệt thành truyền đạt cho các chủng sinh những kiến thức cha đã thu thập được. Nhưng nguyện vọng của cha là loan báo Tin Mừng bình an cho anh em. Và chẳng bao lâu, cha rời chủng viện và dấn thân vào con đường truyền giáo. Hoạt động của cha không chỉ hạn hẹp trong các giáo xứ, mà còn mở rộng đến các làng ngoại giáo, bất chấp những khó khăn nguy hiểm của thời cấm cách. Với lòng nhiệt tình, yêu thương giúp đỡ mọi người nên ai ai cũng hết lòng thương mến. Dầu thành công trong công tác, cha Liêm không bao giờ tự mãn với chính mình. Ngày 1-10-1773, cha Liêm đi giảng cho họ Lương Ðống, chuẩn bị mừng lễ Ðức Mẹ Mân Côi, thì bị bắt. Sau một trận đòn chí tử, họ trói cha và hai cậu giúp lễ là Mát-thêu Vũ và Giu-se Bích rồi đem giải về Thiên Nam ngày 16 tháng 10. Ở đây, cha Liêm gặp một linh mục cùng dòng, cha Cát-nê-đa Gia đã bị giam ở đó. Hai anh em sung sướng cùng chia ngọt sẻ bùi trong cảnh tù đày. Ngày 20-10, quan trấn trao hai cha cho quan phủ Thần Khê để giải về Thăng Long, ra mắt chúa Trịnh Sâm.Ngày 27-11, hai cha bị đem đi xử. Hai vị anh hùng đức tin đã vui mừng đọc kinh Tin Kính và hát kinh Lạy Nữ Vương trên đường ra pháp trường Ðồng Mơ. Những nhát gươm định mệnh giúp hai vị hoàn tất sứ mệnh, chứng tá tuyệt hảo cho Ðức Ki-tô. Thi hài các ngài được rước về an táng tại Trung Linh. Ðức thánh cha Pi-ô X đã phong chân phước cho các ngài vào ngày 20-5-1906. Ðức thánh cha Gio-an Phao-lô II đã phong hiển thánh cho các ngài ngày 19-6-1988. Riêng thánh Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm, nhiều trường học đã nhận người làm bổn mạng, trong đó có trường cao đẳng Gio-an La-tran ở Phi-líp-pin.

Lời nguyện : Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng biết hiến dâng mạng sống để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu mà cho chúng con biết noi gương các ngài để lại : luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin.

Cuộc Đời và Hoạt Động Tông Đồ

Thánh Vinh Sơn Liêm sinh năm 1732 tại họ Thôn Đông, làng Trà Lũ, huyện Phú Nhai, tỉnh Nam Định, thân sinh là ông Antôn và bà Monica Thiều Đạo. Vì khi lọt lòng mẹ ngài rất ốm yếu, nên có lẽ chính thân mẫu đã rửa tội và đặt tên thánh cho ngài là Vinh Sơn. Năm 12 tuổi (1744), cậu Liêm gia nhập chủng viện ở Lục Thủy. Nhận thấy cậu có tư chất thông minh và đạo hạnh, năm 1750, cha chính Espinosa Huy, O.P. chọn cậu vào số thanh niên được hưởng học bổng và gởi đi du học tại trường Thánh Gioan Latêranô ở Malina, Phi Luật Tân. Tại đây, cậu Liêm đã được lãnh tu phục dòng Đaminh vào ngày 9 tháng 09 năm 1753. Một năm sau, thầy đã tuyên khấn cùng với 3 anh em đồng hương, và thầy đã chọn tên là Vincente Liêm de la Paz (Vinh Sơn Liêm Hoà Bình). Bốn năm tiếp theo, thày Vinh Sơn Liêm học thần học tại đại học Santo Tomás và thụ phong linh mục vào năm 1758. Ngày 03 tháng 10 cùng năm, ngài lên tàu về quê hương giảng đạo; tàu đến Việt Nam ngày 20 tháng 01 năm 1759.

Trong 14 năm rao giảng và hoạt động tại quê hương, cha Vinh Sơn Liêm Hoà Bình đã trước hết dạy học tại chủng viện Trung Linh, sau đó truyền giáo và đảm nhiệm các giáo xứ Quất Lâm, Lục Thủy, Trung Lễ, Trung Lao, rồi Lai Ổn. Sách Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, Tập I nhận định về hoạt động của ngài như sau: “Hoạt động tông đồ của cha không chỉ hạn hẹp trong các giáo xứ, mà còn mở rộng đến các làng ngoại giáo, bất chấp những khó khăn nguy hiểm của thời cấm cách Trịnh Sâm (1767-1782). Tại bất cứ nơi nào, cha luôn nhiệt tình yêu thương, giúp đỡ mọi người. Cha khuyên mọi người sống can đảm, an ủi những người buồn sầu, khích lệ lòng tin của anh em, khiến đừng có ai bị nao núng vì các nỗi gian truân của cuộc đời” (trg. 415).

Rao Giảng Trong Mọi Hoàn Cảnh (2 Tim 4:2)

Vào dịp lễ Đức Mẹ Mân Côi năm 1773, cha Vinh Sơn đi giảng cho họ Lương Đống (Thái Bình), nhưng ngày 2 tháng 10 ngài bị bắt rồi bị giải cho chánh tổng Trần văn Hiến ở Xích Bích, ông này muốn nhận tiền chuộc nên cố ý giam giữ cha trong suốt 12 ngày; khi thấy không được như mong muốn, ông giải cha lên Phố Hiến và nộp cho quan trấn. Ở đây, cha Vinh Sơn được gặp cha Jacinto Castaneda, O.P., người Tây Ban Nha, cũng đang bị giam giữ trong ngục khoảng 3 tháng trước. Ngày 20 tháng 10 năm 1773, hai cha bị đóng gông, có khắc bốn chữ “Hoa Lang Đạo Sư,” rồi bị giải lên Thăng Long. Trong thời gian này, lịch sử tôn giáo Bắc Hà có ghi lại một cuộc tranh luận giữa bốn tôn giáo lớn: Khổng, Lão, Phật, và Công Giáo; nội dung của cuộc tranh luận này được ghi lại trong một cuốn sách nhỏ có tựa đề: Hội Đồng Tứ Giáo. “Hội Đồng Tứ Giáo” được một ông quan trong triều Chúa Trịnh Sâm (1767-1782) qui tụ; ông triệu một nho sĩ đại diện cho Khổng giáo, một nhà sư đại diện cho Phật giáo, một thày pháp đại diện cho Lão giáo để tranh luận với hai linh mục, một ngoại quốc, một Việt Nam, đang bị giam vì làm Hoa Lang Đao Sư. Cuộc tranh luận diễn ra trong 3 ngày. “Trong cuộc tranh luận, đại diện Thiên Chúa giáo áp dụng thuyết minh giáo, lại còn trưng dẫn những điển tích rút từ kinh điển Hán văn để minh giải lập trường của mình, khiến ông quan phải trầm trồ khen ngợi.” Theo sử gia Gispert và tác giả “Sử Ký Địa Phận Trung”, hai linh mục này là cha Gastaneda Gia (Jacinto) và Vinh Sơn Liêm - có lẽ chính cha Liêm là tác giả cuốn sách “Hội Đồng Tứ Giáo”. Hai cha bị lên án trảm quyết dưới thời Trịnh Sâm và ngày 7 tháng 11, 1773, quân lính điệu hai cha ra pháp trường. Đối với thánh Vinh Sơn Liêm, lời thánh Phaolô sau đây thật đã được ứng nghiệm: “Vì Tin Mừng, tôi chịu khổ và còn phải mang xiềng xính như một tội nhân; nhưng Lời Chúa không bị trói buộc” (2Tim 2:9). Gông cùm, xiềng xích, roi đòn và đau khổ không thể ngăn cản hay trói buộc được Lời Chúa và người sứ giả của Lời Chúa luôn luôn rao giảng trong mọi hoàn cảnh, lúc thuân tiện cũng như lúc không thuận tiện, khi được tự do cũng như khi bị tù đày (2Tim 4:2).

Hoặc Sống Đạo Hoặc Chết Vì Đạo

Khi được giải qua hoàng cung, theo thói quen, quan giải tù nhân ra lệnh hai cha dừng lại để nghe vua y án hay ân xá. Một viên quan nói lớn: “Tên Gia và tên Liêm bị kết án tử hình vì tội làm đạo trưởng cho Hoa Lang đạo, một đạo đã bị nghiêm cấm.” Một viên quan khác cũng lớn tiếng đáp lại: “Hoa Lang đạo là đạo đã bị nghiêm cấm, nhưng cho đến nay chưa có người Việt nào đã bị xử tử vì đạo này, nên xin vua đại xá cho tên Liêm là công dân nước Việt.” Cha Vinh Sơn, một mặt muốn cứu cha Gia một mặt khác cũng sẵn lòng chịu tử đạo, nên lên tiếng phải đối: “Cha Gia bị án trảm quyết vì lẽ gì, thì cũng phải kết án tôi trảm quyết tôi vì lẽ ấy. Cha Gia là đạo trưởng, tôi cũng là đạo trưởng; nếu luật nước không kết án tôi, thì càng không được kết án cha Gia, vì tôi là công dân nước Việt, tôi phải giữ luật nước hơn người ngoại quốc. Nếu chỉ giết cha Gia, còn tôi thì tha, án của vua chúa không công minh. Yêu cầu tha thì tha cả hai, mà giết thì cũng giết cả hai, thế mới công bình.” Thế là hai cha bị dẫn ra pháp trường ở Đồng Mơ để chịu trảm quyết. Hai đấng tử đạo cùng nhau tạ ơn Chúa, thầm thì sám hối, đọc kinh “Tin Kính”, và hát kinh “Salve Regina”. Chiêng trống đổ hồi lên hiệu, lý hình chém cha Liêm một nhát, chém cha Gia ba nhát. Thế là ngày hôm đó, hai linh mục Đaminh, một bản xứ, một ngoại quốc, làm chứng cho niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô bằng chính mạng sống.

Vị Tử Đạo Thuộc Hàng Giáo Sĩ Việt Nam Đầu Tiên

Theo như lời của viên quan muốn xin tha chết cho cha Vinh Sơn Liêm ở trên thì cha Vinh Sơn là vị thánh tử đạo người Việt đầu tiên bị trảm quyết ở Bắc Hà. Có lẽ ông quan này đã không biết là khoảng năm 1630-1631, đã có một giáo dân Việt Nam tên Phan Sinh, hầu cận một hoàng thân đã bị giết vì đức tin; hoặc giả người giáo dân này bị giết mà không có bản án chính thức, nên coi như đã không xẩy ra. Dẫu sao, cha Vinh Sơn Liêm là đấng tử đạo tiên khởi trong hàng ngũ giáo sĩ Việt Nam và là linh mục Đaminh Việt Nam đầu tiên được phúc tử đạo. Anh em trong phụ tỉnh rất hãnh diện có thánh quan thầy là vị tử đạo đầu tiên trong số các anh chị em Đaminh tử đạo trên quê cha đất tổ của mình. Ngày 20 tháng 05, 1906, Đức Giáo Hoàng Piô X đã phong Á Thánh cho cha Vinh Sơn Liêm cùng với bạn tử đạo là cha Jacinto Castaneda và được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh ngày 19 tháng 06 năm 1988.

Vị Thánh Của Mọi Người Dân Việt

Trong số hằng trăm ngàn tín hữu Việt Nam dùng máu để tuyên xưng niềm tin của họ vào Chúa Giêsu Kitô trong suốt gần 300 năm Giáo Hội Việt Nam bị bách hại, rất nhiều vị đã trở thành các vị tử đạo vô danh. Riêng thánh quan thày của Phụ Tỉnh, không những được ghi danh trong số 117 vị tử đạo Việt Nam, mà ngài lại còn có nhiều tên họ khác nhau. Theo sách Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam, I, có người gọi ngài là cha Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm, có người lại gọi là Vinh Sơn Phan Hiếu Liêm, cũng có người gọi là Vinh Sơn Nguyễn Thế Liêm (trang 414, chú thích # 1); còn theo cha Vũ Thành thì ngài lại được gọi là Vinh Sơn Lê Quang Liêm (Dòng Máu Anh Hùng, tập I, trg. 198). Chúng tôi thật không biết phải theo ai và chúng tôi cũng không có tài liệu chính thức để kiểm chứng; tuy nhiên, trong các văn thư ngài gởi cho bạn bè, ngài thường ký tên là Vincente de la Paz, O.P. (Vinh Sơn Hòa Bình - Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam, I, trg. 416). Sự kiện này hình như phản ánh được tâm tình thân thương của người dân Bắc Hà dành cho vị thánh tử đạo này. Có lẽ vì sự quí mến này mà nhiều người muốn kéo thánh Vinh Sơn Liêm vào gia đình mình, vào họ mình. Nếu thế, thánh Vinh Sơn Liêm quả thực là vị thánh của mọi người dân Bắc Hà. Dẫu sao, đối với chúng ta, chỉ dùng tên gọi VINH SƠN LIÊM - tức tên được thân sinh phụ mẫu đặt cho - nói lên sự mật thiết và tình gia đình. Chính trong tâm tình gia đình ấy mà anh em trong Phụ Tỉnh kính nhớ ngài, chọn ngài làm vị bổn mạng, người anh cả trong đời sống đức tin, đời sống trí thức và lòng mộ mến chân lý qua đối thoại cởi mở và tôn trọng. Không chỉ với tâm tình gia đình Đaminh, anh em còn muốn bắt chước gương truyền giáo, sự khôn ngoan, đạo đức và can đảm của ngài, rao giảng trong mọi hoàn cảnh: lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện (2Tim 4:2).

Để kết, xin gởi qúi vị lời kinh anh em trong Phụ Tỉnh câu nguyện hằng ngày với Chúa qua sự cầu bầu của thánh Vinh Sơn Liêm.

Kinh Thánh Vinh Sơn Liêm, O.P.

Ngọn đuốc quang minh sáng tuyệt vời

Vì trung với Chúa mặc đầu rơi,

Đức tin kiều diễm luôn gìn giữ.

Đức ái ngàn trùng tát chẳng vơi.

X. Lạy thánh Vinh Sơn Liêm, xin cầu cho chúng con

Đ. Để xứng đáng đón nhận những ơn lành Chúa đã hứa.

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt-Nam vị chứng nhân anh dũng là thánh Vinh Sơn Liêm, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương Việt Nam chúng con. Xin Chúa nhận lời thánh nhân chuyển cầu, mà cho chúng con biết noi gương Người để lại: luôn can đảm làm chứng cho Chúa, và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. AMEN.

Reference:

Vietnamese Dominican Order