Stephano Vinh

THÁNH STÊPHANÔ NGUYỄN VĂN VINH

(1813-1839)

Anh tá điền chưa có đạo đã xưng đạo để chết vì Ðạo.

Stêphanô Nguyễn Văn Vinh sinh năm 1813 tại làng Bồ Trang, tỉnh Thái Bình. Vì nghèo, anh Vinh quanh năm suốt tháng chỉ biết làm thuê làm mướn độ nhật. Anh đi qua làng Kẻ Mốt (Bắc Ninh) cũng trong thân phận đi làm thuê như vậy. Bất cứ việc gì anh nhận làm, anh đều chu toàn với hết trách nhiệm. Anh lại đơn sơ, chất phác, thật thà, vui vẻ, hòa nhã, nên được mọi người yêu thích. Ở Kẻ Mốt, anh lấy làm thích thú đi học giáo lý và dự các buổi học đánh vần truyền khẩu. Anh thuộc giáo lý và biết áp dụng những điều đã học vào đời sống. Dầu vậy, anh vẫn chưa được chịu phép Rửa Tội

Ngày 29-6-1838, quan quân triều đình đến vây bắt linh mục Phêrô Nguyễn Văn Tự ở Kẻ Mốt và ép mọi người phải “quá khóa” - tức là bước qua thánh giá. Ðến phiên anh thanh niên Vinh 25 tuổi độc thân bị buộc phải đạp lên thánh giá, anh đã dũng cảm nói thẳng với họ: “Tôi thà chết chớ không bao giờ chịu đạp lên thánh giá, vì tôi biết đạo Ðức Chúa Trời là đạo thật”.

Tưởng Vinh là người có đạo, quan quân bắt anh, áp giải về trại giam Bắc Ninh cùng với cha Tự và một số giáo dân như thầy Ðaminh Bùi Văn Úy, thầy Phanxicô Xaviê Hà Trọng Mậu, ông trùm Giuse Hoàng Lương Cảnh, anh Âugustinô Nguyễn Văn Mới và anh Tôma Nguyễn Văn Ðệ. Ở trong tù, anh Nguyễn Văn Vinh được hướng dẫn thêm về giáo lý, được lãnh nhận phép Rửa Tội và được gia nhập Dòng Ba Ða Minh. Chọn Thánh Stêphanô làm Thánh Bổn Mạng, anh Vinh rõ ràng đã có quyết tâm noi gương can đảm của vị thánh tử đạo tiên khởi của Giáo Hội đến hơi thở cuối cùng.

Suốt một tháng trời, bảy chiến sĩ đức tin bị đánh đập tra khảo và dọa nạt đủ điều, nhưng không một người nào xiêu lòng. Ngày 27-7-1838, quan tỉnh tâu trình vua, xin xử giảo linh mục Tự và ông trùm Cảnh, còn năm người kia- thầy Úy, thầy Mậu, anh Cảnh, anh Ðệ và anh Vinh- quan cho là nhẹ dạ tin theo, nên trình xin đánh mỗi người một trăm roi rồi phát lưu vào tỉnh Bình Ðịnh.

Vua Minh Mạng cho rằng tội theo đạo Giatô còn nặng gấp mấy lần tội phù thủy, đồng cốt, nên thuận xử chém tức khắc Cha Tự và ông Trùm Cảnh. Những vị còn lại sẽ giam cầm, tra tấn thêm một năm, nếu không “quá khóa” cũng phải đưa ra xử giảo. Ðược ở lại trong tù thêm một năm nữa, cả năm vị nói trên, trong đó có Stêphanô Nguyễn Văn Vinh đã làm lễ tuyên khấn Dòng Ba Ða Minh, “hứa giữ lề luật và tập tục của Dòng cho đến chết”. Từ đó, năm vị đã ra sức làm việc tông đồ giúp đỡ các bạn tù, giới thiệu cho họ về Ðức Chúa Trời, về Giáo lý Công Giáo, về sự cầu nguyện và về ơn cứu rỗi.

Thấm thoát một năm đã trôi qua. Ngày 19-8-1839, quan cho điệu cả năm vị ra tòa, vẫn để thánh giá một bên, bên kia là các dụng cụ tra tấn.

Quan nói: “Các anh bị giam cầm đã lâu ngày, chịu khổ cũng đã nhiều, vậy bỏ đạo đi, ta tha về với vợ con.”

Thầy Mậu thay mặt anh em trả lời: “Chúng tôi đã quyết một lòng trung nghĩa với Ðức Chúa Trời. Quan lớn muốn chém đầu hay giết chúng tôi bằng cách nào, chúng tôi cũng đều sẵn sàng”.

Rồi cả năm vị cùng quỳ xuống bái lạy thánh giá. Quan thất vọng truyền cho lính điệu năm người về ngục. Ngày 24-11-1839, năm vị lại bị điệu ra tòa một lần nữa. Các vị vẫn nhất quyết không bỏ đạo. Thầy Mậu đại diện năm anh em dõng dạc lên tiếng: “Chúng tôi chỉ tôn thờ một Ðức Chúa Trời là Cha muôn loài, là Vua trên hết các vua, là Ðấng chúng tôi hằng mong được đổ máu mình ra để tỏ dạ kính tin muôn đời”.

Không thuyết phục được người nào trong năm người anh hùng nói trên, ngày 19-12-1839, quan công bố bản án: “Bọn gian ác theo Giatô tả đạo, mặc dầu đã khuyên răn sửa phạt, vẫn ngoan cố không chịu bước qua thập giá, nay chúng nó sẽ bị xử giảo”.

Thế là trong ngày ấy cả năm vị bị điệu ra pháp trường Nam Ðịnh. Mỗi vị bị trói vào một cọc chôn sẵn, rồi cùng một lúc bị lý hình kéo dây siết cổ cho đến tắt thở.

Stêphanô Nguyễn Văn Vinh cùng bốn người bạn anh hùng trong đức tin đã được Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII suy tôn lên bậc Chân Phước ngày 27-5-1900, và được Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong Hiển Thánh ngày 19-6-1988.