Agnes Thanh

THÁNH NỮ ANÊ LÊ THỊ THÀNH English Version

(1781-1841)

Người Mẹ Công Giáo quyết theo Chúa đến cùng.

Trong 117 Thánh Tử Ðạo, chỉ có một vị Thánh Nữ, lại không phải là nữ tu, mà lá giáo dân thường, một người mẹ của 6 người con. Ðó là Thánh Anê lê Thị Thành, tục gọi là Bà Ðê, tức là Bà Thánh Ðê, gọi theo tên của người con đầu.

Anê Lê Thị Thành sinh năm 1781 tại Bái Ðiển, tỉnh Thanh Hóa. Lên 17 tuổi, bà kết hôn với Ông Nguyễn Văn Nhất, sinh hạ được 6 con. Suốt đời bà âm thầm kiên nhẫn xây dựng tổ ấm yêu thương gia đình và biến gia đình thành nguồn suối tình thương. Bà sống đạo đức gương mẫu, hy sinh giúp chồng con, đặc biệt nuôi dạy con chu đáo theo tinh thần giáo dục công giáo. Dù khi con cái đã lớn khôn lập gia đình, bà vẫn luôn theo dõi lòng đạo của các con, thúc giục con cái năng tham dự Thánh Lễ và nhận lãnh các bí tích. Bản thân bà rất siêng năng xưng tội rước lễ.

Ông Bà Ðê (tức Lê Thị Thành cùng chồng) có lòng bác ái hay thương giúp đỡ người khác, nhất là trọng kính và sốt sắng giúp đỡ các linh mục gặp khó khăn trong thời cấm đạo. Ông bà dành một khu nhà đặc biệt để các linh mục đến trú ẩn. Chính đức bác ái cùng lòng kính yêu các linh mục và thiết tha với việc truyền giáo ấy đã đưa bà Thánh Ðê đến phúc tử vì đạo. Khi quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh kéo lính đến vây làng Phúc Nhạc vào sáng lễ Phục Sinh 14-4-1841, bà Ðê cùng với ông trùm Cơ vội vàng đưa Linh Mục Lý trốn dưới một cái rãnh sau vườn nhà bà. Nhưng sau một hồi lục soát gắt gao từ trong nhà ra tới ngoài vườn, quân của Trịnh Quang Khanh bắt được Cha Lý. Bà Thành và ông trùm Cơ cũng bị bắt ngay lúc ấy.

Trong lao tù, Anê Lê Thị Thành bị đánh đập, tra khảo nhiều lần. Có lần quan quyền đánh bà bằng roi, nhưng thấy bà vẫn gan dạ chịu đựng một cách vui vẻ, nên lại cho dùng thanh củi lớn mà quất vào chân bà, bà vẫn không thối chí. Khi chồng vào thăm trong tù, bà đã nói với chồng: “Họ đánh đập tôi vô cùng hung dữ, đến đàn ông chưa chắc đã chịu nổi, nhưng tôi được ơn Ðức Mẹ giúp sức, nên không cảm thấy đau đớn gì”. Lần khác, quan dùng trò dã man hơn, buộc hai ống quần của bà lại, rồi bỏ rắn độc vào bên trong. Bà hoảng sợ, nhưng bà cầu nguyện thiết tha khiến Chúa nhậm lời ban cho bà sức mạnh phi thường để chịu đựng những thử thách vượt qua sức người của bà. Thế là bà giữ được bình tĩnh một cách lạ lùng. Bà đứng yên, không nhúc nhích. Rắn không cắn bà và tìm cách chui ra ngoài . Các quan điên tiết lên càng ra lệnh đánh bà dữ dằn hơn trước.

Một nhân chứng tên là Ðang về sau cho biết: “Bà Anê Ðê đã bị đánh đập tàn bạo đến nỗi thân hình bà đầy máu mủ. Vậy mà bà vẫn vui vẻ và còn muốn chịu khó hơn nữa”. Con cái đến thăm bà, thấy mẹ thương tích vì đòn vọt, khóc lóc thương mẹ, bà âu yếm vỗ về các con, khuyên chúng về kiên tâm cầu nguyện cho mẹ. Chẳng hạn, Cô Lucia Nụ, con gái út của bà đến thăm mẹ trong ngục, thấy áo quần mẹ loang lổ máu, đã không cầm được nước mắt, òa khóc nức nở. Bà an ủi con: “Con đừng khóc, Mẹ mặc áo hoa hồng đấy. Mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc”. Bà còn nhắn nhủ cô Nụ: “Con hãy về chuyển lời mẹ bảo với anh chị con coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng, sáng tối đọc kinh xem lễ, cầu nguyện cho mẹ vácThánh Giá Chúa Giêsu cho đến cùng. Rồi chẳng bao lâu nữa, mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên nước Thiên Ðàng”. Chồng bà cũng đến khuyên giục bà nên nghĩ đến con cháu mà về với chúng. Bà trả lời: “Anh hãy về lo cho con, hãy trông cậy Chúa phù hộ cho anh đủ sức nuôi dưỡng chúng, còn phần tôi, tôi sẽ phó thác và theo Chúa đến cùng....”

Vì chịu quá nhiều cực hình, thân thể đầy máu mủ, lại do điều kiện vệ sinh trong tù quá tồi tệ và không đủ thuốc thang, bà Anê Ðê Lê Thị Thành kiệt sức vì đòn vọt và bị bệnh kiết lỵ nên đã chết trong tù ngày 12-7-1841 tại Nam Ðịnh, thọ 60 tuổi, sau khi dâng lời kinh cuối cùng: “Giêsu, Maria, Giuse, con xin phó thác linh hồn và xác con trong tay Chúa”.

Ðức Piô X phong Chân Phước cho Bà ngày 2-5-1909. Và Ðức Gioan Phaolô II suy tôn Bà lên bậc Hiển Thánh ngày 19-6-1988, cùng với 116 vị Thánh khác.