Phật Học Phổ Thông.V.52.3.8 Thiền Tông

A- MỞ ĐỀ:

C.- Tổng Kết các Loại Thiền định

Thiền-Ðịnh có nhiều loại, nhưng tóm lại có thể chia làm hai loại lớn: Chánh-định và tà-định, hay Phàm-phu thiền và Thánh-nhơn thiền và Phật Giáo thiền.

Thiền Ngoại Ðạo

Những người theo lối thiền-định này do tâm niệm không chơn-chánh (phiền-não, tham, sân, si v.v....) làm động cơ thúc đẩy. Họ không nhắm ngay mục đích dẹp trừ vô-minh phiền-não, cầu được minh-tâm kiến-tánh, hay giác-ngộ, giải thoát, mà chỉ nhắm mục đích nhỏ hẹp, thiển cận, như cầu được thấy những điều huyền diệu, cầu được thần-thông biến-hóa để đi dạo chơi ở các thế giới khác, cầu thành tiên để lạc-thú tiêu-dao ở cảnh tiên, cầu cho thân thể không bệnh hoạn, được trường sinh bất tử, cầu cho được phép lạ để trị bệnh, để thiên hạ sùng-bái, kính phục, hoặc để gần gũi nữ sắc, hay cầu tài lợi v.v..

Hãy lắng nghe lời Tổ Tôn-Mật dạy: Người tà kiến chấp trước sai lầm , ưa cõi trên, chán cõi dưới mà tu thiền, đó là ngoại đạo thiền .

===============

Thiền Phàm Phu

Những người tu theo loại thiền này không có tâm niệm cao thượng, chỉ vì chán ngán cõi Dục làm ô-trược cấu uế muốn sinh về cõi sắc và Vô-sắc để hưởng thú vui thanh thoát.

Hãy lắng nghe Tổ Tôn-Mật phê phán hạng người tu về loại thiền này: Người chán tin nhơn quả, nhưng dùng sự ưa cõi trên chán cõi dưới mà tu thiền là phàm phu thiền .

=============

Thiền Phật Giáo

Thiền định của Phật Giáo có hai loại: Nam Tông và Bắc Tông thiền.

- Nam Tông: Là một Thiền nguyên thủy, khi xưa Đức Phật Thích Ca cùng Tứ chúng, mỗi khi tọa thiền thì sử dụng như nhau, chính là Quán Thọ Tâm Pháp thiền định trong kinh Tứ Niệm Xứ (Xem các Kinh điển hệ Pali)

- Bắc Tông thiền: Ðây là phương-pháp tu thiền của các vị thường phát nguyện hạnh Bồ Tát. Phát xuất từ Đại chúng bộ sau này, Nơi Trung hoa và Ấn Độ, khi xưa có những bậc thượng căn tu hành pháp thiền này. Như Ngài Huệ Năng, chỉ nghe câu Ưng vô sở trụ, nhi sanh ký tâm , hay Ngài Ca Diếp, chỉ thấy Phật đưa cành hoa sen mà liền tỏ ngộ

Sở dĩ các vị này mau tỏ ngộ như thế là vì họ đã trải qua nhiều kiếp tu hành rồi, sắp được giác ngộ, nay gặp thời cơ, nhân duyên thì liền phát-chiếu, như cành hoa đã được vun tưới đủ sức rồi, chỉ chờ thời tiết là trổ bông. (Do vậy, những hàng người tâm tánh còn nhị biên, thiên kiến, chấp kiến thì không thể nào thực hành được, dù tu 3 năm, 30 năm. Nếu không trừ tiệt được Thập kiết sử.)

————————————————————————————————————————————

Về phương-pháp tu chứng và truyền thọ của Bắc Tông thiền có ba cách

- Cách thứ nhất: Ðây là các loại tam-muội mà hành-giả căn cứ theo các kinh sách Bắc Tông tu luyện, như Pháp-hoa tam-muội, Niệm-Phật tam-muội, Giác-ý tam-muội, Thủ-lăng-nghiêm tam-muội v.v....

===========

- Cách thứ hai: Lối thiền này không căn cứ theo kinh điển, văn tự, mà chỉ dùng một câu nói ngắn ngủi để chỉ giáo. Trong Phật Giáo gọi lối thiền này là: Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền (không dùng văn tự, truyền ngoài kinh giáo). Thiền-giả chỉ căn cứ theo một câu nói ấy mà nghiên cứu mãi cho đến khi tỏ ngộ. Công việc tham-cứu này, Thiền-giả có nhiều khi kéo dài hàng chục năm. (Nhưng căn bản phải luôn luôn thực hành tam vô lậu học, sau mới là theo cách thức này.)

===========

- Cách thứ ba: Với cách này, chúng ta khó có thể suy nghĩ luận bàn gì được. Trong cách này, khi có người đến cầu pháp, các Tổ sư không dùng lời nói mà chỉ dùng một cử chỉ gì đó, hay một tiếng la hét mà thôi.

Như dòng Lâm-Tế, khi có người đến cầu đạo, Thiền-sư chỉ dùng gậy đánh và hét.

Như dòng Quy-ngưỡng, các vị Tổ-sư chỉ vẽ hình thú, hình người, hình chữ Vạn mà khai ngộ cho đệ-tử .

Như dòng Vân-môn, có vị Tổ chỉ nói một chữ, mà làm cho người cầu đạo tỏ ngộ.

Như có Ngài chỉ đãi nước trà (Ngài Triệu-châu) hay mời ăn cơm, mà người đến cầu đạo được tỏ ngộ.

Có Ngài lại ngắm bóng mình dưới nước và cười, khi đi ngang qua cầu, liền ngộ đạo (hổ khê tam chiếu chí kim truyền), hay nghe chim oanh hót trên cành liễu, hay lấy gậy đập cục đất cho bể tan mà liền tỏ ngộ.

Thật là thiền-cơ nhiệm-mầu, người ngoài không thể suy nghĩ, bàn luận được. Muốn cho người cầu đạo được kết-quả, các vị truyền pháp phải hội đủ ba diều kiện sau đây:

-Biết căn-cơ người cầu đạo. Ngược lại người cầu đạo phải trải qua một thời gian quán xét lại mình xem, có thể học được không? Trước tiên Hiểu và thực hành: Lý Tứ Diệu Đế, trong 37 phẩm trợ đạo. Rồi hãy bước thêm một bước nữa.

-Biết thời-tiết đúng lúc truyền đạo.

-Biết phương-pháp nào thích hợp, trong ba phương-pháp nói trên, nếu truyền bá không hợp cơ, hợp thời, hợp pháp thì người tu thiền không có kết-quả. Tác giả cố HT Thích Thiện Hoa.