Trái Tim Mẹ Toàn Thắng

TRÁI TIM MẸ TOÀN THẮNG

 

Giới Thiệu

 

Tâm Tư Nhập Đề

Phải, tôi chỉ bắt đầu để ý và quan tâm đến Fatima sau khi biết được Nước Nga hoàn toàn từ bỏ chủ nghĩa và chế độ CS vào ngày 25/12/1991. Thật ra, từ ngày hiện tượng CS Đông Âu sụp đổ vào cuối năm 1989 một cách hết sức lạ lùng, tôi đã hơi có ấn tượng về Fatima rồi. Tuy nhiên, cho tới cuối mùa hè năm 1991, tôi mới bắt đầu chịu mua và đọc cuốn Hồi Ký Lucia. Hình như cuốn Hồi Ký Lucia đã dọn đường cho tôi để tôi có thể nhận ra biến cố Nước Nga trở lại là hoàn toàn bởi tay Đức Mẹ làm, đúng như lời Mẹ đã tiên báo từ ngày 13/7/1917, lời tiên báo kèm theo điều kiên này cũng đã được chị Lucia viết thư trình lên Đức Thánh Cha Piô XII từ ngày 24/10/1940, và được thế giới biết đến từ năm 1973, năm mà cuốn Hồi Ký Lucia lần đầu tiên được phổ biến.

 

Thật vậy, biến cố Nước Nga trở lại, đối với tôi, chẳng khác gì như hiện tượng mặt trời nhảy múa vào ngày 13/10/1917, hiện tượng Mẹ thực hiên để cho mọi người tin vào việc Mẹ làm và nói qua 3 Thiếu Nhi Fatima là Lucia, Phanxicô và Giaxinta. Tôi linh cảm thấy rằng chính Mẹ đã làm cho Nước Nga trở lại để, ít là, cho riêng tôi tin vào Mẹ hơn, nhờ đó, hoạt động cho Mẹ một cách hăng say và đắc lực hơn nữa trong Thời Điểm Fatima cũng là Thời Đại Maria này. Ngoài việc đang phục vụ hết mình cho Phong Trào Thiếu Nhi Fatima ở Tổng Giáo Phận Los Angeles từ lễ Sinh Nhật Đức Mẹ 8/9/1991, biến cố Nước Nga trở lại còn làm tôi có cảm hứng muốn viết một cuốn sách về Mẹ Fatima với nhan đề Trái Tim Mẹ Toàn Thắng

 

Viết cuốn sách này, ý định của tôi là tìm hiểu về Mẹ ở Fatima cho thấu đáo hơn, để có thể đắc lực hơn trong việc phục vụ cho Phong Trào Thiếu Nhi Fatima Việt Nam mà tôi đang phụ trách, và cũng để chia sẻ những cảm thấu của mình về Mẹ cho tất cả những ai cùng chung chủ hướng là làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến, như sứ mệnh Chúa đã trao cho chị Lucia.

 

Tôi có ý định bắt đầu viết cuốn sách này vào ngày lễ Đức Mẹ chịu thai Ngôi Lời nhập thể 25/3/1992, kỷ niệm 8 năm Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II hiến dâng thế giới và Nước Nga cho Trái Tim Mẹ, nhờ đó, Mẹ đãlàm cho Nước Nga trở lại, và sẽ phát hành kịp 25/ 12/1992, kỷ niệm đúng một năm Nước Nga trở lại.

 

Không ngờ, ý định của tôi muốn viết cuốn sách này chưa hề tỏ ra cho ai, lại hợp với Ý Muốn của Thiên Chúa qua sự chỉ định của các vị đại diện Ngài trên trần gian. Ngày 29/1/1992, đức ông Philiphê Trần văn Hoài, đặc trách Văn Phòng Trung Ương Tông Đồ Mục Vụ Việt Nam Hải Ngoại, đã gửi cho tôi một tấm postcard từ Rôma với những hàng chữ sau đây:

 

“Tôi đang cổ động 'Phong Trào Tông Đồ Fatima' để cầu nguyện cho quê hương. Anh có thể viết cho một tập nói về 'biến cố Fatima với lịch sử', về cả thần học và lịch sử. Mong ở anh nhiều. Cha. Cám ơn”.

 

Ngay sau khi đọc được những hàng chữ tiền định này, cảm thấy phấn khởi lạ thường, tôi đã đi lùng mua và mượn cho bằng được tất cả các sách nói về Fatima, dù dầy hay mỏng, dù hâp dẫn hay không, kể cả báo chí và những tờ quảng cáo, để lấy tài liệu chứng minh chủ đề đang nung nấu trong tâm não của tôi: Trái Tim Mẹ Toàn Thắng.Tôi cũng đã viết trình với đức ông Hoài về thời điểm bắt đầu viết cũng như phát hành sách của tôi. Sau khi nhận được thư của tôi, đức ông liền gửi cho tôi một tấm postcard khác từ Tulsa, Oklahoma, được đóng dấu bưu điện ngày 1/4/1992, với những hàng chữ như sau:

 

“Sách ‘Trái Tim Mẹ Toàn Thắng' cố ra cho kịp 25/12 như anh dự định. Vì sẽ có biến cố quan trọng vào thời điểm đó”.

 

Thế là, cả ý định viết sách và ra sách của tôi cũng trùng hợp với Ý Chúa muốn.

 

Bố cục của cuốn sách này, ngay từ đầu, không phải như vậy. Đầu tiên tôi định bố cục chủ đề Trái Tim Mẹ Toàn Thắng vào câu Thánh Kinh của sách Sáng Thế Ký, đoạn 3, câu 15, là: “Ta sẽ gây mối thù giữa ngươi và người nữ, giữa giòng di ngươi và giòng di người nữ, Ngài sẽ đạp nát đầu ngươi đang khi ngươi rình cắn gót chân Ngài”. Căn cứ theo câu Thánh Kinh có 3 ý tưởng hợp lại được chia ra bằng hai dấu phẩy này, cuốn sách sẽ được chia ra làm 3 phần r rệt. Thế rồi, sau khi đọc qua hầu hết các tài liệu về Fatima, tôi đã thay đổi bố cục của nó. Cuối cùng tôi cảm thấy rất hài lòng với bố cục của cuốn sách mà tôi nghĩ là hoàn toàn thích hợp với chủ đề, đúng như ý của bề trên muốn cuốn sách phải bao gồm về cả thần học lẫn lịch sử.

 

Về thời điểm hoàn tất cuốn sách, tôi dự tính sẽ cố gắng viết xong vào ngày lễ Trái Tim Mẹ, 27/6/1992, để còn kịp kiểm duyệt, ấn hành và phát hành. Với công ăn việc làm cả ngày, với phận sự gia đình phải lo cho bầy con nhỏ sau khi đi làm về và vào những ngày cuối tuần, và với sứ mệnh làm tông đồ cho Phong Trào Thiếu Nhi Fatima phải điếu hành mọi thứ tổ chức mỗi ngày một dồn dập, tôi vừa viết vừa phó thác cho Mẹ ngày giờ hoàn tất của nó.

 

Về việc phát hành cuốn sách này, tôi cũng tin rằng Mẹ sẽ cho nó xuất hiện vào ngày lễ của Mẹ, ngày mà tôi hướng đến đó là ngày Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội 8/12/1992, để các độc giả của nó có thể đọc vào đúng thời điểm Giáng Sinh, “Vì sẽ có một biến cố quan trọng trong thời điểm đó”.Trong khi nghiên cứu để viết cuốn sách này, tôi thật sự đã cảm nghiệm thấy rằng nhân loại đang sống vào Thời Điểm Fatima, Thời Đại Maria, Mùa Vọng Tài Giáng Của Chúa Kitô.

 

Không phải Nước Nga trở lại là sứ mệnh của Mẹ ở Fatima hoàn tất. Trái lại, chính việc Mẹ làm cho Nước Nga trở lại để cho mọi người tin, nhờ đó, Mẹ được nhận biết và yêu mến, mới là khởi điểm của giai đoạn cuối cùng của Thời Điểm Fatima.

 

Theo tôi, Thời Điểm Fatima có thể được chia làm 4 giai đoạn.

 

Giai đoạn đầu tiên của Thời Điểm Fatima là giai đoạn Đức Mẹ ban bố Sứ Điệp Fatima của Người, từ mùa xuân năm 1916, ngày Thiên Thần hiện ra với 3 trẻ lần thứ nhất, cho tới ngày 13/6/1929, lần Đức Mẹ hiện ra với chị Lucia để cho chị biết đã đến lúc Thiên Chúa muốn hiến dâng Nước Nga cho Ngài.

 

Giai đoạn thứ hai của Thời Điểm Fatima là giai đoạn chị Lucia truyền bá Sứ Điệp Fatima của Mẹ,từ sau ngày 13/6/1929 cho đến khi chị Lucia hoàn tất việc làm tông đồ Fatima công khai của chị là viết tỏ ra những gì xẩy ra ở Fatima như Đức Mẹ cho phép, để nhập dòng kín Carmêlô ngày 25/3/1948.

 

Giai đoạn thứ ba của Thời Điểm Fatima là giai đoạn chung Giáo Hội và riêng con cái Mẹ thực hiện Sứ Điệp Fatima, từ sau khi chị Lucia vào dòng kín cho đến khi Nước Nga trở lại là ngày 25/12/1991, thời điểm thực hiện yêu cầu dâng Nước Nga cho Trái Tim Mẹ.

 

Giai đoạn thứ bốn cũng là giai đoạn cuối cùng của Thời Điểm Fatima là giai đoạn như thế nào?

 

“Cuối cùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ thắng” đã được thực hiện chưa?

 

Nếu Trái Tim Mẹ thật sự đã thắng rồi, thì phải chăng, hiệu quả tất yếu đó là, từ đây trở đi, "thế giới sẽ được hưởng một thời gian hòa bình"?

 

Làm sao đang rối loạn hơn bao giờ hết như ngày nay "thế giới (lại có thể) được hưởng một thời gian hòa bình" như vậy được?

 

Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ thực sự đã thắng chưa hay sẽ thắng?

 

Nếu Toàn Thắng, Trái Tim Mẹ Toàn Thắng như thế nào, bằng cách nào và vào khi nào?

 

Xin mời qúi bạn bước qua Thời Điểm Fatima (phần nhất) để tiến vào Trái Tim Maria (phần hai), TRÁI TIM MẸ TOÀN THẮNG.

 

 

Tổng Giáo Phận Los Angeles

Lễ Mẹ Thụ Thai Ngôi Lời Nhập Thể 25/3/1992

 

ÐAMINH MARIA CAO TẤN TĨNH, BVL

                                 ----------------------------------------------------------------------------------------------

Phần một : Thời Điềm Fatima

Chương 1 - Hiện Tượng Nước Nga

Nếu hiện tượng Mặt Trời nhẩy múa tại Fatima ngày 13-10-1917, theo Đức Mẹ nói với ba Thiếu Nhi Fatima, Giaxinta, Phanxicô và Lucia bấy giờ, là để cho mọi người tin (FILOW:161,166,168), thì, hiện tượng Nước Nga hoàn toàn từ bỏ chủ thuyết và chế độ vào đúng ngày lễ Chúa Giáng Sinh 25-12-1991 cũng chính là một việc Đức Mẹ làm để cho mọi người tin.

 

Thật ra, so sánh và kết luận như trên có thể sẽ đụng chạm đến một số người chủ trương rằng, việc Nước Nga từ bỏ chủ nghĩa và đế quốc CS hoàn toàn là một việc tự nhiên và do tự nhiên. Về phương diện tích cực, Nước Nga từ bỏ chủ nghĩa và chế độ CS đó là một sự thắng thế bất chiến tự nhiên thành của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa bao giờ cũng hợp với quyền lợi và nhân vị của con người trong xã hội. Về phương diện tiêu cực, đó là một hậu quả cùng tất biến không thể nào tránh được, tạo nên do sự lỗi thời bẩm sinh và tận cốt lõi của chủ nghĩa CS Mát-xít, cũng như do sự thất sách ngay từ ban đầu của chế độ CS Lênít và Stanít.

 

Chủ trương cho rằng CS không sớm thì muộn, chắc chắn thế nào cũng sụp đổ như thế cũng không phải là hoàn toàn vô lý. Chính Đức Thánh Cha Piô XI, như một vị tiên tri, trong thông điệp về Divini Redemptoris ban bố ngày 19-3-1937 đã quả quyết rằng: “CS không thể nào và sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu của mình, ngay cả trong lãnh vực thuần túy kinh tế” (AC,23). Tại sao? Theo Đức Thánh Cha, là vì “tự bản chất CS phản lại tôn giáo” (AC,22), và vì “CS sai lầm tự căn bản” (AC,58), nên sẽ phải chịu quả báo bởi “luật tự nhiên và Tác Giả của nó” (AC,23), thế thôi.

 

Tuy nhiên, chủ trương rằng hiện tượng Nước Nga hoàn toàn từ bỏ chủ nghĩa và chế độ CS là một sự thắng thế tất yếu của chủ nghĩa tư bản, một chủ nghĩa bao giờ cũng hợp với quyền lợi và nhân vị của con người trong xã hội, cũng chẳng chủ trương rằng, chỉ có chủ nghĩa tư bản mới làm cho con người được ấm no và hạnh phúc thôi. Thế mà, tại sao, như Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II nhận xét trong thông điệp Bách Chu Niên (Centesimus Annus): “Chính sách Mát-Xít đã thất bại, nhưng trên thế giới vẫn còn những tình trạng tẩy chay và lạm dụng nhau, nhất là ở khối Thế Giới Thứ Ba, cũng như tình trạng lạnh tình với nhau, nhất là ở các nước tân tiến” (CA,42). Phải chăng, là vì, cũng theo thông điệp này, “tư bản” ở đây không phải “là một đường lối kinh tế biết tôn trọng vai trò căn bản và tích cực về thương mại, thị trường, tư bản, và trách nhiệm hiệu quả đối với những phương tiện sản xuất, cũng như đối với tự do sáng kiến trong ngành kinh tế” (CA 42)

 

Vả lại, chủ trương rằng chủ nghĩa CS tự bẩm sinh lỗi thời tận cốt lõi và chế độ CS thất sách ngay từ ban đầu nên tới ngày tới giờ tự nhiên là “cùng tất biến”, cũng khó lòng mà giải đáp được thực trạng hiện nay trong thế giới CS.

 

Đó là, trong khi Cuba và Việt Nam là hai nước CS chư hầu, ăn nhờ sống dựa vào đại quan thày của mình là Nga Sô và các nước anh chị CS ở Đông Âu vẫn còn ngang nhiên tồn tại cho đến bây giờ, lúc những giòng chữ này đang được viết ra, thì chính quan thày Nga Sô và các nước CS anh chị ở Đông Âu đã đồng loạt tự động giải thể và biến thể từ năm 1989.Những diễn tiến về sự kiện sụp đổ chớp nhoáng đầy ngoạn mục của chế độ CS ở Âu Châu vào cuối năm 1989 đã xẩy ra hoàn toàn ngoài mọi dự tưởng của những chính trị gia lỗi lạc nhất thế giới. Không phải hay sao, một chế độ độc tài đảng trị và sắt máu như CS, hầu như, về phương diện loài người, không gì có thể tiêu diệt được nó và chống lại được sự bành trướng của nó. Thế mà, ngay trong lúc mà cả loài người đang lo sợ vì nó đang trở nên một hiểm họa vô cùng nguy hiểm đến vận mệnh cả loài người ở thế kỷ 20 này, thì tự nó lại quay ra chết “bất đắc kỳ tử”.

 

Những diễn tiến về sự kiện sụp đổ chớp nhoáng đầy ngoạn mục của chế độ CS ở Âu Châu vào cuối năm 1989 đã xẩy ra hoàn toàn ngoài mọi dự tưởng của những chính trị gia lỗi lạc nhất thế giới. Không phải hay sao, một chế độ độc tài đảng trị và sắt máu như CS, hầu như, về phương diện loài người, không gì có thể tiêu diệt được nó và chống lại được sự bành trướng của nó. Thế mà, ngay trong lúc mà cả loài người đang lo sợ vì nó đang trở nên một hiểm họa vô cùng nguy hiểm đến vận mệnh cả loài người ở thế kỷ 20 này, thì tự nó lại quay ra chết bất đắc kỳ tử.

 

Thật ra, đã có ba điều lạ lùng xẩy ra, đúng hơn, ba yếu tố định đoạt trong biến cố qua đời của chế độ CS ở Âu Châu này. Thứ nhất, năm 1978, vị Giáo Hoàng Rôma (Gioan-Phaolô II) được bầu lên xuất thân từ một nước CS. Thứ hai, năm 1980, tổ chức Công Đoàn Liên Đới (Solidarity) được Lech Walesa hình thành ở Ba Lan. Thứ ba, năm 1985, chính sách Cởi Mở (Glasnost) và Cải Tổ (Perestroika)được tân lãnh tụ Mikhail Gorbachev phát động ở Nga Sô.

 

Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô là yếu tố thứ nhất trong ba yếu tố định đoạt cho hiện tượng khai tử của chế độ CS Âu Châu.

 

Biến cố này bắt đầu từ khi Ngài về thăm quê hương của Ngài vào ngày 2-10/6/1979. Việc Ngài được phép chính quyền CS Ba- Lan cho về thăm quê hương cũng không phải là chuyện thường. Đầu tiên chính quyền Ba Lan từ chối lời xin phép của Ngài. Sau đó, chính quyền đã tự nhượng bộ vào ngày 7/5/1979, ngày kết thúc bảy ngày và bảy đêm liên tục lần chuỗi trước Mình Thánh Chúa được tổ chức ở Đền Đức Mẹ Czestochowa để cầu nguyện cho việc được phép về thăm quê hương của Đức Giáo Hoàng. Để rồi, với ảnh hưởng của Ngài, Công Đoàn Liên Đới đã được hình thành.

 

Timothy Garton Ash, một ký giả người Anh, năm 1990 đã viết: “Chính tháng Sáu năm 1979 là khởi điểm cho cuộc kết liễu của riêng lịch sử Đông Âu... Tôi tin rằng chuyến công du đầu tiên về Ba-Lan của Đức Thánh Cha là chốt điểm của nó. Chỉ hơn một năm sau cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha là Công Đoàn Liên Đới ra đời, nếu không có cuộc viếng thăm này của Đức Thánh Cha, chưa chắc đã có Công Đoàn Liên Đới. Gương của Công Đoàn Liên Đới là một khai triển tân kỳ. Nó đã đi tiên phong như là một hình thái chính trị mới mẻ ở Đông Âu (và không phải chỉ mới mẻ ở đó mà thôi): chính trị tự tổ hợp nhằm điều giải cho việc chuyển nhượng của CS” (CI:57).

 

Mikhail Gorbachev, nguyên lãnh tụ CS Liên Sô, cho rằng Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã giữ một vai trò rất quan trọng trong việc CS Đông Âu sụp đổ. Trong một bài báo được nhiều tờ báo nổi tiếng trên thế giới đăng tải vào tháng 3/1992, Gorbachev đã viết: “Những biến cố ở Đông Âu không thể nào xẩy ra nếu không có vai trò quan trọng mà Ngài” (ĐTC Gioan-Phaolô II) tự biết phải đóng vai trò như thế nào trong hiện tình thế giới... Tôi vẫn tin ở tầm mức quan trọng nơi những hành động của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trong những năm ấy” (FFM 4-6/92:21). Công Đoàn Liên Đới là yếu tố thứ hai định đoạt cho hiện tượng khai tử của chế độ CS Âu Châu.

 

Sự lạ thứ nhất là việc chính quyền CS Ba-Lan vào năm 1980 đã công nhận Công Đoàn Liên Đới, một tổ chức bao gồm chừng 50 nghiệp đoàn của người Ba-Lan, do Lech Walesa lãnh đạo.

 

Sự lạ thứ hai là, dù bị chính quyền đàn áp vào năm 1981 và dù bị chính quyền chính thức giải tán vào tháng 10 năm 1982, Công Đoàn Liên Đới vẫn tồn tại cho đến ngày được tái công nhận là ngày 17- 4-1989. Vẫn biết, theo dư luận báo chí, Công Đoàn Liên Đới nhận được viện trợ ngầm của Mỹ, có thể nhờ đó mà tồn tại, tuy nhiên, cũng theo dư luận báo chí, sở dĩ cuộc viện trợ của Mỹ đến được tay Công Đoàn Liên Đới là vì

 

chính phủ dù chúng tôi không hài lòng tí nào về điều này ... Trong một vài trường hợp chúng tôi đã mhắm mắt làm ngơ, vì sợ lộ tẩy chân tướng của các tay trong do chúng tôi gài vào Công Đoàn Liên Đới này (30 Days 3/92:17). Với các tay trong của chính quyền CS như thế mà Công Đoàn Liên Đới vẫn tồn tại. Đó mới là sự lạ, và sự lạ là ở chỗ đó.

 

Sự lạ thứ ba là Tadeusz Mazowiecki, cố vấn của Công Đoàn Liên Đới, được bổ nhiệm làm thủ tướng vào ngày 19-8-1989, là một biến cố chưa từng có trong thế giới CS, làm náo động tận nền móng tất cả chủ nghĩa CS hiện đại, mở màn cho biến động Đông Âu.

 

Sự lạ thứ bốn, cũng là sự lạ chính yếu, đó là sự thành công một cách quá ư tốt đẹp của Công Đoàn Liên Đới, một thành quả gặt hái được, như Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II viết trong thông điệp Bách Niên (Centesimus Annus) của Ngài, nhờ “chỉ sử dụng khí giới chân thật và công chính... bởi cuộc tranh đấu bất bạo động của những con người mà, trong khi nhất định không chịu nhượng bộ trước những thế lực, liên lỉ tìm kiếm những đường lối hữu hiệu để minh chứng cho sự thật” (CA:23).

 

Chính Lech Walesa, đương kim tổng thống Ba-Lan, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Nữu Ước, ngày 14/10/1991, dịp chia sẻ về chủ đề và những nguyên tắc trong thông điệp Bách Niên(Centesimus Annus) của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, đã phát biểu và diễn thuật về “cuộc tranh đấu bất bạo động”, “cuộc chống đối thuận hòa”, “cuộc chống đối làm sụp đổ chủ nghĩa Mát-Xít” như sau: “Hãy nhớ rằng tất cả là mười triệu người tích cực tham dự. Sự bất mãn đã bộc phát ở một mức độ ngoài dự liệu. Sau mười tám tháng chống đối chính quyền CS mà không cần sô xát như tấn công ngục Bastilles, không cần dựng nên các đoạn đầu đài, không một mảnh kính bị đập bể, chúng tôi đã chiến thắng” (CI:57).

 

Chính sách Cởi Mở và Cải Tổ của Mikhail Gorbachev là yếu tố thứ ba định đoạt cho hiện tượng khai tử của chế độ CS Âu Châu.

 

Đối nội, Gorbachev chủ trương hai chính sách: Cởi Mở về tư tưởng và phát biểu và Cải Tổ về chính trị và kinh tế. Với tinh thần và đường lối này, đối ngoại, Gorbachev cũng chủ trương Cải Tổ lại tất cả, như rút quân khỏi Afghanistan, cắt giảm vũ trang nguyên tử và lực lượng quân sự, khuyến khích khối CS Đông Âu cải tổ chính trị cũng như kinh tế và hứa không can thiệp vào nội bộ cải tổ của mỗi địa phương. Kết quả là những cuộc bùng nổ thực sự đã xẩy ra ở các nước CS Đông Âu.

 

Khởi đầu là Ba-Lan, ngày 4 và 18 tháng 6 năm 1989, đã tổ chức bầu cử tự do, lần đầu tiên kể từ năm 1947.

 

Thứ đến là Hung Gia Lợi, ngày 10-9-1989, chính quyền CS đã mở cửa biên giới cho dân Đông Đức từ ngả nước Áo trốn sang Tây Đức, và ngày 18-10-1989, đã chấp nhận hình thức bầu cử đa đảng.

 

Rồi Tây Đức, ngày 18-10-1989, đã truất phế lãnh tụ CS Erich Honecker, và ngày 9-11-1989 đã mở cửa biên giới, phá đổ bức tường Bá-Linh, để cho dân tha hồ tuốn sang Tây Đức; nhất là, vào ngày 7-12-1989, đảng CS Tây Đức đã tự giải thể và kêu gọi tổ chức bầu cử đa đảng vào tháng 5/1990, để rồi, kết thúc với một nước Đức thống nhất vào ngày 3/10/1990.

 

Rồi Bulgaria,ngày 10-11-1989, quyền bính trong tay nhà độc tài Todor Zhivkov sau 35 năm đã bị mất vào tay một nhà cải cách.

 

Rồi Czechoslovakia, ngày 10-12-1989, một chính quyền vừa CS lẫn không CS (đa số) đượcthành hình, dọn đường cho việc bầu cử tự do.

 

Rồi Romania, ngày 22-12-1989, lãnh tụ Nicolae Ceausescu đã hoàn toàn bất lực trong việc truyền khiến quân đội và bị tử hình ngày 25-12-1989 vì bị kết tội là kẻ thù của dân tộc.

 

Sau hết, ngay tại Liên Bang Sô Viết, tháng 3/1990, một cuộc bầu cử tự do đã được thực hiện và Gorbachev đã đắc cử tổng thống Liên Bang Sô Viết; ngày 20 và 21/8/1991, nhân cuộc nổi dậy của đảng CS hôm 19-21/8/1991, ba nước cộng hòa Baltic là Estonia, Latvia và Lithunia đã tái tuyên bố độc lập (sau lần đòi độc lập thứ nhất vào tháng 3/1990), kéo theo sự thành lập của Khối Thịnh Vượng Chung vào ngày 21/12/1991 cho 11 trong 12 (trừ Georgia) nước thuôc Cộng Hòa Sô Viết.

 

Phải chăng, sự sụp đổ của Liên Bang Sô Viết và khối CS Đông Âu chỉ là khổ nhục kế của CS Nga So<131>? Chính Mikhail Gorbachev, vào tháng 11 năm 1987, đã nói những lời sau đây với các nhân vật trong ủy ban nghiên cứu chính sách của đảng CS: “Hỡi các đồng chí, đừng lo về những điều mà tất cả các bạn nghe được có liên quan đến chính sách cởi mở và cải cách vào những năm tới. Những chính sách này chỉ là một nhu cầu đối ngoại mà thôi. Ngoài mục đích đánh bóng, sẽ không có một thay đổi hệ trọng đối nội nào cả. Mục đích của chúng ta là giải giới Hoa Kỳ và làm cho họ tưởng bở. Chúng ta muốn đạt được 3 điều là: thứ nhất, chúng ta muốn lực lượng thỏa hiệp của Hoa Kỳ rút khỏi Âu Châu; thứ hai, chúng ta muốn khí giới nguyên tử của Hoa Kỳ rút khỏi Âu Châu; thứ ba, chúng ta muốn Hoa Kỳ bỏ tiến hành Lực Lượng Chiến Lược Phòng Thủ” (CT: Spring 92).

 

Những âm mưu thật là thâm độc này của CS không phải là không thể có và không thể xẩy ra. Tuy nhiên, nếu quả thật như vậy thì họ đã đi một nước cờ quá liều, đến nỗi, thực tế đã xẩy ra hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát và dự tính của họ. Phải chăng "Họ đã đào hố trước mặt tôi, nhưng họ lại rơi ngay xuống hố họ đào" (TV 57:7).

 

Quả thât đường lối Chúa thật khôn dò. Ngài không hề phạm đến tự do mà Ngài đã ban cho con người, thế mà con người vẫn không thể nào đi lệch khỏi những gì Ngài đã định liệu từ trước theo Thượng Trí vô cùng khôn ngoan của Ngài. Thiên Chúa là chúa tể muôn loài. Chính Ngài, chứ không phải Cesar, không phải Napoleon, không phải Hítler, không phải Lenin, không phải ai hết... điều hành lịch sử loài người. Do đó, tât cả những gì Ngài đã định liệu, chắc chắc sẽ xẩy ra khi tới thời điểm của nó.

 

Phải, thời điểm tận số của CS tại Liên Bang Sô Viết sau 74 năm làm kinh hoàng chung thế giới và đọa đầy riêng nhân dân Nga, thât sự đã xẩy ra khi tổng thống Liên Bang Sô Viết Gorbachev từ chức vào chính ngày lễ kỷ niệm Thiên Chúa giáng sinh 1991, ngày mà các thần trời, hiện thân của hòa bình, như Thiên Thần Hòa Bình, vị hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima năm 1916, đã từ trời cao xuống giữa đêm đông âm u rét buốt của trần gian năm xưa ấy, để cùng nhau hợp xướng tung hô:

 

"Vinh Danh Thiên Chúa trên trời,

Bình an dưới thế cho người Chúa thương" (Lc 2:14)

 

Chương 2 - Biến Cố Fatima

Phải, 75 năm về trước, CS Liên Sô đã bắt đầu với cuộc về nước của Lenin ngày 16-4-1917 (sau 9 năm vận động cách mạng ở hải ngoại từ năm 1908) cầm đầu đảng Bolsheviks (năm 1918 đã đổi tên thành Đảng CS) chính thức đi vào giai đoạn Cách Mạng Tháng Mười, để lật đổ Nga hoàng là Czar Nicholas II vào ngày 7-11-1917.

 

Vâng, cũng 75 năm về trước, một biến cố khác đã xẩy ra thật là trùng hợp và hoàn toàn ăn khớp với sự xuất đầu lộ diện của CS tại Nga Sô. Đó là việc Đức Mẹ hiện ra với ba thiếu nhi ở Fatima nước Bồ Đào Nha sáu lần, từ tháng 5 tới tháng 10 năm 1917, khoảng thời gian ngay giữa cuộc Cách Mạng Vô Sản của Lenin ở Nga Sô (từ tháng 4 đến tháng 11/1917).

 

Một điều lạ lùng khó có thể chối cãi, có liên hệ đến hai biến cố này, đó là, ngay ngày 13 tháng 7 năm 1917, Đức Mẹ đã tiết lộ cho ba thiếu nhi Fatima là em gái Giaxinta, 7 tuổi, em trai Phanxicô, anh ruột của Giaxinta, 9 tuổi, và em gái Lucia, chị họ của cả Phanxicô và Giaxinta, 10 tuổi, ba điều Bí Mật. Điều Bí Mật thứ nhất, theo nội dung, liên quan đến số phận đời đời của chung các linh hồn. Điều Bí Mật thứ hai, liên quan trực tiếp đến Nước Nga. Và, điều Bí Mật thứ ba, dù chưa được Đức Thánh Cha tiết lộ từ năm 1960, theo đa số các học giả về Sự Lạ Fatima, có liên quan đến riêng vận mệnh của Giáo Hội.

 

Về điều Bí Mật Fatima thứ hai, Đức Mẹ đã tỏ cho ba thiếu nhi Fatima biết như thế này:

 

“...Chiến tranh sẽ chấm dứt, nhưng nếu con người không thôi xúc phạm đến Thiên Chúa, một cuộc chiến khốc liệt hơn nữa sẽ bùng nổ vào thời Đức Piô XI. Khi các con thấy trong đêm tối xuất hiện một ánh sáng lạ, các con hãy biết rằng, đó là dấu hiệu rõ ràng Thiên Chúa tỏ cho chúng con thấy rằng Ngài sắp sửa trừng trị thế giới vì tội lỗi của họ, bằng chiến tranh, đói kém, bắt bớ Giáo Hội và Đức Thánh Cha. Để tránh khỏi điều này, Mẹ sẽ đến để xin hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ và xin rước lễ đền tạ vào các Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng. Nếu yêu cầu của Mẹ được thực hiện, Nước Nga sẽ trở lại và sẽ có hòa bình; bằng không, Nước Nga sẽ reo giắc lầm lạc trên khắp thế giới, gây chiến tranh và bắt bớ Giáo Hội. Kẻ lành sẽ tử đạo, Đức Thánh Cha sẽ chịu nhiều đau khổ, một số quốc gia sẽ bị tiêu diệt. Cuối cùng, Trái

 

Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ sẽ thắng. Đức Thánh Cha sẽ dâng hiến Nước Nga cho Mẹ, Nước Nga sẽ trở lại, và thế giới sẽ được hưởng một thời gian hòa bình...”

 

Phần Bí Mật thứ hai trên đây được chị Lucia viết ra trong phần Hồi Niệm thứ ba và thứ bốn. Tất cả những gì chị Lucia viết ra, hoàn toàn vì vâng lời Giám Mục Silva cai quản địa phận Leiria-Fatima, gồm có 4 phần, được gọi là Những Hồi Niệm (Memoirs):

 

Phần Hồi Niệm thứ nhất, nội dung về Giaxinta, được chị bắt đầu viết vào tuần thứ hai của tháng 12 năm 1935 và hoàn tất vào ngày 25/12/1935, lễ Chúa Giáng Sinh. Phần Hồi Niệm thứ hai, nội dung về chính mình, chị

 

Lucia bắt đầu viết vào ngày 7-11-1937 và hoàn tất vào ngày 21-11-1937, lễ Đức Mẹ Dâng Mình Vào Đền

 

Thánh. Phần Hồi Niệm thứ ba, ngắn nhất, nội dung về Giaxinta (thêm cho đầy đủ) và về hai bí mật đầu, được chị viết ngay sau khi nhận được thơ của đức giám mục da Silva ngày 26-7-1941 và hoàn tất ngày 31-8-1941. Phần Hồi Niệm thứ bốn, dài nhất, nội dung về Phanxicô, về Giaxinta (nếu còn sót điều gì), về thị kiến Thiên Thần và Đức Mẹ hiện ra, được chị viết ra sau khi được lệnh đức giám mục da Silva ngày 7-10-1941 và hoàn tất phần nhất ngày 25-11-1941 và phần hai ngày 8-12-1941, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

 

Như thế, Bí Mật Fatima thứ hai, liên quan trực tiếp đến Nước Nga, như một lời tiên tri về tất cả những việc làm của Nước Nga và cuộc trở lại của Nước Nga, đã được tỏ cho thế giới biết, qua giáo quyền địa phương là đức giám mục da Silva, khi chị Lucia viết ra và gửi cho ngài. Theo lịch sử diễn tiến từ ngày Đức Mẹ hiện ra ở Fatima và tiết lộ cho loài người, qua ba thiếu nhi Fatima, biết bí mật của Mẹ, cách riêng bí mật thứ hai, thì mọi sự đã xẩy ra hoàn toàn ứng nghiệm với lời tiên tri của Mẹ. Những chứng tích lịch sử đó là:

 

“Chiến tranh sẽ chấm dứt":

 

Đại chiến thứ nhất bắt đầu bùng nổ từ ngày 28/6/1914 khi Francis Ferdinand, ông hoàng của nước Áo bị ám sát tại thủ đô Sarajevo, và đã chấm dứt ngày 11/11/1918 khi nước Đức ký đầu hàng đồng minh. Vào thời điểm Đức Mẹ nói “chiến tranh sẽ chấm dứt” là ngày 13-7-1917, thì Hoa Kỳ đã chính thức tuyên chiến với Đức ngày 6-4-1917 và mới bắt đầu đổ quân xuống Pháp ngày 24-6- 1917 để tiếp tay với các nước Âu Châu dập tắt lực lượng đơn thân độc mã khiêu chiến và chiến đấu của Đức quốc.

 

“Một cuộc chiến khốc liệt hơn nữa sẽ bùng nổ vào thời Đức Giáo Hoàng Piô XI":

 

Đại Chiến thứ hai quả nhiên đã chính thức xẩy ra vào ngày 1-9-1939 khi quân Đức xâm chiếm Ba-Lan, để rồi kết thúc, tại Âu Châu ngày 7/5/1945 khi Đức đầu hàng đồng minh vô điều kiện ở Reims nước Pháp, và tại Á Châu ngày 2-9-1945 khi Nhật ký đầu hàng Mỹ trên chiến hạm U.S.S.Missouri tại vịnh Tokyo. Hậu quả của cuộc Đại Chiến thứ hai này đúng là “khốc liệt hơn” Đại Chiến thứ nhất. Ở chỗ, trong khi Đại Chiến thứ nhất mất có 10 triệu mạng người lính, trong đó Pháp chiếm 1 triệu 1/3, Đức và Nga mỗi nước mất 1 triệu 3/4, thì Đại Chiến thứ hai thủ tiêu mất 17 triệu mạng người tham chiến, trong đó, có 7 triệu rưỡi của Nga, 3 triệu rưỡi của Đức và 1 triệu 1/4 của Nhật, cộng với 20 triệu mạng thường dân của Nga và 10 triệu mạng thường dân của Tầu. Cuộc Đại Chiến thứ hai này cũng đúng là “bùng nổ vào thời Đức Giáo Hoàng Piô XI”.

 

Đúng vậy, trước khi Đức Thánh Cha Piô XI băng hà ngày 10-2-1939, Đại Chiến thứ hai đã bắt đầu xẩy ra, trước tiên là Ý xâm chiếm Ethiopia năm 1935 và hoàn toàn khống chế nước này vào tháng 5/1936, sau đó là Nhật tấn công Trung Hoa vào năm 1937 và chiếm gần hết phần đất phía đông của Trung Hoa vào cuối năm 1938, sau cùng là Đức tiến vào nước Áo tháng 3 năm 1938 và sát nhập nước này với Đức quốc. Theo chị Lucia, “việc xâm chiếm Áo quốc là khơi mào cho chiến tranh. Khi Hoà Ước Munich được ký kết (ngày 29-30/9/1938, giữa Chamberlain, Hitler, Mussolini và Daladier công nhận Sudetenland là phần đất biên giới ở phía bắc của nước Czechoslovakia thuộc về Nazi Đức Quốc Xã), các dì (dòng thánh Đôrôthêô của chị) vui mừng vì họ nghĩ là hòa bình đã được vãn hồi. Tiếc thay, tôi lại biết rõ hơn các dì ấy nữa” (MOCC:XIV)

 

“Trong đêm tối xuất hiện một ánh sáng lạ...dấu hiệu Thiên Chúa sắp trừng phạt thế giới":

 

Tờ Le Nouvelliste de Lyons, ra ngày 26/1/1938 ở Pháp, đã viết về đêm 25 rạng 26/1/1938 theo nhận xét của ông Jean Dufay, giám đốc quan sát viện Saint-Genis-Laval, kiêm giảng sư khoa học Lyon, như sau:

 

“Quang cảnh mà chúng ta vừa chứng kiến rất lạ lùng. Đó là một vầng ánh sáng Bắc phương ở một cao độ khá, một hiện tượng rất hiếm đối với vĩ tuyến của chúng ta, hiếm có vào lúc này vì những luồng dưỡng khí và phát xạ đạm khí của một tổng hợp quang phổ kỳ diệu. Vầng ánh sáng bắc phương này luôn luôn liên hệ đến một vùng tròn mầu sắc vào một lúc nào đó băng ngang qua kinh tuyến chính của mặt trời. Những hiện tượng này xuất hiện trên trời bình thường xẩy ra khoảng 48 tiếng đồng hồ sau khi vùng tròn mầu sắc này qua đi. Mà, theo sự khảo sát của chúng ta về mặt trời mấy hôm vừa qua cho phép chúng ta nói được rằng đã không có một bóng mờ nào băng ngang qua thái dương. Điều đó càng chứng tỏ về sự lạ lùng của hiện tượng này vì thiếu nguyên nhân gây ra nó” (TWTAFII:705).

 

Theo chị Lucia, “vầng ánh sáng bắc phương” này chính là “dấu hiệu Thiên Chúa sắp trừng phạt thế giới” như

 

Đức Mẹ báo trước. Cuộc xâm chiếm của Đức đối với Áo quốc vào tháng 3 ngay sau đó không phải là khai mào cho việc Thiên Chúa trừng phạt thế giới “vì tội lỗi của họ” hay sao?

 

“Mẹ sẽ đến để xin dâng hiến Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ và xin rước lễ đền tạ vào các Thứ Bảy Đầu Tháng":

 

Mẹ Maria đã giữ đúng lời hứa này khi hiện ra với chị Lucia hai lần. Lần thứ nhất vào ngày 10/12/1925 tại Pontevedra nước Tây ban Nha, trong một tu viện của dòng thánh Đôrôthêô mà chị bấy giờ là một tập sinh,

 

Đức Mẹ hiện ra với chị cùng với Chúa Hài Nhi và nói với chị những lời sau đây:

 

“Hỡi con gái của Mẹ, hãy nhìn vào Trái Tim của Mẹ bị gai nhọn quấn quanh do các con người vô ơn bội bạc gây ra mỗi khi họ phạm thượng và vong ân. Ít là phần con hãy cố gắng ủi an Mẹ và này Mẹ hứa sẽ phù hộ trong giờ lâm chung bằng những ơn cần thiết cho những ai Năm Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng liền xưng tội, rước lễ, lần năm chục kinh Mân Côi, và dùng mười năm phút suy về 15 mầu nhiệm Mân Côi, với ý đền tạ Mẹ” (FILOW:195).

 

Lần thứ hai vào ngày 13/6/1929 tại Tuy nước Tây Ban Nha, trong nhà nguyện dòng của chị, Đức Mẹ tay cầm Trái Tim hiện ra với chị ở thế đứng bên phải Thánh Giá bằng ánh sáng có những giọt máu từ mặt và cạnh sườn của Chúa Kitô chịu đóng đanh nhỏ xuống bánh thánh và chén thánh ở bên dưới cạnh sườn của Chúa, và Đức Mẹ nói với chị những lời sau đây:

 

“Đã đến lúc Thiên Chúa muốn xin Đức Thánh Cha hợp cùng với tất cả các giám mục trên thế giới để hiến dâng nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, Ngài hứa cứu nước Nga” (FILOW:200)

 

“Nếu yêu cầu của Mẹ được thực hiện, Nước Nga sẽ trở lại và sẽ có hòa bình; bằng không Nước Nga sẽ gieo rắc lầm lạc trên khắp thế giới, gây chiến tranh và bắt bớ Giáo Hội. Kẻ lành sẽ tử đạo, Đức Thánh Cha sẽ chịu nhiều đau khổ, một số quốc gia sẽ bị tiêu diệt":

 

Theo Bí Mật thứ hai mà Đức Mẹ tỏ ra cho ba Thiếu Nhi Fatima vào ngày 13-7-1917 này thì Đức Mẹ chỉ “yêu cầu”hai điều. Một là “”dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ”, hai là “rước lễ đền tạ các Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng”. Tuy nhiên, vào lần hiện ra với chị Lucia tại Tuy ngày 13/6/1929, theo lời của Mẹ, thì chỉ còn lại một “yêu Cầu” duy nhất. Đó là nếu Đức Thánh Cha hợp với toàn thể các đức giám mục trên thế giới hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ thì Nước Nga sẽ được cứu.

 

Tất cả diễn tiến việc thực hiện điều “yêu cầu” duy nhất này của Đức Mẹ, cũng là diễn tiến việc “Nước Nga sẽ được cứu" ở trong chương kế tiếp, "Đáp Ứng Yêu Cầu".

Chương 3 - Đáp Ứng Yêu Cầu

Sau đây là diễn tiến việc Giáo Hội đáp ứng "yêu cầu" mà Mẹ Maria đã cho chung 3 Thiếu Nhi Fatima biết vào ngày 13/7/1917 và cho riêng chị Lucia biết vào ngày 13/6/1929.

 

DƯỚI GIÁO TRIỀU ĐỨC THÁNH CHA PIÔ XI (6/2/1922-2/10/1939)

 

Điều “yêu cầu” của Mẹ Maria đã được chị Lucia kính đệ lên Đức Thánh Cha Piô XI. Trong thư gửi lên Đức Thánh Cha Piô XII ngày 24-10-1940, chị đã đề cập đến việc này:

 

“Đức Thánh Cha rất kính mến, con xin phép lập lại một điều khẩn cầu đã được trình lên Đức Thánh Cha mấy lần trước, cũng như đã được trình lên Đức Thánh Cha Piô XI” (LS:247).

 

Phần Đức Thánh Cha XI, trong thư gửi cho đức hồng y Pompili là đại diện của tòa thánh Rôma, Ngài viết:

 

“Ta cảm thấy hết sức xúc động khi nghĩ tới những tội lỗi dữ tợn và phạm thánh đến Thiên Chúa và các linh hồn được tái diễn trầm trọng hơn mỗi ngày nơi vô số người ở nước Nga... cần phải có một sự đền tạ trọng thể và phổ quát hơn. Bởi thế, Ta muốn, với hết khả năng của mình, thực hiện một việc đền tạ cho tất cả những hành động phạm thánh này, đồng thời kêu gọi tín hữu khắp nơi trên thế giới thực hiện việc đền tạ này vào ngày lễ thánh Giuse, 19/3/1930... Sau khi đã xin Thánh Tâm Chúa Giêsu tha thứ và thương đến các nạn nhân và cả những kẻ sát nhân, Ta cầu khẩn Đức Maria Đồng Trinh Vô Nhiễm Thánh Thiện, Mẹ của Thiên Chúa...”

 

Nước Nga chưa được hiến dâng cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Tức “yêu cầu” của Mẹ chưa được thực hiện. Do đó, sự kiện “bằng không, Nước Nga sẽ...” đã thực sự xẩy ra, như trong thông điệp Divini Redemptoris ban hành ngày 19/3/1937, Đức Thánh Cha đã phải viết:

 

“Dù CS chưa có đủ thời gian để ra tay hết cỡ, thương ôi, chứng kiến nước Tây Ban Nha yêu qúi, Ta đã thấy được mức độ tấn công tàn bạo của nó. Chẳng những nhà thờ này, thánh đường kia, đan viện nọ bị chiếm cứ, mà còn bị hủy hoại nữa. Mọi vết tích Kitô giáo đều bị tiêu hủy... CS hung dữ đến nỗi giết chết các giám mục bất kể là ai, hàng ngàn linh mục và tu sĩ nam nữ... Đa số nạn nhân của nó là giáo dân ở mọi hoàn cảnh và mọi giai cấp. Cho đến lúc này, từng đoàn lũ giáo dân đang bị giết chết hầu như hằng ngày chỉ vì họ là những Kitô hữu tốt hay ít nhất vì họ đã chống lại CS vô thần...” (AC:20).

 

Đoạn văn trên đây đã nói lên hai trong ba sự kiện “bằng không” mà Đức Mẹ đã báo trước, đó là: “kẻ lành sẽ tử đạo, Đức Thánh Cha sẽ chịu nhiều đau Khổ”. (Sự kiện Đức Thánh Cha chịu nhiều đau khổ tỏ tường

nhất phải kể đến vụ ám sát hụt, như dư luận nghi ngờ cho là do âm mưu của KGB, điệp vụ Nga Sô, vào ngày 13/5/1981 sau này đối với Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II).

 

Nước Tây Ban Nha mới thử nếm mùi CS trong thời kỳ nội chiến 1936 -1939, như Đức Thánh Cha đề cập đến ở trên, mà như thế, các nước bị CS thống trị hay bị sát nhập vào với Liên Sô thì thế nào. Thật vậy, Hồng quân Sô Viết đã chiếm phía đông của Ba-Lan ngày 17 -9-1939, đa số phần đất của Phần-Lan vào tháng 3-1940, phần đất của Romania vào tháng 6-1940, và trọn ba nước ở vùng Baltic là Estonia, Latvia và Lithunia vào tháng 8-1940. “Một số nước sẽ bị tiêu diệt”, như Đức Mẹ tiên báo sự kiện “bằng không” thứ ba, phải chăng là chính ba nước thuộc vùng Baltic này, là những nước đã bị hoàn toàn sát nhập vào Liên Bang Sô Viết, chứ không phải bị đô hộ hay bảo hộ như chính sách thực dân đế quốc của Pháp đối với Việt Nam từ hậu bán thế kỷ 19 đến bán thế kỷ 20.

 

DƯỚI GIÁO TRIỀU ĐỨC THÁNH CHA PIÔ XII (2/3/1939-9/10/1958)

 

Điều “yêu cầu” của Mẹ Maria đã được chị Lucia chính thức và trực tiếp trình lên Đức Thánh Cha Piô XII hai ngày 24-10-1940. Nội dung của bức thư này, chị trình cho Đức Thánh Cha biết Bí Mật Fatima thứ hai được Đức Mẹ tiết lộ ngày 13-7-1917 ở Fatima, việc giữ năm Thứ Bảy Đầu Tháng liên tiếp được Đức Mẹ xin ngày 10/12/1925 ở Pontevedra, và việc Đức Thánh Cha hợp cùng các giám mục trên thế giới hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ được Mẹ dạy ngày 13/6/1929 tại Tuy.

 

Đức Thánh Cha Piô XII, vị Giáo Hoàng tiền định đã được thụ phong Giám Mục vào chính ngày giờ Đức Mẹ hiện ra ở Fatima lần thứ nhất, 13-5-1917, cũng là vị giáo hoàng đã được thấy hiện tượng mặt trời nhẩy múa bốn lần trong bốn ngày, ngày 30 và 31 tháng 10 và ngày 1 và 8 tháng 11, dịp Ngài tuyên bố tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời ngày 1-11-1950, đã thực hiện “yêu cầu” này của Mẹ hai lần, một lần vào ngày 31-10-1942, ngày kết thúc mừng 25 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, và một lần vào ngày 7-7-1952, lễ hai thánh Cyrilô và Mêthôđiô, tông đồ của sắc dân Slavs, mà Nga là một trong ba nhóm (thuộc về nhóm ở phía đông).

 

Lần thứ nhất, qua vô tuyến truyền thanh, Đức Thánh Cha Piô XII đã gửi đến quốc dân Bồ Đào Nha điệp văn của Ngài, trong đó, có đoạn sau đây:

 

“Chúng con trông cậy, chúng con hiến dâng, chúng con phó thác cho Mẹ, cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, trong giờ phút nguy biến của lịch sử nhân loại này, chẳng những Hội Thánh, Nhiệm Thể của Chúa Giêsu Con Mẹ, đang đổ máu và đau khổ ở nhiều nơi bằng nhiều cách, mà còn cả thế giới đang bị rã rời vì những bất hòa nguy tử, đang bừng bừng lên lửa thù hận, trở nên nạn nhân của chính tội lỗi của mình”

 

Lần thứ hai, qua Tông Thư Sacro Vergente Anno gửi quốc dân Nga Sô, Ngài viết:

 

“Để cho lời cầu nguyện thiết tha của chúng tôi và của qúi vị dễ được chấp nhận hơn, và để chứng tỏ cho qúi vị thấy lòng ưu ái của chúng tôi đối với qúi vị, giống như mấy năm trước chúng tôi đã hiến dâng cả loài người cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Đồng Trinh Maria, Mẹ của Thiên Chúa, vậy giờ đây, chúng tôi hiến dâng, và, một cách hết sức đặc biệt, chúng tôi phó thác tất cả nhân dân nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, với niềm hy vọng chắc chắn rằng, chẳng bao lâu, nhờ sự bầu cử toàn năng của Rất Thánh Trinh Nữ Maria, ước vọng của chúng tôi cũng như của qúi vị và của tất cả những người lành sẽ được hoàn toàn nên trọn, là một nền hòa bình đích thực, hòa hợp huynh đệ, và tự do cho tất cả mọi người, nhất là cho Giáo Hội

 

Lần thứ nhất, Nước Nga chưa được hiến dâng cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ. Lần thứ hai, nước Nga được hiến dâng cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ song không có sự tham dự của toàn thể các giám mục trên thế giới. Nghĩa là, cả hai lần hiến dâng này đều chưa hoàn toàn đúng như ý muốn của Thiên Chúa. Do đó, sự kiện “Bằng không, Nước Nga sẽ...” đã xẩy ra. Chị Lucia đã tóm tắt sự kiện “bằng không” này khi nói với đức giám mục Gurza như sau:

 

“Chúa nhân lành đã tỏ cho con biết là Ngài hài lòng về việc làm này (việc hiến dâng lần thứ nhất) của Đức Thánh Cha cùng với một vài giám mục. Mặc dầu nó chưa được hoàn toàn đúng theo ước muốn của Ngài, song Ngài hứa sẽ làm cho chiến tranh sớm chấm dứt. Còn việc trở lại của nước Nga thì bây giờ chưa xẩy ra”

 

Về việc “chiến tranh sớm chấm Dứt”, quả thật, ngày 2/2/1943, quân Đức đã bắt đầu kiệt quệ và trước hết đầu hàng ở Stalingrad. Ngày 13/5/1943 phe trục đầu hàng ở Bắc Phi. Ngày 10-7-1943, Đồng minh chiếm Sicily nước Ý. Ngày 6-6-1944, Đồng Minh chiếm lại miền Bắc nước Pháp. Ngày 19-20/6/1944, hải quân Mỹ đánh bại Nhật ở vùng biển Phi-Luật-Tân. Ngày 30-4-1945, Hitler tự tử ở Bá-Linh. Ngày 6-8-1945, Nhật bị một trái bom nguyên tử của Mỹ ở Hiroshima. Ngày 9-8-1945, Nhật bị một trái bom nguyên tử nữa của Mỹ ở Nagasaki.

 

Về “việc trở lại của nước Nga thì chưa xẩy ra”, nên, Nước Nga đã “gieo rắc lầm lạc trên khắp thế giới”: Năm 1948, đến các nước Bulgaria, Czechoslovakia và Bắc Hàn; năm 1949, đến Hung Gia Lợi, Trung Hoa và Đông Đức; năm 1950, Bắc Hàn bắt đầu tấn công Nam Hàn; năm 1954, đến các nước Đông Dương gồm Việt Nam, Lào và Cam- Bốt; năm 1957, Bắc Việt Nam bắt đầu xâm lăng Nam Việt Nam.

 

DƯỚI GIÁO TRIỀU ĐỨC THÁNH CHA GIOAN XXIII (28/10/1958-3/6/1963)

 

Điều “yêu cầu” của Mẹ Maria, theo sử liệu, không được chị Lucia trực tiếp trình lên Đức Thánh Cha Gioan XXIII, như chị đã làm việc này với hai vị tiền nhiệm của ngài là Đức Thánh Cha Piô XI và Piô XII. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Gioan XXIII là vị Giáo Hoàng đầu tiên đã đọc Bí Mật Fatima thứ ba, Bí Mật do chị Lucia viết ra trong tuần lễ từ 2-9/1/1944 ở Tuy, Bí Mật mà đức giám mục Silva nhận được ngày 17-6-1944, Bí Mật chỉ được phép công bố vào năm 1960, vì, như chị Lucia cho biết, “Đức Thánh Trinh Nữ muốn thế” (TWTAF3:472) và “bấy giờ (1960) nó sẽ rõ ràng hơn” (TWTAF3:474), Bí Mật mà Toà Thánh Rôma đã nhận được ngày 16-4-1947.

 

Sau khi lên ngôi, Đức Thánh Cha Gioan XXIII ngỏ ý muốn đọc Bí Mật này. Nhận được Bí Mật này ở Castelgandolfo do cha Phaolô Philiphê đem đến cho ngài hôm 17-8-1959, mấy ngày sau Đức Thánh Cha mới đọc Bí Mật với đức ông Capovilla, vị giải tội của ngài, cũng như với đức ông Paulo José Tavares, vị chuyển dịch cho ngài. Tuy nhiên, năm 1960 qua đi, Bí Mật Fatima thứ ba vẫn không được tiết lộ gì cả. Việc Đức Thánh Cha hợp với toàn thể các đức giám mục trên thế giới dâng hiến nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria cũng không thấy động tĩnh gì, ngoại trừ sứ điệp vô tuyến truyền thanh Đức Thánh Cha đọc dịp kết thúc Đại Hội Thánh Thể Toàn Quốc ở Ý ngày 13-9- 1959, với những lời có liên quan đến Trái Tim Mẹ và việc dâng hiến như sau:

“Trong việc phục vụ Thiên Chúa và Giáo Hội của Người, lòng khiêm hạ và quảng đại đã làm cho các con tuyên xưng đức tin yêu trong ngày hôm nay, một sự tuyên xưng nhiệt liệt trong tương lai hơn trong quá khứ, sau khi các con dâng hiến nước Ý cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria. Chúng ta tin tưởng rằng, bằng nhiệt tình biệt kính này hướng về Đức Thánh Trinh Nữ, tất cả mọi người Ý, với nhiệt tình mới, sẽ tôn kính Người là Mẹ của Nhiệm Thể Giáo Hội mà Thánh Thể là biểu hiệu và là tâm điểm, để họ bắt chước Người là mẫu gương tuyệt hảo nhất trong việc hiệp nhất với Chúa Giêsu, thủ lãnh của chúng ta; để họ tự hiệp nhất với Người trong việc dâng hiến Hy Tế Thần Linh; và để, nhờ sự can thiệp từ mẫu của Người, họ khẩn cầu cho sự hiệp nhất và bình an của Giáo Hội... Như thế, việc dâng hiến sẽ trở lên một động lực dấn thân mãnh liệt hơn trong việc thực hành các nhân đức Kitô giáo, một bảo toàn hiệu lực hơn chống lại các sự dữ đe dọa họ, và một nguồn phúc lộc ngay ở trên thế gian này như Chúa Kitô đã hứa”

 

Điều “yêu cầu” của Mẹ Maria, tới lúc này, vẫn chưa được thực hiện đúng như ý của Thiên Chúa. Do đó, sự kiện “bằng không” mà Mẹ Maria tiên báo vẫn cứ tiếp tục xẩy ra trên thế giới. Năm 1961, nước Cuba đã theo chủ nghĩa CS dưới chế độ độc tài chuyên chính của Fidel Castro. Và, chỉ một chút nữa là thế chiến thứ ba, chiến tranh nguyên tử đã xẩy ra vào năm 1962, giữa Nga và Mỹ, khi Nikita Khrushchev, nhà cầm quyền của CS Nga Sô bấy giờ muốn biểu dương lực lượng vũ khí tối tân của mình ở Cuba. “Nước Nga sẽ gây chiến tranh” đúng như Đức Mẹ nói là như thế.

 

DƯỚI GIÁO TRIỀU CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAOLÔ VI (21/6/1963-6/8/1978).

 

Điều “yêu cầu” của Mẹ Maria, ngoài Đức Thánh Cha Piô XI và XII, không một vị Giáo Hoàng nào sau này

được chị Lucia chính thức và trực tiếp trình lên bằng thư nữa. Cuộc đời của chị Lucia, một trong ba Thiếu Nhi Fatima còn sống sót, như Đức Mẹ nói, là vì “Chúa muốn dùng (chị) để làm cho Mẹ được nhận biết và yếu mến” (FILOW:195).Có thể chia cuộc đời của chị Lucia làm hai thời kỳ, thời kỳ làm tông đồ nổi và thời kỳ làm tông đồ chìm cho Mẹ.

 

Thời kỳ làm tông đồ nổi cho Mẹ của chị kể từ năm 1925 cho đến năm 1948 là những năm chị trở thành nữ tu của dòng thánh Đôrôthêu, chị đã chính thức làm việc tông đồ cho Mẹ, bằng việc vâng lời đức giám mục viết ra bốn Hồi Niệm liên quan đến Sự Lạ Fatima, nhất là viết ra Bí Mật Fatima thứ ba và viết các bức thư đệ trình lên Đức Thánh Cha Piô XI và XII về việc hiệp cùng các giám mục trên thế giới để hiến dâng nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ.

 

Thời kỳ làm tông đồ chìm cho Mẹ của chị kể từ ngày 25-3-1948 là ngày chị được phép đặc biệt của Đức Thánh Cha Piô XII chuyển từ dòng thánh Đôrôthêô sang dòng kín Carmêlô của thánh Têrêsa, thời kỳ chị không còn cần phải tiết lộ thêm gì nữa về Sự Lạ Fatima, thời kỳ mà ngày 12/4/1970 chị đã viết cho một người bạn của chị là Dona Maria Teresa da Cunha như sau:

 

“Tôi phải sống trong thinh lặng, nguyện cầu và thống hối. Có như vậy, tôi mới có thể giúp chị hơn bao giờ hết. Mọi việc tông đồ cần phải lấy điều này làm nền tảng; và đó là phần mà Chúa đã dành cho tôi: cầu nguyện và tự hy hiến cho những ai chiến đấu và hoạt động trong vườn nho của Chúa và cho Nước Ngài rộng mở...”

 

Chính trong thời gian này Đức Mẹ lại đưa chị ra ánh sáng, qua Đức Thánh Cha Phaolô VI vào ngày 13-5-1967 cũng như qua Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II vào ngày 13-5-1982 và 13/5/1991.

 

(Sự kiện 2 vị Giáo Hoàng đích thân đến linh địa Fatima, trong khi các nơi Đức Mẹ hiện ra khác cũng được Giáo Hội chính thức công nhận, như Lộ Đức, La Salette, Guađalup v.v. lại không được diễm phúc này, không phải là một sự xác nhận hùng hồn nhất của Giáo Hội về sự chân thật linh thiêng rất hệ trọng nơi những gì Đức Mẹ nói và làm tại Fatima này hay sao!)

 

Ngày 13-5-1967, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã gửi đến Fatima Hoa Hồng Bằng Vàng với hàng chữ: “Phaolô VI, khẩn xin Mẹ Thiên Chúa bảo hộ Giáo Hội, xin dâng Hoa Hồng Bằng Vàng cho Đền Thánh Fatima, ngày 13-5-1967” (TYP:121), và chính Ngài cũng đã có mặt ở đó với những lời huấn từ sau đây:

 

“Hỡi các con yêu qúi, trong lúc này đây, Ta cũng muốn hợp với các con dâng lên Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ của chúng ta lời nguyện cầu để xin Mẹ ghé mặt từ mẫu xuống trên thế giới còn quá cách xa Người Con Thần Linh của Mẹ, và để xin cho tất cả mọi người được hoàn toàn và thực sự hòa giải với Thiên Chúa”.

 

Đức Thánh Cha Phaolô VI cũng là vị Giáo Hoàng đã chính thức tuyên xưng và công bố Mẹ Maria là “Mẹ Giáo Hội” vào buổi kết thúc kỳ họp thứ ba, ngày 21-11-1964, của Công Đồng Chung Vaticanô II, sau khi Hiến Chế Về Hội Thánh được chấp nhận. Cũng trong dịp này, Ngài đã tái dâng thế giới cho Mẹ:

 

“...Cũng giống như vị tiền nhiệm của Ta là Đức Thánh Cha Piô XII đã hiến dâng thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria khi thế giới đang trong lúc cực kỳ nguy biến... Ta cũng thế, nhận thấy sự bất chính trầm trọng hiện đang lấn át chúng ta, xin phó dâng loài người cho sự coi sóc của Mẹ Đồng Trinh” (TYP:122).

 

Qua hành động lập lại việc hiến dâng của Đức Thánh Cha Piô XII vào ngày 21-11-1964 mà Đức Thánh Cha Phaolô VI đã làm, tuy có sự hiện diện của các vị giám mục trên thế giới đang tham dự Công Đồng Chung Vaticanô II bấy giờ, song rõ ràng là Nước Nga vẫn chưa được dâng hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, như Thiên Chúa mong muốn.

 

Do đó, sự kiện “bằng không” vẫn tiếp tục diễn ra, nhất là ở Đông Nam Á. Với những trận đánh khốc liệt diễn ra ở Nam Việt như Mậu Thân vào năm 1968 hay Mùa Hè Đỏ Lửa vào năm 1972. Với Sát chiến Trường (Killing Field) Kampuchia do CS gây ra từ năm 1970. Để rồi, kết cục là cả Cam-Bốt, Nam Việt và Lào đã hoàn toàn lọt vào tay CS trong tháng 4 năm 1975.

 

Đặc biệt, cũng trong giai đoạn này, phong trào “Thần Học Giải Phóng” chính thức xuất đầu lộ diện, qua tác phẩm “Thần Học Giải Phóng: Lịch Sử, Chính Trị và Ơn Cứu Rỗi” của linh mục dòng tên người Ba-Tây, Gustavô Gutiérrez, xuất bản năm 1973, một phong trào mà Giáo Hội, qua văn kiện thứ nhất (trong hai văn kiện liên quan tâm đến vấn đề này) của Thánh Bộ Đức Tin “Chỉ Dẫn Về Một Vài Phương Diện Của Thần Học Giải Phóng”, đã tỏ ra quan tâm đến sự kiện ảnh hưởng của CS nơi tư tưởng và phong trào Thần Học Giải Phóng này.

 

Riêng Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, nhân chuyến công du mục vụ tại Mexicô năm 1979, khi ngỏ lời với các đức giám mục Mỹ Châu La-Tinh ở Puebla, dựa vào giáo thuyết của Đức Thánh Cha Phaolô VI, Ngài đã phải minh định ý nghĩa giải phóng theo Kitô giáo như thế này:

 

“Trên tất cả, giải phóng (ở đây là giải phóng) khỏi tội lỗi và sự dữ, trong niềm vui nhận biết Thiên Chúa cũng như được Thiên Chúa biết đến”. (MCD:318)

 

DƯỚI GIÁO TRIỀU CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOAN-PHAOLÔ II (16/10/1978-........)

 

Lên ngôi với khẩu hiệu “Tất cả là của Mẹ” (Totus Tuus), được gợi hứng từ cuốn Thành Thật Sùng Kính Mẹ Maria của thánh Louis Marie Grignion de Monfort, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã thực hiện việc hiến dâng Nước Nga cho Đức Mẹ hai lần. Lần thứ nhất tại Fatima ngày 13-5- 1982, kỷ niệm đệ nhất chu niên ngày Đức Mẹ cứu Ngài khỏi bị ám sát chết, như chính Ngài nói: “Ta nhận thấy trong sự trùng hợp về ngày giờ, (Ngài bị ám sát ngày 13-5-1981, sau này, đi tông du ở đâu, chỗ của ngài trên máy bay luôn luôn trưng bày một ảnh Đức Mẹ Fatima),một lời mời gọi đặc biệt để đến nơi đây (Fatima)” (FT:245), và lần thứ hai ở trước Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô.

 

Lần hiến dâng thứ nhất tại Fatima sau thánh lễ 3 tiếng đồng hồ, Đức Thánh Cha đã long trọng tái dâng thế giới và Nước Nga cho Mẹ như sau:

 

“Hôm nay, Gioan-Phaolô II, kế vị thánh Phêrô, tiếp nối công cuộc của (các vị tiền nhiệm) Piô, Gioan và Phaolô, nhất là của công đồng chung Vaticanô II, hiện diện trước Mẹ của Con Thiên Chúa tại đền thánh của Mẹ ở Fatima đây. Để làm gì? Người đến đây khi xúc động đọc lại lời từ mẫu kêu gọi ăn năn, cải thiện, lời nài nỉ tha thiết của Trái Tim Mẹ Maria vang vọng từ Fatima 65 năm về trước. Phải, Người đọc lại với tâm hồn xúc động, vì Người thấy rằng đã có biết bao dân tộc và xã hội, biết bao Kitô hữu đi ngược lại với chiều hướng của sứ điệp Fatima. Tội lỗi đã gắn chặt với thế giới này như gia cư của nó, và Thiên Chúa càng ngày càng bị chối bỏ trong ý thức, tư tưởng và đường lối của con người...

 

Vị kế vị Thánh Phêrô hiện diện ở đây hôm nay như một nhân chứng về nỗi khổ đau vô biên của nhân loại, chứng nhân về những tai biến chực chờ đang đe dọa các dân tộc và đại đồng nhân loại. Người đang ôm lấy những đau khổ này bằng trái tim nhân loại yếu đuối của mình, khi Người đặt mình trước mầu nhiệm của Trái Tim Từ Mẫu, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. Nhân danh những khổ đau này, với nhận thức về sự dữ đang tràn lan khắp thế giới và về những đe dọa cho tất cả mọi người, mọi dân tộc và đại đồng nhân loại, vị kế vị thánh Phêrô hiện diện nơi đây với đức tin mãnh liệt vào Tình Yêu Cứu Độ bao giờ cũng mạnh hơn mọi sự dữ sẽ cứu vớt thế giới.

 

Tâm hồn của Người quằn quại khi thấy tội lỗi thế giới và toàn khối tai biến đang như mây đen bao kín nhân loại, song cũng vui mừng trong hy vọng khi Người, một lần nữa, thực hiện điều mà các vị tiền nhiệm của Người đã làm là dâng hiến thế giới cho Trái Tim Mẹ, nhất là khi các Ngài dâng hiến cho Trái Tim Mẹ nhân dân đặc biệt cần phải dâng hiến. Làm như thế chẳng khác gì hiến dâng thế giới cho Đấng vô cùng Thánh Hảo. Sự Thánh Hảo này tức là sự cứu rỗi. Tức là tình yêu mạnh hơn sự dữ. Không có tội lỗi nào trên thế gian này có thể thắng vượt được Tình Yêu này...”

 

Lần hiến dâng thứ nhất này của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, dù Ngài đã cố gắng gửi thư trước ngày Ngài đi Fatima để kêu mời các đức giám mục trên thế giới hợp lòng hợp ý với Ngài, cũng chưa thực sự và hoàn toàn được đúng như ý muốn của Thiên Chúa, vì có lẽ thư của Ngài “gửi quá trễ” (30 Days:13) đã không kịp đến tay các đức giám mục lúc Ngài thực hiện việc hiến dâng này. Phải chăng, do đó, Ngài đã lập lại một lần nữa việc hiến dâng khẩn thiết này vào dịp Thánh Tượng Mẹ Fatima đến toà thánh Rôma. Lần này, “các đức giám mục trên thế giới được loan báo kịp thời” (30 Days:14). Vì thư Ngài gửi đi từ ngày 8-12-1983, trong thư Ngài viết như sau:

 

“Ngày 25-3-1983, chúng ta bắt đầu đặc biệt Mừng Kỷ Niệm Ơn Cứu Rỗi. Một lần nữa, Ta cám ơn qúi huynh đã hiệp với Ta khai mạc cùng một ngày mừng Năm Cứu Rỗi ở địa phận của qúi huynh. Lễ Trọng Truyền Tin mà trong chu kỳ phụng vụ nhắc nhở đến việc khởi sự công cuộc cứu rỗi nhân loại là một thời điểm thích đáng nhất cho việc khai mạc này... Qúi huynh thân mến, trong Năm Thánh Cứu Rỗi này, Ta muốn tuyên xưng quyền năng (cứu độ) này cùng với qúi huynh và với toàn thể Giáo Hội. Ta muốn tuyên xưng quyền năng cứu độ này nhờ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Thiên Chúa, Đấng đã cảm nghiệm được quyền năng cứu độ này ở một mức độ đặc biệt nhất.

 

Những lời lẽ trong việc hiến dâng và phú thác Ta gửi kèm theo đây, với một chút thay đổi, vẫn giống như những lời mà Ta đã đọc tại Fatima ngày 13-5-1982. Ta tin chắc chắn là việc lập lại hành động (hiến dâng) này trong Năm Mừng Kỷ Niệm Ơn Cứu Rỗi đáp ứng với lòng mong ước của nhiều con tim muốn tái diễn chứng cớ về lòng sùng kính của họ đối với Trinh Nữ Maria và muốn phú thác cho Người những sầu thương của họ nơi những tệ hại hiện nay, những lo âu về những tai biến đang chực chờ ở tương lai, những dự liệu cho hòa bình và công chính ở riêng các dân nước cũng như của đại đồng nhân loại. Ngày lễ trọng Truyền Tin trong mùa chay năm 1984 là ngày thích đáng nhất cho việc cùng nhau chứng tỏ này. Ta xin cám ơn qúi huynh, vào ngày này, qúi huynh lập lại việc này với Ta, tùy theo cách thức nào mà qúi huynh cho là thích hợp nhất” (TYP:125-127)

 

Sau đây là những lời hiến dâng thế giới và Nước Nga của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ ngày 25/3/1984:

 

“Chúng con chạy đến với sự chở che của Mẹ, (ôi) Thiên Chúa Thánh Mẫu'. Khi thốt lên những lời ca nguyện mà Giáo Hội Chúa Kitô đã nguyện cầu qua bao nhiêu thế kỷ này, chúng con hôm nay đặt mình trước nhan Mẹ trong năm mừng kỷ niệm ơn cứu rỗi. Chúng con xin hợp với tất cả mọi chủ chăn trong Giáo Hội làm thành một thân thể và một tập đoàn, đúng như ý của Chúa Kitô muốn các tông đồ hiệp nhất với thánh Phêrô. Trong mối liên kết hiệp nhất này, chúng con đọc những lời hiến dâng mà chúng con muốn bao gồm một lần nữa hy vọng của Giáo Hội cũng như lo âu đối với thế giới ngày nay. Bốn mươi năm về trước, rồi 10 năm sau đó, tôi tớ của Mẹ là Đức Giáo Hoàng Piô XII, chứng kiến cảnh khổ đau của gia đình nhân loại, đã phó thác và hiến dâng cả thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, đặc biệt là nhân dân mà Mẹ yêu thương và quan tâm cách riêng. Cũng thế giới của mọi người và mọi dân tộc này trước mắt của con hôm nay đây, con xin lập lại việc phó thác và hiến dâng mà vị tiền nhiệm của con đã thực hiện ở Tòa Thánh Phêrô: thế giới của kỷ nguyên thứ hai đang kết thúc, thế giới tân tiến, thế giới của chúng con hôm nay!

 

Ôi Mẹ của mọi người và mọi dân tộc, Mẹ biết rõ tất cả khổ đau và hy vọng của họ, với ý thức làm mẹ, Mẹ biết tất cả những giằng co giữa sự thiện và sự dữ, giữa ánh sáng và bóng tối, đang hành hạ thế giới tân tiến hôm nay, xin nhận lời kêu than mà chúng con được Thánh Linh khơi động trực tiếp dâng lên Trái Tim Mẹ. Với tình yêu của một Từ Mẫu và Tôi Tớ, xin hãy ôm lấy thế giới nhân loại của chúng con mà chúng con phú thác và hiến dâng cho Mẹ, vì chúng con đầy âu lo cho vận mệnh hiện tại và đời đời của mọi người và mọi dân tộc.

Một cách đặc biệt, chúng con xin phú thác và hiến dâng cho Mẹ tất cả những người và những dân nước cần được phú thác và dâng hiến. Chúng con chạy đến với sự bảo hộ của Mẹ, Thiên Chúa Thánh Mẫu: xin đừng chê chối lời cầu xin chúng con dâng lên Mẹ trong cơn khẩn trương của chúng con”.(TYF:127-128).

 

Về lần hiến dâng thứ hai, ngày 25/3/1984 này của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, chị Lucia đã lên tiếng như sau.

 

Vào ngày 1/8/1989, chị đã nói với một người em bà con 60 tuổi của chị, Maria do Fetal Neves Rosa, là chị đã trả lời cho giám mục giáo phận Leiria về câu hỏi cuộc hiến dâng vừa qua của Đức Thánh Cha có được Thiên Chúa chấp nhận không, (vì Ngài không đề cập rõ ràng đến Nước Nga), rằng: “Có. Giờ đây việc ấy đã

được thực hiện”. Chị còn nói thêm khi trả lời cùng một câu hỏi cho vị sứ thần toà thánh là “Thiên Chúa sẽ giữ lời củaNgài” (TRWL:46-47).

 

Trong thư đề ngày 21-11-1989 gửi cho nguyệt san 30 Days, chị viết: “Thế là Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã thực hiện việc hiến dâng ngày 25-3-1984. Tôi tin rằng không có trục trặc gì ở đây cả, và điều quan trọng nhất chúng ta cần nhớ về việc hiến dâng là sự hiệp thông của toàn dân Chúa, như Chúa Kitô muốn và đã xin với Cha của Người...” (30 Days:13).Õ“Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã thực hiện việc hiến dâng ngày 25-3-1984”và “Thiên Chúa sẽ giữ lời của Ngài”. Nghĩa là, như Đức Mẹ nói với chị Lucia, “một khi yêu cầu của Mẹ được thực hiện, thì nước Nga sẽ trở lại và sẽ có hòa bình”.

 

Quả thật, đúng một năm sau khi Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô thực hiện việc hiến dâng được Thiên Chúa chấp nhận này, thì Mikhail Gorbachev được bầu lên lãnh đạo đảng CS Liên Bang Sô Viết tháng 3-1985. Để rồi từ đó, thế giới nói chung và khối CS nói riêng, như đã đề cập đến ở chương một, "Hiện Tượng Nước Nga", bắt đầu thay đổi cho đến năm định mệnh 1989, năm mà chị Lucia tuyên bố “Thiên Chúa sẽ giữ lời của Ngài”.

 

Quả thật, ngay sau khi chị Lucia tuyên bố điều này vào ngày 1-8-1989 thì chính phủ CS Ba-Lan đã bổ nhiệm một nhân vật thuộc Công Đoàn Liên Đới làm thủ tướng vào ngày 19/8/1989, đúng ngày Đức Mẹ hiện ra với ba Thiếu Nhi Fatima 72 năm về trước, 19-8-1917, tại Valinhos (chứ không phải tại nơi mà Mẹ vẫn hiện ra như 5 lần khác là Cova da Iria) vì lý do trở ngại từ chính quyền CS Bồ Đào Nha bấy giờ.

 

Chương 4 - Thực Hiện Lời Hứa

“Cuối cùng, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ thắng” đúng như lời Mẹ nói đã thực sự hoàn toàn ứng nghiệm.

 

Trước khi khẳng định điều này, Mẹ đã “yêu cầu” Nước Nga phải được Đức Thánh Cha hợp cùng các giám mục trên thế giới dâng hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Cũng trước khi khẳng định điều này, chính Mẹ cũng nói đến những sự kiện “bằng không”.

 

Thế mà, không biết vì sao điều “yêu Cầu” của Mẹ bề ngoài xem ra quá dễ dàng như thế mà mãi đến gần 67 năm sau, nếu kể từ ngày Mẹ tiết lộ “yêu cầu” của Mẹ với ba Thiếu Nhi ở Fatima (13/7/1917-25/3/1984), hay mãi đến gần 53 năm sau, nếu kể từ ngày Đức Mẹ chỉ cách thực hiện “yêu cầu” của Mẹ qua chị Lucia ở Tuy theo ý muốn của Thiên Chúa (13/6/1929-25/3/1984), hoặc mãi đến 44 năm sau, nêu kể từ ngày chị Lucia viết thư trình lên Đức Thánh Cha Piô XII (24/10/1940-25/3/1984), mới được đáp ứng thỏa đáng. Trong khoảng thời gian "yêu cầu" của Mẹ này, biết bao nhiêu tai họa khủng khiếp đã gây ra cho thế giới nói chung, cho Giáo Hội và các nước CS nói riêng. Nhưng, lời tiên báo cuối cùng của Mẹ không thể nào không xẩy ra, đó là việc “Đức Thánh Cha sẽ hiến dâng Nước Nga cho Mẹ, Nước Nga sẽ trở lại, và thế giới sẽ

được hưởng một thời gian hòa bình”.

 

Thật vậy:

 

- Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã dâng hiến Nước Nga và chung thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ ngày 25-3-1984.

 

- Nước Nga đã trở lại ngày 25-12-1991, khi tổng thống Liên Bang Sô Viết, người đã chính thức yết kiến Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II vào ngày 1-12-1989, từ chức sau khi hoàn tất sứ mệnh “cải tổ” (Perestrojka) của mình.

 

- Thế giới sẽ được hưởng một thời gian hòa bình. Chiến tranh Trung Đông, có thể nói là một cuộc Đại Chiến nhỏ, chỉ xẩy ra từ ngày 2/8/1990 đến 27/2/1991, và có lẽ trong “một thời gian” thế giới sẽ không còn lo hiểm họa chiến tranh do “Nước Nga gây ra” (FILOW:162) nữa. Hội Nghị Hòa Bình Trung Đông giữa Do Thái và khối Ả Rập bắt đầu mở màn ở Ma-Ní nước Tây Ban Nha ngày 30/10/1991. Bắc Hàn và Nam Hàn đã ký kết hòa giải ngày 13-12-1992 trước khi bước đến cảnh thống nhất đất nước như Đông Đức và Tây Đức. Hội đồng Giám Mục Âu Châu họp tại Rôma từ ngày 28/11/1991 đến ngày 14/12/1991, với chủ đề “Chứng nhân cho Chúa Kitô, Đấng đã giải cứu chúng ta” (CI v3. 1:2), nhằm vào việc tái thiết Âu Châu, nơi đã chiếu giãi văn minh loài người và Kitô giáo ra khắp thế giới, nhất là trong thời kỳ từ năm 1488 đến năm 1611, thời kỳ của phong trào thám hiểm và khám phá các miền đất mới trên thế giới ngoài Âu Châu. Sau cùng, rồi cũng qua đi chiến tranh hiện diễn ra tại Nam Tư (khi những giòng chữ này đang được viết), cũng như CS Việt Nam, Trung Hoa và Cuba đang cố bám cho khỏi chết đuối trong giòng lịch sử của một "trật tự mới" mà cả thế giới hậu CS tự nhiên hướng đến và chiều theo.

 

Fhải chăng, Đức Mẹ có ý hiện ra ở Fatima cho trùng hợp với sự kiện CS hình thành chế độ tại Nga Sô, bởi thế, trên thực tế, sứ điệp và công cuộc của Fatima bề ngoài hầu như chỉ gắn liền với vận mệnh của riêng nước Nga (được cứu vớt) và chung thế giới (được hòa bình).

 

Trước hết, phải kể đến “yêu Cầu” của Đức Mẹ về việc Đức Thánh Cha cần hợp với tất cả các giám mục trên thế giới để hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, một trong những điều khẩn thiết nhất, kéo dài trên dưới cả nửa thế kỷ mới thực hiện được.

 

Sau đó là việc thành lập Phong Trào Đạo Binh Xanh từ năm 1947, năm Thánh Tượng Mẹ Fatima thánh du nước Mỹ, một phong trào được cha sở của giáo xứ Saint Mary ở Plainfield thuộc tiểu bang New Jersey là linh mục Harold V.Colgan phát động qua câu nói: “Trong giáo xứ này, chúng ta sẽ là Đạo Binh Xanh của Đức Mẹ để chống lại làn sóng đỏ vô thần” (LS:259), và cũng là một phong trào mà cha Piô Năm Dấu đã nói: “Nước Nga sẽ trở lại khi nào số quân Đạo Binh Xanh cân bằng số người CS” (FTGS:136). Ngày 8-5-1950, Năm Thánh, với tờ nguyệt san Linh Hồn đầu tiên do Đạo Binh Xanh phát hành đặt trên bàn, Đức Thánh Cha Piô XII đã gặp riêng vị linh mục khởi xướng phong trào này với huấn từ như sau: “Là một nhà lãnh đạo thế giới chống cộng, Ta hân hoan ban phép lành cho con và tất cả mọi phần tử Đạo Binh Xanh”

 

Nếu Thời Điểm Fatima có liên quan chặt chẽ với diễn biến của Nước Nga như thế, thì, phải chăng, một khi Nước Nga trở lại, Thời Điểm Fatima tự nhiên cũng chấm dứt? Tôi không nghĩ như thế. Trái lại, theo tôi, sau khi Nước Nga trở lại mới chính là tột đỉnh của Thời Điểm Fatima, hay mới chính là lúc Thời Điểm Fatima đến hồi quyết liệt nhất.

 

Đúng thế, Nước Nga nói riêng và thế giới nói chung chỉ là trường hợp để Thiên Chúa dùng trong việc “làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến” mà thôi.

 

Trong việc cứu chuộc loài người hư đi vì nguyên tội, Thiên Chúa thật ra cũng chẳng cần phải “hóa thành nhục thể” (Gioan 1:14) và phải tử giá mới cứu được họ, nhưng sở dĩ Ngài muốn dùng đường lối này là để con người có thể dễ dàng nhận biết và kính mến Ngài hơn. Cũng thế, để làm cho Nước Nga trở lại và ban hòa bình cho thế giới, theo thượng trí vô cùng khôn ngoan của mình, Thiên Chúa đã không dùng một cách thức nào khác ngoài duy có một điều, đó là Đức Thánh Cha hợp với các đức giám mục trên thế giới trong việc dâng hiến Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, nhờ đó, thế giới sẽ nhận biết Mẹ, Đấng đã thực sự hiện ra ở Fatima và, vì lo cho số phận của con cái mình, Mẹ đã chỉ bảo cho chúng những gì cần phải làm theo để được giải cứu khỏi tai họa của thời đại là nạn CS vô thần.

 

Ngay chính việc Đức Thánh Cha hợp cùng các giám mục trên thế giới hiến dâng nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, cũng là việc của Mẹ làm. “Cuối cùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ thắng”, như Mẹ quả quyết và báo trước, là ở chỗ này.

 

Bởi vì, hòa bình thế giới lệ thuộc vào việc nước Nga trở lại, (bằng không, như Mẹ nói, nước Nga chẳng những sẽ gieo rắc lầm lạc mà còn gây chiến tranh nữa). Nước Nga trở lại lại lệ thuộc vào việc Đức Thánh Cha có đáp ứng đúng “yêu cầu” của Mẹ hay không. Thế mà, dù “yêu cầu” của Mẹ đã được sứ giả của Mẹ là chị Lucia đệ trình lên các Đức Giáo Hoàng, một “yêu cầu”, tự bản chất, quá ư là dễ dàng và đơn giản, “yêu cầu” của Mẹ, vì một lý do nào đó, vẫn chưa được thực hiện, hoặc có thực hiện song vẫn chưa đúng như ý muốn của Chúa.

 

Phải chăng, Sự Lạ Fatima, dù đã được giáo quyền địa phương chính thức xác nhận và công bố qua văn thư mục vụ Sự Quan Phòng Thần Linh là “đáng tin những thị kiến của ba trẻ” chăn chiên ở Cova da Iria, giáo xứ Fatima, địa phận Leiria, từ ngày 13/5/1917, và chính thức ban phép tôn sùng Đức Mẹ Fatima” (FT:70), vẫn còn trong vòng vấn nạn, như Đức Thánh Cha Piô XII đã nói với vị khởi xướng phong trào Đạo Binh Xanh ngày 8-5-1950: “Giờ đây đã hết thời vấn nạn về Fatima. Đây là lúc hành động” Vậy, Mẹ Maria đã làm sao để giải quyết “vấn nạn” về Fatima, để các Đức Giáo Hoàng có thể đáp ứng “yêu cầu” của Mẹ?

 

Việc Mẹ là làm sao cho chính các Đức Giáo Hoàng cũng nhận biết rằng Mẹ thực sự hiện diện và hoạt động tại Fatima.

 

Trước hết, Mẹ dùng chính ngày tấn phong giám mục của Đức Thánh Cha Piô XII để hiện ra ở Fatima, và, sau đó, Mẹ đã cứu sống Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II vào chính ngày 13/5, ngày Mẹ hiện ra lần đầu tiên ở Fatima. Sau đây là những lời thú nhận của hai vị Giáo Hoàng được Mẹ trực tiếp nhúng tay vào đời tư của các Ngài, một vị đã khởi sự (ĐTC Piô XII) và một vị đã hoàn tất (ĐTC Gioan-Phaolô II) việc dâng hiến nước Nga cho Trái Tim Mẹ, chứng tỏ các Ngài đã nhận biết Mẹ và đáp ứng “yêu cầu” của Mẹ.

 

Đức Thánh Cha Piô XII, trong dịp ban huấn từ cho một phái đoàn hành hương Bồ Đào Nha ngày 4/6/1951, phái đoàn đã dâng cúng bàn thờ Đức Mẹ Fatima cho tân vương cung thánh đường được xây dịp kỷ niệm lễ bạc làm giám mục của Ngài và được cung hiến cho thánh Eugene, quan thày của Ngài, đã tỏ ra nhận biết việc Mẹ làm nơi Ngài như sau:

 

“Các con muốn cử hành để đồng tưởng nhớ đến sự trùng hợp thiên định việc Ta được phong lên hàng giáo phẩm, cao qúi thay ước vọng con cái tôn kính của các con...  Vào ngày hôm ấy, cùng một giờ, ở đồi Fatima, vị Nữ Vương bạch y rất Thánh Mân Côi hiện ra lần đầu tiên, như thể Người Mẹ dấu yêu trên hết mọi sự muốn cho Ta hiểu rằng trong những thời gian bão tố của giáo triều của Ta, trong cơn khủng hoảng nhất của lịch sử thế giới, Ta sẽ luôn có sự hỗ trợ từ mẫu của Người Nữ Cao Cả chiến thắng mọi trận chiến của Thiên Chúa, để bao che Ta, để bảo vệ Ta và để dẫn dắt Ta”

 

Kết quả là, ngay năm sau, vào ngày 7/7/1952, Đức Thánh Cha đã chính thức và r ràng hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ qua tông thư gửi cho nhân dân Nga Sô.

 

Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, trong dịp hành hương Fatima, 13/5/1982, để tạ ơn Đức Mẹ đã cứu mạng của Ngài đúng một năm về trước, 13/5/1981, đã nói lên sự nhận biết của Ngài về việc Mẹ làm nơi Ngài như sau:

 

“Vậy Ta đến đây hôm nay là vì cũng trong chính ngày này năm trước, tại quảng trường thánh Phêrô ở Rôma, xẩy ra việc ám sát Giáo hoàng, trùng hợp một cách lạ lùng với ngày kỷ niệm hiện ra tại Fatima hôm 13/5/1917. Ta như nhận thấy rằng trong sự trùng hợp về ngày giờ này một lời kêu gọi đặc biệt đến nơi đây. Bởi thế, Ta đến đây để tạ ơn Chúa Quan Phòng ở chốn này việc mà Mẹ Thiên Chúa đã lợi dụng theo cách thế đặc biệt (của Mẹ)” (FT:245).

 

Kết quả là, chính ngày này, sau thánh lễ kéo dài 3 tiếng đồng hồ, ngài đã dâng chung thế giới và riêng nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ.

 

Tuy nhiên, Mẹ chẳng những phải được nhận biết, còn phải được yêu mến nữa. Đó là sứ mạng mà Chúa Giêsu đã trao phó cho chị Lucia, như Đức Mẹ đã nói cho chị biết vào lần hiện ra thứ hai, 13-6-1917. Và, theo tôi, đó cũng mới là mục đích chính của việc Đức Mẹ hiện ra ở Fatima. Nói cách khác, Đức Mẹ hiện ra ở Fatima là để làm cho nhân loại nói chung và con cái Mẹ nói riêng nhận biết và yêu mến Mẹ.

 

Hiện tượng Đức Mẹ làm cho mặt trời nhẩy múa vào ngày 13-10-1917, như Đức Mẹ nói, là “để cho mọi người tin”, nhất là những người không tin Mẹ bấy giờ như gia đình và người làng của ba Thiếu Nhi Fatima, ông thị trưởng, cha sở nói riêng và những người tò mò muốn biết thật hư ra sao nói chung, đã có mặt tại Cova da Iria.

 

Cũng thế, hiện tượng Nước Nga tự động trở lại một cách lạ lùng trước mắt toàn thể thế giới vào ngày 25-12-1991, chính là việc Đức Mẹ làm “để cho mọi người tin”, những tâm hồn thiện chí nói chung và con cái Mẹ nói riêng.

 

Để rồi, sau khi đã làm cho chung nhân loại và riêng con cái Mẹ tin vào Mẹ, Mẹ sẽ làm cho họ yêu mến Mẹ nữa. Theo tôi, “thế giới sẽ được hưởng một thời gian hòa bình” chính là thời gian Thiên Chúa dùng để làm cho Mẹ được yêu mến, đúng như ý của Ngài là “muốn thiết lập lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên khắp thế Giới”.

 

Nhưng,

Tại sao, không vào thời điểm nào khác, mà lại vào thời điểm của thế kỷ 20 này, Thiên Chúa mới, qua 3 Thiếu Nhi Fatima, tỏ ra một cách r ràng là Ngài muốn “làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến”, “muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ”?

 

Những chương còn lại của phần nhất sau đây sẽ là câu trả lời dứt khoát và rõ ràng cho vấn nạn này

 

Chương 5 - Những Lần Mẹ Hiện Ra

Tại sao cho đến thế kỷ 20 này, vào ngày 13/6 và 13/7/1917, qua Mẹ Maria, Thiên Chúa mới tỏ ý “muốn thiết lập việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới”?

 

Phải chăng: Đã đến thời tận thế?

 

Thật vậy, theo thánh Louis Marie Grignion De Monfort, “Ơn cứu rỗi của thế giới nhờ Mẹ Maria được khởi sự thế nào thì cũng qua Mẹ Maria mà được hoàn tất như vậy... Là đường để Chúa Giêsu đến với chúng ta lần thứ nhất thế nào, Mẹ cũng là đường để Ngài đến lần thứ hai như vậy, tuy không cùng một kiểu cách” (TTSKMM, 49, 50.4).

 

Như thế, phải chăng, hễ bất cứ lúc nào con người thấy Thiên Chúa bắt đầu muốn tỏ Mẹ của Ngài ra cho thế giới biết thì lúc ấy chính là thời tận thế?

 

Không phải hay sao, tại Fatima, chính Mẹ đã tỏ cho con người biết rằng: “Thiên Chúa muốn (dùng con, chị Lucia) để làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến... Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới”.

 

Do đó, có thể tin rằng đây là thời tận thế vậy!?!

 

Vả lại, còn một sự kiện nữa có thể chứng minh được rằng đây là thời tận thế. Đó là sự kiện xuất hiện của Thiên Thần tại Fatima năm 1916, trước năm 1917 là năm Mẹ hiện ra với ba Thiếu Nhi cũng tại Fatima. Tại sao sự kiện Thiên Thần hiện ra ở Fatima lại có liên hệ đến thời gian sau hết của loài người như thế? Bởi vì, trong dụ ngôn cỏ lùng vực, Chúa đã nói đến vai trò của các thiên thần là “những thợ gặt” (Mathêu 13:39) trong ngày cuối thời.Trong ngày truyền tin Ngôi Lời nhập thể, tức ngày Chúa Kitô đến trần gian lần thứ nhất trong, qua và nhờ cung lòng trinh nguyên của Mẹ Maria, không phải cũng đã có mặt của thiên thần hay sao.

 

Các thiên thần đã thực hiện sứ mạng làm “những thợ gặt”của mình ở chỗ, chỉ vẽ cho con cái của Giáo Hội nói chung và cho con cái của Mẹ như ba Thiếu Nhi được Mẹ tuyển chọn nói riêng, biết hợp cùng Mình Máu Thánh của Chúa Kitô đã được cấu tạo và hạ sinh bởi Mẹ Maria, để tin yêu Thiên Chúa thay cho các tội nhân cũng như để đền tạ Ngài cầu cho các tội nhân. Nếu các con cái của Mẹ làm đúng như lời thiên thần dạy, như Mẹ đã “xin vâng” như lời thiên thần truyền, chắc chắn các tội nhân sẽ được Thiên Chúa cứu rỗi. Như thế, không phải là các thiên thần đã gặt hái các linh hồn trong thời tận thế này hay sao!

 

Thật sự, theo Thánh Kinh, “thời sau hết” bắt đầu kể từ khi “Ngôi Lời hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Gioan 1:14): “Vào những thời đã qua, Thiên Chúa đã dùng các tiên tri mà nói với cha ông chúng ta qua nhiều thể nhiều cách; vào thời sau hết này Ngài đã nói với chúng ta qua Con của Ngài..”(Do Thái 1:2).

 

Bởi thế, những đoạn Thánh Kinh Tân Ước nói về những gì xẩy ra vào “những ngày sau hết” (2Phêrô 3:3; 2Timôthêu 3:1) hay vào “giờ sau hết” (1Gioan 2:18) không phải chỉ nói đến những gì xẩy ra cho riêng ngày tận thế, cho bằng nói đến chung những gì xẩy ra cho Giáo Hội kể từ khi Chúa Kitô về trời. Chẳng hạn, câu “Hỡi các con, vào thời giờ sau hết, như các con đã nghe thấy những Phản Kitô đã đến, lúc này đây nhiều Phản Kitô như vậy đã xuất hiện rồi. Như thế là chúng ta nắm chắc được rằng đây là thời giờ sau hết” (1Gioan 2: 18). Ở đây, Thánh Kinh xác định r “Phản Kitô đã đến... đã xuất hiện”, vào chính thời những câu văn này được viết ra từ thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên.

 

Nếu bắt đầu kể từ khi Thiên Chúa tỏ Mình Ngài ra qua Ngôi Lời nhập thể và cứu thế được gọi là “thời sau hết”, thì kể từ lúc Chúa Kitô muốn tỏ Mình Ngài ra qua Mẹ của Ngài, tức muốn Mẹ Ngài được nhận biết và yêu mến để Ngài, như thánh Louis Maria Grignion De Monfort viết trong cuốn Thành Thực Sùng Kính: ”Vào lần Chúa Giêsu đến lần thứ hai, Chúa Thánh Thần sẽ làm cho Mẹ Maria được biết đến và tỏ hiện, để, qua

Mẹ, Chúa Giêsu cũng được nhận biết, yêu mến và phụng sự” (TTDTM,49), cũng có thể được gọi là “thời tận thế”. Do đó, “thời tận thế” có thể nói được là “Thời của Mẹ” hay “Thời Đại Maria”.

 

Đây không phải là Thời của Mẹ Maria, là Thời Đại Maria hay sao? Ba sự kiện sau đây có thể chứng minh được quả quyết này. Sự kiện thứ nhất là những lần Mẹ hiện ra (được Giáo Hội chính thức công nhận) từ đầu thế kỷ 19 đến nay. Sự kiện thứ hai là các tín điều về Mẹ được Giáo Hội tuyên tín và công bố. Và sự kiện thứ ba là phong trào tượng Mẹ Thánh Du khắp thế giới. Trong chương này chỉ nói đến những lần Mẹ hiện ra từ đầu thế kỷ 19 mà thôi.

 

Trong 18 thế kỷ đầu của lịch sử Giáo Hội, Đức Mẹ chỉ hiện ra một số lần, nếu tổng cộng lại, còn ít hơn số lần Mẹ hiện ra vào khoảng thời gian hai thế kỷ của “thời tận thế” này. Chẳng hạn: Cuối thế kỷ thứ 12, Mẹ đã hiện ra hai lần vào năm 1198 và 1199. Năm 1198, với thánh Simon Stock và năm 1199 với thánh Đa- Minh. Với thánh Simon Stock, Đức Mẹ hiện ra tại nơi ngài ẩn tu 20 năm, vào lúc 12 giờ trưa ngày 12/5, để giới thiệu Áo Đức Bà và truyền cho đi phổ biến cho người ta. Với thánh Đaminh, Đức Mẹ đã hiện ra vào tháng 5 khi ngài đang ở một miền núi nước Tây Ban Nha, đưa cho ngài chuỗi Mân Côi, dạy cho ngài biết sử dụng kinh Mân Côi đẻ làm khí giới chống bè rối Albigense.

 

Vào thế kỷ 16, năm 1531, Mẹ hiện ra với Juan ở Guadalup, nước Mễ Tây Cơ để xin dựng một đền thờ kính Mẹ, nơi mà Mẹ muốn dùng để ban ơn cho những ai đến cầu khẩn Mẹ.

 

Vào thế kỷ 17, Mẹ đã hiện ra với chị đáng kính Maria D'Agreda trong khoảng thời gian 1627-1637 để tỏ và dạy cho mẹ bề trên tu viện thánh Clara Khó Khăn Mẹ Vô Nhiễm này biết về cuộc đời của Mẹ. Tất cả những gì được Mẹ mạc khải cho biết, chị đã viết lại thành truyện về cuộc đời Mẹ với tựa đề Thiên Nhiệm Đô.

 

Thế mà, kể từ đầu thế kỷ 19, nếu chỉ kể đến những nơi được Giáo Hội chính thức công nhận, Mẹ đã hiện ra liên tiếp nhiều lần, mỗi lần Mẹ ban những sứ điệp hệ trọng liên quan đến vận mệnh của riêng một dân nước hay của chung cả loài người.

 

NĂM 1830, Ở BA-LÊ, nước Pháp, Mẹ đã hiện ra với một chị tập sinh thuộc dòng Nữ Tử Bác Ái thánh Vinh-Sơn Phao-Lô là Catarina Labuarê,(vị nữ tu đã được Đức Thánh Cha Piô XII phong thánh năm 1947 và được Giáo Hội kính nhớ hằng năm vào ngày 28-11), ba lần, lần thứ nhất vào 11 giờ 30 đêm ngày 18 cho đến 1 giờ 30 sáng ngày 19 tháng 7, lần thứ hai vào ngày Thứ Bảy 27 tháng 11, và lần thứ ba vào tháng 12 cùng năm để hỏi chị về việc mà Mẹ đã trao cho chị.

 

Vào lần hiện ra thứ nhất, Đức Mẹ đã nói với chị như sau:

 

“Những điều khủng khiếp sắp xẩy ra ở nước Pháp. Ngai vàng sẽ bị hủy hoại và cả thế giới sẽ bị kinh động vì những tai ương rùng rợn ... Thánh giá sẽ bị chà đạp ... Máu sẽ chảy trên đường phố... Thế giới chìm ngập trong sầu thảm...” (TWSC: 17-18)

 

Vào lần hiện ra thứ hai, Đức Mẹ đứng trên quả cầu, đồng thời cũng cầm trên tay một quả cầu nhỏ có thánh giá trên đầu quả cầu, và nói:

 

“Quả cầu mà con thấy đây là thế giới. Mẹ vẫn cầu nguyện cho nó và cho mọi người trong thế giới này...” (TWSC:19). Thế rồi, sau đó, quả cầu trên tay Mẹ biến đi, hai tay Mẹ xuôi xuống, và Mẹ được bao quanh bằng một vòng trái xoan với hàng chữ: “Ôi Maria đầu thai vô nhiễm tội, cầu cho chúng con chạy đến cùng Mẹ” (TWSC:19). Chị nghe thấy tiếng nói với chị: “Hãy theo hình ảnh này mà làm một mẫu ảnh bằng kim loại. Tất cả những ai đeo nó sau khi được làm phép sẽ lãnh nhận được nhiều ơn, nhất là khi họ đeo nó ở cổ” (TWSC:19).

 

NĂM 1846, Ở LA SALETTE, cũng nước Pháp, Mẹ đã hiện ra với hai thiếu niên là Melanie Mathieu (nữ, 14 tuổi) và Maximin Giraud (nam, 11 tuổi) vào ngày Thứ Bảy, 19-9.

 

Khi hiện ra với hai thiếu niên này, Đức Mẹ đã than thở, kêu gọi và chỉ dạy những điều sau đây:

 

“Hỡi các con của Mẹ, đừng sợ, hãy đến đây với Mẹ. Mẹ đến để cho các con biết những điều quan trọng. Nếu các con không nghe lời Mẹ, thì Mẹ đành phải buông cánh tay Con của Mẹ. Cách tay của Ngài đè nặng đến nỗi Mẹ không còn cản lại được nữa. Mẹ còn phải chịu khổ vì các con đến bao giờ... Cầu nguyện thật là khẩn thiết, cả sáng lẫn tối. Nếu các con không có giờ, tối thiểu hãy đọc kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng. Nếu có giờ, hãy đọc nhiều hơn” (TWSC:41-43,45-46)

 

Sau khi Mẹ hiện ra với 2 thiếu niên này, Đức Thánh Cha Piô IX muốn biết về Bí Mật La Salette. Trong khi viết ra những điều bí mật theo ý muốn của Đức Thánh Cha, Melanie đã hỏi về ý nghĩa của chữ “vô ngộ” và xin đánh vần cho chữ “phản Kitô”. Sau khi đọc những điều hai thiếu niên này viết, Đức Thánh Cha đã nói với những kẻ muốn biết về bí mật như sau: “Các con muốn biết bí mật này ư? Nó là thế này: 'Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, tất cả các ngươi sẽ bị tiêu diệt'”.

 

NĂM 1858, Ở LỘ-ĐỨC, một lần nữa cũng tại nước Pháp, Mẹ đã hiện ra với một em gái 14 tuổi tên là Bernadette Soubirous, (sau này được Đức Thánh Cha Piô XI phong thánh năm 1933, và được Giáo Hội kính nhớ hằng năm vào ngày 16-4), 18 lần, từ ngày 11 tháng 2 đến 16 tháng 7.

 

Sứ điệp của Mẹ trong những lần hiện ra tại đây là:

 

Vào ngày 18/2: “Ta không hứa làm cho con được hạnh phúc ở đời này, mà là ở đời sau” (THAL:88);

 

- Vào ngày 24/2: “Hãy hối cải, hối cải. Hãy cầu nguyện cùng Chúa cho các tội nhân và hãy ăn năn hôn đất

cầu cho các tội nhân trở lại” (THAL:96);

 

- Vào ngày 25/3: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội” (THAL:113).

 

NĂM 1917, Ở FATIMA, nước Bô Đào Nha, Mẹ đã hiện ra với ba Thiếu Nhi là Giaxinta (nữ, 7 tuổi), Phanxicô (nam, 9 tuổi) và Lucia (nữ, 10 tuổi) sáu lần, năm ngày 13/5-6-7-9-10 và một ngày 19/8.

 

Theo chị Lucia thuật lại trong Hồi Ký của chị, lần hiện ra nào Mẹ cũng kêu gọi "hãy lần hạt Mân Côi hằng ngày". Mục đích lần hạt Mân Côi này, như Mẹ nói, là "để cầu cho hòa bình thế giới".

 

Lần hiện ra thứ hai, Mẹ cho biết ý Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới.

 

Lần hiện ra thứ ba, Mẹ cho ba Thiếu Nhi thị kiến thấy hỏa ngục và tiết lộ ba Bí Mật.

 

Lần cuối cùng, Mẹ xưng mình: “Ta là Đức Mẹ Mân Côi”, rồi Mẹ làm phép lạ cho mặt trời nhẩy múa để mọi người tin.

 

NĂM 1932 VÀ 1933, Ở BEAURAING, nước Bỉ, Mẹ đã hiện ra với năm em học sinh, 4 nữ và 1 nam, đó là Fernande (15 tuổi), Andree (14 tuổi), Gilberte Voisin (13 tuổi), Albert (11 tuổi), Gilberte Degeimbre (9 tuổi), 33 lần, từ ngày 29/11/1932 đến 3/1/1933.

 

Sứ điệp Mẹ đã ban vào những lần hiện ra với một số điều quan trọng như:

 

- Vào ngày 21/12/1932: “Mẹ là Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội” (AWCWTS:225);

 

- Vào ngày 30/12/1932: “Hãy cầu nguyện, cầu nguyện thật nhiều” (AWCWTS:226);

 

- Vào ngày 1/1/1933: “Hãy luôn luôn cầu nguyện” (AWCWTS:226).

 

- Lần cuối cùng, 3/1/1933, Đức Mẹ nói với Gilberte Voisin: “Mẹ sẽ làm cho các tội nhân ăn năn hối cải”, với Andree: “Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Nữ Vương Thiên đàng. Hãy luôn cầu nguyện” (AWCWTS:227).

 

Chương 6 - Các Tín Điều Về Mẹ

"Những lần Mẹ hiện ra" từ thế kỷ 19 là dấu hiệu thứ nhất chứng tỏ đây là thời của Mẹ Maria. Dấu hiệu thứ hai chứng tỏ đây là thời của Mẹ Maria, đó là, cũng từ thế kỷ 19 trở đi, ba tín điều về Mẹ Maria đã được Giáo Hôi chính thức tuyên tín. Trong khi đó, 18 thế kỷ trước, chỉ có một tín điều duy nhất về Mẹ là tín điều Mẹ Thiên Chúa được Giáo Hội tuyên tín vào năm 431 ở công đồng chung Êphêsô mà thôi.

 

Vào thời kỳ ấy, thời công đồng Êphêsô, có một vị linh mục tên Anastasiô công khai chối bỏ thiên chức Mẹ Thiên Chúa (Theotokos) của Mẹ, và chỉ công nhận Mẹ là Mẹ của Chúa Kitô (Khristotokos).Chính Nestôriô là thượng phụ Constantinôpôli năm 428 cũng chấp nhận như vậy, tức công nhận Chúa Kitô có hai Ngôi Vị, một thần linh và một nhân loại. Dựa vào bức thư thứ hai trong ba bức thư của thánh Giáo Phụ Cyrilô Alexandria gửi cho Nestôriô, các nghị phụ tham dự công đồng chung này, vào ngày 22-6-431, đã tuyên tín như sau:

 

“Không phải Ngôi Lời đã từ trời xuống ở với một phàm nhân được Trinh Nữ Thánh sinh ra đầu tiên; mà là, vì nên một với xác thể trong lòng (của Trinh Nữ Thánh), Ngôi Lời đã được sinh ra theo xác thể, như là việc sinh ra theo xác thể của mình... Bởi thế, (các giáo phụ) đã không ngại gọi Trinh Nữ Thánh là 'Mẹ Thiên Chúa' (Theotokos). Điều này không có nghĩa là bản tính của Ngôi Lời hay Thiên Tính của Ngài đã được bắt đầu hiện hữu từ Trinh Nữ Thánh, mà là, vì Thánh Thể được sinh động bởi hồn thiêng, mà Ngôi Lời đã ngôi hiệp (kath'hupostasin) với chính mình, được sinh ra bởi Người, nên Ngôi Lời đã được sinh ra theo xác thể” (TCF:148-149).

 

Và, cũng bắt đầu từ đó, Giáo Hội đã dạy cho con cái mình cầu nguyện cùng Mẹ:

 

“Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen”.

 

Tuy nhiên, việc Giáo Hội tuyên tín Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, một tín điều duy nhất trong suốt 18 thế kỷ đầu của Giáo Hội, là một việc không thể nào không làm để chống lại những sai lầm của lạc thuyết Nestôriô, một lạc thuyết đã tác hại ghê gớm đến đức tin và phần rỗi đời đời của các tín hữu. Trong khi đó, từ bán thế kỷ thứ 19, trong vòng có 110 năm (1954-1964), Giáo Hội đã tự cảm thấy, (chứ không phải vì ngoại cảnh bắt buộc), đến lúc cần phải công bố thêm 3 tín điều về Mẹ nữa, đó là tín điều Mẹ Đầu Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Lên Trời Cả Hồn Lẫn Xác và Mẹ Là Mẹ Của Giáo Hội.

 

TÍN ĐIỀU MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI.

 

Đức Thánh Cha Piô IX, bằng trọng sắc Ineffabilis Deus, đã long trọng tuyên bố tín điều này vào ngày 8/12/1854, (sau đó hơn 3 năm, ngày 25-3-1858, chính Đức Mẹ đã công nhận tín điều này khi hiện ra với chị thánh Bernadette tự xưng mình là “Đấng Đầu Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội").

 

Với uy quyền của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, của hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, cũng như của riêng Ta, Ta công bố, tuyên ngôn và xác nhận tín điều được mạc khải bởi Thiên Chúa buộc mọi tín hữu phải tin vững vàng và trung kiên là “Rất Thánh Trinh Nữ Maria, ngay từ giây phút đầu thai, nhờ đặc ân của Thiên Chúa toàn năng và công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế, đã được gìn giữ vô nhiễm khỏi mọi tì

vết của nguyên tội” (TCF:204).

 

TÍN ĐIỀU MẸ LÊN TRỜI CẢ HỒN LẪN XÁC.

 

Qua tông hiến Munificentissimus Deus, Đức Thánh Cha Piô XII đã long trọng tuyên bố tín điều này vào ngày lễ Các Thánh Nam Nữ, 1-11-1950.Phải chăng, như ở Lộ Đức, Đức Mẹ đã hiện ra để xác nhận tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội được Đức Thánh Cha Piô IX công bố thế nào, Mẹ cũng tỏ ra xác nhận tín điều Hồn Xác Lên Trời về Mẹ do Đức Thánh Cha Piô XII công bố như vậy, khi cho ngài thấy bốn lần, vào những ngày 30 và 31 tháng 10 và ngày 1 và 8 tháng 11 năm 1950 (TWTAF3:284-287), hiện tượng mặt trời nhẩy múa như ở Fatima ngày 13-10-1917 trước kia?

 

Đức Thánh Cha Piô XII đã ban bố tín điều này như sau:

 

“Ta tuyên xưng, công bố và xác nhận tín điều được Thiên Chúa mạc khải là Mẹ Thiên Chúa Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Maria trinh nguyên, khi thời gian sống tại thế hoàn tất, cả hồn lẫn xác của Người đã được đưa về trời trong vinh quang thiên quốc” (TCF:207).

 

TUYÊN XƯNG MẸ LÀ MẸ CỦA GIÁO HỘI.

 

Đức Thánh Cha Phaolô VI, trong dịp kết thúc kỳ họp ba của công đồng chung Vaticanô II, cũng là dịp hiến chế về Giáo Hội Lumen Gentium được công bố, trước mặt toàn thể các nghị phụ của công đồng, đã chính thức tuyên bố:

 

“Ta mong muốn Mẹ Thiên Chúa phải được cả thế giới Kitô hữu tôn vinh và khẩn cầu hơn nữa bằng tước hiệu (Mẹ Giáo Hội) tuyệt dịu ngọt này” (CTFY:88).

 

Trong dịp chính thức tuyên xưng Mẹ Maria là Mẹ của Giáo Hội này, Đức Thánh Cha Phaolô VI cũng lập lại việc hiến dâng toàn thể thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, việc hiến dâng đã được Đức Thánh Cha Piô XII thực hiện hai lần, một vào ngày 31-10-1942 và một vào ngày 7-7-1952.

 

Đức Thánh Cha Phaolô VI đã lập lại việc hiến dâng này như sau:

 

“Ta đã quyết định gửi một đại diện đến Fatima vào một ngày gần đây để mang Bông Hồng Bằng Vàng đến Đền Thánh Fatima, nơi yêu qúi hơn bao giờ hết, chẳng những đối với nhân dân của nước Bồ Đào Nha diễm phúc... mà còn được tín hữu trên khắp thế giới Công Giáo nhận biết và tôn kính. Bằng việc làm này, Ta có ý muốn phú thác cả gia đình nhân loại, với những hoạn nạn và âu lo của họ, với những ước vọng thâm sâu và hy vọng tha thiết của họ, cho sự chăm sóc của Mẹ thiên đình” (CTFY:88).

 

Ngoài ra, trong Thời Đại Maria này, Giáo Hội, qua Đức Thánh Cha Piô XII, cũng đã thực hiện hai việc liên quan trực tiếp đến Đức Mẹ nữa, đó là việc ngài cho mừng lễ Trái Tim Đức Mẹ trong toàn thể Giáo Hội hoàn vũ cũng như lập lễ Đức Mẹ Nữ Vương, và việc ngài phong hiển thánh cho hai vị Thánh của Mẹ, thánh Louis Marie Grignion De Monfort ngày 20/7/1947, và thánh Catarina Labuarê ngày 27/7/1947.

 

Lễ Trái Tim Đức Mẹ:

 

Thật ra, theo văn thư Acta Apostolicae Sedis của thánh bộ Lễ Nghi ban hành ngày 4/5/1944, lễ Trái Tim Đức Mẹ đã được bắt đầu mừng từ thời Trung Cổ và được Giáo Hội chấp nhận vào đầu thế kỷ thứ 19. Đức Thánh Cha Piô VII (1800-1823) đã cho phép các giáo phận hay dòng tu nào xin mừng lễ Khiết Tâm Mẹ sẽ được cử hành vào ngày Chúa Nhật sau tuần bát nhật Lễ Đức Mẹ Mông Triệu. Sau đó, Lễ Trái Tim Mẹ được lan rộng khắp nơi, và Đức Thánh Cha Piô IX (1848-1878) đã chính thức cho vào niên lịch phụng vụ hằng năm của Giáo Hội.

 

Cho đến ngày 24/10/1940, chị Lucia đã viết thơ trình lên Đức Thánh Cha Piô XII điều “yêu cầu” của Mẹ liên quan đến việc Mẹ sẽ làm cho nước Nga trở lại, và cuối thơ chị có xin Đức Thánh Cha cho mừng chung trong Giáo Hội hoàn vũ lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ như là một trong những lễ chính.

 

Phần Đức Thánh Cha Piô XII, cũng trong văn thư của thánh bộ Lễ Nghi trên đây, “để ghi nhớ cuộc hiến dâng này, (cuộc hiến dâng Giáo Hội hoàn vũ và cả loài người cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ mà Đức Thánh Cha đã thực hiện ngày 31/10/1942), Ngài đã quyết định cho Giáo Hội hoàn vũ mừng lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Lễ này sẽ được cử hành mỗi năm vào ngày 22 tháng 8, thay ngày bát nhật lễ Đức Mẹ Mông Triệu, với bậc lễ hạng nhì...” (TWTAF3:82-83).

 

Lễ Mẹ Nữ Vương:

 

Lễ Mẹ Nữ Vương được Đức Thánh Cha Piô XII lập trong Năm Thánh Mẫu, vào ngày lễ Đức Mẹ Thiên Chúa 11/10/1954. Qua bức thông điệp Ad Coeli Reginam, Đức Thánh Cha nhắc lại việc đội triều thiên cho Mẹ năm 1946 và quyết định:

 

“Ta ban hành và thiết lập Lễ Maria Nữ Vương, được mừng chung Giáo Hội hằng năm vào ngày 31/5”.

 

Cũng trong thông điệp này, Đức Thánh Cha còn đề cập đến:

 

“Việc hiến dâng loài người cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ phải được lập lại trong ngày này... Với niềm tin tưởng hơn trước, mọi người hãy đến với ngai tòa tình thương và ân sủng của Nữ Vương và Từ Mẫu để xin trợ giúp trong cơn quẫn bách, ánh sáng trong lúc tối đen, và sức mạnh trong lúc đau thương khóc lóc..." (TWTAF3:395).

 

Sau Công Đồng Chung Vaticanô II, theo tinh thần canh tân phụng vụ, một số Lễ kính Đức Mẹ cũng được thay đổi, trong đó có lễ Trái Tim Mẹ và lễ Mẹ Nữ Vương. Lễ Mẹ Nữ Vương được dời xuống ngày 22/8 thay vì 31/5 hằng năm, và lễ Trái Tim Mẹ được dời lên ngày Thứ Bảy ngay sát Thứ Sáu lễ Thánh Tâm Chúa trong tuần lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa.

 

Thánh Louis Marie Grignion De Monfort (1673-1716)

 

Thánh nhân là vị thánh lập hai dòng tu cho Giáo Hội, một nữ và một nam. Dòng nữ là dòng Nữ Tử Đấng Khôn Ngoan, được lập năm “3, và dòng nam là dòng Thừa Sai Mẹ Maria (cũng gọi là dòng các Linh Mục Và Huynh Đệ Thánh Monfort). Ngài cũng là tác giả của tác phẩm thời danh Thành Thật Sùng Kính Mẹ Maria, một tác phẩm mà chính ngài đã tiên đoán về số phận của nó: “Tôi thấy trước một cách r ràng là những con mãnh thú sẽ dùng nanh vuốt qủi quyệt của chúng để sâu xé bản văn nhỏ bé này... hay, ít là dấu nó đi trong bóng tối vắng lặng nào đó không lộ ra được” (TDTM,114). Quả nhiên, mãi đến năm 1842, cuốn sách này mới được một linh mục dòng của ngài tình cờ tìm thấy trong một thùng sách cũ ở tu viện Laurent- sur-Sèvre.

 

Đức Thánh Cha Piô XII đã nói về ngài khi phong thánh cho ngài như sau: “Sùng Kính Mẹ Maria là sức mạnh mãnh liệt trong công cuộc tông đồ của ngài và bí mật tuyệt diệu nhất của ngài trong việc lôi kéo các linh hồn và ban Chúa Giêsu cho họ” (TDTM:v).

 

Thánh Catarina Labuarê (1806-1876)

 

Nữ Thánh Nhân là chị nữ tu dòng Nữ Tử Bác Ái thánh Vinh-Sơn Phao-Lô, được Đức Mẹ hiện ra vào năm 1830 và trao cho 3 sứ mệnh, như Đức Thánh Cha Piô XII đã nói về chị trong dịp phong thánh cho chị ngày 27/7/1947, đó là: “Phục hồi lòng sốt sắng đã bị nguội lạnh trong hai hội dòng bác ái của chị; nhận chìm toàn thể thế giới vào trận lụt đầy những mẫu ảnh kim loại nho nhỏ là những gì chứa đựng các ơn xót thương của Đấng Vô Nhiễm Tội ban cho cả hồn lẫn xác; lập một hội đạo đức 'Con Cái Mẹ Maria' để bảo toàn và thánh hóa giới phụ nữ trẻ” (TWTAF3:108).

 

Hai Á Thánh Thiếu Nhi Fatima Phanxicô và Giaxinta Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong Chân Phước cho Hai Thiếu Nhi Fatima là Phanxicô và Giaxinta ngày 13/5/2000.

 

 

Chương 7 - Phong Trào Tượng Mẹ Thánh Du

Hiện tượng thứ ba biểu hiệu cho Thời Đại Maria, đó là phong trào tượng Mẹ Thánh Du khắp thế giới.

 

Mẹ đi đến đâu thường là được nơi đó Hiến Dâng dân nước của mình cho Mẹ. Đôi khi còn có những cuộc tổ chức Đại Hội Thánh Mẫu (Marian Congress) với những sứ điệp vô tuyến truyền thanh do Đức Thánh Cha ban huấn dụ tới nữa. Về Đại Hội Thánh Mẫu, nguyên năm 1948-1949, có 8 lần tổ chức. Vào tháng 12/1948, tổng số các hội đoàn, phong trào về Mẹ của các tín hữu đã lên tới 8 triệu hội viên, được chia thành 75 ngàn nhóm.

 

Đi tiên phong trong phong trào này phải kể đến giáo hội Pháp. Bốn pho tượng Đức Bà Boulogne được thực hiện từ năm 1938, năm kỷ niệm đệ tam bách chu niên vua Louis XIII dâng nước Pháp cho Mẹ, đã thăm viếng, trong vòng 5 năm, 16 ngàn giáo xứ ở 83 địa phận, cuối cùng, vào ngày Chúa Nhật 28/3/1943, hàng giáo phẩm Pháp đã dâng mọi địa phận ở Pháp cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Trong thời gian Thánh Du của Mẹ, theo cha Devineau thuật lại:

 

“Ban ngày thì có những cuộc cung nghinh đường trường bằng chân không từ giáo xứ này đến giáo xứ kia, bất chấp thời tiết, hè cũng như đông, nắng gắt, giá băng hay tuyết lạnh... Đêm đêm thì giảng giải và xưng tội. Khoảng 10 giờ tối bắt đầu đêm đại canh thức cầu nguyện chật nhà thờ thật sốt sắng. Giáo dân suy niệm các mầu nhiệm Mân Côi, nhất là mầu nhiệm thương khó... Nửa đêm là thánh lễ có hiệp lễ với việc dâng hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ..” (TWTAF:77).

 

Tuy nhiên, trung tâm của phong trào này phải kể đến Fatima, linh địa của Mẹ.

 

Khởi đầu là ngày 13/10/1942, ngày làm phép triều thiên (nặng 1 ký 2) của Mẹ do một người đàn bà Bồ Đào Nha, để tạ ơn Mẹ đã gìn giữ nước Bồ khỏi nội chiến của Tây Ban Nha và Thế Chiến Thứ Hai, đã dâng cúng cho Mẹ 950 hột soàn, 313 hạt trân châu, 17 hạt hồng ngọc, 14 hạt bích ngọc, 269 hạt lam ngọc và 2650 viên đá qúi. Cũng trong năm này, Thánh tượng Mẹ đã được cung nghinh đến thủ đô Bồ Đào Nha là Lisbon trong dịp Đại Hội Giới Trẻ Công Giáo.

 

Sau đó 4 năm, vào dịp kỷ niệm nước Bồ Đào Nha được hiến dâng cho Mẹ 300 năm trước, phong trào chính

thức được phát động và phổ biến với cuộc cung nghinh Mẹ dài 250 dặm (tức gần 400 cây số), từ ngày 22/11 đến 24/12/1946, trong thời gian này, vào ngày 8/12, hàng giáo phẩm Bồ lại tái hiến dâng đất nước cho Mẹ. Một hiện tượng lạ xẩy ra trong cuộc cung nghinh Thánh Tượng này là có các con chim bồ câu bay đến đậu trên chân tượng Mẹ, như các “thiên thần hòa bình”, (tước hiệu này do chính thiên thần khi hiện ra với ba Thiếu Nhi Fatima năm 1916, lần thứ nhất, đã tự xưng), đi theo hộ tống Nữ Vương Hoà Bình.

 

Năm 1946 phải kể là năm sửa soạn các cuộc Thánh Du khắp thế giới của Thánh Tượng Mẹ Fatima. Bởi vì, vào ngày 13/5/1946, qua vị đại diện Đức Thánh Cha Piô XII là đức hồng y Aloysius Cardinal Masalla, Tòa Thánh Rôma đã đội triều thiên (được làm phép ngày 13/10/1942) cho Mẹ trước khi Mẹ rời gót đi thăm đoàn con cái Mẹ ở khắp nơi trên thế giới. Vào dịp Tòa Thánh đội thiều thiên cho Mẹ này, Đức Thánh Cha Piô XII

đã ban huấn từ qua vô tuyến truyền thanh đến Fatima như sau:

 

“Phải, hãy đội triều thiên cho Nữ Vương Hòa Bình cũng là Nữ Vương Thế Giới, để, một lần nữa, Mẹ giúp thế giới tìm thấy hòa bình và vươn lên khỏi cảnh tàn rụi của mình! Bởi thế, triều thiên này, một biểu hiệu yêu thương và tri ân cho quá khứ, một biểu hiệu tin tưởng và thuận phục trong hiện tại, sẽ là một triều thiên trung tín và hy vọng cho tương lai” (TWTAF:97).

 

Để rồi, kể từ sau ngày 13/5/1947, Mẹ đã chính thức các cuộc Thánh Du của Mẹ.

 

Đầu tiên tại Âu Châu và tại Bắc Mỹ. Sau đó, Mẹ được chính con cái Mẹ trong phong trào Đạo Binh Xanh

quốc tế, được thành lập tại Mỹ năm 1947, năm Mẹ đến Hoa Kỳ, hộ tống Mẹ đi các nơi khác trên thế giới. Các tượng Mẹ Fatima Thánh Du do Đạo Binh Xanh quốc tế hộ tống đi các nơi là các bức tượng được Đức Thánh Cha Phaolô VI làm phép tại Fatima ngày 13/5/1967, dịp ngài đến hành hương và dâng Bông Hồng Bằng Vàng lên Mẹ, và cũng là 70 bức tượng khác được Đạo Binh Xanh đem đến các nước trong năm 1971.

 

Các cuộc Thánh Du của Mẹ đã xẩy ra đúng như lời “sứ giả của Đấng Vô Nhiễm Tội” (TWTAF3:108) là chị thánh Catarina Labuarê (được Đức Mẹ hiện ra năm 1830 ở Ba-Lê, nước Pháp), như Đức Thánh Cha Piô XII đã gọi chị vào dịp phong hiển thánh cho chị ngày 27/7/1947, nói tiên tri: “Một ngày kia, Đức Mẹ sẽ được vinh quang đưa đi khắp thế giới” (FTGS:127).

 

Mẹ chẳng những được chính con cái của Mẹ nhận biết và yêu mến, mà còn được cả các con cái khác nhận biết nữa. Khi Thánh Tượng Mẹ đến Mozambique ngày 30/9/1948, một vị lãnh tụ của người Hồi Giáo, thuộc bộ lạc Ismaeli, đã đặt một chiếc kiềng bằng vàng gần tưọng Mẹ và nói: “Cảm tạ Đức Mẹ Fatima đã thực hiện các công cuộc yêu thương tại Phi Châu. Chúng tôi chúc tụng Bà cùng với Thiên Chúa Toàn Năng”(FTGS:126). Khi Thánh Tượng Mẹ đến Ấn Độ ngày 27/11/1949, thì cuộc nội chiến giữa Hồi Giáo và Ấn Giáo được tạm ngưng để tiến tới việc điều đình cho hòa bình của đôi bên.

 

Thánh Tượng Mẹ đã đến Ai Cập và ở Heliopolis, nơi mà Thánh Gia đã sống đời tị nạn ngày xưa. Sau đó, Mẹ đến thăm Giêrusalem, Thánh Đô của quê hương trần gian yêu qúi của Mẹ và của Chúa Kitô, Thiên Chúa làm người. Tháng 1/1950, Mẹ đến thăm nước Nga, nước mà Mẹ đang chờ “yêu cầu” của Mẹ được thực hiện là

Mẹ sẽ làm cho trở lại. Ngày 29/10/1950, sau khi đi thăm một số nước ở Á Châu, Mẹ đã đến Rôma 3 ngày

và ngự tại thánh đường Casaletto. Năm 1951, Mẹ đến thăm Úc Đại Lợi và Đại Dương Châu.

 

Nhận xét về phong trào Mẹ Thánh Du này, Đức Thánh Cha Piô XII, qua vô tuyến truyền thanh, đã nói với các con cái Mẹ hành hương Fatima vào ngày 13/5/1951, như sau:

 

“Qua các cuộc Thánh Du của Mẹ ở Mỹ Châu và Âu Châu, ở Phi Châu và Ấn Độ, ở Nam Dương và Úc Châu, Mẹ đã trào đổ ân phúc từ trời xuống, những sự lạ lùng về ân sủng đã gia tăng đến nỗi mắt chúng ta không thể nào tin được” (TWTAF3:319).

 

Chẳng những Mẹ đi để ban ân phúc cho đoàn con Mẹ ở khắp mọi nơi trên thế giới, Mẹ còn ban biết bao ơn lành hồn xác cho các người con đến kính viếng Mẹ tại Đền Thánh Fatima, Linh Địa của Mẹ, nơi mà, như Đức Thánh Cha Piô XII cũng đã nói với đoàn người hành hương Fatima ngày 13/5/1951 qua vô tuyến truyền thanh: “Rất Thánh Trinh Nữ đã chọn làm ngai tòa xót thương của Người cũng như làm suối nguồn tuôn chảy bất tận ân sủng và những sự lạ lùng” (TWTAF3: 319).

 

Fatima thật sự là “suối nguồn tuôn chảy bất tận ân sủng và những sự lạ lùng”.

 

Với cả 60 dòng tu lập nhà ở trung tâm hành hương, và vô số trung tâm để tĩnh tâm và hội thảo, (một trong những chủ đề cho năm hành hương 1979 là “Chính với trẻ nhỏ mà Mẹ đã nói").

 

Với 500 ngàn người cầu nguyện thâu đêm tới sáng để hiệp thông đền tạ ở 300 giáo phận trên thế giới vào ngày 13/10/1960.

Với cả triệu người hành hương năm 1969, từ 53 quốc gia, trong đó có 4 hồng y, rất đông tổng giám mục và giám mục, đã thực hiện 32 thánh lễ đồng tế đại trào, và trên 10 ngàn thánh lễ thường.

 

Với toàn thể hàng giáo phẩm Bồ Đào Nha, 700 nữ tu Phanxicô, trên 200 bề trên các dòng tu, 100 linh mục của Phong Trào Maria của Các Linh Mục, và 3500 giáo lý viên đến dự đại hội giáo lý tháng 4/1976.

 

Với những cuộc hành hương bằng chân đi cả trăm dặm đến Fatima, hay đi bằng đầu gối chung quanh ngôi nhà

thờ nhỏ hoặc băng qua khuôn viên, và qùi gối lâu giờ cầu nguyện dưới trời nắng chói hay trong cơn mưa tầm tã.

 

Với đoàn hành hương Phật tử đến từ Nhật Bản vào năm 1969.

 

Với các vị cao cấp Chính Thống Giáo đến cầu cho việc hiệp nhất Kitô Giáo vào năm 1970.

 

Với đoàn hành hương lần đầu tiên đến vào năm 1992 từ Nga do chính Đức Tổng Giám Mục ở Mosco là Tadeusz Kondrusiewicz dẫn đầu, vị đã nói: "Hôm nay đây, mọi sự đã khá hơn. Thực sự chúng ta có thể cho đó là do lời tiên tri ở Fatima. Chúng ta làm sao quên được việc Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II hiến dâng Nước Nga và thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria năm 1984. Khi Gorbachev lên được ít lâu, thay đổi về sự lãnh đạo ở Cẩm Linh đã xẩy ra, kéo theo những đổi thay khác" (FFM:4-6/92).

 

Chương 8 - Con Người và Trái Cấm Thời Đại

Thời tận thế chẳng những được nhận biết qua Thời Đại Maria ở sự kiện Chúa Giêsu muốn tỏ Mẹ của Ngài ra cho thế gian “nhận biết và yêu mến”, với những lần Mẹ hiện ra vào thời cận đại, với những tín điều về Mẹ được Giáo Hội công bố trong vòng một trăm năm qua, và với phong trào Mẹ Thánh Du khắp thế giới từ cuối tiền bán thế kỷ 20, như chương 5, 6 và 7 trình thuật, mà còn được nhận thấy qua các “điềm thời đại” với ba sự kiện là: Con Người và Trái Cấm Thời Đại, CS và Tiền Hô Qủi Vương, Giáo Hoàng và Chúa Kitô tái giáng.

 

Lịch sử thế giới cận đại có thể được đánh dấu bằng 8 cuộc cách mạng chính yếu đã chi phối sâu xa đến tận nền móng văn hóa của chung loài người.

 

Cuộc cách mạng thứ nhất là cuộc cách mạng tôn giáo. Cuộc cách mạng này bắt đầu xẩy ra tại Đức quốc vào ngày 31/10/1517, khi Martinô Luthêrô (1483-1546) phổ biến 91 đề án có tính cách “thệ phản” của ông đối với tòa thánh Công Giáo Rôma.

 

Cuộc cách mạng thứ hai là cuộc cách mạng triết lý. Cuộc cách mạng này bắt đầu xẩy ra tại Ba-Lan vào ngày 24/5/1543, khi Nicolaus Copernicus (1473-1543) phát hành cuốn De Revolutionibus Orbium Coelestium, công bố khám phá của ông về định luật trái đất quay chung quanh mặt trời, chứ không phải mặt trời nói riêng và các thiên thể nói chung quay chung quanh trái đất, một quan niệm được phát xuất từ các triết gia Hy Lạp, chủ trương con người là cái rốn của vũ trụ.

 

Cuộc cách mạng thứ ba là cuộc cách mạng kỹ nghệ. Cuộc cách mạng này bắt đầu xẩy ra tại Anh quốc vào năm “8, khi máy bơm chạy bằng hơi nước do Thomas Savery sáng chế và bắt đầu đem ra sử dụng.

 

Cuộc cách mạng thứ bốn là cuộc cách mạng kinh tế. Cuộc cách mạng này bắt đầu xẩy ra tại Anh quốc vào ngày 9/3/1776,khi Adam Smith (1723-1790) phát hành cuốn Wealth of Nations, bàn đến những vấn đề như lao động, tiền tệ, giá cả, lương bổng v.v. nhất là đến tư lợi của cá nhân trong xã hội, làm sao cho họ có được một đời sống khá hơn, nhờ đó, xã hội cũng sẽ được an vui.

 

Cuộc cách mạng thứ năm là cuộc cách mạng chính trị. Cuộc cách mạng này bắt đầu xẩy ra tại Pháp quốc vào ngày 14/7/1789, khi dân thành Ba-Lê tấn công ngục Bastille, mở màn cho chế độ dân chủ thay cho chế độ quân chủ.

 

Cuộc cách mạng thứ sáu là cuộc cách mạng phái tính. Cuộc cách mạng này bắt đầu chớm nở tại Anh quốc vào năm 1792, khi May Wollstonecraft (1759-1797) phát hành cuốn Vindication of the Rights of Woman, với chủ trương: người phụ nữ cũng bình đẳng như người đàn ông; với nhận định: người đàn ông coi người đàn bà thua kém mình về mặt luân lý cũng như tâm trí; và với quan niệm: người đàn bà sẽ có một cuộc sống sáng tạo và hạnh phúc nếu họ được học hành đàng hoàng.

 

Cuộc cách mạng thứ bảy là cuộc cách mạng truyền thông. Cuộc cách mạng này xẩy ra tại Ý quốc vào năm 1895, khi Guglielmo Marconi (1874-1937) sáng chế và đem ra sử dụng loại máy vô tuyến điện tín.

 

Cuộc cách mạng thứ tám là cuộc cách mạng xã hội. Cuộc cách mạng này xẩy ra tại Nga Sô ngày 7/11/1917, khi Lenin (1870-1924) lãnh đạo đảng Bolshevik thành công trong việc lật đổ chế độ quân chủ để thay thế bằng chế độ CS vào năm 1918, một chế độ đặt căn bản trên lý thuyết của Karl Marx (1818-1883) trong tập The Communist Manifesto xuất bản năm 1848 và trong bộ Das Kapital, cuốn 1 xuất bản năm 1867 và 2 cuốn sau đó Engels xuất bản vào năm 1885 và 1895.

 

Ảnh hưởng bởi các cuộc cách mạng cận đại quyết liệt này, thế giới đã và đang biến đổi không ngừng, nhanh đến nỗi chóng mặt lịch sử và mạnh đến nỗi có thể bật gốc loài người.

 

Thật vậy, từ sau cuộc cách mạng thứ tám là cuộc cách mạng xã hội, nhất là từ sau thế chiến thứ hai, tức từ năm 1945, thế giới hầu như được chia ra làm hai khối rõ rệt, một bên chủ trương tư bản và một bên lại chủ trương CS. Hai khối xã hội này đối đầu với nhau ở hệ ý thức là quyền lợi của con người.

 

Khối Tư Bản, theo nguyên tắc, chủ trương cá nhân con người phải được tự do hưởng quyền làm người, trong đó có quyền sinh sống và chiếm hữu. Khối CS, theo kinh nghiệm, chủ trương xã hội con người vô giai cấp, ở chỗ, tất cả mọi người đều bình đẳng mới tạo nên Thiên Đường CS, một thiên đường mà Đảng hay Nhà Nước làm Chúa, có toàn quyền bắt nhân dân làm việc cho mình và phân phát ân lộc cho dân tùy ý mình.

 

Thế rồi, sau 3/4 thế kỷ được thí nghiệm tại Liên Bang Sô Viết và gần 1/2 thế kỷ được thử nghiệm trên khắp thế giới nói chung và Âu Châu nói riêng, khối CS đã thảm bại vô cùng tang thương ở Liên bang Sô Viết và ở Đông Âu bắt đầu cuối Hè và đầu Thu 1989, chỉ vì đã chủ trương hoàn toàn ngược lại với định luật tự nhiên mà Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành đã phú ban cho các tạo vật của Ngài khi dựng nên chúng.

 

CS đã nuốt không trôi trái cấm và đã chết nghẹn. Trước cái chết tức tưởi của CS, Tư Bản bất chiến tự nhiên thành.

 

Thế nhưng, sự kiện bất chiến tự nhiên thành của Tư Bản không có nghĩa là Tư Bản và chỉ có Tư Bản mới đem lại phúc lợi đích thực và tối đa cho con người mà thôi.

 

Dầu sao cũng phải công nhận là các nước tân tiến nhất thế giới ngày nay là các nước đại tư bản, các nước giầu mạnh nhất, cả về khoa học, kỹ thuật và quyền sống. Những khám phá kỳ diệu của khoa học làm cho con người tự tin vào quyền năng của mình hơn, những sáng chế tối tân của kỹ thuật làm cho con người dễ chịu hơn và hưởng thụ hơn, từ đó, con người càng ngày càng có giá, càng phải được tôn trọng hơn bao giờ hết. Chính ở trong những nước tân tiến nhất về khoa học cũng như kỹ thuật là những nước có quyền sống cao nhất.

 

Tại Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ chẳng hạn, luật lệ được đặt ra hầu như đa số là để bảo vệ quyền sống của con người, về tiêu cực, như luật không cho bạo hành con cái (child abuse) hay bỏ bê chúng (child neglect), về tích cực, nhỏ thì như luật phải chằng dây trên xe khi lái ra đường (seat belt), lớn thì như như quyền được tự do đốt cờ tổ quốc v.v. Kể cả người chết của một nước tân tiến như Hoa Kỳ cũng vẫn được bảo vệ và tôn trọng như thường. Một trong những điều kiện mà CS Việt Nam muốn bang giao với Hoa Kỳ không phải là vấn đề trao trả xương của các quân nhân Mỹ tử trận ở Việt Nam hay sao?

 

Tuy nhiên, chính lúc các nước đại tân tiến như Hoa Kỳ hay Âu Châu ý thức được giá trị tuyệt vời của con người và đề cao nó cũng như tìm hết cách để tôn trọng nó, họ lại gặp rắc rối và giằng co trong vấn đề quyền ưu tiên.

 

Để giải quyết vấn đề rắc rối và giằng co ở quyền ưu tiên này, họ đã theo đường lối hết sức công bằng là sắp hàng một (one line), tức đường lối ưu tiên cho ai đến trước (first come, first serve). Thai mẫu là người được sinh vào đời trước, nên có quyền ưu tiên hơn thai nhi, ở chỗ, quyền tự do chọn sinh con hay phá thai của thai mẫu được luật pháp tôn trọng hơn quyền được sống và làm người của thai nhi bị đầu thai nhầm thế kỷ! Cha mẹ là người lớn tuổi đi trước nên có quyền ưu tiên hơn con cái nhỏ tuổi đi sau. Quyền được phép li dị và lập gia đình khác của cha mẹ vẫn được luật pháp cho phép hơn quyền con cái cần phải được giáo dục bởi đầy đủ hai người đã chính thức sinh thành ra chúng v.v.

 

Phải chăng các nước thuộc khối Tư Bản, đại tân tiến, cũng đang cùng nhau ăn trái cấm là những gì con người không được phép làm. “Những gì Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phép phân ly” (Mathêu 19:6), thế mà họ đã muốn lên bằng Thiên Chúa, nếu không muốn nói là truất quyền Thiên Chúa, để ban phép cho con người đã nên một xương thịt được tự do phân ly. Sự sống của con người linh thiêng cao qúi trên hết mọi sự trên đời, là của Chúa và bởi Chúa, con người dù văn minh tột bực cũng không thể nào tạo ra được, thế mà họ cũng tự động cho phép nhau được tự do hủy diệt đi cái không phải tuyệt đối là của họ và bởi họ đó.

 

Một thế giới chỉ có quyền làm người một cách què quặt như thế mà không có đạo làm người một cách lành mạnh theo nguyên tắc luân lý phổ quát, thì, dù ông trời không có mắt đi nữa, và dù con người có văn minh tuyệt đỉnh thế nào đi nữa, một ngày kia, cái Thiên Đường Treo của Tư Bản có tính cách vô thần ấy cũng sẽ bị hủy trong chính bàn tay con người đã tạo nên nó, biết đâu còn khốc liệt và khốn nạn hơn cả cảnh thảm bại của CS vừa rồi.

 

Trong tông huấn về Vai Trò của Gia Đình Kitô Giáo trong Thế Giới Tân Tiến (Familiaris Consortio), Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã nhận định rất chính xác về hiện trạng của chung xã hội và riêng các gia đình ngày nay như sau:

 

“Một đàng thì có một ý thức sống động hơn về tự do cá nhân... Đàng khác, cũng không thiếu những dấu hiệu về tình trạng băng hoại một cách nhức nhối nơi một số giá trị nền tảng, như quan niệm lầm lẫn cả về lý thuyết cũng như thực hành trong sự độc lập của vợ chồng liên hệ với nhau ... số ly dị tăng tiến, sự thê thảm của phá thai... Nguồn gốc sâu xa của những hiện tượng tiêu cực này là ở tại sự hủy hoại nơi ý thức cũng như kinh nghiệm về tự do, khi cho tự do không phải là một khả năng để nhận ra sự thật mà Thiên Chúa đã định trong việc lập gia đình và sống gia đình, mà như là một quyền năng tự quyết để định đoạt lấy cho mình, thường đụng chạm đến kẻ khác, mang lại tư lợi cho bản thân” (FC:6).

 

Sự sống bị con người tàn phá và hủy hoại phải chăng là dấu hiệu đã đến lúc tận số của thế giới?!

Chương 9 - Tiền Hô Quỷ Vương

Nếu việc Chúa Giêsu muốn tỏ Mẹ của Ngài ra trong thời tận thế này có liên hệ đến thời điểm của nước Nga nói riêng và lý thuyết CS nói chung, thì, phải chăng, CS chính là tiền hô của qủi vương?

 

Nói cách khác, nếu sự xuất hiện của Mẹ Maria, như Đức Thánh Cha Piô XII ngày 2/7/1948 đã viết cho cha Ranson, giám đốc của phong trào Đại Phục Hồi (Great Return) ở Pháp: “Trong bóng đêm đang đè nặng trên thế giới, chúng ta thấy Rạng Đông bừng lên, báo hiệu chắc chắn về sự xuất hiện của Mặt Trời chân thật, công chính và yêu thương” (TWTAF3:117), thì, phải chăng, CS cũng chính là dấu hiệu báo trước sự xuất hiện của qủi vương vào thời tận thế?

 

Năm 1848, tập The Communist Manifesto của Karx Marx viết chung với Engels được xuất bản. Tập sách này tuy ngắn, song vẫn được coi là một cuốn cẩm nang của thuyết Mát-Xít, một thuyết cho rằng lịch sử là một chuỗi đấu tranh giữa các tầng lớp trong xã hội, mà cuối cùng tấng lớp lao động sẽ lật đổ tầng lớp quản trị trung lưu, để lập thành một xã hội vô giai cấp do nhà nước làm chủ việc sản xuất của nhân dân và điều hành việc tiêu thụ cho nhân dân.

 

Trước đó 18 năm, tức vào năm 1830, Đức Mẹ đã hiện ra với chị thánh Catarina Labuarê ở Ba-Lê, nước Pháp, truyền dạy phổ biến bức ảnh hình trái xoan bằng kim loại, trên đó có hàng chữ bằng vàng: “Ôi Maria, đầu thai vô nhiễm nguyên tội, cầu cho chúng con là kẻ chạy đến cùng Mẹ”.

 

Năm 1864, Karx Marx thành lập Hiệp Hội Lao Nhân Quốc Tế (The International Workingmen's Association), với mục đích cải tiến đời sống của tầng lớp lao động và cũng để sửa soạn cho cuộc cách mạng xã hội.

 

Năm 1867, Karx Marx cho xuất bản cuốn thứ nhất của bộ Das Kapital, một bộ sách cho rằng sinh hoạt thị trường tự do rất hiệu nghiệm song cũng rất nguy hiểm khi gặp thời kỳ kinh tế bị trầm trọng lạm phát và khủng hoảng, nhất là khi mức độ giầu có tạo được từ sinh hoạt thị trường tự do này không biết sử dụng sẽ càng tạo nên nhanh chóng sự khốn cùng trong xã hội loài người.

 

Trước đó 6 năm và 9 năm, tức vào năm 1858, Đức Mẹ đã hiện ra ở Lộ Đức, nước Pháp, với chị thánh Bernađét, tự xưng mình “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”.

 

Năm 1917, Lenin về nước để cùng với đảng Bolsheviks thực hiện cuộc cách mạng và thành lập đảng CS năm 1818 theo lý thuyết của Karx Marx. Lenin đã tuyên bố: “Đường lối khủng bố là đường lối duy nhất đối với chúng ta, một đường lối mà không thể nào chúng ta không dùng đến” (TWTAF:450). Kết quả là, theo thống kê được phổ biến vào năm 1922 của đức hồng y Mercier: “Từ tháng 11/1917, có 260 ngàn tù phạm binh sĩ thường và 54 ngàn quân nhân; 18 ngàn điền chủ; 35500 nhà trí thức, 192 ngàn thợ thuyền; 815 ngàn canh điền; 28 giám mục và 1215 linh mục bị giết” (TWTAF2:451).

 

Cũng trong năm 1917, Đức Mẹ đã hiện ra với ba Thiếu Nhi tại Fatima, một trong những mục đích của Mẹ là hứa sẽ đến để xin dâng hiến Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Vào ngày 13/6/1929, quả thật Đức Mẹ đã đến và nói r "đã đến lúc Chúa muốn Đức Thánh Cha hợp cùng các giám mục trên thế giới hiến dâng nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, Ngài hứa sẽ cứu Nước Nga bằng cách đó" (FILOW:200).

 

Cũng bắt đầu từ năm 1929, Liên Bang Sô Viết do Stalin lãnh đạo với bàn tay sắt và nạn CS cũng bắt đầu lan ra các nước. Ngày 15/5/1932, Stalin đã bắt đầu dự án 5 năm chống đối tôn giáo với ý định vào ngày 1/5/1937, sẽ không còn một tư tưởng nào về Thiên Chúa nữa. Trong thông điệp Caritate Christi, Đức Thánh Cha Piô XI đã phải than lên:

 

“Khốn cho nhân loại một khi Thiên Chúa bị tạo vật của Ngài xúc phạm đến nỗi, theo sự công chính của Ngài, Ngài ban cho làn sóng hủy diệt này quyền tự do thống trị khi Ngài dùng nó như cái roi để trừng phạt thế giới” (TWTAF2:615).

 

Trong thông điệp Divini Redemptoris, Đức Thánh Cha Piô XI đã tóm tắt “nạn CS” trong đoạn văn sau đây:

 

“CS, hơn thế nữa, còn bóc lột tự do của con người, cướp đoạt tất cả nhân vị của con người, và loại trừ mọi ràng buộc luân lý cần có trong việc kiềm chế các lũng đoạn của dục vọng mù quáng” (AC,10).

 

Như thế, nếu Mẹ Maria là Rạng Đông của Mặt Trời Công Chính là Chúa Kitô, cần phải đến trước để dọn đường cho Chúa đến lần thứ hai, thì sự xuất hiện trùng hợp giữa Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội và CS ngay từ đầu đến nay phải chăng là một ám chỉ CS là tiền hô của qủi vương?

 

Nếu CS là tiền hô của qủi vương, chắc chắn nó phải có liên hệ với ma qủi nói chung và qủi vương nói riêng. Trong thông điệp Divini Redemptoris, Đức Thánh Cha Piô XI đã coi CS tương tự như một thần ô uế ám vào nhân tính con người mà chỉ “được khống chế bằng chiến dịch cầu nguyện và thống hối chung thế giới” (AC:59).

 

Trong thư gửi toàn thể các giám mục trên thế giới vào ngày 1/7/1937, hàng giáo phẩm Tây Ban Nha đã nhận định như sau: “... Sự ghen ghét Chúa Giêsu Kitô và Đức Mẹ đã lên đến cực điểm. Người ta có thể tưởng tượng sự ghen ghét của hỏa ngục đã nhập vào trong những người CS bất hạnh của chúng ta, bằng việc hạ nhục hàng trăm cây thánh giá, bằng việc làm như loài vật khi tục hoá những ảnh tượng Đức Mẹ, bằng việc dán ở trung tâm thương mại Bilbao những bích chương xỉ nhục phạm đến Mẹ Thiên Chúa, bằng việc viết bênh vực phe Đỏ trong khi chê cười những mầu nhiệm thần linh ở chỗ làm tục hóa phép Thánh Thể... Những hình thức tục hóa này không thể nào tin là có thể xẩy ra nếu chúng không do những xúi giục qủi ma” (TWTAF2:651).

 

Trong thông điệp Divini Redemptoris, Đức Thánh Cha Piô XI đã đặc biệt kêu gọi các đan sĩ nam nữ “cũng hãy khẩn nguyện sự cầu bầu quyền năng của Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đấng đã đạp nát đầu con rắn xưa, mãi là Đấng Bảo Hộ vững vàng cùng là Sự Trợ Giúp không cùng của Kitô hữu” (TWTAF2:59).

 

Tuy nhiên, nếu CS chủ trương vô thần thì làm sao có thể là tiền hô cho qủi vương là kẻ, dù không tự nguyện nhận biết Ngài, song vẫn không thể chối cãi về thực tại thần linh là Thiên Chúa hiện hữu, toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ và toàn năng?

 

Thật ra, chính vì CS chủ trương vô thần mới đúng là tiền hô của qủi vương. Bởi vì, đường lối qủi vương dùng để có thể hoàn toàn thống trị thế gian là làm sao cho Thiên Chúa bị phủ nhận, truất phế, hạ bệ trước đã. Nếu “Thiên Chúa là Ánh Sáng” (1Gn 1:5) còn đó thì bóng tối sự chết mà ma qủi là hiện thân làm sao có thể hành động được. “Mọi kẻ làm dữ thì ghét ánh sáng; họ không dám đến gần ánh sáng vì sợ việc làm của mình bị bại lộ” (Gn 3:20) là thế.

 

Trong vườn địa đường, để làm cho bà Evà đang là con cái Thiên Chúa, con cái sự sáng trong sự công chính nguyên thủy, trở nên con cái ma qủi, con cái tối tăm trong tội lỗi, ma qủi cũng đã làm cho bà trở nên vô thần đã, khi gợi lên trong bà những tư tưởng duy vật là các lợi lộc từ cây trái cấm mà bà vốn ước vọng. Quả nhiên, Thánh Kinh đã tóm tắt hành động vô thần duy vật của bà Evà sau khi nghe ma qủi cám dỗ như sau: “Người

nữ thấy trái cây ngon lành đẹp mắt lại muốn được nên khôn ngoan. Do đó, bà đã hái ít trái mà ăn” (STK 3:6).

 

“Vô thần duy vật” đúng là bản chất, là chân tướng của CS, tiền hô của qủi vương.

 

Đức Thánh Cha Piô XI đã vạch trần bộ mặt của CS, tiền hô của qủi vương, kẻ chủ trương vô thần duy vật, trong thông điệp Divini Redemptoris như sau:

 

“Theo giáo điều này (CS), thế gian chỉ có một thực tại, đó là vật chất, là những năng lực mù quáng chi phối cả thực vật, động vật lẫn con người. Ngay cả xã hội loài người cũng chẳng là gì khác ngoài hiện tượng hình thành của vật chất, được xoay vần cùng một kiểu cách. Bởi định luật xoay vần khẩn thiết và qua sự tương phản liên lỉ giữa các năng lực, vật chất tiến đến một tổng hợp chung kết là một xã hội vô giai cấp. Với một giáo điều như vậy, r ràng là ý tưởng về Thiên Chúa không còn nữa; không còn khác biệt giữa vật chất và tinh thần, giữa linh hồn và thân xác; không còn cả sự sống đời sau của linh hồn sau khi chết và không còn hy vọng gì ở cuộc sống mai hậu. Chủ trương một triết thuyết thiên về duy vật như thế, những người CS cho rằng những tương phản xẩy ra trên thế gian để tiến đến một tổng hợp chung kết của nó là do con người phát tiến. Do đó, họ nỗ lực làm sao để làm cho những cuộc chống chọi giữa các tầng lớp trong xã hội gay cấn hơn. Vậy, sự tranh đấu giữa các tầng lớp mà hậu quả của nó là sự hủy hoại và thù ghét bạo tàn được coi như một chiến dịch trong việc phát triển nhân loại. Đàng khác, tất cả các lực lượng khác bất kể, chừng nào còn phản kháng lại tổ chức tranh đấu này đều phải bị hủy diệt như kẻ thù của nhân loại” (AC:9).

 

Trong lịch sử của loài người, chưa có một tai họa nào rùng rợn và kinh hoàng cho định mệnh của chung thế giới bằng nạn CS. Chính bản chất vô thần duy vật và đường lối hận thù sắt máu tột độ ngùn ngụt bùng lên từ hỏa ngục này của CS nhắm vào loài người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa nói chung và đối với đặc biệt Giáo Hội là thân mình mầu nhiệm của Thiên Chúa nhập thể nói riêng, có thể khẳng định rằng CS chính là tiền hô của qủi vương.

 

Khi Gioan Tẩy Giả rao giảng về "Đấng đến sau" ông là Chúa Giêsu Kitô, thì Chúa Kitô sắp xuất đầu lộ diện, và khi lộ diện, Ngài phải được chính Gioan Tẩy Giả nhận biết và giới thiệu cho môn đệ của mình cũng như cho toàn dân Do Thái nữa. Cũng thế, CS là Tiền Hô của Qủi Vương, đang khi nó còn "gieo rắc lầm lạc khắp thế giới", thì Qủi Vương thực sự đã có mặt trên trần gian này rồi. Huống chi, cho đến nay, CS kể như rắn đã mất đầu, khi Liên Bang Sô Viết hoàn toàn từ bỏ chủ nghĩa và chế độ CS, thì phải nắm chắc một điều là Qủi Vương sắp bắt đầu hoàn toàn hiện nguyên hình dạng của hắn.

 

Nếu Thời Tận Thế là Thời Đại Maria thì Thời Tận Thế cũng là Thời Đại Satan vậy!

 

Chương 10 - Giáo Hoàng và Chúa Kitô Tái Giáng

Nếu quả thật CS là tiền hô của qủi vương, thì qủi vương phải có mặt trên thế gian này rồi? Nhất là, khi CS làm hoàn tất sứ mệnh tiền hô của mình và biến đi, qua việc Nước Nga trở lại, qủi vương sẽ dần dần lộ diện? Như thế, thời gian sau khi nước Nga trở lại, theo như Đức Mẹ nói, là thời gian thế giới sẽ được hưởng hòa bình, sẽ là thời gian rùng rợn hơn bao giờ hết, vì thời gian này là thời gian của qủi vương.

 

Thật ra qủi vương, tức Satan, sau khi “bị hất nhào xuống đất” (KH 12:13)đã có mặt trên thế gian này từ khi loài người được tạo dựng để “săn đuổi người đàn bà sắp sinh con trai” (KH 12:13). Và hắn đã cám dỗ được người đàn bà tiên khởi của loài người là Evà sa ngã phạm tội mất lòng Chúa. Nhưng hắn đã giết lầm người.

Hậu quả bởi đấy mà ra là hắn sẽ bị giòng di người đàn bà đạp nát đầu của hắn. Đúng như thế, Chúa Giêsu, “Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể” (Gn 1:14), về nhân tính, là giòng di người nữ, “đã tỏ mình ra để phá hủy công việc của ma qủi” (1Gn 3:8).

 

Phải, Satan dù tinh khôn mấy đi nữa cũng không thể ngờ được rằng chính người con trai mà hắn rình chực để nuốt đi lúc em được người Đàn Bà sinh ra lại là Đấng đã đạp nát đầu của hắn, khi Người bị treo trên câp thập giá. Lúc còn là Rồng ở trên trời, Satan đã chống lại ý định nhập thể của Thiên Chúa, đến nỗi “đã mất chỗ của mình trên trời” (KH 12:8). Khi trở thành con cựu xà ở dưới đất, Satan đã cố gắng ngăn ngừa việc Thiên Chúa nhập thể và cứu thế, không ngờ lại bị “đạp nát đầu” (STK 3:15).

 

Lúc Chúa Giêsu tuyên bố “hoàn Tất” (Gn 19:30) trước khi Người tắt thở trên thập giá chính lúc quyền lực của Satan, của sự chết hoàn toàn bị hủy diệt. Bấy giờ, Satan và ngụy thần của hắn bị dội xuống tận đáy hỏa ngục tưởng như không bao giờ chỗi dậy được nữa, nếu không được thả ra. Thánh Kinh đã diễn tả điều này như sau:

 

“Từ trời xuống là một thiên thần cầm trong tay chìa khóa vực thẳm và một chiếc xích lớn. Ngài bắt con rồng, tức con cựu xà là ma qủi hay Satan, và xiềng hắn lại trong một ngàn năm. Thiên thần đẩy hắn xuống vực thẳm rồi đóng và niêm phong hắn lại. Ngài làm như vậy để con rồng không thể lừa đảo các dân nước cho đến khi một ngàn năm qua đi. Sau đó, con rồng được thả ra trong một thời gian ngắn...” (KH 20:1-3).

 

“Một ngày trước mặt Chúa như một nghìn năm và một nghìn năm cũng như một ngày” (2Ph 3:8).

 

Phải chăng ngày giờ Chúa Giêsu chịu tử giá là lúc ma qủi bị thiên thần xiềng lại và nhốt vào hoả ngục như cả ngàn năm, để rồi, sau đó, hắn lại “được thả ra trong một thời gian ngắn”?

 

Phải chăng thời gian ngắn này là “những ngày sau hết” (2Tim 3:1; 2Ph 3:3; Jude 18), là “thời giờ cuối cùng” (1Gn 2:18)?

 

Thánh Kinh đã diễn tả cảnh tượng của “một thời gian ngắn” này như sau:

 

“Một ngàn năm qua đi, Satan sẽ được thả ra khỏi ngục. Hắn sẽ đi cám dỗ tất cả mọi dân nước khắp bốn phương trời, và chiêu tập các đạo quân Gog cũng như Magog đông như cát biển để gây chiến. Chúng sẽ chiếm trọn đất nước và vây hãm thành trì yêu dấu, nơi dân Thiên Chúa đóng trại...” (KH 20:7-9).

 

Như thế, cả thế giới là “mọi dân nước khắp bốn phương trời” cũng như Giáo Hội là “thành trì yêu dấu, nơi dân Thiên Chúa đóng trại” đều bị Satan tấn công “trong một thời gian ngắn” này.

 

Phải chăng, đó là lý do, đặc biệt trong giai đoạn trước ngưỡng cửa của năm 2000 này, chính Đức Giáo Hoàng đã phải ra đi để thực hiện việc truyền giáo cho các dân nước và việc làm tông đồ cho các anh em của mình?

 

Trong thông điệp Redemptoris Missio, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã khẳng định điều này, điều mà Ngài đã nói với các hồng y và toà thánh Rôma ngày 28/6/1980:

 

“Ta công du khắp thế giới để loan truyền Phúc Âm, để củng cố anh em trong đức tin, để an ủi Giáo Hội, để gặp gỡ dân chúng” (TROM:63).

 

Bởi vì, chính Đấng kế vị thánh Phêrô đại diện Chúa Kitô trên trần gian hiện nay đã thấy r tình hình của “Giáo Hội trong thế giới ngày nay”. Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô đã có những nhận định như sau:

 

“Trong thế giới tân tiến này chỉ có một khuynh hướng kéo ngang con người ra mà thôi. Thế nhưng, không hướng về Tuyệt Đối, con người sẽ ra sao? Câu trả lời sẽ là... máu đổ, nhân danh ý thức hệ hay định chế chính trị là những gì muốn xây dựng một tân nhân loại không có Thiên Chúa” (TROM:8).

 

“Sự sai lầm này ở tại chủ trương tự do của con người tách khỏi việc tuân hợp với chân lý cũng như trách nhiệm từ đó là phải tôn trọng quyền lợi của kẻ khác... Chính sự sai lầm này đã gây ra những hậu quả trầm trọng là một loạt chiến tranh tàn phá Âu Châu và thế giới giữa năm 1914 và 1945” (CA:17)

 

“Tiến bộ của khoa học và kỹ thuật đáng lẽ phải góp phần vào việc an sinh của con người lại biến thành một khí cụ chiến tranh: Khoa học và kỹ thuật được dùng để sản xuất ra những vũ khí hủy diệt tinh vi hơn. Trong khi đó, ý thức hệ, một lạm dụng của triết lý chân thật, được viện dẫn như những lý do chính đáng cho cuộc chiến mới... Cả thế giới đang bị đe dọa bởi chiến tranh nguyên tử có thể tiêu diệt cả loài người” (CA:18)

 

“Con người ngày nay chưa bao giờ lại có vẻ bị đe dọa bởi cái mà họ làm ra... (là những cái) có thể quay ra chống lại họ một cách toàn diện; họ sợ rằng, nó sẽ trở nên những phương tiện hay dụng cụ để tự hủy hoại ngoài sức tưởng tượng, so với tất cả những tai ương khủng khiếp trong lịch sử hầu như đã bị quên lãng” (TROM:15).

 

Trong tông huấn Người Tín Hữu Giáo Dân (Christifideles Laici), Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II còn đưa ra ba nhận định về thế giới ngày nay.

 

Nhận định thứ nhất là tình trạng tục hóa của thế giới theo đà tiến triển của khoa học và kỹ thuật, đến nỗi đã gạt Thiên Chúa ra ngoài.

 

Nhận định thứ hai là tình trạng chà đạp nhân vị con người, ở chỗ quyền lợi của con người bị cướp đoạt và chính con người trở nên công cụ và nô lệ cho bạo quyền dưới nhiều hình thức, trong đó có cả việc phá thai.

 

Nhận định thứ ba là tình trạng tranh chấp gây thương tổn giữa người và người, giữa các tầng lớp, giữa các quốc gia, bằng vũ lực dưới nhiều hình thức như khủng bố, chiến tranh.

 

Với hiện trạng này, dù thế giới có được hưởng hòa bình của thời hậu CS đi nữa, thì tình trạng hòa bình này cũng chỉ là một tình trạng hòa bình không có chiến tranh mà thôi, chứ không phải là hoà bình chân thật.

 

“Hoà bình thật không chỉ ở tại việc chiến thắng về quân sự, nhưng bao hàm cả việc cất đi những nguyên do gây chiến và việc giải hòa thật sự giữa con người với nhau. Vì từ nhiều năm qua, ở Âu Châu cũng như thế giới, chỉ có một tình trạng không có chiến tranh hơn là hòa bình chân thật” (CA:18).

 

Tuy tình trạng hòa bình hiện nay của thế giới chỉ là một hòa bình tạm bợ, một hòa bình có thể bùng nổ chiến tranh bất cứ lúc nào, vì nguyên do của nó vẫn chưa hoàn toàn mất hẳn trên thế giới như những nhận định của Đức Thánh Cha vừa kể.

 

Nhưng, dù sao, đó cũng là "một thời gian hoà bình được ban cho thế giới” sau khi Đức Mẹ đã làm cho nước Nga (là một trong những ngòi chiến tranh tỏ tường nhất) trở lại. Bằng không, thế giới làm sao có thể, với chiến tranh lạnh kéo dài từ sau đại chiến thứ hai, cộng với biết bao băng hoại càng ngày càng trầm trọng hơn bao giờ hết, tự nhiên được hưởng một thời gian thôi chiến tranh bất ngờ và đặc biệt như bây giờ cũng như trong tương lai gần đây.

 

Trong lúc “thế giới được hưởng một thời gian hòa bình” này, nếu con người không biết lợi dụng để "nhận biết và yêu mến" Mẹ Maria, Đấng đã làm cho nước Nga trở lại, chắc chắn thế giới sẽ không thể nào tránh khỏi đại chiến thứ ba vô cùng khủng khiếp, một trận chiến có thể kết liễu văn minh vô thần của loài người mà chôn vùi xuống mồ của ngày tận thế.

 

Tuy nhiên, thành phần phải nhận biết và yêu mến Mẹ Maria trước hết phải là chính con cái của Giáo Hội. Thế mà, như Chúa Giêsu tiên báo, vào thời tận thế, sẽ có “Kitô giả và tiên tri giả xuất hiện” (Mt 24:24). “Kitô giả và tiên tri giả” ở đây từ đâu đến và là ai, nếu không phải từ chính con cái Giáo Hội mà đến và là những Kitô hữu mang “tinh thần của Phản Kitô” (1Gn 4:3), tức những kẻ không tin rằng Chúa Kitô đến trong xác thể. Những Kitô hữu mang “tinh thần của Phản Kitô” này, có thể là những "Kitô giả" bằng đời sống của mình, cũng có thể là những "tiên tri giả" bằng những đường lối tuyên truyền của mình.

 

Dù là Kitô giả bằng đời sống của mình hay tiên tri giả bằng những đường lối tuyên truyền của mình đi nữa, tinh thần phản Kitô cũng làm cho cả hai thành phần này đều không tin Chúa Kitô đến trong xác thể, mà một dấu hiệu tỏ tường nhất tỏ ra họ không tin này là không tin vào quyền bính của Giáo Hội, Nhiệm Thể của Chúa Kitô nói chung và của Giáo Hoàng nói riêng, là quyền bính Thần Linh được Thiên Chúa trao cho loài người.

 

Biết đâu, chính trong thành phần Kitô giả này, qủi vương sẽ xuất hiện, khi đóng vai một vị giáo hoàng giả chẳng hạn. “Sự hoang tàn ghê tởm đóng trong nơi thánh” (Mt 24:15) là thế. Lúc ấy, nếu “đức tin không biết có còn trên thế gian” (Lc 18:8) nữa không, thì giáo thuyết của Giáo Hội, cơ sở của Giáo Hội cũng như nhân sự phục vụ trong Giáo Hội làm gì còn tồn tại một cách hữu hình hay sống động nữa.

 

Phải chăng, Giáo Hội cần trải qua một cuộc tử nạn vào thời tận thế, để, như Chúa Kitô sống lại nhờ quyền năng Thần Linh thế nào, Giáo Hội cũng nhờ quyền năng toàn thắng sự chết của Người sẽ muôn đời tồn tại như vậy. “Người (Chúa Kitô) sẽ xuất hiện lần thứ hai không phải để xóa tội lỗi nữa mà là để cứu vớt những kẻ trông đợi Người” (DT 9:28) là thế.

 

Chính “những kẻ trông đợi Người” này là những “trinh nữ khôn ngoan đã mang dầu (đức cậy) theo với đèn (đức tin)” (Mt 25:4). Họ chính là đạo quân của Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Trinh Nữ khôn ngoan nhất, Đấng đã đại diện nhân loại đón Chúa Kitô đến thế gian lần thứ nhất, và cũng sẽ là Đấng sửa soạn cho con cái mình đón Chúa Kitô đến lần thứ hai.

 

Đây là Thời Điểm Fatima, thời điểm Mẹ làm cho nước Nga trở lại để mọi người tin.

 

Đây là Thời Đại Maria, thời đại Chúa muốn Mẹ được nhận biết và yêu mến, thời đại Chúa muốn thiết lập trên thế giới lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ.

 

Vào thời tận thế này, thời mà “nếu không được rút ngắn lại thì không ai được cứu rỗi” (Mt 24:22), Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria đã xuất hiện, như tầu Noe cuối thời, để làm nơi nương náu duy nhất và an toàn cho những ai muốn được cứu rỗi, những người “có tên trong sổ hằng sống” (KH 20:15), những người “Thiên Chúa đã biết trước thì Ngài cũng tiền định”(Rm 8:29).

 

Đó là lý do vào thời điểm Fatima, vào giai đọan cuối thời này“Thiên Chúa muốn thiết lập trên thế giới việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ".

 

Trong thời điểm Fatima, trong giai đọan cuối thời này, Đức Giáo Hoàng chẳng những đóng vai tiền hô đi rao truyền tin mừng khắp thế gian (x.Mt 24:14), mà còn đóng vai chủ động đưa cả nhân loại nói chung và Giáo Hội nói riêng vào tầu Noe khi hiến dâng cả nhân loại cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria từ ngày 31/10/1942 và cuối cùng vào ngày 25/3/1984, để dọn đường cho Chúa Kitô tái giáng trong vinh quang.

 

Và, chính thành phần “được đóng ấn trên trán” (KH 7:3) này mới là đối tượng, là mục tiêu tấn công toàn lực của Satan cùng đồng bọn “Phản Kitô” của hắn. Lý do là vì hắn “săn đuổi (mà không làm gì được) Người Nữ sinh con trai” (KH 12:13), nên, “tức giận vì Người Nữ vượt thoát, con rồng đi giao chiến với con cái của Người Nữ” (KH 12:17). Ấn tín được đóng trên trán của thành phần “có tên trong sổ hằng sống” đây là gì, nhờ đó, Satan và đồng bọn của hắn có thể dễ dàng nhận diện đối phương không đội trời chung để mà tấn công và ăn tươi nuốt sống? Phải chăng ấn tín đó là Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. Không phải hay sao, các thánh đã không sợ sai lầm khi công khai xác tín rằng: “Hoàn toàn thành tâm tôn sùng Mẹ là dấu hiệu chắc chắn được cứu rỗi” (TDTM,40).

 

Nếu tầu Noe được hoàn thành trong vòng một trăm năm, từ khi Noe có 3 người con lúc ông được 500 tuổi (STK 5:32) cho đến khi đại hồng thủy xẩy ra vào năm ông được 600 tuổi (STK 7:6) thế nào, thì chiếc tầu Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ cũng cần được hoàn thành trong khoảng thời gian 100 năm. Thật thế, năm 1830, Mẹ đã hiện ra với chị Catarina Labuarê và bảo chị hãy làm một mẫu ảnh bằng kim loại hình trái xoan với viền chữ: “Ôi Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, cầu cho chúng con là kẻ chạy đến cùng Mẹ”. Năm 1929, tức 99 năm sau, Mẹ đã hiện ra với chị Lucia, một trong ba Thiếu Nhi Fatima còn sống sót, và nói với chị:

“Đã đến lúc Thiên Chúa muốn Đức Thánh Cha hiệp cùng với tất cả các giám mục trên thế giới để hiến dâng nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, Ngài hứa sẽ cứu nước Nga bằng phương tiện này. Có rất nhiều linh hồn bị luận phạt vì sự công chính của Thiên Chúa bởi những tội họ đã xúc phạm đến Mẹ, nên Mẹ đến để xin đền tạ: hãy hy sinh bản thân cho ý nguyện này và hãy cầu nguyện” (FILOW:200).

 

“Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Gn 4:8,16), là Chúa Bình An, Ngài không bao giờ lại có ý dựng nên tạo vật rồi gây chia rẽ và thù oán giữa những tạo vật với nhau, cho chúng đánh nhau chơi để có dịp thưởng thức.

 

Tuyên án rắn qủi trong vườn địa đàng sau khi hai nguyên tổ sa ngã: “Ta sẽ đặt mối thù giữa ngươi và người nữ, giữa giòng di ngươi và giòng di người nữ. Người sẽ đạp nát đầu ngươi trong khi ngươi rình cắn gót chân Người” (STK 3:15), Thiên Chúa chỉ có ý hạ bệ Satan kiêu căng ngang tàng muốn chống đối Ngài xuống, bằng cách nâng một Người Nữ là tạo vật hèn kém hơn hắn lên làm Mẹ Thiên Chúa, làm cho hắn phải hổ ngươi bẽ mặt, do đó, cũng làm cho hắn tức giận và thù ghét. Ý nghĩa của việc Thiên Chúa “đặt mối thù” giữa tạo vật của Ngài là như thế. Chính Mẹ Maria đã nhận biết và chúc tụng Đấng “đã thương đến phận thấp hèn tôi tá Ngài” (Lc 1:48) là Mẹ như sau: “Chúa đã ra tay uy quyền, đánh tan kẻ kiêu ngạo với những ý nghĩ kiêu căng của hắn” (Lc 1:51).

 

Thiên Chúa chẳng những là Đấng đã “đặt mối thù” giữa Satan và Mẹ Maria, giữa giòng di “Phản Kitô” của hắn và Đạo Binh của Mẹ, Ngài còn là Đấng làm cho hắn bị chính tạo vật hèn mọn nhất của Ngài là Tỳ Nữ Xin Vâng (xem Lk 1:38) Maria đạp cho tan nát cái đầu kiêu căng tự cao bất phục tùng của hắn nữa, khi hắn rình cắn gót chân của Người là những người con bé mọn thấp hèn chỉ biết chạy đến nương nhờ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Chính những người con biết mình bé mọn và thấp hèn như Mẹ đã gắn liền với Mẹ như gót chân của Mẹ này sẽ là thành phần trực tiếp chạm đến chiếc đầu ngang tàng kiêu ngạo của Satan và sẽ nhờ quyền năng vô địch của Mẹ trong việc đạp nát chiếc đầu này cho vĩnh viễn tan tành nó ra, làm cho Satan càng nhục nhã và vô cùng thảm bại hơn nữa. Vì, trong khi hắn tinh khôn hơn đám con cái sự sáng của Mẹ, lại được phép tung hoành trên thế gian, với quân quốc hết sức hùng hậu cả từ hỏa ngục lên là bọn ngụy thần của hắn, lẫn đám Phản Kitô sẵn có trên thế gian hết lòng cộng tác, thế mà vẫn không thể nào đạt được ý định trả thù cho đã lòng ghen tức của hắn, bằng cách tiêu diệt cho bằng được mục tiêu mà hắn muốn nhắm đến và triệt hạ. Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ toàn thắng là ở chỗ đó, ở chỗ đã lấy tình thương và phúc đức của mình để bảo toàn cho con cái khỏi bị Satan tiêu diệt. Mẹ Maria đã chúc tụng Thiên Chúa là Đấng “làm cho (Mẹ) những điều trọng đại” (Luca 1:49) như sau: “Chúa đã hạ kẻ quyền hành xuống khỏi bệ cao và đã nâng người hèn mọn lên” (Lc 1:52).

 

 

Phần hai : Trái Tim Maria

 

Chương 11 - Trái Tim Mẹ - Thiên Chúa Muốn Thiết Lập

Tại sao Đức Mẹ cần phải được nhận biết và yêu mến kể từ đầu thế kỷ 20 này, hay, nói cách khác, tại sao cho đến thế kỷ 20 này, Trái Tim Mẹ mới cần phải được thiết lập trên thế giới?

Phải chăng, đây là Thời Tận Thế? Cũng có thể nói như thế. Tuy nhiên, Thời Tận Thế chỉ là trường hợp, là hoàn cảnh thuận lợi để Thiên Chúa thiết lập việc tôn sùng Trái Tim Mẹ thôi. Để trả lời cho vấn nạn này, thiết tưởng cần phải phân tách kỹ lưỡng những gì Đức Mẹ đã nói với 3 Thiếu Nhi Fatima năm 1917.

Thật ra, nếu biết được chủ đề chính yếu ở Fatima là gì, chúng ta có thể biết được tất cả nội dung của nó.

Chủ đề chính yếu ở Fatima đây là gì? Nghĩa là, tại sao Đức Mẹ đã hiện ra ở Fatima và Đức Mẹ đã hiện ra ở Fatima để làm gì?

Đức Mẹ đã nói với 3 Thiếu Nhi Fatima ngay lần hiện ra đầu tiên, ngày 13/5/1917, là “Ta từ trời xuống... Ta đến để xin các con đến đây sáu tháng liền, cũng vào ngày 13, cùng một giờ như thế này. Rồi Ta sẽ cho các con biết Ta là ai và Ta muốn gì.” (FILOW:158).

Vào lần hiện ra thứ hai, ngày 13/6/1917, Đức Mẹ lập lại: “Ta muốn các con đến đây vào ngày 13 tháng tới, muốn các con cầu kinh Mân Côi hằng ngày và học viết chữ. Sau này Ta sẽ cho các con biết Ta muốn gì.” (FILOW:160).

Vào lần hiện ra thứ ba, ngày 13/7/1917, Đức Mẹ xác định rõ hơn: “Hãy đến đây mỗi tháng. Vào tháng 10, Ta sẽ nói Ta là ai và Ta muốn gì, rồi Ta sẽ làm một phép lạ để mọi người thấy mà tin”(FILOW:161).

Và, đúng như lời hứa, vào lần hiện ra cuối cùng, ngày 13/10/1917, Đức Mẹ đã tỏ ra Mẹ là ai và Mẹ muốn gì, khi nói:

“Ta muốn một nhà thờ xây lên ở đây để tôn kính Ta. Ta là Đức Mẹ Mân Côi” (FILOW:168).

Phải chăng mục đích của Đức Mẹ hiện ra ở Fatima là chỉ để xin xây cho Mẹ một nhà thờ ở đó để tôn kính Mẹ, hay Mẹ còn một ý sâu xa nào khác? 

Thật ra, một nhà thờ cần phải xây lên ở Fatima để tôn kính Mẹ đúng là ý Mẹ muốn ở Fatima, cũng như ở các nơi khác, như ở Lộ Đức nước Pháp hay ở Guađalúp nước Mễ Tây Cơ. Hình như, mỗi lần hiện ra, Đức Mẹđều tỏ ý muốn xin con cái của Mẹ làm một điều gì đó bề ngoài để tỏ ra bề trong họ tin vào Mẹ, nhờ đó,

nhờ lòng tin của họ và qua phương tiện Mẹ muốn, Mẹ có thể ban ơn cho họ. Chúa Giêsu cũng thê, trong thời

gian tỏ mình ra cho dân Do Thái, có một số trường hợp, đã bảo các kẻ muốn được Ngài ban ơn cho trước

hết phải làm những việc bề ngoài tỏ ra lòng họ tin vào Ngài đã, như bảo 10 người cùi đi trình diện với các vị tư tế (x Lc 17: 14), hay bảo người mù từ lúc mới sinh đã được Ngài chét bùn lên mắt đi rửa mắt ở hồ Siloam (x Gn 9:7).

Tuy Đức Mẹ muốn xây cho Mẹ một nhà thờ ở Fatima để tôn kính Mẹ. Đó chỉ là một việc bề ngoài Mẹ xin thôi. Theo tôi, ý muốn sâu xa và tha thiết đã thúc đẩy Đức Mẹ phải hiện ra ở Fatima tiềm ẩn trong chính câu nói kết thúc 6 lần Mẹ hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima:

“Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi” (FILOW:168).

Vâng, chính câu nói thảm thiết và khẩn khoản cuối cùng này của Mẹ đã nói lên cả lý do lẫn mục đích của việc Mẹ Maria hiện ở Fatima năm 1917.

Lý do Mẹ hiện ra ở Fatima, qua câu nói này, là vì Mẹ kính mến "Chúa của chúng ta" (mà Mẹ cũng là một phần tử), Đấng “đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi”. 

Mục đích Mẹ hiện ra ở Fatima, cũng qua câu nói đầy yêu thương từ mẫu này, là để xin loài người “đừng phạm tội nữa”, tức Mẹ xin loài người “hãy ăn năn hối cải”.

Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, trong bài giảng tại Fatima ngày 13/5/1982, cũng đã minh nhiên xác nhận rằng: “Sứ điệp Fatima, trọng tâm của nó, là một lời kêu gọi cải thiện và thống hối, như trong Phúc Âm” (FAOS:78)

“Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi”.

Phải, chính tội lỗi của loài người đã xúc phạm đến Thiên Chúa. Do đó, cần phải hy sinh để đền tạ.

Thiên Thần đã hiện ra ba lần với 3 Thiếu Nhi Fatima năm 1916, lần thứ hai Thiên Thần đã giục các em: “Hãy tìm dịp hy sinh trong mọi sự các em có thể để dâng lên Thiên Chúa như một tác động đền tạ các tội lỗi mà Ngài đã bị xúc phạm và để nguyện cầu cho tội nhân ăn năn trở lại” (FILOW:152). Lần hiện ra thứ ba, các em thấy một Bánh Thánh lơ lửng và nhỏ Máu xuống Chén Thánh đang ở trong tay của Thiên Thần.

Vào lần hiện ra đầu tiên, chính Đức Mẹ đã hỏi các em: “Các con có muốn dâng mình cho Thiên Chúa để lãnh nhận tất cả những đau khổ Ngài muốn gửi cho các con như một tác động đền tạ tội lỗi mà Ngài bị xúc phạm cũng như để cầu cho tội nhân ăn năn trở lại không?” (FILOW:158).

“Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi”.

Phải, chính tội lỗi đã làm cho các linh hồn phải hư đi. Do đó, cần phải hy sinh để cứu rỗi họ.

Đức Mẹ đã dạy cho 3 Thiếu Nhi Fatima ngày 13/8/1917: “Hãy cầu nguyện, cầu nguyện thật nhiều, và hãy thực hiện những hy sinh cho các tội nhân, vì nhiều linh hồn sa hỏa ngục bởi không có ai chịu hy sinh cho họ và cầu nguyện cho họ” (FILOW:167).

“Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi”.

Phải, chính tội lỗi cũng làm cho thế giới phải chịu đau khổ vì chiến tranh. Do đó, cần phải cầu kinh Mân Côi để thế giới được hòa bình.

Không lần nào hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima, Đức Mẹ không lập lại, theo đại ý, cùng một lời kêu gọi: “Hãy cầu kinh Mân Côi mỗi ngày để xin cho thế giới được hòa bình và cho chiến tranh chấm dứt”  (FILOW:160,161,166,168).

“Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi”.

Phải, chiến tranh xẩy ra, theo Đức Mẹ cho các em biết vào ngày 13/7/1917, là vì: “Nước Nga sẽ gieo rắc lầm lạc khắp thế giới, gây chiến tranh và bắt bớ Giáo Hội” (FILOW:162). Do đó, cần phải, “hiến dâng nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ” (FILOW:162).

Như thế, tất cả những gì Mẹ nói hay dạy ở Fatima đều phát xuất và qui hướng về chủ điểm “Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi”.

Mẹ đã nói về những hiện trạng đáng thương nếu loài người cứ tiếp tục xúc phạm đến Thiên Chúa, như Thiên Chúa bị xúc phạm, tội nhân bị hư đi, thế giới bị chiến tranh, nước Nga là thảm họa. Tuy nhiên, để cứu vãn tình thế thảm hại không thể nào tránh được đó, Mẹ cũng đã dạy chúng ta, qua 3 Thiếu Nhi Fatima, những phương thế và những điều kiện hữu hiệu nhất, hợp với từng thảm trạng, như việc đền tạ đối với Thiên Chúa bị xúc phạm, như việc hy sinh cho tội nhân ăn năn trở lại, như việc cầu kinh Mân Côi cho hòa bình thế giới, như việc hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ cho nước Nga trở lại.

Tóm lại, từ câu nói then chốt cuối cùng của Đức Mẹ ở Fatima: “Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi”, và qua những lời Mẹ nói cũng như dạy ở Fatima liên hệ mật thiết với câu nói đó, như vừa trình bày, rõ ràng là Đức Mẹ, theo Thánh Ý và thời điểm ấn định của Thiên Chúa, đã hiện ra ở Fatima để tỏ cho nhân loại nói chung và cho con cái Mẹ nói riêng Trái Tim của Mẹ:

Một Trái Tim biểu hiệu sự Thánh Thiện và Tình Yêu đối với Thiên Chúa cũng như đối với nhân loại, qua lời Mẹ thiết tha van nài: “Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi” (FILOW:168).

- Một Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội, như 3 Thiếu Nhi Fatima, ngày 13/6/1917, khi được chìm ngập trong Thiên Chúa bởi ánh sáng tỏa ra từ hai bàn tay xòe ra của Đức Mẹ, đã thị kiến ở trong lòng bàn tay phải của Người một Trái Tim bị đâm bởi vòng gai mà các em hiểu đó là Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ (FILOW:161)

- Một Trái Tim phải được tôn sùng, như Mẹ đã nói với Lucia ngày 13/6/1917: “Ngài (Chúa Giêsu) muốn thiết lập trên thế giới việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ” (FILOW:161).

- Một Trái Tim Đau Thương, như Chúa Giêsu Hài Đồng đã nói với chị Lucia ngày 10/12/1925: “Hãy thương

đến Trái Tim Mẹ rất thánh của con bị gai nhọn quấn chung quanh bởi những kẻ vong ân tệ bạc đâm vào từng

giây từng phút mà chẳng có ai làm việc đền tạ để lấy những gai nhọn ấy đi” (FILOW:195).

- Một Trái Tim phải được đền tạ, như Mẹ Maria cũng đã xin với chị Lucia ngày 10/12/1925: “Hỡi con gái

của Mẹ, hãy nhìn vào Trái Tim của Mẹ đây, bị gai nhọn quấn chung quanh do những kẻ vong ân bất nghĩa đâm vào hằng giây hằng phút bằng các tội lộng ngôn và bội bạc của họ. Ít là con hãy an ủi Mẹ” (FILOW:195)

Vào lần hiện ra thứ 3, 13/7/1917, Mẹ đã dạy 3 Thiếu Nhi Fatima mỗi khi hy sinh thì thầm nguyện: “Ôi Chúa Giêsu, (con xin dâng hy sinh này) vì yêu Chúa, cho tội nhân ăn năn trở lại và để đền tạ các tội lỗi đã xúc phạm đến Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ” (FILOW:162).

- Một Trái Tim cứu rỗi, như Mẹ Maria nói với chị Lucia ngày 13/6/1917: “Ngài (Chúa Giêsu) muốn thiết lập trên thế giới việc tôn sùng Trái Tim VôNhiễm  Nguyên Tội Mẹ. Mẹ hứa ban phần rỗi cho những ai tha thiết với việc tôn sùng này” (FILOW:195). Ngày 13/7/1917, Đức Mẹ còn nói với cả 3 Thiếu Nhi Fatima: “Các con vừa nhìn thấy hỏa ngục, nơi các linh hồn tội nhân khốn nạn rơi xuống đó. Để cứu họ, Thiên Chúa muốn thiết lập trên thế giới việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ” (FILOW:162).

- Một Trái Tim đáng tin cậy và nương nhờ, như Mẹ đã nói với Lucia ngày 13/6/1917 khi Lucia lo buồn về số phận của mình phải ở lại thế gian lâu hơn Giaxinta và Phanxicô: “Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi con nương náu và là đường đưa con đến với Chúa” (FILOW:161).

- Một Trái Tim toàn thắng: “Cuối cùng, Trái Tim Mẹ sẽ thắng (FILOW:162).

Chương 12 - Biểu Hiệu Trái Tim Mẹ

Theo sự tích Đức Mẹ hiện ra ở những nơi danh tiếng được Giáo Hội chính thức công nhận, như ở Guadalupe năm 1531, ở Paris năm 1830, ở La Salette năm 1846, ở Lộ Đức năm 1858 v.v., chỉ có ở Fatima năm 1917, Đức Mẹ mới rõ ràng mạc khải Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ ra cho loài người một cách hết sức từ ái và đau thương.

Ngày 13/6/1917, với Lucia, một trong ba Thiếu Nhi Fatima được “Chúa Giêsu dùng để làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến”, Đức Mẹ đã hứa: “Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi con nương náu và là đường đưa con đến với Chúa” (FILOW:161,195). Thế rồi, trước khi biến đi, Đức Mẹ đã xòe hai bàn tay của Người ra, làm cho 3 Thiếu Nhi chìm ngập trong Thiên Chúa và thấy, trong lòng bàn tay phải xoè ra của Mẹ, có một Trái Tim bị gai nhọn từ chung quanh đâm vào.

Sau khi đã trưởng thành để có thể bắt đầu công khai làm Tông Đồ Fatima cho Mẹ, chị Lucia còn thấy Đức Mẹ với Trái Tim bị gai nhọn quấn chung quanh hai lần nữa. Lần thứ nhất, khi Đức Mẹ bế Chúa Hài Nhi hiện ra với chị vào ngày 10/12/1925. Lần thứ hai, vào ngày 13/6/1929, khi hiện ra với chị, Đức Mẹ cầm trong tay Trái Tim có lửa và vòng gai đứng dưới chân thập giá, (thập giá bằng ánh sáng xuất hiện lơ lửng trên trần nhà nguyện, trên thập giá có Chúa Kitô tử nạn và bên dưới cạnh sườn của Chúa có cả chén thánh cùng với bánh thánh đang hứng máu nhỏ xuống từ thánh nhan Ngài).

Qua sắc lệnh Acta Apostolicae Sedis của Thánh Bộ Lễ Nghi ngày 4/5/1944 về việc lập Lễ Trái Tim Mẹ, thì Trái Tim Mẹ biểu hiệu cho hai điều:

 “Sự Thánh Thiện tuyệt vời và độc đáo của linh hồn Mẹ Thiên Chúa, đặc biệt là Tình Yêu tha thiết nhất của Mẹ đối với Chúa Giêsu Kitô, Đấng vừa là Chúa vừa là Con của Mẹ, cũng như sự dịu dàng từ mẫu của Mẹ đối với con người được Máu Thần Linh của Chúa Giêsu cứu chuộc” (TWTAF3:82).

Trái Tim Mẹ là biểu hiệu cho “sự thánh thiện tuyệt vời và độc đáo của linh hồn Mẹ Thiên Chúa”.

Thật vậy, “được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa” (STK 9:6; Gia 3:9) con người nên thánh là con người nên giống Thiên Chúa. Càng nên giống Thiên Chúa, con người càng nên thánh; hay, nói ngược lại, càng

nên thánh là càng nên giống Thiên Chúa. “Là nguyên ủy và là cùng Đích” (KH 21:6), Thiên Chúa chính là lý tưởng tối cao cho loài người và là mô phạm tuyệt đối của loài người. Chúa Kitô đã chẳng dạy con người “hãy nên trọn lành như Cha của các con trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5:48) hay sao?

Thế nhưng, con người làm sao biết được Thiên Chúa như thế nào để mà nên giống Ngài, nhờ đó, có thể nên trọn lành và thánh thiện như Ngài?

Theo lịch sử cứu độ được Thiên Chúa thực hiện nơi Dân Do Thái, “là Thần Linh” (Gn 4:24), Thiên Chúa chỉ tỏ mình ra cho con người qua trung gian Ngài tuyển chọn và sai đến, chẳng hạn qua Moisen hay các vị tiên tri,

và nơi những gì Ngài muốn, chẳng hạn nơi lề luật hay các lời tiên tri. Con người chỉ cần nhận biết Thiên Chúa qua các sứ giả của Ngài bằng cách giữ lề luật hay lời của Ngài do sứ giả Ngài nhân danh Ngài truyền cho là con người đáp ứng đúng với ý muốn của Ngài:

“Vậy, các ngươi hãy thánh hoá mình và hãy nên thánh, vì Ta, Thiên Chúa, Chúa các ngươi là Thánh. Bởi đó, hãy cẩn thận giữ những gì mà Ta là Chúa, Đấng thánh hóa các ngươi, đã ban truyền” (Lv 20:7-8).

Trong Phúc Âm thánh Luca, chúng ta thấy sự Thánh Thiện của Mẹ Maria cũng được tỏ ra khi Mẹ nhận biết Thiên Chúa qua sứ giả của Ngài là tổng thần Gabriel được Ngài sai đến truyền tin Ngôi Lời nhập thể cho Mẹ và khi Mẹ hoàn toàn tuân phục Thánh Ý của Thiên Chúa. Mẹ đã chứng tỏ là Mẹ “nhận biết" và “tuân phục” Thiên Chúa qua câu nói bất hủ của Mẹ: “Này tôi là tôi tớ Thiên Chúa, tôi Xin Vâng như lời sứ thần truyền” (Lc 1:38).

Xin lưu ý, ở đây, Đức Mẹ không thưa, “Xin Vâng như ý Thiên Chúa muốn”, mà là ”Xin Vâng như lời sứ thần truyền”. Tức là, Đức Mẹ đã “tuân phục”Thiên Chúa bằng Đức Tin, qua việc “nhận biết” sứ giả của Ngài.

Để rồi, nhờ hiệp nhất với Thánh Ý Thiên Chúa toàn chân, toàn thiện và toàn ái bằng đức tin như thế, Mẹ Maria thực sự đã nên giống Thiên Chúa, đến nỗi, có thể nói, nếu Chúa Kitô “là hiện thân đích thực của hữu thể Cha” (DT 1:3) thì Mẹ Maria là phản ảnh của vinh quang Thiên Chúa, đúng như Mẹ đã được thần hứng xướng lên: “Thiên Chúa toàn năng đã làm nơi tôi những sự trọng đại, danh Ngài là thánh” (Lc 1:49).  Nhờ

tác động “nhận biết” qua việc tuyệt đối “tuân phục” này của Mẹ mà, trên thực tế, cả thân xác của Mẹ cũng đã được kết hiệp với Thần Tính vô cùng thiện hảo của Thiên Chúa khi “Ngôi Lời hóa thành nhục thể” (Gn 1:14)trong lòng của Mẹ.

Như thế, với lời"Xin Vâng” bất hủ, tỏ ra Đức Tin “nhận biết” Thiên Chúa của Mẹ và Đức Mến “tuân phục” Ý Muốn của Ngài, Trái Tim Mẹ quả thực sự là biểu hiệu cho “sự thánh thiện tuyệt vời và độc đáo của linh hồn Mẹ Thiên Chúa” vậy.

Trái Tim Mẹ là biểu hiệu cho “tình yêu tha thiết nhất của Mẹ đối với Chúa Giêsu, Đấng vừa là Chúa vừa là Con của Mẹ”.

Khi Mẹ Maria chấp nhận Thiên Chúa, qua việc “nhận biết” và “tuân phục” Ngài, là Mẹ chấp nhận Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, Đấng Thiên Sai cũng là Chúa Cứu Thế. Mở đầu ca vịnh Ngợi Khen, được thần hứng, Mẹ đã tuyên xưng điều này: “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa, và lòng tôi hoan hỉ mừng vui trong Thiên Chúa, Cứu Chúa của tôi” (Lc 1:46-47).

Phải, Thiên Chúa của Mẹ cũng chính là Cứu Chúa của Mẹ, Đấng mà Mẹ đã được “diễm phúc hơn mọi người nữ” (Lc 1:28,42) thụ thai “bởi Thánh Linh” (Mt 1:20).

Thế nhưng, để có thể chấp nhận Thiên Chúa, có thể thụ thai Ngôi Lời Nhập Thể, qua việc “nhận biết” và “tuân phục” Ngài một cách hoàn toàn tuyệt đối và trọn hảo như Mẹ, con người cần phải có một Tình Yêu Thiên Chúa tha thiết đến mức nào, bằng không, họ sẽ không thể nào thực hiện được điều này như Mẹ.

Thật thế, để có thể “Xin Vâng” Ý Muốn của Thiên Chúa, Mẹ Maria đã phải hoàn toàn “bỏ sự sống của mình đi” (Mt 16:25), mặc dù nơi Mẹ không có gì là tì vết của nguyên tội xấu xa đáng phải bỏ đi như nơi chúng ta là những người bị nhiễm mắc nguyên tội.

Abraham đem đứa con của lời hứa duy nhất dấu yêu trên hết mọi sự của mình đi giết để tế lễ Chúa, Đấng ban người con đó cho ông để làm cho ông, lúc ông không còn khả năng sinh sản theo tự nhiên, trở nên tổ phụ của một dân tộc hằng hà vô số như sao trời, như cát biển, (x.STK 15:5;18:11-12;21:1;22:2,17-18) theo như

ý Chúa muốn thế nào, Mẹ Maria cũng đã hy hiến cho Thiên Chúa ý muốn rất trọn lành và tha thiết nhất trên

đời của Mẹ là trọn đời giữ mình đồng trinh hiến thân cho một mình Thiên Chúa vô cùng chí tôn, chí ái, như vậy.

Qua lời Mẹ Maria thưa với sứ thần của Thiên Chúa: “Việc ấy xẩy ra thế nào được, vì tôi không hề biết đến nam nhân” (Lc 1:34), đã đủ nói lên lòng Mẹ kính mến Chúa trên hết mọi sự là dường nào. Bởi vì, trong Trái

Tim của Mẹ, không hề có một hình bóng của bất cứ tạo vật nào, mà “nam nhân” là hiện thân. Mẹ Maria không thưa với sứ thần: “...vì tôi giữ mình đồng trinh”, một câu phát biểu chỉ diễn tả cuộc sống đồng trinh bề ngoài mà thôi, song chưa chắc bề trong đã hoàn toàn trinh khiết, bởi những vương vấn, những xao xuyến hoặc những khát khao thầm kín đôi khi không làm được, như trường hợp bất lực về thể lý, “hoạn nhân do người ta làm ra” (Mt 19:12), hoặc nhiều khi không được làm, như trường hợp phải giữ luân lý hay đạo lý kẻo bị lương tâm cắn rứt hay người đới cười chê v.v.

Nếu không một ai trên đời này có thể hiểu biết Thiên Chúa vô cùng chí tôn, chí ái hơn Mẹ Maria hay như Mẹ Maria, thì cũng không một ai có thể kính mến Ngài như Mẹ và hơn Mẹ được.

Được đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội ngay từ khi đầu thai trong lòng mẹ của mình, trí khôn của Mẹ không hề

bị bóng tối sự chết và tội lỗi làm cho mù quáng và trở nên vô tri như nơi chúng ta, trái lại, linh hồn của Mẹ đã được “đầy ơn phúc” (Lc 1:28), được “Thiên Chúa là Ánh Sáng” (1Gn 1:5) ở cùng ngay từ đầu, do đó, trí khôn Mẹ đã được “ánh sáng ban sự sống” (Gn 8:12) làm chủ và soi dẫn.

Với ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Linh, “Đấng dò thấu mọi sự sâu nhiệm nơi Thiên Chúa” (1Cor 2:10), Mẹ

đã nhận biết Thiên Chúa như Thiên Chúa biết Mình Ngài. Dĩ nhiên, vì không phải là chính Thiên Chúa, Mẹ Maria không thể nào biết Thiên Chúa “như” Ngài biết Mình Ngài. Bởi thế, ý nghĩa của chữ “như” ở đây phải hiểu theo nghĩa “hãy nên trọn lành 'như'’ Cha các con trên trời”, tức Mẹ Maria đã biết Thiên Chúa hết khả năng mà loài người có thể được Thiên Chúa ban cho để biết Ngài. Và, vì được biết Thiên Chúa “như” Ngài biết Mình Ngài như thế, Mẹ Maria cũng đã không thể nào không yêu Ngài “như” Ngài yêu chính Mình Ngài.

Tuy nhiên, nếu Mẹ Maria chỉ nhất quyết giữ ý muốn tốt lành của Mẹ trong việc giữ mình đồng trinh vì yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, mà không sẵn sàng thưa “Xin Vâng”ý của Thiên Chúa muốn Mẹ làm Mẹ Ngôi Lời nhập thể, một thiên chức hoàn toàn trái nghịch lại với bản chất và khả năng “không hề biết đến nam nhân” của Mẹ, thì Mẹ đã không yêu Thiên Chúa “như” Ngài yêu chính Mình Ngài. 

Thực tế đã xẩy ra khác hẳn, Mẹ Maria thực sự đã yêu Thiên Chúa “như” Ngài yêu chính Mình Ngài khi Mẹ thưa “Xin Vâng”, để chấp nhận Ngôi Lời nhập thể là “hiện thân đích thực của bản thể Cha” (DT 1: 3) được ban trực tiếp cho Mẹ trước rồi nhờ Mẹ và qua Mẹ cho loài người sau. “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Mình” (Gn 3:16) thế nào, thì Mẹ Maria cũng yêu Thiên Chúa là Cứu Chúa của Mẹ nơi Chúa Giêsu Kitô, Con Mẹ, như vậy, khi “Xin Vâng” cộng tác với Ngài trong việc ban Ngài cho thế gian.

Thế nhưng, Mẹ Maria vẫn chưa yêu Thiên Chúa “như” Ngài yêu chính Mình Ngài, nếu, sau khi chấp nhận Thiên Chúa nhập thể trong lòng trinh nguyên của mình, Mẹ lại giữ Ngài cho một mình Mẹ thôi, không chịu hay không hợp tác với Ngài trong việc cứu chuộc thế gian, đúng như chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Thánh Phêrô đã chẳng muốn giữ Thày của mình cho riêng ngài cũng như cho chung nhóm tông đồ của ngài hay sao, khi ngài thành thực can ngăn Thày trong việc Thày phải chịu số phận tử giá mà Thiên Chúa đã định cho Thày (x.Mt 16:21-23). Kết quả là ngài đã bị Thày trách mắng hết sức thậm tệ.

Trái lại, bởi biết Thiên Chúa “như” Ngài biết Mình Ngài, Mẹ Maria đã “phán đoán đúng như Thiên Chúa” (Mt 16:23) khi “Xin Vâng” hiến dâng chính Con Duy Nhất dấu yêu hơn sự sống của Mẹ mà Thiên Chúa đã

ban cho Mẹ để Mẹ dâng lại cho Chúa vì phần rỗi nhân loại, khi “đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu” (Gn 19:25). Chính tác động hy hiến Con cho Thiên Chúa này đã chứng tỏ Mẹ yêu Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Cứu Chúa của Mẹ như thế nào.

Như thế, Khi “không hề biết đến nam nhân”, Mẹ đã yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự. Khi bỏ ý muốn giữ mình đồng trinh của mình để “Xin Vâng” làm Mẹ Ngôi Lời nhập thể, Mẹ đã yêu Thiên Chúa hơn chính mình Mẹ. Khi “đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu” để hiến dâng Ngài là Người-Con-Thiên-Chúa của Mẹ cho Thiên Chúa, Mẹ đã yêu Thiên Chúa “như” Ngài yêu chính Mình Ngài.

Quả thực Trái Tim Mẹ là biểu hiệu cho “Tình Yêu tha thiết nhất của Mẹ đối với Chúa Giêsu, Đấng vừa là Chúa vừa là Con của Mẹ”.

Trái Tim Mẹ là biểu hiệu cho “sự dịu dàng từ mẫu của Mẹ đối với con người được Máu Thần Linh của Chúa Giêsu cứu chuộc”.

Về ý nghĩa và biểu hiệu sau cùng này của Trái Tim Mẹ, trong bài giảng tại Fatima ngày 13/5/1982, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã diễn tả một cách hết sức sâu sắc và đầy đủ như sau:

“Khi tử nạn trên thập giá, Chúa Giêsu đã nói với thánh Gioan: 'Này là Mẹ con' (Gn 19:26), và khi 'môn đệ đem Người về nhà mình', mầu nhiệm làm mẹ thiêng liêng của Mẹ Maria được hiện thực hoá cách vô hạn trong lịch sử nhân loại. Làm mẹ tức là săn sóc đến đời sống của con cái. Vì Mẹ Maria là Mẹ của tất cả chúng ta, việc chăm sóc của Mẹ đối với đời sống con người có tính cách đại đồng. Sự chăm sóc của mẹ ôm ấp toàn thể đứa con của mình. Việc làm mẹ của Mẹ Maria bắt nguồn từ sự chăm sóc của Mẹ đối với Chúa

Giêsu. Trong Chúa Giêsu, dưới chân thập giá, Mẹ đã chấp nhận thánh Gioan, và nơi thánh Gioan, Người đã

chấp nhận tất cả chúng ta một cách trọn vẹn. Mẹ Maria đặc biệt quan tâm ấp ủ tất cả chúng ta trong Chúa Thánh Linh...

“Khi ở trên thập giá, Chúa Giêsu nói: 'Thưa Bà, này là con Bà' (Gn 19:26), là Ngài, bằng một kiểu cách mới, đã mở Trái Tim của Mẹ Ngài ra, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội, và tỏ cho Trái Tim Mẹ những kích thước và chiều hướng mới của tình yêu mà, bởi quyền năng của hy sinh thập tự, Mẹ đã được kêu gọi trong Thánh Linh. Chúng ta dường như thấy được chiều kích của tình mẫu tử này nơi sứ điệp Fatima, một tình mẫu tử mà giới hạn của nó đã bao trọn con đường của nhân loại tiến đến với Thiên Chúa, con đường dẫn vượt qua thế giới này và vượt cả ra ngoài thế giới này, xuyên luyện ngục. Sự quan tâm của Mẹ Chúa Cứu Thế là sự quan tâm cho công cuộc cứu rỗi, công cuộc của Con Mẹ. Đó là một quan tâm đối với sự cứu độ, sự cứu độ đời

đời, của tất cả mọi người. Đến nay đã 65 năm trôi qua từ ngày 13 tháng 5 năm 1917, nhưng vẫn khó lòng mà bất khả ngộ trước giới hạn tình yêu cứu độ của Mẹ hằng ôm ấp thế kỷ của chúng ta một cách  chuyên biệt là dường nào. Trong ánh sáng của tình mẫu tử này, chúng ta hiểu được trọn vẹn sứ điệp của Mẹ Fatima... Có thể nào Mẹ là Đấng, với tất cả quyền năng của tình yêu được nung nấu trong Thánh Linh, hằng muốn ơn cứu rỗi cho mọi người lại có thể khoanh tay ngồi nhìn ơn cứu độ của họ đang bị mai một từ căn bản? Không, Mẹ làm sao để xẩy ra như vậy được.

“Bởi thế, sứ điệp của Mẹ Fatima trong khi là một sứ điệp từ mẫu, nó còn có tính cách mạnh mẽ và quyết liệt nữa. Nó có vẻ khẩn trương. Nó có vẻ giống như của thánh Gioan Tẩy Giả trên bờ sông Gióc-Đan. Nó kêu gọi hối cải. Nó báo trước cho biết. Nó kêu gọi cầu nguyện. Nó đề cập đến kinh Mân Côi. Sứ điệp được gửi đến mọi người. Tình yêu của Mẹ Chúa Cứu Thế lan đến mọi nơi có sự tác động của ơn cứu độ.  Sự chăm

sóc của Mẹ vươn đến từng cá nhân ở thời đại của chúng ta, cũng như cho tất cả mọi xã hội, mọi quốc gia, mọi dân tộc.

“Trên thập giá, Chúa Kitô nói: ‘Thưa bà, này là con Bà!’. Bằng những lời này, Ngài đã mở Trái Tim Mẹ của Ngài ra theo một đường lối mới. Sau đó chút xíu, lưỡi đòng của người lính Rôma đã đâm vào cạnh sườn của Đấng bị đóng đanh. Trái Tim bị đâm thâu đó đã trở nên biểu chứng của ơn cứu độ đạt được nhờ cuộc tử nạn của Con Chiên Thiên Chúa. Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, được mở ra với những lời 'Thưa Bà, này là con Bà', đã được hiệp nhất, một cách linh thiêng, với Trái Tim Con của Người, Trái Tim được mở ra bởi lưỡi đòng của một người lính. Trái Tim của Mẹ Maria được mở ra bởi cùng một tình yêu mà Chúa Kitô đã yêu con người và thế giới, khi Ngài hiến mình trên thập giá vì họ, cho đến khi lưỡi đòng của người lính đâm vào làm cho tuôn trào ra” (FAOS:77,79-80).

Chương 13 - Trái Tim Mẹ - Vô Nhiễm Nguyên Tội

Để thấu triệt chủ đề “Trái Tim Mẹ: Vô Nhiễm Nguyên Tội”, Mầu Nhiệm Maria cần phải được sáng tỏ trước đã. Mầu Nhiệm Maria bao gồm 5 chân lý sau đây:

1- Thiên Chúa dựng nên Mẹ cho một Mình Ngài.

2- Thiên Chúa yêu Mẹ trên hết mọi sự.

3- Thiên Chúa ban chính Mình Ngài cho Mẹ.

4- Thiên Chúa làm những sự trọng đại nơi Mẹ.

5- Thiên Chúa làm mọi sự vì Mẹ và cho Mẹ.

CHÂN LÝ 1: 

Thiên Chúa Dựng Nên Mẹ Cho Một Mình Ngài.

Thiên Chúa, như Ngài đã mạc khải cho Moisen từ trong bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi, là chính “Sự

Có” (XAC 3:14). Thiên Chúa là chính “Sự Có” đây là gì, nếu không phải, như Ngài đã minh định với thánh Gioan tông đồ, người được thị kiến và đã viết cuốn Kinh Thánh cuối cùng là sách Khải Huyền, “Ta là Alpha và Omega, Đấng đang có, đã có và sẽ đến, Đấng toàn năng” (KH 1:8), hay, “Ta là Alpha và Omega, là Nguyên Ủy và là Cùng Đích” (KH 21:6).

Bởi Thiên Chúa là chính “Sự Có” mà Ngài Tự Có và Hằng Có, vô biên, bất tận. Ngôn ngữ thần học quan niệm Ngài là Hiện Thể Thuần Túy. Đã là chính “Sự Có”, Thiên Chúa phải là Đấng vô cùng toàn hảo và viên mãn, không thiếu thốn hay cần gì, trái lại, từ bản tính toàn hảo và sự sống vô cùng viên mãn bên trong của Mình, Ngài còn muốn thông Mình ra bên ngoài nữa. Do đó, “mọi sự” đã “có” bởi “ý muốn” của “Đấng Có” là Thiên Chúa.

“Sự có” nơi mọi tạo vật được Thiên Chúa là “Đấng Có” dựng nên, dầu sao, cũng không phải là “Sự Có” hay là Thiên Chúa, “Đấng Có”. Là vì, mọi sự không từ bản tính của Thiên Chúa mà “có” một cách bẩm sinh, như Ngôi Con bởi Cha mà ra, Đấng mà Thánh Kinh đã mạc khải là “Ngay từ ban đầu đã có Ngôi Lời; Ngôi Lời ở nơi Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Gn 1:1).

“Sự có” nơi mọi tạo vật không phải từ bản tính thần linh của Thiên Chúa mà có như thế, nên, nó không thể nào toàn hảo và viên mãn như chính “Sự Có” là Thiên Chúa, “Đấng Có” được.

Do đó, “sự có” nơi mọi tạo vật cần phải được thông hiệp với chính “Sự Có”, tức với chính Thiên Chúa, “Đấng Có” nữa, nó mới chân thật và hoàn bị. Càng thông hiệp với Thiên Chúa bao nhiêu, “sự có” nơi tạo vật càng chân thật và hoàn hảo, tức càng giống Thiên Chúa bấy nhiêu.

Theo bản tính bẩm sinh, Thiên thần và loài người là hai “sự có” nhất nhì trong mọi sự Thiên Chúa là “Đấng Có” dựng nên. Tuy nhiên, ngay từ ban đầu, một số thiên thần và loài người, vì không thông hiệp với Thiên Chúa là “Đấng Có”, trong việc tuân theo ý muốn của Ngài, mà “sự có” nơi những thành phần bất hạnh này đã bị hư đi.

Thế nhưng, là “Sự Có” vô cùng viên mãn, Thiên Chúa đã dựng nên mọi sự là để có thể tỏ hết Mình ra và thông hết Mình ra. Vậy, nếu tạo vật không nhận biết Ngài, không chấp nhận Ngài, như trường hợp của một số thần dữ và kẻ dữ chẳng hạn, thì làm thế nào Ngài có thể tỏ hết Mình ra và thông hết Mình ra được. Do đó, để đạt được ý định này của Mình, ý định muốn tỏ hết và thông hết Mình ra, Thiên Chúa phải dựng nên một tạo vật có khả năng nhận biết Ngài như Ngài muốn tỏ hết Mình Ngài ra và chấp nhận Ngài như Ngài muốn thông hết Mình Ngài ra.

Tạo vật vô cùng diễm phúc này là ai, nếu không phải là chính Mẹ Maria, Đấng mà thiên sứ tổng thần Gabriel

đã phải nghiêm cẩn kính chào Người là “Đầy Ơn Phúc” (Lc 1:28). 

“Thiên Chúa đã dựng nên Mẹ cho một Mình Ngài” là thế.

 CHÂN LÝ 2: 

Thiên Chúa Yêu Mẹ Trên Hết Mọi Sự.

Vì muốn dựng nên Đức Maria cho Mình, một tạo vật duy nhất, theo khả năng tối đa của một tạo vật trong tình trạng “đầy ân phúc”, sẽ nhận biết Ngài như Ngài biết Ngài và sẽ yếu mến (chấp nhận) Ngài như Ngài yêu Ngài, một tạo vật có thể làm cho Ngài hoàn toàn mãn nguyện khi Ngài, nhờ đó, theo thượng trí vô cùng khôn ngoan và ý muốn vô cùng toàn năng của Ngài, có thể tỏ hết Mình và thông hết Mình ra theo ý định của Ngài như thế, chẳng lẽ Thiên Chúa lại không yêu dấu và qúi trọng Mẹ trên hết mọi sự hay sao?!

Có thể nói mà không sợ sai lầm là, trong ý định thông Mình ra bên ngoài, tạo vật mà Thiên Chúa nghĩ đến trước nhất và chú ý đến đầu tiên, đó là Mẹ Maria. Cũng có thể nói một cách không hồ nghi gì cả là, Thiên Chúa yêu Mẹ Maria trên hết mọi sự, chỉ kém Ngài yêu chính Mình Ngài mà thôi, đúng hơn, Thiên Chúa yêu Ngài trong Mẹ Maria và yêu Mẹ Maria trong Ngài.

Từ hai chân lý trên, “Thiên Chúa dựng nên Mẹ cho một Mình Ngài” và “Thiên Chúa yêu Mẹ trên hết mọi sự”, ba chân lý còn lại sẽ là kết quả tất yếu của hai chân lý này.

Chân Lý 3: 

Thiên Chúa Ban Chính Mình Ngài Cho Mẹ

Vì yêu Mẹ Maria trên hết mọi sự như thế, Thiên Chúa còn tiếc sự gì cùng Mẹ. Thiên Chúa đã chẳng ban chính Mình Ngài là Ngôi Lời nhập thể, “hiện thân đích thực của hữu thể Cha” (DT 1:3), cho Mẹ hay sao?

Không phải vì loài người bị hư đi bởi nguyên tội mà Ngôi Lời đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, mà Mẹ mới được Thiên Chúa ban chính Mình Ngài cho Mẹ trong thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa.

Trên thực tế, sự kiện loài người sa ngã quả là cái cớ, là trường hợp, là nguyên nhân bên ngoài để Thiên Chúa ban chính Mình Ngài cho Mẹ, để Mẹ được làm Mẹ Thiên Chúa. Tuy nhiên, là chính “Sự Có”, Thiên Chúa không thể bị chi phối bởi bất cứ một sự gì khác ngoài chính Mình Ngài. Bởi thế, chính vì Thiên Chúa muốn tỏ hết và thông hết Mình Ngài ra bên ngoài, mà Mẹ là tạo vật duy nhất đã được Ngài tuyển chọn, để, với tất

cả khả năng theo bản tính tự nhiên loài người song đã được “đầy ơn phúc” của mình, Mẹ có thể tiếp nhận Ngài cách trọn vẹn và làm cho Ngài hoàn toàn mãn nguyện theo ý định của Ngài.

Chân lý 4: 

Thiên Chúa Làm Những Sự Trọng Đại Nơi Mẹ

Vì yêu Mẹ Maria trên hết mọi sự như thế, Thiên Chúa lại không để ý chăm sóc Mẹ hơn hết mọi sự, như chăm sóc chính Mình Ngài, bằng tất cả khôn ngoan và quyền năng của một vị Thiên Chúa toàn thiện hay sao?

Ngài đã chẳng làm cho Mẹ “những điều trọng đại” (Lc 1: 49), như Mẹ đã tuyên tụng trong ca vịnh Ngợi Khen của Người, là gì!

Về bản tính của Mẹ, bề trong, linh hồn Mẹ hoàn toàn Vô Nhiễm Nguyên Tội và, bề ngoài, thân xác Mẹ hoàn toàn khiết trinh.

Về đời sống của Mẹ, tinh thần Mẹ hoàn toàn siêu thoát và hiệp nhất với Thiên Chúa trong mọi nơi, mọi lúc và mọi sự.

Về khả năng của Mẹ, Mẹ vừa là một Trinh Nữ hiến dâng cho một mình Thiên Chúa chí thiện, chí tôn, chí ái, lại vừa là một Người Mẹ Sinh Con Thiên Chúa cho loài người.

Chân lý 5: 

Thiên Chúa Làm Mọi Sự Vì Mẹ Và Cho Mẹ.

Vì yêu Mẹ Maria trên hết mọi sự như thế, Thiên Chúa đã chẳng làm mọi sự vì Mẹ và cho Mẹ hay sao, như Ngài đã vì Ngài và cho Ngài là Ngôi Lời mà dựng nên Mẹ? Có thể nói, Thiên Chúa đã tạo dựng tất cả mọi sự cho Mẹ và dựng nên Mẹ cho chính Mình Ngài là Ngôi Lời nhập thể, Chúa Giêsu Kitô, Con Duy Nhất dấu yêu của Ngài.

Ngài đã chẳng dựng nên tất cả cho Mẹ để Mẹ làm Nữ Vương mọi sự trên trời dưới đất, như Ngài đã dựng nên mọi sự trên trái đất này để cho con người làm chủ chúng hay sao (x.STK 1:28-30)? Có thể nói, theo cấp trật ân sủng, các thần trời cũng được Thiên Chúa dựng nên cho Mẹ để các ngài là loài thiêng liêng sáng láng

có thể nhận biết Thiên Chúa nơi Mẹ và chúc tụng Mẹ nơi Thiên Chúa một cách tương đáng. Mẹ cũng là Nữ Vương của cả các thần trời là như thế.

Và, vì Đavít, tôi trung của Mình, Thiên Chúa với bát cứ giá nào vẫn bảo tồn giòng dõi của vua (x.1CV 11:34,39), Ngài cũng vì Mẹ là tạo vật được Ngài yêu qúi trên hết mọi sự mà cứu độ những gì Ngài đã dựng nên cho Mẹ, song vì nguyên tội, đã bị hư đi.

Không phải hay sao, Thiên Chúa đã chẳng lợi dụng dịp sa ngã của hai nguyên tổ loài người để tỏ cho con người thấy rằng, nhờ Mẹ, tạo vật được Ngài yêu qúi trên hết mọi sự mà họ là giòng dõi của Người, họ sẽ được Ngài cứu độ hay sao, khi Ngài tuyên án con cựu xà Satan: “Ta sẽ gây thù giữa ngươi và người nữ, giữa giòng dõi ngươi và giòng dõi người nữ, Người sẽ đạp nát đầu ngươi khi ngươi rình cắn gót chân Người”

(STK 3:15).Trong ánh sáng của 5 chân lý về Mầu Nhiệm Maria trên đây, chủ đề “Trái Tim Mẹ: Vô Nhiễm Nguyên Tội” đã hoàn toàn được sáng tỏ.

Trước hết, về bản chất của đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội. Theo nguyên tắc, trong thượng trí Thiên Chúa, Mẹ Maria “có” trước hết mọi sự, tất nhiên có trước cả hai nguyên tổ, như Chúa Giêsu dù chưa đầy 50 tuổi cũng đã có trước Abraham (x.Gn 8:57-58), do đó, nguyên tội và những gì hư hỏng nơi bản tính loài người do nguyên tội gây nên sẽ không hề có liên can gì đến Mẹ cả.

Tuy nhiên, trên thực tế, vì được xuất thân từ giòng dõi loài người sau khi bản tính của họ đã bị băng hoại, theo tự nhiên, Mẹ cũng bị nhiễm nguyên tội như tất cả mọi người sinh ra trên thế gian này. Thế nhưng, nếu Mẹ Maria cũng nhiễm nguyên tội như mọi người sinh ra trên thế gian này như vậy, ý định tỏ hết và thông hết mình ra của Thiên Chúa không thể nào thực hiện được nơi Mẹ.

Vẫn biết, là Đấng tự hữu và hằng hữu, tuyệt đối tự do và vô cùng toàn năng, làm gì cũng được, Thiên Chúa có thể thực hiện ý định này của Ngài một cách hết sức dễ dàng, như Ngài tỏ hết và thông hết Mình ra cho các thiên thần là loài có bản tính bẩm sinh cao trọng hơn loài người và hơn mọi loài Thiên Chúa tạo dựng nên. Thế mà, Thiên Chúa vẫn không làm. Bởi vì, theo thượng trí vô cùng khôn ngoan của Mình, Thiên Chúa chỉ muốn dựng nên một tạo vật duy nhất là Đức Maria cho một Mình Ngài mà thôi, và, theo bản tính vô cùng toàn thiện chí ái của Ngài, cũng chỉ có một mình tạo vật duy nhất vô cùng diễm phúc này mới được Ngài tỏ hết và thông hết Mình Ngài cho mà thôi.

Do đó, Mẹ Maria không thể nào nhiễm nguyên tội được cả. Thiên Chúa đã miễn trừ cho Mẹ. Cách thức Thiên Chúa miễn trừ nguyên tội cho Mẹ, đó là, như loài người, cũng như mọi sự trên trời dưới đất, đã được dựng nên cho Mẹ và nhờ Mẹ mà được Thiên Chúa cứu độ thế nào, Mẹ Maria cũng được dựng nên cho Ngôi

Lời và nhờ Ngôi Lời nhập thể mà được miễn nhiễm nguyên tội như vậy. Bởi thế, khi đầu thai làm người, Mẹ Maria “là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”, như Mẹ đã tự xưng với chị Bernadetta ở Lộ Đức ngày 25/3/1958, và như Mẹ muốn xác nhận tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội do Đức Thánh Cha Piô IX tuyên bố hơn ba năm về trước, ngày 8/12/1954.

Như thế, với đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Maria chẳng khác nào như một tấm gương tinh trong để Thiên Chúa tỏ hết và thông hết mình ra cho Mẹ, và, qua Mẹ, cho mọi tạo vật nói chung và loài người nói riêng. Có thể ví bản tính loài người hữu hình của Mẹ như lớp sơn ở đằng sau tấm gương, và đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội nơi Mẹ là mặt kính tuyệt đối tinh trong ở đằng trước tấm gương, mặt kính có đặc tính và khả năng phản ảnh Thiên Chúa Thần Linh “là Đấng Có” đã nhập thể và thực sự hiện diện nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà "ai thấy Ta là thấy Ta" (Gn 14:9), hết sức sống động trong gương Maria.

Sau nữa,  về giá trị của đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Đối với hai nguyên tổ, đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội làm cho Mẹ Maria “đầy ơn phúc” hơn các ngài. 

Bởi vì, ngay từ ban đầu, hai nguyên tổ tuy ở trong tình trạng công chính nguyên thủy, còn trong trắng như trẻ

thơ trước mặt Chúa, đến nỗi trần truồng mà vẫn không biết xấu hổ (x.STK 2:25). Tuy nhiên, sự trong trắng

nguyên thủy này của hai nguyên tổ, so với Mẹ Maria được đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, vẫn không phải

là tình trạng trọn hảo trong ân sủng, tình trạng “đầy ơn phúc” như Mẹ, một tình trạng chỉ xẩy ra trong Đấng

“đầy ân sủng và chân lý” (Gn 1:14) là Ngôi Lời nhập thể để “cho chiên được sống và sống viên mãn hơn” (Gn 10:10).

“Chiên” của Thiên Chúa đây là gì, nếu không phải là “những kẻ được Thiên Chúa biết trước thì Ngài cũng tiền định” (Rm 8:29).

“Được sống viên mãn hơn”đây là gì, nếu không phải “được thông chia hình ảnh Con Ngài” (Rm 8:29), Đấng “là hình ảnh Thiên Chúa vô hình” (Col 1:15), một hình ảnh đã hiện diện tỏ tường nơi tấm gương Maria, qua đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Đối với Satan, “tên sát nhân ngay từ ban đầu” (Gn 8:44), đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội làm cho Mẹ siêu thoát khỏi quyền lực tối tăm của hắn.

Thánh Kinh đã diễn thuật sự kiện này qua hình ảnh: “Khi con rồng thấy mình bị hất nhào xuống đất, hắn

liền đi săn đuổi người nữ sinh con trai. Nhưng người nữ được ban cho đôi cánh đại bàng để có thể bay về chỗ của mình trong sa mạc, xa khỏi con rắn ... Không bỏ cuộc, con rắn phun ra từ miệng hắn một giòng cuồng

lưu để tra tầm và tiêu diệt người nữ. Bấy giờ, để đỡ cho người nữ, đất mở miệng nuốt lấy giòng cuồng lưu từ miệng con rắn phun ra” (KH 12:13-16).

“Giòng cuồng lưu từ miệng con rắn phun ra” đây là gì, nếu không phải là những lời hắn đã cám dỗ Evà (x.STK 3:1,4-5).

“Đất mở miệng nuốt lấy giòng cuồng lưu từ miệng con rắn phun ra để đỡ cho người nữ” đây là gì, nếu không phải là nhân tính của con người, qua hai nguyên tổ, đã sa ngã phạm tội khi chấp nhận cám dỗ của con rắn.

“Đôi cánh đại bàng” để người nữ bị con rồng lùng giết có thể bay về chỗ của mình trong sa mạc, xa khỏi con rắn đây là gì, nếu không phải đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ.

Đối với chính mình, đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội làm cho Mẹ, ngay từ giây phút được đầu thai trong lòng bà thánh Anna, đã được hiệp nhất với Thiên Chúa và thánh thiện hơn mọi thần thánh hợp lại.

Để rồi, với đôi cánh Vô Nhiễm Nguyên Tội này, Mẹ có thể bay cao cho tới tuyệt đỉnh trọn lành như Thiên Chúa mong muốn khi ban cho Mẹ đôi cánh mãnh lực này. Đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội thật sự là một đôi cánh cho Mẹ Maria, ở chỗ, nhờ đặc ân này, Mẹ không hề có tình dục, đam mê, tính hư hay nết xấu gì, là những chất độc chết người luôn hành hạ con người nhiễm lây nguyên tội vì bị con cựu xà mang đầy nọc độc sự chết cắn phải. Tuy nhiên, không phải vì không có tình dục, đam mê, tính hư hay nết xấu gì mà Mẹ Maria không thể phạm tội được nữa.

Hai nguyên tổ, khi còn ở trong tình trạng công chính nguyên thủy, phần hạ vẫn chưa biến loạn và lấn át phần thượng như sau khi các ngài sa ngã, thế mà, các ngài vẫn có thể phạm tội. Nếu nói rằng lý do con người sa ngã là do bị cám dỗ, không bị cám dỗ, chưa chắc con người đã sa ngã, thì, các thiên thần, một đàng không có xác thịt, đáng khác lại không bị cám dỗ gì cả, thế mà, một số trong các ngài vẫn có thể phạm tội. Giả sử Mẹ Maria cứ nhất định giữ mình đồng trinh, không “xin vâng” ý muốn của Thiên Chúa, được loan báo cho Người qua tổng thần Gabriel, trong việc thụ thai Lời nhập thể, thì Mẹ đã không làm mất lòng Thiên Chúa là gì, tức là đã phạm tội vậy.

Phải, chính đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội đã làm cho Mẹ Maria bay tới tuyệt đỉnh trọn lành như Thiên Chúa muốn, đến nỗi, như các thánh nói, Mẹ đã chạm đến biên giới của bản tính Thiên Chúa.

Theo nguyên tắc, đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội đúng là căn nguyên trọn lành của Mẹ, cũng như Thánh Sủng là nguyên lý sống đời đời của các chi thể thuộc nhiệm thể Chúa Kitô. Tuy nhiên, trên thực tế, dù sao, Thánh Sủng, đối với bản tính của con người, cũng chỉ là tùy phụ và lệ thuộc vào bản tính của con người, như hạt giống đối với mảnh đất mà nó được gieo vào vậy. Hạt giống Thánh Sủng chỉ lớn lên khi gặp mảnh đất nhân tính tốt mà thôi.

Cũng thế, đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội nơi Mẹ Maria thực sự là mặt gương phản ảnh Thiên Chúa, Đấng tỏ Mình và thông hết Mình ra qua Ngôi Lời Nhập Thể là Chúa Giêsu Kitô, nếu Mẹ luôn biết “Xin Vâng”. Nhưng, Mẹ làm sao có thể “Xin Vâng” cho đến cùng, cả những điều mà, theo Mẹ “thành sự sao được” (Lc 1:34), nếu Mẹ không tự “bỏ sự sống mình đi” (Mt 16:25).

Vâng, chính tác động “bỏ sự sống mình sẽ giữ được nó” (Mt 16:25) này của Mẹ là tác động của lòng muốn, mà con tim là biểu hiệu cho sự sống. Mẹ Maria giữ được sự sống đây là Mẹ giữ được đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội mà Chúa đã ban cho Mẹ, là Mẹ luôn phản ảnh Thiên Chúa.

Từ những suy diễn trên, chủ đề “Trái Tim Mẹ: Vô Nhiễm Nguyên Tội”có thể được tóm gọn:

Trái Tim Mẹ luôn nhận biết và kính mến Thiên Chúa bằng tinh thần “Xin Vâng”, nhờ đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, đã phản ảnh Thiên Chúa là Thần Linh, Đấng tỏ hết và thông hết Mình ra nơi Ngôi Lời nhập thể là Đức Giêsu Kitô.

Muốn nhận biết Thiên Chúa, Đấng tỏ Mình ra, và muốn hiệp nhất với Ngài, Đấng thông Mình ra, con người không thể không nhìn nhận và tôn sùng bức gương phản ảnh Thiên Chúa là Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ.

 

Chương 14 - Tôn Sùng Trái Tim Mẹ

Đức Mẹ đã nói rõ ràng với 3 Thiếu Nhi Fatima hai lần về sự tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ.

Lần thứ nhất Mẹ nói vào lần hiện ra thứ hai, 13/6/1917, “Ngài (Chúa Giêsu) muốn thiết lập trên thế giới sự tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ” (FILOW:161).

Lần thứ hai Mẹ nói vào lần hiện ra thứ ba, 13/7/1917, “Thiên Chúa muốn thiết lập trên thế giới sự tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ”(FILOW:162).

Qua hai lần đề cập đến sự tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ này, Đức Mẹ đều nhấn mạnh đến nguồn gốc của nó, đó là “Chúa Giêsu muốn” (lần trước) và “Thiên Chúa muốn” (lần sau).

Mà, một khi Thiên Chúa đã muốn, thì “mệnh lệnh của Ngài là sự sống đời đời” (Gn 12:50).Nghĩa là, tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ theo như ý muốn của Thiên Chúa là việc đẹp lòng Thiên Chúa. Càng làm đẹp lòng Thiên Chúa, con người càng được ơn nghĩa với Chúa. Càng được ơn nghĩa với Chúa, con người càng được thông hiệp với Ngài. Càng được thông hiệp với Chúa, con người càng được sống viên mãn hơn trong sự sống đời đời của Ngài. Như thế, tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ chính là phương thế nên thánh, là cách thức hiệp thông với Thiên Chúa. Nói cách khác,con người có thể kết hợp với Thiên Chúa trong Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ.

Thế nhưng, thế nào là “tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ”, để có thể nên thánh và kết hợp với Thiên Chúa?

Phải chăng, Đức Mẹ đã xác định thế nào là “tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ” khi nói với riêng Lucia rằng “Chúa Giêsu muốn dùng con để Mẹ được nhận biết và yêu mến” (FILOW:161)? Bởi vì, sau khi nói câu này xong, Đức Mẹ đề cập ngay đến việc “Ngài muốn thiết lập trên thế giới sự tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ”.

Phải chăng, tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ với việc nhận biết Mẹ và yêu mến Mẹ có liên hệ mật thiết với nhau?

Đúng thế, phân tách kỹ lưỡng hai câu nói này của Đức Mẹ, ý tưởng chính của cả hai là “Chúa Giêsu muốn thiết lập sự tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới”. Nhưng, Ngài muốn dùng ai để thiết lập sự tôn sùng này, theo đúng như ý muốn của Ngài, nếu không phải là Lucia: “Chúa Giêsu muốn dùng con”. Và, Chúa Giêsu muốn dùng Lucia để thiết lập sự tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ thế nào, nếu không phải “để làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến”.

Như thế, có thể nói: “Tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ (là) nhận biết và yêu mến Me", hay, nói ngược lại cũng vậy, nhận biết và yêu mến Mẹ là tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ.

Nếu thực sự nhận biết Mẹ và yêu mến Mẹ là tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, thì thế nào là nhận biết Mẹ và yêu mến Mẹ, hay, nói cách khác, nhận biết Mẹ và yêu mến Mẹ hệ tại những gì, để chứng tỏ lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ của mình một cách đích thực? 

Phải chăng, để tìm được câu trả lời thỏa đáng và chính xác, không gì hơn là hãy nhìn vào chị Lucia, một trong 3 Thiếu Nhi Fatima còn sống sót (vừa mừng sinh nhật 85 tuổi hôm 22/3/1992 vừa qua) với sứ mạng “làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến”.

Chị đã nhận biết và yêu mến Mẹ như thế nào? Để nhận biết Mẹ, phải chăng chị đã hết lòng tin tưởng vào những gì Mẹ hứa? Và, để yêu mến Mẹ, phải chăng chị đã tận lực làm theo những gì Mẹ chỉ bảo?

Đọc Hồi Ký Lucia, nếu chú ý một chút, độc giả sẽ không khỏi ngạc nhiên khi nhận thấy rằng, 3 Thiếu Nhi Fatima được Đức Mẹ hiện ra và chọn làm sứ giả loan truyên sứ điệp cứu rỗi của Mẹ cho Giáo Hội nói riêng và thế giới nói chung, không được trời cao rõ ràng phân chia sứ mạng hay có giao kết gì với nhau, tự nhiên, cuộc đời của mỗi em gắn liền với một sứ mệnh.

Giaxinta thì thích hy sinh cho tội nhân trở lại; Phanxicô thì chuyên tâm cầu nguyện, an ủi Chúa là Đấng quá buồn rầu; Lucia thì lo truyền bá lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ.

Có thể nói, 3 Thiếu Nhi Fatima phụ trách 3 mệnh lệnh Fatima: 

Giaxinta với mệnh lệnh cải thiện đời sống,

Phanxicô với mệnh lệnh lần hạt Mân Côi, 

Lucia với mệnh lệnh tôn sùng Trái Tim Mẹ.

Về GIAXINTA, Thiếu Nhi Fatima nhỏ nhất, khi Đức Mẹ hiện ra em mới có 7 tuổi, chị Lucia đã nhận định về em như sau:

“Thị kiến hỏa ngục đã làm em kinh hãi đến nỗi em sẵn sàng chịu đựng mọi hy sinh hãm mình để có thể ngăn cản cho các linh hồn khỏi sa xuống đó” (FILOW:105).

Chị Lucia còn thuật lại tinh thần của Giaxinta thế này:

“Có lần, vì muốn hãm mình, em không muốn ăn, con nói với em: 'Này Giaxinta! Đến mà ăn đi chứ.' 'Không đâu! Em dâng hy sinh này cho tội nhân ăn uống quá độ.' Khi em bị bệnh mà vẫn đi lễ ngày thường, con khuyên em: 'Giaxinta, đừng đi nữa! Không sao đâu, em bất khả kháng mà. Lại nữa, hôm nay cũng đâu phải là Chúa Nhật!' 'Có đi cũng đâu có sao! Em đi lễ thay cho tội nhân bỏ lễ Chúa Nhật'...” (FILOW:106).

Về PHANXICÔ, Thiếu Nhi Fatima nam nhi duy nhất, khi Đức Mẹ hiện ra em mới lên 9 tuổi, chị Lucia đã thuật lại tâm tình và tinh thần của em như sau.

Để trả lời cho câu hỏi của Lucia: “Điều nào em thích hơn hả Phanxicô, an ủi Thiên Chúa hay cải hối tội nhân để các linh hồn không còn bị sa hỏa ngục nữa?”, Phanxicô thẳng thắn đáp: “An ủi Thiên Chúa vẫn hơn. Chị không nhớ à, vào lần hiện ra cuối cùng, Đức Mẹ đã buồn bã thế nào khi Người nói rằng người ta đừng xúc phạm đến Thiên Chúa nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi? Em sẽ an ủi Chúa đã rồi sau đó mới hối cải các tội nhân để họ thôi xúc phạm đến Ngài”.

Đôi lần Phanxicô còn nói với Lucia trên đường đi đến trường ở Fatima rằng: “Thôi! Chị cứ đi học đi, còn em sẽ ở lại nhà thờ này, bên cạnh Chúa Giêsu Ẩn Mình. Đằng nào em cũng sẽ về trời sớm, học hành mà làm gì. Chừng nào về, hãy ghé gọi em với nghe” (FILOW:136).

Tinh thần cầu nguyện của Phanxicô chẳng những nhắm vào Chúa Giêsu, mà còn vào Đức Mẹ nữa. Chị Lucia nhận định về em như thế này:

“Trong khi Giaxinta có vẻ chỉ quan tâm đến việc hoán cải tội nhân và cứu các linh hồn cho khỏi sa hỏa ngục, thì Phanxicô lại tỏ ra chỉ nghĩ đến việc ủi an Đức Mẹ, Đấng hết sức sầu bi như em thấy” (FILOW:137).

Khi Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên, em phải đọc một ít kinh Mân Côi mới được xem thấy Đức Mẹ, và Đức Mẹ còn bảo em phải đọc kinh Mân Côi nữa mới được về trời, bởi vậy, theo Lucia thuật lại: “Thế là từ đó, em có thói quen lánh xa chúng con như thể đang đi dạo. Khi chúng con gọi em và hỏi em đang làm gì đấy, em liền giơ tay lên tỏ cho con thấy tràng hạt. Nếu chúng con nói với em cứ đến chơi xong đã rồi sau đó lần hạt chung với nhau, em trả lời: 'Bấy giờ em sẽ cầu nguyện nữa mà. Chị không nhớ Đức Mẹ bảo em phải cầu kinh Mân Côi nhiều hay sao?'” (FILOW:124).

Về chính mình, LUCIA là Thiếu Nhi Fatima lớn nhất. Khi Đức Mẹ hiện ra em đã được 10 tuổi. Đối với Phanxicô và Giaxinta, Lucia được coi là đại diện. Đối với Đức Mẹ, Lucia cũng là nhân vật chính để Đức Mẹ trực thoại. Đối với Chúa Giêsu, Lucia là nhân vật sẽ sống để làm việc cho Ngài. Đối với bản thân, Lucia hình như cũng tự cảm thấy mình lớn hơn hai em nên đã hoàn toàn chủ động trong việc giao tiếp với Đức Mẹ vào những lần Mẹ hiện ra với cả ba. Phải chăng, vì tính cách quan trọng này của mình mà Lucia đã là Thiếu Nhi Fatima chịu nhiều đau khổ nhất trong sự việc Đức Mẹ hiện ra ở Fatima?

Đối với gia đình của mình,Lucia đã bị mọi người nghi ngờ, đến nỗi, đã bị mẹ là người vẫn dạy em phải nói những điều chân thật bấy giờ lại cương quyết bắt  em phải nói dối, chối bỏ việc Đức Mẹ hiện ra với em. Thêm vào đó, Lucia còn bị dằn vặt rất nhiều khi thấy mảnh đất và hoa mầu của gia đình mình bị dân chúng kéo đến cây sồi làm hư hại hết sạch, gây cho gia cảnh của Lucia trở nên túng bấn hơn.

Đối với giáo quyền, Lucia bị cha xứ chất vấn và phán quyết: “Việc này cũng có thể là một trò lừa bịp của ma qủi” (FILOW:69), làm cho em bắt đầu hồ nghi việc Đức Mẹ hiện ra với 3 em.

Đối với ma qủi, Lucia còn nằm mơ thấy chúng nhe răng ra cười nhạo mình vì thấy mình bị chúng đánh lừa và đang bị chúng cố lôi xuống hỏa ngục nữa. 

Tác dụng của lời cha xứ và hình ảnh ma qủi trong cơn ác mộng tí nữa đã làm Lucia bỏ cuộc, không đến nơi Đức Mẹ hiện ra vào lần thứ 3 là ngày 13/7/1917, lần mà, theo tinh thần và nội dung sứ điệp Fatima, là lần quan trọng nhất, lần Đức Mẹ mạc khải cho các em biết toàn bộ ba phần của Bí Mật Fatima.

Ngoài ra, đối với chính quyền, em đã bị giam giữ và dọa nạt nguy hiểm đến tính mạng, đến nỗi, lần hiện ra thứ bốn, theo chương trình ấn định của Đức Mẹ, đã bị dời vào ngày 19 cùng tháng.

Đối với người ta, gia đình em đã bị họ dọa ném bom vào nhà nếu phép lạ 13/10 không xẩy ra. Chưa hết, vào chính ngày 13/10/1917, lúc Đức Mẹ thường hiện ra ở cây sồi là khoảng 1 giờ trưa đã qua đi mà Đức Mẹ vẫn chưa hiện ra, em đã bị một vị linh mục hỏi em về giờ Đức Mẹ hiện ra bất mãn và đẩy em đi khỏi chỗ Đức Mẹ vẫn hiện ra, vì, theo ngài, tất cả chỉ là ngụy tạo.

Thế nhưng, Lucia vẫn tin tưởng vào lời hứa không thể sai lầm và thất tín của Đức Mẹ cho đến khi tất cả đã xẩy ra đúng như em đã tin vào Mẹ. Chính vì lòng tin tưởng không hồ nghi và trung kiên này của 3 Thiếu Nhi nói chung và của Lucia nói riêng, Lucia và hai em Phanxicô và Giaxinta đã được Đức Mẹ tỏ cho biết Người là ai và Người muốn gì, như Người đã hứa vào các lần hiện ra trước đó.

Phải, Đức Mẹ là ai là đối tượng của tác động “nhận biết” và Đức Mẹ muốn gì là đối tượng của tác động “yêu mến” được phát xuất từ lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ.  Để làm cho người ta “nhận biết”, Mẹ, Mẹ đã làm phép lạ mặt trời đúng như lời Mẹ hứa với 3 Thiếu Nhi Fatima. Tuy nhiên, không phải hễ được thấy Đức Mẹ hiện ra hay thấy phép lạ mặt trời mà người ta có thể “nhận biết” Người đâu. Các thánh tông đồ từng sống bên cạnh Chúa Giêsu mà các ngài vẫn tỏ ra như chẳng “nhận biết” Chúa gì cả, đến nỗi, cho đến sát ngày chịu tử nạn, trong bữa tiệc ly, khi nghe câu hỏi của tông đồ Philip, Ngài đã phải thốt lên:

“Thày ở với các con bấy lâu mà các con vẫn chưa biết Thày sao?”(Gn 14:9).

Trường hợp của Lucia, vào lần Đức Mẹ hiện ra lần thứ ba là ngày 13/7/1917, nếu vì cảm thấy, như chị nói với Phanxicô và Giaxinta: “Vì chị sợ rằng việc này dám bởi ma qủi lắm” (FILOW:70), mà không đến nơi Đức Mẹ hiện ra như Đức Mẹ xin với các em ở lần hiện ra đầu tiên là: “tới đây (cây sồi ở Cova da Iria) vào mỗi ngày 13 trong năm tháng liền” (FILOW:158), thử hỏi, Lucia, dù đã rõ ràng được thấy Đức Mẹ hiện ra với Lucia hai lần trước đó, có tỏ ra thực sự và hoàn toàn “nhận biết” Đức Mẹ hay chăng?

Như thế, “nhận biết” Đức Mẹ không phải là tin vào Đức Mẹ hay sao. Mà, “tin” thì không còn thuộc về lãnh vực “thấy” nữa. Nếu “thấy” Đức Mẹ hiện ra mới “tin” vào Người, thì những ai không “thấy” Đức Mẹ hiện ra sẽ không thể “tin” vào Người ư? Hơn nữa, chính những kẻ được “thấy” Đức Mẹ hiện ra chưa chắc đã hoàn toàn và thực sự “tin” vào Người. “Phúc cho kẻ không thấy mà tin” (Gn 20:29) là thế.

Những người không được “thấy” Đức Mẹ hiện ra vẫn có thể “tin” Người, ở chỗ, “tin” vào thực tại linh thiêng về Mẹ, thực tại mà con người không “thấy” được bằng mắt trần và phải được chính Mẹ tỏ ra. Thực tại linh thiêng về Mẹ là đối tượng của đức “tin” vào Mẹ đó là danh hiệu mà Mẹ đã tuyên bố vào lần hiện ra cuối cùng năm 1917: “Ta là Đức Mẹ Mân Côi”.

Vâng, chính danh hiệu “Đức Mẹ Mân Côi” này của Mẹ mà bất cứ ai chấp nhận, như được sứ giả của Mẹ là Lucia lập lại qua Hồi Ký của chị, đều là những người “nhận biết” Mẹ, là những người “tin” vào Mẹ.  

Theo nguyên tắc và tâm lý tự nhiên, không thể chúc tụng ai nếu không biết người đó như thế nào. Cũng thế, không thể sốt sắng và tha thiết lần hạt Mân Côi là những lời kinh, nhất là kinh Kính Mừng, kinh chính trong bộ kinh Mân Côi, kinh chúc tụng Mẹ Maria tuyệt vời và chính xác nhất, đẹp lòng Đức Mẹ nhất, mà lại không hề “nhận biết” Mẹ là “Đức Mẹ Mân Côi”. Nói ngược lại, lần hạt Mân Côi sốt sắng và thiết tha là “nhận biết” Mẹ là “Đức Mẹ Mân Côi” vậy.

Tuy nhiên, “nhận biết” Mẹ hay “tin” vào Mẹ không phải chỉ là tác động hiểu biết của trí khôn con người. Không phải tất cả mọi thần học gia đều là người “tin” vào Chúa hay “nhận biết” Chúa cả đâu, nếu vậy, tại sao lại có những lạc thuyết trong Giáo Hội, hay tại sao lại xẩy ra những trường hợp treo bằng giảng dạy của các nhà giáo dục về đức tin trong các trường đại học Công Giáo v.v.

Tác động “nhận biết” hay “tin Tưởng” thật sự còn phải được tỏ ra bằng tác động “tuân phục” nữa mới hoàn toàn. Chúng ta tự cho mình là “nhận biết”, là “tin” vào Đức Mẹ, song lại không chịu làm theo lời Mẹ dạy bảo, thử hỏi, chúng ta nói thật hay nói dối? Do đó, nếu theo nguyên tắc, “nhận Biết” Mẹ là “chấp nhận” Mẹ, là tin vào Mẹ, như Mẹ “là”, thì, trên thực tế, “nhận biết” Mẹ còn là “vâng lời” Mẹ, như Mẹ “muốn”.

Điển hình trong việc “nhận biết” Mẹ là “vâng lời” Mẹ là trường hợp của 3 Thiếu Nhi Fatima. Các em đã không tỏ ra “nhận biết” Mẹ qua việc “vâng lời” Mẹ là gì, khi các em đã làm theo hết và đúng y như những gì Mẹ muốn, như xiêng năng đọc kinh Mân Côi hằng ngày, như đến nơi Mẹ hiện ra trong 6 ngày 13 trong tháng liên tiếp, (trừ lần thứ tư xẩy ra ngoài ý muốn của các em), như hy sinh đền tạ Thiên Chúa và cầu nguyện cho tội nhân trở lại, như không được tiết lộ những gì Đức Mẹ không cho phép hay chưa cho phép v.v.

Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II cũng đã tỏ ra “nhận biết” Mẹ, Đấng đã cứu mạng Ngài vào chính ngày 13/5/1981, ngày kỷ niệm 64 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, qua việc “vâng lời” Mẹ, khi cùng với các giám mục trong Giáo Hội hoàn vũ hiệp dâng thế giới và cách riêng nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ ngày 25/3/1984, đáp ứng đúng như ý muốn của Thiên Chúa mà Mẹ đã cho chị Lucia biết ngày 13/6/1929.

Vào ngày 13/10/1917, sau khi Mẹ tự xưng “Ta là Đức Mẹ Mân Côi”, đối tượng “nhận biết” của những ai tin vào Mẹ, thì, Mẹ cũng đã tỏ ra Mẹ muốn gì.

Như đã trình bày ở chương mười một, bề ngoài, Mẹ muốn một nhà thờ xây lên ở Fatima để tôn kính Mẹ, và bề trong, Mẹ muốn con người ăn năn cải thiện đời sống, bằng cách thôi xúc phạm đến Thiên Chúa là Đấng đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi. Như thế, người nào nghe lời Mẹ ăn năn cải thiện đời sống là người tỏ ra “nhận biết” Mẹ. 

Những kẻ “nhận biết” Mẹ như vậy cũng chính là những kẻ “yêu mến” Mẹ nữa. Bởi vì, như Chúa Giêsu đã xác định và quả quyết với các thánh tông đồ rằng “Ai yêu mến Ta thì giữ lời Ta... (hay ngược lại cũng vậy) Ai giữ lời Ta là kẻ yêu mến Ta” (Gn 14:21,23).

Tóm lại, tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nhận biết và yêu mến Mẹ.

“Nhận biết” Mẹ ở chỗ tin rằng Người là “Đức Mẹ Mân Côi”, bằng việc tỏ ra sốt sắng và thiết tha lần hạt Mân Côi, và “yêu mến” Mẹ ở chỗ tuân theo ý muốn của Mẹ xin là “đừng xúc phạm đến Chúa nữa”, bằng việc ăn năn cải thiện đời sống. 

Ba mệnh lệnh Fatima là cải thiện đời sống, lần hạt Mân Côi và tôn sùng Trái Tim Mẹ liên kết với nhau hết sức chặt chẽ và thâm sâu là như thế.

“Nhận biết” Mẹ Maria là Đức Mẹ Mân Côi là “nhận biết”Người là Mẹ “Vô Nhiễm Nguyên Tội”, chúc tụng Người là Đức Mẹ Mân Côi là chúc tụng Người là Mẹ “Đầy Ơn Phúc”.

“Yêu mến” Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là ăn năn cải thiện đời sống, là giữ mình sạch tội, là đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, là trông cậy phó mình trong tay Mẹ.

Vâng, Thiên Chúa muốn thiết lập sự tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới là để Mẹ được tất cả “những ai Thiên Chúa biết trước thì Ngài cũng tiền định” (Rm 8:29), nhận biết và yêu mến như thế.

Nhưng, đối với những người được Chúa tuyển chọn để làm cán bộ phổ biến sự tôn sùng này và làm tông đồ cho Mẹ được nhận biết và yêu mến, Ngài đòi họ phải “đầy Đức Mẹ” đã rồi mới có khả năng “tràn Đức Mẹ” ra cho các linh hồn.

Bởi thế, muốn làm “Tông Đồ Fatima”, chẳng những họ phải thôi xúc phạm đến Chúa, mà còn phải luôn tìm dịp hy sinh để cầu cho tội nhân hối cải như Thiếu Nhi Fatima Giaxinta, phải luôn sốt sắng đền tạ Thiên Chúa cũng như Đức Mẹ hằng sầu thương vì tội lỗi loài người như Thiếu Nhi Fatima Phanxicô, và phải như  Thiếu Nhi Fatima Lucia luôn sẵn sàng chịu đựng mọi sự khi hoạt động cho Mẹ, với tất cả lòng cậy trông phó thác hoàn toàn nơi Mẹ, Đấng đã lấy chính mình ra để làm bảo chứng đối với họ, khi âu yếm nhắn nhủ:

“Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi con nương náu và là đường dẫn con đến với Chúa” (FILOW:67)

 

Chương 15 - Trái Tim Mẹ Đau Thương

Vô Nhiễm Nguyên Tội là bản chất, là thực tại làm nên Trái Tim Mẹ, đến nỗi, nếu không có đặc ân này, Người không phải là Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa nữa, nếu không muốn nói, trên đời này sẽ không có Mẹ Maria nữa. Cũng thế, Đau Thương là đặc tính, là diện mạo của Trái Tim Mẹ, đến nỗi, có thể nói, nếu không có Đau Thương, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ khó có thể nhận thấy được.

Đức Kitô không có Thiên Tính thì không thể là Đức Kitô thế nào, Mẹ Maria không Vô Nhiễm Nguyên Tội không phải là Mẹ Maria như vậy. Đức Kitô dù có Thiên Tính, “Đấng không biết đến tội” (2Cor 5:21), nếu không “trở nên tội lỗi” (2Cor 5:21), “dù là Con” (DT 5:8), nếu “không biết tuân phục nơi những gì phải chịu” (DT 5:8), và, “dù thân phận là Thiên Chúa” (Phil 2:6), nếu không “chết trên thập giá” (Phil 2:8), thì, Ngài chỉ là một “Kitô giả”, vì, Ngài sẽ không thể “kéo mọi sự lên cùng (Ngài)” (Gn 12:32),đúng như “Ý Đấng đã sai (Ngài) là (Ngài) không được làm hư những gì đã ban cho (Ngài)” (Gn 6:39). Cũng thế, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria không Đau Thương, trên thực tế, có thể nói, Trái Tim Mẹ hoàn toàn vô nghĩa, không cần phải Vô Nhiễm Nguyên Tội nữa.

Thật sự, theo Phúc Âm cũng như theo mạc khải tư ở Fatima, Trái Tim Mẹ, một Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội độc nhất vô nhị trên trần gian này, cũng chính là Trái Tim thật sự đã chịu Đau Thương.

Theo Phúc Âm, ông già Simeon đã chẳng nói với Mẹ Maria, khi Mẹ cùng với thánh Giuse, theo luật Moisen, dâng con trai đầu lòng là Chúa Giêsu cho Thiên Chúa ở trong đền thánh Giêrusalem, rằng: “Con Trẻ này là duyên cớ cho nhiều người trong Israel bị vấp ngã cũng như được chỗi dậy, là dấu hiệu chống đối, còn chính bà sẽ bị lưỡi gươm đâm thâu, làm cho tâm tưởng của nhiều người được bộc lộ” (Lc 2:34-35).

Theo mạc khải tư ở Fatima, lần thứ nhất, ngày 13/6/1917, trong ánh sáng chiếu tỏa từ hai bàn tay xòe ra của Đức Mẹ trước khi Người biến đi, 3 Thiếu Nhi Fatima đã được thấy, trước lòng bàn tay phải của Mẹ, một Trái Tim đội vòng gai nhọn đâm vào, Trái Tim mà, như chị Lucia sau này diễn tả cho vị truyền chị phải viết lại “tất cả mọi sự” (FILOW:150)“Chúng con hiểu rằng, đây là Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria bị tội lỗi loài người làm tổn thương, cần phải được đền tạ” (FILOW:161).

Lần thứ hai, ngày 10/12/1925, để giữ đúng lời hứa từ ngày 13/7/1917 là Mẹ sẽ trở lại để xin thông công đền tạ Mẹ vào các Ngày Thứ Bảy đầu Tháng, Đức Mẹ đã cùng với Chúa Hài Đồng hiện ra với chị Lucia, bằng cử chỉ một tay Người đặt lên vai của chị, còn tay kia Người đưa cho chị xem một Trái Tim đội một vòng gai nhọn. 

Lần thứ ba, ngày 13/6/1929, cũng để giữ đúng lời Mẹ hứa ngày 13/7/1917 về việc Mẹ sẽ trở lại để xin dâng hiến nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, Mẹ đã cùng với Chúa Giêsu tử giá hiện ra với chị Lucia, mà, theo chị diễn thuật lại thì: “Ở dưới cánh phải của thập giá có Đức Mẹ và Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội ở trong tay của Người. (Đó là Đức Mẹ Fatima cầm trong tay trái Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Người, trái tim không có lưỡi gươm hay hoa hồng, mà chỉ có triều thiên bằng gai và lửa” (FILOW:200).

Thế nhưng, đã được đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, đặc ân làm cho Mẹ không bị ảnh hưởng hay hậu quả gì do nguyên tội gây ra cho tất cả giòng dõi loài người, thì, làm sao đau thương lại là một hậu quả tất yếu của nguyên tội có thể chạm đến Trái Tim Mẹ được, có thể ảnh hưởng đến Trái Tim Mẹ được?

Nếu thực sự Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Đau Thương như thế thì tại sao Đau Thương và Đau Thương như thế nào?

Phải, theo nguyên tắc, trong cấp trật ân sủng, vì có trước mọi sự và mọi sự được dựng nên cho mình, Mẹ Maria đáng lẽ không liên quan gì đến nguyên tội cả, thế nhưng, trên thực tế, trong thời gian, được sinh ra bởi giòng dõi loài người đã bị hư đi vì nguyên tội, nếu không có ơn miễn trừ đặc biệt của Thiên Chúa, Mẹ Maria cũng nhiễm nguyên tội như thường.

Cũng thế, theo lý và ân sủng, với đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Maria, chẳng những, về luân lý, không có đam mê, nhục dục, tính hư, nết xấu, mà còn, về bản chất, không cực khổ khi làm việc và đau thương trong đời sống, tuy nhiên, trên thực tế, vì đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội là một đặc ân miễn trừ, dó đó, vào một lúc nào đó và vì một lý do nào đó, Thiên Chúa không miễn trừ nữa, Mẹ Maria vẫn có thể chịu Đau Thương như thường.

Tuy tác dụng của đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội nơi con người của Mẹ Maria và tác dụng của Thánh Sủng nơi con người của Kitô hữu, tuy giống nhau ở chỗ cũng là Ơn Thánh Hóa Mẹ cũng như Kitô hữu, song hoàn toàn khác hẳn nhau trong việc miễn trừ về phương diện tiêu cực gây ra bởi nguyên tội.

Trường hợp của Kitô hữu, vì đã nhiễm nguyên tội rồi mới được thánh hóa nhờ phép rửa, nên Thánh Sủng không hề miễn trừ cho họ khỏi mọi đam mê, nhục dục, tính hư, nết xấu theo bản tính tự nhiên, nghĩa là, họ vẫn còn khả năng phạm tội, đau khổ và chết.

Trường hợp của Mẹ Maria, vì Vô Nhiễm Nguyên Tội, nghĩa là được thánh hóa ngay từ khi mới đầu thai, không hề biết đến nguyên tội là gì, do đó, theo ân sủng, con người Mẹ đã được miễn trừ khỏi mọi hậu quả của nguyên tội, không phải chịu tác hại bởi nguyên tội.

Tuy nhiên, “không phải chịu” không có nghĩa là không có khả năng chịu, vì tự Mẹ, không phải như Chúa Giêsu, Đấng mà, với Thiên Tính, “Cha đã thánh hóa” (Gn 10:36)tự bẩm sinh, nên không thể chịu đau khổ và chịu chết, nếu chính Ngài “không tự ý bỏ nó (sự sống của Ngài) đi và có quyền bỏ nó đi” (Gn 10:18).

Vì còn có khả năng chịu Đau Thương như thế, khi không cần được miễn trừ nữa, theo ý muốn của Thiên Chúa, Mẹ vẫn có thể chịu Đau Thương như thường. Như trường hợp, nếu Chúa không miễn trừ nữa, tức không đặc biệt gìn giữ nữa, Mẹ cũng đã chết như mọi người, mà, theo đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ đáng lẽ không phải chịu như vậy. Tuy nhiên, nguyên do việc chết của Mẹ, vì đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, đã không gây ra bởi tự nhiên, mà hoàn toàn bởi siêu nhiên, bởi lòng mến Chúa, một lòng mến Chúa đã lên đến tuyệt đỉnh, đến nỗi, nếu không còn sự nâng đỡ đặc biệt của ân sủng, sức loài người sẽ không thể chịu được nữa.

Ngoài ra, với đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, dù Mẹ không có xu hướng và mầm mống phạm tội, trên thực tế, Mẹ vẫn có thể phạm tội, như trường hợp của hai nguyên tổ khi còn ở trong tình trạng công chính nguyên thủy, tình trạng mà phần hạ của các ngài vẫn còn lệ thuộc phần thượng của các ngài, đam mê chưa lấn át lý trí và ý chí. Mẹ vẫn có thể phạm tội là vì Mẹ có tự do và ý riêng, nếu Mẹ không chịu bỏ mình đi, bỏ sự sống của mình đi.

Tuy cũng có tự do (x.Gn 10:18) và ý riêng (x.Mc 14:36), “giống anh em mình mọi bề” (DT 2:17), Chúa Giêsu vẫn không thể “phạm tội” (DT 4:15), không thể làm trái với ý Cha là Đấng đã sai Ngài được, vì Thiên Tính của Ngài, ngay từ lúc nhập thể, đã hoàn toàn thánh hóa và làm chủ nhân tính, dùng nhân tính như dấu hiệu để tỏ mình ra và như bí tích để thông mình ra cho thế gian.

Phần nhân tính của Chúa Kitô, tự bẩm sinh được kết hợp với Thiên Tính ngay từ ban đầu như thế, có thể so sánh, như vỏ với nhân của một “hạt lúa miến” (Gn 12:24)được gieo xuống đất là thế gian, một lớp vỏ mục nát đi do nhân nẩy mầm, (chứ không phải nhân chỉ nẩy mầm nếu hạt mục nát trước đã, bằng không, nhân không thể nẩy mầm). “Cha ơi, đã đến giờ rồi! Xin hãy tôn vinh Con Cha để Con Cha cũng được tôn vinh Cha” (Gn 17:1), không phải là một phát biểu chứng tỏ nhân (tượng trưng cho Thiên Tính) nẩy mầm (tượng trưng cho việc tỏ mình ra của Thiên Tính) làm cho vỏ (tượng trưng cho nhân tính) mục nát đi (tượng trưng cho ảnh hưởng tuyệt đối của Thiên Tính là nhân nơi nhân tính là vỏ) hay sao?

Hạt Lúa Miến Thần Linh là Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể, đó thực sự đã được Chúa Cha gieo xuống đất (tượng trưng cho thế gian nói chung và nhân tính nói riêng). Mẹ Maria chính là mảnh đất đã lãnh nhận Hạt Lúa Miến Thần Linh này, và là một mảnh đất tốt duy nhất đã làm cho Hạt Giống này trổ sinh gấp trăm (x.Mt 13:23).

Dĩ nhiên, sự kết hợp giữa hạt giống và mảnh đất không thể nào mật thiết và duy nhất như sự kết hợp bẩm sinh giữa vỏ và nhân. Mẹ Maria được kết hợp với Chúa Giêsu, theo ân sủng, dù tới mức tuyệt đối, tới mức “gấp trăm”, hơn hết mọi thần thánh, mà mức độ ân sủng của các ngài, cao lắm, cũng chỉ “gấp sáu mươi” hay “ba mươi” mà thôi, Mẹ cũng không thể nào kết hợp với Chúa Giêsu một cách bẩm sinh như nhân tính của Ngài kết hợp với Thiên Tính của Ngài.

Do đó, hạt giống lệ thuộc vào đất trong việc nẩy sinh thế nào, Thánh Sủng nơi Kitô hữu cũng lệ thuộc vào bản tính tự nhiên của họ mà phát triển như vậy. Nếu bản tính của Kitô hữu càng là một mảnh đất tốt thì Thánh Sủng càng phát triển tối đa tầm vóc thần linh viên mãn của mình; bằng không, không sớm thì muộn, Thánh Sủng cũng sẽ bị chết đi, chứ không thể nào sống một cách èo uột hay ương ương dở dở được” (x.KH 3:16; Mt 12:30).

Chúa Kitô, Lời của Thiên Chúa nói với loài người trong những ngày sau hết này (x.DT 1:2), được gieo vào cung lòng Mẹ Maria và hoàn toàn lệ thuộc vào Mẹ trong việc tỏ mình và thông mình ra của Ngài. Tuy nhiên, mảnh đất Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội là một mảnh đất tuyệt hảo tốt, đã làm cho Lời Chúa gieo ở đó trổ sinh “gấp trăm”, nghĩa là, qua Mẹ Maria, Thiên Chúa, nơi Chúa Kitô, đã có thể tỏ hết và thông hết Mình ra, theo như ý định của Ngài.

Vì đất chủ động trong việc làm cho hạt giống trổ sinh nơi mình thế nào, (để nhờ đó, đất cũng được nhờ hạt giống trổ sinh hoa trái theo), Mẹ Maria cũng có trách nhiệm gần như chủ động trong việc tiếp nhận và điều dưỡng Con Thiên Chúa làm người như vậy.

Thiên Chúa toàn quyền đã chọn mảnh đất Vô Nhiễm Nguyên Tội Maria để gieo Lời Thần Linh của Ngài. Để thực hiện điều này, Ngài đã sai sứ thần của Ngài đi gieo Tin Mừng Giêsu cho tạo vật đệ nhất diễm phúc trong hết mọi thụ tạo là Đức Maria. Thiên sứ đến, theo lời lẽ của ngài, không phải để hỏi ý kiến của Mẹ là việc Thiên Chúa gieo Lời của Ngài nơi Mẹ có được hay chăng? Bởi vì, ý Chúa đã muốn và giờ Chúa đã điểm, là Ngài làm, còn tạo vật của Ngài có chấp nhận việc làm hay không là điều khác, Ngài vẫn để họ tự do và toàn quyền quyết định.

Đối với trường hợp của Mẹ Maria, Mẹ đã Xin Vâng. Nhưng, để Xin Vâng, để làm hài lòng Thiên Chúa chí tôn, vô cùng thiện hảo và chí ái, nếu nói ngược lại, để khỏi phật lòng Thiên Chúa, khỏi xúc phạm đến Ngài vì lòng kính sợ Ngài cũng vậy, Mẹ Maria đã phải hoàn toàn “bỏ sự sống mình” đi. Dầu sao, theo bản chất, việc bỏ sự sống của Mẹ này cũng là một Đau Khổ, tuy không bằng hay không giống như  Đau Khổ mà Chúa Kitô phải lãnh nhận trong vườn cầu nguyện khi Ngài than lên: “Tâm thần của Thày buồn sầu đến chết mất” (Mc 14:34), “Cha ơi, nếu được, xin cất chén này cho Con” (Mc 14:36). Phải, đây là trường hợp Đau Thương thứ nhất Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ phải chịu.

Thế rồi, trong cuộc đời làm Mẹ Chúa Cứu Thế, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ còn chịu những trường hợp Đau Thương khác nữa. Như khi thấy Chúa bắt đầu đổ ra những giọt máu đầu tiên trong công cuộc cứu chuộc nhân loại qua phép cắt bì. Như khi thấy Chúa tể càn khôn phải lẩn trốn cuộc sát hại của Hêrôđê. Như khi Chúa là ánh sáng sự sống duy nhất của linh hồn mình biến mất ba ngày liền trong đền thánh Giêrusalem. Như khi Chúa từ giã Mẹ sau 30 năm chung sống để ra đi hoàn tất ý Cha, Đấng đã sai Ngài. Như khi, nhất là, thấy Chúa là sự sống bị loài người yêu tối tăm hơn ánh sáng hành hạ và giết đi một cách vô cùng ô nhục và khốn nạn hơn cả một tội nhân kinh tởm nhất trên đời!

Theo mạch văn và ý văn của câu ông già Simeon nói, thì “Con Trẻ này (chẳng những) là duyên cớ cho nhiều người trong Israel vấp ngã hay chỗi dậy, (mà còn làm cho) Bà sẽ bị lưỡi gươm đâm thâu” (Lc 2:35) là như thế.

Về việc chịu Đau Thương, Mẹ Maria không phải chịu cực hình và tử giá nơi thân xác như Chúa Kitô. Nhưng, chính vì không còn ai yêu Chúa hơn Mẹ, không còn ai hiệp nhất với Chúa hơn Mẹ, không còn ai nhận biết Chúa hơn Mẹ, do đó, cũng không có ai Đau Thương hơn Mẹ trong công cuộc Đồng Công với Chúa để  cứu chuộc nhân loại như vậy.

Tất cả những gì Chúa Giêsu, Con chí tôn, chí ái của Mẹ chịu trên thân xác, thì Mẹ chịu trong lòng yêu của Mẹ, trong Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Đau Thương mà Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ chịu cùng với Chúa Giêsu ấy, còn cả thể và mênh mông hơn tất cả mọi khốn khổ của nhân loại, nhất là của các thánh tử đạo, từ khi hai nguyên tổ sa ngã cho đến tận thế hợp lại.

Chính nhờ Vô Nhiễm Nguyên Tội mà Mẹ Maria đã có thể chịu được hết mọi Đau Thương đến cùng tột vượt ngoài sức chịu đựng tự nhiên của bản tính nhân loại như thế, để có thể tái sinh nhân loại vào sự sống đời đời là Chúa Kitô, Đấng “là sự sống lại và là sự sống” (Gn 11:25) của họ và cho họ.

Ngược lại, cũng chính vì Đau Thương hầu như vô cùng đối với bản tính nhân loại này nơi Mẹ, mà Trái Tim Mẹ đã thật sự và hoàn toàn là Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Cho đến nay, mặc dầu Mẹ đã được Mông Triệu cả hồn lẫn xác, không còn Đau Thương như khi còn sống ở trên thế gian nữa, thế mà, theo mạc khải ở Fatima, với chị Lucia, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ vẫn còn Đau Thương, Đau Thương vì tội lỗi của loài người hằng giây hằng phút xúc phạm đến Chúa cũng như đến chính Mẹ, Người Mẹ đã yêu họ hơn chính mình và mạng sống mình là Chúa Kitô, khi hiến dâng Ngài làm của lễ đền bồi tình yêu nhưng không và phép công thẳng vô cùng của Thiên Chúa đối với họ.

Phải, chỉ khi nào Mẹ hết yêu Thiên Chúa và thương nhân loại, bấy giờ Mẹ mới hết Đau Thương. Chính Tình Yêu đã làm Mẹ Đau Thương.

Khi còn sống trên trần gian, cũng chỉ vì yêu Chúa và nhân loại, Mẹ đã thực sự cảm nghiệm được Đau Thương ngay nơi bản thân của Mẹ. Ngày nay, tuy Mẹ không còn thực sự cảm nghiệm thấy Đau Thương một cách cụ thể như khi còn ở trên trần gian, nhưng, vì yêu Chúa và nhân loại, Mẹ đã tỏ ra cho nhân loại thấy rằng Mẹ vẫn Đau Thương.

Thật vậy, “của ở đâu, lòng ở đó” (Mt 6:21). Nếu Mẹ yêu con cái Mẹ nói riêng và loài người nói chung, thì lòng Mẹ, Trái Tim Mẹ cũng ở đó với họ. Mà, họ còn ở trên thế gian, nơi lưu đày xa Chúa này, nơi họ còn có thể xúc phạm đến Chúa này, thì, dù Mẹ có đang ở trên Thiên Đàng đi nữa, lòng Mẹ, Trái Tim Mẹ, một cách siêu linh và thiêng liêng cũng vẫn còn ở với họ, vẫn không rời bỏ họ là những gì Thiên Chúa đã ban cho Mẹ cùng với Chúa Giêsu.

Do đó, khi loài người nói chung và con cái Mẹ nói riêng không nhận biết Mẹ và yêu mến Mẹ, Đấng thật sự là Mẹ của họ, Đấng đã sinh Chúa Giêsu cho họ và sinh họ cho Chúa Giêsu trong Ơn Thánh, Đấng hằng ở cùng họ và hằng cứu giúp họ, trái lại, còn vô ơn xúc phạm đến Mẹ, còn phạm thượng đến Mẹ, thì Trái Tim Mẹ hằng yêu thương họ và hằng ở với họ phải chịu Đau Thương một cách siêu linh và thiêng liêng (hợp với thể thức Mẹ ở với họ) là chừng nào.

Trái Tim Đau Thương của Mẹ Maria, như chị Lucia thị kiến ba lần, được biểu hiệu bằng Trái Tim đội mạo gai. Gai đâm vào Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ đây, theo như Đức Mẹ cắt nghĩa cho chị vào ngày 10/12/1925: “Hỡi con gái của Mẹ, hãy nhìn vào Trái Tim Mẹ đây bị vòng gai quấn chung quanh do những kẻ vong ân đâm vào từng giây từng phút bằng những tội phạm thượng và bội bạc của họ” (FILOW:195).

Phải, Trái Tim Mẹ Đau Thương hiện nay là do hai tội: “phạm thượng” và “bội bạc” của chính “những kẻ vong ân”.

“Những kẻ vong ân” đây, theo ý của Mẹ, là thành phần nào, nếu không phải là những kẻ đã được ơn mà không để ý đến ơn của Mẹ hay có biết cũng không đền đáp cho xứng đáng. Phải chăng họ là những người con của Mẹ, những người mệnh danh Kitô hữu, chi thể của Chúa Kitô, Đấng mà Mẹ đã sinh ra cho họ và đã hy hiến Ngài để họ được sống đời đời.

Thế mà, họ chẳng những không nhận biết Mẹ của họ, không yêu mến đền đáp Mẹ của họ, trái lại, “bội bạc” thì chớ, họ lại còn vào phe với kẻ thù là Satan đả kích Mẹ, hạ bệ Mẹ, lăng nhục Mẹ v.v. bao nhiêu có thể, hết cách có thể, bằng những lời lộng ngôn “phạm thượng” đến Mẹ, Đấng mà chính Thiên Chúa đã nâng lên, đã tôn vinh, đã ban chính Mình Ngài cho Mẹ, đã trở nên Con của Mẹ.

Tội lộng ngộn “phạm thượng” đến Mẹ của “những kẻ vong ân” đây, như Chúa Giêsu thầm tỏ cho chị Lucia biết vào đêm 29 rạng 30 tháng 5 năm 1930 (LS:238), có thể được tỏ ra qua 5 hình thức cụ thể sau đây:

1.- Lộng ngôn phạm đến Việc Đầu Thai Vô Nhiễm Tội của Mẹ;

2.- Lộng ngôn phạm đến Đức Đồng Trinh của Mẹ;

3.- Lộng ngôn phạm đến Chức Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Nhân Loại của Mẹ;

4.- Công khai gieo rắc vào lòng các thiếu nhi sự thờ ơ, dể duôi và thù ghết Mẹ Vô Nhiễm;

5.- Trực tiếp lăng nhục ảnh tượng Mẹ.

“Những kẻ vong ân” có biết chăng, khi họ khinh Mẹ là họ khinh Chúa, khi họ lăng nhục Mẹ là họ lăng nhục Mẹ Thiên Chúa, khi họ phạm đến Mẹ là phạm đến chính Thiên Chúa.

Trái Tim Mẹ Đau Thương không phải vì chính Mẹ bị xúc phạm cho bằng vì Thiên Chúa qua Mẹ đã bị xúc phạm. Lời kêu gọi Đau Thương cuối cùng của Mẹ tại Fatima là gì, nếu không phải là: “Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi” (FILOW:168).

 

 

Chương 16 - Đền Tạ Trái Tim Mẹ

Nếu Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ cần phải được “Tôn Sùng”, thì Trái Tim Đau Thương Mẹ cần phải được “Đền Tạ”.

Đúng thế, mục đích Mẹ hiện ra ở Fatima là để kêu gọi loài người “Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi” (FILOW:168). Do đó, đối với các linh hồn ưu tuyển con cưng của Mẹ, những Thiếu Nhi Fatima của Mẹ, những Tông Đồ Fatima của Mẹ, Mẹ chẳng những muốn họ ăn năn cải thiện đời sống, mà còn phải sống tinh thần đền tạ và làm việc đền tạ Thiên Chúa và Mẹ nữa.

Chính tinh thần và làm việc đền tạ này làm chứng họ thực sự “nhận biết” và “yêu mến” Mẹ hơn ai hết và hơn bao giờ hết. Bởi vì, chỉ có những người yêu nhau thật sự và tha thiết mới cảm thông được đau thương của nhau. Nhờ cảm nghiệm được đau thương của người mình yêu như là của mình, họ sẽ tìm hết cách để an ủi, để xoa dịu, để chia sẻ với người mình yêu. Đó chính là ý nghĩa của lời Chúa Giêsu vừa than thở vừa kêu gọi những linh hồn thân tín của Ngài qua chị Lucia ngày 10/12/1925:

“Hãy thương đến Trái Tim Mẹ rất thánh của con bị đội mạo gai do những kẻ vô ơn liên lỉ đâm vào mà không có ai làm việc đền tạ để gỡ những gai ấy ra”(FILOW:195).

Về tinh thần đền tạ,Chúa Giêsu và Đức Mẹ muốn những ai làm việc đền tạ phải có chủ ý đền tạ rõ ràng và chủ ý đó phải làm chủ việc đền tạ của họ.

Vào lần hiện ra thứ ba ở Fatima, 13/7/1917, Đức Mẹ đã dạy 3 Thiếu Nhi Fatima lời nguyện “mỗi khi làm một việc hy sinh: 'Ôi Chúa Giêsu, vì yêu Chúa, cho tội nhân ăn năn trở lại, và để đền tạ tội lỗi đã xúc phạm đến Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria'” (FILOW:162).

Phần Chúa Giêsu, ngày 15/2/1926, đã hiện ra với chị Lucia qua hình ảnh một em nhỏ để hỏi chị về việc truyền bá những gì Mẹ Ngài đã dặn chị, cuối cùng Ngài nói:

“Hỡi con, thật thế, nhiều linh hồn bắt đầu giữ Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng, song chỉ có một số ít hoàn tất những ngày này thôi, vả lại, những kẻ hoàn tất những ngày này lại chỉ có ý nhận lãnh những ơn ích được hứa cho họ bởi đấy mà ra. Họ sẽ làm hài lòng Cha hơn nếu họ giữ 5 ngày này sốt sắng với ý đền tạ Trái Tim Mẹ của các con trên trời, hơn là họ đọc 15 chục kinh một cách ơ hờ lãnh đạm” (FILOW:197).

Về công việc đền tạ, Đức Mẹ và Thiên Thần đã đề cập đến những việc như hy sinh và giữ các Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng; rồi trong Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng, để đền tạ, cần phải làm những việc như xưng tội, rước lễ, lần hạt 50 kinh Mân Côi và suy gẫm 15 mầu nhiệm Mân Côi trong vòng 15 phút.

ĐỀN TẠ BẰNG VIỆC HY SINH.

Thiên Thần đã hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima lần thứ hai vào mùa hè năm 1916 và dạy cho các em rằng: “Hãy làm mọi sự có thể để hy sinh dâng lên Thiên Chúa như một việc đền tạ tội lỗi mà Ngài bị xúc phạm ...” (FILOW:152).

Ngay lần hiện ra đầu tiên với 3 Thiếu Nhi Fatima, ngày 13/5/1917, Đức Mẹ đã đặt vấn đề với các em là:

“Các con có sẵn lòng dâng chính mình các con cho Chúa để chịu mọi đau khổ Ngài sẽ gửi đến cho các

con, như một việc đền tạ tội lỗi mà Ngài đã bị xúc phạm không?”(FILOW:158). Các em đã đồng thanh trả lời ngay với Đức Mẹ rằng: “Vâng, chúng con sẵn sàng” (FILOW:158).

Thế là, bắt đầu ngay sau lần hiện ra này, con người và cuộc đời của các em thực sự đã trở thành của lễ hy sinh bằng những hãm mình tự chọn cũng như bằng những chịu đựng trái ý Chúa gửi đến cho các em, như bệnh tật về phần xác nơi hai anh em Phanxicô và Giaxinta, như ,khổ tâm phần hồn nơi Lucia, như công kích chung quanh cho cả 3 em v.v. Để rồi, vào lần hiện ra áp chót, ngày 13/9/1917, Đức Mẹ đã cho các em biết: “Thiên Chúa hài lòng về những hy sinh của các con” (FILOW:168).

ĐỀN TẠ BẰNG VIỆC GIỮ CÁC NGÀY THỨ BẢY ĐẦU THÁNG. 

Nếu việc hy sinh, đối với các con Mẹ, cần thiết trong việc Đền Tạ thế nào, thì, đối với Mẹ, giữ các Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng là việc trọng đại trong việc Đền Tạ này như vậy.

Vào lần hiện ra thứ ba, 13/7/1917, Đức Mẹ hầu như đã liên kết việc giữ các Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng và việc Đền Tạ lại với nhau, khi Mẹ nói với 3 Thiếu Nhi Fatima: “Để ngăn ngừa điều này (hình phạt của Thiên Chúa), Mẹ sẽ đến xin... rước lễ đền tạ vào các Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng” (FILOW:162).

Tại sao việc Giữ Các Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng lại quan trọng đối với Mẹ như vậy, lại là một việc làm có tính cách Đền Tạ như vậy?

Đức Mẹ đã mạc khải đời sống trần gian của Mẹ cho chị nữ tu Maria D'Agreda vào thế kỷ 17, và chị, trong vòng 10 năm, từ 1655 đến 1665, đã viết lại thành cuốn City of God, một cuốn sách đã được chính các vị giáo hoàng, như Innocent XI, Alexander VIII, Clement IX, Benedict XIII, Benedict XIV và Clement XIV

công nhận, cho phép in và khuyến khích đọc. Ở cuốn 1, chương 15, Đức Mẹ đã cho chị nữ tu này biết rằng thân xác Mẹ bắt đầu được thụ thai trong lòng bà thánh Anna, mẹ của Người, vào chính Ngày Chúa Nhật trong tuần. Và, theo tự nhiên, thay vì thông thường là 40 ngày đối với phái nam hay 80 ngày đối với phái nữ, linh hồn của Mẹ đã được Chúa dựng nên và phú vào thân xác Mẹ chỉ trong vòng bảy ngày sau đó, nghĩa là linh hồn Mẹ nói riêng và cả con người Mẹ nói chung bắt đầu hiện hữu trên trần gian vào Ngày Thứ Bảy. Mà, ngày linh hồn Mẹ nhập vào thân xác của Mẹ cũng là ngày Mẹ được lãnh nhận đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Do đó, Ngày Thứ Bảy là Ngày của Mẹ, Ngày biệt kính đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, Ngày Mẹ qúi trọng và kêu gọi con cái Mẹ kính nhớ và cử hành đặc biệt là như thế.

“Mẹ sẽ đến để xin hiệp thông đền tạ vào Các Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng”. Mẹ đã nói với 3 Thiếu Nhi Fatima ngày 13/7/1917 là thế. Nhưng, vào lần hiện ra ngày 10/12/1925, Mẹ đã ấn định số “Các Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng” này là 5: “Ít là con hãy an ủi Mẹ. Mẹ hứa vào trong giờ lâm tử sẽ ban ơn cứu giúp cho phần rỗi của những ai trong 5 Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng liền, xưng tội, chịu lễ, lần 50 kinh Mân Côi, và suy gẫm 15 mầu nhiệm Mân Côi trong 15 phút, với ý đền tạ Mẹ” (FILOW:195).

“Tại sao lại là 5 mà không là 9 hay 7 để kính những sự Đau Thương của Đức Mẹ?” cha Goncalves, tháng 5 năm 1930, đã hỏi chị Lucia 6 câu hỏi về những gì liên quan đến thị kiến ngày 10/12/1925 này, trong đó có câu hỏi trên. Ngày 12/6/1930, cùng với các câu trả lời khác, chị Lucia đã trả lời câu hỏi này là, theo như Chúa Giêsu cho chị biết trong âm thầm, Trái Tim Mẹ cần phải đền tạ trong 5 Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng liền là vì Trái Tim Mẹ đã bị phạm đến bởi 5 tội sau đây:

1.- Lộng ngôn phạm đến Ơn Vô Nhiễm Thai của Mẹ;

2.- Lộng ngôn phạm đến Đức Trinh Khiết của Mẹ;

3.- Lộng ngôn phạm đến Chức Thiên Chúa Thánh Mẫu cũng như Chức Mẹ Nhân Loại của Mẹ;

4.- Công khai gieo vào lòng những con trẻ sự thờ ơ, khinh dể và thù ghét Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội;

5.- Lăng nhục Mẹ nơi các ảnh tượng Mẹ.

ĐỀN TẠ BẰNG VIỆC XƯNG TỘI TRONG NGÀY THỨ BẢY ĐẦU THÁNG.

Đối tượng của việc đền tạ trong Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng này là Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, một Trái Tim đội mạo gai “bội bạc và phạm thượng” của thành phần vong ân. Vậy, để phần nào xứng đáng đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, một Trái Tim tuyệt hảo Thánh Thiện này, con người đền tạ cũng cần phải càng sạch tội bao nhiêu có thể.

Vấn đề “sạch tội” để xứng đáng làm việc đền tạ ở đây, theo ý Thiên Chúa, là chủ ý ăn năn thống hối và chừa cải của họ, bằng cách họ thật lòng ước muốn xưng tội là đủ, nếu chỉ vì ngăn trở không thể đi xưng thú ngay trong Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng đó. Chúa Giêsu đã trả lời cho chị Lucia về nỗi lo lắng của một số người khó lòng đi xưng tội vào Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng như điều lệ Mẹ ra, là: “Phải, cũng có thể lâu hơn thế (8 ngày trước hay sau chính Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng đáng lẽ phải xưng tội) cũng được, miễn là khi họ rước lấyCha,họ ở trong tình trạng ơn thánh và có ý làm việc để đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria” (FILOW:196).

Ngoài ra, nếu đối tượng của việc đền tạ là Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, thì lý do của việc đền tạ này là vì tội lỗi chung của loài người, nhất là tội “bội bạc và phạm thượng” của riêng “thành phần vong ân”. Do đó, người đền tạ là người tự cảm thấy có trách nhiệm phải làm sao để bù đắp lại những sự xúc phạm, để cho những xúc phạm đó bớt đi hay hết đi, mà chính mình lại không hơn gì những người mà họ cần phải đền thay, yêu thế đó, thì việc họ đền tạ đâu còn ý nghĩa gì nữa. Điều kiện cần phải “xưng tội” trong Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng, Ngày của Mẹ, còn ở chỗ này nữa vậy. Trong những lần đề cập đến việc “đền tạ” Chúa hay Đức Mẹ, Thiên Thần và Đức Mẹ không kèm theo việc “bù Đắp” cho các tội nhân là gì.

Vào lần hiện ra thứ hai năm 1916, Thiên Thần đã dạy 3 Thiếu Nhi Fatima: “Hãy tìm mọi hy sinh có thể để dâng cho Thiên Chúa như việc đền tạ tội lỗi mà Ngài bị xúc phạm và để cầu cho tội nhân ăn năn trở lại” (FILOW:152).

Vào lần hiện ra đầu tiên, ngày 13/5/ 1917, Đức Mẹ đã hỏi 3 Thiếu Nhi Fatima: “Các con có tình nguyện hiến mình cho Thiên Chúa để chịu đựng mọi đau khổ Ngài sẽ gửi đến cho các con như việc đền tạ vì tội lỗi mà Ngài bị xúc phạm và như  lờikhẩn nguyện cho tội nhân ăn năn trở lại không?” (FILOW:158).

ĐỀN TẠ BẰNG VIỆC RƯỚC LỄ VÀO CÁC NGÀY THỨ BẢY ĐẦU THÁNG.

Một khi người ta xúc phạm đến Mẹ nói chung và đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ nói riêng, nói một cách chính xác hơn, một khi người ta xúc phạm đến Mẹ là xúc phạm đến đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, vì tự bản chất bẩm sinh, Mẹ "là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội", như Mẹ đã tự xưng với chị thánh Bernadetta ngày 25/3/1858 ở Lộ Đức. Xúc phạm đến Mẹ là xúc phạm đến Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội. Xúc phạm đến Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội là xúc phạm đến Thiên Chúa, Đấng phản ảnh chính Mình Ngài là Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, nơi Mẹ qua mặt gương Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Thiên Chúa là Đấng đã ban cho Mẹ đặc ân tuyệt vời này và cũng là Đấng nhập thể trong cung lòng Tạo Vật “đầy ơn phúc” được đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội này. Thánh Thể của Chúa Giêsu, tức Mình Thánh và Máu Thánh của Ngài không phải là hoa trái của cung lòng Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội hay sao?

Nếu Con Thiên Chúa nhập thể là Chúa Giêsu, Đấng hiến mình làm giá chuộc muôn dân và làm của nuôi thần linh cho chiên được sống toàn vẹn hơn, lại được sinh ra bởi một tạo vật nhiễm nguyên tội, tức tạo vật bị làm tôi cho Satan, cho thần chết, như “thành phần vô ơn” chủ trương qua việc “phạm thượng” đến Mẹ cũng chính “là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”, thì không phải là họ đã xúc phạm đến chính Thiên Chúa, Đấng vô cùng toàn thiện, toàn tri và toàn năng hay sao, cũng như họ đã xỉ nhục Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng được Mẹ thụ thai và sinh hạ hay sao?

Rước lấy Chúa Giêsu Thánh Thể trong Ngày của Mẹ, Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng, Ngày kính Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, chính là một việc “đền Tạ” cả Đức Mẹ lẫn Thiên Chúa cũng như Chúa Giêsu Thánh Thể là thế.

Rước Chúa Giêsu Thánh Thể chính là một hành động tỏ ra cảm thông với sự xỉ nhục của Chúa và hiệp thông với sự đau khổ của Ngài, Đấng đã bất chấp tất cả mọi sự để được ở lại với chung Giáo Hội trong Bí Tích Thánh Thể và với từng chi thể của Ngài khi họ rước lấy Ngài.

Rước Chúa Giêsu Thánh Thể còn là một hành động tỏ ra “nhận biết” đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria là Người Nữ đã thụ thai và hạ sinh Ngài, Đấng đã ban Bánh bởi Trời là Thịt Ngài và Máu Ngài làm của nuôi sống thế gian (x.Gn 6:51).

Vào lần hiện ra thứ ba, khoảng cuối tháng chín, đầu tháng mười năm 1916, cầm trên tay chén thánh để hứng những giọt Máu Thánh từ Bánh Thánh, rồi sấp mình phục xuống đất trước Chén Thánh và Mình Thánh lơ lửng trên không, Thiên Thần đã thờ lạy Chúa khi đọc ba lần lời nguyện: 

“Lạy Chúa Ba Ngôi chí thánh là Cha và Con và Thánh Thần, Con sấp mình thờ lạy Chúa và dâng lên Chúa Mình Máu rất châu báu cùng linh hồn và Thiên Tính Chúa Giêsu Kitô đang ngự trong tất cả các nhà tạm trên khắp thế giới, để đền tạ những lăng nhục, phạm thánh và thờ ơ lãnh đạm mà chính Người đã bị xúc phạm. Và, vì công nghiệp bao la của Trái Tim Chí Thánh Người và Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, con van xin Chúa ban cho các tội nhân đáng thương ơn ăn năn trở lại” (FILOW:152).

Sau đó, Thiên Thần cho Lucia rước Mình Thánh rồi cho hai anh em Phanxicô và Giaxinta rước Máu Thánh mà nói: “Hãy nhận lấy Mình và hãy uống Máu Chúa Giêsu Kitô bị xỉ nhục vì những kẻ vong ân bội nghĩa. Hãy đền bồi tội lỗi của họ và hãy an ủi Thiên Chúa của các em” (FILOW:153-154).

Việc làm này của Thiên Thần, sấp mình thờ lạy Mình Máu Thánh Chúa Kitô, nhất là việc ngài cho các em chịu Mình Máu Thánh Chúa với lời nguyện đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể cũng đủ nói lên sự liên hệ mật thiết giữa việc rước lễ và đền tạ, rước lễ để đền tạ và đền tạ bằng cách rước lễ.

Tuy Đức Mẹ không đề cập đến điều kiện dự lễ trong Ngày Thứ bảy Đầu Tháng, nhưng, một khi rước lễ, những người muốn cử hành Ngày của Mẹ một cách trọn hảo và hết sức sốt sắng, cũng không thể nào bỏ qua việc dự lễ. Chúa Giêsu Thánh Thể chính là của lễ “đền Tạ” Chúa Cha tuyệt hảo nhất. Với huyết nhục được thụ thai và sinh ra bởi cung lòng trinh nguyên Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Chúa Giêsu đã tự hiến mình làm giá chuộc muôn dân, tức để “bù đắp” cho loài người nói chung, mà Người là trưởng tử (x.Col1:15) và Giáo Hội của Ngài nói riêng, mà Người là Đầu (x.Eph 1:22).

Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể không những là để ở cùng Giáo Hội của Người cho đến tận thế và để nuôi dưỡng các phần tử của Giáo Hội là chi thể của Người, mà còn để hiệp với Nhiệm Thể của Người là chung Giáo Hội và từng chi thể Giáo Hội, tế lễ Chúa Cha, trong việc chúc tụng, tạ ơn, đền tạ và nguyện cầu với Ngài. Của lễ dâng lên Chúa Cha để “đền tạ” Ngài đây chính là hoa trái của trái đất (biểu hiệu cho nhân tính của con người nơi Mẹ Maria) và lao công của con người (biểu hiệu cho tinh thần tận hiến và tuân phục của con người nơi Mẹ Maria).

Chính con người đã xúc phạm đến Thiên Chúa, thì của lễ “đền tạ”cũng phải là những gì của họ. Chúa Giêsu đã ban mình cho con người nói chung và Giáo Hội nói riêng là để họ làm như Người đã làm mà nhớ đến Người, đó là cử hành việc Người chịu chết và sống lại cho tới khi Người lại đến. Qua việc cử hành mầu nhiệm thánh của Giáo Hội này, một cách bí tích, Chúa Giêsu liên hiệp với Giáo Hội, nhất là với những chi thể gắn bó với Người qua Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, để “đền tạ” Chúa Cha, Đấng đã yêu thế gian đến ban Người cho thế gian nhờ Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. 

ĐỀN TẠ BẰNG VIỆC LẦN HẠT MÂN CÔI. 

Nếu Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria là đối tượng cho thành phần vong ân phạm thượng, thì Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, để đền tạ một cách tương xứng, cũng phải được nhận biết bằng việc tuyên xưng và chúc tụng Mẹ “đầy ơn phúc”.

Ở đây hình như Đức Mẹ muốn phân biệt kinh Mân Côi và mầu nhiệm Mân Côi. Nếu không, tại sao Mẹ lại đưa hai điều kiện khác nhau, điều kiện trước là đọc kinh Mân Côi và điều kiện tiếp theo là suy gẫm mầu nhiệm Mân Côi. Phải chăng Mẹ muốn nhấn mạnh đến tính cách và ý nghĩa của lời kinh Mân Côi đã, rồi mới đến tinh thần và cốt lõi của kinh Mân Côi là các mầu nhiệm?

Hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima tất cả là 6 lần, về điều kiện “lần hạt Mân Côi”, trừ lần thứ năm, lần nào Đức Mẹ dùng chữ “hằng ngày” kèm theo nhóm chữ “lần hạt Mân Côi”. Và, mục đích của điều kiện “lần hạt Mân Côi” này, theo Đức Mẹ cho các em biết vào lần hiện ra thứ nhất, là để “cầu cho hòa bình thế giới và chấm dứt chiến tranh”, lần thứ năm là để “chấm dứt chiến tranh”, và lần thứ ba là để “tôn kính Đức Mẹ Mân Côi”.

Hình như đã nói đến Đức Mẹ Mân Côi là nói đến chiến thắng, đến hòa bình. Theo lưu truyền, thánh Đa Minh đã chẳng dùng kinh Mân Côi như khí giới vô địch Đức Mẹ ban cho ngài để chinh phục bè rối Albigensê mà lời giảng của ngài trước đó đã phải chịu đầu hàng. Ngoài ra, đạo quân Hồi Giáo hùng hậu đã chẳng thảm bại ở Lêpantô trước cuộc tấn công bằng tràng kinh Mân Côi của tín hữu Công Giáo năm 1571 hay sao? Lễ Đức Mẹ Mân Côi được Giáo Hội lập nên để kỷ niệm chiến thắng ở Lêpantô này.

Thế giới không thể nào có hòa bình nếu con người không ăn năn cải thiện đời sống. Vì mầm mống chiến tranh có thể bùng lên bất cứ lúc nào từ ngọn lửa ghen ghét nhau, hận thù nhau, là những phản ứng không thể tránh, những phản ứng gây ra bởi óc kiêu ngạo, của lòng tự ái, của tính vị kỷ bẩm sinh nơi con người tự nhiên. 

Thế nhưng, với khuynh hướng vốn “yêu tối tăm hơn ánh sáng” (Gn 3: 19) và với “bản chất thì yếu nhược” (Mc 14:38), con người sẽ không bao giờ có thể tự mình cải thiện đời sống được, nếu không có “Đức Mẹ Mân Côi”, tước hiệu mà Mẹ đã tuyên bố với 3 Thiếu Nhi Fatima vào lần hiện ra cuối cùng ở Fatima.

Đọc kinh Mân Côi chẳng những là hợp cùng và thay cho mọi tạo vật tuyên nhận và “muôn đời chúc tụng” (Lc 1:48) Mẹ:

- “Đầy ơn phúc”,

- Đầy-ơn-phúc “hơn mọi người nữ”, hơn mọi tạo vật trên trời dưới đất,

- Đầy-ơn-phúc vì “Đức Chúa Trời ở cùng Bà”,

- Đầy-ơn-phúc ở tại “Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ”.

Đọc kinh Mân Côi còn là thú nhận mình “là kẻ có tội”, và thiết tha van xin với “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời... khi nay và trong giờ lâm tử”.

Đọc kinh Mân Côi là hợp cùng với Mẹ “ngợi khen Thiên Chúa” (Lc 1:46): “Lạy Cha chúng con ở trên trời. Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6:9-10).

Đọc kinh Mân Côi là tạ ơn Thiên Chúa với Mẹ và cho Mẹ, Đấng “đã thương đến phận thấp hèn tôi tớ Chúa” (Lc 1:48) là Mẹ, Đấng “đã làm những điều trọng đại” (Lc 1:49) nơi Mẹ.

Vào những lần hiện ra ở Lộ Đức, Mẹ cũng lần hạt Mân Côi với chị Bernadet, bằng cách dùng ngón tay của

Mẹ đẩy từng hột của chuỗi Mân Côi đi theo mỗi kinh Kính Mừng mà chị đọc, cho đến hết chục kinh thì Mẹ mới đọc chung với chị: “Sáng Danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng, và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen”.

Chính vì kinh Mân Côi, bao gồm kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh, nói lên ý nghĩa “nhận biết” và tính cách “tuyên tụng” chính đáng và chân thật như thế, nó mới có thể bù đắp và đền tạ thỏa đáng những “bội bạc và phạm thượng” của thành phần “vong ân” hằng xúc phạm đến Mẹ, đến Chúa Giêsu Thánh Thể và đến Cha ở trên trời. Lại nữa, kinh Mân Côi, ngoài việc đền tạ Chúa và Đức Mẹ, còn có tác dụng cứu các linh hồn tội nhân đáng thương, ở chỗ, sau mỗi chục kinh, Đức Mẹ còn dạy 3 Thiếu Nhi Fatima ngày 13/7/1917 đọc thêm lời nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục. Xin đem các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn” (FILOW:162,166).

ĐỀN TẠ BẰNG VIỆC SUY GẪM 15 MẦU NHIỆM MÂN CÔI 15 PHÚT.

Suy gẫm 15 mầu nhiệm Mân Côi trong vòng 15 phút, trung bình mỗi mầu nhiệm là 1 phút, với ý chỉ đền tạ Mẹ, được kể là một trong những việc cử hành Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng, Ngày của Mẹ. Phải chăng, là vì, tội “lộng ngôn” phạm đến Mẹ có thể đền bù bằng kinh Mân Côi là kinh có ý nghĩa nhận biết và chúc tụng Mẹ thế nào, thì tội “bội bạc” cũng có thể được đền bù bằng cách suy gẫm mầu nhiệm kinh Mân Côi như vậy.

Suy gẫm mầu nhiệm kinh Mân Côi là gì, nếu không phải là nhớ đến những gì Thiên Chúa đã làm cho nhân loại nói chung và cho Giáo Hội nói riêng, nơi Chúa Giêsu và qua Mẹ Maria.

Vẫn biết tác động “nhớ đến” cũng chưa chắc là việc hoàn toàn tỏ ra “biết ơn”, để có thể bù lại tội “bội bạc” mà Đức Mẹ phải chịu bởi thành phần “vong ân”. Tuy nhiên, để cử hành trọn vẹn Ngày Thứ Bảy của Mẹ, con cái của Mẹ còn phải làm những việc khác nữa, như xưng tội, rước lễ và lần hạt 50 kinh Mân Côi. Do đó, việc suy gẫm hay nhớ đến toàn bộ 15 mầu nhiệm Mân Côi cũng vậy, được thi hành với ý đền tạ Mẹ và với những việc làm như Mẹ muốn như thế, chắc chắn nó sẽ là một việc làm mang ý nghĩa và tính cách “biết ơn”, có tác dụng bù đắp tội “bội bạc” mà Mẹ phải chịu.

Mầu Nhiệm Mân Côi được chia ra làm ba phần, Vui, Thương và Mừng, tương hợp với bộ kinh Mân Côi là Kính Mừng, Lạy Cha và Sáng Danh. Năm Mầu Nhiệm Vui tương hợp với kinh Kính Mừng. Năm Mầu Nhiệm Thương tương hợp với kinh Lạy Cha. Và, năm Mầu Nhiệm Mừng tương hợp với kinh Sáng Danh.

Mỗi mầu nhiệm Mân Côi cũng như toàn bộ mầu nhiệm Mân Côi bao gồm các vai chính sau đây: Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô và Mẹ Maria. Có thể được thâu tóm như sau:

THIÊN CHÚA (Gal 4:4-7)

Mầu Nhiệm Vui: “Đến thời gian ấn định, Thiên Chúa sai Con Ngài đến sinh bởi một Người Nữ, sinh ra theo lề luật,”

Mầu Nhiệm Thương: “để giải thoát khỏi lề luật những kẻ phải thuận phục nó, ngỏ hầu chúng ta mang lấy thân phận làm dưỡng tử”

Mầu Nhiệm Mừng: “Anh em thật là con cái ở tại việc Thiên Chúa sai xuống tâm hồn anh em Thần Trí Con của Ngài, kêu lên 'Abba', (Lạy Cha). Anh em không còn là nô lệ song là con cái! Vì là con, anh em cũng là những kẻ thừa tự theo ý muốn của Thiên Chúa”.

CHÚA GIÊSU KITÔ (Phil 2:6-11)

Mầu Nhiệm Vui: “Tuy thân phận là Thiên Chúa, song Người không tự cho mình đồng hàng với Thiên Chúa là điều cần phải chiếm cho được. Người đã tự hủy ra như không, mặc lấy thân phận tôi đòi, sinh ra theo hình ảnh người ta”

Mầu Nhiệm Thương: “Người tự hạ vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá”

Mầu Nhiệm Mừng: “Do đó, Thiên Chúa đã tôn vinh Người và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu. Để mọi đầu gối trên trời dưới đất phải qùi xuống trước tên Giêsu, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng vinh quang Thiên Chúa là Cha: Giêsu Kitô là Chúa”

ĐỨC MẸ MARIA

Mầu Nhiệm Vui: “Trinh Nữ đã được ơn nghĩa trước mặt Chúa. Trinh Nữ sẽ thụ thai và hạ sinh một con trai, rồi đặt tên cho Người là Giêsu” (Lc 1:30-31).

Mầu Nhiệm Thương: “Con Trẻ này sẽ là duyên cớ cho nhiều người trong Israel bị vấp ngã và chỗi dậy, là dấu hiệu bị chống đối, và chính cô sẽ bị một lưỡi gươm đâu thâu qua làm cho tâm tưởng nhiều người lộ ra” (Lc 1:34-35)

Mầu Nhiệm Mừng: “Một điềm lạ xuất hiện trên không trung, một Người Nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai tinh tú” (KH 12:1).

Suy gẫm các mầu nhiệm Mân Côi là nhớ đến Chúa và Đức Mẹ, là cách nhớ ơn các Ngài, đền tạ các Ngài và bù đắp tội “bội bạc” của thành phần “vong ân”.

Suy gẫm mầu nhiệm Mân Côi là nhớ ơn Chúa Cha, Đấng “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài” (Gn 3:16), “Đấng đã không tha cho Con Một Mình” (Rm 8:32), Đấng đã “tiền định (cho những kẻ Ngài biết trước) được thông phần hình ảnh Con Một của Ngài” (Rm 8:29).

Suy gẫm mầu nhiệm Mân Côi là nhớ ơn Chúa Giêsu Kitô, Đấng “tuy là Con, song Người cũng biết tuân phục nơi những gì Người chịu, để khi thành toàn, Người đã trở nên căn nguyên cứu độ đời đời cho những kẻ tín phục Người” (DT 5:8-9).

Suy gẫm mầu nhiệm Mân Côi là nhớ ơn Mẹ Maria, Đấng “không biết đến nam nhân” (Lc 1:34), song vẫn “Xin Vâng” (Lc 1:38) trong việc “thụ thai và hạ sinh ... Con Đấng Tối Cao” (Lc 1:31-32), để “lời Chúa phán cùng Người được thực hiện” (Lc 1:45).

Tóm lại,

Đền Tạ Trái Tim Mẹ, như Mẹ muốn, là ở tại hy sinh và cử hành, nếu không muốn nói là thánh hóa các Ngày Thứ Bảy đầu Tháng, Ngày của Mẹ, Ngày kính đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, bằng các việc như xưng tội, rước lễ, lần hạt Mân Côi và suy gẫm các mầu nhiệm Mân Côi.

 

Chương 17 - Trái Tim Mẹ Cứu Rỗi

Nếu “Vô Nhiễm Nguyên Tội” là bản chất của Trái Tim Mẹ và “Đau Thương” là đặc tính của Trái Tim Mẹ, thì “Cứu Rỗi” là sứ mệnh của Trái Tim Mẹ.

Với đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, Trái Tim Mẹ không phải chịu Đau Thương cũng được, song vẫn không thể nào không Cứu Rỗi. Truyền giáo tuy không phải là Giáo Hội, làm nên Giáo Hội, thế nhưng, nếu không truyền giáo, Giáo Hội không phải là Giáo Hội của Chúa Kitô nữa. Cũng thế, Cứu Rỗi tuy không phải là chính bản chất của Trái Tim Me, làm nên Trái Tim Mẹ như đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, nhưng, nếu không Cứu Rỗi, Trái Tim Mẹ sẽ không phải là Trái Tim Mẹ nữa, hay, nói cách khác,  Mẹ Maria không phải là Mẹ Maria nữa.

Vào lần hiện ra thứ ba, ngày 13/7/1917, sau khi cho 3 Thiếu Nhi Fatima xem thấy hỏa ngục, Mẹ nói với các em: “Các con vừa trông thấy hỏa ngục, nơi các linh hồn đáng thương rơi vào. Để cứu họ, Thiên Chúa thiết lập trên thế giới lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Tôi Mẹ. Nếu điều Ta nói với các con được thực hiện, nhiều linh hồn sẽ được cứu rỗi và sẽ có bình an” (FILOW:162).

Thật vậy,

Trái Tim Mẹ có công, có quyền và có cách cứu rỗi chung loài người cũng như riêng từng người.

 TRÁI TIM MẸ CÓ CÔNG CỨU RỖI.

Thật ra, nếu không có Chúa Giêsu Kitô, “Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại” (1Tim 2:5), chính bản thân, Mẹ còn chưa cứu được mình, huống chi là nhân loại. Thế nhưng, cũng chính vì Chúa Giêsu mà Mẹ có. Nên, trong Chúa Giêsu, Con Mẹ, Mẹ đã được Vô Nhiễm Nguyên Tội. Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội đã làm Mẹ đầy Thiên Chúa ngay từ khi được đầu thai trong lòng mẹ của mình. Tất cả mọi việc Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội làm, liên lỉ tăng lên, theo kiểu nói của Chúa Giêsu, “gấp trăm” (Mt 13:23).

Chẳng hạn, ngay giây phút đầu tiên trong đời, nghĩa là, ngay từ lúc linh hồn của Mẹ được Thiên Chúa phú nhập vào thân xác của Mẹ, Mẹ “đầy ơn phúc” ở mức độ vượt trên mọi bậc thần thánh hợp lại. Thí dụ, mức độ “đầy ơn phúc” của tất cả mọi thần thánh hợp lại, (nếu các thánh không “đầy ơn phúc” theo ơn gọi của mình, các ngài đã không phải là thánh, đã không có khả năng để hưởng Thiên Nhan Chúa đời đời ở trên trời), là 1, thì mức độ “đầy ơn phúc” của Mẹ là 100.

Vì Mẹ “đầy ơn phúc” ngay từ ban đầu, chứ không phải vào lúc kết thúc cuộc đời như trường hợp các thánh, do đó, mỗi hơi thở của lồng ngực Mẹ, mỗi nhịp đập của con tim Mẹ, mỗi cử động của thân mình Mẹ, mỗi ý nghĩ trong đầu của Mẹ, mỗi ước muốn trong lòng của Mẹ v.v. đều chứa đầy Thiên Chúa, đều tràn đầy trọn lành. Đến nỗi, có thể so sánh, nếu ơn phúc nơi các thánh tăng theo cấp số cộng, như từ 1 đến 2, 2 đến 4, 4 đến 8, 8 đến 16, 16 đến 32 v.v. thì mức độ “đầy ơn phúc” không bao giờ suy giảm của Mẹ khi còn sống trên đời sẽ tăng lên vòn vọt, theo cấp số nhân, như từ 100 đến 10.000, từ 10.000 đến 100.000.000 v.v. Cứ thế, mức độ “đầy ơn phúc” của Mẹ tăng tới mức mà, nếu không có Thiên Chúa làm phép lạ đặc biệt nâng đỡ một cách phi thường thì Mẹ đã chết bất cứ lúc nào rồi vậy.

Đằng này, Mẹ chẳng những không chết, trái lại, mức độ “đầy ơn phúc”, đầy Thiên Chúa, Đấng “ở cùng Mẹ” (Lc 1:28), từ linh hồn Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ lại trào ra cả thân xác Trinh Nguyên của Mẹ, làm cho Mẹ “thụ thai và hạ sinh ... Con Đấng Tối Cao” (Lc 1:32).

Thế rồi, mức độ “đầy ơn phúc”, đầy Thiên Chúa của Mẹ tiếp tục tràn sang cho Giáo Hội, nhiệm thể của Chúa Giêsu Kitô, thành phần “được Thiên Chúa tiền định” (Rm 8:29), được Chúa Giêsu cầu nguyện cho trong bữa tiệc ly (x.Gn 17:20), khi Mẹ đứng bên thập giá Con Mẹ để chính thức nhận lãnh sứ mệnh làm Mẹ của Giáo Hội (x.Gn 19: 26).

Chưa hết, mức độ “đầy ơn phúc” của Mẹ, qua Giáo Hội, con dâu của Mẹ, nhiệm thể Con Trai duy nhất của Mẹ, còn tràn ra cho cả thế gian, cho đến tận cùng bờ cõi trái đất, từ khi Mẹ hiện diện với các thánh tông đồ, để, nhờ Mẹ, các ngài lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Đấng mà, như thánh Louis Maria Grignion De Monfort cho rằng, càng trở nên linh hoạt hơn trong việc tái sinh Chúa Kitô nơi nào có sự hiện diện của Mẹ (TDTM:20), hầu có thể làm chứng cho Chúa Kitô (x.TĐCV 1:8).

Mẹ Maria có công cứu rỗi hay Trái Tim Mẹ có công cứu rỗi cũng vậy, là ở những điều sau đây:

- Thứ nhất, Mẹ xuất hiện trên trần gian chỉ sau khi loài người sa ngã, cho dù trong lãnh vực ân sủng và trong thượng trí của Thiên Chúa, Mẹ đã có trước tất cả mọi sự và mọi người.

- Thứ hai, Mẹ được đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội vì, theo thời gian, Mẹ xuất thân từ loài người, mang bản tính đã bị hư đi bởi nguyên tội, theo tự nhiên, đáng lẽ Mẹ cũng phải nhiễm lây như mọi người.

- Thứ ba, Mẹ được đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội tức là Mẹ đã được cứu, do đó, sống trên trần gian, cuộc sống của Mẹ không phải để lập công đền tội cho mình nữa, mà chỉ để lập công cứu độ đồng loại của mình mà thôi.

- Thứ bốn, Mẹ đã lập công cứu rỗi loài người bằng chính nhân tính mà Mẹ đã lãnh nhận từ loài người, nhân tính đã được Thiên Chúa thánh hóa ngay từ lúc đầu thai trong lòng mẹ.

- Thứ năm, Mẹ đã lập công cứu rỗi loài người bằng chính nhân tính đã được Thiên Chúa thánh hóa ngay từ lúc đầu thai, ở chỗ, linh hồn “đầy ơn phúc” của Mẹ đã hoàn toàn “Xin Vâng” tất cả những gì Thiên Chúa muốn cho đến cùng, cho đến khi “đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu” (Gn 19:25), và thân xác Trinh Nguyên Mẹ đã “thụ thai và hạ sinh...Con Đấng Tối Cao” (Lc 1:31-32), Đấng đã “hiến mạng sống mình (được sinh ra bởi Mẹ) làm giá chuộc nhân loại” (1Tim 2:6).

 TRÁI TIM MẸ CÓ QUYỀN CỨU RỖI.

Trái Tim Mẹ có quyền cứu rỗi không phải như trường hợp của Chúa Kitô, Con Mẹ, hay trường hợp của các linh mục, thừa tác viên có chức thánh của Ngài. Trái Tim Mẹ có quyền cứu rỗi đây là do ân sủng Mẹ có trước mặt Chúa và bởi công Mẹ lập được cùng với Chúa Giêsu, Con Mẹ.

Chúa Kitô chẳng những có quyền cứu rỗi mà còn có sứ mệnh cứu rỗi nữa. Chúa Kitô có sứ mệnh cứu rỗi, ở chỗ: “Ý của Đấng đã sai Ta là Ta không được làm mất đi sự gì Ngài đã ban cho Ta, mà lại phải làm cho nó sống lại trong ngày sau hết” (Gn 6:39). Chúa Kitô có quyền cứu rỗi: “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết chiên Ta và chiên Ta biết Ta như Cha biết Ta và Ta biết Cha Ta, Ta hiến mạng sống vì chiên... Không ai lấy mạng của Ta được, Ta tự bỏ nó đi, Ta có quyền bỏ nó đi, cũng như có quyền lấy nó lại” (Gn 10:14-15,18).

Với quyền cứu rỗi trong tay, Ngài đã thực hiện việc cứu rỗi bằng cách “vâng phục nơi những gì Ngài chịu” (DT 5:8), “cho dù chết trên thập giá” (Phil 2:8). “Cha đã ban cho Người (Con) được quyền trên loài người, để Người ban sự sống đời đời cho những kẻ Cha đã ban cho Người” (Gn 17:2) là như thế.

Với quyền cứu rỗi trong tay, nhất là sau khi thực hiện việc cứu rỗi bằng tử giá, Chúa Kitô đã thực hiện việc ban ơn cứu rỗi cho loài người cho đến tận cùng trái đất và cho đến khi Ngài lại đến, khi sai các tông đồ đi “thâu nạp môn đồ khắp thế gian, rửa tội cho họ nhân Danh Cha, và Con và Thánh Thần. Dạy họ giữ mọi điều Thày đã truyền cho các con” (Mt 28:18-20).

Giáo Hội nói chung và các thừa tác viên cử hành mầu nhiệm thánh, “mầu nhiệm của Thiên Chúa là Chúa Kitô” (Col 2:2), được tham dự vào quyền cứu rỗi của Chúa Kitô khi Ngài ban cho các tông đồ Thánh Linh của Ngài, qua hơi thở phục sinh Ngài thổi trên các vị: “Hãy nhận lấy Thánh Linh. Các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha; các con cầm tội ai thì tội người ấy bị cầm buộc” (Gn 20 :22-23), và khi Ngài sai các vị đi: “Thày được toàn quyền trên trời dưới đất, vậy các con hãy đi...” (Mt 28:18-19).

Trong khi Chúa Kitô có quyền cứu rỗi là do bản tính của Ngài, và các thừa tác viên chính thức của Ngài có quyền cứu rỗi là vì, qua bí tích truyền chức thánh, được trao cho sứ mệnh ban phát ơn cứu rỗi của Ngài, thì, Mẹ Maria, như đã nói ở trên, có quyền cứu rỗi là do “được ân sủng trước mặt Chúa” (Lc 1:30), tức có thế trước mặt Chúa, và bởi công Mẹ lập được cùng với Chúa Giêsu, Con Mẹ.

Mẹ Maria có quyền cứu rỗi là do ưu thế của Mẹ trước mặt Chúa.

Phải, tình trạng “đầy ơn phúc” nơi Mẹ Maria, như đã nói từ đầu, Mẹ chỉ có trong Ngôi Lời nhập thể là Chúa Giêsu Kitô, Con Mẹ mà thôi, Đấng mà “mọi sự được dựng nên trong Người... nhờ Người và cho Người” (Col 1:16). Nếu mọi sự đã được dựng nên “nhờ Người và cho Người” thế nào, thì, cũng “nhờ Người và cho Người” mà chúng được cứu rỗi như vậy. Vì, “Cha yêu họ cũng như yêu Con” (Gn 17:23), chỉ khi nào Thiên Chúa không yêu Con Mình nữa, Ngài mới không yêu những gì Ngài đã dựng nên cho Con Mình mà thôi. Không phải hay sao, ngay sau khi hai nguyên tổ ngang nhiên phạm tội mất lòng Chúa, sau đó chẳng những hai nguyên tổ không biết tự thú và tự hạ xin Chúa thứ tha, lại còn chạy tội bằng cách đổ lỗi cho nhau, Thiên Chúa đã chẳng tự động hứa cứu rỗi con người đó sao, qua lời lên án con cựu xà Satan là hắn sẽ bị “đạp nát đầu” (STK 3:15).

Mẹ Maria được đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội là gì, nếu không phải được Thiên Chúa yêu thương hơn hết mọi sự Ngài tạo dựng nên cho Mình là Ngôi Lời, Con Duy Nhất của Ngài. Thiên Chúa đã chẳng yêu Mẹ hơn hết mọi sự là gì, khi ban chính Mình Ngài là Ngôi Lời nhập thể cho Mẹ.

Một khi được Thiên Chúa yêu thương như thế, Mẹ Maria tự nhiên đã có thế giá trước mặt Chúa lắm rồi. Huống chi, trong đời sống trần gian của Mẹ, Mẹ lại hết lòng, hết sức, hết trí khôn, hết linh hồn đáp lại lòng yêu của Chúa đối với Mẹ. Đến nỗi, Chúa có thể nói về Mẹ như nói về Chúa Kitô sau khi Chúa Kitô được rửa tội ở sông Giọcđan và đang khi Người biến hình trên nơi cao là: “Người là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng” (Mt 3:17,17:5).

Như thế, thử hỏi, Mẹ muốn gì mà không được, Mẹ xin gì Thiên Chúa không cho, nhất là xin những sự có lợi cho Chúa, cho vinh quang của Chúa, như ơn cứu rỗi đời đời cho chung nhân loại hay cho riêng một linh hồn nào đó.

Thiên Chúa yêu Mẹ, chẳng những vì Mẹ là tạo vật Chúa yêu trên hết mọi sự theo lòng yêu nhưng không của Ngài đối với Mẹ, mà còn bởi công nghiệp của Mẹ lập được cùng với Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu, ở chỗ, Mẹ không bao giờ từ chối Chúa điều gì, liên lỉ hiệp nhất với Chúa qua lời “Xin Vâng” tuyệt đối trọn hảo. Bởi thế, Thiên Chúa làm sao lại không vì Mẹ, “nể” Mẹ, yêu Mẹ mà thực hiện mọi sự như ý Mẹ muốn, dù “chưa đến giờ” (Gn 2:4) của Ngài, như Ngài đã làm cho nước lã thành rượu ngon ở tiệc cưới Cana theo lời Mẹ xin khi Mẹ thấy tiệc hết rượu.

 TRÁI TIM MẸ CÓ CÁCH CỨU RỖI.

Mẹ Maria chẳng những có công cứu rỗi, có quyền cứu rỗi, lại còn có cả cách cứu rỗi nữa.

Thật thế, dù Mẹ có quyền cứu rỗi trước mặt Chúa đi nữa, nếu Mẹ không có cách cứu rỗi cho con người, “giờ của Chúa” chắc là sẽ mãi mãi “chưa tới”, vẫn biết là Ngài làm gì cũng được khi tới giờ của Ngài. Tại tiệc cưới Cana, sau khi Mẹ đã xin Chúa làm phép lạ qua lời nhắc khéo Chúa: “Họ hết rượu rồi” (Gn 2:3), nếu Mẹ không tiếp tục làm thêm một việc nữa, đó là nhắc nhở các người giúp tiệc cưới là “Ngài bảo gì, qúi vị hãy làm theo như vậy” (Gn 2:5), thì “rượu hết” vẫn là “hết rượu”, làm sao có được “rượu ngon sao lại để đến bây giờ” (Gn 2:10).

Nếu Tình Yêu là bản tính sống động của Thiên Chúa (x.Gn 4:8,16) thì Tình Thương chính là bản tính của Mẹ Maria. Thiên Chúa đã tỏ Tình Yêu của Ngài qua Chúa Giêsu Kitô thế nào, Ngài cũng tỏ Tình Thương của Ngài qua Mẹ Maria như vậy. Nếu định nghĩa Chúa Giêsu là Tình Yêu say điên của Thiên Chúa đối với nhân loại thì Mẹ Maria là Tình Thương vô biên của Thiên Chúa đối với loài người.

Tình Yêu đòi hỏi (hay có khuynh hướng) bình đẳng và nên một. “Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Gn 1:14) không phải là hành động Thiên Chúa muốn trở nên bình đẳng với con người là gì, và, cũng nhờ hành động nhập thể này của Ngài, bản tính của con người đã được thánh hóa để có thể bình đẳng với Ngài trên phương diện siêu nhiên mà hiệp thông với Ngài! “Con ban cho họ vinh hiển Cha đã ban cho Con để họ được nên một như Chúng Ta là một” (Gn 17:22) không phải là hành động Thiên Chúa muốn nên một với con người hay sao!

Tình Thương đòi hỏi (hay có khuynh hướng) thông cảm và ban phát. Mẹ Maria đã không thông cảm với con người là gì, qua những lần hiện ra với họ, Mẹ tỏ ra đau khổ với họ và vì họ, như Mẹ vừa chảy nước mắt vừa than thở với Melanie Mathieu, 14 tuổi, và Maximin Giraud, 11 tuổi, ở La Salette vào ngày Thứ Bảy 19/9/1846:

“Hỡi các con của Mẹ, hãy đến đây với Mẹ. Đừng sợ. Mẹ hiện diện nơi đây để cho các con biết một điều tối hệ trọng. Nếu dân của mẹ không chịu nghe lời, Mẹ sẽ đành phải buông cánh tay Con Mẹ ra. Cánh tay Người đè nặng đến nỗi Mẹ dường như không thể nào ngăn cản được nữa. Mẹ còn phải chịu đau khổ vì các con cho đến bao giờ! Sở dĩ Con Mẹ chưa trừng trị các con là vì Mẹ không ngừng năn nỉ Người. Thế mà các con có lưu tâm đến điều đó đâu. Dù trong tương lai các con có cầu hay đến đâu, có xử đẹp đến mấy đi nữa, các con cũng không thể nào bù đắp cho Mẹ những gì Mẹ đã chịu đựng vì các con” (AWCWTS:93)

Tình Thương đòi hỏi thông cảm và ban phát. Mẹ Maria đã không ban phát cho nhân loại những gì họ thiếu thốn và cần thiết để được cứu rỗi là gì, khi chỉ cho họ các cách thức phải làm, như đọc kinh Mân Côi cho thánh Đaminh, đọc lời nguyện sau mỗi chục kinh cho 3 Thiếu Nhi Fatima, thậm chí Mẹ còn sáng kiến và bảo làm ra các đồ vật hay nơi chốn để qua đó Mẹ có thể ban ơn cho loài người, như Áo Đức Bà Carmêlô cho thánh Simon Stock, Ảnh Đức Bà Vô Nhiễm Thai cho thánh Catarina Labuarê, hay các Đền Thờ Kính Mẹ ở Guadalup, ở Lộ Đức, ở Fatima.

Trước thánh nhan Thiên Chúa ở trên trời, Mẹ vốn có quyền cứu rỗi loài người rồi. Thế nhưng, phải làm sao cho nhân loại có thể lãnh nhận ơn cứu rỗi mà Thiên Chúa, Đấng “muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý” (1Tim 2:4), hằng muốn và chỉ muốn ban cho họ khi họ tỏ ý muốn chấp nhận ơn ấy. Đó là lý do Mẹ đã nhiều lần từ trời hiện xuống với con cái của Mẹ. Mẹ hiện xuống với con cái Mẹ là để làm cho họ có thể chấp nhận ơn cứu rỗi Thiên Chúa muốn ban cho họ.

Thật ra, từ trời cao, Mẹ vẫn có thể ban ơn cho con cái của Mẹ trên trần gian, không cần Mẹ phải đích thân hiện xuống với họ như Mẹ đã từng làm. Tuy nhiên, để loài người có thể nhận thấy Mẹ yêu thương họ là dường nào, và để họ dễ tin vào Mẹ hơn, nhờ đó, lời Mẹ khuyên dạy hay nài xin họ sẽ được họ đáp ứng mau chóng và tha thiết hơn, Mẹ đã thực sự tỏ mình ra với loài người, qua một số linh hồn ưu tuyển của Mẹ.

Số linh hồn ưu tuyển được Mẹ hiện ra này, như chị thánh Catarina Labuarê năm 1830 ở Paris, như chị thánh Bernadetta năm 1858 ở Lộ Đức, hay như 3 Thiếu Nhi Lucia, Phanxicô và Giaxinta ở Fatima năm 1917, cùng với những người tin vào Mẹ qua các linh hồn ưu tuyển này, chẳng khác nào như các người giúp việc cho bữa tiệc cưới ở Cana xưa, đã biết nghe theo lời Mẹ dặn “Người bảo làm gì qúi vị hãy làm như vậy”, nhờ đó, thế giới vẫn còn tồn tại cho đến bây giờ.

Thật ra, tự việc làm của những linh hồn ưu tuyển này trong việc đáp ứng đúng như lời Mẹ dạy, tự chúng không thể nào cứu được thế giới như vậy. Cũng như tự nước lã thiên nhiên không thể nào tẩy hết nguyên tội của một con trẻ sơ sinh thế nào, nếu nó không được tác nhân có thẩm quyền sử dụng với Lời Truyền Thần Linh: “Ta tha tội cho con nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần”. Phải, chính lời của Mẹ, Đấng có quyền cứu rỗi trước mặt Chúa, qua các linh hồn ưu tuyển này đã thực sự giải cứu thế gian cho đến bây giờ.

Nếu Lazarô chết bốn ngày không thể nào tỏ ra tin vào Chúa “là Sự Sống Lại và là Sự Sống” (Gn 11:25) mà vẫn được Chúa Giêsu làm cho sống lại và ra khỏi mồ, phải chăng là vì chị của anh là Matta đã tuyên tín thay cho anh ta. Trong việc cứu rỗi thế gian cũng vậy, Mẹ cũng sẽ dùng một số linh hồn con cưng của Mẹ, dù được Mẹ trực tiếp hiện ra hay không, miễn là nhận biết và yêu mến Mẹ, bằng việc thực hành những điều Mẹ nhắn nhủ.

Ở Fatima, để cứu rỗi các linh hồn, Mẹ đã nói rõ với chung 3 Thiếu Nhi Fatima và riêng chị Lucia sau này là: hy sinh và tôn sùng Trái Tim Mẹ.

- Hy sinh: “Hãy cầu nguyện, cầu nguyện thật nhiều, và hãy hy sinh cho các tội nhân; bởi nhiều linh hồn phải sa hỏa ngục vì không có ai hy sinh và cầu cho họ” (FILOW:167). Ngoài ra, hy sinh cũng còn để đền tạ Thánh Tâm Chúa và Khiết Tâm Mẹ nữa, nhờ đó, Mẹ sẽ cứu các tội nhân đã xúc phạm đến Mẹ: “Các con có muốn dâng mình cho Thiên Chúa để chịu đựng tất cả mọi đau khổ Ngài sẽ gửi đến cho các con như một việc đền tạ tội lỗi Ngài đã bị xúc phạm và một lời nguyện cầu cho tội nhân ăn năn trở lại” (FILOW:158).

- Tôn Sùng Trái Tim Mẹ: “Để cứu họ (các linh hồn đáng thương sa hỏa ngục), Thiên Chúa muốn thiết lập trên thế gian sự tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ” (FILOW:162). Ngoài ra, tôn sùng Trái Tim Mẹ còn ở tại việc đền tạ Trái Tim Mẹ: “Ít là con hãy an ủi Mẹ, Mẹ hứa sẽ phù hộ với những ơn cần thiết để được cứu rỗi trong giờ lâm tử những ai giữ 5 Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng liên tiếp ...với ý đền tạ Mẹ” (FILOW:195).

Như thế,

Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria là Bí Tích Mầu Nhiệm Cứu Rỗi Trần Gian.

Muốn lãnh nhận cũng như ban phát bí tích cứu rỗi mầu nhiệm này, con người cần phải tôn sùng Mẹ qua việc nhận biết và yêu mến Mẹ, được tỏ ra bằng cách cử hành Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng kính Mẹ và đền tạ Mẹ như Mẹ đã chỉ dạy cho chị Lucia.

 

Chương 18 - Tin Cậy Trái Tim Mẹ

Nếu Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là đối tượng của sự tôn sùng và Trái Tim Đau Thương Mẹ là đối tượng của việc đền tạ, thì Trái Tim Cứu Rỗi Mẹ là đối tượng của lòng tin cậy.

“Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi con nương náu và là đường đưa con đến với Chúa” (FILOW:67,161). Mẹ Maria đã an ủi Lucia như thế, khi Lucia tỏ ra buồn rầu vì sẽ phải ở lại trần gian lâu hơn, trong khi Phanxicô và Giaxinta được Mẹ hứa sẽ đưa về trời sớm.

Ở đây, Mẹ Maria không hề xin cá nhân con cái Mẹ phải tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, như Mẹ chính thức và rõ ràng xin Đức Thánh Cha hiệp cùng với các giám mục trên thế giới dâng hiến Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Không phải là Mẹ không cần mỗi một con cái Mẹ dâng mình cho Mẹ, tận hiến cho Mẹ để tỏ ra họ thật tình nhận biết và yêu mến Mẹ.

Mẹ tuy không cần hay không tỏ rõ ý muốn từng con cái Mẹ tạn hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, nhưng, Mẹ vẫn muốn điều làm nên chính việc tận hiến bề ngoài này, đó là tinh thần tận hiến, tinh thần tín thác hoàn toàn và triệt để vào Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Vẫn biết, tận hiến không phải là một việc dư thừa, trái lại, còn là một việc làm tỏ ra nhận biết và yêu mến Mẹ tuyệt vời nhất. Thế nhưng, nếu tận hiến mà thực tế lại không hết lòng tín thác vào Mẹ, thì chính lời tận hiến lại trở nên gánh nặng cho họ, trở nên gông cùm cho họ.

Dù không thực hiện việc tận hiến cho Mẹ, người Kitô hữu cũng vẫn thuộc về Mẹ, khi họ lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, Bí Tích làm cho họ trở nên con Thiên Chúa cũng như con của Mẹ. Đã là con, không cần tận hiến cho mẹ, người con tất nhiên vẫn thuộc về mẹ. Chỉ cần người con mỗi ngày một nhận biết và yêu mến Mẹ của mình bằng tinh thần tin cậy phó thác vào Mẹ là đủ. Tin cậy phó thác vào Mẹ là sống tình con cái đối với Mẹ, là chứng tỏ mình hoàn toàn thuộc về Mẹ, Đấng đã sinh ra mình trong Chúa Giêsu Kitô.

 TRÁI TIM VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI MẸ LÀ NƠI CON NƯƠNG NÁU

“Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi con nương náu”.

Đức Mẹ không nói với Phanxicô hay Giaxinta như Người đã nói với Lucia, phải chăng là vì Phanxicô và Giaxinta sẽ được về trời sớm, sẽ được ở với Mẹ rồi, không phải chịu đau khổ vì Mẹ như Lucia, người được Chúa trao cho sứ mệnh phải làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến trong thời điểm “Chúa muốn thiết lập sự tôn sùng Trái Tim Mẹ trên thế giới”.

Phần Lucia, vào lứa tuổi thiếu nhi lên mười bấy giờ, đang thân thiết gắn bó với Phanxicô và Giaxinta như hình với bóng như vậy, lại muốn được lên trời với Đức Mẹ như đã tha thiết xin với Người “Con muốn xin Mẹ đem chúng con lên trời” (FILOW:161), không buồn tủi sao được khi nghe thấy Đức Mẹ nói là sẽ cho Phanxicô và Giaxinta về trời sớm, còn mình phải ở dưới thế gian này một mình. Phải chăng, vì lợi ích thiêng liêng cho Lucia mà Phanxicô và Giaxinta phải chết sớm?

Đối với Lucia, ở trên đời này ngoài Phanxicô và Giaxinta là hai em cùng được diễm phúc thị kiến Đức Mẹ hiện ra với Lucia, không còn ai, kể cả chính gia đình thân yêu của Lucia, có thể hiểu biết, chia sẻ tâm sự với Lucia và nâng đỡ tinh thần Lucia nữa.

Lucia đã bị thử thách đến nỗi, sau hai lần đầu Đức Mẹ hiện ra, phải luôn trực diện với gia đình và nhất là đối diện với cha xứ, Lucia đã bị “mất tất cả hứng thú tìm kiếm hy sinh và những việc hãm mình, kết cục đã đưa đến tình trạng còn cho rằng không biết có nên thú nhận rằng mình đang lừa dối thiên hạ để chấm dứt mọi sự cho rồi” (FILOW:69). 

Chưa hết, Lucia, trong một cơn ác mộng, còn “thấy ma qủi cười nhạo đã lừa được con, như chúng cố kéo con xuống hỏa ngục” (FILOW:69), càng làm cho Lucia chán nản, đến nỗi, tránh mặt cả Phanxicô và Giaxinta là nguồn an ủi duy nhất của mình. Cuối cùng, Lucia đã dứt khoát thế này: “Nếu là ma qủi thì tại sao con phải đi gặp hắn? Nếu người ta hỏi con tại sao con không đi con sẽ nói rằng con sợ có thể đó là ma qủi hiện ra với chúng con và vì lý do đó con không đi. Phanxicô và Giaxinta muốn đi thì cứ việc đi; phần con sẽ không đến đồi Cova da Iria nữa. Một khi đã quyết định là con nhất định sẽ giữ” (FILOW:70).

Trong 6 lần Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, có 3 lần quan trọng đặc biệt.

Ngày 13/10/1917 là ngày quan trọng đối với mọi người vì là ngày chính họ được thấy việc Đức Mẹ làm mà tin vào Người như Người đã báo trước cho 3 Thiếu Nhi Fatima.  Ngày 13/6/1917 là ngày hệ trọng đối với riêng 3 Thiếu Nhi Fatima vì là ngày ba em được biết về số phận và sứ mệnh của mình.

Ngày 13/7/1917 là ngày trọng đại nhất đối với Đức Mẹ trong các lần Mẹ hiện ra ở Fatima. Là vì, trong ngày này, Mẹ muốn dùng để cho các em thấy hỏa ngục, rồi từ thị kiến này, Mẹ đa tiết lộ cho các em toàn bộ Bí Mật Fatima, Bí Mật sẽ gây cho các em đau khổ hơn nữa kể từ mọi phía, nhất là đối với chính quyền CS vô thần bấy giờ.

Ngày 13/7/1917 quan trọng như thế mà Lucia lại quyết định không đi. Thế nhưng, cuối cùng Lucia cũng đã đi đến chỗ Đức Mẹ hiện ra. Vì, chính ngày hôm ấy, bề trong, Lucia “đột nhiên cảm thấy phải đi, như bị thôi thúc bởi một sức mạnh lạ thường khó có thể chống cưỡng” (FILOW:70); bề ngoài, Lucia lại thấy hai anh em Phanxicô và Giaxinta khóc lóc không chịu đi: “Không có chị, chúng em không dám đi. Thế chị có chịu đi không?” (FILOW:70).

Dù Lucia không sống theo Phanxicô và Giaxinta, trái lại, hai em còn sống dựa vào Lucia là đàng khác, thế nhưng, bằng cách này hay cách khác, Phanxicô và Giaxinta cũng giữ một vai trò không nhỏ trong việc đồng hành với Lucia để thực hiện lời kêu gọi của Đức Mẹ là đến gặp Mẹ vào mỗi ngày 13 trong sáu tháng liền, là dâng mình làm của lễ hy sinh đền tạ và cầu cho tội nhân trở lại, là lần hạt Mân Côi hằng ngày v.v. Thế mà, vào lần hiện ra thứ hai, lần hiện ra quan trọng nhất đối với riêng các em, Đức Mẹ lại nói rằng Phanxicô và Giaxinta sẽ được Mẹ đem về trời sớm. Nghe thế, cô gái 10 tuổi Lucia không buồn tủi sao được: “buồn” vì không bao lâu nữa sẽ mất hai bạn đồng hành chí thiết, và “tủi” vì mình không được diễm phúc như hai em.

Tuy nhiên, việc ra đi của Phanxicô và Giaxinta về trời sớm, không đồng hành cùng Lucia, sẽ mang đến lợi ích thiêng liêng cho Lucia. Bởi vì, chính lúc không còn gì để yêu mến, quyến luyến và tìm ủi an, nương dựa nữa, bấy giờ con người mới hoàn toàn gắn bó với siêu nhiên, mới hết lòng cậy trông tín thác vào Thần Linh. Và, cũng chỉ ở trong và trải qua tâm trạng này, lời Mẹ nói với riêng Lucia mới càng có ý nghĩa: “Chớ có như vậy, hỡi con gái của Mẹ. Bộ con đau khổ lắm sao? Đừng nản. Mẹ sẽ không bao giờ bỏ con đâu. Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi con nương náu và là đường đưa con đến với Chúa” (FILOW:67,161).

“Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi con nương náu” là vì Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là Trái Tim “Đầy Ơn Phúc” (Lc 1:28), Trái Tim luôn yêu thương con cái mình và muốn chia sẻ Ơn Phúc của mình cho chúng, để chúng có thể sẵn sàng “Xin Vâng” như Mẹ.

“Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi con nương náu” là vì Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là Trái Tim Đau Thương hơn hết mọi đau thương của loài người hợp lại từ sau khi nguyên tổ sa ngã cho đến tận thế. Chúa Giêsu là Đấng “chính Ngài đã chịu thử thách qua những gì Ngài chịu, để Ngài có thể cứu giúp những những ai chịu thử thách” (DT 2:18), và “chúng ta không phải có vị thượng tế không thể thông cảm nỗi yếu hèn của chúng ta, nhưng là vị thượng tế đã chịu thử thách mọi bề như chúng ta ngoại trừ tội lỗi” (DT 4:15). Mẹ Maria cũng thế, với đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ không phải chịu khổ đau, nhưng, trên thực tế, Mẹ vẫn chịu đau thương đến cùng tận. Chính gương chịu đau thương của Mẹ là nguồn an ủi của những đứa con sầu buồn biết nương náu trong Trái Tim Mẹ.

“Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi con nương náu” là vì Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là Trái Tim Cứu Rỗi. Chẳng những gương chịu đau thương của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nguồn an ủi của những đứa con buồn sầu mà còn làm sức mạnh cho họ nữa. Bởi vì, công nghiệp chịu đau thương của Mẹ trong Chúa Kitô và với Chúa Kitô đã làm cho tất cả mọi đau thương trở nên bí tích thánh hóa những người biết tin yêu chấp nhận nó như Đấng “đã làm cho mọi sự thuận hợp với nhau vì lợi ích của những kẻ được kêu gọi theo ý định của Ngài” (Rm 8:28).

Thánh Louis Marie Grignion de Monfort đã diễn tả tình trạng của linh hồn sống "trong Mẹ", tức luôn luôn lấy "Trái Tim Mẹ là nơi con nương náu", như sau:

"Nghỉ ngơi bình an ở đó, tin cậy đặt gánh nặng của mình ở đó, vững chắc ẩn mình ở đó, và bỏ mình đi hoàn toàn ở đó. Như thế, trong cung lòng trinh nguyên ấy, linh hồn sẽ được nuôi dưỡng bằng sữa ân sủng và tình thương từ mẫu; sẽ được thoát khỏi những trở ngại, sợ hãi và ngờ vực, và sẽ được bảo toàn khỏi mọi thù địch là thế gian, ma qủi và tội lỗi, những thứ không bao giờ có thể lọt vào đó được; sau hết, sẽ được tác tạo nên Chúa Giêsu Kitô" (TDTM:166)

 TRÁI TIM VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI MẸ LÀ ĐƯỜNG ĐƯA CON ĐẾN VỚI CHÚA

“Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là đường đưa con đến với Chúa”. Vì Trái Tim Mẹ là Trái Tim hằng được “Thiên Chúa ở cùng” (Lc 1:28), Trái Tim “được ơn nghĩa trước mặt Chúa” (Lc 1:30), Trái Tim Thánh Thiện tuyệt hảo đã được thụ thai Con Đấng Tối Cao nơi bản tính nhân loại của mình, để chung nhân loại đã hư đi vì nguyên tội và riêng con cái Mẹ đã được cứu chuộc bằng giá Máu Chúa Kitô, được hiệp thông đời đời với Chúa Kitô trong Thiên Chúa.

“Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là đường đưa con đến với Chúa”. Vì đến với Trái Tim Mẹ, con người sẽ gặp thấy Chúa, Đấng phản ảnh Mình qua đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội mà Ngài đã ban cho Mẹ để Mẹ có thể làm Mẹ của Ngài và làm Mẹ của chung nhân loại cũng như riêng Giáo Hội Chúa Kitô. Thánh Louis Marie Grignion De Monfort viết: "Cung lòng của Mẹ, như các thánh giáo phụ nói, là căn phòng của các bí tích thần linh, nơi Chúa Giêsu Kitô và các kẻ được tuyển chọn hình thành" (TDTM:166).

Trong tất cả mọi tạo vật, chỉ có một mình Mẹ, nhờ đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội như “đôi cánh đại bàng” (KH 12:14), đã bay lên tới tận biên giới của bản tính Thiên Chúa. Và, cũng nhờ đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, chỉ có duy một mình Mẹ mới được kết hợp mật thiết với Thiên Chúa hơn hết mọi tạo vật, đến nỗi, cả thân xác Mẹ đã được trực tiếp kết hợp với Ngài khi thụ thai và cưu mang Thiên Tính của Ngài qua Ngôi Lời nhập thể trong cung dạ trinh nguyên của Mẹ. Vì được thụ thai và cưu mang Thiên Tính, tức được trực tiếp kết hợp với “Thiên Chúa là Ánh Sáng” (1Gn 1:5) khi Ngôi Lời nhập thể trong lòng mình như thế, cả con người của Mẹ chẳng khác nào như được “mặc mặt trời” (KH 12:1) và “rực rỡ như mặt trời”  (DTC 6:10).

Trong tất cả mọi tạo vật, chỉ có một mình Mẹ mới lên tới Thiên Chúa như thế, và cũng chỉ nơi một mình Mẹ mới đầy Thiên Chúa như thế. Con người sẽ không thể tìm đâu ra Thiên Chúa và nên một với Thiên Chúa nếu không qua Mẹ và nhờ Mẹ, con đường duy nhất mà Ngài vô cùng khôn ngoan và toàn năng đã chọn để đến với con người.  Nếu không qua Con Đường Maria này, con người sẽ không bao giờ thực sự thấy Thiên Chúa, tìm được Thiên Chúa và nên một với Thiên Chúa. Dù con người có đến với Chúa Giêsu Kitô “là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người” (1Tim 2:5), “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Gn 14:6) đi nữa, chưa chắc họ đã thực sự và hoàn toàn gặp được Ngài, Đấng đã đến với họ qua Maria và nhờ Maria, Đấng đã sống riêng với Mẹ 30 năm trên trần gian mà chỉ sống với chung loài người có 3 năm, và cũng là Đấng đã trao toàn thể loài người cho Mẹ trước khi chết trên thập giá.

Dù các tông đồ là nền tảng của Giáo Hội Chúa Kitô đi nữa (x.Eph 2: 20;KH 21:14), các ngài cũng không thể nào hơn Chúa Kitô “là Thày và là Chúa” (Gn 13:14) của mình trong thân phận làm con của Mẹ Maria. Vậy, ai là người dám tự cho mình là hơn Chúa Kitô, hơn các thánh tông đồ là các vị, qua thánh Gioan, đã “đem Người về nhà mình” (Gn 19:27), để nhờ sự hiện diện của Người tại nhà của các vị, Chúa Thánh Thần đã hiện xuống và các vị đã “lãnh nhận quyền lực từ trên cao” (Lc 24:49), nhờ đó các ngài có thể “là chứng nhân cho Thày” (TĐCV:1:8), hoàn tất sứ mệnh mà Ngài đã trao phó cho các vị (x.Mt 28:19 -20; Mc 16:15).

Quả thật,

Mẹ Maria chính là Con Đường Tiền Định ngắn nhất, dễ nhất và chắc nhất để con người nói chung và con cái Mẹ nói riêng có thể đến cùng Thiên Chúa.

Bà Rebecca, vợ của tổ phụ Isaac, đã làm cho Giacóp, em của Esau, nhận được chúc phúc của cha mình, là hình ảnh rất trung thực về Mẹ Maria trong việc đem con cái Mẹ đến với Thiên Chúa và được ơn nghĩa với Ngài.

Trong khi Giacóp không biết gì về việc cha mình muốn Esau là người anh dọn cho ông một món ăn mà ông ưa thích để ông ăn và ông chúc phúc cho trước khi qua đời, thì bà Rebecca là mẹ vốn cưng Giacóp đã cho Giacóp biết ý định của chồng và còn bày cho Giacóp biết cách làm sao để được cha chúc phúc cho. Bà đã bảo Giacóp giúp bà để làm món ăn mà bà vốn biết chồng bà cũng là cha của Giacóp thích, lại còn chỉ cho Giacóp biết cách để ông tưởng Giacóp là Esau nữa. Cuối cùng Giacóp đã thành công và được cha chúc phúc cho (x.STK 27:1-29).

Trong tiệc cưới Cana cũng vậy, chính Mẹ Maria đã nhận ra tình trạng thiếu rượu và đã tự động xin Chúa Giêsu cứu vãn tình thế này, chứ không phải vị chủ hôn hay đôi tân hôn trực tiếp đến xin với Chúa Giêsu. Và, chẳng những Mẹ xin với Chúa mà thôi, Mẹ còn chỉ dẫn cho đám gia nhân giúp tiệc cưới phải làm sao để cứu vãn việc thiếu rượu nữa. Nghĩa là, Mẹ hoàn toàn chủ động và tích cực trong việc giúp đỡ con người, và, qua việc giúp đỡ con người, Mẹ cũng làm cho Nước Chúa trị đến, Ý Cha thể hiện: “Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này ở Cana xứ Galilêa để tỏ vinh quang của Ngài, làm cho các môn đệ tin vào Ngài” (Gn 2:11).

Mẹ Maria là Con Đường Tiền Định ngắn nhất, dễ nhất và chắc nhất để con người nói chung và con cái Mẹ nói riêng có thể đến cùng Thiên Chúa là ở chỗ đó và là như thế.

“Mẹ Maria là Con Đường Tiền Định ngắn nhất để đến cùng Thiên Chúa”. 

Mẹ chẳng những tỏ cho con cái Mẹ biết được ý muốn của Thiên Chúa, như Rebecca tỏ cho Giacóp biết được ý định của Isaac, Mẹ lại còn tự xin với Thiên Chúa ban cho con cái Mẹ những gì chúng cần thiết mà nhiều khi chúng không biết hay biết mà chưa hay ngại kêu cầu đến Mẹ, như Mẹ đã làm ở tiệc cưới Cana.

Ngày 13/6/1929, như đã hứa từ lần hiện ra thứ 3 là ngày 13/7/1917, Đức Mẹ đã đến về việc dâng hiến Nước Nga và hiệp thông đền tạ. 

Về việc dâng hiến Nước Nga, Mẹ đã cho chung loài người và riêng Giáo Hội biết ý định của Thiên Chúa là: “Đã đến lúc Thiên Chúa xin Đức Thánh Cha hợp với tất cả các giám mục trên thế giới thực hiện việc hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, Ngài hứa sẽ cứu Nước Nga bằng cách này” (FILOW:200).

Về việc hiệp thông đền tạ, Mẹ cũng cho biết Thiên Chúa đối xử thế nào đối với những ai xúc phạm đến Mẹ và phải làm gì để cứu vãn: “Có rất nhiều linh hồn bị phép công thẳng Thiên Chúa đoán phạt vì những tội họ xúc phạm đến Mẹ, nên Mẹ đến để xin đền tạ: hãy hy sinh chính mình cho ý chỉ này và hãy cầu nguyện” (FILOW:200).

“Mẹ Maria là Con Đường Tiền Định dễ nhất để đến cùng Thiên Chúa”.

Mẹ chẳng những đã nghĩ hết cho con cái, lại còn làm thay cho chúng nữa, như Rebecca đã chỉ cho Giacóp phải bắt con vật nào, rồi tự tay bà làm thịt và nấu món ăn chồng bà ưa thích thay Giacóp để Giacóp chỉ việc bưng lên cho cha ăn hầu nhận được chúc phúc của cha thôi.

Qua lời Mẹ nói nói với chị Lucia trên, chẳng những Mẹ cho con cái biết Thiên Chúa muốn gì (hiến dâng Nước Nga), muốn như thế nào (Đức Thánh Cha hiệp với tất cả các giám mục trên thế giới), và Ngài làm gì (đoán phạt các linh hồn xúc phạm đến Mẹ), Mẹ còn chỉ cách cho con cái làm sao có thể ngăn tay công thẳng của Thiên Chúa nữa, đó là đền tạ bằng hy sinh chính mình cho ý nguyện đó và cầu nguyện. Chưa hết, Mẹ còn liệu cách cho con cái có thể dễ dàng thực hiện cho bằng được điều Thiên Chúa muốn và có thể ngăn tay công thẳng của Ngài.

Về việc dâng hiện Nước Nga, chính Mẹ đã không nhúng tay vào là gì. Trước hết, Mẹ chọn ngày giờ hiện ra trùng hợp với ngày giờ chịu chức giám mục của Đức Thánh Cha Piô XII, vị Giáo Hoàng đã thực hiện việc dâng hiến thế giới cho Mẹ ngày 31/10/1942 và Nước Nga cho Mẹ ngày 7/7/1952. Sau nữa, Mẹ ra tay cứu sống Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II ngày 13/5/1981, kỷ niệm ngày Mẹ hiện ra tại Fatima 64 năm về trước, để rồi, chính vị Giáo Hoàng này đã nhận biết Mẹ và đã hoàn tất đúng như ý Chúa muốn về việc dâng hiến Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ ngày 13/5/1982 và 25/3/1984.

Về việc đền tạ Mẹ, ngày 10/12/1925, Mẹ đã chỉ cách cho con cái Mẹ biết phải làm như thế nào cho dễ dàng và xứng hợp. Đó là giữ 5 ngày Thứ Bảy Đầu Tháng liền, với những việc xưng tội, rước lễ, lần 50 kinh Mân Côi và suy gẫm 15 mầu nhiệm Mân Côi trong vòng 15 phút với ý đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ.

“Mẹ Maria là Con Đường Tiền Định chắc nhất để đến cùng Thiên Chúa”.

Nếu con người biết lắng nghe tiếng Mẹ, tuân theo lời Mẹ, như Giacóp đối với mẹ mình là Rebecca, thì chắc chắn sẽ nhận được chúc phúc của Isaac, cha mình, hay như các người giúp việc ở tiệc cưới Cana đối với Mẹ Maria, thì chắc chắn giờ Chúa sẽ đến và phép lạ sẽ xẩy ra.

Với những lời Mẹ chỉ dẫn rất rõ ràng và với những việc Mẹ liệu cách cho con cái có thể dễ dàng thực hiện ý muốn của Thiên Chúa như kể trên, loài người chỉ việc lợi dụng thời cơ thuận lợi để làm là xong, là chắc chắn sẽ làm cho Thiên Chúa phải giữ lời Ngài hứa là cứu Nước Nga nói riêng và ban hòa bình cho thế giới nói chung.

 

Không phải hay sao, sau cuộc hiến dâng thế giới và Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II hiệp cùng tất cả các giám mục trên thế giới ngày 25/3/1984, Nước Nga đã bắt đầu “cởi mở” và “cải tổ” dưới sự lãnh đạo của Mikhail Gorbachev ngay năm 1985 cho đến khi ông từ chức là ngày 25/12/1991, ngày Nước Nga hoàn toàn thoát ly chế độ và chủ nghĩa CS đã bị Lenin áp

đặt 74 năm trường, từ ngày 7/11/1917.

 

Về phương diện tự nhiên, Thiên Chúa còn giữ lời Ngài hứa như vậy, huống chi về phương diện siêu nhiên, Ngài chắc chắn sẽ cứu các linh hồn tội lỗi, nếu tội lỗi của họ được đền tạ cân xứng bởi các con cái của Mẹ.

“Các con đã được thấy hỏa ngục, nơi các linh hồn tội nhân khốn nạn rơi vào. Để cứu họ, Thiên Chúa muốn thiết lập trên thế giới sự tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Nếu điều Mẹ nói với các con được thực hiện, nhiều linh hồn sẽ được cứu và sẽ có hòa bình” (FILOW:162).

Nếu thế giới được hưởng hòa bình sau thời hậu CS, như Đức Mẹ nói với 3 Thiếu Nhi Fatima ngày 13/7/1917:  “Cuối cùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ thắng. Đức Thánh Cha sẽ hiến dâng Nước Nga cho Mẹ, Nước Nga sẽ trở lại và thế giới sẽ được hưởng một thời gian hòa bình” (FILOW:162), thì cũng có thể hiểu ngậm là, dù tội lỗi ngày nay càng ngày càng nhiều, càng kinh dữ hơn trước, dầu sao Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ đã được nhận biết, yêu mến và đền tạ một phần nào, có thể bù lại các tội lỗi của loài người đáng bị Chúa luận phạt đã xúc phạm đến Mẹ.

Tóm lại,

 Vì “Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi con nương náu và là đường đưa con đến Thiên Chúa” như thế mà con cái Mẹ phải hoàn toàn và hết lòng tin cậy Mẹ.

Tin cậy Mẹ ở chỗ Sống Trong Mẹ và Sống Nhờ Mẹ.

Sống Trong Mẹ là Đấng Thiên Chúa đã tiền định làm gà mẹ ủ ấp đàn con cái nhỏ dại dưới cánh chở che của mình cho khỏi mọi cơn phong ba bão tố trên đời, nhất là cho khỏi mọi thử thách khi hoạt động cho Mẹ.

Sống Nhờ Mẹ vì Mẹ là Con Đường Duy Nhất Thiên Chúa đã dùng để đến với loài người mà loài người không thể nào đến với Chúa vô cùng khôn ngoan toàn hảo lại không cùng qua Con Đường Tiền Định ngắn nhất, dễ nhất và chắc nhất này.

 

Chương 19 - Trái Tim Mẹ Toàn Thắng

Phải, 

Đúng như lời Mẹ đã tiên báo vào lần hiện ra thứ ba ở Fatima, 13/7/1917:

 “Cuối cùng, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ thắng” (FILOW:162).

Lịch sử đã tự chứng minh một cách rõ ràng và hùng hồn là Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ thực sự đã thắng.

Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ đã không thắng là gì, khi “cuối cùng” Mẹ đã làm cho Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II hiệp với tất cả các giám mục trên thế giới hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ ngày 25/3/1984.

Nhờ đó, “cuối cùng” Mẹ cũng đã làm cho “Nước Nga trở lại” (FILOW:162) ngày 25/12/1991, khi chế độ và chủ nghĩa CS hoàn toàn bị truất phế và hạ bệ sau 74 năm và 18 ngày đã làm lũng đoạn Nước Nga nói riêng và đe dọa thế giới nói chung.

Thế rồi, vì Nước Nga là mồi “gây chiến tranh” (FILOW:162) đã trở lại như thế, “cuối cùng...thế giới sẽ được hưởng một thời gian hòa bình” (FILOW:162).

“Thế giới sẽ được hưởng một thời gian hòa bình”, hay, nếu dịch cho đúng điệu văn hơn, câu nói này của Đức Mẹ sẽ là: “Một thời gian hòa bình sẽ được ban cho thế giới”.

Thật vậy, với tình trạng thế giới băng hoại hơn bao giờ này, thế giới không thể nào tự tạo lấy cho mình được một thời gian hòa bình, nếu không được Trời Cao ban cho. 

Với hiện trạng thế giới ngày nay đang bị chủ nghĩa cá nhân (mà ly dị là một hình thức điển hình), hưởng thụ (mà ngừa thai và phá thai là những hiện tượng hiển nhiên), duy nghiệm (mà khoa học và kỹ thuật tối tân được dùng để giải quyết tất cả mọi sự) và duy tâm (mà sự thật và sự thiện được chấp nhận và tuân theo một cách hoàn toàn chủ quan theo ý nghĩ và cảm nghiệm tự nhiên), làm sao thế giới có thể tiêu diệt CS vô thần, vì chính thế giới đang vô thần như ai, như thế, làm sao thế giới có thể kiến tạo cũng như hoan hưởng hòa bình chân chính và bền lâu.

Do đó, Trời Cao ban cho thế giới một thời gian hòa bình như vậy không phải là vì thế giới đã biết lắng nghe lời Mẹ van xin “Hãy đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi” (FILOW:168), mà có thể là vì một số con cái của Mẹ đã làm việc đền tạ tạm đủ để “rút những gai tội lỗi ra” (FILOW:195) khỏi Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, hay đã sốt sắng nghe theo lời Mẹ dặn “lần hạt Mân Côi hằng ngày để cầu cho hòa bình thế giới” (FILOW:160-161).

Dầu sao, hoà bình cũng chỉ được ban cho thế giới trong vòng một thời gian mà thôi! “Một thời gian” ấy không biết sẽ kéo dài trong bao lâu và không biết là những gì sẽ xẩy ra sau đó? Chỉ biết rằng, “cuối cùng” lời Thiên Chúa tuyên án phạt con cựu xà trong vườn địa đàng chắc chắn sẽ được ứng nghiệm hơn bao giờ hết vào Thời Điểm Fatima này, Thời Điểm “Thiên Chúa muốn thiết lập trên thế giới sự tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ” (FILOW:162).

Những gì Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ tỏ ra đã thắng trong lúc này, như vừa kể trên, mới chỉ là bước đầu và là dấu chứng cho con cái Mẹ, những người “nhận biết và yêu mến Mẹ”, những người hằng đền tạ và tin cậy Mẹ, thấy rằng “cuối cùng, Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ TOÀN THẮNG”.

Thế nhưng,

Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ sẽ:

- Toàn Thắng ai? 

- Toàn Thắng bằng cách nào? 

- Toàn Thắng như thế nào?

 THÙ HẬN THIÊN THU

“Ta sẽ gây thù hận giữa ngươi và người nữ, giữa giòng dõi ngươi và giòng dõi người nữ, trong khi ngươi rình cắn gót chân Ngài thì Ngài sẽ đạp nát đầu ngươi” (STK 3:15).

Tại sao “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Gn 4:8,16), “là Đấng trọn lành ở trên trời” (Mt 5:48), lại có thể làm việc này, đó là “gây thù hận” giữa các tạo vật của mình? Chẳng lẽ đó là thú vui của Ngài khi Ngài dựng nên tạo vật hay sao? Thật ra, theo tình hay theo lý đi nữa, Thiên Chúa không thể nào lại làm thế, “gây thù hận” giữa các tạo vật của Ngài. “Thù hận” sở dĩ có nơi tạo vật là do tự tạo vật mà ra.

“Con Trẻ (Chúa Giêsu) này là duyên cớ cho nhiều người trong Do Thái bị vấp phạm hay được chỗi dậy” (Lc 2:34), theo lời tiên báo của ông già Simeon cho Đức Mẹ và thánh Giuse biết, nghĩa là gì? Phải chăng, việc “Ngôi Lời hóa thành nhục thể” (Gn 1:14) làm cho nhiều người trong dân Do Thái vấp phạm là việc Thiên Chúa không nên làm, nếu làm sẽ là việc “gây thù hận” cho những người “yêu tối tăm hơn ánh sáng” (Gn 3:19)?

Phải chăng việc ông chủ vườn nho, trong quyền hạn của mình, phát lương cho các nhóm thợ được ông thuê mướn một cách công bình để làm vườn nho cho ông, đã gây cho nhóm thợ đến làm vào những giờ đầu tiên ghen tức vì “lòng rộng rãi” (Mt 20:15) của ông đối với những người làm vào giờ sau hết, là việc “gây thù hận” của ông chủ, bởi đó, ông không nên làm hay sao?

Nếu vì những thành phần “làm ác thì ghét ánh sáng” (Gn 3:20) này mà “Thiên Chúa là ánh sáng” (1Gn 1:5) tránh hết điều này đến điều kia, thì Ngài sẽ không bao giờ làm được gì cả, và thành phần “làm điều chân thật thì đến với ánh sáng” (Gn 3:21) sẽ không bao giờ được thấy ánh sáng.

Bản tính của ánh sáng là chiếu soi. “Là ánh sáng”, Thiên Chúa không thể nào không tỏ mình ra theo bản tính của mình. Một khi ánh sáng chiếu soi, bóng tối tự nhiên sẽ tan biến.

“Bóng tối bao trùm vực thẳm” (STK 1:2), tượng trưng cho hư vô là tất cả những gì không phải là Thiên Chúa hay ngoài ý muốn của Thiên Chúa, đã không biến mất là gì khi Thiên Chúa bắt đầu dựng nên “ánh sáng” trong ngày thứ nhất và mọi sự Ngài muốn sau đó?

“Bóng tối sự chết” (Luca 1:79), tượng trưng cho tội lỗi là tất cả những gì nghịch lại với Thiên Chúa và không đúng với ý muốn của Thiên Chúa, cũng đã không biến mất là gì, khi “Ngôi Lời hóa thành nhục thể” (Gn 1:14) “là Ánh Sáng thế gian” (Gn 8:12) “tỏ mình ra để phá hủy công việc của ma quỉ” (1Gn 3:8).

Bởi vậy, ý nghĩa của câu Thiên Chúa tuyên phạt con cựu xà Satan trong vườn địa đường: “Ta sẽ gây thù hận giữa ngươi và người nữ”, có thể được hiểu là vì Thiên Chúa “đã thương đến phận nữ tỳ tôi tớ của Ngài (là người nữ tên Maria và) đã làm những sự trọng đại” (Lc 1:48-49) nơi người nữ này, một người nữ vô danh tiểu tốt trước con mắt chỉ có mình là đệ nhất thiên hạ của Satan, mà về bản tính tự nhiên hắn cao sang hơn người nữ đó cả một trời một vực, đã làm cho hắn vô cùng ghen tức.

Thật ra, Satan đã “thù hận” Mẹ Maria ngay từ ban đầu, khi hắn được Thiên Chúa tỏ cho biết ý định của Ngài là Ngôi Lời sẽ mặc lấy bản tính nhân loại trong lòng một người phụ nữ. Đến nỗi, hắn đã dám chống lại ý định tối cao và vô cùng toàn hảo này của Thiên Chúa. Thánh Kinh đã diễn thuật sự kiện này như sau:

“Bấy giờ con rồng đứng trước người nữ sắp sinh con, chờ để nuốt con trẻ khi con trẻ được sinh ra... Khi con rồng thấy rằng mình bị hất văng xuống đất, hắn truy lùng người nữ đã sinh con trai. Nhưng người nữ đã được ban cho đôi cánh đại bàng để bay về chỗ của mình trong sa mạc, xa khỏi con rắn... Tức giận khi thấy người nữ thoát nạn, con rồng đi gây chiến với giòng dõi của người nữ, những kẻ giữ mệnh lệnh Thiên Chúa và làm chứng cho Chúa Kitô” (KH 12:4,13-14,17).

 TRÁI TIM MẸ TOÀN THẮNG SATAN

Phải, chính Satan, con cựu xà đã cám dỗ Evà trong vườn địa đường, là đối tượng và là mục tiêu Toàn Thắng của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ.

Thật ra, căn cứ vào văn từ của Thánh Kinh, chủ từ “đạp dập đầu ngươi” là giống đực, chứ không phải là giống cái, tức không phải là Mẹ Maria, “một người nữ”.

Đúng thế, theo thần học, tự Mẹ Maria cũng không thể nào chiến thắng được Satan, nếu không có Thiên Chúa hay không có Chúa Kitô. Nói cách khác, Mẹ Maria có chiến thắng Satan là do Chúa, trong Chúa và nhờ Chúa. Chính Thánh Kinh cũng không có chỗ nào rõ ràng diễn tả việc Mẹ Maria chiến thắng Satan, “đạp dập đầu Satan”, mà chỉ diễn tả việc “thoát nạn” của Mẹ “xa khỏi con rắn” muốn hãm hại Mẹ thôi. Tuy nhiên, dù Mẹ Maria không trực tiếp và tự mình đạp dập đầu Satan, nhưng, một khi Satan không làm gì được Mẹ như lòng “thù hận” của hắn, thì kể như hắn bị thua Mẹ rồi vậy.

Nếu nói Thiên Chúa chiến thắng Satan cũng không đúng lắm. Là Thiên Chúa, cần gì Ngài phải bận tâm và ra tay với một tạo vật hỗn láo của Ngài.

Trong trận chiến đầu tiên, không phải là tổng lãnh Micae lãnh đạo các thần lành, chứ không phải là chính Thiên Chúa, đã chiến đấu và chiến thắng Satan và các thần dữ theo hắn đấy ư (x.KH 12:7-9). Thế mà, Thánh Kinh lại minh định vị chiến thắng Satan là Chúa Kitô: “Chính vì để phá hủy công việc của ma qủi mà Con Thiên Chúa đã tỏ mình ra” (1Gn 3:8) hay “Thày đã chiến thắng thế gian” (Gn 16:33), nơi ma qủi đã làm cho “qua một người tội lỗi đã đột nhập và cùng với tội lỗi là sự chết” (Rm 5:12).

Thật ra, ngoài chính Thiên Chúa, không một tạo vật nào, kể cả tổng thần Micae hay Nữ Vương Maria tự mình có thể khống chế được Satan, đệ nhất tạo vật mà Ngài đã dựng nên.

Tuy nhiên, để khống chế Satan, Thiên Chúa chỉ “ra tay uy quyền đánh tan kẻ kiêu căng với những ý nghĩ của hắn và đã hạ kẻ quyền hành xuống khỏi vị cao” (Lc 1:51-52) bằng chính tạo vật của Ngài thôi. Chẳng hạn, ở trên trời bằng tổng thần Micae và các thần lành, và ở dưới đất bằng Mẹ Maria và các kẻ lành. “Con Thiên Chúa đã tỏ mình ra để phá hủy công việc của ma qủi” là gì, nếu không phải là Thiên Chúa dùng bản tính nhân loại, một bản tính thua kém bản tính của Satan, một bản tính đã bị chính Satan làm cho hoàn toàn băng hoại vì tội nguyên tổ, để khống chế Satan.

Thế mới nhục cho Satan! Không còn cực hình nào nặng hơn và đích đáng hơn để trừng phạt và trừng trị Satan là một tạo vật thông sáng hơn hết mọi tạo vật lại là một tạo vật đã dám đứng lên chống đối Ngài, bằng cách này. Lý đoán của Chúa vô cùng công minh và bàn tay của Chúa vô cùng công thẳng là vậy.

Thế nhưng, bản tính nhân loại nói chung và thân xác loài người nói riêng mà Ngôi Lời đã mặc lấy nơi Chúa Giêsu Kitô để phá hủy công việc của Satan đây bởi đâu mà có, nếu không phải bởi Mẹ Maria, “trinh nữ thụ thai và sinh con trai” (Is 7:14).

Có thể nói, đối tượng và mục tiêu chiến thắng của Mẹ Maria là chính Satan, trong khi, đối tượng và mục tiêu chiến thắng của Chúa Kitô là chính tử thần. Căn cứ vào đâu để có thể phân tách và khẳng định như thế?

Mẹ Maria chiến thắng Satan bởi vì, cả hai, trong thượng trí của Thiên Chúa, là hai tạo vật đệ nhất, như Thánh Kinh đã diễn tả qua hình ảnh: “Một Người Nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai tinh tú... Một Con Rồng khổng lồ, rực lửa, với bảy đầu và mười sừng, mỗi đầu có bảy vương miện” (KH 12:1,3).

Tuy nhiên, hai tạo vật thượng thặng này đệ nhất về một phương diện khác nhau: Satan, theo các thánh Giáo Phụ, là Lucifer, tức “thần ánh sáng”, đệ nhất về bản tính tự nhiên, hơn Mẹ Maria, cũng như đệ nhất về phẩm trật hơn các thần trời cùng một bản tính với hắn; Mẹ Maria, tuy thua kém Satan về bản tính tự nhiên, song lại đệ nhất thiên hạ về phương diện ân sủng, đến nỗi, chính bản tính tự nhiên thua kém Satan của Người đã được mặc lấy Thiên Tính khi “Ngôi Lời hóa thành nhục thể” (Gn 1:14) trong cung lòng trinh nguyên của Người.

Chúa Kitô “là sự sống lại và là sự sống” (Gn 11:25) đã chiến thắng tử thần (x.1Cor 15:26, Rm 6:9). Thật vậy, chiếc “Đầu” mà Satan bị “đạp nát" đây là gì, nếu không phải là biểu hiệu cho “những ý nghĩ kiêu căng của hắn”, những mưu đồ vô cùng gian trá và hiểm độc của hắn, nhất là hiện thân của chính “tử thần” mà hắn vừa làm tôi vừa làm chủ.

“Đầu” của Satan là biểu hiệu cho “những ý nghĩ kiêu căng của hắn”.

Hành động bất mãn đứa đến bất tuân và phản loạn của “con rồng khổng lồ” chỉ là hậu quả, bị tác động bởi những ý nghĩ kiêu căng ở bên trong mà thôi. Nếu “con rồng khổng lồ” không có “những ý nghĩ kiêu căng” này, hắn sẽ không có những phản ứng làm cho hắn phải chịu những hậu quả bất hạnh đời đời như hắn đang phải chịu. 

“Những ý nghĩ kiêu căng của hắn” đây là gì, nếu không phải như  Thánh Kinh đã viết về vua Babylon, hiện thân kiêu căng của hắn: “Ngươi thầm nhủ trong lòng rằng: 'Ta sẽ vượt trên các tầng trời; trên các tinh tú của Thiên Chúa, Ta sẽ đặt ngai tòa của Ta. Ta sẽ ngự trên Núi Đồng Hội, nơi bồng lai phương Bắc. Ta sẽ lên tới chót đỉnh mây ngàn; Ta sẽ nên như Đấng Tối Cao'“ (Is 14:13-14).

Chiếc “Đầu” này của Satan, tức “những ý nghĩ kiêu căng của hắn” này thật ra không phải tự hắn mà có, hơn là do chính tử thần mà có, và hắn chỉ là thừa hành, là tay sai của tử thần để làm điều tử thần muốn mà thôi. Do đó, khi tử thần bị tiêu diệt thì tự nhiên “Đầu” của Satan cũng bị “đạt dập nát” thôi.

“Đầu” của Satan là biểu hiệu cho “những mưu đồ vô cùng gian trá và hiểm độc” của hắn.

Thánh Kinh đã nói rõ về Satan là: “Sự thật không có trong mình hắn” (Gn 8:44). Nếu sự thật có trong mình Satan thì hắn đã không có những ý nghĩ kiêu căng như vậy. Vì có những ý nghĩ kiêu căng như vậy, hắn đã không biết mình, dù là thần ánh sáng đi nữa. Và vì không biết mình, hắn đã phản loạn, đã làm theo sự mù tối của hắn, tức làm theo tử thần ở trong hắn.

Tử thần chính là sự tối tăm, sự gian dối. Mà, đã là sự tối tăm thì “ghét ánh sáng” (Gn 3:20), nên làm hết cách để tiêu diệt ánh sáng. Thế nhưng, Thánh Kinh đã nói về số phận vô cùng đáng thương và khốn nạn của thành phần tăm tối này như sau: “Đây là kẻ cưu mang gian manh, thụ thai lệch lạc và hạ sinh thảm bại. Hắn đào bẫy sập, đào thật sâu, mà lại bị rơi ngay xuống bẫy hắn tạo ra. Sự gian manh của hắn quật lại vào mình hắn; sự hung tàn của hắn rơi lại rơi ngay xuống đầu hắn” (TV 7:15-17).

Không phải hay sao, qua bàn tay đẫm máu của loài người là loài đã bị hắn sát hại ngay từ đầu nên lúc nào cũng sẵn sàng vui vẻ làm theo ý muốn của hắn (x.Gn 8:44), hắn đã giết chết được Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể. Thế nhưng, hắn có ngờ đâu rằng, chính thập giá mà hắn nhờ tay con người đóng đanh Con Thiên Chúa lại là cái giá loài người cần phải trả cho Ngài trong Con của Ngài để Ngài cứu rỗi họ. Như thế, không phải là “Đầu” của Satan, “mưu đồ vô cùng gian trá và hiểm độc của hắn” đã bị đạp nát hay sao!“Đầu” của Satan là biểu hiệu cho chính “tử thần”.

Nếu Mẹ Maria không phải là sự sống như Con Mẹ, nhưng Mẹ đã thụ thai, cưu mang và sinh hạ Ngài cho thế gian thế nào, Satan cũng vậy, hắn cũng không phải là chính tử thần, song hắn đã thụ thai, cưu mang và hạ sinh tử thần cho thế gian. Chính hắn cũng đang ở trong sự chết, ở trong tử thần vậy. Chính sự chết ở trong Satan đã bị hủy diệt qua các mưu đồ và việc làm của Satan. Hay, nói cách khác, một khi mưu đồ và việc làm của Satan, của ma qủi bị hủy diệt, qua việc tỏ mình ra của Con Thiên Chúa (x.Gn 3:8), thì tử thần bị hạ và Satan bị thua trận.

“Đầu” của Satan là như thế, và chiếc “Đầu” đó đã bị đạp nát ra như vậy, nhưng, chiếc “Đầu” đó đã bị đạp nát bằng cách nào, nếu không phải bằng “gót chân Ngài”. Cái “Đầu” kiêu ngạo của Satan “nát” ra không phải vì bị một bàn tay bóp chết hay vì bị một chiếc gậy đập chết, mà là, nhục nhã hơn nữa, vì bị bàn chân là phần thấp hèn nhất trong thân thể so với đầu “đạp nát”.

Vậy, “bàn chân” đạp nát “đầu” Satan đây là gì, nếu không phải là biểu hiệu cho nhân tính của Chúa Kitô và cho Giáo Hội là Nhiệm Thể của Ngài.

“Bàn chân” đạp nát đầu Satan đây là biểu hiệu cho nhân tính của Chúa Kitô.

Lý do là vì, phần bị Satan rình cắn của bàn chân tức của nhân tính Chúa Kitô này là “gót”. “Gót” của bàn chân bị Satan rình cắn đây không phải là Thánh Thể của Chúa Kitô, Mình đã “bị nộp vì các con” và Máu đã “đổ ra cho các con” (x.Lc 22:18,20) hay sao.

“Bàn chân” đạp nát đầu Satan đây còn là biểu hiệu cho Giáo Hội là Nhiệm Thể của Chúa Kitô.

Lý do là vì, “gót” của bàn chân tức của Giáo Hội này là phần bị Satan rình cắn chính là những chi thể của Giáo Hội, “những kẻ giữ mệnh lệnh Thiên Chúa và làm chứng cho Chúa Giêsu” (KH 12:17).

Thế nhưng, “những kẻ giữ mệnh lệnh Thiên Chúa và làm chứng cho Chúa Kitô” là “gót chân Ngài”, thành phần trực tiếp đạp dập đầu Satan ấy là ai, nếu không phải là chính “giòng dõi Người Nữ” (KH 12:17; STK 3:15), những người “được đóng ấn trên trán” (KH 7:3), những người “Thiên Chúa đã tiền định” (Rm 8:29).

Chính thành phần “được đóng ấn trên trán” (KH 7:3) này mới là đối tượng, là mục tiêu tấn công toàn lực của Satan cùng đồng bọn “Phản Kitô” của hắn. Lý do là vì hắn “săn đuổi (mà không làm gì được) Người Nữ sinh con trai” (KH 12:13), nên, “tức giận vì Người Nữ vượt thoát, con rồng đi giao chiến với con cái của Người Nữ” (KH 12:17).

Ấn tín được đóng trên trán của thành phần “có tên trong sổ hằng sống” đây là gì, nhờ đó, Satan và đồng bọn của hắn có thể dễ dàng nhận diện đối phương không đội trời chung để mà tấn công, để mà ăn tươi nuốt sống, để mà, nếu chiếm được thành phần này là hắn làm cho ý định cứu rỗi đời đời của Thiên Chúa bất thành, và làm cho Người Nữ “uy hùng như đạo quân sắp hàng vào trận” (DTC 6:10) bị bẽ mặt, tức làm cho hắn chuyển bại dưới thập giá Chúa Kitô, dưới Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, thành thắng trên giá Máu của Chúa Kitô, trên con cái của Mẹ, là “những người Thiên Chúa đã biết trước thì Ngài cũng tiền định” (Rm 8:29)?

Phải chăng ấn tín của những kẻ được Thiên Chúa biết trước thì Ngài cũng tiền định đó là Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria?

Không phải hay sao, các thánh đã không sợ sai lầm khi công khai xác tín rằng: “Hoàn toàn thành tâm tôn sùng Mẹ là dấu hiệu chắc chắn được cứu rỗi” (TDTM, 40).

Phải,

Trái Tim Mẹ đã thắng Satan trong Chúa Giêsu nhờ đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, đặc ân làm cho Satan bất lực trong việc hãm hại Mẹ và đàn con mà Mẹ ấp ủ dưới cánh chở che của Mẹ.

TRÁI TIM MẸ TOÀN THẮNG Satan nơi con cái của Mẹ nữa, thành phần bị hắn dốc toàn lực tấn công với tất cả khôn ngoan và mãnh lực của hắn mà vẫn không làm gì được, vì họ mang ấn tín cứu rỗi trên trán của mình là thập giá Chúa Kitô, qua những gì họ bị bắt bớ trên trần gian, bị Satan rình cắn, và là Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, qua lòng thành thực sùng kính Mẹ của họ được thể hiện nơi việc họ thiết tha tin cậy Mẹ, đền tạ Mẹ và làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến.

 

 Nguồn tinmung.net