For students

Góc dành cho sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh

MỘT SỐ LƯU Ý CHUNG:

  1. Đề tài nghiên cứu không được trùng lặp với bất cứ nghiên cứu nào trước mà có thể tìm được bằng các công cụ tìm kiếm hoặc ở thư viện.
  2. Nên mạnh dạn và thoải mái trao đổi tất cả mọi ý tưởng nghiên cứu với giáo viên hướng dẫn (GVHD). Mọi ý kiến sẽ được lắng nghe và góp ý.
  3. Cần thường xuyên trao đổi với GVHD từ trước khi chọn đề tài cho đến lúc bảo vệ, tốt nhất là báo cáo tiến độ từ 1-2 tuần một lần.
  4. Cách liên lạc hiệu quả nhất là qua email, nếu sau 3 ngày GVHD không trả lời, chủ động gọi điện hoặc nhắn tin để nhắc.
  5. Không nên kỳ vọng GVHD sẽ trả lời ngay và tất cả mọi thắc mắc bởi họ thường rất bận, nên thử tìm hiểu và đọc tài liệu trước.
  6. Không tự mình chọn đề tài, tự xây dựng công cụ nghiên cứu, tự điều tra, tự nộp sản phẩm mà không có sự thông qua và đồng ý của GVHD. Nếu sinh viên/học viên tự động làm mà không có sự thông qua, mọi kết quả sẽ bị hủy và phải làm lại.
  7. Tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghiên cứu cơ bản: tuyệt đối không copy, sao chép, tất cả phần viết phải có trích dẫn và viết bằng giọng văn của mình, kể cả nghe không hay; tuyệt đối không sử dụng số liệu của người khác để làm kết quả của mình; trung thực với mọi quy trình và kết quả nghiên cứu; phải có sự chấp thuận của khách thể nghiên cứu trước khi thu thập dữ liệu.
  8. Nơi tìm kiếm tài liệu tốt nhất là: thư viện, Google Scholar và tạp chí khoa học.
  9. Cố gắng tìm các tài liệu mới, cập nhật trong khoảng 5-10 năm cho đến thời điểm nghiên cứu. Hạn chế tối đa sử dụng các tài liệu cũ, vì tri thức khoa học thay đổi và cập nhật từng ngày.
  10. Cố gắng tìm và đọc các tài liệu nước ngoài (ví dụ tiếng Anh). Các công cụ hỗ trợ dịch hiện nay khá tốt và càng ngày càng tốt lên (ví dụ Google Translate) vì vậy không nên tự hạn chế khả năng của mình ngay cả khi ngoại ngữ không tốt.
  11. Nên đặt mục tiêu hoàn thiện sản phẩm tối thiểu 3 ngày trước hạn nộp thực sự, vì luôn có vấn đề và thủ tục phát sinh.
  12. Hầu hết các sản phẩm nghiên cứu đều được kỳ vọng xuất bản trong kỷ yếu hội thảo hoặc tạp chí trong và ngoài nước, vì vậy cần cố gắng làm ở mức chất lượng nhất và tốt nhất có thể.
  13. Liên tục sao chép toàn bộ dữ liệu nghiên cứu (các bản nháp, số liệu, bảng hỏi, ghi chú...) sang các thiết bị lưu trữ (USB, ổ cứng ngoài, điện thoại) và lên mạng (Google Drive, OneDrive, Dropbox, Email) vì luôn có nguy cơ hỏng máy tính, bị virus mất dữ liệu.
  14. Nên có một thời gian biểu, checklist (danh sách việc cần phải làm) bằng cách ghi chú ra sổ tay, phần mềm ghi chú trên máy tính và điện thoại, hoặc file Word, Google docs... để theo dõi tiến độ công việc.
  15. Tôn trọng, có trách nhiệm bảo mật thông tin liên quan đến khách thể nghiên cứu hoặc người có liên quan tới báo cáo nghiên cứu.