Mẹ Mốc

Nguyễn Khuyến

So danh giá ai bằng mẹ Mốc,

Ngoài hình hài, gấm vóc, cũng thêm ra. 

Tấm hồng nhan đem bôi lấm xoá nhoà,

Làm thế để cho qua mắt tục.

Ngoại mạo bất cầu như mỹ ngọc,

Tâm trung thường thủ tự kiên kim. (1)

Nhớ chồng con muôn dặm xa tìm,

Giữ son sắt êm đềm một tiết. (2)

Sạch như nước, trắng như ngà, trong như tuyết,

Mảnh gương trinh vằng vặc quyết không nhơ,

Đắp tai ngảnh mặt làm ngơ,

Rằng khôn cũng kệ, rằng khờ cũng thây.

Khôn em dễ bán dại này!


(1) Mặt ngoài không cần đẹp như ngọc, Nhưng trong lòng hằng giữ bền như vàng.

(2) tiết: khí tiết


Vào khoảng 1897, ở Nam Định có một người đàn bà điên, nhưng còn trẻ đẹp, thường ăn mặc rách rưới, mặt mũi nhem nhuốc đi hát nghêu ngao ngoài phố, người đương thời gọi là Mẹ Mốc. Nghe nói người này nhà khá giả, gặp buổi loạn lạc bị mất chồng con nên buồn phiền mà hoá dại. Nhà thơ nghe chuyện cảm xúc làm bài này. Có người cho rằng vì chồng đi xa biệt tích, bà giả vờ điên dại và tự huỷ hoại nhan sắc để khỏi bị bọn người hay tán tỉnh, chọc ghẹo, nhằm thủ tiết với chồng.