Ngôi sao cô đơn

source: http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/Kinh-nghiem/2010/02/3BA18AF8/

'Ngôi sao cô đơn' trong công ty

Tôi đang giữ vị trí lãnh đạo ở một số công ty và có tham gia trực tiếp công tác tuyển dụng, huấn luyện và quản lý nhân viên. Tôi đã có dịp tiếp xúc và làm việc với rất nhiều bạn trẻ mà tôi tạm gọi ở đây là “những ngôi sao cô đơn”.

Đặc điểm chung của họ là còn khá trẻ, một số vừa tốt nghiệp đại học hoặc cao học ở nước ngoài, kinh nghiệm làm việc chưa nhiều nhưng khá tự tin về bản thân.

Khi tôi phỏng vấn tuyển dụng, các bạn trẻ này đều thể hiện mong muốn được làm việc tại doanh nghiệp và thích thú với công việc được phân công cũng như các điều kiện chính sách mà công ty dành cho họ. Khoảng sau một tháng, thậm chí một tuần làm việc, tôi thường nhận được một email khá dài từ nhân viên này và bạn muốn mời tôi đi uống cafe để trao đổi.

Các cuộc trao đổi không hoàn toàn giống nhau nhưng đều có chung các nội dung: tại sao anh A., chị B. lại là sếp trực tiếp của em, họ có giỏi gì hơn em đâu? Em chỉ muốn làm việc độc lập và báo cáo trực tiếp cho anh thôi. Tại sao lương em chỉ có bây nhiêu trong khi anh C., chị D. không có gì xuất sắc hơn em, thậm chí là bằng cấp của họ không bằng mà lại nhận lương cao hơn em? Tại sao ý tưởng của em xuất sắc như vậy mà lãnh đạo lại không chấp thuận? Tại sao các anh chị trong phòng lại không thân thiện với em?... Nói chung, cơ man những thắc mắc mà các bạn trẻ đưa ra.

Đã trải qua những năm tháng tuổi trẻ, tôi hiểu và thông cảm với các nhân viên của mình. Câu trả lời chung của tôi là: Về chế độ chính sách và vị trí của em trong tổ chức, em đã được thông báo rõ ràng ngay từ đầu và em đã đồng ý. Tuy nhiên, hiện nay những vấn đề này chỉ là điểm khởi đầu mà thôi. Em đừng vội phàn nàn về thu nhập hay sếp trực tiếp của mình mà hãy cố gắng thể hiện năng lực, giá trị bản thân và sự đóng góp cụ thể của em cho công ty. Tôi và các lãnh đạo công ty đủ sáng suốt và kinh nghiệm để đánh giá chính xác năng lực của em. Tương lai của em phụ thuộc vào chính bản thân và sự đóng góp, chia sẻ của em chứ không bị ảnh hưởng bởi anh A hay chị B...

Về nguyên tắc, nếu em làm việc xuất sắc thì một ngày nào đó, em có thể trở thành sếp của những người này. Còn về ý tưởng, em có sáng tạo nhưng chưa nghiên cứu và tìm hiểu kỹ, nên đề xuất đưa ra chưa phù hợp và không ứng dụng được. Ngoài ra, trong quan hệ cư xử, em thiếu hòa đồng. Khi mọi người trang trí phòng nhân dịp năm mới thì em kiêm cớ đi ra ngoài; khi mọi người cùng nhau sắp xếp lại kho hàng thì em cũng không có mặt mặc dù anh đã email kêu gọi cả phòng cùng tham gia. Vì vậy, khoan trách mọi người không thân thiện với em mà em hãy nhìn lại bản thân mình!

Sau cuộc nói chuyện, tôi cũng gặp riêng người lãnh đạo trực tiếp của bạn nhân viên “ngôi sao”. Tôi chia sẻ lại với họ những suy nghĩ, bức xúc mà tôi đã ghi nhận và cùng thống nhất cách thức hỗ trợ và khuyến khích bạn nhân viên này trong thời gian sắp tới.

Là người quản lý đồng thời là một nhà tuyển dụng, tôi biết công ty đã tốn nhiều chi phí để tuyển bạn nhân viên vào rồi đào tạo họ. Khi họ bắt đầu quen việc mà vì những lý do nhỏ nhặt họ ra đi, thì người thiệt hại đầu tiên là công ty. Vì vậy, tôi thấy mình phải có trách nhiệm cao độ với các bạn nhân viên mới, đặc biệt là các nhân viên “ngôi sao” này.

Tôi quan sát và góp ý thẳng thắn cho bạn nhân viên trẻ qua email hoặc trò chuyện trực tiếp. Nếu tôi góp ý bằng email thì đều Bcc (mail gửi kèm mà người nhận không biết) cho người quản lý trực tiếp. Các góp ý có thể liên quan đến cách cư xử, lời ăn tiếng nói, thậm chí là cách trả lời điện thoại hoặc cách viết email của người nhân viên trẻ.

Và với quan sát của mình, tôi nhận thấy sau 2-3 tháng, nếu bạn nào trụ lại được thì sau đó, sẽ làm việc rất tốt; ngược lại có bạn sẽ xin nghỉ và kiếm tìm cơ hội ở doanh nghiệp khác. Nếu có điều kiện, tôi vẫn theo dõi những bạn trẻ này ở chỗ làm mới và thật lòng cầu mong họ sẽ thành công.

Tôi không cho rằng các doanh nghiệp mà mình đang tham gia quản lý đều có môi trường làm việc và cơ hội thăng tiến tốt cho các bạn trẻ. Vấn đề tôi muốn nêu ra ở đây là các bạn trẻ khi bắt đầu đi làm cần chuẩn bị cho mình tính kiên nhẫn, sự khiêm tốn, óc cầu tiến, khả năng làm việc tập thể. Đừng đòi hỏi quyền lợi cho mình hoặc tị nạnh so sánh với người khác mà hãy thể hiện giá trị bản thân, khả năng chia sẻ và sự đóng góp của mình. Tôi tin chắc là những nỗ lực và cố gắng của bạn sẽ được ghi nhận và tưởng thưởng xứng đáng.

Bạn giỏi, bạn còn trẻ, bạn có quyền kiêu hãnh nhưng đừng ảo tưởng và nhiễm bệnh ngôi sao. Hãy trở thành ngôi sao lấp lánh trong dải ngân hà, chứ đừng biến mình thành những “ngôi sao cô đơn”.

Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Quỳnh

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận - PNJ. Ảnh do nhân vật cung cấp.