Publications

Cha đẻ ATM - Ông là ai?

Chắc bạn cũng thấy rằng ATM (Automated Teller Machine - máy giao dịch tự động) đang ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam? Vào bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi nào có ATM, người dùng có thể thực hiện các giao dịch mà không cần đến Ngân hàng. Nhưng có khi nào đó giao dịch trên ATM bạn băn khoăn rằng ATM có từ bao giờ không?

Giải mã ẩn số

“Tôi không tin” – đó là câu trả lời của đa số mọi người khi được hỏi “Bạn có tin cha đẻ ATM là người Việt Nam không?”. Ai cũng nghĩ đó có thể là người Anh, người Pháp, người Mỹ hay một người nước nào đó nhưng không ai nghĩ đó là người Việt Nam. Sự thật là phát minh đó mang tên một người Việt Nam – Ông Đỗ Đức Cường.

Cảm nhận đầu tiên khi được nói chuyện với ông là gần gũi, nhiệt tình và thông thái. Ông luôn trân trọng khi nói chuyện với bất kỳ ai, từ một người nông dân, anh xe ôm đến người tri thức. Bạn có thể nhìn thấy ông say sưa giải thích về các phát minh với một người tri thức mặc com lê, và bạn cũng có thể nhìn thấy một sự say sưa tương tự khi ông nói chuyện với một người nông dân chân đất.

Thích làm việc ở chân cầu thang để được gặp gỡ mọi người. Trong ví lúc nào cũng có hàng chục thẻ ATM. Là tác giả của trên 50 phát minh và sáng chế, 20 năm làm việc tại ngân hàng Citibank - Mỹ, chuyên viên cao cấp cho ngành ngân hàng Hoa Kỳ, là Đại sứ thiện chí của Liên Hiệp Quốc. Trở về Việt Nam năm 2003, hiện ông là cố vấn cao cấp cho ngân hàng Đông Á.

Chết đói và may mắn của số phận

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Đức Phổ, Quảng Ngãi. Những năm tuổi thơ nghèo khó. Các anh chị em lần lượt chết vì đói. 6 tuổi ông cũng đã chết hụt một lần và sống lại ngay kề miệng huyệt. Sau này ông luôn tự nhủ: “Phải làm giàu, không chỉ bản thân mình giàu có mà mọi người cũng phải giàu có, vì khi mình nghèo thấy số phận hẩm hiu quá!” Có lẽ đó chính là một dấu ấn góp phần tạo nên ý trí vươn lên mạnh mẽ của ông.

Từ sinh viên Y khoa thành cha đẻ ATM

Khởi đầu sự nghiệp học hành tại trường Đại học Y khoa Sài Gòn. Sau đó chuyển sang học ngành Kỹ cơ khí tại Đại học Phú Thọ (Đại học tổng hợp). 1963, trong kỳ kiểm tra của một phái đoàn của Nhật nghiên cứu về trí thông minh người Việt Nam ông là người có chỉ số thông minh cao nhất. Ông được cấp học bổng sang Nhật học tại Đại học Osaka. Ông vừa đi học vừa làm thêm tại công ty Toshiba. Một phát minh bất ngờ đã đưa ông đến Mỹ.

Gặp Giám đốc ngân hàng Citibank (Mỹ) trong một buổi ca nhạc do ông tổ chức. Ngay lúc đó ông nhận được một lời mời đến Citibank cùng đề nghị: “Dùng kĩ thuật để kiếm cho ngân hàng 1 tỉ khách hàng”.

Ông đưa ra 20 câu hỏi buộc ông chủ của Citibank phải thừa nhận 20 cái sai của ngân hàng và từ chối lời mời làm việc. Sự nhiệt tình, thẳng thắn cùng lời cam kết sẽ ủng hộ ông “lội ngược dòng” của Tổng giám đốc đã thuyết phục ông gia nhập Citibank. Mục tiêu của ông là “bình dân hoá dịch vụ ngân hàng”.

Trong thời gian này, ông đồng phát minh ra máy ATM. Đó chính là một bước tiến lớn của nhân loại trong lĩnh vực ngân hàng.

Trở về Việt Nam

Tháng 6/2003 trở về Việt Nam sau 40 năm để tham gia phiên họp đầu tiên về WTO ở Việt Nam, trợ giúp Seagames 22 và giúp WB làm bản báo cáo về viễn cảnh tốt đẹp của Việt Nam. Người đầu tiên tìm gặp lại là mẹ. Nỗi buồn sau 40 năm gặp lại mẹ lâm bệnh nặng. Chợt thấy mọi thứ trở nên vô nghĩa, ông biết rằng “Mẹ chỉ có một trên đời”. Từ bỏ mức lương cả triệu USD/năm, chấp nhận mất hết cổ phiếu chưa đáo hạn, ông rời Mỹ về Việt Nam để chăm sóc mẹ.

Lời khuyên cho ngành ngân hàng Việt Nam

Trở về Việt Nam cùng mong muốn góp công sức cho việc phát triển ngành ngân hàng, đưa ngân hàng đến từng người dân. Ông đã nhận lời làm tư vấn cho nhiều ngân hàng Việt Nam. Theo ông “ngân hàng Việt Nam nói chung có rất nhiều khiếm khuyết: không minh bạch và khó khăn về vốn và nguồn nhân lực”. Tuy vậy theo đánh giá của ông thì chúng ta cũng có nhiều lợi thế “người Việt, đất Việt, ngân hàng Việt. 83 triệu dân, 47 ngân hàng, 5 triệu tài khoản, 2,5 triệu thẻ”.

Ông Đỗ Đức Cường đã tư vấn và đưa ra 4 lời khuyên cho dịch vụ ngân hàng:

1. Quần chúng hoá dịch vụ ngân hàng, biến ngân hàng thành dịch vụ của cả xã hội chứ không chỉ là câu lạc bộ của người giàu.

2. Bình dân hoá dịch vụ để cô bán cà phê, anh lái xe ôm cũng có thể giao dịch với ngân hàng.

3. Chuyên nghiệp hoá đội ngũ cán bộ. Để phục vụ tốt thì lúc nào cũng phải mỉm cười và coi người sử dụng dịch vụ là người tiêu dùng.

4. Hiện đại hoá đi từ dân dụng đến chuyên dụng. Đừng cạnh tranh kỹ thuật mà phải tìm hiểu nhu cầu khách hàng.

Khi được hỏi cái gì là khởi đầu cho những phát minh của ông, ông Cường trả lời: “Lúc nào tôi cũng nghĩ rằng khởi đầu của mọi tìm tòi khám phá của mình đều xuất phát từ cuộc sống. Cuộc sống khó khăn quá, cần cải thiện nó tốt hơn. Tôi tìm ra nguyên lý sống của mình là đừng xa xôi mà hãy nhìn, hãy yêu, hãy chăm sóc cuộc sống trước mắt cho thật tốt cái đã. Như thế tự nhiên thành công sẽ đến với mình”. Câu chuyện về ông Đỗ Đức Cường là câu chuyện về một con người chân chất, mộc mạc, gần gũi như chính mong muốn của ông: “Để cô bán cà phê, anh lái xe ôm cũng có thể giao dịch với ngân hàng”.

Source: www.nguoiduongthoi.com.vn

Huyền thoại về McDonald

Hàng ngày, cứ bốn người Mỹ thì có một người ghé vào quán fastfood của McDonald, hãng fastfood lớn nhất thế giới. Đây là một con số mà bất cứ hãng fastfood nào cũng mơ ước. Thành công của McDonald là ngoài sức tưởng tượng. “Con gà đẻ trứng vàng”, biệt danh của McDonald, vẫn đang băng băng trên con đường phát triển với doanh thu hàng năm khoảng 5 tỷ USD.

Nhiều người có vẻ ngạc nhiên trước thành công của McDonald. Tuy nhiên sẽ không là có gì là quá “kỳ diệu” nếu chúng ta biết được những nỗ lực cũng như các chiến lược kinh doanh độc đáo của McDonald trong hơn nửa thế kỷ qua.

Phát triển bằng... "cắt giảm”

Năm 1930, anh em nhà McDonald là Dick và Mac phải tha hương đến bang California, làm đủ nghề mà vẫn không sống nổi. Năm 1940, họ vay ngân hàng 5000 USD mở quán ăn phục vụ lái xe và khách hàng qua đường. Kinh doanh nói chung cũng khấm khá. Năm đầu tiên mà lãi đã hơn 40.000 USD.

Nhưng anh em nhà McDonald lại không hài lòng bởi lẽ các món ăn chế biến quá chậm, nhiều tài xế đợi không thấu đành nhịn đói bỏ đi. Anh em họ suy nghĩ cải tiến và sau khi điều tra nghiên cứu thị trường, thời cuộc, Dick và Mac quyết định “cắt giảm”. Trước kia bán 25 món, giờ đây rút còn 9 món mà chủ yếu là bánh mỳ kẹp thịt kèm khoai tây rán. Năm 1948, Dick và Mac khai trương quán ăn nhanh. Vẫn thương hiệu McDonald nhưng không ngờ, chỉ ít lâu sau đã phát triển rực rỡ. Năm 1852, Dick và Mac bán “bản quyền” quán ăn nhanh, mời Ray Kroc chủ trì kinh doanh và ngay sau đó McDonald mọc lên khắp nước Mỹ, bén rễ vào đời sống người dân Mỹ. Cuối cùng anh em nhà McDonald chuyển nhượng toàn bộ cơ nghiệp cùng khái niệm “McDonald” cho Neli Fox. Neli đã toàn cầu hoá văn hoá “ăn nhanh” do Dick và Mac đề xướng. Tại Trung Quốc, năm 2002, tạp chí Bình luận kinh tế viễn đông đã thực hiện cuộc điều tra với 1000 nhà quản lý ở ba thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu. Kết quả cho thấy, 69% thường dùng bữa bằng thức ăn nhanh. Nếu phân tích chi li với lứa tuổi dưới 35 thì tỷ lệ ấy còn cao hơn 84%.

Nhiều người thấy McDonald phát triển rất nhanh bèn đến xin gặp Dick và Mac để xin chỉ giáo, Dick liền trả lời: “Our whole concept was based on speed, lower price and volume” (toàn bộ khái niệm của chúng tôi dựa trên cơ sở tốc độ, giá rẻ và số lượng).

Sự nghiệp của McDonald phát triển bền vững và lan toả như ngày nay là nhờ có quyết định “cắt giảm” của họ cách đây hơn nửa thế kỷ. Những người kế nghiệp tại McDonald vẫn giữ vững tôn chỉ “lower prices” (giá rẻ), suy cho cùng đó cũng là "cắt giảm".

Thời kỳ khó khăn

Thời gian qua, McDonald liên tục thông báo lợi nhuận hàng quý giảm sút mạnh, giá cổ phiếu đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Những năm cuối thập kỷ 90, McDonal đã trải qua thời gian khó khăn nhất trong lịch sử của mình. Trước hết, đó là những vấn đề thị trường châu Âu, thị trường lớn thứ hai của McDonald sau thị trường Mỹ. Doanh thu của hãng ở Đức và Anh đã giảm mạnh do người dân châu Âu ngày càng kỹ luỡng hơn trong việc mua thực phẩm nhất là những thực phẩm nhập khẩu từ bên ngoài.

Ngoài ra, sức khoẻ cũng là vấn đề làm cho người tiêu dùng lo lắng. Tại Nhật, MacDonald có 300 cửa hàng và lệnh cấm nhập khẩu thịt gà của chính phủ Nhật Bản là một cú đánh mạnh vào các cửa hàng của MacDonald, buộc họ phải loại món gà ra khỏi thực đơn trong 3 tháng liền. Còn tại thị trường Mỹ Latinh, McDonald bị ảnh hưởng đáng kể do khủng hoảng kinh tế.

Nhưng tình hình tồi tệ nhất lại xảy ra ở ngay tại Mỹ, nơi McDonald có 13.200 cửa hàng. Cuộc cạnh tranh với các đối thủ Burger King và Wendy khíến McDonald phải chao đảo. Các hãng khác đưa ra mức giá thấp và hấp dẫn hơn nhiều - điều mà McDonald thường né tránh. Burger King gần đây tung ra một “thực đơn 1 USD” trong đó bao gồm 11 món với giá chỉ có 99 US cent. McDonald cũng bị cạnh tranh bởi những quán không phục vụ món thịt băm như Taco Bell và Pizza Hut vì người Mỹ ngày càng chán ngấy với những món thịt băm truyền thống. McDonald là kẻ chậm chân nhất trong việc đổi mới thực đơn của mình và vì vậy phải chống chọi rất vất vả. Việc phục vụ khách hàng cũng rất quan trọng. McDonald thường xuyên bị xếp cuối bảng trong các cuộc thăm dò ý kiến khách hàng. Người tiêu dùng cho rằng, nhân viên của McDonald vừa chậm vừa thô lỗ, điều này được nhấn mạnh như là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều người không vào quán McDonald.

Những năm này, sức khoẻ cũng được người Mỹ quan tâm hơn. Caesar Barber, một thanh niên 19 tuổi sống ở NewYork đã kiện McDonald, Burger King, Taco Bell và KFC vì đã làm cho cậu ta mắc bệnh béo phì. Barber đã trải qua hai cơn đau tim và đang bị bệnh tiểu đường. Nếu Ceasar Barber thắng kiện thì những người béo phì khác cũng sẽ làm theo, khiến McDonald sẽ gặp phải những cơn ám ảnh như của ngành thuốc lá và phải đối mặt với những vụ kiện tụng lâu dài.

MacDonald Gượng dậy

Không nản chí trước khó khăn, MacDonald cũng đưa ra “thực đơn 1 USD” của riêng mình, trong đó có 8 món với giá để “đáp lễ” Burger King. “1 USD” có nguy cơ khấy động trở lại “cuộc chiến thịt băm” của những năm 90 thế kỷ trước. McDonald cũng đã bắt đầu bán thêm nhiều thức ăn Mêhicô để thu hút dân cư gốc Mỹ Latinh đang ngày một tăng và vì những loại thức ăn kiểu Mêhicô hiện đang rất thịnh hành ở Mỹ, chỉ đứng sau món kiểu Italia và Trung Quốc.

Ông Greenberg, chủ tịch McDonald, cho biết hãng đã quyết định cắt giảm số lượng nhà hàng dự định mở trong năm để dùng số tiền sẽ tiết kiệm được, khoảng 260 triệu USD, vào việc cải thiện những điểm bán hàng hiện tại với biển quảng cáo mới và đường lái xe qua thuận tiện hơn. Để đáp ứng các yêu cầu về sức khoẻ, McDonald cũng đưa vào sử dụng một loại dầu mới được coi là có lợi cho tim trong các món rán của mình. Greeberg nói: “Chẳng ai hài lòng với tình hình kinh doanh hiện nay của McDonald, đặc biệt là tôi. Nhưng tôi đảm bảo với các bạn rằng các chi nhánh và hệ thống cửa hàng trên toàn thế giới của chúng tôi vẫn rất mạnh và các kế hoạch xoay chuyển tình thế của chúng tôi vẫn rất hiệu quả”.

Lúc đó, theo nhận định của các nhà đầu tư phố Wall, đó chỉ là những lời nói nhằm “che mắt thiên hạ”, thực tế như thế nào chắc chỉ có mỗi McDonald biết được mà thôi.

Nhưng McDonald đã làm các chuyên gia kinh tế “phải cảm thấy hổ thẹn vì những lời nhận xét sai lệch của mình” khi không những chứng minh được các chiến lược trên là hoàn toàn hợp lý mà hãng còn tiến hành cải thiện dịch vụ chăm sóc khách hàng để qua đó nâng cao đáng kể số lượng “khách hàng trung thành”. Chỉ trong vòng chưa đầy hai năm, McDonald đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất và vững chắc ở vị trí số 1 thế giới về cung cấp dịch vụ thức ăn nhanh.

( The Times)