quangngai 1974

Sau ngày ở Saigon diễn ra cái gọi là “bốc thăm nhiệm sở”, Diệp, Thắng, Nhơn, Quảng và tôi – hai thằng lùn, một thằng ròm, hai thằng cao – khăn gói lên đường ra Quảng Ngãi. Má tôi buồn, tất nhiên, với bà miệt đó hẳn là nơi dành riêng cho mấy anh chàng đội beret nâu, dạn dày lửa đạn, chớ không phải dành cho một thằng mặt búng ra sữa xưa nay mới cầm cây Colt bắn có một phát mà mấy ngày sau lỗ tai còn nghe ù ù. Không biết má mấy đứa kia nói gì, hay là có nói gì không, nhưng cuối cùng năm đứa tôi cũng gặp nhau ở Tân Sơn Nhất, được một em Air Vietnam thơm phức ân cần dắt ra cửa máy bay sao mà giống như cô giáo dắt lũ học trò ngơ ngác đi lên văn phòng chích ngừa dịch hạch ở trường tôi hồi nhỏ. Ngồi trong máy bay nghe cánh quạt kêu ồ ồ, mắt lơ đãng nhìn xuống đất, hồn bồng bềnh trôi ngược giòng thời gian về một nơi mới cách đó chừng một tháng…

Buổi chiều cuối cùng ở Đài Bắc.

Cô bạn Thái Giai Dung, không biết nghe ai nói, đã đến khách sạn ngồi chờ từ lúc nào. Mặc minijupe màu đen, đùi trông trắng hẳn ra, khác xa cô nữ sinh đại học Đông Ngô hàng ngày. Dung đi với một thằng em mà tôi chưa gặp bao giờ, hay có gặp mà không nhớ (sao lại dắt thằng em theo trong một khung cảnh thơ mộng như thế). Té ra Dung rủ tôi đến trường của nàng coi cho biết. Trời ơi, sắp đêm rồi, mai về rồi, thứ muốn coi cho biết thì không cho coi, đem cho coi một ngôi trường làm quái gì. Thôi kệ, đi chơi với bồ một đêm cuối thì mai mốt mới còn chút gì để nhớ để quên. Sáng hôm sau, Mr Dương Tam Hòa và anh Giang Quốc Viêm tiễn cả bọn ra phi trường, hình ảnh còn lại trong ký ức là hai bàn tay vẫy vẫy với hai bộ mặt không vui không buồn, chờ transit ở Hongkong lâu hơn dự định, về tới Saigon gần nửa đêm, còn nhớ đi cùng chuyến là một phái đòan tu sĩ Phật giáo, và một nhân vật đặc biệt – một ông đại sứ mà sau này không còn dịp nào để nhận thêm nhiệm sở mới – đồ đạc thì lỉnh kỉnh, phải ngủ lại nhà Quang, sau khi năn nỉ mấy bạn NDTV cùng xóm…

Đáp xuống Quảng Ngãi, xe công ty ra đón dưới trời nắng gay gắt, đưa đi ăn cơm. Năm thằng giương mắt nhìn phố xá lạ lẫm, những hàng cây dương liễu nên thơ buồn bã, cây cầu xe lửa Trà Khúc gãy ngang khúc giữa, bên kia sông cây cối xanh xanh, xóm làng lặng lẽ, anh lính đeo súng đi xe đạp gác cổng, cái cổng làm bằng một thân cây, tâm trạng bồn chồn, vui cũng không phải, buồn cũng không phải, sợ cũng không phải, mừng lại càng không phải.

Vô nhà máy thì nhẹ nhõm đôi chút khi lần lượt bắt tay anh Trang, anh Lực, và được biết còn mấy anh Yến, Ngộ, Ánh và Tấn. Chánh sự vụ canh nông, Mr Mai Hòang Trọng, chột mắt, dân Hiệp Hòa. Giám đốc, Mr Lê Đình Liêm, người hom hem, áo sơ-mi phanh ngực. Ổng giảng cho tụi tôi nghe bài học đầu tiên là đi làm thì không có CHÚ với CHÁU mà chỉ có ANH với EM. OK, anh Liêm. Lúc dắt qua văn phòng để giới thiệu, tụi tôi mắt láo liên chẳng thấy em nào trẻ, chứ đừng nói đẹp, chẳng bì với TSRI lúc nào cũng nhung nhúc người đẹp, thôi nhắc làm chi cho thèm. Trưởng phòng hành chánh, Mr Phong, ăn nói chậm rãi. Thủ quỹ, chị Sen. Trưởng phòng tài chánh, Mr Hạp ròm, viết chữ bay bướm, tóc chải bóng mượt, hình như ở nhà máy có một mình ổng mặc áo bỏ vô thùng.

Chánh sự vụ tu bổ, Mr Mai Thanh Tra, tóc quăn, miệng ngậm vố, dáng khoan thai, chơi bộ râu kiểu Charles Bronson. Ban cơ điện có Mr Nguyễn Đa Phước, cũng chơi bộ râu na ná, hai anh em cột chèo Nguyễn văn Sĩ và Thái văn Hùng; gia đình ba ông này và ba anh em nhà anh Ánh chiếm trọn một dãy tứ lập. Cô em của anh Ánh xinh xinh, học lớp mười một hay mười hai. Tối tối qua nhà ảnh nghe nhạc Beatles, khi về nằm ngủ thì nghe Mùa thu lá bay nữa, nhưng mà nghe trong đầu. Thủ kho nhớ có hai, Mr Tâm, mày râu nhẵn nhụi, Mr Tống, cũng chơi bộ râu Charles Bronson – lúc đó chưa có mốt đầu trọc. Về sau, anh Tấn đưa cô vợ Đài Loan và bà má ra, rồi Mr Trương Ngọc Anh, dân địa phương, thay cho Mr Trọng đổi về quê.

Lúc đó chưa đến mùa mía, Diệp và Thắng tập sự trong nhà máy, Nhơn, Quảng và tôi thì ngày ngày ra vùng mía làm cái chuyện gọi là “điều tra sản lượng mía”. Ban đầu, chân ướt chân ráo, giọng Quảng nghe chưa rành, sợ bị lạc, nên ba thằng được ưu ái cho đi chung với ba anh bạn người địa phương: Nhơn đi với Lương Hữu Uyên ở Nghĩa Hành, Quảng đi với Trần Cương ở Sơn Tịnh, tôi đi với Nguyễn Chính Loan ở Tư Nghĩa, còn anh Trang đi một mình ở Bình Sơn (anh Lực ở nhà coi vườn mía giống). Chừng một tháng thì mạnh ai nấy đi, có lạc ráng chịu. Buổi sáng, sau khi ăn bún bò Huế ở ngã năm, thì tới trụ sở xã ấp xin danh sách nhà vườn, buổi chiều, tới nhà mấy ông “lão nông tri điền” nói dóc. Có ông vui vẻ, có ông nghi ngờ, nhờ vậy mới từ từ nghe rành giọng Quảng. Hễ ông nào nói tên là “Lâm Mưa” thì mình phải hiểu và ghi rằng đó là “Lâm Mai”. Còn thằng cha nào nói hổi nhỏ đi “quynh” bò thì mình phải hiểu là hắn đi chăn bò chớ không phải đi ăn trộm bò. Tụi tôi mỗi thằng được cấp cho một “cây” Honda 67 – nói theo giọng Quảng – để chạy. Có lần tông trúng hai má con chị kia đi xe đạp té chúi nhủi, tưởng là hổng sao bèn tỉnh bơ leo lên xe tính dọt trước khi thấy mình bỗng nhiên bị vài anh chàng đội beret nâu chặn lại bắt phải làm cho xong bài tập “nhã nhặn với đàn bà và trẻ em” rồi mới được đi. Thank you for reminding me, dear rangers!

Xong việc, mà trời còn mát, thì đảo một vòng thị xã, kiếm mua sách báo, kiếm quán café – nghĩa là kiếm chỗ nào có người đẹp. Cái quán café đầu tiên ở xứ Quảng mà tụi tôi ghé là Mimosa nhưng lúc sau không uống ở đó nữa mà Nhơn với tôi hay ghé quán Hồng Ngọc, có hai nàng người Huế dễ coi, miễn là mình đừng làm gì khó coi trước mắt mấy anh chàng đội beret nâu cũng đang ngồi nhả khói thuốc mờ mịt trong quán. Ngày nào đi ngang bệnh viện dã chiến, thấy lúc nào cũng tấp nập thì phải. Nhà thờ bự sầm bành. Hai ba rạp chiếu bóng, chiếu phim của Đặng Trần Thức. Một lần bị QC chận xét giấy xe, không có, bị điệu lên xe jeep về bót. Lúc đứng lớ ngớ ngó mấy cô nhân viên mặc áo dài, có một cô lấy hai tay ghì tà áo phía sau ôm sát cặp mông tròn đi qua đi lại (mấy cha QC này ngày nào cũng được rửa mắt, sướng ghê). Lần khác đi với Nhơn, tới chỗ hẹn, nó hớt hãi nói ở trong ruộng mía nó mới bị giựt một vé máy bay, làm hai thằng xanh mặt dọt gấp. Thằng Nhơn không bị giựt thì lâu lâu cũng bị mất một vé máy bay vì nó hay chơi phé.

Quảng Ngãi là xứ trồng mía lâu đời. Người ta trồng từng bụi mía trong vườn như trồng sả, trồng hành. Không cần hàng lối, không cần sách vở, năng suất vẫn cao. Nếu mua hết mía của tỉnh, kể luôn những nơi chưa kiểm kê diện tích, thì nhà máy chạy cả năm cũng chưa biết chừng. Hết đợt điều tra sản lượng mía thì ở nhà, tập ươm cây kiểng. Sáng sáng xách đồ nghề đi vòng vòng, cắt nào cành từ bi, trúc đào, vàng bạc, chiết cành móng bò (hòang hậu). Ông già tên Học là sư phụ dạy môn này. Hết ươm cây kiểng thì ra xóm coi bánh xe quạt nước, bằng tre, dùng dòng chảy dưới sông đưa nước lên bờ trên cao chục mét. Rồi vô lò đường coi nấu đường, con bò kéo trục ép đi vòng vòng, thỉnh thoảng ị ra một bãi trên đống lá mía mà nó đạp lên. Có sao đâu. Rồi tìm hiểu đơn vị đo lường của người Quảng. Hết thảy mấy cái “điều tra” và “tìm hiểu” sau đó được hì hục nhào nặn thành một cái “báo cáo tập sự” gửi về văn phòng Saigon mà sau này tôi còn thấy ở đó, hổng biết có ai coi hay không. Xong rồi thì rảnh. Thằng Nhơn rinh vô mấy cuốn sách luật. Thằng Quảng kè kè cuốn từ điển Duden, mắt dán vô đó nhưng có Trời biết nó đang coi trong đó hay đang nhìn mấy cô em không-mặc-đồ trong đầu nó. Tôi “chơi” cuốn kinh Dịch của Ngô Tất Tố, chẳng hiểu thằng cha Chu Văn Vương nói cái quái gì ở trỏng, sau này mới biết đó là cuốn sách dùng để coi bói (ít ra thì tôi nghĩ mình biết như vậy). Thỉnh thỏang anh Yến tạt qua nói chuyện tiếu lâm.

Chủ nhật, tôi với Nhơn hay đi xe ôm ra thị xã nhậu ở quán quen không nhớ tên, Thắng thì có người bạn cán sự điện dắt đi tìm những thú vui không tiện nói ở đây. Một chủ nhật, Nhơn vù ra Đà Nẵng một mình, xách về mấy băng nhạc. Hằng đêm thứ bảy, phòng tôi một giường bị trưng dụng làm sòng bài, không trả tiền xâu, tôi qua giường Nhơn nằm nghe Scaborough Fair của Simon&Garfunkel và The Planets của Holst. Quảng Ngãi cũng là nơi mà tôi bắt đầu nhậu thịt chó, bữa đó ói thấy ông bà ông vải.

Mùa khô lần hồi trôi qua đến tháng 8 thì tin tức chiến sự ở Thường Đức, Quảng Nam, cũng đưa lại. Trận đánh đầu tiên kể từ sau mùa hè đỏ lửa, với sư đoàn beret đỏ tái xuất giang hồ. Một lần về phép và sau đó phi trường Quảng Ngãi cũng hết xài, chiều chiều đứng ở nhà máy ngó về phía phi trường thấy từng trái đạn rớt xuống và bụi bay lên mờ mịt, cách chỗ tụi tôi đứng theo đường chim bay, xin lỗi, chừng một cây số. Một cây số thì chỉnh dễ như ăn bánh xèo (ở ngoải kêu bằng bánh khọt thì phải). Cả bọn nhìn nhau. Chẳng biết đứa nào nghĩ gì. Cũng chẳng đứa nào đóan được rằng đó là lúc cuộc đời mỗi đứa sẽ bắt đầu khác hẳn.

Mùa mưa ở đây tới trễ. Tôi chưa kể là Quảng chung phòng với Nhơn. Bữa đó, vào quãng cuối năm, Nhơn về phép, sáng hôm sau nó mới ra. Đêm đó, tôi choàng dậy, nghe tiếng súng nổ rần rần ngay trong khuôn viên nhà máy. O my God. Chợt nghe giọng thằng Quảng thì thào ngòai cửa gọi. Chẳng hiểu sao tôi làm thinh. Một hồi, nó về phòng, tưởng tôi còn ngủ. Rồi tiếng súng ngưng. Chung quanh, trong cư xá, không một tiếng người. Tôi không dám mở cửa sổ dòm ra ngoài, cũng không dám mở cửa cái đi ra ngoài. Sáng hôm sau, hông nhà máy bị phá lủng một lỗ bự, nhưng không ai bị gì, máy móc cũng hổng sao. Tiểu đội ĐPQ gác nhà máy cũng còn đó. Chẳng ai nói gì, ra thông báo gì. Tôi cũng chẳng buồn hỏi coi chuyện gì.

Tới tháng giêng, trận chiến ở Phước Long. Một lần nữa về phép ăn tết, lúc này phải xài phi trường Chu Lai, và nhà máy bận rộn sửa sọan vô mùa. Nông dân được cho vô xem nhà máy, có bà kia đòi coi cái gì đó mà anh Lực hổng chịu cho coi (tôi biết bả muốn coi mặt mũi của cái “máy đo chữ đường” ra sao vậy mà). Saigon gửi ra thêm người, trong đó nhớ có anh Dũng, anh Chung, chị Trí cận thị và hai chị nữa quên tên; Đức đang ở Phan Rang cũng bị điều ra. Hitachi bên Nhật gửi sang ba chàng chuyên viên (tội nghiệp mấy ảnh). Chủ tịch Công ty ra nhậu một bữa với anh em, nhớ là không có hô khẩu hiệu gì hết.

Mặt khác, ở vùng mía Tư Nghĩa, là nơi gần nhất, công ty mở “văn phòng đại diện” ở nhà một người nông dân làm lính sư đoàn 2 BB để ai muốn bán mía thì đến đó lấy giấy. Vô mùa, hàng ngày tôi phải tới đó trực, trưa ra thị xã ăn mì Quảng. Vùng mía của Nhơn và Quảng thì xa hơn, không có “văn phòng”, nên hai thằng này ở nhà cà nhỏng. Trực đâu nửa tháng, suốt ngày ngồi coi truyện vì chẳng có ma nào đến lấy giấy bán mía, tôi được rút về. Không hiểu sao, lại chỉ có mình tôi lãnh nhiệm vụ mới là tiếp nhà vườn viết giấy chặt mía, Quảng và Nhơn vẫn cà nhỏng, còn thằng Đức không hiểu nó làm cái giống gì suốt thời gian biệt phái! Nhà vườn vẫn chặt mía, nhà xe vẫn chở mía, nhà máy vẫn ép mía. Mùa mía đầu tiên của nhà máy chầm chậm trôi qua.

Công ty dành riêng một căn ở dãy bát lập làm câu lạc bộ. Tối tối, ăn cơm ở nhà ông Trừu xong, tụi tôi trịnh trọng xếp hàng tới đó, cũng thấy khoan khoái như là đang đi tới một quán café trên đường Pasteur ở Saigon vậy, kiếm ghế ngồi, dúi mũi vào mấy tờ báo. Rồi tán phét đủ thứ chuyện, không nhớ có đả động gì đến chuyện con gái Quảng Ngãi no hair hay không. Buổi sáng, cô Phương và hai chị em cô Tiểu cô Đại, mình dây, người Huế, phục vụ ốp-la và cháo gà (có trả tiền). Còn mong gì hơn, giữa thời buổi chiến chinh này!

Tới tháng ba, trận chiến ở Ban Mê Thuột. Rồi Pleiku rút. O my God! Trong nhóm mới ra, có vài anh lật đật tìm cách về Saigon. Thằng Nhơn cũng tìm cách bỏ về, nhưng không được. Từ đó, phi trường Chu Lai cũng hết xài. Một đêm nọ, tụi tôi được thông báo là phải vô ngủ trong nhà máy. Nằm trên bàn làm việc, nói dóc suốt đêm, tôi làm quen Dương Hồng và Ngạn, hai kỹ sư mới ra. Nghe một công nhân nấu đường kể chuyện Đạo bạn tôi ở Biên Hòa, cứ vẩn vơ nghĩ rằng khỏang cách giữa Đạo và tôi bây giờ đang bắt đầu dài ra, dài ra từng giây từng phút. Đêm đó vô sự.

Tới chiều ngày 26-03, như đã thầm hẹn nhau mà không cho tôi biết, cả cư xá khăn gói gánh gồng dắt díu vô nhà máy. Nỗi lo lắng như đặc lại thành giọt trong không khí. Tụi tôi cũng dọn vô. Nhà máy đã ngưng chạy từ lúc nào. Nghe nói Mr Liêm và Mr Tra đã dọt đâu hồi trưa. Như vậy Quảng Ngãi hẳn là rút đêm nay. Vậy mình cũng rút. Bàn tán một hồi đã gần nửa đêm. Dân Saigon, thêm ba anh chàng người Nhật, thêm vợ và má anh Tấn, dồn vô chật cứng trong một chiếc Fargo. Đổ xăng. Hình như anh Phước, ở Khánh Hội, lái xe. Lên đường. Đi đâu? Đi phía Đà Nẵng. Tới đâu hay đó. (Nhưng không biết có ai biết rằng Tam Kỳ cũng đã rút rồi chưa mà đi qua đó đặng?)

Ngang qua thị xã, thấy đã nhốn nháo. Đã thấy vài màn hôi của. Dân đứng dọc hai bên đường. Một chị đồng nghiệp ngó thấy xe giơ tay vẫy vẫy, ý muốn đi ké. Đành chịu. Xe chầm chậm ra khỏi thị xã. Đèn xe loang lóang, bóng người chập chờn. Dần dần, hình như không còn chiếc xe nào khác ngoài xe của tụi tôi chạy trên quốc lộ. Mui xe từ từ sụm xuống vì sức nặng của chục người ngồi ké trên đó. Mui xe sụm xuống đúng ngay chỗ má anh Tấn ngồi, mới khổ cho bả chớ. Đã tới Bình Sơn, vùng mía của anh Trang.

...

Sáng hôm sau chiếc xe lủng bánh bị bỏ lại trên quốc lộ và tôi thấy mình đi bộ trở lại thị xã dưới trời nắng suốt 10 cây số trong một đám đông đã mất hết khí thế của đêm hôm trước. Ngang bến xe, tình cờ gặp anh chàng thiếu úy đóng ở nhà máy đang đứng trên một chiếc xe đò, mặc bộ đồ ngủ, miệng cười toe tóet, chắc đang về quê. Năm đứa tôi gặp lại, thêm ba chị nữa. Mấy anh kia bặt tăm. Tụi tôi kéo về nhà Mr Hạp, chuyện đầu tiên là tôi đi hớt tóc. Đêm đó, nghe Huế rút. Bữa kế, nghe Đà Nẵng cũng rút.

Mấy bữa sau, chuyển qua nhà anh Minh lúc trước lái máy bay giờ lái xe tải. Mấy bữa nữa, tan hàng, mạnh ai nấy đi. Tất cả lần lượt tìm đường go home. Cả đám còn mình tôi ở lại. Vô cư xá thấy đồ đạc bị dọn sạch, văn phòng thì giấy má tung tóe, riêng nhà máy không sao. Tôi túng thế vô nhà máy làm lại. Ba chàng người Nhật cũng làm lại, mỗi anh đi một đôi dép râu. Tôi ở ké nhà Mr Tâm thủ kho gần đường rầy, chung giường với thằng con của ổng mà không ngờ là một tháng sau phải đi đám ma của nó ở Saigon, chết bệnh.

Chừng hơn tuần sau, tôi cũng sốt ruột tính đường về. Giữa tháng 4, Nha Trang cũng đã rút, nhớ có bà dì ở Nha Trang, tôi bán cho anh bạn ở nhà máy chiếc đồng hồ Citizen là món đồ cuối cùng trên người còn bán được rồi một buổi sáng lẳng lặng ra bến xe. Tình cờ gặp bà bán bún bò Huế ở ngã năm, nói bả cũng đang về quê, tất nhiên bả là dân chạy loạn hồi mùa hè đỏ lửa.

Lần đầu tiên trong đời đi đường bộ trên quốc lộ 1, qua hai cái dài nhứt ở miền trung là đèo Cả và cầu Đà Rằng, tới Nha Trang trời đã tối. Sáng hôm sau lớ ngớ hỏi thăm, nhà bà dì ở đường Nguyễn Công Trứ mà lại nói đường Hòang tử Cảnh, may sao cái người mình hỏi đường chính là ông dượng. Nha Trang lúc đó vẫn có vẻ bình yên, sáng sáng mấy em vẫn ra biển tắm. Trong khi mấy em tắm biển thì cách đó chừng ba trăm cây số về phía nam, rất nhiều người từ nhiều hướng đang đi đến một địa điểm để sửa soạn quất một trận nữa – ắt là trận chót. Rồi một ngày đầu tháng 5, tôi thấy mình và bà dì ngồi trên xe đò về nhà, ngang Long Khánh ráng nghĩ ra những gì nghe nói đã xảy ra ở cái trận chót ở đó.

Cuộc phiêu lưu của tôi như vậy, bắt đầu là bồn chồn, cuối cùng là hoang mang, ở giữa là ông bà phù hộ.

08-04-2009