Ma túy nước xoài tấn công học sinh sinh viên
Ma túy 'nước xoài' chỉ là biến tướng mới mà cơ quan công an phát hiện. Thời gian qua, ma túy tổng hợp đã 'núp bóng' dưới dạng tem giấy, nấm ma thuật, kẹo... tấn công giới trẻ, học sinh, sinh viên.
Ngày 4.10, Cơ quan điều tra Công an Q.5 (TP.HCM) cho biết đang truy xét, mở rộng điều tra đường dây mua bán chất ma túy ẩn trong gói “nước xoài”. Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam Nguyễn Tiến Đạt (21 tuổi, quê An Giang; đang là sinh viên).
Uống một gói có thể tử vong
Trước đó, ngày 6.9, khi Đạt đang di chuyển bằng xe máy trên đường Hùng Vương (P.9, Q.5) thì bị lực lượng Công an Q.5 kiểm tra hành chính. Qua kiểm tra, công an phát hiện trong túi áo của Đạt có một gói ni lông, bên ngoài in hình quả xoài với dòng chữ “Crispy Fruit Mango”, bên trong chứa chất bột màu vàng, nghi là ma túy nên tổ công tác đưa về trụ sở đấu tranh, làm rõ.
Qua giám định, chất bột màu vàng trong gói “Crispy Fruit Mango” thu giữ trên người Đạt là ma túy ở thể rắn, thuộc loại Bromazepam, có trọng lượng hơn 17,6 gr. Đạt khai quen biết một người tên Th. (chưa rõ lai lịch) qua mạng xã hội, sau đó được Th. thuê giao hàng với giá 100.000 - 200.000 đồng/lượt. Ngày 5.9, Đạt gặp Th. ở H.Nhà Bè (TP.HCM) và được người này đưa 4 gói ma túy đi giao cho khách do Th. chỉ định với giá 2 triệu đồng/gói. Đạt đã giao hết 3 gói, còn 1 gói đang đi giao cho khách ở một khách sạn trên địa bàn Q.5 thì bị công an kiểm tra, bắt giữ. Theo một cán bộ Công an Q.5, loại ma túy “nước xoài” này lần đầu đơn vị phát hiện.
Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM), đối chiếu Nghị định 73/2018 của Chính phủ quy định danh mục các chất ma túy và tiền chất thì Bromazepam là thuốc dùng hạn chế trong y tế và có kiểm soát. Trọng lượng 17,6 gr/bịch “nước xoài” mà công an vừa bắt giữ nếu là Bromazepam nguyên chất thì gấp hơn 580 lần liều tối đa/ngày/người. Người uống 1 lần hết gói “nước xoài” này nguy cơ tử vong rất cao.
Nhắm vào giới trẻ, học sinh, sinh viên
Thực tế, ma túy “nước xoài” chỉ là biến tướng mới mà cơ quan công an phát hiện. Thời gian qua, ma túy tổng hợp đã “núp bóng” dưới dạng tem giấy, nấm ma thuật, kẹo... tấn công giới trẻ, học sinh, sinh viên.
Theo Công an TP.HCM, tệ nạn ma túy trên địa bàn những năm qua tiếp tục tiềm ẩn và diễn biến phức tạp. Đối tượng sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa và sử dụng cùng lúc nhiều loại ma túy, nhất là ma túy tổng hợp. Người sử dụng các chất ma túy mới này gây ra tình trạng ảo giác, hoang tưởng, bị kích động mạnh, nếu sử dụng liều lượng nhiều sẽ nguy hiểm đến tính mạng… Trong 5 năm gần đây, lượng ma túy tổng hợp mà Công an TP.HCM thu giữ tăng bình quân hằng năm là 105,75%. Riêng trong năm 2019, số lượng ma túy phát hiện, thu giữ vận chuyển qua địa bàn TP.HCM tăng đột biến với 339,311 kg heroin; 1,422 tấn ma túy tổng hợp; 42,287 kg cần sa...
Một lãnh đạo Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an nhìn nhận ma túy ngụy trang trong gói bột “nước xoài” là hình thức, thủ đoạn mới và “những sản phẩm này nếu được tiêu thụ ở các trường học thì cực kỳ nguy hiểm, gây tác hại khôn lường cho xã hội và khó khăn cho cơ quan chức năng trong phát hiện, ngăn chặn”. “Đã là ma túy thì dù là loại nào cũng mang độc tố. Ma túy càng mới thì độ độc hại và sự tàn phá cơ thể càng cao hơn nhiều so với các loại trước. Mỗi học sinh, sinh viên, mỗi cá nhân hãy hiểu rõ tác hại của nó nhằm tránh xa ma túy, tránh bị bạn bè lôi kéo rủ rê. Bên cạnh đó, cần phải có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giám sát con em mình phòng, chống ma túy”, vị cán bộ này lưu ý.
Trong khi đó, bà Thi Thị Tuyết Nhung, nguyên Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, bày tỏ lo ngại về tình trạng nhiều loại ma túy tổng hợp mới xuất hiện trên thị trường nhắm vào giới trẻ, học sinh, sinh viên và đặc biệt là mua bán qua không gian mạng. Theo bà Nhung, qua các vụ án lớn do Công an TP.HCM triệt phá cho thấy TP.HCM vừa là thị trường tiêu thụ lớn, vừa là điểm trung chuyển ma túy, nhất là các ma túy tổng hợp mới, hợp chất hướng thần. Các đối tượng buôn bán qua mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin nên công an cấp quận, huyện khó phát hiện. Do vậy, Công an TP.HCM cần giao phòng nghiệp vụ tăng cường rà soát, phát hiện và tổ chức truy quét trên không gian mạng. Ngoài ra, Sở TT-TT cũng có trách nhiệm trong phối hợp rà soát việc người dùng mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin trao đổi, mua bán ma túy trên không gian mạng. Bên cạnh đó, bà Nhung cho rằng khi phát hiện các hợp chất ma túy mới, các ngành chức năng cần tuyên truyền, phổ biến để người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên biết và phòng tránh triệt để.
Rao bán đầy trên mạng
Ngày 4.10, PV Thanh Niên vào Facebook gõ tìm kiếm “tem giấy” thì lập tức được dẫn đến trang “chuyên tem giấy - bùa lưỡi” (đây là loại ma túy chứa chất Lysergic Acid Diethylamide (LSD) - PV).
Qua điện thoại, một người nam tự nhận chuyên cung cấp các loại “tem giấy” trên toàn quốc. “Tem giấy chỉ cần bỏ vào đầu lưỡi vài phút sẽ có tác dụng phê không thua gì ma túy... Một con tem giấy kích thước 1,5 x 1,5 cm có giá 400.000 đồng (đã bao gồm phí vận chuyển)”, người này giới thiệu. Khi PV yêu cầu gặp trực tiếp để nhận và giao tiền thì người này từ chối: “Nguyên tắc bên này không gặp trực tiếp, bên mua chuyển tiền sẽ nhận được hàng từ bưu điện, hoặc dịch vụ giao nhận hàng hóa”.
Tương tự, trên trang Facebook “nấm ma thuật” rao bán “Nấm thức thần” (loại nấm chứa chất ma túy), một người nam cho biết “nấm ma thuật” giá 600.000 đồng/bịch 1 gr và “chỉ nhai và nuốt sẽ tạo cảm giác không khác gì thuốc lắc hay heroin”. Tuy nhiên, người này cũng từ chối gặp trực tiếp để “giao hàng” mà yêu cầu chuyển tiền trước thì hàng sẽ được giao tận tay nếu ở Hà Nội, còn ở TP.HCM hoặc các tỉnh thì chuyển qua bưu điện hoặc các dịch vụ giao hàng…
Theo báo thanhnien.com.vn ngày 5/10/2020