Đặc sản Thành Phố Long Khánh

Đặc sản Long Khánh - dân dã khó quên

Đến với Đồng Nai, du khách thường hay hỏi nhất là địa danh Long Khánh. Cái tên Long Khánh xưa được biết đến mộ cổ Hàng Gòn qua đồng Long Giao, di chỉ Cầu Sắt…Rồi đất Long Khánh màu mỡ với các cây công nghiệp cao su, cà phê, tới những đồn điền cao su thời Pháp thuộc hay những cuộc kháng chiến lẫy lừng Long Khánh, Xuân Lộc được ghi danh trong lịch sử. Ngày nay, Long Khánh được biết tới là một địa danh thuộc tỉnh Đồng Nai, cách TP HCM 90 km – một “thiên đường” trái cây của vùng Đông Nam Bộ với những sản vật, ẩm thực dân dã khó quên.

Cây trái miệt vườn quanh năm thơm ngọt:

Những miệt vườn nối tiếp nhau, trái cây Long Khánh theo mùa phong phú về chủng loại, mùi, vị khiến du khách ghé chân vô cùng thích thú. Trước hết phải kể đến Chôm chôm Long Khánh – thứ đặc sản đã được ghi danh vào “bảng vàng” đặc sản quốc gia, với hai loại chôm chôm nhãn hoặc chôm chôm tróc. Chôm chôm nhãn có vỏ màu xanh, vàng cam và vàng đỏ, mùi thơm, vị giòn và ngọt. Còn chôm chôm tróc có vỏ màu đỏ và đỏ đậm, râu dài, dầy, đuôi có đốm xanh và có vị ngọt.

Kế đến là mít tố nữ Long Khánh. Trái mít nhỏ hơn rất nhiều so với mít thường, có trái nặng chỉ vài lạng, to thì một, hai ký là nhiều. Múi và hương vị của mít Tố nữ cũng khác rất nhiều so với mít thường: xẻ một đường đọc để bổ đôi trái mít, lật cuống lên sẽ thấy múi tròn , nổi gân, kết như một chùm dâu chín vàng, thơm lựng, ngạt ngào.

Bên cạnh đó, sầu riêng Long Khánh cũng là loại trái cây không thể bỏ qua, trái có hình thù gai nhọn, không hề lẫn với bất cứ trái cây nào khác kể cả màu da, múi và hương vị. Ngoài hình dáng gai góc và hưong vị đặc biệt, trái sầu riêng còn một “nét” rất riêng đó là chỉ thu hoạch khi nó chín từ trên cây và rụng xuống vào ban đêm. Với các loại trái cây khác nếu chín quá mà rụng xuống là coi như bỏ đi, nhưng với sầu riêng thì chính lúc (rụng) này chất lượng và hương vị của nó mới thật sự quyến rũ, đạt yêu cầu người thưởng thức. Ngày nay, theo trào lưu và phát triển kinh tế, các nhà vườn Long Khánh đã thay đổi nhiều giống mới, trong đó có sầu riêng hạt lép, cơm vàng kèm theo hương vị sữa rất độc đáo và thơm ngon.

Ngoài những cây trái “chủ lực”, Long Khánh còn có những trái cây đặc sản khác, mùa nào thức nấy: chuối, mít, đu đủ, cam, quít quanh năm; đông-xuân có xoài, mùa hạ có bơ, chôm chôm, sầu riêng; thu-đông có mãng cầu, nhãn...

Ẩm thực dân dã, độc lạ và rất ngon

Bên cạnh những cây trái đặc sản, Long Khánh còn có những món ăn dân dã đủ “lực hấp dẫn” để níu kéo du khách dừng chân thưởng thức.

Lá dang – loại cây thuộc họ dây leo, thường mọc trong rừng cao su, có vị chua, hợp để nấu canh chua với nước luộc gà, thêm một ít thịt gà đầu, cổ cánh, chân… Tô canh gà lá dang, có hành ngò, rau quế, vị chua chua ngọt ngọt đậm đà, có thể dùng để ăn với cơm hoặc ăn chơi.

Long Khánh là vùng có nhiều cây trái, hoa quả ngọt, quanh năm nên có rất nhiều loài dơi trú ngụ. Dơi xào lăn lại là món đặc sản chỉ có ở nơi này. Thịt dơi rất ngọt và thơm, dơi càng hôi thì xào lăn ăn càng có vị đậm đà; thịt dơi còn có thể băm nhuyễn nấu cháo lại càng hấp dẫn.

Nấm mối chỉ mọc một lần trong năm, vào đầu mùa mưa khoảng dịp Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch). Nấm mối mọc trong vườn rẫy, nhiều nhất là trong rừng lô cao su; Sau khi gọt sạch nấm được ngâm nước muối rồi rửa sạch, để cho ráo nước là có thể đem xào nấu được, khi xào nên chọn mỡ heo để xào mới ngon. Nấm mối xào tỏi là ngon tuyệt cú mèo; nấm búp là nấm mới nhú khỏi mặt đất xào ăn còn hấp dẫn hơn nhiều. Nấm mối còn được dùng để nấu cháo, đổ bánh xèo đều ngon hết chỗ nói. Nấm mối ngon ngọt hơn cả thịt gà, có hương vị lạ và quyến rũ. Nấm mối còn được gói bằng lá nghệ, lá chuối, lá lốt đem nướng chấm muối tiêu chanh ngon tuyệt cú mèo. Mùi thơm của nấm mối có sức quyến rũ lạ thường người nào may mắn ăn được một lần sẽ nhớ mãi.

Chẳng biết tự khi nào món cơm gà cá mặn Long Khánh lại trở thành món phổ biến hấp dẫn ở nơi đây. Du khách ghé thăm không nên bỏ lỡ món ngon dân dã này. Cơm được nấu trong nồi đất, được trộn lẫn các gia vị như thịt gà, chà bông, cá mắm, nêm nếm sao cho vừa ăn. Khi ăn, niêu cơm vẫn còn để trên bếp, lúc xới cơm hơi khói bay nghi ngút tỏa mùi thơm quyến rũ; cơm nấu càng cháy ăn càng ngon và đậm đà.

Dế cơm chiên nước mắm là món dân dã đã có từ rất lâu ở Long Khánh. Dế cơm chỉ cần lặt sạch cánh, lặt hai chân sau(để đùi lại, hai đùi dế rất béo), móc ruột bỏ hết, xong nhét hột đậu phộng vào ruột, rồi ướp nước mắm, nêm cho vừa ăn. Chiên dế vàng đều trong chảo dầu sôi. Dế cơm chiên nước mắm ăn vừa dòn, vừa đậm đà hương vị nước mắm, vừa béo ngậy của dầu, béo thơm của đậu phộng mang đặc trưng món ăn miền Đông Nam bộ.

Khổ qua rừng là loại cây khá phổ biến của vùng Long Khánh, người ta dùng lá khổ qua rừng để nấu lẩu với các lóc, cá rô, sườn non, tôm khô… Trong món lẩu lá khổ qua rừng, lá khổ qua được lặt, rửa sạch để ráo trên dĩa, nước lẩu đang sôi chỉ cần nhúng một nắm lá vào lẩu vớt với ra ngay dùng liền, thì mới cảm được vị ngon đặc trưng của nó. Vừa ăn bạn sẽ cảm nhận vị rất đắng nhưng ăn quen sẽ thấy vị ngọt, đậm đà, sau còn bị “ghiền” món ăn vừa lạ miệng, vừa tốt cho sức khỏe này.

Kể đến đây thôi là Long Khánh cũng đủ hấp dẫn lắm rồi phải không ạ. Quả thật Long Khánh là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, thổ nhưỡng màu mỡ, khí hậu thuận hòa cho cây cối đơm hoa kết trái. Du khách ghé Long Khánh chắc hẳn sẽ không thể quên hương vị ẩm thực ngon lạ miệng, những món trái cây làm quà dân dã, đặc trưng của vùng này. Đặc biệt tình cảm, hiếu khách của người Long Khánh cũng đượm ngọt như cây trái và ẩm thực nơi đây.