Con kenh dao dau tien tai nam bo kenh bao dinh

Con kênh được đào đầu tiên ở Nam Bộ

Đó là kênh Bảo Định. Trước khi có con kênh này, tại đây đã đó rạch Vũng Gù ở về phía đông bắc, chảy từ sông Vàm Cỏ Tây đến quán Thị Cai; và rạch Mỹ Tho ở về phía nam, chảy từ chợ Lương Phú (nay thuộc xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) ra sông Tiền. Khoảng giữa bắc – nam, tức là từ quán Thị Cai đến chợ Lương Phú là ruộng vườn liên tiếp.

Năm Ất Dậu (1705), vâng lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu, Chính thống Vân trường hầu Nguyễn Cửu Vân đem quân tiểu trừ quân Cao Miên, vì bọn này “phạm biên cảnh”. Để đề phòng quân giặc tập kích, Nguyễn Cửu Vân cho đắp một phòng tuyến kéo dài từ quán Thị Cai đến chợ Lương Phú. Bên ngoài phòng tuyến, ông cho đào một con mương hào nối liền rạch Vũng Gù và rạch Mỹ Tho. Sau đó nhân đường nước đã lưu thông, người ta đào sâu thêm, thành ra đường kênh, ghe thuyền có thể đi lại được. Lúc bấy giờ, để tiện cho việc nhắm hướng đào mở, người ta có dựng một cái thang cao, tục gọi là thang trông; và về sau nó trở thành địa danh: chợ Thang Trông ở Phú Kiết, Chợ Gạo.

Tuy nhiên, do đoạn kênh tại Thang Trông có giáp nước nên thường bị bùn lầy làm cho nông cạn; vì thế, năm 1819, Gia Long ra lệnh cho các viên quan đứng đầu thành Gia Định và trấn Định Tường huy động 9.679 dân phu nạo vét kênh từ Thang Trông đến Húc Đồng (Hóc Đùn) - bến Mỹ Tho dài 40 dặm rưỡi (khoảng 14km). Công trình cải tạo kênh được tiến hành trong khoảng hơn 3 tháng; khởi công ngày 23–2–1819 và kết thúc ngày 28–5–1819.

Sau khi công trình đã được hoàn thành mỹ mãn, vua Gia Long đặt tên là kênh Bảo Định; và cho tạc sự kiện này vào bia đá dựng tại Thang Trông để “truyền mãi về sau”. Dưới thời Thiệu Trị (1841 - 1847), kênh Bảo Định được đổi tên là An Định; rồi Trí Tường; nhưng dân gian vẫn quen gọi là kênh Bảo Định hay kênh Trạm (vì có các trạm sông để chuyển công văn của triều đình, nên sau này, người Pháp gọi là kênh Bưu Điện – Arroyo de la Poste).