Vũ trụ trong một vỏ hạt

Tác giả: Stephen Hawking

Dịch và trình bày: Dạ Trạch

Hiệu đính: Võ Quang Nhân

Scan ảnh: Bunhia

Nhà xuất bản Bantam, 2001

Mục lục

Giới thiệu

Chương 1: Lược sử về thuyết tương đối

Chương 2: Hình dáng của thời gian

Chương 3: Vũ trụ trong một vỏ hạt

Chương 4: Tiên đoán tương lai

Chương 5: Bảo vệ quá khứ

Chương 6: Đâu là tương lai của chúng ta

Chương 7: Thế giới màng

Thuật ngữ

Giáo sư Stephen Hawking nổi tiếng thế giới không chỉ trong lĩnh vực vật lý mà còn về bản thân cuộc đời ông. Ông sinh năm 1942 tại Anh Quốc, hồi nhỏ ông rất hiếu động và khác người giống như phần lớn các thành viên khác trong gia đình. Năm 21 tuổi, ông mắc bệnh và sau đó ít lâu ông dần dần mất khả năng cử động và tiếng nói. Nhưng may thay, bệnh tật không làm ảnh hưởng đến khả năng tư duy của ông. Phương pháp giao tiếp giữa ông và người ngoài là một chiếc máy tính, biến những cử động rất yếu ớt từ cánh tay thành giọng nói và chữ viết thể hiện các ý tưởng của mình. Ông được nhiều người biết đến sau khi ông đã diễn giải những tư tưởng vật lý trừu tượng mà ông là một trong những người có công lớn phát triển chúng cho những người không chuyên có thể hiểu được thông qua hai cuốn sách thuộc vào hàng bán chạy nhất thế giới là “Lược sử về thời gian” và “Vũ trụ trong một vỏ hạt”.

Có thể nói bạn đọc Việt Nam đã biết nhiều hơn về Stephen Hawking từ khi cuốn “Lược sử thời gian” được Cao Chi và Phạm Văn Thiều dịch ra tiếng Việt. Khi bắt đầu đọc cuốn sách này, chưa có bản dịch nào nên tôi cố gắng truyền tải chính xác những ý tưởng của ông sang tiếng Việt. Cuốn sách gồm bảy chương với rất nhiều các hình vẽ minh họa và các chú thích bổ sung để diễn giải những thành tựu của vật lý từ khi cuốn sách thứ nhất ra mắt bạn đọc cho đến năm 2001 khi mà cuốn “Vũ trụ trong một vỏ hạt” được ấn hành. Hawking dẫn chúng ta đi tìm một lý thuyết về vạn vật bắt đầu từ thế giới quan cảm tính được đa số mọi người chấp nhận cho đến một thế giới quan trừu tượng mà bộ óc của con người không thể hình dung nổi. Ông cho biết các thành tựu vật lý ngày nay là gì, người ta xây dựng nó như thế nào và trong tương lai thì lý thuyết về vạn vật có thể có ra sao. Trong diễn giải của ông, ông luôn đứng trên quan điểm thực chứng để nhìn nhận và đánh giá các mô hình mà con người dùng để giải thích tự nhiên. Chính vì thế mà dù mô hình có vẻ vô lý đến thế nào, như là vũ trụ có mười hay mười một chiều trong thời gian ảo thì nhà khoa học cũng không cần bận tâm, họ chỉ quan tâm đến chuyện mô hình đó có giải thích tốt các kết quả quan sát và tiên đoán các kết quả mới hay không. Nhưng điều thu hút quan tâm của công luận nhiều nhất là việc ông liên hệ các thành tựu vật lý với cuộc sống của con người, với lời giải thích sự tiến hóa của vụ trụ, ông phủ nhận sự tồn tại của Chúa sáng thế. Để làm điều đó ông dựa vào thuyết vị nhân để loại bỏ rất nhiều vũ trụ khả dĩ theo nguyên lý đa lịch sử của Feynman để đưa đến một vũ trụ như chúng ta thấy ngày nay với sự hiện diện của sinh vật có trí tuệ. Ngoài ra ông còn đưa ra các lý thuyết kết hợp cơ học lượng tử với thuyết tương đối. Với giả thiết thời gian ảo, ông loại bỏ điểm kỳ dị tại vụ nổ lớn và cho rằng vũ trụ là tự thân không có bắt đầu và cũng không có kết thúc. Sự bắt đầu và kết thúc chỉ là ảo giác của chúng ta về vũ trụ mà thôi còn bản thân thực tại là gì thì chúng ta không thể cảm nhận được, thực tại là vật tự nó và nó là bất khả tri nhưng khác với vật tự nó của Kant, cái thực tại của Hawking, dù không thể cảm nhận được bằng các giác gian của con người, nhưng ta vẫn có thể biết đến sự tồn tại của nó thông qua các mô hình toán học. Mặc dù cuốn sách rất thú vị nhưng đôi khi ta cảm thấy khiên cưỡng về nguyên lý vị nhân và giả thiết vũ trụ là tự thân. Vũ trụ là thế vì nó là thế, nó tồn tại chẳng có một mục đích nào cả, điều khó hiểu là nó không có một mục đích nào mà lại có một vũ trụ như chúng ta thấy ngày nay, được lựa chọn trông vô vàn vũ trụ khả dĩ với xác suất hình thành cao hơn rất nhiều so với xác suất của vũ trụ hiện có, với những sinh vật có trí tuệ để đặt ra câu hỏi tại sao vũ trụ lại như thế. Phải chăng có một mục đích tuyệt đối của vũ trụ mà chúng ta chưa biết?

Mặc dù rất cố gắng nhưng do giới hạn về thời gian và trình độ, bản dịch không tránh khỏi các thiếu sót, nhất là một lĩnh vực rất mới với rất nhiều thuật ngữ khoa học mà việc tìm những từ tiếng Việt tương đương rất khó. Người dịch rất mong những ý kiến đóng góp của bạn đọc, thư xin gửi tới datrach@gmail.com.