Ứng dụng khoa học và công nghệ nano trong y sinh học ở Trung tâm Khoa học Vật liệu

1. Mở đầu

1.1. Nghiên cứu ứng dụng là hướng đi của một đất nước đang phát triển

Mục đích của nghiên cứu khoa học có thể tạm chia thành hai nhóm: nghiên cứu cơ bản nhằm mang lại tri thức mới cho nhân loại và nghiên cứu ứng dụng nhằm tạo ra sản phẩm phục vụ nhu cầu vủa con người. Việc phân chia nói trên chỉ mang tính hình thức, trong thực tế các mục đích đều đan xen với nhau, khó phân biệt rạch ròi. Tuy nhiên, phân chia như vậy giúp cho nhà khoa học dễ định hướng nghiên cứu của mình. Với một đất nước đang phát triển như Việt Nam, nghiên cứu khoa học ứng dụng để có thể mang lại lợi ích cho xã hội là cần thiết. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), trong đó Trung tâm Khoa học Vật liệu (TTKHVL) là một thành viên, là một trong những trường đã khẳng định vị trí dẫn đầu về nghiên cứu khoa học cơ bản. Với yêu cầu xã hội đặt ra, hiện nay TTKHVL định hướng nghiên cứu của mình là khoa học cơ bản định hướng ứng dụng chú trọng vào khoa học và công nghệ nano.

1.2. Khoa học và công nghệ nano là sự kết hợp của các ngành khoa học, là thế mạnh của ĐHQGHN

Có hai con đường để sáng tạo ra tri thức mới, sản phẩm mới: (i) đào sâu kiến thức về một lĩnh vực hoặc/và (ii) kết hợp kiến thức của các lĩnh vực khác nhau. Với khoa học hiện đại, phương pháp đào sâu đòi hỏi máy móc tinh vi, thiết bị đắt tiền đồng thời yêu cầu rất cao về kiến thức chuyên ngành của người nghiên cứu. Phương pháp kết hợp đòi hỏi sự liên kết rất chặt chẽ của các nhà khoa học ở các chuyên ngành với nhau, không yêu cầu cao về máy móc, thiết bị, không yêu cầu thật cao về trình độ chuyên môn như phương pháp chuyên sâu, rất phù hợp với trình độ và điều kiện ở Việt Nam. Trước đây, khoa học thế giới phân chia theo kiểu chuyên sâu nhưng trong vài chục năm gần đây xu hướng kết hợp liên ngành dần phát triển và đang thống lĩnh. Một trong những lĩnh vực mang tính kết hợp liên ngành rất cao là khoa học và công nghệ nano. Đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa vật lí, hoá học, sinh học, môi trường và nhiều ngành khoa học khác.

1.3. Hai tính chất thú vị của vật liệu nano: diện tích lớn và kích thước nhỏ

Vật liệu nano là đối tượng nghiên cứu của khoa học và công nghệ nano. Tính chất thú vị của vật liệu nano được thể hiện ở rất nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên có thể tạm chia các tính chất đến từ hai nguồn gốc: (i) diện tích bề mặt của vật liệu nano rất lớn và (ii) kích thước của vật liệu nhỏ hơn một độ dài đặc trưng nào đó. Do kích thước nhỏ nên diện tích bề mặt lớn của vật liệu nano được ứng dụng nhiều nhất vì đặc tính đó dễ hiểu và các hiện tượng bề mặt vật liệu khối đã được nghiên cứu chi tiết trước đó. Kích thước của vật liệu nano nhỏ hơn độ dài đặc trưng của một tính chất nào đó mang lại cho vật liệu nano các tính chất hóa, lí khác hẳn vật liệu khối thông thường. Ví dụ, định luật Ohm áp dụng cho các vật dẫn có kích thước lớn. Khi kích thước vật liệu nhỏ hơn quãng đường tự do trung bình của điện tử (khoảng vài chục nm) thì định luật này không còn đúng nữa. Tương tự như vậy các tính chất điện, từ, cơ, quang, hóa, xúc tác của vật liệu nano đều khác hẳn so với vật liệu khối. Tính chất thú vị do kích thước là nguồn cảm hứng cho các nhà khoa học nghiên cứu về khoa học và công nghệ nano.

1.4. Nghiên cứu khoa học và công nghệ nano ứng dụng trong y sinh học ở TTKHVL

Yêu cầu của xã hội đang phát triển là nghiên cứu ứng dụng. Trong khi đó phần lớn các nghiên cứu trước đây ở Trường ĐHKHTN mang tính cơ bản, hàn lâm rất cao. Trong 5 năm vừa qua, TTKHVL đã có những thành tựu nhất định trong việc chuyển hướng nghiên cứu từ cơ bản sang nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng và dần chuyển sang nghiên cứu ứng dụng trong tương lai khi điều kiện cơ sở vật chất cho phép.

Việt phát triển nghiên cứu công nghệ nano ở TTKHVL là hướng đi đúng kết hợp giữa xu hướng nghiên cứu công nghệ nano mới của thế giới để giải quyết các vấn đề của Việt Nam. Hướng nghiên cứu này đặc biệt phù hợp với ĐHQGHN vì đây là môi trường rất tốt để thúc đẩy các nghiên cứu liên ngành. Công nghệ nano có nhiều ứng dụng trong điện tử học, bán dẫn, năng lượng mới, y dược, y sinh, môi trường, cơ khí, tự động hoá,… Tuy nhiên TTKHVL tập trung nghiên cứu công nghệ nano trong y sinh học vì có thể kết hợp được hai hướng nghiên cứu mạnh của ĐHQGHN là khoa học vật liệu và y sinh học. Trong các ứng dụng y sinh học của công nghệ nano, hiện tại chúng tôi cũng chỉ giới hạn ứng dụng của các vật liệu nano dạng hạt, dạng que (gọi tắt là hạt nano) còn các ứng dụng của công nghệ nano dưới dạng các cảm biến được tiểu hình hoá mới chỉ được bắt đầu triển khai nghiên cứu. Trong các loại hạt nano, các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào ứng dụng hạt nano có từ tính mạnh, hạt nano bán dẫn và hạt nano kim loại có khả năng tán xạ ánh sáng mạnh.

1.5. Phương pháp chế tạo vật liệu phải rẻ tiền, phương pháp phân tích phải đắt tiền

Các nghiên cứu bao giờ cũng bắt đầu bằng việc chế tạo vật liệu. Trước đây TTKHVL tập trung nhiều vào nghiên cứu cơ bản nên các phương pháp chế tạo thường phức tạp, dùng các máy móc đắt tiền cộng với hậu xử lí nhiệt độ cao để có thể chế tạo vật liệu đúng với cấu trúc mong muốn như phún xạ [1], nguội nhanh [2], gốm [3]… Để có thể ứng dụng trong thực tế, TTKHVL đã chuyển hướng chế tạo sang các phương pháp đơn giản, không đòi hỏi thiết bị đắt tiền, không đòi hỏi hậu xử lí nhiệt độ cao, đó là các phương pháp hoá học và hoá lí. Việc chuyển hướng như vậy vô cùng quan trọng vì sản phẩm đầu ra trong tương lai dù ở hình thức nào cũng cần phải được người sử dụng chấp nhận về mặt kinh tế. Các thiết bị chế tạo mà đắt tiền, khấu hao sẽ lớn dẫn đến giá thành cao. Thiết bị chế tạo đắt tiền, phức tạp chỉ phù hợp cho nghiên cứu cơ bản. Tuy nhiên, dù nghiên cứu cơ bản hoặc ứng dụng thì các phương pháp phân tích tính chất vật liệu phải chính xác, đa dạng, đòi hỏi các thiết bị đắt tiền nhằm đảm bảo vật liệu chế tạo ra có tính chất đúng như mong muốn.

Báo cáo này trình bày tóm tắt một số kết quả nghiên cứu của TTKHVL trong 5 năm trở lại đây.

2. Chế tạo vật liệu và phân tích tính chất của vật liệu

2.1. Đẩy nhanh phản ứng hóa học bằng các tác nhân vật lí để tạo vật liệu nano

Các phương pháp chế tạo vật liệu ở TTKHVL rất đa dạng, chủ yếu là các phương pháp hóa học, hóa lý. Các phương pháp chế tạo vật liệu chủ yếu dựa trên nguyên tắc đẩy nhanh phản ứng hóa học bằng các tác nhân vật lí. Vật liệu nano dạng hạt, dạng que, dạng hình cầu composite được chế tạo bằng phương pháp đồng kết tủa [4], hóa học có sự trợ giúp của tia laser [5], hóa học có sự trợ giúp của tia X [6], hóa học có sự hỗ trợ của sóng vi ba [7], hóa học có sự hỗ trợ của nhiệt độ và áp suất cao [8], hóa học có sự hỗ trợ của sóng siêu âm [9], điện hóa [10], điện hóa kết hợp với siêu âm [11], hóa sol-gel [12], hóa hơi trong chân không [13], bốc bay nhiệt [14].

Vật liệu nano chế tạo bằng điện hóa siêu âm.

Trong các phương pháp hóa học ở trên, dưới tác dụng của các tác nhân vật lí như tia laser, tia X, sóng vi ba, nhiệt độ, áp suất, các phản ứng sẽ xảy ra với tốc độ nhanh hơn tạo ra các vật liệu dễ dàng hơn. Các thiết bị chế tạo không phức tạp, không đắt tiền, khả năng chế tạo một lượng lớn các vật liệu ở một số phương pháp rất khả thi. Sản phẩm tạo ra có giá thành rẻ, có thể ứng dụng trong công nghiệp.

Các tính chất vật liệu nano mà TTKHVL quan tâm là các tính chất từ, tính chất điện, tính chất quang. Các vật liệu có từ tính mạnh là các ô xít, hợp kim, liên kim loại ở dạng hạt, dạng thanh, dạng màng, dạng khối, dạng băng đều được nghiên cứu. Các vật liệu bán dẫn với các cấu trúc và hình dáng khác nhau được tổng hợp từ các phương pháp rất đơn giản. Gần đây, vật liệu nano kim loại có tính tán xạ quang mạnh được nghiên cứu nhiều để ứng dụng trong y sinh học.

2.2. Hợp tác khoa học nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các đối tác

Các thiết bị dùng để phân tích tính chất của vật liệu nano rất đắt tiền. Một số thiết bị có sẵn ở TTKHVL như kính hiển vi điện tử quét (SEM), máy nhiễu xạ tia X, từ kế mẫu rung (VSM), máy đo quang học UV-Vis. Một số thiết bị có ở các cơ quan khác trong nước như kính hiển vi điện tử truyền qua độ phân giải thấp (TEM, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ), kính hiển vi điện tử quét độ phân giải cao (FE-SEM, Viện Khoa học Vật liệu), máy phân tích phổ hồng ngoại (FTIR, Khoa Hóa học), máy phân tích phổ Raman (Đại học Sư phạm Hà Nội). Một số thiết bị đặc chủng kết hợp với các phòng thí nghiệm lớn trên thế giới như kính hiển vi điện tử độ phân giải cao (HR-TEM, ĐH Glasgow, Anh), hệ đo thông số vật lí PPMS (ĐH Osaka, Nhật Bản), hệ đo thông số từ tính (SQUID, Viện JAIST, Nhật Bản).

Thông qua các hợp tác trong và ngoài nước, TTKHVL đã kết hợp được sức mạnh tổng hợp của các đối tác mang lại cái nhìn chính xác về tính chất các vật liệu đã tạo ra. Tuy nhiên, sự hợp tác này vẫn có những khó khăn nhất định về thời gian và khoảng cách nên các thông tin bị chậm chễ. Trong thời gian tới, Nhà nước đầu tư dự án công nghệ nano và ứng dụng cho ĐHQGHN, một số thiết bị phân tích chính xác nói trên sẽ có ở ĐHQGHN giúp cho việc nghiên cứu vật liệu nano sẽ có bước nhảy đột phá giúp cho việc nghiên cứu về vật liệu nano ở ĐHQGHN đạt những thành tựu lớn, ngang tầm khu vực và quốc tế.

Ngoài hợp tác với các cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước, TTKHVL còn hợp tác với doanh nghiệp để nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano để tạo ra sản phẩm mới. TTKHVL đã có một đề tài nghiên cứu theo nghị định 119 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng sản phẩm công nghệ cao vào sản xuất.

3. Ứng dụng vật liệu nano

3.1. Sử dụng trực tiếp hạt nano - ứng dụng đơn giản nhất của vật liệu nano

Sử dụng trực tiếp hạt nano không qua xử lí trung gian là ứng dụng đơn giản nhất của vật liệu nano. Hạt nano từ tính ô xít sắt có bề mặt tích điện âm ở pH trung tính có khả năng hấp phụ các ion kim loại nặng như As [15]. Kết hợp hạt nano với phèn chua tạo ra cách để làm sạch nước đơn giản và hiệu quả, có thể triển khai ứng dụng dễ dàng trong thực tế [16]. Hạt nano bạc có khả năng diệt khuẩn cao, có thể sử dụng để tẩm lên than hoạt tính tạo khẩu trang diệt khuẩn phòng chống các bệnh gây qua đương hô hấp [17]. Hạt nano vàng cũng có khả năng diệt khuẩn được pha chế với rượu, tạo ra rượu nano vàng có chức năng phòng độc rất tốt.

3.2. Chức năng hóa bề mặt nano từ tính để đếm tế bào bạch cầu CD4+ T

Để ứng dụng trong sinh học, các hạt nano cần phải được chức năng hóa bề mặt để có thể liên kết được với các đối tượng sinh học như DNA, kháng thể, enzyme. Các nhóm chức thường gặp là nhóm amino, biotin, steptavidin, carbonxyl, thiol, silica hoặc các bề mặt có điện tích âm hoặc dương. Nhờ sự hợp tác với ĐH Kent (Anh) nhóm nghiên cứu của TTKHVL đã thành công trong việc chức năng hóa nhóm amino các hạt nano từ tính để đánh dấu và phân tách tế bào bạch cầu CD4+ T giúp việc điều trị bệnh nhân nhiễm HIV dễ dàng hơn [18].

3.3. Tách ADN của siêu vi Herpes bằng hạt nano từ tính

Hạt nano từ tính chức năng hóa amino còn được sử dụng để tách ADN của siêu vi Herpes gây bệnh ngoài da và bệnh đường sinh dục. Bằng cách chức năng hóa amino hạt nano ô xít sắt để gắn kết với một đoạn ADN dò đặc trưng cho siêu vi Herpes, ADN đích trong bệnh phẩm cần xét nghiệm sẽ gắn kết với hạt nano có ADN dò được phân tách bằng một nam châm. Nồng độ của ADN sau phân tách tăng hàng trăm lần so với ban đầu. Kết hợp với một cảm biến điện hóa đơn giản, độ nhạy vừa phải, quy trình làm giàu ADN giúp nồng độ ADN đạt đến mức mà cảm biến có thể phát hiện ra. Quy trình phân tách này và cảm biến có thể xác định nhanh siêu vi này ở vùng sâu, vùng xa, những nơi còn chưa có các thiết bị y tế chính xác [19]. Đây là một phương pháp có thể sử dụng để mở rộng để xác định sự có mặt của nhiều loại siêu vi khác như siêu vi cúm gia cầm.

3.4. Làm giàu ADN của siêu vi viêm gan B bằng hạt nano từ tính bọc SiO2

Hạt nano từ tính được bọc bởi một lớp silica được sử dụng trong làm giàu DNA của siêu vi viêm gan B. Việc chẩn đoán siêu vi viêm gan B thông qua phát hiện DNA của siêu vi này giúp cho việc điều trị có thể bắt đầu sớm. Tuy nhiên phương pháp thường dùng là PCR để phát hiện DNA gặp khó khăn trong việc tách riêng DNA từ bệnh phẩm ra khỏi các vật phẩm sinh học khác. Trên thế giới người ta thường sử dụng mạng silica xốp để tách DNA. Nhưng phương pháp này đạt hiệu quả không cao. Sử dụng hạt nano từ tính bọc silica là giải pháp tốt để tách và làm giàu DNA nhưng chưa được nghiên cứu nhiều trên thế giới.

Nguyên tắc làm giàu DNA của hạt nano từ tính là như sau: bề mặt của silica bị hydroxide hoá, hấp phụ một proton làm cho bề mặt có thể tích điện dương. Các DNA với khung P tích điện âm sẽ có xu hướng hút vào hạt nano từ tính bọc silica. Sử dụng từ trường ngoài để tách tất cả các DNA ra khỏi các vật phẩm sinh học khác bằng từ trường sẽ thu được các DNA có dính các hạt nano từ tính. Sử dụng dung môi thích hợp, bề mặt của silica có thể hấp phụ một gốc hydroxyl làm cho tích điện âm. Lúc này DNA sẽ rời khỏi hạt nano từ tính do chúng có cùng điện tích. Loại bỏ hạt nano từ tính bằng từ trường ngoài sẽ thu được dung dịch gồm toàn các DNA. Nhân bản DNA của siêu vi viêm gan bằng PCR rồi xác định sự có mặt của chúng bằng phép đo diện di.

Lấy một bộ kít QIAmp DNA Mini Kit thương mại để so sánh, các kết quả thí nghiệm trên 6 bệnh phẩm cho thấy nồng độ DNA trong cả 6 bệnh phẩm đo được sau khi làm giàu bằng bộ kit thương mại và bằng hạt nano của chúng tôi cho thấy khả năng vượt trội của hạt nano bọc SiO2 so với kit thương mại. Hơn nữa, sau khi nhân bản PCR thì bộ kit thương mại chỉ phát hiện được 1 bệnh phẩm dương tính với siêu vi trong khi hạt nano bọc SiO2 phát hiện được 4 bệnh phẩm dương tính siêu vi viêm gan. Kết hợp với một phép đo trung gian phát hiện 4 trường hợp dương tính, chúng tôi thấy hạt nano từ tính bọc SiO2 có khả năng phát hiện chính xác hơn bộ kit nước ngoài [20].

3.5. Hạt nano vàng để phát hiện tế bào ung thư vú

Hạt nano vàng, bạc được sử dụng trong y sinh học để đánh dấu tế bào. Nhờ kích thước của hạt nano nhỏ hơn nhiều bước sóng ánh sáng chiếu vào mà xuất hiện hiện tượng cộng hưởng Plasmon bề mặt làm cho khả năng tán xạ ánh sáng của các hạt nano kim loại rất mạnh. Các hạt nano kim loại quý như vàng, bạc, bạch kim bền trong môi trường làm việc, thân thiện với cơ thể là đối tượng được ứng dụng nhiều nhất.

Nguyên tắc ứng dụng hạt nano kim loại quý trong đánh dấu tế bào như sau: hạt nano vàng được gắn kết với kháng thể đặc hiệu kháng tế bào ung thư vú anti-HER2, sau đó gắn lên mẫu bệnh có tế bào ung thư. Nhờ liên kết kháng nguyên-kháng thể đặc hiệu mà hạt nano gắn lên bề mặt của tế bào. Chiếu ánh sáng lên tế bào thì do khả năng tán xạ mạnh của hạt nano vàng mà các tế bào ung thư sẽ được phân biệt với các tế bào thường không có khả năng tán xạ. Kết quả cho thấy nếu không gắn với kháng thể kháng tế bào ung thư thì hạt nano vàng không gắn lên tế bào ung thư. Khi có kháng thể gắn với hạt nano vàng, hạt nano vàng bám lên các tế bào. Dưới ánh sáng hiển vi trường tối, các tế bào này phát sáng rất mạnh, khác biệt hẳn với các tế bào khi không có hạt nano vàng gắn kết [14].

4. Nghiên cứu khoa học và công nghệ nano trong tương lai

Nếu đầu vào của nghiên cứu khoa học cơ bản chỉ là ngân sách nhà nước hoặc tài trợ nghiên cứu ở nước ngoài thì đầu vào của nghiên cứu ứng dụng ngoài ngân sách nhà nước còn là đầu tư của các doanh nghiệp, các công ti. Nghiên cứu có hiệu quả cao cho xã hội thì chính xã hội sẽ nuôi nghiên cứu đó. Lúc đó ngân sách nhà nước chỉ là nguồn đầu tư “mồi” ban đầu cho các nghiên cứu để sau đó các nghiên cứu mang lại lợi nhuận đóng góp cho đại học, cho nhà nước.

Nếu đầu ra của các nghiên cứu cơ bản là các báo cáo, các bài báo khoa học thì đầu ra của các nghiên cứu ứng dụng là các phát minh, sáng chế, các sản phẩm phục vụ nhu cầu của xã hội có khả năng thương mại hóa, có hàm lượng tri thức cao, có giá trị gia tăng lớn.

Nếu vấn đề của nghiên cứu khoa học cơ bản chủ yếu xuất phát từ năng lực, sở trường của nhà nghiên cứu, hoàn toàn phụ thuộc vào chủ quan của người nghiên cứu, người nghiên cứu chủ động trong nghiên cứu của mình thì vấn đề của nghiên cứu ứng dụng chủ yếu xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của sản xuất, của xã hội, ít phụ thuộc vào người nghiên cứu, người nghiên cứu phải liên tục cập nhật các kiến thức mới để giải đáp được các vấn đề mà thực tế đòi hỏi.

Nếu phương pháp chế tạo mẫu vật của nghiên cứu cơ bản cần phải đắt tiền để tạo ra mẫu vật chất lượng rất cao để đáp ứng yêu cầu rất chuyên sâu của vấn đề nghiên cứu thì phương pháp chế tạo mẫu vật trong nghiên cứu ứng dụng phải đơn giản, rẻ tiền, hiệu quả cao, có khả năng chế tạo một số lượng lớn có thể mở rộng ra quy mô công nghiệp. Cả hai hướng nghiên cứu đều có điểm chung là thiết bị phân tích phải chính xác. Giáo sư I. Bruce, ĐH Kent (Anh) nói “tôi sẵn sàng trả 100 ngàn bảng một năm cho một nhà khoa học chế tạo 1 kg vật liệu nano giá 100 bảng.

Nếu phương pháp tổ chức hoạt động trong nghiên cứu khoa học cơ bản là “thứ bậc, trật tự” trong đó trình độ chuyên môn của người trưởng nhóm quyết định hoàn toàn đến sự thành bại của đề tài khoa học thì phương pháp tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng là “mạng lưới, bình đẳng” trong đó, ngoài trình độ chuyên môn, người trưởng nhóm phải có năng lực tổ chức và phân công công việc phù hợp, tất cả các thành viên chủ chốt đều có vai trò quyết định đến sự thành công của đề tài [21].

Định hướng nghiên cứu ứng dụng hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Nhà nước về tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học [22].

Trong tương lai TTKHVL chú trọng hơn nữa đến các sản phẩm y sinh học có tính ứng dụng cao. Cụ thể là các cảm biến chẩn đoán y sinh học, đặc biệt là các cảm biến được tiểu hình hóa nhằm mang lại sự thuận tiện cho người sử dụng, các bộ kit chẩn đoán y sinh học, các quy trình điều chế dược phẩm có sử dụng vật liệu nano. Để có thể làm được điều này, TTKHVL sẽ tham gia cùng các đối tác khác trong nước và quốc tế đồng thời sử dụng nguồn tài nguyên chung của ĐHQGHN như trang thiết bị phòng sạch để chế tạo linh kiện tiểu hình hoá, các thiết bị phân tích hiện đại trong các dự án đã và sắp được đầu tư của ĐHQGHN.

5. Kết luận

Định hướng ứng dụng hạt nano từ tính, kim loại trong chẩn đoán y sinh học đã có những thành quả đáng khích lệ. Hướng nghiên cứu này của TTKHVL phù hợp với xu hướng hiện đại của thế giới, giải quyết các vấn đề của Việt Nam, phát huy sức mạnh liên ngành của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tài liệu tham khảo

1.       N. T. T. Van, N. H. Hai, N. H. Luong, V. V. Hiep and N. Chau, Journal of the Korean Physical Society, 52 (2008) 1435.

2.       N. D. The, D. T. H. Gam, N. H. Hai, N. Chau, M. Basith, H. D. Quang, Nanotechnology 20 (2009) 165707.

3.       M. S. Islam, D. T. Hanh, F. A. Khan, M. A. Hakim, D. L. Minh, L. H. Hoang, N. H. Hai, N. Chau, Physica B 404 (2009) 2495.

4.       N. T. Ha, N. H. Hai, N. Chau, H. D. Chinh, Proceedings of the 1st IWOFM - 3rd IWONN Conference, Ha Long, Vietnam (2006) p. 410.

5.       N. T. Binh, N. H. Hai, D. T. Ly, T. T. Hue, Kỷ yếu Hội nghị Vật lí Chất rắn Toàn Quốc lần thứ 5, Vũng tàu (2007) 785.

6.       T. T. Loan, N. N. Long, L. H. Ha, Journal of Physics D: Appllied Physics. 42 (2009) 065412.

7.       L. H. Hoang, T. D. Hai, N. H. Hai, X. B. Chen, I. S. Yang, Materials Letters, 64 (2010) 962.

8.       N. H. Hai, I. Grigoriants, A. Gedanken, Journal of Physical Chemistry C, 113 (2009) 10521.

9.       N. H. Hải, N. H. Lương, N. N. Long, N. Châu, N. Đ. Phú, S. Theerdhala, A. Gedanken, Kỷ yếu Hội nghị Vật lí Chất rắn Toàn Quốc lần thứ 5, Vũng tàu (2007), tr. 140.

10.    D. M. Hong, N. H. Hai, V. V. Hiep, P. T. San, N. Q. Quyen, N. Chau, Journal of Science: Mathematics - Physics T. XXII(2AP) (2006) 73.

11.    N. H. Hai, H. D. Chinh, N. H. Luong, T. Q. Tuan, L. M. Quynh, N. N. Long, N. D. Thien, Vietnam Patent 2010 (Filed).

12.    L. H. Hoang, N. T. M. Hien, N. H. Hai, N. T. Khoi, I. S. Yang, Journal of Raman Spectroscopy 40 (2009) 1525.

13.    N. H. Hai, N. H. Luong, N. Chau, N. Q. Tai, Journal of Physics: Conference Series 187 (2009) 012009.

14.    N. H. Luong, N. N. Long, L. V.  Vu, N. H. Hai, T. N. Phan, V. A. T. Nguyen, International Journal of Nanotechnology (2010) accepted.

15.    N. D. Phu, P. C. Phong, N. Chau, N. H. Luong, L. H. Hoang, N. H. Hai, Journal of Experimental Nanoscience 4 (2009) 253.

16.    N. H. Hai, C. V. Thach, N. T. Ha, N. Chau, V. A. T. Nguyen, T. N. Phan, International Conference on Engineering Physics, Hanoi (2006) p. 95.

17.    T. Q. Tuan, N. H. Luong, N. H. Hai, Journal of Hazadous Materials (2011) to be published.

18.    N. H. Hai, N. Chau, N. H. Luong, V. A. T. Nguyen, T. N. Phan, Journal of the Korean Physical Society 53 (2008) 1601.

19.    M. A. Tuan, N. H. Hai, Journal of Physics: Conference Series 187 (2009) 012059.

20.    V. T. A. Nguyen, T. N. Phan, T. Q. Tuan, N. H. Hai, N. N. Long, N. H. Luong, (2011) to be published.

21.    W. Bennis và B. Nanus, Lãnh đạo: Chiến lực thực thi, NXB Trẻ (2008) tr. 38.

22.    Nghị quyết 14/2005/NQ-CP về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam, Nghị quyết 05/2005/NQ-CP về khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức.