Tương Phố

Nữ sĩ Tương Phố (1896-1973) tên thật là Đỗ Thị Đàm, sinh tại Đồn Đầm, tỉnh Bắc Giang, nhưng nguyên quán tại làng Bối Khê, tổng Cẩm Khê, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Vì cụ thân sinh ra nữ sĩ lên miền thượng du làm việc nên nữ sĩ chào đời tại Bắc Giang.


Năm 18 tuổi, khi theo học trường Sư phạm tại Hà Nội thì bà kết hôn với ông Thái Văn Du. Ông Du là người Huế nhưng ra Hà Nội học trường thuốc và đỗ y sĩ. Ít lâu sau ông Du được giấy gọi đi Pháp du học, bà ở nhà sống với người con trai mới sinh được 6 ngày mà ông Du đặt tên là Thái Văn Châu. Ông Du sang Pháp do khí hậu lạnh nên đã mắc bệnh thổ huyết, mấy tháng sau ông phải trở về Huế là nơi gia đình ông sinh sống. Cho đến khi ông Du tạ thế tại Huế bà Tương Phố cũng không được gặp mặt. Vì thế, trong tập Giọt lệ thu bà đã đề: “Duyên chẳng hẹn trăm năm, tình còn ghi muôn kiếp. Anh Thái Văn Du mất ở Huế ngày hai mươi nhăm tháng bảy năm Canh Tuất, đôi lứa trẻ trung, kẻ Nam người Bắc, khi sống đã xa nhau, lúc mất lại không gặp mặt, lòng em thương xót bao giờ cho nguôi.”


Nữ sĩ Tương Phố bước vào làng văn năm 1928 qua bài Giọt lệ thu đăng trên tạp chí Nam phong số 131 tháng 7-1928, và đến năm 1952 bà cho in thành sách do nhà Ngày Mai xuất bản tại Hà Nội, đến năm 1967 nhà Nam Chi tại Sài Gòn tái bản. Sau năm 1945, bà vào Nam sống ở Nha Trang sau đó lên Đà Lạt và đôi khi về Sài Gòn thăm người em ruột là nữ sĩ Song Khê.

Tương Phố thuộc hàng nữ lưu tân tiến những năm 20 của thế kỷ 20. Bà bắt đầu làm thơ vào khoảng những năm ông Du phải đi xa, và số thơ này đều có chủ đề chung là nỗi nhớ mong chồng.


Sau khi chồng mất, năm 1923 (hoặc 1922) bà viết một bài văn xuôi có xen 8 đoạn thơ lục bát và song thất lục bát, mang tên là Giọt lệ thu, được đăng báo năm 1928. Đây là tác phẩm gây được tiếng vang trên văn đàn thời bấy giờ và cũng đã khơi dòng văn chương lãng mạn sầu não trong văn học Việt Nam hiện đại [7]. Bởi nội dung bài là tiếng khóc thê thiết của một người vợ trẻ (Tương Phố) chờ chồng suốt ba năm, nhưng khi chồng (Thái Văn Du) về tới Huế, chẳng bao lâu thì mất. Đầu những năm 30, bài văn này đã được một nữ dịch giả người Pháp dịch ra tiếng Pháp, được một số nhà phê bình Pháp chú ý.


Sau đó bà tiếp tục viết những bài văn thơ cùng loại, đăng báo Nam Phong, về sau được tập hợp thành các tập: Giọt lệ thu, Mưa gió sông Tương, Trúc mai...


Năm Ất Sửu (1925), bà tái giá với Tuần phủ Phạm Khắc Chánh ở Phúc Yên (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc). Sau năm 1945, Tương Phố vào sống ở Nha Trang rồi mất ở Đà Lạt vào ngày 8 tháng 11 năm 1973, được an táng tại đồi Tương Sơn, TP. Đà Lạt. Và hiện nay, ở thành phố cao nguyên này có một đường phố mang tên bà.


Bà mất năm 1973 và được chôn cất trên một đồi thông dưới chân đèo Mimosa thuộc dãy Langbiang. Từ khi bà nằm xuống, ngọn đồi ấy mang tên Tương Sơn như để nhắc nhớ về người nằm đó - nữ sĩ Tương Phố.


Về văn nghiệp nữ sĩ xuất bản 3 tác phẩm:

- Giọt lệ thu (thơ)

- Mưa gió sông Tương (thơ)

- Trúc mai (truyện dài bằng thơ)

Nguồn: thivien.net