Bên Dòng Thạch Hãn


 Vũ  Ký

BÊN DÒNG THẠCH HÃN

(Hướng vọng cội nguồn)

Vũ Ký


Hướng vọng vể cội nguồn vấn là bản chất nguyên thủy của con người. Nhất lá con người văn thi nhân, và hơn ai hết, ở con người văn thi nhân ly hương của chúng ta. Ngâm nga những vần thơ trầm dịu khắc khoải của nhà thơ Phan Khâm trong Thi tập Bên Dòng Thạch Hãn từ bài đầu đến bài cuối mới thấy rõ điều nói trên là một sự thực trong cảm hứng dạt dào của nhà thơ ly hương.

Mổi bước nhớ là là một đọan đường của thi nhân tìm về dĩ vãng. Lưu luyến về cõi mộng thời xưa ray rứt tâm hồn để lúc nào nhà thơ cũng quay về qúa khứ, nhớ về tất cả, ngay đến cả những thế sự phù trầm chán nản. Ôi! Giang sơn đát nước khóc trắng canh dài.

Đổ từ trên đỉnh chon von

Xác thân vất vưởng gọi hồn năm canh

Xin người mặc niệm chiến tranh

Giang sơn tổ quốc ngọn ngành quê hương


Triết gia Martin Heiddegger đã nói đâu đây về tâm thức ấy qua một lời tư tư tưởng “Hoài hương là nỗi đau xót nhất hoài hoài gây nên bởi nhớ thương không dứt trước cảnh ly cách triền miên.

Nơi nào kẻ đó đi qua, chính nơi ấy có sự hiện diện của nỗi hoài hương nhập cuộc” ( La nostalgie est la douleur que nous cause la proximité du lointain, la où va celui qui passé, la est le lieu de sa nostalgie). Trích bởi Bùi Giáng trong câu hỏi “ Thuý Kiều Sài Gòn 1965’’ Tôi xin lấy lời nầy của triết gia trên làm sợi chỉ vàng buộc vào tâm thức sáng tạo của nhà thơ Phan Khâm trong suốt thi phẩm, ông gắn liền thương đau bùi ngùi hối tiếc về những người thương yêu: Than ôi! Ngày nay chỉ là hình bóng xa nơi dạ đài:

Mẹ ơi! Mẹ đợi con hoài

Năm canh góc bể chân trời Mẹ ơi!!!

hay:

Ai về ngoài ngoại con theo với

Quê Mẹ Đông Hà thuở chiến chinh

Mẹ lấy chồng gian nan chới với

Giống như đời Mẹ cung đao binh

….

Mẹ ở đầu ghềnh, Cha cuối thác


Chiều ơi quê ngoại nắng chon von

….

Chủ nhật Mẹ ngồi hong tóc ướt

Đông Hà nhìn trộm Mẹ trong gương

(Thương Về Quê Mẹ)


Gợi niềm dĩ vãng với bóng Mẹ già nơi quê hương qủa là đề tài vô tận cho con người thơ gục xuống vì con tim quặn thắt, nhưng còn người tình thuở nọ cũng là nỗi trăm nhớ nghìn thương cho một quả tim đơn côi lẻ bóng. Về một mùa uyên ương nào hoàng hoa mùa cúc nở, trời vấn vương hẹn ngày tao ngộ, em trở lại bao giờ, trao ân tình vội vã. Đôi mắt nai làm ta nhớ dại khờ:

Ta nhớ triền miên ánh mắt em

Cầu vòng bảy sắc vắt lên trên

Em long lanh sang dìu ta dậy

Cứ ngỡ còn ngàn lẻ một đêm

…..

Ta nhớ dại khờ khoé mắt nai

Suối mây cuồn cuộn phủ bờ vai

Ta về lững thững trong rừng vắng

Gào thét muôn chiều chả gặp ai


Da diết nhớ em mắt phượng dài

Đổi đời ta áo mủ cân đai

Em nhìn rực lửa như mùa hạ

Xô đẩy ta về chốn khổ sai

(Ta Nhớ Em)


“ Mùa Xuân Nào Mình Về Thăm Quảng Trị” là một điệp khúc ái tình giữa con người gió bụi với nơi cội nguồn vĩnh hằng mình đã sống nay phài bỏ lại phía bên kia chân trời biền biệt. Quê hương là nơi đẹp hơn cả. Một sáo ngữ muôn đời trở thành một tâm ngôn cổ điển càng ngày càng sâu đậm nhất là trong tiềm thức của nhà thơ họ Phan trước bao năm tháng tha hương kéo dài chưa biết bao giờ chấm dứt! Tôi ngâm nga hoài trong long khúc ca sầu luyến” Mùa Xuân Nào Mình Về Thăm Quảng Trị”mà cảm thấy ứa lệ trong im lặng vô cùng. Tôi lại muốn chép đủ bài thơ dài đó mà ngại giấy bút hẹp hòi, đành chịu ý tình đứt quảng ở đây. Đẹp, đẹp lắm 14 điệp khúc dựng quê hương đã mất những địa danh đứt ruột mờ trong ký ức:

Mùa xuân nào mình về thăm Ái Tử

Ca dao xưa nơi Mẹ vẫn bồng con

Bên đầu cầu gánh quá nhiều bom đạn

Tang thương ơi nước lở với non mòn

Mùa xuân nào về thăm sông Bến Hải

Nước dưới sông sao tê tái vô tình

Chia một lần là chia lìa mãi mãi

U uất đời vết cắt Mẹ Giao Linh

Mùa xuân nào mình về thăm trường cũ

Ký ức ta ôi hai tiếng Nguyễn Hoàng

Dấu chân ai giờ đã rêu phong phủ

Tuổi học trò nhiều nỗi nhớ vương mang

……

Quê hương của người viết lời giới thiệu nầy có Ngủ phụng tề phi là địa linh nhân kiệt, nhưng đất Quảng Tri của nhà thơ Phan Khâm cũng hùng dũng vô cùng, là trận địa của bao chiến trường khốc liệt dệt nên thiên hùng ca bao đời cho trang Việt sử. Xin nói them một chút nữa mà không sợ lạc đề về một đại nhân vật khoa bảng sinh trưởng ở miền nầy đã đi sâu trong lịch sử hào kiệt chống ngoại xâm vào triều đại trước, có liên quan mật thiết đến cuộc đời ngoại hạng của các bậc anh tài ở quê tôi là đất Quảng Nam. Đó là Cụ Hoàng Hữu Xứng sinh tại làng Bích Khê, Phủ Triệu Phong Tỉnh Quảng Trị cũng là quê hương của nhà thơ Phan Khâm. Xin nhắc đến Ngài với nhiều cảm phục hầu tôn vinh một bậc tiền bối, dày công trạng với đất nước. Cụ đậu Cử nhân, làm Tuần phủ Hà Nội, Cụ còn giữ chức Nhật giảng quang (giảng sách cho nhà Vua) Đô Sát Viện( cơ quan trung ương có quyền giám sát và hạch tội các quan lại trong Triều và ngay cả nhà Vua) Cụ còn là Thượng Thư Bộ Công và là tác gỉả Đại nam quốc cương giới vựng biên, Đại Nam thực lục chính biên đệ ngũ ký ( sự kiện xãy ra giữa thế kỷ 19, 1883-1885) Cụ Hoàng Hữu Xứng Tuần Phủ Hà Nội cùng Hoành Diệu người Quảng Nam thời bấy giờ giữ thành Hà Nội, Hoàng Diệu thắt cổ tự tử, Hoàng Hữu Xứng bị giặc bắt, chửi giặc thậm tệ rồi nhịn ăn (theo sủ gia Phan Thuận An) Cụ được cử chấm thi Tiến sĩ và Vua Tự Đức đã khen là con tuấn mã trong hàng cữ nhân. Kỳ thi Hội năm 1892, Cụ chấm đậu các sĩ tử Vũ Phạm Hàm (Đệ nhất giáp Tiến sĩ ) Nguyễn Thượng Hiền (Đệ nhị giáp Tiến sĩ ) Chu Mạnh Trinh (Đệ nhị giáp Tiến sĩ) và đặc biệt Cụ chấm khoa thi Hội năm 1898 đã lấy 5 sĩ tử Quảng Nam đậu Tiến sĩ cùng một lượt (Ngũ phụng tề phi) là Cụ Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn, Ngô Triêm, Dương Hiển Tốn (theo tài liệu của Cao Thế Dung).

Thơ của Phan Khâm là thăng hoa của hoài niệm, của bao nhiêu tình tứ về ta, về người, về ai đó, về quê hương đất nước, về quê người, về một khắng khít tiếc thương nào, về một lời nguyền lỗi hẹn thuở nọ.

Giả từ để lại chút quen

Ở trong mắt ngọc, ở trên má hồng,

Đời tôi sau đó phiêu bồng

Tôi đi đi mãi thu đông cuối mùa

Xin đừng là thoáng mong manh

Giữa ta vô ngã chung quanh vô thường

Nẻo về trăm nhớ nghìn thương

Nẻo đi giăng lối thơ vương ban đầu

Nửa đời đắm đuối cơn mê

Chắc trong tiền kiếp lạc về Phương Đông

Thương em duyên nợ đèo bồng

Thương anh hồ thỉ tang bồng…phù vân


Làm thân viễn khách trên miền đất lạ, cảnh vật nơi nào thuở trước cũng chỉ là hình tượng phôi pha, nhạt nhòa não ruột, tình thương nỗi nhớ nào về chốn Ngự Viên, chiều Thương Bạc, nào:

Hương Giang mưa phủ mấy khoang thuyền…

Không phải chỉ có mùa uyên ương với trăm nhớ ngàn thương, hoàng hoa mùa cúc nở, trời vương vấn vấn vương, mà còn có “ Mùa Cổ Tích”

Tình hoang vu như cát

Em ảo ảnh gọi mời


Bóng cây nào khao khát

Giọt nước nào xa khơi

Rồi mùa nào cũng trôi qua, trong tịch liêu, trong võ vàng ân ái ngậm ngùi

Đôi mắt ướt tình si

Chất men ngà lưu ly

Uống trong chiều chiến bại

Tình vỗ cánh bay đi

Từ cây đa làng cũ, nơi hẹn hò tuổi trẻ, có bóng râm ở đấy hai đứa thầm thì, có tiếng qụa kêu rồi bay đi mất, có:

Chiều ơi tim tím mảnh vườn

Qua bao dâu bể con đường cách xa

Gió lào thổi cuối tháng ba

Cành khô lá cũng xác xơ theo cành

Đến cột “Cây số 22” hồi nào ở quê mình nối liền tới Đông Hà! Ôi thân thương làm sao một khung trời hoài niệm!

Con đường cột mốc số hăm hai

Dâu bể tang thương tiếng thở dài

Chôn chặt trăm năm hồn lủi thủi

Con đường cột mốc số hăm hai

….

Dọc đường gió bụi chôn chân đó

Nắng giãi mưa dầu thật xót xa

Ý tình vấn vương tê tái với cảnh vật bất động mà hữu tình làm tôi nhớ đến những vần thơ của một tài hoa lãng mạn phương Tây là Lamartine. Khi trở về lảng cũ, nhớ bóng hồ xưa” Hỡi những vật vô tri vô giác! Các ngươi có linh hồn hay không mà quyến luyến lấy ta và dục ta đến nỗi yêu thương” Cái nền tình cảm trong cảm hứng của nhà thơ Phan Khâm là nỗi niềm về quá khứ xây dựng trên ba chiều triết lý của tâm linh: chiều không gian, chiều thời gian và chiều hoài niệm- chiều nào cũng thăm thẳm diệu vợi với sắc điệu man mác sầu thương.


Hành trình mấy vệt cường toan

Dưới cầu nhật thực cát vàng không đi

( Mặt trời trong ta )

Lời thơ buông ra êm dịu mà tái tê vô cùng làm tôi nhớ thêm về một tư tưởng khác cũng lại của triết gia Martin Heidegger khi người nói đến cái hấp lực tìm về cố quận của con người thi nhân nặng trĩu bao hành trang tích lũy trên dọc đường sương gió nơi cõi thế, nhất là của tâm thức văn nhân nghệ sĩ mất quê hương như chúng ta trước ba môi trường: Tổ quốc, Kiều địa (Đất khách) và Cố quận ( Quê hương) {Patrie, Colonie, Sol natal, các cụm từ của Martin Heidegger}

Trông vời cố quốc nỗi khôn nguôi

Mây trắng bên trời vẫn cứ trôi

Đấy xác lang thang nơi đất khách

Đưa hồn vất vưởng chốn quê người

( Cố Quốc)

Rất là mộc mạc, nhưng tha thiết mặn nồng tình ý của một lời ngôn ngữ bình dân:

Đêm qua đốt đỉnh hương trầm

Khói lên nghi ngút âm thầm nhớ quê

( Ca dao)


Vũ Ký

Bruxelles, đầu xuân.


Vũ Ký ( 1922- 2008) Giáo sư, nhà văn.

Giáo sư Giám khảo Viện Tú tài Quốc tế ở Londres và Genève. Hội viên Hiệp Hội các Nhà Vương Quốc Bỉ (Sabam) ở Bruxelles. Hội viên Học Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á (Đại học Yale, Hoa Kỳ). Ứng viên giải Nobel văn chương năm 2003.