Phạm Thái

Phạm Thái 範泰 (1777-1813), còn gọi Phạm Đan Phượng, Phạm Phượng Sinh, hiệu Chiêu Lỳ, quê làng Yên Thị, xã Yên Thường, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc (nay thuộc Gia Lâm, Hà Nội), con Trạch Trung hầu Phạm Đạt (một võ tướng triều Lê, chống Tây Sơn nhưng thất bại). Khi Phạm Thái mới 20 tuổi, định nối chí cha, đội lốt nhà sư vào ở chùa Tiêu Sơn, đợi thời cơ, lấy đạo hiệu Phổ Chiếu Thiền sư. Sau đó, lên Lạng Sơn cùng bạn là Thanh Xuyên hầu Trương Đăng Thụ, làm quan ở đấy mưu việc phù Lê. Khi Phạm Thái trở về Kinh Bắc thăm nhà thì Trương Đăng Thụ bị Vũ Văn Dũng đầu độc chết. Người yêu của ông là Trương Quỳnh Như, em Trương Đăng Thụ, bị mẹ ép gả cho người khác, đã tự tử. Phạm Thái thất tình, đi lang thang như người điên dại, suốt ngày uống rượu và làm thơ ngông, mất ở Thanh Hoá.

Ông sáng tác hầu hết bằng chữ Nôm lúc mới ngoài 20 tuổi (1800-04), gồm một số bài thơ Đường luật, mấy bài văn xuôi: Chiến tụng Tây hồ phú, truyện thơ Sơ kính tân trang, Văn tế Trương Quỳnh Như,... 

Nguồn: thivien.net