Thân chinh Phục Lễ châu Điêu Cát Hãn



Lê Lợi

Thân chinh Phục Lễ châu Điêu Cát Hãn


Cuồng tặc cảm bô tru,

Biên manh cửu hề tô.

Bạn thần tòng cổ hữu,

Hiểm địa tự kim vô.

Thảo mộc kinh phong hạc,

Sơn xuyên nhập bản đồ.

Đề thi khắc nham thạch,

Trấn ngã Việt tây ngu (ngung).


親征復禮州刁吉罕


狂賊敢逋誅,

邊氓久傒蘇。

叛臣從古有,

險地自今無。

草木驚風鶴,

山川入版圖。

題詩刻巖石,

鎮我越西隅。

Dịch nghĩa


Giặc cuồng há thoát tội chết,

Dân biên viễn đã lâu mong được hồi sinh.

Bọn phản thần từ xưa đã có,

Vùng đất hiểm nay chẳng còn.

Cây cỏ làm kinh hãi quân giặc,

Sông núi đã nhập vào bản đồ.

Đề thơ nơi vách đá cao,

Để trấn giữ phía tây của nước Việt.



Tự: “Di Địch chi vi biên hoạn, tự cổ hữu chi. Hán chi Hung Nô, Đường chi Đột Quyết, ngã tây Việt chi Mường Lễ chư Man thị dã. Khoảnh do Trần, Hồ suy chính, phiên thần bạt hỗ. Cát Hãn nữu ư cựu tập phụ cố phất thuyên. Dư kim suất sư vãng chinh thuỷ lục tịnh tiến, nhất cử tựu bình. Nhân tả nhất luật, khắc chi vu thạch, dĩ giới hậu thế Man tù chi ngạnh hoá giả. Vân...” 夷狄之為邊患,自古有之。漢之匈奴,唐之突厥,我西越之忙禮諸蠻是也。頃由陳,胡衰政,藩臣跋扈。吉罕狃於舊習負固弗悛。予今率師往征水陸並進,一舉就平。因寫一律,刻之于石,以戒後世蠻酋之梗化者。云 (Di Địch là mối lo biên giới, từ xưa đã có. Như Hung Nô nhà Hán, Đột Quyết nhà Đường, các man ở Mường Lễ ở phía tây nước Việt ta là thế. Lúc trước do chính sự nhà Trần Hồ suy vi, các phiên thần hoành hành hung bạo. Cát Hãn quen thói cũ, cậy vào nơi hiểm cố không hối cải. Ta nay xuất quân đi đánh, quân thuỷ bộ cùng tiến, một trận là dẹp yên. Nhân đó viết thơ khắc vào đá, để răn kẻ Man tù ương ngạnh đời sau. Thơ rằng...).


Lạc khoản: “Tân Hợi quý đông cát nhật, Ngọc Hoa động chủ đề” 辛亥季冬吉日,玉華洞主題 (Ngày tốt tháng quý đông (tháng 12) năm Tân Hợi 1431, Ngọc Hoa động chủ đề).


Bài thơ này được khắc trên vách núi ở xã Lê Lợi, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Sau khi giải phóng lòng hồ để xây dựng Thuỷ điện Sơn La, khối đá này được di dời và hiện đặt tại Đền thờ Lê Lợi, cách vị trí ban đầu khoảng 500m. Ngoài ra, bia còn một phó bản đặt ở đình Nam Hương, cạnh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phần lạc khoản đề Ngọc Hoa động chủ, có thể là hiệu khác Lê Thái Tổ dùng, ngoài Lam Sơn động chủ. Sách Hoàng Việt thi tuyển chép bài thơ này đề tác giả là Lê Thái Tổ.