Y Vân

Y Vân (tên khai sinh: Trần Tấn Hậu, 1932 – 1992) là một nhạc sĩ tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam từ cuối thập niên 1950 đến 1990 với nhiều sáng tác bất hủ như "60 năm cuộc đời", "Sài Gòn", "Lòng mẹ",..

Ông sinh năm 1933 tại Hà Nội, quê quán ở Thanh Hóa. Gia đình ông vốn có họ và tên đệm là "Trần Tán", bố ông là Trần Tán Nhiệt, chú ông là nhà văn Trọng Lang Trần Tán Cửu, ông nội là Tri phủ Trần Tán Bình. Nhưng khi sinh hạ ông, mẹ của ông đã chọn tên đệm là "Tấn" (Trần Tấn Hậu) thay cho "Tán", vì gia đình đã trải qua quá nhiều sự chia ly, phân tán; nên về phần duy tâm bà muốn thay chữ "Tán" trong tên đệm để tránh đi những chuyện không hay sau này.

Thuở niên thiếu, ông từng theo học nhạc với Giáo sư – nhạc sĩ Tạ Phước và cũng đã tập tành sáng tác từ rất sớm. Mồ côi cha, nhà nghèo, cả nhà nhạc sĩ phải dắt díu nhau nương náu trong một túp lều xiêu vẹo ở ngõ chợ Khâm Thiên. Chính vì thế, ông rất thương mẹ và các em, ông phải đi dạy đàn để nuôi gia đình. 

Năm 1954 ông vào Nam, tiếp tục sáng tác, chơi nhạc, hòa âm và dạy nhạc, ngoài ra còn viết sách dạy nhạc và đàn guitar. Ngoài ra ông còn là người đi tiên phong cho dòng nhạc nhẹ với những bài hát có giai điệu cha cha cha, disco, twist như: "Sài Gòn", "Ảo ảnh", "Sáu mươi năm cuộc đời", "Thôi".


Thời gian sau năm 1975, ông tham gia đoàn ca nhạc Hương Miền Nam, rồi nhận viết nhạc cho nhiều nguồn: viết nhạc phim, nhạc nền cho sân khấu... Ông làm việc cật lực bất kể ngày đêm để tạo cuộc sống tương đối cho gia đình. Ông tham gia viết nhạc phim mà nổi tiếng nhất là tác phẩm "Như bầy sơn ca" trong bộ phim thiếu nhi Sơn ca trong thành phố. 

Nghệ danh "Y Vân" có nghĩa là "Yêu Vân", tức tiểu thư Tường Vân – người yêu đầu tiên của ông. Ông chọn tên này từ khi chuyện tình giữa ông và cô này tan vỡ. Một số ca khúc của ông đã được viết lên để nói lên tâm sự này như "Đò nghèo", "Ảo ảnh", "Nhạt nắng". 

Sách:

    Tự học Tây Ban Cầm (nhạc thời trang - nhạc Jazz) viết chung với Lan Đài.

    Tự học Tây Ban Cầm (phương pháp Flamenco) viết chung với Lan Đài.