Những hiểu lầm về chuyện đạo thơ văn


Vương Thanh

Có khá  nhiều trường hợp nhìn rất giống như là đạo thơ văn, nhưng thiệt ra không phải.  Có khi là "chí lớn gặp nhau". Có khi là tác giả có vài bút hiệu. Có khi là thơ văn của thời xưa. Có khi là tác giả chân chính lại bị mang tiếng là đạo thơ, v.v.

Trước hết, xin đưa ra định nghĩa "đạo thơ văn" là gì.  "Đạo thơ văn" là lấy lời thơ hay văn của người khác làm của mình. Có thể là nguyên tác phẩm, hay vài câu thơ, hay là dịch thơ từ ngôn ngữ khác, hay là lấy gần trọn ý tưởng từ câu văn chuyển thể thành thơ ,,... mà không chú thích câu thơ/văn xuất xứ từ đâu, tác giả của những câu thơ văn đó  là ai.  

Khi phát biểu một tác giả "đạo thơ" của người khác là một sự chỉ trích nghiêm trọng, ảnh hưởng danh dự của tác giả.  Cho nên chúng ta phải rất thận trọng và suy xét từ nhiều khía cạnh trước khi đưa ra nhận xét một áng thơ, câu thơ có phải bị "đạo", hay không.

Sau đây là những điểm cần suy xét:

1.  thơ của người xưa. Nếu lấy nguyên một bài thơ mà nói là của mình thì là đạo thơ. Nhưng người xưa không có khái niệm và nhu cầu cần phải chú thích vài câu thơ của tác giả khác mà họ dùng trong bài thơ của họ,  cho nên không thể nói là họ đạo thơ được.  Như đại thi hào Nguyễn Du, trong truyện Kiều, đã vay mượn, và dịch nhiều câu thơ từ Kinh Thi và những áng thơ Đường của Trung Quốc thí dụ,như câu "con tằm đến thác hãy còn vương tơ" . Câu thơ này từ  bài thơ Vô Đề (tương kiến thì nan...) của Lý Thương Ẩn:  "xuân tàm đáo tử ti phương tận (con tằm đến chết,, tơ mới dứt).  Nguyễn Công Trứ,, Cao Bá Quát, ... cũng mượn rất nhiều câu thơ Trung Hoa nổi tiếng.  Họ giao du với những thi sĩ đều sành thơ văn. Với họ, những người này đều biết những câu thơ vay mượn nổi tiếng. Nếu không biết, thì chỉ có thể tự trách mình là không biết, thiếu kiến thức thôi, cần học hỏi thêm..  

Thi hào Nguyễn Du muốn phát triển tiếng Việt nên làm Đoạn Trường Tân Thanh viết bằng chữ Nôm (giống tiếng Tàu nhưng có thể ghi lại những câu như vầy "tôi thương cô", thay vì chỉ có thể viết là "ngộ ái nị" nếu viết bằng tiếng Hán/Tàu.  Công lao của ND rất lớn vì tiếng Nôm rất khó, (dựa trên chữ Tàu mà còn phải thêm nhiều nét để diễn tả tiếng Việt) nên  hiện giờ chắc cũng chưa tới  trăm người rành tiếng Nôm vì tiếng Quốc Ngữ dựa trên mẫu tự Latin quá phổ biến và dễ học). 

2. Không nói tới thời xưa, ngay như thời nay, nếu như những câu thơ quá nổi tiếng, như là ca dao, mà hầu như tác giả nghĩ là ai cũng nên biết, có khi tác giả cũng lười để ngoặc kép, hay là chú thích,, hay là tác giả hiểu lầm tưởng là ca dao. Thí dụ như câu "nắng mưa là bệnh của trời",  hay là những câu thơ tiếng Hán như là "thiên nhược hữu tình thiên diệc lão" . 

Ai không biết có thể google là truy ra điển tích,,  tác giả của những câu thơ tiếng Hán, hay những câu thơ vay mượn nổi tiếng của ai.  Không thể nói là tác giả bài thơ là đạo thơ vì nói như vậy là làm hư hoại danh dự người khác. 

Theo tôi nghĩ, chỉ cần để ngoặc kép là đủ. Vì có khi người viết khi làm bài thơ cũng không nhớ tác giả là ai. Nhưng cho dù thiếu ngoặc kép, người đọc cũng nên dễ dãi chút, đừng phê phán là "đạo thơ".  Vì sự phê phán đó rất nặng và tác giả bài thơ  không có ý đó. 

3. Có khi một tác giả dùng vài bút hiệu. Nếu bạn thấy thơ của tôi ở trên mạng mà có bút hiệu khác, cũng có thể là của tôi. Cũng có thể là người khác mượn dùng. Thí dụ vậy thôi. Phải đọc thêm ít nhiều bài thơ của 2 người, nhận xét phong cách, trình độ làm thơ, dấu ấn của mỗi tác giả, sau đó thì mới có thể đi đến kết luận. Cũng nên xem xét  mỗi tác giả cũng có khi có nhiều "văn phong" khác nhau khi làm những thể loại, đề tài thơ khác nhau.    

4. Có những cụm từ được coi là ngữ vựng thơ rồi, ai dùng cũng được, không cần chú thích, thí dụ như cụm từ "thanh mai trúc mã" của Lý Bạch, không cần chú thích là của ông này, hay cụm từ "chợ đời" ,v..v.

5. Những câu thơ bình thường, không có gì quá đặc biệt, mà rất nhiều nhà thơ cũng có thể tùy ý phóng bút làm ra, thì cho dù là giống nhau y chang, ai làm trước sau cũng vậy thôi, cũng không thể coi là của riêng mình, dành lấy bản quyền, mà nói người ta là "đạo thơ". Thí dụ những câu  như là :

a. Em như một đóa hoa hồng / Nụ cười tươi thắm cho lòng anh say.

b. Như làn mây trắng nhẹ bay

c.  Chiều hôm đi dạo vườn hoa, .... 

6. Có khi chí lớn gặp nhau, những câu thơ cũng khá đặc biệt lại na ná rất giống nhau, có thể chỉ  là trùng hợp giống nhau thôi. Cũng không thể nói là đạo thơ. 

Tôi có làm những câu thơ như vầy "như ánh sao đêm rạng cuối trời / như dòng suối biếc nhẹ nhàng trôi".  Nếu ai dùng y chang câu đầu,  hay câu sau với tôi, cũng chỉ là ngẫu nhiên trùng hợp thôi. Nếu 2 câu liên tiếp, có lẽ là có vấn đề. 

Đoạn thơ sau đây của tôi "Em đến như mây tự núi ngàn / Mang theo huyền thoại thuở hồng hoang / Thiên Hà, Bích Hải nơi em tới / Dư hương còn đọng giữa không gian" . Nếu ai đó có câu đầu y chang "Em đến như mây tự núi ngàn", với tôi mà nói , cũng rất có thể là "chí lớn gặp nhau", ngẫu nhiên trùng hợp mà thôi!  Không sao cả.    Nhưng câu 2,3,4 ý tưởng thuở hồng hoang, thiên hà, bích hải, dư hương..."có dấu ấn rất đặc thù  của mình, chưởng môn đời thứ nhất trường phái thơ "thiên nhai huyền mộng diễm tình thi". 🙂 Thì đến chín chấm chín phần mười là đạo thơ đó. Cũng tùy bài mà nói, nhiều khi tôi cũng rất lười phán xét, chỉ trích người khác "đạo thơ" trừ phi "đạo" những áng thơ mà tôi làm tặng các bằng hữu (cho dù có đề tặng hay không).  Nhưng mấy cái này thiệt không ăn cắp được.  Có dấu ấn của mình qua bao nhiêu bài thơ, thì của mình là của mình thôi.  

7. Nếu ai đạo nguyên bài thơ của người khác thì rất dễ cho nhận xét. Còn nếu như mượn 1,2 câu thơ dùng nếu ở 5,70 năm trước năm 2023 đây cũng có thể chỉ là "quên" chú thích  hay là thời buổi đó  không có nhu cầu cần thiết phải chú thích kỹ lưỡng như thời buổi bây giờ. 

8. Có khi trên mạng, điều tệ hại nhất, là đạo nguyên bài thơ, rồi sửa tầm bậy tầm bạ một số câu làm hư hoại hết bài thơ rồi để tên họ vào. Thà ăn cắp nguyên xi mà không đổi gì. Trường hợp này thật rất ngứa mắt, làm hư một áng thơ kiệt tác, .v.v như trong trường hợp bài thơ "Soi Gương Uống Rượu" của nữ sĩ Hoàng Hương Trang, bị nữ "thổ phỉ' nào đó trôm thơ rồi còn chà đạp thơ , sửa đổi bậy bạ.  

Nhà thơ làm thơ để ghi lại tâm tình của ho. Nên nhà thơ luôn yêu thích những vần thơ do chính họ làm ra, và hầu hết đều xem thường đạo văn thơ của người khác. 

Cho nên những trường hợp hai bài thơ  có những câu thơ na ná giống nhau, thường là "tư tưởng lớn gặp nhau". Cũng có khi một nhà thơ rất thích thơ của một tác giả nào đó, và ngấm vào lòng một số câu thơ, rồi tưởng là của mình , nhất là nếu câu thơ không quá đặc thù.  Chỉ trích một người là đạo thơ rất nghiêm trọng và ảnh hưởng danh dự.  Cần suy xét kỹ lưỡng.  Thà bỏ qua còn hơn vu oan. 

Một tràng nhàn luận, vui tay viết chơi,  xin  chia sẻ với bạn đọc, và các thi văn hữu. Mong rằng mọi người hãy  rất cẩn thận, phân tích kỹ lưỡng  và nhìn từ nhiều khía cạnh trước khi phát biểu nhận xét, hoặc là nghi vấn về một tác giả này có "đạo thơ văn" của tác giả khác hay không. 


Vương Thanh 

10.11.2023