Bài thơ Cẩm Sắt bí ẩn


Vương Thanh

Xin giới thiệu một bài thơ được coi là bí ẩn vào bậc nhất trong vườn thơ Ðường Thi mà thi hào Nguyễn Du đã dịch mấy câu trong truyện Kiều như sau:


Khúc đâu đầm ấm dương hòa

Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh

Khúc đâu êm ái xuân tình

Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên

Trong như ngọc dỏ duềnh quyên

Ấm như hạt ngọc Lam Ðiền mới đông...

Những câu thơ trên tả tiếng đàn của Thúy Kiều trong ngày  sum họp với Kim Trọng sau mười sáu năm xa cách.  Tình ý vui vẻ không giống như nguyên tác đượm nét u hoài. Có lẽ Nguyễn Du muốn nói lên  cái ý “tẻ vui cũng tại lòng này”.  Vì cùng một bản nhạc ấy, mà trước kia khi nghe Kiều dạo đàn, Kim Trọng đã phải than rằng : “Rằng hay thì thật là hay, nghe vô ngậm đắng nuốt cay thế nào”. Nguyên tác  của những câu thơ tả tiếng đàn của Thúy Kiều ở trên là bài thơ Cẩm Sắt của thi sĩ Lý Thương Ẩn thời Đường. 


Cẩm Sắt  

Cẩm sắt vô đoan ngũ thập huyền     

Nhất huyền nhất trụ tứ hoa niên

Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp

Vọng đế xuân tâm ký đỗ quyên 

Thương hải, nguyệt minh châu hữu lệ 

Lam Ðiền, nhật noãn ngọc sinh yên

Thử tình khả đãi thành truy ức  

Chỉ thị đương thời dĩ võng nhiên


Dịch nghĩa :

1. Ðàn gấm vì sao lại năm mươi dây 

2. Mỗi dây mỗi trục nhớ thời tuổi trẻ

3. Trang sinh trong giấc mộng sớm, hóa thành cánh bướm

4. Tấm lòng xuân của vua Thục đế sống lại trong tiếng hót của chim quyên

5. Biển rộng, trăng sáng, hạt châu long lanh nước mắt

6. Lam Ðiền,  ngày nắng ấm, ngọc bốc khói

7. Mối tình này có thể trở thành một kỷ niệm đẹp (để ta thường hoài niệm )

8. Chỉ là thuở ấy lòng ta đầy nỗi buồn rầu, chán nản  


Bản dịch của vương thanh: 

Ðàn gấm, năm mươi sợi ảo huyền

Từng dây, từng trục gọi hoa niên

Trang sinh, mộng sớm mơ hồn bướm

Thục đế, lòng xuân gửi tiếng quyên 

Trăng sáng, lệ châu nhòa Bích Hải

Nắng hanh, khói ngọc tỏa Lam Ðiền

Tình này ôn lại còn thương cảm

Một thuở đau lòng chữ nợ duyên 


Ðàn thuở ấy chỉ có hai mươi lăm dây,  năm mươi tuổi xuân thì lại là quá dài, cho nên chỉ hai câu đầu đã là đề tài bàn luận khó mà đưa đến một giải nghĩa thỏa mãn mọi người.  Câu thứ năm “châu hữu lệ” dùng điển tích thần thoại những nàng người  cá ở Nam Hải, khi khóc, những giọt nước mắt kết đọng thành hạt châu. Câu thứ sáu là một đề tài để bàn luận, suy gẫm. Lam điền nên hiểu theo nghĩa “ruộng xanh” hay nên hiểu theo nghĩa một địa danh ?  Lam Ðiền cũng là tên một nơi  chuyên sản xuất ngọc. Còn ngọc bốc khói lại là như thế nào.

Nếu hiểu theo nghĩa “ruộng xanh” thì câu sáu có thể giải thích như saụ. Nắng ấm buổi sớm, những giọt sương lóng lánh như ngọc trên ruộng xanh bốc lên thành khói. Tuy nhiên  trong thơ, hạt châu đã có thể kết đọng từ  nước mắt, thì ngọc bốc  khói cũng có thể là từ một điển tích nào đó mà thôi.  

Theo thiển ý người viết,  tác giả mượn tiếng đàn để tả về mối tình với một  thiếu nữ. Chàng thì đa tình như Thục Ðế còn nàng thì mơ mộng như một Lâm Ðại Ngọc khóc hoa rơi, với đôi mắt sâu thăm thẳm như biển cả,  long lanh những giọt châu lệ của những nàng tiên người cá khi xa cách người yêu. Tiếc là mối tình tuy đẹp như huyền thoại, nhưng lại mong manh như khói ngọc Lam Ðiền, để  cho thi nhân ôm một mối hận lòng, và để lại cho ngàn sau những vần thơ diễm tuyệt. 


vương-thanh 

youtube video link:  https://www.youtube.com/watch?v=_0TsEQdD774