Cũng như Việt Nam, Nhật Bản cũng có một thời gian dài sử dụng lịch Âm Dương. Nhưng đến năm Minh Trị thứ 5 (1872), nhằm đạt được sự đồng bộ khi giao lưu, buôn bán với các nước phương Tây, Nhật Bản đã chuyển hẳn sang dùng Dương lịch. Do đó Âm Dương lịch còn được gọi là Cựu lịch và Dương lịch được gọi là Tân lịch.

Trong Cựu lịch, mười hai tháng đều có tên gọi riêng, thể hiện đặc trưng của từng mùa, và nếp sinh hoạt, phong tục, tập quán của người Nhật. Nào, mời các bạn hãy cùng Michi tìm hiểu về tên gọi của từng tháng nhé.


Tháng 4_卯月 (uzuki) Mão Nguyệt

卯月 có cách đọc là Uzuki hoặc Uduki. Có nhiều giải thuyết xoay quanh cách đọc tháng 4.

Trong số đó có thuyết cho rằng đây là tháng loài hoa Utsugi nở rộ nên mới được đặt tên là Uzuki, nhưng trong thực tế, loài hoa này nở từ trong khoảng tháng 5 đến tháng 6.

Cũng có nguồn nói rằng, tên gọi Uzuki bắt nguồn từ những chữ sau植月(Urutsuki ), 種月(Uduki), 田植苗月(Tauenabeduki), 苗植月(Nabeuruduki), tất cả đều có nghĩa là tháng trồng lúa.

Một thuyết khác đơn giản hơn, vì con thỏ đứng thứ tư trong 12 con giáp nên được lấy làm tên gọi cho tháng tư. Tuy vậy nó không được nhiều người đồng tình, vì không xuất hiện trường hợp nào giống như vậy từ các tháng khác.


Tháng 3_弥生 (Yayoi) Di Sinh

弥生 là cách gọi rút gọn từ câu 木草弥生ひ茂る月, nghĩa là tháng cây cỏ đâm chồi.

Trong chữ 弥生, 弥 có nghĩa là “gần đến, sắp”, còn 生 mang ý chỉ vạn vận, cây cối sinh sôi. Di sinh nghĩa là khi mùa đông kết thúc, cũng chính là thời kỳ vạn vật dần dần đâm chồi nảy lộc. Tháng ba, tiết trời dần trở nên ấm áp, cũng là lúc hoa anh đào chớm nở, dệt nên một bức tranh tuyệt đẹp trên khắp đất nước Nhật Bản.

Tháng 2 – 如月 (Kisaragi) Như Nguyệt

Có nhiều giả thuyết về tên gọi của tháng hai âm lịch. Lần lượt gồm:

1. Phổ biến nhất bắt nguồn từ cụm từ 衣更着 (衣 -y phục, 更- thêm vào, lần nữa, 着-mặc.), tức là mặc thêm quần áo.

2. Cũng có thuyết cho rằng nguồn gốc tên gọi là từ cụm từ 気更来 hoặc 息更来, nghĩa là rảnh rỗi, thong thả. Tháng hai là tháng rét nhất trong năm, trời lạnh cắt da cắt thịt, con người không có việc gì khác ngoài ở nhà, nên đây là tháng rảnh rỗi nhất.

3. Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm biến chuyển, nhiệt độ trở nên ấm dần, vạn vật vui mừng nghênh đón mùa xuân đang đến nên được gọi là 来更来.

4. Tháng hai, nhiệt độ ấm dần lên, cây cối bắt đầu một chu kì sống mới nên có thêm từ 生更木 , đây cũng là tháng những mầm non trên cành bắt đầu vươn mình mạnh mẽ gọi là 草木張り月(さきはりづき) dần dần, từ này được biến âm và rút gọn thành きさらぎ.

Ngoài ra, từ Kanji 如月 có nguồn gốc là cách gọi tên khác của tháng hai ở Trung Quốc.

Tháng 1-睦月 (Mutsuki) Mục Nguyệt

Có đến ba giả thuyết về nguồn gốc tên gọi của tháng:

1. Chữ 睦 mang ý nghĩa hài hòa, gắn bó. Có thể thấy trong các từ như:

和睦 (わぼく) Sự hoà giải

敦睦 (あつしあつし) Thương yêu

仲睦まじい (なかむつまじい) Hài hoà; thân thiết

Tháng 1 cũng là thời điểm các thành viên trong gia đình tề tựu đông đủ, bạn bè gặp gỡ nhau sau một thời gian xa cách. Đó là lý do vì sao tháng đầu tiên trong năm được gọi là Mutsuki.

2. Một thuyết khác cho rằng: ban đầu tháng 1 có tên là 元つ月(もとつつき), 元 có nghĩa là “khởi đầu”, “bắt đầu”. Theo thời gian, người ta đọc chệch đi thành 睦月(むつき)

3. Thuyết thứ ba: từ thời Yayoi, Nhật Bản đã là một nước nông nghiệp, phân chia mùa vụ và trồng lúa có liên hệ mật thiết với nhau. Việc ngâm hạt giống lên mầm là việc làm của đầu năm . Theo cách hiểu này, tháng 1 được gọi là実月(むつき), dần dần do hiện tượng đồng âm khác nghĩa mà sau này viết thành睦月(むつき)