Tình yêu & Cái đẹp

Người đan giỏ

Tại Ấn Độ, chỉ vài trăm năm sau khi Phật nhập diệt, có một chàng thanh niên nguyện theo hạnh một vị tu sĩ Phật giáo và trở thành một tỳ-kheo. Chàng trở thành một người khất thực, nguyện diệt mọi dục vọng thế gian và luôn luônchế ngự tâm, hướng tâm vào bên trong.Vị tỳ-kheo sống độc cư trong rừng, nhưng thỉnh thoảng cũng vào làng để nhận tặng phẩm của mọi người và cũng dùng năng lực của thiền định để hồi hướng công đức cho dân làng.

Lần nọ, có một nàng thôn nữ, chỉ nhìn thấy vị tỳ-kheo, thấy cách đi đứng và cặp mắt giác ngộ, nàng liền đem lòng yêu mến tức khắc, không sao cưỡng nổi.Nàng đánh bạo bày tỏ tâm tình với vị tỳ-kheo, nhưng vị này cũng nói rõ đã theo hạnh diệt dục, và sẽ không bao giờ lập gia đình. Thời gian trôi qua, nàng thôn nữ lẽ ra phải dần quên mối tình, nhưng thực tế lòng say mê ngày càng sôi sục hơn. Dần dần tình cảm này càng nồng cháy đến độ nàng không còn biết gì nữa. Bà con bạn bè tìm cách dỗ dành, các vị trưởng lão trong làng cũng như các vị tỳ-kheo đều cho thấy mối tình này là vô vọng. Tuy thế không ai có thể chữa trị nổi lòng đam mê của nàng.Ngày nọ, vị tỳ-kheo nghe tin nàng không còn thiết sống, muốn tự vẫn. Vị này liền vào làng và thấy nàng quả thật trong một tình cảnh bi đát, và không thể làm khác hơn là phải theo lời khẩn cầu của nàng và cha mẹ nàng, tức là cưới nàng làm vợ."Ta đã nguyện diệt mọi dục vọng thế gian. Đồng thời ta cũng đã nguyện theo hạnh Bồ-tát, tức là phải tìm cách giúp mọi loài hữu tình theo khả năng của mình. Trong tình cảnh này phải theo hạnh Bố-tát thôi”.

Không bao lâu sau, hai người cưới nhau. Trong buổi lễ kết hôn, chàng tự nhủ "Đã làm cái gì thì làm cho đến nơi đến chốn”. Tỳ-kheo đó trở thành một người chồng gương mẫu. Chàng đọc ngay trong mắt những ước muốn của vợ mình và cũng được trả lại bằng tình yêu đậm đà nhất. Hai vợ chồng tiếp nối công việc đan giỏ của cha ông và dạy dỗ các con trong nghề đan giỏ. Vị tỳ-kheo ngày xưa thực hành các động tác nghề nghiệp cũng với sự chăm chú của thiền định, tuy thế không hề tách biệt với người xung quanh.Hai vợ chồng ngày càng xây được sản nghiệp lớn lao. Tiếng đồn ngày càng xa, giỏ của gia đình này có chất lượng vượt xa và nhất là chúng mang lại nhiều may mắn cho người sử dụng.Vài chục năm, gia đình này trở nên giàu có và người đan giỏ nọ trở thành một người danh tiếng, nhiều người đến tìm ông xin ý kiến. Con cháu họ tiếp tục gia nghiệp và cái làng nhỏ bé nọ trở thành nổi tiếng với nghề làm giỏ.

Khi người đan giỏ nọ cao tuổi chết đi, người vợ chết theo không bao lâu sau đó. Cả hai được tái sinh trong cõi cực lạc phương Tây, một cõi tịnh độ của Phật A-di-đà.Phật A-di-đà, vị Vô Lượng Quang Phật, tiếp dẫn sự tái sinh và cho người đan giỏ biết rằng, ông đã làm đúng, khi từ bỏ cuộc đời tu sĩ để cứu mạng sống của một người khác. "Với lòng từ bi quên mình, ngươi đã thực hành đúng nghĩa nhất: hạnh diệt dục”, Phật nói như thế. « Vì thế, ngươi và những người liên hệ nghiệp lực chặt chẽ với ngươi sẽ được nhập Niết-bàn không bao lâu sau nữa”.

Thiền sư đi vắng, có người tới vấn đạo gặp chú tiểu:

- Sanh tử từ đâu đến?

- Chẳng sanh chẳng tử!

- Vậy ngài chết đi về đâu?

- Ta chẳng đến cũng chẳng đi!

- Thế nào là niết bàn?

- Ngay đây là niết bàn?

- Ngài quả là cao nhân đắc đạo!

Người ra về, chú tiểu thích thú.

Thiền sư về, chú tiểu thuật lại câu chuyện ra vẻ đắc ý, thiền sư chỉ cười.

Thời gian sau chú tiểu lâm bệnh nặng vội nhờ thiền sư khai thị cho “con đường giải thoát”:

- Xin thầy chỉ cho con con đường giải thoát

- Ngươi chẳng đến chẳng đi mà

- Đó là con nói theo lời con nghe được

- Vậy sao không thú nhận với người vấn đạo?

- Vì lúc đó con là “cao nhân”

- Giờ thì “cao nhân” tự giải thoát đi!

ĐỂ ĐỜI HAI CHỮ NGHĨA NHÂN

Mặc Tử là người luôn thích làm việc nghĩa, không phải cầu danh mà vì bản tánh thương người. Hôm nọ, ông qua nhà người bạn cũ thăm chơi.

Người bạn nói với Mặc Tử rằng: “Bây giờ thiên hạ ai còn thiết đến việc ‘nghĩa’, một mình ông tự khổ thân để làm việc nghĩa, thì có thấm vào đâu! Chẳng thà thôi đi có hơn không?”

Mặc Tử nghe vậy liền nói: “Ví dụ như nhà ông chẳng hạn, một mình ông làm để nuôi bốn đứa con và người vợ. Vì những người kia không làm ra tiền, tất thảy đều dựa vào ông. Nên ông phải lo cày thêm ruộng nhiều hơn để nuôi những đứa con nhỏ không biết làm gì. Tại sao thế? Tại đứa ở không nhiều, người đi cày ít. Bây giờ thiên hạ chẳng ai chịu làm việc nghĩa, thì ông phải biết khuyên tôi càng làm mới phải, có đâu lại ngăn tôi như thế!”

Câu chuyện của người xưa, nhưng ngày nay vẫn còn nhiều trường hợp giống như vậy. Đặt giả thiết là chúng ta không đủ điều kiện, hoặc không có thời gian, hay chưa từng làm được điều gì lợi ích cứu giúp đời. Một khi thấy ai đó họ làm được thì cũng nên khởi tâm hoan hỷ khen ngợi động viên, chỉ chừng đó cũng là một điều kì diệu rồi. Lẽ nào làm người mà thấy kẻ khác làm việc nhân nghĩa lại cản ngăn? Như thế khác nào phô diễn tâm ích kỷ hẹp hòi cho người ta biết.

Dòng sông cũng tùy theo mùa mà có lúc vơi lúc đầy. Đời người cũng thế, khi này khi khác. Bạn hãy nhớ rằng giúp người hôm nay, chính là cứu mình ngày mai.

Bởi vậy ca dao có câu:

“Cây xanh, thì lá cũng xanh,

Cha mẹ hiền lành, để đức cho con.”