vxmt 48

Hoài Hương sưu tầm

Mỗi độ tết đến xuân về, ở mỗi miền quê Việt Nam thường tổ chức lễ hội Xuân cầu mong 1 năm mới ấm no, hạnh phúc. Trong ngày hội vui ấy không thể thiếu những trò chơi dân gian, bản sắc riêng của những địa phương ấy. Trò chơi dân gian ngày xuân, không chỉ mang tính chất vui chơi giải trí, mà đằng sau còn có ý nghĩa tâm linh, ý nghĩ nhân văn, là món ăn tinh thần của người dân Việt. Là nét văn hóa độc đáo trong kho tàng dân gian Việt Nam.

Trên một khoảnh đất rộng, sáu hay tám cây tre dài được chôn sâu đủ vững chắc để chịu được sức nặng của hai người cùng với lực đẩy quán tính. Hai cây tre làm cần đu nhỏ, vừa tay cầm được treo ở chính giữa. Lên đu có thể là một hay hai người. Càng nhún mạnh thì đu càng lên cao từ bên nọ sang bên kia, nhiều khi đu bay ngang ngọn đu một vòng. Ở nhiều nơi, người ta còn treo phần thưởng ở ngang ngọn đu để người đu giật giải.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Ất Tị, năm thứ tám niên hiệu Đại Trị đời Trần Dụ Tông (1363)…, mùa xuân, tháng Giêng, người Chiêm Thành đến bắt dân ở châu Hóa. Hàng năm, cứ đến mùa xuân tháng Giêng, con trai, con gái họp nhau đánh đu ở Bà Dương. ”

Như vậy, từ thế kỷ 12 đã ghi nhận sự thịnh hành của trò chơi dân gian này, qua đó cũng thấy được sự hoà nhập hết sức tự nhiên của đánh đu trong cuộc sống và lễ hội của người Việt.

Có nhiều loại hình thức và cách thức đánh đu, nhưng phổ biến và được ưa chuộng nhất là đánh đu đôi hay còn gọi là đu tiên. Theo đó, từng cặp hai người sẽ lên so tài đánh đu sao cho đẹp mắt và nhún bay lên một tầm nhất định để được tán thưởng. Nhún đu cũng là một cách sinh hoạt để đôi lứa tìm nhau và trao nhau những điều khó nói qua ánh mắt bàn tay.

Hình ảnh tà áo nhiều màu sắc bay cùng cần đu đưa lên vun vút trong tiếng hò reo cổ vũ của người xem thực sự trở thành một nét đặc trưng của các lễ hội.

Trò chơi này ngoài tính thể thao, rèn luyện và giải trí, còn là dịp để trai gái giao lưu, gần gũi, tỏ tình với nhau nhất là những ngày hội làng và những dịp xuân về.

Trong thi ca một bài thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương tràn đầy không khí của một ngày hội xuân là bái thơ “ Đánh Đu”.

Qua cuốn Hồ Xuân Hương – hoài niệm phồn thực (NXB Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 1999), Đỗ Lai Thúy bình chú: “Thiên tài Hồ Xuân Hương là miêu tả cảnh đánh đu rất đẹp, đầy hình ảnh, màu sắc, động tác gợi được không khí xuân. Vẻ đẹp của thân thể con người cũng được miêu tả gợi cảm. Đồng thời, bằng tài nghệ của mình, nhà thơ đã dựng lên nghĩa lấp lửng, phục nguyên được ý nghĩa phồn thực của trò chơi đánh đu”.

Đánh đu

Tám cột khen ai khéo khéo trồng,

Người thì lên đánh, kẻ ngồi trông.

Trai đu gối hạc khom khom cật,

Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.

Bốn mảnh quần hồng bay phất phới.

Hai hàng chân ngọc duỗi song song.

Chơi xuân ai biết xuân chăng tá!

Cột nhổ đi rồi, lỗ bỏ không.

Hồ Xuân Hương

Bỏ qua một bên điều được phân tích như “ý ngầm” thì bài thơ “Đánh đu” của Hồ Xuân Hương đã vẽ một bức tranh sinh hoạt sống động của các nam thanh nữ tú trong ngày hội Tết miền quê ngày xưa .

Nguồn :Facebook Hãy Để Tâm Bình An

Trở lại trang Mục Lục